THẦY Ở CÙNG ANH EM MỌI NGÀY

THẦY Ở CÙNG ANH EM MỌI NGÀY

Nếu trời là nơi Chúa ngự thì chẳng có gì gần ta bằng trời.  Trời ở quanh ta, trời ở trong ta…  Trời vượt xa đất muôn trùng, nhưng nếu đất trở thành nơi Chúa ngự thì đất cũng mang dáng dấp của trời.

Thiên Chúa không phải là Đấng chỉ thích ở trên trời.  Ngài thích con người, Ngài thương trái đất, nên Ngài đã sai Con Ngài làm người ở đời.

Đức Giêsu Con Thiên Chúa đã đặt chân lên trái đất.  Đất chẳng xa lạ gì với Ngài, vì nhờ Ngài mà nó được tạo dựng.

Đất đã bắt đầu thành trời từ khi Con Thiên Chúa đến dựng lều ở đó.  Đất vẫn luôn thuộc về trời vì Đức Giêsu luôn ở với ta cho đến tận thế.

Trời là mẫu mực của đất: Ý Cha phải được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.  Chỗ nào vâng theo ý Cha, chỗ đó thành trời.

Trái tim của chúng ta cũng phải trở thành trời, phải đầy ắp yêu thương, đầy ắp Thiên Chúa.

Rốt cuộc, nhiệm vụ của người Kitô hữu là xây dựng trời cao ở ngay nơi đất thấp, là cho thấy rằng trời cao thật gần, chứ không phải là sản phẩm của hoang tưởng.

Trời cao đã gần bên, chỉ người Kitô hữu biết sống cho nhau chân tình, chia sẻ cho tha nhân tất cả những gì mình có, không bị mê hoặc bởi của cải lợi danh, không bị kéo ghì bởi những đam mê xác thịt, cũng không chùn bước trước cái chết, khổ đau.

Chúng ta phải làm chứng về thiên đàng có thực bằng cuộc sống vui tươi hạnh phúc ở đời này.

Hạnh phúc khi hy sinh, tự hiến, khi chịu thua thiệt, mất mát, lãng quên.

Hạnh phúc cả khi tưởng như không thể nào hạnh phúc được.  Hạnh phúc như thế gợi mở về hạnh phúc viên mãn đời sau.

Chúng ta không thể làm chứng về thiên đàng mai hậu bằng một cuộc sống ủ rủ, buồn phiền.

Thiên đàng mai sau chớm nở từ bây giờ.  Tôi chỉ được hạnh phúc sống đời sau bên Chúa, nếu tôi đã bắt đầu sống bên Chúa từ đời này.

Có một thiên đàng nho nhỏ ở trong tôi: “Ai yêu mến Thầy, Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và dựng nhà nơi người ấy” (Ga 14, 24).

Tôi muốn xây những thiên đàng nho nhỏ ở quanh tôi, nơi gia đình, bè bạn; nơi phố chợ, học đường… mong có ngày cả trái đất này ngập tràn sự hiện diện của Thiên Chúa.

**********************************

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu trái đất này, và đã sống trọn phận người ở đó.

Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc, sự bị đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời, nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu, chúng con thấy mình được thêm sức mạnh để xây dựng trái đất này, và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa, xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời không làm chúng con quên trời cao; và những vẻ đẹp của trần gian không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con, mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

Trích trong “Manna

From: ngocnga_12 & Anh chi Thu Mai goi

CHỖ Ở CỦA TA

CHỖ Ở CỦA TA

Anh em đừng xao xuyến!  Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.  Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.  Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” — Gioan 14:1-3

