Điều Trần Vụ Bạo Loạn Capitol Hill: 4 Điểm Chính Trong Buổi Điều Trần Thứ 7

Điều Trần Vụ Bạo Loạn Capitol Hill: 4 Điểm Chính Trong Buổi Điều Trần Thứ 7

12/07/2022

Phiên điều trần thứ 7 diễn ra vào Thứ Ba, 12 tháng 7 năm 2022, tập trung vào việc Donald J. Trump và các đồng minh của ông đã nỗ lực triệu tập một đám đông những người ủng hộ ông kéo đến Washington để phản đối việc chứng nhận cuộc bầu cử như thế nào, sau khi mọi con đường pháp lý đều đi vào ngõ cụt. (Nguồn: YouTube)

WASHINGTON – Trong buổi điều trần vào Thứ Ba, 12 tháng 7 năm 2022, dựa vào lời khai từ các phụ tá của Trump, các nhà bình luận truyền thông cánh hữu và các thành viên dân quân, Ủy Ban Đặc Biệt Hạ Viện đã chứng minh cách các tuyên bố công khai của Cựu Tổng Thống Trump khiến những người ủng hộ ông tin rằng cuộc bầu cử thực sự đã bị đánh cắp và xông vào Điện Capitol nhằm ngăn chặn chứng nhận bầu cử, theo NYTimes đưa tin ngày Thứ Ba, 12 tháng 7 năm 2022.

Trang New York Times đã rút ra 4 điểm chính của phiên điều trần thứ 7:

  1. Một dòng tweet của Trump huy động được đám đông ngày 6 tháng 1

Sáng sớm ngày 19 tháng 12 năm 2020, Cựu Tổng Thống Trump đăng một dòng tweet kêu gọi những người ủng hộ mình hãy đến Washington vào ngày 6 tháng 1.

“Biểu tình rầm rộ ở D.C. vào ngày 6 tháng 1,” Trump đăng trên Twitter. “Hãy đến đó, sẽ rất điên cuồng!”

Ủy Ban đã chứng minh cách dòng tweet này đóng vai trò như một lời kêu gọi tập hợp những người ủng hộ ông Trump – bao gồm các tổ chức cực đoan và các nhà bình luận truyền thông cánh hữu.

Ngay lập tức, sự ủng hộ bắt đầu được tăng cao cả trong các nhóm cực hữu như Oath Keepers và Proud Boys, cũng như trong số những công dân bình thường tin vào lời nói dối của Trump về cuộc bầu cử. Và có nhiều trường hợp, các bình luận trực tuyến từ những người ủng hộ Trump nghe giống như một lời kêu gọi vũ trang, dùng bạo lực để nói chuyện.

Matt Bracken, một nhà bình luận cánh hữu, cho biết trong một video clip được đăng ngay sau dòng tweet của Trump: “Chúng ta sẽ chỉ được cứu rỗi bởi hàng triệu người dân Hoa Kỳ kéo đến Washington, chiếm toàn bộ khu vực, nếu cần thì xông thẳng vào Điện Capitol luôn. Chúng ta biết các quy tắc giao tranh là gì. Hễ có đủ người, ta có thể đẩy sập bất kỳ loại hàng rào hoặc bức tường nào.”

Khi đám đông đến Washington, những người ủng hộ ông Trump tiếp tục nghe theo những gợi ý từ ông ta.

“Tôi đã nghe theo mọi lời ông ấy nói,” Stephen Ayres, một người ủng hộ đã nhận tội nhẹ về hành vi cản trở và gây rối vì vai trò của mình trong vụ bạo loạn Điện Capitol, cho biết. Ayers nói rằng mình không hề có kế hoạch chạy đến Điện Capitol nhưng đã quyết định làm vậy sau khi nghe ông Trump phát biểu trước đám đông trên quảng trường Ellipse, gần Tòa Bạch Ốc.

“Về cơ bản, thì chúng tôi chỉ làm theo những gì ông ấy nói,” Ayers nói. Ông đã rất tức giận vì tin rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp và cần phải làm gì đó để sửa sai. Theo ông, đám đông tin rằng ông Trump sẽ gặp họ tại Điện Capitol. Ông nói: “Tôi nghĩ mọi người cũng như tôi, đều nghĩ rằng ông ấy sẽ tới đó. Mọi người cũng biết mà, trong bài phát biểu của mình, ông Trump đã nói giống như kiểu ông ấy sẽ ở đó với chúng tôi. Cho nên tôi đã tin.”

  1. Bằng chứng mới về kế hoạch đi đến điện Capitol

Ủy Ban đã đưa ra bằng chứng mới cho thấy ông Trump và các đồng minh có nhiều kế hoạch sâu rộng hơn so với những gì từng được biết, về việc đi tới Điện Capitol vào ngày 6 tháng 1 năm 2021.

Trong các tài liệu mà Ủy Ban thu được, có một dòng tweet được soạn sẵn cho ông Trump, mà ông cũng đã biết, kêu gọi những người ủng hộ diễn hành đến Điện Capitol sau bài phát biểu của ông.

Dòng tweet nháp viết rằng: “Sẽ có một bài phát biểu lớn lúc 10:00 A.M. ngày 6 tháng 1 ở phía nam Bạch Ốc. Mọi người hãy đến sớm nhé. Dự kiến ​​sẽ đông lắm. Rồi sẽ diễn hành đến Capitol sau Stop the Steal!”

Dòng tweet chưa bao giờ được gửi đi, nhưng Ủy Ban cho rằng nó là một bằng chứng cho thấy rằng, trong những ngày trước ngày 6 tháng 1, Cựu Tồng Thống Trump và các đồng minh đã thảo luận về kế hoạch để ông tới khu vực xung quanh Điện Capitol sau cuộc biểu tình ở Ellipse.

Ủy Ban đã đưa ra một tin nhắn văn bản mà một đồng minh của Trump, Michael J. Lindell, người đứng đầu công ty My Pillow, đã nhận được từ một nhà tổ chức cuộc biểu tình vào ngày 4 tháng 1, trong đó nhà tổ chức nói rằng giai đoạn thứ hai sẽ được thiết lập tại Tối Cao Pháp Viện, đối diện với Mặt Phía Đông của Điện Capitol.

Người tổ chức cuộc biểu tình, Kylie Kremer, đã viết: “Tôi không thể thoát ra để chuyển qua giai đoạn thứ hai bởi vì mọi người  cố gắng tạo thành một cuộc biểu tình khác và phá hoại. Cũng không thể thoát ra để qua cuộc diễn hành vì tôi sẽ gặp rắc rối với National Park Service và tất cả các cơ quan, còn POTUS sẽ chỉ chép miệng gọi đó là ‘bất ngờ.’”

Các tin nhắn văn bản khác được gửi vào khoảng thời gian đó đều cho thấy các nhà hoạt động cánh hữu tin rằng ông Trump sẽ tham gia cùng họ khi họ tập trung tại Điện Capitol.

“Trump được cho là sẽ ra lệnh cho chúng tôi đến thủ đô vào cuối bài phát biểu của ông ấy nhưng chúng tôi cứ chờ xem,” Ali Alexander, người dẫn đầu chiến dịch “Stop the Steal” cho biết.

Ủy Ban cũng đưa ra một bức ảnh của nhiếp ảnh gia Bạch Ốc, Shealah Craighead, người có mặt tại một buổi họp tại Phòng Bầu Dục vào tối ngày 5 tháng 1, khi ông Trump và một số phụ tá có thể nghe thấy đám đông những người ủng hộ ông đang tụ tập gần đó. Bà Craighead làm chứng rằng ông Trump có nói, “Chúng ta đến Điện Capitol thôi. Đường nào đến Điện Capitol tốt nhất?”

  1. Một cuộc đụng độ trong Phòng Bầu Dục

Bốn ngày sau khi các bang bỏ phiếu Đại Cử Tri Đoàn, về cơ bản chấm dứt mọi thách thức pháp lý đối với chiến thắng của Joseph R. Biden Jr., một nhóm cố vấn bên ngoài của Trump đã hối hả đến Cánh Tây để gặp ông tại Phòng Bầu Dục. Các cố vấn – bao gồm cả luật sư Sidney Powell và Michael T. Flynn, vị tướng về hưu từng có thời gian ngắn làm cố vấn an ninh quốc gia cho Trump – mang theo đầy đủ các dự thảo lệnh hành pháp mà họ muốn ông Trump ký để lợi dụng Bộ Quốc Phòng thu giữ các máy bỏ phiếu trong nỗ lực cố gắng chứng minh cho những tuyên bố vô căn cứ về gian lận bầu cử.

Ngay sau khi cuộc họp bắt đầu, cố vấn Bạch Ốc, Pat A. Cipollone – người không tin cuộc bầu cử bị đánh cắp và đã thúc giục Trump nhận thua – biết được điều đó và lao vào Phòng Bầu Dục nhanh đến mức bà Powell cho biết ông ấy đã lập “kỷ lục tốc độ mới trên đất liền.”

Ông Cipollone nói trong lời khai được ghi hình: “Tôi mở cửa, bước vào, và thấy Tướng Flynn, Sidney Powell đang ngồi ở đó – Tôi không vui nổi khi thấy mấy người này có mặt trong Phòng Bầu Dục.”

Cipollone kể ông đã quay sang một trong những cố vấn mà ông không biết và hỏi danh tính của người này. Hóa ra đó là nhà sáng lập của Overstock.com, Patrick Byrne. Ông nói: “Tôi không nghĩ có bất kỳ ai trong số mấy người đó cho tổng thống được những lời khuyên hữu ích. Có cách để tranh cãi về các cuộc bầu cử, nhưng mà cái ý tưởng lôi chính phủ liên bang vào cuộc và thu giữ các máy bỏ phiếu? Không – không hiểu sao tôi còn phải giải thích tại sao đó là một ý tưởng tồi. Đó là một ý tưởng khủng khiếp.”

