Hoa Kỳ chấn động: ‘Bảo thủ’ thắng thế, Tòa tối cao không xem phá thai là ‘quyền dĩ nhiên’ – BBC News Tiếng Việt

BBC News Tiếng Việt 

Tòa án tối cao Hoa Kỳ hôm thứ Sáu 24/6 đã gây chấn động khi xóa bỏ phán quyết năm 1973 lâu nay công nhận quyền phá thai hợp pháp của phụ nữ và hợp pháp hóa quyền này trên toàn quốc.

Tòa án lật ngược án lệ nổi tiếng ‘Roe kiện Wade’ năm 1973, với tỉ lệ phiếu 5-4.

Cuộc bỏ phiếu chấm dứt quyền phá thai được sự ủng hộ của 5 trong số 6 thẩm phán ‘bảo thủ’ của tòa án, trong khi Chánh án John Roberts và 3 thẩm phán ‘cấp tiến’ phản đối.

Lật ngược án lệ Roe kiện Wade từ lâu đã trở thành mục tiêu của những người bảo thủ Cơ đốc giáo và nhiều thành viên đảng Cộng hòa.

BBC.COM

Vài suy nghĩ sau các phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ về cuộc bạo loạn ngày 6.1.2021

Vài suy nghĩ sau các phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ về cuộc bạo loạn ngày 6.1.2021

Song Chi

24-6-2022

Trong suốt 4 năm Donald Trump làm Tổng thống Hoa Kỳ, nhiều người đã đặt câu hỏi về sự bất ổn trong nhân cách, tính cách của ông. Nhưng giai đoạn đó, Donald Trump đang có sự ủng hộ, ngưỡng mộ của (luôn luôn) gần một nửa dân chúng Mỹ, đa số đảng viên đảng Cộng hòa, chưa kể 90% người Việt ở trong nước nên mọi lời nhận xét tiêu cực về Donald Trump đều bị những người ủng hộ Trump bất chấp lý lẽ, đúng sai, công kích dữ dội.

Nhưng trong những ngày tháng cuối cùng tại Nhà Trắng, khi biết mình bị thua trong cuộc bầu cử 2020, Donald Trump đã có hàng loạt lời nói, hành động khó mà tưởng tượng nổi là của một Tổng thống có lý trí, biết tôn trọng luật pháp, Hiến pháp Hoa Kỳ. Bây giờ khi nghe xong các phiên điều trần của Ủy Ban điều tra vụ bạo loạn ngày 6.1 thì ngoại trừ những người vẫn ngưỡng mộ, ủng hộ ông Donald Trump bất chấp đúng sai như vừa nói ở trên, bất cứ ai có một khả năng phân tính, suy xét vấn đề một cách bình thường cũng đều nhận ra 3 điều:

1. Vụ tấn công vào tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ngày 6.1.2021 hoàn toàn không phải là một vụ bạo loạn ngẫu nhiên, mà là một âm mưu đảo chính nhằm mục đích để Donald Trump tiếp tục làm TT thêm một nhiệm kỳ nữa, mà vai trò tích cực chính là cựu TT Donald Trump.

2. Nền dân chủ và Hiến pháp của Hoa Kỳ suýt chút nữa thì rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc, có những người đã dùng những cụm từ như: nền dân chủ của Hoa Kỳ đã bị đưa đến bờ vực thẳm (American democracy was brought to the brink), nền dân chủ của Hoa Kỳ đã ở trên cạnh của lưỡi dao (America on the knife’s edge). Cứ thử tưởng tượng vào cái ngày bạo loạn đó biết bao nhiêu điều tồi tệ hơn có thể xảy ra, chẳng hạn, những kẻ bạo loạn tìm được cựu Phó TT Mike Pence, giết chết Mike Pence, dẫn đến việc không có ai xác nhận kết quả Biden là TT, Trump nhân cơ hội đó ra lệnh “thiết quân luật” và tiếp tục nắm quyền, rồi cả nước Mỹ hỗn loạn, chia rẽ, xảy ra nội chiến v.v…

3. Toàn bộ những lời nói, hành vi của Donald Trump từ khi biết mình bị thua trong cuộc bầu cử vào tối ngày 3.11.209 cho tới cuộc bạo loạn ngày 6.1.2020 và cho tới tận bây giờ, đã chứng tỏ Donald Trump thực sự là một trường hợp bị rối loạn về nhân cách (personality disorder). Không có một con người bình thường nói chung và một TT Hoa Kỳ nói riêng nào có lý trí, đầu óc suy nghĩ lành mạnh, bình thường mà lại như vậy.

Ảnh chụp màn hình báo Người Việt

Rối loạn nhân cách có rất nhiều dạng, nhưng điều lạ lùng là giữa Donald Trump hay Vladimir Putin lại có một số nét giống nhau: yêu bản thân một cách thái quá hoặc rối loạn nhân cách tự ái kỷ (narcissistic personality disorder), một người nói dối bệnh hoạn (a pathological liar) có nghĩa là nói dối bất cần ai tin, nói dối liên tục đến mức tin luôn vào những điều mình nói, không chấp nhận sự thật nếu sự thật đó không có lợi cho mình hoặc không theo ý mình muốn, sống trong một thế giới khác (alternative world), không quan tâm đến cái gì khác ngoài bản thân mình, một khi cái ý nghĩ gì đó đã vô đầu thì khó mà lấy ra được (ví dụ như ý nghĩ của Putin là Ukraine không phải là một quốc gia, không phải là một dân tộc, Ukraine là một phần của nước Nga và ông ta sẽ lấy lại Ukraine; hay ý tưởng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp, Mike Pence có khả năng đảo ngược kết quả… của Donald Trump); hoang tưởng (paranoia) về sức mạnh của chính mình… Và cả hai cũng có những xu hướng độc tài như chỉ thích tập hợp chung quanh mình những kẻ xu nịnh, trung thành chứ không muốn nghe những lời góp ý đúng đắn. Cái khác là luật pháp Hoa Kỳ, xã hội Hoa Kỳ không cho phép Donald Trump trở thành một kẻ độc tài toàn diện như Putin mà thôi.

Tuy nhiên, những người như Adolf Hitler, Vladimir Putin, Donald Trump,… vì họ có một tính cách mạnh mẽ, áp đảo người khác nên họ thường thu hút được đám đông quần chúng sùng bái những người có cá tính mạnh, cho họ mới đúng là những người đàn ông thực sự, những lãnh đạo, lãnh tụ thực sự. Trái ngược với Joe Biden luôn bị xem là mờ nhạt, thiếu sức hấp dẫn, thiếu động lực gây cảm hứng nên số lượng người kính trọng, tin cậy thì có mà số người ngưỡng mộ, thậm chí “cuồng” thì rất ít.

Ép quan chức bầu cử, tấn công nền dân chủ

Ép quan chức bầu cử, tấn công nền dân chủ

Các quan chức bầu cử địa phương bị ông Trump gây áp lực buộc thay đổi kết quả bầu cử

Thông tin chấn động về nội dung cuộc điện đàm giữa ông Trump và Bộ trưởng Nội vụ tiểu bang Georgia ngày 2 tháng Giêng 2021 trong đó ông Trump yêu cầu ông bộ trưởng tìm cho ông hơn 11,000 phiếu để ông vượt qua được ông Joe Biden. Những chi tiết về kế hoạch gây sức ép buộc các quan chức bầu cử địa phương thay đổi kết quả bầu cử là trọng tâm của phiên điều trần thứ tư ngày 21 tháng Sáu của Ủy ban Hạ viện điều tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021. Ảnh Al Drago-Pool/Getty Images

Trong phiên điều trần thứ tư chiều ngày 21 tháng Sáu 2022, Ủy ban Lựa chọn của Hạ viện điều tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021 đã tập trung làm rõ chuyện Tổng thống Donald Trump đã gây áp lực như thế nào để buộc các quan chức tiểu bang giám sát cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng Mười Một 2020 phải thay đổi kết quả kiểm phiếu, phải tìm thêm hàng ngàn phiếu không có thật, thậm chí ngụy tạo các cử tri đoàn (đại cử tri) để giúp ông thắng cử.

Bài liên quan:

Trong phần đầu phiên điều trần, Ủy ban đã mời ba nhân vật cao cấp ra trình bày công khai. Đó là các ông Rusty Bowers, Chủ tịch Hạ Viện tiểu bang Arizona; ông Brad Raffensperger, Bộ trưởng Nội Vụ tiểu bang Georgia và ông Gabriel Sterling, giám đốc điều hành của Bộ Nội Vụ Georgia. Cả ba ông này đều là người của đảng Cộng Hòa, đều ủng hộ ông Trump và đều mong muốn ông được thắng cử; nhưng kết quả bầu cử cho thấy ông Joe Biden của đảng Dân Chủ thắng phiếu phổ thông ở cả hai tiểu bang.

Các nhân chứng tuyên thệ khai báo sự thật tại phiên điều trần thứ tư. Từ trái qua: Chủ tịch Hạ Viện Arizona Rusty Bowers, Bộ trưởng Nội vụ Georgia Brad Raffensperger và COO của Bộ Nội Vụ Georgia Gabriel Sterling. Cả ba đều là quan chức cao cấp của đảng Cộng Hòa. ẢnhMichael Reynolds-Pool/Getty Images

Tôi không muốn làm con tốt, phản bội lời thề

Khoảng một tiếng đồng hồ trước khi phiên điều trần bắt đầu, ông Trump đã ra tuyên bố tấn công Chủ tịch Hạ viện Arizona Rusty Bowers. Ông Trump nói rằng trong một cuộc điện đàm vào tháng Mười Một 2020, ông Bowers “nói với tôi rằng cuộc bầu cử đã bị gian lận và rằng tôi đã thắng Arizona.” Đáp lại, với giọng điệu mạnh mẽ, ông Bowers cực lực bác bỏ tuyên bố của Trump. “Tôi đã nói chuyện với tổng thống. Chắc chắn không phải vậy. Bất cứ ai, bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào nói rằng tôi nói cuộc bầu cử là gian lận, điều đó là không đúng,” ông Bowers nói trong cuộc điều trần công khai.

