Bệnh Sốt Xuất Huyết Ebola

Bệnh Sốt Xuất Huyết Ebola

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

“God saved my life”!!

Đó là lời nói đầu tiên của bác sĩ Kent Brantly, 33 tuổi, cư dân của thành phố Forth Worth, Texas, khi rời bệnh viện Emory tại Atlanta ngày 21 tháng 8 năm 2014 sau gần 20 ngày điều trị bệnh Ebola.

Ông và chuyên viên vệ sinh Nancy Writebol là hai người Hoa Kỳ nhiễm bệnh này trong khi tình nguyện chăm sóc người mắc bệnh Ebola tại châu Phi. Cả hai đều làm việc cho tổ chức thiện nguyện Samaritan’s Purse được thành lập tại Hoa Kỳ từ năm 1970 để giúp đỡ những người nghèo khó, đau ốm, khốn khổ trên thế giới, theo đúng ý của Thiên Chúa

Vì là công dân Mỹ cho nên tin tức về hai bệnh nhân kể trên đã được báo chí, đài phát thanh và truyền hình liên tục loan tin trong gần 2 tháng nhất là sau khi bác sĩ Brantly được điều trị hết bệnh với một loại thuốc đặc biệt.

Trong khi đó, vào cuối tháng 7 năm 2014, một công chức cao cấp Mỹ gốc Liberia là Patrick Sawyer làm việc tại bộ Tài Chánh Liberia bị nhiễm virus Ebola mà không biết. Trên đường trở về Mỹ để tham dự sinh nhật con gái ở Minnesota, ông phải ghé Lagos, Nigeria để tham dự một hội thảo. Khi bước ra khỏi phi cơ, ông té ngã và được đưa vào bệnh viện để điều trị và đã thiệt mạng vì bệnh.

Kể từ tháng 3, 2014 cho tới 24 tháng 8, 2014 dịch bệnh Ebola tại Tây Phi châu đã gây ra  2615 ca bệnh ở người với 1427 tử vong ở Guinea, Sierra Leone và Liberia.

Các tổ chức y tế trên thế giới kể cả Việt nam đều đặc biệt theo dõi nghiên cứu dịch bệnh và đưa ra những biện pháp phòng ngừa. Riêng CDC Hoa Kỳ đã gửi thêm 50 chuyên viên y tế sang các quốc gia ở Phi châu bị dịch bệnh để giúp kiểm soát bệnh.

Vậy bệnh Ebola là gì mà quan trọng như vậy?  Xin cùng tìm hiểu.

1.       Nguyên nhân

Virus gây bệnh được tìm thấy lần đầu vào năm 1976 tại một ngôi làng ven lưu vực sông Ebola, tại quốc gia trước đây là Zaire nay đổi tên thành Cộng Hòa Dân Chủ Congo. Do đó tên Ebola được dùng để chỉ virus gây dịch sốt xuất huyết này.

Nguồn chứa tự nhiên của virus Ebola dường như là những con dơi ăn quả (fruit bat), khỉ hoặc vượn.

Virus Ebola được xếp vào nhóm A của danh sách các tác nhân khủng bố sinh học (class A bioterrorism agent) vì khả năng gây ra sốt xuất huyết. Sốt này là một trong những bệnh gây tử vong nhiều nhất trên thế giới với tỷ lệ cao tới 90%.

Danh sách này gồm có các tác nhân gây bệnh với đặc tính như sau:

– Dễ dàng phân tán và truyền bệnh từ người sang người;

– Đưa tới tử vong cao và có thể trở thành vấn đề ý tế công cộng;

– Có thể tạo ra hốt hoảng, xáo trộn trong xã hội; và

– Cần các biện pháp y tế công cộng để đối phó.

Các tác nhân khủng bố sinh học gồm có:

· Anthrax ( bệnh Than với vi khuẩn Bacillus anthracis)

· Botulism bệnh ngộ độc thực phẩm với vi khuản Clostridium botulinum

· Plague bệnh dịch hạch với vi khuẩn Yersinia pestis

· Smallpox bệnh đậu mùa (variola major)

· Tularemia với vi khuẩn Francisella tularensis

· Bệnh  sốt xuất huyết hemorrhagic fevers với virus Ebola

2.       Dấu hiệu bệnh

Virus Ebola gây ra Bệnh Sốt Xuất Huyết với các triệu chứng như sốt, nhức đầu trầm trọng, đau cơ bắp, ói mửa, tiêu chẩy, đau bụng và chẩy máu trong và ngoài cơ thể hoặc bầm da không lý do.

Triệu chứng thường xuất hiện từ 2 tới 21 ngày sau khi tiếp xúc với virus Ebola.

Xét nghiệm máu thường cho biết bạch huyết cầu và tiểu huyết cầu giảm, men gan tăng.

Bệnh nhân bình phục vẫn còn có thể truyền virus trong tinh dịch tới 7 tuần lễ.

3.       Cách truyền bệnh

Virus lây lan do tiếp xúc trực tiếp giữa các vết thương trên da, niêm mạc mũi, mắt, miệng với máu hoặc chất lỏng như nước tiểu, nước miếng, phân, tinh dịch của người bệnh hoặc đụng chạm tới các vật dụng như kim chích có dính virus Ebola.

May mắn là Ebola không lan truyền qua không khí, nước uống hoặc qua thức ăn. Tuy nhiên tại châu Phi, con người có thể nhiễm bệnh trong khi săn bắn, làm thịt hoặc tiêu thụ thịt súc vật bị bệnh.

4.       Điều trị

Hiện nay chưa có dược phẩm để điều trị bệnh này. Bệnh nhân thường bị mất nước vì xuất huyết và cần được tận tình điều trị, được tiếp các dung dịch điện giải qua uống hay truyền tĩnh mạch. Nhờ đó nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi được chăm sóc y tế thích hợp.

Riêng bác sĩ Brantly được đặc biệt chữa với một loại kháng thể ZMapp đang được nghiên cứu thử nghiệm của một công ty sản xuất dược phẩm. ZMapp chưa được cơ quan FDA Hoa Kỳ thừa nhận nhưng vì nhu cầu khẩn cấp và bác sĩ Brantly tình nguyện dùng thuốc, cho nên FDA đặc biệt cho phép. Và bệnh nhân này đã khỏi. Ông nói, “Thật là một kỳ diệu! Thượng Đế đã cứu sống tôi”!!

5.       Những ai có thể nhiễm Virus Ebola?

Nhân viên y tế, thân nhân và người tiếp xúc trực tiếp với máu và chất lỏng của bệnh nhân đều dễ dàng lây bệnh. Tuy nhiên, rủi ro nhiễm khi ngồi cạnh bệnh nhân rất hiếm.

Nên nhớ, người mới nhiễm bệnh mà chưa có triệu chứng không truyền bệnh cho người khác. Họ chỉ truyền bệnh khi nào có triệu chứng.

6.       Nguy hại của dịch bệnh năm nay

Trong dịch bệnh hiện nay, có mấy điều mà bây giờ mới được biết:

-Thứ nhất là bệnh xuất hiện ở một nơi tại Phi châu mà trước đây bệnh chưa bao giờ có.

-Thứ hai là bệnh xảy ra quá nhanh tại cả vùng nông thôn lẫn thành thị.  Bệnh đã vượt qua biên giới và xâm nhập nhiều địa phương của 4 quốc gia lân cận là Sierra, Liberia, Nigeria và Guinea.  Do đó, việc kiểm soát bệnh trở nên khó khăn hơn.

7.       Phòng ngừa

Hiện nay chưa có vaccin chích ngừa bệnh sốt xuất huyết Ebola cho nên cách phòng ngừa hữu hiệu nhất là cần phải tránh tiếp xúc với máu và chất lỏng của bệnh nhân hoặc với tử thi người bệnh.

1. Khi chăm sóc bệnh nhân:

– Tách riêng người bệnh để khỏi tiếp xúc với người lành.

– Mặc quần áo bảo vệ, mang khẩu trang, mang bao tay cao su, áo choàng và kính che mắt;

– Áp dụng cách khử trùng dụng cụ y khoa cũng như dùng chất diệt tác nhân gây bệnh.

2. Du lịch tới vùng có dịch bệnh, cần làm các việc như sau:

– Áp dụng vệ sinh tối đa, không tiếp xúc với máu và chất dịch của bệnh nhân.

– Không sờ mó vào các vật dụng có dính máu và chất lỏng của bệnh nhân.

– Tránh tham dự ma chay chôn cất và không sờ mó vào người chết vì bệnh.

– Tránh tiếp xúc với các loại dơi, vượn khỉ hoặc máu, dịch lỏng của chúng.

– Tránh tới các bệnh viện đã điều trị bệnh sốt xuất huyết Ebola.

Sau khi trở về từ vùng có dịch bệnh, cần để ý tới sức khỏe của mình trong vòng 21 ngày và tới bác sĩ ngay nếu có các triệu chứng của bệnh.

Các biện pháp trên có mục đích tránh sự tiếp xúc với máu và dịch của bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân chết, không nên tiếp xúc trực tiếp với tử thi.

Ngày 24 tháng 8, 2014 vừa qua, giới chức y tế tại các quốc gia có dịch bệnh đã đưa ra quyết định là tất cả tử thi của bệnh nhân Ebola đều được nhân viên công lực thu lượm và hỏa táng, để tránh lan bệnh khi gia đình chôn cất.

Ngăn ngừa bệnh tại Hoa Kỳ

Tại các phi trường ở Hoa Kỳ, nhân viên đều được huấn luyện kỹ càng để khám phá ra các triệu chứng sớm nhất của bệnh, như là sốt, đau cuống họng và suy nhược cơ bắp.

Máy tầm nhiệt thermal scanners được sử dụng ở nhiều phi trường tại các quốc gia khác nhau, nhưng ít dùng tại Hoa Kỳ, Úc…vì:

1Máy tầm nhiệt có thể khám phá ra người bị sốt, nhưng sốt không chỉ thấy ở bệnh Ebola mà còn thấy ở nhiều bệnh khác nữa. Hơn nữa thời gian ủ bệnh của Ebola là từ 2 tới 20 ngày, cho nên khi hành khách vào phi trường, bệnh có thể chưa xuất hiện.

2Khi hành khách bị sốt thì cần thử máu để tìm virus. Mà thử máu vừa cần thời gian lâu mới có kết quả và cũng không thực tế, vì nếu có nhiều hành khách bị sốt trong một chuyến bay thì không thể thực hiện thử máu ngay tại phi trường.

Ngoài ra cũng có ý kiến là nếu dùng những máy rà lọc này tại phi trường, sẽ gây trở ngại cho nhân viên an ninh hoàn thành nhiệm vụ rà soát hành khách để tìm ra vũ khí hoặc chất phá hoại.

Kết luận

Hiện nay, sốt xuất huyết do Ebola chưa là rủi ro cấp bách tại Hoa Kỳ.

Bệnh không lây lan qua không khí, nước uống và thức ăn.

