Một chiếc xe 100% làm tại Mỹ chỉ là chuyện giả tưởng!

Ba’o Nguoi-Viet

April 6, 2025

QUẬN CAM, California (NV) – Cuối tuần trước, tổng thống Trump lại làm rùm beng về thuế quan, khi nói rằng người mua có thể né được mức thuế quan 25% đối với xe cộ và phụ tùng xe nước ngoài bằng cách mua những chiếc xe được sản xuất hoàn toàn tại Hoa Kỳ. Điều ông ta nói chỉ có một trở ngại duy nhất: Không có một chiếc xe nào như vậy để mua cả!

Theo trang tin tức nbcnews.com, ông Trump trả lời với đài NBC News vào ngày 29 Tháng Ba rằng những ai sản xuất xe tại Hoa Kỳ sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Những ai chưa làm vậy sẽ phải đến Hoa Kỳ, vì sản xuất xe tại Hoa Kỳ không chịu thuế . Ông còn cho biết “không quan tâm” nếu các nhà sản xuất xe hơi tăng giá bán để bù chi phí thuế nhập khẩu; và phủ nhận việc ông đã đe dọa các giám đốc điều hành trong ngành không được làm như vậy.

2025 Kia EV6, mẫu xe có tỉ lệ “made in USA” cao nhất. (Hình của nhà sản xuất Kia)

Ngay cả những chiếc xe lắp ráp tại Hoa Kỳ của các thương hiệu Mỹ cũng phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp cho khoảng 30,000 bộ phận tạo nên một chiếc xe trung bình. Nhìn chung, tỷ lệ phụ tùng xe hơi có nguồn gốc từ nước ngoài dao động quanh mức 40%. Những chiếc xe sản xuất với tất cả các bộ phận làm ở Mỹ chỉ là một câu chuyện hư cấu!

Ivan Drury, giám đốc phân tích của Edmunds cũng nói thẳng thắn tương tự: “Không có một chiếc xe nào mà mọi bộ phận đều được sản xuất tại Hoa Kỳ”.

Theo ước tính gần đây của Anderson Economic Group, một công ty tư vấn cho các hãng sản xuất xe hơi lớn, người mua có thể chứng kiến ​​mức tăng giá từ $4,000 đến $12,500 cho mỗi chiếc xe do thuế quan.

Một phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc lập lại tuyên bố của tổng thống Trump rằng cách tốt nhất để các hãng sản xuất xe hơi tránh thuế quan là sản xuất tại Hoa Kỳ. Người này cho biết chính quyền cũng đang dự định giảm thuế để khuyến khích mua xe do Hoa Kỳ sản xuất; bãi bỏ những luật lệ của chính phủ để giảm chi phí sản xuất.

Theo luật, các hãng sản xuất xe hơi phải báo cáo thành phần của các mẫu xe cho Cục Quản Lý An Toàn Giao Thông Đường Bộ Quốc Gia (NHTSA). Báo cáo bao gồm tỷ lệ các bộ phận có nguồn gốc bên ngoài Hoa Kỳ và Canada, quốc gia lắp ráp cuối cùng, nguồn gốc của động cơ và hộp số. Danh sách này có thể là một hướng dẫn hữu ích cho những người muốn biết mức độ chịu thuế của một mẫu xe nhất định.

Ví dụ, 2025 Kia EV6 được làm từ 80% linh kiện của Hoa Kỳ và Canada, là một trong những chiếc xe được sản xuất nhiều nhất ở Bắc Mỹ. Hầu hết các mẫu xe khác có tỷ lệ linh kiện của Hoa Kỳ và Canada thấp hơn nhiều. Luật hiện nay không yêu cầu phân biệt giữa các thành phần có nguồn gốc từ Hoa Kỳ và từ Canada. 

Ngay cả Tesla cũng sử dụng từ 20% đến 25% linh kiện từ Mexico, theo danh sách của NHTSA. Hơn 175 mẫu xe từ các nhà sản xuất xe nước ngoài như Toyota, Volvo, BMW… được sản xuất hoàn toàn ở nước ngoài.

Amy Broglin-Peterson, chuyên gia về chuỗi cung ứng, cho biết chuỗi cung ứng cho ngành xe hơi đang trở nên mong manh trước những thay đổi do chính phủ Trump tạo ra. Trong nhiều thập niên, các công ty Hoa Kỳ đã chuyển một phần hoạt động sản xuất của mình ra nước ngoài, dựa vào các nhà máy ở Trung Quốc, Mexico và các quốc gia khác có nguồn lao động rẻ hơn.

Amy cho biết việc chuyển các chuỗi cung ứng sản xuất xe hơi về Hoa Kỳ cho dù có làm được vẫn cần nhiều năm trời. Xét về góc độ sản xuất, nó cần một thời gian rất dài với một cái giá rất đắt. Và người mua sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. (HD) 


 

Nguyễn Thị Kim Tiến liên tục bị ‘hài tội’ trên báo Việt Nam

Ba’o Nguoi-Viet

April 6, 2025

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Sáu năm sau khi rời ghế bộ trưởng Y Tế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, cựu bộ trưởng Y Tế Việt Nam, bỗng nhiên liên tục bị các báo trong nước nhắc tên với cáo buộc “cố ý làm trái” trong vụ bê bối khiến hai bệnh viện xây xong bị bỏ hoang.

Bà Tiến, 66 tuổi, từng là nữ bộ trưởng Y Tế gây tranh cãi nhiều khi còn đương chức, thậm chí bị cộng đồng mạng kêu gọi từ chức vì các vụ VN Pharma, năng lực yếu kém trong việc xử lý dịch sởi tại Việt Nam hồi năm 2014…

Cơ sở hai của bệnh viện Bạch Mai tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. (Hình: Nam Trần/Tuổi Trẻ)

Theo tờ Tuổi Trẻ hôm 6 Tháng Tư, bản kết luận của Thanh Tra Chính Phủ nhấn mạnh rằng trong vụ lãng phí cơ sở hai của bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức, bà Tiến “cố ý làm trái.”

Bà Tiến bị ghi nhận là người trực tiếp ký các quyết định liên quan cả hai dự án nêu trên trong các năm 2013-2017.

Cơ quan thanh tra quy kết rằng việc trình, phê duyệt chủ trương thuê tư vấn ngoại quốc lập dự án “mang tính chủ quan,” “cố ý lựa chọn tư vấn ngoại quốc” là công ty VK khi Bộ Y Tế chưa đánh giá khả năng đáp ứng điều kiện về năng lực, kinh nghiệm của tư vấn nội địa.

Bà Tiến chỉ định công ty VK là đơn vị tư vấn lập dự án trong khi chưa tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Bà này còn ban hành kết luận “có nội dung trái quy định” Luật Đấu Thầu năm 2005 khi yêu cầu công ty VK Group lập xong dự án đầu tư bao gồm thuyết minh và thiết kế cơ sở, khi chưa triển khai các bước lựa chọn nhà thầu.

Hành động của bà Tiến bị cho là “vi phạm nghiêm trọng” hoặc trái quy định về đấu thầu.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, cựu bộ trưởng Y Tế Việt Nam, từng bị đảng cảnh cáo. (Hình: VNExpress)

Bên cạnh đó, bà Tiến cùng hai thuộc cấp là Thứ Trưởng Nguyễn Trường Sơn và Nguyễn Viết Tiến bị quy tội “thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý,”  “thiếu kiểm tra, giám sát, theo dõi công tác đấu thầu thực hiện hợp đồng đối với chủ đầu tư.”

Theo tờ Tuổi Trẻ, dự án cơ sở hai của bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức được Bộ Y Tế phê duyệt với tổng mức đầu tư lên đến 10,000 tỷ đồng ($387.5 triệu) nhưng đến nay vẫn bỏ hoang, cỏ mọc sau 10 năm.

