NƯỚC CỨU SỐNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Tôi đã thấy dòng nước từ cửa đông đền thờ tuôn ra!”.

“Một phụ nữ cùng đứa con đi dạo dọc bờ sông. Đột nhiên đứa trẻ trượt xuống dòng nước. Cô hét lên kinh hãi. Cô không biết bơi; hơn nữa, đang ở giai đoạn cuối của thai kỳ. Sau cùng, có người nghe tiếng, họ lao xuống. Bi kịch tột cùng là, khi bước xuống dòng nước đục ngầu để vớt đứa trẻ, họ phát hiện nó đã chết và nước chỉ sâu đến thắt lưng! Người mẹ đó lẽ ra có thể dễ dàng cứu con mình nhưng cô đã không làm được vì thiếu hiểu biết!” – Ray Comfort.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay không nói đến một dòng nước cạn, nước giết chết một đứa bé; nhưng nói đến một dòng nước sâu, ‘nước cứu sống’ muôn người!

Nước từ đền thờ thời Êzêkiel báo trước ‘nước ân sủng’ thời Giêsu. “Nước này chảy tới đâu, thì nó chữa lành; sông này chảy đến đâu, thì ở đó có sự sống” – bài đọc một. 

Tin Mừng Gioan cho biết, bên hồ nước, một người bại liệt lây lất những 38 năm, tương đương 40 năm của Israel trong sa mạc. Và xem ra anh này cũng ‘lang thang’ trong sa mạc đời anh ngần ấy năm.

‘Lang thang!’, một hành động mang tính biểu tượng cho sự ‘tê liệt’. Đó là hậu quả của tội lỗi. Khi phạm tội, chúng ta ‘tê liệt’ và ‘lang thang’ trong sa mạc đời mình. Tội lỗi có những hậu quả nghiêm trọng khiến chúng ta không thể đứng dậy và bước đi đúng hướng. Đặc biệt, tội trọng, nó khiến chúng ta bất lực trong việc yêu thương và sống trong tự do; cùng lúc, không thể quan tâm đến đời sống tinh thần của mình hoặc của người khác.

Chúa Giêsu tự nguyện đi đến với người bại liệt này; và dù không được mời, Ngài bước vào sự cô lập của anh. Ngài thấy anh, biết hoàn cảnh của anh và trực tiếp hỏi anh, “Anh có muốn khỏi bệnh không?”. Anh không trả lời nhưng chỉ phàn nàn, “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ!”. Anh mắc bệnh bi quan, phát ốm vì buồn; anh mắc bệnh lười! “Đúng, tôi muốn lành, nhưng!” và anh đợi ở đó. Thế mà mấu chốt là chính cuộc gặp gỡ của anh với Chúa Giêsu; dẫu xem ra – rất “thiếu hiểu biết” – anh không cần Ngài. Và dường như anh vẫn tiếc nuối ‘thuở lang thang?’.

Thật tuyệt vời! Chúa Giêsu đã chữa anh mà không cần dìm anh xuống hồ Bêthesda. Bêthesda có nghĩa là “Ngôi nhà của lòng thương xót”, “Ngôi nhà của ân sủng”. Người này cần lòng thương xót và ân sủng cả khi không ý thức. Và Chúa Giêsu không phải là dòng nước giết chết nhưng là dòng ‘nước cứu sống’ đã cứu anh. “Vết thương của chúng ta rất nghiêm trọng, nhưng vị Thầy Thuốc thì toàn năng. Tôi sẽ tuyệt vọng về vết thương chí mạng của tôi, nếu tôi không tìm thấy một Thầy Thuốc vĩ đại như Ngài!” – Augustinô.

Anh Chị em,

“Tôi đã thấy dòng nước từ cửa đông đền thờ tuôn ra!”. Chúa Giêsu là dòng nước sâu, là đền thờ mới. Đỉnh của đền thờ là Canvê, nơi nước và máu của phép Rửa và các Bí tích chảy ra từ cạnh sườn Ngài. Và cho đến ngày nay, dòng nước cứu độ ấy vẫn tiếp tục chảy, tiếp tục nuôi sống, tiếp tục rửa sạch mọi thương tích trong tâm hồn chúng ta. ‘Nước cứu sống’ có tên Giêsu đó tiếp tục đem lại hạnh phúc viên mãn cho con người ngay trong sa mạc khô khốc trần gian; Ngài đang nói với bạn và tôi, “Thôi! Đừng thiếu hiểu biết!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con tiếc nuối thuở lang thang. Xin giải thoát con, dìm con vào lòng thương xót Chúa mà đừng thèm hỏi con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

*****************************************************

Thứ Ba Tuần IV Mùa Chay

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

1 Nhân một dịp lễ của người Do-thái, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. 2 Tại Giê-ru-sa-lem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Híp-ri gọi là Bết-da-tha. Hồ này có năm hành lang. 3a Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt. 5 Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. 6 Đức Giê-su thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn khỏi bệnh không?” 7 Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, khi nước khuấy lên, không có người đem tôi xuống hồ. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” 8 Đức Giê-su bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!” 9 Người ấy liền được khỏi bệnh, vác chõng và đi được.

Hôm đó lại là ngày sa-bát. 10 Người Do-thái mới nói với kẻ được khỏi bệnh: “Hôm nay là ngày sa-bát, anh không được phép vác chõng!” 11 Nhưng anh đáp: “Chính người chữa tôi khỏi bệnh đã nói với tôi: ‘Anh hãy vác chõng mà đi!’” 12 Họ hỏi anh: “Ai là người đã bảo anh: ‘Vác chõng mà đi’?” 13 Nhưng người đã được khỏi bệnh không biết là ai. Quả thế, Đức Giê-su đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. 14 Sau đó, Đức Giê-su gặp người ấy trong Đền Thờ và nói: “Này, anh đã được khỏi bệnh. Đừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” 15 Anh ta đi nói với người Do-thái: Đức Giê-su là người đã chữa anh khỏi bệnh. 16 Do đó, người Do-thái chống đối Đức Giê-su, vì Người hay chữa bệnh ngày sa-bát.


 

Hình ảnh một vị vua trong những khoảnh khắc cuối đời

Công Tú Nguyễn – Chuyện tuổi Xế Chiều

“Đây là hình ảnh một vị vua trong những khoảnh khắc cuối đời.”

Được chụp bởi Larry Pannell, bức ảnh mạnh mẽ này ghi lại hơi thở cuối cùng của một con sư tử—vua của thảo nguyên.

“Chúng tôi tìm thấy nó nằm trên cỏ, kiệt sức và không thể cử động. Chúng tôi chỉ cách nó không quá một mét khi nó chết dưới bóng cây. Tôi đánh rơi máy ảnh. Chúng tôi nhìn nhau, nhắm mắt lại… và chỉ đứng im lặng.

Nó đang vật lộn để thở, ngực nó chỉ thỉnh thoảng nhô lên. Một cơn co giật cuối cùng—và sau đó, im lặng. Vị vua đã ra đi.”

Cuộc sống ngắn ngủi. Quyền lực thì phù du. Vẻ đẹp thì phai tàn. Dù hùng mạnh đến đâu, tất cả các sinh vật sống một ngày nào đó cũng sẽ trở nên yếu đuối.

