Ông Trump chích mũi tăng cường là ‘quyền tự do của ông ấy’

VOA Tiếng Việt

Việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận ông đã chích mũi vaccine tăng cường ngừa Covid-19 đã đối mặt sự phản đối từ những ủng hộ viên trung thành của ông nhưng cũng có người thông cảm và cho đó là ‘quyền tự do của ông ấy’.

Mặc dù ông Trump ca ngợi những nỗ lực của chính quyền ông trong việc phát triển vaccine nhưng ông hiếm khi nói về việc chích ngừa của bản thân và lâu nay gần như không khuyến khích người ủng hộ đi chích ngừa.

Do đó, khi ông Trump cho biết ở Dallas hôm 19/12 rằng ông đã chích mũi vaccine ngừa Covid-19 tăng cường mặc dù trước đó từng nói là ‘sẽ không chích’, ông đã bị một số ủng hộ viên la ó, theo đoạn clip được chia sẻ trên mạng xã hội.

‘Đừng để người khác nhận công’

Bình luận này được ông Trump đưa ra với ông Bill O’Reilly, cựu xướng ngôn viên của Fox News. Theo hình ảnh video được O’Reilly đăng trên Twitter, ông nói: “Cả Tổng thống và tôi đều đã chích ngừa” và sau đó hỏi ông Trump “Ông có chích mũi tăng cường không?”.

“Có,” ông Trump nói trước những tiếng la ó lẻ tẻ từ phía khán giả. “Đừng, đừng, đừng, đừng,” ông Trump nói trong nỗ lực dường như muốn dập tắt những tiếng la ó. “Không sao, chỉ là một nhóm rất nhỏ đằng kia.”

Ông Trump cũng cảnh báo những người ủng hộ rằng họ đang ‘làm lợi cho người khác’ khi phủ nhận vaccine và không nhận công lao cho vaccine.

“Nhìn xem, chúng ta đã làm được điều lịch sử, chúng ta đã cứu sống hàng chục triệu người trên toàn thế giới. Chúng ta cùng nhau, tất cả chúng ta, chứ không phải tôi,” ông Trump nói trong đoạn băng và ngay sau đó ông bị la ó.

Ông nói tiếp rằng Covid-19 sẽ ‘tàn phá đất nước vượt xa hiện tại’ nếu không có vaccine.

“Hãy nhận công cho vaccine. Nó rất tuyệt. Những gì chúng ta làm mang tính lịch sử. Đừng để họ cướp nó đi. Đừng để chúng ta mất nó,” ông Trump nói. “Nếu quý vị không muốn chích, quý vị không nên bị ép buộc phải chích. Không chấp nhận lệnh chích ngừa. Nhưng hãy ghi nhận.”

Ông Trump đã từng nhiễm Covid khi còn là tổng thống, đã chích ngừa mũi vaccine đầu tiên mà không cho báo chí thấy trước khi rời nhiệm sở. Cũng không có hình ảnh chính thức nào ghi lại việc ông đã chích ngừa, CNN dẫn nguồn từ một người nắm rõ vấn đề cho biết. Và ông Trump cũng không tham gia vào một sự kiện Covid-19 công khai có sự tham gia của tất cả các cựu tổng thống còn sống khác của Mỹ.

Trong khi đó, khác với ông Trump, Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần lên truyền hình kêu gọi người dân Mỹ đi chích ngừa. Bản thân ông Biden cũng đã làm gương bằng cách xắn tay áo lên chích trước ống kính truyền hình cho người dân cả nước thấy.

Ông Trump từng nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal hồi tháng 9 rằng ‘không có khả năng ông sẽ chích mũi tăng cường’, và rằng từ góc độ đó ông ‘cảm thấy mình ở trong tình trạng tốt’.

“Tôi sẽ xem xét mọi thứ sau,” ông nói thêm. “Tôi không phản đối mũi tăng cường, nhưng có lẽ nó không dành cho tôi.”

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, đã ca ngợi quyết định của ông Trump công khai việc chích mũi tăng cường nhưng cho rằng việc ông Trump bị la ó phản đối cho thấy ‘sự chia rẽ quá sức ở nước Mỹ trong vấn đề y tế cộng đồng này’.

Những người chưa chích ngừa có nguy cơ dương tính gấp 10 lần và nguy cơ tử vong gấp 20 lần so với những người đã chích đầy đủ bao gồm mũi tăng cường, theo dữ liệu được Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ công bố mới đây.

‘Trump không chống vaccine’

Từ Orlando, bang Florida, ông Nguyễn Thanh Thụy, người từng là chủ tịch cộng đồng người Việt miền Trung Florida, nói chuyện ông Trump thay đổi ý định và việc ông chích mũi tăng cường ‘là quyền tự do của ông ấy’.

“Cũng giống như tôi, tôi chích mũi thứ 2 hồi tháng 2 đến giờ gần cả năm mà tôi vẫn chưa chích mũi tăng cường,” ông nói và cho biết hồi tuần trước ông và vợ đã quyết định ‘sẽ đi chích mũi thứ 3’.

“Vợ chồng tôi đổi ý định vì thấy cũng chẳng tốn kém gì, thấy được là làm luôn cho xong chứ không phải là việc quan trọng,” ông Thụy giải thích và cho rằng đó là quyết định của ông chứ không phải bị ảnh hưởng từ lời kêu gọi của cựu tổng thống mà ông là ủng hộ viên nhiệt thành.

Ông cho rằng việc ông Trump đến lúc này mới công khai việc đã chích mũi tăng cường là ‘do không có ai hỏi chứ không phải ổng muốn giấu’. “Họ (người ủng hộ ông Trump) thất vọng, phản đối là quyền của họ, nhưng tôi chỉ phản đối nếu ông ấy đã chích mà nói không chích,” ông nói.

“Ông Trump không thể chống vaccine. Ông hỗ trợ cho vaccine. Ông Biden nhờ công ông Trump mà có thuốc kịp thời cứu người dân,” ông Thụy lập luận.

Về việc ông Biden tích cực kêu gọi người dân đi chích ngừa còn ông Trump hiếm khi làm như vậy, ông Thụy cho rằng ‘tùy theo lý tưởng mỗi người’.

“Ông Biden không những muốn mà còn ép buộc người dân đi chích,” ông nói. “Ông Trump thì khác. Ông muốn cho người dân quyền tự do lựa chọn được chích hay không.”

Trước bối cảnh biến chủng Omicron đang lây lan nhanh chóng ở Mỹ, ông Thụy nói ông vẫn phản đối việc bắt buộc chích ngừa vì ‘mình sống ở Mỹ, quyền tự do vẫn là cao nhất’.

“Hãy để họ tự quyết định số phận của họ. Nếu họ không chích mà có số mệnh như vậy (bị lây nhiễm) thì họ phải chịu thôi,” ông nói.

‘Trump chích là cần thiết’

Về phần mình, y sĩ Nhất Nguyên, chủ một cơ sở đông y ở Houston, Texas, và là một người hoài nghi vaccine, cho rằng việc cựu Tổng thống Donald Trump chích mũi tăng cường là cần thiết vì ông ‘đã lớn tuổi, cho dù có khỏe cách mấy thì cũng nên đi chích’.

Ông Nhất Nguyên nói bản thân ông không mặn mà với vaccine nhưng ‘tôn trọng quyết định người khác’ và ‘vẫn khuyên người lớn tuổi, người có bệnh nền đi chích ngừa’.

Theo lời ông thì ông buộc phải chích hai mũi vaccine để ‘có thể đi lại đến những nơi có yêu cầu ngặt nghèo về vaccine’. Tuy nhiên, đến nay ông vẫn không tiêm mũi tăng cường.

“Đến lúc nào đó nếu tôi thấy cần thiết thì sẽ đi chích (mũi tăng cường),” ông nói với VOA.

“Trong đông y, sức đề kháng là quan trọng. Chích bất cứ cái gì vào cơ thể cũng ảnh hưởng đến sức đề kháng,” ông giải thích lý do ông chống vaccine và cho biết lâu nay ông ‘vẫn dùng đông y để tăng cường sức đề kháng’ nên không cần chích vaccine.

Giống như ông Thụy, y sĩ Nhất Nguyên nói ông phản đối việc ép buộc chích ngừa mặc dù biến chủng Omicron đang lây lan nhanh. Tuy nhiên, ông cho rằng việc chính quyền Biden ‘vận động người dân đi chích ngừa là điều tốt cho xã hội’.

Ông Trump chích mũi tăng cường là ‘quyền tự do của ông ấy’

Chánh án liên bang xét 3 đơn kiện Trump ngày 10 Tháng Giêng năm tới

Chánh án liên bang xét 3 đơn kiện Trump ngày 10 Tháng Giêng năm tới

December 17, 2021 

WASHINGTON, DC (NV) — Một chánh án liên bang vào ngày 10 Tháng Giêng tới đây dự trù sẽ nghe các tranh luận về ba vụ kiện nhằm vào cựu Tổng Thống Donald Trump và những người khác từ các thành viên Quốc Hội lẫn cảnh sát bảo vệ Điện Capitol, liên quan đến vụ bạo loạn hôm 6 Tháng Giêng tại Điện Capitol, theo bản tin hãng thông tấn UPI hôm Thứ Năm, 16 Tháng Mười Hai.

Ông Amit Mehta, chánh án liên bang, dự trù cho các luật sư của ông Trump gặp mặt các nhà lập pháp và giới chức thẩm quyền, những người cáo buộc rằng vị cựu tổng thống có một phần vai trò kích động cuộc bạo loạn.