Đáng lưu ý, hiện tại bà Tiến đã ngừng cập nhập trang cá nhân trong lúc bị dư luận chú ý và các báo nhắc tên liên tục.

Bà Nguyễn Thị Kim Tiến được biết đến là cháu gái của ông Hà Huy Tập, tổng bí thư thứ ba của đảng CSVN. (N.H.K)


 

Việt Nam đề nghị giảm mức thuế của Mỹ xuống mức “không”. Liệu điều đó có đủ cho Trump không?

Ba’o Tieng Dan

New York Times

Tác giả: Tung Ngo Sui-Lee Wee

Cù Tuấn, biên dịch

6-4-2025

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã xây dựng các mối quan hệ chiến lược và kinh tế với Mỹ, kẻ thù cũ của nước này, khiến mức thuế quan cao ngất ngưởng này càng trở nên gây sốc hơn.

Tô Lâm, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã yêu cầu Tổng thống Trump hoãn việc áp thuế ít nhất trong 45 ngày để hai bên có thể tránh được động thái sẽ tàn phá nền kinh tế Việt Nam và làm tăng giá cho người tiêu dùng Mỹ.

Mức thuế 46% mà Mỹ tuyên bố sẽ áp dụng đối với Việt Nam là một trong những mức thuế cao nhất mà bất kỳ quốc gia nào phải đối mặt. Viễn cảnh về mức thuế quan cao như vậy đã khiến Việt Nam cảm thấy bất an và lo lắng sâu sắc. Điều này cũng thể hiện sự tương phản rõ rệt với việc Washington gần đây coi Hà Nội là một thành trì quan trọng chống lại Trung Quốc và là điểm đến sản xuất của nhiều thương hiệu may mặc của Mỹ.

Theo một bản sao mà The New York Times có được, đề xuất của ông Tô Lâm gửi tới Tổng thống Trump đã được nêu trong một bức thư hôm thứ Bảy. Trong thư, ông Tô Lâm kêu gọi ông Trump chỉ định một đại diện của Mỹ để dẫn đầu các cuộc đàm phán với Phó thủ tướng Việt Nam Hồ Đức Phớc, “với mục tiêu đạt được thỏa thuận sớm nhất có thể“.

Thư của TBT Tô Lâm gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh trên mạng

Ông Tô Lâm là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên liên lạc với ông Trump sau khi mức thuế được công bố. Trong một cuộc điện đàm, ông đã đề nghị giảm thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ xuống mức 0 và thúc giục ông Trump làm như vậy, theo chính phủ Việt Nam. Việt Nam cho biết, mức thuế đối với hàng hóa của Mỹ trung bình là 9,4%.

Sau đó, ông Trump mô tả cuộc gọi là “rất hiệu quả”.

Trong thư, ông Tô Lâm yêu cầu ông Trump gặp ông trực tiếp tại Washington vào cuối tháng 5 “để cùng nhau đi đến một thỏa thuận về vấn đề quan trọng này, vì lợi ích của cả hai dân tộc và đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và thế giới“.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Việt Nam, quốc gia phải đối mặt với mức thuế quan cao ngất ngưởng cùng với Trung Quốc, Campuchia và Lào, sẽ là nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Á, nếu mức thuế được áp dụng theo kế hoạch hôm thứ Tư, theo các nhà kinh tế. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này. Theo ING, một công ty dịch vụ tài chính của Hà Lan, mức thuế 46% sẽ khiến [tăng trưởng] 5,5% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam có nguy cơ không thể thực hiện.

Điều này cũng sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ, vì Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Trong nhiều thập kỷ, quốc gia này đã xây dựng nền kinh tế của mình xung quanh việc thu hút đầu tư nước ngoài với nguồn lao động giá rẻ và lực lượng lao động trẻ. Hiện tại, Việt Nam là nhà sản xuất hàng đầu các thương hiệu như Adidas và Lululemon. Nike sản xuất khoảng 50% giày dép của mình ở Việt Nam.

Sau khi ông Trump áp thuế đối với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Việt Nam đã được hưởng lợi từ việc các công ty chuyển hoạt động sản xuất của mình sang đó.

Trong phạm vi Hà Nội, những hành động gần đây của chính quyền Trump đã làm dấy lên nghi ngờ về độ tin cậy của Mỹ, quốc gia trong những năm gần đây đã hết lòng ve vãn Việt Nam. Năm 2023, hai cựu thù đã củng cố mối quan hệ chiến lược mới, một hành động được coi là cột mốc trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Mặc dù Việt Nam đã tiến hành một cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài hàng thập kỷ chống lại Mỹ, các cuộc khảo sát cho thấy, nhiều người Việt Nam hoan nghênh ảnh hưởng chính trị và chiến lược của Mỹ.

Chính quyền Biden coi Việt Nam – một trong số ít quốc gia Đông Nam Á công khai phản đối sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông – là yếu tố quan trọng đối với nỗ lực của Mỹ, nhằm chống lại tham vọng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Vị thế của Việt Nam ở Thái Bình Dương, quan điểm của Việt Nam về Trung Quốc, thiện chí hợp tác với Mỹ là lá bài mạnh nhất của họ. Trump không nhìn nhận theo cách đó. Ông ta không nhìn nhận đồng minh hay các giá trị chiến lược. Ông ta chỉ nhìn thấy số lượng và thuế quan, vì vậy Việt Nam cần phải cố gắng hơn nữa“, Le Thu Huong, phó giám đốc chương trình Châu Á của International Crisis Group, nói.

Các nhà phân tích cho biết, Việt Nam có quan điểm khá tích cực về ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, coi ông là một doanh nhân thực dụng, người sẽ không ‘đạo đức giả’ với họ về vấn đề nhân quyền.

Khi giải thích về thuế quan, ông Trump nói: “Việt Nam: Những nhà đàm phán tuyệt vời, những con người tuyệt vời, họ thích tôi. Tôi thích họ”. Ông nói rằng “vấn đề” là đất nước này tính thuế đối với Mỹ “90%”, một con số rõ ràng đạt được bằng cách dựa trên thặng dư thương mại hiện tại của Việt Nam với Mỹ, trị giá 123,5 tỷ đô la (Việt Nam phản đối cách tính này).

Mức thuế được ông Trump đưa ra vào thời điểm bấp bênh đối với ông Tô Lâm, người được bổ nhiệm làm tổng bí thư Đảng Cộng sản cầm quyền của Việt Nam hồi năm ngoái, sau khi cựu tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Ông Tô Lâm cần bảo đảm hiệu suất kinh tế mạnh mẽ khi ông tiến vào đại hội đảng trong năm tới, nơi các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam sẽ được bầu chọn.

Ngay cả trước khi ông Trump công bố mức thuế, Việt Nam đã nỗ lực giành được sự ủng hộ từ chính quyền mới của Mỹ. Họ đã ký các thỏa thuận tạm thời để nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ, cắt giảm một số thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Mỹ và cho phép SpaceX mở một công ty để triển khai dịch vụ internet vệ tinh Starlink ở Việt Nam. Trump Organization đang đầu tư một dự án sân golf và khách sạn trị giá 1,5 tỷ đô la tại tỉnh Hưng Yên, miền bắc Việt Nam, quê hương của ông Tô Lâm.


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Vũ Bằng

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

05/04/2025

Nhà báo Xuân Ba kể lại: “Đêm chuyển về sáng một ngày tháng tư năm một ngàn chín trăm tám tư, Vũ Bằng thều thào với Long kiếm cho ba cái điếu?! Trời đất, bệnh nặng vậy mà hút chi?