Trong những giờ sau, một cuộc họp diễn ra sau đó được coi là gây tranh cãi nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, khi ông Cipollone và các cố vấn khác của Bạch Ốc, bao gồm cả Eric Herschmann, đối đầu với bà Powell, ông Flynn và ông Byrne.

“Nhiều lúc, họ la hét, chửi bới nhau chứ không chỉ là ngồi bàn bạc công chuyện,” Derek Lyons, thư ký Bạch Ốc lúc bấy giờ cho biết.

Bà Powell cho lời khai rằng bà nghĩ ông Trump đã chỉ định mình làm cố vấn đặc biệt để điều tra các cáo buộc gian lận bầu cử. Nhưng ông Cipollone cực lực phản đối động thái đó và thẳng thừng từ chối làm các thủ tục giấy tờ cần thiết cho việc đề cử.

Sau tất cả các cuộc đấu đá giữa các cố vấn bên ngoài và cố vấn Bạch Ốc, ông Trump từ chối kế hoạch sử dụng quân đội hoặc các cơ quan liên bang khác để chiếm giữ các máy bỏ phiếu. Vài giờ sau, cựu tổng thống chuyển sang Twitter để đăng lời kêu gọi những người ủng hộ ông đến Washington vào ngày 6 tháng 1.

  1. Thêm cảnh báo về việc giả mạo nhân chứng

Cuối phiên điều trần hai tuần trước, DB Liz Cheney, phó chủ tịch Ủy Ban 6 Tháng 1, đã cảnh báo về việc giả mạo nhân chứng – và lần này thông điệp của bà nhắm thẳng vào ông Trump.

Bà Cheney nói rằng có một nhân chứng – người mà bà từ chối nêu đích danh, chỉ cho biết lời khai của người đó cho đến nay vẫn chưa được công khai – đã nhận được cuộc gọi từ ông Trump trong hai tuần qua. Nhân chứng này đã nhận được cuộc gọi sau phiên điều trần cuối cùng, khi mà Cassidy Hutchinson, một cựu phụ tá Cánh Tây, cung cấp lời khai gây sốc về ông Trump.

Bà Cheney nói rằng nhân chứng này đã từ chối nhận hoặc trả lời cuộc gọi của ông Trump, và đã nói với luật sư của mình báo lại cho Ủy Ban. Ủy ban sau đó đã chuyển thông tin cho Bộ Tư Pháp.

Sau lời khai công khai của bà Hutchinson vào ngày 28 tháng 6, Ủy Ban đã tiết lộ nỗ lực của các đồng minh của Trump nhằm tiếp cận một nhân chứng, cũng chính là bà Hutchinson.

Hôm Thứ Ba, phát ngôn viên của ông Trump cho biết trên Twitter rằng bà Cheney đang “ăn đằng sóng nói đằng gió,” nhưng không đề cập trực tiếp đến việc liệu ông Trump có cố gắng tiếp cận với một nhân chứng hay không.

Chữa thần kinh cột sống, một cô ở Georgia bị đứt 4 động mạch, tê liệt

Chữa thần kinh cột sống, một cô ở Georgia bị đứt 4 động mạch, tê liệt

July 13, 2022

SAVANNAH, Georgia (NV) – Một cô ở Georgia bị tê liệt do bị đứt bốn động mạch khi đi chữa thần kinh cột sống, theo tạp chí PEOPLE hôm Thứ Tư, 13 Tháng Bảy.

Ngày 16 Tháng Sáu, cô Caitlin Jensen, sinh viên vừa tốt nghiệp đại học Georgia Southern University, đi bác sĩ thần kinh cột sống (chiropractor) để “chỉnh lại cổ,” theo trang GoFundMe quyên tiền trả chi phí chữa bệnh cho cô.

Cô Caitlin Jensen. (Hình: GoFundMe)

Sau khi điều chỉnh, cô Jensen “ngã bệnh,” được đưa đi bệnh viện, và kết quả xét nghiệm ở bệnh viện cho thấy cô bị đứt bốn động mạch bên trong cổ, theo trang GoFundMe.

“Tổn hại này khiến cô bị ngưng tim đột ngột và đột quỵ, và mất mạch hơn 10 phút mới được cứu sống,” trang GoFundMe cho hay. “Ngay khi bác sĩ giữ được ổn định cho cô Jensen, cô được đưa đi mổ gấp. Bác sĩ sửa được vài vết đứt và đặt ‘stent’ vô một động mạch.”

Bà Darlene Jensen, mẹ cô Jensen, cho đài truyền hình địa phương WSB biết bác sĩ tin rằng con bà đột quỵ “do vụ điều chỉnh cổ.”

“Vị bác sĩ giải phẫu cứu mạng cháu, và mọi bác sĩ khác đã kiểm tra cháu, đều đồng ý rằng chuyện này xảy ra là do vụ điều chỉnh cổ,” bà Darlene nói với đài WSB. “Bác sĩ thần kinh cột sống đó gọi 911 rồi gọi cho tôi nói cháu “có phản ứng với cách điều trị.”

Đến nay, nguyên nhân chính thức cô Jensen bị liệt chưa được xác định, theo đài WSB.

Tên vị bác sĩ thần kinh cột sống chữa cho cô Jensen cũng chưa được công bố. Đài WJCL đưa tin họ liên lạc được bác sĩ này nhưng bác sĩ này từ chối đưa ra ý kiến, nêu lý do là Đạo Luật Trách Nhiệm Giải Trình và Cung Cấp Thông Tin Bảo Hiểm Y Tế (HIPAA).

Gần một tháng sau ngày “điều chỉnh cổ,” cô Jensen hiện vẫn nằm phòng cấp cứu thần kinh bệnh viện Memorial Hospital ở Savannah, Georgia, trong tình trạng nguy kịch.

Dù tỉnh, nhưng cô chỉ có thể đáp lại lời người khác bằng cách nháy mắt và ngọ nguậy ngón chân bên bàn chân trái, theo trang GoFundMe. Cô còn bị tổn thương não, trang này cho biết thêm.

“Tuy nhiên, phần thân còn lại của cô ấy bị tê liệt do chấn thương đó,” trang GoFundMe cho hay.

Cô Jensen tốt nghiệp Georgia Southern University hồi Tháng Năm với bằng hóa học và sinh học, và đang mong chờ đến tương lai, theo trang GoFundMe.

Tính đến trưa Thứ Tư, trang này quyên được hơn $46,000, gần một nửa so với mục tiêu $100,000, để lo chi phí chữa bệnh cho cô Jensen. (Th.Long)

Chồng tự tử, vợ dìm chết 3 đứa con nhỏ dưới hồ ở Minnesota rồi tự sát

Chồng tự tử, vợ dìm chết 3 đứa con nhỏ dưới hồ ở Minnesota rồi tự sát

July 7, 2022

MAPLEWOOD, Minnesota (NV) – Một người mẹ trẻ dìm chết ba đứa con nhỏ dưới hồ nước ở Minnesota rồi tự sát, và cái chết của họ dường như liên quan vụ cha những đứa trẻ này tự tử trước đó, cảnh sát loan báo hôm Thứ Năm, 7 Tháng Bảy, theo CNN.

Sáng Thứ Sáu tuần trước, cảnh sát và lính cứu hỏa Maplewood, ngoại ô thành phố St. Paul, đến hiện trường sau khi một cô, được xác nhận là Molley Cheng, 23 tuổi, báo cáo chồng cô vừa tự tử, Sở Cảnh Sát Ramsey County (RCSO) ra thông cáo báo chí cho hay.

Cảnh sát đang tiếp tục điều tra vụ giết người-tự tử này. (Hình minh họa: Luca Bravo/Unsplash)

Sau đó, người phụ trách phòng giảo nghiệm tử thi nhận diện người chồng là anh Yee Lee, 27 tuổi, và xác định anh ta chết vì vết thương do tự bắn, RCSO cho biết.

Cảnh sát sắp xếp cho nhân viên xã hội đến giúp đỡ cô Cheng và ba đứa con nhỏ, nhưng chiều hôm đó, người thân cô Cheng gọi 911 báo cáo cô ta sẽ giết ba đứa con rồi tự sát, theo RCSO. Cảnh sát Maplewood dò ra được điện thoại cô Cheng ở vùng hồ Vadnais-Sucker Lake Park tại Vadnais Heights, ngay phía Bắc St. Paul.

Cảnh sát Ramsey County tìm thấy xe cô Cheng ngoài bãi đậu xe, và vài đôi giày trẻ em cùng chìa khóa xe bên bờ hồ. Nhân viên cứu hộ lập tức tìm kiếm bốn mẹ con này dưới hồ cũng như xung quanh đó, RCSO cho hay.

Thi thể một trong ba đứa bé, 4 tuổi, được tìm thấy dưới hồ tối hôm đó, và đứa bé này chết do bị dìm nước và làm ngạt thở, theo giới chức giảo nghiệm tử thi. Không lâu sau nửa đêm, thi thể đứa thứ nhì, 5 tuổi, được tìm thấy dưới hồ, và nguyên nhân cái chết được xác định là bị dìm nước, theo RCSO.

Khi tiếp tục tìm kiếm sáng Thứ Bảy, điều tra viên vớt được thi thể cô Cheng, và nguyên nhân cô ta chết được xác định là trầm mình xuống hồ tự tử. Vài giờ sau, họ tìm thấy thi thể đứa con thứ ba, 3 tuổi, và giới chức giảo nghiệm tử thi xác định đứa bé này chết do bị dìm nước và làm ngạt thở, theo RCSO.