Tòa nhà Quốc Hội Mỹ. (Hình minh họa: Drew Angerer/Getty Images)

Vụ bạo loạn đã buộc các nhà lập pháp phải di tản khỏi Điện Capitol trong lúc lưỡng viện Quốc Hội Mỹ, dưới sự chủ tọa của Phó Tổng Thống Mike Pence, đang nhóm họp để chứng nhận ông Joe Biden là người chiến thắng cuộc bầu cử năm 2020.

Ông Mehta cũng là người sẽ xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động nhóm Oath Keepers vào ngày 6 Tháng Giêng. Phiên tranh luận sắp tới sẽ trực tiếp xem xét vai trò của cựu tổng thống Trump trong vụ bạo loạn.

Các đơn kiện được đệ trình bởi các cá nhân như Dân Biểu Eric Swalwell (Dân Chủ – California), cáo buộc ông Trump, Luật Sư Rudy Giuliani, Donald Trump Jr. và Dân Biểu Mo Brooks (Cộng Hoà – Alabama). Ngoài ra còn có Dân Biểu Bennie Thompson (Dân Chủ – Mississippi) và 11 Dân Biểu đảng Dân Chủ khác, cáo buộc ông Trump, Luật Sư Giuliani, hai nhóm Proud Boys và Oath Keepers. Ông Thompson sau đó rút khỏi vụ kiện để đứng đầu Uỷ Ban Hạ Viện điều tra vụ bạo loạn. Có hai cảnh sát Điện Capitol, chỉ cáo buộc ông Trump trong đơn kiện.

Hiện có hơn hơn 700 nghi can trong vụ bạo loạn đang bị Bộ Tư Pháp nhắm tới trong cuộc điều tra. (V.Giang)

Cựu chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc nộp hồ sơ âm mưu đảo chánh giúp Trump tiếp tục giữ ghế

 Cựu chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc nộp hồ sơ âm mưu đảo chánh giúp Trump tiếp tục giữ ghế

December 11, 2021

WASHINGTON, DC (NV) – Ông Mark Meadows, cựu chánh văn phòng Toà Bạch Ốc thời chính quyền Donald Trump, giao nộp tài liệu thảo ra âm mưu để cựu tổng thống ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm ngăn chặn tiến trình xác nhận kết quả bầu cử hồi Tháng Giêng mà người thắng là ứng cử viên Joe Biden, theo nhật báo The New York Times loan tin hôm Thứ Bảy, 11 Tháng Mười Hai.

Tài liệu quan trọng này là một hồ sơ dạng PowerPoint, được ông Meadows giao nộp cho Uỷ Ban Điều Tra Bạo Loạn Quốc Hội, có tiêu đề “Gian lận bầu cử, can thiệp từ ngoại quốc và những biện pháp vào hôm 6 Tháng Giêng,” đưa ra một số kế hoạch dựa trên những tuyên truyền dối trá, bịa đặt chuyện gian lận bầu cử nhằm giữ cho ông Trump tiếp tục làm tổng thống nhiệm kỳ thứ nhì.

Ông Mark Meadows, cựu chánh văn phòng Toà Bạch Ốc thời chính quyền Donald Trump. (Hình: Andrew Caballero-Reynold/AFP via Getty Images)

Việc ông Meadows được chuẩn bị sẵn một hồ sơ PowerPoint một ngày trước vụ bạo loạn cho thấy ông này ít nhất đã biết trước về những toan tính của ông Trump và các phe cánh của họ nhằm ngăn chặn tiến trình xác nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2020, mà cựu tổng thống là người thua cuộc.

Ông Meadows nhận hồ sơ PowerPoint dài 38 trang qua email.

Cựu Đại Tá Lục Quân Phil Waldron xác nhận với nhật báo The Washington Post rằng ông là người chuyển đi kế hoạch này và tham gia trong nhóm luật sư của ông Trump để trình bày với nhiều nhà lập pháp Cộng Hoà kế hoạch “đảo chánh,” “Options for 6 JAN,” mà trong đó ông Waldron giữ phận sự tố cáo “ngoại quốc can thiệp” vào bầu cử.

Ông Waldron cho biết ông đã đến Toà Bạch Ốc nhiều lần sau ngày bầu cử 3 Tháng Mười Một, 2020, và nói chuyện với ông Mark Meadows cũng như một số thành viên Quốc Hội ít nhất 10 lần trong ngày bạo loạn 6 Tháng Giêng.

Cựu Tổng Thống Donald Trump kích động người ủng hộ kéo đến Quốc Hội ngăn chặn tiến trình xác nhận kết quả bầu cử ngày 6 Tháng Giêng. (Hình: Brendan Smialowski/AFP via Getty Images)

Bản PowerPoint mà ông Waldron chuyển đi vạch kế hoạch thông báo khẩn cấp cho các thượng nghị sĩ và dân biểu Quốc Hội sự can thiệp từ ngoại quốc để tạo lý do cho ông Trump có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Qua đó, cựu tổng thống sẽ tuyên bố các phiếu bầu điện tử bất hợp lệ và yêu cầu Quốc Hội đồng ý đưa ra một giải pháp khắc phục.

Bản PowerPoint này cũng đưa ra các lựa chọn khác nhau nhằm để ông Mike Pence, lúc đó là phó tổng thống của ông Trump, tận dụng chức vụ khi đó để huỷ xác nhận kết quả bỏ phiếu của đại cử tri các tiểu bang hôm 6 Tháng Giêng và đơn phương đưa chiến thắng cho ông Trump tiếp tục giữ ghế tổng thống.

Sau khi ông Pence từ chối thực hiện các đề nghị nêu trên, từ chiều tối hôm 5 Tháng Giêng đến rạng sáng 6 Tháng Giêng, ông Trump bắt đầu thúc ép các đồng minh tại Quốc Hội ngăn chặn hoàn toàn buổi chứng nhận kết quả chiến thắng của ông Biden.

Cựu Phó Tổng Thống Mike Pence xác nhận kết quả bỏ phiếu của đại cử tri trong ngày 6 Tháng Giêng. (Hình: Saul Loeb/Pool/AFP via Getty Images)

Bản PowerPoint đề nghị cả ông Trump và ông Pence tuyên bố vô căn cứ về gian lận bầu cử, bao gồm cả tuyên bố “Trung Quốc giành quyền kiểm soát hệ thống bầu cử” ở tám tiểu bang chiến trường.

Nguồn tin cho biết bản Powerpoint được trình bày cho một số thượng nghị sĩ và dân biểu Cộng Hòa tại Quốc Hội hôm 4 Tháng Giêng.

Tuyên truyền bầu cử gian lận của ông Trump và phe cánh bị chính ông William Barr, bộ trưởng Bộ Tư Pháp do chính ông Trump bổ nhiệm, phủ nhận khi ông tuyên bố không hề có bằng chứng và dấu hiệu gian lận ảnh hưởng kết quả bầu cử.

Bản PowerPoint nêu trên được giới chức điều tra phát hiện trong hơn 6,000 tài liệu mà ông Meadows giao nộp.

Những người ủng hộ Tổng Thống Donald Trump gây bạo loạn tại Quốc Hội hôm 6 Tháng Giêng. (Hình: Spencer Platt/Getty Images)

Trong những tài liệu mà uỷ ban điều tra Hạ Viện thu thập có những tin nhắn của ông Meadows trả lời “I love it” khi các thành viên Quốc Hội tiết lộ về kế hoạch “đảo chánh” bằng cách xác nhận kết quả bầu cử của những đại cử tri “tự phong” bỏ phiếu cho ông Trump.

Thoạt đầu, ông Meadows tuyên bố hợp tác với Uỷ Ban Điều Tra Bạo Loạn Quốc Hội và giao nộp tài liệu, nhưng ông đột ngột tuyên bố ngừng hỗ trợ điều tra vào hôm Thứ Ba, 7 Tháng Mười Hai.

Đáp trả tuyên bố bất hợp tác của ông Meadows, ủy ban cho biết sẽ truy tố hình sự ông Meadows vì không tuân thủ trát đòi điều trần.

Dân Biểu Bennie Thompson (Dân Chủ-Mississippi), chủ tịch uỷ ban, cho biết sẽ có một cuộc bỏ phiếu luận tội ông Meadows cản trở Quốc Hội, dự trù diễn ra vào tuần tới. (MPL) [đ.d.]

Ủy ban Hạ viện Mỹ điều tra vụ 6/1 buộc thêm phụ tá của Trump ra khai chứng

Ủy ban Hạ viện Mỹ điều tra vụ 6/1 buộc thêm phụ tá của Trump ra khai chứng

11/12/2021

Ủy ban Hạ viện Hoa Kỳ điều tra vụ bạo loạn chết người ngày 6 tháng 1 tại Điện Capitol ngày thứ Sáu cho biết họ đã ra thêm sáu trát buộc cung cấp thông tin từ các nhân chứng, bao gồm một số phụ tá hàng đầu từ Nhà Trắng của cựu Tổng thống Donald Trump.

Ủy ban Đặc tuyển Hạ viện ra trát đối với Brian Jack, người từng là giám đốc chính trị Nhà Trắng thời Trump; Max Miller, một cựu trợ lý đặc biệt của ông Trump hiện đang tranh cử một ghế Hạ viện ở Ohio được ông Trump ủng hộ; và Bobby Peede, cựu giám đốc nhân viên tiền trạm của Nhà Trắng, làm công tác chuẩn bị các sự kiện mà ông Trump tới dự.

