ĐGM JEAN CASSAIGNE, Vị Tông Đồ Phong Cùi

ĐGM JEAN CASSAIGNE, Vị Tông Đồ Phong Cùi

Tác giả: Trầm Thiên Thu

Nguồn: Thanhlinh.net

Nhớ ĐGM JEAN CASSAIGNE, Vị Tông Đồ Phong Cùi

Hồi còn thiếu niên, tôi thường đọc báo Trái Tim Đức Mẹ và báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Có lần đọc bài viết về Đức cha Jean Cassaigne (thường gọi Cha Sanh), tôi đã thực sự ấn tượng. Cũng hồi đó, một lần đến nhà thờ Fatima Bình Triệu, tôi thấy có tượng ngài đứng với một bệnh nhân cùi ngồi bên chân ngài, tôi càng ấn tượng về ngài. Nhưng ngày nay không còn thấy bức tượng đó nữa.

Theo yêu cầu của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về “tập kỷ yếu Năm Linh Mục”, Giáo Phận Đàlạt hoàn toàn nhất trí chọn Đức cha Cassaigne là chứng tá sống động về mầu nhiệm Giáo Hội “yêu thương và phục vụ”. Đây là những chứng từ sống độngvà rất gần gũi để giới thiệu về ông Tổ của công cuộc truyền giáo cho anh chị em Kơho Lâm Đồng và là Vị Sáng lập Trại Phong Di linh từ năm 1929.

NGƯỜI GIEO GIỐNG TỐT

Trong bản tường trình năm 1920, Đức Cha Victor Quinton Giám Mục Giáo phận Sàigòn đã nói đến ý định truyền giáo cho người Dân Tộc trên cao nguyên Djiring – Langbiang. Nhưng công cuộc truyền giáo này chỉ thực sự bắt đầu khi Đức Cha Dumortier đặt Cha Jean Cassaigne (tên Việt nam là Sanh), một linh mục thuộc Hội Thừa Sai Balê đến Di Linh năm 1927. Đức Cha Dumortier viết trong bản tường trình năm 1927 như sau:

“Chúa Quan Phòng đã sắp đặt cho tôi một vị tông đồ như ý để khởi sự công cuộc truyền giáo cho người Dân Tộc. Tôi thấy Cha Cassaigne được chuẩn bị tốt để chịu được gian khổ thiếu thốn. Vừa khi biết chương trình truyền giáo của tôi, Cha Cassaigne đã tình nguyện và bầy tỏ niềm vui khôn tả khi nghe tôi công bố việc bổ nhiệm Ngài vào công cuộc này“.

Thứ tư ngày 20-10-1926, Cha Cassaigne lên đường đến thí điểm truyền giáo Di Linh. Ngài đi từ Sàigòn đến Phan Thiết, rồi từ Ma Lâm lên Cao nguyên Di Linh. Nhưng gặp mưa bão càn quét vùng cao nguyên làm con đường từ Ma Lâm lên Di Linh hư hại nặng cho nên Ngài phải trở về Sàigòn.

Cho đến ngày 24-01-1927, Cha Cassaigne mới có thể từ Đàlạt chính thức đến nhận thí điểm truyền giáo Di Linh. Toà Giám Mục Sàigòn đã chuẩn bị cho Ngài một căn nhà mua lại của ông Ngô Châu Liên để làm cơ sở lập thí điểm truyền giáo.

Ngay trong buổi chiều đầu tiên đến vùng đất Di Linh, Cha Cassaigne đã nhìn thấy những người Dân Tộc lặng lẽ nghi ngại đi ngang qua nhà Ngài. Ngài đã nhìn thấy những anh chị em Dân Tộc được trao phó cho Ngài, cả một cánh đồng truyền giáo rộng lớn đang chờ đợi Ngài. Để có thể gặp gỡ những người Dân Tộc rụt rè nhút nhát trước những người xa lạ, Cha Cassaigne khởi sự bằng cách học nói tiếng của họ, một ngôn ngữ quá mới mẻ và không có chữ viết. Cha Cassaigne đã phải mầy mò ký tự từng chữ trong ngôn ngữ của họ. Công việc này đã cuốn hút vị Thừa Sai trẻ đầy nhiệt huyết. Vì thế, vào tháng 12-1929 Cha Cassaigne đã xuất bản tự điển Pháp – Kơho – Việt, đây là cuốn tự điển đầu tiên hình thành chữ viết cho ngôn ngữ Kơho, một công trình rất đáng trân trọng vì góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc và phát triển cho người dân tộc Kơho.

Tháng 12-1937 Cha Cassaigne xuất bản cuốn: PHONG TỤC TẬP QUÁN người Dân Tộc Kơho, đây cũng là một công trình đầu tiên nghiên cứu về người Kơho, một công trình giúp cho Cha Cassaigne có thể hiểu và gặp gỡ được với những người Dân Tộc và từ đó nói về Chúa cho họ. Năm 1938 Cha cho xuất bản tập Giáo lý cho người Kơho.

Chính nhờ việc hiểu được ngôn ngữ và phong tục tập quán Kơho, Cha Cassaigne đã thực sự trở thành người khai phá, trở thành ÔNG TỔ CỦA CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO cho người Dân Tộc, và Cha đã thành công trong việc  đem Ơn Cứu Độ đến cho rất nhiều người Dân Tộc thuộc các buôn làng trong miền Cao Nguyên Di Linh – Langbiang.

Hoa trái của công cuộc truyền giáo là vào chiều ngày áp lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, 07.12.1927, Cha Cassaigne đã rửa tội cho bà Ka Trut, một bệnh nhân phong cùi thường xuyên nhận sự giúp đỡ của cha. Bà Maria Ka Trut qua đời ngày 20-12-1927 và được an táng ngày 22-12-1927 tại nghĩa trang của người Dân Tộc Di Linh.

Tin Mừng của Chúa đã được người Dân Tộc đón nhận vì họ cảm nghiệm được tình yêu Chúa qua những hành vi bác ái yêu thương của Cha cassaigne. Họ đã thực sự nhận ra Cha Cassaigne yêu thương họ qua việc Ngài yêu thương đón nhận và nuôi dưỡng những anh chị em phong cùi của họ, những con người bất hạnh vì gia đình và buôn làng sợ hãi bị lây nhiễm đã xua đuổi họ vào trong những khu rừng vắng để họ chết dần chết mòn trong nỗi đau thể xác và tinh thần.

Ngày 17-2-1929, Cha Cassaigne đã quy tụ những người bệnh nhân phong cùi và thành lập Trại Cùi Di Linh. Ngài đã xây dựng làng Cùi thành một gia đình ấm cúng che chở những bệnh nhân phong cùi bất hạnh để cho cuộc đời của họ được yên ủi sớm tối có nhau.

Nhưng cuộc sống của cha Cassaigne sắp thay đổi một cách bất ngờ. Ngày 20-2-1941, ngài nhận được một bức điện tín khiến ngài buồn bã. Thật là bất thường khi nhìn thấy ngài trong trạng thái này, đến nỗi người ta phải dò hỏi ngài. “Họ đã tấn công dồn dập bắt tôi làm Giám Mục”, ngài càu nhàu trả lời. Quả thật, Đức Giám Mục Sài-gòn vừa qua đời năm vừa rồi  và Tòa Thánh trong thời kỳ khó khăn này, tìm một người để kế vị và đã chọn vị Linh Mục của người phong cùi. Vị Thừa Sai phải rời bỏ Di Linh. Sự chia ly rất đau lòng cho cả hai phía: anh em Thượng và nhất là những bệnh nhân phong cùi mất người cha của họ; vị Linh Mục phải xa con cái ngài. Dù vậy vị Thừa Sai
không do dự khi vâng lời Tòa Thánh với đức tin và can trường: “Tôi là kẻ từng mơ thành một Thừa Sai tầm thường. Tôi, kẻ đã coi sự nghèo khó của mình là niềm hãnh diện và niềm vui, lại trở thành một hoàng tử của Giáo Hội. Nhưng, dù người ta sẽ thay y phục và chỗ ở của tôi, song chẳng ai thay được con người chất phác nơi tôi”. Những lời lẽ thật khiêm nhường. Khẩu hiệu Giám mục là “Bác Ái và Yêu Thương” đã nói lên điều đó.

Ngày 24-6-1941, ngay từ 7 giờ sáng, chuông các Nhà Thờ Sàigòn đồng loạt đổ vang, báo tin lễ tấn phong Đức Cha Cassaigne. Nghi lễ diễn ra ở Nhà Thờ Chính Tòa. Đám đông ken dày, có những bạn bè đến từ khắp nơi… và những anh em Thượng đi thành đoàn đại diện. Các anh em Thượng bận y phục ngày lễ; họ làm khách tham dự thấy vui thích, mặc dù nhiều người An Nam tỏ ra khó chịu trước cảnh tượng ấy. Nghi lễ Phụng Vụ dài, quá dài đối với anh em Thượng.

Họ liền rời chỗ để đi tham quan tháp chuông. Khi ra khỏi Nhà Thờ Chính Tòa và
bị đám đông xô lấn khiến họ hoảng sợ, họ liền trèo lên cây cao để nhìn đám
rước. Đức Cha Cassaigne mỉm cười khi nhìn thấy họ.

Tân Giám Mục bắt tay vào công việc. Đó là một con người đơn sơ. Lối vào Tòa Giám Mục rộng mở tự do và bất cứ ai cũng có thể gõ cửa văn phòng của ngài. Các nhân chứng ngày nay vẫn còn nhớ lại đã thấy ngài đi xe đạp hoặc xe Vespa thăm các khu nghèo ở Sàigòn. Ngài dong duổi khắp địa phận rộng lớn của Ngài.

Ngày 19-12-1954, vào dịp kỷ niệm thụ phong Linh Mục của Ngài, Đức Cha Cassaigne dâng Thánh Lễ Tạ Ơn. Nhưng trong khi cử hành Thánh Lễ, ngài thấy trên mặt da mình, chỗ phía trên cổ tay một chút, có một vết đỏ hồng màu rượu. Khi Thánh Lễ kết thúc, ngài lấy một cái kim châm vào chỗ ấy: hoàn toàn không cảm thấy đau ! Ngài hiểu đó là BỆNH CÙI. “Linh Mục dâng hiến tế Thánh Thể, cũng phải trở thành hy vật”, sau này ngài sẽ viết như thế. Công việc vất vả sáu tháng vừa qua đã làm cho các bộ phận cơ thể Ngài vốn mệt mỏi, lại bị suy yếu, đến nỗi bệnh cùi nằm phục từ lâu, nay phát tác.

Đức Cha Cassaigne giữ bí mật tin này, chỉ cho các bề trên của ngài biết. Thuốc điều trị do các bác sĩ cho, đã làm Ngài suy kiệt. Sẽ phải mau chấm dứt thôi ! Vết hồng lan rộng gấp đôi. Ngày 5-3-1955, Ngài viết cho cha bề trên Hội Thừa Sai Paris: “Tôi xin Cha cho phép tôi nộp đơn từ chức sang Tòa Thánh và rút lui về Trại Phong Di Linh, bên cạnh những con cái mà tôi yêu thương nhất và Chúa quyền uy, với lòng nhân ái vô biên, đã cho tôi được nên giống như họ“.

Lời cầu xin của ngài được chấp thuận và Tòa Thánh bổ nhiệm một Giám Mục kế vị Ngài, Đức Cha Simon-Hòa Nguyễn Văn Hiền, được tấn phong trong Nhà Thờ Chính Tòa của ngài ngày 30-11-1955. Ngày 02-12-1955, Đức Cha Cassaigne trở về Di Linh.

Từ đây, Đức Cha dành trọn cuộc đời còn lại để sống giữa những người con cái để âm thầm yêu thương và phục vụ Trại Phong Di Linh. Tháng 2-1973 Đức Cha bị té gẫy xương bên đùi phải, và chính vì vết thương này mà Ngài phải trải qua gần 8 tháng liệt giường. Bên giường bệnh, Đức Cha nói với người nữ tu chăm sóc Ngài và một số bệnh nhân thay phiên trực: “Suốt 47 năm dài (1926-1973), cha đã sống giữa các con, đã sống tại Việt Nam này và đã dâng hiến tất cả cho các con. Giờ đây cha không còn tiếc gì về sự dâng hiến toàn diện ấy. Việt Nam chính là quê hương thứ hai của cha, bởi vì Chúa muốn như vậy. Khi về với Chúa, cha vẫn ở với các con, các con đừng lo…”.

Thứ bảy ngày 20-10-1973, Đức Cha bắt đầu trở bệnh nặng với những cơn đau khiến phải phải thốt lên: “Tôi đau đớn lắm, tôi đau đớn quá”. Mười ngày trôi qua, vào lúc 10 giờ đêm ngày 30-10-1973, Đức Cha lãnh nhận bí tích Xức dầu lần cuối do cha sở họ Di Linh và rạng sáng hôm sau Đức Cha đã được Chúa gọi về hồi 01 giờ 25. Đức Cha được an táng bên nhà nguyện Trại Phong ngày 05-11-1973.

NẢY MẦM ĐỨC TIN

Cha Phanxicô Darricau, một linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris, đã viết về sự kiện Đức Cha Cassaigne trở lại làng cùi Di Linh như sau: “Ngài đã về và đã được đón tiếp trọng hậu, tôn kính. Nhưng nhà chưa xây ngay được nên ngài đã đến ở chung với tôi tại Ka-la, cách trại phung hai cây số. Nhà xứ của tôi nhỏ, không cung cấp nổi cho ngài một căn phòng riêng. Ngài cũng không muốn lấy phòng của một đồng nghiệp. Chúng tôi lấy tấm màn ngăn phòng ăn làm đôi, một bên là giường nhỏ của ngài, một bên là cái bàn ăn. Suốt trong 6 tháng, chúng tôi có niềm vui được sống chung với nhau. Sau đó ngài tới sống tại căn nhà dành riêng cho ngài ở trại cùi. Nhưng trưa nào ngài cũng về Ka-la dùng bữa với tôi, khẩu phần có khá hơn trong trại. Bao nhiêu sức lực còn lại ngài dành để phục vụ trại phong. Sức ngài giảm nhiều so với trước kia, do những đau đớn của căn bệnh…”.

Cha Christian Grison, người quản nhiệm cuối cùng của  Trung tâm Thượng Di-linh (từ 1965 đến 1975), người đã gần gũi với Đức Cha Cassaigne trong mười năm cuối cùng của ngài tại làng cùi Di-linh, đã viết về Vị Tông đồ người phong cùi như sau: “Tôi được phúc sống mười năm gần Đức Cha Cassaigne, vì thời gian đó tôi phụ trách xứ đạo thượng tại Di-linh. Tôi đã chứng kiến tình cảm ưu ái mà ngài khơi dậy khi ngài trở nên nhỏ bé với những kẻ nhỏ bé, trở nên phong cùi với những người phong cùi. Sự mến phục người ta dành cho ngài đó, không bao giờ ngài sử dụng vì lợi ích riêng của mình; tất cả được hướng về sự cứu trợ cho người phong cùi. Mối quan tâm duy nhất của ngài, tôi có thể nói là nổi ám ảnh đối với ngài cho đến khi ngài chết, đó là tìm nguồn tài trợ cho làng cùi.

Ngày 26-7-2007, bà Maria Nguyễn Thị Lệ, sinh năm 1938 tại Bắc Ninh đã đến viếng mộ Đức Cha và để lại chứng từ: “Tôi sinh sống tại khu phố III (ấp Tân Xuân) thị trấn Di Linh từ năm 1975 đến 1983. tôi bị bệnh thấp khớp và đặc biệt là bị đau buốt dây thần kinh tọa. Một bác sĩ cho biết bệnh tôi rất khó chữa, nhưng tôi cũng kiên trì chịu đựng và chỉ uống một số thuốc đau nhức thông thường nên chỉ giảm đau chốc lát, vì nghèo không có tiền đi bệnh viện. Năm 1983 tôi bị những cơn đau dữ dội, lết đi không nổi, đau đớn đến độ chán nản thất vọng vì bệnh tật, đau khổ vì hoàn cảnh nghèo khổ cơ cực, bữa no bữa đói… dầu vậy, tôi không bỏ Chúa, cố gắng bước đi chậm chạp, đau buốt với một bàn chân bị sưng tấy nặng nề.