Vì vậy, hãy khiêm tốn, tử tế và hiện diện. Giúp đỡ người bệnh, chăm sóc người yếu đuối và đừng bao giờ quên: một ngày nào đó, tất cả chúng ta đều rời khỏi sân khấu cuộc đời.

Larry Pannell


 

Elon Musk và DOGE: Cải cách hay phá hoại nước Mỹ?-Hiếu Chân/Người Việt

Ba’o nguoi-Viet

March 28, 2025

Hiếu Chân/Người Việt

Hôm Thứ Năm, 27 Tháng Ba, tỷ phú Elon Musk và bảy thành viên chủ chốt của DOGE (Department of Government Efficiency) xuất hiện trong buổi phỏng vấn trên Fox News để “thanh minh” với người dân Mỹ rằng họ chỉ nỗ lực cải thiện tình hình tài chính của nước Mỹ mà không gây phương hại cho quốc gia như lo ngại của mọi người. Nhưng nhìn lại những việc mà DOGE làm trong hai tháng qua, liệu người dân Mỹ có thể đặt niềm tin vào DOGE, liệu ông Musk đang cải thiện hiệu quả của chính quyền liên bang hay phá hoại nó, mang lại lợi ích cho chính ông và cho các đối thủ của Mỹ?

Tỷ phú Elon Musk. (Hình: Brendan Smialowski/AFP via Getty Images)

“Chính phủ rất không hiệu quả, có rất nhiều lãng phí và gian lận, cho nên chúng tôi tin rằng có thể cắt giảm 15% ngân sách mà không ảnh hưởng tới các dịch vụ thiết yếu,” ông Musk nói với người dẫn chương trình Bret Baier của Fox News. Ông cho biết thêm rằng, DOGE đang cố giảm thâm hụt ngân sách từ $7,000 tỷ xuống còn $6,000 tỷ, và sẽ hoàn tất phần lớn công việc trong 130 ngày đầu tiên. Để thực hiện mục tiêu đó, ông Musk và các cộng sự đã thẳng tay cắt ngân sách nhiều chương trình, tổ chức của chính phủ, sa thải hàng chục ngàn công chức, làm đình trệ hoạt động của nhiều cơ quan chính quyền.

Điểm xuất phát của DOGE có thể là tình trạng thâm hụt ngân sách nặng nề và kéo dài của nước Mỹ. Thu không đủ chi khiến chính quyền liên bang phải liên tục phát hành trái phiếu (vay nợ), cứ vài tháng Quốc Hội lại bàn việc “nâng trần nợ,” cho phép chính phủ vay thêm tiền để tiếp tục hoạt động. Tính đến ngày 27 Tháng Ba, tổng số nợ quốc gia của Mỹ đã là $36.22 ngàn tỷ, bằng 122.3% tổng sản lượng quốc gia (GDP), bình quân mỗi người dân Mỹ phải gánh nợ $106,111 và con số nợ cứ tăng thêm mỗi ngày chừng $4.87 tỷ. Tiền lời phải trả cho khoản nợ khổng lồ này chiếm hơn 20% ngân sách hằng năm của chính phủ liên bang, nhiều gấp rưỡi tiền chi cho quốc phòng (13.3%). Cán cân tài chính quốc gia bị mất cân đối trầm trọng và phải giải quyết, bằng cách hoặc tăng thu, hoặc giảm chi, hoặc cả hai.

Chính quyền Trump đã chọn cách giảm chi, giao cho DOGE nhiệm vụ rà soát toàn bộ hoạt động của bộ máy công quyền, tìm ra những chỗ lãng phí, gian lận để cắt giảm.

Với người có suy nghĩ bình thường, việc cắt giảm chi tiêu của chính quyền như vậy là cần thiết và cấp bách. Điều đó cũng phù hợp với đường lối xưa nay của đảng Cộng Hòa là thu hẹp quy mô của chính phủ. Vấn đề là thực hiện sự cắt giảm đó như thế nào để phù hợp với pháp luật, không làm sụp đổ bộ máy chính phủ, không đẩy một bộ phận dân chúng vào tình trạng bần cùng, không làm gia tăng bất bình đẳng về thu nhập.

Cố Tổng Thống Ronald Reagan (Cộng Hoà) từng có câu nói nổi tiếng: “Chính phủ không phải là giải pháp, chính phủ mới là vấn đề.” Năm 1982, ông Reagan lập ra một nhóm “chuyên gia xuất sắc từ khu vực tư nhân” gồm 150 người, chia thành 36 đội đặc nhiệm (task force) do ông Peter Grace, CEO của W.R. Grace & Company làm chủ tịch, gọi là “Ủy Ban Grace,” có nhiệm vụ rà soát chuyên sâu toàn bộ nhánh hành pháp và đưa ra những khuyến nghị loại bỏ lãng phí và kém hiệu quả. Sau hai năm hoạt động, Tháng Giêng, 1984, ủy ban trình ra 2,500 khuyến nghị cải tổ nhưng phần lớn đều không được thực hiện. Chẳng những không thành công, trong tám năm cầm quyền, Tổng Thống Reagan còn làm cho nợ công tăng gấp ba lần, đảo ngược xu thế giảm tỈ lệ nợ so với GDP của thời hậu Thế Chiến Hai, mở rộng hố ngăn cách giàu nghèo và giảm thu nhập trung vị (real median wage) của người dân.

Rút kinh nghiệm từ thất bại của ông Reagan, lần này có thêm “cẩm nang” là Project 2025 do tổ chức nghiên cứu bảo thủ Heritage Foundation soạn thảo, Tổng Thống Donald Trump giao cho ông Elon Musk quyền “tiền trảm hậu tấu,” tùy nghi hành động mà không chờ sự chấp thuận của Quốc Hội. Trong hai tháng qua, với quyền lực gần như tuyệt đối, ông Musk và DOGE thực hiện cấp tốc hai hoạt động có liên quan mật thiết với nhau: Cắt ngân sách và sa thải công chức với lý do chống lãng phí, gian lận, và kém hiệu quả. Ông Musk từng thực hiện các hoạt động đó ở công ty Twitter mà ông mua lại và đổi tên thành X, bây giờ ông sử dụng chính những nhân viên đã cùng ông “tinh giản bộ máy” của X vào công cuộc “tinh giản bộ máy” chính quyền liên bang Mỹ.

Có điều, một quốc gia không phải là một công ty và việc điều hành đất nước phức tạp hơn rất nhiều so với quản trị một doanh nghiệp vì chính phủ không đặt mục tiêu thu lợi nhuận mà sứ mệnh của chính phủ là phục vụ người dân.

Về tiết kiệm, thay vì loại bỏ các khoản chi lãng phí hoặc gian lận, DOGE của ông Musk đã khiến chính phủ thiệt hại $500 tỷ, tức 10% số thuế mà Sở Thuế IRS thu được vào năm ngoái. Nhà báo Jacob Bogage của nhật báo The Washington Post hôm 22 Tháng Ba tường thuật rằng DOGE đã phá huỷ IRS, sa thải gần 20,000 nhân viên thuế vụ, tập trung ở các bộ phận thực thi luật thuế, bãi bỏ các cuộc điều tra thuế các công ty lớn và các cá nhân giàu có. Những thay đổi này làm cho việc trốn thuế trở nên dễ dàng hơn và số tiền thuế thu được vào năm nay có thể sẽ giảm mạnh.