Nhưng bệnh chỉ xảy ra khi tiếp xúc trực tiếp với máu, chất lỏng của người bệnh hoặc tử thi người bệnh hoặc các dụng cụ như kim chích dính virus Ebola.

Mà Hoa Kỳ thì quá xa với vùng dịch bệnh. Cho nên bà con chúng ta cũng an tâm phần nào. Tuy nhiên cũng nên lưu ý đề phòng.  Cẩn tắc vô ưu mà!

Ca nhiễm Ebola thứ hai ở Hoa Kỳ

Ca nhiễm Ebola thứ hai ở Hoa Kỳ

Một nhân viên y tế từng điều trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola trước khi qua đời, Thomas Duncan, đã có kết quả dương tính với loại virus này, theo giới chức Hoa Kỳ.

“Chúng tôi đoán biết trước khả năng xảy ra trường hợp thứ hai, và chúng tôi đã chuẩn bị cho trường hợp này,” theo ông David Lakey, ủy viên cơ quan Dịch vụ Y tế bang Texas.

Ông Duncan, người bị nhiễm virus ở Liberia, đã qua đời tại bệnh viện Dallas hôm thứ Tư 08/10.

Nhân viên y tế vẫn chưa được nêu tên.

Ông Thomas Duncan có kết quả dương tính với Ebola hôm 30/09, mười ngày sau khi bay từ Monrovia qua Brussels.

Ông lâm bệnh vài ngày sau khi tới Hoa Kỳ và vào bệnh viện Presbyterian ở Dallas trong tình trạng sốt cao.

Mặc dù cho các nhân viên y tế biết ông đã ở Liberia, người ta vẫn cho ông về nhà điều trị bằng thuốc giảm đau và kháng sinh.

Bệnh nhân này sau đó được đưa vào khu cách ly trong bệnh viện và qua đời dù được chữa trị bằng loại thuốc mới đang thử nghiệm.

‘Nhận diện tiếp xúc’

Các quan chức y tế đang phỏng vấn bệnh nhân và cố gắng nhận diện mọi tiếp xúc hoặc bất kỳ khả năng phơi nhiễm nào

Thông cáo của sở y tế Texas

Vẫn không rõ liệu nhân viên y tế, vốn có kết quả dương tính trong đợt xét nghiệm sơ bộ, có tiếp xúc với ông Duncan khi ông có các triệu chứng bệnh khi được đưa vào viện hay không.

Nhân viên này cũng báo bị sốt nhẹ hôm thứ Sáu, được đưa vào khu cách ly và xét nghiệm, theo thông cáo của sở y tế Texas.

“Các quan chức y tế đang phỏng vấn bệnh nhân và cố gắng nhận diện mọi tiếp xúc hoặc bất kỳ khả năng phơi nhiễm nào,” thông cáo viết thêm.

“Những người tiếp xúc với nhân viên y tế sau khi các triệu chứng xuất hiện sẽ được theo dõi dựa trên sự tương tác giữa họ và khả năng phơi nhiễm trước virus này.”

Dịch Ebola tập trung chủ yếu ở Liberia, Guinea và Sierra Leone, nay đã có hơn 8.300 trường hợp được xác nhận và nghi ngờ nhiễm virus, và ít nhất 4.033 người đã thiệt mạng.

Tác hại của việc đi ngủ muộn.

Tác hại của việc đi ngủ muộn.

+ Từ 21-23h là quãng thời gian hệ miễn dịch (bạch cầu lymph) bài độc (đào thải chất độc), lúc này thái yên tĩnh hoặc nghe âm nhạc thư giãn.

+ Từ 23h – 1h sáng là quãng thời gian bài độc của gan, cần tiến hành trong khi ngủ say.
+ Từ 1h – 3h sáng là thời gian bài độc của mật, cũng cần thực hiện trong giấc ngủ say

* Ngủ muộn có nguy cơ gây ra nhiều bệnh tật.

+ Từ 3h – 5h sáng là thời gian bài độc của phổi. Cũng chính là lý do tại sao mà người đang mắc bệnh ho lại hay ho dữ dội vào lúc này, bởi hoạt động bài độc đã chạy đến phổi. Vì thế, không nên dùng thuốc chống ho để tránh gây cản trở việc đào thải các chất cặn bã trong người vào lúc này.

+ Từ 5h – 7h là khoảng thời gian ruột già bài độc, cho nên cần đi toilet vào lúc này.

+ Từ 7h – 9h là lúc ruột non hấp thụ chất dinh dưỡng nhiều nhất, cho nên cần phải ăn sáng. Những người đang phải trị bệnh tốt nhất ăn sớm hơn, từ trước 6h sáng, còn với người ăn dưỡng sinh thì ăn trước 7h sáng. Những người không ăn sáng cần thay đổi thói quen xấu này, dù có đợi đến 9, 10h mới ăn cũng tốt hơn là không ăn.

+ Từ nửa đêm cho đến 4h sáng là thời gian tủy sống tạo máu, cần phải ngủ say, không nên thức khuya.

* Tác hại của việc thức khuya, ngủ muộn:

1.  Giảm trí nhớ.
2.   Uể oải, khó tập trung chú ý vào công việc.
3.   Ù tai, chóng mặt, mắt mờ.
4.   Nóng nảy, cáu bẳn (dù có chú ý để tránh nổi nóng thì cũng vô ích, tới lúc nóng là không kiềm chế nổi).
5.   Đau mỏi cơ, có thể thỉnh thoảng bị chuột rút. Đối với những người tập thể hình thì việc thức khuya sẽ giảm khả năng phục hồi và phát triển của cơ bắp.
6.   Trung khu thần kinh uể oải thì thần kinh vị giác cũng trì trệ, dẫn tới ăn uống không ngon miệng.
7.   Da mặt nhợt nhạt, thiếu sinh khí, nhiều dầu, đôi khi sần sùi và nổi mụn, dưới mắt có quầng thâm.
Thức khuya ảnh hưởng đến làn da, nhất là da mặt. Thông thường là khoảng từ 10-11 giờ đêm da ở trong trạng thái dưỡng và hồi phục. Nếu như thường xuyên thức khuya sẽ làm rối loạn hệ tuần hoàn bình thường của việc trao đổi chất và hệ thống thần kinh, sẽ khiến cho da bị khô, giảm sức đàn hồi, bị sạm và không mịn màng…
8.   Khô mắt, mỏi mắt, và nếu mắt phải làm việc khuya trong điều kiện thiếu ánh sáng thì dễ bị giảm thị lực.
9.   Thức khuya hay ngủ ít có thể dẫn tới nguy cơ tăng cân theo chiều hướng tiêu cực, có thể gây thêm các tác dụng khác là nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp…
10.   Bên cạnh đó thức khuya trong thời gian dài dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn so với những người không thức khuya.

Theo đồng hồ sinh học thì:

– Trạng thái ngủ từ 0 đến 1 giờ sáng khiến cơ thể được nghỉ ngơi thực sự, giúp tinh thần sảng khoái, dung nhan tươi tắn khi tỉnh dậy.  Nên ngủ trước đó tầm 1 hoặc 2 tiếng, để vào tầm thời gian nói trên thì đã chìm vào giấc ngủ sâu.

– Từ 1h tới 5h sáng là lúc cơ thể tiết ra các chất tái sinh và nâng cao hệ miễn dịch. Thức khuya thì rút ngắn hoặc thậm chí làm cơ thể bỏ qua giai đoạn này, lâu dần sẽ suy sụp thấy rõ.- Trong các giai đoạn ngủ sâu thì cơ thể tiết nhiều hooc môn để cân bằng và nâng cao sức đề kháng, mà thức khuya thì khiến hoạt động ấy xảy ra chậm và ít hơn.

Tác hại của việc thức khuya, ngủ muộn có rất nhiều, có loại về lâu dài mới phát tác, có loại thì ngay hôm sau đã có thể phát tác rồi, ví dụ như mắt thâm quầng, mệt mỏi, trí nhớ giảm sút. Thức khuya cũng ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Nên nhớ rằng ban đêm hệ thần kinh giao cảm của con người sẽ nghỉ ngơi, vì ban ngày nó đã hoạt động rất mạnh để giúp con người làm việc và sinh hoạt. Nhưng những người thức khuya thì thần kinh giao cảm vẫn hoạt động mạnh. Như vậy, ngày hôm sau chắc chắn chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, sa sút tinh thần, đầu óc căng thẳng, trí nhớ kém, khó tập trung tư tưởng, phản ứng chậm, hay quên, chóng mặt, nhức đầu… Lâu ngày sẽ dẫn đến bị bệnh suy nhược thần kinh.

Hy vọng qua bài viết này phần nào bạn đã hiểu rõ tác hại của việc thức khuya và hãy khắc phục nó để cơ thể của bạn được bình thường và bạn luôn khỏe mạnh

Xuan Vo & Nguyện Phổ

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

William Li – VIET

William Li – VIET

httpv://www.youtube.com/watch?v=s4JG2LImJW4&feature=youtu.be

Bài nói chuyện của Bác sĩ William Li về UNG THƯ:
CHÚNG TA CÓ THỂ ĂN ĐỂ BỎ ĐÓI TẾ BÀO UNG THƯ.
( Lồng tiếng Việt )

CAO NIÊN MÀ PHONG ĐỘ

CAO NIÊN MÀ PHONG ĐỘ

Bác sĩ Nguyễn Ý ĐỨC

Trích Giáo Sĩ Việt Nam số 230

Bác sĩ E. F. Schmerl, chuyên khoa bệnh tâm thần người cao tuổi, đã nêu ra nhận xét rằng:

“ Có cả ngàn cửa ngõ đưa tới sự già trước tuổi và chết yểu. Một trong những cửa ngõ đó là dáng điệu ( posture ) xấu của con người”.

Các nhân vật Dần, Tỵ, Hợi trong tác phẩm “Nhà Quê Ra Tỉnh” của nhà biên khảo Đoàn Thêm, khi nói về lớp người lớn tuổi mấy chục năm về trước, thì “đều phàn nàn rằng các cụ gắng uốn nắn con cháu, mà chính mình lại có những thái độ hoặc cử động không ngoạn mục chút nào. Đi, đứng, ngồi thì bệ vệ như quan to, hoặc co ro khúm núm, hoặc nghiêm trang trịnh trọng quá đến nỗi thành cụ non từ khi ba bốn mươi tuổi. Nhiều ông mới chừng 50 đã còng lưng, bước đi thì lê gót với đôi giầy ta lẹp kẹp”.

Xin hãy cùng tìm hiểu thêm về vấn đề này.

Dáng điệu con người.

Hình dáng con người là tặng phẩm của tạo hóa, nhưng tư thế, điệu bộ là do mình tạo ra. Ta có thể thay đổi nó, kiểm soát nó.

Từ Hải với “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” mà nếu dáng điệu so vai rụt cổ như đệ tử Nàng Tiên Nâu thì đâu có thể “đường đường một đấng anh hào” được.

Những người mẫu thời trang đâu có phải đẻ ra là đã có dáng điệu nhẹ nhàng, thanh thoát, vững chắc. Họ phải dầy công tập luyện cũng như kiên nhẫn gìn giữ cơ thể.