Khoảng tháng 6/1983, sau giờ chầu Thánh Thể ban chiều, tôi đến trước tượng Đức Cha Cassaigne ở cuối nhà thờ vừa khóc vừa than vì sự đau đớn, nghèo nàn của mình và tôi thưa với Đức Cha: Cha ơi, thương con, kẻo con chết vì con đau đớn quá, con nghèo khổ chẳng có tiền chữa bệnh, con chỉ muốn chết cho yên, con xin Đức Cha cầu xin Chúa và Đức Mẹ cất bệnh đau đớn cho con, nếu đẹp lòng Chúa và Đức Mẹ; còn nếu không, thì xin Đức Cha thêm sức cho con để con chịu dựng cơn bệnh này cho nên. Từ từ, ngày qua ngày, con cảm thấy sự đau buốt giảm dần, và sau một thời gian con khỏi bệnh hẳn, đi đứng bình thường. Cuối năm 1983 con bỏ Di Linh về Đắc Nông với gia đình người con để làm ăn, cho đến nay là 24 năm con lành bệnh. Con xin tạ ơn Chúa tạ ơn Đức Cha Cassaigne. Con, Maria Nguyễn Thị Lệ”.

Một chứng từ khác do bác sĩ K’Đỉu chia sẻ bên phần một Đức Cha Cassaigne trong đêm canh thức dịp lễ Giỗ năm 2007:

“Dân gian thường nói: Không có mợ, chợ cũng đông! Nhưng với Trại Phong chúng con nói chung và bản thân con nói riêng, trải qua kinh nghiệm của cuộc sống, con đã nhận ra rằng: nếu không có sự hiện diện của Đức Cha Jean Cassaigne thì có lẽ không có Trại Phong Di Linh và chắc chắn cũng không có con trên cuộc đời này. Nhưng nhờ tình yêu thương của Đức Cha đã giúp ba mẹ con can đảm sống với căn bệnh đáng sợ mà còn được hạnh phúc vì được làm con Chúa.

Khi Đức Cha ra đi về với Chúa, thì con mới được 5 tuổi,  với thời gian đó và tuổi thơ, con chưa biết Đức Cha được bao nhiêu. Nhưng càng ngày qua các biến cố của cuộc đời, con đã nhận ra từng bước bàn tay yêu thương quan phòng của Chúa dìu dắt chúng con, như lời Đức Cha đã hứa: Trên thiên đàng, cha sẽ biết được nhiều, biết rõ hơn về nhu cầu của chúng con; cha sẽ cầu nguyện đắc lực và nhiều hơn gấp bội cho chúng con.

Với ngọn đèn rực sáng đức tin và tình bác ái mà Đức Cha đã thắp sáng bằng sự dâng hiến tất cả cho Chúa và cho chúng con, và với lời cầu bầu của Đức Cha bên cạnh Chúa mà con đã nhận được biết bao hồng ân trong cuộc sống: được dạy dỗ nuôi nấng, được yêu thương chăm sóc, và được học hành như bao người khác, có thể nói còn hơn nhiều người khác nữa. Nhờ tình thương và hồng ân của Đức Cha, nhờ những người đã tiếp nối vòng tay yêu thương của Đức Cha và nhờ những ân nhân xa gần mà ngày hôm nay, có thể nói được, là con đã thành đạt trong cuộc sống, có chỗ đứng trong xã hội: con đã là bác sĩ chuyên khoa ngoại, điều vượt ra ngoài mơ ước của con.

Đây là cảm nghiệm của riêng con, xin được chia sẻ như một chứng từ về tình yêu thương mà Đức Cha cố dành cho chúng con”.

TRẦM THIÊN THU

(Tổng hợp)

 

Lạc vào chốn bồng lai của sắc tím hồng

Lạc vào chốn bồng lai của sắc tím hồng
Sự đa dạng sắc màu của thiên nhiên không chỉ tạo ra vẻ trẻ trung tươi mát của màu lục, vẻ hiền hòa thanh bình của màu xanh hay vẻ rực rỡ nồng nàn của màu đỏ. Sắc tím đậm chất thơ cũng khắc họa lên những bức tranh thiên nhiên đẹp như trên thiên đường hay trong truyện cổ tích.
Một màu tím ngát trải dài ở một khu vườn Nhật Bản, khung cảnh đẹp như trên thiên đường
Cực quang tím hồng – một trong những hiện tượng thiên nhiên đẹp nhất trên thế giới
Một khoảnh khắc hoàng hôn rực trong sắc tím
Một con đường đan kết bằng hoa tím, nơi tổ chức đám cưới lý tưởng cho những cặp tình nhân
Cánh đồng hoa tím trải dài đến tận chân trời
Sắc tím hồng nhạt của hoa sakura luôn được xem là nét đẹp tình tứ nhất vào mùa xuân
Với sắc tím hồng đậm, sakura vẫn khiến khung cảnh thơ mộng và diễm lệ như thế này
Một góc yên bình và vẫn đầy chất thơ
Chiếc cầu Moss Bridges tại Ireland khi trải lên tấm thảm tím hồng đẹp như chốn bồng lai
Một thác nước trong hang động ở Chattanooga,Tennessee
Thử tưởng tượng một ngày bạn được chèo thuyền thăm đảo Skye ở Scotland, bạn sẽ choáng ngợp trong sắc tím hùng vĩ này
Một góc nên thơ khác ở xứ sở Phù Tang
Con đường trải hoa tím hồng đi vào xứ sở thần tiên
Màu tím hoa Fuji ở Nhật Bản đẹp đến  mức làm xao lòng du khách
Màu tím nhẹ phủ lên trên ngôi nhà và  chiếc cầu tạo ra một khung cảnh chỉ có trong cổ tich
Anh chị Thụ & Mai  Và
Nguyễn Kim Chúc gởi

Trẻ em chết ngoài đường : 8 quan chức Trung Quốc bị kỷ luật

Trẻ em chết ngoài đường : 8 quan chức Trung Quốc bị kỷ luật

Loại thùng rác ngoài đường phố, nơi phát hiện thi hài của các trẻ em (DR)

Loại thùng rác ngoài đường phố, nơi phát hiện thi hài của các trẻ em (DR)

Anh Vũ

RFI

Theo AFP hôm nay, tám quan chức địa phương của một tỉnh miền tây nam Trung Quốc đã bị kỷ luật sau khi xảy ra cái chết thương tâm của năm em nhỏ trên đường phố. Vụ việc còn làm dấy lên cuộc tranh luận về tình trạng phân hóa giàu nghèo trong xã hội Trung Quốc, cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới.

Sự việc xảy ra tại thành phố Tất Tiết, tỉnh Quý Châu, hôm 16/11 vừa qua, một người dọn rác của thành phố đã phát hiện thấy 5 em nhỏ bị chết trong một thùng xe chứa rác sau một đêm trú ẩn trong đó để tránh rét. Dường như các em nhỏ này bị chết ngạt do khí monoxyde carbonne khi dùng than để đốt lò sưởi.

Những trẻ nhỏ này đều bỏ học, sống lây lất lang thang vì cha mẹ của các em phải đi kiếm sống ở những nơi xa. Không có ai chăm sóc, các em này phải đi lang thang khắp nơi tự kiếm ăn.

Cái chết của những đứa trẻ xấu số này đã gây xúc động mạnh trong dư luận xã hội. Trên các mạng Twitter của Trong Quốc bùng nổ những bình luận tỏ phẫn nộ trước thái độ bàng quang vô cảm của chính quyền và tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc trong xã hội.

Đa số ý kiến trong dư luận đều cho rằng cái chết thương tâm của 5 em nhỏ là bằng chứng cho sự xuống cấp của chăm sóc xã hội và giáo dục ở Trung Quốc. Tuy nhiên, một số tiếng nói của cư dân mạng cũng đòi phải trừng phạt gia đình vô trách nhiệm đã để các em nhỏ phải lang thang kiếm sống.

Báo chí chính thức cho biết, đầu tuần này, chính quyền địa phương đã kỷ luật thải hồi và đình chỉ chức vụ 8 quan chức phụ trách các vấn đề xã hội và giáo dục của thành phố Tất Tiết. Thời gian gần đây dư luận xã hội ở Trung Quốc đều nhận thấy một thực tế đáng báo động đó là kinh tế phát triển, nhiều người giàu lên đồng thời kéo theo là sự phân hóa
giàu nghèo sâu hơn, trong khi các chính sách xã hội công cộng không được chăm
lo. Chính quyền Trung Quốc ngày càng tỏ ra vô trách nhiệm và vô cảm với số phận
của người dân nghèo.

 

Đức Giáo hoàng kêu gọi không nghe những lời tiên đoán về tận thế

Đức Giáo hoàng kêu gọi không nghe những lời tiên đoán về tận thế

Đức Giáo Hoàng Benedicto 16.

Đức Giáo Hoàng Benedicto 16.

RFI

Thụy My

Trong khi một số nhà tiên tri loan báo ngày tận thế là ngày 21/12/2012, Đức Giáo hoàng
Benedicto thứ 16 trong thánh lễ hôm nay 18/11/2012 tại Vatican đã kêu gọi các
tín đồ công giáo không nên dừng lại ở « sự tò mò về thời điểm và các lời dự báo
».

Từ cửa số bao lơn nhìn ra quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng Benedicto 16 đã rao giảng bài Phúc âm trong ngày, trong đó Chúa Giêsu nói với các thánh tông đồ về ngày
Ngài lại xuống thế gian vào lúc tận thế, khi « bầu trời trở nên âm u » « các vì sao rơi rụng xuống từ trời ».

Theo Đức Giáo hoàng, thì Chúa Giêsu không hành động như một « nhà tiên tri » mô tả « ngày tận thế », mà ngược lại muốn giải thoát vĩnh viễn các môn đệ khỏi các lời tiên đoán
về thời điểm thế giới sẽ bị tận diệt.

Đức Giáo hoàng Benedicto 16 giải thích, Chúa Giêsu “muốn mang lại cho các tín đồ chiếc chìa khóa cho sự suy ngẫm sâu sắc hơn, đúng bản chất hơn, và nhất là chỉ ra con đường phải đi hôm nay và ngày mai để bước vào cuộc sống vĩnh hằng”. Ngài nói tiếp : « Tất cả rồi sẽ trôi qua, nhưng lời của Chúa không hề thay đổi ».

