NỖI NIỀM SIMON MIỀN KYRENE

NỖI NIỀM SIMON MIỀN KYRENE 

(Mc 15:21-22)

Ông rón rén bước từng bước chân thô kệch lên kinh thành Giêrusalem tráng lệ trong một buổi sáng đẹp trời đầu Xuân.  Trong khuôn mặt chất phát rạm nắng là một cặp mặt ngơ ngác của người miền quê mới lên tỉnh, dáo dác hết nhìn ngang rồi nhìn dọc cảnh phố phường nhộn nhịp, tấp nập người qua kẻ lại trong những bộ cánh nhiều màu sắc.  Còn ông, với bộ quần áo thơm tho mới tinh hằn nhiều nếp gấp, không đủ để che giấu dáng bộ cục mịch vạm vỡ của một người nông dân chân lấm tay bùn khỏe mạnh.  Simon cảm thấy vui vẻ hân hoan như đứa con nít tung tăng trong bộ đồ mới dạo chơi phố phường.  Âm thanh của những người bán hàng rong rao hàng, tiếng chuông lắc, tiếng động vật bị nhốt trong chuồng bị mang bán, tiếng gọi nhau í ới của người mua kẻ bán…. tạo thành một thứ âm thanh hỗn loạn vui tai với ông.  Vậy mới là thành phố chứ!  Khác xa hẳn thôn làng bình yên của ông.  Đường phố Giêrusalem hôm nay tấp nập lạ thường, cũng như ông, thiên hạ đang nhộn nhịp đi mua sắm, đổi chác hàng hóa để chuẩn bị cho ngày đại lễ Vượt Qua ở Do Thái.

Bỗng Simon nghe những tiếng gào thét ở cuối con đường dắt ra ngoại ô Giêrusalem.  Tò mò ông tiến về phía những tiếng hò la đó, rồi len lỏi luồn mình lách vô giữa đám đông, để xem chuyện gì đang xảy ra mà thiên hạ phấn khích la thét rầm vang cả một góc trời đến thế.  Ở giữa hai hàng người hiếu kỳ là một người đàn ông mình mẩy bầm dập đầy thương tích, máu me be bét nhỏ giọt trên con đường đá sỏi, quần áo tả tơi, bê bết dính đầy máu và bùn đất.  Trên khuôn mặt hiền lành là những lằn roi chằng chịt ngang dọc, không còn chỗ trống nào lành lặn nữa.  Đôi mắt bầm đen sưng húp to như hai trái trứng gà như không thể mở ra được.  Đầu ông đội một mão gai thô kệch với những miếng gai dài, nhọn hoắc cắm sâu vào đầu, làm cho máu từ những lỗ gai nhọn đó chảy ri rỉ xuống mặt, xuống cổ, và xuống thân thể người đàn ông tội nghiệp.  Hỏi thăm những người xung quanh, Simon mới biết vì người này tự xưng là vua dân Do Thái, nên ông bị quân lính La Mã chế giễu đội cho một vòng mão gai trên đầu thay cho vương miệm Đức Vua.  Trên vai ông ta là một cây gỗ xần xùi, thô ráp được đóng chéo vào nhau thành hình thập tự.  Lưng ông khòm hẳn xuống dưới sức nặng của cây gỗ, bước chân ông loạng choạng ngả về bên phải, rồi đổ về bên trái, kéo lê cây thập tự trên cát thành đường mòn zích zắc.

Tìm hiểu thêm Simon được biết người đàn ông tội nghiệp kia tên Giêsu, người miền Nazaret, có thể là Đấng Messiah hay tiên tri gì đó, bị kết án tử hình, giờ đang phải vác cây thập giá của chính mình lên núi Sọ để bị đóng đinh ở đó.  Simon nghe những người phụ nữ rỉ tai nhau về những phép lạ ông Giêsu làm, mà phép lạ gần nhất là làm cho một người đã chết bốn ngày được sống lại, về huấn chương Nước Trời mà ông Giêsu rao giảng…  Simon nhíu mày bối rối, nếu thế thì có liên hệ gì đến tội chính trị đâu nhỉ?  Có thật ông ta xưng mình là Vua dân Do Thái không, hay bị chụp mũ vì những lý do nào khác?  Có thật ông ta nguy hiểm đến nỗi cần phải khai trừ khỏi xã hội loài người bằng án tử không?  Simon chăm chăm nhìn vào khuôn mặt người tử tù mong tìm ra dấu vết hung ác của một tên cướp, hay một nét tinh khôn sắc sảo của người làm chính trị.  Không, qua những lọn tóc dài be bét trộn lẫn với những giọt máu đóng cục, ông chỉ thấy một khuôn mặt hiền lành cam chịu, không một tiếng khóc, không tiếng rên la hay trách móc.  Cặp môi nứt nẻ sưng mọng đỏ bầm đang bặm vào nhau, như cố ghìm lại tiếng nấc nghẹn ngào trong tim, không cho thoát ra ngoài. 

Thỉnh thoảng Giêsu lại ngước cặp mắt lờ đờ ngơ ngác ngước nhìn lên đám đông, như muốn hỏi họ tại sao ông lại bị kết án thế này?  Chẳng ai đủ can đảm hay buồn trả lời người tử tội đáng thương đó.  Đám đông vẫn điên cuồng gào thét xung quanh, ngày càng hăng máu hơn, kẻ hả hê, người đấm ngực than khóc, con nít sợ hãi khóc rú lên quay mặt đi khi nhìn thấy cảnh tàn bạo này.  Những cặp mắt mãn nguyện ẩn trong những khuôn mặt đạo đức, những chòm râu bạc phơ không che nổi nụ cười đắc chí của các vị lãnh đạo tôn giáo Do Thái.  Đó đây túm tụm vài người phụ nữ vây quanh lấy Giêsu mà khóc lóc cho số phận nghiệt ngã của kẻ bại trận.  Trái tim một người dân quê hiền lành chân phác thổn thức trước cảnh người hành hạ người.  Ừ, nếu thật ông Giêsu này có tội thì cứ mang đi tử hình, nhưng hà cớ gì mà phải hành hạ, nhục mạ, phỉ nhổ người ta đến thế!  Ông không hiểu được khi nhìn thấy nét mặt hân hoan, thoả mãn của các các vị bô lão Do Thái, người Pharisêu trước cảnh quân lính ngoại quốc đánh đập dã man người cùng chung một giòng máu với mình như thế.

Bỗng người tử tội đáng thương như không chịu đựng nổi sức nặng của cây thập giá nữa té sấp mặt xuống đất, lăn quay mấy vòng rồi chổng vó lên trời, máu chảy chan hòa, cây thập giá văng ra ngay dưới chân Simon đang đứng.  Ông há hốc miệng kinh ngạc, đôi mắt mở to nhìn Giêsu đang lăn tròn trên con đường đá sỏi.  Những làn roi cá sấu của binh lính La Mã tới tấp vụt xuống lên thân thể Giêsu để giục ông mau mau đứng dậy đi tiếp.  Không ai dám tiến đến, đỡ ông đứng lên.  Người tử tội co rúm người lại trước làn mưa roi lồm cồm bò dậy, nhưng rồi lại loạng choạng khụy xuống lần nữa. 

Trong lúc Simon đang đăm đăm hút hồn nhìn thảm cảnh trước mắt, bỗng một bàn tay thô bạo túm lấy cổ áo ông, giọng nói một tên lính La Mã quát bên tai: “Đi, mau ra khiêng cây thập tự phụ nó!”  Theo phản ứng tự nhiên, Simon ghì người, lùi lại một bước lui vào đám đông để chống lại sức kéo của tên lính.  Không, dù có cảm thương cho số phận hẩm hiu của vị ngôn sứ này, nhưng Simon không muốn dính vào chuyện tai bay vạ gió bên đường.  Ông không liên quan gì đến ông Giêsu này cả, ông chỉ là người qua đường.  Ông còn vợ dại và hai đứa con trai bé bỏng ở nhà!  Tên lính dí dí mũi giáo sáng chói vào mặt Simon, trợn mắt gầm lên: “Có đi không, hay muốn chết?”  Nhìn khuôn mặt dữ dằn với binh khí trên tay của tên lính, ông thở dài sợ hãi, biết mình không thể không tuân lệnh.

Simon buông xuôi hai tay lững thững bước ra giữa đám đông.  Tự dưng ông cảm thấy ghét người tử tội đang nằm bất động trong đống máu giữa đường này.  Mới trước đây vài giây Simon còn cảm thấy tội nghiệp cho ông ta, vậy mà bây giờ.  Hừm, vì hắn mà ông bị vạ lây.  Dù bản chất là người nông dân chất phác, nhưng Simon cũng lanh trí để tính đường binh cho mình.  Lỡ rồi, không thoát được cây thập giá này thì thôi, cứ vác cho có vậy, cho đủ bổn phận thôi, đủ để qua mặt đám lính ác ôn này.  Lên tới đỉnh đồi rồi thì lo mà chuồn lẹ.  Nghĩ thế, Simon tiến lại dìu người tử tội đứng lên, rồi ông nâng cây thập tự đặt lên vai Giêsu.  Xong ông nhẹ nhàng bước ra phía sau khiêng phụ khúc đuôi.  Simon để ý tránh né, để cây thập giá sần sùi đen đủi không làm dơ, và rách bộ quần áo mới của mình. 

Lẽo đẽo đi theo phía sau nhưng Simon cứ ngó chăm chăm vào người tử tội phía trước.  Ông ta nhìn càng lúc càng kiệt sức hơn, bước chân chậm dần, lảo đảo xiêu vẹo như người say.  Mỗi lần người tù dừng bước để thở, thì những làn roi lại tới tấp tuôn xuống người Giêsu như mưa.  Cũng may mà Simon đứng phía sau, nên ông không bị dính nhiều cây roi lên người.  Dù đã có người phụ khiêng, nhưng chỉ là khiêng khúc đuôi của cây thập tự, phần nhẹ nhất, còn bao nhiêu sức nặng của cây gỗ vẫn đổ dồn về phía trước.  Simon chặc lưỡi, lòng thương xót khi nãy lại quay trở về với trái tim đa cảm của ông.  Ông cảm thấy nghèn nghẹn nơi cuống họng, tim như có ai bóp chặt. 

Ông Giêsu này trông thảm thương quá, nhìn không còn giống hình hài con người nữa, da thịt rách nát tả tơi, dính nhầy nhụa lên bộ quần áo, mà giờ chỉ còn là những tua vải quấn quanh người đang phất phơ trong gió.  Là Đấng Messiah mà dân Do Thái trông chờ đây ư?  Simon không biết gì về Đấng Messiah cả, ông cũng chẳng trông chờ Đấng nào đến trong cuộc đời ông.  Nhìn ông Giêsu như thế này, Simon không tin ông ta là Đấng Messiah.  Mà cho dù có là Đấng Messiah đi nữa thì cũng chẳng liên quan gì đến ông.  Thật khó xử!   Simon thở dài cúi đầu suy nghĩ, nên sống theo lý trí khôn ngoan, hay nghe theo tiếng mách bảo của con tim? 

Giêsu bỗng quay lại nhìn người phụ khiêng cây thập tự với mình, bốn ánh mắt chạm nhau nghẹn ngào trong hoàn cảnh ngang trái.  Cặp mắt sưng húp bầm đen nhìn Simon như muốn nói lời cám ơn, trong khi Simon ngại ngùng xấu hổ, né tránh tia nhìn dịu dàng đó.  Simon đỏ mặt bối rối:“Mình có làm gì to tát đâu mà ông ta lại cám ơn mình như thế nhỉ?  Ông có biết là mình đã né tránh phần nặng nhất của cây thập tự kia không?”  Simon nghĩ thầm như thế.  Nhưng cái nhìn tha thiết tri ân của người tử tù đáng thương, đã ban thêm sức mạnh cho ông.  Simon biết mình phải nên làm gì lúc này, phải nghe theo tiếng nói của con tim thôi, không thể khôn lỏi như vậy được.  Đang miên man suy nghĩ thì Simon lại bị kéo nhào về phía trước, ông Giêsu té kéo theo cả người bạn đồng hành phía sau, cả hai té chồng lên nhau, rồi cùng lăn quay ra trên những cục sỏi đá vô tình bên đường.  Lần này Simon nhanh chân đứng dậy, ông biết đứng dậy càng sớm, thì càng đỡ những roi đòn của quân lính.  Simon cúi xuống nâng cây thập tự rồi để lên chính đôi vai vạm vỡ của mình, sau khi xốc lại cây thập tự cho ngay ngắn trên vai, ông cúi xuống đưa cánh tay còn lại cho Giêsu dựa vào mình, rồi từ từ dìu Giêsu đứng lên đi tiếp đoạn đường còn lại.

Mặt trời lên cao ánh nắng gay gắt hơn, đường lên đồi Sọ ngắn dần nhưng lại cao dần, đường đi khúc khuỷu gập ghềnh hơn.  Máu ra ngày càng nhiều, sức lực của Giêsu ngày càng yếu đi, hơi thở dồn dập nặng nhọc vì thiếu nước, Giêsu như muốn gục xuống lết đi không nổi nữa.  Khi thấy bước chân người tử tù chậm lại, những làn roi lại tới tấp tuôn xuống rào rào như mưa.  Lần này vì đứng gần với người bạn đồng hành, nên những ngọn roi vô tình không buông tha cho Simon.  Chiếc áo mới của ông bắt đầu rách teng beng, máu me lấm lem, tay chân bẩn thỉu.  Simon liếm môi thấy mặn chát nơi đầu lưỡi, những giọt máu lăn dài trên khuôn mặt sạm nắng.  Simon cắn môi chịu đựng, không than thân trách phận mình tò mò, không tiếc chiếc áo mới tinh, không còn trách người tử tù đáng thương nữa.  Simon cũng chả biết mình đã học được đức tính đó từ người bạn đồng hành khi nào?  Ông im lặng nhẫn nhục chịu đựng như Giêsu.  Simon chỉ cầu xin sao cho lên đến đỉnh đồi càng sớm càng tốt, cho Giêsu đỡ bị hành hạ nhục mạ, và ông cũng đỡ gánh nặng dọc đường.

Rồi cả hai cũng từ từ lếch thếch leo lên đến đỉnh đồi, đám đông vẫn đi theo xung quanh, reo hò la hét ngày càng to hơn, như bị kích động bởi màn kịch đang tới hồi gây cấn nhất.  Simon thả cây thập tự xuống đất, thở phào nhẹ nhõm.  Thế là xong, ông đã hoàn tất phận sự của mình rồi, ông chỉ muốn về cho nhanh, ra khỏi Đồi Sọ đầy mùi tử khí này càng sớm càng tốt.  Ông không muốn nghe thêm những tiếng hò hét khoái chí, tiếng khóc than của những người phụ nữ, cũng chẳng muốn nhìn cảnh người bạn đồng hành của mình bị đóng đinh.  Nhưng lạ thay bước chân của ông lại không nỡ cất bước ra đi.  Chân ông không còn nghe theo sự điều khiển của lý trí nữa rồi. 

Simon tần ngần đứng lại, lòng ông xao xuyến bồi hồi cảm thương, dù chỉ một vài phút gặp gỡ ngắn ngủi trong hoàn cảnh bi đát, nhưng đong đầy bao nghĩa tình.  Dù chỉ vài phút bên nhau, dù chẳng biết gì về ông Giêsu đó có thật là Đấng Messiah hay tiên tri nào khác, nhưng con tim mách bảo cho ông biết người tử tù kia vô tội, và hơn nữa không phải là một người bình thường như những người khác.  Ông tin vào cảm nghiệm chân thật của mình.