RCSO loan báo họ xem cái chết của ba đứa trẻ này là giết người, và đang tiếp tục điều tra sự việc. (Th.Long)

Nhân dịp 4 Tháng Bảy, nhắc lại những sự kiện đầy máu và nước mắt của người Mỹ

Nhân dịp 4 Tháng Bảy, nhắc lại những sự kiện đầy máu và nước mắt của người Mỹ

Ian Bùi

Ảnh: pexels-ketut-subiyanto

4 tháng 7 là Lễ Quốc Khánh ở Mỹ. Truyền thuyết nói đó là ngày bản Tuyên Ngôn Độc Lập (Declaration of Independence) được công bố trước bàn dân thiên hạ. Nhưng thật ra bản tuyên ngôn đã được ký trước đó hai ngày. Thành thử lẽ ra 2 tháng 7 mới đúng là sinh nhật của Liên Bang Hoa Kỳ. Thậm chí John Adams (Tổng thống thứ nhì) thuở sinh thời không bao giờ dự lễ Quốc Khánh vào ngày 4 tháng 7 vì ông cho là nó… trớt quớt.

Song ai cũng biết trên đời có thiếu gì chuyện trớt quớt nhưng nghe riết mọi người đều tưởng thiệt. Dù gì đi nữa sinh nhật của nước Mỹ chỉ trật có hai ngày nên ta cũng nên thông cảm cho cụ Adams. Nhưng đó là chuyện lễ lạt, nói nghe chơi cho vui. Còn cớ sao tại thời điểm đó dân Mỹ lại nhất quyết đứng lên đòi độc lập từ vua Anh là cả một trường thiên tiểu thuyết đầy máu, mồ hôi và nước mắt. Sử sách ghi có bảy sự kiện dẫn đến cuộc chiến mà người Mỹ gọi là Revolutionary War – Chiến tranh Cách mạng, bắt nguồn từ Chiến tranh Bảy Năm giữa Pháp và Anh tại Bắc Mỹ vào thập niên 1760.

Khai mào: Stamp Act (1765)

Tháng Ba năm 1765, Nghị Viện Anh ban hành một đạo luật về thuế tô đánh lên một lô các loại hàng hoá tại những vùng đất thuộc địa. Ngân hàng nhà nước Anh lúc bấy giờ đã cạn kiệt vì chiến tranh nên quá cần tiền. Ngặt một nỗi các thuộc địa đều có chính quyền riêng lo việc thuế má và ngân sách. Tự dưng có người của vua Anh đến để đánh thuế và thâu thuế. Tất nhiên là dân Mỹ không ưng.

Họ chống lại bằng nhiều cách, kể cả đe doạ đến tính mạng nhân viên thu thuế. Tình trạng đôi co giữa hai bên kéo dài được không được bao lâu thì luật Stamp Act bị huỷ bỏ vì không thu được đồng thuế nào mà còn bị dân chúng nổi loạn khắp nơi. Tuy nhiên, Hoàng gia vẫn giữ lại quyền đánh thuế lên các thuộc địa. Còn người Mỹ thì bỗng nhiên phát hiện họ có sức mạnh mà nào giờ không nghĩ mình có.

Hiệp nhì: Townshend Acts (1767)

Thua keo đầu, Nghị Viện Anh bày ra keo khác. Charles Townshend, Giám đốc ngân hàng nhà nước, đề xuất một đạo luật đánh thuế lên các món hàng mà ông ta nghĩ dân Mỹ cần nhập cảng từ Anh – như chén dĩa, thuỷ tinh, chì, sơn, giấy, trà v.v. Tiền thuế không chỉ bỏ vào ngân khố mà còn được dùng để trả lương cho những viên thống đốc và quan toà gởi từ Anh sang để cai quản các lãnh địa. Nói cách khác, Townshend muốn tước bỏ quyền lực của các nghị viện do dân Mỹ bầu lên tại các tiểu bang.

Benjamin Franklin báo cho chính phủ Anh hay người Mỹ đã bắt đầu tự sản xuất được nhiều mặt hàng nội địa. Mặt khác, người dân tại Massachusetts, Connecticut và Rhode Islands đồng loạt tẩy chay nhập cảng hàng hoá Anh trong vòng một năm, kể từ đầu năm 1768. New York cũng bắt chước theo vài tháng sau đó. Biểu tình nổ ra tại các thành phố lớn. Quân đội Anh được gởi đến Boston để dẹp các cuộc nổi loạn. Sang năm 1769 đã có đến 2,000 lính Anh đóng quân tại Boston, bấy giờ dân số chỉ có 16,000 người.

Quân đội Anh và người Mỹ đụng độ tại Boston ngày 5 Tháng Ba 1770 (ảnh: Stock Montage/Getty Images)

Đổ máu: Boston Massacre (1770)

Với số lượng binh lính đông đảo như thế, xung đột giữa người dân và quân Anh xảy ra như cơm bữa. Cuối cùng việc gì phải đến cũng đã đến. Trong một vụ xây xát, lính Anh đã nổ súng và giết chết mấy thường dân. Nạn nhân đầu tiên là một thuỷ thủ người da Đen tự do tên Crispus Attucks, về sau được vinh danh là liệt sĩ đầu tiên trong cuộc chiến tranh giành Độc Lập.

Cuộc thảm sát Boston, 1770 (ảnh: Ipsumpix/Corbis via Getty Images)

Cùng ngày cuộc thảm sát tại Boston diễn ra, bên Luân Đôn, thủ tướng Anh yêu cầu các nhà lập pháp hãy tìm cách dẹp bỏ đạo luật Townshend. Phải đến Tháng Bảy năm 1770 luật Townshend mới hết hiệu lực, nhưng thuế đánh lên trà vẫn được giữ lại như một biểu hiện quyền lực của nhà vua George III.

Tiệc trà: Boston Tea Party (1773)

Cùng trong khoảng thời gian đó thì British East India Company, một công ty tư nhân nhưng có nhiều mối “quan hệ” với nhà nước bị lỗ lã, sắp sập tiệm. Để cứu BEAC, Nghị Viện Anh ban hành đạo luật Tea Act, giảm thuế trà cho BEAC để công ty có thể cạnh tranh với trà dân Mỹ nhập cảng từ Hoà Lan. Thế là xung đột lại nổ ra.

Boston Tea Party, 1773 (ảnh: Universal History Archive/Universal Images Group via Getty Images)

Một tổ chức mang tên Sons of Liberty cho người giả dạng làm dân da Đỏ, leo lên ba chiếc thương thuyền chở trà đậu trong Vịnh Boston và trút 92,000 cân trà (41,000kg) xuống biển. Sự kiện này về sau được gọi là Tiệc Trà ở Boston, và hàng năm vẫn còn được người dân trong vùng diễn kịch để kể lại.

Chà đạp: Coercive Acts (1774)

Tiệc trà Boston đã làm chính phủ Anh nổi đoá. Chưa kể là nhiều người trong chính phủ đã đầu tư không ít vào các thương vụ trà, nay họ mất trắng. Nghị viện bèn ban hành một số đạo luật gọi là Coercive Acts nhằm mục đích đè bẹp các nhóm chống đối. Cảng Boston bị Hải quân Anh phong toả và hăm doạ khi nào số tiền trà được đền bù thoả đáng mới thôi.

Nghị viện thành phố bị thay thế bởi quan quân của nhà vua. Người dân không được quyền tụ họp. Bị căm ghét nhất là đạo luật cho phép binh lính Anh được quyền trú ngụ trong những ngôi nhà không có người ở. Không những vậy, người dân còn bị bắt phải nuôi ăn nuôi ở cho lính Anh nữa mới nhục!

Nổ súng: Lexington và Concord (1775)

Như ông bà ta nói, tức nước thì vỡ bờ. Tháng Tư 1775, tướng Anh Thomas Gage dẫn một đoàn quân đến Lexington để lùng bắt nhóm phiến quân Mỹ, trong đó có người trong nhóm Sons of Liberty như Samuel Adams, John Hancock… May sao cuộc truy nã bị phát hiện sớm. Một toán dân quân 77 người chuẩn bị sẵn sàng chờ đón tướng Gage.

Dân New York nhận được tin về sự kiện Lexington & Concord vào Tháng Tư 1775 – trận giao tranh quân sự đầu tiên giữa lực lượng Anh và Mỹ (ảnh: PHAS/Universal Images Group via Getty Images)

Hai bên bắn nhau dữ dội, rốt cuộc Gage phải lui trở về Boston. Trên đường rút quân, binh đoàn của ông ta bị chặn đánh thêm một trận nữa tại Concord. Kết quả, Mỹ mất bảy mạng; Anh chết 73 người, 174 người bị thương, 26 người mất tích. Một chiến thắng vang dội khiến quân Anh không còn dám xem thường các đội dân quân militia của Mỹ nữa. Lexington và Concord là phát súng khai pháo cuộc chiến giành độc lập.

Giọt nước tràn ly: Falmouth và Norfolk

Sau khi bị đánh bại thê thảm ở Lexington, Hải quân Anh bắt đầu siết chặt các cửa khẩu, không cho dân quân Mỹ nhập cảng vũ khí. Tháng 10, 1775, tại cảng Falmouth ở Maine (ngày nay thuộc thành phố Portland), quân Anh ra lệnh phóng hoả thành phố sau khi cho cư dân vài tiếng đồng hồ để tản cư. Hơn ba ngàn viên pháo đã rơi như mưa xuống Falmouth, thiêu huỷ tất cả. George Washington phải thốt lên, “Thật là một hành vi quá sức dã man và hung tàn.”

Ngày đầu năm 1776, Hải quân Anh pháo kích vào đồn lính Mỹ đóng tại Norfolk, Virginia, sau khi vị chỉ huy nhất định không chịu lui quân. Một khi đã đổ bộ, lính Anh được lệnh đốt phá các kho hàng và nhà cửa trong vùng. Tuy Virginia thuộc miền Nam và người dân ở đây đa số có cảm tình với Hoàng gia Anh hơn, nhưng vụ Norfolk đã khiến cho các tiểu bang miền Nam ngã sang ủng hộ kháng chiến. Chiến tranh Cách mạng do George Washington lãnh đạo thực sự bắt đầu.