Bài đọc này của Phúc Âm Gioan thường được dùng ở đám tang để nói lên sự hy vọng của mỗi một người có một chỗ ở trong tình thương của Thiên Chúa khi nhắm mắt lìa trần vì đó là lời hứa của Đấng đã Phục Sinh, một chỗ ở được hứa hẹn vì công nghiệp của Ngôi Lời Nhập Thể.  Tuy nhiên, bài đọc này không chỉ dành cho người quá cố mà cho tất cả mọi người chúng ta.  Như vậy đối với chúng ta là những người còn sống, Thánh Sử Gioan muốn nhắc nhở gì qua bài đọc này và Con Một Thiên Chúa hứa hẹn gì với mỗi người chúng ta?  Hơn nữa, “chỗ ở” mà Chúa Giêsu nhắc đến là chỗ nào?  Nó có chiếm một phần nào trong không gian, và chúng ta có được chạm đến “chỗ ở” đó khi còn sống, hay nó là một nơi mơ hồ mà chúng ta chẳng bao giờ nghĩ đến và để mặc cho linh hồn chúng ta tự đi tìm lấy khi nó lìa trần?

Trước hết, là Kitô Hữu chúng ta được mời gọi tham dự vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu và sống niềm vui Phục Sinh trong tâm tình tin, cậy, và mến.  Chúng ta cũng đừng để tâm hồn ta xao xuyến nhưng hãy tin rằng chúng ta sẽ có một chỗ ở ngay khi còn sống.  Phải chăng “chỗ ở” mà Chúa Giêsu ám chỉ ở đây chính là tâm hồn của mỗi người.  Có lẽ đây là điều mà Thánh sử Gioan muốn nhắm tới và là điều Chúa Giêsu ao ước cho mỗi người chúng ta.  Chúng ta sẽ có một chỗ trong con tim của những người mà chúng ta gặp hàng ngày; cũng thế, trong con tim của chúng ta sẽ có chỗ cho những người chúng ta gặp trong cuộc sống.

Trong tâm tình sống mầu nhiệm Phục Sinh, tâm hồn chúng ta sẽ là chỗ nương tựa cho nhau, nơi chúng ta cùng nhau chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của hành trình làm người, nơi mà chúng ta thật sự đón tiếp người thân cũng như kẻ qua đường với một con tim rộng mở và bao dung.  Chúng ta sẽ không nhìn họ với thành kiến riêng tư, với những hờn giận, với những  ý nghĩ so sánh và ích kỷ, với những thèm muốn nhục dục và sắc diện ngoại hình, hoặc với những ham muốn thoả mãn bản thân.  Nhưng trước tiên chúng ta sẽ biết dành một chỗ trong con tim của mình cho người chúng ta gặp và tôn trọng phẩm giá con người của họ.

Chúa Giêsu đã hứa là Ngài sẽ đi dọn chỗ cho chúng ta, và đúng vậy, qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, Thiên Chúa Con sẽ đến và chính Ngài sẽ dọn sạch tâm hồn của mỗi người hầu chúng ta biết nhận ra hồng ân của Thiên Chúa nơi mỗi người.  Mặc dầu được dọn sạch tâm hồn của chúng ta là điều mà Chúa Giêsu hằng mong ước, Ngài cần sự hợp tác của chúng ta qua sự tự do lựa chọn của mỗi người.  Có lẽ câu hỏi cấp bách mà chúng ta nên tự hỏi chính mình đó là “Chúng ta có thật sự muốn cho tâm hồn chúng ta được sạch không?” (cf. Lc 5:12-13).

Chúng ta có muốn gạt đi thành kiến của mình để biết nhìn mọi sự như nó cần được nhìn không?  Chúng ta có muốn đón nhận bạn bè trong tâm tình tha thứ mặc dầu chúng ta chưa quên đi điều mà chúng ta chưa hài lòng không?  Chúng ta có muốn đón nhận hành trình thiêng liêng của con cái trong tâm tình tri ân hay còn muốn bám lấy thất vọng trong sự ích kỷ vì chọn lựa của chúng không như ta mong muốn? Chúng ta có muốn quên đi chính mình để đón nhận tài năng và vẻ đẹp của kẻ khác hay lòng chúng ta còn ham muốn những gì không thuộc về mình? Chúng ta muốn nhìn người khác trong hồng ân tạo dựng hay chúng ta còn muốn dùng họ để thoả mãn chính mình cho dù đó là những khao khát thầm kín bên trong?