Nghĩa tử là nghĩa tận, Simon đứng nán lại trên đồi Golgotha chờ cho đến khi Giêsu trút hơi thở cuối cùng, như tiễn đưa người thân trong gia đình.  Ông cúi đầu lặng yên, nước mắt lăn dài lên khuôn mặt sần sùi đầy vết roi oan nghiệt.  Simon không khóc khi bị những nhát roi chí tử vô tình của binh lính La Mã, không khóc khi bị nhục lây với cái nhục của người tử tội mà ông phải vác thập giá dùm, nhưng ông lại khóc cho thân phận người bạn mới quen đã chết trong tức tưởi ô nhục, chết trong sợ hãi cô đơn. 

Bóng tối bao trùm cả bầu trời, đất rung đá vỡ, đất trời rung chuyển, ai ai cũng sợ hãi trước cảnh tượng đó.  Đám đông giải tán dần, Simon lững thững thả bộ xuống đồi như người mất hồn, bên tai ông còn văng vẳng tiếng nói của viên đại đội trưởng La Mã: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!”  Ông thẫn thờ lẩm bẩm:  “Là Con Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa ư?  Mình được vác thập tự phụ với Con Thiên Chúa.”  Rồi ông lại ngạc nhiên lòng hỏi lòng:  “Là Con Thiên Chúa mà cần người nông dân ngu dốt, nghèo hèn như mình giúp đỡ sao?  Là Con Thiên Chúa mà cần một người không biết gì về Thiên Chúa như mình giúp sao?”  Ông lắc đầu không hiểu.  Điều đó dường như quá cao siêu với đầu óc đơn sơ giản dị của ông.

Người tử tội Giêsu chẳng nói riêng với Simon một lời nào, nhưng cái nhìn tri ân trong khuôn mặt máu me cam chịu, bước chân siêu vẹo ngả nghiêng trên cát dưới làn mưa roi, đã từng bước chầm chậm đi vào trái tim ông.  Buổi sáng định mệnh hôm ấy đã để lại một dấu ấn không bao giờ phai nhạt trong đời ông.  Cuộc gặp gỡ đó có là tình cờ không?  Sao không phải là ai khác mà lại chính là ông?  Giêsu miền Nazarét, ông là ai?  Là Đấng Messiah mà dân Do Thái đang trông chờ?  Là Con Thiên Chúa?  Là vị tiên tri?  Là một phàm nhân bình thường?  Hay chỉ là một tên cướp không gặp thời?  Simon bắt đầu lần mò từng bước tìm hiểu về Giêsu thành Nazarét.  Người ấy giờ đây đã trở nên quá gần gũi thân thương với ông.  Cuộc đời Simon giờ đã sang trang.  Ông bỗng thấy trân qúy cuộc sống.  Cảnh sống nghèo nàn ở thôn quê với người vợ dại, hai đứa con thơ, người mẹ già ốm đau rề rề, trước đây là một gánh nặng của ông thì giờ đây lại trở thành mái ấm được chúc phúc.  Là ông đã giúp Giêsu mang cây thập giá hay chính Giêsu đã đến trong cuộc đời ông, giúp ông tìm ra một ý nghĩa mới cho cuộc sống?  Lạ thay với Simon, người tử tội Giêsu đã không chết, nhưng lại bắt đầu bước vào cuộc sống mới của ông, thánh hóa cuộc đời ông.  Simon cúi đầu thầm tạ ơn cho một ngày hồng phúc đã thay đổi đời ông từ đó.

Lang Thang Chiều Tím

Tuần Thánh 2017

Xin hãy công bằng với nước Mỹ


Minh họa. Ảnh: VOA/Lam Thủy

Minh họa. Ảnh: VOA/Lam Thủy

Nếu định nghĩa “xâm lược” là cướp đoạt chủ quyền bằng vũ lực, quyền hành, thì không thể xem Hoa Kỳ là xâm lược như giọng điệu tuyên truyền của Hà Nội để kích động thanh niên miền Bắc, để Hồ Chí Minh có thể hoàn thành sứ mạng của một cán bộ Cộng Sản quốc tế, nhuộm đỏ toàn quốc Việt Nam, dưới danh nghĩa được gọi là “giải phóng dân tộc.”

Sau khi Hoa Kỳ đổ quân vào Việt Nam, giúp miền Nam chống lại sức tấn công hung hãn của Bắc Việt với sự yểm trợ tối đa vũ khí và tiền bạc của Liên Xô và Trung Cộng, trong vòng 10 năm, 58 nghìn thanh niên ưu tú của nước Mỹ đã chết hoặc mất tích tại đây. Nước Mỹ đã tốn phí trong cuộc chiến này 738 tỉ đô la, cuộc chiến tốn kém nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Nước Mỹ thu lợi gì trong cuộc chiến xa đất nước mình nửa vòng trái đất này, nếu không nói là một cuộc thua trận, “Không Hòa Bình, Chẳng Danh Dự” (No Peace, No Honor) như nhan đề cuốn sách của giáo sư Larry Berman (The Free Press, 2001.)

Sau khi Hoa Kỳ ký hiệp định Paris, chấp nhận rút quân khỏi miền Nam, năm 1973, Lê Đức Thọ từ chối nhận giải Nobel Hòa Bình cùng với Kissinger để xé hiệp định, tiến công miền Nam, hoàn thành mục tiêu của Bắc Việt, “đánh là đánh cho Trung Quốc, đánh cho Liên Xô.”

Và nước Mỹ đã làm gì cho người dân miền Nam sau ngày 30 tháng Tư khi xe tăng Bắc Việt vào dinh Độc Lập?

Trong những ngày cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, hơn 7.000 người Việt Nam được di tản bằng trực thăng ra khỏi đất nước trong “Chiến Dịch Gió lốc” (Operation Frequent Wind) do Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ thực hiện.

Thời gian tiếp theo sau đó là những thuyền nhân vượt biên ra nước ngoài bằng đường biển, đã được Hoa Kỳ đón nhận nhiều nhất.

Thập niên 1990 bắt đầu các chương trình lớn, ODP, H.O., chương trình con lai…

Theo Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ, từ năm 1950 đến 1974, chỉ có 650 người Việt ở Mỹ. Năm 1980 con số này lên đến 261.729 và theo US Census, năm 2015 đã có 1.980.344 người Việt định cư ở Hoa Kỳ.

Người Việt ở Mỹ thành công trong nhiều lãnh vực và mau chóng hội nhập vào xã hội mới. Hàng trăm ngàn chuyên viên kỹ thuật rất có khả năng đã và đang đóng góp tích cực vào quê hương thứ hai. Chính Người Việt tị nạn Cộng Sản – từng bị chính quyền Việt Nam gọi là “bọn ma cô, đĩ điếm chạy theo chân Đế Quốc để kiếm bơ thừa sữa cặn” – đã cứu nền kinh tế của Việt Nam khỏi sụp đổ vào những năm 80. Các “khúc ruột ngàn dặm” này gửi về Việt Nam hàng nhiều tỷ Mỹ Kim mỗi năm.

Nhưng thực sự chúng ta, người Việt trên đất Mỹ từ bao nhiêu năm nay, sinh sôi nảy nở, thành công, sống an bình và hạnh phúc, đã công bằng với nước Mỹ chưa?

Tôi tin rằng, chúng ta chưa công bằng với nước Mỹ, khi vẫn nói “nước Mỹ phản bội,” “Đồng Minh tháo chạy!”, hay những câu nói mỉa mai: “Bạn như thế thì đâu cần đến kẻ thù!,” “nước Mỹ là đất tạm dung”…

Chúng ta đã thật sự xem nước Mỹ là “nhà” của mình chưa?

Một ngôi nhà để chúng ta trú mưa, tránh nắng, có phên dậu để ngăn kẻ xấu xâm nhập làm tổn hại đến gia đình chúng ta, một ngôi nhà có khu vườn có bóng cây che mát cho chúng ta, có trái cây cho chúng ta dùng và những luống hoa đầy hương sắc cho chúng ta thưởng thức. Trong ngôi nhà ấy con cái chúng ta đã được sinh ra và lớn lên, được nuôi dạy và học hành để thành người đôn hậu tử tế, và chúng ta chưa hề nghĩ đến một ngày nào đó chúng ta sẽ từ giã ngôi nhà này để ra đi, tìm một nơi trú ngụ khác.

Có đôi lúc, tôi nghĩ chưa coi đây là ngôi nhà thực sự của chúng ta và không ít người vẫn coi đây là ngôi nhà trọ qua đường, và chúng ta là những người khách trọ vô tình và vô ơn.

Chúng ta đã chối bỏ căn cước tị nạn nhiều lần để về lại nơi chúng ta đã bỏ ra đi, nơi mà chúng ta gọi là tù đày, áp bức, nơi chúng ta không thể nào sống, đã bỏ quê hương, làng mạc và mồ mả ông cha để ra đi.

Chúng ta đã biểu tình lên án nước Mỹ bình thường hóa quan hệ, giao thương, thỏa hiệp với kẻ thù xưa, trong khi chúng ta vẫn nuôi sống, vỗ béo chế độ ấy với số đô la khổng lồ gửi về hàng năm.

Chúng ta đã cứu đói, xây cầu, vá đường gọi là làm từ thiện ở Việt Nam, ví như trong $10 cho Việt Nam, chúng ta đã dành được $1 cho nước Mỹ chưa?

Chúng tôi không nói đến người Việt ở đất nước khác, mà là người Việt trên đất Mỹ hôm nay. Cái đất nước đã được che chở chúng ta đêm qua, chỉ 15 phút khi chúng ta gọi 911 đã có xe cấp cứu đến nhà, cái đất nước mà con cái chúng ta đến trường được dạy dỗ, được che chở, cái đất nước mà trẻ con, người già được săn sóc, không bao giờ thiếu bánh mì, giọt sữa và viên thuốc!

Đã cạn lời, tôi xin trích vài dòng của một tác giả Việt Nam, tên Song Châu trên Facebook, mà tôi tin đây là một người Việt đang sống ở Mỹ, để làm lời kết của bài này: “…Ở đây, mục đích của bài viết này, người viết chỉ mong rằng, không cần phải yêu nước Mỹ, nhưng xin bạn đừng vô tình hay cố ý làm tổn thương nước Mỹ, một đất nước đã cưu mang bạn, giúp cho bạn mọi phương tiện, mọi cơ hội để bạn vươn lên sống cuộc đời tươi đẹp mà nhiều người trong nhiều quốc gia trên thế giới ước ao.”

Tôi cũng xin phụ hoạ thêm: “Xin hãy công bằng với nước Mỹ!”

Tri thiên Mệnh

Tri thiên Mệnh

“Sức mạnh của trẻ thơ là tiếng khóc. Sức mạnh của đàn bà là phẩn nộ. Sức mạnh của người ăn trộm là vũ khí. Sức mạnh của vua chúa là quyền uy. Sức mạnh của kẻ ngu là áp đảo. Sức mạnh của bậc hiền trí là cảm hóa. Sức mạnh của người đa văn là thẩm sát. Sức mạnh của sa môn là nhẫn nhục.”

“Bởi chúng ta không thể thay đổi được thế giới  xung quanh, nên chúng ta đành phải sửa đổi chính mình, đối diện với tất cả bằng lòng từ bi và tâm trí huệ”

“Ra đời hai tay trắng. Lìa đời trắng hai tay. Sao mãi nhặt cho đầy. Túi đời như mây bay.”

“Thành thật đối diện với mâu thuẫn và khuyết điểm trong tâm mình, đừng lừa dối chính mình”.

“Sự khác biệt giữa con người là do mức tiến hóa khác nhau qua các kiếp sống. Có khi nào ta thù ghét một kẻ kém ta đâu? Suy luận rằng: “vạn vật đồng nhất”, ta sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác, vì họ không hiểu biết, không ý thức hành động của mình, vả lại họ và ta nào có khác nhau đâu. Khi ta hiểu rằng: “nhất bổn tám vạn thù”, ta nhìn vạn vật như chính mình, từ loài người qua loài thú, thảo mộc, kim thạch, và ý thức rằng mọi vật đều có sự sống, đều có Thượng đế ngự ở trong, ta sẽ cởi bỏ thành kiến, mở rộng lòng thương đến muôn loài”.

“Là con Phật, nếu không nói được những gì Phật nói, hãy im lặng như chánh pháp, đừng nói những lời ác, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, làm tổn hại kẻ khác, nếu không làm được những gì Phật làm, hãy im lặng và lắng nghe, quán sát, học hỏi những thiện tri thức, đừng vọng động làm những điều thương tổn đến tha nhân”.

“Ác khẩu, mãi mãi đừng để nó thốt ra từ miệng chúng ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu. Anh càng nguyền rủa họ, tâm anh càng bị nhiễm ô, anh hãy nghĩ, họ chính là thiện tri thức của anh”.

“Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác”.

“Khi trong tay anh nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ ấy, nếu anh chịu buông xuống, thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí huệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tỷ phú từ thiện 8 tỷ USD: Sinh ra tay trắng, cuối đời trắng tay

Tỷ phú từ thiện 8 tỷ USD: Sinh ra tay trắng, cuối đời trắng tay

Tỷ phú Chuck Feeney là người đầu tiên ở Mỹ bỏ ra số tiền lớn là tài sản của mình để làm từ thiện. Ông chính thức rỗng túi, đi ở thuê vào tuổi ngoài 80, nhưng đã hoàn thành khát vọng “cho đi khi còn đang sống”.

“James Bond” của giới từ thiện

Tỷ phú Charles F. Feeney (1931) là một người Mỹ gốc Ireland. Ông thường được gọi với cái tên thân mật Chuck Feeney, thời gian gần đây ông được giới truyền thông Mỹ đặt cho biệt danh “James Bond của giới từ thiện”.

Vị tỷ phú Mỹ này nói thông thạo 2 tiếng Pháp và Nhật, là người xây lên đế chế các cửa hàng miễn thuế. Từ nhỏ, ông đã nghỉ ra đủ mọi cách để kiếm tiền như: gõ cửa từng nhà để bán thiệp Giáng sinh, dọn tuyết trên đường hay nhặt bóng trên sân golf,…

Tỷ phú Charles F. Feeney năm 2007.

Charles F. Feeney bắt đầu sự nghiệp kinh doanh cùng với bạn học cùng đại học từ đầu thập niên 1950: bán rượu không thuế cho thủy thủ Mỹ. Sau đó, ông bán xe hơi cho cho lính Mỹ và lập nên chuỗi cửa hàng miến thuế (DFS) ở các cửa khẩu, với doanh thu đạt 3 tỷ USD/năm.

Vào những năm 60, khi Nhật Bản tổ chức thế vận hội và dỡ bỏ hạn chế du lịch nước ngoài, Chuck Feeney đã chộp cơ hội này để thu tiền của khách du lịch Nhật. Đó là những khoản tiết kiệm khổng lồ người Nhật bỏ ra mua sắm rượu, nước hoa, đồ trang sức miễn thuế,… tại các địa điểm nổi tiếng như Hawaii, Hong Kong, San Francisco, Saipan và Guam…

Mặc dù kiếm được rất nhiều tiền từ rất sớm, với tổng tài sản theo New York Times lên tới 8 tỷ USD, nhưng Chuck Feeney có cuộc sống riêng tư rất bình lặng và đơn giản, không xa hoa, không bao giờ thắt cà-vạt Hermes hay mang giày Gucci. 