Nổ súng tại diễn hành Lễ Độc Lập ở Chicago, 6 người chết, 30 bị thương, nghi can bị bắt

Nổ súng tại diễn hành Lễ Độc Lập ở Chicago, 6 người chết, 30 bị thương, nghi can bị bắt

July 4, 2022

Nguoi-Viet

CHICAGO, Illinois (NV) – Một vụ nổ súng xảy ra tại buổi diễn hành mừng Lễ Độc Lập ở khu ngoại ô thành phố Chicago vào sáng Thứ Hai, 4 Tháng Bảy, làm ít nhất sáu người thiệt mạng, và nghi can đã bị bắt, theo nguồn tin từ giới chức công lực.

Hãng tin AP dẫn nguồn tin từ trang nhà của thành phố Highland Park, nơi xảy ra vụ nổ súng, nói ngoài sáu người chết còn có 30 người được chuyển đến bệnh viện. Nguồn tin này chưa công bố các chi tiết về các nạn nhân. Trước đó, các nhân chứng nói rằng thấy một số thi thể đẫm máu được phủ mền trên đường.

Người dân xem diễn hành mừng Lễ Độc Lập ở Pottstown, Pennsylvania. (Hình minh họa: Mark Makela/Getty Images)

Đài truyền hình CBS News trích lời ông Lou Jogmen, cảnh sát trưởng Highland Park, nói rằng “người có thể là nghi can” (person of interest) là Robert “Bobby” E. Crimo III, 22 tuổi.

Cảnh sát tin rằng anh này lái chiếc xe Honda Fit 2010 màu bạc, với bảng số là DM80653 của Illinois.

AP dẫn lời cảnh sát cho biết Robert “Bobby” E. Crimo III bị bắt vài giờ sau đó.

Cảnh sát không tiết lộ cho biết vì sao xác nhận được Robert “Bobby” E. Crimo III “người có thể là nghi can.”

Một nguồn tin từ giới chức công lực nói rằng hung thủ có thể đã núp trên mái nhà bắn xuống con đường bên dưới.

Tờ Chicago Sun-Times tường thuật cho hay, cuộc diễn hành khởi sự lúc 10 giờ sáng, giờ địa phương, nhưng bất ngờ bị ngưng lại 10 phút sau đó, sau khi có tiếng súng. Một số nhân chứng nói với tờ báo rằng họ nghe loạt súng nổ.

Robert “Bobby” E. Crimo III, “người được coi là nghi can” trong vụ nổ súng ở Highland Park, Illinois, làm sáu người chết và 30 người bị thương. (Hình: Highland Park Police)

Hàng trăm người đến tham dự buổi diễn hành, với một số người có vẻ bị thương tích, bỏ chạy khỏi địa điểm diễn hành, bỏ lại các ghế ngồi, xe đẩy trẻ nhỏ và các tấm mền.

Một phóng viên của tờ báo Sun-Times nói nhìn thấy ba thi thể đẫm máu được phủ mền. Cảnh sát yêu cầu công chúng nhanh chóng rời khỏi nơi diễn hành vì không an toàn.

Đoạn video do một ký giả của tờ Sun-Times thu được sau khi súng nổ cho thấy một ban nhạc ngồi trên xe diễn hành tiếp tục trình diễn trong lúc khán giả hốt hoảng chạy dọc theo chiếc xe, la hét hoảng sợ.

Một tấm hình được đưa lên trang mạng xã hội cho thấy các vũng máu trên đường, gần các ghế ngồi bị lật nghiêng ở khu trung tâm thành phố Highland Park.

Văn Phòng Cảnh Sát Trưởng Lake County cho hay qua Twitter rằng đang trợ giúp sở cảnh sát Highland Park “trong vụ nổ súng tại nơi tổ chức diễn hành mừng ngày Lễ Độc Lập.” (V.Giang) [kn]

Cuộc điều trần bom tấn về ông Trump khiến nước Mỹ rung chuyển

Cuộc điều trần bom tấn về ông Trump khiến nước Mỹ rung chuyển

Hải Linh

Theo New York Times

 

Cựu trợ lý Nhà Trắng Cassidy Hutchinson đã công khai làm chứng về vụ bạo loạn Đồi Capitol, chỉ ra tính cách thất thường và những hành vi bạo lực của cựu Tổng thống Donald Trump.

Mùa hè năm 2018, Cassidy Hutchinson, 22 tuổi, lần đầu đến thực tập tại Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Với tham vọng gây dựng sự nghiệp trong Chính phủ, Hutchinson nhanh chóng nắm bắt cơ hội, trở thành trợ lý Chánh văn phòng Nhà Trắng.

Tuy nhiên, 4 năm sau, cô lại đứng trước Ủy ban điều tra của Hạ viện với tư cách nhân chứng mạnh mẽ nhất trong vụ bạo loạn ở Đồi Capitol vào ngày 6/1/2021. Cô cũng chỉ ra hành vi kỳ lạ và bạo lực của cựu Tổng thống Donald Trump trong 4 năm ở Nhà Trắng.

“Hình ảnh của Điện Capitol bị phá hỏng vì một lời nói dối”

Suốt 2 tiếng đồng hồ trên truyền hình trực tiếp, Hutchinson mô tả cựu Tổng thống với những bất ổn về mặt tâm lý. Ông Trump đã được cảnh báo rằng những người ủng hộ ông mang theo vũ khí, nhưng không hề lo ngại vì cho rằng họ không phải mối đe dọa với mình.

Hutchinson kể ông Trump thậm chí đã cố gắng cướp lái chiếc limousine chuyên chở Tổng thống vì muốn đến Điện Capitol, và nói thêm có thời điểm ông đã ném bữa trưa của mình vào một bức tường trong Nhà Trắng.

“Tôi đã lấy một chiếc khăn và bắt đầu giúp những người giúp việc lau nước sốt cà chua trên tường”, Hutchinson kể lại.

 

Hạ nghị sĩ Liz Cheney ôm Cassidy Hutchinson sau lời khai của cô trước ủy ban vào ngày 28/6. Ảnh: New York Times.

Trên Twitter, Hutchinson được so sánh với ông John Dean, cựu cố vấn Nhà Trắng cho Tổng thống Richard Nixon, người công khai làm chứng trong phiên điều trần về trách nhiệm của cựu Tổng thống trong bê bối Watergate.

Trong một cuộc phỏng vấn ngắn vào ngày 28/6, ông Dean cho biết Hutchinson đủ “tiêu chuẩn” trở thành một nhân chứng quan trọng và cô đã làm điều đó một cách nhanh chóng.

“Cô ấy có thể thu thập thông tin từ những quan sát của mình ngay lập tức”, ông nói.

Hutchinson ban đầu có vẻ lo lắng, nhưng ngày càng thoải mái hơn khi tiếp tục lời khai. Cô đã mô tả những nỗ lực của ông Mark Meadows, Chánh văn phòng Nhà Trắng cuối cùng của ông Trump, trong việc hiện thực hóa tham vọng duy trì chức vụ của vị cựu Tổng thống.

Đồng thời, cô cũng thể hiện sự căm ghét của mình với các cuộc tấn công của ông Trump nhằm vào cựu Phó tổng thống Mike Pence, bao gồm cả bài đăng trên Twitter chỉ trích ông Pence khi bạo loạn Capitol đang diễn ra.

“Điều đó thật không giống người Mỹ”, Hutchinson nói về bài đăng của cựu Tổng thống. “Chúng ta đã chứng kiến hình ảnh của Điện Capitol bị phá hỏng vì một lời nói dối”.

Theo cô, Chánh văn phòng Nhà Trắng Meadows gần như sững sờ khi những người bạo loạn tràn vào Điện Capitol. Ông nói với cố vấn Nhà Trắng Pat A. Cipollone rằng ông Trump không quan tâm và không có ý định xoa dịu những người ủng hộ. “Ông ấy không muốn làm bất cứ điều gì, ông Pat ạ”, Hutchinson thuật lại lời của ông Meadows.

Cô cũng nói rằng ông Trump đã bác bỏ lo ngại việc một số người ủng hộ tụ tập bên ngoài Nhà Trắng mang theo súng trường kiểu AR-15. Thay vào đó, ông yêu cầu an ninh ngừng kiểm tra những người tham dự bằng máy đo từ tính để đám đông trông đông hơn.

“Hãy cất những cái máy đó đi. Chúng làm tổn thương tôi”, cô thuật lại lời ông Trump.

Nhân chứng hiếm hoi

Trong nhiều thập kỷ, từ những ngày đầu ông Trump gây dựng sự nghiệp kinh doanh ở New York cho đến những phút cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống, nhiều trợ lý đã phải cố gắng kiềm chế hành vi của ông.

Tuy nhiên, ngoài cựu luật sư riêng Michael D. Cohen, rất ít người tuyên thệ trước tòa và chỉ ra tính cách nóng nảy, thất thường của vị Tổng thống như cách Hutchinson đã làm.

Người biểu tình tràn vào Điện Capitol trong vụ bạo loạn rung chuyển nền dân chủ Mỹ ngày 6/1. Ảnh: Reuters.

Phản ứng với lời khai của cựu trợ lý, ông Trump nhanh chóng lên án cô là “một kẻ hoàn toàn giả dối” và “người phản bội”, khẳng định ông hầu như không biết đến cô, trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social do ông tạo ra.

Tuy nhiên, việc ông phủ nhận bất kỳ sự quen biết nào với những người chỉ trích mình vốn đã trở thành phản ứng quen thuộc. Tại buổi điều trần, những bức ảnh của Hutchinson với các trợ lý hàng đầu tại Nhà Trắng, điển hình là Hạ nghị sĩ Liz Cheney, cho thấy cô từng giữ “vị trí đủ để biết rất nhiều về những hành động trong Nhà Trắng của ông Trump”.

