Vì sao chính trị Mỹ tiến bộ nhất thế giới?
Vì sao chính trị Mỹ tiến bộ nhất thế giới?
Nguyễn Quang Duy
Chính sách liên tục thay đổi, nội bộ các đảng chính trị liên tục bất đồng, các đảng chính trị liên tục tranh cãi, luận tội, truất phế, là đặc tính nổi bật trong sinh hoạt chính trị tại Hoa Kỳ.
Vậy tại sao nhiều người vẫn tin tưởng vào thể chế tự do và xem nền dân chủ Mỹ như một mẫu mực chính trị tiến bộ nhất thế giới?
Chủ quyền thuộc về toàn dân
Nước Mỹ thành lập từ 13 thuộc địa Anh Quốc, nên ngay từ thời lập quốc người Mỹ đã lo ngại quyền lực chính trị bị tóm thâu vào tay 1 cá nhân, 1 nhóm chính trị gia, 1 tiểu bang lớn đông dân hay 1 đa số quá bán ủng hộ độc tài.
Vì thế Bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ nêu rõ mọi người phải được bình đẳng và có quyền được sống, được tự do và được hạnh phúc.
Các nhà lập quốc xây dựng một Hiến pháp với nguyên tắc chủ quyền thuộc về toàn dân, chính phủ chỉ được làm những điều người dân cho phép.
Người dân cho phép Tổng thống đại diện cho quốc gia, Thượng viện đại diện cho tiểu bang và Hạ Viện đại diện cho cử tri quận hạt.
Chính phủ trung ương với 3 nhánh có thẩm quyền và chức năng rõ rệt: Quốc Hội làm luật, Tư pháp giải thích luật và Hành Pháp thi hành luật. Mọi đạo luật phải được cả Thượng viện và Hạ Viện thông qua và đồng thời phải được Tổng thống ký ban hành.
Ba nhánh vừa độc lập với nhau, vừa kiểm soát và cân bằng quyền lực cho nhau. Vì thế ngay chính Tổng thống cũng bị luận tội và có thể bị truất phế.
Mỗi tiểu bang có cơ quan Lập pháp, Tư pháp và Hành pháp riêng để quản trị những vấn đề thuộc thẩm quyền và chức năng của tiểu bang.
Nói tóm lại thể chế chính trị Mỹ chặt chẽ đến độ không thể phát sinh độc tài, cũng như tối thiểu được nạn lạm dụng quyền lực và tham nhũng.
Toàn dân chính trị
Chức vụ Tổng thống và Phó Tổng thống do Cử tri đoàn từ các tiểu bang bầu lên.
Mỗi tiểu bang có số đại cử tri bằng với số dân biểu và nghị sĩ tiểu bang cộng lại. Việc bầu chọn các đại cử tri tuỳ thuộc mỗi tiểu bang, vì thế tại nhiều tiểu bang các đảng chính trị phải cạnh tranh từng lá phiếu.
Các đảng chính trị phải vận dụng chiến thuật và chiến lược tranh cử vừa sáng tạo vừa thích hợp nhất để thu hút cử tri đi bầu và bầu cho ứng cử viên đảng mình.
Người Mỹ ngay từ khi còn bé ở gia đình đã được khuyến khích tranh luận chính trị, khi lớn lên thường hiểu rõ quyền hạn và nghĩa vụ chính trị, nên thường rất tích cực tham gia tranh luận chính trị và thực hiện quyền chính trị.
Chính phủ hay Quốc hội không được phép lập ra cơ quan tuyên truyền cho đường lối chính sách.
Truyền thông báo chí tự do và tư nhân quảng bá bầu cử một cách rầm rộ tạo một bầu không khí tranh cử nhộn nhịp khác xa với thế giới.
Chính trị Mỹ có thể được xem là một nền chính trị được toàn dân tham gia rất đáng để người Việt chúng ta học hỏi.
Hai đảng cùng mục đích
Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa bắt nguồn từ đảng Dân chủ Cộng hòa (Democratic Republican Party), được hai nhà lập quốc Mỹ James Madison và Thomas Jefferson thành lập năm 1791.
Mục đích là đối lập với đảng Liên bang (Federalist Party) thuộc giới tinh hoa và quý tộc giàu có, những người muốn đề cao sức mạnh của chính phủ liên bang.
Đảng Dân chủ Cộng hòa ủng hộ quyền của các tiểu bang, ưu tiên hỗ trợ cho nông dân và giới lao động thành thị.
Khi nắm được chính quyền, đảng Dân chủ Cộng hòa lại bị chia thành hai đảng Dân Chủ và đảng Whig. Đảng Whig đổi thành đảng Cộng hòa với chủ trương xóa bỏ chế độ nô lệ.
Năm 1860, Tổng thống Cộng Hòa đầu tiên Abraham Lincoln đắc cử và chiến thắng trong cuộc nội chiến Bắc Nam.
Tổng thống Lincoln tái lập hòa bình, thực hiện hòa giải và hòa hợp với mục đích tạo ra một chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Từ đó cả hai đảng Cộng Hòa và đảng Dân chủ đều có chung mục đích là cạnh tranh để thành lập một chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Lưỡng đảng tranh quyền
Nhờ có chung mục đích cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ chấp nhận tồn tại nhiều khuynh hướng khác nhau, dễ dàng chấp nhận thành viên thay đổi chính kiến và cả việc thay đổi đảng.
Cả hai đảng thật ra bao gồm hằng ngàn tổ chức chính trị, kinh doanh, tín ngưỡng, nghiệp đoàn, dân sự và phong trào xã hội lớn nhỏ cùng hằng chục triệu đảng viên cá nhân không tham gia tổ chức.
Cả hai đảng không có bất kỳ cơ quan nào kiểm tra lý lịch, hoạt động hay quan điểm chính trị của đảng viên.
Đảng viên không có bất kỳ tư lợi, nghĩa vụ hay bó buộc nào liên quan đến đảng mình tham dự, chỉ cần ghi danh là có quyền bầu đại diện đảng trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Lãnh đạo đảng là những chính trị gia thắng cử như Tổng Thống, Thống Đốc, lãnh đạo đảng ở Thượng Viện và Hạ Viện liên bang và tiểu bang.
Ở cấp tiểu bang các Uỷ Ban của đảng sẽ chịu trách nhiệm gây quỹ, tổ chức tranh cử và bầu cử sơ bộ.
Các Ủy Ban không có quyền ngăn cản người ra tranh cử ngay cả khi người ấy bất đồng quan điểm với đa số trong đảng hay công khai chống lại các mục tiêu của đảng.
Ứng cử viên phải tự đưa ra chương trình hành động, tự xây dựng nhóm tham mưu và tự vận động các cử tri đảng viên trong các cuộc bầu cử sơ bộ.
Quyết định ai đại diện đảng ra tranh cử Tổng thống và Phó Tổng Thống chủ yếu thuộc về cử tri đoàn của các tiểu bang tham dự Đại hội đảng.
Tất cả chính trị gia đều phải qua cuộc bầu cử sơ bộ. Chính trị gia thắng cử sẽ được Ủy Ban vận động hỗ trợ tranh cử với các đảng khác.
Bằng cách công khai tranh luận chính sách các chính trị gia lôi cuốn các nhóm nhỏ và cá nhân gia nhập đảng, xây dựng sức mạnh chiến thắng đối phương.