Ông Bowers kể lại những nỗ lực của ông Trump và nhóm luật sư của ông ta vận động các nhà lập pháp tiểu bang tổ chức các phiên điều trần công khai về việc bỏ phiếu gian lận. Một lần sau ngày bầu cử, ông Trump và luật sư riêng của ông, ông Rudy Giuliani gọi điện thoại yêu cầu ông triệu tập phiên họp Quốc Hội tiểu bang để điều tra những lời cáo buộc không có căn cứ của họ và khởi động một kế hoạch thay thế cử tri đoàn đã chọn bằng một nhóm khác có lợi cho ông Trump hơn. Ông Bowers đã nhiều lần yêu cầu họ đưa cho ông bằng chứng chứng minh cuộc bầu cử bị gian lận. Ông Giuliani nói sẽ đưa ra những bằng chứng như vậy nhưng đã không bao giờ có bằng chứng nào cả. 

Trong nhiều tuần lễ sau đó, ông Giuliani và các đồng minh của ông Trump không đưa ra được bằng chứng đã hứa, ông Bowers đã từ chối yêu cầu triệu tập Quốc Hội tiểu bang để điều tra gian lận. “Tôi thấy không có bằng chứng đáng để triệu tập một phiên điều trần và tôi không muốn bị sử dụng như một con tốt.” “Tôi nói [với Giuliani], ‘ông đang yêu cầu tôi làm một việc trái với lời thề của tôi và tôi sẽ không vi phạm lời thề của mình’”.

Tại một thời điểm khác trong phiên điều trần, ủy ban đã phát video Giuliani nói rằng nhóm của Trump có bằng chứng về những người nhập cư bất hợp pháp và những người chết bỏ phiếu ở Arizona. Nhưng các nhân chứng cho biết họ chưa bao giờ nhận được bằng chứng ủng hộ những cáo buộc đó.

Một thành viên cấp cao khác của đảng Cộng Hòa, Dân biểu liên bang Andy Biggs đại diện Arizona và một người ủng hộ Trump trung thành, đã yêu cầu ông Bowers ủng hộ việc “phế truất” các đại cử tri ngay trước khi Quốc Hội tiến hành kiểm phiếu, nhưng “Tôi nói tôi sẽ không làm như vậy,” ông Bowers nhớ lại.

Thái độ cương quyết không làm trái lời thề bảo vệ Hiến Pháp của Chủ tịch Hạ Viện Arizona Rusty Bowers đã biến ông thành mục tiêu chống đối của những người ủng hộ ông Trump. Liên tiếp trong nhiều ngày cuối năm 2020, những đám đông bạo loạn đã kéo vào hành lang Hạ Viện tiểu bang tìm ông Bowers, biểu tình la hét trước nhà ông ở ngoại ô Phoenix, dùng súng dọa dẫm hàng xóm của ông, rải truyền đơn tố cáo ông tham nhũng và phạm tội ấu dâm v.v… Tất cả những vụ quấy rối này diễn ra trong thời gian con gái ông bị bệnh nặng nằm hấp hối trong nhà; cô Kasey Bowers đã mất sau đó vào cuối tháng Giêng 2021.

Những con số không nói dối

Bộ trưởng Nội vụ tiểu bang Georgia Brad Raffensperger, một trong hai quan chức đảng Cộng Hòa đến làm chứng trực tiếp vào thứ Ba cũng chính là người mà cuộc đàm thoại với ông Trump ngày 2 tháng Giêng 2021 được ghi âm lại, trong đó ông Trump yêu cầu ông Raffensperger tìm cho ông ta hơn 11,000 lá phiếu để đảo ngược kết quả bầu cử, đã gây chấn động cả nước Mỹ và hiện đang được một đại bồi thẩm đoàn ở Georgia xem xét cáo buộc hình sự. Ông Raffensperger nói với Ủy ban rằng sau khi ông từ chối tìm phiếu bầu để giúp ông Trump vượt qua ông Biden, ông đã ngập trong các tin nhắn khó chịu, sau đó vợ ông cũng nhận được nhiều tin nhắn khủng khiếp và bị quấy rối tình dục. Những người ủng hộ Trump cũng đã đột nhập vào nhà của người vợ góa của con trai ông.

“Những con số là những con số. Những con số không nói dối. Chúng tôi đã nhận được nhiều cáo buộc và chúng tôi đã điều tra từng cáo buộc một”, Raffensperger nói, kể lại cách nhóm của ông xác định cách các tuyên bố được Trump trích dẫn trong cuộc gọi là không chính xác.

Trong số những cáo buộc đó có một câu chuyện sai sự thật được ông Trump và ông Giuliani nhắc đi nhắc lại rằng có một đoạn video quay tại một điểm kiểm phiếu ở Atlanta cho thấy các nhân viên bầu cử liên tục đếm các lá phiếu gian lận bầu cho ông Biden được tuồn vào tòa nhà trong một chiếc vali. Bộ trưởng Tư pháp của ông Trump vào thời điểm đó, ông William P. Barr, đã nói với ủy ban rằng Bộ Tư pháp đã điều tra đơn kiện và thấy nó “không có giá trị”. Các quan chức Georgia cũng cho biết như vậy.

Lời điều trần qua video mà Ủy ban thu thập được cho thấy những thủ đoạn gây sức ép của ông Trump và nhóm luật sư của ông lên các quan chức bầu cử và nhà lập pháp ở Arizona và Georgia cũng được thực hiện ở các tiểu bang chiến trường khác như Michigan và Pennsylvania

Làm giả phiếu đại cử tri!

Không chỉ gây áp lực, hành vi của ông Trump và nhóm của ông còn kích động đám đông ủng hộ viên đe dọa, gây nguy hiểm cho an toàn tính mạng của các nhân viên làm công việc đếm phiếu, giám sát bầu cử mà trường hợp của mẹ con cô Shaye Moss ở tiểu bang Georgia là ví dụ tiêu biểu. Sau khi bị ông Giuliani và ông Trump chỉ đích danh như là “thủ phạm” đếm phiếu gian, họ đã phải rời nhà đi tạm lánh trong hai tháng sau khi FBI nói rằng họ không an toàn do bị những người ủng hộ ông Trump đe dọa.

 

Cô Wandrea ArShaye “Shaye” Moss, nhân viên kiểm phiếu của bang Georgia phải bỏ nhà đi trốn vì bị dọa giết sau khi ông Trump và ông Giuliani vu cáo cô và mẹ cô đếm phiếu gian lận có lợi cho ông Biden. Cô đã khóc trong phiên điều trần khi kể lại cuộc sống của gia đình cô đã bị đảo lộn và khốn cùng như thế nào sau lời vu oan của ông cựu tổng thống. Ảnh Kevin Dietsch/Getty Images

Tiết lộ gây chấn động nhất của phiên điều trần có lẽ là việc ông Trump, các luật sư của ông phối hợp với một số dân biểu Cộng Hòa gây áp lực buộc các tiểu bang phải thay đổi cử tri đoàn. Theo luật, ứng cử viên nào giành được nhiều phiếu phổ thông nhất của một tiểu bang thì giành được số phiếu cử tri đoàn của tiểu bang đó; số phiếu cử tri đoàn tỷ lệ thuận với số cử tri (số dân) của tiểu bang. Ông Joe Biden thắng phiếu phổ thông ở cả Arizona và Georgia nên theo luật, cử tri đoàn của hai tiểu bang này là người được chọn từ đảng Dân Chủ và việc họ bỏ phiếu cho ông Biden đã được thống đốc các tiểu bang chứng thực.

Thế nhưng, theo thông tin từ phiên điều trần, nhóm ông Trump đã phối hợp với Dân Biểu Andy Biggs của Arizona và Thượng nghị sĩ Ron Johnson của tiểu bang Wisconsin vận động các tiểu bang thay thế cử tri đoàn đã được chọn bằng các nhóm cử tri đoàn khác, có lợi cho ông Trump. Tham gia vạch ra và thực hiện kế hoạch này là các đồng minh thân cận của ông Trump như luật sư Giuliani, luật sư John Eastman, Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc Mark Meadows và cả Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc đảng Cộng Hòa Ronna McDaniel. Kế hoạch thay thế cử tri đoàn đã bị các tiểu bang bác bỏ như đã nói trên và bị Văn phòng Pháp Lý Tòa Bạch Ốc coi là “bất hợp pháp”.

Dân Biểu liên bang Bennie Thompson, chủ tịch Ủy ban ngày 6 tháng Giêng, nhận định “việc gây áp lực buộc các công chức phản bội lời thề của họ là một phần cơ bản của vở kịch” để đảm bảo một chiến thắng của ông Trump. 

Từng bước từng bước, những âm mưu và thủ đoạn lật ngược kết quả bầu cử của ông Trump và các đồng minh đã được phơi bày một cách chi tiết, với những lời khai hữu thệ và những bằng chứng hết sức thuyết phục.