Nhưng ông cứ kéo cái điếu về phía mình kéo một hơi rồi ho sặc sụa… Vũ Bằng sau hơi thuốc dim lim vẻ như khỏe lại? Nhưng rồi cứ lịm dần, lịm dần… Nhà văn Vũ Bằng trút hơi thở cuối cùng lúc bốn giờ ba mươi sáng … Vũ Bằng nghèo quá, túng quá! Tội vạ bất như bần!”

Ông sinh ngày 3 tháng 6 năm 1913, mất hôm 7 tháng 4 năm 1984. Nhân sinh thất thập cổ lai hy. Dù vậy, tôi vẫn muốn nhà văn của chúng ta thọ thêm đôi ba tuổi nữa (ráng lết luôn qua thời bao cấp) để những ngày tháng cuối đời – may ra – đỡ cơ cực và cùng quẫn hơn được phần nào.

Còn nếu VB sống được tới trăm năm thì càng tốt vì sẽ có cơ hội để xem Red Family (phim Nam Hàn) của Kim Ki-duk và Lee Ju-hyoung, trình chiếu lần đầu vào năm 2013. Tâm sự (hay tâm trạng) của người làm “điệp báo” như ông đã được gói ghém trong tác phẩm điện ảnh này.

Kịch bản như sau:

Ở vùng ngoại ô của thủ đô Soul có hai gia đình sống cạnh nhau. Bên này là 4 công dân bình thường của Nam Hàn. Còn bên kia là 4 điệp viên (giả dạng thường dân) của Bắc Hàn, xâm nhập miền Nam để thu thập tin tức và xử tử những người đào tị từ miền Bắc.

Với thời gian, nếp sinh hoạt ở miền Nam (nói chung) cũng như của gia đình hàng xóm (nói riêng) đã dần thay đổi cách nhìn cũng như quan niệm của những kẻ nằm vùng. Họ chuyển biến dần dần. Nói cách khác, dung dị hơn, là họ bị miền Nam cảm hóa (hay Nam hóa) bởi cuộc sống tương đối an lành và nhân bản nơi vùng … địch tạm chiếm!

Cuối cùng, đám điệp viên Bắc Hàn đã từ bỏ công tác được giao phó, dù biết rằng tính mạng của mình và của thân nhân (còn ở bên kia giới tuyến) đều sẽ bị lâm nguy. VB cũng thế. Tuy thuộc diện tập kết ngược nhưng ông cũng bị “Nam hóa” hoàn toàn, và cũng đã quên mất vai trò điệp báo.

Tập kết ngược là sao?

Báo Quân Đội Nhân Dân (số phát hành hôm 22/04/2017) tường thuật: “Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7-1954), cách mạng Việt Nam đứng trước tình thế mới. Bộ đội, cán bộ ta ở miền Nam tập kết ra Bắc, địch chuyển quân vào Nam và cưỡng bức dân di cư. Thời kỳ đó, Cục Địch vận (nay là Cục Dân vận) xác định: Cuộc chiến chưa thể kết thúc, cần phải đưa những đồng chí trung kiên vào miền Nam … những đồng chí được cử vào Nam (“tập kết ngược”) là chấp nhận đi vào nơi gian khổ, đầy hy sinh, thử thách.

Trong số họ có đồng chí vợ yếu, con nhỏ, có nữ đồng chí đang có người yêu, chỉ chờ tổ chức đám cưới… Vậy mà khi được giao nhiệm vụ, họ đều sẵn sàng, hào hứng lên đường, không mảy may đắn đo, suy nghĩ. Các đồng chí ra đi được giáo dục về tư tưởng và trang bị các nội dung về nghiệp vụ công tác binh-địch vận. Họ vào Nam bằng nhiều cách: Đi máy bay, đi tàu thủy theo đường di cư; có người vào giới tuyến rồi vượt biển vào Nam…”

Không ai biết VB đã vào Nam bằng cách nào nhưng tôi biết (chắn chắn) là ông chả có thực hiện được bất cứ một “công tác binh – địch – vận” nào sất cả. Ông chỉ viết thôi, viết rất hay (và viết không ít) trong suốt thời gian nằm vùng:

Miếng Ngon Hà Nội (bút ký, 1960)

Miếng Lạ Miền Nam (bút ký, 1969)

Bốn Mươi Năm Nói Láo (hồi ký, 1969)

Mê Chữ (tập truyện, 1970)

Nhà Văn Lắm Chuyện (1971)

Những Cây Cười Tiền Chiến (1971)

Khảo Về Tiểu Thuyết (biên khảo, 1969)

Thương Nhớ Mười Hai (bút ký, 1972)

Người Làm Mả Vợ (tập truyện ký, 1973)

Bóng Ma Nhà Mệ Hoát (tiểu thuyết, 1973)

 Nước Mắt Người Tình (tiểu thuyết, 1973)

Tác giả Anh Chi (báo Đại Biểu Nhân Dân) tường thuật: “Vũ Bằng được các nhà văn nổi tiếng Sài Gòn (cũ) ghi nhận là một hiện tượng văn chương đặc biệt trong đời sống văn chương – báo chí miền Nam. Họ chỉ biết, ngoài năm mươi tuổi ông lập gia đình với bà Phấn, rồi lao động vất vả để nuôi vợ con. Họ đâu có biết, nhà văn tài danh Vũ Bằng còn là một chiến sĩ quân báo, vào Sài Gòn để chống Mỹ cứu nước.”

Má ơi! VB vừa làm báo, vừa viết văn, “ngoài 50 mươi mới lập gia đình” (lần nữa) và còn phải “lao động vất vả để nuôi vợ con” thì ổng “chống Mỹ cứu nước” vào lúc nào? Chiến sỹ quân báo VB – rõ ràng – không lập được một thành tích nào ráo trọi nên cả chục năm sau (sau khi cách mạng thành công, miền Nam được hoàn toàn giải phóng) ông vẫn không được trả công, và không mua nổi một cái vé tầu về Bắc:

“Vũ Bằng sở dĩ chưa ra Bắc chứ phải không ra vì một lý do cực kỳ đơn giản, Vũ Bằng nghèo quá, túng quá! Tội vạ bất như bần! Không có cái tội chi khổ bằng cái nghèo! Vĩnh viễn nhà văn Vũ Bằng không có bao giờ có dịp một lần tìm về nơi mười hai thương nhớ ấy…” ( Xuân Ba. “Vì Sao Vũ Bằng Sau 75 Không Ra Bắc.” Tiền Phong Online – 17/05/2020).

Rồi mãi 16 năm sau, sau khi ông qua đời, đến tháng 3 năm 2000 Cục Chính Trị mới có “văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.” Cũng trong năm này, ông được CTN Trần Đức Lương trao tặng “Huân Chương Chống Mỹ Cứu Nước Hạng Ba về thành tích điệp báo nằm vùng.”

Coi: ông tập kết ngược vào Nam để thi hành công tác từ hồi 1954 lận. Gần hai phần ba thế kỷ sau, nhà nước mới có “văn bản xác nhận” cùng với một tấm “huân chương hạng ba”! Sao kỳ cục vậy kìa?

Báo Nhân Dân (số ra ngày 27 tháng 12 năm 2013) giải thích bằng những câu chữ hơi gượng gạo:

“Hơn 30 năm sống trong Sài Gòn, dưới vỏ bọc một nhà văn ‘quay lưng lại với Cách mạng’ để hoạt động trong mạng lưới tình báo, Vũ Bằng đã phải chịu nhiều điều tiếng và sự lạnh nhạt của bạn văn, cũng như người đời. Ngay cả sau khi đất nước thống nhất, Vũ Bằng vẫn mang tiếng ‘dinh tê, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đứt đoạn trong đường dây tình báo.”