Người về già, dưới sữ dầy dạn của cuộc đời, cộng thêm lực kéo của trái đất, nếu không để ý thì  sẽ có dáng điệu không đẹp. Mỗi ngày lưng sẽ còng thêm như chiếc sừng trâu, mắt dán xuống đất như đang đi tìm lại tuổi thanh xuân hay nhìn về ngôi mộ, đầu gối khum khum như sắp quỵ. Nom vừa không phong độ mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ chung của con người.

Một dáng điệu tốt là khi cơ thể ngay ngắn, ít nhất cũng như dấu chấm than ( ! ), người vươn cao lên, mắt nhìn thẳng ra chân trời.

Khi đi, mỗi bước đều dài, gọn, cả bàn chân chạm đất, hai tay vung vẩy nhịp nhàng, hai vai lui tới dẻo dai.

Khi ngồi thì lưng thẳng, ngực ưỡn, bụng hơi thót vào.

Ôn lại bài học về môn cơ thể, ta thấy bộ xương sống là cái đà dọc chính giữa để toàn thân treo vào đó: các bộ phận, mô, ngực, bụng …

Bẩy đốt xương cổ, 12 đốt xương ngực, 5 đốt xương lưng, 9 đốt xương hông xếp chồng chất lên nhau  qua những đĩa đệm, và được giữ trong vị trí ngay thẳng bằng hệ thống cơ thịt, giây chằng và gân bền chắc, dẻo dai.

Hai bên cạnh đốt xương, có một cái nghạnh rỗng ở giữa, tất cả tạo thành một cái ống trong đó nằm dây thần kinh tuỷ sống. Từ đó, mệnh lệnh cho toàn thân được phát ra và mang cảm giác, kích thích ngoại cảnh  được đưa về não.

Bẩy đốt xương cổ còn thêm nhiệm vụ che chở cho sự lưu thông của máu lên nuôi não bộ qua hai động mạch cảnh và hai động mạch xương sống.

Lợi ích của dáng điệu tốt

Khi cổ ngay thẳng, những động mạch nuôi não bộ không bị cong queo hay thu hẹp, khiến máu lưu thông không trở ngại.

Ta biết là não bộ dùng một khối khá quan trọng máu để có đủ năng lượng hoàn tất nhiệm vụ chỉ huy, phối hợp tất cả chức năng con người. Quan sát bệnh lý cho thấy khi máu lên não giảm, người ta có thể ngất xỉu hoặc bị tai biến mạch máu não nhẹ. Nhiều người thường hay bị nhức đầu, tê ngón tay, chóng mặt chỉ vì cái cổ không ngay thẳng.

Xương sống lưng và ngực ngay ngắn thì dưỡng khí ra vào phổi dễ dàng, tim mạch tuần hoàn lưu thông, tiêu hóa dạ dầy, đường ruột không co rúm gây trở ngại ăn uống, bài tiết. Tư thế xấu cũng gây đau nhức lưng, hông, rất thường thấy ở quý vị lão niên.

Vài nhà khoa học còn cho là tư thế ngay thẳng có thêm ảnh hưởng tốt tới khả năng trí tuệ, giúp ta kiểm soát, thích nghi trạng thái tinh thần hoàn hảo cho tới khi về già.

Quan sát những bệnh nhân cao niên của mình tại bệnh viện Fairmond, San Leandro, bác sĩ Schmerl thấy quý vị khoẻ mạnh đều có một tư thế tốt, còn các vị có rối loạn về thần kinh não bộ thì dáng điệu xiêu vẹo. Ông ta kết luận là dáng điệu có ảnh hưởng tới tuổi già và ngược lại.

Nguyên do sự thay đổi dáng điệu

Câu hỏi thường được nêu lên, là tại sao khi về già, tư thế, dáng điệu người ta thay đổi?

Sức hút của trái đất trên cơ thể là một yếu tố.

Rồi đến hao mòn, thoái hóa theo thời gian của hệ thống hỗ trợ giữ thăng bằng xương sống. Các mô liên kết hư hao, cơ thịt teo mềm, chất collagen của đĩa đệm mất tính đàn hồi, dẻo dai, làm xương sống lệch lạc, mặt xương mài xát vào nhau, xệ xuống.

Ngồi lâu ở cùng vị thế khiến gân thịt co lại, làm lệch người.

Sống trong tâm trạng buồn chán, dưới đe doạ thường trực của căng thẳng  khiến cơ thịt ở cổ  lúc nào cũng co thắt, vai xịu xuống, mắt đăm chiêu nhìn đất.

Hoặc  do trời trao cho  như trường hợp gù lưng của nhân vật Quasimodo trong tác phẩm The Hunchback of Notre Dame  do Victor Hugo viết.Tội nghiệp anh này vì lưng quá còng nên hơi thở khó khăn, dung tích phổi giảm, tim bị nhồi ép hoạt động kém, di động một lúc đã thở hổn hển, mệt mỏi.

Để có dáng điệu tốt

Giữ cho có một dáng điệu tốt đã là niềm ưu tư của con người từ thuở xa xưa.

Người Trung Hoa với tục dùng vải bó chân từ bé cho con gái khuê các để bàn chân đừng nở lớn như chân đàn ông. Và để khi bước đi thì uyển chuyển, nhẹ nhàng.

Dân chúng bộ lạc Mayan cho là xương sọ dẹp nom đẹp hơn vì vậy họ ép xương đầu với hai mảnh ván mỏng.

Dân Padung ở Miến Điện làm dài cổ với những chiếc vòng kim loại chồng lên nhau, đè vai thấp xuống cho cổ vươn lên như cổ hươu.

Còn ta ngày nay nếu có quan tâm giữ cho có tư thế cơ thể tốt là nhắm mục đích cải thiện sức khoẻ, duy trì biểu tượng của con người tích cực hoạt động, yêu đời.

Sau đây là một vài thế để điều chỉnh dáng điệu :

1- Dáng người khi đi, đứng.

Để có dáng ngay thẳng, ta đứng dựa lưng vào tường, làm sao cho hông, vai và đầu đụng sát lên tường. Như vậy, lồng ngực và bụng không gây trở ngại cho vai trò của các bộ phận ở trong.

Giữ dáng này cho mọi động tác đi đứng.

Nên nhớ là không đứng ngay đơ như kiểu đứng của “mấy thầy lính tập” ngày xưa với cổ ngửa nhìn trời, cản trở máu lưu thông lên não bộ.

2- Khi ngồi.

Ngồi hết mông vào mặt ghế cho thoải mái, vai và hông dựa sát thành ghế, đầu gối thư dãn di động tự do.

Trước khi ngồi, đứng quay lưng về ghế, hai chân hơi dạng ra và để gần gầm ghế, đầu gối hơi cong, ngả thân về phía trước, mông đưa về sau và đặt từ từ xuống ghế. Ngoài ra cũng cần đều đặn luyện tập vài cử động có tích cách làm thư dãn gân cốt, cơ thịt ở cổ, lưng, hông,vai, ngực và tứ chi. Nhiều người đã có lý khi nói: lưng yếu làm lưng đau.

Nguyên nhân gây rối loạn cuả dáng đi.

Sau đây là một số nguyên nhân đưa đến sự thay đổi dáng đi:

1- Biến chứng của bệnh tiểu đường, ghiền rượu, thiếu sinh tố B12.

2- Chấn thương cột tủy sống, não bộ.

3- Người bị bệnh Parkinson, như võ sĩ Mohamed Ali.

4- Phong thấp khớp.

5- Do tác dụng phụ của một số dược phẩm.

6- Khiếm khuyết thị giác và giảm cảm giác ngoài da.

7- Biến chứng của tai biến mạch máu não.

8- Không nguyên nhân: Đây là diễn tiến tự nhiên nhưng quá mức của người già khi đi đứng, với  tốc độ di chuyển giảm, mất thăng bằng cơ thể, cử động kém nhịp nhàng. Khi đi, chân họ dạng ra, bước ngắn, thân ngả về phía sau nên dễ ngã, mặc dù chân không yếu, không có dấu hiệu nào chứng tỏ có sự rối loạn về thần kinh vận động.

Dáng đi của người bị những bệnh kể trên diễn ra theo một số kiểu, đôi khi đặc thù cho từng bệnh.

Có người khi di chuyển, các khớp xương hông, đầu gối và cổ chân duỗi thẳng,  bước chân dang ra ngoài, đi khó khăn, chậm chạp, yếu, móng chân đôi khi quệt xuống đất. Đây là dáng đi thường thấy ở người bị tai biến mạch máu não.

Bệnh nhân bị Parkinson có những bước đi ngắn, cứng nhắc, kéo lê chân trên mặt đất. Họ cất bước khó khăn, bước đi nhanh, chậm bất thường khiến dễ ngã. Ở người này, khớp hông, đầu gối, cổ chân và khuỷu tay co lại, cánh tay ghìm sát vào thân, thân ngả về phía trước.

Trong bệnh tiểu đường, các biến  chứng thần kinh khiến bệnh nhân đi không vững, thân ngả về phía  trước, chân dạng ra, bước đi không mềm mại, ngắn dài khác nhau, bàn chân nhấc cao rồi đập mạnh xuống đất.

Nhiều người sau khi mổ mắt cườm, hoặc đổi kính hai tròng (bifocal ) cũng có dáng đi không vững này trong một thời gian ngắn.

Người bị bệnh phong thấp, nhất là ở hạ chi, khớp xương cứng, hao mòn, giảm mức độ cử động, cơ thịt teo yếu. Họ đi không vững, thân ngả về phía bình thường để bớt đau.

Dáng đi bắt đầu thay đổi từ tuổi ngoài 30. Khi tới tuổi cao, bước đi sẽ ngắn, bàn chân không nhấc cao lại giữ lâu trên mặt đất, nhịp đi lạch bạch, cánh tay ít đu đưa, vung vẩy, khớp vai ít nhúc nhích, thân ngả về phía trước để giữ thế thăng bằng.

Người cao tuổi thường đứng không vững  khi muốn xỏ một chân vào ống quần, và vì sợ ngã, nên phải kiếm vật gì để vịn.

Hậu quả thay đổi dáng đi.

Rối loạn dáng đi là một trong những nguy cơ khiến người cao tuổi hay bị ngã, tạo ra thương tích như gẫy xương chân tay, chấn thương não bộ, đưa đến tàn tật.

Ngoài việc điều trị căn nguyên bệnh, sự phục hồi khả năng di động của bệnh nhân rất quan trọng. Có những chương trình y khoa phục hồi, làm tăng khẩu độ cử động các khớp, cũng như huấn luyện điều chỉnh dáng đi cho thăng bằng trở lại, hướng dẫn cách xử dụng xe lăn, gậy, nạng

Ngoài ra cũng cần khuyến khích, nâng cao tinh thần của người cao tuổi hay sợ ngã, để họ tự tin hơn và đè nén sự sợ ngã khi di chuyển.

