40 THỨ CÓ THỂ TỪ BỎ ĐỂ SỐNG MÙA CHAY VÀ SUỐT CẢ ĐỜI

40 THỨ CÓ THỂ TỪ BỎ ĐỂ SỐNG MÙA CHAY VÀ SUỐT CẢ ĐỜI

Trầm Thiên Thu,

Thứ Tư Lễ Tro là khởi đầu Mùa Chay.  Mùa Chay tới, nhiều người nghĩ phải cố gắng từ bỏ điều gì đó để bước theo Đức Kitô.  Tuy nhiên, những điều này lại thường ít ảnh hưởng đến cuộc sống, chúng ta “khôn lỏi” lắm!

Dưới đây là 40 thứ có thể từ bỏ để sống Mùa Chay.  Không phải là những thứ liên quan việc ăn uống, nhưng chúng thực sự cần từ bỏ.  Mùa Chay kéo dài 40 ngày, mỗi ngày cố gắng từ bỏ 1 điều.  Trong 40 điều này, có những điều không chỉ từ bỏ trong Mùa Chay mà phải từ bỏ suốt cả đời.

  1. SỢ THẤT BẠI– Bạn không thành công nếu chưa trải qua thất bại.  Đúng như tục ngữ Việt Nam nói: “Thất bại là mẹ thành công”.
  2. VÙNG AN TOÀN– Đó là “vùng thoải mái”, sợ khó.  Dám ra ngoài “vùng” này thì chúng ta mới có thể khám phá những điều mới lạ.
  3. CẢM THẤY HOÀI NGHI– Có lúc chúng ta nghi ngờ rằng không biết Tạo Hóa có tạo dựng nên mình hay không.  Hãy xác định như tác giả Thánh Vịnh: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.  Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!  Hồn con đây biết rõ mười mươi.  Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu.  Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy; mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự”(Tv 139, 13-16).
  4. THIẾU KIÊN NHẪN– Thời giờ của Thiên Chúa là thời giờ hoàn hảo.  Mọi thứ đều đúng hẹn, đúng kỳ theo ý Ngài tiền định và quan phòng.
  5. SỐNG ẨN DẬT– Còn hít thở, chúng ta còn sống với người khác và tương tác với họ vì Đức Kitô.  Công việc của chúng ta luôn ảnh hưởng người khác.
  6. LÀM VUI LÒNG NGƯỜI KHÁC– Không ai có thể làm vừa lòng mọi người, nhưng chúng ta phải luôn cố gắng làm vui lòng người khác, còn họ có vừa lòng hay không là phần của họ.
  7. SO SÁNH– Một là cảm thấy mình kém cỏi hơn người khác, hai là cảm thấy mình “ngon lành” hơn người khác.  Dạng nào cũng không được.
  8. TRÁCH CỨ– Chúng ta có xu hướng không dám nhận lỗi, và luôn muốn đổ lỗi cho người khác.
  9. PHẠM TỘI– Nhân vô thập toàn.  Mặc dù chúng ta là tội nhân, Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta, và Chúa Giêsu đã chết vì chúng ta.  Hôm nay là ngày mới, hôm qua đã không còn.
  10. MẤT TỰ CHỦ– Do đó chúng ta khó có thể hoàn tất công việc và làm tốt hơn.
  11. THIẾU DỰ ĐỊNH– Các quyết định khôn ngoan hiếm khi trở thành vô ích.
  12. KHÔNG MINH BẠCH – Một là không minh bạch về điều này hoặc điều nọ (khuất tất), hai là không trong sạch (nhân đức).
  13. TỰ QUYỀN– Thiên Chúa không mắc nợ chúng ta điều gì, thế giới cũng chẳng mắc nợ chúng ta điều gì.  Hãy cố gắng sống trong ân sủng và khiêm nhường.
  14. LÃNH ĐẠM– Cuộc đời có bao nhiêu mà hững hờ.  Không quý mến nhau thì cũng đừng kèn cựa nhau.  Tranh chấp nhau, giành giật nhau, hơn thua nhau làm gì?
  15. GHEN GHÉT– Hãy cảnh giác kẻo mắc lừa ma quỷ, bởi vì chúng rất ranh mãnh.  Kinh Thánh căn dặn: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác”(Rm 12, 21).
  16. TIÊU CỰC– Hãy cố gắng quan hệ hòa nhã với mọi người.  Tránh né người khác là tiêu cực, mà cũng chỉ vì chúng ta không coi trọng người khác nên mới tránh né họ.
  17. MÊ VẬT CHẤT– Hãy nhớ rằng có Thiên Chúa là có tất cả, mất Thiên Chúa là mất tất cả: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì”(Tv 23, 1).
  18. SỐNG MÁY MÓC– Càng đầu tư nhiều thì càng có lợi nhiều.  Về tinh thần và tâm linh cũng vậy.
  19. THAN PHIỀN– Đừng cằn nhằn, khó tính, than thân trách phận hoặc trách móc người khác, hãy cố gắng xử lý và giải quyết vấn đề cho thấu đáo.
  20. BẤT CẦN– Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phúc cả đời này và đời sau.  Đó là niềm vui sống. Đừng buông xuôi, bất cần đời !
  21. GAY GẮT – Đó là tự làm khổ mình, và tất nhiên cũng làm khổ người khác.  Tâm bất an thì không thể nào sống vui và sống khỏe, bệnh tật phát sinh từ đó.
  22. CHIA TRÍ– Cuộc sống có nhiều thứ khiến chúng ta chia trí, vì thế cần phải tập trung vào mục đích của mình.
  23. MẶC CẢM – Thiên Chúa không bao giờ từ bỏ chúng ta, dù chúng ta xấu xa và tội lỗi: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa thì hãy còn có Chúa đón nhận con”(Tv 27, 10).
  24. TẦM THƯỜNG– Cuộc đời chúng ta có thể không ai biết đến, không có gì khác thường, sống rất bình thường, nhưng tuyệt đối đừng sống tầm thường.
  25. GÂY CHIA RẼ – Chia rẽ là chết, đoàn kết mới sống.  Khuyến khích nhau là điều cần thiết, mọi nơi và mọi lúc:“Phải khuyến khích nhau, nhất là khi anh em thấy Ngày Chúa đến đã gần”(Dt 10, 25).
  26. BẬN RỘN– Đó là “huy hiệu danh dự” của người mê công việc mà bỏ bê những thứ cần thiết khác.
  27. CÔ ĐỘC – Có Chúa Giêsu, chúng ta sẽ không cô độc.  Ngài luôn hiện diện và đồng hành với chúng ta.
  28. BẤT HÒA – Xung đột là mối nguy cho cuộc sống, cả đời thường và tâm linh.  Xung đột xảy ra thì không thể hợp tác.  Sự cộng tác và đồng tâm nhất trí rất cần: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho”(Mt 18, 19).
  29. VỘI VÀNG– Dục tốc bất đạt.  Dù to hay nhỏ, cái gì cũng cần có thời gian, không thể một sớm một chiều.
  30. LO LẮNG– Thiên Chúa kiểm soát mọi sự, chúng ta có lo lắng cũng chẳng thay đổi được gì: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo.  Ngày nào có cái khổ của ngày ấy”( Mt 6, 33-34 ).
  31. THẦN TƯỢNG HÓA – Đừng thần tượng hóa bất cứ ai, bắt chước là ngu xuẩn, hãy cứ là chính mình!  Chỉ có Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo mà thôi.
  32. CỐ CHẤP– Cuộc sống luôn phải thay đổi để thích nghi mọi thứ.  Cố chấp là ích kỷ, là hèn nhát.
  33. KIÊU NGẠO– Thiên Chúa hạ bệ kẻ kiêu ngạo, nhưng nâng cao người khiêm nhường (Lc 1, 51-52).
  34. NÔNG CẠN – Đừng nói rằng vấn đề khó quá, chính vấn đề khó đó cho chúng ta biết Thiên Chúa vĩ đại.“Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”(Nguyễn Thái Học).
  35. ĐỐ KỴ– Người Pháp có câu nói chí lý: “Đừng vì kính mến Chúa mà chống đối người khác.” Mọi người đều là anh em và là con một Cha trên trời.
  36. VÔ ƠN BẠC NGHĨA– Cuộc sống là những ngày tháng chúng ta mắc nợ Thiên Chúa, chúng ta cũng mắc nợ tha nhân và xã hội nhiều thứ.  Do đó, chúng ta không thể không biết ơn Thiên Chúa và cuộc đời.
  37. THAM LAM– Thiên Chúa có kế hoạch riêng dành cho mỗi người: “Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu, dù ngươi không biết Ta”(Is 45, 4).  Hãy cố gắng làm trọn công việc Ngài giao phó.
  38. TỰ MÃN – Chúa Giêsu là sức mạnh của chúng ta:“Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết”(Pl 4, 13).  Có Ngài thì chúng ta mới làm được công kia việc nọ, không có Ngài thì chúng ta chẳng làm nên trò trống gì đâu: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”(Ga 15, 5).
  39. ƯU SẦU – Buồn thì cứ khóc, xong rồi thôi.  Đừng giam mình trong vòng ưu sầu.  Mọi sự sẽ qua, cứ tín thác vào Thiên Chúa: “Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ thánh danh Người”(Tv 30, 5b).
  40. CUỘC ĐỜI– Thế gian là cõi tạm, rồi sẽ qua đi.  Đừng coi nặng vật chất, kể cả cuộc sống của chúng ta, tất cả chỉ là bụi tro mà thôi.  Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời”(Ga 12, 25).

Trầm Thiên Thu,

theo Greater Things Today, Mùa Chay 2017

THANH TẨY ĐỀN THỜ

THANH TẨY ĐỀN THỜ
Mahatma Gandhi, vị thánh của dân tộc Ấn Độ, trong nhật ký tự thuật của mình, ông kể rằng khi còn theo học ở Nam Phi, ông rất thích đọc KinhThánh, đặc biệt là “Bài giảng trên núi”. Ông xác tín rằng Kitô giáo chính là giải đáp cho hệ thống đẳng cấp đã gây thương tổn cho đất nước Ấn Độ của ông từ bao thế kỷ. Ông thực sự nuôi ý định trở thành Kitô hữu.

Ngày kia, ông vào một nhà thờ để dự lễ và nghe giảng. Người ta chặn ông lại ở cửa nhà thờ và nhẹ nhàng cho ông hay rằng nếu ông muốn dự lễ, xin mời ông đến một nhà thờ dành riêng cho người da đen.

Ông ra đi và không bao giờ trở lại.

***

Tin Mừng hôm nay thuật lại Đức Giêsu xua đuổi những người bán chiên bò, chim câu và những người đổi tiền ra khỏi Đền Thờ. Chắc chắn Người không hề xua đuổi những con người thành tâm thiện chí. Nhà thờ là nơi tôn nghiêm, qui tụ các tín hữu, cử hành phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể, mọi người chung một niềm tin, một lời cầu tôn vinh Thiên Chúa. Nhà thờ chính là Hội Thánh thu nhỏ, không phải là ngôi nhà kín rào lũy cấm, trái lại phải mở rộng để đón tiếp mọi người.

Hôm nay Đức Giêsu phải xua đuổi người ta ra khỏi Đền Thờ, vì Người không muốn nơi thánh thiêng trở thành cái chợ, Người không muốn nhà Cha Người bị xúc phạm. Người thấy cần phải thanh tẩy Đền Thờ. Thái độ quyết liệt của Đức Giêsu đòi chúng ta phải xét lại chính mình.

Dường như không khí chợ búa vẫn vương vấn đâu đây: Người ta hẹn hò vào các giờ lễ, họ đi nhà thờ nhưng mắt trước mắt sau, họ lo trình diễn áo quần kiểu tóc.

Có kẻ đến nhà thờ để thắp sáng hào quang cho chính mình hơn là cho Chúa.

Có những đám cưới yêu cầu bật sáng mọi bóng đèn trong thánh đường.