Có lẽ vụ cắt giảm chi phí nổi đình đám nhất là vụ đóng cửa Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Mỹ (USAID) hồi đầu Tháng Hai vừa qua. USAID có ngân sách hằng năm gần $40 tỷ, là tổ chức viện trợ chính của chính phủ Mỹ, chịu trách nhiệm viện trợ nhân đạo và hỗ trợ phát triển khắp thế giới, xây dựng quyền lực mềm của Mỹ trong hơn 60 năm qua. Tuy vậy, ông Trump coi USAID là tổ chức do “những kẻ cực tả điên rồ” điều hành và có “hành vi gian lận nghiêm trọng.” Còn ông Musk thì lên án USAID là “ổ tội phạm,” tuy cả hai ông này đều không đưa ra chứng cớ cho lời tố cáo của mình. Trong diễn biến mới nhất, hôm Thứ Sáu, 28 Tháng Ba, chính quyền Trump thông báo với Quốc Hội họ sẽ dẹp bỏ USAID, nhật báo Người Việt đưa tin.

Vụ cắt ngân sách và đóng cửa đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) cùng những tổ chức truyền thông đối ngoại khác như đài Á Châu Tự Do (RFA) là một chấn động khác. Ông Musk của DOGE viết trên mạng X rằng các cơ quan truyền thông này “chỉ là những thằng điên cánh tả cấp tiến trò chuyện với nhau nhưng mỗi năm đốt hết $1 tỷ tiền thuế” (“just radical left crazy people talking to themselves while torching $1B/year of US taxpayer money.”) Thật không nhận xét nào sai lầm hơn! Đài VOA có ngân sách hằng năm $268 triệu, phục vụ 361 triệu độc giả/thính giả mỗi tuần với hơn 50 ngôn ngữ. Riêng kênh YouTube VOA có 3.7 triệu người ghi danh theo dõi. Đài RFA có ngân sách hằng năm chỉ $60.8 triệu, phục vụ 58 triệu độc giả/thính giả mỗi tuần bằng các ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Miến Điện, Trung Quốc (tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng Đông), Tây Tạng, Khmer, Triều Tiên, Lào, Uyghur, và tiếng Việt. “Chi phí cho các đài này không đáng kể so với giá trị tin tức để chống lại câu chuyện kể (narrative) của các chế độ độc tài,” bài xã luận của tờ báo bảo thủ The Wall Street Journal nhận định vào tuần trước.

Chưa biết việc đóng cửa USAID hoặc VOA/RFA sẽ giúp nước Mỹ tiết kiệm được bao nhiêu tiền nhưng thiệt hại thì quá lớn và quá rõ. Ở trong nước, nông dân Mỹ đã khốn đốn vì mất đi khách hàng “sộp” USAID (USAID mua hàng tỷ đô la nông phẩm để viện trợ chống đói ở các nước nghèo), ở ngoài nước các chương trình hỗ trợ y tế, giáo dục, phá bom mìn, chống dịch bệnh… bị đình trệ trong khi các chính quyền độc tài ở Trung Quốc, Nga, Miến Điện, Bắc Hàn, Việt Nam… mở tiệc ăn mừng vì không còn phải chống đỡ sức mạnh mềm của Mỹ, cũng không lo đối phó với tiếng nói của sự thật.

Còn nhiều vụ cắt giảm ngân sách khác nữa mà hậu quả không kém phần tai hại. Hôm Thứ Năm, 27 Tháng Ba, nhật báo The New York Times đưa tin Bộ Y Tế (HHS) đột ngột hủy hơn $12 tỷ tài trợ cho các tiểu bang thực hiện các dịch vụ sức khỏe tâm thần, cai nghiện và theo dõi các bệnh truyền nhiễm. Bà Kristi Noem, bộ trưởng Bộ Nội An, vừa cho biết bà có kế hoạch “loại bỏ FEMA,” cơ quan quản trị tình trạng khẩn cấp chuyên ứng phó với các trường hợp như bão lụt, cháy rừng, lốc xoáy…, cứu trợ và tái thiết các khu vực bị nạn với ngân sách hằng năm khoảng $20 tỷ. Tuần trước, ông Trump kêu gọi đóng cửa Bộ Giáo Dục sau khi quyết định cắt giảm một nửa số nhân viên của bộ này.

Trong toàn bộ máy chính quyền liên bang, hoạt động sa thải nhân viên vẫn diễn ra quyết liệt suốt hai tháng qua. Hôm Thứ Sáu, 28 Tháng Ba, nhật báo The Washington Post tiết lộ chính quyền Trump đang tìm cách cắt giảm từ 8% đến 50% số công chức trong các cơ quan liên bang. Tờ báo dẫn một tài liệu nội bộ của Tòa Bạch Ốc yêu cầu Bộ Phát Triển Gia Cư (HUD) giảm một nửa số nhân viên, Bộ Nội Vụ mất gần 25% và Sở Thuế mất khoảng một phần ba số nhân viên. Bộ Tư Pháp sẽ mất 8%, Quỹ Khoa Học Quốc Gia mất 28%, Bộ Thương Mại mất 30%, và Cơ Quan Quản Lý Doanh Nghiệp Nhỏ mất 43% tổng số nhân viên… Cũng hôm nay, HHS thông báo sẽ cắt giảm 10,000 nhân viên ngoài 10,000 người đã nghỉ việc và hơn 5,000 nhân viên thử việc đã bị sa thải vào tháng trước. Những đợt cắt giảm này sẽ bao gồm 3,500 nhân viên của Cở Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) và 2,400 nhân viên của Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC).

Việc sa thải hàng loạt công chức đang “tạo ra nỗi bối rối, lo sợ và căm ghét trong toàn lực lượng lao động liên bang,” ông Max Stier, thuộc Partnership for Public Service, một tổ chức vô vị lợi nhằm cải cách chính quyền, nhận xét. Hình ảnh ông Musk vác cưa máy múa may trên sân khấu của hội nghị hành động chính trị bảo thủ càng làm cho mọi người lo sợ và căm ghét. Thăm dò dư luận cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Musk rất thấp và ngay nhiều vị dân cử Cộng Hòa cũng không ưa ông.

Các hoạt động của ông Musk và DOGE còn gây bất mãn vì không thực hiện theo trình tự quy định của luật pháp, phớt lờ vai trò quyết định của Quốc Hội trong phân bổ ngân sách, thành lập và đóng cửa các cơ quan chính phủ như USAID. Ông Musk cũng bị “xung đột lợi ích” rõ ràng khi vừa điều hành nhiều công ty có quan hệ làm ăn với chính phủ vừa lãnh đạo DOGE cải cách chính phủ ấy. Chính ông Trump cũng thừa nhận ông Musk đến Bộ Quốc Phòng thảo luận về chiến lược răn đe Trung Quốc là không thích hợp vì bản thân ông có những quyền lợi kinh doanh to lớn và có quan hệ cá nhân thân thiết với các nhà lãnh đạo của đất nước cộng sản đó.