Chương trình hành động hay Cương lĩnh chính trị của mỗi đảng được đại biểu các tiểu bang soạn thảo và thông qua trong Đại hội đảng tổ chức mỗi bốn năm, vì thế chính sách đảng luôn luôn thay đổi, thậm chí thay đổi cả chiến lược quốc gia.
Quyết định ai thắng cử Tổng thống và Phó Tổng thống lãnh đạo quốc gia sẽ thuộc về Cử tri đoàn.
Nhờ hệ thống tranh cử này Tổng thống được dân Mỹ chọn đều là những người thật sự tài giỏi và đều thích ứng với thời cuộc trong và ngoài nước Mỹ.
Nhưng như đã trình bày bên trên quyền lực của Tổng thống bị giới hạn rất nhiều, họ làm được gì thì còn tùy thuộc vào thế mạnh mà cử tri ban cho ở Thượng Viện và Hạ Viện.
Học được gì?
Xã hội Mỹ là xã hội tự do, đa văn hóa, đa nguyên, đa đảng chính nhờ nền tảng chủ quyền thuộc về toàn dân và cách sinh hoạt toàn dân chính trị người Mỹ không bị ràng buộc bởi ý thức hệ, không cực đoan chính trị, dễ đồng thuận, dễ thỏa hiệp và rất thực dụng.
Chính sách liên tục thay đổi, nội bộ các đảng chính trị liên tục bất đồng, các đảng chính trị liên tục tranh cãi, luận tội, truất phế, tất cả những xáo trộn chính trị đều đã được các nhà lập quốc Mỹ nghĩ tới khi xây dựng thể chế chính trị tự do, 250 năm về trước, và trở thành một giá trị dân chủ của nền chính trị Hoa Kỳ.
Mục đích chung của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ là cạnh tranh để thành lập chính quyền của dân, do dân và vì dân.
160 năm đã qua mục đích này không hề thay đổi, nhờ vậy dân Mỹ ngày càng giàu hơn, nước Mỹ càng ngày càng mạnh lên.
Từ 13 thuộc địa bị phân hóa bởi chiến tranh Nam Bắc, Hoa Kỳ trở thành một cường quốc số 1 trên thế giới và giữ vững vị thế cho đến nay. Chính trị Mỹ được nhiều người xem là tiến bộ và dân chủ nhất thế giới.
Sau biến cố 30/4/1975, nước Mỹ trở thành quốc gia định cư của 3 triệu người Việt tự do.
Nhiều người Mỹ gốc Việt đã trở thành dân cử liên bang, tiểu bang và địa phương, nhiều tướng lãnh quân đội, nhiều công chức cao cấp và nhiều người thành đạt luôn hướng về bên kia Thái Bình Dương mong mỏi một ngày Việt Nam có tự do.
Rút tỉa những ưu điểm và kinh nghiệm của Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam tự do sớm vượt qua những khó khăn ban đầu xây dựng một thể chế chính trị lưỡng đảng tranh quyền tân tiến như Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
16/10/2019
Họ đã làm được gì cho đất nước ngoài việc phê phán?
Nguyễn Hưng Quốc
Theo FB Nguyễn Hưng Quốc
Trên facebook, để phản bác một số người hay phê phán nhà cầm quyền Việt Nam, một số “dư luận viên” thường đặt câu hỏi: Họ đã làm được gì cho đất nước ngoài việc phê phán? Ngay chính bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc Hội, cũng từng nói thế.
Xin được trả lời như sau:
Thứ nhất, xin đính chính: Rất hiếm người phê phán đất nước. Phần lớn chỉ phê phán chế độ. Đất nước và chế độ là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Đồng nhất hai phạm trù ấy lại với nhau là một sự gian lận.
Thứ hai, với đất nước, họ – các trí thức, trong cũng như ngoài nước – chả làm được gì trừ việc phê phán chế độ. Phê phán để vạch trần. Phê phán để cảnh tỉnh. Phê phán để thay đổi. Phê phán để bảo vệ sự thật và những giá trị căn bản của con người. Phê phán để bảo vệ cả đạo đức trí thức lẫn đạo đức công dân.
Ý thứ hai vừa nêu, đã có nhiều người nói. Xin trích dẫn vài tên tuổi lớn để, may ra, có thể thuyết phục một số người cuồng tín đối với chế độ:
Albert Einstein: “Niềm tin mù quáng vào quyền lực là kẻ thù lớn nhất của chân lý.” (Blind belief in authority is the greatest enemy of truth.)
Edward Abbey: “Một người yêu nước phải luôn luôn sẵn sàng chống lại chính quyền để bảo vệ đất nước.” (A patriot must always be ready to defend his country against his government.)
Desmond Tutu: “Người ta có trách nhiệm đạo đức để không phục tùng những luật lệ bất chính.” (One has a moral responsibility to disobey unjust law.)
James Baldwin: “Tôi yêu nước Mỹ hơn bất cứ một quốc gia nào khác trên thế giới, tuy nhiên, cũng chính vì vậy, tôi đòi được quyền thường xuyên phê phán chính phủ.” (I love America more than any other country in the world and, exactly for this reason, I insist on the right to criticize her perpetually.)
Benjamin Franklin: “Trách nhiệm đầu tiên của mỗi công dân là hãy chất vấn chính quyền.” (It is the first responsibility of every citizen to question authority.)
Cách mạng tháng tám
Cách mạng tháng tám
(trích Hồi ký “Tình yêu hiện sinh”)
Bác sĩ Phùng Văn Hạnh
Cách mạng tháng Tám có cần thiết hay không? Nếu không có đảng Cộng sản và Hồ chí Minh không sinh ra, thì liệu chính phủ Trần trọng Kim có đem lại nổi độc lập, thống nhất cho nước Việt nam hay không? Tôi nghĩ rằng được. Sau khi Nhật đầu hàng, chắc Pháp trở lại, song tôi nghĩ Bảo Đại và nhóm Trần trọng Kim có đủ sáng suốt để tạo một Việt nam độc lập trong khối Liên hiệp Pháp, hoặc kiểu Pháp-Việt đề huề như cụ Phan chu Trinh khởi xướng. Rồi từ từ với trình độ dân trí phát triển, thế giới tiến bộ, độc lập, tự do, thống nhất chắc chắn sẽ đến. Quả nhiên, khi chính phủ Pháp yêu cầu vua Bảo Đại về chấp chánh, đã phải ký với vua, bải bỏ các hiệp ước thời bảo hộ và thuộc địa, cả việc trả lại Nam Bộ, mà Pháp đã từ chối trong modus vivendi ký với Hồ chí Minh.