Các thành viên ủy ban ca ngợi các nhân chứng đã đứng lên đấu tranh cho nền dân chủ sau cuộc bầu cử năm 2020 – và sẵn sàng làm chứng về kinh nghiệm của họ. Phó Chủ tịch Ủy ban Liz Cheney (Cộng Hòa – Wyoming) các nhân chứng đã cung cấp “một ví dụ về những gì thực sự làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại”.

Gần 60% dân Mỹ: Nên truy tố Trump vì cuộc bạo loạn 6 Tháng Giêng

Gần 60% dân Mỹ: Nên truy tố Trump vì cuộc bạo loạn 6 Tháng Giêng

June 20, 2022 

Nguoi-viet

WASHINGTON, DC (NV) — Gần 60% dân Mỹ tin rằng cựu Tổng Thống Donald Trump nên bị truy tố vì vai trò trong cuộc bạo loạn 6 Tháng Giêng, theo ABC News trích dẫn thăm dò mới nhất của ABC News/Ipos, trong bối cảnh tuần đầu tiên của các phiên điều trần từ ủy ban Hạ Viện 6 Tháng Giêng vừa kết thúc.

Trong khảo sát công bố hôm Chủ Nhật, 19 Tháng Sáu, có khoảng 58% người Mỹ tin rằng ông Trump nên bị kết tội vì vai trò trong cuộc bạo loạn. Tỷ lệ này tăng hơn một chút so với con số 52% hồi cuối Tháng Tư, trước khi các phiên điều trần bắt đầu.

Một cuộc điều trần của ủy ban Hạ Viện điều tra vụ bạo loạn 6 Tháng Giêng. (Hình minh họa: Tom Brenner-Pool/Getty Images)

Một cuộc thăm dò của ABC News/Washington Post với câu hỏi tương tự vài ngày sau cuộc tấn công vào Tháng Giêng 2021 cho thấy con số ủng hộ kết tội ông Trump là 54%.

Thái độ đối với việc liệu người Mỹ nghĩ như thế nào về trách nhiệm của ông Trump trong cuộc bạo loạn cũng không có nhiều thay đổi.

Trong thăm dò mới của ABC News/Ipsos, 58% người Mỹ nghĩ rằng ông Trump cần chịu trách nhiệm lớn trong vụ này.

Kết quả này không khác mấy so với thăm dò của ABC News/Ipsos vào Tháng Mười Hai 2021 và thăm dò của ABC News/Washington Post vào Tháng Giêng 2021 sau khi bạo loạn xảy ra.

Kết quả thăm dò cho thấy phân cực khá rõ giữa hai đảng, khi có đến 91% người của đảng Dân Chủ nghĩ rằng ông Trump nên bị truy tố, còn đảng Cộng Hòa chỉ có 19%. Về việc liệu ông Trump có cần “chịu trách nhiệm lớn” trong cuộc bạo loạn hay không, con số đồng ý của đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa lần lượt là 91% và 21%.

Với những người tự miêu tả bản thân là độc lập, thì 62% nghĩ rằng ông Trump nên bị truy tố và 61% nghĩ rằng ông Trump phải chịu trách nhiệm lớn.

Thăm dò của ABC News/Ipsos được thực hiện sau khi ủy ban Hạ Viện tổ chức phiên điều trần thứ ba trong bảy phiên điều trần được loan báo trong tháng này. Trong đó ủy ban nói về “kế hoạch bảy bước tinh vi” mà ông Trump và đội nhóm soạn ra để lật ngược kết quả bầu cử tổng thống 2020.

Hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Sáu, ông Trump chỉ trích phiên điều trần, gọi ủy ban là “những kẻ lừa đảo,” đồng thời vẫn đưa ra những tuyên bố sai lệch về cuộc bầu cử năm 2020.

Nhìn chung, theo thăm dò của ABC News/Ipsos, 60% người Mỹ tin rằng ủy ban đang thực hiện điều tra một cách công bằng và khách quan, trong khi 38% không nghĩ như vậy. Về vấn đề này cách nhìn nhận của hai đảng cũng khác nhau. 85% người của đảng Dân Chủ tin rằng cuộc điều tra là công bằng và khách quan, còn đảng Cộng Hòa chỉ 31%. Tỷ lệ của những người trung lập rơi vào khoảng 63%.

Trong khi đó, 34% người Mỹ cho biết họ sẽ theo dõi sát sao phiên điều trần, trong đó tỷ lệ đảng Dân Chủ là 43% và đảng Cộng Hòa là 22%.

Về việc liệu các điều tra có ảnh hưởng đến bầu cử hay không, 51% người Mỹ nói rằng những gì họ được đọc, xem và nghe về phiên điều trần không gây ảnh hưởng đến quyết định bầu cử của họ vào Tháng Mười Một. Trong khi đó 29% cho biết họ sẽ ủng hộ ứng viên đảng Dân Chủ nhiều hơn và 19% cho biết sẽ ủng hộ ứng viên đảng Cộng Hòa nhiều hơn.

Ủy ban Hạ Viện điều tra vụ bạo loạn 6 Tháng Giêng do Dân Biểu Bennie Thompson (Dân Chủ – Mississippi) và Dân Biểu Liz Cheney (Cộng Hòa – Wyoming) lãnh đạo. Họ đang tổng kết cuộc điều tra kéo dài 11 tháng về cuộc bạo loạn này. Cho đến nay các phiên điều trần tập trung vào cách ông Trump thúc đẩy “dối trá lớn” về cuộc bầu cử 2020, và các áp lực lên ông Mike Pence, phó tổng thống khi đó.

Ủy ban cũng công bố những cảnh quay chưa từng thấy về cuộc bạo loạn và cuộc phỏng vấn với giới chức chính quyền ông Trump và những cựu viên chức Tòa Bạch Ốc. (V.Giang) 

Ủy ban điều tra 6 Tháng Giêng nhắm đến Mike Pence và Ginni Thomas

Ủy ban điều tra 6 Tháng Giêng nhắm đến Mike Pence và Ginni Thomas

June 20, 2022

Nguoi-Viet

WASHINGTON, DC (NV) — Ủy ban Hạ Viện điều tra vụ bạo loạn 6 Tháng Giêng hôm Chủ Nhật,19 Tháng Sáu, cho biết họ có thể gửi giấy đòi đến cựu Phó Tổng Thống Mike Pence và đang chờ sự trả lời từ bà Virginia “Ginni” Thomas, vợ của thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Clarence Thomas, về vai trò của bà trong âm mưu chống lại cuộc bầu cử năm 2020, theo AP.

Các nhà lập pháp cho biết họ sẽ đưa ra thêm bằng chứng cho thấy cựu Tổng Thống Donald Trump đã lừa đảo những người ủng hộ bằng cách gây quỹ dựa trên những tuyên bố sai lệch liên quan đến cuộc bầu cử. Họ cũng cam kết sẽ cung cấp tài liệu quan trọng cho Bộ Tư Pháp vào cuối tháng này để tiến hành công tác điều tra.

Cựu Phó Tổng Thống Mike Pence. (Hình minh họa: Zach Gibson/Getty Images)

Hồi tuần trước, Bộ Tư Pháp gửi một bức thư phàn nàn rằng Ủy ban Hạ Viện đã tạo khó khăn cho cuộc điều tra khi từ chối chia sẻ lời khai từ 1,000 cuộc thẩm vấn của họ.

Dân Biểu Adam Schiff (Dân Chủ-California) cho biết: “Chúng tôi không loại bỏ bất cứ khả năng nào về các nhân chứng chưa ra điều trần. Chúng tôi vẫn muốn có một số người nổi tiếng đến trình diện trước ủy ban của chúng tôi.”

Ủy ban đã ghi lại hầu hết những gì ông Trump đã nói trong cuộc gọi với ông Pence vào sáng ngày 6 Tháng Giêng năm 2021. Theo đó, cựu tổng thống đã yêu cầu ông Pence không công nhận chiến thắng của đối thủ Joe Biden khi ông Pence chủ tọa cuộc kiểm phiếu tại Quốc Hội. Tuy nhiên, các thành viên ủy ban vẫn chưa ghi lại trực tiếp những gì ông Pence trả lời cho ông Trump.

Dân Biểu Bennie Thompson (Dân Chủ-Mississippi), chủ tịch Ủy ban, gần đây tiết lộ họ vẫn đang thảo luận với các luật sư của ông Pence, đồng thời cho biết cựu phó tổng thống có thể không phải xuất hiện vì sẽ có lời khai từ nhiều phụ tá thân cận của ông.

Các thành viên của ủy ban cũng hy vọng sẽ tìm hiểu thêm về nỗ lực của bà Ginni Thomas trong việc giữ ông Trump tại vị và những xung đột lợi ích tiềm ẩn đặt ra đối với chồng bà do hậu quả của các vụ kiện ngày 6 Tháng Giêng trước Tối Cao Pháp Viện.

Dân biểu tiểu bang Arizona Rusty Bowers, người thuộc đảng Cộng Hòa, và cũng là chủ tịch Hạ Viện Arizona, dự trù sẽ có cuộc điều trần vào ngày 21 Tháng Sáu, tập trung vào các viên chức tiểu bang đã được ông Trump và Tòa Bạch Ốc liên lạc. Ông Bowers nhiều phần sẽ được hỏi về những email mà ông nhận được từ bà Thomas, thúc giục ông và các giới chức tiểu bang khác bác bỏ chiến thắng năm 2020 của Tổng Thống Biden.