Tông Thư Porta Fidei – Cánh Cửa Đức Tin

Tông Thư Porta Fidei – Cánh Cửa Đức Tin
TÔNG THƯ – TỰ SẮC
PORTA FIDEI – CÁNH CỬA ĐỨC TIN
CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI
CÔNG BỐ NĂM ĐỨC TIN
1. “Cánh cửa đức tin” (x. Cv14,27) dẫn vào đời sống kết hiệp với Thiên Chúa, đồng thời mở ra con đường bước vào Giáo Hội, vẫn luôn mở rộng cho chúng ta. Chúng ta có thể bước qua ngưỡng cửa đó khi Lời Chúa được loan báo và để ơn biến đổi uốn nắn tâm hồn. Bước qua cánh cửa đó là dấn bước vào một cuộc hành trình kéo dài suốt đời. Hành trình này bắt đầu bằng bí tích Rửa Tội (x. Rm6,4), nhờ đó chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, và hoàn tất bằng với việc vượt qua cái chết, tiến đến sự sống đời đời, là hoa quả sự phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng đã dùng ơn Chúa Thánh Thần mà muốn cho tất cả những ai tin nơi Người đều được thông phần vào vinh quang của Người (x. Ga17,22). Tuyên xưng niềm tin nơi Chúa Ba Ngôi – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – chính là tin vào một Thiên Chúa duy nhất, Đấng là Tình Yêu (x. 1 Ga 4,8): Chúa Cha, khi đến thời viên mãn, đã sai Con của Ngài
đến cứu độ chúng ta; Chúa Giêsu Kitô đã chuộc tội trần gian trong mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Người; Chúa Thánh Thần dẫn dắt Giáo Hội qua các thời đại, đang khi mong chờ cuộc quang lâm vinh hiển của Chúa.
2. Khi bắt đầu đảm nhận sứ vụ Kế vị Thánh Phêrô, tôi đã nhắc đến việc cần phải tái khám phá hành trình đức Tin để luôn làm nổi bật niềm vui và niềm hưng phấn mới của việc gặp gỡ Đức Kitô. Trong Bài giảng Thánh lễ khai mạc sứ vụ Giáo hoàng, tôi đã nói: “Toàn thể Giáo Hội và các Mục tử trong Giáo Hội, cũng như Đức Kitô, phải lên đường để đưa con người ra khỏi sa mạc, đến nơi có sự sống, đến việc làm bạn với Con Thiên Chúa, đến với Đấng ban cho chúng ta sự sống, sự sống dồi dào” [1]. Tuy nhiên, các Kitô hữu lại thường quan tâm nhiều hơn tới những kết quả của sự dấn thân về phương diện xã hội, văn hóa và chính trị, cứ tưởng rằng đức Tin là tiền đề hiển nhiên của đời sống xã hội. Nhưng thực tế cho thấy tiền đề ấy không chỉ không còn được coi là hiển nhiên nữa mà thậm chí con thường bị
phủ nhận [2]. Trong khi ngày xưa, có thể nhận ra một hệ thống văn hóa thống nhất, được nhiều người chấp nhận, có tham chiếu nội dung đức Tin và những giá trị chịu ảnh hưởng của đức Tin, thì ngày nay, trong các lãnh vực lớn của xã hội có lẽ không còn như vậy nữa, do cuộc khủng hoảng sâu sắc về đức Tin đã ảnh hưởng tới nhiều người.
3. Chúng ta không thể chấp nhận để muối nhạt đi và ánh sáng bị che khuất (x. Mt 5,13-16). Con người ngày nay, cũng giống như người phụ nữ Samaria, có thể cũng lại cảm thấy cần phải đến bên giếng nước để lắng nghe Chúa Giêsu, Đấng mời gọi hãy ta tin vào Người và múc lấy nước hằng sống từ Người trào ra (x. Ga 4,14). Chúng ta phải tìm lại niềm vui
thích nuôi dưỡng mình bằng Lời Chúa được Giáo Hội trung thành truyền lại, và bằng Bánh Hằng Sống, được ban cho để nâng đỡ tất cả những ai làm môn đệ Chúa (x. Ga6,51). Quả thật, giáo huấn của Chúa Giêsu vẫn còn vang dội mạnh mẽ trong thời đại chúng ta: “Các con hãylàm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng để được lương thực thường  tồn” (Ga6,27). Câu hỏi đã được mọi người nghe Chúa nói đặt ra, cũng câu hỏi của chúng ta ngày nay: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” (Ga6,28). Chúng ta biết Chúa Giêsu trả lời ra sao: “Việc Thiên Chúa muốn là: Anh em hãy tin vào Ðấng mà Ngài đã sai đến” (Ga 6,29). Vậy, tin vào Chúa Giêsu Kitô chính là con đường chắc chắn đạt tới ơn cứu độ.
4. Từ những điều nói trên đây, tôi quyết định mở một Năm Đức TinNăm Đức Tin sẽ bắt đầu từ ngày 11-10-2012, nhân kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II, và sẽ kết thúc vào ngày đại lễ Chúa Kitô Vua Vũ Trụ, 24-11-2013. Ngày 11-10-2012 cũng sẽ diễn ra lễ kỷ niệm 20 năm xuất bản Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, được vị Tiền nhiệm của tôi, Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II [3] ban hành, với mục đích trình bày cho mọi tín hữu sức mạnh và vẻ đẹp của đức Tin. Văn kiện này là thành quả đích thực của Công
đồng Vatican II. Thượng Hội đồng Giám mục khóa họp ngoại thường năm 1985 đã mong ước văn kiện này được sử dụng trong việc dạy giáo lý [4]; và toàn thể hàng Giám mục của Giáo Hội Công giáo đã cộng tác thực hiện văn kiện này. Chính tôi cũng đã triệu tập Đại hội toàn thể Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng Mười năm 2012 về đề tài Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức Tin Kitô giáo. Đây sẽ là một cơ hội thuận lợi để đưa toàn thể Giáo Hội bước vào một giai đoạn suy tư đặc biệt và tái khám phá đức Tin. Đây không phải là lần
đầu tiên Giáo Hội được kêu gọi cử hành Năm Đức Tin. Vị Tiền nhiệm đáng kính của tôi, Tôi tớ Chúa Phaolô VI cũng đã ấn định Năm Đức Tin tương tự vào năm 1967, để kỷ niệm cuộc tử đạo của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, nhân 1900 năm cuộc làm chứng cao cả của các ngài. Đức cố giáo hoàng đã nghĩ đến việc kỷ niệm này là một thời điểm long trọng để trong toàn thể Giáo Hội chính thức và chân thành “tuyên xưng cùng một đức Tin”; ngoài
ra, ngài mong muốn đức Tin được củng cố “về phương diện cá nhân cũng như tập thể, có tự do và ý thức, nơi nội tâm cũng như bên ngoài, khiêm tốn và chân thành” [5]. Ngài tin rằng bằng cách này toàn thể Giáo Hội “sẽ ý thức rõ rệt hơn về đức Tin của mình, để làm tươi mới đức Tin, thanh luyện, củng cố và tuyên xưng đức Tin” [6]. Những xáo trộn lớn diễn ra trong Năm Đức Tin ấy càng cho thấy rõ cần phải có một cuộc cử hành như thế. Năm Đức Tin ấy đã kết thúc với Bản Tuyên xưng Đức Tin của Dân Chúa [7], cho thấy có biết bao nội dung cốt yếu từ các thế kỷ qua, vốn là gia sản của mọi tín hữu, cần phải được củng cố, hiểu
biết và ngày càng đào sâu hơn, để đưa ra chứng từ phù hợp với hoàn cảnh lịch sử đã khác xưa.
5. Trong một số khía cạnh, vị Tiền nhiệm đáng kính của tôi đã coi Năm Đức Tin ấy
như “một hệ quả và là một yêu cầu của thời hậu Công đồng” [8], ngài ý thức rõ về những khó khăn nghiêm trọng của thời đại, nhất là về việc tuyên xưng đức Tin chân thật và sự giải thích đức Tin đúng đắn. Tôi cho rằng việc khởi sựNăm Đức Tin trùng với dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II có thể là một cơ hội thuận lợi để hiểu rằng các văn kiện Công đồng, được các Nghị phụ để lại như di sản, – theo như lời Chân phước Gioan Phaolô II -,“không hề mất giá trị và vẻ ngời sang”. Các văn kiện ấy cần phải được đọc một cách đúng đắn, được phổ biến rộng rãi và tiếp nhận thấu đáo như những văn kiện quan trọng và mang tính quy phạm thuộc Huấn quyền, trong Truyền thống của Giáo Hội… Hơn bao giờ hết tôi cảm thấy nghĩa vụ phải nói rõ Công đồng
chính là hồng ân Giáo Hội được hưởng trong thế kỷ XX: Công đồng mang lại cho chúng ta một chiếc la bàn đáng tin cậy để định hướng trong cuộc hành trình thế kỷ đang mở ra” [9]. Tôi cũng muốn mạnh mẽ nhắc lại những gì tôi đã nói về Công đồng sau vài tháng được bầu lên kế vị Thánh Phêrô: “Nếu chúng ta đọc và đón nhận Công đồng, với sự giải thích đúng đắn, thì Công đồng ngày càng sẽ và luôn trở thành một nguồn lực lớn lao cho việc thực hiện cuộc canh tân vốn luôn cần thiết đối với Giáo Hội” [10].
6.  Cuộc canh tân Giáo Hội cũng còn được thực hiện qua chứng từ cuộc sống của các tín hữu: quả vậy, bằng chính sự hiện diện của mình trong thế giới, các tín hữu được mời gọi làm ngời lên Lời Chân lý Chúa Giêsu để lại cho chúng ta. Chính Công đồng, trong Hiến chế tín lýLumen Gentium, đã khẳng định: “Trong khi Chúa Kitô, ‘thánh thiện, vô tội, không tì vết’ (Dt 7,26) không hề biết đến tội lỗi (x. 2 Cr 5,21), chỉ đến mà chuộc tội cho dân (Dt2,17), thì Giáo Hội, mang trong lòng mình những kẻ tội lỗi, vì thế, Giáo Hội là thánh thiện đồng thời cũng được kêu gọi thanh luyện chính mình, không ngừng phải nỗ lực thống hối và canh tân. Giáo Hội ‘tiến bước trong cuộc lữ hành qua những cuộc bách hại của trần thế và những an ủi của Thiên Chúa’, loan báo cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa cho đến khi Chúa đến (x. 1 Cr 11,26). Quyền năng của Chúa Phục sinh giúp cho Giáo Hội thắng vượt – với lòng nhẫn nại và yêu thương – những buồn sầu và khó khăn xảy đến cho Giáo Hội từ bên ngoài và cả từ bên trong, và trung thành bày tỏ mầu nhiệm của Chúa giữa lòng thế giới, mầu nhiệm ấy dù còn bị bóng tối che khuất nhưng cuối cùng sẽ đến ngày hiển lộ trong ánh quang rạng ngời” [11].
Trong viễn cảnh này, Năm Đức Tin là một lời mời gọi hãy hoán cải một cách đích thực và được đổi mới, trở về với Chúa là Đấng duy nhất cứu độ thế giới. Trong mầu nhiệm cái
chết và phục sinh của Người, Thiên Chúa đã mặc khải trọn vẹn Tình yêu cứu độ và
kêu gọi con người hoán cải cuộc sống nhờ được tha thứ tội lỗi (x. Cv5,31). Đối với thánh Phaolô Tông đồ, Tình yêu ấy dẫn con người đến cuộc sống mới: “Qua phép Rửa, chúng ta đã được mai táng với Người trong sự chết, để như Chúa Kitô sống lại từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha, chúng ta cũng sẽ được sống trong sự sống mới” (Rm6,4). Nhờ đức Tin, sự sống mới này làm khuôn mẫu cho toàn thể cuộc sống con người theo sự mới mẻ tuyệt đối của sự sống lại. Tùy theo mức độ sẵn sàng vâng heo ý Chúa, mọi tư tưởng và tình
cảm, tâm trí và hành vi của con người dần dần được thanh luyện và biến đổi, trong một cuộc hành trình chẳng bao giờ được hoàn tất ở đời này. Đức Tin “hành  động qua đức ái” (Gl 5,6) trở thành một chuẩn mực mới giúp thông hiểu và hành động, làm thay đổi toàn thể cuộc sống con người (x. Rm 12,2; Cl 3,9-10;Ep 4,20-29; 2 Cr 5,17).
7. “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng ta” (2 Cr 5,14): chính tình yêu Chúa Kitô đổ đầy tâm hồn chúng ta và thúc đẩy chúng ta loan báo Tin Mừng. Ngày nay cũng như xưa kia, Chúa sai chúng ta ra đi trên khắp nẻo đường thế giới để công bố Tin Mừng của Ngài cho mọi dân tộc trên trái đất (x. Mt 28,19). Chúa Giêsu Kitô dung tình yêu thu hút con người thuộc mọi thế hệ đến với Người: trong mọi thời đại, Người gọi Giáo Hội đến và trao nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, với một mệnh lệnh luôn luôn mới mẻ. Vì thế, ngày nay Giáo Hội phải dấn thân một cách thuyết phục hơn nữa qua công cuộc Tân Phúc âm hóa, để tái khám phá niềm vui đức Tin và tìm lại niềm hăng say thông truyền đức tin. Việc dấn thân truyền giáo của các tín hữu, vốn không bao giờ được thiếu, sẽ nhận được sức mạnh và tinh thần hăng hái qua việc hằng ngày nhận ra tình yêu của Thiên Chúa. Thực vậy, đức Tin sẽ
tăng trưởng khi biết sống đức Tin với cảm nghiệm về tình yêu đã nhận lãnh, và biết thông truyền đức Tin với cảm nghiệm về ân sủng và niềm vui. Đức tin làm cho chúng ta trở nên phong phú, bởi đức Tin giúp tâm hồn mở rộng trong hy vọng và đem lại một chứng tứ giàu sức sống: đức Tin mở cánh cửa tâm trí của tất cả những ai lắng nghe và đón nhận Lời Chúa mời gọi hãy gắn bó Lời Chúa để trở thành môn đệ của Người. Thánh Augustinô cho biết, các tín hữu “nhờ tin tưởng mà được củng cố” [12]. Thánh giám mục thành Hippo đã có lý khi nói như vậy. Như  chúng ta biết, cuộc đời của thánh nhân là một cuộc tìm kiếm không ngừng vẻ đẹp của đức Tin cho đến khi tâm hồn ngài được sự an nghỉ trong Thiên Chúa [13].
Trong nhiều tác phẩm của mình, thánh nhân đã giải thích tầm quan trọng của việc
tin và chân lý đức Tin. Những tác phẩm ấy đến nay vẫn còn là một di sản phong phú vô song, giúp biết bao người tìm kiếm Thiên Chúa gặp được con đường đúng đắn đưa đến được  “cánh cửa đức tin”.
Vì vậy, sở dĩ đức Tin được tăng trưởng và vững mạnh là nhờ biết tin tưởng; để đời mình được vững chắc, không có cách nào khác hơn là không ngừng buông mình vào vòng tay của một tình yêu dường như lớn lao thêm mãi, bởi tình yêu ấy phát xuất từ Thiên Chúa.
8. Trong dịp vui mừng này, tôi muốn mời gọi anh em Giám mục trên toàn thế giới hãy hiệp nhất với Người Kế Vị thánh Phêrô, trong thời điểm ân phúc thiêng liêng Chúa dành cho chúng ta, để nhớ lại hồng ân đức Tin quý giá. Chúng ta mong được cử hành Năm Đức Tin này một cách xứng đáng và sinh ơn ích. Cần tăng cường suy tư về đức Tin để giúp tất cả những ai tin vào Chúa Kitô được ý thức hơn và củng cố lòng gắn bó với Tin Mừng, nhất là vào lúc nhân loại đang sống giữa những đổi thay sâu sắc như hiện nay. Chúng ta sẽ có cơ hội tuyên xưng đức Tin nơi Chúa Phục Sinh trong các nhà thờ chính tòa và các nhà thờ trên khắp thế giới; trong các gia đình, để mỗi người cảm thấy sự đòi hỏi cấp thiết phải hiểu biết hơn nữa về đức Tin và truyền lại đức Tin cho các thế hệ mai sau. Các cộng đoàn dòng tu
cũng như các giáo xứ, và toàn thể những tổ chức trong Giáo Hội, dù lâu đời hay mới lập, hãy tìm cách thức công bố Kinh Tin Kính trong Năm Đức Tin này.
9. Chúng ta mong ước rằng Năm Đức Tin sẽ khơi dậy nơi mỗi tín hữu khát vọng tuyên xưng đức Tin trong sự toàn vẹn và với một niềm xác tín được đổi mới, trong niềm tín thác và hy vọng. Năm này cũng sẽ là một cơ hội thuận lợi để tăng cường việc cử hành đức Tin trong phụng vụ, nhất là trong phép Thánh Thể, vốn là “chóp đỉnh mà hoạt động của Giáo Hội hướng tới, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào sức mạnh của Giáo Hội” [14]. Đồng thời, chúng ta ước mong việc làm chứng bằng đời sống của các tín hữu sẽ tăng tiến trong sự khả tín. Tái khám phá nội dung đức Tin được tuyên xưng, được cử hành, được thể hiện qua đời sống và cầu nguyện [15], và suy tư về chính việc làm của lòng tin, đó là nhiệm vụ mỗi tín hữu phải thực hiện, nhất là trong Năm Đức Tin này.
Không phải là không có lý do mà trong những thế kỷ đầu tiên, các Kitô hữu phải học thuộc lòng kinh Tin kính. Các tín hữu dùng kinh này cầu nguyện hằng ngày, để không quên lời cam kết khi chịu phép Rửa tội. Với những lời mang ý nghĩa súc tích, thánh Augustinô nhắc
nhở điều đó trong bài giảng về việc trao Tín biểu (Kinh Tinh kính), ngài nói: “Tín biểu về mầu nhiệm thánh (Kinh Tinh kính) mà tất cả anh chị em cùng nhau lãnh nhận và từng người trong anh chị em hôm nay đọc lên, là những lời diễn tả đức Tin của Mẹ Giáo Hội, được xây dựng vững chắc trên nền tảng vững bền là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta… Anh
chị em đã nhận lãnh và tuyên đọc Tín biểu này, vậy, phải lưu giữ Tín biểu nơi lòng trí anh chị em, phải lặp lại Tín biểu khi lên giường ngủ, phải suy ngẫm Tín biểu khi ra nơi công cộng, không được quên Tín biểu khi ăn uống, ngay cả khi thân xác đã ngủ yên, thì trái tim vẫn tỉnh thức với Tín biểu này” [16].
10. Đến đây, tôi muốn phác ra một lộ trình giúp hiểu sâu thêm những nội dung đức Tin, không những vậy mà với những nội dung đó, còn là việc làm, qua đó, chúng ta quyết định hoàn toàn  phó thác cho Thiên Chúa với tất cả tự do. Thực vậy, có sự thống nhất sâu xa giữa hành vi thể hiện đức Tin và những nội dung chúng ta tán đồng. Thánh Phaolô Tông đồ giúp đi vào bên trong thực tại này khi ngài viết: “Có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ”(Rm 10,10). Con tim mách bảo chúng ta rằng chúng ta có được đức Tin vì trước hết đó là quà tặng của Thiên Chúa, và ân sủng
Chúa tác động và biến đổi tận nơi sâu thẳm trong con người.
Câu chuyện bà Liđia là một dẫn chứng đầy sức thuyết phục về vấn đề này. Thánh Luca thuật lại, khi thánh Phaolô đến thành Philípphê, ngày thứ Bảy, ngài đi rao giảng Tin Mừng cho vài phụ nữ; trong số đó có bà Liđia và “Chúa mở lòng cho bà để bà chú ý những lời Phaolô