Năm 1953, ở Đà-lạt, tôi tình cờ nói chuyện với một cựu nhân viên trong phái đoàn Pháp. Ông nhắc lại chuyện gặp phái đoàn Phạm văn Đồng tại Đà-lạt năm 1946. Pháp nói là họ trở lại để hợp tác chứ không phải tạo lập lại chính sách thuộc địa. Pháp có khoa học kỷ thuật, Việt nam có tài nguyên và nhân công. Một phát triển chung trong khối Liên hiệp Pháp sẽ có lợi cho đôi bên. Song Đồng với đầu óc thiển cận và sô vin (chauvin) chỉ đòi độc lập, thống nhất hoàn toàn. Đồng lúc ấy trong đầu chỉ biết cách mạng vô sản, chứ đâu phải là một nhà chính trị mềm dẽo và có kiến thức cao. Cha của người bạn tôi, xưa kia có học chung với Đồng ở Hà-nội. Trong một cuộc chơi đá cầu, Đồng thua, trở nên cay cú và đá vào hạ bộ của ông. Ông kết luận một người không có “fair play”(ngay thẳng) như thế không thể là một nhà chính trị tốt. Mitterand, lúc sang Việt nam thăm Điện biên phủ, đã hối tiếc, nếu là ông, sẽ tránh được cuộc chiến tranh. Tạm ước Paris cũng xác định nước Việt nam mới, có chủ quyền đến tận Bình thuận. Pháp giữ Nam bộ trong 5 năm, sau đó sẽ có trưng cầu dân ý. Nếu dân Nam bộ thuận trở về trong lòng dân tộc sẽ có thống nhất. Hồ đã chọn giải pháp chiến tranh, nên khi ở Pháp về sau hội nghị Fontainebleau, đã xé tạm ước, đánh úp quân Pháp đêm 19-12-1946, vì Lénin đã dạy chỉ trong chiến tranh, rối loạn, đảng cộng sản mới diệt được phe quốc gia và vững mạnh lên. Sau 10 năm kháng chiến, năm 1954, Miền Bắc chỉ có chủ quyền đến sông Bến hải chứ không phải Bình thuận. Đúng là điên khùng, xem quốc tế CS là mục đích, còn quốc gia dân tôc là phương tiện.
Paul Bert, toàn quyền Pháp, là một trí thức nhân hậu và là một khoa học gia. Ông muốn thực hiện một chính sách khai hóa ở Việt nam. Chính ông đã có ý mở trường Đại học Hà- nội mà sau này Paul Doumer thực hiện. Ông nói với giới trí thức Việt nam là chế độ thực dân là một tất yếu lịch sử vì giá sử phương Đông tiến bộ hơn phương Tây thì Phương Đông sẽ chiếm cứ phương Tây để khai thác. Hung nô, Mông cổ đã chiếm đóng phương Tây trong quá khứ. Nếu nước Pháp trung thành với tinh thần nhân hậu cuả văn hóa Pháp, thì phải chia xẻ hiểu biết, kỹ thuật, cho Việt nam và đưa Việt nam đến phú cường. Có một bài báo Paris Match, tiếc rằng chế độ thực dân chấm dứt quá sớm. Khoa học gia Bỉ tìm ra một phương pháp làm cây chà là sản xuất dầu 10 lần hơn thường. Song không còn thuộc địa để ứng dụng. Nếu Tây phương còn giữ thuộc địa ở Phi châu, có thể là họ làm Phi châu phồn thịnh hơn hiện giờ, bởi vì các lãnh đạo mới của Phi châu mang tính cách độc tài cố hữu thời bộ lạc, lại tham nhũng. Dĩ nhiên với kinh tế thị trường, các công ty kỷ nghệ mẫu quốc sẽ mở công xưởng, ở xứ thuộc địa, đâu cần phải kêu gào đầu tư ngoại quốc như hiện nay.
Hồ huyênh hoang: “chúng ta quyết giành cho được độc lập, thống nhất dù cho phải sống 30 năm trong khói lửa”, khi đáp lời mời của Johnson mở hoà đàm. Đến nổi báo chí Tây phương phải ta thán: “Đệ nhất, đệ nhị thế giới chiến tranh cũng chỉ kéo dài 5, 6 năm, nhân loại đã vô cùng mệt mỏi. Thế mà già Hồ ung dung đưa dân tộc Việt Nam vào một cuộc chiến tranh trường kỳ 30 năm. Báo chí Mỹ đã chế giễu lời nói sắt máu ấy với câu chuyện hài hước: “Ông Mỹ cha sau khi chiến đấu 10 năm ở Việt nam về, kêu Mỹ con lên đường thế mình trong 10 năm nữa. Nhưng chưa hết. Phải một thế hệ Mỹ cháu lên đường, chiến tranh Việt nam mới chấm dứt”.
Hồ không ham hòa đàm, chỉ ham máu chảy. Máu thịt dân Việt Nam Hồ xem như là của riêng, đem ra phung phí thoả thích để đạt những mục tiêu của Quốc tế vô sản. Riêng Lê Duẩn, kẻ kế thừa cũng nướng 10 triệu thanh niên (theo tiết lộ của bà vợ) trong công cuộc “xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Theo nhà triết học Pháp Jean Francois Revel, Hồ đã lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. “Mục tiêu của Hồ không phải là Việt Nam độc lập, mà sự hội nhập vào Quốc tế CS. Chủ đích của ông không phải là giành lại cho nhân dân quyền tự quyết, quyền bầu cử, quyền lựa chọn người lãnh đạo, quyền người dân chọn luật pháp và lối sống của mình. Ông chỉ nhắm cưỡng bức nhân dân chấp nhận chế độ toàn trị kiểu Stalin, với tất cả những đặc điểm của nó: giết người không cần luật pháp xét xử, trại tập trung, sự chà đạp nhân phẩm trong Goulag cải tạo, quần chúng chết đói và tham nhũng của lãnh đạo”.
“Hồ chí Minh là một trong những người cứng rắn nhất khi áp dụng phương pháp cai trị kiểu độc tài CS suốt thế kỷ 20. Nội dung phương thức ấy là khơi dậy những khát vọng tự nhiên của con người như là khát vọng tự do, phồn thịnh, tiến bộ, độc lập dân tộc để rồi hướng tất cả những ý nguyện ấy vào những mục tiêu trái ngược với những khát vọng nói trên: ông ta đã lợi dụng quần chúng”
Cách mạng tháng Tám thực không cần thiết. Kháng chiến chống Pháp có thể tránh được. Xem như các nước Phi luật Tân, Thái Lan, Mã Lai v.v được độc lập mà đâu phải đi qua biển máu như Việt Nam. Tứ cường sau đệ nhị thế chiến đã cam kết trong “Hiến chương Đại Tây dương” trả lại tự do độc lập cho các xứ thuộc địa. Anh, Pháp, Hòa Lan, đều giữ lời hứa. Năm 1949, Pháp đã trao chủ quyền độc lập, thống nhất cho Quốc gia Việt Nam, với sự toàn vẹn lãnh thổ từ ải Nam Quan, đên Mũi Cà Mâu cho Quốc trưởng Bảo Đại. Ngày 25-04-1956 người lính Pháp cuối cùng rời Nam Bộ (thời Ngô đình Diệm) chấm dứt chế độ thực dân Pháp sau 72 năm (1884-1956). Nếu không có họ Hồ phá đám, với chính phủ Trần trọng Kim, thì độc lập, thống nhứt nước ta sẽ hoàn thành vào khoảng 1948.
Chúng ta có thể bác bỏ dễ dàng luận điệu của Mao là chính quyền thoát thai từ một thùng thuốc súng. Bạo động là cốt lõi của nguỵ quyền CS. Sao phải áp dụng những lề lối côn đồ, cướp của giết người? Gandhi đã giành độc lập cho Ấn độ bằng bất bạo động. Mandela giành tự do cho người da đen Nam Phi cũng bằng bất bạo động. Cụ Phan chu Trinh cũng dùng bất bạo động để tranh đấu người Pháp trả tự do độc lập cho nước nhà. Hiện nay nhiều thức giả đã tìm thấy chân lý nầy và ca tụng sự sáng suốt đi trước thời đại của cụ. Cụ Phan khi ở Pháp đã khuyên Nguyễn tất Thành là đừng theo thuyết CS, vì thuyết ấy còn mơ hồ, và chưa được thực tế kiểm nghiệm. Thành cho là cụ Phan thủ cựu, lạc hậu. Cụ Phan đã gọi Thành là “tử mã lộc thạch” nghĩa là ngựa non háu đá. Nói chung Đảng CS Việt Nam phần lớn trình độ văn hóa lớp ba ngu dốt, bị mê hoặc bởi một lý thuyết ảo tưởng, sắt máu. Giết hại các đảng phái đối lập, tiêu diệt tôn giáo, cải cách ruộng đất, đày ải trí thức, chôn vùi nhân tài, chủ động hai cuộc chiến tranh vô ích chống Pháp, chống Mỹ, đẩy hàng triệu thanh niên ưu tú vào chỗ chết.