Có những đám ma nhà thờ phải treo cờ tang phướn rũ như một biển tím, một rừng tang. Đồng tiền đã che mờ nét tôn nghiêm nhà Chúa.

“Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây”. (Ga 2,16). Lời bất bình đó của Đức Giêsu vẫn như còn đang nói với chúng ta hôm nay. Người muốn các nhà thờ phải là nơi thờ phượng, nơi tĩnh lặng để con người gặp gỡ Thiên Chúa. Không cần ồn ào, nặng phần trình diễn, cũng không nên máy móc, buồn tẻ khi cử hành các nghi thức phụng vụ.

Nếu mỗi thánh lễ là tái diễn Hy lễ Thập Giá của Đức Giêsu, Đấng đã yêu cho đến cùng, thì mỗi thánh lễ cũng mang một sức sống mới của Đấng Phục Sinh. Người chính là Đền Thờ mới, nơi nhân loại sẽ thờ phượng Thiên Chúa Cha cách đích thực.

***

Lạy Cha, Mùa Chay là mùa thanh tẩy các đền thờ: đền thờ vật chất là những thánh đường và đền thờ thiêng liêng là mỗi người chúng con. Xin giúp chúng con biết thanh tẩy những nhơ nhớp trong tâm hồn, hầu xứng đáng đến thờ phượng Cha trong Đền Thờ mới là Đức Giêsu, con cha. Amen!

Thiên Phúc

Ngọc Nga sưu tầm

CÁN CÂN TÌNH YÊU

CÁN CÂN TÌNH YÊU
Một linh mục thuộc giáo phận New York bên Hoa Kỳ chuyên lo mục vụ cho các tù nhân đã kể lại kinh nghiệm như sau:

Một hôm, ngài được mời đến thăm một thanh niên da đen sắp sửa bị đưa lên ghế điện vì đã giết người bạn gái của mình. Như thường lệ, mỗi khi gặp một tử tội sắp bị hành quyết, vị linh mục thường khuyên nhủ, giải tội và trao ban Mình Thánh Chúa.

Sau khi đã lãnh nhận các bí tích cuối cùng, người thanh niên da đen bỗng trầm ngâm suy nghĩ như muốn nói lên một điều gì rất quan trọng. Cuối cùng, với tất cả cố gắng của một người biết mình sắp lìa cõi đời này, anh mới thốt lên với tất cả chân thành:

– Thưa cha, con đã làm hư hỏng cả cuộc đời. Con chưa hề học được một điều gì hữu ích ngoài một điều duy nhất đó là đánh giày. Xin cha cho con được phép đánh bóng đôi giày của cha. Như thế, con sẽ hài lòng vì nhận được sự tha thứ của Chúa, bởi vì con không biết làm gì để tạ ơn Chúa trước khi con gặp lại người bạn gái của con trên thiên đàng

Và không đợi cho vị linh mục trả lời, người thanh niên đã cúi gập người xuống và bắt đầu đánh bóng đôi giày của vị linh mục… Cử chỉ ấy khiến cho vị linh mục nhớ lại hình ảnh của người đàn bà đã quỳ gối bên chân Chúa Giêsu, đổ dầu thơm trên đầu, trên chân của Ngài và dùng tóc của bà để lau chân Ngài. Chúa Giêsu đã nói với bà: “Tội của con dù có nhiều đến đâu cũng được tha, bởi vì con đã yêu nhiều”.

***

Sám hối, ăn chay, đền tội, đó là những khẩu lệnh mà mỗi người chúng ta đều nghe lặp đi lặp lại trong suốt Mùa Chay này. Theo quan niệm công bình và thưởng phạt của chúng ta, kẻ có tội ắt phải đền tội. Toà án của loài người thường cân lường tội trạng của người có tội để tìm ra một hình phạt cân xứng.

Chúng ta không thể áp dụng một thứ cán cân như thế vào trong mối tương quan giữa tội lỗi của chúng ta với sự công bình của Thiên Chúa. Nơi Thiên Chúa chỉ có một trái tim duy nhất: đó là lòng nhân từ. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và tha thứ tất cả tội lỗi của chúng ta bằng lòng nhân từ vô biên của Ngài.

Do đó, khi nói đến ăn chay đền tội, chúng ta không thể cân lường tội lỗi của chúng ta để rồi tìm ra một lượng đền tội cho cân xứng. Có hy sinh nào tương xứng được với tội trạng của chúng ta? Có án phạt nào cân xứng với sự xúc phạm của chúng ta?

Thiên Chúa không chờ đợi nơi chúng ta điều gì khác hơn bằng chính tình yêu của chúng ta. Với tình yêu, thì dù một cử chỉ nhỏ mọn cũng trở thành một lễ dâng đẹp lòng Chúa. Những gì chúng ta dâng lên Chúa, không phải là của cải chúng ta có, những bố thí chúng ta làm cho người khác, những khổ chế chúng ta tự áp đặt cho bản thân… mà chính là lòng yêu mến của chúng ta.

“Tội của con dù có nhiều đến đâu cũng được tha, bởi vì con đã yêu nhiều”.

Ước gì lời của Chúa Giêsu nói với người đàn bà tội lỗi cũng là lời ngọt ngào mà chúng ta tiếp nhận trong suốt Mùa Chay này.

***

Lạy Chúa, Chúa nhân từ đối với ai khiêm tốn, và tha thứ cho kẻ biết hối cải ăn năn. Xin soi sáng cho mỗi người chúng con biết ăn năn hối cải và tăng cường việc bác ái yêu thương, hầu chế ngự mọi tính mê tật xấu. Nhờ đó, chúng con được sạch tội, và thêm lòng sốt sắng thông phần cuộc khổ nạn của Đức Kitô, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen!

Lm. LG. Huỳnh Phước Lâm

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Hạnh phúc là gì?

From facebook:  Hằng Lê‘s post.

Hằng Lê

Hạnh phúc không nằm trên những con số hoặc trong những tờ báo cáo. Hạnh phúc là cái cảm nhận thực tế của đời sống hiện tại của mỗi con người trong môi trường sinh sống của mình. Mà đời sống thực tế của người Việt Nam ngày nay như thế nào ?. Lương tháng một người công nhân Việt Nam bình thường chỉ đủ sống tằn tiện trong hai, ba tuần, tiền học phí và các loại đóng góp cho hai đứa con đi học mỗi tháng nhiều hơn tiền lương của một công nhân. Thực phẩm thì đầy hóa chất và dơ bẩn, môi trường thì ô nhiễm. Nhà thương thì ít và thiếu chỗ nằm, hai, ba người một giường và nằm la liệt dưới gầm giường hoặc hành lang của bệnh viện. Sinh hoạt dân sự và quyền lợi chính trị thì đầy áp bức và bất cập. Viên chức chính quyền thì chỉ biết lạm dụng quyền hành để áp bức, cựa quyền, tham nhũng và hối lộ. Công an, cảnh sát chỉ biết phục vụ cho quyền lợi nhóm, bảo vệ đảng và chống lại quyền lợi chính đáng của nhân dân, họ giết người và hành hạ người dân mà không sợ bị trừng phạt. Hệ thống tư pháp không được độc lập và chỉ hành động theo chỉ thị của đảng Cộng Sản, nhà tù nhiều hơn trường học và đầy dẫy những bất công. Tù chính trị chỉ thấy đa số những người yêu nước chống ngoại xâm và vì tranh đấu cho nhân quyền và dân quyền, bất cứ đóng góp chính đáng nào của công dân cho sự tiến bộ của đất nước đều bị từ khước và có thể bị quy chụp tội chống đối nhà nước, nghĩa là có thể bị tù tội bất cứ vì lý do gì. Một đất nước mà người giàu, người giỏi tìm mọi cách bỏ nước ra đi, các du học sinh không muốn trở về cố hương sau khi thành tài và các cô gái xinh đẹp từ chối những mối tình tại quê nhà để theo một kẻ xa lạ, tật nguyền, già lão về một vùng đất xa lạ ở quê người như Đài Loan, Đại Hàn, Trung Quốc….Một đất nước mà những tên mất nhân tính chỉ biết lừa dối, phỉnh gạt, ác với dân, hèn với giặc lại được xưng tụng như những minh quân, những tên nịnh thần, a dua, dốt nát được trọng dụng và những người tài giỏi thiết tha với tổ quốc bị trù dập không thương tiếc. Một đất nước như thế mà được công nhận là một nơi đáng sống, một quốc gia hạnh phúc thì chỉ có những kẻ bị tâm thần hoặc là bọn bất lương và bọn phù thủy chính trị mà thôi.

(Người Sông Lam)

Những chiếc xe hơi mới giá rẻ nhất năm 2017

Những chiếc xe hơi mới giá rẻ nhất năm 2017

Tư Mỏ Lết

Nissan Versa Sedan 2017, chiếc xe hơi giá rẻ nhất nước Mỹ. (Hình: consumerreports.org)

Đối với sinh viên mới ra trường, người đi làm lương tối thiểu, những ai xem xe hơi chỉ là phương tiện để di chuyển từ điểm A đến điểm B, thì những chiếc xe hơi mới tinh chỉ ở mức trên dưới $15,000, tức giá chỉ tương đương xe đã qua sử dụng, nên tha hồ lựa chọn.

Tất nhiên, những chiếc xa này không thể rộng rãi, tiện nghi, và “vọt” như những chiếc xe tiêu chuẩn cao hơn. Tuy nhiên, xét về tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả, những chiếc xe giá rẻ này hiện nay đã cải thiện hơn xưa rất nhiều.

 Theo ý kiến của nhiều người lái xe có kinh nghiệm, lái xe mới tinh có cái sướng nhất là sẽ không phải lo chuyện hư lặt vặt trong tối thiểu năm năm trời. Chứ mua xe cũ, dù là những hiệu xe nổi tiếng, chỉ mới đi vài năm, cũng vẫn không yên tâm bằng. Đó là chưa kể xe cũ thì phụ thuộc vào… chủ cũ. Đời chủ trước đã “nâng niu” hay “tàn phá” xe ra sao, mình không thể biết được. Thôi thì… “cưới vợ mới” vẫn yên tâm hơn!

Trang web chuyên ngành xe hơi Autoblog giới thiệu một số chiếc xe hơi giá rẻ nhất đáng lưu ý trong năm 2017. Hãy cùng điểm qua một số chiếc xe “rẻ, đẹp, mới” đó.

1-Nissan Versa Sedan: Giá $12,855. Tức là bằng một chiếc Honda Accord, hay Toyota Camry đã qua vài năm sử dụng. Đây là giá thấp nhất cho một chiếc xe mới tại Hoa Kỳ từ trước đến giờ. Động cơ 109 mã lực, năm số tay, máy lạnh, Bluetooth, hệ thống an toàn ABS. Xem như đầy đủ tiện nghi ở mức tối thiểu cho một chiếc xe hơi. Người lái phải chịu khó quay kính xe bằng tay, và khóa cửa xe cũng bằng tay. Giá rẻ thế, thì lao động một chút, đâu có sao!

2-Mitsubishi Mirage: Giá $13,830. Theo Autoblog, chính ra chiếc xe này phải có giá rẻ nhất mới đúng. Động cơ ba xi lanh chỉ có 78 mã lực, không có Bluetooth, không có cruise control. Nó chỉ hơn chiếc Nissan Versa S Sedan ở một điểm, đó là quay kiếng và khóa của xe tự động! Vậy “cái tiện nghi này có đáng tiền hay không” thì tùy theo lựa chọn của người mua!

3-Chevrolet Spark: Giá $13,875. Chiếc này khá tương đồng với chiếc Mitsubishi Mirage về kiểu dáng, kích thước, động lực. Lý do mắc hơn $45 có thể do động cơ bốn máy 98 mã lực, Bluetooth, Android Auto, CarPlay, và có chỗ gác tay nữa. Cũng đáng tiền đó chứ! Chỉ có điều là phải trở lại tiêu chuẩn “tập thể dục” trên xe: Quay kính xe bằng tay, và khóa cửa xe cũng bằng tay.

