UỐNG NHIỀU THUỐC QUÁ!
Bác sĩ Nguyễn Văn Đức
Không ít người lớn chúng ta uống trên 5-10 món thuốc bác sĩ biên toa mỗi ngày, chưa kể những thuốc mua không cần toa bác sĩ, rồi “dược thảo” (herbal and dietary supplements) này “dược thảo” nọ. Tình trạng dùng nhiều thuốc như vậy trong y khoa gọi là “polypharmacy”, xảy ra rất nhiều.
Dùng nhiều thuốc như vậy, có khi vì nhiều bệnh nên cần, song cũng có thể do bác sĩ cho nhiều thuốc không cần thiết, hoặc người bệnh tự đi tìm, mua thuốc uống.
Cuộc đời biến chuyển không ngừng. Càng có tuổi, cơ thể chúng ta thay đổi theo thời gian, thận, gan làm việc kém hơn trước. Nhiều thuốc dùng trước còn an toàn khi chúng ta trẻ, nhưng nay có thể đã trở thành nguy hại. Vì chúng thải ra ngoài cơ thể chúng ta qua đường thận, gan, nhưng bây giờ thận, gan làm việc kém rồi, nên chúng ở lại trong cơ thể chúng ta lâu hơn trước. Đã vậy, cơ thể người có tuổi cũng nhạy cảm hơn với nhiều thuốc.
Càng cao tuổi, chúng ta càng nên thận trọng, chỉ dùng những thuốc thực cần thiết thôi. Và xin nhớ, không phải vấn đề nào cũng cần có thuốc uống, thí dụ như chuyện khó ngủ, nhiều người chúng ta chỉ cần năng tập thể dục, vào giường, thức dậy đúng giờ giấc, là giấc ngủ ngon hơn, không cần đến thuốc ngủ; thuốc ngủ có khi khiến chúng ta lơ mơ, té ngã trong đêm, gãy xương này xương nọ.
Medicare muốn các bác sĩ đừng lười, thường xuyên xem xét các thuốc dùng của người bệnh, bỏ bớt được thuốc nào hay thuốc nấy, và trước khi đặt bút biên toa một thuốc mới, suy tính, cân phân, tránh dùng những thuốc có thể gây hại cho các vị cao niên. (Quả có một số bác sĩ lười thực, thăm khám qua quít chỉ vài phút, thuốc men toàn cho thêm chứ không bao giờ bớt để cho nhanh, khỏi nhức đầu suy tính!). Rồi đây Medicare sẽ chuyển từ hệ thống chi trả fee-for-service (người bệnh cứ ghi tên vào khám là bác sĩ được trả tiền, trong phòng khám bác sĩ khám lâu mau, có chăm sóc cho người bệnh đàng hoàng hay không chẳng ai biết) sang hệ thống pay-per-performance (chi trả dựa theo dịch vụ của bác sĩ có tốt hay không). Cụ thể là vào tháng 9/2013 tới đây, theo dự định, 520.000 vị cao niên Medi-Medi (vừa có Medicare vừa có Medi-Cal) ở California sẽ buộc phải gia nhập một tổ hợp y tế, chỉ một bác sĩ trong tổ hợp sẽ chịu trách nhiệm chữa trị. Nếu nhiều bác sĩ trong tổ hợp lười, không làm “good job”, không chăm sóc cho người bệnh trong tổ hợp đàng hoàng, Medicare sẽ cắt bớt tiền trả tổ hợp, và tất nhiên, bác sĩ sẽ bị cắt bớt tiền trả mỗi đầu tháng. Trong các điều kiện Medicare đưa ra để một tổ hợp được xem là tốt, có điều kiện buộc các bác sĩ trong tổ hợp phải tránh dùng những thuốc có hại cho người bệnh cao niên. Trong hệ thống tổ hợp y tế, các bác sĩ phải làm việc đàng hoàng hơn, người bệnh được chăm sóc cẩn thận hơn.
Danh sách những thuốc có thể gây hại, nên tránh dùng cho các vị cao niên rất dài. Uống quá nhiều thuốc, thế nào cũng phạm phải thuốc nằm trong danh sách thuốc tránh dùng cho người cao niên này. Rồi có nhiều thuốc, dùng riêng thì không sao, dùng chung với một thuốc khác, lại gây hại (drug-drug interaction).