“Điều tệ hại nhất là hành động của DOGE cho đến nay trông có vẻ như được thiết kế không phải để làm cho chính phủ làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn mà chỉ nhằm mở rộng quyền lực của tổng thống và loại bỏ những phần tử thiếu trung thành,” báo The Economist nhận xét. Thế nhưng khi bị kiện tụng, thay vì sửa chữa, ông và đồng sự lại quay sang tấn công các quan tòa, bất chấp nguyên tắc tam quyền phân lập và tính chất bình đẳng giữa các nhánh quyền lực nhà nước. Hành động của ông Musk và DOGE chỉ góp phần làm đảo lộn trật tự hiến pháp của nước Mỹ mà trước đây chưa từng xảy ra.

Ông Musk có thể thành công và thu được nhiều lợi lộc nhưng thành công đó có tốt cho nước Mỹ hay không thì chưa chắc. [đ.d.]


 

 Tuổi già mới là giai đoạn hạnh phúc nhất của cuộc đời

Kimtrong Lam

Nguyên Lee – 27 tháng 3, 2025

Khi bạn già đi, hãy hành động như thể bạn còn trẻ. (Hình minh họa: John Moeses Bauan/Unsplash).

Lão hóa thường đi kèm với nỗi sợ hãi, lo lắng và đầy rẫy những khuôn mẫu lỗi thời. Tuy nhiên, nghiên cứu và các câu chuyện cá nhân tiết lộ một sự thật đáng ngạc nhiên: tuổi già là giai đoạn hạnh phúc bất ngờ.

Bác Sĩ Katharine Esty, tác giả của cuốn “Eightysomethings” nhấn mạnh một điều trái ngược với niềm tin phổ biến, hạnh phúc có xu hướng tăng lên theo tuổi tác, đặc biệt đối với những người có sự bảo đảm về tài chính.’

Những hiểu biết sâu sắc của Esty, được rút ra từ các cuộc phỏng vấn với hơn 150 cá nhân ở độ tuổi 70, 80 và 90, nêu bật năm khía cạnh chính của quá trình lão hóa thường khiến mọi người ngạc nhiên:

Y học hiện đại biến đổi tuổi già

Các phương pháp điều trị y tế tiên tiến, như việc kiểm soát cơn đau hiệu quả, thay khớp và cải thiện máy trợ thính, giúp nâng cao đáng kể chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi. Điều này cho phép họ hoạt động nhiều và sống lâu hơn so với các thế hệ trước. Mặc dù việc điều hướng nhiều cuộc hẹn khám bệnh trở thành hiện thực, khả năng duy trì sự năng động là một lợi thế đáng kể.

Học tập và phát triển liên tục

Khái niệm về khả năng thích nghi của não bộ chứng minh khả năng học hỏi và thích nghi của não vẫn tồn tại trong suốt cuộc đời. Người lớn tuổi có khả năng tiếp tục học các kỹ năng và kiến thức mới, ngay cả khi phải mất nhiều thời gian. Tham gia các hoạt động bổ ích, như học một ngôn ngữ hoặc tham gia các lớp thể dục, nhằm giữ cho trí óc luôn minh mẫn.

Thể hiện lòng biết ơn và sự hài lòng

Nhiều người lớn tuổi có cái nhìn tích cực, tập trung vào những cái họ có thay vì những gì họ mất đi. “Nghịch lý của tuổi già” này dẫn đến sức khỏe tinh thần được cải thiện và cảm giác hài lòng. Việc nhận ra đặc quyền khi đạt đến tuổi già nuôi dưỡng lòng biết ơn và mong muốn trân trọng từng khoảnh khắc trong cuộc sống.

Sống trong khoảnh khắc hiện tại

Người lớn tuổi có xu hướng tập trung vào hiện tại, tránh lập kế hoạch dài hạn. Họ thường làm hòa với quá khứ của mình, ít hối tiếc. Những thú vui đơn giản, như dành thời gian cho bạn bè hoặc tận hưởng bầu không khí trong lành của thiên nhiên, trở nên có ý nghĩa. Các cuộc trò chuyện của họ chuyển từ những thành tích trong quá khứ sang các sự kiện hiện tại và những trải nghiệm chung.

Tạo niềm vui từ các mối quan hệ

Khi trách nhiệm giảm bớt, người lớn tuổi ưu tiên cho các mối quan hệ. Gia đình, con cái, bạn bè trở thành trọng tâm chính trong cuộc đời còn lại của họ. Những thứ còn lại, như tiền tài hay danh vọng, chỉ là thứ yếu. Các mối quan hệ tình cảm, tình bạn sâu sắc và niềm vui khi được ở bên con cháu làm phong phú thêm cuộc sống của họ.

Về bản chất, lão hóa, mặc dù đi kèm với nhiều thách thức về sức khoẻ, cũng mang lại niềm vui bất ngờ, sự hài lòng và trân trọng sâu sắc hơn đối với những thú vui giản đơn của cuộc sống.

Các mối quan hệ, cố gắng giữ gìn sức khỏe và có một tư duy tích cực là những điều quan trọng để vượt qua các rào cản của lão hoá và tận hưởng giai đoạn cuối cùng này của cuộc sống.


 

CHẶNG THỨ 5: Ông Si-môn vác Thánh Giá đỡ Đức Giêsu- Cha Vương

Ước mong bạn cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong mỗi việc làm hôm nay.

Cha Vương

Thứ 6, 3MC: 28/03/2025

CHẶNG THỨ 5: Ông Si-môn vác Thánh Giá đỡ Đức Giêsu

TIN MỪNG: Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê. Ông là thân phụ hai ông A-lê-xan-đê và Ru-phô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giê-su. (Mc 15:21)

SUY NIỆM: Ông Si-môn BỊ BẮT vác thập giá đỡ thập giá chứ không phải ông ta tình nguyện hay sẵn sàng, điều đó cũng chẳng có gì ngạc nhiên cả bởi vì ông chỉ là người đi ngang qua, có thể ông biết chút ít về Đức Giê-su thôi. Bạn mới chính là người biết Chúa đó, vì bạn đã được rửa tội, hằng ngày bạn được nghe Lời Chúa và rước Chúa vào trong lòng mình. Bạn được nghe Chúa dạy về sự cần thiết của việc “vác thập giá mình” (Mc 8:34) và việc “mang gánh nặng cho nhau” (Gl 6:2), đáng lẽ ra bạn mới là người sẵn sàng và tình nguyện chứ!

XÉT MÌNH: Có bao giờ bạn tỏ thái độ lạnh nhạt hay coi thường người khác, hoặc vô cảm trước những mệt mỏi, chán nản, yếu đuối, và đau khổ của người khác không? Với những người trong gia đình, bạn có đối xử tàn tệ, lạm dụng, đay nghiến với cha mẹ, người phối ngẫu, con cái và họ hàng không? Với con cái, bạn có tích cực cộng tác với chồng, vợ, hoặc người có trách nhiệm để chăm sóc những nhu cầu cần thiết cho chúng, không để chúng được học đạo hay lãnh nhận các Bí tích, thiếu sửa dạy chúng, làm gương xấu, dạy điều xấu hay xúi chúng làm việc xấu, hay không nhận chúng là con không? Mời bạn bỏ ra đôi phút, trong thinh lặng hãy tự xét mình và xin ơn hoán cải trong lối suy nghĩ, trong cách cảm nhận, và trong hành động của mình.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa dạy con “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25:40), xin giúp con sửa đổi chính mình để con biết cảm thông, chia sẻ, hy sinh, và mang lấy gánh nặng cho nhau trong đời sống hằng ngày. Amen. 