Ủy ban nói ông Peede và ông Miller đã gặp ông Trump trong một phòng ăn riêng tại Nhà Trắng để bàn bạc về cuộc tập hợp của ông Trump vào ngày 6 tháng 1 – ngày mà những người ủng hộ ông tuần hành đến Điện Capitol – và ông Jack được cho là đã liên lạc với một số thành viên Quốc hội thay mặt ông Trump để mời họ phát biểu tại cuộc tập hợp.

Ủy ban cũng ra trát buộc khai chứng đối với Bryan Lewis, một cựu giám đốc điều hành của Fox News, người mà ủy ban cho biết đã xin giấy phép tổ chức cuộc tập hợp bên ngoài Điện Capitol; Ed Martin, người mà ủy ban mô tả là người tổ chức phong trào “Stop the Steal” tuyên bố sai trái rằng ông Trump không thua bầu cử, và Kim Fletcher, người điều hành một tổ chức ủng hộ Trump mang tên Moms for America đã tổ chức một cuộc tập hợp gần Điện Capitol vào ngày 5 tháng 1.

Ủy ban đã ra hơn 50 trát buộc khai chứng và nghe chứng từ hơn 275 nhân chứng trong cuộc điều tra vụ tấn công do những người ủng hộ cựu tổng thống Đảng Cộng hòa thực hiện khi Quốc hội hội họp để chính thức chứng nhận chiến thắng bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm 2020 của ứng cử viên Đảng Dân chủ Joe Biden.

Bốn người chết trong ngày bạo loạn đó, và một cảnh sát viên Cảnh sát Điện Capitol chết ngày hôm sau vì vết thương trong khi bảo vệ Quốc hội. Hàng trăm cảnh sát đã bị thương trong cuộc tấn công kéo dài nhiều giờ, và bốn cảnh sát viên đã tự kết liễu mạng sống của mình kể từ đó.

Ngày làm đẹp các ngôi mộ để tưởng nhớ và ghi ơn

Le Tu Ngoc

Ai đã đọc “CUỐN THEO CHIỀU GIÓ” của bà Margaret Mitchell hẳn sẽ biết cuộc Nội Chiến của Mỹ đã diễn ra khốc liệt thể nào, khi nó kết thúc vào mùa xuân năm 1865 thì đã có hơn sáu trăm ngàn chiến sĩ của cả hai phe không thể trở về gặp mặt bạn bè lẫn người thân.

Những năm sau cuộc chiến, cứ đến độ hoa nở rộ trong vườn thì người Mỹ ở khắp nơi lại mang hoa ra cắm và cầu nguyện nơi mộ chí của những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến này bất kể là lính Nam hay lính Bắc. Người dân thành phố Waterloo của tiểu bang New York vào ngày 5 tháng 5 năm 1866 đã đóng cửa các tiệm bán buôn trong thành phố để mọi người có thể mang hoa và cờ đến cắm lên các ngôi mộ của những người lính tử trận, sự kiện này sau đó được tổ chức hàng năm ở nơi đây.

Ngày 5 tháng 5 năm 1868, Tướng John A. Logan, người đứng đầu một tổ chức cựu chiến binh miền Bắc đã kêu gọi một ngày tưởng nhớ trên toàn quốc để mọi người có thể mang hoa và cờ đi trang điểm những ngôi mộ chiến sĩ, ông chọn ngày 30 tháng 5 và gọi nó là “Ngày làm đẹp các ngôi mộ để tưởng nhớ và ghi ơn” (Decoration Day).

Trong Ngày Decoration Day được tổ chức lần đầu tiên ở nghĩa trang quốc gia Arlington, hơn 5 ngàn người gồm những goá phụ, cựu chiến binh cùng bạn bè lẫn người thân đã đến để đặt hoa và các dải ruy băng lên 20 ngàn ngôi mộ của những người chiến sĩ của cả hai phe.

Sau Thế Chiến thứ I thì ngày 30 tháng 5 dần được biết đến với cái tên Memorial Day (Ngày Tưởng Niệm) và là dịp để người Mỹ tưởng nhớ đến tất cả các chiến sĩ đã ngã xuống trong các cuộc chiến chứ không riêng gì cuộc Nội Chiến. Năm 1968 Quốc Hội thông qua đạo luật Uniform Monday Holiday Act, đạo luật này quy định lấy ngày thứ hai làm ngày nghỉ mỗi khi có dịp lễ lộc với mục đích giúp dân chúng được nghỉ liên tục 3 ngày cuối tuần đặng ăn chơi cho nó đã. Kể từ đó thì Ngày Tưởng Niệm (Memorial Day) hàng năm ở Mỹ sẽ rơi vào ngày thứ hai cuối cùng của tháng năm.

Kể sơ sơ chuyện xứ Mỹ để nói đến cái ngày 30 tháng 4 của xứ mình. Nếu tôi mà là ông tổng Trọng thì tôi sẽ gọi tên cái ngày cuối cùng của tháng tư này là ” Ngày Tiếc Thương”. Tôi sẽ khuyến khích người dân cả nước trong ngày đó đi đến tất cả các nghĩa trang lớn nhỏ mà cắm những bông hoa lên trên mộ của bất cứ ai đã bỏ mình vì những cuộc chiến tương tàn trên xứ Việt mà chẳng cần phân biệt phe nào.

Nếu tôi mà là ông tổng Trọng, tôi sẽ cách chức bất cứ quan chức nào cho phép đốt pháo hoa hay treo cờ phướng loè loẹt khắp phố phường vào cái ngày này, tôi sẽ cho người vả vào miệng bất cứ quan chức nào vẫn còn bô bô những từ “Giải Phóng, Chiến Thắng, Bản Anh Hùng Ca, Vô địch với Vĩ Đại”.

Bởi cho dù đối với người dưng kẻ lạ thì cũng chẳng có một sự phỉ báng nào vô liêm sĩ cho bằng chính vào cái ngày mà người ta tiếc thương cho thân bằng quyến thuộc đã ngã xuống của người ta còn mình lại cứ bắn pháo hoa ăn mừng, cứ lên gân hò hét lải nhải những từ ngữ mất dạy như thể cố khoét cho sâu thêm nỗi đau của những người có thân nhân chết trận, cũng như khoét cho sâu thêm những mối thù mà bất cứ một chính quyền tử tế nào cũng phải quan tâm xoa dịu.

Kiểu cách đó đối với người dưng kẻ lạ đã là hạ tiện, huống hồ gì giữa người mình mang ra để đối với người mình.

Fb Thuc Tran

Thượng đỉnh vì Dân chủ thế giới: Hoa Kỳ chọn địa chính trị và giá trị tự do

Thượng đỉnh vì Dân chủ thế giới: Hoa Kỳ chọn địa chính trị và giá trị tự do

23:07 | Posted by BVN1

BBC Tiếng Việt

Danh sách quốc gia được mời dự Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ (The Summit for Democracy) do Hoa Kỳ tổ chức 9-10 tháng 12 năm nay phản ánh cách nhìn của chính quyền Joe Biden về thế giới.

Việc không có Việt Nam trong danh sách mời cũng được một số chuyên gia quốc tế nêu ra, trong khi Trung Quốc kịch liệt phản đối việc Hoa Kỳ mời Đài Loan.

Ảnh: REUTERS/GETTY

Nhà báo Philippines Maria Ressa và biên tập một báo Nga, Dmitry Muratov nhận Nobel Hòa bình 2021 cho các nỗ lực vì tự do báo chí ở quê hương của họ. Thế nhưng Philippines được Joe Biden mời tới dự Thượng đỉnh Dân chủ, còn Nga thì không.

Không phải lần đầu

Dù đây không phải là thượng đỉnh quốc tế duy nhất và đầu tiên về dân chủ – đã có hội nghị liên minh dân chủ tương tự tại Copenhagen, Đan Mạch trong các năm 2019, 2020, 2021 – nhưng đây là sự kiện đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống Joe Biden, do Hoa Kỳ chủ trì.

Mục tiêu là của ông Biden là mời đại diện hơn 100 quốc gia đến bàn về cách ngăn không cho các giá trị dân chủ, tự do “tụt dốc” trên toàn cầu.

Nhưng việc một số quốc gia có chế độ độc đoán cũng được mời, như CH Dân chủ Congo (DRC), và Pakistan, làm nảy sinh cách diễn giải rằng chính quyền Biden muốn “mở rộng vòng tay” để khuyến khích dân chủ, chứ không chỉ mời các nước đã đạt tiêu chuẩn cao về thể chế dân chủ.

Ảnh: AFP

Phong trào Trà Sữa tại Myanmar lấy cảm hứng từ Hong Kong và Đài Loan để đòi các quyền dân chủ

Mặt khác, có thể địa chính trị đã góp phần định hình danh sách khách mời lần này của Hoa Kỳ.

Danh sách “ai được mời, ai không” mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố tại địa chỉ ‘The Summit for Democracy‘ đã hôm 23/11/2021 nhanh chóng trở thành chủ đề bình luận của báo chí và giới nghiên cứu.

Theo Reuters, việc Hoa Kỳ công khai và chính thức mời Đài Loan đến dự Thượng đỉnh đánh dấu thay đổi trong cách nhìn nhận chính quyền ở hòn đảo này, bất chấp phản ứng từ Trung Quốc.

Còn theo đánh giá của Stephen Feldstein trên trang Carnegie Center, thì chính quyền Biden đã mời ít số quốc gia Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á và Nam Á.

Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, người từng được trao giải thưởng của tổ chức Phóng viên Không Biên giới tại Berlin (khiếm diện) hiện đang ngồi tù trong bệnh tật ở VN

Cả vùng Nam Á và Ấn Độ Dương chỉ có bốn nước được mời: Ấn Độ, Maldives, Nepal và Pakistan.

Ở Trung Cận Đông, chỉ có Israel và Iraq được mời.