“Cô ấy làm việc ở Cánh Tây, cách Phòng Bầu dục vài bước”, bà Cheney nói. “Hutchinson nói chuyện hàng ngày với các thành viên Quốc hội, quan chức cấp cao trong chính quyền, và các nhân viên cấp cao của Nhà Trắng, bao gồm cả luật sư Meadows, và cựu phó Chánh văn phòng Nhà Trắng Tony Ornato”.

Hutchinson bắt đầu sự nghiệp của mình ở Washington với tư cách là thực tập sinh ở Đồi Capitol, làm việc cho Thượng nghị sĩ Ted Cruz, đảng viên Cộng hòa của Texas, và Hạ nghị sĩ Steve Scalise của Louisiana.

Khi cô đang làm việc trong bộ phận lập pháp, ông Meadows trở thành Chánh văn phòng vào tháng 3/2020. Ông biết đến Hutchinson vì thường xuyên được cô hộ tống trong và ngoài khuôn viên Nhà Trắng, khi đến thăm với tư cách thành viên của Hạ viện và lãnh đạo của nhóm nghị sĩ bảo thủ Freedom Caucus.

Sau đó, ông đã mời Hutchinson về làm việc trong nhóm của mình, khiến cô trở thành một trong những trợ lý hàng đầu, thường thay ông tham gia các cuộc họp.

“Cô ấy là phụ tá đáng tin cậy của ông Meadows”, bà Sarah Matthews, cựu Phó thư ký báo chí Nhà Trắng, cho biết.

Hutchinson được cho là sẽ phục vụ ông Trump ở Florida sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, nhưng kế hoạch đột ngột bị hủy bỏ. Trong vài tháng qua, cô đã làm chứng tại tòa 4 lần, sau những cánh cửa đóng kín.

Ngày 28/6 là lần đầu cô cho lời khai trước công chúng. Cô tập trung phần lớn vào những gì từng chứng kiến hoặc được nghe kể, và tiết lộ cảm xúc cá nhân về sự kiện hôm 6/1/2021.

Cô ngày càng thất vọng vì ông Meadows dường như không quan tâm đến việc cuộc biểu tình đang dần mất kiểm soát. Ngày hôm đó đối với cô giống như khi chứng kiến một “tai nạn xe hơi tồi tệ sắp xảy ra, dù không thể ngăn chặn, (chúng ta) vẫn muốn làm điều gì đó”.

“Tôi chỉ nhớ trong khoảnh khắc đó, tôi nghĩ rằng (ông Meadows) cần chấm dứt điều này, tôi không biết phải làm thế nào nhưng ông ấy cần (hành động)”, cô nói.

Sau lời khai của Hutchinson trước công chúng, ông Dean [người công khai làm chứng trong phiên điều trần về vụ bê bối Watergate] đã cảnh báo cô cần phải chuẩn bị cho những gì xảy ra tiếp theo.

“Có thể khi còn trẻ, (chúng ta) không biết mình cần sợ hãi”, ông nói.

Ông Dean chia sẻ thêm: “Cô ấy đang ở giai đoạn đầu của một quá trình có thể trở nên tồi tệ. Sẽ có những nỗ lực làm mất uy tín của cô. Chúng sẽ được phát tán và (Hutchinson) sẽ phải đọc những điều không có thật về bản thân, hoặc những sự cố bị xuyên tạc theo cách cô chưa bao giờ lường trước, vì cô đang chống lại hai người quyền lực nhất trong Nhà trắng khi đó”.

“Thật đáng buồn, nhưng đó là cách hệ thống hoạt động”, ông nói.

John Dean (trái) điều trần vụ Watergate năm 1972 và Cassidy Hutchinson (phải) điều trần vụ Jan 06 năm 2022

H.L.

Nguồn: zingnews.vn

Sự cần thiết của công lý

Sự cần thiết của công lý

Nhã Duy

29-6-2022

Cô assidy Hutchinson. Ảnh trên mạng

Khi đưa tay tuyên thệ sẽ nói sự thật, những cá nhân ra điều trần trước Quốc Hội hay trước các viên chức công lực liên bang hiểu rằng họ đang ký kết một ràng buộc pháp luật để chỉ khai sự thật. Nếu bị chứng minh là man khai, họ sẽ phải diện tội đại hình với án tù có thể đến năm năm và sự nghiệp cùng đời sống xem như bị tiêu tan. Ai là người dám đánh cược với những rủi ro đó?

Đó là câu chuyện của Cassidy Hutchinson, cô gái 25 tuổi từng là phụ tá cho cựu Chánh Văn Phòng Bạch Ốc Mark Meadows. Ở cương vị này, cô là một nhân chứng sống thực tiếp xúc với cựu tổng thống Donald Trump cùng những nhân vật đứng đầu nội các, kể cả các dân biểu Quốc Hội để trở thành một nhân chứng đầy khả tín với các lời khai xác thực.

Những lời chứng của Cassidy cùng những nhân vật từng làm việc trong nội các chính phủ tiền nhiệm đã cho thấy thêm nhiều chi tiết và sự thật cùng các bằng chứng quan trọng về một kế hoạch có tính toán nhằm lật đổ kết quả cuộc bầu cử tổng thống hợp pháp, mà những người trong cuộc cũng thừa hiểu là hành động của họ là bất hợp pháp. Hay khác hơn là họ đang làm điều phi pháp. Đó là lý do những kẻ dự phần đã xin ân xá dù chưa bị kết tội. Chính họ tự hiểu rằng mình đang phạm tội nên cần được nắm trong tay lệnh ân xá trước khi bị kết tội.

Đây là những kẻ không thể khai sự thật nên đã hoặc từ chối ra điều trần, chịu rủi ro có thể bị ghép vào khinh tội, hoặc viện dẫn Tu chính án số 5 để không trả lời các câu hỏi, dù một khi sử dụng quyền im lặng này thì họ cũng không được quyền có những nhân chứng bảo vệ mình một khi bị truy tố và đưa ra xét xử.

Qua sáu cuộc điều trần tại Quốc Hội, người dân Mỹ và thế giới đã thấy những âm mưu, những tính toán bất chấp hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ, kích động những kẻ quá khích tấn công vào công sở chính phủ hay âm mưu thủ tiêu những viên chức cao cấp chính phủ cho đến các nhà lập pháp đảng đối lập như thế nào.

Ủy ban điều tra vụ bạo loạn đang thực hiện vai trò và bổn phận của cơ quan lập pháp trong việc giám sát các hoạt động hành pháp, bất kể với nội các đương nhiệm hay tiền nhiệm. Đây là ủy ban có chính danh và hợp lệ bởi nếu nhìn lại phán quyết của Tối Cao Pháp Viện buộc Donald Trump phải giao nộp các hồ sơ cho ủy ban điều tra hồi đầu năm nay, đã xác định điều này.

Vẫn còn một đôi cuộc điều trần trong tháng Bảy tới đây, tuy nhiên với những gì mà người dân Hoa Kỳ nghe và xem được cho đến nay đã quá đủ các yếu tố tạo thành một vụ án hình sự để truy tố những kẻ chủ mưu và tòng phạm.

Điều còn lại là thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Tư Pháp. Dù có thể nhiều người đang mất kiên nhẫn tuy nhiên sự thận trọng của Bộ Tư Pháp trong việc thu thập và đưa ra các chứng cứ không thể chối bỏ một khi đưa ra quyết định truy tố cũng là điều cần thiết của một hệ thống pháp luật công minh và công bằng. Mặt khác, sự vội vàng cũng có thể tạo ra một tình trạng bất ổn trong xã hội cùng những cuộc bạo loạn tương tự tái diễn nếu những kẻ cực đoan lại bị kích động.

Không ai có thể tin chắc điều gì kế tiếp sẽ xảy ra nhưng nhiều người dân vẫn mang hy vọng rằng hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ sẽ không làm một thiếu nữ trẻ như Cassidy Hutchinson phải thất vọng khi đã đối diện nguy hiểm để ra điều trần và khai thêm nhiều sự thật quan trọng trong ngày hôm qua.

Những điều đang xảy ra tại nước Mỹ hôm nay không chỉ nhằm truy tố một cá nhân hay một băng đảng tội phạm, mà còn là sự cần thiết của một hệ thống công lý công minh và để tái lập niềm tin của người dân.

Chiếc đồng hồ vẫn đang chạy.

Cập nhật tin cô gốc Việt ngoài 20 tuổi ở Florida bị chồng cắt cổ chết tại nhà

Cập nhật tin cô gốc Việt ngoài 20 tuổi ở Florida bị chồng cắt cổ chết tại nhà

June 24, 2022

Nguoi-viet

ALTAMONTE SPRINGS, Florida (NV) – Vụ một cô gái gốc Việt, chỉ mới ngoài 20 tuổi, bị chồng mới cưới chưa đầy một năm cắt cổ chết trong nhà ở Florida, đã có thêm các biến chuyển mới, với việc nghi can bị tòa án địa phương ra lệnh tiếp tục giam giữ mà không cho đóng tiền thế chân để tại ngoại hậu tra. Trong khi đó, một số người cho biết là bạn bè thân hữu của nạn nhân đã mở trang GoFundMe để quyên góp tiền trang trải chi phí đưa thi thể cô gái về Việt Nam, nơi cha mẹ và hai người em đang sinh sống.

Cảnh sát thành phố Altamonte Springs ở Florida hôm Thứ Tư, 22 Tháng Sáu, cho hay một thanh niên 21 tuổi, cư dân nơi đây, đã xác nhận dùng dao cắt cổ vợ, một cô gái gốc Việt, tuổi chỉ mới ngoài 20, ngay tại nhà của hai người.