From: Do Dzung

****************************

Chúa Đau Cùng Con (Lời Nguyện Trong Cơn Đại Dịch) | Sáng tác: Sr. Quỳnh Thoại – Minh Nguyệt

50 năm sau chiến tranh: Hà Nội vẫn nuôi thù cả những nấm mồ

Ba’o Nguoi-Viet

March 27, 2025

Bài: Najma Sambul / Khiết Văn lược dịch

Đã 50 năm kết thúc chiến tranh, nhưng Hà Nội vẫn giữ sự căm thù với cả binh sĩ tử trận của phía VNCH. Thật khó hiểu khi thân nhân của của những ngôi mộ tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa 4 cải táng hoặc dựng lại mộ cũng gặp vô cùng vàng những điều khó khăn từ ABC News của Úc Châu mới đây đã có phóng sự về điều này, với bài viết mang tựa đề “Người dân miền Nam Việt Nam muốn tìm và chôn cất những tử sĩ trong chiến tranh. Tại sao lại khó khăn đến vậy?” (South Vietnamese want to find and bury their war dead. Why is it so hard?)

Ông Hùng Trần ngập ngừng khi kể lại một ký ức ám ảnh ông trong nhiều thập kỷ, giọng ông run lên vì tức giận và buồn bã.

“Tôi vẫn có thể nhìn thấy khuôn mặt của họ – những người đàn ông đã cùng tôi chiến đấu, những người không trở về nhà. Họ đã chiến đấu, họ đổ máu và họ đã hy sinh vì đất nước”, người đàn ông 73 tuổi, người đã chiến đấu cho phía Việt Nam Cộng Hòa trong Chiến tranh Việt Nam, cho biết.

Nửa thế kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, ông Trần và những người khác như ông vẫn đang đấu tranh để tìm kiếm và chôn cất thi thể những người đồng đội đã hy sinh.

“Họ không có mộ. Không có tên. Giống như họ chưa từng tồn tại vậy”, ông nói.

Quỹ Người Mỹ gốc Việt và các thành viên, bao gồm cả Hùng Trần đã làm việc để hồi hương thi thể của những người lính Nam Việt Nam trong nhiều thập kỷ.

Ông Trần, người đã sống ở Úc 40 năm sau khi chạy trốn khỏi Việt Nam với tư cách là người tỵ nạn, cho biết Nghĩa trang Quân đội Quốc gia Biên Hòa bên ngoài Sài Gòn – nay gọi là Thành phố Hồ Chí Minh – đó là một “nơi linh thiêng” trước năm 1975 đối với người miền Nam.

“Nhưng sau khi cộng sản tiếp quản, họ đã phá hủy nó. Họ đập vỡ bia mộ, đào bới các ngôi mộ và trồng cây để phủ kín đất.

“Mục đích của họ rất rõ ràng: xóa tên chúng ta khỏi lịch sử “, ông Hùng Trần nói.

Ông Hùng Trần (bìa bên phải)

Nhà sử học người Úc Robert Hall, người đã hỗ trợ chính phủ Việt Nam tìm kiếm nơi chôn cất binh lính Bắc Việt và trả lại các hiện vật cá nhân thu được từ chiến trường, cho biết thời gian tìm kiếm hài cốt của quân đội Việt Nam Cộng Hòa đang cạn dần.

“Tình hình vô cùng tồi tệ ngay sau chiến tranh. Các nghĩa trang quân đội Nam Việt Nam đã bị chính quyền cố ý san phẳng”, ông nói.

Mặc dù thời gian đã giúp cho thái độ của Hà Nội dịu đi và đã có tiến triển, Tiến sĩ Hall cho biết “những yếu tố nhạy cảm gia tăng” khiến cho việc tìm kiếm hài cốt trở nên khó khăn hơn.

Đại sứ Việt Nam tại Úc, Phạm Hùng Tâm, cho biết Hà Nội đã cho phép người thân khôi phục và di dời các ngôi mộ của binh lính Việt Nam Cộng Hòa tại các nghĩa trang như Bình An – trước đây là Nghĩa trang Quân đội Quốc gia Biên Hòa – hiện là nghĩa trang dân sự.

“Hàng ngàn ngôi mộ như thế này đã được người thân trùng tu, nhiều ngôi mộ trong số đó đã được đổ xi măng”, ông Tam nói với ABC News.

Ông cho biết thêm rằng nghĩa trang đã tiến hành các nỗ lực dọn dẹp và tân trang, bao gồm cả việc dựng các bàn thờ bằng đá.

Về thách thức lớn hơn trong việc tìm kiếm hài cốt, ông Tâm cho biết: “Nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt của những cá nhân này là rất lớn, đầy thách thức, tốn kém và mất thời gian.

“Thậm chí hàng ngàn liệt sĩ yêu nước (Bắc Việt) của chúng tôi vẫn còn mất tích.”

(Ảnh: VAF)

Thách thức trong việc tìm kiếm những người lính Nam Việt Nam

Theo Trung tâm Phi tiêu của Đại học Columbia, sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, ước tính có khoảng 165.000 binh lính đã được đưa đến các “trại cải tạo” ở Bắc Việt Nam, thực chất đó là những trại tù không án, và không thời gian trả tự do cụ thể.

Ông Hùng Trần, một người sống sót từ một trong những trại tập trung như vậy, mô tả đây là “nơi tra tấn” đối với những người chiến hữu Việt Nam Cộng Hòa của ông.

“Nhiều người chết vì đói, tra tấn hoặc bệnh tật. Họ được chôn cất trong những khu rừng và ngọn núi xa xôi, ngôi mộ của họ không có bia mộ”, ông nói.

“Gia đình họ không có cách nào tìm thấy họ, chứ đừng nói đến việc đưa họ về nhà. ”

Tiến sĩ Hall, một cựu chiến binh người Úc và là giảng viên danh dự tại UNSW Canberra, giải thích rằng việc tìm kiếm hài cốt của những người lính đã hy sinh sau Chiến tranh Việt Nam đặc biệt khó khăn.

“Đối với những người lính Việt Cộng, thi thể của họ thường vẫn nằm lại trên chiến trường”, ông nói.

“Họ không có báo cáo chi tiết hoặc địa điểm chôn cất chính xác như chúng tôi. Trong nhiều trường hợp, họ sẽ báo cáo về các vụ chôn cất một cách mơ hồ — như một đồn điền cao su hoặc một quận rộng hàng ngàn mét vuông.”

Các tổ chức như Quỹ Người Mỹ gốc Việt hơn 50 năm vẫn tiếp tục vận động trả lại hài cốt của những người lính Việt Nam Cọng Hòa cho gia đình họ.

Đến nay đã tìm thấy 504 hài cốt, và còn rất nhiều hài cốt khác đang chờ nhận dạng và trao trả.

Tổ chức này đã khai quật nghĩa trang trại cải tạo Láng Đá ở tỉnh Yên Bái vào năm 2010 và thu thập được 12 bộ xương, trong đó có 11 bộ xương có chứa DNA còn sống.