Vùng châu Á-Thái Bình Dương có 21 quốc gia được mời.

Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và cả Indonesia không có tên trong danh sách, nhưng thành viên Asean là Philippines lại được mời.

Nhà báo Philippines Maria Ressa và biên tập một tờ báo Nga, Dmitry Muratov nhận Nobel Hòa bình 2021 cho các nỗ lực vì tự do báo chí ở quê hương của họ.

Thế nhưng Philippines, nước là đối tượng của nhiều chỉ trích về việc thiếu tự do báo chí, được TT Joe Biden mời tới dự Thượng đỉnh Dân chủ, còn Nga thì không. Nga thậm chí còn là mục tiêu của một liên minh bảo vệ dân chủ mà Hoa Kỳ chủ trương cùng các nước châu Âu.

Vùng Hạ Sahara thuộc châu Phi có 17 nước được mời.

Địa chính trị có vai trò quan trọng?

Theo Thomas Pepinsky, viết trên trang của Viện Brookings thì “địa chính trị” đóng vai trò quan trọng.

“Thượng đỉnh vì Dân chủ có tham vọng lớn hơn về địa chính trị (chứ không chỉ nói về giá trị). Nó phản ánh quan điểm chủ đạo của chính quyền Biden rằng tập hợp một liên minh toàn cầu của các nền dân chủ có thể chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc và các hoạt động hung hăng không dừng của Nga”.

Tuy thế, tác giả này tỏ ra nghi ngờ sự thành công của mục tiêu địa chính trị mà Thượng đỉnh vì Dân chủ muốn đạt được:

“Có các lý do tốt để nhấn mạnh đến lợi ích chung của các nền dân chủ mới, và các nền dân chủ đã định hình chắc chắn, nhưng tham vọng của Thượng đỉnh về địa chính trị chắc chắn sẽ đem lại thất vọng”.

Một trong những lý do việc pha trộn mục tiêu địa chính trị với ý thức hệ (tự do, dân chủ) khó đem lại thành công là cấu trúc an ninh vùng, liên quan đến chính Việt Nam, theo ông Pepinsky.

Tác giả này cho rằng ông Tập Cận Bình nỗ lực xây dựng chế độ độc đoán “một lãnh đạo cứng rắn, độc đảng” ở Trung Quốc, Bắc Kinh không coi ý thức hệ là yếu tố trọng yếu trong ngoại giao, mà tỏ ra rất thực tiễn.

“Đối thủ chiến lược quan trọng nhất của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) là Việt Nam, quốc gia có thể chế độc đoán một đảng hệt như Trung Quốc”.

Riêng về quan hệ Mỹ-Việt trong phạm vi nhân quyền, dân chủ, có ý kiến nói nhu cầu cạnh tranh, ngăn ngừa Trung Quốc khiến chính quyền Biden “nương nhẹ” Hà Nội về nhân quyền.

Trả lời BBC News Tiếng Việt gần đây, Giáo sư về quan hệ quốc tế Robert Sutter, từ Elliott School of International Affairs, Đại học George Washington, Hoa Kỳ, nói rằng nhân quyền vẫn là quan tâm của chính phủ Joe Biden nhưng không muốn chủ đề này tạo trở ngại quan hệ:

“Ông Biden và đảng Dân chủ của ông rất quan tâm đến nhân quyền và dân chủ. Tuy nhiên, ông Biden cũng muốn mối quan hệ với Việt Nam tiến xa hơn vì họ có nhiều điểm chung. Vấn đề nhân quyền là quan trọng đối với chính quyền hiện nay nhưng nó không phải là trở ngại lớn để tăng cường quan hệ với Việt Nam” (Xem thêm bài: Nhân quyền ở Việt Nam: Trò chơi Joe Biden không muốn thắng?).

Cho đến nay, Trung Quốc không bình luận gì nhiều về Thượng đỉnh vì Dân chủ của Hoa Kỳ, ngoài việc phản đối lời mời của ông Biden gửi tới Đài Loan.

Phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao TQ cho rằng, qua việc mời Đài Loan, “một lần nữa, các hành động của Hoa Kỳ cho thấy dân chủ chỉ là vỏ bọc và là công cụ để Mỹ theo đuổi các mục tiêu địa chính trị, chia rẽ thế giới…”.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

Lạm phát ở Mỹ cao nhất trong 30 năm: nguyên do vì đâu?

Lạm phát ở Mỹ cao nhất trong 30 năm: nguyên do vì đâu?

26/11/2021

Người dân mua sắm cho ngày Lễ Tạ Ơn tại một siêu thị Walmart ở Las Vegas. Giá cả tăng cao khiến bữa tiệc Lễ Tạ Ơn năm nay đắt đỏ hơn những năm trước

Gián đoạn chuỗi cung, nhu cầu tăng sau đại dịch, giá xăng tăng do khủng hoảng năng lượng toàn cầu, nhiều gói kích thích khổng lồ để hỗ trợ kinh tế, lãi suất bị kiềm hãm ở mức thấp trong nhiều năm và chính phủ tiếp tục tung tiền mua trái phiếu là những nguyên nhân đẩy lạm phát ở Mỹ tăng cao, các nhà phân tích nhận định.

‘Tăng chóng mặt’

Chính phủ Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 6,2% so với năm trước – mức tăng cao nhất trong vòng 30 năm qua.

Trong nhiều tháng, nhiều kinh tế gia phát ra thông điệp trấn an rằng giá hàng hóa tiêu dùng tăng đột biến, vốn đã không xảy ra ở Mỹ trong một thế hệ, sẽ không kéo dài. Nó chứng tỏ sẽ chỉ là ‘tạm thời’, theo lời trấn an của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell và các quan chức Tòa Bạch Ốc, khi kinh tế Mỹ đi từ hỗn loạn trong dịch COVID-19 sang gần như bình thường.

Tuy nhiên, bất kỳ người Mỹ nào đã mua sữa, đổ xăng hoặc mua xe cũ đều có thể thấy lạm phát ảnh hưởng đến túi tiền của họ. Và các nhà kinh tế giờ đưa ra thông điệp nản lòng hơn: giá cả cao hơn có thể sẽ kéo dài đến sang năm, nếu không muốn nói là lâu hơn nữa.

“Đó là cú giáng lớn vào thông điệp lạm phát là tạm thời,” ông Jason Furman, người từng là cố vấn kinh tế hàng đầu trong chính quyền Obama, nói với hãng tin AP. “Lạm phát không chậm lại. Nó đang đi với tốc độ chóng mặt.”

Và cú sốc giá cả hiển hiện ở những chỗ các hộ gia đình bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đồ ăn sáng chẳng hạn: giá thịt xông khói tăng 20% trong năm qua, giá trứng tăng gần 12%. Giá xăng tăng 50%. Mua máy giặt hoặc máy sấy sẽ phải trả thêm 15% so với một năm trước. Còn xe cũ? Mắc hơn 26%.

Mặc dù lương cũng tăng nhiều đối với nhiều người lao động, nhưng mức tăng đó gần như không theo kịp giá cả. Tháng trước, mức lương theo giờ trung bình ở Mỹ, sau khi tính đến lạm phát, thực sự giảm 1,2% so với tháng 10 năm 2020.

Giá cả tăng cao đang làm tăng áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải từ bỏ chính sách cho vay dễ dàng. Và nó cũng đặt ra mối đe dọa cho Tổng thống Joe Biden, phe Dân chủ ở Quốc hội và kế hoạch chi tiêu đầy tham vọng của họ.

Điều gì khiến giá tăng?

Phần lớn nguyên do lại là tin tốt. Bị COVID-19 tàn phá, kinh tế Mỹ sụp đổ hồi mùa xuân năm 2020 khi phong tỏa bắt đầu, các doanh nghiệp đóng cửa hoặc cắt giảm giờ làm và người tiêu dùng ở nhà tránh dịch. Các công ty cắt giảm 22 triệu việc làm. Sản lượng kinh tế đã giảm với tốc độ tàn phá là 31% hàng năm trong quý 2 năm ngoái.

Ai cũng chuẩn bị tâm lý rằng khó khăn sẽ kéo dài hơn. Các công ty cắt giảm đầu tư. Nhiều trung tâm mua sắm hoãn lấy thêm hàng. Theo sau là suy thoái tàn khốc.

Tuy nhiên, thay vì chìm vào suy thoái kéo dài, kinh tế Mỹ đã có sự phục hồi bất ngờ, do các gói chi tiêu khổng lồ của chính phủ và một loạt các động thái khẩn cấp của Fed. Đến đầu năm nay, triển khai chích ngừa đã khiến người tiêu dùng mạnh dạn trở lại nhà hàng, quán bar và cửa hàng.

Bất thình lình, các doanh nghiệp vật lộn để đáp ứng nhu cầu dâng cao. Họ không tìm đủ người để lấp đầy các chỗ trống – 10,4 triệu vào tháng 8, gần mức kỷ lục, hoặc không lấy đủ hàng để đáp ứng các đơn hàng. Khi doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ trở lại, các hải cảng và bãi tập kết hàng không đảm đương nổi lượng hàng đến. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.

Chi phí tăng lên. Và các công ty chuyển những chi phí cao hơn đó sang người tiêu dùng với giá cả cao hơn. Trong khi đó, nhiều người Mỹ đã dành dụm được cũng kha khá trong đại dịch.

“Một nguyên nhân đáng kể gây ra lạm phát mà chúng ta đang nhìn thấy là kết quả không tránh khỏi của việc thoát khỏi đại dịch,” AP dẫn lời ông Furman, hiện là kinh tế gia tại Trường Kennedy của Đại học Harvard, cho biết.