“Chúng tôi có câu hỏi cho cả hai người này,” Dân Biểu Zoe Lofgren (Dân Chủ-California), nói.

Bên cạnh gửi email cho giới chức Arizona, bà Thomas, cũng viết thư cho ông Mark Meadows, chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc lúc bấy giờ, trong những tuần sau cuộc bầu cử. Các email mà Ủy ban thu được gần đây cũng cho thấy bà Thomas đã liên lạc qua email với luật sư John Eastman, người đại diện cho ông Trump để liên lạc và thuyết phục ông Pence. (V.Giang)

Phiên điều trần thứ ba: Ông Mike Pence thoát chết trong gang tấc

Phiên điều trần thứ ba: Ông Mike Pence thoát chết trong gang tấc

Hiếu Chân

Phiên điều trần chiếu lại hình ảnh Phó Tổng thống Mike Pence trong một hội nghị, ở đó ông khẳng định chắc chắn ông không có thẩm quyền bác bỏ kết quả bầu cử của các tiểu bang như yêu cầu của Tổng thống Trump. Và vì vậy, ông bị đám đông nổi loạn theo ông Trump đòi treo cổ Ảnh Drew Angerer/Getty Images

Ủy ban Hạ viện điều tra vụ tấn công Điện Capitol ngày 6 tháng Giêng 2021 đã tổ chức phiên điều trần thứ ba tập trung làm sáng tỏ chiến dịch gây áp lực của Tổng thống Donald Trump nhằm buộc Phó Tổng thống Mike Pence đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống tháng Mười Một năm 2020; và khi ông Pence tỏ ý không làm theo yêu cầu đó, ông Trump đã kích động đám đông tấn công vào Quốc Hội, ngăn chặn ông Pence chủ trì việc kiểm phiếu và gây nguy hiểm cho tính mạng của ông Phó Tổng thống.

Phiên điều trần đã mời hai nhân chứng trực tiếp tham dự là ông Greg Jacob, luật sư, cố vấn pháp lý của Phó Tổng thống Mike Pence và ông J. Michael Luttig, cựu thẩm phán bảo thủ. Ủy ban cũng cho trình chiếu nhiều video tài liệu và lời khai của các nhân vật liên quan như ông Marc Short, chánh văn phòng của ông Pence, ông Jason Miller, cố vấn của ông Trump và nhiều nhân vật khác. Khác với hai phiên trước, phiên này liên quan tới nhiều vấn đề pháp lý, luật lệ và hiến pháp hơn là các sự kiện thực tế.

Kế hoạch đảo chính

Trong phần đầu cuộc điều trần, Dân biểu Pete Aguilar (Dân Chủ – California), thành viên ủy ban Hạ Viện, đã yêu cầu các nhân chứng tường thuật chi tiết cuộc đấu tranh pháp lý giữa các cố vấn của Phó Tổng thống Pence và luật sư bảo thủ John Eastman, giáo sư luật trường Đại học Chapman về việc ông Pence có hay không có thẩm quyền đảo ngược kết quả bầu cử và tuyên bố chiến thắng cho ông Donald Trump.

Ông Eastman cố vấn cho ông Trump rằng, ông Pence là người duy nhất có thể tuyên bố ông Trump thắng cử với cương vị chủ tịch Thượng Viện, người chủ trì phiên họp khoáng đại của Quốc Hội để chứng nhận số phiếu đại cử tri mà các tiểu bang trình lên để công nhận kết quả bầu cử. Ông Eastman đã viết một bản ghi nhớ mà các thành viên của cả hai bên đã mô tả như một bản kế hoạch cho một cuộc đảo chính, theo đó ông Trump đã dùng đủ cách gây áp lực buộc ông Pence hoặc từ chối công nhận số phiếu của bảy tiểu bang “chiến trường” mà ông Joe Biden chiến thắng, hoặc trả kết quả về cho nghị viện các tiểu bang xem xét lại, thậm chí tạo ra các nhóm đại cử tri ủng hộ Trump ở các tiểu bang mà ông Biden Jr chiến thắng.

Trong khi đó, ông Jacob khai rằng, ông Pence biết rất sớm rằng kế hoạch của ông Trump là bất hợp pháp và không có cách nào biện minh được. Ngay cả chánh văn phòng của ông Trump, ông Mark Meadows cũng biết rằng, hành động lật ngược kết quả bầu cử đã được các tiểu bang chứng nhận và trình lên là bất hợp pháp.

Ngày 4 tháng Giêng, hai ngày trước cuộc họp Quốc Hội, ông Trump và ông Pence còn có một cuộc họp nảy lửa ở Tòa Bạch Ốc, trong đó ông Pence cố chống lại áp lực của ông Trump và quyết định làm đúng theo nhiệm vụ đã quy định trong Hiến Pháp – quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước bắt đầu đổ vỡ. Những áp lực và đe dọa từ ông Trump đã khiến ông Mark Short phải báo cho sở Mật Vụ và yêu cầu gia tăng các biện pháp bảo vệ an ninh cho ông Phó Tổng thống.

Các cố vấn pháp lý của ông Pence nói rằng, ông Pence không thể làm như vậy và vai trò của ông điều hành cuộc kiểm phiếu của Quốc Hội chỉ có tính cách thủ tục; ông không thể làm trái với ý chí của cử tri trong việc bầu ra nhà lãnh đạo mới của đất nước. Dân biểu Liz Cheney (Cộng Hòa – Wyoming), Phó Chủ tịch Ủy ban, cho rằng, làm như vậy không chỉ sai lầm mà còn trái luật, trái hiến pháp, gây nguy hiểm cho nền dân chủ Hoa Kỳ.

Cuộc tranh chấp pháp lý giữa luật sư của ông Pence và luật sư Eastman của ông Trump kéo dài trong gần một tháng trước ngày họp Quốc Hội. Ông Jacob khai rằng, phải hai ngày trước cuộc bạo loạn, ông Eastman mới thú nhận với ông Trump rằng kế hoạch ép ông Pence cản trở việc chứng nhận kết quả bầu cử là vi phạm pháp luật, dù ông Eastman vẫn tiếp tục cổ vũ cho việc đảo ngược kết quả bầu cử. Theo tài liệu của Ủy ban điều tra, sau cuộc bạo loạn, ông Eastman đã yêu cầu ông Trump “ân xá” khi ông chưa hề bị truy tố hay kết tội, nhưng yêu cầu đó không được ông Trump đáp ứng.

Các nhân chứng G. Jacob (trái) và M. Luttig tuyên thệ khai báo sự thật tại phiên điều trần. Ảnh chụp màn hình ti-vi.

“Treo cổ Mike Pence”!

Do ông Pence không làm theo yêu cầu của ông Trump, trong bài phát biểu trước ủng hộ viên tại công viên Ellipse trưa ngày 6 tháng Giêng 2021, lúc đám đông bạo loạn đã bắt đầu tràn lên đồi Capitol nơi ông Pence chủ trì phiên họp Quốc Hội, ông Trump đã dùng những lời lẽ kích động để lên án ông Pence “phản bội”. Rồi ngay trong lúc cuộc bạo loạn đang diễn ra căng thẳng, ông Trump tiếp tục tung ra nhiều tweet kết án ông Pence đã không ngăn chặn tiến trình kiểm phiếu. “Mike Pence đã không có can đảm làm những gì cần phải làm để bảo vệ Đất nước và Hiến Pháp, để cho Đất nước một cơ hội chứng nhận các dữ kiện chính xác, không phải những dữ kiện gian trá và sai lầm. Nước Mỹ đòi hỏi sự thật!”, ông Trump viết tweet hôm 6 tháng Giêng 2021.

Đám đông bạo loạn, được sự cổ vũ của ông Trump, đã lùng sục khắp Quốc Hội để tìm ông Pence, hô vang những khẩu hiệu “Lôi cổ Mike Pence ra”, “Treo cổ Mike Pence” và một mô hình giá treo cổ được dựng lên bên ngoài khuôn viên Quốc Hội. Từ Tòa Bạch Ốc, ông Trump biết Quốc Hội đang bị bao vây và phá hoại, biết ông Pence đang ở trong Quốc Hội nhưng thay vì ngăn chặn vụ tấn công, bảo vệ người phó của mình, ông Trump đã hướng đám đông tấn công ông Pence, theo nhận định của ông Bernie Thompson, Chủ tịch Ủy ban.

Cùng với những dân biểu và nghị sĩ, ông Pence được Mật Vụ đưa đến một nơi trú ẩn an toàn trong tòa nhà Quốc Hội; ở đó ông liên tục gọi điện cho các tướng lĩnh chỉ huy quân đội yêu cầu đưa binh lính đến lập lại trật tự khi ông biết ông Trump đã không làm gì để ngăn chặn cuộc bạo loạn càng lúc càng dữ dội. Tài liệu của Ủy ban điều tra cho biết ông Pence đã phải trú ẩn tới bốn tiếng rưỡi đồng hồ và chỉ trở lại cuộc họp Quốc Hội khi trật tự được vãn hồi, đám đông bạo loạn bị giải tán. Có lúc căng thẳng nhất ông Mike Pence chỉ còn cách đám bạo loạn đòi treo cổ ông chỉ 40 feet (10 mét). Ông Thompson nói tinh thần  dũng cảm của ông Mike Pence trong ngày 6 tháng Giêng là một điều may mắn cho nền cộng hòa.