New York Times tiết lộ, trong nhiều năm ở New York, bữa trưa của ông không phải ở các nhà hàng sang trọng mà là ở khu nhà Irish Pavillion Tommy Makem trên phố East 57th – nơi ông ăn bánh mì kẹp thịt.

Feeney kín tiếng tới mức, mãi tới 1988, thế giới mới biết đến sự giàu có của ông. Khi đó, lần đầu tiên Forbes ước tính Feeney có khoảng 1,3 tỷ và xếp thứ 31 tại Mỹ. Tuy nhiên, tài sản thực của ông vẫn là một ẩn số, chỉ sau những lần làm từ thiện, thế giới mới biết được.

Công chúng còn kinh ngạc về cuộc sống giản dị và tiết kiệm tới mức tối đa. Ông keo kiệt với bản thân, gia đình nhưng hào phóng với người dưng. Ông ghét sự phung phí, không muốn con cái trở thành con nhà giàu hư hỏng và bắt chúng làm hầu bàn, bồi phòng khách sạn, thu ngân trong các kỳ nghỉ hè ngay từ khi còn nhỏ.

Sự hà khắc của Feeney không làm cho con cái khó chịu, thậm chí con gái đầu của Feeney còn cho rằng, cách làm của người cha đã giúp họ sống như những người bình thường khác, làm được việc đáng làm và vẫn có đủ tiền để chi tiêu cho cuộc sống.

Làm từ thiện ở khắp 5 châu.

Theo quan điểm của vị tỷ phú này, “bạn chỉ có thể mặc một chiếc quần vào cùng một thời điểm”. Ông thích kiếm tiền nhưng không muốn sở hữu chúng, tiền quá nhiều cũng không thể đem ra tiêu xài hết. Một thời gian dài, ông sống trong căn hộ đi thuê và toàn bộ tài sản được dần hiến tặng cho các tổ chức từ thiện. Các con ông cũng phải tự lăn lộn kiếm sống khi đến tuổi trưởng thành. Feeney cho biết, đây chính là cách để ông giáo dục các con biết quý trọng giá trị của đồng tiền.

 “Sinh ra tay trắng thì khi trở về cũng phải trắng tay”

Suốt hơn 30 năm qua, Chuck Feeney đã đi khắp thế giới để làm từ thiện từ tài sản 8 tỷ USD của mình, tập trung và giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế,… tại Mỹ, Úc,Việt Nam, Nam Phi và Ireland.

Quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies do ông sáng lập đã rót khoản tiền cuối cùng trị giá 7 triệu

USD vào cuối 2016 cho Đại học Cornell nhằm hỗ trợ sinh viên làm công tác dịch vụ cộng đồng. Chuck Feeney đã hoàn thành khát vọng “cho đi khi còn đang sống” và chính thức rỗng túi.

Trả lời trên tờ New York Times, ông Feeney cho biết: “Bạn luôn lo lắng khi phải quản lý quá nhiều tiền như thế, nhưng chúng tôi dường như đã làm việc đó khá tốt”.

Tới đầu 2017, tổng giá trị tài sản còn lại của Feeney là hơn 2 triệu USD. Hiện ông và vợ (Helga) đang sống trong một căn hộ thuê ở San Francisco.

Tại Việt Nam, quỹ Atlantic bắt đầu rót tiền vào chỉ vài năm sau khi chiến tranh kết thúc, tài trợ bắt đầu từ miền Trung như xây dựng trường Đại học Đà Nẵng.

Cho đến nay, 2 người còn gái của ông là: Diane Feeney và Juliette Feeney cũng tiếp tục theo gót cha làm từ thiện. Họ làm chủ tịch của một số tổ chức từ thiện của gia đình và cộng đồng.

Quỹ Atlantic Philanthropies của Feeney bắt đầu sứ mệnh “làm rỗng túi” từ năm 1982 với ước mơ muốn tạo ra sự thay đổi lớn cho cuộc sống của những người gặp khó khăn. Ông ước mơ mang lại hòa bình cho Bắc Ireland, hiện đại hóa hệ thống chăm sóc y tế của Việt Nam hay biến Roosevelt Island của New York trở thành một trung tâm công nghệ.

Tỷ phú Chuck Feeney đã quyên tặng tổng cộng 8 tỷ USD tài sản và giờ chỉ còn lại 2 triệu USD.

Cho đến nay, Feeney đã xây cả ngàn tòa nhà khắp châu lục, nhưng tên của ông không hề xuất hiện trong bất cứ công trình nào, từ trên các viên đá ốp tòa nhà hay trong các văn bản. Trong nhiều năm, quỹ Atlantic Philanthropies của Feeney yêu cầu những người được hưởng lợi không được công khai sự tham gia giúp đỡ của họ.

“James Bond” của giới từ thiện cho biết, ông làm từ thiện và quyên tặng hết tài sản rất đơn giản là bởi vì, “vải liệm không có túi”, người chết ra đi không mang được gì. Con người “sinh ra tay trắng thì khi trở về cũng phải trắng tay”.

Khối tài sản lớn cuối cùng được Chuck Feeney quyên tặng vào cuối năm ngoái. Ông Feeney giờ 86 tuổi và quỹ Atlantic Philanthropies theo kế hoạch sẽ đóng cửa vào năm 2020.

Giàu có không lộ diện, nhiều tiền không tiêu xài sang, làm từ thiện không cần ghi danh nhưng những việc làm của ông được cả thế giới biết đến. Hành động cao cả của Feeney là động lực cho nhiều người, là nguồn cảm hứng cho cả những người rất giàu có và nổi tiếng, cũng hay làm từ thiện như Bill Gates và Warren Buffett.

 V.Hà (tổng hợp)

Anh chị Thụ & Mai gởi

BỐ NÓ LÀ CÔNG AN

 
 
From facebook: Hằng Lê
BỐ NÓ LÀ CÔNG AN

Chuyện sáng nay, trước cổng một trường cấp 1. Thương cho những đứa trẻ, cổ còn đeo khăn quàng. Bố nó là công an.
– Bố mày độc ác!
– Bố mày mới ác độc. Bố tao làm cảnh sát giao thông, chỉ giữ gìn trật tự giao thông thôi!
– Nhưng hôm qua trên mạng đưa ảnh bố mày túm tóc lôi phụ nữ, đánh vỡ đầu người ta.
– Đó là tại bà bán hủ tiếu ấy lấn chiếm vỉa hè!
– Lấn chiếm vỉa hè thì nhắc nhở thôi, sao kéo đầu lôi tóc đánh người như du côn vậy?

– Bố mày đánh người biểu tình nữa. Hôm qua trên mạng tung ảnh bố mày đánh người biểu tình đấy.
– Có phải bố tao đâu. Người ta bảo đó là bọn du côn, lưu manh vô học nào đấy, chứ không phải bố tao.
– Du côn gì, tao nghe trên mạng bảo đó là bố mày. Bố mày giả dạng du côn. Giả mặc thường phục, che mắt bịt miệng nhưng người ta vẫn nhận ra đấy là bố mày.
– Thế bố mày thì sao? Bố mày làm quản giáo. Người ta bảo quản giáo đánh cả tù. Quản giáo là đồ ác độc. Trên mạng họ chửi thế đấy! Bố mày là quản giáo. Bố mày mới là đồ ác độc. Đồ con nhà ác độc!
– Mày ác độc, bố mày ác độc. Trên mạng nó bảo bố mày là du côn, một lũ du côn. Cảnh sát du côn, công an du côn. Bố mày là đồ du côn!
– Bố mày du côn. Mày ác độc. Bố mày ác độc. Hu hu hu…
Hai đứa lao vào nhau. Vừa chửi vừa lôi áo giật tóc, hu hu khóc. Chẳng hiểu vì chuyện gì.
Can xong, xoa đầu hai đứa, tôi hỏi:
– Bố cháu làm gì, cảnh sát giao thông à? Còn bố cháu, quản giáo thật à?
– Thôi, đừng đánh nhau nữa. Cảnh sát, hay quản giáo gì thì cũng là… công an. Bố các cháu là công an, nghe chưa.
Cả hai đứa đều gật. Miệng vẫn mếu. Trông đến tội nghiệp.
Mấy đứa nhỏ khác, dường như cùng lớp, đứng cạnh xì xào:
– Hai đứa con công an. Bố nó là công an.
Chuyện sáng nay, trước cổng một trường cấp 1. Thương cho những đứa trẻ, cổ còn đeo khăn quàng.

NHỮNG BƯỚC ĐI TÁO BẠO

 
 
From facebook: Hằng Lê with Mạnh Hùng Vũ and Xuan Nam Ho.
NHỮNG BƯỚC ĐI TÁO BẠO

Đến giờ cả Nga và Trung Quốc đều thấy e ngại Mỹ vì cái cách làm việc của bộ máy của Trump. Họ làm mà không thể đoán trước được đường đi nước bước của họ.

Ngay khi Tập Cận Bình đặt chân đến thủ phủ của Hoa Kỳ thì Mỹ đã nã tới 59 quả Tomahawk vào Syria để trừng trị nước này vì hành động dùng vũ khí hoá học để giết dân thường của chính quyền bạo tàn dưới thời tổng thống Bashar Al-Assad.

Đây vừa là một thông điệp gửi tới Bắc Kinh về hành động quân sự “không báo trước” và nó như cái tát vào mặt Trung Quốc nhằm cảnh báo tới chính nước này nếu muốn khởi động một hành vi quân sự nào đó hoặc bất chấp luật pháp mà hành xử. Nó cũng là cú đấm bất ngờ đối với Nga khi Hoa Kỳ hành động một cách độc lập và đột ngột, gần như xoá bỏ đi vai trò của Nga trên mặt trận Syria trong vấn đề khủng hoảng và khủng bố ở Trung Đông.

Hơn nữa, việc Trump sẵn sàng trừng trị bằng hành động quân sự đối với Syria cũng là đòn đánh để dằn mặt Triều Tiên về cùng một vấn đề mà Liên Hiệp quốc đã cấm, đó là vũ khí hạt nhân, và kèm theo cả việc trừng phạt đối với hành vi độc tài man rợ xâm hại nghiêm trọng nhân quyền đối với người dân của đất nước bị cô lập này của tên lãnh đạo khát máu Kim Jong Un.

Việc Trump bắt tay Tập Cận Bình và dành một vài lời có cánh cho mối quan hệ Trung – Mỹ chỉ là con bài bề mặt và nhằm đánh lạc hướng Trung Quốc trước các hành động thực sự ẩn phía sau của Hoa Kỳ.

Tôn Tử đã nói trong binh pháp, quân sự là hành động nguỵ trá, và chiến tranh là công cụ của chính trị, ngoại giao lại càng cần nghệ thuật. Nên việc họ tay bắt mặt mừng không có nghĩa khẳng định rằng mối quan hệ đó sẽ tốt đẹp hoặc được xác lập trên sự cam kết chắc chắn nào. Trump và chính quyền của Trump đang hành động khó đoán và vô cùng thực tế, dứt khoát. Thế nên cả Nga và Trung Quốc đều dè chừng và không biết sẽ ứng phó ra sao.

Riêng về việc Philippines nói rằng “Trung Quốc quá mạnh ở biển Đông” và “Chúng tôi không thể ngăn được Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự hay bồi đắp đảo nhân tạo trên vùng biển đã được phán quyết của PCA”. Theo tôi đây là một tuyên bố nhằm dụ Bắc Kinh hành động “bất chấp luật pháp” để Mỹ và Liên Hiệp Quốc có cơ sở mà “ra đòn trừng phạt”, nếu một khi nước này tiếp tục bồi đắp đảo nhân tạo và tự ý xác lập chủ quyền đối với đảo Scarborough của Philippines mà đã được phân định rõ theo phán quyết của Toà án quốc tế ở Hague, Hà Lan vào tháng 07/2016. Đây là một cách “dụ dỗ” hay “thúc đẩy hành vi trái pháp luật diễn ra” để nhằm có căn cứ rõ ràng cho một hành động trừng phạt của quốc tế dành cho quốc gia nào đi ngược lại phán quyết có hiệu lực của Toà án quốc tế.

Hơn thế, đến Trung Quốc, Trump có rất nhiều con bài và cả nhiều thứ để đặt lên bàn cân mà mặc cả hay ra điều kiện với Trung Quốc.

Riêng ở Biển Đông, Bắc Kinh cũng không có cơ sở hợp pháp để tiếp tục bành trướng. Trong khi đó, Trump có trong tay Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương và cả Triều Tiên, để đưa ra yêu cầu đối với nước này ngay tại Bắc Kinh trong thời gian tới.

Những lời nói ngoại giao chỉ là nghệ thuật, nó là thứ bề mặt để che đậy những toan tính thật sự đằng sau của mỗi quốc gia, thậm chí những gì nói ra lại là thứ ngược lại với những kế hoạch mà họ đã dự tính và đang dần từng bước thực hiện. Giống như tay họ Tập này đến Việt Nam thì rất hoà nhã và dĩ hoà vi quý, nhưng ra khỏi lãnh thổ chúng ta thì hắn lập tức trở mặt tuyên bố Trường Sa và Hoàng Sa là của chúng và đường lưỡi bò (9 đoạn) là có giá trị trong tranh chấp với Việt Nam!

Chúng ta cũng thấy được rằng, trong thời gian gần đây, Trump gần như không còn Tweet hay đăng lên facebook những phát ngôn giật gân, nóng nảy và trực ngôn nữa. Ông ta đã dần trầm lắng và hành động âm thầm cùng với các cố vấn và bộ máy mà theo như nhận định, là bộ máy mạnh nhất kể từ thời của vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, Abraham Lincoln.

Bàn cờ thế giới dần sẽ được sắp xếp lại theo một trật tự mới, nhưng vẫn với vị trí cũ, là Mỹ là cường quốc đứng đầu và định hình thế giới bằng những hành động mạnh mẽ. Trump đã giải quyết vấn đề việc làm cho chính nước Mỹ. Đã thu hút đầu tư và giảm nợ công của Mỹ xuống hàng ngàn tỷ đô chỉ trong vài tháng nắm quyền. Luật Magnitsky cũng đã có hiệu lực và lập tức được thực thi bằng một danh sách (đen) những cái tên đã có những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở các quốc gia (độc tài, toàn trị) khác trên toàn thế giới.

EU và châu Âu, đều ủng hộ những hành động của Trump, của chính quyền mới của Đảng Cộng hoà. Họ không phàn nàn mặc dù chính các nước này đã phải đau đầu với những dự tính, chính sách mang tính mặc cả tiền bạc rất thực dụng từ Trump.

Trước một tên côn đồ, đương nhiên Mỹ sẽ phải mạnh mẽ, nhưng khác ở chỗ, Mỹ sẽ dùng luật pháp để chơi lại những tên ngông cuồng và bành trướng bất chấp luật pháp. Và hơn thế, thế giới cũng sẽ không bao giờ có thể được và bị dẫn dắt bởi một quốc gia, dù có to về diện tích hay nhiều về dân số, nhưng lại chưa bao giờ trở thành biểu tượng của trí tuệ, giá trị nhân văn và thượng tôn luật pháp của nhân loại như Trung Quốc hoặc Nga.

Vì một đất nước dung túng cho một chính quyền độc tài, toàn trị và dã man thì không bao giờ có thể có sự đồng thuận hoặc tôn trọng của thế giới văn minh.