Tuy nhiên, Furman cho rằng chính sách sai lầm của chính phủ cũng góp phần vào lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách rất muốn ngăn kinh tế suy thoái đến nỗi họ ‘coi nhẹ lạm phát một cách có hệ thống’, ông nói.

“Họ đổ thêm dầu vào lửa,” ông nói.

Chi tiêu ồ ạt của chính phủ – bao gồm gói cứu trợ virus corona trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la của Tổng thống Joe Biden, với khoản chi trả 1.400 đô la cho hầu hết các hộ gia đình hồi tháng 3 – đã kích thích nền kinh tế quá mức, Furman nói.

“Lạm phát ở Mỹ cao hơn rất nhiều so với ở châu Âu,” ông lưu ý. “Châu Âu cũng bị cú sốc tương tự về cung cầu như ở Mỹ, và cũng gặp vấn đề về chuỗi cung ứng tương tự. Nhưng họ không kích thích kinh tế quá nhiều.”

Tổng thống Biden thừa nhận ‘lạm phát làm tổn thương túi tiền người dân Mỹ, và đảo ngược xu hướng lạm phát là ưu tiên hàng đầu của tôi’. Ông Biden nói rằng gói cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ đô la mà ông thúc đẩy, bao gồm chi tiêu cho đường sá, cầu, cảng, sẽ giúp giảm bớt tắc nghẽn chuỗi cung ứng.

‘Nhiều yếu tố cộng dồn’

Trao đổi với VOA, Giáo sư-Tiến sỹ Khương Hữu Lộc, vốn giảng dạy chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Keller Graduate School of Management, nhận định rằng ‘một loạt các yếu tố xảy ra cùng một lúc thúc đẩy lạm phát ở Mỹ tăng cao’.

“Sau bất kỳ cuộc khủng hoảng nào đó mà kinh tế phục hồi trở lại thì lạm phát gia tăng,” ông Lộc giải thích là dẫn chứng là sau cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008 thì giá cả ở Mỹ cũng gia tăng tạm thời.

“Đó là do người dân quay trở lại tiêu xài trong khi chính phủ đã đưa ra mấy gói cứu trợ liên tiếp để cho tiền người dân tiêu xài,” ông nói thêm và cho biết đó là ‘demand-pulled inflation’, tức lạm phát do nhu cầu tăng cao.

Không may là ‘demand-pulled inflation’ lại được cộng hưởng bởi ‘cost-pushed inflation’, tức lạm phát do giá đầu vào tăng cao, càng khiến lạm phát tăng mạnh, ông Lộc phân tích.

“Bao nhiêu quốc gia cung cấp hàng cho Mỹ bị gián đoạn cung ứng (do dịch bệnh). Mà khi thiếu nguồn cung thì giá thành hàng hóa ở Mỹ sẽ gia tăng,” ông nói.

Ngoài ra giá xăng dầu đang tăng cao ‘cũng ảnh hưởng rất mạnh đến lạm phát’ vì nó liên quan đến giá đầu vào của hầu hết hàng hóa và dịch vụ, cũng theo lời vị giáo sư này.

Bên cạnh những yếu tố này, lạm phát ở Mỹ còn có nguyên nhân chủ quan, mang tính hệ thống là chính sách của Fed ‘giữ lãi suất thấp một cách nhân tạo từ thời cựu Tổng thống Trump đến nay để kích thích nền kinh tế’.

“Trước đây lãi suất thấp nhưng kinh tế trì trệ thì không bị lạm phát nhưng bây giờ kinh tế tăng trưởng trở lại thì nó thúc đẩy lạm phát,” ông nói.

Ông nói với các nguyên nhân ở trên có sẵn thì chuỗi cung ứng bị gián đoạn là ngòi nổ để châm ngòi lạm phát.

Khi được hỏi về trách nhiệm của chính quyền Tổng thống Joe Biden khi tung tiền ra quá nhiều tiền, ông Lộc nói: “Chính quyền nào cũng vậy chứ không phải Biden. Chính quyền Trump cũng vậy. Thực sự số tiền tiêu xài nhiều nhất là 6 ngàn tỷ dưới thời Trump. Biden mới tung ra mấy ngàn tỷ thôi nhưng toàn là tiền chưa xài nên không ảnh hưởng vào con số lạm phát hiện nay.”

Tuy nhiên, ông bày tỏ lo ngại việc chính quyền Biden đang tiếp tục thông qua gói chi tiêu xã hội vào khoảng 2-3 ngàntỉ đô la và nói rằng ‘vô cùng tai hại’ vì nó sẽ làm cho lạm phát tiếp tục kéo dài qua những năm sau.

Lạm phát kéo dài bao lâu?

Lạm phát giá tiêu dùng có thể sẽ còn kéo dài chừng nào các công ty còn khốn đốn theo kịp nhu cầu hàng hóa và dịch vụ chưa từng thấy của người tiêu dùng. Thị trường lao động đang hồi sinh – các công ty đã tạo thêm 5,8 triệu việc làm trong năm nay – có nghĩa là người Mỹ có thể tiếp tục vung tiền vào mọi thứ từ đồ gỗ cho đến xe mới. Và các nút thắt chuỗi cung ứng không có dấu hiệu được giải tỏa.

“Bên cầu của kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục là điều cần phải để ý,” ông Rick Rieder, giám đốc đầu tư tại Blackrock, được AP dẫn lời nói, ‘và các công ty sẽ tiếp tục chuyển chi phí thành giá cả.’

“Tôi nghĩ rằng nó sẽ là ‘tạm thời’,” bà Megan Greene, kinh tế gia trưởng tại Viện Kroll, nói về lạm phát. “Nhưng các nhà kinh tế phải rất trung thực khi định nghĩa ‘tạm thời’ là gì, và tôi nghĩ nó có thể dễ dàng kéo dài thêm một năm nữa’.

Sự tăng giá hàng tiêu dùng đã gợi lên bóng ma tình cảnh những năm 1970 sẽ trở lại. Đó là khi giá cao hơn xảy ra cùng lúc với thất nghiệp.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay có vẻ rất khác. Tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp, và nhìn chung các hộ gia đình đang ở trong tình trạng tốt về tài chính. Conference Board, một công ty nghiên cứu kinh doanh, phát hiện ra rằng kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng trong tháng trước là cao nhất kể từ tháng 7 năm 2008. Nhưng họ dường như không lo lắng: chỉ số niềm tin của người tiêu dùng cũng tăng, do lạc quan về thị trường việc làm.

“Ít nhất, vào lúc này, họ cảm thấy lợi ích đang nhiều hơn mặt xấu,” Lynn Franco, giám đốc cấp cao về các chỉ số kinh tế của Conference Board, nói với AP.

Tăng trưởng kinh tế, sau khi chậm lại từ tháng 7 đến tháng 9 trước biến thể Delta dễ lây lan, được cho là sẽ phục hồi trong quý cuối cùng của năm 2021.

“Hầu hết các nhà kinh tế đang kỳ vọng tăng trưởng sẽ tăng tốc trong quý tư,” bà Greene nói thêm.

Áp lực đang đè nặng lên Fed, vốn có trách nhiệm kiềm giữ lạm phát, là phải kiểm soát giá cả.

“Họ cần ngừng nói rằng lạm phát là tạm thời, bắt đầu lo lắng hơn về lạm phát, sau đó hành động một cách phù hợp,” Furman nói.

Chủ tịch Fed, ông Powell đã thông báo Fed sẽ bắt đầu giảm mua trái phiếu hàng tháng mà họ bắt đầu mua hồi năm ngoái như một cách khẩn cấp để thúc đẩy kinh tế. Vào tháng 9, các quan chức Fed dự báo cho đến trước cuối năm 2022 họ sẽ tăng lãi suất từ mức gần bằng 0, sớm hơn nhiều so với dự đoán.

Nhưng lạm phát cao, nếu kéo dài, có thể buộc Fed phải đẩy nhanh việc tăng lãi suất; Các nhà đầu tư dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất ít nhất hai lần vào năm tới.

‘Cần giảm áp lực giá xăng dầu’

Theo nhận định của Giáo sư Khương Hữu Lộc thì lạm phát sẽ kéo dài ‘chừng khoảng 2-3 năm chứ không phải trong 5-6 tháng’.

“Nếu chính phủ giảm được áp lực lên giá xăng dầu thì giá cả hàng hóa sẽ giảm,” ông nói và cho biết ông ủng hộ động thái mới nhất của chính quyền Biden là mở kho dự trữ xăng dầu chiến lược để đối phó với việc các nước xuất khẩu dầu ‘cấu kết với nhau giữ giá xăng dầu cao’.

“Nếu chính phủ giải quyết được điểm nghẽn chuỗi cung ứng, nâng cấp các hải cảng, đường sá, hệ thống hỏa xa, kho bãi, tăng nhập hàng từ những nước gần như Mexico hay Canada thì lạm phát sẽ giảm,” ông nói thêm và cảnh báo chính quyền Biden đừng nên vì lạm phát mà chấp nhận gỡ bỏ thuế quan cho hàng Trung Quốc để hàng giá rẻ của nước này ồ ạt đổ vào Mỹ như trước.

Ông dự đoán ‘khoảng quý 3 hay quý 4 năm sau Fed sẽ tăng lãi suất tượng trưng đôi chút’. “Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế, nhưng nếu Fed trấn an rằng họ chỉ tăng nhẹ và còn lâu mới tăng lần nữa thì giới đầu tư sẽ không phản ứng quá mạnh.”