Tôi thì ngại rằng có “sự đứt đoạn” với cả cái đám tập kết ngược (vào Nam) chứ chả riêng chi họ Vũ. Mấy thấp niên qua chưa bao giờ thấy có tổ chức một buổi lễ vinh danh (hay tưởng niệm) cho nhóm người này cả, dù “ăn mày dĩ vãng” vốn là sở trường của cái nhà nước hiện hành.

Thực trạng của tập thể cán bộ (“đứt đoạn”) này khiến tôi nhớ đến nhận xét của một vị chỉ huy – thuộc lực lượng tình báo Bắc Hàn – khi nói về đám cán bộ nằm vùng dưới quyền, trong cuốn phim Red Family: “No matter how much traning, they all fall to capitalism.

Thảm thiệt?

Nhưng nói thế (“chúng đều ăn phải bả của Chủ Nghĩa Tư Bản – they all fall to capitalism”) nghe e hơi cường điệu. Cũng như bao nhiêu cán bộ tập kết ngược khác, VB chả có bị hấp dẫn hay cuốn hút gì bởi Chủ Nghĩa Tư Bản đâu. Cuộc sống tương đối an bình, no đủ, thoải mái ở miền Nam đã khiến họ nhận chân được mọi sự, rồi “tự chuyển biến” và “lơ là” công tác – thế thôi.

Riêng VB thì biến từ một anh điệp báo (giả dạng nhà văn) thành một nhà văn thứ thiệt: độc đáo, tài hoa, có đông đảo độc giả và được rất nhiều người ái mộ. Đó là món quà tặng mà miền Nam đã dành cho ông trong thời gian tập kết.

Thế còn miền Bắc?

Tuy muộn, nhà cầm quyền Hà Nội – cuối cùng – cũng đã trao cho VB cái “Huân Chương Chống Mỹ Cứu Nước Hạng Ba” rồi đấy. Vậy còn thắc mắc, khiếu nại gì nữa – cha nội?

Thưa không. Có ai dám “thắc mắc” hay “khiếu nại” gì đâu. Tôi chỉ mong sao, ở bên kia thế giới, VB hổng biết có cái vụ huân chương (thổ tả) này thôi. Tội ổng chớ!


 

Trung Quốc đã từng mong muốn đàm phán với Trump. Bây giờ họ đang chuẩn bị cho cuộc chiến thương mại lần hai.

Theo Báo WSJ

Bắc Kinh đã dành những tháng đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump để cố gắng – và thất bại – tìm hiểu cách tiếp cận của chính quyền mới đối với Trung Quốc. Các quan chức hy vọng xây dựng các kênh liên lạc với Washington đã không gặp may.

Với động thái áp thuế mới nhất của Trump, quy mô cuộc tấn công thương mại của ông đã gây chú ý và hy vọng đối thoại của Bắc Kinh đã tan thành sự thất vọng và tức giận.

Cho đến nay, phản ứng của họ vẫn còn hạn chế. Vào thứ sáu, Bắc Kinh đã áp dụng mức thuế bổ sung 34% của Trump và lần đầu tiên áp dụng đối với tất cả các sản phẩm của Hoa Kỳ, không có ngoại lệ. Họ cũng hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản đất hiếm, đưa các công ty Hoa Kỳ vào danh sách đen thương mại và nhắm mục tiêu điều tra chống độc quyền vào hoạt động của công ty hóa chất và vật liệu Hoa Kỳ DuPont tại Trung Cộng.

Phản ứng của Trump trước hành động trả đũa của Trung Cộng cho thấy mọi thứ sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Trump viết, “TRUNG CỘNG ĐÃ CHƠI SAI, HỌ HOẢNG SỢ—MỘT ĐIỀU MÀ HỌ KHÔNG NÊN LÀM!”

Tổng thống Trump tại một sự kiện ở Nhà Trắng.

Tổng thống Trump sau khi ký các sắc lệnh hành pháp áp đặt mức thuế mới tại Nhà Trắng vào thứ Tư. Ảnh: Andrew Harnik/Getty Images

Việc thiếu giao tiếp giữa hai bên không có dấu hiệu dừng lại. Những gì sắp tới có thể là một chu kỳ trả đũa qua lại, khiến việc bắt đầu đàm phán trong tương lai gần trở nên khó khăn.

Sự vênh váo mà nhóm của Tập thường thể hiện trong các cuộc tương tác với các quan chức của Biden đã biến mất. Khi Trump áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc trong hai đợt riêng biệt, phản ứng trả đũa của Trung Quốc rất thận trọng.

Sau đó là cú sốc về mức thuế bổ sung 34% mà Trump áp lên Trung Quốc vào thứ Tư. Điều đó đưa mức thuế nhập khẩu trung bình của Hoa Kỳ đối với các sản phẩm của Trung Quốc lên 76%, tính theo mức thuế và thuế 20% trước đó có trước nhiệm kỳ thứ hai của Trump, theo Chad Bown , một thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson—gấp hơn 20 lần so với trước khi Trump phát động cuộc chiến thương mại đầu tiên với Trung Quốc vào năm 2018.

“Điều đó tương đương với tuyên bố ‘tách rời chiến lược’ với Trung Quốc”, một nhà kinh tế cấp cao tại Bắc Kinh cho biết, sử dụng thuật ngữ của ông trùm thương mại nhiệm kỳ đầu của Trump, Robert Lighthizer . “Liệu chúng ta có thể tìm ra con đường hướng tới các cuộc đàm phán dưới áp lực tối đa như vậy không? Việc thiếu giao tiếp giữa hai bên có thể khiến mọi việc trở nên khó khăn”.

Trong các cuộc họp gần đây, theo những người hiểu rõ vấn đề, các quan chức Trung Cộng đã chỉ ra với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ đến thăm rằng Bắc Kinh kiên quyết phản đối mọi hình thức mà họ gọi là “cướp thương mại” và đặc biệt là phản đối bất kỳ vụ mua bán nào liên quan đến việc Trung Cộng mất quyền kiểm soát thuật toán của TikTok – công thức bí mật của ứng dụng này để đưa nội dung đến tay người dùng.

Ảnh chụp từ trên không của nhiều xe điện màu trắng đỗ tại một cảng buôn bán ô tô.

Xe điện đỗ để xuất khẩu tại một cảng thương mại ô tô ở Hàng Châu vào tháng trước. Ảnh: Cfoto/Zuma Press

Có những thách thức lớn. Với mức thuế mới của Hoa Kỳ, thậm chí sẽ có càn nhiều hàng hóa Trung Cộng hơn nữa  được chuyển hướng (từ Hoa Kỳ) đến các quốc gia ở Châu Âu và Châu Á, nơi các nhà lãnh đạo đã lo ngại về tình trạng tràn lan các sản phẩm Trung Cộng gây nguy hiểm cho công ăn việc làm của công nhân sản xuất hàng nội địa.

Ngoài ra, Bắc Kinh còn khiến châu Âu vô cùng tức giận vì đã ủng hộ Mátxcơva trong cuộc xâm lược Ukraine kéo dài ba năm của Nga.

 

Hiện tại, Trung Cộng đang ở trong tình thế không có lợi trong biến cố bị mất quyền tài chính trên kinh đào Panama, họ cố gắng giành lại đòn bẩy này bằng việc xem xét chống độc quyền đối với giao dịch của công ty chứng khoán Hutchison. Nhưng bất kỳ động thái nào can thiệp vào thỏa thuận này đều có thể cung cấp thêm bằng chứng cho cáo buộc của Trump rằng Trung Cộng kiểm soát kênh đào.