nói” (Cv 16,14). Một diễn đạt mang ý nghĩa quan trọng. Thánh Luca dạy, việc hiểu biết những nội dung để tin thì không đủ, nếu cõi lòng, cung thánh đích thực của con người, không được ơn Chúa mở cho, nhờ đó mới có được đôi mắt để nhìn sâu xa và hiểu ra điều được loan báo chính là Lời Chúa.
Tiếp đến việc tuyên xưng ngoài miệng cho thấy đức Tin gồm cả việc làm chứng và dấn thân công khai. Người Kitô hữu không bao giờ được nghĩ rằng tin là chuyện riêng tư. Tin, là quyết định ở lại với Chúa để sống với Người. Một khi “ở lại với Chúa”, ta sẽ hiểu được tại
sao ta tin. Chính vì đức Tin là một hành vi tự do, nên cũng đòi phải có trách nhiệm xã hội về những điều đã tin. Giáo Hội, trong ngày lễ Hiện xuống, rõ ràng đã cho thấy chiều kích công khai ấy của việc tin tưởng và loan báo không chút sợ hãi về niềm tin của mình cho mọi người. Chính ơn Chúa Thánh Thần giúp chúng ta đảm đương sứ mạng, thêm sức để chúng ta làm chứng một cách trung thực và can đảm.
Tự bản thân việc tuyên xưng đức Tin là một hành vi cá nhân, đồng thời cũng mang tính cộng đoàn. Thực vậy, chính Giáo Hội là chủ thể đầu tiên của đức Tin. Trong đức Tin của cộng đoàn Kitô hữu, mỗi người lãnh nhận bí tích Rửa tội, là dấu chỉ có hiệu lực về sự gia nhập đoàn dân tín hữu để được ơn cứu độ. Như Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo minh chứng: Nói “Tôi tin” là lên đức Tin của Giáo Hội được cá nhân mỗi tín hữu tuyên xưng, cụ thể là khi chịu phép Rửa tội. Còn nói “Chúng tôi tin” là nói lên đức Tin của Giáo Hội được các Giám mục tuyên xưng khi nghị hội Công đồng, hoặc khái quát hơn, được cộng đoàn tín hữu cử hành phụng vụ tuyên xưng. Tuyên xưng “Tôi tin” cũng chính là Giáo Hội, Mẹ
của chúng ta, đáp lại Thiên Chúa bằng đức Tin của mình và dạy chúng ta nói lên “Tôi tin”, “Chúng tôi tin” [17].
Chúng ta đã rõ, để chính bản  thân chấp nhận đức Tin, nghĩa là hoàn toàn đồng tâm
nhất trí với tất cả những gì Giáo Hội đề nghị chúng ta tin, cần phải hiểu rõ những nội dung đức Tin. Sự hiểu biết về đức Tin dẫn vào toàn bộ mầu nhiệm cứu độ được Thiên Chúa mặc khải. Vì vậy việc chấp nhận đức Tin có nghĩa là, khi đã tin, chúng ta hoàn toàn tự do chấp nhận trọn vẹn mầu nhiệm đức Tin, bởi chính Chúa là Đấng bảo đảm cho mọi điều chúng ta tin. Ngài đã mặc khải chính mình và cho phép chúng ta được nhận biết mầu nhiệm tình yêu của Ngài [18].
Mặt khác, chúng ta không thể quên, trong bối cảnh văn hóa của chúng ta, có nhiều người, tuy  không nhìn nhận mình có ơn đức Tin, vẫn chân thành tìm kiếm ý nghĩa tối hậu và sự
thật cuối cùng về hiện hữu của mình và về thế giới. Sự tìm kiếm này thực là một “tiền đề” của đức Tin, vì nó thúc đẩy con người bước vào cuộc hành trình dẫn đến mầu nhiệm Thiên Chúa. Quả thật, bản thân lý trí con người vốn đòi hỏi về “điều có giá trị vững bền và trường cửu” [19]. Đòi hỏi này là một lời mời gọi mãi mãi, được ghi khắc không thể xóa nhòa trong tâm hồn con người, để bắt đầu một cuộc hành trình tìm gặp Đấng mà chúng ta sẽ không tìm kiếm nếu Ngài đã không đến gặp chúng ta [20]. Chính đức Tin mời chúng ta đến gặp Ngài và mở cho chúng ta bước vào cuộc gặp gỡ ấy một cách trọn vẹn.
11. Để hiểu biết một cách có hệ thống về nội dung đức Tin, mọi người đều có thể tìm thấy sự trợ giúp quý báu và không thể thiếu trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo. Đó là một trong những thành quả quan trọng nhất của Công đồng  chung Vatican II. Trong Tông hiến Fidei depositum (Kho tàng đức Tin), không phải ngẫu nhiên được ký vào ngày kỷ niệm 30 năm khai mạc Công đồng chung Vatican II, Đức Chân phước Gioan Phaolô II đã viết: “Sách Giáo lý này sẽ mang lại một đóng góp quan trọng cho công cuộc canh tân toàn thể đời sống Giáo Hội… Tôi nhìn nhận Sách này như một dụng cụ giá trị và hợp pháp phục vụ sự hiệp thông trong Giáo Hội và như một chuẩn mực chắc chắn để giảng dạy đức Tin” [21].
Theo đó, Năm Đức Tin phải thể hiện quyết tâm tái khám phá và học hỏi nội dung cơ
bản của đức Tin được trình bày trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo với sự tổng hợp có hệ thống và gắn bó hữu cơ. Quả thật, ở đây chúng ta thấy sự phong phú của giáo huấn mà Giáo Hội đã đón nhận, giữ gìn và giới thiệu trong hai ngàn năm lịch sử của mình. Từ Kinh
Thánh tới các Giáo phụ, từ các bậc Thầy về thần học cho đến các Thánh qua các thế kỷ, Sách Giáo lý là bản ghi nhớ vĩnh viễn về biết bao cách thức Giáo Hội suy ngẫm về đức Tin và tạo sự tiến triển trong giáo thuyết, nhằm giúp các tín hữu được vững vàng trong đời sống đức tin.
Qua cách cấu trúc, SáchGiáo lý Hội thánh Công giáotrình bày sự phát triển đức Tin
vươn đến tận những đề tài lớn của đời sống hằng ngày. Qua các trang sách, có
thể thấy điều được trình bày trong Sách Giáo lý không phải là một lý thuyết, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một Người đang sống trong Giáo Hội. Quả thật, sau phần Tuyên xưng đức Tin, là phần giải thích đời sống bí tích, trong đó Chúa Kitô hiện diện, hoạt động và tiếp tục xây dựng Giáo Hội của Người. Nếu không có phụng vụ và các bí tích thì việc tuyên xưng đức Tin sẽ không hiệu quả, vì thiếu ân sủng nâng đỡ việc làm chứng của các Kitô hữu. Cũng
vậy, giáo huấn của Sách Giáo lý về đời sống luân lý đạt trọn vẹn ý nghĩa nếu được đặt trong tương quan với đức Tin, phụng vụ và cầu nguyện.
12. Vì thế, trong Năm Đức Tin, Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo sẽ là một công cụ đích
thực nâng đỡ đức Tin, nhất là cho những người quan tâm đến việc huấn luyện các Kitô hữu, một điều rất quan trọng trong bối cảnh văn hóa ngày nay. Với mục đích ấy, tôi đã mời gọi Bộ Giáo lý đức Tin, cùng với các Cơ quan hữu trách khác của Tòa Thánh, soạn một Bản hướng dẫn, đề ra cho Giáo Hội và các tín hữu một số chỉ dẫn để sống Năm Đức Tinnày một cách hiệu quả và thích hợp hơn, phục vụ cho lòng tin và công cuộc truyền giáo.
Quả thật, nhiều hơn so với trước đây, đức Tin hiện đang phải đối diện với một loạt vấn đề, do não trạng con người đã thay đổi, nhất là ngày nay cho rằng sự chính xác hợp lý thuộc về lĩnh vực chinh phục của khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, Giáo Hội không bao giờ sợ chứng minh rằng không có bất kỳ xung đột nào giữa đức Tin và khoa học chân chính, vì cả hai đều hướng đến chân lý, mặc dù bằng những con đường khác nhau [22].
13. Một điều quan trọng trong Năm Đức Tin là điểm lại lịch sử đức Tin của chúng ta, được ghi dấu bằng mầu nhiệm lạ lùng về sự đan xen giữa thánh thiện và tội lỗi. Lịch sử thánh thiện cho thấy sự đóng góp lớn lao của những người, nam và nữ, cho sự tăng trưởng và phát triển cộng đoàn bằng chứng từ cuộc sống của mình, còn lịch sử tội lỗi thúc đẩy mỗi người phải thành tâm và thường xuyên hoán cải để cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa Cha, Đấng đang đến gặp gỡ mọi người.
Lúc điểm này, chúng ta hãy ngắm nhìn Chúa Giêsu Kitô “là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12,2): nơi Người mọi khổ đau và khát vọng của tâm hồn con người được hoàn tất. Niềm vui yêu thương, câu trả lời trước bi kịch khổ ải và đớn đau, sức mạnh của tha thứ khi bị xúc phạm, và chiến thắng của sự sống trước hư không của sự chết, tất cả đều tìm được sự hoàn tất trong mầu nhiệm Nhập thể, mầu nhiệm Chúa làm người, chia sẻ sự yếu đuối của chúng ta để biến đổi nó bằng quyền năng phục sinh của Người. Nơi Đấng đã chết và sống lại để cứu chuộc chúng ta, đã có biết bao tấm gương đức Tin, in dấu hai ngàn năm lịch sử cứu độ của chúng ta.
Nhờ lòng tin, Đức Maria đã đón nhận lời thiên thần, và trong tinh thần vâng phục, Mẹ đã tin vào lời loan báo Mẹ sẽ trở thành Mẹ của Thiên Chúa (x. Lc 1,38). Khi đến thăm bà
Isave, Mẹ cất bài ca chúc tụng Đấng Tối Cao vì những kỳ công Ngài thực hiện nơi tất cả những ai đã đặt niềm tin nơi Ngài (x. Lc1,46-55). Mẹ sinh hạ người Con duy nhất trong vui mừng và lo âu, mà giờ đây Mẹ vẫn còn nguyên vẹn đồng trinh (x.Lc 2,6-7). Tín nhiệm nơi Thánh Giuse, hôn phu của Mẹ, Mẹ mang Chúa Giêsu sang Ai Cập để cứu con khỏi cuộc bách hại của Hêrôđê (x.Mt 2,13-15). Với đức Tin, Mẹ theo Chúa lúc Người đi rao giảng
và ở với Chúa cho đến tận đồi Golgotha (x. Ga19,25-27). Với đức Tin, Mẹ Maria đã hưởng nếm những hoa trái của cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, và gìn giữ từng kỷ niệm trong lòng (x. Lc2,19,51), và Mẹ truyền lại những kỷ niệm ấy cho Nhóm Mười Hai tụ họp với Mẹ trong Nhà Tiệc ly để nhận lấy Chúa Thánh Thần (x. Cv 1,14; 2,1-4).
Nhờ đức Tin, các Tông đồ đã từ bỏ mọi sự để theo Thầy (x.Mc 10,28). Các ngài tin vào lời Chúa loan báo Nước Chúa đã đến và được thực hiện nơi Người (x. Lc 11,20). Các Tông đồ sống đời sống kết hiệp với Chúa Giêsu, Đấng dùng lời giáo huấn mà dạy dỗ các ngài, để lại cho các ngài luật sống, qua đó, người ta nhận ra các ngài là môn đệ của Chúa sau khi Người chịu chết (x. Ga 13,34-35). Nhờ đức Tin, các Tông đồ đã đi khắp thế giới, theo lệnh truyền mang Tin Mừng cho mọi thụ tạo (x. Mc 16,15) và không chút sợ hãi, các Tông đồ loan báo cho mọi người niềm vui Phục sinh mà chính các vị đã là những nhân chứng trung thành.
Nhờ đức Tin, các môn đệ hình thành cộng đoàn đầu tiên, quy tụ quanh giáo huấn của các Tông đồ, cùng cầu nguyện, cử hành Thánh Thể, đưa những gì mình có làm của chung để giúp đỡ những anh chị em túng thiếu (x. Cv2,42-47).
Nhờ đức Tin, các vị tử vì đạo hiến mạng sống mình làm chứng cho chân lý Phúc Âm, chân lý đã làm cho các ngài được biến đổi và đạt tới ơn cao trọng nhất của tình yêu là tha thứ cho những kẻ bách hại mình.
Nhờ đức Tin, những người nam và nữ đã dâng hiến đời mình cho Chúa Kitô, bỏ mọi sự để sống đơn sơ theo tinh thần Phúc Âm, vâng phục, khó nghèo và khiết tịnh, là những dấu chỉ cụ thể của sự chờ đợi Chúa sắp đến. Nhờ đức Tin, đông đảo Kitô hữu đã thúc đẩy những hoạt động bênh vực công lý để cụ thể hóa Lời Chúa, Đấng đã đến để loan báo cho mọi người
được giải thoát khỏi áp bức và được hưởng một năm hồng ân (x. Lc 4,18-19).
Nhờ đức Tin, qua các thế kỷ, những người nam người nữ thuộc mọi lứa tuổi được ghi tên trong Sách Sự Sống (x.Kh 7,9; 13,8), đã nói lên nét đẹp khi bước theo Chúa Giêsu tại
những nơi họ được kêu gọi để làm chứng về cuộc sống làm người Kitô hữu: trong gia
đình, nơi làm việc, trong xã hội, khi sống ơn đoàn sủng và thực thi các thừa tác vụ họ đã được kêu gọi.
Nhờ đức Tin, chính chúng ta cũng đang sống: qua việc nhìn nhận một cách sống động Chúa Giêsu đang hiện diện trong cuộc sống chúng ta và trong dòng lịch sử.
14. Năm Đức Tin cũng sẽ là cơ hội tốt để tăng cường làm chứng bằng thực thi bác ái. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Hiện nay đức Tin, đức Cậy, đức Mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức Mến” (1 Cr 13,13). Với những lời còn mạnh hơn nữa nhằm thúc giục các Kitô hữu, Thánh Tông đồ Giacôbê khẳng định: “Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức Tin mà không hành động theo đức Tin, thì nào có ích lợi gì? Đức Tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: ‘Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no’, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì?
Cũng vậy, đức Tin không có việc làm thì quả là đức Tin chết. Đàng khác, có người sẽ bảo: ‘Bạn, bạn có đức Tin; còn tôi, tôi có việc làm. Bạn thử cho tôi thấy thế nào là tin mà không có việc làm, còn tôi, qua việc làm tôi cho bạn thấy đức Tin của tôi’” (Gc2,14-18).
Đức Tin không có đức Mến sẽ chẳng mang lại kết quả, còn đức Mến không có đức Tin, sẽ là một tình cảm luôn phó mặc cho ngờ vực. Đức Tin và đức Mến cần có nhau đến mức nhân đức này giúp cho nhân đức kia thể hiện chính mình. Thực tế có nhiều Kitô hữu hiến đời mình để yêu thương những người cô thế, bị gạt ra ngoài lề, bị loại trừ, coi họ là những người đầu tiên cần phải đến gặp và là những người chủ yếu phải được nâng đỡ, vì nơi họ phản chiếu gương mặt của chính Chúa Kitô. Nhờ đức Tin, chúng ta có thể nhận ra gương mặt Chúa phục sinh nơi những người đang mong được chúng ta yêu thương: “Tất cả những gì các con đã làm cho một trong những người anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, tức là các con đã làm cho chính Thầy” (Mt 25,40): những điều Chúa nói chính là lời cảnh báo không được phép quên, và là một lời mời gọi không ngừng đáp lại tình yêu Chúa đã chăm sóc chúng ta. Chính đức Tin giúp nhận ra Chúa Kitô và chính tình yêu của Chúa thôi thúc chạy đến cứu giúp Chúa mỗi khi Người trở thành người thân cận của chúng ta trên nẻo đường cuộc sống. Được đức Tin nâng đỡ, với niềm hy vọng chúng ta hãy nhìn đến công cuộc dấn thân của chúng ta trong thế giới, trong khi chờ đợi “trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2 Pr3,13; x. Kh 21,1).
15. Vào cuối đời, Thánh Tông đồ Phaolô truyền cho môn đệ Timôthê “hãy nỗ lực đạt được đức Tin” (2 Tm2,22), với lòng kiên trì như lúc còn trẻ (x. 2 Tm 3,15). Chúng ta hãy nghe lời mời gọi này được gửi đến mỗi người chúng ta, để đừng ai biếng nhác trong đời sống đức Tin. Đức Tin là bạn đồng hành suốt đời, đem lại một cái nhìn luôn mới mẻ để nhận ra những kỳ công Chúa đang thực hiện cho chúng ta. Nhằm nắm bắt những dấu chỉ thời đại hiện nay của lịch sử, đức Tin thúc đẩy mỗi người chúng ta trở thành dấu chỉ sống động về sự hiện diện của Đấng Phục sinh trong thế giới. Điều mà thế giới ngày nay đặc biệt cần đến, đó là chứng từ đáng tin cậy của những người được Lời Chúa soi sáng nơi tâm trí, có khả năng khai mở tâm trí của biết bao người đang khao khát Thiên Chúa và sự sống thật, sự sống vô cùng vô tận.
“Ước gì Lời Chúa hoàn tất hành trình của mình và được tôn vinh” (2 Tx 3,1): ước gì Năm Đức Tin này làm cho tương quan của chúng ta với Chúa Kitô vững chắc thêm mãi, vì chỉ trong Người chúng ta mới vững lòng nhìn về tương lai và được bảo đảm về một tình yêu đích thực và lâu bền. Những lời thánh Tông đồ Phêrô chiếu tỏa tia sáng cuối cùng về đức Tin: “Anh em sẽ được hớn hở vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức Tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, – vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức Tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự. Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức Tin, là ơn cứu độ con người” (1 Pr 1,6-9). Các Kitô hữu cảm nghiệm niềm vui và đau khổ. Biết bao vị thánh đã từng trải qua nỗi cô đơn! Biết bao tín hữu, kể cả ngày nay, bị thử thách vì Thiên Chúa vẫn im lặng trong khi họ muốn được nghe lời Người an ủi! Những thử thách của cuộc sống, đang khi giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm Thập giá và dự phần vào đau khổ của Chúa Kitô (x. Cl 1,24), là khúc dạo  đầu cho niềm vui và hy vọng mà đức Tin dẫn đến: “Khi tôi yếu đuối, chính là lúc tôi mạnh mẽ” (2 Cr 12,10). Chúng ta vững vàng tin tưởng mạnh mẽ Chúa Giêsu đã chiến thắng cái ác và sự chết. Với niềm tín thác, chúng ta trao phó bản thân cho Chúa: Chúa hiện diện giữa chúng ta và chiến thắng quyền lực của ác thần (x. Lc 11,20) và Giáo hội, cộng đoàn hữu hình của lòng Chúa thương xót, ở lại trong Chúa như dấu chỉ giao hòa rõ rệt với Chúa Cha.
Chúng ta hãy phó thác thời điểm ân sủng này cho Mẹ Thiên Chúa. Mẹ được tuyên xưng là “Có phúc vì đã tin” (Lc 1, 45).
Ban hành tại Đền thờ Thánh Phêrô, Rôma,
ngày 11 tháng Mười 2011,
năm thứ 7 sứ vụ Giáo hoàng của tôi
Bênêđictô XVI, Giáo hoàng
(Đức Thành chuyển ngữ)
———————————————