4-Ford Fiesta Sedan: Giá $ 14,535. Với mức giá vượt qua ngưỡng $14,000, thì chiếc Ford Fiesta khá giống với các xe ở mức tiêu chuẩn bình thường. Đó là một lợi điểm đáng chú ý. Chỗ ngồi băng sau rộng rãi hơn, và có thể chở được năm người, cho dù cốp xe chứa đồ đạc chưa được nhiều. Và với động cơ 120 mã lực, chiếc xe vẫn thuộc nhóm giá rẻ này cũng có thể “vọt” không kém những chiếc xe tiêu chuẩn là bao. Thêm một ít tiền là có thể lựa chọn kiểu hatchback (năm cửa) nữa.

5-Kia Rio: Giá $15,060. Tăng giá quá con số $15,000, chiếc Kia Rio có thêm một lợi thế là hộp số tiêu chuẩn sáu số tay. Đây cũng là chiếc xe nằm trong nhóm giá rẻ có công suất động cơ lớn nhất, 138 mã lực. Đó là những đặc tính kỹ thuật hấp dẫn nhất của Kia Rio. Phần nội thất thì vẫn… tối thiểu: Quay kính bằng tay, không có chỗ gác tay.

6-Smart For Two Pure: Giá $15,400. Đây cũng là chiếc xe nhỏ nhất trên đường phố Mỹ, chỉ có hai chỗ ngồi. Đây là phiên bản thứ nhì của chiếc Smart For Two, một sản phẩm… chú lùn khá kỳ dị của hãng xe khổng lồ Mercedes. Có vẻ chiếc xe này thích hợp ở thị trường Âu Châu, nơi chỗ đậu xe vô cùng thiếu thốn, hơn là ở Mỹ.

7-Hyundai Accent: Giá $15,580. Chiếc xe này khá “đỏm dáng” theo kiểu tài tử Nam Hàn. Thích hợp cho những ai muốn tiết kiệm tiền mua xe, nhưng không muốn mất đi tất cả những tiện nghi căn bản của một chiếc xe hơi. Hyundai Accent quay kính tự động, khóa cửa tự động, băng ghế sau có thể gấp lại riêng rẽ, có jack cắm phụ cho điện thoại và máy nghe nhạc.

8-Fiat 500: Giá $15,990. Nhiều người đã tỏ ra ngạc nhiên, khi chiếc xe kiểu hatchback rất điệu đàng kiểu Ý này lại nằm trong danh sách xe cạnh tranh bằng giá rẻ. Nhưng thực ra, Fiat 500 là một chiếc xe thuộc dạng size nhỏ, và giá trên chỉ áp dụng cho loại xe hai cửa, được cho là bất tiện đối với một số người. Cũng như chiếc Smart For Two, dạng xe tí hon này chỉ thể hiện ưu điểm ở những nơi thành phố đông đúc, ít chỗ đậu xe như Âu Châu.

9-Chevrolet Sonic: Giá $16,200. Thật là ngạc nhiên khi hãng xe Hoa Kỳ danh tiếng này bây giờ cũng chen chân cạnh tranh ở phân khúc thị trường xe giá rẻ. Chevrolet được đánh giá là thích thú khi lái, và trang bị khá tiêu chuẩn. Động cơ 1.8 lít, 138 mã lực.

10-Toyota Yarris: Giá $16,530. Toyota Yarris 2017 được đánh giá là hấp dẫn hơn những chiếc thuộc thế hệ trước do kiểu dáng thể thao hơn, đẹp hơn theo phong cách Âu Châu, và được trang bị nhiều hơn. Điểm đáng chú ý của những trang bị tiêu chuẩn trong Toyota Yarris chính là ứng dụng Toyota Entune, cho phép kết nối xe với điện thoại di động. Điều này khá quan trọng đối với các tay lái trẻ. Động cơ 106 mã lực với năm số.

Nghĩ lại cũng khá ngạc nhiên, thị trường Mỹ cách đây vài thập niên chỉ chuộng những chiếc xe kềnh càng, tiện nghi tối đa, uống xăng thoải mái để chạy cho thật lẹ. Vậy mà bây giờ, phân khúc thị trường xe giá rẻ cũng đông đúc, xôm tụ, và có mặt cả những hãng xe Hoa Kỳ danh tiếng.

‘Bóng ma’ nhạc vàng

‘Bóng ma’ nhạc vàng

Tạp ghi Huy Phương

Nguoi-viet.com

(Hình minh họa: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Theo tin báo chí trong nước, vào Tháng Ba năm nay, Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn thuộc Bộ Văn Hóa Thông Tin-Du Lịch vừa quyết định “tạm thời dừng lưu hành năm ca khúc sáng tác trước năm 1975.” Đây là những nhạc phẩm đã được cấp phép trước đó, bây giờ lại có lệnh tạm dừng phổ biến.

Trong thời buổi này người ta khó để đi tìm một định nghĩa cho nhạc vàng, đã được nhìn lệch lạc qua lăng kính chính trị, nhất là sau năm 1975, sự thừa thắng và kiêu ngạo đã làm cho người Cộng Sản có cái nhìn ác độc thiếu công bình cho nền văn học tự do trước thời kháng chiến hay sau khi đất nước chia đôi, ở miền Nam. Nhạc vàng được những nhà cầm quyền miền Bắc gán ghép cho là thứ âm nhạc bệnh hoạn, sầu não, bi luỵ thiếu “chiến đấu tính.” Có người còn hồ đồ cho đó là thứ nhạc sến. Cường điệu thêm theo cách nói của Nguyễn Hữu Liêm là “cái âm điệu tủi thân bi đát,” hay là một loại “nước dừa tang thương bằng âm nhạc.”

Nhưng có lẽ chính xác hơn hết, chúng ta phải tìm đến định nghĩa của nhạc vàng của Jason Gibbs trên trang Talawas: “Âm nhạc Tây phương phi cộng sản cũng như âm nhạc thịnh hành ở đó trở thành một đối tượng quan tâm lo ngại trong chính sách văn hoá của những người cộng sản. Nhạc vàng – cái tên đặt cho loại nhạc không chính thống này – bị “gác” và cấm cho đến cuối những năm 1980…”

Sau khi đất nước chia đôi năm 1954, ở miền Bắc văn học được định nghĩa như là một công cụ cho chính trị, ca nhạc, văn sĩ được xem như là những cán bộ văn nghệ của chế độ, mệnh danh là “văn công.” Âm nhạc được mang một màu đỏ để cổ vũ tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, phục vụ chiến tranh, truyền đạt những chính sách của nhà nước, khuyến khích tình yêu lý tưởng cộng sản, cũng có cả những bài hát trữ tình, thể hiện tình yêu quê hương đất nước hoặc cổ vũ lao động, xây dựng, nhưng không rời xa việc kết nối với lãnh tụ, đảng và chính sách.

Trong suốt 30 năm “kháng chiến đã thành công,” các nhạc sĩ lãng mạn lừng lẫy một thời không di cư vào Nam được, chấp nhận lột xác, kiểm thảo về quá khứ sai lầm, lên án các tác phẩm của mình để sống còn. Sau phong trào Nhân Văn Giai Phẩm nhạc tiền chiến bị cấm hẳn. Loại nhạc được lưu hành tại miền Bắc trong thời kỳ 1954-1975, được gọi là nhạc đỏ. Suốt 30 năm, miền Bắc không có nổi một bản nhạc ca tụng tình mẹ, cho tình yêu, nếu trước đó chưa chịu chia phần cho đảng! (*)

Ở Hà Nội năm 1971, một vụ án liên quan đến “nhạc vàng” được xem là “nghiêm trọng,” đó là vụ án “Toán Xồm – Lộc Vàng,” miền Bắc kết án những người này chủ trương phổ biến “văn nghệ đồi truỵ,” dùng các bản nhạc vàng bi quan, sầu thảm, lả lướt, lãng mạn để truyền bá lôi, kéo thanh niên…” Kết quả là hai người đàn ông, một chịu bản án một người 10 năm, một 15 năm tù. Một người còn sống, một người đã chết ngoài đường phố sau khi mãn hạn tù đày.

Tại miền Bắc, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với sự lãnh đạo của đảng Lao Động Việt Nam, tân nhạc cũng như điện ảnh, có nhiệm vụ chính là cổ vũ chiến đấu. Dòng nhạc “cách mạng” chiếm vị trí độc tôn, các nhạc sĩ lãng mạn hầu như không còn sáng tác.

Với đường lối cộng sản, ảnh hưởng âm nhạc của Trung Quốc và Nga ngày càng sâu đậm theo tỷ số ngày càng cao của các nhà soạn nhạc được gởi đi du học ở các nước cộng sản. Sau Tháng Tư, 1975, dân miền Nam, lần đầu tiên được nghe loại nhạc mang âm hưởng Trung Quốc, líu lo, được các giọng tenor và soprano hát như “Cô Gái Vót Chông,” “Bóng Cây Kơ-Nia,” “Tiếng Đàn Ta Lư…”

Ở miền Bắc người ta đã nghe thấy hàng chục bản nhạc ca tụng lãnh tụ Hồ Chí Minh và “đảng Cộng Sản quang vinh” ra rả trên đài phát thanh và truyền hình suốt ngày. Các nhạc sĩ mẫn cán dưới thời lãnh tụ Tố Hữu ra sức bình sinh, viết một hai bài dâng bác và đảng để biểu diễn lòng trung thành tuyệt đối, được lòng tin cậy của đảng, lại có thêm chút tem phiếu! Nếu Tố Hữu có 50 bài thơ viết về bác và đảng thì đàn em cũng phải có một hai bản nhạc ca tụng lãnh tụ và “đảng quang vinh.” Đó là “Việt Bắc nhớ Bác Hồ” (Phạm Tuyên), “Hồ Chí Minh Đẹp Nhất Tên Người ” (Trần Kiết Tường), “Đôi Dép Bác ” (Văn An), ” Nhớ Ơn Hồ Chí Minh” (Tô Vũ), “Lời Ca Dâng Bác ” (Trọng Loan), “Trồng Cây Lại Nhớ Đến Người” (Đỗ Nhuận), v.v… hay “Chào Mừng Đảng Lao Động Việt Nam” (Đỗ Minh), “Dưới Cờ Đảng Vẻ Vang” (Lưu Hữu Phước), “Vững Bước Dưới Cờ Đảng” (Phạm Đình Sáu), “Tiến Bước Dưới Cờ Đảng” (Văn Ký), “Dâng Đảng Quang Vinh” (La Thăng), “Từ Khi Có Đảng” (Nguyễn Xuân Khoát)…

Trong không khí ấy, người dân miền Bắc, nhất là lớp tuổi đi theo kháng chiến khi đã có trí khôn, bắt đầu tiếc nuối thời tiền chiến mơ mộng và thèm khát nói lên tiếng nói chân thật của trái tim. Người dân miền Bắc, qua những chiến lợi phẩm mà con cháu họ mang về từ miền Nam với những cuốn băng và cái máy cassettecủa “bọn đế quốc,” những bản nhạc, mới nghe qua, khá lạ lùng về lời ca, nhạc điệu, nhưng thật sự là gần gũi làm rung động tâm hồn của họ. Đó chính là loại nhạc vàng vẫn thường nghe nhà nước tuyên truyền là bệnh hoạn và vô cùng độc hại!

Người ta kể chuyện sau khi vào thăm Sài Gòn sau năm 1975, món quà quý nhất mà nhà thơ Huy Cận mang về Bắc là băng nhạc cassette thu thanh băng nhạc “Ngậm Ngùi” thơ của ông, do Phạm Duy phổ nhạc, với tiếng hát của nhiều ca sĩ miền Nam. “Ngậm Ngùi” là bài thơ trước chiến tranh, mà chế độ miền Bắc đã khai tử, người lớn không ai còn nhớ, và trẻ con chưa hề biết!