Vậy lần đi khám bác sĩ tới, chúng ta kiếm một bao lớn, bỏ tất cả các thuốc đang dùng vào bao để đưa bác sĩ xem. Xin nhớ đem theo:
– Tất cả các thuốc cần toa, biên bởi bác sĩ chính, bác sĩ chuyên khoa, …
– Tất cả các thuốc không cần toa bác sĩ, kể cả thuốc sinh tố (vitamins), hay thuốc Tylenol, Advil…
– Tất cả các “dược thảo” mua ở chỗ này chỗ kia.
Chúng ta thường không xem các dược thảo là thuốc, và nhiều dược thảo tưởng chừng vô hại, nhưng khi dùng với một thuốc khác lại gây hại. Thí dụ, dược thảo ginkgo biloba, hay được quảng cáo giúp tăng trí nhớ, nếu uống chung với thuốc chống đông máu warfarin, sẽ khiến dễ chảy máu, hoặc dược thảo Saint John’s wort, có tác dụng chống sầu buồn nhẹ, dùng chung với thuốc chống sầu buồn (antidepressants) bác sĩ biên toa, có thể đưa đến nguy hiểm chết người gây do tác dụng của cả hai thuốc.
Rồi trong buổi thăm khám, chúng ta nhớ hỏi bác sĩ:
– Tôi có thể bỏ bớt thuốc nào không? (Nhiều khi người bệnh cứ than một triệu chứng, thay vì tìm hiểu triệu chứng mới này có phải do các thuốc đang dùng gây ra chăng, bác sĩ lại biên thêm một thuốc mới để người bệnh yên lòng cho lẹ, thế là người bệnh ngày càng uống nhiều thuốc không cần thiết, và càng mệt hơn vì thuốc.)
– Các thuốc đang dùng liệu chúng có đánh nhau trong người tôi không (drug-drug interaction)?
– Một vài triệu chứng mới xuất hiện liệu có phải là do thuốc bác sĩ vừa cho tháng trước không? (Bất cứ triệu chứng gì mới có, bác sĩ cần xem xét có phải do thuốc gây ra hay không trước đã, thay vì cho bừa thêm một thuốc mới để chữa triệu chứng này.)
– Nhắc bác sĩ một thuốc đang dùng đắt quá, nhờ bác sĩ xem có thể đổi sang một thuốc khác rẻ tiền hơn không? (Thuốc rẻ hơn không nhất thiết là thuốc không tốt, bác sĩ cho thuốc đắt tiền nhiều khi chỉ vì không nắm vững giá thuốc ngoài thị trường.)
– Có nhiều cách giúp chúng ta tự bảo vệ, tránh bớt được các tác dụng phụ, có khi rất nguy hiểm của thuốc:
– Tốt nhất, đi khám bác sĩ nào cũng vậy, lần đi khám nào cũng thế, mang theo tất cả các thuốc đang dùng để bác sĩ biết, nhờ bác sĩ thường xuyên xem xét lại chúng cho mình, hoặc ít nhất cũng một năm một lần, bỏ bớt thuốc nào bỏ được.
– Giữ một danh sách thuốc đầy đủ trong người, kể cả phân lượng của thuốc, ngày uống mấy lần, lý do tại sao dùng thuốc, bác sĩ nào cho thuốc này,
– Bất cứ khi nào bác sĩ cho một thuốc mới, chúng ta cũng nhớ hỏi: thuốc này để chữa gì vậy; nếu không phải thuốc quan trọng (như thuốc ho, chẳng giúp gì nhiều khi chúng ta bị cảm, còn có thể gây mệt, trí óc kém sáng suốt), không uống có được không; thuốc có thể uống chung với các thuốc khác đang dùng không; thuốc có thể gây những tác dụng phụ nào, và nếu tác dụng phụ xảy ra thì chúng ta nên làm gì; khi nào chúng ta có thể ngưng thuốc (nhiều thuốc như thuốc đau nhức, thuốc bao tử, sau một thời gian, triệu chứng bớt hay hết, chúng ta có thể ngưng thuốc).
– Giữ thuốc trong chai thuốc nguyên thủy của chúng, đừng thuốc nọ để trong chai kia lộn xộn.
– Dược sĩ cũng là người chúng ta có thể nhờ giải thích cách dùng thuốc, các tác dụng phụ của thuốc rất tốt, có thắc mắc chúng ta cứ hỏi.
Năm mới chúng ta chúc nhau khỏe mạnh quanh năm, dùng thuốc đúng, tránh được những nguy hiểm do dùng quá nhiều thuốc không đúng.
BS Nguyễn Văn Đức
_