Một bộ xương người được đặt trước bức ảnh của một người lính Việt Nam Cộng Hòa sau khi khai quật thành công ở Việt Nam (Ảnh: VAF)

Hài cốt của một người lính Nam Việt Nam được tìm thấy vào năm 2006 trong khuôn khổ nỗ lực của Quỹ người Mỹ gốc Việt và một nhóm chuyên gia bao gồm một nhà khảo cổ học. ( Cung cấp: Quỹ người Mỹ gốc Việt – VAF )

Nhà khảo cổ học Julie Martin sau đó đã viết trên một tạp chí học thuật rằng một nhóm đã khai quật bộ xương và phát hiện ra những vật dụng cá nhân như bát gốm và bàn chải đánh răng trong nhiều ngày bất chấp điều kiện đất đai và khí hậu khắc nghiệt.

Nhưng ông Hùng Trần cho biết những nỗ lực vận động của Quỹ người Mỹ gốc Việt với chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam thường chậm chạp và gặp nhiều khó khăn.

Quỹ này đã đề xuất xây dựng lại Nghĩa trang Quân đội Quốc gia Biên Hòa, nhưng vẫn chưa có hồi đáp từ chính quyền CSVN.

“Chúng tôi không muốn bất kỳ sự phô trương hay chính trị nào, chỉ cần một nơi an nghỉ trang nghiêm,” Ông Hùng Trần cho biết.

Hai người đang dùng xẻng đào đất khô trong khi nhiều người khác đang nhìn theo.

Quỹ Người Mỹ gốc Việt đã thu hồi được 504 hài cốt của những cựu chiến binh Nam Việt Nam sau nhiều thập kỷ làm việc. ( Nguồn: Quỹ Người Mỹ gốc Việt )

‘Hà Nội muốn xóa bỏ chúng tôi’

Hàng năm, các cựu chiến binh Hoa Kỳ và Úc trở lại Việt Nam để tưởng niệm những người đã khuất.

Cựu chiến binh Úc trong Chiến tranh Việt Nam giúp tìm thấy những người lính đã bị chôn vùi từ lâu. Họ thậm chí còn tham gia vào các sự kiện kỷ niệm Trận Long Tân.

Đối với ông Hùng Trần, điều đó làm tăng thêm nỗi đau khi nhìn thấy mà không thể giúp những người đồng đội của mình được yên nghỉ.

“Làm sao những người cộng sản Việt Nam có thể tuyên bố hòa giải với kẻ thù cũ trong khi lại đối xử với chúng tôi – những người có cùng ngôn ngữ, màu da và lịch sử – như kẻ thù?

“Đây là sự tàn ác mà không ai ngoài người Việt Nam có thể thực sự hiểu được”, ông nói.

Nhưng ông Tâm của Đại sứ quán Việt Nam cho biết những người Việt ở nước ngoài, bao gồm cả những thành viên cấp cao của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, đã được chào đón trở về nước như một phần của nỗ lực hòa giải.

“Chính phủ Việt Nam luôn coi người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam”, ông nói.

(Ảnh: VAF)

Mặc dù các cựu chiến binh Úc có thể tưởng niệm những người đã ngã xuống ở Việt Nam, nhiều binh lính Việt Nam Cộng Hòa nói họ không bao giờ có được cơ hội như vậy.

Ông Hùng Trần cho biết việc tìm kiếm những người lính Nam Việt Nam mất tích vẫn là cuộc chiến lớn nhất mà ông từng chiến đấu.

“Chúng tôi không còn chính phủ nào đại diện cho chúng tôi nữa. Chúng tôi giống như cát bụi – mọi người đều muốn cuốn chúng tôi đi”, ông nói.

“Nhưng chúng tôi sẽ không ngừng chiến đấu. Những người chiến binh VNCH đó đã hy sinh mạng sống của mình vì điều họ tin tưởng. Họ xứng đáng được ghi nhớ.”


 

Sức mạnh của sự tha thứ –  TRẦM THIÊN THU

 TRẦM THIÊN THU

Một trong các khía cạnh tuyệt vời nhất của sự tha thứ là hệ quả tẩy rửa và cao quý, tạo nên tính cách của người tha thứ. Rõ ràng, người ta không chịu tha thứ vì chưa hiểu giá trị cao quý của lòng tha thứ. Người ta ít khi đạt tới đỉnh cao của sức mạnh và sự cao thượng nên khó loại bỏ cơn oán giận, khó tha thứ sai lầm của người khác. 

Chắc chắn sự trả thù không thể chấp nhận khi giải quyết xung khắc. Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu đưa ra phương pháp tốt nhất mà không cần phải trả thù: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5:7). 

Thánh Phaolô cũng khuyên: “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa: vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hoà thuận với mọi người. Anh em thân mến, đừng tự mình báo oán, nhưng hãy để cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa làm việc đó, vì có lời chép: Đức Chúa phán: Chính Ta sẽ báo oán, chính Ta sẽ đáp trả. Trái lại, kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống; làm như vậy, ngươi sẽ chất than hồng lên đầu nó. Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12:14-21). Thế nhưng nhiều người lại cho rằng đời sống thực tế phức tạp hơn nhiều, khó có thể yêu thương và tha thứ cho mọi người. 

Tuy nhiên, hãy cân nhắc các vụ khủng bố thường xuyên xảy ra và giết người bừa bãi ngày nay, đó là hậu quả của các cuộc xung đột giữa các quốc gia, sự tha thứ là khí cụ rất cần thiết để chữa lành các vết thương của thế giới đầy những thứ rắc rối này. Tha thứ là thách đố lớn vì hòa bình thế giới, tha thứ là điều cấp bách và không thể coi thường. Xã hội luôn cần có hòa bình và tha thứ. Các gia đình, các giáo xứ, các cộng đoàn tu trì, các hội đoàn, các nhóm, các tổ chức, các quốc gia, và cả cộng đồng quốc tế luôn rất cần sự tha thứ để phục hồi các hệ lụy đã bị rạn nứt hoặc bị tách rời

 Cựu Ước giới thiệu Thiên Chúa là Đấng “có lòng thương xót và hay tha thứ” (Đn 9:9). Đức Chúa là Thiên Chúa của ân sủng, thương xót không ngừng, và sẵn sàng tha thứ, mặc dù chúng ta “cứng đầu cứng cổ không vâng lệnh Chúa truyền, giả điếc làm ngơ, cũng chẳng thèm ghi nhớ những kỳ công Chúa làm” (Nkm 9:16). Trong Tân Ước, lòng tha thứ được thể hiện bởi Thánh Stêphanô và Thánh Phaolô, nhưng đỉnh cao và kiểu mẫu của sự tha thứ được diễn tả nơi Đức Giêsu Kitô. Trái tim tha thứ là biểu tượng của sự vĩ đại. Chúng ta có mẫu gương về sự chịu đựng, sự tử tế, lòng bác ái và lòng tha thứ mà Thiên Chúa đã tạo ra hoàn hảo nơi Chúa Giêsu, và chúng ta phải nỗ lực noi gương. 

Chúa Giêsu bị hành hạ, bị sỉ nhục, bị đội vòng gai, bị mỉa mai,… Nhưng Ngài vẫn chịu đựng mọi nhục hình mà con người áp đặt. Khi bị treo trên Thập Giá, Ngài đã nhìn những người lính Rôma bằng ánh mắt nhân từ và bênh vực họ trước mặt Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23:34).

 Chúa Giêsu đã tha thứ cho chúng ta đến giọt máu cuối cùng, vô điều kiện, thế thì chúng ta không thể không thương xót và không tha thứ cho nhau!