Thật vậy, khi lòng chúng ta chưa sẵn sàng để được dọn sạch vì một lý do nào đó thì Chúa Giêsu luôn bên cạnh trông chờ ngày chúng ta cho ánh sáng Phục Sinh len vào hầu Ngài có thể dọn tâm hồn chúng ta.  Vì ngày nào chúng ta chưa muốn Đấng Phục Sinh giải phóng chính mình thì ngày đó chúng ta còn xiềng xích chúng ta và người khác vào những thành kiến, ganh tị, so sánh, dục vọng của mình, và tâm hồn chúng ta chẳng có chỗ cho người mà đang cần sự đón nhận đích thực của chúng ta.

Nguyện xin niềm vui và ánh sáng Phục Sinh len lỏi vào tâm hồn và giải thoát chúng ta hầu tâm hồn của chúng ta trở nên Đền Thờ của Thiên Chúa, nơi mà lời hứa của Chúa Giêsu trở thành hiện thực. Tâm hồn chúng ta sẽ là chỗ mà Thiên Chúa gặp gỡ người khác, là nơi hẹn hò giữa Chúa Giêsu và những ai khao khát được tìm thấy và ở bên Ngài. Amen!

Củ Khoai

From: ThiênKim & Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

SỰ SỐNG MỚI – HIỆN DIỆN MỚI

SỰ SỐNG MỚI – HIỆN DIỆN MỚI

TGM Ngô Quang Kiệt

Có lẽ nhiều người ngạc nhiên tự hỏi: sao trong bài Phúc Âm lễ Thăng Thiên hôm nay, chẳng thấy nói gì đến trời, đến bay lên?  Thắc mắc như vậy là hợp lý.  Ta vẫn quen gọi hôm nay là lễ Chúa Giêsu lên trời.  Và theo quan niệm bình dân, không gian chia làm ba tầng.  Tầng dưới đất là âm ty, địa ngục, dành cho người chết.  Tầng mặt đất mà ta đang sống là dương gian.  Và tầng trên mặt đất là trời.  Chúa Giêsu đã sống trên mặt đất, khi chết Người bị chôn trong lòng đất, đi vào cõi âm ty.  Sống lại, Người trở lại mặt đất.  Và hôm nay Người được đưa lên trời, bay lên đám mây, ngự bên hữu Chúa Cha.

Đó chỉ là một lối diễn tả bình dân.  Thực ra, trời đâu phải là một nơi chốn.  Con người có thân xác, bị giới hạn trong không gian, cần một nơi chốn để cư ngụ.  Thiên Chúa không bị giới hạn trong không gian thì đâu còn bên tả bên hữu gì nữa.

Vậy, tại sao ta nói Chúa Giêsu lên trời?  Lên trời ở đây có ý nghĩa gì?

Trời không phải là một nơi chốn, nhưng là một trạng thái, trong đó Ba Ngôi Thiên Chúa sống chan hoà yêu thương.  Sự sống của Thiên chúa không giống sự sống của cây cỏ.  Cũng không giống như sự sống của động vật hay loài người.  Đó là sự sống thần linh.  Sự sống vượt không gian, vượt thời gian, không còn bị lệ thuộc vào điều kiện vật chất.  Sự sống không còn bị hao hụt, giảm thiểu bởi đau đớn, bệnh tật, đói khát.  Đó là sự sống viên mãn tràn đầy.  Được tham dự vào sự sống ấy là một hạnh phúc vô song. Đó chính là thiên đường.  Lên trời hay lên thiên đàng như vậy không phải là thay đổi nơi chốn nhưng là thay đổi sự sống.  Đó là chuyển đổi sự sống hữu hạn của con người sang sự sống vô hạn của Thiên Chúa.  Đó là rời bỏ thế giới hữu hạn của loài người để bước vào thế giới vô hạn của Thiên Chúa.  Đức Giêsu lên trời có nghĩa là Đức Giêsu về với Thiên Chúa, sống với Thiên Chúa, sống cuộc sống Thiên Chúa.  Lên trời không phải lên theo chiều cao trong không gian vật lý.  Nhưng là lên theo cấp độ sự sống, là sống cao hơn, mạnh mẽ hơn, tràn đầy hơn.