Các quan chức Trung Cộng rất không muốn phải lặp lại sai lầm và từ bỏ mọi đòn bẩy  về mặc cả mua bán TikTok mà họ có thể có với Washington trong khi Trump cân nhắc các đề xuất thoái vốn khỏi hoạt động của ứng dụng Tik Tok tại Hoa Kỳ khỏi công ty mẹ ByteDance của Trung Cộng.

Tàu chở hàng gần kênh đào Panama.

Một tàu chở hàng đi qua Cảng Balboa của Kênh đào Panama do CK Hutchison quản lý vào tháng trước. Ảnh: Matias Delacroix/AP

Chưa có cuộc đàm phán nào về TikTok, hay bất kỳ vấn đề thương mại hay kinh tế nào diễn ra giữa chính quyền Trump và chính phủ Trung Cộng.

Trung Cộng sẽ mong đợi một sự nhượng bộ để đi đến bất kỳ sự thỏa hiệp nào, hoặc thậm chí là đàm phán, một trong những người này cho biết—ví dụ, nếu Trump thấy mình buộc phải rút lại thuế quan. Sau hành động toàn diện của ông, thị trường đã giảm trên toàn thế giới, nhưng mạnh nhất là ở Hoa Kỳ

Hiện tại, bất kỳ ai nắm quyền điều khiển quan hệ Mỹ – Trung thì đó không phải là Bắc Kinh.


VÒNG XÓT THƯƠNG- Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”.

“Vòng tròn có một cái tâm, cái tâm ở giữa vòng tròn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ở đâu có Chúa Giêsu, ở đó có những vòng tròn: vòng trên núi, vòng dưới biển, vòng ven hồ, vòng ở hội đường, vòng nơi đền thờ. Ở đâu có Ngài, ở đó có những ‘vòng xót thương!’.

Vây quanh Chúa Giêsu hôm nay là một vòng kinh sư biệt phái và một đám đông dân thành. Oái ăm thay, một người nữ ngoại tình cũng bị xô vào vòng tròn, đặt Ngài vào tình thế ‘gà mắc tóc’, “Người đàn bà này bị bắt quả tang ngoại tình. Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Tha bổng? Ngài chống luật Môsê. Ném đá? Còn đâu một Giêsu hiện thân của thương xót. Vì biết rằng, đằng sau bản án đòi ném đá người con gái của đất, còn cả một bản án muốn giết chết đứa con trai của trời; Chúa Giêsu nín thinh, cúi xuống lấy tay vờ vịt viết trên đất, viết một lần duy nhất trong đời.

Ai từng say mê những câu chuyện thiền thì tiểu phẩm “Vòng Tròn Nghiệt Ngã” vây quanh Chúa Giêsu hôm nay là một trong những tuyệt phẩm vậy. Vòng tròn đầy người ‘tay lăm le đá’ giờ đây đang câm nín. Cái im lặng đang vần vũ lòng người cũng là cái im ắng đang đánh động lòng trời. Và bởi họ cứ hối thúc, Chúa Giêsu buộc lòng lên tiếng, “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi!”. Tuyệt vời!

Người ta mời Ngài làm quan án xét kẻ có tội; bỗng Ngài trở thành quan toà xử kẻ cho mình là vô tội. Người ta chờ Ngài kết án bị cáo; bỗng Ngài lại thẩm vấn chính các nguyên cáo. Người ta mang đá để ném vào một người yếu thế; bỗng Ngài ném ngược trở ra một lời cứng hơn đá trúng tim những kẻ mạnh thế. Đá ném vào giết chết tội nhân, lời ném ra cứu sống người ‘cho mình công chính’ lẫn tội nhân. Người ta muốn Ngài đồng tình giết chết kẻ có tội, Ngài muốn cứu sống kẻ buộc tội lẫn người đắc tội.

“Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi”. Giờ đây, cái vòng của giết chết, của lên án, của nguyền rủa phải rã đám, nhường chỗ cho ‘vòng xót thương’ của thứ tha, của chữa lành. Người phụ nữ ấy được đặt hai lần giữa vòng tròn – trước và sau khi được xót thương. Cô đại diện cho bạn và tôi, cho nhân loại khốn cùng. Con người là tâm điểm của Thiên Chúa, là ‘đồng tử’ mắt Ngài, Ngài không muốn mất bất cứ ai; Ngài yêu thương và chết cho từng người.

Anh Chị em,

“Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”. “Chúa Giêsu mở ra cho cô một con đường mới vốn được tạo ra bởi lòng thương xót, một con đường đòi hỏi cô phải cam kết không phạm tội nữa. Đó là lời mời gọi áp dụng cho mỗi người chúng ta. Mỗi sự hoán cải thực sự đều hướng đến một tương lai mới, một cuộc sống mới, một cuộc sống tươi đẹp, một cuộc sống không có tội lỗi, một cuộc sống quảng đại!” – Phanxicô. Vòng tròn Giêsu quả là ‘vòng xót thương’; bởi lẽ, ở đâu có Ngài, ở đó, có cả một đại dương bao la của lòng từ ái, một bến bờ vô tận của thứ tha, một không gian bát ngát của vỗ về, một giang sơn đại ngàn của cứu chữa, một lãnh địa thênh thang của băng bó, một quê hương rạng ngời của lòng cậy trông và một phúc kiến ngơi nghỉ của an bình. Ôi tội hồng phúc!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con mạnh mẽ đứng lên, lau mặt thật sạch, đi tới; và từ nay đừng phạm tội nữa!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

**********************************

Chúa Nhật Tuần V – Mùa Chay

Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.       Ga 8,1-11

1 Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu.

2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. 3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, 4 rồi nói với Người : “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. 5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” 6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. 7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” 8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. 9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. 10 Người ngẩng lên và nói : “Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?” 11 Người đàn bà đáp : “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói : “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !”


 

CHẶNG THỨ 13: Chúa Giêsu được đưa xuống khỏi thập giá và được phó trong tay Đức Mẹ – Cha Vương –

Chúc bạn và gia đình những ngày cuối tuần tràn đầy hồng ân của Thiên Chúa. Mừng bổn mạng thánh Vinh Sơn đến tất cả mọi người nhé. 

Cha Vương

Thư 7: 04/05/2025

CHẶNG THỨ 13: Chúa Giêsu được đưa xuống khỏi thập giá và được phó trong tay Đức Mẹ

TIN MỪNG: Thấy động đất và các sự việc xảy ra, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giê-su đều rất đỗi sợ hãi và nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.” Ở đó, cũng có nhiều người phụ nữ đứng nhìn từ đàng xa. Các bà này đã theo Đức Giê-su từ Ga-li-lê để giúp đỡ Người… Chiều đến, có một người giàu sang tới. Ông này là người thành A-ri-ma-thê, tên là Giô-xếp, và cũng là môn đệ Đức Giê-su. Ông đến gặp ông Phi-la-tô để xin thi hài Đức Giê-su. Bấy giờ tổng trấn Phi-la-tô ra lệnh trao trả thi hài cho ông. (Mt 27:54-55, 57-58)

SUY NIỆM: Ôi thật là một nỗi đau xé lòng! Và đúng như lời ông Si-mê-ôn nói tiên tri, “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Lc 2:35b) “Lá vàng khô khóc lá xanh rơi. Chim chóc ngừng bay, đứng ngậm ngùi.” Bắt đầu từ Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo hội mời bạn dành thời gian thinh lặng không những để tưởng nhớ nỗi thống khổ của Đức Kitô, nhưng còn phải hướng tới việc cảm tạ hồng ân cứu độ Thiên Chúa đã ban cho nhân loại, và thống hối về những lầm lỗi bạn đã phạm…

XÉT MÌNH: Có bao giờ bạn dửng dưng trước tình yêu cao cả của Người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình không? Mời bạn hãy nhận ra thân phận yếu hèn và tội lỗi của mình mà sám hối, canh tân đời sống, để xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ.