Thế giới, vì thế vẫn cứ vận hành và rồi sẽ lại được định hình theo cái cách người Mỹ tính toán và đang từng bước thực thi nó.

(Luân Lê)

Image may contain: 3 people, fire
 
LikeShow more reactions

Comment

Ở Việt Nam, mỗi ngày, 315 người chết vì bịnh ung thư

From facebook: Hung Tran and 3 others shared Dương Tuấn Ngọc‘s post.
Image may contain: text

From facebook:  Dương Tuấn NgọcFollow

 

Giới trẻ nơi tôi sống – hôm nay – họ có thể kể cho bạn nghe rất rành về Ông Donald Trump, vợ con ông, scandals của ông. Giới trẻ bàn về 59 quả Tomahawk, thậm chí họ biết luôn chỉ có 23 quả trúng mục tiêu. Nhiều bạn còn mạnh mẽ bàn về Nhân Quyền trong việc Tổng thống Mỹ bắn tên lửa qua nước khác.


Nhân tiện các bạn quan tâm về #Syria, mình xin bổ sung thêm tin này.
.
http://m.nguoiduatin.vn/bang-hoang-moi-ngay-co-315-nguoi-vi…
http://www.baogiaothong.vn/hon-280000-nguoi-da-thiet-mang-t

  •  

Đảng cộng sản – Một tổ chức tội phạm!

From facebook:   Tony Ton

Đảng cộng sản – Một tổ chức tội phạm!

Nguoiduatin – Nguyễn Đan Thanh

– Là thường dân lao động, người viết không am hiểu nhiều về chính trị, nhưng có đủ kiến thức để so sánh giữa đảng phái chính trị với tổ chức tội phạm. Tham khảo tài liệu, đối chứng với Hiến pháp CHXHCNVN, cho thấy sự mâu thuẫn trong HP của đảng cộng sản tại Việt Nam, luôn tiềm ẩn sự độc tài, từ ngày mới thành lập cho đến nay. Đó là lấy chủ nghĩa Marx-Lenin và cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” làm kim chỉ Nam cho hầu như tất cả các chính sách đối nội, đối ngoại. Tất cả đều được thể hiện khá rõ trong điều 4HP.

Điều 4: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”

Nghịch lý trong điều 4HP của đảng cộng sản, tự nhận là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, thực tế chứng minh đó chỉ là sự mạo nhận để giành quyền thống trị. Không riêng gì giai cấp công nhân mà toàn bộ người dân VN đều buộc phải chịu sự áp đặt từ phía nhóm cầm quyền cộng sản (NCQCS). Người dân không có quyền bầu chọn người đứng đầu chính phủ, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, và cả những đại biểu quốc hội. Tất cả đều do Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) cấp cơ sở theo lệnh đảng cộng sản và chọn lọc, sắp đặt trước, để người dân thực hiện “quyền đảng cử dân bầu”, nhằm hợp thức hóa chiếc bánh vẽ pháp quyền. Tất cả ứng viên đều bị loại ngay từ vòng đầu, nếu không là đảng viên cộng sản, hoặc MTTQ xét thấy không có lợi cho đảng, nếu để thường dân tham dự vào guồng máy chính trị của đảng cộng sản.

Điều đó cho thấy, người dân không có cơ hội thực hiện quyền công dân, hoặc tham dự vào bất cứ điều gì mà HP quy định, dù điều đó pháp luật cho phép, điển hình là luật biểu tình. Chưa kể sự kỳ thị lý lịch ba đời làm thui chột nhân tài, kể cả con cháu quan chức cộng sản cũng không muốn về nước, dù là về để tiếp nối sự nghiệp độc tài do cha ông chúng để lại, sau khi đã hoàn thành tín chỉ du học. Đó là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của đất nước, dẫn đến làn sóng tỵ nạn chính trị – kinh tế kéo dài từ sau Hiệp Định Genève 1954, cho đến tận ngày nay vẫn chưa chấm dứt việc người dân chạy trốn chế độ cộng sản.

Đối với thành phần đảng viên cộng sản, được ưu đãi nhiều quyền lợi nhưng không có nghĩa tiếng nói của họ có giá trị, nếu không là ủy viên bộ chính trị. Chính vì mù quáng tin tưởng vào đường lối chính sách của đảng cộng sản sẽ mang lại điều tốt đẹp, không ít người đã thất vọng và từ bỏ đảng vì ý kiến của họ không được xem trọng. Tuy nhiên, đi sâu vào vấn đề từ bỏ đảng, đa phần là những người không còn quyền lực, bị thất sủng, bị đào thải. Sự bất mãn của họ chỉ nhắm vào đảng cộng sản hiện tại xuất phát từ bất mãn cá nhân, họ cũng tham dự vào tiến trình đấu tranh dân chủ hóa đất nước bằng những bài viết, mong đảng cộng sản sẽ thay đổi, mà quên rằng tự bản chất CNCS là nguồn gốc tai họa, không thể sửa chữa, chỉ có xóa bỏ. Họ đấu tranh với phần ngọn (đảng cộng sản hiện tại) mà bỏ qua cái gốc của vấn nạn (cộng sản đời đầu). Họ không can đảm nhìn vào sự thật rằng, nguồn gốc của mọi tai họa hôm nay, đều xuất phát từ Hồ Chí Minh và thuộc hạ như Đồng. Chinh, Duẫn, Giáp v.v… Họ cố bám vào quá khứ, không đủ can đảm thừa nhận bản thân đã sai lầm, khi chọn con đường cách mạng lộn ngược, còn tồi tệ hơn thời thực dân Pháp.

Gần đây, ngoài sự kỳ thị lý lịch, Nguyễn Phú Trọng còn kỳ thị vùng miền ngay trong nội bộ đảng cộng sản. Trọng khẳng định người đứng đầu đảng cộng sản với chức danh tổng bí thư phải là người miền Bắc, có lý luận. Nhận định của Nguyễn Phú Trọng là cái tát thẳng vào mặt từng đảng viên cộng sản miền Nam. Đó cũng là sự sỉ nhục cộng sản miền Nam, có theo đảng cộng sản cả đời cũng không bao giờ có thể là tổng bí thư. Nói cách khác, cộng sản miền Nam chỉ là công cụ không hơn kém, tương tự số phận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (MTDTGPMN) bị xóa sổ ngay sau tháng tư, 1975. Danh từ bình đẳng, dân chủ tập trung trong đảng cộng sản cũng chỉ là bánh vẽ.

Sự tương đồng giữa tổ chức tội phạm và đảng cộng sản VN

Tên đứng đầu tổ chức tội phạm, toàn quyền quyết định nhận hoặc sa thải đàn em. Thuộc hạ không có quyền cãi lệnh mà chỉ được phép thi hành. Thuộc hạ sẽ bị trừng phạt hoặc thủ tiêu nếu tiết lộ bí mật của tổ chức. Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đảng cộng sản được bảo kê bởi Trung cộng cũng có quyền hành giống như vậy. Căn cứ vào tuyên bố của Nguyễn Phú Trọng “Hiến pháp phải sau cương lĩnh đảng”. Một quốc gia mà giới cầm quyền không xem HP là quan trọng, chỉ quan tâm đến quyền lực của đảng và để duy trì nó, Nguyễn Phú Trọng không ngần ngại triệt hạ đồng chí, đồng đảng, đồng bọn một thời tay bắt mặt cười trong các kỳ đại hội đảng. Điển hình như trường hợp Nguyễn Tấn Dũng và đàn em. Gần đây là Trịnh Xuân Thanh.

Trong các thể chế dân chủ đích thực, tam quyền phân lập là rào cản, ngăn sự lạm quyền của các đảng phái tham dự việc điều hành đất nước, tuy đối lập nhưng cùng chung mục tiêu xây dựng, chống lại sự đe dọa, xâm lược từ bên ngoài. Nhìn vào cuộc bầu cử vừa qua tại Mỹ, ngay sau khi nhậm chức, tổng thống Hoa Kỳ, người quyền lực nhất thế giới vẫn phải đối mặt với những vụ kiện, các thẩm phán liên bang có quyền chống lệnh tổng thống nếu xét thấy điều đó vi hiến. Tổng thống buộc phải tuân thủ Hiến pháp bởi đó là ý dân.

Ngược lại, tại VN, một quốc gia độc đảng bởi NCQCS, HP chỉ là hàng thứ yếu so với cương lĩnh đảng. Vì vậy đảng cộng sản tại Việt Nam không phải là một đảng phái chính trị, vì một đảng phái chính trị đúng nghĩa luôn đặt quyền lợi quốc gia trên hết. Hành động của Nguyễn Phú Trọng và bộ chính trị đảng cộng sản hoàn toàn đi ngược lại lợi ích của dân tộc và đất nước. Dân quyền bị tước đoạt, xã hội bị lũng đoạn bởi các quan chức từ địa phương cho tới trung ương. Vì lẽ đó, không thể gọi đảng cộng sản là một tổ chức chính trị. Nó là một tổ chức tội phạm.

Băng đảng cộng sản xưa và nay

Kể từ ngày Hồ Chí Minh và Việt Minh cướp chính quyền từ chính phủ Trần Trọng Kim, các đảng phái chính trị đối lập lần lượt bị Hồ thủ tiêu. Danh xưng đảng lao động được tháo xuống. Hồ và thuộc hạ lộ nguyên hình là những tên cộng sản, thừa sai của khối cộng sản quốc tế, thực hiện mưu đồ bành trướng, nhuộm đỏ Đông dương bằng CNCS. Hồ nhận chỉ thị từ Staline, Mao Trạch Đông để thực hiện cuộc cách mạng “long trời lỡ đất” 1954-1956. Kết quả, theo thống kê chính thức, có 172.008 người bị sát hại oan uổng trong chiến dịch CCRĐ. Cần nói thêm là chiến dịch “trăm hoa đua nở”, 1953 tại TQ do Mao Trạch Đông thực hiện khiến hàng triệu người chết, thì năm sau, Hồ sao y bản chánh. Thảm họa bắt đầu.

Cương lĩnh đảng cộng sản là do Hồ Chí Minh sao chép từ cương lĩnh đảng cộng sản Liên Sô. Hoàn toàn không có tính dân tộc như nhiều người ngộ nhận. Truyền thống ngàn đời chống ngoại xâm của dân tộc VN bị Hồ vứt bỏ. Thay vào đó là chủ nghĩa cộng sản. Hồ từng khẳng định Hồ không có tư tường gì ngoài chủ nghĩa Marx-Lenin. Thật ra, con người ai cũng có tư tưởng, nhưng tư tưởng của Hồ là tư tưởng của một tên nô lệ chủ nghĩa. Bản chất của Hồ là tên cộng sản vong bản. Hồ không có tư tưởng độc lập thì không thể mang đến độc lập cho ai, nói gì độc lập cho cả một dân tộc. Hồ cũng không có tính tự chủ, Hồ sẵn sàng lệ thuộc ý thức vào ai mà Hồ cho là giỏi hơn hắn, qua câu nói “Ai có thể sai, nhưng Mao và Staline không thể sai được”. Qua Hồ, ta có thể đánh giá được cộng sản đời đầu. Điển hình nhất là Trường Chinh (Đặng xuân Khu), từng viết thư kêu gọi đồng bào VN bỏ chữ quốc ngữ để học chữ Tàu, tung hê Trung cộng là “cái rốn” văn minh của nhân loại.

Còn rất nhiều tài liệu cho thấy sự tàn ác của Hồ và đồng bọn cộng sản đời đầu. Và, như thượng dẫn, những người còn nuối tiếc quá khứ cộng sản, bám víu thứ lý tưởng loài người văn minh đã xem như cặn bã. Bới ở đâu ra tên cộng sản tốt, để ai đó với chức phận nhà văn, chữ nghĩa đầy mình buông lời nói, con cháu của cộng sản đời đầu là “giọt máu công thần”?

Cũng có người cho rằng với cộng sản phản tỉnh, họ như đứng giữa ngã ba đường. Cần giúp họ nhận chân sự thật để họ trở về với chính nghĩa quốc gia, dân tộc. Điều đó không sai và đáng khích lệ. Nhưng cách nào để biết họ “đứng giữa ngã ba đường” nếu không dùng phép thử Hồ Chí Minh? Xin được lập lại rằng, chống cộng sản là bứng cái gốc của nó. Nếu người phản tỉnh không dám vứt bỏ hình tượng giả trá Hồ Chí Minh với những bằng chứng không thể chối cãi, chỉ dám nói một nửa sự thật về cộng sản đời đầu, thì hành động đó không phải chống bản chất cộng sản, mà muốn xây dựng lại đảng cộng sản với hình thái mới. Tắc kè đổi màu vẫn là tắc kè. Hoặc chống cộng sản triệt để, hoặc không chống ai cả, để khỏi mang tiếng tát nước theo mưa, bắt cá hai tay, chờ sung rụng.

Băng đảng cộng sản ngày nay, có thể nói đó là di sản của Hồ Chí Minh. Người đứng đầu hiện nay là Nguyễn Phú Trọng. Để đánh giá một đảng phái, không ai nhìn thành viên, họ nhìn tư cách tên đảng trưởng, kẻ có quyền lực thực sự, dù công cụ của nó chỉ là bạo lực. Cách ứng xử của Nguyễn Phú Trọng sau thảm họa Formosa cho thấy Nguyễn Phú Trọng và bộ chính trị cũng vong bản không thua gì cộng sản đời đầu như thượng dẫn. Tội ác có biến tướng theo thời gian nhưng bản chất thì không thay đổi. Chúng vẫn đặt quyền lợi Formosa lên trên sự sống còn của ngư dân bốn tỉnh miền Trung. Vẫn đặt sự tồn tại của đảng cộng sản lên trên sự tồn vong của cả dân tộc. Vẫn cai trị bằng thủ đoạn lừa gạt qua độc quyền tuyên truyền, vẫn dùng bạo lực để bịt miệng và nếu cần thì thủ tiêu người đối lập như những thập niên của thế kỷ trước, lúc Hồ còn sinh thời. Băng đảng cộng sản là hiện thân của tội ác, không phải đảng phái chính trị. Nó là một tổ chức tội phạm mạo danh cách mạng.