Chính vì thế, Chúa Giêsu lên trời không phải giã từ thế giới, để đi vào xa vắng mịt mù.  Nhưng Người không đi vào một hiện hữu mới để hiện diện mãnh liệt hơn.  Không còn bị kềm chế trong không gian, giờ đây Người hiện diện ở khắp mọi nơi . Không còn bị lệ thuộc vào một thân xác, giờ đây Người có thể hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau.

Người ở đó trong những trang Sách Thánh đầy lời lẽ nhiệm mầu để dạy cho ta biết con đường về với Thiên Chúa. Người ở đó trong bí tích Thánh Thể huyền diệu để nuôi linh hồn ta, để kết hợp với ta, để giúp ta đủ sức mạnh đi hết con đường trần gian khổ.  Người ở đó trong những người anh em đồng tâm nhất trí cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha.  Người ở đó trong những anh em bé nhỏ nghèo hèn đang chờ chúng ta mở rộng trái tim, mở rộng vòng tay nhân ái.  Người ở đó trong những người hiến thân phục vụ anh em, trong những người hy sinh bản thân mình cho công bình, cho chân lý, cho một thế giới tươi đẹp hơn.  Người có mặt trên khắp mọi nơi nẻo đường, trong tất cả mọi cảnh ngộ của cuộc đời.  Người có mặt trong mọi thời gian đúng như Người đã hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Bây giờ thì chúng ta đã hiểu: Trời không phải là một nơi chốn xác định, là một không gian vật lý có thể cân đo đong đếm.  Nhưng trời là Thiên đàng, là chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, là chính Thiên Chúa Ba Ngôi.

Bây giờ chúng ta đã hiểu lên trời không phải là bay bổng lên không gian.  Nhưng là chuyển đổi cấp độ sự sống, hay là bước vào sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa.

Bây giờ thì chúng ta đã hiểu, lên trời không phải là vắng mặt, là xa vắng nhưng lại là một hiện diện vô cùng phong phú, vô cùng mãnh liệt, ở bên cạnh tất cả mọi người, ở mọi nơi và ở mọi thời.

Chúa Giêsu là người mở đường cho nhân loại.  Người tiến về một thế giới sự sống viên mãn, cao cả để cho ta thêm niềm tin tưởng rằng: vận mệnh của Người cũng sẽ là vận mệnh của ta.  Ta cũng sẽ được cùng Người bước vào sự sống thần linh vĩnh cửu, miễn là ta đi vào con đường của Người: con đường khiêm nhường phục vụ.  Miễn là ta vâng giữ lời Người truyền dạy: Hãy yêu tha nhân như chính bản thân mình.

Lạy Đức Giêsu, xin hãy nâng lòng con lên khao khát những sự trên trời.  Amen!

TGM Ngô Quang Kiệt

From: suyniemhangngay1 & Anh chị Thụ Mai gởi

HÃY GIỮ LẤY LỜI THẦY

HÃY GIỮ LẤY LỜI THẦY

Chúa Nhật VI Phục sinh A

Tác giả: Lm. Vinh Sơn, scj

 

Thánh Phanxicô Assisi có lòng mến Chúa và yêu người rất sâu xa. Một hôm, ngài gặp một người bạn, có lẽ anh đã gặp nhiều thử thách trong đời, vì thế anh chia sẻ với Phanxico  rằng anh không thể nào yêu mến Thiên Chúa được…

Đang khi hai người đi đường thì gặp một người hành khất vừa mù vừa què ngồi bên lề đường.