Bác sĩ  Nguyễn Ý-ĐỨC.

www.bsnguyenyduc.com

Vì sao mau hư “Não bộ”

Vì sao mau hư “Não bộ”
Đừng tưởng người già mới lẫn.

Tình trạng sa sút trí nhớ đến độ “vừa nghe đã quên” của người trẻ từ lâu đã vượt xa mức báo động.

Ai chưa tin xin thử xem có bao nhiêu người nhớ nổi số… driver license! Nhiều người quên tuốt luốt, quên giờ vào sở, quên luôn công việc, quên cả vợ con, đến độ sau giờ làm việc phải ngồi hàng giờ ở bàn nhậu để cố nhớ nẻo về nhà, thậm chí quên hết đến độ chỉ còn nhớ có mỗi ngày… lãnh lương!

Chuyện gì cũng có lý do. Bộ nhớ mau hư thường vì nạn nhân chính là thủ phạm do thiếu nhiều thứ cùng lúc lại thừa vài món trong cuộc sống thường ngày. Đó là:

* Thiếu ngủ: Không kể người lỡ chọn nghề trực đêm, thiếu ngủ vì thức quá khuya dường như là “mốt” của nhiều cư dân trong các thành phố. Kẹt một điểm là chất lượng của trí nhớ gắn liền với độ sâu của giấc ngủ, theo kết quả nghiên cứu ở Đại học Schleiweg-Holstein. Nhưng nếu tưởng như thế chỉ cần dùng thuốc ngủ để ngủ cho được nhằm tăng cường trí nhớ thì lầm. Thuốc an thần tuy tạo được giấc ngủ nhưng não bộ đồng thời cũng mê một lèo khiến bộ nhớ quên luôn công việc.

* Thiếu nước: Não lúc nào cũng tiêu thụ không dưới 20% năng lượng của cơ thể riêng cho chức năng suy nghĩ. Não vì thế rất cần nước và chất đường sinh năng. Theo chuyên gia ở Đại học Erlangen, uống không đủ nước trong ngày lại thêm bữa ăn chiều thiếu chất ngọt là một trong các lý do khiến tín hiệu thần kinh vừa nhập vào lại ra ngay, cứ như nước đổ đầu vịt.

* Thiếu dầu mỡ: Chất béo loại cần thiết cho cấu trúc của tế bào thần kinh như 3-Omega, Acid Linoleic… là món ăn chính của não bộ. Đừng tưởng kiêng cử là béo tốt cho não. Trái lại là khác. Tất nhiên đừng để tăng chất mỡ máu vì đó là yếu tố bất lợi cho hoạt động của bộ não. Nhưng thiếu mỡ cũng tai hại tương tự.

* Thiếu dưỡng khí: Thêm vào đó, não không thể dán tín hiệu thần kinh, dù là hình ảnh hay âm thanh vào bộ nhớ nếu tế bào thiếu dưỡng khí vì thiếu máu. Chính vì thế mà nhiều thầy thuốc khuyên dùng cây thuốc có công năng cải thiện hàm lượng dưỡng khí trong não bộ ngay cả cho người chưa phát hiện triệu chứng “đụng đâu quên đó”.

* Thiếu vận động: Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy người cao tuổi nếu vận động thể dục thể thao trong ngày thì ít quên hơn người không vận động. Theo các nhà nghiên cứu về lão khoa ở Hoa Kỳ, vận động trong ngày là điều kiện để bộ não không thiếu dưỡng khí trong đêm. Cũng không cần hình thức thái quá, nhẹ nhàng thôi, như đi bộ, bơi, chạy xe, khí công…, miễn là ngày nào cũng có.

* Thiếu tập luyện: Muốn não “bén nhọn” như xưa mà không tập luyện chẳng khác nào chưa học bài. Chơi ô chữ, sudoku, học ngoại ngữ, vẽ tranh…, kiểu nào cũng tốt, càng nhiều cách giải trí càng hay, miễn là đừng ngồi yên mỗi ngày nhiều giờ trước máy truyền hình vì đó là hình thức tai hại cho bộ não.

* Thừa Stress: Bôi sạch bộ nhớ là một trong các phản ứng phụ của nội tiết tố nẩy sinh trong tình huống Stress. Biết vậy nên tìm cách pha loãng Stress bằng thể dục thể thao, thiền định, kiểu nào cũng được, miễn vui là chính. Thêm vào đó, đừng tự đầu độc cơ thể và bộ não bằng thuốc lá, rượu bia, thịt mỡ… Với bộ não “ngập rác” thì quên là cái chắc vì đâu còn chỗ nào để nhớ!

* Thừa chất oxy-hóa: Hàm lượng chất gây rỉ sét tế bào sản sinh từ rối loạn biến dưỡng, độc chất trong môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá, độ cồn, phụ gia trong thực phẩm công nghệ, hóa chất trong dược phẩm… càng cao, tế bào não càng mau già trước tuổi. Cầm chân chất oxy-hóa bằng hoạt chất kháng oxy-hóa vì thế là biện pháp chủ động để bộ nhớ đừng mau “hết đát”.
Hãy đừng đem não “bỏ chợ” qua lối sống chẳng khác nào có hận thù với não bộ. Nếu đối xử với não bạc bẻo thì đừng trách đến lúc “có vay phải có trả”!

BS. LƯƠNG LỄ HOÀNG

NHỮNG GIỌT MỒ HÔI

NHỮNG GIỌT MỒ HÔI

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức

Tương truyền rằng Ðường Minh Hoàng rất say mê Dương Quý Phi vì sắc đẹp “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” của nàng. Ðặc biệt hơn cả là vì nàng tỏa ra một hương thơm qua những giọt mồ hôi từ phần thân mình kín đáo.

Theo các cung nữ, hương thơm này thường là do người đẹp thưởng thức những trái lệ chi trồng ở đất Việt, mà Ðầu phu Mai Thúc Loan phải ngày đêm ngàn dậm cùng đoàn tùy tùng mang sang cống hiến.

Ðó là huyền thoại bên nước Tầu khi xưa.

Bên Việt Nam ta, cũng có một ái phi triều Nguyễn với những hạt mồ hôi thơm nức. Một thi hữu kể cho hay dòng họ Trần tại làng Tây Mỗ tỉnh Hà Ðông có một thiếu nữ được tiến vô cung làm ái phi. Vị cung phi này được quân vương rất sủng ái vì tính tình hiền hậu, đoan trang và nhất là mồ hôi bà có mùi hấp dẫn. Do đó dân chúng địa phương có vần thơ ca tụng rằng:

“Họ Trần sinh một Ðức Bà,

Mồ hôi thơm ngát, trăm hoa miệng cười”.

Dân gian ta thường nói:

Quyên quyên ăn trái nhãn lồng,

Thia lia quen chậu, vợ chồng quen hơi”

Bên Tây cũng có câu chuyện tương tự.

Chuyện Ðại Tướng Napoleon Bonaparte viết cho người yêu Josephine rằng:”Mình ơi, anh về hôm nay, xin đừng tắm nhé. Nhất là đêm nay”. Thì có lẽ tướng quân ta cảm thấy nhiều hứng tình hơn khi ngửi cái hơi từ người đẹp.

Mà cái hơi này phải chăng cũng từ những giọt mồ hôi của người yêu. Mà khi đã phải hơi nhau thì mùi đó thơm hay không, cũng chẳng quan trọng. Có người ghiền rúc vào nách nhau để hít hà cái mùi nhiều khi khó ngửi của người tình mà đôi bên đã cùng nhau xa vắng lâu ngày.

Khoa học ngày nay nhìn sự đổ mồ hôi dưới góc cạnh thực tế hơn, ích lợi hơn cho sức khỏe. Vì sức khỏe là điều quan tâm lớn của mọi người, mọi sinh vật.

Ðó là vai trò điều hòa thân nhiệt của sự đổ mồ hôi.

Sự Ðổ Mồ Hôi

Ðổ mồ hôi là một hiện tượng sinh học tự nhiên và lành mạnh với nhiệm vụ quan trọng là giữ nhiệt độ cơ thể bình thường. Hệ thần kinh giao cảm nằm ở mặt trong của lồng ngực điều khiển sự hoạt động của các tuyến mồ hôi. Khi thần kinh này quá nhậy cảm thì mồ hôi tiết ra nhiều.

Ðàn bà có nhiều tuyến mồ hơn đàn ông nhưng các ông lại sản xuất nhiều mồ hôi hơn quý bà vì tuyến của họ hoạt động mạnh hơn.

Ở người khỏe mạnh, mồ hôi thường toát ra khi làm việc lâu và mạnh nhất là trong môi trường không gió hoặc đi bộ giữa trưa Hè, thời tiết nóng nực.

Khi nhiệt độ trong cơ thể lên quá 37º C, các mạch máu ngoại vi mở rộng, chứa nhiều máu để đẩy bớt hơi nóng trong người ra ngoài rồi lưu hành trở lại với máu mát hơn.

Nếu nhiệt độ không khí tiếp tục lên cao, sự thoát nhiệt qua máu không đủ và cơ thể phải tiết ra chất lỏng để tán nhiệt. Ðó là sự đổ mồ hôi trên da. Trong một giờ, cơ thể có thể toát ra tới 1,5 lít mồ hôi.  Nếu mồ hôi mất nhiều quá mà không được bù đắp thì ta có thể sỉu, bất tỉnh vì máu lưu thông tới các cơ quan giảm, nhất là hệ thần kinh.

Mồ hôi là chất nước trong không mầu, kiềm tính với 2% vật thể đặc. Bình thường, mồ hôi gồm có nước, muối sodium chloride, potassium, urea.

Ðông y coi Ðổ Mồ Hôi như một hình thức trị bệnh để loại trừ một số tác nhân độc hại xâm nhập cơ thể. Gây đổ mồ hôi là một trong ba phương thức trị bệnh cổ truyền: Gây ói, gây xổ và gây đổ mồ hôi. Cạo gió bằng dầu nóng, đánh cảm với cám rang là để ra mồ hôi, xông với lá Hương Nhu làm nhẹ vài bệnh nóng sốt. Và ngày nay người ta tắm hơi, ngồi sauna cũng cùng mục đích để toát mồ hôi. Cho người thư dãn, sảng khoái và cũng để nhẹ bớt mấy cân của tấm thân hơi bồ sứt cạp.

Nhưng mồ hôi nhiều ít cũng đưa tới một vài khó chịu cho cơ thể, đôi khi bệnh hoạn.

Nhiều mồ hôi

Bình thường cơ thể tiết mồ hôi khi:

1-Thời tiết nóng nắng, thân nhiệt tăng thì mồ hôi tự nhiên đổ ra để hạ nhiệt độ cơ thể. Mỗi người có thể tiết ra tới 1 lít 50 mồ hôi trong một giờ đôi khi tới 3,5 lít.

2-Vận động cơ thể, làm việc chân tay trong khí hậu nhiệt độ cao và 40% độ ẩm, ta tiết ra trung bình là ½ lít mồ hôi trong một giờ. Khi mất chất lỏng như vậy thì máu ta sẽ đặc hơn, tim sẽ phải làm cố gắng làm việc nhiều hơn để đẩy máu ra và ta cảm thấy hơi mệt.