Khi được hỏi liệu người lao động có nên được tăng lương để giúp cuộc sống họ bớt chật vật trước tình trạng giá cả tăng cao hay không, ông Lộc nói: “Khi lương gia tăng thì lạm phát càng bị đẩy lên cao nữa nên thành ra đó là con dao hai lưỡi.”

 

Mỹ áp đặt lệnh cấm du hành với tám nước Châu Phi vì biến thể Omicron

VOA Tiếng Việt 

Mỹ sẽ cấm hầu hết du khách đến từ tám quốc gia ở khu vực nam Châu Phi bắt đầu từ ngày thứ Hai, sau khi một biến thể virus corona mới có khả năng lây lan mạnh hơn được xác định ở Nam Phi, Tổng thống Joe Biden nói vào ngày thứ Sáu.

Các hạn chế du hành không cấm các chuyến bay hoặc áp dụng cho công dân Mỹ và thường trú nhân hợp pháp ở Mỹ.

Chưa có ca Omicron nào được xác định tại Mỹ tính đến thời điểm này, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC). Cơ quan này hi vọng họ sẽ nhanh chóng xác định được biến thể B.1.1.529, nếu nó xuất hiện trong nước.

Các nước khắp thế giới đã vội vàng đình chỉ du hành từ khu vực nam Châu Phi sau khi Tổ chức Y tế Thế giới nói Omicron là “đáng lo ngại.” Nhiều nước đã ban hành lệnh cấm du hành có hiệu lực ngay lập tức, không như lệnh cấm của Mỹ.

Các hạn chế áp dụng cho Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi. Hầu hết những người không phải công dân Mỹ đã ở các quốc gia đó trong vòng 14 ngày trước đó sẽ không được phép vào Mỹ.

“Như một biện pháp phòng ngừa cho đến khi chúng tôi có thêm thông tin, tôi ra lệnh ban hành thêm các hạn chế du hành bằng đường hàng không từ Nam Phi và bảy quốc gia khác,” ông Biden nói trong một phát biểu.

Trước đó, quan chức hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Bác sĩ Anthony Fauci nói Mỹ đang gấp rút thu thập dữ liệu về biến thể COVID-19 mới.

Có thể mất hàng tuần để các nhà khoa học hiểu cặn kẽ về các đột biến của biến thể này. Các nhà chức trách y tế đang tìm cách xác định xem Omicron có khả năng lây truyền hoặc lây nhiễm nhiều hơn các biến thể khác hay không và liệu vaccine có hiệu quả với nó hay không.

Mỹ chỉ mới dỡ bỏ các hạn chế du hành đối với 33 quốc gia bao gồm Nam Phi, Trung Quốc, phần lớn Châu Âu, Ấn Độ, Brazil, Ireland, Anh và Iran vào ngày 8 tháng 11, sau khi cấm nhập cảnh hầu hết công dân nước ngoài gần đây đã ở các quốc gia đó kể từ đầu đại dịch vào đầu năm 2020.

(Nếu không vào được VOA, xin hãy dùng đường link https://bit.ly/VOATiengViet1 hoặc https://bit.ly/VOATiengViet2 để vượt tường lửa)

2 luật sư đưa đơn kiện ‘tào lao’ về gian lận bầu cử phải trả hơn $180,000 án phí

2 luật sư đưa đơn kiện ‘tào lao’ về gian lận bầu cử phải trả hơn $180,000 án phí

November 23, 2021

DENVER, Colorado (NV) – Một chánh án ở Colorado hôm Thứ Hai, 22 Tháng Mười Một, ra phán quyết rằng hai luật sư đưa đơn kiện tại tòa về kết quả bầu cử 2020, phải trả hơn $180,000 án phí cho những người bị họ kiện, nói rằng đơn kiện nhằm “lôi kéo thành phần quần chúng nhẹ dạ và tạo sự bất ổn xã hội.”

Theo bản tin của CNN, phán quyết của chánh án N. Reid Neureiter là phản ứng mới nhất của tòa án liên ban nhiều nơi trên nước Mỹ về đơn kiện của các luật sư ủng hộ cựu Tổng Thống Donald Trump nhằm dùng tòa án để đưa ra các luận điệu sai trái trong những ngày ngay sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Nhãn ‘đã bỏ phiếu’ tặng cử tri ở Denver, Colorado. (Hình minh họa: Marc Piscotty/Getty Images)

Luật sư Gary D. Fielder và Ernest John Walker sẽ phải trả tiền luật sư và các án phí khoảng $50,000 cho Facebook (nay là Meta), chừng $63,000 cho công ty Dominion Voting Systems, chừng $63,000 cho trung tâm bất vụ lợi Center for Tech and Civic Life, hơn $6,000 cho tiểu bang Pennsylvania và gần $5,000 cho tiểu bang Michigan.

Trong phán quyết, Chánh án Neureiter viết rằng “Những người này phải nhận trách nhiệm về các hành động sai trái của mình,” nói thêm rằng đơn kiện của hai luật sư này là sự phỉ báng kẻ khác.

Ông nói rằng “Thay vì dùng hệ thống tòa án để có được sự sửa chữa, bồi thường thiệt hại cho những sai trái, đơn kiện này được dùng để lôi kéo thành phần quần chúng nhẹ dạ và tạo sự bất ổn xã hội. Với mục đích đó, đơn kiện là hành vi lạm dụng hệ thống pháp lý và cản trở hoạt động guồng máy chính quyền.”

Hai luật sư nói trên đưa đơn kiện vào cuối Tháng Mười Hai 2020, nhằm yêu cầu tòa cho có “đơn kiện tập thể của cử tri Mỹ” đòi hủy bỏ kết qua bầu cử. Chánh án Neureiter lúc đó viết phán quyết dài 68 trang bác bỏ đơn kiện này.

Hồi Tháng Tám, một chánh án ở Michigan ra lệnh trừng phạt hai luật sư của ông Trump là Sidney Powell và Lin Wood, ra lệnh cho họ phải bồi thường án phí cho thành phố Detroit và các giới chức tiểu bang Michigan. (V.Giang)

NƯỚC MỸ SỐ MỘT VÌ “TOILET”?.

NƯỚC MỸ SỐ MỘT VÌ “TOILET”?.

Tác giả: Phượng Vũ

Lợi tức đầu người (GDP) dân Na Uy đứng hạng 3 trên thế giới : 65,500 USD 1 năm, Mỹ hạng 7 = 50,000usd, nhưng vật giá ở Na Uy cao hơn Mỹ gần 3 lần, xăng giá 11usd /1 gallon, sale tax 25%, nhà hàng không cho free nước đá lạnh như Mỹ, khát phải mua 1 chai nước nhỏ giá 24 Krone = 4USD, suy ra nếu so sánh GDP Mỹ với vật giá Âu Châu thì GDP Mỹ phải cao hơn 150,000 USD!

Ngay giữa thành phố Oslo là công viên tên Vigelandsparken Sculpture Park có những bức tượng điêu khắc mỹ thuật, rộng 80 mẫu, hàng triệu du khách đến mỗi năm… nhưng chỉ có 1 nhà vệ sinh bên cạnh quán nước ngoài cổng, phải nhét đồng 10 Krones (1.75USD) để sử dụng, nhìn đoàn người xếp hàng rồng rắn bên ngoài chờ là… nhịn luôn!

Nước Mỹ số một…

Các công viên, các khu “rest area” dọc các xa lộ, thậm chí ở những buổi meeting, hội chợ… cũng có những cầu tiêu tạm cho mọi người dùng khi cần đến và chẳng bao giờ phải tốn một xu nào.

“Đi cho biết đó biết đây

Ở hoài một chỗ, biết ngày nào “khôn”.

Ông bà ta từ ngàn xưa đã có cái “nhìn xa trông rộng” thấy được nhu cầu phát triển sự hiểu biết, sự “khôn” lên qua việc đi đó đây. Vì thế ngày nay du lịch là ngành “kỹ nghệ không khói” nhưng đem lại lợi nhuận lớn cho rất nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra nhờ đi đó đây, ta mới có dịp mở rộng tầm nhìn, có dịp so sánh để “biết mình, biết người”.

Ở Mỹ lâu năm, quen hưởng những tiện nghi đời sống căn bản của mọi người trong xã hội (kể cả người nghèo), riết trở thành quen, thấy bình thường và xem đó là lẽ đương nhiên. Ví dụ như nhu cầu vệ sinh: ở Mỹ cầu tiêu công cộng có ở khắp nơi, giấy vệ sinh, giấy lau tay xài thoải mái, vòi nước uống cũng được thiết kế khắp nơi. Các công viên, các khu “rest area” dọc các xa lộ, thậm chí ở những buổi meeting, hội chợ… cũng có những cầu tiêu tạm cho mọi người dùng khi cần đến và chẳng bao giờ phải tốn một xu nào.

Nhưng khi du lịch ra nước ngoài khác mới “thấm thía”!

Cái gì cũng phải trả tiền, kể cả nhu cầu vệ sinh (giá từ 1$ – 1.5$/1 lần, tùy nơi, tùy nước). Không phải chỉ tốn tiền mà còn “gian nan” khi hữu sự, để tìm cho ra “nơi cần đến”, ngay cả ở những thủ đô văn minh lẫy lừng lâu đời của thế giới!

Tôi nhớ có một lần khi thăm thủ đô Paris, một người trong đoàn cần toilet, bác tài chạy xuôi, chạy ngược, vòng vòng mãi mà vẫn không tìm ra! Cuối cùng một sáng kiến được nêu ra: tới một nhà hàng nào đó vô mua bất kỳ món gì đó để được đi toilet! Đó là nỗi khổ tâm lớn của các vị cao niên khi đi du lịch châu Âu, các vị phải nhắc nhau nhịn uống nước (điều này lại rất hại cho sức khỏe) để khỏi “khốn đốn” khi hữu sự!