Chú thích

[1] Bài giảng Thánh lễ Khai mạc sứ vụ Phêrô của Giám mục Rôma (24-4-2005): AAS 97 (2005), 710; DC 102 (2005) tr.547.

[2] x. Bênêđictô XVI, Bài giảng Thánh lễ tại Terreiro doPaco, Lisbon (11-5-2010): InsegnamentiVI, 1 (2010), 673; DC 107 (2010), tr. 515.
[3] x. Gioan Phaolô II, Tông hiến Fidei depositum (11-10-1992): AAS 86 (1994), 113-118; DC 90 (1993) tr. 1-3.
[4] x. Phúc trình kết thúcThượng Hội đồng Giámmục ngoại thường lần thứ hai (7-12-1985), II, B, a, 4in Enchiridion Vaticanum, vol. 9, n. 1797; DC 83 (1986), tr. 39.
[5] Phaolô VI, Tông huấnPetrum et Paulum Apostolos, nhân kỷ niệm 1900 năm cuộc tử đạo của Thánh Phêrô vàThánh Phaolô (22-2-1967): AAS 59 (1967), 196; DC 64 (1967) col. 484-485.
[6] Như trên, 198.
[7] Phaolô VI, Long trọng tuyên xưng Đức Tin, Bài giảng Thánh lễ kỷ niệm 1900 năm
cuộc tử đạo của Thánh Phêrô và Phaolô, kết thúc Năm Đức Tin (30-6-1968):AAS 60 (1968), 433-445;DC 65 (1968) col. 1249-1258.
[8] Phaolô VI, Tiếp kiến chung (14-6-1967): Insegnamenti V (1967),
801; DC 64 (1967) col.. 1162.
[9] Gioan Phaolô II, Tông thưNovo Millennio Ineunte(6-1-2001), n. 57: AAS93 (2001), 308; DC 98 (2001), tr. 88.
[10] Huấn từ tại Giáo Triều Rôma (22-12-2005): AAS98 (2006), 52, 103; DC(2006), tr. 63.
[11] Hiến chế về Giáo hộiLumen Gentium, số 8.
[12] De utilitate credendi, 1, 2.
[13] x. Augustinô thành  Hippo, Tự thuật, I, 1.
[14] Hiến chế về Phụng VụSacrosanctum Concilium,số 10.
[15] x. Gioan Phaolô II, Tông hiến Fidei depositum (11-10-1992): AAS 86 (1994), 116; DC 90 (1993), tr. 1-3.
[16] Augustinô thành Hippo,Bài giảng 215, 1.
[17] Sách Giáo lý Hội thánhCông giáo, số 167.
[18] x. Hiến Chế Tín Lý Dei Filius, Ch. III: DS 3008-3009; Hiến Chế Tín LýDei Verbum, số 5.
[19] Bênêđictô XVI, Huấn từ tại Collège desBernardins, Paris (12-9-2008): AAS 100 (2008), 722; DC 105 (2008), tr. 827.
[20] x. Augustinô thành Hippo, Tự thuật, XIII, 1.
[21] Gioan Phaolô II, Tông hiến Fidei depositum (11-10-1992): AAS 86
(1994), 115 và 117; DC90 (1993), tr. 1-3.
[22] x. Thông điệp Fides etRatio (14-9-1998), ss. 34 và 106: AAS 91
(1999), 31-32, 86-87; DC 95 (1998), tr. 913 và 938.
© Copyright 2011 – Libreria Editrice Vaticana
ĐGH Bênêđictô XVI
nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.

Vương  cung thánh đường Chính tòa

Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn

Mặt  trước Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn với tượng Đức Bà Hòa Bình
Thông tin cơ bản
Vị trí Thành phố Sàigòn
Tôn giáo Công giáo
Rôma
Nghi  lễ Latinh
Năm cung hiến 1959
Tước hiệu giáo hội
hoặc tổ chức
Tiểu vương cung thánh đường
Giám quản G.B. Huỳnh Công Minh
Website TGP.TPHCM
Mô tả kiến trúc
Kiến trúc sư J.Bourard
Thể loại kiến trúc Nhà thờ chính tòa
Phong cách kiến trúc Kiến trúc Roman
Hướng mặt tiền Đông
Năm hoàn thành 1880
Chi phí xây dựng 2,5 triệu franc Pháp
Thông số kỹ thuật
Chiều dài 00 mét (0 ft)
Chiều rộng 00 mét (0 ft)
Chiều rộng lọt lòng 00 mét (0 ft)
Tổng chiều cao 00 mét (0 ft)
Vật liệu gạch đỏ
Nhàthờ Đức Bà Sài Gòn (tên chính thức: Vương cung thánh đường Chính tòa Đức
Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội
, tiếng Anh: Immaculate
Conception Cathedral Basilica
, tiếng Pháp: Cathédrale
Notre-Dame de Saïgon
) là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Thành phố Sàigòn. Đây cũng là nhà thờ Công giáo có quy mô lớn và đặc sắc, một những công trình kiến trúc thu hút nhiều khách tham quan nhất tại thành phố này.
Lịch sử
Tượng đồng Giám mục Adran và Hoàng tử Cảnh
Ngay sau khi chiếm Sài Gòn, Pháp đã cho lập nhà thờ để làm nơi hành lễ cho người Công giáo trong đoàn quân viễn chinh. Ngôi nhà thờ đầu tiên được lập ở đường Số 5 (nay là đường Ngô Đức Kế). Đây vốn là một ngôi chùa nhỏ của người Việt bị bỏ hoang do chiến cuộc, cố đạo Lefebvre đã biến ngôi chùa này thành nhà thờ. Vì ngôi nhà thờ đầu tiên đó quá nhỏ nên vào năm 1863, Đô đốc Bonard đã quyết định cho khởi công xây dựng ở nơi khác một nhà thờ khác bằng gỗ bên bờ “Kinh Lớn” (còn gọi là kinh Charner, địa điểm là trụ sở Tòa Tạp Tụng thời Việt Nam Cộng hòa). Cố đạo Lefebvre tổ chức “Lễ đặt viên đá đầu tiên” xây dựng nhà thờ vào ngày 28 tháng 3 năm 1863. Nhà thờ được dựng bằng gỗ, hoàn thành vào năm 1865, ban đầu gọi là Nhà thờ Saigon. Về sau, do nhà thờ gỗ này bị hư hại nhiều vì mối mọt, các buổi lễ được tổ chức trong phòng khánh tiết của Dinh Thống Đốc cũ, về sau cải thành trường học Taberd, cho đến khi nhà thờ lớn xây xong.
Tháng 8 năm 1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré đã tổ chức một kỳ thi vẽ đồ án thiết kế nhà thờ mới. Ngoài mục tiêu có chỗ thờ phụng, hành lễ cho tín đồ, việc xây dựng nhà thờ lớn cũng nằm trong mục đích phô trương đạo Công giáo và sự vĩ đại của nền văn minh nước Pháp trước người dân thuộc địa. Vượt qua 17 đồ án thiết kế khác, đồ án của kiến trúc sư J. Bourard với phong cách kiến trúc Roman cải biên pha trộn nét phong cách kiến trúc Gotich đã được chọn. Ban đầu, địa điểm xây cất được đề nghị ở 3 nơi:
  • Trên nền  Trường Thi cũ (nay là góc đường Lê Duẩn và Hai Bà Trưng, tức vị trí tòa
    Lãnh sự Pháp).
  • Ở khu Kinh  Lớn (tại vị trí nhà thờ cũ, nay thuộc đường Nguyễn Huệ).
  • Vị trí  hiện nay.
Sau cùng vị trí hiện nay đã được chọn.[1]. Sau khi đề án thiết kế được chọn, Đô đốc Duperré cho đấu thầu việc xây dựng nhà thờ và cũng chính kiến trúc sư này là người trúng thầu và trực tiếp giám sát công trình. Mọi vật liệu từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang từ Pháp sang. Đặc biệt, mặt ngoài của công trình xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille (Pháp), để trần, không tô trát, không bám bụi rêu mà đến nay vẫn còn màu sắc hồng tươi.
Ngày 7 tháng 10 năm 1877, Giám mục Isidore Colombert đặt viên đá đầu tiên trước mặt Phó soái Nam Kỳ và đông đủ nhân vật cấp cao thời ấy. Nhà thờ được xây dựng trong 3 năm. Lễ Phục sinh, ngày 11 tháng 4 năm 1880, nghi thức cung hiến và khánh thành do cố đạo Colombert tổ chức trọng thể với sự có mặt của Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers. Hiện nay, trên bệ phía trên, bên trong cửa ra vào nhà thờ, có chiếc bảng cẩm thạch gắn trong hành lang (transept) ghi ngày khởi công, ngày khánh thành và tên vị công trình sư. Tất cả mọi chi phí xây dựng, trang trí nội thất đều do Soái phủ Nam Kỳ đài thọ, với số tiền 2.500.000 franc Pháp theo tỷ giá thời bấy giờ. Ban đầu, nhà thờ có tên gọi là Nhà thờ Nhà Nước vì nó do nhà nước Pháp bỏ tiền xây dựng và quản lý.
Dòng chữ Latin nơi cổng chính cho biết năm khánh thành Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông, mỗi tháp cao 57,6 m và có 6 chuông đồng  lớn nặng 28,85 tấn. Trên đỉnh tháp có đính một cây thánh giá cao 3,50 m, ngang 2 m, nặng 600 kg. Tổng thể chiều cao từ mặt đất lên đỉnh thánh giá là 60,50 m.
Hai tháp chuông vươn cao nhìn từ phía sau Trên vườn hoa trước nhà thờ, năm 1903, người Pháp cho dựng tượng đồng Pigneau de Béhaine (còn gọi là Giám mục Bá Đa Lộc hoặc Giám mục Adran vì vị này làm Giám mục hiệu tòa Adran) dẫn hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long) để ca ngợi công lao của nước Pháp “bảo hộ”, “khai hóa” cho Việt Nam. Tượng đài này bao gồm một bệ bằng đá hoa cương đỏ hình trụ tròn và bên trên là bức tượng tạc hình Giám mục Adran với phẩm phục giám mục, tay trái dẫn hoàng tử Cảnh. Tượng làm bằng đồng, được đúc tại Pháp, giới bình dân thời đó thường gọi là tượng “hai hình” để phân biệt với tượng “một hình”, là bức tượng của Đô đốc Hải quân Pháp Genouilly ở phía công trường Mê Linh (nay là cuối đường Hai Bà Trưng, gần bờ sông Sài Gòn). Năm 1945, tượng này bị phá bỏ, nhưng cái bệ đài bằng đá hoa cương đỏ thì vẫn còn tồn tại ở đó mà không có bất cứ một bức tượng nào đặt lên trên.
Năm 1958, Linh mục Giuse Phạm Văn Thiên (sau làm Giám mục giáo phận Phú Cường, giờ đã qua đời), cai quản Giáo xứ Sài Gòn thời ấy, đã đặt tạc một tượng Đức Mẹ Hòa Bình bằng loại đá cẩm thạch trắng Carrara của Ý. Tượng được tạc tại Pietrasanta cách Roma khoảng 500 km. Khi tượng hoàn tất thì được đưa xuống tàu Oyanox vào ngày 8 tháng 1 năm 1959 từ hải cảng Gênes chở tượng qua Việt Nam và tới Sài Gòn ngày 15 tháng 2
năm 1959. Sau đó, công ty Société d’Entreprises đã dựng tượng Đức Mẹ lên bệ đá vốn còn để trống kể từ năm 1945 trước nhà thờ. Tự tay linh mục viết câu kinh cầu nguyện “Xin Đức Mẹ cho Việt Nam được hòa bình” rồi đọc trước đông đảo quan khách có mặt hôm ấy. Ngày hôm sau, Hồng y Aganianian từ Roma qua Sài Gòn để chủ toạ lễ bế mạc Đại Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc, đã làm phép bức tượng này vào buổi chiều ngày 17 tháng 2 năm 1959. Từ sự kiện này mà từ đó nhà thờ có tên gọi là Nhà thờ Đức Bà.
Tượng Đức Mẹ Hòa bình và hai tháp chuông nhà thờ Ngày 5 tháng 12 năm 1959, Tòa Thánh đã cho phép làm lễ “xức dầu”, tôn phong Nhà thờ Chính tòa Sài Gòn lên hàng tiểu Vương cung thánh đường (basilique). Từ đó, tên gọi chính thức của thánh đường là Vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn.
Năm1960, Tòa Thánh thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam với ba tòa Tổng Giám mục tại Hà Nội, HuếSài Gòn. Nhà thờ trở thành nhà thờ chinh tòa của vị Tổng giám mục Sài Gòn cho đến ngày nay.
[sửa] Những nét đặc sắc
Trong quá trình xây dựng, toàn bộ vật liệu xây dựng từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang từ Pháp sang. Mặt ngoài của công trình xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille để trần, không tô trát, (đến nay vẫn còn màu sắc hồng tươi), không bám bụi rêu. Một số ngói vỡ trong nhà thờ có in hàng chữ Guichard Carvin, Marseille St André France (có lẽ là nơi sản xuất loại ngói này), mảnh ngói khác lại có hàng chữ Wang-Tai Saigon. Có thể đây là mảnh ngói được sản xuất sau tại Sài Gòn dùng để thay thế những mảnh ngói vỡ trong thời gian Thế chiến thứ hai do những cuộc không kích của quân Đồng Minh. Toàn bộ thánh đường có 56 ô cửa kính màu do hãng Lorin của tỉnh Chartres (Pháp) sản xuất.
Móng của thánh đường được thiết kế đặc biệt, chịu được tải trọng gấp 10 lần toàn bộ kiến trúc ngôi nhà thờ nằm bên trên. Và một điều rất đặc biệt là nhà thờ không có vòng rào hoặc bờ tường bao quanh như các nhà thờ quanh vùng Sài Gòn – Gia Định lúc ấy và bây giờ.
Nội thất thánh đường được thiết kế thành một lòng chính, hai lòng phụ tiếp đến là hai dãy nhà nguyện. Toàn bộ chiều dài thánh đường là 93m. Chiều ngang nơi rộng nhất là 35 m. Chiều cao của vòm mái thánh đường là 21 m. Sức chứa của thánh đường có thể đạt tới 1.200 người.
Nội thất thánh đường có hai hàng cột chính hình chữ nhật, mỗi bên sáu chiếc tượng trưng cho 12 vị thánh tông đồ. Ngay sau hàng cột chính là một hành lang và kế đó là nhiều nhà nguyện nhỏ với những bàn thờ nhỏ (hơn 20 bàn thờ) cùng các bệ thờ và tượng thánh nhỏ làm bằng đá trắng khá tinh xảo. Bàn thờ nơi Cung Thánh
làm bằng đá cẩm thạch nguyên khối có hình sáu vị thiên thần khắc thẳng vào khối đá đỡ lấy mặt bàn thờ, bệ chia làm ba ô, mỗi ô là một tác phẩm điêu khắc diễn tả thánh tích. Trên tường được trang trí nổi bật 56 cửa kính mô tả các nhân vật hoặc sự kiện trong Thánh Kinh, 31 hình bông hồng tròn, 25 cửa sổ mắt bò bằng kính nhiều màu ghép lại với những hình ảnh rất đẹp. Tất cả các đường nét, gờ chỉ, hoa văn đều tuân thủ theo thức Roman và Gôtich, tôn nghiêm và trang nhã. Tuy nhiên, trong số 56 cửa kính này hiện chỉ còn bốn cửa là nguyên vẹn như xưa, còn các cửa kính màu khác đều đã được làm lại vào khoảng những năm 1949 để thay thế các cửa kính màu nguyên thủy của nhà thờ đã bị bể gần hết trong thế chiến thứ 2. Trên trán tường của cửa chính
nhà thờ có hàng chữ Latinh:
DEO OPTIMO MAXIMO BEATIEQUE MARIA VIRGIN IMMACULATOE
Nghĩa là: Thiên Chúa tối cao đã ban cho Đức Trinh Nữ Maria được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Còn trên trán tường của cửa vào bên phải có những hàng chữ bằng tiếng Hoa, thật ra đó là hai câu đối: “Nhà thờ Thiên Chúa đầy ân đức – Thánh mẫu vô nhiễm nguyên tội“. và hàng chữ nói tới năm khánh thành nhà thờ 1880.
Nội thất thánh đường ban đêm được chiếu sáng bằng điện (không dùng đèn cầy) ngay từ khi khánh thành. Vào ban ngày, với thiết kế phối sáng tuyệt hảo, hài hòa với nội thất tạo nên trong nội thất thánh đường một ánh sáng êm dịu, tạo ra một cảm giác an lành và thánh thiện. Ngay phía trên cao phía cửa chính là “gác đàn” với cây đàn organ ống, một trong hai cây đàn cổ nhất Việt Nam hiện nay. Đàn này được các chuyên gia nước ngoài làm bằng tay, thiết kế riêng, để khi đàn âm thanh đủ cho cả nhà thờ nghe, không nhỏ mà cũng không ồn. Phần thân đàn cao khoảng 3 m, ngang 4 m, dài khoảng 2 m, chứa những ống hơi bằng nhôm đường kính khoảng một inch. Phần điều khiển đàn nằm riêng nối với thân đàn bằng những trục, có những phím đàn như đàn organ bình thường và những phím to đặt dưới sàn nhà (dài chừng 3 m, ngang khoảng 1 m) để người điều khiển đàn đạp lên khi dùng nốt trầm. Đàn còn có những thanh gõ lớn để đập vào phần dưới các ống hơi phát ra âm thanh. Hiện nay, cây đàn này đã hoàn toàn hỏng do bị mối ăn phần gỗ bàn phím điều khiển bằng tay.
Ban đầu, hai tháp chuông cao 36,6 m, không có mái và chỉ có độc một chiếc cầu thang hẹp chừng 40 cm bề ngang. Nội thất gác chuông rất tối và sàn được lót sơ sài bằng những miếng gỗ nhỏ cách khoảng, nhìn xuống thấy sâu hút. Vào năm 1895, thánh đường xây thêm hai mái chóp để che gác chuông cao 21 m, theo thiết kế của
kiến trúc sư Gardes, tổng cộng tháp chuông cao 57 m. Có tất cả 6 chuông lớn (sol: 8.785kg, la: 5.931kg, si: 4.184kg, đô: 4.315kg, rê: 2.194, mi: 1.646kg), gồm sáu âm, nặng tổng cộng 28,85 tấn, đặt dưới hai lầu chuông. Bộ chuông này được chế tạo tại Pháp và mang qua Sài Gòn năm 1879. Trên tháp bên phải treo 4 quả chuông (sol, do, rê, mi); tháp bên trái treo 2 chuông (la, si). Trên mặt mỗi quả chuông đều có các họa tiết rất tinh xảo. Tổng trọng lượng bộ chuông là 27.055kg tức khoảng 27 tấn, nếu tính luôn hệ thống đối trọng(1.840kg) được gắn
trên mỗi trái chuông thì tổng trọng lượng của bộ chuông sẽ là 28.895kg.Ba quả chuông to nhất là chuông si nặng 4.184kg, chuông la nặng 5.931kg và đặc biệt là chuông sol là một trong những quả chuông lớn nhất thế giới: nặng 8.785 kg, đường kính miệng chuông 2,25 m, cao 3,5 m (tính đến núm treo). Chuông này chỉ ngân lên mỗi năm một lần vào đêm Giao thừa Âm lịch.Các chuông đều được điều khiển bằng điện từ bên dưới. Riêng ba chiếc chuông lớn trước khi đánh đều được khởi động bằng cách đạp (vì quá nặng) cho lắc trước khi bật công tắc điện. Vào ngày thường, thánh đường chỉ cho đổ một chuông mi vào lúc 5 giờ sáng và đổ chuông re vào lúc 16g15. Vào ngày lễ và chủ nhật, nhà thờ thường cho đổ ba chuông theo hợp âm Mi, Re và Do ( đúng ra là hợp âm ba chuông
Mi, Do và Sol, nhưng vì chuông Sol qua nặng nên thay thế bằng chuông Do). Vào đêm Giao thừa thì mới đổ cả 6 chuông. Tiếng chuông ngân xa tới 10 km theo đường chim bay.Bộ máy đồng hồ trước vòm mái cách mặt đất chừng 15 m, giữa hai tháp chuông được chế tạo tại Thụy Sĩ năm 1887, hiệu R.A, cao khoảng 2,5 m, dài khoảng 3 m và ngang độ hơn 1 m, nặng hơn 1 tấn, đặt nằm trên bệ gạch. Dù thô sơ, cũ kỹ nhưng hoạt động khá chính xác. Để điều chỉnh đồng hồ, phía sau máy có một chiếc đồng hồ to cỡ đồng hồ reo trong gia đình. Chỉ cần theo dõi chiếc đồng hồ con này, có thể biết đồng hồ lớn chạy chậm, nhanh, đúng hay sai giờ. Mỗi tuần phải lên giây đồng hồ một lần và chiếc cần để lên giây đồng hồ giống như tay quay máy xe. Đồng hồ còn có hệ thống bao giờ bằng búa đánh vô các chuông của nhà thờ, tuy nhiên đã không còn hoạt động do dây cót quá cũ.
Mặt trước thánh đường là một công viên với bốn con đường giao nhau tạo thành hình thánh giá. Trung tâm của công viên là bức tượng Đức Mẹ Hòa bình (hay Nữ vương Hòa bình). Tượng do nhà điêu khắc G. Ciocchetti thực hiện năm 1959. Tên của tác giả được ở trên tà áo dưới chân, phía bên trái của bức tượng. Bức tượng cao 4,6
m, nặng 8 tấn, bằng đá cẩm thạch trắng của Ý, được tạc với chủ đích để nhìn từ xa nên không đánh bóng, vì vậy mà toàn thân tượng, kể cả vùng mặt vẫn còn những vết điêu khắc thô. Tượng Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm trái địa cầu, trên trái địa cầu có đính cây thánh giá, mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên trời như đang cầu
nguyện cho Việt Nam và cho thế giới được hoà bình. Chân Đức Mẹ đạp đầu con rắn (mà hiện nay, đầu con rắn đã bị bể mất cái hàm trên). Trên bệ đá, phía trước bức tượng, người ta có gắn một tấm bảng đồng với hàng chữ Latinh:
REGINA PACIS – ORA PRO NOBIS – XVII. II. MCMLIX
Nghĩa là: NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH – CẦU CHO CHÚNG TÔI – 17.02.1959
Phía dưới bệ đá, người ta đã khoét một cái hốc chỗ giáp với chân tượng Đức Mẹ, trong đó có một chiếc hộp bằng bạc, chứa những lời kinh cầu nguyện cho hoà bình của Việt Nam và thế giới. Những lời cầu nguyện đó được viết lên trên những lá mỏng bằng những chất liệu khác nhau như bằng vàng, bạc, thiếc, nhôm, giấy, dađồng,
được gởi tới từ nhiều miền của Việt Nam, kể cả từ một số vùng ngoài miền Bắc.