Tóm lại nước ta thật bất hạnh rơi vào tay CS để chịu 30 năm điêu linh, chiến tranh, tàn phá, máu chảy thành sông, đống xuơng vô định. Người dân gánh chịu muôn vàn khổ cực. Tội này của Hồ chí Minh và tập đoàn CS, muôn đời bị nguyền rủa, lịch sử lên án.
Bác sĩ Phùng Văn Hạnh
Nó chỉ mất một thứ: văn hoá
Huy Chiêu to K75 LƯƠNG VĂN CAN
La culture, c’est ce qui reste quand on a tout oublié

💟💟💟

MIỀN NAM VẪN CHÌNH ÌNH ĐÓ, KHÔNG MẤT ĐI ĐÂU…
Nó chỉ mất một thứ: văn hoá.
Nghe ông anh Thành Lộc kể câu chuyện ở quán bún bò của một gia đình gốc Huế trên đường Cao Bá Nhạ có chú trai con bà chủ mỗi lần tính tiền đều lễ độ bặt thiệp làm anh luôn dừng đũa để nghe, chợt nhớ tới câu chuyện nho nhỏ này.
Hôm trước, vào một buổi chiều muộn, sau khi mua ít đồ từ chợ ABC bước ra, tui thấy một bà cụ chừng bảy mươi. Bà ăn mặc đẹp đẽ thẳng thớm, tóc bới cao, gương mặt trang điểm nhẹ, bày chiếc bàn xếp ra sau đuôi xe mình, đặt mấy nải chuối xanh trên đó. Ngang qua, bà cười thật tươi với tui:
– Cậu ơi, mua giùm tui nải chuối đi cậu, chuối xiêm đen nhà trồng ngon lắm.
Cái thằng chẳng mấy khi ăn chuối định cám ơn rồi lướt qua nhưng đành dừng lại. Có lẽ bị nắm níu bởi cái giọng nói quá chừng ngọt.
– Bao nhiêu một nải vậy bà ơi?
– Dạ thưa cậu, năm đồng. Cái này là chuối xiêm đen nên nó mắc hơn chuối thường một chút.
– Vậy bà cho con hai nải nhe.
– Cậu ơi, sắp tối rồi, hay là cậu lấy giúp bà già bốn nải này luôn đi. Ăn hổng hết mình bỏ tủ lạnh hoặc nấu chè hay làm chuối chiên cũng ngon. Chưn cẳng tui bị khớp, ngồi từ chiều giờ bán được có một nải. Tối rồi, cậu lấy hết, tui tính 18 đồng thôi.
– Dạ được rồi, bà lấy hết cho con đi.
Bà cẩn thận gói mỗi nải vô từng bịch riêng, còn dặn dò thêm cách phân biệt chuối xiêm đen và xiêm thường. Thằng tui cứ đứng xớ rớ hoài, hỏi thăm đủ thứ. Là để được nghe cái giọng nói ngọt mềm, được nghe cái cách nói của một-người-miền-Nam-cũ khi trước mỗi câu trả lời, bà đều “dạ thưa cậu”.
Thấy đâu đó bóng dáng bà nội bà Tư, thấy mình như đang đứng giữa cái vùng đất đã từng được lớn lên, với những con người hiền hoà, khiêm nhường và quá đỗi ngọt ngào trong ứng xử. Tự nhiên thấy quê hương ở ngay trân chỗ này, ngọt ngào vô phương.
Bà Tư, bà nội hay bà bán chuối của tui, chẳng ai được học cao nhưng cái văn hoá ứng xử của họ sao mà văn minh mà dễ thương quá trời quá đất. Nói tới đây, tự nhiên so sánh, rồi tiếc ngẩn tiếc ngơ cái văn-hoá-miền-Nam. Ai tiếc nuối những phố phường thênh thang xưa cũ, những áo dài thắt eo hay thể chế Cộng Hoà gì đó, cứ việc. Riêng tui, tui tiếc nuối một miền Nam hiền hoà, văn minh và lịch thiệp. Miền Nam vẫn chình ình đó, không mất đi đâu. Nó chỉ mất một thứ: văn hoá.
***
Cái miền-Nam tui đang nói tới được tính từ vĩ tuyến 17 trở vào.
***
Chia sẻ riêng với mấy bạn trẻ: Thiệt ra, khoảng một nửa thành công trong cuộc sống của các bạn sẽ được quyết định bởi cách các bạn xài những “dạ”, “thưa”, “cám ơn”, “xin lỗi”. Thiệt.
TÒNG THANH PHẠM
PHẢN ĐỐI CÁI GÌ HẢ TRỜI ?
Lê Vi
Việc lắp đặt camera để nhận diện khuôn mặt sau đó đưa vào hệ thống chấm điểm xếp hạng công dân là cách làm của “trại súc vật China”. Nay năm 2020 sắp đến mô hình ấy phải được nhân rộng sang “trại gia súc Vietnam”.
Chuyện ấy là tất yếu, buộc phải thế.
Bây giờ trí thức Việt lên tiếng cho đó là vi phạm hiến pháp, nhân quyền.
Các anh có hiến pháp , có tòa bảo hiến đâu mà bảo vi phạm?
Các anh có nhân quyền đâu mà bảo vi phạm nhân quyền?
Theo logic thì cái gì “có” , lúc đó mới vi phạm được chứ. Giống như phụ nữ phải có các cơ quan sinh dục lúc đó mới có thể tố đàn ông sờ mó , vi phạm.
Vì vậy cái này chỉ có thể tố ở xã hội dân chủ như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Nhưng ở những nơi đó người ta không làm ba cái trò này.
Người dân Việt Nam không đứng lên đấu tranh tạo ra hiến pháp, nhân quyền thì cộng sản muốn làm gì thì làm là điều tất nhiên. Bởi nước là của đảng, đảng chỉ mạo danh nhân dân mà thôi.
Khổ là các bậc trí giả Việt Nam lại đang hoang tưởng nghĩ mình là chủ đất nước, có nhân quyền nên đòi đảng cộng sản tôn trọng.
Muốn được chính quyền tôn trọng anh phải (không cần biết bằng cách nào) vận động nhân dân xuống đường đổ máu hy sinh, biểu tình bất tuân dân sự làm suy yếu nền kinh tế để tạo ra lạm phát khiến chính quyền cộng sản bỏ chạy ra nước ngoài.
Sau đó nhân dân lập ra một thể chế dân chủ, có đối lập, cạnh tranh giữa 2 đảng, có quyền năng của lá phiếu… Lúc đó mới có thể bảo chính quyền tôn trọng hiến pháp nhân quyền. Nếu không chúng tớ sẽ bầu cho đảng đối lập.