Tôi nhớ một lần ở Rome, hướng dẫn viên dẫn một bà đi mãi qua đường này, tới ngõ nọ mà vẫn không tìm ra “nơi phải đến”, “bí” quá bèn hỏi:

– Bà có chịu tốn 10 Euro để vô restaurant kia mua thứ gì đó để được đi WC không?

– Nín hết nổi rồi, bây giờ không phải 10 Euro mà 20 Euro tôi cũng chịu luôn!

Có những WC có người ngồi thâu tiền còn đỡ, có những nơi, họ thiết kế sẵn phải bỏ đúng số tiền (cắc) quy định thì cổng mới mở cho vô. Khi đi du lịch đâu phải ai cũng có sẵn tiền cắc (Euro) trong túi, có một bà “mắc” quá nhưng không đổi được tiền cắc, nên phải mượn tứ tung trong đoàn, mỗi người thương tình móc hầu bao bỏ vô máy một ít, máy nuốt hết nhưng còn thiếu mấy xu, chưa đủ tiền, máy không mở cổng! Thật khốn đốn với máy móc vô tình!

Ở một số nước châu Á như Trung quốc, khách du lịch phải luôn thủ sẵn giấy vệ sinh trong bóp, vì trong toilet không có giấy vệ sinh. Tôi cứ bị ấn tượng mãi về một lần thăm Bắc Kinh (cách đây hơn 10 năm), đoàn du khách được một dàn các cô gái trẻ đẹp mặc xường xám đón chào tưng bừng ngay từ lối vào nhà hàng. Nhà hàng thiết kế rực rỡ sang trọng, đèn đuốc sáng choang như… cung đình. Sau bữa ăn khi cần đi WC, tôi ngạc nhiên khi bước vào thấy có một bàn trải khăn trắng bóc, trên bàn có một bình hoa tươi thật to, đẹp, và một cô gái xinh đẹp rực rỡ mặc xường xám ngồi đó chỉ để làm nhiệm vụ phát cho mỗi khách 1- 2 miếng giấy vệ sinh nhỏ.

Ôi “cung đình” mà không có giấy vệ sinh! Đúng là XHCN, hình thức trình diễn thì xôm tụ, nhưng nhu cầu căn bản thì không được đáp ứng. Trong đời sống có những nhu cầu xem ra có vẻ nhỏ nhặt, tầm thường, nhưng khi cần đến mà không có thì nó trở thành một trở ngại lớn, khiến người ta “điêu đứng” vì nó.

Nghe kể có một đoàn du khách nước ngoài viếng các lăng tẩm của triều đình Huế, đi từ lăng này đến lăng kia, cảnh đẹp hùng vĩ bao la…, bỗng một du khách cần đi WC, hướng dẫn viên tìm hoài không ra, bèn chỉ khách vào bụi cây xài đỡ, khách cương quyết không chịu! Vậy là cả đoàn phải ngưng tham quan, ra xe trở về khách sạn.

Phi trường ở Mỹ, ghế ngồi chờ đợi cho hành khách là ghế nệm dày và lúc nào cũng dư thừa, thậm chí lúc ít khách có thể nằm ngủ thoải mái. Toilet và vòi nước uống có khắp nơi, bây giờ lại có thêm những chỗ cho hành khách charge pin điện thoại, laptop, I pad, I phone…

Nhưng khi tới phi trường Paris (CDG) những nhu cầu căn bản đó hình như biến mất. Thực ra trước đây tôi đã đến phi trường Paris nhiều lần, nhưng đều đi ra ngay luôn. Lần này chuyến bay chuyển ở Paris trước khi tới Berlin nên tôi mới có cơ hội thâm nhập CDG. Trước hết khi máy bay đáp xuống CDG, tôi ngạc nhiên khi thấy phải đi cầu thang sắt xuống, với va li carry-on, nếu kéo đi thì nhẹ nhàng, nhưng phải xách nó lên và leo mấy chục bậc thang xuống thì không dễ chút nào! Sau đó, leo lên xe buýt chở vô phi trường.

Vô đây tôi lại tiếp tục chạy vòng vòng, mệt “bở hơi tai” vì phải xách carry-on lên xuống cầu thang nhiều lần đi từ khu này qua khu khác, phải qua khu x-ray (khám bằng tay là chính) rồi mới tới được cổng đổi chuyến bay! Khu nhà kiếng tương đối nhỏ nhưng có tới 12 cổng, mỗi cổng chỉ vỏn vẹn có một quầy nhỏ và một computer. Có một số băng ghế sắt trong khu vực cho hành khách ngồi đợi nhưng quá ít so với nhu cầu, nên hành khách ngồi la liệt dưới đất, khắp lối đi. Một số ông thì ngồi vắt vẻo trên các lan can, bờ tường. Tôi vừa mỏi chân, vừa mệt vừa khát nước, nhưng nhìn quanh cả khu vực không thấy có vòi nước uống nào, cả WC cũng không có, chỉ thấy toàn người là người

Khi lên được máy bay Air France, ngồi yên chỗ quan sát, tôi có cảm tưởng nó là “xe đò bay” thì đúng hơn (khi so sánh với máy bay Mỹ mà tôi vừa đi) vì ghế ngồi và thiết bị cũ kỹ như từ thế kỷ trước. Lúc máy bay cất cánh tôi nghe nó gầm gừ “phành phành” rồi “ạch ạch” như đang cố sức nâng cái thân già nua bốc lên khỏi mặt đất, tôi chỉ lo nó rớt (may là tôi có mua bảo hiểm rồi nên đỡ lo). Cuối cùng sau một hồi “lắc lư con tàu” nó cũng bay lên được. Yên tâm rồi, tôi mệt mỏi ngủ thiếp đi (vì chẳng có phương tiện giải trí nào: nhạc, tivi…).

Cơn khát nước làm tôi chợt tỉnh, thấy chung quanh ai cũng có ly nước, tôi bèn yêu cầu một nam tiếp viên cho xin ly nước, nhưng hắn trố mắt ra ngó tôi như tôi đang đòi hỏi một điều gì quá đáng, rồi hắn phớt lờ (đúng là tính “ga lăng” của đàn ông Pháp đã trở thành quá khứ). Có lẽ họ cho rằng họ chỉ phát nước theo giờ của họ, hết giờ là hết phát? Sau khi yêu cầu 2 lần không được, khát quá tôi đợi lúc bà tiếp viên trưởng đi ngang để lập lại yêu cầu, bà bảo tôi đợi một lát và mang đến cho tôi một ly nước nhỏ. Hình như nước trở thành hiếm quý và cách phục vụ lịch sự cũng hiếm quý luôn!

Ôi Air France! Một thuở mơ ước khi tôi còn học trung học ở Saigon, lúc nhìn những hình ảnh quảng cáo của Air France trên các tạp chí nước ngoài! Ôi mộng và thực đúng là “nghìn trùng xa cách”! Xin tạm biệt Air France và phi trường Paris (kinh đô ánh sáng một thời) mà không mong ngày gặp lại! Có lẽ từ đây nếu có du lịch châu Âu, tôi phải lo học thuộc lòng câu của William Shakespear: “I always feel happy, you know why? Because I don’t expect anything from anyone.”

Tới phi trường Berlin (TXL) lại cũng phải đi cầu thang sắt xuống, rồi đi xe bus vô phi trường, xem ra phi trường này còn nhỏ và thiếu tiện nghi hơn phi trường Paris, tôi lại tiếp tục xách carry-on mệt nghỉ, chứ không kéo đi nhẹ nhàng như ở các phi trường Mỹ. May mà hai nước Pháp và Đức là hai nước lớn lại có nền kinh tế vững mạnh trong khối châu Âu!

Đúng là có đi ra ngoài mới thấy tiện nghi ở nước Mỹ là số một, đó là chưa kể đến vụ so sánh giá cả hàng hóa ở Mỹ và châu Âu, hàng hóa ở Mỹ vừa nhiều vừa rẻ. Sau này về đến phi trường LAX tôi thấy thật nhẹ nhàng, thoải mái, tất cả đều được chuẩn bị phục vụ chu đáo nhanh gọn, lịch sự.

Đúng là “sweet home”. Ôi! “My beautiful America”. Bây giờ tôi mới cảm thấy thực sự yêu mến và tự hào về quê hương thứ 2 của tôi : Nước Mỹ yêu dấu! Quả là:

“Phải chờ đến xế chiều

Ta mới thấy ánh sáng ban ngày rạng rỡ biết bao!”

Nói đến niềm tự hào về nước Mỹ, tôi lại nhớ đến sự việc trên chuyến Cruise Coastal của Đức vừa đi. Ngày thứ hai lên tàu thì toilet trong phòng bị nghẹt, tôi gọi điện cho họ sửa mấy lần mà tình trạng vẫn không thay đổi, tôi phải xuống chỗ “Customer Service” để xếp hàng đi khiếu nại.

Thật ngạc nhiên khi họ “tỉnh bơ” cho biết không phải chỉ riêng phòng tôi mà các phòng ở tầng 2,5,8 đều bị như vậy, họ đang sửa, khi nào xong họ sẽ thông báo. Tôi bèn hỏi:

– Trong khi chờ sửa, thì khách giải quyết vụ toilet ra sao?

– Đi kiếm mấy cái toilet công cộng mà xài.

– Nhưng chúng ở đâu?