Vì sao cộng sản đòi cấm vĩnh viễn bản nhạc cổ “Dạ cổ hoài lang”

Vì sao cộng sản đòi cấm vĩnh viễn bản nhạc cổ “Dạ cổ hoài lang”

 

Hải Âu (Danlambao) – Cục Nghệ thuật biểu diễn của nhà nước cộng sản đang tỏ ra thách thức công chúng khi liên tiếp cấm những bản nhạc bất hủ đã đi vào lòng khán thính giả Việt Nam. Câu chuyện về 5 ca khúc nổi tiếng (Cánh thiệp đầu xuân, Con đường xưa em đi, Chuyện buồn ngày xuân, Đừng gọi anh bằng chú, Rừng xưa) đã bị cộng sản cấm sử dụng vĩnh viễn vẫn đang làm cho dư luận phẫn nộ trong những ngày qua.
Lấy lý do ca từ trong những bản nhạc đã bị sửa lời so với bản gốc, nhưng thực chất thâm ý của cộng sản là muốn giết chết nền âm nhạc vốn dĩ được hình thành và phát triển từ nét văn hóa của thời Việt Nam Cộng Hòa. Mới đây nhiều thông tin cho thấy cộng sản có thể sẽ cấm vĩnh viễn lưu hành bản nhạc cổ “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng với lý do ca từ của bản nhạc đã bị sửa lời.
Bản nhạc cổ “Dạ cổ hoài lang” có nội dung nói về nỗi niềm của một người vợ nhớ chồng mỗi khi đêm về. Bản nhạc cổ được chính nhạc sĩ Sáu Lầu (Cao Văn Lầu) sáng tác trong hoàn cảnh duyên nợ trái ngang của vợ chồng ông. Năm 28 tuổi, ông Sáu Lầu buộc phải nghe lệnh mẹ thôi vợ vì lý do “tam niên vô tự bất thành thê”, (hai vợ chồng ông không có con sau ba năm chung sống). Thời ấy nếu thôi vợ thì ông phải đem trả vợ về cho cha mẹ vợ, nhưng vì quá thương vợ, ông đã âm thầm chống lại lệnh của mẹ ông khi gửi vợ đến một gia đình có tấm lòng nhân hậu. Chiều chiều ông lại đem cây đàn Kìm ra làm bạn, khi màn đêm buông xuống, phu thê ông lại phải cam chịu cảnh “đêm đông gối chiếc cô phòng”… Chính từ những cảm xúc rất tự nhiên của đời người trong câu chuyện của ông Sáu Lầu mà từ đó bản nhạc cổ “Dạ cổ hoài lang” đã ra đời.
Cũng như bao tác phẩm âm nhạc nổi tiếng khác, người nhạc sĩ cần có và phải có hoàn cảnh sống hoặc những câu chuyện đầy cảm xúc mới có thể sáng tác những ca khúc đi vào lòng người cùng những áng văn nên thơ, lãng mạn và đẹp đẽ. Nhưng đó lại là những điều mà cộng sản ngày nay không muốn thừa nhận vì lẽ đó không phải là nhạc đỏ, nhạc cách mạng. Nó khác hẳn với dòng nhạc cổ vũ chiến tranh khi “bác cùng chúng cháu hành quân” hay cổ xúy cho sự chết chóc khi “đường vinh quang xây xác quân thù”. Hơn thế nữa, những bản nhạc bất hủ trước năm 1975 lại là của những người “bên thua cuộc” sáng tác.
Chuyện sửa lời bài hát mà cộng sản mượn cớ để cấm lưu hành những ca khúc trước năm 1975 chỉ là cách biện hộ cho thói hành xử vô lối của cộng sản. Có thể những ca từ ấy được chỉnh sửa, thay đổi ca từ âu cũng là làm cho những ca khúc ấy gần gũi với công chúng nghe nhạc hơn. Tuy nhiên sau khi sửa lời thì nội dung và ca từ của những bản nhạc ấy không hề làm mất đi ý nghĩa chính của bản nhạc, cũng không gây phản cảm cho người nghe. Những người lính hay những trận chiến trong bối cảnh sáng tác những ca khúc ấy không xuyên tạc sự thật, không kích động chiến tranh, cũng chẳng thù hằn Nam, Bắc. Thế thì sao phải cấm chúng lưu hành khi những bản nhạc ấy mang lại món ăn tinh thần cho hàng triệu người từ Bắc chí Nam.
Cũng vậy, bản nhạc cổ “Dạ cổ hoài lang” chỉ đơn thuần là một tác phẩm âm nhạc kể về sự trái ngang trong tình duyên của một xã hội còn nhiều giáo điều mang tâm thức phong kiến thời ấy. Một bản nhạc cổ đã làm rơi nước mắt của biết bao người yêu nhạc và đã tạo hứng khởi để từ đó Bạc Liêu trở thành cái nôi của dòng nhạc “Đờn ca tài tử”. Một thể loại âm nhạc được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 5/12/2013. Đến cuối tháng 4/2014 chính nhà nước cộng sản đã long trọng tổ chức Festival Đờn ca tài tử lần thứ nhất tại Bạc Liêu. Hầu hết các quan chức cao cấp của đảng cộng sản đều có mặt trong dịp Festival này nhằm vinh danh dòng nhạc có âm hưởng gần gũi với văn hóa và tính cách con người miền Nam. Hàng tỷ đồng đã được nhà cầm quyền chi ra để xây nhà tưởng niệm, khu trưng bày di sản của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng những hạ tầng cơ sở khác để tạo nên một Festival “Đờn ca tài tử” rất Nam bộ.
Thế nhưng chỉ ba năm sau, cũng chính những kẻ “làm văn hóa” của cộng sản đảng lại hăm he sẽ cấm vĩnh viễn bản nhạc cổ “Dạ cổ hoài lang”. Cục Biểu diễn nghệ thuật của nhà nước cộng sản đưa ra lý do “chưa xác định thời điểm sáng tác ca khúc này và cho rằng có nhiều dị bản đang được lưu hành trên thị trường”. Một bản nhạc đã tạo ra cái nôi của “Đờn ca tài tử” khiến UNESCO và thế giới công nhận là di sản của nhân loại đang đứng trước nguy cơ chịu án “tù chung thân” tại Việt Nam.
Nếu cộng sản cấm những bài hát trước năm 1975 vì “bị” sửa ca từ hay vì “dính” những hình ảnh người lính và chiến trận. Vậy thử hỏi những ca từ trong bài “đồng chí” hay “năm anh em trên một chiếc xe tăng” và vô số những bài hát liên quan đến cuộc chiến Bắc Nam của “bên thắng cuộc” tại sao lại không cấm. Đất nước không còn chiến tranh, cộng sản luôn mồm kêu gọi hòa hợp dân tộc nhưng tâm địa lại luôn thù hằn những gì gắn liền với Miền Nam Việt Nam. Phải chăng cộng sản lo sợ văn hóa nghệ thuật đầy tính nhân văn và tình dân tộc của Việt Nam Cộng Hòa hồi sinh và sẽ là bước đệm nhằm giải thể cộng sản đảng độc tài?
 
08.04.2017

ÔNG GIUĐA BÁN CHÚA

ÔNG GIUĐA BÁN CHÚA

GM Bùi Tuần

    Trong Thiên Chúa giáo, việc ông Giuđa phản bội Chúa Giêsu là việc nổi tiếng.  Nổi tiếng ở chỗ ông bán chính Thầy mình với giá 30 đồng bạc (Mt 27,3).

    Trong Mùa Chay, nhất là trong Tuần Thánh, tên ông Giuđa được nhắc tới nhiều lần với ý nghĩa xấu.

    Tôi thấy việc hiểu nhân vật này là chuyện không đơn giản.

    Cho dù ông bị mọi người của mọi thế hệ kết án là người phản bội, thì rõ ràng sự phản bội của ông cũng đã trở thành một biểu tượng lớn cho nhiều thứ phản bội khác của bao nhiêu người khác.  Biết đâu trong số đó có chúng ta.

    Vì thế, tôi xin trình bày vài suy nghĩ của tôi.  Suy nghĩ riêng tư, nhưng cũng dựa trên Phúc Âm.

  

 

 

 

 

 

 

  

 

Được chọn và được trọng dụng.

    Ông Giuđa là người thuộc nhóm 12 môn đệ Đức Kitô.

    Nhóm 12 này được coi là những người được Chúa Giêsu tuyển chọn cách riêng.

    Bốn Phúc Âm đều nhắc đến tên ông Giuđa này, biệt danh là Giuđa Ítcariốt  (Lc 6,16).  Điều hơi đặc biệt là tên ông được nhắc tới không dưới 10 lần.  Đang khi một số môn đệ khác chỉ được nói tới phớt qua.

    Thuộc nhóm 12 đã là một vinh dự lớn.  Thêm vào vinh dự lớn đó, ông Giuđa còn được trao trọng trách giữ tiền.  Với nhiệm vụ giữ tiền chung, ông được coi như người quản lý lo về vật chất và phác họa các kế hoạch cho các di chuyển và việc ăn ở hằng ngày của cộng đoàn.  Nếu gọi ông là người lập kế hoạch cho nhóm về phương diện vật chất, thì cũng không quá đáng.

    Như vậy, ông Giuđa là người tháo vát.  Trong một thời gian dài, ông được Chúa Giêsu tin tưởng và được các bạn tín nhiệm.

    Trước biến cố Chúa Giêsu nạp mình bị bắt, bầu khí trong cộng đoàn không có dấu chỉ nào cho phép dự đoán xấu về ông, khiến các môn đệ phải nghi ngờ ông.

      Tự hào với ý riêng.

    Ông Giuđa, được tiếp cận với Chúa Giêsu kể như thường xuyên, được nghe Người giảng dạy, được chứng kiến nhiều phép lạ Người làm, hơn hữa, ông lại là người Chúa chọn cách riêng.  Nên không thể nghi ngờ về đức tin của ông.

    Trái lại, theo thiển ý của tôi, ông thuộc trường phái Zêlốt gồm những người nhiệt thành về đạo.  Ông rất khao khát Đấng Cứu thế đến.  Ông rất thao thức với việc thiết lập Nước Trời.  Ông tin giờ hạnh phúc đó đã tới gần.

    Bởi vì chính Đức Kitô cũng thỉnh thoảng nói về thời giờ đã gần tới.  Người còn dạy phải cầu nguyện cho Nước Cha trị đến.

    Ông rất tin Thầy mình là Đấng quyền năng.  Ông tin tình hình đã tới lúc đổi mới.  Ông chứng kiến cảnh từng vạn người từ khắp nơi đổ về thủ đô, để tung hô đón Thầy mình từng bừng.  Họ tôn vinh Thầy mình là vua (Mt 24,8-10).  Ông thấy Thầy mình mạnh tay đuổi những kẻ buôn bán khỏi đền thờ (Mt 21,12-13).  Người tỏ mình là Đấng cứu dân (Mt 21,14-17).  Vì thế ông tự hào về hy vọng của ông bao năm hằng ấp ủ.

    Nhưng, chính lúc đó, ông lại thấy Thầy mình tỏ ra không hào hứng chút nào.  Trái lại, Người còn nói xa nói gần về một cái gì u ám sắp xảy ra.  Như “Còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt qua, và Con Người sắp bị nộp, để chịu đóng đinh vào thập giá” (Mt 26,2).  Vì thế, ông Giuđa nghĩ rằng: Mình cần phải có một kế hoạch, để việc đắc thắng của Thầy trò mình nhất định phải thực hiện cho bằng được, càng sớm càng tốt.  

    Rơi vào những sai lầm trầm trọng.

    Thế là ông đưa ra kế hoạch, ép Chúa Giêsu phải sớm tỏ ra uy quyền và vinh quang, ép Người phải sớm thiết lập một Nước Trời đầy công bình và vâng phục luật Chúa, ép Người phải chứng tỏ mọi hy vọng của ông về Chúa là đúng, là chính đáng.

    Thế là, ông mưu đồ bán Chúa.  Đây chỉ là một chiến lược.

    Nhưng, Giuđa đã sai lầm trầm trọng.

       Sai lầm thứ nhất là ông tưởng Chúa Giêsu, khi bị bắt, sẽ thoát khỏi tay quân dữ một cách dễ dàng. Uy quyền Chúa sẽ tràn lan.  Nhưng Chúa Giêsu lại không làm như ông muốn.

       Sai lầm thứ hai là ông tưởng việc thiết lập Nước Chúa sẽ được thực hiện bằng quyền lực, bằng những thành công rực rỡ lẫy lừng.  Nhưng thánh ý Chúa rất khác.  Nước Chúa sẽ đến qua con đường khiêm tốn, yêu thương tự hạ hy sinh.  Chúa và các môn đệ Người sẽ phải chịu mọi cực hình cho đến chết trên thánh giá để làm chứng nhân cho tình yêu cứu độ.

       Sai lầm thứ ba là ông thiếu khiêm nhường và tỉnh thức trước các lời Chúa khuyến cáo.  Ông tự cao, cứ bám chặt vào cái nhìn chủ quan của mình.

       Sai lầm thứ tư là sau khi sự Chúa bị bắt và bị nhục hình đã đánh thức lương tâm ông, thì ông lại vội thất vọng về Chúa và về chính mình.  Ông tưởng chỉ còn một lối duy nhất để giải quyết lỗi lầm của ông, là treo cổ tự tử.  Ông không nhớ, hoặc không tin vào lòng thương xót của Chúa.  Ông không đủ khiêm nhường, để theo Chúa đến thánh giá, đến mộ, và trở về với nhóm 12.  Họ cũng là những người bội phản, kẻ cách này, người cách khác.  Nhưng họ khiêm tốn vẫn tin theo Chúa trong tâm hồn.  Sau cùng, họ đã gặp Chúa sống lại, và đã được Người thứ tha mọi lỗi lầm, yếu đuối.

  Những bài học.

    Với mấy suy nghĩ trên đây, tôi nghiêng về hướng không buộc tội ông chỉ vì tham tiền mà phản bội Chúa.  Thực ra, chỉ có Chúa mới là Đấng có thẩm quyền xét xử ông.

    Riêng tôi chỉ muốn rút ra cho mình những bài học hữu ích.

    Qua sự kiện Giuđa, Chúa Giêsu dạy tôi luôn phải bắt chước Người, trong việc vâng phục thánh ý Chúa Cha.  Vâng phục với tâm tình phó thác tuyệt đối.

    Tôi phải rất thận trọng trong các việc mình tự cho là để làm sáng danh Chúa.  Bởi vì rất nhiều trường hợp, ý Chúa lại rất khác ý ta.  Việc tôi làm tưởng là việc tốt, nhưng trước mặt Chúa lại là một thứ phản bội ơn gọi làm chứng nhân cho Đấng Cứu thế khiêm nhường, khó nghèo, hy sinh.

    Tôi tin Nước Trời sẽ đến.  Nhưng Nước Trời như một hạt giống gieo vào lòng đất.  Hạt giống đó sẽ phát triển và mọc dần dần (Mc 4,26-29).  Chứ Nước Trời không được thiết lập bằng bất cứ quyền lực nào.

    Sự tin cậy phó thác của tôi nơi Chúa mở ra trong tôi một cái nhìn mới.  Tôi tin vào Cha giàu lòng thương xót.  Cha thì biết cái gì là tốt hơn cho con.  Nên trước những xung đột nội tâm, tôi vững tâm nói với Cha lời Chúa Giêsu đã nói ở vườn Cây Dầu: “Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự.  Xin cho con khỏi uống chén này.  Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14,36).

    Nhất là tôi đặt hết tâm tình tôi vào lời phó thác “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).  Lời phó thác đó là lời sau cùng Chúa Giêsu nói trên thánh giá.  Còn đối với tôi, đó là lời phó thác của mọi ngày, mọi giờ, mọi phút, suốt cả đời tôi.

    Sau cùng, tôi xin Chúa thương giúp tôi biết sử dụng đúng sự tự do, địa vị và các tài năng của mình.  Giuđa đã sử dụng sai các ơn Chúa ban.  Nhưng Chúa không ngăn cản.  Hơn nữa, Chúa còn ưu ái ông.  Vì thế, ông đã đi xa, chìm sâu trong lầm lạc.  Về phương diện này, có thể nói tội phản bội của Giuđa vẫn tái diễn.  Đến nỗi, còn có thể nói thêm: Nếu không biết khiêm nhường tỉnh thức, thì trong mọi người chúng ta vẫn thấp thoáng bóng một Giuđa phản bội.

    Hy vọng đừng ai coi thường tiềm năng phản bội đó nơi chính mình.