Ngài dừng lại hỏi người hành khất:

“Này anh, nếu tôi chữa cho anh thấy được và đi được thì anh có yêu mến tôi không?”.

Người hành khất trả lời:

“Dạ thưa ngài, không những tôi yêu mến ngài, mà tôi còn xin dâng hiến trọn phần còn lại của đời tôi để phục vụ ngài”.

Nghe câu trả lời của người hành khất, thánh Phanxicô quay sang nói với người bạn:

“Đấy anh thấy không, người hành khất này chỉ thấy được, đi được mà còn hứa với tôi như thế huống hồ là anh, anh không những được Chúa dựng nên với chân tay mắt mũi lành lặn, Ngài còn chịu chết để cứu chuộc anh nữa, đang khi đáng lý ra anh phải chết vì tội của anh, vậy mà anh lại không yêu mến Chúa sao?”.

Yêu Chúa, đó là bổn phận của mỗi người chúng ta với Đấng tạo dựng chúng ta giống hình ảnh Ngài, và đã yêu thương, hiến mạng sống của mình cho chúng ta, Thánh Phaolô đã nhấn mạnh: Chúa Giêsu yêu chúng ta trước đến nỗi Người đã chết cho chúng ta trong khi chúng ta còn là những người tội lỗi (x. Rm 5, 8). Một tình yêu vĩ đại, như Người đã tự hiến “Không ai có tình yêu cao trọng hơn tình yêu này, là hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13).

Những lời mời gọi yêu mến trong Tin mừng Gioan 14, 15-21 ghi nhận những tâm tình được trích từ diễn từ giã biệt các môn đệ của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi Người bị bắt và chịu chết (x. Ga 13, 31 – 16, 33). Có thể nói đó như là những lời di chúc của Chúa Giêsu cho các môn đệ -những người đặt niềm tin vào Ngài. Trong đoạn Tin Mừng Gioan 14, 15-21, chúng ta đã thấy Chúa Giêsu lặp lại đến năm lần từ “yêu mến”. Yêu mến trở thành mối quan hệ thân thiết, thẳm sâu giữa môn đệ và Thầy, Yêu mến đưa đến sự hoà nhập nên một với thầy: “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (Ga 14, 20). Một sự hiện diện đem lại sức sống dồi dào: “Vì Thầy sống và anh em cũng sẽ sống” (Ga 14,19) như Lời Người đã khẳng định mãnh liệt : Ngài đến để chúng ta sống và sống dồi dào hơn (x. Ga 10, 10). Hơn nữa Thầy sẽ mặc khải bí nhiệm nước Trời cùng sứ mạng của Thầy :“Thầy sẽ tỏ mình ra cho anh em thấy Thầy (Ga 14, 20 – 21).

Yêu là tuân giữ Lời của Thầy: Tình yêu không dừng lại ở cái nhìn thấy hay chỉ là tình cảm suông hoặc xúc động thuần túy như là một cảm xúc chỉ lưu lại ở trong trái tim. Tình yêu là nội lực và luôn thúc đẩy dẫn tới hành động. Tình yêu không có hành động là tình yêu không sức sống, là tình yêu lý thuyết, tình yêu chết… Hành động là bằng chứng của tình yêu đích thực như Thánh Grégoire le Grand đã khẳng định “Bằng chứng của tình yêu là chứng nhân qua những công trình. Không bao giờ tình yêu của Thiên Chúa cư ngụ trong nhàn rỗi. Khi tình yêu hiện hữu, tình yêu luôn làm những sự việc lớn lao”( homélie XXX).

Giữ các giới răn là chúng ta ở với Chúa và Chúa ở với ta, là lưu lại trong tình yêu của Chúa. Người theo Chúa Kitô làm thành đạo của tình yêu: yêu Chúa và yêu người. Tình yêu sẽ chắp cho chúng ta đôi cánh để bay lên cao.

Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ các giới răn của Thầy. Ai giữ các giới răn của Thầy mới là người yêu mến Thầy”. Gần nhất, và quan trọng nhất, giới răn mà Ngài mời gọi tuân giữ, theo văn mạch của Tin Mừng Gioan, Ngài vừa trao ban cho các môn đệ, và qua các ông cho tất cả chúng ta qua mọi thời đại : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34), và Ngài nhắc lại rất trang trọng (x. Ga 15, 12). Đức Kitô nhấn mạnh : “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm nầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Cho nên, yêu thương anh chị em và tất cả những người lân cận là người giữ giới răn Chúa và thật sự yêu mến Ngài. Mến Chúa dẫn đến yêu anh em, Thánh Gioan diễn giải nhân qủa sự yêu mến này rõ hơn nữa khi xác tín: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).

Đức Giêsu khẳng định : “Ai giữ các giới răn của Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến. Cha và Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ đến và ở trong người ấy” (Ga 14, 21). Chính sự yêu mến và giữ giới răn làm thành tương quan thẳm sâu giữa chúng ta với Chúa Giêsu: tình yêu gắn bó và tình yêu Thầy – trò cấu tạo nên tương quan với Chúa Cha trong chính Chúa Giêsu.

Tình yêu gắn bó và đồng hóa với Chúa Kitô và nên một với Chúa Cha trong Chúa  Thánh Thần. Chính Ngài là Đấng Bảo Trợ mà Chúa Giêsu hứa ban, đặt trong chúng ta tâm tình con thảo, sức sống tình yêu gắn bó mà Chúa Cha mong đợi nơi chúng ta – những người yêu mến Con Ngài và giữ lời của Ngài trở nên chính người con như thánh Phaolô nói: “ai được Thần khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8, 14)”.

Người con nhận lấy Thần Khí, để không phải trở nên nô lệ, bị sợ hãi ; nhưng mang tinh thần của Thần Khí (x. Rm 8, 15) mà Thánh Phaolô đã viết: “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 22-23). Ngài còn khẳng định : “….Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi! “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8, 15b- 16).

Như vậy, với yêu mến Chúa Kitô, sống tương quan với thầy, qua thầy với cha, được trao Thần Khí, chúng ta trở nên con, thì đời sống vĩnh cửu đã bắt đầu. Cuộc sống ngừơi con  như lời khẳng định của hai tác giả M.E.Boismard và A. Lamouille : “ngay trên trần gian này đã tương đương với cuộc sống của Đấng Phục Sinh, đã thông phần với cuộc sống của chính Thiên Chúa, với cuộc sống của Chúa Ba Ngôi. cuộc sống họ là một sự hiệp thông, trong tình yêu, với từng ngôi Thiên Chúa đang ở trong họ.” (M.E.Boismard và A. Lamouille, “Tin Mừng thánh Gioan” Cerf, p.360). Đó là cuộc sống ngập tình yêu…

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI khẳng định Tình yêu dẫn tới hạnh phúc và tự do: “Con người được giải thoát bởi tình yêu. Điều này đúng ngay cả đối với thế giới ngày nay. Khi một người cảm nghiệm được một tình yêu cao đẹp trong đời, đó là giây phút người ấy được ‘ giải thoát’, là giây phút đem đến một ý nghĩa mới cho cuộc đời… »

Xin cho chúng con, một tình yêu sắc son, theo lệnh truyền của Đức Kitô : yêu Chúa là tuân giữ Lời, là sống bằng con tim với đời, với anh em bằng một tình yêu sắc son và mãnh liệt như xác tín của thánh Phaolô : “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Chúa Kitô, phải chăng là gian truân, khắc khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?”… Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta… » (Rm 8, 35. 37).