Khi đảng là vua , dân là nô lệ mà anh yêu cầu ông vua ấy tôn trọng quyền của đàn gia súc mà chúng đang chăn là chuyện sẽ khiến đảng cộng sản cười thầm ” Tao thế đấy chúng mày làm gì được tao”.
Muốn ăn quả phải trồng cây, muốn có quyền của con người phải đổ máu hy sinh.” Khi bất công trở thành luật pháp, chống đối trở thành nhiệm vụ”.Dân chủ và tự do không thể từ trên trời rơi xuống. Yêu cầu bọn độc tài tôn trọng quyền con người chỉ là chuyện mơ mộng hão huyền.
Nguồn: fb Dương Hoài Linh


LÃO TỬ VÀ KHỔNG TỬ: Lấy DÂN LÀM GỐC – đó là SỰ MỴ DÂN LỚN NHẤT CỦA CHẾ ĐỘ.
LÃO TỬ VÀ KHỔNG TỬ:
Lấy DÂN LÀM GỐC – đó là SỰ MỴ DÂN LỚN NHẤT CỦA CHẾ ĐỘ.
Hơn hai ngàn năm trước có cuộc gặp kỳ lạ giữa Khổng và Lão.
Khổng ngồi kiệu đi trên đại lộ. Ngài vừa phe phẩy chiếc quạt, vừa lim dim đôi mắt. Bọn người khênh kiệu còng lưng đi thật đều để giữ thăng bằng cho thầy an tọa. Bỗng phía trước có kẻ cỡi trâu cắt ngang qua. Khổng mở mắt nhìn và quát:
– Tên trẻ trâu kia vô lễ, đường lớn không đi lại cắt ngang mặt người ta?
Con trâu dừng lại ngoái cổ nhìn. Tên trẻ trâu cười nói:
– Ngươi biết ta đã bao nhiêu tuổi rồi không mà cao giọng bảo ta trẻ trâu vô lễ? Chẳng qua ngươi đi trên con đường người ta đã dọn sẵn. Sự thực không có đường nào là lớn cả. Nơi không có đường mới thực sự là lớn!
Khổng mở to mắt nhìn. Bây giờ mới thấy người kia dù mặt mũi trẻ con nhưng râu tóc bạc phơ, chừng như đã sống mấy trăm năm, bèn ra lệnh cho phu hạ kiệu và bước xuống vòng tay thi lễ:
– Tại hạ có mắt như mù. Chẳng hay lão trượng chính là Lão Tử, người nước Sở?
Lão vẫn ngồi vắt vẻo trên lưng trâu nheo mắt cười:
– Đích thị là mỗ, bốn phương là nhà, không cần biết sinh ra ở đâu! Thái độ trịch thượng như ngươi ta đoán không nhầm là người họ Khổng nước Lỗ? Chào Khổng Phu Tử!
Khổng lại vái chào lần nữa:
– Tại hạ là Khổng Khâu đây, Đạo của tại hạ vốn khiêm cung, lão trượng đã quá lời…
Lão nhìn bọn phu kiệu lưng ướt đẫm mồ hôi rồi nhìn Khổng khăn áo lượt là mà cười, con trâu cũng cười theo. Lão nói:
– Đạo của ngươi là gì?
Khổng trịnh trọng:
– Tóm gọn trong mấy chữ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Lão cười vang:
– Có đến năm thứ, thứ nào cũng khó, cũng cao, sao gọi là khiêm cung? Những người dân chân lấm tay bùn làm sao học được cái Đạo ấy?
Khổng thanh minh:
– Đạo của tại hạ chỉ dành cho người quân tử, không dành cho kẻ tiểu nhân. Với người dân chân lấm tay bùn chỉ cần Lễ là đủ. Nhất nhật khắc kỉ phục lễ, thiên hạ quy nhân yên!
Lão hỏi:
– Tự nhiên sinh ra vốn bình đẳng, làm gì có phân biệt quân tử hay tiểu nhân? Lễ là phép tắc, trật tự, ngày nào cũng bắt dân phục lễ khác nào ngươi bắt dân phải đeo gông đi trên con đường hẹp. Còn Nhân, Nghĩa, Trí, Tín ngươi dành cho quan quyền khác nào mở đường cho chúng tự do nói dối, giả nhân giả nghĩa, lưu manh, lừa lọc? Vậy còn phụ nữ thì sao?
Khổng lúng túng không trả lời hết các câu hỏi, chỉ trả lời câu cuối cùng như cái máy:
– Phận nữ nhi thường tình!
Lão lại cười ha ha:
– Vậy mẹ của ngươi cũng là tiểu nhân? Vậy thì Lễ của ngươi nói kính cha thờ mẹ để làm gì? Bây giờ thì ngươi đi đâu?
Khổng tự hào thưa:
– Đi chu du thiên hạ để truyền Đạo. Nhà Chu suy, chư hầu nổi loạn, rất cần đạo trị – bình để thu thiên hạ về một mối, yên ổn vì đại cục…
Lão cắt lời:
– Nguy tai! Nguy tai! Nhà Chu suy đồi mà ngươi lại dùng phép tắc nhà Chu làm mẫu mực để gọi là Lễ? Nói thật, Đạo của ngươi cũng chỉ là con đường cụt. Lễ mà ngươi dạy đời ấy chỉ tạo thêm ra loại người đối với bề trên thì nịnh nọt uốn gối khom lưng, đối với kẻ dưới thì trịch thượng khinh người. Đạo trị – bình của ngươi chỉ có thể giữ thế ổn định tạm thời để bọn quan quyền tham nhũng. Dân vì hèn, vì sợ mà tạm bình, chứ quan đang nắm quyền thống trị thì sẽ tranh chấp hỗn loạn, cắn nhau như chó tranh cứt. Sao không để chư hầu nổi loạn mà làm lại từ đầu? Cái cây già mục ruỗng đã sắp chết thì dọn đi để trống đất cho cây con mọc lên, khư khư giữ lấy làm gì?
Nghe đến đấy, Khổng không khỏi nổi giận, mặt đỏ phừng phừng:
– Lão trượng không nên xúc phạm Thiên tử và kích động làm loạn. Tội phản nghịch đáng bị tru di ba họ. Nhưng thôi, coi như tại hạ chưa nghe gì. Vậy mạo muội hỏi, Đạo của lão trượng là gì?
Lão Tử vẫn khoan thai, tay đưa lên vuốt chòm râu trắng:
– Ta chỉ có một cái đầu trong muôn vạn cái đầu của thiên hạ. Ba họ nhà ta là ai ta còn chưa biết thì sợ gì họa tru di. Ngươi hỏi Đạo của ta ư? Đạo của ta là vô đạo, đường của ta đi là không có con đường. Đó mới là Đại Đạo.
Khổng ngơ ngác không hiểu gì. Nhìn vẻ mặt ngơ ngác ấy, Lão lại ngửa mặt cười vang, đưa ngón tay vẽ một vòng thái cực vào không khí và nói:
– Ngươi cứ nhìn vào trời đất mà hiểu Đạo của ta. Kìa, có trời thì có đất, có núi thì có sông, có cao thì có thấp, có dài thì có ngắn, có cương thì có nhu, có rỗng thì có đặc, có sáng thì có tối, có thẳng thì có cong… Mọi thứ đang dịch chuyển trong sự biến hóa vô cùng. Tự nhiên tự do nhưng có trật tự và cái lí của nó. Cao thì xa, thấp thì gần, dài thì yếu, ngắn thì mạnh, cương thì gãy, nhu thì dẻo, rỗng thì âm to, đặc thì câm… Mọi thứ trong trời đất gắn kết được nhờ khác biệt, không có chuyện giống nhau mà hợp lại được với nhau. Đạo của ngươi áp đặt mọi thứ theo trật tự như ngươi muốn và bắt buộc mọi thứ giống như nhau mà được à?