GM Bùi Tuần

Những điều hối tiếc

 Những điều hối tiếc

Huy Phương

Chúng ta thường tiếc nuối những gì chúng ta đã đánh mất: thời gian, tuổi trẻ, sức khỏe, tiền bạc và tình yêu. Có lẽ, lúc về già người ta tiếc nuối nhiều hơn, vì thời gian đã trôi qua, không còn níu kéo lại được, cũng như những sự lỗi lầm không thể đảo ngược. Còn với tuổi trẻ, như ở độ tuổi 30, họ có nhiều cơ hội để “làm lại cuộc đời,” bổ túc những gì mình đã thiếu sót, sống và làm những gì mình yêu thích mà chưa có cơ hội thực hiện.

Chúng ta thử nhìn tổng quát qua một cuộc khảo sát do hệ thống truyền hình UKTV Gold Anh Quốc thực hiện trên 1,500 người 65 tuổi và 1,500 người tuổi từ 20 đến 30, lẽ cố nhiên đây là những điều hối tiếc của những thần dân của Nữ Hoàng Anh Quốc, khác với những điều hối tiếc của chúng ta, những người Việt Nam, nếu có. Vì “Gold” là một băng tần hài hước của nước Anh nên có thể quý vị sẽ cho những điều hối tiếc này, có lẽ có phần nhảm nhí!

Hầu hết những người về già ở Anh Quốc đều tỏ ra hối tiếc rằng mình đã không làm “chuyện ấy” nhiều hơn một tí, trong lúc còn trẻ trung. Bây giờ già rồi, có muốn làm cũng không được, vì “kho đạn Long Thành không bồi hoàn cấp số đạn không sử dụng đúng thời gian.” Nếu bây giờ cho những người này “đi lại từ đầu,” hơn 70% số người 65 tuổi cho biết sẽ dành nhiều thời gian hơn để ân ái.

Ít hơn sự tiếc nuối về tình dục, 57% số người được phỏng vấn, nghĩ rằng, trước kia, mình đã không dùng thời gian để đi du lịch thế giới nhiều hơn. Bây giờ mắt đã mờ, chân yếu. có khi phải chống gậy, đi xe lăn, mang tã lót, chuyện đi chơi xa chỉ còn là chuyện không bao giờ thực hiện được. Thôi xin giã từ những chuyến bay, những đêm vui, những bữa ăn bên bờ biển, hay những buổi leo núi, những phong cảnh tuyệt vời của thế giới.

43% tiếc rằng mình đã không đổi nghề. Theo thống kê của Văn Phòng Lao Động Úc, hơn 50% người đổi nghề sau 5 năm, 20% mỗi năm làm một nghề. Ở Mỹ, tính trung bình, trong cuộc đời của một người Mỹ, họ đổi nghề 11.7 lần. Một đời người làm việc, khoảng 40 năm, thì chưa đầy 4 năm, người Mỹ đã đổi qua một nghề khác. Thiên hạ đổi nghề xoành xoạch như vậy, thì còn gì nữa mà hối tiếc!

40% người già nuối tiếc tuổi trẻ tiêu pha xa xỉ, đã không dành dụm được chút tiền để lo cho tuổi già, bây giờ phải hối hận, (điều này có vẻ ngược lại với 19% đã hối tiếc mình đã không mạnh dạn chi tiêu cho những thứ xa xỉ.) Một năm tòa xử bao nhiêu vụ ly dị, xã hội xảy ra bao nhiều lần vợ chồng chém giết nhau, nhưng chỉ có 21% cho mình có lầm lẫn về hôn nhân!

Đối với những thanh niên tuổi từ 20 đến 30, khi các nhà nghiên cứu đặt những câu hỏi xem họ có mong muốn thay đổi điều gì từ những năm tháng trước đó hay không, kết quả cho thấy những người này quan tâm đến tài chính và chính trị hơn là những chuyện về sex hay là chuyện nghề nghiệp. Đứng đầu điều nuối tiếc của giới trẻ là nỗi lo về tài sản, 77% ước chi họ đã tích lũy tài sản sớm hơn. Hơn một nửa (56%) tiếc rằng mình đã lãng phí tiền bạc trong thời gian qua. Về chính trị, 45% hối hận mình đã bầu cho ông này, thay vì mình nên bầu cho vị khác. 44% nghĩ rằng mình phải được danh vọng hơn, 34% cho rằng mình chưa được đi nhiều nơi (còn nhiều thời gian để đi.) 32% nghĩ rằng mình đã sai lầm trong lần đầu nếm “trái cấm,” 30% hối hận đã không học tập chăm chỉ hơn, 29% cho rằng mình nhậu nhẹt hơi quá đà.

Đó là chuyện bên Anh.

Còn chúng ta, những người Việt thì sao?

Trong một đất nước Việt Nam mà chiến tranh, lưu lạc, đổi dời đã chia cuộc sống chúng ta ra làm trăm mảnh, và mỗi người có biết bao nhiêu điều hối tiếc. Nói về  những hối tiếc lớn trong cuộc đời thì trên thế giới này không ai có những nỗi hối tiếc khổ đau lớn lao như người Việt Nam, khiến cho những chuyện như đổi nghề, kế hoạch về tài chánh, học vấn, tình yêu… đều là quá nhỏ nhoi, trẻ con.

Tháng 4, 1975, nhiều người hối tiếc vì đã ngây thơ không hiểu gì về chế độ và con người Cộng Sản, đã ở lại đất nước, thay vì phải bỏ nước ra đi. Những người đã ra đi đến bến bờ tự do, nhưng 1,652 người đã quay lại Việt Nam trên con tàu Việt Nam Thương Tín, để cuối cùng bị còng tay đưa vào nhà tù, với niềm ân hận cay đắng dày vò, đeo đẳng suốt cuộc đời họ. Nhiều nhân vật đảng phái, quân đội hối hận đáng lẽ ra phải bỏ nước hay tự sát, còn hơn là bị giam cầm, bỏ đói và hạ nhục bởi những người thắng trận trong suốt một thời gian dài.

Hối tiếc vì lòng tin bị phản bội như Trần Độ, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Trọng Vĩnh, Tô Hải, Lê Hiếu Đằng… vì suốt đời đi theo Cộng Sản mà“cả cuộc đời bị lừa dối và đi dối lừa người khác một cách vô ý thức” (Hồi ký của một thằng hèn – trang 53).

Đau khổ và đắng cay của những trí thức miền Nam như Dương Quỳnh Hoa: “Ngày nay, khi quyền lực nằm an toàn trong tay rồi, đảng đã xem nhân dân như là một kẻ thù tiềm ẩn.”

Trương Như Tảng tham gia sáng lập và giữ chức bộ trưởng Bộ Tư Pháp của chính phủ “bù nhìn” Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam: “Tôi đã là người Cộng Sản cả đời tôi. Nhưng bây giờ khi chứng kiến những sự thật về chủ nghĩa Cộng Sản và sự thất bại của nó, quản trị kém, tham nhũng, đặc quyền, áp chế,lý tưởng của tôi đã hết.”

Năm 1978, Trương Như Tảng xuống thuyền vượt biển và sinh sống ở Pháp. Tại đây ông đã viết cuốn hồi ký “Mémoire d’un Vietcong.”

Trí thức Nguyễn Mạnh Tường theo Cộng Sản từ năm 27 tuổi, đã từng “trải nghiệm gian khổ trong chiến tranh, trong cách mạng” suốt 40 năm. Nhưng rồi ông đau khổ nhận rằng: “Con cừu thì không thể lý luận với một con chó sói.”

Số phận ông đã được Việt Cộng quyết định: Bỏ cho chết đói giữa một sa mạc hận thù không lối thoát. Ông than thở: “Tôi đã là kẻ lữ hành trong chuyến đi qua sa mạc kéo dài từ năm 1958 đến năm 1990, hơn ba mươi năm dài đằng đẵng! Chìm trong vùng cát của sa mạc tuyệt vọng làm cạn khô dòng nước mắt, tôi đã lê tấm thân bị tra tấn bởi thiếu thốn cô đơn với quả tim rướm máu bởi nỗi buồn chua cay và vị đắng của mật!”

Cuối cùng, ông chết trong đói nghèo, bị dày vò, đau khổ vì sự lầm lẫn của mình.

Triết gia Trần Đức Thảo, cuối năm 1951, trở về Việt Nam tham gia kháng chiến, qua ngã London – Praha – Mạc Tư Khoa – Bắc Kinh – Tân Trào. Lúc đầu Trần Đức Thảo được trọng dụng theo chuyên môn, nhưng đến năm 1956, hai bài báo của ông trên hai tờ Nhân văn và Giai phẩm mùa Đông đã khiến ông phải ra khỏi “biên chế nhà nước,” nghĩa làbị đuổi việc, vợ bị Đảng sắp xếp cho kết hôn với người khác.Nhà triết học Trần Đức Thảo có thời gian đi lao động ở Tuyên Quang, chăn bò ở nông trường Ba Vì, coi như để “cải tạo tư tưởng.”Năm 1991, ông được Nguyễn Văn Linh cho đi Pháp, để bổ sung một số tư liệu khoa học và viết nốt mấy tác phẩm mà ông đã có đề cương. Sau khi hết trợ cấp, ông không về nước. Tại Paris, ông sống một cuộc đời cô đơn, nghèo khó, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ như bị người theo dõi.

Tối ngày 23 tháng 4, 1993 tại nhà khách của sứ quán Việt Nam, số 2 Le Verrier, quận 5, triết gia Trần Đức Thảo, có triệu chứng bệnh như bị đầu độc và đã qua đời vào sáng hôm sau. Tuy vậy khi mất, ông được chính phủ CSVN gắn cho một cái huân chương Độc Lập, và tuyên bố “đã được đại sứ quán của nước ta tại Pháp tận tình chăm sóc!” Và 10 năm sau, họ lại dựng thây ma ông lên, truy tặng thêm cho một cái giải thưởng Hồ Chí Minh, và ca tụng “tư tưởng ông giống tư tưởng Hồ Chí Minh.” Bình tro của ông được đem về Việt Nam, vứt nằm lăn lóc dưới chân cầu thang, trong một cái nhà quàn ở Hà Nội,về sau mới được chôn cất ở Nghĩa trang Văn Điển, mà không phải Mai Dịch, vì chính quyền cho rằng ông “chẳng có công trạng” gì!

Trong phần đầu của bài này, bạn đọc đã thấy những cái “hối tiếc” vớ vẩn của con người, nếu so với  những hối tiếc của những con người Việt Nam trong “thời đại Hồ Chí Minh,” không còn là những hối tiếc nữa, mà là những mối hận,“mang xuống tuyền đài chưa tan!”

Huy Phương

GS Nguyễn Ngọc Huy & Lm Cao Văn Luận tiết lộ Bí Ẩn 30.4.1975

GS Nguyễn Ngọc Huy & Lm Cao Văn Luận tiết lộ Bí Ẩn 30.4.1975

Như vậy biến cố 30.04.1975 đã xảy ra, nguyên nhân chính là Hoa Kỳ có chính sách bỏ rơi miền Nam VNCH và thế lực Do Thái thúc đẩy chính sách đó được thực hiện qua bè đảng Kissinger.
..Nhưng thực tế chính trị cho thấy thủ đoạn & tham vọng xâm chiếm đất đai láng giềng của Do Thái sau khi tái lập quốc, nên chính ông đã không ngần ngại lên tiếng chỉ trích nặng nề. Đó cũng là tâm trạng của chúng tôi khi biết qua Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và Linh mục Cao Văn Luận khám phá ra mưu sâu độc của thế lực Do Thái khiến xảy ra biến cố 30.4.1975 cho quê hương Việt Nam mà nay đang dẩn tới đại họa mất nước vào tay Trung Cộng.

GS Nguyễn Ngọc Huy & Lm Cao Văn Luận tiết lộ Bí Ẩn 30.4.1975

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đối với đa số người Việt đã từng sống trải qua, ngày 30.04.1975 là một biến cố khó quên nhứt của đời người. Trong khi đó dư luân quốc tế nhận định cho rằng sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh vào ngày 9.11.1989 là biến cố lịch sử quan trọng nhứt của thế kỷ 20. Thực ra cả hai biến cố lịch sử này đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến người Việt chúng ta. Cho nên cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy – một bình luận gia am tường mọi biến chuyển quốc tế, đã nổi tiếng với những bài nhận định thời cuộc “Tình hình thế giới trong tháng vừa qua” đăng tải trên nhiều tờ báo tại Âu Mỹ – từng đề cập công khai trực tiếp hoặc kín đáo gián tiếp trả lời những câu hỏi về hai biến cố lịch sử đặc biệt nêu trên.

 

 

 

 

 

 

 

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy / Khoa trưởng Đại Học Luật 

Từ hồi còn là sinh viên, chúng tôi được tiếp xúc đối thoại với Giáo sư Huy và đã may mắn ghi nhận được những chi tiết rất đặc biệt. Sau khi Giáo sư Huy qua đời vào ngày 28.07.1989, chúng tôi đã đảm trách nối tiếp Giáo sư Huy hàng tháng viết bài nhận định thời cuộc “Tình hình thế giới trong tháng vừa qua” kéo dài trên 5 năm trên nguyệt san Tự Do Dân Bản tại Hoa Kỳ. Nhân dịp đó, chúng tôi đã phải nghiên cứu các sáng tác của Giáo sư Huy để nắm vững thêm mọi chi tiết thời cuộc. Nhờ vậy, chúng tôi mới thấy được tầm kiến thức uyên bác & đa diện của Giáo sư Huy mà hiếm ai cùng thời có được. Nổi bật nhứt là những viễn kiến và phân tích độc đáo về các biến cố lịch sử trên thế giới.

1) Ai đã làm sụp đổ Bức Tường Bá Linh ? 

Trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày Bức Tường Bá Linh sụp đổ, chúng tôi đã trình bày cái nhìn độc đáo của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy về vấn đề ” Ai đã làm sụp đổ Bức Tường Bá Linh ? ” 


 

 

 

 

 

 

Bức tường Berlin sụp đỗ ngày 9.11.1989

 Câu hỏi lịch sử này đã tranh cãi sôi nổi từ trên 20 năm qua và có nhiều câu trả lời chủ quan khác nhau tùy theo hoàn cảnh, trình độ hiểu biết và nhứt là lòng tự hào của những dân tộc liên hệ. 

  1. a) Phía Ba Lan cho rằng nhờ hai công dân của họ. Đó là lãnh tụ nghiệp đoàn Walesa và Đức Giáo Hoàng John Paul II đã dám dũng cảm đi hàng đầu tranh đấu chống độc tài cộng sản. 
  1. b) Phía Hung Gia Lợi cho rằng nhờ Cựu Thủ Tướng Nemeth đã sáng suốt dám cho mở cửa biên giới Áo Hung tạo cơ hội cho làn sóng người tị nạn cộng sản bùng nổ.
  1. c) Phía Đông Đức cho rằng nhờ lực lượng cải cách trong đảng cộng sản Đông Đức đã thành công lật đổ được nhà độc tài Honecker và tạo điều kiện cho lực lượng đối lập dễ dàng tranh đấu.
  1. d) Phía Tây Đức cho rằng nhờ chính sách hòa dịu của Cựu Thủ Tướng Brandt từ từ tạo được biến đổi ôn hòa trong chế độ cộng sản.
  1. e) Phía Liên Xô cho rằng chính Tổng Bí Thư Gorbachev với chính sách cởi mở tạo ra tình thế vuột ra khỏi vòng tay kiểm soát.
  1. f) Phía Hoa Kỳ cho rằng nhờ Cố Tổng Thống Reagan hành xử cứng rắn đối phó với Liên Xô và quan trọng nhứt tại Bức Tường Bá Linh vào ngày 12.6.1987 đã lên tiếng “khích tướng” kêu gọi Tân Tổng Bí Thư Gorbachev muốn chứng minh thực tâm cởi mở thì nên mở cửa và phá sụp bức tường này (nguyên văn: “Come here to this gate! Mr. Gorbachev, open this gate! Mr. Gorbachev, tear down this wall!“) Duy nhứt về phía Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã tiên đoán rất sớm và trình bày rất cặn kẽ ngay trong tác phẩm “Perestroika” ( viết bằng Anh ngữ, dày 402 trang với trên 200 dẫn chứng tài liệu ) cho rằng ông Gorbachev bắt buộc phải cởi mở thay đổi chính sách cai trị để đủ sức đối đầu với Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Reagan đang trên đà leo thang võ trang quân sự, điển hình là kế hoạch phòng thủ chống hỏa tiễn SDI ( Strategic Defense Initiative ). 