Theo bản tin của đài truyền hình địa phương WFTV Orlando cùng các cơ quan truyền thông khác, nghi can sau đó kéo nạn nhân vào trong bồn tắm, ngồi cạnh nắm tay, cho nghe bản nhạc nạn nhân ưa thích, trong khi nạn nhân chết dần.

Nghi can Xichen Yang (Hình: Seminole County Sheriff’s Office)

Nghi can Xichen Yang, 21 tuổi, khai với cảnh sát rằng anh ta có thể không làm hành động giết người ghê gớm này, nhưng nói thêm rằng mình là kiểu người “luôn làm mọi sự tới nơi tới chốn.” Vụ này xảy ra ở khu chung cư trên đường Ballard St. gần Ronald Reagan Blvd. lúc khoảng 9 giờ sáng Thứ Ba, 21 Tháng Sáu.

Cảnh sát đến khu chung cư Goldelm at Charter Pointe Apartments để điều tra về tình trạng an toàn của vợ nghi can và có được chìa khóa từ văn phòng điều hành nơi này để tiến vào căn chung cư của nghi can Yang, theo báo cáo của nhân viên công lực.

Khi tiến vào căn chung cư, họ thấy nạn nhân, cô Phạm Như Quỳnh, nằm trong một vũng máu lớn trong bồn tắm, với vết cắt ở cổ, bên cạnh là thuốc tẩy và găng tay cao su.

Theo cảnh sát, nghi can Yang giết vợ trong cơn giận dữ. Hai vợ chồng chỉ mới cưới nhau chưa được một năm. Cảnh sát nói đã hai lần được gọi đến căn chung cư. Một lần là vì nghi can Yang “có hành động gây hại cho chính mình” khiến người vợ lo ngại. Lần thứ nhì là vì Yang bị tố cáo đánh vào mặt người vợ.

Căn chung cư nơi xảy ra án mạng. (Hình: YouTube)

Các điều tra viên cho hay ông Michael Rathel, chủ công ty giữ vệ sinh hồ bơi Marco Polo Pool Maintenance, nơi nghi can làm việc, gọi cho nghi can để hỏi tại sao không đi làm việc.

Nghi can trả lời là có cãi cọ với vợ vì cô này “đốt passport” của nghi can. Khi ông Rathel trách nghi can là “nhân viên vô trách nhiệm,” nghi can trả lời là đã làm điều “tệ hại hơn nữa là giết vợ.”

Nghe xong, ông Rathel vội vàng gọi 911 để báo cảnh sát.

Báo cáo của cảnh sát nói rằng sau khi bị cắt cổ, nạn nhân cố bò về phía cửa ra vào, nhưng bị nghi can Yang kéo lại, đưa vào trong bồn tắm để nằm chết nơi đây. Sau đó, nghi can dùng thuốc tẩy để chùi rửa các vết máu trên tường và sàn nhà.

Hồ sơ báo cáo của Sở Cảnh Sát Altamonte Springs về vụ án mạng. (Hình: Altamonte Springs Police Department)

Theo bản báo cáo cảnh sát, nghi can nói với các điều tra viên là anh ta có thể ngừng tay lại, không giết vợ, nhưng khi được hỏi vì sao không làm điều này, nghi can Yang trả lời “Đó không là điều được dạy từ nhỏ” và là người làm việc gì thì làm hết mình.

Hệ thống Học Khu Seminole County xác nhận nghi can Xichen Yang tốt nghiệp trung học Ovideo High School năm 2019.

Bà Michelle Montalvo, phát ngôn viên Sở Cảnh Sát Altamonte Springs, nói nạn nhân Phạm Như Quỳnh chỉ mới ngoài 20 tuổi và có cả tương lai tươi sáng trước mắt.

Nghi can Xichen Yang được đưa đi khám nghiệm tâm thần và khi ra trước tòa án Seminole County hôm Thứ Năm đã bị chánh án ra lệnh giam giữ mà không cho đóng tiền thế chân để được tại ngoại hậu tra.

Trong khi đó, một số người cho hay có quen biết với nạn nhân Phạm Như Quỳnh đang tổ chức quyên góp qua trang GoFundMe để có tiền trang trải chi phí đưa thi thể cô về Việt Nam, nơi cả gia đình cô đang sinh sống, theo lời người đứng ra tổ chức là anh Ryan Tran.

Một người trong số này, Trinh Nguyen, cho biết trên trang GoFundMe rằng cô Phạm Như Quỳnh còn cha mẹ và hai người em cùng nhiều chú bác cô dì ở Việt Nam.

Cho đến sáng ngày Thứ Sáu, số tiền thu được vào khoảng hơn $18,000 so với mức mong muốn là $10,000. (V.Giang) 

Hoa Kỳ chấn động: ‘Bảo thủ’ thắng thế, Tòa tối cao không xem phá thai là ‘quyền dĩ nhiên’ – BBC News Tiếng Việt

BBC News Tiếng Việt 

Tòa án tối cao Hoa Kỳ hôm thứ Sáu 24/6 đã gây chấn động khi xóa bỏ phán quyết năm 1973 lâu nay công nhận quyền phá thai hợp pháp của phụ nữ và hợp pháp hóa quyền này trên toàn quốc.

Tòa án lật ngược án lệ nổi tiếng ‘Roe kiện Wade’ năm 1973, với tỉ lệ phiếu 5-4.

Cuộc bỏ phiếu chấm dứt quyền phá thai được sự ủng hộ của 5 trong số 6 thẩm phán ‘bảo thủ’ của tòa án, trong khi Chánh án John Roberts và 3 thẩm phán ‘cấp tiến’ phản đối.

Lật ngược án lệ Roe kiện Wade từ lâu đã trở thành mục tiêu của những người bảo thủ Cơ đốc giáo và nhiều thành viên đảng Cộng hòa.

BBC.COM

Vài suy nghĩ sau các phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ về cuộc bạo loạn ngày 6.1.2021

Vài suy nghĩ sau các phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ về cuộc bạo loạn ngày 6.1.2021

Song Chi

24-6-2022

Trong suốt 4 năm Donald Trump làm Tổng thống Hoa Kỳ, nhiều người đã đặt câu hỏi về sự bất ổn trong nhân cách, tính cách của ông. Nhưng giai đoạn đó, Donald Trump đang có sự ủng hộ, ngưỡng mộ của (luôn luôn) gần một nửa dân chúng Mỹ, đa số đảng viên đảng Cộng hòa, chưa kể 90% người Việt ở trong nước nên mọi lời nhận xét tiêu cực về Donald Trump đều bị những người ủng hộ Trump bất chấp lý lẽ, đúng sai, công kích dữ dội.

Nhưng trong những ngày tháng cuối cùng tại Nhà Trắng, khi biết mình bị thua trong cuộc bầu cử 2020, Donald Trump đã có hàng loạt lời nói, hành động khó mà tưởng tượng nổi là của một Tổng thống có lý trí, biết tôn trọng luật pháp, Hiến pháp Hoa Kỳ. Bây giờ khi nghe xong các phiên điều trần của Ủy Ban điều tra vụ bạo loạn ngày 6.1 thì ngoại trừ những người vẫn ngưỡng mộ, ủng hộ ông Donald Trump bất chấp đúng sai như vừa nói ở trên, bất cứ ai có một khả năng phân tính, suy xét vấn đề một cách bình thường cũng đều nhận ra 3 điều:

1. Vụ tấn công vào tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ngày 6.1.2021 hoàn toàn không phải là một vụ bạo loạn ngẫu nhiên, mà là một âm mưu đảo chính nhằm mục đích để Donald Trump tiếp tục làm TT thêm một nhiệm kỳ nữa, mà vai trò tích cực chính là cựu TT Donald Trump.

2. Nền dân chủ và Hiến pháp của Hoa Kỳ suýt chút nữa thì rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc, có những người đã dùng những cụm từ như: nền dân chủ của Hoa Kỳ đã bị đưa đến bờ vực thẳm (American democracy was brought to the brink), nền dân chủ của Hoa Kỳ đã ở trên cạnh của lưỡi dao (America on the knife’s edge). Cứ thử tưởng tượng vào cái ngày bạo loạn đó biết bao nhiêu điều tồi tệ hơn có thể xảy ra, chẳng hạn, những kẻ bạo loạn tìm được cựu Phó TT Mike Pence, giết chết Mike Pence, dẫn đến việc không có ai xác nhận kết quả Biden là TT, Trump nhân cơ hội đó ra lệnh “thiết quân luật” và tiếp tục nắm quyền, rồi cả nước Mỹ hỗn loạn, chia rẽ, xảy ra nội chiến v.v…

3. Toàn bộ những lời nói, hành vi của Donald Trump từ khi biết mình bị thua trong cuộc bầu cử vào tối ngày 3.11.209 cho tới cuộc bạo loạn ngày 6.1.2020 và cho tới tận bây giờ, đã chứng tỏ Donald Trump thực sự là một trường hợp bị rối loạn về nhân cách (personality disorder). Không có một con người bình thường nói chung và một TT Hoa Kỳ nói riêng nào có lý trí, đầu óc suy nghĩ lành mạnh, bình thường mà lại như vậy.