Làm sao chấm dứt đút lót ở bệnh viện?

Làm sao chấm dứt đút lót ở bệnh viện?

Thứ năm, 15 tháng 11, 2012

nguồn: BBC

Bệnh nhân tại một bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh

Cả bệnh nhân và bác sĩ đều nói người nhà bệnh nhân đưa
phong bì vì cho rằng “có đưa mới yên tâm”

Việc Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kêu gọi “không đưa phong bì” tại diễn đàn Quốc Hội vào hôm qua, khiến dẫn tới tranh luận về nguyên nhân của tình trạng tiêu cực này và vai trò trách nhiệm Bộ Y tế và nhà nước trong vấn đề này.

Các bác sĩ nói muốn chấm dứt phong bì thì  cần nâng lương cho nhân viên y tế, giải quyết quá tải ở tuyến trung ương và nâng cao nhận thức người dân.

Trò chuyện với BBC Việt Ngữ, bác sĩ Minh Hải tại Hà Nội cho rằng thực hiện việc này là rất khó và hiện nay có thể nói là mới đang ở giai đoạn “hô khẩu hiệu” vì một khi mức lương của y bác sĩ còn quá thấp, không đủ sống, thì khi được biếu phong bì dù biết là sai họ vẫn phải
nhận.

Tuy nhiên bác sĩ Hải cho biết một số bác sĩ mở phòng mạch tư khám thêm ngoài việc đi làm tại bệnh viện và khi với mức thu nhập cao hơn, đủ sống, trên thực tế họ đã không còn nhận phong bì từ bệnh nhân.

Ngoài ra còn là chuyện đã thành thói quen từ phía gia đình bệnh nhân là đã vào bệnh viện là “người nhà bệnh nhân cứ đưa, có đưa thì mới yên tâm”, bác sĩ Hải nói thêm.

“Nhưng văn hóa phong bì không phải chỉ có ở ngành y tế, đến xin học cho con cũng phải có phong bì,” bác sĩ Hải nói.

Muốn chấm dứt tình trạng đưa phong bì như kêu gọi của Bộ trưởng Y tế thì ngoài chuyện cần nâng lương cho nhân viên y tế, còn phải có các biện pháp giải quyết tình trạng quá tải ở tuyến trung ương và đồng thời nâng cao nhận thức của người dân.

“Giáo dục và Y tế là hai ngành có tính đặc thù vì thế cần có những chính sách của nhà nước như tăng lương cho ngành y tế,” theo quan điểm của bác sĩ Hải.

Việc bệnh nhân dễ dàng vượt tuyến dẫn tới tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu cực này.

Bệnh nhân tại Việt Nam giải thích tâm lý theo nhau đưa phong bì cho bác sĩ, y tá vì cho rằng như thế mới được đối xử tốt.

Ngoài ra để thay đổi được một thói quen đã định hình từ lâu này chính người dân cũng cần được nâng cao nhận thức mới có hy vọng “nói không với phong bì” như lời Bộ trưởng Y tế kêu gọi.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thủy, một người chuyên trông người ốm tại bệnh viện và cũng từng đưa con đi bệnh viện, nói với BBC Việt Ngữ mọi người thường cho rằng phải đưa phong bì mới được bác sĩ đối xử tốt và cho thuốc tốt.

Chị Thủy giải thích việc chữa bệnh theo con đường qua bảo hiểm thường rất chậm và rất nhiều thủ tục. Đây cũng là một nguyên nhân khiến người bệnh chọn “đưa phong bì” để có thể được điều trị nhanh hơn và tốt hơn.

“Tình trạng đút lót phong bì như vậy không thể gọi  là cảm ơn được. Nếu mua quà như hoa quả chẳng hạn để tặng cả một kíp trực, hay kíp làm việc của Khoa đó thì mới gọi là cảm ơn,” chị Thủy nói.

Dùng Cần Sa Ở Thanh Thiếu Niên

Câu Chuyện Thầy Lang: Dùng Cần Sa Ở Thanh Thiếu Niên

(11/16/2012)

nguồn: vietbao.com

Tác giả : Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức

Trong cuộc bầu cử chức vụ Tổng Thống Hoa kỳ cũng như Thượng Hạ Viện liên bang ngày 6 tháng 11, 2012 vừa qua, có thêm hai tiểu bang Connecticut và Massachusetts đã hợp thức việc dùng cần sa trong mục đích y học. Như vậy là hiện nay có 18 tiểu bang Hoa Kỳ và Washington D.C. cho phép dùng cần sa để trị bệnh. Trước sự việc này, nhiều bậc phụ huynh cảm thấy e ngại vì con em mình sẽ có thêm cơ hội để hút cần sa.

Tại nhiều quốc gia, trẻ em bắt đầu thử với cần sa ngay từ khi còn ở lớp 8, lớp
10. Trẻ em ghiền dễ đưa tới những hành động vô ý thức, những tổn thương cơ thể
do tai nạn hoặc dính líu vào hành động tình dục không muốn và không an toàn.
Chúng cũng hay mang vũ khí nhỏ và hay đánh lộn hơn là trẻ không dùng cần sa.

Sớm khám phá để hỗ trợ, cứu giúp là điều cần thiết ngõ hầu tránh được những hậu
quả không tốt cả về thể xác, tâm thần và xã hội cho con trẻ.

a-Những dấu hiệu dùng cần sa ở tuổi trẻ

Trẻ em dùng cần sa đều rất dễ dàng nói dối để phủ nhận có vấn đề khi cha mẹ căn
vặn. Nhiều khi nói chỉ hút chứ không hít vào. Cho nên các bậc cha mẹ đều cần đề
cao cảnh giác, để ý những dấu báo hiệu dùng thuốc ở con mình.

Dấu hiệu sớm nhất thường là thay đổi thái độ và hành động của chúng.

Học hành đang chăm chỉ tiến bộ, trở thành chểnh mảng, có điểm xấu, hay trốn học
hoặc đi học trễ, bị đuổi; tính tình thay đổi, kém tập trung, mau quên.

Tác phong bất thường có thể là tự cô lập, thu mình không giao tiếp với ai, buồn
rầu, cáu gắt với anh chị em trong nhà, bỏ những giải trí thường ưa thích, đôi
khi ăn cắp vặt để có tiền mua thuốc.

Các em ăn ngủ thất thường, hay than phiền chóng mặt, mệt mỏi, bước đi không
vững, mắt đỏ hoe. Nhiều em trở nên hoang tưởng, hoảng hốt một cách vô cớ. Trên
quần áo, trong phòng ngủ có mùi cần sa.

b-Những nguy cơ đưa đến tuổi trẻ dùng cần sa

Hầu hết người dùng cần sa đều nói là để có cảm giác thoải mái và yêu đời. Với
trẻ em thì có rất nhiều lý do khiến các em hút rồi ghiền cần sa.

– Nhiều em thấy người khác hút, tò mò thử coi xem sao, sau nhiều lần thấy thích
rồi thành thói quen và ghiền.

– Có em thì bị bạn bè ép dụ hoặc tình nguyện dùng khi muốn được chấp nhận vào
băng nhóm.

– Nhiều khi các em dùng vì sống trong gia đình có người ghiền rượu, thuốc ma
túy.

– Các em dùng để giải tỏa buồn bực, khó khăn xảy ra trong gia đình như bố mẹ
bất hòa, vắng mặt thường xuyên, tính tình bất nhất lúc khó khăn lúc buông thả.

– Các em gặp trở ngại trong việc học, không được hướng dẫn cho tương lai, trốn
học.

– Có nghiên cứu cho thấy gene di truyền cũng có vai trò trong việc dùng cần sa
và các thuốc khác.

c-Tác dụng của cần sa

Cần sa có tác dụng khác nhau trên cơ thể tùy theo cách dùng, có dùng chung với
rượu hay các thuốc khác, nhất là có chứa nhiều hay ít hoạt chất cannabinol.