Sau một hồi thắc mắc tới lui, họ mới chịu lục sơ đồ ra để tìm và cho biết một cái ở lầu 9, một cái khác ở lầu 4. Nghĩa là khi hữu sự phải “ôm bụng” chạy vòng vòng mấy tầng lầu để đi tìm cái toilet công cộng và xếp hàng chờ tới phiên. Chắc là dân châu Âu quen kiểu này rồi nên không thấy phiền?

Trở về phòng, tôi bực bội kể lại cho chị bạn cùng phòng nghe, chị là bác sĩ hưu trí ở Đức. Sáng nay chị đã là nạn nhân “ôm bụng” chạy vòng vòng, may mà tình cờ tôi nhớ ra cái toilet công cộng ở lầu 9 cạnh bên nhà hàng, nên chỉ cho chị. Do đó tôi tưởng chị là “đồng minh” bèn nói:

-Hệ thống phục vụ trên tàu quá tệ! Đã vậy xem ra họ còn thản nhiên cho đó là chuyện nhỏ, không hề có một lời xin lỗi khách hàng. Ở Mỹ thì họ đã xin lỗi ríu rít rồi…

Không ngờ chị phản ứng mạnh:

– Mệt quá, Mỹ cái gì cũng tốt, cũng ngon lành hết! Dân Mỹ được nuông chiều quá hóa hư! Bởi vậy trên thế giới, Mỹ đi đâu cũng bị chúng ghét, bị khủng bố cho chết hết là đúng rồi! Lúc nào cũng đòi hỏi thứ này, thứ kia, còn đòi xin lỗi…“nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”…

Chị mắng cho một hồi “tràng giang đại hải” mà vẫn chưa hả cơn giận. Tôi ngơ ngác vì bỗng dưng mình bị “giũa” một trận te tua chỉ vì là “dân Mỹ” mà nào tôi có đòi hỏi điều gì cao cấp đâu, chỉ là những nhu cầu căn bản thôi. Thôi “một sự nhịn chín sự lành”, nên tôi nín nhịn vì chị lớn hơn tôi nhiều, coi như mình nhịn “chị hai” trong nhà cho mọi chuyện êm xuôi tốt đẹp trong chuyến đi chơi!

Suy ra mới biết tinh thần “bài Mỹ” ở các nước Âu châu khá mạnh (ghé vô Nga 1 ngày tham quan cũng phải nộp tiền làm đơn xin visa).

Kiểu này qua các nước Trung Đông chắc bị “xơi tái” quá, nhưng tôi nhớ một lần cách đây 5, 6 năm dân Mỹ qua Ai cập thì lại được đối xử như VIP, đi đâu cũng được ưu tiên và có xe jeep hộ tống “tiền hô, hậu ủng” rất oai!

Hôm sau tâm sự với một chị bạn khác về nỗi ấm ức bị mắng oan. Chị trả lời:

– Chắc tại chị ấy ở Đức lâu, nên ngấm tinh thần “tự tôn dân tộc” của dân Đức, không muốn nước nào qua mặt, mà như vậy là tự ái dân tộc dỏm, vì dù gì mình cũng là người Viết Nam! (Chị cười) Ai bảo Mỹ giàu hơn, mạnh hơn nên dễ bị chúng ghét!

Tôi chán ngán:

– À thì ra vậy! Hèn gì em nghe người ta thường nói “ở đời mình thua chúng khinh, mình hơn chúng ganh ghét, mình bằng chúng nói xấu”.

Không biết đến bao giờ các dân tộc trên thế giới sẽ sống với nhau trong tâm trạng “để hận thù người người lắng xuống” hầu không còn ai cảm thấy:

“Đôi khi ta muốn thoát ly

Đi thật xa khỏi cuộc đời này

Xa lìa chuyện ganh đua với chê bai” (Lê Hựu Hà)

Dù sao nhờ có đi ra ngoài, có dịp mở rộng tầm nhìn, có dịp so sánh, tôi mới biết trân quý hơn những điều tôi đang được hưởng mỗi ngày ở xã hội này, mà đôi khi quá quen, tôi cứ xem đó là lẽ đương nhiên, là chuyện thường tình (giống như trong đời sống gia đình có nhiều người có phước có được những bà vợ, ông chồng rất tốt, rất tử tế, nhưng họ không hề biết quý và cứ nghĩ đó là chuyện đương nhiên và bình thường, cho đến khi không còn nữa mới hối tiếc thì đã muộn!).

Khi ý thức lại những tiện nghi của đời sống ở Mỹ mà tôi vẫn xem đó là chuyện bình thường, tôi mới biết đôi khi nó là niềm ước mơ của biết bao người trên thế giới nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng. Họ không chỉ cần những nhu cầu vật chất căn bản của đời sống nhưng còn cần những nhu cầu căn bản về tinh thần (quyền làm người, quyền tự do…) mà họ khát khao nhưng không hề được đáp ứng!

Xin cám ơn Chúa, xin cám ơn đời đã cho tôi có một cuộc sống tương đối an lành trên xứ Mỹ này, để từ đó tôi biết yêu thương và chia sẻ nhiều hơn với những mảnh đời bất hạnh khác nơi quê nhà, vì có thể “Một tình thương cho cuộc sống đang chờ đợi ta” bởi:

“Tình yêu là trái chín của mọi mùa

Nằm trong tầm với của mọi bàn tay” (Mẹ Theresa)

Phượng Vũ

No photo description available.

Biden ký luật xây dựng hạ tầng cơ sở lịch sử, $1.2 ngàn tỷ

Biden ký luật xây dựng hạ tầng cơ sở lịch sử, $1.2 ngàn tỷ

November 15, 2021

WASHINGTON, DC (NV) – Tổng Thống Joe Biden hôm Thứ Hai, 15 Tháng Mười Một, ký thành luật xây dựng hạ tầng cơ sở trị giá $1.2 ngàn tỷ bị đình trệ từ lâu, đây một phần không thể thiếu trong chương trình nghị sự kinh tế của ông và là khoản đầu tư lớn nhất vào các các công trình giao thông bị hư hỏng trong nhiều thập niên, theo Reuters.

Dự luật còn bao gồm khoảng $555 tỷ chi tiêu vào các dự án cơ sở hạ tầng “cốt lõi” như đường xá, Internet Broadband và các trạm sạc xe điện trong vòng 8 năm tới. 

Các giới chức hành pháp và dân cử Quốc Hội Dân Chủ chứng kiến Tổng Thống Joe Biden ký luật xây dựng hạ tầng cơ sở lịch sử trị giá $1.2 ngàn tỷ. (Hình: Alex Wong/Getty Images)

Toà Bạch Ốc xem biện pháp này là “khoản đầu tư một lần trong một thế hệ” và dự kiến sẽ tạo ra hai triệu việc làm mới.

Hạ viện đã thông qua dự luật vào ngày 5 Tháng Mười Một trong một cuộc bỏ phiếu tỷ lệ 228-206, với 13 đảng viên Cộng Hòa đồng ý với phía Dân Chủ. 

Kết quả bỏ phiếu kết thúc nhiều tuần đàm phán qua lại giữa các nhà lập pháp ôn hòa và cấp tiến, những người muốn kết hợp dự luật cơ sở hạ tầng nhỏ hơn với một kế hoạch thuế và chi tiêu lớn hơn nhằm bảo đảm việc thành phần Dân Chủ trung dung ủng hộ cả hai dự luật. Riêng Thượng Viện đã thông qua luật trong cuộc bỏ phiếu 69-30 vào Tháng Tám.

“Đây là một kết quả thật khó khăn, nhưng chúng ta vẫn có thể hợp tác để hoàn thành một điều gì đó to lớn cho người dân Mỹ,” Tổng Thống Biden lên tiếng trong buổi lễ ký thông qua. 

“Luật xây dựng lại hạ tầng cơ sở này sẽ tạo ra hàng triệu việc làm mới, cũng như phát triển nền kinh tế. Nước Mỹ sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh kinh tế thế giới mà chúng ta đang tham gia với Trung Quốc và nhiều quốc gia khác trên thế giới trong thế kỷ 21,” tổng thống nhấn mạnh.

Kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở là trọng điểm chính sách của Tổng Thống Joe Biden. (Hình: Alex Wong/Getty Images)

Dưới đây là các chương trình tài trợ chính trong luật hạ tầng cơ sở.

Ngân khoản hạ tầng cơ sở giao thông vận chuyển: $312 tỷ

– Cầu đường, dự án xây dựng lớn: $109 tỷ 

– An toàn: $11 tỷ 

– Phương tiện công cộng: $49 tỷ 

– Đường sắt chở khách và hàng hóa: $66 tỷ 

– Xe điện: $7.5 tỷ 

– Xe buýt điện/trạm xe: $7.5 tỷ 

– Kết nối lại cộng đồng: $1 tỷ 

– Phi trường: $25 tỷ 

Tổng Thống Joe Biden và Phó Tổng Thống Kamala Harris bày tỏ vui mừng về luật xây dựng hạ tầng cơ sở trị giá $1.2 ngàn tỷ. (Hình: Alex Wong/Getty Images)

– Cảng và bảo quản đường thủy: $16 tỷ 

– Tài trợ cơ sở hạ tầng: $20 tỷ

Ngân sách hạ tầng cơ sở lãnh vực đa dạng khác: $266 tỷ

– Hệ thống cấp nước: $55 tỷ 

– Internet Broadband: $65 tỷ 

– Xử lý môi trường: $21 tỷ

– Điện, bao gồm cơ quan quản lý lưới điện: $73 tỷ 

– Dự trữ lượng nước miền Tây: $5 tỷ 

– Phục hồi cộng đồng trước thiên tai: $47 tỷ (MPL) [kn]