Ảnh chụp màn hình báo Người Việt

Rối loạn nhân cách có rất nhiều dạng, nhưng điều lạ lùng là giữa Donald Trump hay Vladimir Putin lại có một số nét giống nhau: yêu bản thân một cách thái quá hoặc rối loạn nhân cách tự ái kỷ (narcissistic personality disorder), một người nói dối bệnh hoạn (a pathological liar) có nghĩa là nói dối bất cần ai tin, nói dối liên tục đến mức tin luôn vào những điều mình nói, không chấp nhận sự thật nếu sự thật đó không có lợi cho mình hoặc không theo ý mình muốn, sống trong một thế giới khác (alternative world), không quan tâm đến cái gì khác ngoài bản thân mình, một khi cái ý nghĩ gì đó đã vô đầu thì khó mà lấy ra được (ví dụ như ý nghĩ của Putin là Ukraine không phải là một quốc gia, không phải là một dân tộc, Ukraine là một phần của nước Nga và ông ta sẽ lấy lại Ukraine; hay ý tưởng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp, Mike Pence có khả năng đảo ngược kết quả… của Donald Trump); hoang tưởng (paranoia) về sức mạnh của chính mình… Và cả hai cũng có những xu hướng độc tài như chỉ thích tập hợp chung quanh mình những kẻ xu nịnh, trung thành chứ không muốn nghe những lời góp ý đúng đắn. Cái khác là luật pháp Hoa Kỳ, xã hội Hoa Kỳ không cho phép Donald Trump trở thành một kẻ độc tài toàn diện như Putin mà thôi.

Tuy nhiên, những người như Adolf Hitler, Vladimir Putin, Donald Trump,… vì họ có một tính cách mạnh mẽ, áp đảo người khác nên họ thường thu hút được đám đông quần chúng sùng bái những người có cá tính mạnh, cho họ mới đúng là những người đàn ông thực sự, những lãnh đạo, lãnh tụ thực sự. Trái ngược với Joe Biden luôn bị xem là mờ nhạt, thiếu sức hấp dẫn, thiếu động lực gây cảm hứng nên số lượng người kính trọng, tin cậy thì có mà số người ngưỡng mộ, thậm chí “cuồng” thì rất ít.

Ép quan chức bầu cử, tấn công nền dân chủ

Ép quan chức bầu cử, tấn công nền dân chủ

Các quan chức bầu cử địa phương bị ông Trump gây áp lực buộc thay đổi kết quả bầu cử

Thông tin chấn động về nội dung cuộc điện đàm giữa ông Trump và Bộ trưởng Nội vụ tiểu bang Georgia ngày 2 tháng Giêng 2021 trong đó ông Trump yêu cầu ông bộ trưởng tìm cho ông hơn 11,000 phiếu để ông vượt qua được ông Joe Biden. Những chi tiết về kế hoạch gây sức ép buộc các quan chức bầu cử địa phương thay đổi kết quả bầu cử là trọng tâm của phiên điều trần thứ tư ngày 21 tháng Sáu của Ủy ban Hạ viện điều tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021. Ảnh Al Drago-Pool/Getty Images

Trong phiên điều trần thứ tư chiều ngày 21 tháng Sáu 2022, Ủy ban Lựa chọn của Hạ viện điều tra vụ bạo loạn ngày 6 tháng Giêng 2021 đã tập trung làm rõ chuyện Tổng thống Donald Trump đã gây áp lực như thế nào để buộc các quan chức tiểu bang giám sát cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng Mười Một 2020 phải thay đổi kết quả kiểm phiếu, phải tìm thêm hàng ngàn phiếu không có thật, thậm chí ngụy tạo các cử tri đoàn (đại cử tri) để giúp ông thắng cử.

Bài liên quan:

Trong phần đầu phiên điều trần, Ủy ban đã mời ba nhân vật cao cấp ra trình bày công khai. Đó là các ông Rusty Bowers, Chủ tịch Hạ Viện tiểu bang Arizona; ông Brad Raffensperger, Bộ trưởng Nội Vụ tiểu bang Georgia và ông Gabriel Sterling, giám đốc điều hành của Bộ Nội Vụ Georgia. Cả ba ông này đều là người của đảng Cộng Hòa, đều ủng hộ ông Trump và đều mong muốn ông được thắng cử; nhưng kết quả bầu cử cho thấy ông Joe Biden của đảng Dân Chủ thắng phiếu phổ thông ở cả hai tiểu bang.

Các nhân chứng tuyên thệ khai báo sự thật tại phiên điều trần thứ tư. Từ trái qua: Chủ tịch Hạ Viện Arizona Rusty Bowers, Bộ trưởng Nội vụ Georgia Brad Raffensperger và COO của Bộ Nội Vụ Georgia Gabriel Sterling. Cả ba đều là quan chức cao cấp của đảng Cộng Hòa. ẢnhMichael Reynolds-Pool/Getty Images

Tôi không muốn làm con tốt, phản bội lời thề

Khoảng một tiếng đồng hồ trước khi phiên điều trần bắt đầu, ông Trump đã ra tuyên bố tấn công Chủ tịch Hạ viện Arizona Rusty Bowers. Ông Trump nói rằng trong một cuộc điện đàm vào tháng Mười Một 2020, ông Bowers “nói với tôi rằng cuộc bầu cử đã bị gian lận và rằng tôi đã thắng Arizona.” Đáp lại, với giọng điệu mạnh mẽ, ông Bowers cực lực bác bỏ tuyên bố của Trump. “Tôi đã nói chuyện với tổng thống. Chắc chắn không phải vậy. Bất cứ ai, bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào nói rằng tôi nói cuộc bầu cử là gian lận, điều đó là không đúng,” ông Bowers nói trong cuộc điều trần công khai.

Ông Bowers kể lại những nỗ lực của ông Trump và nhóm luật sư của ông ta vận động các nhà lập pháp tiểu bang tổ chức các phiên điều trần công khai về việc bỏ phiếu gian lận. Một lần sau ngày bầu cử, ông Trump và luật sư riêng của ông, ông Rudy Giuliani gọi điện thoại yêu cầu ông triệu tập phiên họp Quốc Hội tiểu bang để điều tra những lời cáo buộc không có căn cứ của họ và khởi động một kế hoạch thay thế cử tri đoàn đã chọn bằng một nhóm khác có lợi cho ông Trump hơn. Ông Bowers đã nhiều lần yêu cầu họ đưa cho ông bằng chứng chứng minh cuộc bầu cử bị gian lận. Ông Giuliani nói sẽ đưa ra những bằng chứng như vậy nhưng đã không bao giờ có bằng chứng nào cả. 

Trong nhiều tuần lễ sau đó, ông Giuliani và các đồng minh của ông Trump không đưa ra được bằng chứng đã hứa, ông Bowers đã từ chối yêu cầu triệu tập Quốc Hội tiểu bang để điều tra gian lận. “Tôi thấy không có bằng chứng đáng để triệu tập một phiên điều trần và tôi không muốn bị sử dụng như một con tốt.” “Tôi nói [với Giuliani], ‘ông đang yêu cầu tôi làm một việc trái với lời thề của tôi và tôi sẽ không vi phạm lời thề của mình’”.

Tại một thời điểm khác trong phiên điều trần, ủy ban đã phát video Giuliani nói rằng nhóm của Trump có bằng chứng về những người nhập cư bất hợp pháp và những người chết bỏ phiếu ở Arizona. Nhưng các nhân chứng cho biết họ chưa bao giờ nhận được bằng chứng ủng hộ những cáo buộc đó.

Một thành viên cấp cao khác của đảng Cộng Hòa, Dân biểu liên bang Andy Biggs đại diện Arizona và một người ủng hộ Trump trung thành, đã yêu cầu ông Bowers ủng hộ việc “phế truất” các đại cử tri ngay trước khi Quốc Hội tiến hành kiểm phiếu, nhưng “Tôi nói tôi sẽ không làm như vậy,” ông Bowers nhớ lại.

Thái độ cương quyết không làm trái lời thề bảo vệ Hiến Pháp của Chủ tịch Hạ Viện Arizona Rusty Bowers đã biến ông thành mục tiêu chống đối của những người ủng hộ ông Trump. Liên tiếp trong nhiều ngày cuối năm 2020, những đám đông bạo loạn đã kéo vào hành lang Hạ Viện tiểu bang tìm ông Bowers, biểu tình la hét trước nhà ông ở ngoại ô Phoenix, dùng súng dọa dẫm hàng xóm của ông, rải truyền đơn tố cáo ông tham nhũng và phạm tội ấu dâm v.v… Tất cả những vụ quấy rối này diễn ra trong thời gian con gái ông bị bệnh nặng nằm hấp hối trong nhà; cô Kasey Bowers đã mất sau đó vào cuối tháng Giêng 2021.

Những con số không nói dối

Bộ trưởng Nội vụ tiểu bang Georgia Brad Raffensperger, một trong hai quan chức đảng Cộng Hòa đến làm chứng trực tiếp vào thứ Ba cũng chính là người mà cuộc đàm thoại với ông Trump ngày 2 tháng Giêng 2021 được ghi âm lại, trong đó ông Trump yêu cầu ông Raffensperger tìm cho ông ta hơn 11,000 lá phiếu để đảo ngược kết quả bầu cử, đã gây chấn động cả nước Mỹ và hiện đang được một đại bồi thẩm đoàn ở Georgia xem xét cáo buộc hình sự. Ông Raffensperger nói với Ủy ban rằng sau khi ông từ chối tìm phiếu bầu để giúp ông Trump vượt qua ông Biden, ông đã ngập trong các tin nhắn khó chịu, sau đó vợ ông cũng nhận được nhiều tin nhắn khủng khiếp và bị quấy rối tình dục. Những người ủng hộ Trump cũng đã đột nhập vào nhà của người vợ góa của con trai ông.

“Những con số là những con số. Những con số không nói dối. Chúng tôi đã nhận được nhiều cáo buộc và chúng tôi đã điều tra từng cáo buộc một”, Raffensperger nói, kể lại cách nhóm của ông xác định cách các tuyên bố được Trump trích dẫn trong cuộc gọi là không chính xác.

Trong số những cáo buộc đó có một câu chuyện sai sự thật được ông Trump và ông Giuliani nhắc đi nhắc lại rằng có một đoạn video quay tại một điểm kiểm phiếu ở Atlanta cho thấy các nhân viên bầu cử liên tục đếm các lá phiếu gian lận bầu cho ông Biden được tuồn vào tòa nhà trong một chiếc vali. Bộ trưởng Tư pháp của ông Trump vào thời điểm đó, ông William P. Barr, đã nói với ủy ban rằng Bộ Tư pháp đã điều tra đơn kiện và thấy nó “không có giá trị”. Các quan chức Georgia cũng cho biết như vậy.