 TRẦM THIÊN THU

 (Viết theo DivineMercy.org)

From: NguyenNThu

Sống và yêu –  Trầm Thiên Thu

 Trầm Thiên Thu

 Chị Brittany Maynard, 29 tuổi, được chẩn đoán có khối u ác tính trong não ở giai đoạn 4 từ hồi tháng 4-2014, và bác sĩ nói chị chỉ còn sống thêm trong vòng 6 tháng.

 Ngày 1-11-2014, chị sẽ kết thúc cuộc đời với sự trợ tử của bác sĩ bằng phương pháp “an tử” (làm cho chết êm ái). Chị cho biết rằng chị không muốn chị và gia đình chịu nỗi đau khổ vì chứng ung thư não của chị. Chắc chắn đây là tình cảm tốt đẹp khi người ta không muốn những người thân chịu đau khổ, nhưng đó không phải là cách yêu thương! 

Các phương tiện truyền thông hết lời ca tụng quyết định của Brittany là can đảm. Thật mắc cười khi các phương tiện truyền thông khen chị dám chết vì không muốn gia đình đau khổ, và kêu gọi những người khác hủy hoại sự sống mà không cần bác sĩ trợ tử. Nhưng các phương tiện truyền thông ca tụng một phụ nữ trẻ mới kết hôn mà lại muốn chết chứ không muốn sống. Các phương tiện truyền thông ca tụng sự chết, dù đó là phá thai, an tử, hoặc trợ tử, họ gọi đó là sự chọn lựa, sự tự do, hoặc sự can đảm. Tuy nhiên, Thiên Chúa cấm chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể là gánh nặng cho người khác vì sức khỏe giảm sút hoặc cần được chăm sóc về y tế.

 Sợ hãi là động lực có thật: Sợ những gì ở phía trước, sợ đau khổ, sợ không thể kiềm chế,… Các phương tiện truyền thông và xã hội muốn chúng ta sống trong nỗi lo sợ vì nỗi lo sợ khiến chúng ta phải kiểm soát. Nỗi lo sợ biến chúng ta thành nô lệ dưới chiêu bài của sự tự do, sự can đảm, và sự tự tha thứ cho mình. Nỗi lo sợ xoay chúng ta hướng vào bên trong (tự hướng nội) và làm cho chúng ta tin rằng mình đáng bị thu nhỏ lại.

 Chân phước Chiara Luce Badano đã không sống trong nỗi lo sợ mặc dù Chị chịu đau khổ và chết vì chứng ung thư xương rất đau nhức khi còn ở độ tuổi thiếu niên. Thay vì đầu hàng nỗi đau đớn thể lý, Chị đã chịu đựng đau khổ và nhìn cha mẹ thấy Chị chống chọi với bệnh tật. Chị dùng đau khổ để thánh hóa chính mình và những người khác. Chị dùng đau khổ làm phương tiện để hy vọng.

 Ngược lại, chị Brittany Maynard lại dùng đau khổ làm phương tiện để tuyệt vọng! Buồn biết bao khi Brittany cho phép bóng tối làm tiêu tan chính mình. Chân phước Chiara được một người bạn đặt cho biệt danh Luce khi Chị gia nhập phong trào Focolare, vì Chị là ánh sáng cho người khác. Chị như ánh đuốc soi sáng trong bóng đêm của cuộc sống này để đi tới Chúa Giêsu và sự sống đời đời.

 Các phương tiện truyền thông chẳng bao giờ ca tụng những loại ánh sáng này của con người. Bạn sẽ không bao giờ nghe nói về những con người thầm lặng chịu đau khổ trên đời này, hoặc thời gian kỳ diệu mà họ cố gắng sống tốt, và hôm nay họ vẫn sống vô thường dù ngày mai họ sẽ chết, họ sống như thể là bất tử. Những con người này là những ánh đuốc sáng thực sự trong thế giới này, họ đối diện với bóng tối và tuyên bố: “Mi cứ làm điều tồi tệ nhất! Tôi sẽ không bị hủy diệt”. Những người này sống trọn vẹn tình yêu thương, hoàn toàn biết từ bỏ mình, ngay cả khi họ phải đối diện với tử thần, họ không bao giờ chịu thua sự cám dỗ của nỗi thất vọng, vì họ biết rằng SỰ SỐNG và TÌNH YÊU đáng tận hưởng. Dù sao thì cuộc đời cũng vẫn đáng sống, không đáng chấm dứt.

 Bạn sẽ chẳng bao giờ nghe nói về những con người như Ginnie Levin. Chị được chẩn đoán bị ung thư vú, mặc dù cắt cả hai vú và các khối u, chứng ung thư vẫn di căn tới nhiều bộ phận khác trên cơ thể. Chỉ còn ít thời gian ngắn ngủi trên thế gian này, chị muốn dành tất cả cho gia đình. Người bà và người mẹ của chị đã chết vì ung thư, người cha của chị cũng đang phải điều trị ung thư. Ginnie muốn tới thế giới của Walt Disney với gia đình một lần nữa, tạo ký ức vui mừng một lần cuối. Xin mọi người hãy cầu nguyện nhiều cho chị Gennie Levin!

 Trong một thế giới ca tụng việc hủy hoại sự sống, chúng ta hãy ca tụng Sự sống. Hãy tạo sự khác biệt trong cách sống của chúng ta hôm nay!

 Thánh nữ Teresa Margaret Thánh Tâm Chúa (Dòng Kín Chân Đất, 1747-1770) nói: “Không có gì phải than phiền, tôi sẽ chịu đựng mọi thứ vì yêu mến Chúa, tôi không có gì phải lo sợ”. Chân phước Chiara Luce được an táng với chiếc áo cưới vì Chị sẽ đi gặp Đức Lang Quân là Chúa Giêsu trong cõi trường sinh. Chết lúc mới 19 tuổi vì bệnh trầm kha, nhưng chân phước Chiara Luce vẫn khả dĩ nói: “Tôi không còn lại gì, nhưng tôi vẫn còn trái tim, và tôi có thể yêu thương bằng trái tim đó”.

 Chị Chiara Luce Badano sinh ngày 29-10-1971 tại ngôi làng nhỏ Sassello ở Ý quốc, qua đời ngày 7-10-1990 sau một năm đau đớn vì chứng ung thư xương. Chị được Giáo hội tôn phong chân phước ngày 25-9-2010.

 TRẦM THIÊN THU 

(Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)

From: NguyenNThu

  Ta chỉ sống được một lần duy nhất

Những Câu Nói Hay Về Cuộc Sống

  Ta chỉ sống được một lần duy nhất

Hãy mỉm cười chào đón mỗi ngày vui

Cảm ơn đời khi thức giấc vươn vai

Vẫn khỏe mạnh và bình an, vui vẻ.

 

Bởi cuộc sống biết bao là dâu bể

Bao đua chen, ganh ghét bởi miệng đời

Đúng đúng, sai sai đâu dễ phân đôi

Nên đôi lúc cũng chẳng cần giải thích.

 

Ở ngoài kia bao nhiêu là số phận

Bão gió dập vùi khổ lụy bi ai

Sống hôm nay đâu thể biết ngày mai

Ta đâu biết ngày cuối cùng ta sống.