Chỉ trong lúc đi thuyết trình cho đồng bào Việt Nam, Giáo sư Huy mới kín đáo tiết lộ đưa ra một cái nhìn độc đáo rằng dân Nga có truyền thống chơi cờ vua ( Chess ) nên có thói quen suy nghĩ đa nghi nhiều, còn dân Mỹ thích chơi bài phé ( Poker ) nên thường phải ” tháu cáy “với cây bài xấu nhưng vẫn có thể ” tố ” cho địch thủ bỏ chạy. Theo Giáo sư Huy thì Tổng Thống Hoa Kỳ Reagan đang dùng kế hoạch SDI để ” hù ” Tổng Bí Thư Liên Xô Gorbachev với bản chất đa nghi buộc phải cải tổ nền tảng chính trị và kinh tế để có đủ thực lực đương đầu lại với Hoa Kỳ. Quả nhiên ông Gorbachev đã xúc tiến cải tổ, trước hết về kinh tế ( Perestroika ), và sau đó về chính trị ( Glasnost ). Nhưng chính vì sự cải tổ chính trị đã khiến làn sóng đòi hỏi tự do dân chủ dâng cao, kiểm soát không nổi và vuột ra khỏi tầm tay. Bức Tường Bá Linh sụp đổ, Đông Âu thoát khỏi sự chi phối của Mạc Tư Khoa và Liên Xô tan rã vào ngày 21.12.1991 là hậu quả tất nhiên đó. Chính vì vậy, bên ngoài Liên Xô ông Gorbachev được vinh danh là nhân vật có công với cuộc cách mạng dân chủ hóa Đông Âu, nhưng ở trong nước thì trái lại không có chút uy tín gì vì bị chỉ trích là không có khả năng lãnh đạo làm cho Liên Xô tan vỡ và nước Nga không còn sức mạnh gì trên bàn cờ thế giới. Cái nhìn độc đáo của Giáo sư Huy được chứng thực là rất đúng, vì kế hoạch SDI của Mỹ sau đó đã được Mỹ âm thầm hủy bỏ khi mục tiêu đã xí gạt được Liên Xô rồi. Tương tự về biến cố 30.04.1975 của Việt Nam chúng ta, Giáo sư Huy cũng có câu trả lời độc đáo với lời giải thích bất ngờ sau đây. 

2) Ai đã gây ra biến cố 30.04.1975 ? 

Câu hỏi lịch sử này cũng đã được bàn cãi sôi nổi từ trên 35 năm qua và chưa đi đến một kết luận nào hữu lý để được mọi khuynh hướng chấp thuận. Điển hình nhứt là ngay trong dịp Hội Thảo “Việt Nam, 35 Năm Nhìn Lại” ( “Vietnam – a 35 Year Retrospective Conference” ) tại Washington D.C. vào ngày 9.4.2010 quy tụ gần 200 nhân vật với thành phần nổi tiếng như cựu Đại sứ Bùi Diễm, cựu Đại tá không quân Hoa Kỳ Tiến sĩ Stephen Randolph, Trung tá biệt cách dù Nguyễn Văn Lân, Thứ trưởng John Negroponte, Sử gia Dale Andrade, Tiến sĩ John Carland, Cựu Bộ trưởng Hoàng Đức Nhã, Đại tá Trần Minh Công, Đại tá Hoàng Ngọc Lung… cũng không đưa ra được câu trả lời thỏa mãn cho sự thắc mắc: Ai đã gây ra biến cố 30.04.1975? Nhìn trở lại, người ta có thể thấy rõ ràng trong thời gian đầu ngay sau 30.04.1975, phần lớn các khuynh hướng, từ chính trị đến tôn giáo, đều tìm cách đổ trách nhiệm lẫn cho nhau về tội đã làm mất miền Nam. Chỉ có Giáo sư Huy là sớm thấy rõ nguyên nhân chính nào đã khiến xảy ra biến cố 30.04.1975. 

Trong dịp tái ngộ cùng Giáo sư Huy vào năm 1982, chúng tôi có hỏi đến vấn đề nhức nhối này và được Giáo sư Huy trả lời cho biết nguyên nhân chính là Hoa Kỳ đã có kế hoạch giải kết ( bỏ mọi cam kết bảo vệ miền Nam! ) để từng bước rời bỏ miền Nam VNCH. Về thế lực nào ở Hoa Kỳ đứng sau kế hoạch bỏ rơi miền Nam, Giáo sư Huy cho biết trên chính trường Mỹ có hai sắc tộc nổi bật nhứt. Đó là sắc tộc gốc Ái Nhĩ Lan ( Ireland ) và sắc tộc gốc Do Thái ( Israel ). 

– Trong dòng lịch sử, Cộng Đồng Người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan đã rất nhiều lần thắng cử chức vụ Tổng Thống. 

– Bên cạnh đó Cộng Đồng Người Mỹ gốc Do Thái chủ trương nắm giữ các cơ cấu quan trọng trong guồng máy điều khiển đất nước Hoa Kỳ. Họ gài được nhiều nhân sự vào bên hành pháp, lập pháp cũng như tư pháp. Trong các bộ quan trọng nhứt như ngoại giao, quốc phòng và tài chánh thường thấy đa số có nhân viên gốc Do Thái và nhiều lần cấp bộ trưởng cũng do người Mỹ gốc Do Thái nắm giữ. Trong Thượng Viện và Hạ Viện có khá nhiều nghị sĩ và dân biểu gốc Do Thái trong cả hai chính đảng. Vì vậy, thế lực của Cộng Đồng Người Mỹ gốc Do Thái rất lớn và đã khiến cho chánh sách đối ngoại của Hoa Kỳ luôn luôn binh vực quyền lợi của Do Thái. 

Tham dự Hòa đàm Paris, Giáo sư Huy nhận xét rằng Kissinger ( một người Mỹ gốc Do Thái lúc đó còn làm Cố Vấn An Ninh cho Tổng Thống Nixon ) có thái độ đáng ngờ là cương quyết muốn thỏa hiệp riêng ( “đi đêm”! ) với CSVN bất cứ giá nào để quân đội Hoa Kỳ rời bỏ miền Nam, dù biết rằng sau đó miền Nam sẽ lọt vào tay Hà Nội. Theo kinh nghiệm chính trị thì các chính trị gia gốc Do Thái đều hành động có chủ đích với kế hoạch rõ rệt. Như vậy đằng sau Kissinger ắt phải là chủ trương của thế lực Do Thái. 

Thế lực Do Thái này phải hiểu là không phải chỉ thuần túy Cộng Đồng Người Mỹ gốc Do Thái, mà là sắc dân Do Thái trải dài trên thế giới từ Tel Aviv đến Washington D.C., Paris, London, Berlin, Moscow… với tổng số 13,1 triệu người, trong đó 5,4 triệu tại quốc gia Do Thái, 5,3 triệu tại Hoa Kỳ và 2,4 triệu rải rác tại 30 quốc gia khác. Thế lực này được điều khiển hữu hiệu từ Tel Aviv với 2 bộ phận đắc lực gồm cơ quan tình báo Mossad và Nghị Viện Do Thái Thế Giới ( – World Jewish Congress – từ năm 2007 đứng đầu là nhà tỷ phú nổi tiếng Ronald Stephen Lauder người Mỹ gốc Do Thái ) . Ngoài ra, Giáo sư Huy còn chỉ dẩn cho chúng tôi nhận biết được dân gốc Do Thái đặc biệt thường với mũi to loại diều hâu, điển hình như Ngoại trưởng Kissinger hoặc Nữ Ngoại trưởng Albright 

 

 

 

 

 

 

 

Nữ Ngoại trưởng Albright & Ngoại trưởng Kissinger

 Những tiết lộ tế nhị của Giáo Sư Huy hoàn toàn phù hợp với nhận định của Linh Mục Cao văn Luận (1908 – 1986) nhân dịp tái bản tác phẩm Bên Giòng Lịch Sử cũng cho rằng thế lực dân Mỹ gốc Do Thái chủ trương Hoa Kỳ phải rút quân ra khỏi Việt Nam. 

 

 

 

 

 

 

 

Linh mục Cao Văn Luận / Viện trưởng Đại Học Huế 

Riêng dư luận báo chí quốc tế đã sớm nhìn thấy rõ Hoa Kỳ muốn rút lui bỏ rơi miền Nam từ khi bắt đầu chánh sách Việt Nam Hóa Chiến Tranh sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 ( mà họ phân tích là nhằm thay đổi màu da tử sĩ! ), nhứt là hòa đàm Paris (mà họ nhận định là nhằm bảo đảm Mỹ rút quân được an toàn!). 

Như vậy biến cố 30.04.1975 đã xảy ra, nguyên nhân chính là Hoa Kỳ có chính sách bỏ rơi miền Nam VNCH và thế lực Do Thái thúc đẩy chính sách đó được thực hiện qua bè đảng Kissinger. 

3) Tại sao thế lực Do Thái muốn Hoa Kỳ bỏ rơi miền Nam ? 

  1. a) Thế lực Do Thái tại Hoa Kỳ Đối với chúng tôi quả thực hoàn toàn mới mẻ và đầy ngạc nhiên khi được Giáo sư Huy vào năm 1982 cho biết đến vai trò thực sự của người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan và gốc Do Thái trên chính trường Hoa Kỳ. Sau này sinh hoạt lâu năm tại hải ngoại và qua nghiên cứu, chúng tôi công nhận thấy Giáo sư Huy hoàn toàn đúng. Điển hình là cho đến nay có ít nhứt 23 Tổng Thống Hoa Kỳ gốc Ái Nhĩ Lan (xem website: http://en.wikipedia. org/wiki/List_o f_Irish_ Americans) mà trong đó có Tổng Thống Washington và những Tổng Thống gần đây như Clinton, Reagan, Kennedy và kể cả Tổng Thống Obama (bên ngoại gốc Ái Nhĩ Lan) Cũng như hiện nay tại quốc hội có 15 Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ gốc Do Thái và 33 Dân Biểu Liên Bang gốc Do Thái (xem http://en.wikipedia.org/ wiki/List_of_Je wish_American_ politicians#Lis t). 

Thực sự nếu nghiên cứu sâu rộng thì sẽ thấy thế lực Do Thái tại Mỹ còn lớn hơn nhiều. Họ thành công trong việc gài được những nhân sự cấp lãnh đạo ở các bộ phận yết hầu của Hoa Kỳ. Thí dụ điển hình gần đây như:

– trong Thượng Viện và Hạ Viện hiện nay với tổng số 48 nghị sĩ và dân biểu gốc Do Thái ( so sánh trước đây chỉ có 1 dân biểu gốc Việt Nam là ông Cao Quang Ánh! ). – trong Bộ Ngoại Giao có Bộ trưởng Henry Kissinger dưới thời TT Nixon và Bộ trưởng Madeleine Albright dưới thời TT Clinton…

– trong Bộ Quốc Phòng có Bộ trưởng James Schlesinger dưới thời TT Nixon và thời TT Ford.

– trong Bộ Tài Chánh có Bộ trưởng Larry Summer và Bộ trưởng Robert Rubin dưới thời TT Clinton.

– trong CIA có Tổng giám đốc John M. Deutch dưới thời TT Reagan. 

– trong Ngân Hàng Trung Ương ( Fed ) cầm đầu bởi Tiến sĩ Alan Greenspan từ 1987 đến 2006 và Giáo sư Ben Bernanke từ 2006 đến nay. 

Họ còn chủ động nắm những lãnh vực ngân hàng, thị trường chứng khoán, báo chí, truyền thanh, truyền hình và điện ảnh… Đặc biệt, ngành truyền thông, quan trọng nhứt là điện ảnh Hollywood, nằm trong tay thế lực Do Thái. Tại Hollywood đa số nhân sự từ đạo diễn đến diễn viên đều có gốc Do Thái, nổi tiếng nhứt như Steven Spielberg, Liz Taylor, Kirk Douglas, Michael Douglas, Harrison Ford… (xem website: http://en.wikipedia. org/wiki/List_o f_Jewish_ American_entert ainers).

Họ biết rõ rằng nắm được truyền thông trong tay là hướng dẫn được dư luận quần chúng trong mục tiêu phục vụ quyền lợi cho nguời Do Thái. Họ còn điều khiển một phần lớn các viện nghiên cứu chiến lược nhằm đưa ra những đề nghị cho chính sách tương lai cho chánh phủ Mỹ và dĩ nhiên phải phù hợp với quyền lợi của người Do Thái. Ngoài ra tại các cường quốc Âu Châu, thế lực Do Thái có ảnh hưởng tuy âm thầm nhưng cũng mạnh mẽ lắm. Điển hình nhứt là Tổng Thống Sarkozy ( Pháp ) & Thủ Tướng Đức Schmidt ( Đức ) trước đây đều gốc Do Thái nên không bao giờ lên tiếng thực sự chống lại những vi phạm cam kết của Do Thái tại Trung Đông . Chính vì vậy đa số thành viên Liên Hiệp Quốc đã cho rằng thế lực Do Thái có ảnh hưởng quá lớn đến chính sách và biểu quyết về Trung Đông của các cường quốc Âu Mỹ . 

  1. b) Tại sao thế lực Do Thái muốn Hoa Kỳ phủi tay bỏ miền Nam ? 

Muốn biết rõ, chúng ta phải tìm hiểu lịch sử mất nước và dựng lại nước của người Do Thái. Vào năm 135 dân tộc Do Thái chính thức bị mất nước và phải lưu vong khắp nơi vì đế quốc La Mã. Thảm họa mất nước đó thường được dư luận Thiên Chúa Giáo cho là sự trừng phạt dân Do Thái đã đóng đinh giết Chúa Jesus và kẻ phản bội Judas chính là một người Do Thái. Chính vì chuyện này đã làm cho dân Do Thái bị kỳ thị trên bước đường lưu vong. Nhưng cũng chính vì có niềm tin mãnh liệt vào Do Thái Giáo, họ đã đoàn kết nhau lại dưới sự lãnh đạo của học giả Theodor Herzl trong đại hội thế giới đầu tiên tại Basel ( Thụy sĩ ) vào năm 1897. Từ đó, từng đợt một họ lén lút trở về quê hương Palestine. Thế Chiến thứ 2 và với sự yểm trợ tích cực của Hoa Kỳ đã tạo cơ hội ngàn năm một thuở để họ dựng lại đất nước vào ngày 14.5.1948 sau gần 2,000 năm lưu vong. Chỉ 11 phút sau đó Tổng Thống Hoa Kỳ đã lên tiếng công nhân quốc gia mới này, bất chấp mọi chống đối của thế giới Ả Rập và đã yểm trợ hữu hiệu cho Do Thái chống lại cuộc tấn công ngay sau đó của các quốc gia Ả Rập láng giềng và trong các cuộc chiến xảy ra sau này. 