Cũng không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây, nhiều ca sĩ hải ngoại đã thay phiên nhau về nước hát nhạc vàng, và đã được người trong nước đón nhận khá nồng nhiệt. Chương trình của những ca sĩ hải ngoại như Tuấn Vũ, Thanh Tuyền, Giao Linh, Khánh Hà, Phi Nhung, Hương Lan, Ý Lan… tổ chức với mật độ dày đặc và thường xuyên hơn ở Hà Nội và Sài Gòn. Thái độ thích nghe loại nhạc này của trong nước thu hút nhiều ca sĩ hải ngoại về hát. Nhiều công ty ca nhạc trong nước cũng phấn khởi với những chương trình ca nhạc bán hết vé của các ca sĩ hải ngoại. Đó là nỗi khao khát được nghe loại nhạc vàng “bệnh hoạn” “độc địa” của một thời để giải toả cái khộng khí u uất giam cầm của những loại nhạc ca tụng lãnh tụ và đảng.

Có bao nhiêu bài hát được ca sĩ hải ngoại về hát ở trên sân khấu trong nước, đã được “cho phép” hay “bị cấm,” khó ai có thể kiểm chứng được, nó tuỳ lúc, tuỳ thời, tuỳ người và tuỳ…tiện. Vì “tuỳ tiện” nên nhiều ca khúc bị cấm mà người ta không hiểu vì sao bị cấm. Mỗi lần mùa Xuân tới, bản “Ly Rượu Mừng” dân chúng hát nát ra mấy chục năm nay để thay cho loại nhạc “mừng Xuân, mừng Đảng,” mà cho tới nay chính phủ mới cho phép dùng. Nhưng hãy coi chừng, một ngày kia, chính quyền nhức đầu sổ mũi lại cấm hát thì biết thếnào mà lần! Để ăn chắc, mỗi lần đang hát thì bị công an lên sân khấu lập biên bản, từ nay cứ làm đơn xin duyệt, mỗi lần xin duyệt tốn thêm chút cà phê, thuốc lá; nhưng đã có cái khuôn dấu rồi, vẫn chưa ăn chắc, vì chính quyền, tổ chức, vốn ba đầu sáu tay, rừng nào cọp nấy! Cũng có cô ca sĩ và bài hát được xử dụng ở Hà Nội những không được trình diễn ở Huế.

Chính quyền Cộng Sản lại là những anh nhát gan, sợ ma. Thôi thì vì trào lưu thanh niên trong nước muốn mặc quân phục VNCH, hát nhạc thời chiến trước năm 1975, thì ta cấm hẳn nhạc lính đi, nhưng vì sao cứ nói đến mùa Thu là ngại người ta nhớ đến ngày cướp chính quyền. Mùa thu chết của Phạm Duy lấy ý từ bài thơ của nhà thơ Pháp Apollinaire (1880-1918) thì theo Nguyễn Lưu, bài này là “đỉnh cao chống Cộng của Phạm Duy, với một bút pháp sâu cay, đểu giả…”

Ngay như những công dân chính thức CHXHCN Việt Nam là Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, người đã được nhà nước Cộng Sản vinh danh, đặt tên đường, một số nhạc của họ giờ này vẫn chưa được phép phổ biến, nghĩa là đang còn bị xếp loại cấm hát. Theo BBC, mặc dầu Phạm Duy đã trở về Việt Nam định cư từ năm 2005, tuy nhiên, cho tới nay, mới khoảng 1/10 số bài hát của ông được phép biểu diễn ở trong nước. Với Trịnh Công Sơn, bài “Nhớ Mùa Thu Hà Nội,” cũng bị cấm hai năm, những người Cộng Sản “chẻ sợi tóc làm tư” để tìm những gì mà họ cho là ẩn ý trong từng lời hát!

Nhạc vàng đi ngược lại đường lối, chủ trương của đảng, ru ngủ làm mất sức sản xuất, lao động và học tập của dân chúng, hay là chỉ vì nó dễ ghét, vì lòng ganh tỵ vì được quá nhiều người thích.

Lấy kính hiển vi soi rọi vào năm bài hát vừa bị cấm hay mới bị cấm trở lại, thấy cũng không có lính, không có cờ, không có mùa Thu mà vẫn bị cấm, nên trên facebook có người mới hát nhại rằng: “Có đường không cho đi, cấm đi người vẫn đi, hỏi tại sao cấm đi?”

Chuyện buồn cười hơn là cả một bài hát vớ vẩn, “Đừng Gọi Anh Bằng Chú” của Diên An, cũng bị lên danh sách cấm. Thì ra đây là chuyện thù vặt, bài này nguyên là của nhạc sĩ Anh Thy, một quân nhân hải quân VNCH, tác giả những bài hát lính như “Hải Quân Việt Nam,” “Hải Đăng,” “Hoa Biển,” “Lính Mà Em,” “Tâm Tình Người Lính Thuỷ…” Có lẽ vì gặp khó khăn với chế độ trong nước, nên ca khúc này được đổi tên tác giả là Diên An. Cái tồi của trong nước là không dám nói thẳng vì Anh Thy là lính VNCH nên bản nhạc phải cấm. Anh đã là lính VNCH thì dù anh có viết những bài không dính líu gì đến lính, tôi vẫn cấm anh! Đó là đường lối chủ trương “hoà hợp hoà giải minh bạch” của đảng!

Có những thứ đã chết mà người ta tôn vinh, xây lăng cho nó, nó vẫn chết, nhưng có những thứ người ta muốn chôn vùi, huỷ hoại, nó vẫn đội mồ sống dậy.

________________________

(*)Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ.

Anh dành riêng cho đảng phần nhiều.

Phần cho thơ và phần để em yêu… (Tố Hữu)*

NHỮNG NGÀY ĐẦU TIÊN ĐẾN NƯỚC MỸ

Những Ngày Đầu Tiên Đến Nước Mỹ

08/03/200700:00:00(Xem: 150866)
  • Phùng Văn Phụng
  • Vietbao.com
  • Tác giả Phùng văn Phụng, định cư  tại Mỹ theo diện HO đã13 năm. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là nhìn lại những khó khăn buổi đầu. Mong ông sẽ tiếp tục viết và vui lòng bổ túc dùm sơ lược tiểu sử và địa chỉ liên lạc.

*

Mới đến Mỹ chừng một tháng bà xã tôi đã cự nự:

– Tôi đã bảo đi Mỹ mà làm gì, ở nhà buôn bán rần rần, đang sung sướng,  bây giờ qua đây, ngồi ” trông ngốc ” trong phòng này như ở tù.” Bà xã tôi than phiền như vậy.

Tôi cứng họng không biết trả lời ra sao”

Bà xã nói tiếp:

– Đi lên Tulsa ở tiểu bang Oklahoma với Hồng Thu, kiếm chuyện gì làm ăn, vô hảng nào cũng được chứ ở đây làm gì để sống đây””  Bà xã tôi cự tôi, đòi lên tiểu bang miền Bắc, ít người Việt, nhiều hảng xưởng may ra dễ tìm việc làm, có chỗ nào, hảng nào  mướn, làm gì cũng được. 

Tất cả chúng tôi gồm có sáu người, hai vợ chồng bốn đứa con, hai trai, hai gái chen chút trong “apartment” hai phòng ở đường Town Park thành phố Houston, Texas ; cuối tháng lảnh tiền trợ cấp của chánh phủ Mỹ trả tiền mướn phòng và nhận ” food tem ” để đi chợ cũng chỉ vừa đủ chi dùng trong tháng. Sau 8 tháng hết trợ cấp thì sống làm sao đây” tiền đâu trả tiền mướn nhà, tiền đâu mua thức ăn, trả tiền điện thoại v.v.”

Đó là câu hỏi thường xuyên trong đầu óc các thành viên trong gia đình tôi trong những ngày bước chân lên đất Mỹ .

                         *

Khi tôi được trả tự do từ trại tù Nam Hà đầu năm 1983, tôi đã nộp đơn chui qua tòa Đại sứ Mỹ ở Thái Lan để xin tỵ nạn, bà xã tôi và thím tư mỗi lần gặp tôi cứ chọc quê tôi và nói đùa  rằng: “lo làm ăn không lo chỉ lo chuyện mò kim đáy biển”. Tôi cũng có cảm tưởng như thím tư tôi nói nhưng hy vọng vẫn nhen nhúm dầu rất nhỏ trong lòng tôi cũng như vợ và các con của tôi đang sống trong khó khăn, cực nhọc và tôi thì đang bị mất quyền công dân. Từ năm 1983 tới năm 1990 đa số bà con cho rằng thành phần đi “cải tạo” về, những người được thả từ trong tù, trong trại cải tạo mà được đi Mỹ là chuyện “mò kim đáy biển.”  

Cho nên khi tất cả gia đình chồng vợ và các con đã lên được máy bay và khi máy bay cất cánh rồi vào cuối năm 1993, tôi mới biết rằng gia đình tôi thực sự được đi Mỹ, rời khỏi quê hương yêu dấu nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên thành người.

Ai mà không khỏi đau lòng khi rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún, xa cha mẹ, xa bà con, dòng họ, xa anh chị em ruột thịt, xa bạn bè thân thương, xa những học trò cũ hàng ngày thường gặp mặt. Vậy mà phải rủ bỏ tất cả để ra đi. Đang buôn bán làm ăn, công việc đang trôi chảy phát đạt, phải sang lại cho người em ruột.

Tại sao phải dứt khoát ra đi” Tại sao không ở lại khi đang làm ăn được” Quyết định nào cũng có những khó khăn và quyết định ra đi càng khó khăn gấp bội. Nếu được đối xử tử tế, bình thường như bao nhiêu người dân khác thì đâu có ai phải bỏ nước ra đi. Người dân miền Nam còn không được đối xử bình thường, được xem như kẻ bị trị bởi người cùng nòi giống, huống hồ là  người đã từng chống đối lại họ.

                   *

Một hôm phòng bên cạnh có người cần khiêng đồ đạc trong nhà như bàn ghế, tủ giường v.v lên xe để di chuyển. Họ thấy gia đình tôi có hai cháu thanh niên nên gọi đi khiêng đồ đạc giúp. Tôi mới khiêng được mấy lần đã thấy nôn nao trong bụng, muốn ói vì khiêng nặng không quen. Hôm đó được mấy chục đô la coi như lần đâu tiên kiếm tiền ở nước Mỹ bằng nghề khuân vác. 

Chú thím tư cùng người cháu bà con là người bảo trợ, đã  đi xin các bạn bè giường ngủ để ở hai phòng, có máy truyền hình cũ ở phòng khách cho nên khi vào nhà ở đường Town Park đã thấy rất ấm cúng. 

Hình dung lại trước khi ra đi, sáng thứ bảy, đến sở nhà đất để lấy giấy tờ chứng nhận không thiếu thuế, phải đợi cho đến chiều tối khi giấy tờ họ đã có, để ở trên bàn nhưng họ không chịu đưa, cho nên phải ngồi ngoài sân mà đợi. Họ đòi tiền mà tôi không biết và lúc đó thật ra cũng không dám đưa vì có thể bị họ cho rằng mình đưa hối lộ sẽ làm khó dễ giữ mình ở lại  thì phiền phức vô cùng. Nhưng cuối cùng rồi cũng phải chi cho họ một ít tiền mới lấy được giấy tờ để  lên máy bay vào ngày hôm sau.  Tôi nhận được giấy báo đình chỉ chuyến bay ngày thứ năm vì không có giấy chứng nhận không có chủ quyền nhà. Tới tối thứ bảy tôi mới lấy được giấy chứng nhận này. Trong mấy tháng trước khi ra đi vì quá lo lắng, tôi bị bịnh cảm liên tục, không ăn uống được phải uống thuốc thường xuyên mà cũng không hết. 