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, dưới chân thập giá Mẹ chứng kiến cái chết đau thương của Con mình nhưng Mẹ vẫn đứng vững không nản chí, không ngã quỵ. Xin cho con biết noi gương Mẹ mỗi ngày luôn đứng vững để đi trọn hành trình ơn gọi và con đường thập giá đời con. 

From: Do Dzung

***************************

Thánh Ca Mẹ Đứng Đó – Ngọc Lan

NGHĨ KHÁC ĐI ĐỂ HẠNH PHÚC

Antonio Son Tran

 – Khi chán nản, hãy nghĩ xem mình còn lại bao nhiêu ngày để dằn vặt, còn bao nhiêu thời gian để phung phí?

Bạn vui, một ngày cũng qua đi, bạn buồn một ngày cũng kết thúc. Nếu nhận ra điều này hẳn sẽ không dễ dãi để cuộc sống mình âm u nữa.

– Khi phiền muộn, hãy nghĩ xem thật ra cuộc sống là những phép trừ, gặp nhau một lần là ít đi một lần, sống hết một ngày là giảm đi một ngày, có gì đáng để phí hoài? Không quên tình nghĩa, không nghĩ thị phi, không chấp oan trái, không nợ nần ai, không thẹn với lương tâm là được.

– Khi thấy bi thương, hãy xem cuộc sống là một hành trình, chúng ta đến đây hai tay trắng thì rời đi cũng sẽ như vậy, không thể mang theo dù chỉ là hạt bụi hay một áng mây bay. Những công danh lợi lộc , những thế thái nhân tình, đều phải để lại. Hiểu rõ điều này rồi thì có gì phải bận tâm mà phiền lòng?

– Khi không được như ý, hãy so sánh với sự bận rộn của những người giàu có, chúng ta sống biết đủ chính là niềm hạnh phúc. Rồi nhìn qua những người đang đau khổ trong bệnh viện, chúng ta vẫn mạnh khỏe chính là niềm hạnh phúc. Và hãy xem trên thế giới một giây có bao nhiêu người phải rời đi, chúng ta vẫn còn sống chính là niềm hạnh phúc… Con người muốn có một đời sống khỏe thì tâm phải đơn giản, thân phải nhẹ nhàng.

– Khi nổi giận, hãy nghĩ xem có nên vì những kẻ không đáng mà ấm ức? Có cần vì những việc không quan trọng mà bực mình? Ăn uống đúng cách, làm việc điều độ, vận động vừa đủ, nghỉ ngơi hợp lí, khoản nào tiết kiệm thì tiết kiệm, phần nào nên tiêu thì chi ra. Bạn tốt thì gia đình và người thân mới tốt, mọi người đều sẽ tốt.

– Khi tính toán, hãy nghĩ xem con người đi một vòng trong thế gian đều trở về điểm 0, sao phải chi li so bì, không biết nhường nhịn? Nói nhiều thì tổn thương người, tính nhiều thì tổn thần khí, chi bằng đừng so đo nữa, làm một người vui vẻ dễ chịu, không thẹn với lòng!

Làm người, còn sống được là tốt.

SƯU TẦM

Tổng thống Trump Chỉ Trích “Nước Đi Sai” Của Trung Quốc, Căng Thẳng Thương Mại Toàn Cầu Leo Thang

Ba’o Dat Viet

April 5, 2025

Washington – Bắc Kinh, ngày 4 tháng 4 năm 2025 – Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng chỉ trích quyết định áp thuế trả đũa của Bắc Kinh, cho rằng đây là “nước đi sai” xuất phát từ tâm lý “hoảng loạn”.

“Trung Quốc đã có nước đi sai, họ hoảng loạn – điều mà họ không thể để xảy ra”, Tổng thống Trump viết trên mạng xã hội Truth Social vài giờ sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ đánh thuế bổ sung 34% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bắt đầu từ ngày 10 tháng 4.

Ngoài thuế quan, Bắc Kinh cùng ngày còn công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với nhóm đất hiếm trung và nặng như samarium, gadolinium, terbium, dysprosium, lutetium, scandium và yttrium – những nguyên tố có vai trò quan trọng trong công nghệ cao và quốc phòng. Biện pháp này có hiệu lực tức thời từ ngày 4 tháng 4.

Bộ Thương mại Trung Quốc đồng thời đệ đơn kiện Hoa Kỳ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cáo buộc Washington vi phạm quy tắc thương mại quốc tế khi áp đặt loạt thuế mới.

Phản ứng trước diễn biến trên, ông Trump tuyên bố sẽ kiên định với các chính sách của mình bất chấp sự biến động trên thị trường tài chính toàn cầu. “Gửi tới những nhà đầu tư đổ đến Mỹ và rót những khoản tiền khổng lồ, chính sách của chúng tôi sẽ không bao giờ thay đổi,” ông nhấn mạnh, đồng thời khẳng định “đây là thời điểm tuyệt vời để làm giàu, giàu hơn bất cứ thời điểm nào trước đó.”

Trước đó, vào ngày 2 tháng 4, Tổng thống Trump đã công bố chính sách thuế đối ứng toàn diện đối với hàng nhập khẩu, trong nỗ lực “đặt nước Mỹ lên hàng đầu”. Theo sắc lệnh vừa ký, mức thuế cơ bản là 10% với tất cả hàng hóa nhập vào Mỹ. Một số quốc gia như Anh, Brazil, Singapore, Úc, Chile, Argentina và Saudi Arabia nằm trong diện này.

Mức thuế cao hơn, từ 20 đến 26%, được áp dụng với Liên minh châu Âu (EU), Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Đáng chú ý, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước chịu mức thuế cao nhất, lần lượt là 34% và 46%.

Giới chuyên gia cảnh báo các biện pháp trả đũa giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang đẩy cuộc chiến thương mại toàn cầu sang giai đoạn mới, với nguy cơ gây ảnh hưởng sâu rộng đến chuỗi cung ứng, dòng đầu tư và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.


 

Dạy con cái sự tự tin trong xã hội hiện đại

Ba’o Nguoi- Viet

April 5, 2025

LOS ANGELES, California (NV) – Xã hội hiện đại ngày nay khiến con cái chúng ta trở nên dè dặt và thiếu sự tự tin hơn khi đối diện với những người khác do môi trường xung quanh diễn ra chủ yếu trong thực tế ảo.

Khi con bạn nhốt mình trong phòng chơi game, xem tivi hoặc dành quá nhiều thời gian trên mạng Internet, kỹ năng xã hội của con có thể bị nghi ngờ, và khiến bạn hoặc nhiều phụ huynh khác thường gắn mác con mình là nhút nhát.

Trẻ em sẽ tự tin vào bản thân và khả năng của mình khi chúng trở nên tự lập hơn. (Hình: cottonbro studio/Pexels)

Theo trang mạng mindbodygreen, mặc dù chúng ta thường sẽ có xu hướng đổ lỗi cho sự phát triển của mạng Internet khiến nó cản trở các kỹ năng xã hội, nhưng Tiến Sĩ Maggie C. Vaughan, người đứng đầu trung tâm Youth Transformation ở New York, và cũng là tác giả cuốn sách tâm lý nổi tiếng “Depression Relief Journal,” cho biết có nhiều điều ẩn chứa trong câu chuyện hơn những gì chúng ta thấy bên ngoài.

Theo đó, con cái chúng ta cũng đang giao tiếp, chỉ là chúng làm theo một cách khác mà thôi.

“Sự khác biệt ngày nay so với một thập niên trước là trẻ em phụ thuộc nhiều hơn vào cách phương tiện truyền thông xã hội như là nguồn kết nối của chúng. Điều này có nghĩa là con cái thời đại này kết nối với bạn bè, thậm chí là những người đôi khi chúng không biết qua online,” Tiến Sĩ Maggie C. Vaughan giải thích.