Chuyên gia pháp lý J. Michael Luttig, cựu chánh án tòa phúc thẩm liên bang, nói rằng, nếu ông Pence bị giết trong vụ bạo loạn, cuộc kiểm phiếu của Quốc Hội không thực hiện được thì đó là một cuộc đảo chánh, một vụ khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng nhất kể từ khi thành lập nước Mỹ. Ông Trump, các đồng minh và người ủng hộ ông là mối nguy “hiện hữu và rõ ràng” cho nền dân chủ Mỹ, ông Luttig nói tại phiên điều trần.

Như vậy, Ủy ban Điều tra của Hạ viện đã hoàn thành ba phiên điều trần công khai, phiên đầu cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về vai trò trung tâm của ông Trump trong vụ bạo loạn tấn công Quốc Hội ngày 6 tháng Giêng năm 2021; phiên thứ hai về nguồn gốc phát sinh lời nói dối lớn (Big Lie) của ông Trump về “cuộc bầu cử bị gian lận” và phiên thứ ba về kế hoạch gây áp lực với ông Pence để đảo ngược kết quả cuộc bầu cử.

Trong phiên điều trần kế tiếp vào thứ Ba 21 tháng Sáu, Ủy ban sẽ tập trung vào việc ông Trump đã gây áp lực lên các quan chức phụ trách bầu cử thuộc đảng Cộng Hòa ở các tiểu bang, các vị dân cử Cộng Hòa trong Quốc Hội để đảo ngược kết quả và giúp ông ta tiếp tục nắm giữ quyền lực như thế nào.

H.C.

Nguồn: SaiGonnhoNews

Dân chủ vs Trump: Ai sẽ thắng?

Dân chủ vs Trump: Ai sẽ thắng?

Ảnh: JABIN BOTSFORD/POOL/AFP via Getty Images

Sáng ngày 13 Tháng Sáu, phiên điều trần công khai điều tra cuộc bạo loạn tấn công Điện Capitol ngày 6 Tháng Giêng, đã trình bày cho dư luận Mỹ dữ liệu chứng minh vai trò then chốt của Donald Trump.

Một trong những mục tiêu chính của phiên điều trần là để người dân Mỹ được trực tiếp nghe – nhìn những quan chức hàng đầu và đồng minh thân cận của Trump, tất cả đều thuộc đảng Cộng Hòa, đồng loạt phủ nhận các tuyên bố gian lận bầu cử của Trump. Đội ngũ chiến dịch tranh cử của Trump, cộng đồng tình báo cũng như Bộ Tư pháp của chính phủ Trump, và các quan chức Cộng hòa tại các tiểu bang đều nói với Trump: “Không có gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống!”

Cựu Bộ trưởng Tư Pháp William Barr, và người quản lý chiến dịch tranh cử cho Trump, Bill Stepien, đồng thanh nhấn mạnh rằng cáo buộc gian lận mà Trump loan báo là VÔ CĂN CỨ. Hai quan chức cao cấp thân cận của Trump cũng khẳng định những tuyên bố mà hai luật sư của Trump, Rudy Giuliani và Sidney Powell, đưa ra về việc các phiếu bầu bị thay đổi, đều SAI SỰ THẬT và ĐIÊN CUỒNG.

Trong một đoạn video, Barr khai rằng: “Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến các cáo buộc liên quan đến máy bỏ phiếu của Dominion, mà tôi thấy là một trong những cáo buộc đáng lo ngại nhất – đáng lo ngại theo nghĩa là tôi hoàn toàn không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào…” Barr cũng cho biết ông đã nhiều lần nói với Trump sau cuộc bầu cử rằng tuyên bố gian lận của tổng thống là VÔ CĂN CỨ, ĐIÊN RỒ.

Thông điệp quan trọng mà ủy ban điều tra muốn gửi đến cử tri Mỹ chính là: Trump hoàn toàn biết rõ những tuyên bố về gian lận bầu cử của mình là sai sự thật, nhưng vẫn mặc kệ để gieo rắc “LỜI NÓI DỐI LỚN” (Big-Lie).

Phiên điều trần xem lại những đoạn video mà ông Giuliani, luật sư riêng của Tổng thống Trump, đưa ra các cáo buộc sai sự thật về gian lận bầu cử. Ông Trump đã nghe theo ông Giuliani bất chấp lời can ngăn của các cố vấn cao cấp. Ảnh Chip Somodevilla/Getty Images

Tại sao Trump bất chấp lan truyền ‘Big-Lie’?

Zoe Lofgren, dân biểu liên bang đại diện Quận 19, bang California và là thành viên cao cấp của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, phát biểu: “Chiến dịch tranh cử của Trump đã lợi dụng những tuyên bố dối trá về gian lận bầu cử nhằm quyên góp hàng trăm triệu đô la từ những người ủng hộ, và họ được cho biết khoản quyên góp của họ sẽ được sử dụng cho cuộc đấu tranh pháp lý, nhưng chiến dịch tranh cử của Trump đã không hề sử dụng số tiền đó như đã tuyên bố. Lời nói dối khổng lồ cũng là một hành động ăn cướp kinh khủng.

Theo ủy ban điều tra, Trump đã nhận được tổng cộng 250 triệu đô la sau khi liên tiếp kêu gọi những người ủng hộ quyên góp tiền để giúp hắn lật ngược kết quả bầu cử. Trong tuần đầu tiên sau cuộc bầu cử, “Quỹ Phòng vệ Bầu cử” của Trump nhận hơn 100 triệu đô la. Nhưng ủy ban điều tra cho biết không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh sự tồn tại của một quỹ nào như vậy.

Thay vào đó, hàng triệu đô la đã được Trump đổ vào một Ủy ban hành động chính trị (Political Action Committee), mà hắn đã thành lập vào ngày 9 tháng 11. Ủy ban này của Trump đã gửi 1 triệu đô la cho một quỹ từ thiện do Mark Meadows, cựu Chánh Văn Phòng Toà Bạch Ốc, điều hành và 1 triệu đô la cho một nhóm khác.

Dân biểu Zoe Lofgren kết luận: “Trong suốt cuộc điều tra, chúng tôi đã tìm được bằng chứng cho thấy chiến dịch tranh cử của Trump đã lừa gạt những người ủng hộ về số tiền họ đã quyên góp sẽ đi đến đâu và sẽ được dùng cho mục đích gì. Những người ủng hộ (Trump) xứng đáng được biết tiền của họ đang thực sự đi đến đâu. Họ xứng đáng nhận được tốt hơn những gì Tổng thống Trump và đội ngũ của ông ấy đã làm.”

Rõ ràng, mục đích mà Trump tiếp tục lan truyền dối trá, mặc dù Biden đã thắng cử với số phiếu bầu nhiều hơn bất kỳ ứng cử viên tổng thống nào trong lịch sử Mỹ, là vì Trump và đồng bọn có thể kiếm được rất nhiều tiền từ ‘Big Lie’.

Trump sẽ bị truy tố hình sự?

Xuyên suốt hai buổi điều trần công khai, ủy ban điều tra đã cung cấp cho cử tri Mỹ vô số bằng chứng cho thấy: Trump đã thua trong cuộc bầu cử tổng thống. Nhưng Trump không muốn chấp nhận sự thật. Trump đã kiện ra tòa, nhưng 61 trong 62 vụ kiện đều bị các quan tòa xử thua. Trump lại yêu cầu các bang kiểm tra và đếm lại phiếu bầu, nhưng cũng không thay đổi được kết quả. Không dừng lại ở đó, Trump còn ra sức đe dọa các quan chức liên bang và tiểu bang để “lật kèo.”

Nhưng, tất cả các kế sách mà Trump thực hiện đều thất bại. Con đường cuối cùng mà Trump chọn là tạo áp lực khổng lồ lên Phó Tổng Thống Mike Pence, buộc Pence phải “cản trở chứng nhận phiếu Cử tri đoàn, hoặc trì hoãn việc kiểm phiếu” vào ngày 6 Tháng Giêng.

May mắn thay cho nền dân chủ Mỹ ‘thoát chế’ khi Pence quyết định không tham gia vào “âm mưu đảo chính” của Trump. Vì muốn bám víu quyền lực, Trump đã kích động một cuộc bạo loạn đẫm máu chưa từng có tại Điện Capitol nhằm áp lực Pence. Kết quả là năm người chết, và hàng trăm người bị thương, trong đó có nhiều cảnh sát. Kinh tởm hơn nữa, Trump đã chọn “không làm gì cả” khi cuộc bạo loạn leo thang, nói Pence “xứng đáng” bị treo cổ, bất chấp nhiều quan chức cao cấp thúc giục Trump can thiệp.

Người Việt với lá cờ VNCH trong sự kiện tấn công trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6-1-2021. Ảnh: Kalynh Ngo

Hành vi phạm pháp của Trump quá rõ ràng, như thẩm phán liên bang đã phán quyết vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, chưa có tổng thống hoặc cựu tổng thống Mỹ nào bị truy tố hình sự. Dường như chế độ tổng thống Mỹ là một ngoại lệ, trong số những quốc gia có nền dân chủ tổng thống tương tự. Chẳng hạn, cựu tổng thống Nam Hàn, Park Geun-hye, bị tòa án tối cao phán quyết bản án 20 năm tù, vì tham nhũng khi còn tại chức.

Liệu Trump sẽ là cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố hình sự? Với niềm tin vào nền dân chủ pháp trị Mỹ, người viết tin rằng Trump sẽ bị truy tố. Có thể ở cấp tiểu bang, hoặc liên bang, hoặc cả hai. Nếu không thể truy tố một cựu tổng thống được chứng minh phạm tội nghiêm trọng trong thể chế dân chủ, thì rõ ràng nền dân chủ đó còn khiếm khuyết to lớn.