 

Nên nếu được sống vui, không thù hận

Làm điều mình yêu thích, chẳng hại ai

Buông bỏ đi những toan tính ở đời

Để nhắm mắt được thảnh thơi tự tại.

 

Ghé trần gian, không ai người ở lại

Hãy mỉm cười trân trọng lấy thời gian

Cuộc sống kia có khổ cực cơ hàn

Ta cứ nghĩ cuộc chơi… Đầy thử thách….!

Sưu tầm

Sống Và Suy Ngẫm


 

TẠI SAO BUỘC MÌNH GIÀ? TG: Nguyễn Ngọc Yến

Công Tú NguyễnChuyện tuổi Xế Chiều

TG: Nguyễn Ngọc Yến

Chị của mình hỏi mình một câu thằng thừng không tránh né

” Bô mày không biết mày già hả Yến? Tao thấy mày chụp hình ẹo qua ẹo lại tao mắc cở quá “

Tôi im lặng không dám trả lời nhưng trong lòng cứ thắc mắc

” Tại sao mình phải già? Và tại sao lớn tuổi không được tạo dáng khi chụp hình? Tại sao già không được mặc quần áo đẹp? Tại sao già không được rong chơi?

Suy nghĩ tích cực là một trong những điều cần thiết để người lớn tuổi tự tin hơn. Tập luyện thân thể để chống lão hoá, ngăn chặn bệnh tật và để giữ cho thân thể dẻo dai khỏe mạnh.

Chúng ta không cố ý khoe dáng vì ở tuổi 70 thì có còn sức hút gì với các lão công công?

Và cũng không phải để người khác khen đẹp.

Nhan sắc  và địa vị xã hội ở tuổi 70s đã trở thành vô giá trị đổi với những người đã có đủ tiền tiết kiệm và tiền hưu để không phải vất vả mưu sinh.

Bạn giàu bạn cũng không thể xài hết tiền.

Tôi nghèo cũng được 2 chén cơm mỗi ngày.

Chúng ta chỉ muốn biết được rằng với vòng eo nhỏ là số ngày tháng sống còn vài năm nữa, cái lưng chưa khòm là bệnh loãng xương chưa trầm trọng. Còn khoe đùi được là chưa bị suy giản tĩnh mạch.

Thật ra không phải Chúng ta muốn chối bỏ tuổi già. Nó sờ sờ ra đó,  làm sao mà trốn cho được.

Nhưng mà

Cả một đời khổ cực trả hiếu cho mẹ cha, nuôi dạy con cái, giờ đây con đã trưởng thành,  cha mẹ không còn nữa…

Thì chúng ta phải tự chăm sóc và yêu thương bản thân thôi. Muốn sống khỏe thì chăm cho thân thể đẹp và nhìn thấy mình đẹp là một nguồn hạnh phúc không tốn tiền cũng không làm tổn thương hay tổn hại đến ai. Quần áo cũ bỏ đi thì phí…thôi thì không luật Pháp nào cấm người cao tuổi mặc áo đầm hay Quần shorts. Nó vừa đẹp vừa gọn nhẹ trẻ trung lại dễ giặt.

Người ta cũng thắc mắc tại sao già rồi mà không mang dép hay giày thời trang mà lại mang giày thể thao? Bà già gì chẳng giống ai? Xin thưa

” Giày thể thao vừa nhẹ nhàng vừa êm chân lại có độ bám cao nên không sợ trơn trợt té ngã, tổn hại thân thể.

Thế thôi

Hỡi những người cao tuổi

Chúng ta đã sống trọn một đời người cho cha mẹ,  cho xã hội,  cho chồng,  cho con,  giờ đây còn lại những ngày tháng ngắn ngủi, hãy bao dung cho chính mình và cho những người chung quanh để cả mình cả người cùng hanh phúc .

Ảnh st.


 

Dân Mỹ phải kiếm được bao nhiêu tiền để được coi là trung lưu?

Ba’o Nguoi- Viet

March 24, 2025

SUITLAND, Maryland (NV) – Nếu có lợi tức sáu con số thì một gia đình chưa chắc khá giả, mà trong nhiều trường hợp, đó chỉ được coi là thuộc thành phần trung lưu.

Tại tất cả tiểu bang ở Hoa Kỳ, để được coi là có mức lợi tức cao nhất của thành phần trung lưu, các gia đình phải kiếm được hơn $100,000, SmartAsset cho biết trong một phân tích về dữ liệu lợi tức mới nhất năm 2023 do Cơ Quan Thống Kê Dân Số Hoa Kỳ USCB công bố, theo NBC.

Phúc trình này tính toán số liệu trong cả 50 tiểu bang, dựa trên định nghĩa do Pew Research đưa ra về thành phần gia đình trung lưu có mức lợi tức cao nhất: con số cao gấp hai phần ba cho tới tới gấp đôi mức trung vị (median).

Gia đình đi chơi ngoài biển. (Hình minh họa: Ray Bilcliff/Pexels)

Theo tiêu chuẩn đó, Massachusetts có mức lợi tức theo thành phần trung lưu cao nhất, vượt qua New Jersey so với bảng xếp hạng năm ngoái. Một gia đình tại Massachusetts cần kiếm từ $66,565 tới $199,716 để được coi là trung lưu, trong đó mức cao nhất tăng gần $11,000 so với phúc trình trước đó.

California thì một gia đình trung lưu có mức lợi tức trung vị là $95,521, trong khoảng từ $63,674 tới $191,042. 

Kể cả khi ngày càng có nhiều gia đình kiếm được mức lương sáu con số, nhiều người thuộc thành phần trung lưu vẫn cảm thấy áp lực. Mặc dù mức lương theo lạm phát tăng lên từ năm 2022, nhưng những lợi ích đó phần lớn bù vào chi phí gia tăng từ lúc Covid-19 dậy lên vào năm 2020.

Đặc biệt, nhà ở và thức ăn ngày càng đắt đỏ hơn. Từ Tháng Giêng 2020 tới Tháng Mười Hai 2024, giá nhà tăng 52%, theo Chỉ Số Giá Nhà Quốc Gia Case-Shiller tại Hoa Kỳ, còn giá thức ăn tăng 30%, dựa trên dữ liệu Chỉ Số Giá Tiêu Thụ CPI. Trong cùng thời kỳ, tổng mức lạm phát tăng 25%.

Chi phí tăng cao góp phần giải thích lý do vì sao hai phần ba người Mỹ thuộc thành phần trung lưu cho biết họ đang gặp khó khăn về tài chánh và không nghĩ rằng tình hình sẽ khá khẩm, Liên Minh Chi Phí Sinh Hoạt Thực Tế Quốc Gia cho biết trong một khảo sát năm 2024.

Từ đó cho tới nay, lạm phát hàng năm duy trì quanh mức 3%, vẫn cao hơn mục tiêu 2% do Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Fed đề ra, nhưng thấp hơn nhiều so với mức cao nhất 9.1% vào Tháng Sáu 2022. Tuy nhiên, dù tình trạng tăng giá có chựng lại, nhưng tác động dồn nén trong nhiều năm qua làm xói mòn sức tiêu thụ của nhiều người Mỹ. Do đó, lợi tức sáu con số có thể không còn dư dả để bảo đảm cuộc sống sung túc như trước kia. (TTHN)