Vấn đề là các kỹ năng xã hội trên mạng không phải lúc nào cũng áp dụng được vào cuộc sống thực và khi trẻ em đối diện với tình huống đối mặt trực tiếp, nó lại trở thành một rào cản khá lớn chủ yếu là vì trẻ em không được rèn kỹ năng giao tiếp ở ngoài đời.

“Bất cứ điều gì chúng ta không làm thường xuyên đều sẽ gây ra sự lo lắng, vì vậy trẻ em càng ít giao tiếp trực tiếp với những đứa trẻ khác thì chúng sẽ càng lo lắng, càng ngại ngùng khi đối mặt,” Tiến Sĩ Maggie C. Vaughan cho biết. “Không hẳn là các đứa trẻ thiếu kỹ năng mà đơn giản là chúng thiếu sự thực hành.”

Dưới đây là một số bài tập mà cha mẹ có thể áp dụng để giúp con mình vượt qua sự nhút nhát khi gặp gỡ người khác.

Tuy nhiên, trước khi thực hiện, bạn cũng nên hiểu rằng trong lúc đầu, con bạn có thể sẽ không thấy thoải mái nhưng tính nhất quán chính là chìa khóa.

  1. Cho con làm việc nhà

Hãy để cho con bạn đảm nhiệm một hoặc hai công việc nhà để giúp duy trì cuộc sống gia đình, đồng thời còn giúp nhấn mạnh rằng mọi thành viên trong gia đình đều đóng vai trò hỗ trợ trong nhà.

Trẻ em sẽ được hưởng lợi từ cảm giác hoàn thành công việc và có được lòng tự trọng khi đóng vai trò quan trọng trong gia đình.

  1. Khuyến khích sự quyết đoán

Việc tìm hiểu ý kiến của con bạn và cho trẻ tham gia vào các quyết định của gia đình chứng tỏ rằng bạn coi trọng ý tưởng và đóng góp của con.

Khi cha mẹ yêu cầu con cái đưa ra ý kiến thường xuyên, trẻ sẽ tin rằng quan điểm của mình có giá trị và sẽ tiếp tục nói lên ý kiến của mình.

Trẻ em sẽ được hưởng lợi từ cảm giác hoàn thành công việc và có được lòng tự trọng khi đóng vai trò quan trọng trong gia đình. (Hình: cottonbro studio/Pexels)

  1. Tôn vinh sự độc đáo của con bạn

Sự khác biệt thường khiến trẻ em trở nên lo lắng, nhưng khi được người khác quan tâm, con sẽ cảm thấy được yêu thương và tự tin vào chính bản thân mình hơn.

Thay vì tự mình chỉ ra sự khác biệt, hãy khuyến khích con bạn chia sẻ với bạn và thể hiện sự thích thú với những đặc điểm, tài năng và sở thích riêng biệt của con.

  1. Khuyến khích trẻ tự lập

Trẻ em sẽ tự tin vào bản thân và khả năng của mình khi chúng trở nên tự lập hơn. Vì vậy, bạn hãy khuyến khích con thử những trải nghiệm mới phù hợp với độ tuổi và khả năng.

Chẳng hạn, bạn có thể tập cho con cách chuẩn bị những bữa ăn đơn giản, tự làm bài tập về nhà hoặc tự gọi món ăn tại nhà hàng.

  1. Khen thưởng những nỗ lực, thậm chí ngay cả khi con thất bại

Những đứa trẻ có cha mẹ khuyến khích sự chăm chỉ và nỗ lực thay vì kết quả cụ thể sẽ cảm thấy thích thú hơn và tự tin hơn.

Trong khi đó, những đứa trẻ có gia đình chỉ chú trọng vào kết quả đạt được mà không nhìn nhận vào quá trình sẽ thường có xu hướng tránh những nhiệm vụ khó khăn vì chúng sợ khiến bản thân hoặc người khác thất vọng.

Chính vì vậy mà bạn hãy luôn khen thưởng nỗ lực của con mình dù bất cứ kết quả ra sao. (YY) [qd]


 

Nhiều loại sản phẩm như xì gà, nhẫn đính hôn, dứa, hạt điều sớm có mức giá cao hơn vì thuế nhập khẩu mới ban hành

Theo báo WSJ

Dưới đây là một số mặt hàng mà Hoa Kỳ phụ thuộc phần lớn vào các nhà cung cấp nước ngoài, theo công ty phân tích Trade Partnership Worldwide. Một số sẽ phải đối mặt với mức thuế quan lên tới hai con số, và có thể tăng giá đáng kể trong thời gian sắp tới. 

Xì gà

Một công nhân đang cuốn xì gà tại một nhà máy ở Santiago de los Caballeros ở Cộng hòa Dominica.

Một công nhân đang cuốn xì gà tại một nhà máy ở Santiago de los Caballeros ở Cộng hòa Dominica. Ảnh: Diana sanchez/EPA/Shutterstock

Những người yêu thích xì gà ở Hoa Kỳ có thể sẽ sớm phải trả nhiều tiền hơn cho thuốc lá của họ, vì Hoa Kỳ nhập khẩu khoảng 64% xì gà từ Cộng hòa Dominica, theo TPW. Hàng hóa từ quốc gia này sẽ sớm phải đối mặt với mức thuế 10% của Hoa Kỳ. Danh mục xì gà bao gồm xì gà nhỏ, ngắn và mỏng và đôi khi có thêm hương vị trái cây.

Nhẫn đính hôn

Một nhân viên đang hoàn thiện chiếc nhẫn tại một nhà máy sản xuất đồ trang sức kim cương ở Mumbai.

Một nhân viên đang lắp đầy một chiếc nhẫn tại một nhà máy sản xuất đồ trang sức kim cương ở Mumbai. Ảnh: hemanshi kamani/Reuters

Lời cầu hôn có thể sớm trở nên đắt đỏ hơn đối với những người muốn cầu hôn bằng nhẫn đính hôn kim cương. Hoa Kỳ nhập khẩu 92% kim cương tổng hợp và 45% kim cương cắt và đánh bóng từ Ấn Độ. Quốc gia này sẽ sớm phải đối mặt với mức thuế quan 26%—một đòn đánh đủ lớn mà các nhà nhập khẩu có thể muốn chuyển cho người tiêu dùng, ít nhất là một phần.

Dứa

Hoa Kỳ nhập khẩu khoảng 88% dứa từ Costa Rica. Hàng hóa từ quốc gia này sẽ sớm phải chịu mức thuế 10% của Hoa Kỳ. Danh mục này bao gồm cả dạng tươi và dạng khô của loại quả này.

Đồng hồ sang trọng

Đồng hồ Thụy Sĩ.

Đồng hồ Thụy Sĩ. Ảnh: Eugene Gologursky/Getty Images

Tặng người thân yêu một chiếc đồng hồ sang trọng sản xuất tại Thụy Sĩ có thể sớm tốn kém hơn nhiều. Hoa Kỳ phụ thuộc vào quốc gia này cho hơn 90% đồng hồ đeo tay kim loại quý nhập khẩu. Tất cả hàng hóa Thụy Sĩ sẽ sớm bị đánh thuế 31% tại các cảng của Hoa Kỳ.

Việc tìm một chiếc đồng hồ thay thế có thể khó khăn. Hoa Kỳ nhận được khoảng 49% đồng hồ đeo tay kim loại nhập khẩu có màn hình cơ học từ Thụy Sĩ và 37% từ Nhật Bản. Quốc gia sau đang phải chịu mức thuế mới là 24%.

Một công nhân tại một cơ sở chế biến hạt điều của Việt Nam.