Nó cũng sẽ gây ra sự mất niềm tin của phần lớn cử tri đối với dân chủ. Khi phần lớn cử tri đánh mất niềm tin vào dân chủ, thì nền dân chủ sẽ dần bị bóp nghẹt. Tóm lại: Không tiến hành truy tố Trump đồng nghĩa với cái chết của dân chủ Mỹ.

Idaho: Bắt giữ 31 thành viên nhóm ‘da trắng thượng đẳng’ âm mưu bạo loạn

Idaho: Bắt giữ 31 thành viên nhóm ‘da trắng thượng đẳng’ âm mưu bạo loạn

June 12, 2022

COEUR D’ALENE, Idaho (NV) – Giới chức công lực vừa bắt giữ 31 thành viên của tổ chức da trắng thượng đẳng Patriot Front gần nơi tổ chức cuộc tập họp của người đồng tính ở Idaho hôm Thứ Bảy, 11 Tháng Sáu, sau khi tìm thấy thiết bị bạo động của nhóm người này ở sau thùng một chiếc xe vận tải U-Haul, theo AP.

Khi bị cảnh sát Coeur d’Alene dừng xe và bắt giữ, số người này đang đứng chen chúc trong  thùng xe vận tải, mặc đồng phục quần kaki, áo thun màu xanh dương, đội mũ màu beige và đeo mặt nạ màu trắng trùm kín mặt.

Thành viên Patriot Front bị bắt ở Idaho. (Hình: North Country Off Grid/YOUTUBE)

Trong cuộc họp báo, Cảnh Sát Trưởng Lee White của Coeur d’Alene cho biết những người này dự tính gây bạo loạn ở khu trung tâm thành phố và các nơi khác.

Tất cả 31 người bị buộc tội âm mưu bạo loạn. Họ dự trù sẽ phải ra trình diện trước tòa vào Thứ Hai, 13 Tháng Sáu.

Dựa trên các bằng chứng và tài liệu thu thập được, nhà chức trách phát giác nhóm này đang lập kế hoạch gây bạo loạn ở một số khu vực của trung tâm thành phố. Cảnh sát tìm thấy thiết bị bạo động, một quả lựu đạn khói, đồ bảo vệ chân và khiên chắn bên trong xe. Dựa theo các dấu hiệu trên cánh tay và biểu tượng trên mũ, họ được xác định là thành viên của Patriot Front.

Cảnh sát biết tin về chiếc U-Haul do báo cáo từ một người dân. Người này nói rằng “hình như có một đội quân nhỏ đang ở trong xe” khi chiếc xe đậu gần một khách sạn.

Video về vụ bắt giữ được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy những người đàn ông quỳ trên bãi cỏ và hai tay bị trói về sau. Trong đó có một người mặc áo sơ mi phía sau in dòng chữ “Đòi lại nước Mỹ.” Cảnh sát lần lượt dẫn họ đến trước xe tuần tra, cởi bỏ mặt nạ và đưa lên xe cảnh sát.

Những người bị bắt đến từ ít nhất 11 tiểu bang, bao gồm Washington, Oregon, Texas, Utah, Colorado, South Dakota, Illinois, Wyoming, Virginia, Arkansas và Idaho. Cảnh sát nói chỉ có một người trong số này là cư dân tiểu bang Idaho.

Chiếc xe tải chở 31 người này đậu gần một nhóm người đang tổ chức buổi diễn hành tháng tự hào của giới đồng tính. Cảnh sát tăng cường bảo vệ khu vực này trong suốt thời gian có cuộc diễn hành.

Patriot Front được Trung Tâm Luật Người Nghèo Miền Nam Nước Mỹ (Southern Poverty Law Center) mô tả là “một tổ chức da trắng thượng đẳng có tính kỳ thị” được thành lập sau sự kiện “United the Right” chết chóc ở Charlottesville Virginia năm 2017.

Chủ trương của tổ chức này là thành lập một quốc gia dành cho người da trắng ở Mỹ. (V.Giang) 

Ủy ban điều tra bạo loạn Điện Capitol: Trump gây nguy hại cho nền dân chủ Mỹ (VOA)

Ủy ban điều tra bạo loạn Điện Capitol: Trump gây nguy hại cho nền dân chủ Mỹ

11/06/2022

Người dân xem trực tiếp phiên điều trần ngay bên ngoài Điện Capitol

Ủy ban Quốc hội Mỹ chuyên trách điều tra cuộc tấn công vào Điện Capitol hồi năm ngoái do những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump gây ra đã trưng ra bằng chứng tại phiên điều trần vào giờ vàng ngày 9/6 rằng cựu tổng thống gây nguy hại cho cả nền dân chủ Mỹ lẫn phó tổng thống của ông là ông Mike Pence.

Dân biểu Cộng hòa Liz Cheney, phó chủ tịch của Ủy ban Hạ viện điều tra cuộc bạo loạn ngày 6/1 năm 2021, nói tại phiên điều trần hôm 9/6 rằng ông Trump đã phát biểu thể hiện đồng tình khi đám đông hô hào đòi “treo cổ Mike Pence”.

Ủy ban điều tra do đảng Dân chủ lãnh đạo đang tổ chức một loạt sáu phiên điều trần trong tháng này để chia sẻ những phát hiện trong cuộc điều tra kéo dài gần một năm về các sự kiện trước và trong ngày xảy ra vụ bạo loạn.

“Quý vị nghe thấy Tổng thống Trump la hét và, ‘thực sự tức giận’ với các cố vấn khuyên rằng ông cần phải ‘làm nhiều hơn nữa’ để dập tắt bạo loạn,” bà Cheney nói tại phiên điều trần.

“Và, ý thức được những tiếng hô của những kẻ bạo loạn là ‘treo cổ Mike Pence’, cựu Tổng thống Trump đã đáp lại tinh thần đó rằng, trích, ‘Có lẽ những người ủng hộ của chúng ta có ý tưởng đúng, Mike Pence đáng bị như vậy.”

Thân phụ của dân biểu Dick Cheney từng là phó tổng thống Mỹ từ năm 2001 đến năm 2009 dưới thời Tổng thống George W. Bush.

Cuộc tấn công Điện Capitol được phát động trong nỗ lực bất thành để ngăn chặn Quốc hội chính thức xác nhận thất bại của ông Trump thuộc Đảng Cộng hòa trước ứng viên Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống hổi tháng 11 năm 2020 trong quy trình do chính ông Pence giám sát.

Vốn là một sự kiện thông lệ, phiên họp chứng nhận chiến thắng của ông Biden đã trở thành trọng tâm của ông Trump, vốn coi đó là cơ hội cuối cùng để bám giữ chức tổng thống mặc dù thua trong cuộc bầu cử. Những người ủng hộ ông đã đổ về Washington để tập hợp với ông Trump, người liên tục đưa ra những tuyên bố thất thiệt rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp từ tay ông bằng gian lận rộng khắp.

Khi hàng ngàn ủng hộ viên ông Trump xông vào Tòa nhà Quốc hội, các nhà lập pháp, nhân viên, nhà báo và bản thân ông Pence phải chạy thoát thân. Đám đông không chỉ kêu gọi treo cổ phó tổng thống, mà còn dựng lên một giá treo cổ tạm thời bên ngoài Điện Capitol.

Ủy ban điều tra đã phát một đoạn băng những phát biểu của ông Trump tại cuộc tập hợp, mà trong đó ông kêu gọi người ủng hộ tiến về Điện Capitol và ‘chiến đấu tới cùng’.

“Nếu Mike Pence làm đúng, chúng ta đã giành chiến thắng cuộc bầu cử. Tất cả những gì Phó Tổng thống Pence phải làm là gửi trả kết quả lại các tiểu bang để xác nhận lại, và chúng ta trở thành tổng thống – và quý vị là những người vui nhất,” ông Trump phát biểu trước đám đông.

“Mike Pence sẽ phải làm điều này vì chúng ta – và nếu ông ấy không làm vậy, đó sẽ là ngày buồn cho đất nước chúng ta,” ông Trump nói thêm.

Bà Cheney và Dân biểu Dân chủ Bennie Thompson, chủ tịch ủy ban, đã lên kế hoạch cho các buổi điều trần còn lại. Một trong số đó sẽ tập trung vào nỗ lực của ông Trump nhằm gây áp lực buộc ông Pence từ chối đếm phiếu đại cử tri. Bà Cheney đã phát một đoạn băng phát biểu của ông Pence hồi tháng Hai rằng: “Tổng thống Trump đã sai. Tôi không có quyền lật ngược bầu cử”.

Các phiên điều trần sắp tới sẽ có lời khai của Greg Jacob, cựu cố vấn của ông Pence, về các đòi hỏi của ông Trump. Marc Short, cựu chánh văn phòng của Pence, dự kiến cũng sẽ ra khai chứng.

“Các nhân chứng trong các phiên điều trần sẽ giải thích cách thức mà cựu phó tổng thống, cũng như các nhân viên của ông, đã nói với Tổng thống Trump hết lần này đến lần khác rằng những gì mà ông đang ép ông Mike Pence làm là bất hợp pháp,” bà Cheney nói.

Ông Short khai trước ủy ban rằng ông Pence hiểu rõ trung thành với Hiến pháp trên hết là ‘tuyên thệ trước tiên và quan trọng tột bậc’ của ông.