Bây giờ thì Khổng nghe như nuốt từng lời. Khổng hỏi:
– Đạo của lão trượng từ đâu ra vậy?
Lão nói:
– Từ trời đất, từ nhân gian mà ra. Ta học được từ đám dân đen mà Đạo của ngươi gọi là bọn tiểu nhân đáng khinh bỉ đấy!
Lão lại nhìn Khổng đang trố mắt mà tiếp:
– Ta nghe ngươi đi đến đâu, các vua chư hầu đuổi đến đó như đuổi tà. Có người bảo ngươi chỉ là kẻ cơ hội. Nhưng ngươi yên tâm, vài trăm năm sau Đạo của ngươi sẽ được trọng dụng vì nó sẽ là vũ khí bịp bợm tốt nhất. Người ta sẽ leo lẻo nói điều Nhân, điều Nghĩa, người ta luận về điều Trí, điều Tín, nhưng nói một đằng làm một nẻo. Và hiển nhiên, người ta sẽ tôn ngươi là Thánh để mê hoặc lòng người!
Đến đây, Khổng cúi sát người xuống chân Lão mà lạy ba lạy:
– Tại hạ lĩnh giáo và xin bổ sung vào Đạo của mình. Đời vẫn có quân tử và tiểu nhân, nhưng Đạo lớn nhất vẫn là lấy dân làm gốc ạ!
Lão lại bật cười đến văng nước bọt:
– Câu đó sẽ là câu mị dân lớn nhất! Dân nghe vậy sẽ vui vẻ làm trâu cày cho sự nghiệp của các quan chứ gì?
Nói đoạn, Lão vỗ mông trâu bỏ đi, không một lời chào. Con trâu họ lên một tiếng và ỉa một bãi to tướng trước mặt Khổng rồi đưa Lão băng qua cánh đồng. Khổng nhìn theo không chớp mắt. Kì lạ là con trâu đi đến đâu cỏ cây dạt ra đến đấy. Lão Tử nhẹ nhàng như bay giữa không gian vô tận rồi mất hút ở chân trời. Khổng lầm bầm, rằng Lão thật sự tự do, con đường của Lão thật sự là con đường lớn, không như ta cả đời tự đeo gông vào cổ và đi vào ngõ cụt mà không biết…
Tối hôm đó về nhà trọ, Khổng trằn trọc suốt ba canh rồi thiếp đi. Trong giấc mơ, Khổng thấy mình sống lừng lững đến 2000 năm, bao nhiêu người đến sụp lạy tôn Khổng thành Thánh. Khổng cứ ngồi bất động mà làm Thánh. Không biết là mộng ác hay mộng lành. Chỉ biết rằng khi tỉnh dậy, Khổng thấy cứt đầy quần. Bèn thay quần áo và gói ghém mọi thứ ô uế vào chiếc tay nải bằng nhung rồi một mình lặng lẽ bước đi trong đêm tối. Khổng ném tất cả xuống cầu và đứng nhìn dòng sông đen ngòm đang chảy xiết…
Sử sách chỉ viết có cuộc gặp gỡ Khổng – Lão mà tuyệt nhiên không kể lại đầu đuôi chuyện này.
(Sưu tầm)

VÌ SAO THÀNH NHÀ HỒ VÀ TRIỀU ĐẠI NHÀ HỒ SỤP ĐỔ NHANH CHÓNG?

VÀ TRIỀU ĐẠI NHÀ HỒ SỤP ĐỔ NHANH CHÓNG?
Nguyễn Xuân Diện
…”Hồ Quý Ly lấy ngôi nước từ nhà Trần trên cơ sở điêu trá và tàn bạo, vốn liếng chính trị ông gây dựng trên cái nền của lòng dân chán ghét, nội bộ chia lìa; tất cả những yếu tố khiến cho sức mạnh quốc gia dần đi vào thế bại liệt, đều do một tay Hồ Quý Ly bày xếp cả. Và cái thế nước lụi tàn ấy, làm sao mà che bịt được những đôi mắt gian giảo của bầy ác thú phương Bắc.
Chính cha con Hồ Quý Ly chứ không phải ai khác, đã tiến hành những cuộc tàn sát khủng khiếp đối với những người chống đối, hoặc chỉ có ý nghĩ không tùng phục mà có kẻ tố giác, cũng bị rơi đầu. Quân lính của ông luôn luôn bận mải hành quân đàn áp nhân dân nổi dậy từ khắp mọi nơi, cả nước tràn ngập không khí tang tóc và tù ngục. Lòng dân oán hận triều đình đến cùng cực, chia rẽ đến tột cùng, đói khổ đến tột cùng.
Để cho đất nước rơi vào thảm cảnh đó, cũng có nghĩa tự mình tạo điều kiện tốt nhất cho giặc ngoài vào xâm lấn, và cũng có khác chi tự mình đem nước dâng cho giặc.
Đúng vào thời điểm bi đát nhất của nước mình, thì Minh Thành tổ sai bọn Trương Phụ, Mộc Thạnh, Lý Bôn…. đem 40 vạn quân vào xâm lược nước ta. Chỉ vài trận ra quân, giặc Minh đã đánh sập triều đình nhà Hồ. Và chỉ năm, sáu tháng sau, từ khi quân Minh vào cõi, cả ba cha con Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng đều bị giặc Minh bắt đem về Kim Lăng.
Nhà Hồ sụp đổ nhanh chóng như vậy, chỉ có một nguyên nhân duy nhất có thể cắt nghĩa là bởi nó khinh dân, nó chống lại nguyện vọng chân chính của toàn dân, và vì thế cả dân tộc không hợp tác với nó, khiến nó bị diệt vong.
Nhớ câu nổi nổi tiếng của Hồ Nguyên Trừng trả lời khi Hồ Quý Ly hỏi: “Ta ước sao có được một trăm vạn quân để chống lại người Minh”. Trừng đáp: “Thưa cha, quân không sợ thiếu, chỉ sợ lòng dân không theo”.
Hà Nội giảm ô nhiễm môi trường bằng cách sử dụng số liệu từ năm 2005 để báo cáo
Hà Nội giảm ô nhiễm môi trường bằng cách sử dụng số liệu từ năm 2005 để báo cáo
Mẹ Nấm (Danlambao) – Trong báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô vừa được công bố, các chỉ số khói bụi, khí thải của thành phố Hà Nội trong năm 2019 được sử dụng từ số liệu năm 2005. Ô nhiễm không khí, bụi mịn bao phủ thành phố ngày càng trầm trọng và đây chính là cách mà Hà Nội chọn để chống ô nhiễm môi trường.
“Thống kê gần đây nhất cho thấy mỗi năm môi trường không khí thành phố Hà Nội phải tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 19.000 tấn khí NO2, 46.000 tấn khí CO2.” Thông tin trên được đưa vào báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật Thủ đô năm 2019, nhưng thực tế đó là dữ liệu từ năm 2005.