Một công nhân tại một cơ sở chế biến hạt điều của Việt Nam. Ảnh: Virginie Nguyen Hoang cho WSJ

Chi phí thuế quan có thể sớm ảnh hưởng đến món hạt điều của bạn. Hoa Kỳ nhập khẩu 89% hạt điều từ Việt Nam, nơi sẽ sớm phải đối mặt với mức thuế 46%.

Đèn Giáng sinh

Đèn Giáng sinh ở khu Hampden của Baltimore.
Đèn Giáng sinh ở khu vực Hampden của Baltimore. Ảnh: marko djurica/Reuters

Giáng sinh còn nhiều tháng nữa mới đến, nhưng việc chi trả cho không khí lễ hội năm nay có thể sẽ tốn kém hơn. Campuchia là nhà cung cấp đèn Giáng sinh lớn cho Hoa Kỳ Khoảng 66% đèn Giáng sinh LED nhập khẩu và 74% đèn Giáng sinh không phải LED nhập khẩu đến từ quốc gia này, nơi sẽ sớm phải đối mặt với mức thuế 49%.


Mối nguy hiểm từ thuế quan của Tổng Thống Trump đối với các ông lớn ô tô của Mỹ

Theo báo WSJ

Thoạt nhìn, không có công ty ô tô nào khác có vẻ có vị thế tốt hơn Ford để vượt qua hàng rào thuế quan vừa được Tổng thống Trump công bố. Trong số tất cả các xe ô tô, xe bán tải và xe SUV mà Ford bán tại Mỹ, 80% được sản xuất trong nước—một trong những tỷ lệ cao nhất của bất kỳ hãng sản xuất ô tô lớn nào. Xe bán tải F-150 của hãng—xe bán chạy nhất tại Mỹ và là động cơ mang lại lợi nhuận cho công ty—được sản xuất tại Hoa Kỳ. Nhiều bộ phận của xe cũng được sản xuất trong nước: khung từ Kentucky, ống xả khói từ Michigan, động cơ từ Ohio.

Công nhân lắp ráp xe bán tải F-150 tại nhà máy Ford ở Dearborn, Mich., tháng 4 năm 2024.

Nhưng khi nhìn vào bên trong chiếc F-150, …Có hàng ngàn bộ phận được chuyển qua biên giới từ Mexico và những nơi khác. Hơn một nửa giá trị các bộ phận của xe tải đến từ bên ngoài Hoa Kỳ—ít nhất là hai chục quốc gia, bao gồm máy phát điện và bánh xe từ Mexico và lốp xe từ Hàn Quốc.

Bắt đầu từ tháng tới, mỗi bộ phận đó có thể phải chịu mức thuế mới là 25%. Vì vậy, mặc dù xe tải của Ford được sản xuất tại trung tâm nước Mỹ, thuế nhập khẩu có thể làm tăng giá trung bình lên hàng nghìn đô la. Thuế đối với các bộ phận có thể khiến Ford mất 6% doanh thu, theo phân tích của công ty tài chính Bernstein.

Đối với đối thủ truyền kiếp General Motors, các giám đốc điều hành ở đó đang phải vật lộn với những vấn đề lớn hơn. Kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (Nafta) có hiệu lực vào những năm 1990, GM đã chuyển một lượng lớn công việc nhà máy của mình qua biên giới, đặc biệt là đến Mexico. Chi phí lao động rẻ hơn ở đó đã cho phép GM chế tạo không chỉ những chiếc xe nhỏ hơn, ít tốn kém hơn mà còn cả những chiếc xe bán tải lớn, đắt tiền.

Ngày nay, GM nhập khẩu số lượng xe nhiều gấp ba lần Ford, bao gồm gần một nửa số xe bán tải bán tại Hoa Kỳ, Chevrolet Silverado và GMC Sierra. Công ty cũng nhập khẩu những chiếc SUV thể thao nhỏ từ Hàn Quốc. Thuế đối với các bộ phận sẽ khiến chi phí của GM tăng vọt, nhưng thuế quan đối với ô tô lắp ráp cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến công ty, khiến công ty phải chịu áp lực lợi nhuận lớn.

Nhà máy General Motors ở Ramos Arizpe, Mexico. Ngành công nghiệp xe cộ và phụ tùng ô tô sử dụng gần hai triệu người trong nước.

Nhà máy General Motors ở Ramos Arizpe, Mexico. Ngành công nghiệp xe cộ và phụ tùng ô tô sử dụng gần hai triệu người trong nước. Ảnh: daniel becerril/Reuters

Những người quan sát trong và ngoài ngành tin rằng thuế quan có thể giáng một đòn nặng nề vào hai gã khổng lồ trong ngành sản xuất ô tô của Mỹ. Một giám đốc điều hành ngành công nghiệp ô tô Hoa Kỳ đã mô tả ba hậu quả tiềm tàng của chính sách thuế quan của ông Trump đó là: “Tạm Được, Tệ và Thảm Họa nguyên tử Chernobyl”.

Một chiếc xe Model T trên đường dốc lắp ráp tại nhà máy Ford ở Highland Park, Mich., khoảng năm 1914.

Một chiếc Model T trên đường dốc lắp ráp tại nhà máy Ford ở Highland Park, Mich., khoảng năm 1914. Ảnh: Hulton Archive/Getty Images

Dự báo lợi nhuận cho thấy những lo lắng như vậy là có cơ sở. Các nhà phân tích Phố Wall dự đoán rằng mức thuế quan mới có thể khiến GM, Ford và hãng sản xuất xe Jeep Stellantis mất hàng tỷ đô la mỗi năm, trong đó GM phải chịu gánh nặng lớn nhất.

Vào những năm 1930, nhà máy River Rouge khổng lồ của Ford gần trụ sở chính tại Dearborn là khu phức hợp nhà máy lớn nhất thế giới. Hơn 100.000 người làm việc tại đây vào thời kỳ đỉnh cao—gấp 25 lần số lượng nhà máy thông thường hiện nay. Ford đã sản xuất gần như mọi thứ tại chỗ. Thép thô sẽ đổ vào một đầu của khu phức hợp rộng lớn trên bờ sông Rouge đục ngầu, và những chiếc Model T đen bóng sẽ lăn bánh ra đầu kia.

Tuy nhiên, ngay cả khi đó, công ty vẫn dựa vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô từ khắp nơi trên thế giới. Công ty nổi tiếng sở hữu các đồn điền cao su ở Brazil để có thể sản xuất hàng triệu lốp xe.

Ford và các nhà sản xuất ô tô khác đã trở nên phụ thuộc vào Mexico và các quốc gia có chi phí thấp khác không chỉ đối với các mặt hàng đắt tiền như động cơ và hộp số. Các nhà sản xuất ô tô thường lấy nhiều linh kiện rẻ hơn—bố phanh, bọc ghế, chốt—từ nước ngoài. Các giám đốc điều hành cho biết những mặt hàng hàng hóa như vậy rất khó để sản xuất tại Hoa Kỳ với lợi nhuận.

Một ví dụ là dây điện, vỏ dây và cáp phân phối điện qua ô tô. Chúng rất khó chế tạo và đòi hỏi rất nhiều lao động thủ công, đó là lý do tại sao việc sản xuất chúng đã chuyển sang Mexico, Trung Mỹ và các quốc gia có mức lương thấp khác.

Nhà sản xuất xe điện Tesla bị ảnh hưởng rất ít bởi mức thuế quan mới vì hãng này sản xuất tất cả xe bán tại Hoa Kỳ trong nước và nhập hầu hết các bộ phận tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết công ty này vẫn mua hệ thống dây điện, một thành phần chính của xe điện, từ các nhà cung cấp ở phía nam biên giới.