Qua một chuyến đi dài lần đầu tiên đến Mỹ tôi cứ suy nghĩ miên man qua Mỹ làm sao mà sống đây” Mình không có nghề nghiệp chuyên môn nào cả, muốn trở lại nghề dạy học cũng phải mất bốn hay năm sáu năm nữa học lại Anh văn, học lại chuyên môn về giáo dục, mà mình cũng đã hơn năm mươi tuổi rồi sau khi học ra trường chắc gì ai mướn mình đi dạy đây”

 Tôi suy nghĩ: mình chưa bao giờ lái xe hơi, làm sao học lái và chạy xe đây.”

Cháu Trung con anh Xin chở áo quần, đồ đạc lỉnh kỉnh từ phi trường Hobby về bằng xe truck. Hôm đi đón có anh Độ bạn cũ ở quận 8 Sài gòn, vợ chồng chú tư và các con, vợ chồng Lẫm và các con, đến quán Ba Lẹ có thêm Đoàn Hữu Đức là cháu thầy Đoàn văn Nghĩa, thường gọi là ông Đốc Nghĩa (thầy dạy Pháp văn của tôi lớp 6, lớp 7 ở trường trung học Cần Giuộc khoảng năm 1957-1958 ), lúc đó tôi mệt quá sau cuộc hành trình dài hơn 24 giờ đồng hồ. Thấy bà con đông đảo đến đón, thật là đượm tình nghĩa anh chị em, bạn hữu quá sức tưởng tượng của tôi.

Khi vào căn nhà do Lẫm mướn cho ở đường Town Park là một chung cư có nhiều dãy nhà sát liền nhau, xung quanh đa số là người Mỹ da đen chỉ có một ít người Mễ làm cho tôi thấy lo âu, cảm thấy hơi sợ.

 

*Đi tìm trường học Anh văn.

Mới qua Mỹ chưa có xe hơi phải đi bằng xe bus. Từ nhà muốn đến trường phải đi bộ một đoạn đường khoảng một cây số mới tới được đường chính là Bellaire rồi từ đó đón xe bus đi đến đường Cookin mới có lớp ESL. Có người bạn cho biết có trường dạy Anh văn miễn phí nếu xin trợ cấp của chánh phủ ở gần đường Chimney Rock và Gulfton. Tôi không biết rõ trường nằm phía nào nên khi xuống Bellaire tìm được Gulfton rồi thay vì đi bên phải một đoạn đường ngắn là đến trường Đại học cộng đồng, tôi đi về phía trái cùng với con trai là Quốc đi hơn nửa giờ mà không tìm được trường đến nỗi Quốc mệt quá, cự nự, đành phải tìm đường trở về nhà.

Muốn đi học tiếp để có thể nói được tiếng Anh nên tìm trường để học. Học ESL cùng với các em, các cháu khoảng chừng ba mươi tuổi chỉ cần vài tháng các em nói tiếng Anh khá nhanh, còn tôi viết thì đúng văn phạm nhưng nói thì cứ ngọng, có nói được câu nào cho trôi chảy đâu. Phân vân giữa đi học tiếp và đi làm. Đi học thì có thể xin vay tiền đóng học phí nhưng không làm ra tiền để trả ” bill “. Nếu bây giờ học lại phải mất mấy năm nữa, già rồi ai mướn đây” Làm sao làm ra tiền để có cuộc sống ổn định”.

* Làm cho tiệm grocery

Tôi đi tìm việc làm, nộp đơn ở tiệm fast food “Jax in the Box” ở đường Gessner, nộp đơn ở hảng làm điện tử, ở hảng sản xuất vàng, vào chợ Auchun nộp đơn xin bán hàng hay làm bất cứ nghề gì cũng được nhưng ở đâu người ta cũng không nhận. Lý do tuổi đã lớn trên năm mươi, không có ” back ground ” quá khứ làm việc ở Mỹ, nói tiến Anh không thông thạo, không có nghề gì chuyên môn. Cùng với con gái là Uyên Phương đi nộp đơn ở hảng K.Tec, hảng làm điện tử, con gái được nhận đi làm, còn tôi thì không. Đi nộp đơn ở hảng chuyên làm vàng mà chú tư đang làm hảng cũng không nhận.

Đành đi fill hàng cho tiện Grocery ở đường Dairy Asford. Sáng sớm mặc áo lạnh đi bộ từ nhà ra bến xe bus khoảng hai dặm, đứng đợi xe bus chừng 10, 20 phút, xe bus chạy khoảng 15 phút, xuống xe bus, lại đi bộ khoảng hai dặm đến chỗ làm. Bửa nào gặp mưa gió, trời lạnh mùa đông, gió rít từng cơn, gió rét căm căm mới thấy nỗi lòng nhớ nhung quê hương, nhớ bà con, nhớ ba má, anh chị em bạn bè v.v. của người xa xứ. Rồi khi vô chỗ làm cần phải đeo kính để đọc tên của món hàng, sắp xếp hàng hóa lên kệ tủ, nên làm khá chậm chạp không bằng những người trẻ không đeo kính. Do đó anh Vương, chủ tiệm bảo: “Sao chú làm chậm quá vậy, mai về nghỉ đi.”

Tôi làm cho tiệm Grocery khoảng hai tuần lễ thì mất việc.

* Đi làm tiệm sang băng nhạc.

Bà xã thấy tôi không có chuyện gì làm nên nhờ người quen giới thiệu đi làm ở tiệm sang băng nhạc ở trong khu chợ Hồng Kông 1 ở đường Gessner. Nghề máy móc tôi đâu có biết vì gốc gác là thầy giáo chỉ biết đi dạy học mà thôi. Khi sang băng dĩ nhiên rất chậm chạp thời gian làm việc từ 10 giờ sáng cho đến 8 giờ tối. Tiền lương mỗi tháng được trả là 600 đô la.  Ngày đầu tiên tôi đến làm việc đã được em của bà chủ hay là em của ông chủ” hạch sách ngay.

Anh ta nói: ” Ở Việt Nam sướng quá mà qua đây làm gì cho khổ.” Đi qua đây chỉ có nước đi làm công, làm mướn chứ làm được gì”

Tôi tức lắm nhưng không muốn tranh luận  với anh này làm gì. Khi thấy tôi lớ ngớ đứng không biết làm gì thì anh ra lịnh ngay:

“Anh phải lau bàn ghế,lau tủ cho sạch sẽ đi chớ “.

Tôi vội vả cầm khăn lau bàn ghế, lau tủ kiếng, sau một lúc anh bắt tôi sang băng cải lương, phim chưởng, phim Trung Quốc  để cho mướn.

Anh đâu có hiểu rằng tôi ra đi là vì tôi không thể sống với Cộng Sản được. Tôi là kẻ từng chống đối với chế độ, một con người bị để ý, canh chừng. Làm sao sống được khi mình luôn luôn bị nghi ngờ, bị thường xuyên theo dõi. Một lần tôi đến thăm anh Ngọc, trước cũng ở trong Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến thì công an khu vực đã hỏi anh Ngọc: ” Ông Phụng đến nhà anh làm gì đó. Có âm mưu gì không”” Anh Ngọc sợ quá bảo :  “Thôi anh đừng đến thăm tôi nữa, công an khu vực hỏi thăm tôi về anh đó. Hắn hỏi anh đến đây là gì, bàn tính, âm mưu chuyện gì “

Một số bạn bè sĩ quan thường đến thăm tôi thì công an khu vực hỏi thăm ông bảy Bích là tổ trưởng ở sát bên nhà: ” Anh thấy ông Phụng thế nào.” Tại sao nhiều sĩ quan chế độ cũ cứ đến thăm và theo ông thì ông Phụng này có tính toán chuyện gì chống đối nhà nước không”

Ông tổ trưởng phải trả lời là ông Phụng có giấy tờ đi Mỹ rồi còn tính toán chuyện gì nữa. Nói như vậy nhưng anh công an khu vực có  tin điều đó không”

Lúc nào tôi cũng lo âu, hồi hộp không biết bị bắt lại bất cứ lúc nào. Thường xuyên tôi bị theo dõi.

* Đi bán bảo hiểm

Tình cờ nói đúng hơn là  Thiên Chúa sắp xếp, tôi gặp ông Đoàn Hữu Đức vừa mới mở văn phòng Đoàn Agency nên rất cần người. Tôi đã phải thi 8 lần mới đậu bằng “group one” để được bán bảo hiểm. Mất gần một năm trời mới xong bằng và được tiểu bang chấp nhận cấp giấp phép hành nghề. Đoàn Hữu Đức là cháu ông Đốc Nghĩa, dạy pháp văn  trường trung học Cần Giuộc.

Những ngày đầu đi làm, đi bán bảo hiểm là một thách đố lớn. Nhiều khi bị trời mưa tầm tả cũng phải cố gắng đến nhà bà con vì mình lỡ hẹn rồi. Có khi đến nơi rồi tìm không ra nhà dưới trời mưa không dứt hột, cũng phải đi kiếm địa chỉ của khách hàng, vì Apartment ở khu làng Park Place phòng này sát với phòng kia nhưng cách một dãy nhà thành ra tìm không ra. Kiếm nhà không được, đi dưới trờì mưa đến cây xăng gần đó dọc Freeway  South45 và đường Broadway, bỏ 25 cents vào điện thoại công cộng để hỏi anh chỉ giùm căn nhà đó chỗ nào”. Sau khi anh bạn mình chỉ thì mình mới biết rằng mình cũng vừa đứng ở chỗ đó vậy mà không thấy được số nhà vì lúc đó trời đang mưa mà ban đêm, trời lại tối nữa. Sau khi bán đươc anh chương trình bảo hiểm 25,000 đô la, hảng đã thuận đem “policy” là sổ hợp đồng hay giao kèo đến cho anh thì anh lại không nhận, công của mình đã trở thành vô ích, nhưng lâu lâu mới gặp trường hợp như thế chứ nếu ngày nào cũng như vậy chắc đã bỏ nghề đã từ lâu.  

Tôi có cái hẹn vô nhà người khách hàng để giới thiệu chương trình bảo hiểm nhân thọ. Tôi đang giải thích nhu cầu bảo hiểm cho người con vừa mới mua nhà, nếu có mệnh hệ nào thì vợ làm sao có tiền để trả nợ  nhà. Tôi chỉ mới hỏi vài câu và vừa mở máy computer ra; người cha từ bên kia đường bước qua lớn tiếng nói với người con: ” Mầy đi qua đây ăn cơm. Không được mua bán gì hết. Đến đây để lường gạt con tao hả”.”

Thấy không khí có vẻ căng thẳng, tôi gấp máy computer lại, bước ra khỏi nhà, mở cửa xe sẵn có mấy tờ báo trên xe, tôi lấy hai cuốn báo đem đến cho người này.

–   Cháu xin gởi bác hai tờ báo này “

–  Đi đi , đi đi  tao kêu cảnh sát bắt mầy bây giờ, đến đây để dụ dỗ, gạt gẫm con tao hả.”” . Lần đầu tiên tôi bị cự nự dữ dội như vậy. Hết sức tức giận nhưng tôi cố gắng tự trầm tỉnh, mở máy xe, hít thật dài hơi và tự nhủ: ” tự nhiên bị hiểu lầm, bị cự nự vô lý, nếu mình giận ông này mình cũng điên như ông ấy vậy. Thôi bỏ qua đi. Tai nạn nghề nghiệp mà. Tuy nhiên phải mất hơn mười phút tôi mới lấy lại được bình tỉnh mà lái xe về văn phòng.

Một lần khác ghé nhà một người quen do anh Tommy làm nghề bán xe hơi giới thiệu, vừa bước vô nhà, mới hỏi thăm sơ sơ về hoàn cảnh gia đình, bà vợ đứng ở bếp đang nấu ăn, nói lớn tiếng:

– Mấy thằng bán bảo hiểm là những thằng lường gạt, tôi mua bảo hiểm mấy năm trước ở Cali, bây giờ tăng giá, lúc mua nó không nói. Tôi đã bỏ rồi không đóng tiền nữa. Toàn là những đứa lường gạt.”