Trong bản tin của báo Tuổi Trẻ ngày 30/11/2005 có đoạn: “Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Tài nguyên – môi trường Hà Nội, mỗi năm thành phố tiếp nhận khoảng 80.000 tấn bụi khói, 9.000 tấn khí SO2, 46.000 tấn khí CO từ hơn 400 cơ sở công nghiệp. Đó là chưa kể khói của hơn 100.000 ôtô và trên 1 triệu xe máy. Tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nặng đã khiến người dân sinh sống ở Hà Nội ngày càng có nhiều người bị bệnh về đường hô hấp.” (1)Những con số này cũng được lặp lại y chang trong bản tin trên báo Nhân Dân Điện tử ngày 17/9/2010.
Bản tin “Báo cáo của Quốc hội về ô nhiễm môi trường sử dụng số liệu từ 2005” cũng đã bị gỡ bỏ khỏi báo Thanh Niên ngày 10/10/2019.
Không khí ô nhiễm, Hà Nội ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng đang trở thành vấn nạn quốc gia khiến dân chúng bất an. Thay vì chuyên tâm tìm giải pháp, tập trung cải thiện môi trường bằng cách trồng thêm cây xanh, giảm thiểu các nhà máy nhiệt điện, các khu công nghiệp gần thành phố thì các lãnh đạo đã chọn cách quanh co, dối trá.
Từ việc kêu gọi tấn công ứng dụng Air Visual của một thợ chữ, đến tuyên bố các số liệu quan trắc từ Air Visual không đáng tin cậy của quan chức ngành môi trường, nhìn lại hơn 10 năm qua, Ba Đình không hề có phương cách nào để bảo vệ không khí trong lành.
Ông Lê Hoài Nam – vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường) – trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 9/10/2019, cho biết: “Chỉ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quan trắc môi trường thì mới được công bố thông tin về chất lượng môi trường một cách chính thức.”
Cũng vẫn là cơ chế độc quyền công bố thông tin, cơ chế này đã khiến hàng ngàn người dân cư ngụ xung quanh vụ cháy Rạng Đông phải lũ lượt kéo nhau đến bệnh viện khám bệnh. Hàng trăm người phát hiện có thủy ngân trong máu, người người lần lượt dọn nhà sang nơi khác sống.
Tại sao người dân tin chỉ số AQI trên ứng dụng Air Visual hơn quan chức?
Bởi hơn ai hết, những người sống ở vùng ô nhiễm chứng kiến bầu trời xám xịt, khói bụi mịt mù, cùng các triệu chứng tức ngực, khó thở có thật. Với thành tích dối trá thượng thừa xưa giờ từ trung ương đến địa phương, những người quan tâm đến tình hình xã hội chắc chắn không còn niềm tin vào những con số dối trá do nhà cầm quyền cung cấp.
Khi các lãnh đạo Ba Đình nhận thức rõ ô nhiễm môi trường sẽ khiến người dân phẫn nộ và bất tuân, họ tiếp tục tái diễn trò dối trá ngày càng ngang nhiên hơn.
Chú thích:
(1) https://tuoitre.vn/ha-noi-o-nhiem-khong-khi-ngay-cang-nang-111018.htm
11.10.2019
TƯ DUY CỘNG SẢN KIÊU NGẠO ĐÃ GÂY RA…

TƯ DUY CỘNG SẢN KIÊU NGẠO ĐÃ GÂY RA…
Tuyệt đại đa số người Cộng Sản Việt Nam đều xuất thân từ “bùn” mà “đứng dậy sáng lòa” cho đến nay. Để che giấu mặc cảm tự ti, họ ban phát cho nhau nhiều danh vị: giáo sư, tiến sĩ, đại gia, anh hùng, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú v.v… Những thứ ảo ảnh đó thật vô nghĩa, vô giá trị vốn chỉ làm người đời khinh bỉ thêm.
Điều đáng nói, truyền nhân của CSVN cũng chỉ là một thứ “liu điu lại nở ra dòng liu điu”. Quý độc giả hãy xem Vũ Khắc Ngọc hỗn xược chửi người dân Việt Nam ngu dốt và dùng chữ “CHÚNG TA” như một thứ “lãnh tụ CS” đang hiệu triệu toàn dân mà năm xưa họ Hồ đã chiêu dụ người dân cướp chính quyền -> mới thấy hết sự kiêu ngạo khủng khiếp và tính mất dạy vô đối của người CS!!!
_______________________________________
Vũ Khắc Ngọc vốn là một thầy giáo dạy môn Hóa Học. Ông thầy này nổi tiếng qua vụ tố giác gian lận thi cử tại Hà Giang vào năm 2018, cùng với hai người thầy khác:Đỗ Ngọc Hà và Nguyễn Thanh Tùng.
Lẽ ra, việc thầy giáo tố giác gian lận thi cử phải được xem là việc làm bình thường, nhưng ngược lại, các thầy giáo nói trên được nhiều trang báo ca ngợi đó như là hành động của những “anh hùng”.
Những tưởng “anh hùng” Vũ Khắc Ngọc sau phút “đăng quang ngôi vị”, hiểu rõ chức trách và lương tâm của một ông thầy mà “bình thường hóa” hư danh vốn do báo chí quốc doanh luôn tâng bốc “trên mức cần thiết” để quay về với trách nhiệm làm nghề, nhưng không, Vũ Khắc Ngọc “dấn thân” nhiều hơn vào “con đường hư ảo” bằng cách phỉ báng “người trẻ Hong Kong đang đập vỡ nồi cơm của mình khi nghe các thế lực bên ngoài xúi giục biểu tình” mà ngay cả Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh cũng không bao giờ dám thốt lên như thế!
Đó là bản tánh “Cộng Sản Kiêu Ngạo” mà Vũ Khắc Ngọc đã bị nhồi sọ quá lâu khi không hiểu được khái niệm căn bản “nhà nước – công dân”, cũng như các kiến thức đối ngoại-ngoại giao.
Do ảnh hưởng từ hư danh “anh hùng” được truyền thông trong nước ban phát mà Vũ Khắc Ngọc không còn biết mình là ai, mình đang ở đâu và mình lấy tư cách gì để dám lộng ngôn và xàm ngôn đến mức ngay cả lãnh đạo của một quốc gia – ghét Hoa Kỳ đi chăng nữa – cũng chưa dám!.
Không hề suy nghĩ lại những phát ngôn hồ đồ và ngạo mạn vô đối, Vũ Khắc Ngọc, mới đây phỉ báng và vu khống cũng như kêu gọi những người hâm mộ ông ta liên tục tấn công vào trang chủ, fanpage và các app của Air Visual, đến nỗi những hãng truyền thông lớn như: Reuters, New York Times cũng đã lên tiếng!
Vũ Khắc Ngọc bây giờ mới cảm thấy hoảng loạn khi đối diện với một sự vu khống nghiêm trọng, vội vàng đăng thư xin lỗi. “Ông thầy” Ngọc viết: “… Tôi rất lấy làm tiếc khi những đánh giá tiêu cực về AirVisual gây ảnh hưởng, trở ngại tới hoạt động của ứng dụng này ở Việt Nam. Tôi hy vọng khi những hiểu lầm về cách xếp hạng của AirVisual đã được làm rõ, các bạn sẽ nhanh chóng trở lại hoạt động tại Việt Nam”, một văn phong vẫn tô đậm chất “Cộng Sản Kiêu Ngạo” nhằm chạy tội cho xong (!)