Một ông ở Orange County lừa đảo hơn $5 triệu cứu trợ COVID-19

Một ông ở Orange County lừa đảo hơn $5 triệu cứu trợ COVID-19

June 6, 2022

SANTA ANA, California (NV) – Một người đàn ông ở Orange County thừa nhận tội danh lừa đảo tiền cho vay cứu trợ COVID-19 trị giá hơn $5 triệu, theo nhật báo Los Angeles Times.

Hồ sơ Biện Lý Cuộc Liên Bang cho thấy ông Raghaosystem Reddy Budamala (35 tuổi, ở Irvine) bị cáo buộc sử dụng các khoản vay cứu trợ để mua một “bất động sản đầu tư” trị giá $1.2 triệu ở Eagle Rock, một bất động sản trị giá gần $600,000 ở Malibu và một “dinh thự cá nhân” ở Irvine. Nghi can Budamala đã gửi gần $3 triệu vào tài khoản cá nhân.

Ông Raghaosystem Reddy Budamala (35 tuổi, ở Irvine) thừa nhận lừa đảo tiền cho vay cứu trợ COVID-19 trị giá hơn $5 triệu. (Hình minh họa: Mark Wilson/Getty Images)

Theo thỏa thuận nhận tội, nghi can này sẽ nhận một tội danh gian lận ngân hàng và một tội danh rửa tiền, đồng thời bị tịch thu toàn bộ số tiền mà nghi can thu được trong quá trình thực hiện âm mưu.

Trước khi bùng phát dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, nghi can Budamala sở hữu ba công ty vỏ bọc: Hayventure LLC, Pioneer LLC và XC International LLC, các nhà chức trách cho biết.

Trong khoảng thời gian từ Tháng Tư, 2020, đến Tháng Ba, 2021, nghi can Budamala đã nộp đơn xin bảy Chương Trình Bảo Vệ Tiền Lương (Paycheck Protection Program) và Các Khoản Cho Vay Do Thảm Họa Kinh Tế COVID-19 (Economic Injury Disaster) gây ra cho các doanh nghiệp.

Các chương trình này đã được giới thiệu trong những tháng sau khi bắt đầu đại dịch để giúp doanh nghiệp và nhân viên sinh tồn qua thời gian dài ngừng hoạt động

Trong các đơn xin, nghi can khai các doanh nghiệp tuyển dụng hàng chục người và có doanh thu hàng triệu đô la. Các ngân hàng đã tài trợ sáu khoản vay với tổng số $5,151,497.

Nghi can sau đó đã nộp đơn xin được bỏ qua một số khoản vay, khai sử dụng số tiền trong mục đích trả lương.

Tuy nhiên, các địa chỉ được liệt kê cho các công ty “không có thật, không tồn tại hoặc là khu dân cư,” các công tố viên cho biết trong thông cáo.

Nghi can Budamala bị bắt vào Tháng Hai khi cố gắng chạy trốn sang Mexico và có thể phải đối mặt với bản án 40 năm tù liên bang. (MPL) 

Nước Mỹ nhiều súng quá! (VOA)

Nước Mỹ nhiều súng quá!

26/05/2022

Vụ thảm sát tại Uvalde là vụ án mạng trong trường học nặng nề nhất sau vụ tàn sát 20 học sinh tiểu học ở Sandy Hook, tiểu bang Connecticut năm 2012.

Nhưng chỉ có ở nước Mỹ họ có thể mua súng dễ dàng. Sau sinh nhật đủ 18 tuổi, Ramos đã đi mua hai khẩu súng máy AR-15. Nước Mỹ có 332 triệu dân, với 400 triệu khẩu súng trong tay tư nhân.

Trong năm 2021, cảnh sát Anh bắn chết hai người, cảnh sát Mỹ bắn 1,055 người, theo tuần báo The Economist. Số người chết chênh lệch như vậy – dù dân số Mỹ chỉ đông gấp bốn lần – vì phần lớn cảnh sát Mỹ phải đương đầu hoặc lo lắng họ đang phải đương đầu với những thường dân mang súng. Trong năm 2020, 45,000 người Mỹ chết vì súng; nhiều hơn số người chết vì tai nạn xe hơi. Số các vụ sát nhân ở Mỹ cao gấp 4, 5 lần ở các nước tiên tiến khác. Ở nhiều tiểu bang trong nước Mỹ, xin một con chó về nuôi bị nhiều luật lệ kiểm soát hơn là mua súng.

Mười ngày sau vụ Payton Gendron vào một siêu thị bắn chết 10 người da đen ở Buffalo, New York, Salvador Ramos dùng một khẩu súng tự động AR-15 vào một lớp học ở Uvalde (đọc là Yu Van Đi), Texas, bắn chết 19 học sinh lớp 4 và 2 cô giáo. Nhiều xác trẻ em nằm chất đống trên nhau. Cả hai thủ phạm đều 18 tuổi. Khoảng 30 phút trước khi ra tay, Ramos đã viết trên mạng báo trước sẽ bắn bà ngoại rồi đi bắn ở một trường tiểu học. Bà cụ may mắn chỉ bị thương.

Nhiều vụ bắn giết ở Mỹ không được mấy người chú ý. Theo tin Reuters cũng trong ngày 24 tháng 5, ba học sinh một trường tiểu học ở Washington D.C. bị thương vì súng bắn. Ngày hôm trước, ba học sinh trung học ở Philadelphia cũng may mắn thoát chết như vậy. Tuần trước, ba vụ nổ súng trong lễ bế giảng tại các trường ở tiểu bang Michigan, Louisiana và Tennessee. Từ đầu năm đến nay gần như ngày nào cũng xảy ra một vụ bắn giết, tổng công 137 lần, so với 249 vụ trong cả năm ngoái.

Salvador Ramos không tìm giết người vì kỳ thị chủng tộc như Payton Gendron. Cậu hận đời vì lớn lên luôn luôn bị bạn bè chế nhạo về tật nói lắp, đi học bị bắt nạt, không thể chịu được cả bà mẹ mình, sống với ông bà. Khắp thế giới không thiếu gì những thanh niên bất mãn với đời như vậy. Không ai có thể biết trước và ngăn cản được họ không hành động giết người để tự sát. Nhưng chỉ có ở nước Mỹ họ có thể mua súng dễ dàng. Sau sinh nhật đủ 18 tuổi, Ramos đã đi mua hai khẩu súng máy AR-15. Nước Mỹ có 332 triệu dân, với 400 triệu khẩu súng trong tay tư nhân.

Đây là vụ án mạng trong trường học nặng nề nhất sau vụ tàn sát 20 học sinh tiểu học ở Sandy Hook, tiểu bang Connecticut năm 2012. Năm 2018, 17 học sinh trung học bị giết ở Parkland, Florida. Năm 2017, 26 người bị bắn chết trong một nhà thờ ở Sutherland Springs, Texas… Năm nay, một người đàn ông 68 tuổi vào một nhà thờ ở Laguna Woods, California, bắn chết một tín đồ đang dự lễ. Năm 2018, một học sinh 17 tuổi vào một trường trung học ở Santa Fe, Texas giết 10 người. Năm sau, 23 người bị bắn chết trong một cửa hàng Walmart tại El Paso, Texas.

Hội Súng Toàn Quốc (NRA) luôn luôn bảo vệ quyền mua súng. Mỗi năm bầu cử quốc hội họ chi tiêu hàng triệu mỹ kim vận động cho các nhà chính trị cùng quan điểm. Họ nhắm triệt hạ các người muốn hạn chế việc bán súng, bằng cách moi móc các chuyện khác trong cuộc đời các ứng cử viên mà không cần nói gì đến súng.

Hội NRA và những người ủng hộ súng vẫn biện minh rằng “Súng không giết người! Người giết người!”

Nhưng nếu trong tay dân Mỹ không có sẵn súng thì không nhiều người bị bắn chết như vậy. Những kẻ trộm cắp không có súng thì khó giết người. Vợ chồng cãi cọ cũng không gây nên án mạng nếu không có sẵn súng. Có súng, người ta tự tử dễ dàng hơn. Các vụ sát nhân ở Mỹ cao gấp 4, 5 lần các nước tiên tiến khác.

Nước Mỹ cần áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, như các nước khác. Ai mua một khẩu súng đều phải được giấy phép, sau khi điều tra lý lịch. Mua một khẩu súng phải được ghi danh, gia hạn hàng năm, như khi mua xe hơi. Tư nhân không cần phải mang súng, nhất là loại súng tự động giết hàng loạt.

Ở Anh quốc, sau vụ bắn chết 16 người ở Hungerford năm 1987 bằng súng AK-47 của Trung Cộng, cả nước kinh hoàng. Năm sau, Thủ tướng Margaret Thatcher đã ủng hộ một đạo luật cấm các loại súng tự động. Một vụ tàn sát 16 học sinh và thầy giáo ở Scotland bằng súng ngắn năm 1996 đưa tới các luật lệ gắt gao hơn. Chính phủ đã mua lại hàng chục ngàn khẩu súng của tư nhân. Từ năm 2005, sau khi lên cao nhất, số vụ bắn giết đã giảm bớt.

Ở Australia, sau khi 35 người bị giết ở Tasmania bằng súng AR-15 năm 1996, chính phủ John Howard đã hợp tác với các tiểu bang hạn chế quyền sử dụng súng tự động. Trong một năm, họ đã mua lại 650,000 khẩu súng; từ đó các vụ bắn chết người cũng giảm.