Vì mới vào nghề bảo hiểm tôi chẳng biết phải trả lời thế nào, cứng họng, vội bỏ tài liệu vào cặp và rút êm ra khỏi nhà anh chị này mà trong lòng tức tối lắm vì chị quơ đủa cả nắm ai làm nghề bảo hiểm đều xấu xa cả. Chị ấy chửi mình mà mình chẳng biết trả lời ra sao.

 

* Kết: Tạ Ơn.

Hơn mười ba năm trôi qua từ tháng 11 năm 1993, hiện tôi đã và đang sống trong nghề bảo hiểm hơn 12 năm. Có ba cháu lập gia đình. Có ba cháu ngoại và một cháu nội. Bà xã tôi dứt khoát không muốn về Việt Nam ở luôn nếu có về chỉ muốn ở một, hai tháng như đi du lịch mà thôi vì các con, các cháu đều hiện sống ở Houston, Texas.

Tạ ơn Thượng Đế ban gia đình của con, các con, các cháu đều khỏe mạnh và bình an. Xin cám ơn nước Mỹ, chánh quyền và người dân Mỹ đã chấp nhận gia đình chúng tôi đến định cư ở quốc gia này như là một quê hương thứ hai của tôi.

Phùng văn Phụng

THÁI ĐỘ CHÍNH TRỊ, LÀM CHÍNH TRỊ VÀ QUAY LƯNG VỚI CHÍNH TRỊ

THÁI ĐỘ CHÍNH TRỊ, LÀM CHÍNH TRỊ VÀ QUAY LƯNG VỚI CHÍNH TRỊ

FB Nguyễn Thị Bích Ngà

25-3-2017

Đặt ra một trường hợp cụ thể là: xã hội lo sợ về thực phẩm bẩn. Bẩn từ con cá bị nhiễm hóa chất do các nhà máy xả thải, bẩn từ nguồn nước nhiễm hóa chất từ đồng ruộng bón quá nhiều thuốc trừ sâu, phân hóa học.. Bẩn từ hạt gạo tới cây rau, củ quả.. Và ta thấy:

– Thực phẩm bẩn có liên quan đến chính trị không? Có. (Vì sao có thì ở đây khỏi giải thích thêm hén vì dài quá, hôm nào mình sẽ viết sau.)

– Khi xác định thực phẩm bẩn có liên quan tới chính trị thì ta giải quyết thế nào?

1. Lên tiếng phản đối các chính sách của chính phủ hoặc sự quan liêu của chính phủ, hoặc cách làm việc tắc trách của quan chức chính phủ…làm cho xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan. Đó là thể hiện THÁI ĐỘ CHÍNH TRỊ. Việc thể hiện thái độ chính trị này là thể hiện trách nhiệm đối với chính mình và gia đình, trách nhiệm công dân với xã hội. Người có thái độ chính trị không nhất thiết phải là người phải đưa ra giải pháp hay góp ý với chính phủ, tất nhiên là có thì tốt quá.

2. Khi thể hiện thái độ chính trị mà lâu sau vẫn không có gì thay đổi thì con người tất yếu nảy sinh mong muốn làm chính trị để thay đổi tình trạng thực phẩm bẩn. Và có rất nhiều cách để làm chính trị: Lập đảng khác để tập hợp người cùng muốn làm chính trị tìm cách thay đổi chính phủ để lên năm quyền để giải quyết tình trạng thực phẩm bẩn. Lập các hội nhóm xã hội dân sự để yêu cầu chính phủ phải giải quyết vấn đề thực phẩm bẩn. Kêu gọi người dân đừng sản xuất thực phẩm bẩn. Phản đối chính phủ duy trì các nhà máy xả thải độc ra môi trường… Tất cả các hành động trên là LÀM CHÍNH TRỊ tuy cách làm và mục đích mục tiêu có khác nhau.

Bảo rằng, thấy hội nhóm những người làm chính trị không ra gì rồi QUAY LƯNG là thái độ chính trị vô trách nhiệm với chính bản thân, gia đình và với xã hội. Vì sao thái độ quay lưng là vô trách nhiệm?

– Vì anh có thể tự trồng rau, tự nuôi lợn, hoặc có tiền mua toàn thực phẩm ngoại nhập có kiểm định, nhưng anh không thể ngăn được việc bản thân hoặc gia đình sẽ có một lúc nào đó ăn phải thực phẩm bẩn. Không tránh được.

– Thay vì có thái độ chính trị hoặc làm chính trị để giải quyết vấn đề thực phẩm bẩn để bản thân và gia đình được quyền không phải lo nghĩ khi ăn thực phẩm thì anh lại tìm cách đối phó với thực phẩm bẩn bằng cách lên sân thượng trồng rau nuôi lợn, đó là thái độ của người chạy trốn nhưng lại cho rằng mình khôn. Xã hội mình giờ nhiều người vậy lắm nên ơn đảng ơn chính phủ ơn dân ta, chúng ta mãi mãi muôn đời ăn thực phẩm bẩn hoặc có nguy cơ ăn thực phẩm bẩn và chết vì ung thư bởi chính thái độ QUAY LƯNG của mình.

Giá trị, ý nghĩa của đời người nằm ở đâu?

Giá trị, ý nghĩa của đời người nằm ở đâu?

Ý nghĩa, giá trị của đời người nằm ở đâu? Có phải ở việc sống được dài hay ngắn, có phải ở chỗ đạt được nhiều hay ít? 

LAO TU

 

 

 

 

 

 

 

Hình minh họa Lão Tử

Một lần Lão Tử ở trước nha phủ Hàm Cốc gặp một ông lão. Ông lão ấy nhìn Lão Tử, hành lễ sơ qua rồi nói: “Nghe nói tiên sinh là người bác học, đa tài, lão già này muốn hướng ngài xin được lãnh giáo.”

Sau đó ông lão có chút đắc ý nói: “Tôi năm nay đã 106 tuổi rồi. Nói thật ra, từ lúc trẻ cho đến tận bây giờ, tôi đều là thoải mái chơi bời mà sống qua ngày. Những người cùng tuổi với tôi đều đã qua đời rồi. Họ khai khẩn trăm mẫu ruộng, tu kiến nhà cửa nhưng lại chưa từng được hưởng thụ. Còn tôi mặc dù chưa từng gieo trồng gặt hái nhưng vẫn được ăn ngũ cốc, chưa từng lợp viên ngói nhưng vẫn có chỗ che mưa che nắng. Tiên sinh, ngài xem tôi có phải là có thể cười nhạo bọn họ bởi vì bận rộn cả đời nhưng lại chỉ có thể cho bản thân một cái chết sớm không?”

Lão Tử nghe xong, nói với quan Doãn Hỷ ở bên cạnh: “Thỉnh ngài tìm hộ ta một viên gạch và một hòn đá tới đây!”

Lão Tử đặt viên gạch và hòn đá ở trước mặt ông lão rồi nói: “Nếu chỉ có thể chọn một trong hai, ngài muốn lấy viên gạch hay muốn lấy hòn đá?”

Ông lão nhấc viên gạch, đặt trước mặt mình và nói: “Tôi đương nhiên là chọn viên gạch!”

Lão Tử vừa vuốt chòm râu vừa nói: “Vì sao ngài chọn gạch?”

Ông lão chỉ vào hòn đá và nói: “Hòn đá này không cạnh, không góc, lấy nó có dùng làm gì đâu? Còn viên gạch lại có thể dùng vào nhiều việc hơn.”

Lão Tử lại hỏi những người đứng xung quanh mình đang xem, rằng: “Mọi người chọn đá hay gạch?” Tất cả mọi người đều không ai chọn đá.

Lão Tử lại quay đầu hỏi ông lão: “Tuổi thọ của hòn đá dài lâu hơn hay của viên gạch dài lâu hơn?”

Ông lão trả lời: “Đương nhiên là hòn đá!”

Lão Tử cười một cách thoải mái và nói: “Hòn đá tuy tuổi thọ lâu dài hơn nhưng lại không ai lựa chọn nó, viên gạch tuy tuổi thọ ngắn hơn nhưng mọi người ai cũng lựa chọn nó. Chẳng qua chỉ là vì vô dụng hay hữu dụng mà thôi. Vạn vật trong trời đất có cái nào là không như thế đâu. Tuổi thọ mặc dù ngắn nhưng có ích đối với Trời, đối với người thì cả Trời và người đều lựa chọn, mất rồi thì mọi người vẫn đều nhớ đến. Cho nên, tuy là tuổi thọ ngắn nhưng lại là không ngắn. Còn tuổi thọ mặc dù dài nhưng không có tác dụng gì đối với Trời, đối với người thì cả Trời và người đều vứt bỏ, trong chốc lát cũng quên đi. Cho nên, tuy là tuổi thọ dài nhưng lại là ngắn.”

Ông lão nghe xong hiểu được hàm ý của Lão Tử.

Trong “Tăng nghiễm hiền văn” có câu: “Lương điền vạn khoảnh, nhật thực tam xan; đại hạ thiên gian, dạ miên bát xích.” Ý nói, một người giàu có tuy rằng có được ruộng tốt vạn khoảnh nhưng cũng chỉ có thể mỗi ngày ăn ba bữa, nhà mặc dù có ngàn gian nhưng buổi tối cũng chỉ ngủ trên một chiếc giường.

Cho nên, có thể nói giá trị của đời người không phải nằm ở chỗ sinh mệnh dài hay ngắn, cũng không phải ở chỗ đạt được nhiều hay ít mà là ở chỗ đã làm được điều gì có ích cho người khác, cho thiên hạ.

An Hòa

Nguồn :  Thich Quang Tam:

Cửu Bình – Bài thứ nhất – Đảng Cộng sản là gì?

From facebook:  Tinh Hoa with Sự Thật and Khai Tri’

Bản thân tổ chức Đảng Cộng sản chẳng bao giờ dấn thân vào các hoạt động sản xuất hay phát minh sáng tạo gì hết. Một khi đã đoạt được chính quyền, nó liền gắn bám lên thân nhân dân, rồi thao túng và khống chế họ. Nó khống chế xuống tận từng đơn vị xã hội nhỏ bé nhất vì sợ mất quyền lực, đồng thời nó lũng đoạn tài nguyên sản xuất của quốc gia, bòn rút tài phú tư nguyên của xã hội.

Ở Trung Quốc, đâu đâu cũng có tổ chức Đảng Cộng sản, Đảng quản lý tất cả mọi thứ, nhưng không ai từng được thấy dự toán tài chính của ĐCSTQ. Người ta chỉ thấy có báo cáo dự toán của quốc gia, của chính quyền địa phương và của doanh nghiệp. Từ trung ương chính phủ cho đến nông thôn ủy hội, quan viên hành chính luôn ở vai vế thấp hơn quan viên của Đảng, nên chính quyền địa phương phải tuân theo chỉ thị từ các tổ chức Đảng đồng cấp. Chi tiêu của Đảng Cộng sản đều do các đơn vị hành chính cung cấp và được hạch toán vào chi phí của hệ thống hành chính.

Tổ chức ĐCSTQ này giống như một thứ tà linh phụ thể khổng lồ đang bám chặt như hình với bóng vào từng tế bào đơn nguyên nhỏ nhất của xã hội Trung Quốc. Những chiếc vòi hút máu của ĐCSTQ găm vào từng mạch máu và từng tế bào của xã hội, để khống chế và thao túng xã hội.

Kết cấu phụ thể kỳ dị như vậy đã từng xuất hiện trong lịch sử nhân loại, nhưng chỉ mang tính chất cục bộ hoặc nhất thời. Tuy nhiên, chưa từng có trường hợp nào vừa kiểm soát triệt để, vừa duy trì quá lâu và ổn định như xã hội Đảng Cộng sản.

Cho nên, nông dân Trung Quốc mới khổ cực bần cùng đến thế. Bởi vì họ không chỉ phải cõng các quan viên hành chính theo thông lệ, mà còn phải gánh cả các cán bộ Đảng viên chủ chốt với số lượng đông không kém.