Văn hóa & giáo dục từ “tố chất” Cộng Sản Kiêu Ngạo đã tạo ra những con người như Vũ Khắc Ngọc, chắc chắn làm cho Việt Nam “có được cơ đồ như ngày nay” mà Nguyễn Phú Trọng kiêu căng ngạo mạn tuyến bố cách đây không lâu với hậu quả nhãn tiền là bãi Tư Chính bị uy hiếp nghiêm trọng cùng tất cả các lãnh vực kinh tế – văn hóa – giáo dục – tôn giáo – an ninh quốc gia v.v… nát bét – chẳng còn gì để không lên án CỘNG SẢN VIỆT NAM – TỘI ĐỒ CÓ MỘT KHÔNG HAI TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM HÀNG NGÀN NĂM QUA.
____________________
Nguyễn Ngọc Già
BÀI HỌC FATIMA CHO THÁNG MƯỜI
BÀI HỌC FATIMA CHO THÁNG MƯỜI
Chúng ta đang sống trong Tháng Mười, tháng biệt kính Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta có thể nhớ lại những lần Đức Mẹ hiện ra và nói về Chuỗi Mân Côi.
Năm 1917, ba trẻ mục đồng ở Fatima, Bồ Đào Nha, đã được gặp Đức Mẹ tại Cova da Iria, nơi chúng đang chăn đàn chiên gần những ngọn núi gần nhà. Lucia, Francisco và Jacinta đã đi vào lịch sử về lòng sùng kính các em dành cho Đức Mẹ vì sứ điệp mà các em có thể trao cho thế giới để cảm ơn Mẹ Thiên Chúa đã ưu tiên thăm viếng các em. Đây là 10 bài học Đức Mẹ Fatima dạy về việc cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi.
- Cầu nguyện có chủ tâm
Khi Đức Mẹ gặp các em, chúng có thể nhận biết sức mạnh của lời cầu nguyện của chúng. Khi người ta biết chuyện lạ, họ xin các em chuyển ý nguyện với Bà Đẹp mà các em gặp mỗi tháng vào ngày 13 tại Cova da Iria – từ tháng Năm tới tháng Mười. Người ta trĩu nặng vì các vấn nạn của thế giới này, và luôn có nhiều ý nguyện để cầu xin. Ba trẻ trở thành những chiến binh cầu nguyện thực sự, quyết tâm cầu nguyện cho người khác, kể cả các nhu cầu lớn lao của thế giới này. Các em đặc biệt cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, cho các linh hồn và xin hòa bình cho thế giới.
- Kinh Mân Côi là cách tốt để suy niệm cuộc đời Đức Kitô
Mỗi ngày, một Kitô hữu có thể đọc Kinh Mân Côi và suy niệm về cuộc đời Đức Giêsu Kitô. Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Sáng Danh và Lời Nguyện Fatima là nền tảng các mầu nhiệm về Sự Sống và Sự Chết của Đức Giêsu Kitô. Bắt đầu mỗi chục kinh, một mầu nhiệm được chú ý để suy niệm, và chúng ta cùng sống mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô.
- Bình thường nên đọc Năm Chục Kinh
Đức Mẹ yêu cầu các em đọc trọn terço – tiếng Bồ Đào Nha nghĩa là cả năm chục kinh Mân Côi. Cảm ơn Thánh Gioan Phaolô II, vì chúng ta ngày nay có thêm Năm Sự Sáng, và cảm ơn Chân phước Bartolo Longo, tổng cộng có 20 mầu nhiệm Mân Côi. Có thể người ta không đủ kiên nhẫn đọc 15 chục kinh hoặc 20 chục kinh, nhưng 5 chục kinh là mức trung bình mà đa số chúng ta có thể thực hiện.
- Kinh Mân Côi là cách tốt để chống chiến tranh
Ba trẻ được gặp Đức Mẹ trong thời gian chịu nỗi thống khổ của Thế Chiến I. Mặc dù các em không tiếp xúc với chiến tranh, nhưng các em được động viên cầu xin cho chấm dứt chiến tranh. Các em nhận Chuỗi Mân Côi như một loại vũ khí khác để chấm dứt chiến tranh.
- Kinh Mân Côi là cách tốt để xin hòa bình
Ngoài việc cầu xin cho chiến tranh chấm dứt, Kinh Mân Côi còn là phương cách để đạt được sự bình an riêng mỗi cá nhân. Ba trẻ trở nên những tông đồ đích thực của Kinh Mân Côi và có thể đạt được bình an nội tâm, mặc dù các em phải chịu nhiều đau khổ vì ý kiến của người khác – xã hội và gia đình.
- Kinh Mân Vôi là cách tốt để cứu các linh hồn
Lời nguyện Fatima sau Kinh Sáng Danh là lời nguyện cầu cho các linh hồn, lời nguyện này do chính Đức Mẹ dạy các em. Lời cầu xin này thấm vào việc đọc Kinh Mân Côi thường xuyên, người ta trở nên quen cầu xin theo ý nguyện tốt lành: cầu xin Ơn Cứu Độ cho các linh hồn.
- Kinh Mân Côi là cách đối thoại riêng
Kinh Mân Côi có ảnh hưởng sâu sắc tới ba trẻ. Các em lãnh nhận nhiều ơn lành nhờ được gặp Đức Mẹ, nhưng các em cũng cũng được giới thiệu cách sống đời sống cầu nguyện thực sự để giúp các em bước đi trên con đường đối thoại riêng. Việc cầu nguyện thường xuyên làm thay đổi thái độ và ước muốn trong cuộc sống.
- Kinh Mân Côi là cách tốt để học cầu nguyện
Kinh Mân Côi ngắn gọn và dễ cầu nguyện. Đó là cách tốt để học cầu nguyện. Đó cũng là lời cầu nguyện vừa bằng lời nói vừa bằng tâm trí. Sự lặp đi lặp lại các từ ngữ là lời cầu bằng lời nói và là cách cầu nguyện dễ dàng nhất. Sự kết hợp với việc suy niệm các mầu nhiệm là lời nguyện tâm trí. Như vậy, người đọc Kinh Mân Côi đi vào lời cầu nguyện, bắt đầu bằng những gì quen thuộc và chuyển tới những gì khó khăn hơn.
- Kinh Mân Côi là cách tốt để cầu nguyện liên lỉ
Kinh Mân Côi có thể trở nên thói quen tốt trong cuộc sống hằng ngày, giúp các Kitô hữu đáp lại lời động viên của Thánh Phaolô về việc cầu nguyện không ngừng: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5:16-18). Đức Mẹ không yêu cầu ba trẻ đọc Kinh Mân Côi hằng ngày, nhưng cầu nguyện luôn luôn.
- Sự lặp đi lặp lại trong Kinh Mân Côi là tặng phẩm
Một số người cho rằng sự lặp đi lặp lại trong Kinh Mân Côi gây nhàm chán. Tuy nhiên, sự lặp lại này làm cho người ta suy niệm ý nghĩa của các câu chữ và có thời gian để cầu nguyện. Trong một thế giới tìm cách xâm chiếm cả các ý tưởng riêng, sự lặp lại trong Kinh Mân Côi giúp tạo nên khiên thuẫn để bảo vệ đời sống nội tâm của chúng ta. Điều quan trọng nhất khi đọc Kinh Mân Côi là chúng ta đối xử với Đức Maria là Mẹ Hiền của chính chúng ta.
Lạy Đức Mẹ Fatima, xin cầu cho chúng con. Lạy Hiền Mẫu của chúng con, xin nguyện giúp cầu thay.
Lm. Nicholas Sheehy, L.C (Legionaries of Christ – Dòng Đạo Binh Chúa Kitô)
Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)