Có cháu sau khi dùng trở nên như mất cảm giác, tê dại. Nhưng đa số lại thấy
tinh thần lên cao do đó có chuyện lạm dụng. Cháu cười nói huyên thuyên nhưng
không gẫy gọn, mạch lạc. Chúng như bị thu hút bởi những cảm giác, âm thanh, mùi
vị thông thường và thấy những sự việc vụn vặt trở nên hấp dẫn, khêu gợi. Với
các cháu, khái niệm về không gian không còn, chúng như bị phân đôi và thời gian
như lắng đọng, chậm lại.

Các cháu cảm thấy khát nước và đói. Tim tăng nhịp đập, miệng khô, đi đứng
nghiêng ngả mất thăng bằng, cử động chậm chạp, cặp mắt đỏ ngầu, con ngươi mở
to. Huyết áp lên cao, nhất là khi dùng cần sa chung với các thuốc kích thích
khác hay với rượu.

Sau đó khoảng vài ba giờ thì triệu chứng phai lạt dần và người phi thuốc
cảm thấy rã rượi rồi đi vào giấc ngủ triền miên.

d-Diễn biến sự lạm dụng

Cũng như đối với các hóa chất có thể lạm dụng khác, người dùng cần sa sẽ trải qua
mấy giai đoạn:

– Nghe nói cần sa làm tinh thần phấn khởi, yêu đời, nên muốn thử cho biết.

– Sau vài lần thử thấy hay hay, hấp dẫn bèn thử nữa.

– Ám ảnh với cảm giác thích thú kích động bèn dùng thường xuyên hơn và dùng mọi
thủ đoạn để có thuốc.

– Giai đoạn cuối là dùng bất cứ thuốc nào khác thay thế để thỏa mãn cảm giác
mong muốn.

Đó là điểm nguy hại vì khởi đầu từ cần sa các cháu có thể đi tới nghiện các
loại thuốc khác độc hại hơn như là hồng phiến, bạch phiến, rượu mạnh, các hóa
chất kích thích tâm thần khác.

e-Để ngăn ngừa con em dùng cần sa

Thực ra không có phương cách toàn hảo nào để ngăn ngừa việc con người mắc vào
các tật ghiền, nghiện ngập. Hơn nữa thuốc gây nghiền lại hiện diện khắp nơi,
tương đối mua dễ dàng lại luôn luôn quyến rũ người không có nghị lực, không có
quan niệm sống lành mạnh.

Cho tới nay, chưa có dược phẩm nào để chữa người nghiền cần sa, ngoại trừ cố
vấn, đối thoại, giải thích.

– Sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè đóng vai trò rất quan trọng.

– Điều cần là cha mẹ phải sống gần gũi với con cái, hỗ trợ, theo dõi sinh hoạt
hàng ngày của con mình.

– Bắt đầu nói chuyện với con cái về ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe của
cần sa và các loại thuốc gây nghiền ngay khi còn bé.

– Cho con cái hay là chúng có thể thảo luận các vấn đề khó khăn với mình bất cứ
lúc nào và trong tinh thần cởi mở, hiểu biết.

– Luôn luôn đề cao cảnh giác: khi nghi là con cái dùng cần sa thì phải hành
động ngay để cứu chữa.

– Đừng ngần ngại do dự khi thấy cần sự giúp đỡ các nhà chuyên môn về ghiền hút.

– Có nhiều chương trình phục hồi dành riêng cho giới trẻ nghiện ngập. Nơi đây
các em sống hoàn toàn nhịn thuốc đồng thời học hỏi cách thức đối phó với các
vấn đề khó khăn về cảm xúc, hành vi, thể xác gây ra do cần sa.

– Quan trọng hơn cả là chính các em phải ý thức được vấn đề và muốn thay đổi.

Kết luận.

Vấn đề dùng cần sa trong trị bệnh đang còn được tranh luận. Phe ủng hộ cũng
nhiều mà phe chống đối cũng không phải là ít. Nhưng việc dùng cần sa để trở
thành ghiền của các em thiếu niên đang là một vấn nạn cho nhiều gia đình và xã
hội. Việc con cái dùng cần sa hoặc các chất gây ghiền khác là mối quan tâm lớn
của các bậc làm cha mẹ.

Tại nhiều quốc gia, trẻ em bắt đầu thử với cần sa ngay từ khi còn ở lớp 8, lớp
10. Trẻ em ghiền dễ đưa tới những hành động vô ý thức, những tổn thương cơ thể
do tai nạn hoặc dính líu vào hành động tình dục không muốn và không an toàn.
Chúng cũng hay mang vũ khí nhỏ và hay đánh lộn hơn là trẻ không dùng cần sa.

Khám phá ra sớm để hỗ trợ, cứu giúp là điều cần thiết ngõ hầu tránh được những
hậu quả không tốt cả về thể chất lẫn tâm thần và xã hội cho con trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

www.bsnguyenyduc.com

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Thay đổi thể chế để tránh một vị Nguyễn Tấn Dũng khác

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Thay đổi thể chế để tránh một vị Nguyễn Tấn Dũng khác

 
Một cuộc biểu tình của người dân đi khiếu kiện tại Hà Nội.

Một cuộc biểu tình của người dân đi khiếu kiện tại Hà Nội.

Reuters

Thụy My

nguồn: RFI

“Việt Nam chưa có «văn hóa từ chức» thể hiện lòng tự trọng của một vị lãnh đạo. Vấn đề ở chỗ «lỗi hệ thống». Nếu muốn không có một vị Nguyễn Tấn Dũng nữa thì phải thay đổi thể chế. Trong thế chế đó phải thực hiện được những quyền dân chủ của người dân, và xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự, và nền kinh tế nhiều thành phần”.

Như tin chúng tôi đã đưa hôm qua 14/11/2012, trong phần chất vấn trước Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc đã đưa ra hai câu hỏi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trước hết là có phải ông Nguyễn Tấn Dũng đã nặng trách nhiệm với Đảng, mà nhẹ trách nhiệm với dân hay
không, khi ông đã xin nhận kỷ luật trước Trung ương Đảng mà chỉ xin lỗi trước Quốc hội. Thứ hai, ông có nghĩ đến chuyện từ chức hay không ?

Thủ tướng Việt Nam đã trả lời rằng suốt 51 năm qua, ông không xin xỏ cũng không từ chối những trách nhiệm Đảng giao, và ông sẽ tiếp tục nhiệm vụ được phân công.

Sự kiện lần đầu tiên có một đại biểu Quốc hội đặt vấn đề từ chức với Thủ tướng Việt Nam đã được dư luận rất chú ý. Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhã ý trao đổi với chúng tôi về những cảm nhận của ông trong vấn đề này.

RFI : Kính chào Luật gia Lê Hiếu Đằng, rất cám ơn ông đã nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ. Thưa ông, trước hết xin ông vui lòng cho biết cảm nghĩ của ông về sự kiện có một đại biểu đặt câu hỏi với Thủ tướng về việc từ chức ?

Luật gia Lê Hiếu Đằng : Qua thông tin trên báo chí và truyền hình thì chúng tôi
cũng được biết đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề cho Thủ tướng, đề nghị Thủ tướng
từ chức là ông Dương Trung Quốc. Tôi nghĩ thật ra từ trước đến giờ Việt Nam
mình người ta thường hay nói là chưa có văn hóa từ chức. Trong khi ở các nước,
chỉ cần một sơ sót nào đó là người ta đã từ chức. Nó thể hiện lòng tự trọng của
một vị lãnh đạo. Chứ không phải mình đến nói với sinh viên về lòng tự trọng,
trong khi mình lại hành xử khác đi.

Lòng tự trọng ăn sâu vào nếp văn hóa rồi, do giáo dục từ nhỏ, trong đó có cái gọi là « văn hóa xấu hổ », thấy mình làm không được thì thôi, mình rút lui. Điều này đã ăn sâu vào những nước có thể chế dân chủ và có một nền giáo dục tốt, trước tiên là giáo dục về con người.

Tôi nhớ là trước đây tôi đi học, thì nền giáo dục chế độ cũ dạy cho tôi mấy điều thôi. Đó là yêu gia đình – ông bà cha mẹ, rồi yêu thiên nhiên, và yêu đất nước, yêu tổ quốc. Yêu con người nữa – người ta lỡ bước thì mình phải giúp đỡ, vân vân.

Chính nền giáo dục đã hình thành nên tâm hồn con người, và con người sẽ biết xử lý như thế nào. Trong khi thật ra nền giáo dục của chúng ta nó nặng về chính trị, phục vụ yêu cầu trước mắt, không phải đào tạo vì con người và cho con người. Do đó có thể nói văn hóa ứng
xử rất dở, trong đó có vấn đề từ chức.

Tôi nghĩ các vị lãnh đạo Việt Nam cũng nên suy nghĩ về điều này. Mà tiền lệ thì cũng có trường hợp ông Lê Huy Ngọ, từ chức do trách nhiệm về vụ Lã Thị Kim Oanh. Nhưng từ trước đến giờ chưa có một vị cấp cao nào từ chức cả, mặc dù rõ ràng so với trách nhiệm, thì trong nền kinh tế hiện nay thất thoát rất nhiều tài sản của nhân dân.

Thế thì ai phải chịu trách nhiệm ? Thậm chí tại sao không nói thẳng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị đó là ai ? Tôi thì trong Đảng cũng được giáo dục là phải có địa chỉ cụ thể, mà đến phiên các vị thì các vị lại không nói cụ thể, mặc dù cả nước – toàn dân và trong Đảng đều
biết vị ủy viên Bộ Chính trị đó là ai.

Điều đó làm cho Nghị quyết trung ương 4 vô nghĩa. Vô nghĩa ở chỗ hô hào nói thẳng và nhìn thẳng vào sự thật, mà sự thật sờ sờ ra đó thì lại không chấp nhận. Khi tiếp xúc cử tri ở Thành phố Hồ Chí Minh, cử tri chất vấn thì Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lại nói là đồng chí X, thành ra là một ẩn số. Nó làm cho người dân càng mất tin tưởng hơn nữa. Và
nghị quyết này, nghị quyết kia cũng chỉ là đầu môi chót lưỡi thôi, không thể nào trở thành hiện thực được. Bởi vì cấp cao nhất không làm gương, thì làm sao các cấp dưới noi theo được. Ví dụ tình hình chống tham nhũng chẳng hạn.

Thành ra tôi nghĩ là các vị phải mạnh dạn và có lòng tự trọng. Mình đã gây đổ vỡ cho nền kinh tế, đổ vỡ cho đất nước, thì mình phải từ chức. Ví dụ trong lãnh vực giao thông vận tải, biết bao nhiêu sự cố xảy ra, nhưng ông Bộ trưởng Giao thông Vận tải vẫn tại vị. Trong
khi ở Hàn Quốc hay một số nước, chỉ cần một tai nạn gì đó là từ chức ngay. Hay
mới đây ông giám đốc CIA của Mỹ, chỉ dính líu tới vụ bê bối tình cảm thì cũng
từ chức.

Như vậy mới tạo được niềm tin cho người dân. Đó là thái độ cách mạng của người cán bộ, thái độ thẳng thắn, chân thật. Chứ còn gây ra tai họa cho nền kinh tế mà vẫn bình chân như vại thì không được. Do đó đại biểu Dương Trung Quốc có gợi ý đề nghị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức, mà nhiều người cũng nêu chứ không chỉ ông Dương Trung Quốc không
thôi.

Nhưng tôi nghĩ là, thôi, chuyện đã qua rồi. Bây giờ đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, theo ý kiến riêng của tôi, thì nên bằng hành động, vực dậy nền kinh tế, chứng minh rằng đã thấy thiếu sót của mình, và có những biện pháp hiệu quả, để đưa nền kinh tế đi lên. Chứ còn
bao nhiêu lời hứa hẹn, quyết tâm, nói đến lòng tự trọng này nọ… nhưng mà không có những hành động cụ thể thì người dân không tin nữa.

RFI : Thưa ông, cũng có ý kiến cho là chủ trương phát triển kinh tế dựa trên các tập đoàn quốc doanh lớn là do Đảng thông qua. Đành rằng Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ thì phải chịu trách nhiệm, nhưng không thể bắt ông Nguyễn Tấn Dũng lãnh trách nhiệm một mình. Ông nghĩ sao về ý kiến này ?

Thì vấn đề xây dựng các tập đoàn đâu phải tự dưng ông Nguyễn Tấn Dũng làm được, phải thông qua Bộ Chính trị. Thành ra trách nhiệm về vấn đề tham nhũng là của cả tập thể Bộ Chính trị. Tôi nói « lỗi hệ thống » là ở chỗ đó.

Nhưng nói gì thì nói, chứ cá nhân cũng phải chịu trách nhiệm ! Khuyết điểm của Bộ Chính trị là ở chỗ là thông qua chủ trương mà không giám sát, theo dõi để phát hiện những sai sót, không dám đấu tranh để chấn chỉnh lại. Để cho một mình tự tung tự tác, thì sẽ dẫn đến tai
hại cho nền kinh tế của chúng ta.

Tôi nghĩ, bình thường nếu một người không được giám sát chặt chẽ, dù là trước đây tốt – ví dụ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có quá trình – nhưng do không được giám sát nên có những thiếu sót, như Bộ Chính trị trong hội nghị trung ương 6 đã phân tích.

Vấn đề ở chỗ « lỗi hệ thống ». Nếu muốn không có một vị Nguyễn Tấn Dũng nữa với những thiếu sót đó, thì phải thay đổi thể chế. Ở đó phải thực hiện được những quyền dân chủ của người dân, Quốc hội cho ra Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể cho ra Mặt trận và các đoàn thể, và xây dựng ba vấn đề.

Một là Nhà nước pháp quyền, hai là xã hội dân sự, và ba là nền kinh tế nhiều thành phần. Thì tự nhiên xã hội sẽ lành mạnh, theo xu hướng tiến bộ hiện nay là dân chủ xã hội. Đó là khuynh hướng không thể nào cưỡng lại được đâu. Dù có muốn ngăn chận, nhưng đó là xu hướng tiến bộ của loài người.

Chứ còn nếu muốn chống tham nhũng mà không tam quyền phân lập, rồi ruộng đất thì vẫn nói là sử hữu toàn dân, thì sẽ tiếp tục tham nhũng. Nhất là trong vấn đề ruộng đất.

Mới đây rất đau lòng : một bà cụ ở Thanh Hóa, qua xô xát với công an đã bị chết ở Hà Nội. Thì đấy, những cái chết rất là bi thảm ! Trong văn bản 157 người ký về vụ Phương Uyên, thì chúng tôi rất lo ngại. Sau nghị quyết trung ương 6, làm sao Đảng và Nhà nước phải ngăn
chặn khuynh hướng dùng bạo lực, dùng các lực lượng cảnh sát, công an để đàn áp dân, để bắt bớ khi người dân có tiếng nói khác với mình.

Cái tình trạng này rất là nghiêm  trọng – tình trạng công an đánh chết dân gây xúc động rất lớn ! Hay là cái hình ảnh lôi tuồn tuột hai mẹ con trần truồng ở đồng bằng sông Cửu Long…

Phải chứng minh là sau nghị quyết trung ương 6 thì Nhà nước đã có khắc phục những thiếu sót, bằng cách làm sao cho dân người ta làm chủ thật sự. Làm sao tôn trọng các quyền tự do dân chủ, và không được đàn áp những người biểu tình, đàn áp những người có ý kiến khác. Bởi vì thật ra người ta làm trong khuôn khổ của luật pháp.

Ngay cả em Phương Uyên cũng vậy thôi. Những cuộc họp báo vội vã vừa rồi cũng làm nhiều người nghi ngờ, không biết có phải thật sự như vậy hay không. Vấn đề ở chỗ là, tại sao lại đẩy những con người như em Phương Uyên, như nhạc sĩ Việt Khang đến một sự chống đối như vậy.

Tôi nghĩ là do thiếu sót của mình.  Bởi vì ai tham nhũng? Rõ ràng là Đảng tham nhũng chứ ai nữa! Ai yếu ớt, nhu nhược trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ? Thì cũng lãnh đạo Đảng và Nhà nước chứ ai! Các em nói như thế là nói lên một cái thực tế, mà là thực tế
nhức nhối hiện nay, chúng ta không thể phủ nhận được. Thay vì đối thoại với các
em thì mình lại đi trấn áp, bắt bớ.