Cho nên, công nhân Trung Quốc mới bị thất nghiệp với quy mô lớn đến thế. Bởi vì những cái vòi hút máu kia bao nhiêu năm qua vẫn đang hút cạn tài chính của các nhà máy.

Cho nên, phần tử trí thức của Trung Quốc mới thấy sao mà khó có được tự do đến thế. Bởi vì ngoài cơ cấu hành chính chủ quản ra, thì ở đâu việc gì cũng có bóng hình Đảng Cộng sản đang giám sát theo dõi họ.

Con phụ thể ăn bám nó bắt vật chủ phải chịu sự khống chế tuyệt đối về tinh thần, như thế nó mới có thể thâu nạp năng lượng để duy trì cuộc sống của nó.

Khoa học chính trị hiện đại đều nhìn nhận rằng, quyền lực trong xã hội đến từ ba nguồn: vũ lực, tài phú, và tri thức. Đảng Cộng sản bằng sự độc đoán và tùy tiện sử dụng bạo lực, đã cướp đoạt tài sản của nhân dân, và nghiêm trọng hơn, đã tước đoạt quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, tước đoạt tinh thần và ý chí tự do của nhân dân, tất cả là để đạt đến mục tiêu khống chế tuyệt đối quyền lực xã hội. Xét về mặt này thì ĐCSTQ là một con phụ thể ăn bám có sự khống chế nghiêm mật đối với xã hội mà có thể nói là từ xưa đến nay chưa từng có.

Lời mở đầu Hơn 5000 năm qua, dân tộc Trung Hoa được nuôi dưỡng bởi châu thổ sông Hoàng Hà và sông Trường Giang, trải qua hơn mười mấy triều đại, đã sáng lập

Buồn vui nghề bảo hiểm nhân thọ.

       Buồn vui  nghề bảo hiểm nhân thọ.

                                 Tác giả: Phùng Văn Phụng

 Khi đặt chân đến đất Mỹ vào cuối năm 1993 theo diện HO, tôi không biết phải làm nghề gì để sống ở quốc gia mới lạ này. Đường sá rộng thênh thang, các cây cầu trên xa lộ (Freeway) đan kẻ, giao nhau làm tôi ngơ ngác, thấy quá bở ngở của người dân Sài gòn, đã từng hảnh diện Sài gòn là “Hòn Ngọc Viễn Đông” với xa lộ Biên Hòa cũng có bốn “lane” đã cho là lớn lắm rồi.

Khi được xếp có áo che mưa bằng cao su dùng nó để chống cái lạnh miền Bắc. Nửa tháng mới dám tắm một lần. Mỗi lần tắm nước bốc thành hơi, thành khói, bay mù mịt.

Về Sài gòn đầu năm 1983, làm đủ nghề lao động để sống. Đi dọn ống cống. Giặt bao ni lông. Mua bán báo cũ. Chạy xích lô. Bán vé số dạo. Dạy kèm trẻ tư gia. Dùng xe đạp chở bia, nước ngọt, giao các quán để kiếm sống qua ngày. Cuối cùng cũng có được một quán bán bia nước ngọt. Tạm ổn định sau mười năm làm việc cật lực. Khi làm đơn đi Mỹ theo diện HO bạn bè nói: “đang làm ăn “ngon lành” như vậy (bán bia nước ngọt) mà bỏ đi nước ngoài rồi qua bên đó (Mỹ) làm gì để sống.”

Tôi cũng không biết làm nghề gì để sống. Nhưng tôi phải “đứt ruột” ra đi vì lý do đơn giản tôi là người tù về từ trại cải tạo. Mới về đoàn tụ với gia đình vợ con, niềm vui chưa trọn, mỗi tuần phải trình diện công an Phường. Công an đưa cuốn tập yêu cầu phải ghi, phải báo cáo hằng ngày gặp ai, làm gì, nói gì. Phải lội sình, đào mương, đấp đường. Người cải tạo về được công an, ủy ban phường chiếu cố, theo dõi thường xuyên. Có một lần cậu bảy nhà bên cạnh nói: “Công an khu vực vừa hỏi tao, mầy làm gì, sao tiếp xúc với nhiều sĩ quan cũ quá vậy, có âm mưu gì không?” Cậu bảy thương tình trả lời: “Nó đã làm đơn đi Mỹ rồi có làm gì đâu?”

Lý do mà tôi phải ra đi vì sợ bị bắt lại, tôi muốn “được sống tự do”. Nhưng khi sang đất mới, có tự do rồi, không sợ bị bắt bớ, bị làm khó dễ nữa, nhưng làm sao có tiền trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền chợ và bao nhiêu thứ tiền lặt vặt khác nữa.

            Biết làm nghề gì để sống đây?

Tôi theo đứa con gái vô chợ “Auchan” dọc Belway 8, gần đường Beechnut, nộp đơn bán hàng. Không thấy trả lời. Tôi cùng đứa con gái đến khu bắc Gessner để nộp đơn vào tiệm ăn “Jax in the Box” cũng không thấy gọi. Đến đường Harwin, nộp đơn xin làm ở hảng điện tử, chỉ có đứa con gái được gọi đi làm, còn tôi thì cứ mỏi mòn, lặng lẽ chờ. Lại nhờ em ruột chở đến hảng làm vàng, nộp đơn rồi cũng mỏi mòn chờ gọi đi làm. Không có hảng nào gọi. Nhờ anh bạn giới thiệu tôi đi “fill” hàng ở tiệm grocery, nhưng làm cũng chỉ được hơn tuần lễ, cũng bị cho nghỉ việc vì mắt kém. Đến làm cho tiệm sang băng nhạc làm 10 giờ một ngày, lương 600 đô la một tháng .Vì không ưa mấy người đi theo diện HO nên hắn nói: “Ở Việt Nam sướng quá đi, qua Mỹ làm gì, chỉ làm công, làm mướn mà thôi, chứ làm ông, làm tướng gì mà qua đây”.

Vì đang rảnh rỗi tôi đến thăm văn phòng của anh  Đức Đoàn vừa mở được mấy tháng. Anh Đức và tôi cùng quê Cần Giuộc, cùng học trường trung học Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đến thăm văn phòng này ở lầu bốn, tôi nhớ mới mấy tháng trước có dẫn hai đứa con gái đến đây, ở lầu hai để xin tiền trợ cấp học Nails.

Anh Đức mời tôi vào ngành bảo hiểm.Tôi vừa mới qua Mỹ làm sao bán bảo hiểm được, nhiều người đã qua từ năm 1975 làm vài tháng không làm được, cũng bỏ nghề.Tôi hỏi thăm vài người bạn. Họ nói: “Làm nghề gì thì làm đừng có làm nghề bán bảo hiểm vì tôi có đứa em làm được vài tháng rồi cũng nghỉ, có làm được đâu.”- “Nghề bán nước bọt, nói gảy lưỡi, chẳng có ai mua đâu. Nghề gì quá khó, nên kiếm nghề khác mà làm”. Đa số bạn bè đều nói như thế.

Tôi tự nhủ rằng: “Phải cố gắng hết sức, phải tiến tới chứ không thể thối lui được, vì nếu thối lui, không chịu khó làm việc, làm sao sống được ở xứ sở giàu có nhất thế giới này. Khi anh Đức giới thiệu tôi làm nghề bảo hiểm, đi đến nhà khách hàng để giới thiệu chương trình bảo hiểm và làm đơn cho họ, tôi thấy cũng có lý. Nhưng làm sao có người cho hẹn, có chỗ để đến đây. Nhiều người qua Mỹ từ năm 1975 đã không làm được, tôi mới vừa đến  Mỹ, vừa hết tám tháng trợ cấp, lại nhảy vô cái nghề mà nhiều người đã “chào thua vì khó quá”. Trong cuốn sách “Quẳng gánh lo đi và vui sống” Dale Carnegie viết như sau: “Cũng đừng lựa những nghề mà mười phần bạn chỉ có một phần hy vọng để kiếm ăn được. Chẳng hạn nghề bán vé bảo hiểm.Trăm người thì có chín chục sẽ đau tim, thất vọng và chỉ một năm là giải nghệ. (Trang 334).

            Sự ích lợi của nghề bảo hiểm nhân thọ:

Ngành bảo hiểm nhân thọ chỉ là bước khởi đầu của ngành tài chánh ở Mỹ. Sống trên đất Mỹ, nếu chẳng may khi vợ hay chồng ra đi, người ở lại cần gì?

  • Cần tiền để chôn cất.
  • Cần tiền để trả nợ nhà, nợ xe v.v…
  • Cần tiền cho con học Đại học.
  • Cần tiền chi phí y tế, sửa chữa nhà cửa, xe cộ v.v…

–     Họ còn dùng bảo hiểm để lại tài sản cho con không phải đóng thuế lợi tức.

–     Dùng bảo hiểm để có tiền đóng thuế khi để lại tài sản cho người thân yêu.

–    Chưa kể, khi về hưu tiền đâu mà sống. Cho nên khi còn trẻ lúc đi làm, cần để dành tiền vào quỹ hưu trí (retirement). Tiền sẽ đẻ ra tiền, nhờ lãi kép (compound interest) Ngoài ra mọi người đều cần phải có Bảo hiểm sức khỏe, Bảo hiểm khi bị tàn tật v.v…

Làm thế nào để có thể sống được trong nghề bảo hiểm.

             Cần mười cái hẹn mỗi tuần.Trong mười cái hẹn đó, trung bình bán được ba hồ sơ. Làm sao có mười cái hẹn đây. Gọi bằng phone. Lấy cuốn niên giám điện thoại, kiếm những người họ Nguyễn, Lê, Trần … gọi liên tục để hẹn. Hoặc khi đi đám cưới, đám tang, khi đi sinh hoạt trong các đoàn thể đồng hương, trong các đoàn thể tôn giáo .v.v… ở đâu cũng làm quen được, cũng có thể hẹn được, để đến nhà họ giới thiệu chương trình bảo hiểm, làm đơn cho họ.

Hai mươi hai năm trong nghề bảo hiểm đã có 64 người khách hàng đã mấ. Hảng đã trả “tiền tử” cho thân nhân. Số tiền đóng vào chưa được bao nhiêu, hảng đã phải trả số tiền lớn gấp năm, gấp mười lần số tiền đã bỏ ra.

             Những khó khăn, cực nhọc khi đi bán bảo hiểm.

Gọi điện thoại đến bà con để lấy hẹn đã khó khăn. Gọi hàng trăm cú điện thoại mới có được đủ số hẹn trong tuần. Có được cái hẹn để đến nhà khách hàng, mừng lắm. Khi đi đến nơi họ không mở cửa, không cho vào nhà. Một lần, tôi đến nhà anh M. khu South 45, từ nhà đến anh phải mất 50 phút, vậy mà khi gõ cửa họ không mở.Tôi thấy đèn trong nhà vẫn sáng. Ra xe, tôi dùng điện thoại cầm tay gọi vào. Anh M. không biết tôi đang ngồi ngoài xe trước nhà họ. Vì anh không biết tôi gọi nên bắt máy điện thoại.Tôi nói: “Tôi đã đến trước nhà anh, vừa mới gõ cửa nhà anh đó.”

Anh ấy nói:

-“Để tôi ra mở cửa cho anh”.

Vừa mở hé cửa, anh nói nhỏ:

-“Mới gây lộn với bà xã, xin anh thông cảm, bửa khác tới. Hôm nay không nói chuyện gì được đâu.”