Như vậy, Do Thái còn tồn tại đến ngày nay là nhờ Hoa Kỳ làm “lá bùa hộ mạng”. Nhiều nghị quyết tại Liên Hiệp Quốc kết án Do Thái vi phạm cam kết tại Trung Đông chỉ vì duy nhứt Hoa Kỳ dùng quyền phủ quyết ( veto ) nên đành phải bỏ đi. Trong quá khứ, Hoa Kỳ từng giải kết ( phản bội! ) bỏ rơi đồng minh như Lào, Cam Bốt, Việt Nam, Đài Loan… , nhưng luôn luôn “sống chết” hết lòng với Do Thái, mặc dù quốc gia nhỏ bé này không mang lại lợi ích gì về tài nguyên hoặc vị trí chiến lược cho Hoa Kỳ, mà trái lại chính vì Do Thái, Hoa Kỳ còn gây rất nhiều hiềm khích (mang họa vào thân!) với thế giới Hồi Giáo dân số rất đông đảo ( 1,3 tỷ ) và rất quan trọng về năng lượng dầu hỏa . Tất cả cho thấy rõ ràng vì thế lực Do Thái nắm giữ được các bộ phận huyết mạch tại Mỹ nên chính sách của Hoa Kỳ phải luôn luôn không được đi trái ngược lại với quyền lợi của quốc gia Do Thái.

Từ đó, chúng ta mới hiểu rõ tại sao thế lực Do Thái muốn Hoa Kỳ phủi tay bỏ miền Nam Việt Nam. Đó là vì họ sợ Hoa Kỳ sa lầy và sự tốn kém khổng lồ tại chiến trường Việt Nam có thể đưa tới hậu quả Hoa Kỳ không còn khả năng giúp đỡ một cách hiệu lực nước Do Thái tồn tại như trong quá khứ Hoa Kỳ đã từng làm. Cho nên họ chủ trương Hoa Kỳ phải giải kết bỏ rơi miền Nam để trở về chuyên tâm lo cho Do Thái. Để thực hiện mục tiêu này họ đã có kế hoạch rõ ràng từng bước một. 

  1. c) Kế hoạch Do Thái thúc đẩy Hoa Kỳ bỏ rơi miền Nam.

Khởi đầu giải quyết cuộc chiến Quốc Cộng tại Lào vào đầu thập niên 1960, ông Ngô Đình Nhu đã ngạc nhiên và bất mãn thấy thái độ nhượng bộ quá mức của ông Averell Harriman ( đặc trách bộ phận Viễn Đông của Bộ Ngoại Giao Mỹ ) trong lúc đàm phán. Nên biết ông Averell Harriman (1891 – 1986) là một nhà tư bản lớn nổi tiếng gốc Do Thái và cũng là một đảng viên cấp lãnh đạo của đảng Dân Chủ ở Mỹ. Rõ ràng phía thế lực Do Thái muốn ngăn chận không cho Hoa Kỳ can thiệp với nhiều tốn kém ở Viễn Đông. Sự nhượng bộ rút lui này đã khiến lực lượng miền Bắc kiểm soát được phần lớn các địa điểm chiến lược tại Lào và thiết lập đường mòn Hồ Chí Minh vận chuyển nhân lực và võ khí vào để đánh chiếm miền Nam vào 30.4.1975. 

Từ khi nhậm chức, Tổng Thống Johnson ( dân Texas ! ) cùng ban tham mưu luôn cứng rắn chủ chiến và không muốn Hoa Kỳ bị thua trận đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Thế lực Do Thái lúc đó không có ảnh hưởng nhiều trong chánh phủ Tổng Thống Johnson để xoay đổi từ bên trong chính sách can thiệp quân sự của Tổng Thống Johnson, cho nên họ phải chờ đợi cơ hội thuận tiện để tấn công từ bên ngoài dư luận quần chúng. 

Đó là lúc cuộc chiến Việt Nam bùng nổ lớn bắt đầu từ cuối năm 1964 trở đi với các trận đánh dữ dội tại Bình Giã, Đồng Xoài, Đức Cơ… bắt đầu gây tử thương nhiều quân nhân Mỹ. Những hình ảnh quan tài phủ quốc kỳ kèm theo sau hình ảnh dã man và bất lợi ( thổi phồng vụ Mỹ Lai & vụ Tướng Nguyễn Ngọc Loan ! ) của chiến tranh được hệ thống truyền thông Hoa Kỳ -đa số gốc Do Thái quản trị- khai thác triệt để ngày đêm tạo một phong trào phản chiến lớn mạnh chưa từng thấy trên thế giới, không những tại Hoa Kỳ mà còn lan rộng khắp nơi trên nhiều quốc gia khác . Tướng độc nhởn Moshe Dayan -Bộ trưởng Quốc phòng của Do Thái- đột ngột tự qua Việt Nam 3 ngày ( từ 25 tới 27 tháng 7 năm 1966 ) và cho báo chí chụp bức hình biểu diễn đang đi hành quân với lực lượng Hải Quân Mỹ. 

Sau chuyến “hành quân” chớp nhoáng đó, Tướng độc nhởn Moshe Dayan viết ngay đề nghị Mỹ nên rút quân ra khỏi Việt Nam vì không thể thắng cuộc chiến này được ( rất là vô lý vì thực sự hiện diện xem xét chiến trường VN chỉ có 1 ngày , mà dám đưa ngay đề nghị khủng khiếp như vậy ! ) . Dĩ nhiên lời đề nghị chủ bại này càng được thổi phồng bởi phong trào phản chiến và làm mất uy tín Tổng Thống Johnson. Tiếc thay sau này vẫn còn có những ký giả và bình luận gia Việt Nam ca ngợi những phân tích và đề nghị của ông tướng một mắt này, mà không hiểu đó chính là một trong những thủ phạm đã góp phần “khai tử” miền Nam! 

 

 

 

 

 

 

 

Israeli General Moshe Dayan on Patrol with US Marines – South Vietnam 1966 

Phong trào phản chiến càng lên cao và đã khiến Tổng Thống Johnson vào tháng 3 năm 1968 phải quyết định không ra tái ứng cử. Sự xáo trộn tranh chấp kịch liệt trong đảng Dân Chủ đã tạo cơ hội hiếm có để cho ứng cử viên của đảng Cộng Hòa nắm chắc sự thắng cử. Vì vậy thế lực Do Thái đã gài được Kissinger từ năm 1957 làm cố vấn cho Nelson A. Rockefeller ( Thống đốc New York ) đang vận động ra tranh cử làm ứng cử viên Tổng Thống của đảng Cộng Hòa. Nhưng không ngờ Nixon thành công hơn và cuối cùng thắng cử làm Tổng Thống. Thấy vậy, Kissinger bèn trở cờ đầu quân theo Nixon và được trọng dụng làm Cố vấn An ninh. 

Thế lực Do Thái còn đưa được thêm nhân sự gốc Do Thái vào trong guồng máy cầm quyền Mỹ. Đáng kể nhứt là Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger, Cố vấn đặc trách Nội vụ John Ehrlichmann ( 1925 – 1999 )… Với những chức vụ then chốt này, họ đã thành công bày mưu cho Nixon bỏ rơi miền Nam. Bắt đầu với chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 để từng bước giảm con số lính Mỹ tử vong và bớt dần sự hiện diện của Hoa Kỳ tại miền Nam. Đến năm 1971, Kissinger bí mật qua Trung Cộng tìm cách tái bang giao với chính quyền Bắc Kinh và đưa đến thỏa hiệp Thượng Hải 1972 giữa Mao Trạch Đông và Nixon. Trên bề mặt, thỏa hiệp này chỉ công nhận một nước Trung Hoa cho thấy Hoa Kỳ bỏ rơi Đài Loan trên chính trường thế giới, nhưng bên trong thực tế Kissinger nhằm sửa soạn sự rút lui an toàn cho quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam với sự bảo đảm của Trung Cộng. 

Quả nhiên, chỉ sau đó chưa đầy một năm, Kissinger đã dùng đủ mọi mánh khóe, kể cả đe dọa tánh mạng các cấp lãnh đạo miền Nam, thành công trong việc ép buộc ký kết Hiệp Định Paris vào ngày 27.1.1973 để quân đội Hoa Kỳ được an toàn rời khỏi miền Nam. Phía dư luận báo chí quốc tế đã sớm thấy rõ âm mưu của Kissinger và đã ví bản hiệp định này giống như tờ khai tử cho miền Nam Việt Nam. Chính ngay Kissinger cũng đã tiết lộ bề trái của bản hiệp định cho Cố vấn đặc trách Nội vụ John Ehrlichman của T.T Nixon như sau: 

“Tôi nghĩ rằng nếu họ ( chánh phủ miền Nam ) may mắn thì được 1 năm rưỡi mới mất”. Tương tự , Kissinger đã trấn an T.T Nixon là: “ Huê Kỳ phải tìm ra một công thức nào đó để làm cho yên bề mọi chuyện trong một hay hai năm sau, sau đó thì …chẳng ai cần đếch gì nữa . Vì lúc ấy, Việt nam sẽ chỉ còn là bãi hoang vắng ”. 

Bởi vậy biến cố 30.4.1975 xảy ra là điều tất nhiên đúng như tính toán dự trù của Kissinger và thế lực Do Thái. 

Chỉ sau Hiệp Định Paris khoảng 9 tháng, cuộc chiến Jom Kippur vào ngày 6.10.1973 giữa Do Thái và các quốc gia Ả Rập láng giềng xảy ra. Lần đầu tiên trong lịch sử tái lập quốc, Do Thái bị thua trận và mất một số lớn phần đất chiếm đóng trước đây. Đáng lẽ Do Thái còn có thể bị thua nặng nề hơn nữa, nhưng giờ chót nhờ có Kissinger thuyết phục được Nixon nỗ lực can thiệp giúp Do Thái nên tình thế không còn bi đát nhiều. Tuy nhiên, sau đó Tướng độc nhỡn Moshe Dayan phải từ chức Bộ trưởng Quốc phòng vì chịu trách nhiệm bị thua trận. 

4) Kết luận 

Biến cố thua trận lần đầu tiên Jom Kippur năm 1973 cho thấy thế lực Do Thái nhìn rất xa và rất có lý với nỗi lo sợ Hoa Kỳ vì bị sa lầy ở chiến trường Việt Nam nên không còn có thể chuyên tâm giúp cho Do Thái thắng trận như trước đây. Cho nên không gì ngạc nhiên khi thế lực Do Thái phải vận dụng toàn diện từ trong lẫn ngoài để thúc đẩy và buộc giới lãnh đạo Hoa Kỳ phải bỏ rơi miền Nam. Bởi vậy mới xảy ra biến cố 30.4.1975 . Từ thời điểm đó đến nay Do Thái ung dung tồn tại được, vì không những ” độc quyền ” hưởng trọn vẹn sự yểm trợ hữu hiệu của Hoa Kỳ, mà còn khôn khéo tạo được mâu thuẩn chia rẻ để xô đẩy siêu cường số 1 này phải ra tay đối phó với kẻ thù Hồi Giáo của mình. 

Bí ẩn về lý do và động lực thúc đẩy Hoa Kỳ phải rút quân bỏ rơi miền Nam được che dấu tinh vi không đưa ra dư luận nổi , bởi vì phần lớn hệ thống truyền thống báo chí quan trọng nằm trong tay thế lực Do Thái hoặc bị họ ảnh hưởng kiểm soát không cho phép làm hoặc sợ bị mang tiếng bài Do Thái ( Anti-Semitism ) . Cho nên đến nay dư luận vẫn còn bị lường gạt . Điển hình , về phía dư luận ngoại quốc vẫn còn có những học giả ( thí dụ : Tiến sĩ Stephen Randolph trong Hội Thảo “Việt Nam, 35 Năm Nhìn Lại” (“Vietnam – a 35 Year Retrospective Conference”) tại Washington D.C. vào ngày 9.4.2010 ) lầm lẫn hoặc cố tình cho rằng Hoa Kỳ vào năm 1972 muốn tái lập bang giao với Trung Cộng nên phải rút quân ra khỏi miền Nam (chịu thua ! ) vì đang câu con cá to hơn ( “has bigger fish to fry” ) . Thực tế Hoa Kỳ đã có kế hoạch bỏ rơi miền Nam từ khi Kssinger bước vào Tòa Bạch Ốc năm 1969 với gia tăng Việt Nam Hóa Chiến Tranh . Về phía miền Bắc, họ không ngờ có được sự giúp đỡ hữu hiệu của thế lực Do Thái tạo ra phong trào phản chiến đưa tới tình trạng ” Đồng Minh tháo chạy ” ( từ ngữ theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng !) bỏ rơi miền Nam . Thực tế, nếu không có sự phản bội của thế lực Do Thái qua sự nắm quyền của ê kíp Kissinger thì chưa chắc gì miền Bắc sớm thắng trận. Như vậy miền Nam chỉ cần cầm cự được vài năm cho đến khi Tổng Thống Reagan nắm quyền và với tài lãnh đạo xuất sắc cương quyết nổi tiếng của ông này chắc chắn miền Nam sẽ được yểm trợ đầy đủ ( đã xảy ra như vậy tại Nam Mỹ và A Phú Hản ! ) để không thể dể dàng sụp đỗ như đã xảy ra trong ngày 30.4.1975. 

Đa số người Việt chúng ta đều có tâm tình thiện cảm với dân tộc Do Thái ( một phần ảnh hưởng qua tác phẩm lừng danh ” Về miền đất hứa / Exodus ” của tác giả Leon Uris ) vì ngưỡng mộ tinh thần đoàn kết và chiến đấu dũng cảm của họ sau 2000 năm lưu vong đã thành công trở về tái dựng lại quốc gia Do Thái nhỏ bé bất chấp trước mọi đe dọa của Khối Ả Rập khổng lồ . Cũng trong cảm tình nồng nàn đó , Học giả Nguyễn Hiến Lê vào năm 1968 mang sức ra viết tác phẩm ” Bài học Israel ( Do Thái ) ” .

Nhưng thực tế chính trị cho thấy thủ đoạn & tham vọng xâm chiếm đất đai láng giềng của Do Thái sau khi tái lập quốc, nên chính ông đã không ngần ngại lên tiếng chỉ trích nặng nề. Đó cũng là tâm trạng của chúng tôi khi biết qua Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và Linh mục Cao Văn Luận khám phá ra mưu sâu độc của thế lực Do Thái khiến xảy ra biến cố 30.4.1975 cho quê hương Việt Nam mà nay đang dẩn tới đại họa mất nước vào tay Trung Cộng. 

Chúng ta hy vọng rằng Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và Linh mục Cao Văn Luận đã đi bước tiên phong tiết lộ những bí ẩn về biến cố 30.4.1975 và trong tương lai sẽ được giới truyền thông báo chí chú tâm nghiên cứu khai triển tích cực để dư luận Việt Nam và thế giới mai sau không còn bị lường gạt nữa . 

Mong thay ! 

Phạm Trần Hoàng Việt

tháng tư 2010 & 2013