Vì vậy mà bên cạnh “văn hóa từ chức”  thì còn phải xác định trách nhiệm của từng người lãnh đạo. Và khi có sự cố gì xảy ra thì phải xử lý thật nghiêm minh chứ không thể bỏ qua được.

RFI : Có vẻ công việc trước mắt còn rất là bề bộn… Dân  khiếu kiện khắp nơi, càng đưa ra xử những vụ bị nhà nước gọi là « âm mưu nổi dậy chống chính quyền » thì lại càng có thêm những tiếng nói phản đối. Lúc nãy ông có nói, vấn đề bây giờ là hành động, thì liệu Thủ tướng Việt Nam có dễ dàng sửa chữa sai lầm bằng hành động phù hợp lòng dân hay không ?

Vấn đề xin lỗi trước dân, từ trước đến nay (chưa có) thôi thì người dân người ta thấy cũng được. Không phải nói như ông Dương Trung Quốc trước đây là « an tâm ». Người ta không an tâm đâu, nhưng người ta thấy tình thế trước những sai lầm rất nghiêm trọng, lần đầu tiên
các nhà lãnh đạo Việt Nam buộc phải nhận thiếu sót trước dân và xin lỗi dân. Điều đó không thể không làm được. Đáng lẽ phải có kỷ luật, phải cách chức …

Nhưng vấn đề ở đây là người ta trông chờ, xem thử những lời xin lỗi đó thể hiện được trên thực tế ra sao. Xin lỗi thì rất dễ, nhưng thể hiện bằng hành động cụ thể trong quản lý kinh tế, trong điều hành đất nước như thế nào.

Tôi cho đây là một thách thức rất lớn đối với Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, ở chỗ là sau nghị quyết trung ương 6, nếu không có những biện pháp hiệu quả, nếu giữa lời nói với việc làm không đi đôi với nhau thì người dân lại càng mất lòng tin.

Và thật ra mới có những ý kiến phản đối chứ dân chưa có ai nổi loạn đâu. Người ta có ý kiến thế này thế kia, thì tôi nghĩ rằng không nên đàn áp. Phải tôn trọng và lấy đối thoại làm chính.

Ví dụ tại sao các nhân sĩ trí thức, gồm những người có tên tuổi – và trong kiến nghị gởi Chủ tịch Trương Tấn Sang gần đây, có cả gia đình giáo sư Ngô Bảo Châu. Thì Nhà nước phải trả lời ! Đó là văn hóa – người dân người ta có kiến nghị thì phải trả lời được hay không được.
Đó là một cái lịch sự tất nhiên, cái văn hóa của người lãnh đạo.

Trong khi hô hào xây dựng nền văn hóa, nhưng bản thân cách hành xử của Nhà nước và chính quyền chúng ta lại không có văn hóa. Cái điều mà trước đây Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gọi là « sự im lặng đáng sợ », rất là kỳ. Ngay cả với đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà thư của đại tướng cũng không được báo chí đăng, rồi cũng không được trả lời ! Như vậy là
các vị lãnh đạo đã rất coi thường dân, coi thường nhân sĩ trí thức, và kể cả coi thường những vị khai quốc công thần như đại tướng Võ Nguyên Giáp.

RFI : Thưa ông, còn một ý kiến khác là theo nguyên tắc thì Thủ tướng phải là ủy viên Bộ Chính trị. Nếu ông Nguyễn Tấn Dũng từ chức thì liệu có khuôn mặt nào khác được người dân tín nhiệm hay không ?

Bởi vì phương thức của mình nó cũ kỹ quá rồi. Từ Đảng chỉ định qua thì cũng chỉ có từng ấy người. Chứ nếu chúng ta dùng phương thức bầu cử, thì tất nhiên trong xã hội có những người tài, người ta sẽ ra ứng cử. Còn nếu tiêu chuẩn phải là ủy viên Bộ Chính trị thì hẳn nhiên là 14 vị đó thôi. Nếu mà bầu cử thật sự – vừa rồi bầu cử ở Mỹ, thì nó công khai
minh bạch để người dân người ta lựa chọn.

Mà tôi nghĩ không phải là Việt Nam không có nhân tài, không phải là không có người có thể đứng ra quản lý đất nước. Nhưng do định chế chính trị hiện nay như vậy đó.

Ví dụ hội nghị trung ương vừa rồi, một trong những nội dung bàn là quy hoạch các vị trong Bộ Chính trị, trong Ban chấp hành trung ương, Ban bí thư…Thì như vậy có nghĩa là Đảng đã lựa chọn trước rồi. Từ Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương giới thiệu qua chính quyền, mà chính quyền, Quốc hội đại đa số là đảng viên, thì bầu cử sẽ vô nghĩa. Thành ra
người ta nói là « Đảng cử, dân bầu ».

Một thể chế dân chủ thì không thể đi bằng con đường như vậy được.

Vì vậy trong góp ý sửa đổi Hiến  pháp, Mặt trận Tổ quốc Trung ương cũng có đề nghị là phải luật hóa sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo thì phải như thế nào, và ai kiểm soát Đảng, ai giám sát ? Chứ Đảng không thể là một thứ siêu quyền lực, đứng ngoài và đứng trên luật
pháp được. Và đảng viên không phải là điều kiện để được làm lãnh đạo. Lãnh đạo thậm chí phải tổ chức thi tuyển đủ thứ, thông qua bầu cử… thì lúc đó nhân tài sẽ xuất hiện.

RFI : Chúng tôi xin rất cảm ơn Luật gia Lê Hiếu Đằng đã vui lòng dành thì giờ trao đổi với RFI Việt ngữ.

Đức Thánh Cha viếng thăm người già

Đức Thánh Cha viếng thăm người già

LM. Trần Đức Anh OP

11/12/2012
nguồn: Vietcatholic.net

ROMA. ĐTC Biển Đức 16 khích lệ người già vui sống và đồng thời đề cao giá trị người già trong xã hội và Giáo Hội.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc viếng thăm sáng 12-11-2012, tại Căn nhà gia đình “Hoan hô người cao niên” do Cộng đồng thánh Egidio thành lập tại khu vực  rastevere ở Roma. Nhà này được khánh thành hồi tháng giêng năm 2009 và hiện có 28 người già cư ngụ. Họ sống trong các căn hộ riêng, nhưng có liên hệ thường xuyên với các nhân viên giúp đỡ.

Đón tiếp ĐTC có Giáo sư Marco Impagliazzo, Chủ tịch Cộng đồng thánh Egidio, Bộ trưởng Andrea Riccardi, người sáng lập cộng đồngnày, và Đức TGM Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, cùng một số nhân vật khác.

Cuộc viếng thăm của ĐTC diễn ra trong khuôn khổ ”Ngày Âu Châu về tuổi già tích cực”. Lên tiếng trong cuộc viếng thăm, ngài nói: ”Tôi đến nơi anh chị em trong tư cách là GM Roma, nhưng cũng với tư cách một người già viếng thăm những người đồng lứa tuổi của mình. Tôi biết rõ những khó khăn, các vấn đề và những giới hạn của tuổi này, và tôi biết rằng đối với nhiều người, những khó khăn ấy càng trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng kinh tế”.

ĐTC nhắn nhủ người già đừng nhìn lại quá khứ để thương tiếc trong sự sầu muộn, để rồi coi giai đoạn sống hiện nay như thời xế chiều. Ngài nhấn mạnh rằng: ”Thật là đẹp ở trong tuổi già! Trong mỗi lứa tuổi, ta cần biết khám phá sự hiện diện và phúc lành của Chúa và những phong phú mà lứa tuổi ấy chứa đựng. Đừng bao giờ để cho mình bị khép kín trong sầu muộn! Chúng ta đã lãnh nhận hồng ân sống lâu. Sống thật là điều tốt đẹp, kể cả với lứa tuổi chúng ta, mặc dù có một số khó khăn và giới hạn. Ước gì trên khuôn mặt chúng ta luôn có niềm vui vì cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, và không bao giờ buồn sầu”.

ĐTC nhắc lại giáo huấn của Kinh Thánh coi sự trường thọ là phúc lành của Thiên Chúa. Ngài phê bình não trạng trong xã hội ngày nay loại bỏ người già, coi họ như những người không sản xuất và vô ích. Đôi khi người già cảm thấy đau khổ vì bị gạt ra ngoài lề, phải sống xa nhà hoặc sống trong cô đơn….

Trong bối cảnh đó, ĐTC khuyến khích gia đình và các tổ chức công cộng làm sao để người già được tiếp tục ở lại trong nhà của họ và ngài xác quyết rằng ”chất lượng của một xã hội, của một nền văn minh, được đo lường theo cách thức người ta đối xử với người già và chỗ đứng dành cho người già trong cuộc sống chung. Ai dành chỗ cho người già tức là dành chỗ cho cuộc sống! Ai đón người người già là đón nhận cuộc sống”.

ĐTC ca ngợi Cộng đồng thánh Egidio ngay từ khi mới được thành lập đã nâng đỡ hành trình của bao nhiêu người già, giúp họ được ở lại trong môi trường sống của họ bằng cách thiết lập các căn nhà – gia đình cho người già ở Roma và trên thế giới”.

Hiện nay, cộng đồng này phục vụ 18 ngàn người già, với sự cộng tác của khoảng 800 người thiện nguyện. Ngoài ra cũng có khoảng 100 cộng đoàn nhỏ liên đới và thân hữu giữa người già.

Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ người già đừng bao giờ nản chí: ”Anh chị em là một sự phong phú cho xã hội, cả khi gặp đau khổ và bệnh tật. Giai đoạn này trong cuộc sống là một hồng ân để đào sâu quan hệ với Thiên Chúa. Anh chị em đừng quên rằng trong số những nguồn lực quí giá mà anh chị em có, điều thiết yếu là kinh nguyện. Anh chị em hãy trở thành những người chuyển cầu nơi Thiên Chúa, cầu nguyện trong sự tin tưởng và kiên trì. Anh chị em hãy cầu nguyện cho Giáo Hội, cho tôi nữa, cho các nhu cầu của thế giới, cho người nghèo, để thế giới không còn bạo lực nữa” (SD 12-11-2012)

LM. Trần Đức Anh OP

Thủ tướng Việt Nam bị đại biểu Quốc hội kêu gọi từ chức

Thủ tướng Việt Nam bị đại biểu Quốc hội kêu gọi từ chức

nguồn: VOA

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng bị kêu gọi từ chức vì những sai sót và yếu kém
trong lãnh đạo

 

14.11.2012

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang gặp nhiều khó khăn lần đầu tiên bị Quốc hội Việt Nam kêu gọi từ chức vì những sai sót và yếu kém trong lãnh đạo đã đẩy kinh tế đất nước vào tình trạng khó khăn.

Bản tin của Hãng thông tấn AFP hôm nay nói rằng đây là lần đầu tiên một vị thủ
tướng của Việt Nam bị một đại  biểu của Quốc hội gồm 500 ghế của nhà nước
độc đảng kêu gọi từ chức.

Trong chất vấn tại Quốc hội sáng thứ Tư, ngày 14 tháng 11, Ðại biểu Dương Trung
Quốc  nói:

“Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm pháp luật chứ không phải chỉ là lời xin
lỗi. Phải chăng thủ tướng nên nhân dịp này thể hiện lòng quyết tâm sửa chữa của
mình bằng cách khởi động cho một cuộc phấn đấu của chính phủ, hướng tới đoạn
tuyệt với những lời xin lỗi, thay bằng tập quán phù hợp với một xã hội hiện đại
– là văn hóa từ chức với một lộ trình là các quan chức của ta làm được cái điều
mà các quốc gia tiên tiến vẫn làm.”

Ðại biểu Dương Trung Quốc nói tiếp:

“Xin nhắc lại rằng, xa xưa các cụ nhà ta cũng coi việc cáo quan hồi hương là
một cách giữ tiết tháo. Còn đảng ta cũng đã từng có một vị tổng bí thư, người
có công lớn trong Cách mạng tháng 8 năm 45, sau khi nhận trách nhiệm chính trị
về những sai lầm trong Cải cách ruộng đất 1956, đã từ chức và tiếp tục phấn
đấu, để rồi 3 thập kỷ sau trở lại với cương vị  tổng bí thư, kịp góp phần
khởi động công cuộc “Đổi mới”, trước khi từ trần.”

Ông Dương Trung Quốc đúc kết chất vấn của ông bằng hai câu hỏi chính:

“Một, thủ tướng nghĩ gì về ý kiến cho rằng, mình đã nặng trách nhiệm với đảng,
mà nhẹ trách nhiệm với dân? Và hai, thủ tướng có tán thành là sẽ khởi đầu cho
một sự tiến bộ của chính phủ, hướng tới một văn hóa từ chức, để từng bước đoạn
tuyệt với lời xin lỗi hay không?”

Cũng theo tin của AFP,  Ðại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói những sai sót của
Thủ tướng Dũng trong việc lập kế hoạch đưa kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn
đã gây mất niềm tin trong công chúng đối với sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản.

Ðáp lại những công kích công khai hiếm thấy, Thủ tướng Dũng, tự hào với 51 năm
tuổi đảng của mình, nói:

“Chịu sự lãnh đạo quản lý trực tiếp của Đảng trong 51 năm qua đó tôi không có
xin với Đảng cho tôi làm, cho tôi đảm nhiệm một chức vụ này hay một chức vụ
khác.Và mặt khác thì tôi cũng không có từ chối, không có thoái thác bất cứ
nhiệm vụ gì mà Đảng, Nhà nước giao phó cho tôi.”

Ông Dũng quả quyết rằng ông sẽ tiếp tục làm thủ tướng như được đảng tín nhiệm
giao phó:

“Đảng đã quyết định phân công tôi ứng cử làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, tiếp
tục làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, Trung ương phân công. Và Quốc hội đã bỏ
phiếu bầu tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ thì tôi sẵn sàng chấp nhận, sẵn
sàng chấp hành nghiêm túc mọi quyết định của Đảng, của Ban Chấp hành Trung ương
đảng, của Quốc hội”.

Quốc hội Việt Nam hiện đang xem xét một nghị quyết có thể sẽ bắt buộc các nhà
lãnh đạo cấp cao cần phải chiếm được phiếu tín nhiệm để tiếp tục tại vị, song
không rõ liệu phiếu tín nhiệm như vậy có thực sự mang lại thay đổi thiết thực
nào, hay chỉ là một hình thức chiếu lệ.

Nghẹn ngào bức ảnh anh ôm em trên bãi rác

Nghẹn ngào bức ảnh anh ôm em trên bãi rác
Hình ảnh người anh bế em mình ngồi trên bãi rác, nhìn vào khoảng không tuyệt vọng khiến mọi người không cầm được nước mắt.
Hai anh em ôm nhau thật chặt, đang cùng tìm sự sống trong nỗi tuyệt vọng trước bãi rác thải mênh mông ở Kathmandu , Nepal . Bao trùm lên nét buồn thảm của hai anh em là không khí ô nhiễm, ảm đạm, thiếu hơi thở của sự sống ở vùng Kathma này.
Bức ảnh từng lọt vào Top 10 bức ảnh ấn tượng nhất thế giới năm 2011, và đang được lan truyền nhanh chóng trên mạng với thông điệp: “Sống chậm một chút, làm việc chậm một chút, yêu thương nhiều một chút để thấy rằng cuộc đời này không trôi qua một cách vô nghĩa. Đôi khi bạn chỉ cần nhắm mắt lại, chỉ vài phút thôi, bạn cũng có thể cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống. Đôi khi bạn chỉ cần ngừng chạy, chỉ vài phút thôi, bạn có thể cảm nhận được nhịp điệu cuộc sống…”.

Nhiếp ảnh gia Hồng Kông, Chan Kwok Hung tâm sự, hai anh em trong bức ảnh này đang sống cùng bà ngoại ở khu vực gần đó. Hằng ngày người anh cõng em đi tìm trong đống rác khổng lồ, cố gắng tìm ra những vật hữu ích có thể bán được để mua thức ăn sống qua ngày