Ðể tránh khó khăn: khi tập luyện hoặc làm việc ngoài trời, nên uống khoảng hai ly nước trước khi tập; trong khi tập thì uống nửa ly cho mỗi lần tập kéo dài 20 phút.

Ngoài ra một số yếu tố khác cũng đưa tới chứng Tăng Tiết Mồ Hôi (Hyperhidrosis) dù thân nhiệt bình thường hoặc khi nghỉ ngơi:

1- Khi có nhiều đau đớn, sợ hãi, xúc động hoặc căng thẳng (sợ toát mồ hôi hột); mồ hôi ra nhiều nhất là ở trên mặt, nách, lòng bàn tay bàn chân.

2- Ðôi khi mồ hôi cũng tiết ra khi ta tiêu thụ một vài gia vị cay, uống nước nóng hoặc nước có caffeine hoặc khi uống nhiều rượu.

3- Một vài loại dược phẩm như thuốc trị bệnh tâm thần haldol, kích thích tố tuyến giáp, morphine, aspirin, acetaminophen, cocaine;

4- Bệnh gan, bệnh khí thũng phổi (emphysema), bệnh Parkinson, hội chứng suy yếu dây thần kinh ngoại vi Guillain-Barre;

5- Một số người đổ mồ hôi theo di truyền đặc biệt là ở lòng bàn tay, bàn chân.

6- Phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh với nóng phừng mặt, đổ mồ hôi vì kích thích tố nữ giảm;

7- Bệnh nhân tiểu đường điều trị bằng insulin khi đường huyết xuống quá thấp cũng đổ mồ hôi, run rẩy tay chân, yếu sức, chóng mặt, buồn nôn. Người tiểu đường mồ hôi có mùi chua như trái cây hư;

8- Cường tuyến giáp với nhiều kích thích tố của tuyến này khiến cơ thể nóng bừng, mồ hôi tiết ra;

9- Trong cơn Suy Tim Heart attack, bệnh nhân thấy đau ngực, khó thở, đổ mồ hôi đầm đìa; trong tai biến não stroke với tổn thương trung tâm điều hòa nhiệt độ ở não

10- Trong các bệnh nhiễm như Lao, sốt rét ngã nước bệnh nhân cũng đổ nhiều mồ hôi với nhiệt độ lên cao.

11- Bệnh ung thư bạch cầu hoặc u hạch bạch huyết lymphoma với mất cân, sốt, đổ mổ hôi;

12- Rối loạn tự miễn như trong các bệnh viêm thấp khớp (rheumatoid arthritis) hoặc lupus ban đỏ (Systemic lupus erythematosus)

Một vài trường hợp đáng chú ý:

1- Nhiều mồ hôi bàn tay:

Ðây là hình thức thường thấy và cũng gây khó chịu nhiều nhất.

Bàn tay người bệnh luôn luôn nhơm nhớp ẩm ướt và lạnh. Họ thường xuyên phải lau tay, tránh bắt tay người khác, gặp trở ngại khi đánh máy chữ hoặc chơn tay khi muốn cầm vật dụng hoặc khó khăn vẽ lông mày, tô môi son. Nhiều người ngại ngùng trong giao tế đôi khi trở nên cô lập.

Và càng bối rối, xúc động thì mồ hôi lại càng ra nhiều.

2- Nhiều mồ hôi bàn chân.

Tuy không lộ liễu như nhiều mồ hôi tay nhưng nhiều mồ hôi chân là môi trường thuận lợi cho các bệnh nấm và vi khuẩn phát triển, đưa tới bệnh nhiễm bàn chân (Athlete’s Foot), viêm nhiễm móng chân, đi giầy và tất khó khăn mà đi dép thì hay tượt.

3- Nhiều mồ hôi nách cũng là một trở ngại giao tế vì mảnh áo nơi đây hoặc ướt sũng nước hoặc hoen ố muối mặn với mùi hôi hôi, khó chịu.

4- Ðổ mồ hôi mặt, cổ, da đầu cũng thường xẩy ra khi đang ăn uống, nói trước công chúng hoặc gặp đám đông người vì xúc động, lo sợ.

5- Không có mồ hôi

Sự đổ mồ hôi bị gián đoạn hoặc trở ngại dưới tác dụng của vài loại thuốc thần kinh; trong bệnh di truyền không có tuyến mồ hôi; khi có tồn thương thần kinh tự chủ điều khiển tuyến mồ hôi; khi có nhiễm trùng tuyến mồ hôi; phỏng da nặng; khi cơ thể khô nước vì ói mửa, đi tiêu chẩy và khi bị trúng thử heat stroke.

Không mồ hôi gây trở ngại cho sự thoát nhiệt của cơ thể và đưa tới rủi ro nghiêm trọng như trong trường hợp bị trúng thử, làm việc, vận động cơ thể hoặc đi trong nắng gắt mà không uống nước đầy đủ. Nhiệt độ trong người lên rất cao, da khô, cơ thể suy nhược và có thể bị hôn mê.

Năm 2003, cả mấy trăm dân chúng thành phố Ba Lê thiệt mạng vì thời tiết nóng nắng quá mức. Người cao tuổi và trẻ em là dễ bị tai nạn này lắm. Kinh nghiệm người lái xe khi ngoài trời quá nóng thì cảm thấy uể oải, mệt mòi, buồn ngủ nên dễ xẩy ra tai nạn.

Mùi của mồ hôi

Nói tới mồ hôi thì cũng nên nói qua tới mùi của mồ hôi.

Bình thường mồ hôi không có mùi, vị hơi mặn vì có muối khoáng.

Mồ hôi có mùi là do tác dụng của các vi sinh vật lên mồ hôi mỡ lẫn chất đạm do các tuyến chất đặc apocrine tiết ra. Các tuyến này chỉ xuất hiện ở tuổi dậy thì và rất ít ở tuổi mãn kinh.

Không giống như tuyến nước eccrine có ở khắp cơ thể, tuyến apocrine lại có nhiều ở nách, bẹn, quanh cơ quan sinh dục và hậu môn, quanh núm vú. Mà những nơi này nhiệt độ thường cao, bí hơi, ẩm ướt, có nhiều lông và là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, nấm độc trú ẩn. Vi khuẩn tác dụng lên chất béo chất đạm của mồ hôi và tạo ra mùi ngạt mũi, khó chịu. Và ta có hôi nách, mồ hôi khan thum thủm ở phần kín cơ thể, mồ hôi mầu thấm vào quần áo, mồ hôi khai ở lông và tóc.

Ngoài ra cơ thể cũng toát ra mùi qua hơi thở, các chất phế thải như phẩn và nước tiểu; trong một số bệnh kinh niên. Bệnh nhân tiểu đường có hơi thở mùi trái cây hư vì hóa chất acetone trong máu lên cao; mồ hôi mùi chuột chết ở bệnh thận trầm trọng; mùi hôi của tế bào hủy hoại khi nhiễm trùng ngoài da, cơ thịt.

Ðiều trị

Nhiều người rất khó chịu, đôi khi bối rối vì đổ mồ hôi quá nhiều nhất là ở nơi dễ thấy như lòng bàn tay, nách. Bắt tay nhau mà tay ướt sũng thì cũng ngượng ngùng mà chiếc áo lụa Hà Ðông mới mua, nách áo vàng khè thì cũng khó coi lại tiếc chiếc áo vừa đẹp vừa đắt.

Cho nên trên thị trường có nhiều thuốc bán không cần toa để công chúng tiện dụng và khá công hiệu. Thuốc có thể là bôi thoa để chặn mồ hôi chẩy ra và đa số có chất căn bản Aluminum Chloride Hexahydrate.Thuốc được bôi dăm lần một tuần, vào buổi tối. Khi bớt mồ hôi thì bôi mỗi tuần một lần. Ðiều đáng lưu ý là tác dụng của aluminum không kéo dài lâu và sau đó mồ hôi có thể ra nhiều hơn.

Cũng nên phân biệt thuốc chống tiết mồ hôi (antiperspirant) và chống mùi hôi (deodorant).

Trong deodorant có kháng sinh để diệt vi khuẩn tác dụng lên chất đạm của mồ hôi và gây ra mùi khó ngửi. Ðồng thời cũng có chất làm át mùi hôi.

Thuốc antiperspirant tạo cái nút bít tuyến không cho mồ hôi tiết ra

Trường hợp khó hơn thì nên đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân và được điều trị thích đáng.

Thuốc anticholinergic như loại glycopyrrolate (Robinul, Robinul-Forte) chặn tác dụng gây đổ mồ hôi của acetylcholine.

Thuốc trấn an tâm thần, tâm lý trị liệu đôi khi cũng được dùng nếu nguyên nhân đổ mồ hôi là những xúc động, căng thẳng tinh thần.

Gần đây, độc tố botulinum (Botox) đã được chích để chặn dây thần kích thích tuyến mồ hôi. Thuốc có công hiệu khoảng 4 tháng, sau đó phải chích lại.

Giải phẫu cắt bỏ tuyến mồ hôi hoặc cắt bỏ dây thần kinh kích thích tuyến này cũng được dùng khi mồ hôi ra nhiều ở nách, bàn tay. Trước đây, để cắt bỏ dây thần kinh phải mở rộng lồng ngực. Bây giờ với phương pháp nội soi, giải phẫu giản dị hơn nhiều và bệnh nhân chỉ cần nằm nhà thương từ 12 đến 24 giờ.

Phương pháp kích thích bằng dòng điện (Iontopheresis): bệnh nhân nhúng tay vào chậu nước với một dòng điện cường độ nhẹ chạy qua, làm tuyến mồ hôi tê liệt và không tiết mồ hôi khoảng một tuần lễ.

Kinh nghiệm cổ truyền ta chữa trẻ em đổ mồ hôi trộm bằng nước lá hẹ nấu chín hoặc hạt tiêu mạch lép sắc với hồng táo uống thay trà.

Cụ Hải Thượng Lãn Ông có bài thuốc trị mồ trộm với nhân sâm, phục linh, toan táo tán thành bột.

Ðổ mồ hôi chân thì các cụ ngâm chân bằng nước trà ấm với một chút muối thô hoặc nửa tách giấm chua.

Tiểu thư khuê các Trung Hoa khi xưa bó bàn chân trong mảnh vải cho thon nhỏ thì chân có mùi hôi rất khó chịu. Họ thường xức loại nước gọi là Hương Liên Táo.

Mồ hôi nách khó chịu thì rang hàn the, tán thành bột rổi thoa vào nách.

Ngoài ra cũng nên giữ vệ sinh cá nhân, tắm rửa thường xuyên; giữ bàn chân khô ráo, thay tất mỗi ngày, đi giầy thông hơi; tránh mặc quần áo làm bằng sợi hóa chất bí hơi; tránh thực phẩm gây đổ mồ hôi; uống nhiều nước; tập luyện cơ thể khi trời mát; giữ đường huyết ở mức bình thường; nơi ở thoáng khí với quạt hoặc máy lạnh.