Những năm 1995, 1996 chưa có điện thoại cầm tay. Vào một đêm mùa đông, trời mưa gió lạnh lẽo, ướt át, tôi đi vào khu “apartment” đường Park Place, các dãy nhà trong “apartment” này các số nhà rất là khó kiếm. Trời tối, tôi đứng ở dãy lầu, cạnh dãy lầu có phòng của anh Trạch vậy mà tôi không tìm ra số phòng của anh. Tôi phải đi ra đường, tìm đến cây xăng bỏ 25 cents vào ở chỗ điện thoại công cộng, gọi anh, anh mới chỉ cho tôi vào nhà. Sau khi làm đơn xong, hảng thuận bán cho anh, nhưng khi đến giao hợp

đồng “policy” cho anh, anh lại từ chối, không nhận. Không cho vô nhà khi cho hẹn. Làm đơn, hảng xét đơn hơn một tháng, hảng đồng ý bán, nhưng lúc giao hồ sơ lại không nhận. Có người mua được vài tháng, vài năm đổi ý không muốn mua nữa.

Làm thế nào cho họ thấy bảo hiểm rất cần thiết. Nếu hiểu được nhu cầu thì họ sẽ tiếp tục đóng tiền vì từ lúc đóng cho đến ngày mất họ bỏ ra một đô la họ lấy về ít nhất là bốn đô la. Gọi đến bà con để họ cho hẹn đã là khó. Tôi mới qua Mỹ, ở Houston chừng tám tháng, chỉ quen có hai gia đình bà con là em ruột và người cháu bảo lảnh qua. Dùng niên giám điện thoại, kiếm họ nào là người Việt nam, như họ Nguyễn, Lê, Trần, Lý cứ gọi đến họ để xin hẹn. Như vậy mà tuần nào tôi cũng có người cho hẹn để đến nhà giới thiệu chương trình bảo hiểm. Có người mua, có người không mua. Trung bình một tuần bán được hai ba người. Lần đầu tiên đến nhà bà con, lọng cọng, nói không trơn tru, vậy mà họ vẫn mua. Vì sao vậy? Vì họ biết chết có tiền chôn cất. Bán thêm vài người nữa, trong đó có anh G., nhà ở đường Wirt, mới đóng có một lần, khoảng 70 đô la, chẳng may bị “stroke” lúc xem TV, do bịnh cao huyết áp, hảng trả đủ 25,000 đô la cho bà xã. Tôi càng tin tưởng hơn. Tôi thấy bảo hiểm nhân thọ có lợi quá. Nên tôi không còn mắc cở, ngại ngùng, khi gọi bà con để giới thiệu bảo hiểm nhân thọ. Vì ai gặp tôi vẫn có lợi hơn là không gặp. Làm sao mình biết được tương lai sẽ ra đi lúc nào?. Ai ai cũng phải “trúng số độc đắc” một lần, không bao giờ tránh khỏi được. Đã ra đi còn để lại gánh nặng cho người thân hay sao? Nếu có bảo hiểm để lại chút đỉnh tiền cho chồng (vợ) con thì người thân đỡ khổ biết mấy.        Có lần tôi đã có hẹn trước tại nhà anh H là người bạn khá thân, ở chung cư đường Beechnut.Tôi mới mở máy “computer” ra định giới thiệu chuơng trình bảo hiểm chừng 25,000 đô la để sau này anh có mệnh hệ gì thì chị có tiền để lo chôn cất anh. Mới vừa ngồi xuống ghế, chị K. vợ anh H. trong nhà bếp bước ra la lớn tiếng: “Tôi nói với anh không có mua gì hết. Anh mua cái gì đó. Con người của anh thật là … Chị la lối, cự nự, nói nặng lời với anh H., bạn tôi, mục đích cũng là cự nự gián tiếp tôi luôn, làm cho tôi bỡ ngỡ, ngạc nhiên, sao bà này “dữ” quá vậy, không biết phải phản ứng ra sao, nói gì bây giờ, tôi vội xếp máy “computer” lại, rồi lặng lẽ chào anh, ra về.

Vì tôi gọi trong “phone book” nên khách hàng không có chọn lọc được, nhiều khi gặp khách khó tánh, có nhiều khi gặp khách dễ chịu, tử tế. Nhiều người hay cự nự, tôi cũng phải nhẫn nhịn, chịu đựng mà thôi. Tôi đến thăm anh N. một anh HO lãnh tiền bịnh. Tôi cũng giới thiệu bảo hiểm nhân thọ cho anh vì tôi nghĩ cứ nói cho bất kỳ ai, biết đâu họ mua. Vừa giải thích xong, anh bắt đầu nói:

-“Tôi nói cho anh biết. Tôi là Đại Uý Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Sau này Mỹ sẽ trả lương đầy đủ cho tôi kể từ tháng tư năm 1975 đến nay, họ phải có trách nhiệm chứ. Tôi đã chiến đấu cho họ nhiều năm. Anh coi, tôi sẽ giàu có chứ đâu có phải nghèo nàn như ngày hôm nay. Đâu có ai ăn hiếp tôi được. Có phải không anh? Rồi anh ấy kể chuyện đánh giặc ngày trước, kể những chuyện sung sướng, lên xe xuống ngựa, quyền hành lúc anh còn là sĩ quan chỉ huy, lúc đó lính tráng sợ sệt, kính nể.”

Tôi để cho anh nói hơn mười phút.Tôi thấy quá bực mình mà không dám nói. Tôi lặng lẽ chào anh, đứng dậy, ra về. Khi ra khỏi cửa, bước ra ngoài hàng hiên, anh nói nhỏ với tôi:

– “Anh đừng buồn nghe. Tôi chửi xéo bà xã tôi đó. Bả khi tôi quá, tôi tức lắm, nên hôm nay có dịp anh đến, tôi nói cho hả giận.”

Lần khác tôi gặp anh Tâm làm ở chợ Mỹ Hoa. Sau khi làm đơn cho anh xong, anh mới nói: “bà xã tôi làm “nails” chưa về nên không có “check” ở đây. Ngày mai anh đến tôi đưa cho. Rồi anh kể lễ:

-“Hồi ở Việt nam tôi là công tử, giàu có. Tôi đâu có thèm động móng tay. Cái gì cũng có người làm hết. Bây giờ, tôi phải làm ở chợ Mỹ Hoa, sau này tôi sẽ về bên Việt nam ở, chứ ở xứ Mỹ này làm việc như trâu. Ở đây cực nhọc quá. Về Việt nam tôi sướng như tiên”. Tôi đành hẹn anh tối mai đến lấy “check”. Tối mai, đúng giờ hẹn, tôi đến. Anh lại nói thời vàng son cũ của anh và tiếp tục chỉ trích đời sống cực nhọc ở Mỹ làm việc quá nhiều, quá chán nản, thua đời sống ở Việt nam quá xa. Anh hẹn với tôi hôm sau đến lấy “check”. Hôm sau tôi lại đến. Anh lại hẹn:

– “Bà xã tôi chưa về, thôi ngày mai anh có rảnh đến chợ Mỹ Hoa tôi đưa cho anh”.

Ngày hôm sau tôi đến chợ Mỹ Hoa vào khoảng 11 giờ trưa, tôi nghĩ giờ này chắc vắng khách.Tôi gặp anh đang “fill” hàng.Tôi hỏi anh:

-“Anh có mang “check” theo không?

Anh nói:

-“Tôi quên rồi, ngày mai anh ghé lấy nghe”

Ngày mai tôi lại thăm anh. Anh lại nói:

-“Tôi lại quên nữa rồi, ngày mai thế nào cũng có”.

Tôi đến gặp anh như vậy là 8 lần nhưng anh cứ “hẹn lần hẹn lữa” với tôi. Phải chi anh nói tôi không mua thì đỡ cho tôi biết mấy. Anh sai tôi đi tới, đi lui cho tôi mất thì giờ. Tôi thành thật không hiểu ý anh muốn gì. Có lẽ anh muốn chọc quê tôi, để tôi đi tới đi lui như vậy, anh lấy làm vui, chắc anh suy nghĩ “sao có người ngây thơ, khờ khạo quá vậy?”

Tháng rồi, có hẹn 8 giờ tối ngày thứ tư để gặp hai vợ chồng anh chị Hiền để trình bày bảo hiểm. Từ nhà đến đó phải chạy chừng 45 phút lái xe. Đến nơi, gọi điện thoại nhờ họ chỉ đường. Ông chồng trả lời: “Bà xã tôi đi New York chưa về, hẹn khi khác vậy”.Tôi nói:

– “Anh chỉ đường trước đi, lần sau khỏi phải chỉ đường nữa.”

Anh nói:

-“Thôi chừng nào bả về hãy hay.”

Nghề này dạy cho mình hai chữ. Kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn.

Nghề này cũng dạy cho mình luôn luôn phải cố gắng và lạc quan.

Đặt quyền lợi của bà con là chính. Nhiều khi gặp những trường hợp quá khó khăn, phải suy nghĩ, tính toán  nhiều. Có lúc tôi phải cầu nguyện, đọc kinh, trước khi đến nhà khách hàng để nhờ “Thiên Chúa giúp sức” cho tôi bán được bảo hiểm cho một khách hàng quá khó khăn.

Mới qua Mỹ được tám tháng, may mắn “Trời thương”, run rủi tôi gặp được anh Đức vừa mở văn phòng bảo hiểm nên cần người. Sau năm 1990 anh chị em HO qua nhiều. Tôi nhờ sự tin tưởng, quí mến của anh chị em HO giới thiệu mà tôi đã theo đuổi nghề này cho đến tuổi về hưu.

Tưởng chết ở trong tù Cộng sản ở miền Bắc sau năm 1975, tường rằng suốt đời bị chỉ định cư trú, vĩnh viễn sống ở miền rừng núi âm u ở Thanh hoá hay Nghệ an, giống như những tù nhân của Liên sô hay của Trung Hoa cộng sản, suốt đời phải sống ở Tây Bá Lợi Á giá lạnh hay ở Tân Cương miền sa mạc đèo heo hút gió.

Mầu nhiệm kỳ diệu đưa tôi trở về từ trại cải tạo mà chưa chết. Mầu nhiệm kỳ diệu đã đưa tôi đến bến bờ tự do. Mầu nhiệm kỳ diệu đã đưa tôi đến một nghề nghiệp vừa giúp người, giúp đời, vừa mang đến cho tôi niềm vui, ý nghĩa sống.

            Tạ ơn Thiên Chúa. 

Xin cám ơn chánh phủ và nhân dân Mỹ đã mở rộng vòng tay nhân đạo cho tôi và gia đình tôi đến định cư và làm ăn sinh sống ở quốc gia giàu có, tự do và ổn định nhất thế giới này. Xin cám ơn Tổng thống Ronald Reagan. Xin cám ơn ngoại trưởng George Shultz đã can thiệp không mệt mõi với nhà cầm quyền cộng sản Việt nam, để đưa cựu “tù cải tạo” sang Mỹ định cư. Xin cám ơn ông Funseth, bà Khúc Minh Thơ cùng nhiều người khác nữa đã hết lòng vận động liên tục cho các cựu tù nhân chính trị đã chịu đựng quá nhiều đau khổ, đắng cay trong các trại tù khắc nghiệt khắp nơi trong toàn cõi Việt nam.

Xin cám ơn tất cả những người đã giúp đỡ tôi trong thời gian qua nhất là những người đã giúp đỡ tôi về vật chất lẫn an ủi tinh thần trong những ngày đầu tiên bơ vơ, bỡ ngỡ khi đặt chân đến Houston này. Xin cám ơn anh Hoàng Huy Năng (nhà thơ Lưu thái Dzo), Linh Mục Hoàng Minh Toản đã đến thăm viếng, an ủi lúc mới qua vài tháng, khi còn ở “apartment” đường Town Park. Xin cám ơn Nguyễn văn Lãm người đã ký tên bảo trợ cho gia đình tôi đến Houston, cám ơn em tôi là Phùng văn Tư sắp xếp chỗ ở, cám ơn anh Đoàn Hữu Đức đã hướng dẫn tôi vô nghề bảo hiểm này. Xin cám ơn bà con, bạn hữu tin tưởng vào tôi mà tham gia vào chương trình bảo hiểm, vào quỹ hưu trí mà vẫn còn giữ cho đến ngày hôm nay.

            Phùng văn Phụng

           Tháng 03 năm 2017