Tại New Zealand năm 2019, hai giáo đường Hồi Giáo bị bắn, 51 người thiệt mạng. Thủ tướng Jacinda Ardern kêu gọi và toàn thể quốc hội thông qua đạo luật cấm tất cả các loại súng tự động. Trước đó, trong dân số 5 triệu người có 250,000 giữ súng.

Tháng Tư năm 2020, một người Canada mặc giả đồng phục cảnh sát bắn giết 22 người trong 13 tiếng đồng hồ tại tỉnh Nova Scotia. Thủ tướng Justin Trudeau đã ban hành lệnh cấm 1,500 loại súng máy, kể cả AR-15.

Nhưng với thế lực rất mạnh của Hội Súng Toàn Quốc NRA, nước Mỹ khó lòng kiểm soát súng chặt chẽ như các nước khác.

Ngày Thứ Sáu này, NRA sắp họp đại hội ở Houston, Texas. Cựu Tổng thống Donald Trump và ông Thống đốc Greg Abbott sẽ tới dự. Các vị khách quý này có thể yên tâm đọc diễn văn. Vì cơ quan Mật Vụ có nhiệm vụ bảo vệ các vị cựu tổng thống, sẽ kiểm soát phòng họp bằng máy đo từ tính (magnetometers). Và họ đã ra lệnh cấm không ai được mang súng vào hội trường, những loại súng bắn tia laser, bắn hơi cay và kể cả súng đồ chơi của trẻ em. Người tham dự cũng không được mang túi đeo vai.

Nếu các trường học đều được kiểm soát kỹ như vậy, hy vọng số học sinh bị bắn giết sẽ giảm bớt.

Ngay sau vụ tàn sát ở Uvalde, Steve Kerr, nhà dìu dắt đội bóng rổ Golden State Warriors, đã lên tiếng, trước trận chung kết với đội Mavericks, Dallas. Theo nhật báo The Wall Street Journal, Kerr kêu gọi Thượng viện Mỹ hãy thông qua dự luật hạn chế quyền mua súng. Dự luật này đã bị ngâm tôm sau khi Hạ viện thông qua và chuyển lên từ năm ngoái. Nhưng Thượng viện Mỹ cần 60/100 lá phiếu ủng hộ, mà 50 nghị sĩ Cộng Hòa đều không đồng ý. Steve Kerr đã gọi đích danh Nghị sĩ Mitch McConnell, thủ lãnh khối thiểu số ở Thượng viện: “Tôi xin hỏi ông Mitch McConnell, quý ông còn tiếp tục đặt tham vọng chính trị lên trên mạng sống của trẻ em, của các cụ già đến bao giờ?”

Một ngày sau vụ tàn sát ở Uvalde, Đức Giáo Hoàng Francis ở xa xôi cũng phải kêu gọi: “Chúng ta phải cam kết với nhau không để cho thảm cảnh này diễn ra nữa. Đã tới lúc chúng ta phải lên tiếng chấm dứt việc buôn bán súng.”

Biden kêu gọi thông qua luật kiểm soát súng sau vụ thảm sát ở Texas

Biden kêu gọi thông qua luật kiểm soát súng sau vụ thảm sát ở Texas

May 25, 2022 

WASHINGTON, DC (NV) – Trở về sau chuyến thăm Châu Á vào hôm Thứ Ba, 24 Tháng Năm, Tổng Thống Joe Biden phát biểu về vụ thảm sát tại một trường tiểu học ở Texas, đồng thời kêu gọi thông qua luật kiểm soát súng đạn để ứng phó với vấn nạn này, theo hãng thông tấn AP.

Chỉ một tiếng sau khi hạ cánh từ chuyến đi năm ngày và hay tin về vụ xả súng tại Texas trên chiếc Air Force One, ông Biden liền phát biểu về sự kiện đáng buồn tại phòng Roosevelt của Tòa Bạch Ốc.

Tổng Thống Joe Biden phát biểu về vụ thảm sát ở Texas. (Hình: Anna Moneymaker/Getty Images)

“Khi nào thì chúng ta mới dám đứng lên chống nhóm vận động hành lang súng đạn?” ông Biden nói trong sự xúc động. “Vì sao chúng ta cho phép chuyện này tiếp diễn?”

Vị tổng thống Mỹ, thấu hiểu nỗi đau mất mát người thân khi hai người con của ông qua đời – tuy không phải do bạo lực súng đạn, bày tỏ sự cảm thông với những người sống sót và chia buồn với gia đình các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ thảm sát tại Texas.

“Mất đi một người con giống như mất đi một phần linh hồn,” Tổng Thống Biden chia sẻ.

Ông Biden kêu gọi toàn thể nước Mỹ cùng cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời biến nỗi đau thành hành động để ngăn chặn bi kịch này tái diễn trong tương lai.

Trước khi trở về Washington, vị tổng thống đã nói chuyện với ông Greg Abbott, thống đốc Texas, và ngỏ ý giúp đỡ nếu tiểu bang này cần.

Tổng Thống Biden cũng ra lệnh treo cờ rủ cho tới buổi chiều tối Thứ Bảy để tưởng niệm các nạn nhân của vụ xả súng.

Chính quyền thị trấn Uvalde, Texas, công bố có 21 người bị giết, gồm 19 học sinh và hai giáo viên. Kẻ nổ súng đã bị cảnh sát bắn chết.

Chỉ mới một tuần trước, một vụ nổ súng tại cửa hàng tạp hóa ở Buffalo, New York, khiến 10 người da đen thiệt mạng.

Hai sự kiện xảy ra liên tiếp là lời cảnh tỉnh về nạn bạo lực súng đạn tại Mỹ.

“Những vụ xả súng rất hiếm khi xảy ra tại các quốc gia khác,” ông Biden nhận xét rằng thù hận và vấn đề tâm lý tồn tại ở các quốc gia khác, nhưng chẳng có quốc gia đã phát triển nào có tần suất bạo lực súng đạn cao như Mỹ.

Tổng Thống Biden nhiều lần đề nghị thông qua lệnh cấm mua võ khí tấn công, đồng thời siết chặt quy định liên bang về kiểm tra lý lịch để tránh những người có vấn đề về tâm lý mua được vũ khí.

Một bé gái ngồi khóc ở nơi cung cấp dịch vụ tư vấn tinh thần tại Uvalde, Texas. (Hình: Allison Dinner/AFP via Getty Images)

Lời kêu gọi hành động của ông Biden được Phó Tổng Thống Kamala Harris và cựu Tổng Thống Barack Obama ủng hộ.

Tại một buổi gặp gỡ người Mỹ gốc Châu Á-Thái Bình Dương nhằm chào mừng chuyến đi vừa qua của ông Biden, bà Harris tuyên bố: “Chúng ta phải có đủ dũng khí hành động để bảo đảm bi kịch này không bao giờ lặp lại.”

Ông Obama gửi lời chia buồn đến với các gia đình tại Uvalde, gợi nhắc lại vụ thảm sát trường Sandy Hook – sự kiện mà ông xem là thời khắc tăm tối nhất trong nhiệm kỳ của mình.

“Gần 10 năm sau sự kiện Sandy Hook – và chỉ mới 10 ngày sau vụ nổ súng tại Buffalo – quốc gia chúng ta vẫn không có hành động, không phải do sợ hãi, mà do các nhóm vận động hành lang súng đạn và một đảng phái chính trị không dám làm gì để ngăn chặn những thảm kịch này,” ông Obama tuyên bố.

Tại một buổi mít tinh mà ông Herschel Walker, ứng cử viên Thượng Viện Mỹ thuộc đảng Cộng Hòa, phần lớn người tham gia phản đối lời kêu gọi của Tổng Thống Biden, một bằng chứng về sự bất đồng quan điểm của người dân trong vấn đề súng đạn.

Khó có thể biết được liệu các sự kiện bạo lực gần đây có thay đổi quan điểm của mọi người về luật kiểm soát súng đạn hay không, do trước đây cũng có rất nhiều vụ nổ súng tàn bạo khác, như vụ thảm sát tại trường tiểu học Sandy Hook Elementary School tại Newtown, Connecticut, vào năm 2012 khiến 26 người thiệt mạng, bao gồm 20 trẻ em.

Kể từ sau sự kiện trên, Quốc Hội Mỹ vẫn chưa thể thông qua bất kỳ dự luật kiểm soát súng đạn do không đạt được sự đồng thuận lưỡng đãng.

Trải qua nhiều tháng, một dự luật về súng đạn được đa số các thượng nghị sĩ ủng hộ, nhưng cuối cùng vẫn không đạt được 60 phiếu bầu và bị trì hoãn do thủ tục “filibuster” (câu giờ).

Tại nghị trường Thượng Viện hôm Thứ Ba, Thượng Nghị Sĩ Chris Murphy (Dân Chủ-Connecticut), từng là thành viên Hạ Viện khi vụ thảm sát Sandy Hook xảy ra, phê bình các thượng nghị sĩ khác rằng chỉ biết thờ ơ đứng nhìn mà không hành động, đồng thời tuyên bố ông sẽ tìm cách thuyết phục Thượng Nghị Sĩ John Cornyn (Cộng Hòa-Texas) và Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) ủng hộ dự luật tăng cường kiểm tra lý lịch người mua súng.

Cũng trong tối hôm Thứ Ba, Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer, trưởng Khối Đa Số Thượng Viện, đã đề ra kế hoạch siết chặt quy định liên bang về kiểm tra lý lịch người mua súng trong hai dự luật vừa được Hạ Viện thông qua.

Hiện phía Thượng Viện chưa công bố khi nào hai dự luật này sẽ được bỏ phiếu. (V.Giang) [qd]