Trong túi luôn luôn có cuộn giấy mỏng để kín đáo thấm mồ hôi trước khi tay bắt mặt mừng hoặc mang đôi bao tay bằng sợi bông gòn có khả năng thấm nước.

Và nên tham khảo ý kiến bác sĩ ngay khi nào thấy:

*Ðồ mô hôi lâu, nhiều mà không có nguyên do, có thể do bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp…

*Ðổ mồ hôi với đau thắt ngực, có thể do heart attack;

*Ðổ mồ hôi ban đêm với mất sức nặng của cơ thể trong bệnh lao phổi.

Ðề được điều trị tới nơi tới chốn những nguyên nhân đưa tới chứng tiết mồ hôi quá nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức

www.bsnguyenyduc.com

http://www.youtube.com/user/Drnguyenyduc/videos

Tác giả: Câu Chuyên Thầy Lang, Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức

17 việc không tốt cho sức khoẻ

17 việc không tốt cho sức khoẻ

( Tác giả DươngHằng – Bài do bạn BáTrần giới thiệu)

Những thói quen thường ngày vô thức đã gây ra tổn hại đến sức khoẻ của chúng ta.  Dưới đây là mưởi bảy điều chúng ta nên tránh

1. Thức dậy lập tức gấp chăn

Bản thân cơ thể của chúng ta cũng là một nguồn ô nhiễm. Trong một đêm ngủ ngon, da của cơ thể sẽ bài tiết ra một lượng hơi nước rất lớn, làm cho chăn bị ướt ở một mức độ nhất định.

Các chất mà hệ hô hấp và toàn bộ lỗ chân lông trên cơ thể chúng ta thải ra có đến 145 loại. Các chất thoát ra qua mồ hôi có 151 loại. Chăn hút lượng nước và các chất khí này. Sau khi thức dậy nếu không để chúng tản đi, “bay” đi mà vội vàng gấp chăn lại thì rất dễ làm cho chăn bị ẩm ướt và bị ô nhiễm của chất hoá học do cơ thể đào thải ra.

2. Không ăn bữa sáng

Đừng bao giờ coi thường bữa sáng!

Những người không ăn bữa sáng thông thường ăn uống không có quy luật nên rất dễ cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt và không có sức lực. Lâu dài sẽ gây thiếu dinh dưỡng, thiếu máu, sức đề kháng thấp và có thể sản sinh ra bệnh sỏi ở mật và tuyến tuỵ.

3. Sau khi ăn đi ngủ ngay

Đi ngủ ngay sau khi ăn sẽ làm cho huyết dịch ở não chảy về dạ dày. Do huyết áp hạ thấp nên lượng ôxy cung cấp cho não cũng theo đó mà giảm đi, tạo ra sự mệt mỏi sau bữa ăn, dễ gây ra nhiệt miệng hoặc tiêu hoá không tốt, còn dễ gây ra béo phì.

Nếu cơ thể thiếu máu thì nếu sau khi ăn cơm nằm xuống ngủ ngay còn khiến cơ thể dễ bị trúng gió.

4. Ăn quá no

Ăn quá no dễ làm suy giảm trí nhớ, phản ứng chậm chạp, không tập trung… Thường xuyên ăn no, đặc biệt là buổi tối, dễ tích tụ chất béo dư thừa, mỡ máu tăng cao, dẫn đến xơ cứng động mạch nuôi dưỡng não. Hậu quả của xơ cứng động mạch não là làm cho não thiếu ô xy và thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự trao đổi chất cũ mới của tế bào não.

Thường xuyên ăn no còn sẽ dẫn đến sỏi mật, viêm túi mật, tiểu đường, làm cho chúng ta chưa già đã yếu, giảm tuổi thọ.

5. Bụng đói ăn đồ ngọt

 

Rất nhiều số liệu nghiên cứu đã chứng minh, những người có sở thích ăn đồ ngọt trong lúc đói bụng, thời gian càng dài thì lượng protein cơ thể hấp thụ càng suy giảm.

Vì protein là nguồn dưỡng chất cơ bản nên cơ thể thiếu protein sẽ trở nên ốm yếu, tuổi thọ suy giảm.

6. Ăn quá mặn

Thức ăn quá mặn thường có nhiều Natri (Na). Na đọng lại trong cơ thể dễ hình thành và làm nặng thêm bệnh tim và bệnh cao huyết áp.

7. Để râu dài

Râu tóc có thể hấp thụ các chất có hại. Vì thế khi chúng ta hít thở, những chất có hại mà râu hấp thụ sẽ có thể theo đó vào trong đường hô hấp.

Một nghiên cứu cho thấy trong luồng khí mà người có râu hít vào có hơn 10 chất có hại, trong đó bao gồm một số chất gây ung thư như: acetone, methylbenzene, phenol… Mức độ ô nhiễm không khí hít thở ở những người để râu cao gấp 4.2 lần. Nếu người để râu ở cằm và để râu quai nón thì chỉ số ô nhiễm có thể cao đến 7,2 lần.  Nếu thêm vào nhân tố hút thuốc lá, chỉ số ô nhiễm sẽ cao gấp 50 lần so với không khí bình thường.

8. Bắt chéo chân

Bắt chéo chân sẽ làm cho máu ở chân khó lưu thông. Nếu là những người mắc bệnh viêm khớp, u tĩnh mạch, đau thần kinh, tụ máu tĩnh mạch thì vắt chéo chân càng làm cho bệnh tình nặng thêm, đặc biệt là những người chân dài hoặc phụ nữ có thai, rất dễ bị tắc tĩnh mạch.

9. Nheo mắt, dụi mắt

 

Nheo mắt là nguyên nhân hình thành nên các nếp nhăn ở đuôi mắt. Nheo mắt do thói quen còn có thể làm cho cơ mắt mệt mỏi, đầu đau hoa mắt.

Khi dụi mắt, vi khuẩn gây bệnh sẽ lây truyền từ tay qua mắt, gây ra sưng viêm mắt, rụng hoặc đứt lông mi.

10. Nhịn tiểu tiện

Cố nhịn tiểu tiện dễ gây ra viêm bàng quang cấp tính, xuất hiện các chứng bụng chướng, đái buốt, đái dắt.

Khi nhịn tiểu, dịch tiểu tích trữ trong bàng quang không được bài tiết kịp thời sẽ gây ra ứ đọng dịch nước tiểu trong cơ thể. Nếu thường xuyên nhịn tiểu sẽ làm cho cơ vòng và cơ đẩy nước tiểu luôn trong trạng thái “căng thẳng”.

Nếu thời gian nhịn tiểu quá dài, lượng nước tiểu trong bàng quang không ngừng gia tăng, còn có thể làm cho nội áp dần tăng cao, thời gian dài sẽ phát sinh cổ bàng quang bị tắc nghẽn, dẫn đến các triệu chứng như đi tiểu khó, không thông suốt, hoặc tiểu dắt, đái dầm.  Khi ứ đọng dịch nước tiểu còn dễ gây ra viêm nhiễm và kểt sỏi, nghiêm trọng thì sẽ ảnh hưởng đến chức năng của thận.

11. Gục đầu lên bàn ngủ trưa

Một số người tỉnh giấc sau khi ngủ gục đầu lên bàn thấy xuất hiện triệu chứng mờ mắt một lúc. Nguyên nhân là do nhãn cầu bị chèn ép làm độ cong của giác mạc thay đổi.

Nếu mỗi ngày bạn đều ngủ theo kiểu gục mặt xuống bàn như thế thì về lâu dài thị lực sẽ bị tổn thương.

12. Nằm sấp

Nằm sấp sẽ làm cho cột xương sống bị cong, tăng thêm áp lực của dây chằng và cơ bắp, làm cho cơ thể chúng ta trong lúc ngủ vẫn không được nghỉ ngơi. Ngoài ra nằm sấp còn tăng thêm áp lực cho ngực, mặt, phổi, tim, gây sưng phù vùng mặt, trong mắt xuất hiện những đường máu đỏ sau khi ngủ dậy.

13. Không rửa mặt trước khi ngủ

Đồ mỹ phẩm và chất bẩn ở trên mặt nếu không rửa sạch thì sẽ gây ra mụn trứng cá, dị ứng da, viêm mắt, đau mắt hột.

14. Quên đánh răng trước khi đi ngủ

   

Đánh răng trước khi đi ngủ quan trọng hơn rất nhiều so với đánh răng sau khi tỉnh dậy. Bởi thức ăn thừa, vi khuẩn lưu lại trong  vòm miệng và trên răng suốt đêm sẽ ăn mòn răng rất nhanh và mạnh.

15. Ngủ dậy muộn

Ngủ “lười” sẽ kéo theo chức năng vỏ não bị khống chế. Cứ như vậy kéo dài thì sẽ gây trở ngại cho chức năng não bộ, trí nhớ sút giảm, suy giảm miễn dịch, rối loạn nhịp sinh học,  làm cho con người lười biếng, uể oải, chậm chạp, đồng thời cũng không có lợi cho hệ thống tiết niệu, khớp và cơ bắp.

Ngoài ra, tuần hoàn máu không lưu thông, dinh dưỡng toàn thân không cung cấp được kịp thời, còn ảnh hưởng đến sự trao đổi chất cũ mới trong cơ thể.

Nếu nằm ngủ hay đóng kín cửa thì sẽ khiến không khí trong phòng vẩn đục. Đến giờ dậy mà vẫn nằm trên giường rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như cảm lạnh, ho….

16. “Chuyện ấy” quá lâu

Nguyên nhân là do nó vốn dĩ là một loại kích thích mạnh. Nếu “chuyện ấy” quá dài và quá lâu, có thể làm cho hệ thần kinh trung ương thường xuyên ở trạng thái lo lắng cao độ, dễ dẫn đến làm tăng hormon bài tiết, các mạch máu thu nhỏ lại, huyết áp tăng cao, tăng nhịp tim và hô hấp….

17.  Cuộc sống quá căng thẳng

Đối với những người làm việc đầu óc, chân tay hoặc làm nghề kinh doanh, não bộ luôn phải gánh vác trách nhiệm nặng nề và thường xuyên phải lo nghĩ. Mức độ cạnh tranh càng mạnh thì tâm sinh lý của họ càng phải chịu đựng áp lực rất lớn.

Những người lao động đầu óc và chân tay quá nhiều thì khả năng phòng chống bệnh tật và mệt mỏi sẽ theo đó mà giảm đi, từ đó có thể gây ra rất nhiều bệnh tật cho cơ thể.

(Dân Trí)

Bịnh Dịch Ebola

Bịnh Dịch Ebola

Bùng phát gần 6 tháng, Ebola đã giết chết 729 người, nhiều người khác đang nguy kịch, bệnh nhân nhiễm Ebola sẽ tử vong khi máu liên tục chảy ra từ mũi, mắt, tai, miệng và bất cứ vết hở nào trên cơ thể

 

ebola
Đây là cánh tay của một bệnh nhân mắc bệnh Ebola giai đoạn cuối. Các cục máu đông bắt đầu vỡ, bệnh nhân chết vì mất máu nhiều.