Lời điều trần qua video mà Ủy ban thu thập được cho thấy những thủ đoạn gây sức ép của ông Trump và nhóm luật sư của ông lên các quan chức bầu cử và nhà lập pháp ở Arizona và Georgia cũng được thực hiện ở các tiểu bang chiến trường khác như Michigan và Pennsylvania

Làm giả phiếu đại cử tri!

Không chỉ gây áp lực, hành vi của ông Trump và nhóm của ông còn kích động đám đông ủng hộ viên đe dọa, gây nguy hiểm cho an toàn tính mạng của các nhân viên làm công việc đếm phiếu, giám sát bầu cử mà trường hợp của mẹ con cô Shaye Moss ở tiểu bang Georgia là ví dụ tiêu biểu. Sau khi bị ông Giuliani và ông Trump chỉ đích danh như là “thủ phạm” đếm phiếu gian, họ đã phải rời nhà đi tạm lánh trong hai tháng sau khi FBI nói rằng họ không an toàn do bị những người ủng hộ ông Trump đe dọa.

 

Cô Wandrea ArShaye “Shaye” Moss, nhân viên kiểm phiếu của bang Georgia phải bỏ nhà đi trốn vì bị dọa giết sau khi ông Trump và ông Giuliani vu cáo cô và mẹ cô đếm phiếu gian lận có lợi cho ông Biden. Cô đã khóc trong phiên điều trần khi kể lại cuộc sống của gia đình cô đã bị đảo lộn và khốn cùng như thế nào sau lời vu oan của ông cựu tổng thống. Ảnh Kevin Dietsch/Getty Images

Tiết lộ gây chấn động nhất của phiên điều trần có lẽ là việc ông Trump, các luật sư của ông phối hợp với một số dân biểu Cộng Hòa gây áp lực buộc các tiểu bang phải thay đổi cử tri đoàn. Theo luật, ứng cử viên nào giành được nhiều phiếu phổ thông nhất của một tiểu bang thì giành được số phiếu cử tri đoàn của tiểu bang đó; số phiếu cử tri đoàn tỷ lệ thuận với số cử tri (số dân) của tiểu bang. Ông Joe Biden thắng phiếu phổ thông ở cả Arizona và Georgia nên theo luật, cử tri đoàn của hai tiểu bang này là người được chọn từ đảng Dân Chủ và việc họ bỏ phiếu cho ông Biden đã được thống đốc các tiểu bang chứng thực.

Thế nhưng, theo thông tin từ phiên điều trần, nhóm ông Trump đã phối hợp với Dân Biểu Andy Biggs của Arizona và Thượng nghị sĩ Ron Johnson của tiểu bang Wisconsin vận động các tiểu bang thay thế cử tri đoàn đã được chọn bằng các nhóm cử tri đoàn khác, có lợi cho ông Trump. Tham gia vạch ra và thực hiện kế hoạch này là các đồng minh thân cận của ông Trump như luật sư Giuliani, luật sư John Eastman, Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc Mark Meadows và cả Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc đảng Cộng Hòa Ronna McDaniel. Kế hoạch thay thế cử tri đoàn đã bị các tiểu bang bác bỏ như đã nói trên và bị Văn phòng Pháp Lý Tòa Bạch Ốc coi là “bất hợp pháp”.

Dân Biểu liên bang Bennie Thompson, chủ tịch Ủy ban ngày 6 tháng Giêng, nhận định “việc gây áp lực buộc các công chức phản bội lời thề của họ là một phần cơ bản của vở kịch” để đảm bảo một chiến thắng của ông Trump. 

Từng bước từng bước, những âm mưu và thủ đoạn lật ngược kết quả bầu cử của ông Trump và các đồng minh đã được phơi bày một cách chi tiết, với những lời khai hữu thệ và những bằng chứng hết sức thuyết phục.

Các thành viên ủy ban ca ngợi các nhân chứng đã đứng lên đấu tranh cho nền dân chủ sau cuộc bầu cử năm 2020 – và sẵn sàng làm chứng về kinh nghiệm của họ. Phó Chủ tịch Ủy ban Liz Cheney (Cộng Hòa – Wyoming) các nhân chứng đã cung cấp “một ví dụ về những gì thực sự làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại”.

Gần 60% dân Mỹ: Nên truy tố Trump vì cuộc bạo loạn 6 Tháng Giêng

Gần 60% dân Mỹ: Nên truy tố Trump vì cuộc bạo loạn 6 Tháng Giêng

June 20, 2022 

Nguoi-viet

WASHINGTON, DC (NV) — Gần 60% dân Mỹ tin rằng cựu Tổng Thống Donald Trump nên bị truy tố vì vai trò trong cuộc bạo loạn 6 Tháng Giêng, theo ABC News trích dẫn thăm dò mới nhất của ABC News/Ipos, trong bối cảnh tuần đầu tiên của các phiên điều trần từ ủy ban Hạ Viện 6 Tháng Giêng vừa kết thúc.

Trong khảo sát công bố hôm Chủ Nhật, 19 Tháng Sáu, có khoảng 58% người Mỹ tin rằng ông Trump nên bị kết tội vì vai trò trong cuộc bạo loạn. Tỷ lệ này tăng hơn một chút so với con số 52% hồi cuối Tháng Tư, trước khi các phiên điều trần bắt đầu.

Một cuộc điều trần của ủy ban Hạ Viện điều tra vụ bạo loạn 6 Tháng Giêng. (Hình minh họa: Tom Brenner-Pool/Getty Images)

Một cuộc thăm dò của ABC News/Washington Post với câu hỏi tương tự vài ngày sau cuộc tấn công vào Tháng Giêng 2021 cho thấy con số ủng hộ kết tội ông Trump là 54%.

Thái độ đối với việc liệu người Mỹ nghĩ như thế nào về trách nhiệm của ông Trump trong cuộc bạo loạn cũng không có nhiều thay đổi.

Trong thăm dò mới của ABC News/Ipsos, 58% người Mỹ nghĩ rằng ông Trump cần chịu trách nhiệm lớn trong vụ này.

Kết quả này không khác mấy so với thăm dò của ABC News/Ipsos vào Tháng Mười Hai 2021 và thăm dò của ABC News/Washington Post vào Tháng Giêng 2021 sau khi bạo loạn xảy ra.

Kết quả thăm dò cho thấy phân cực khá rõ giữa hai đảng, khi có đến 91% người của đảng Dân Chủ nghĩ rằng ông Trump nên bị truy tố, còn đảng Cộng Hòa chỉ có 19%. Về việc liệu ông Trump có cần “chịu trách nhiệm lớn” trong cuộc bạo loạn hay không, con số đồng ý của đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa lần lượt là 91% và 21%.

Với những người tự miêu tả bản thân là độc lập, thì 62% nghĩ rằng ông Trump nên bị truy tố và 61% nghĩ rằng ông Trump phải chịu trách nhiệm lớn.

Thăm dò của ABC News/Ipsos được thực hiện sau khi ủy ban Hạ Viện tổ chức phiên điều trần thứ ba trong bảy phiên điều trần được loan báo trong tháng này. Trong đó ủy ban nói về “kế hoạch bảy bước tinh vi” mà ông Trump và đội nhóm soạn ra để lật ngược kết quả bầu cử tổng thống 2020.

Hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Sáu, ông Trump chỉ trích phiên điều trần, gọi ủy ban là “những kẻ lừa đảo,” đồng thời vẫn đưa ra những tuyên bố sai lệch về cuộc bầu cử năm 2020.

Nhìn chung, theo thăm dò của ABC News/Ipsos, 60% người Mỹ tin rằng ủy ban đang thực hiện điều tra một cách công bằng và khách quan, trong khi 38% không nghĩ như vậy. Về vấn đề này cách nhìn nhận của hai đảng cũng khác nhau. 85% người của đảng Dân Chủ tin rằng cuộc điều tra là công bằng và khách quan, còn đảng Cộng Hòa chỉ 31%. Tỷ lệ của những người trung lập rơi vào khoảng 63%.

Trong khi đó, 34% người Mỹ cho biết họ sẽ theo dõi sát sao phiên điều trần, trong đó tỷ lệ đảng Dân Chủ là 43% và đảng Cộng Hòa là 22%.

Về việc liệu các điều tra có ảnh hưởng đến bầu cử hay không, 51% người Mỹ nói rằng những gì họ được đọc, xem và nghe về phiên điều trần không gây ảnh hưởng đến quyết định bầu cử của họ vào Tháng Mười Một. Trong khi đó 29% cho biết họ sẽ ủng hộ ứng viên đảng Dân Chủ nhiều hơn và 19% cho biết sẽ ủng hộ ứng viên đảng Cộng Hòa nhiều hơn.

Ủy ban Hạ Viện điều tra vụ bạo loạn 6 Tháng Giêng do Dân Biểu Bennie Thompson (Dân Chủ – Mississippi) và Dân Biểu Liz Cheney (Cộng Hòa – Wyoming) lãnh đạo. Họ đang tổng kết cuộc điều tra kéo dài 11 tháng về cuộc bạo loạn này. Cho đến nay các phiên điều trần tập trung vào cách ông Trump thúc đẩy “dối trá lớn” về cuộc bầu cử 2020, và các áp lực lên ông Mike Pence, phó tổng thống khi đó.

Ủy ban cũng công bố những cảnh quay chưa từng thấy về cuộc bạo loạn và cuộc phỏng vấn với giới chức chính quyền ông Trump và những cựu viên chức Tòa Bạch Ốc. (V.Giang)