Ebola tấn công cơ thể thế nào?

Virus Ebola tấn công cơ thể một cách có hệ thống, có nghĩa là nó tấn công mọi cơ quan và tế bào của cơ thể, ngoại trừ xương và cơ xương.

Theo các nghiên cứu của Trường đại học Y Pennsylvania, Ebola đã vô hiệu hóa protein tetherin, loại protein có chức năng ngăn chặn sự lây lan của virus từ tế bào này sang tế bào khác, từ đó đẩy lùi hệ miễn dịch của cơ thể.

ebola
Hình ảnh virus Ebola qua kính hiển vi.

Sau đó, chúng lấy tế bào này làm nơi sản xuất một lượng lớn virion (hạt virus). Những virion này sau đó sẽ được phóng ra để nhiễm vào các tế bào khác và ngày càng lan rộng ra khắp cơ thể.

Virus Ebola gây ra các cục máu đông nhỏ trong máu của bệnh nhân; cục máu ngày càng nhiều lên và dòng chảy của máu chậm lại. Các cục máu đông bị tắc vào các mạch máu hình thành lên các đốm đỏ trên da bệnh nhân.

Những đốm đỏ này sẽ ngày càng to khi bệnh càng nặng. Ngoài ra, chúng còn cản trở dòng máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể như gan, não, phổi, thận, ruột, mô vú, tinh hoàn…của bệnh nhân.

Đến giai đoạn cuối, bệnh nhân sẽ bị chảy máu từ miệng, mắt, tai, mũi và những vết hở trên da. Bệnh nhân sẽ chết do mất quá nhiều máu, suy thận, hoặc bị sốc.

Bệnh có tỷ lệ tử vong lên tới 90%, chưa có thuốc đặc trị và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Do đó, điều cần làm lúc này là phòng bệnh.

Dưới đây là một số biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh Ebola theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO).

1. Không ăn thịt sống

Con người có thể bị nhiễm virus Ebola khi tiếp xúc gần với máu, dịch tiết, các cơ quan hoặc những chất dịch khác của động vật bị nhiễm bênh.

Ở châu Phi, đã có trường hợp bị nhiễm bệnh khi xử lý những động vật đang bị nhiễm bệnh hoặc đã chết vì nhiễm bệnh trong rừng như: tinh tinh, khỉ đột, dơi ăn quả, linh dương, nhím…

ebola
Một bệnh nhân đang bị xuất huyết do Ebola. Ảnh: Reuters.

Thường xuyên khử trùng và dọn dẹp các trang trại, chuồng lợn, khỉ…bằng sodium hypochlorite hoặc các chất tẩy rửa khác.

2. Cách ly người bệnh

Ebola cũng có thể lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, các cơ quan hay các chất dịch khác của người bị nhiễm, và tiếp xúc gián tiếp với môi trường bị nhiễm những dịch tiết này.

Do đó, cần phải kiểm tra và tạm thời cách ly những người đã từng tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với người nhiễm bệnh. Người nhiễm bệnh cần được cách ly hoàn toàn. Đồng thời, cần có biện pháp khử trùng nơi ở, vật dụng cá nhân của những bệnh nhân đã tử vong hay nhiễm Ebola.

3. Xử lý kịp thời và đúng quy trình thi thể bệnh nhân tử vong do Ebola

Người tiếp xúc với thi thể bệnh nhân tử vong do nhiễm Ebola cũng có thể bị nhiễm bệnh. Do đó, cần xử lý kịp thời và đúng quy định về an toàn thi thể bệnh nhân bị tử vong do Ebola.

Thậm chí, virus Ebola có thể tồn tại trong tinh dịch tới 7 ngày sau khi người nhiễm bệnh đã bình phục.

4. Mặc quần áo bảo hộ y tế

Nhiều nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh khi điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm Ebola vì đã không thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo hộ y tế.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo trang web của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trang cộng đồng các chuyên gia Brighthub và trang Sciencedaily của Mỹ.

Theo infonet

Tin tức từ chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Bác sỹ người Mỹ nhiễm virus Ebola về nước

Bác sỹ người Mỹ nhiễm virus Ebola về nước

Bác sỹ Kent Brantly (trái) chữa trị cho một bệnh nhân nhiễm virus Ebola ở Liberia.

Bác sỹ Kent Brantly (trái) chữa trị cho một bệnh nhân nhiễm virus Ebola ở Liberia.

02.08.2014

Một bác sĩ nhiễm virus Ebola khi giúp những nạn nhân tại Liberia đã trở về Mỹ, trở thành bệnh nhân Ebola đầu tiên trên đất Mỹ.

Bác sĩ Kent Brantly được chở từ Liberia đến tiểu bang Georgia ở miền nam hôm nay, trên một chiếc máy bay thuê bao được trang bị các dụng cụ y tế đặc biệt.

Sau khi đến một căn cứ quân sự ở Georgia, ông được chuyển sang một xe cứu thương trong một đoàn xe đến Bệnh viện của trường đại học Emory, một cơ sở y tế tại thành phố Atlanta.

Video truyền hình từ bệnh viện cho thấy hai người ra khỏi xe cứu thương mặc bộ đồ bảo hộ màu trắng phủ toàn thân và vào bệnh viện.

Bệnh viện này là một trong 4 bệnh viện duy nhất tại Mỹ được trang bị để chữa trị những trường hợp này.

Bác sĩ Brantly sẽ được chữa trị trong một phòng cách ly hoàn toàn khỏi những khu vực bệnh nhân khác.

Bác sĩ Brantly và một người Mỹ khác là bà Nancy Writebol, là những nhân viên cứu trợ tại Liberia khi bị nhiễm virus Ebola. Virus này đã làm hơn 700 người thiệt mạng tại Tây Phi kể từ tháng Ba năm nay.

Bà Writebol sẽ đến Mỹ trong vòng vài ngày nữa và sẽ được chữa trị tại cùng một bệnh viện ở Atlanta.

Các giới chức y tế sẽ sử dụng cùng chiếc máy bay phản lực để chở bà Writebol. Chiếc máy bay nhỏ này chỉ có thể chở mỗi lần một người bị cách ly mà thôi.

Một bác sĩ Atlanta thuộc toán chữa trị cho bác sĩ Brantly cho biết ông không đồng ý về ý tưởng cho rằng virút Ebola được mang vào Mỹ.

Bác sĩ Jay Varkey nói ông xem bác sĩ Brantly như là một bệnh nhân cần được sự giúp đỡ của toán bác sĩ chữa trị.

 

Gần 12 triệu người Việt Nam mắc bệnh gan

Gần 12 triệu người Việt Nam mắc bệnh gan
July 28, 2014

Nguoi-viet.com
VIỆT NAM (NV) – Phúc trình tại Hội Nghị Gan-Mật Toàn Quốc Việt Nam lần thứ 9 diễn ra tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa cho biết, Việt Nam là một trong chín quốc gia có số bệnh nhân nhiễm virus viêm gan cao nhất vùng Tây Thái Bình Dương.

Lá gan khỏe mạnh và lá gan người bị ung thư. (Hình: Internet)

Theo Việt Nam Plus, hội nghị trên được tổ chức trong hai ngày, 26 và 27 tháng 7, 2014, qui tụ khoảng 300 đại diện các bệnh viện, trường đại học y khoa, chuyên viên trong và ngoài nước. Theo ông Ðinh Quý Lan, Chủ tịch Hội Gan-Mật, Việt Nam là một trong 9 quốc gia vùng tây Thái Bình Dương có tỉ lệ bệnh nhân viêm gan cao.

Phúc trình chi tiết của ông Nguyễn Văn Kính, giám đốc Bệnh Viện Bệnh Nhiệt Ðới, khoảng 12% dân số Việt Nam bị nhiễm virus viêm gan B, và khoảng 4% dân số bị viêm gan C.

Phúc trình vừa được công bố hồi tháng 3, 2014 vừa qua còn cho biết, có 11.5 triệu người Việt Nam có nguy cơ bị ung thư gan. Mỗi năm, vẫn theo phúc trình này, có hàng ngàn trường hợp mới bị nhiễm.

Phúc trình được báo mạng Việt Nam Plus trích dẫn khẳng định rằng, viêm gan C là một chứng bệnh không báo trước vì bệnh nhân không nhận ra triệu chứng sau khi đã mắc bệnh từ 10 đến 20 năm. Dù diễn biến khá thầm lặng nhưng chứng bệnh này lại gây tử vong cao vì nhanh chóng biến thành xơ gan, dẫn tới ung thư.

Việt Nam Plus còn dẫn phúc trình của Tổ Chức Y Tế Thế Giới – WHO nói rằng, mỗi năm thế giới có 1.4 triệu người qua đời vì bệnh ung thư gan, và xuất hiện thêm 500 người bị viêm gan, xơ gan, ung thư gan vì nhiễm virus.

Cũng theo WHO, người bị viêm gan mãn tính gặp nhiều nguy hiểm đến tính mạng, nhưng bệnh này chưa được thế giới coi là một trong những vấn đề y tế nghiêm trọng toàn cầu.

Còn theo báo Dân Trí, trung bình tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 22,000 người chết vì ung thư gan. So với số người tử vong vì tai nạn giao thông, số bệnh nhân chết vì bệnh gan cao gấp đôi. (PL)

Cao niên mà phong độ

Cao niên mà phong độ

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Bác sĩ E. F. Schmerl, chuyên khoa bệnh tâm thần người cao tuổi, đã nêu ra nhận xét rằng:

“ Có cả ngàn cửa ngõ đưa tới sự già trước tuổi và chết yểu. Một trong những cửa ngõ đó là dáng điệu ( posture ) xấu của con người”.

Các nhân vật Dần, Tỵ, Hợi trong tác phẩm “Nhà Quê Ra Tỉnh” của nhà biên khảo Đoàn Thêm, khi nói về lớp người lớn tuổi mấy chục năm về trước, thì “đều phàn nàn rằng các cụ gắng uốn nắn con cháu, mà chính mình lại có những thái độ hoặc cử động không ngoạn mục chút nào. Đi, đứng, ngồi thì bệ vệ như quan to, hoặc co ro khúm núm, hoặc nghiêm trang trịnh trọng quá đến nỗi thành cụ non từ khi ba bốn mươi tuổi. Nhiều ông mới chừng 50 đã còng lưng, bước đi thì lê gót với đôi giầy ta lẹp kẹp”.

Xin hãy cùng tìm hiểu thêm về vấn đề này.

Dáng điệu con người.

Hình dáng con người là tặng phẩm của tạo hóa, nhưng tư thế, điệu bộ là do mình tạo ra. Ta có thể thay đổi nó, kiểm soát nó.

Từ Hải với “vai năm tấc rộng, thân mười thước cao” mà nếu dáng điệu so vai rụt cổ như đệ tử Nàng Tiên Nâu thì đâu có thể “đường đường một đấng anh hào” được.

Những người mẫu thời trang đâu có phải đẻ ra là đã có dáng điệu nhẹ nhàng, thanh thoát, vững chắc. Họ phải dầy công tập luyện cũng như kiên nhẫn gìn giữ cơ thể.

Người về già, dưới sữ dầy dạn của cuộc đời, cộng thêm lực kéo của trái đất, nếu không để ý thì sẽ có dáng điệu không đẹp. Mỗi ngày lưng sẽ còng thêm như chiếc sừng trâu, mắt dán xuống đất như đang đi tìm lại tuổi thanh xuân hay nhìn về ngôi mộ, đầu gối khum khum như sắp quỵ. Nom vừa không phong độ mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ chung của con người.

Một dáng điệu tốt là khi cơ thể ngay ngắn, ít nhất cũng như dấu chấm than ( ! ), người vươn cao lên, mắt nhìn thẳng ra chân trời.

Khi đi, mỗi bước đều dài, gọn, cả bàn chân chạm đất, hai tay vung vẩy nhịp nhàng, hai vai lui tới dẻo dai.

Khi ngồi thì lưng thẳng, ngực ưỡn, bụng hơi thót vào.

Ôn lại bài học về môn cơ thể, ta thấy bộ xương sống là cái đà dọc chính giữa để toàn thân treo vào đó: các bộ phận, mô, ngực, bụng …

Bẩy đốt xương cổ, 12 đốt xương ngực, 5 đốt xương lưng, 9 đốt xương hông xếp chồng chất lên nhau qua những đĩa đệm, và được giữ trong vị trí ngay thẳng bằng hệ thống cơ thịt, giây chằng và gân bền chắc, dẻo dai.

Hai bên cạnh đốt xương, có một cái nghạnh rỗng ở giữa, tất cả tạo thành một cái ống trong đó nằm dây thần kinh tuỷ sống. Từ đó, mệnh lệnh cho toàn thân được phát ra và mang cảm giác, kích thích ngoại cảnh được đưa về não.

Bẩy đốt xương cổ còn thêm nhiệm vụ che chở cho sự lưu thông của máu lên nuôi não bộ qua hai động mạch cảnh và hai động mạch xương sống.

Lợi ích của dáng điệu tốt

Khi cổ ngay thẳng, những động mạch nuôi não bộ không bị cong queo hay thu hẹp, khiến máu lưu thông không trở ngại.

Ta biết là não bộ dùng một khối khá quan trọng máu để có đủ năng lượng hoàn tất nhiệm vụ chỉ huy, phối hợp tất cả chức năng con người. Quan sát bệnh lý cho thấy khi máu lên não giảm, người ta có thể ngất xỉu hoặc bị tai biến mạch máu não nhẹ. Nhiều người thường hay bị nhức đầu, tê ngón tay, chóng mặt chỉ vì cái cổ không ngay thẳng.

Xương sống lưng và ngực ngay ngắn thì dưỡng khí ra vào phổi dễ dàng, tim mạch tuần hoàn lưu thông, tiêu hóa dạ dầy, đường ruột không co rúm gây trở ngại ăn uống, bài tiết. Tư thế xấu cũng gây đau nhức lưng, hông, rất thường thấy ở quý vị lão niên.

Vài nhà khoa học còn cho là tư thế ngay thẳng có thêm ảnh hưởng tốt tới khả năng trí tuệ, giúp ta kiểm soát, thích nghi trạng thái tinh thần hoàn hảo cho tới khi về già.

Quan sát những bệnh nhân cao niên của mình tại bệnh viện Fairmond, San Leandro, bác sĩ Schmerl thấy quý vị khoẻ mạnh đều có một tư thế tốt, còn các vị có rối loạn về thần kinh não bộ thì dáng điệu xiêu vẹo. Ông ta kết luận là dáng điệu có ảnh hưởng tới tuổi già và ngược lại.

Nguyên do sự thay đổi dáng điệu

Câu hỏi thường được nêu lên, là tại sao khi về già, tư thế, dáng điệu người ta thay đổi?

Sức hút của trái đất trên cơ thể là một yếu tố.

Rồi đến hao mòn, thoái hóa theo thời gian của hệ thống hỗ trợ giữ thăng bằng xương sống. Các mô liên kết hư hao, cơ thịt teo mềm, chất collagen của đĩa đệm mất tính đàn hồi, dẻo dai, làm xương sống lệch lạc, mặt xương mài xát vào nhau, xệ xuống.

Ngồi lâu ở cùng vị thế khiến gân thịt co lại, làm lệch người.

Sống trong tâm trạng buồn chán, dưới đe doạ thường trực của căng thẳng khiến cơ thịt ở cổ lúc nào cũng co thắt, vai xịu xuống, mắt đăm chiêu nhìn đất.

Hoặc do trời trao cho như trường hợp gù lưng của nhân vật Quasimodo trong tác phẩm The Hunchback of Notre Dame do Victor Hugo viết.Tội nghiệp anh này vì lưng quá còng nên hơi thở khó khăn, dung tích phổi giảm, tim bị nhồi ép hoạt động kém, di động một lúc đã thở hổn hển, mệt mỏi.

Để có dáng điệu tốt
Giữ cho có một dáng điệu tốt đã là niềm ưu tư của con người từ thuở xa xưa.

Người Trung Hoa với tục dùng vải bó chân từ bé cho con gái khuê các để bàn chân đừng nở lớn như chân đàn ông. Và để khi bước đi thì uyển chuyển, nhẹ nhàng.

Dân chúng bộ lạc Mayan cho là xương sọ dẹp nom đẹp hơn vì vậy họ ép xương đầu với hai mảnh ván mỏng.

Dân Padung ở Miến Điện làm dài cổ với những chiếc vòng kim loại chồng lên nhau, đè vai thấp xuống cho cổ vươn lên như cổ hươu.

Còn ta ngày nay nếu có quan tâm giữ cho có tư thế cơ thể tốt là nhắm mục đích cải thiện sức khoẻ, duy trì biểu tượng của con người tích cực hoạt động, yêu đời.

Sau đây là một vài thế để điều chỉnh dáng điệu :

1- Dáng người khi đi, đứng.

Để có dáng ngay thẳng, ta đứng dựa lưng vào tường, làm sao cho hông, vai và đầu đụng sát lên tường. Như vậy, lồng ngực và bụng không gây trở ngại cho vai trò của các bộ phận ở trong.

Giữ dáng này cho mọi động tác đi đứng.

Nên nhớ là không đứng ngay đơ như kiểu đứng của “mấy thầy lính tập” ngày xưa với cổ ngửa nhìn trời, cản trở máu lưu thông lên não bộ.

2- Khi ngồi.

Ngồi hết mông vào mặt ghế cho thoải mái, vai và hông dựa sát thành ghế, đầu gối thư dãn di động tự do.

Trước khi ngồi, đứng quay lưng về ghế, hai chân hơi dạng ra và để gần gầm ghế, đầu gối hơi cong, ngả thân về phía trước, mông đưa về sau và đặt từ từ xuống ghế. Ngoài ra cũng cần đều đặn luyện tập vài cử động có tích cách làm thư dãn gân cốt, cơ thịt ở cổ, lưng, hông,vai, ngực và tứ chi. Nhiều người đã có lý khi nói: lưng yếu làm lưng đau.

Nguyên nhân gây rối loạn cuả dáng đi.

Sau đây là một số nguyên nhân đưa đến sự thay đổi dáng đi:

1- Biến chứng của bệnh tiểu đường, ghiền rượu, thiếu sinh tố B12.

2- Chấn thương cột tủy sống, não bộ.

3- Người bị bệnh Parkinson, như võ sĩ Mohamed Ali.

4- Phong thấp khớp.

5- Do tác dụng phụ của một số dược phẩm.

6- Khiếm khuyết thị giác và giảm cảm giác ngoài da.

7- Biến chứng của tai biến mạch máu não.

8- Không nguyên nhân: Đây là diễn tiến tự nhiên nhưng quá mức của người già khi đi đứng, với tốc độ di chuyển giảm, mất thăng bằng cơ thể, cử động kém nhịp nhàng. Khi đi, chân họ dạng ra, bước ngắn, thân ngả về phía sau nên dễ ngã, mặc dù chân không yếu, không có dấu hiệu nào chứng tỏ có sự rối loạn về thần kinh vận động.

Dáng đi của người bị những bệnh kể trên diễn ra theo một số kiểu, đôi khi đặc thù cho từng bệnh.

Có người khi di chuyển, các khớp xương hông, đầu gối và cổ chân duỗi thẳng, bước chân dang ra ngoài, đi khó khăn, chậm chạp, yếu, móng chân đôi khi quệt xuống đất. Đây là dáng đi thường thấy ở người bị tai biến mạch máu não.

Bệnh nhân bị Parkinson có những bước đi ngắn, cứng nhắc, kéo lê chân trên mặt đất. Họ cất bước khó khăn, bước đi nhanh, chậm bất thường khiến dễ ngã. Ở người này, khớp hông, đầu gối, cổ chân và khuỷu tay co lại, cánh tay ghìm sát vào thân, thân ngả về phía trước.

Trong bệnh tiểu đường, các biến chứng thần kinh khiến bệnh nhân đi không vững, thân ngả về phía trước, chân dạng ra, bước đi không mềm mại, ngắn dài khác nhau, bàn chân nhấc cao rồi đập mạnh xuống đất.

Nhiều người sau khi mổ mắt cườm, hoặc đổi kính hai tròng (bifocal ) cũng có dáng đi không vững này trong một thời gian ngắn.

Người bị bệnh phong thấp, nhất là ở hạ chi, khớp xương cứng, hao mòn, giảm mức độ cử động, cơ thịt teo yếu. Họ đi không vững, thân ngả về phía bình thường để bớt đau.

Dáng đi bắt đầu thay đổi từ tuổi ngoài 30. Khi tới tuổi cao, bước đi sẽ ngắn, bàn chân không nhấc cao lại giữ lâu trên mặt đất, nhịp đi lạch bạch, cánh tay ít đu đưa, vung vẩy, khớp vai ít nhúc nhích, thân ngả về phía trước để giữ thế thăng bằng.

Người cao tuổi thường đứng không vững khi muốn xỏ một chân vào ống quần, và vì sợ ngã, nên phải kiếm vật gì để vịn.

Hậu quả thay đổi dáng đi.

Rối loạn dáng đi là một trong những nguy cơ khiến người cao tuổi hay bị ngã, tạo ra thương tích như gẫy xương chân tay, chấn thương não bộ, đưa đến tàn tật.

Ngoài việc điều trị căn nguyên bệnh, sự phục hồi khả năng di động của bệnh nhân rất quan trọng. Có những chương trình y khoa phục hồi, làm tăng khẩu độ cử động các khớp, cũng như huấn luyện điều chỉnh dáng đi cho thăng bằng trở lại, hướng dẫn cách xử dụng xe lăn, gậy, nạng .

Ngoài ra cũng cần khuyến khích, nâng cao tinh thần của người cao tuổi hay sợ ngã, để họ tự tin hơn và đè nén sự sợ ngã khi di chuyển.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Texas Hoa Kỳ.