Thật thế, tiếng thì thầm luôn vang vọng trong tâm:

Ngày đó người nói với riêng tôi,

Rằng thiếu tình-yêu thì vô-nghĩa,

Cuộc đời sẽ chỉ là một nhánh sông khô.

Những bước chân lữ-hành tuyệt-vọng.

Và, đời khao-khát nụ hoa tình đẹp nhất.

(Cát Biển – Ngày Đó Người Trao Tôi)

Thánh lễ online: http://tinvui.info/?language=vi&nv=news&op=Nghe-Truc-Tuyen/Nghe-Thanh-le-Chua-Nhat-VI-Phuc-Sinh-10800

Lm. Vinh Sơn scj

Phía Sau Ông Thủ Tướng Có Ai

Phía Sau Ông Thủ Tướng Có Ai

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

RFA

Không đánh đổi chủ quyền lấy ngoại giao viển vông.

T.T. Nguyễn Tấn Dũng

Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy hơi cường điệu (và cũng có phần hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ dành cho hai tác giả này, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời.

Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng điệp viên James Bond vẫn 007 sống mãi trong sự nghiệp của … giới làm phim và trong … lòng khán giả. Tương tự, nhiều nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số người Việt, kể cả giới lãnh đạo cộng sản hiện nay. Ngôn ngữ hàng ngày của họ (nghe) có “mùi” tiểu thuyết Kim Dung thấy rõ:

– Sau nửa tháng im lặng, ngày16 tháng 5 năm 2014: “Trong  cuộc gặp cử tri Sài Gòn … ông Sang nhìn nhận Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn, cần phải bình tĩnh, có bình tĩnh mới sáng suốt. Bên cạnh sự cương quyết phải hết sức kiên nhẫn, song không ‘thay đổi mục tiêu’ là bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao nội lực quốc gia.”

– Trước đó không lâu, T.T Nguyễn Tấn Dũng cũng kêu gọi “phải phát huy nội lực để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài hay “phát huy nội lực để đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững.”

Và người vận dụng nội lục đều đều là TBT Nguyễn Phú Trọng:

– Hôm 11 tháng 7 năm 2013, ông khuyến cáo nhân dân Hải Phòng “cần phát huy nội lực để phát triển.”

– Qua ngày 21 tháng 8 năm 2013, ông chỉ thị nhân dân Bắc Giang cũng “phải phát huy nội lực địa phương để vươn lên phát triển, không thua kém các tỉnh bạn.”

– Bữa 18 tháng 3 năm 2014 vừa rồi, trong chuyến đi công tác miền Trung, TBT lại nhắc nhở giới công nhân địa phương “tiếp tục phát huy truyền thông thi đua lao động sản xuất và tích cực … phát huy nội lực.”

Người tiền nhiệm của Nguyễn Phú Trọng – bác Lê Khả Phiêu – cũng  hễ mở miệng ra là đòi … “phát huy nội lực” liền liền. Ông còn giải thích (một cách văn hoa) rằng đó là “sức mạnh văn hóa của dân tộc Việt Nam, đạo đức trí tuệ Việt Nam… để chúng ta vượt mọi khó khăn trong những thời điểm gian nguy nhất…” –  khi trả lời phỏng vấn của báo Sài Gòn Giải Phóng, số ra ngày 16 tháng 6 năm 2000.

Dù nghe có hơi kiếm hiệp, kêu gọi dân chúng “phát huy nội lực” – nói nào ngay – là chuyện phải làm khi hữu sự. Ðiều đáng phàn nàn là giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam rất hiếu sự nên đất nước “hữu sự hoài hoài. Kể từ khi giành được quyền bính đến nay, họ luôn luôn tìm mọi cách để đưa dân tộc này vào những hoàn cảnh “khó khăn” hay những “thời điểm gian nguy.” Nếu không phải đấu tố lẫn nhau cho đến chết thì người dân cũng bị nhà nước Việt Nam lôi kéo, lê lết hết từ trận chiến này qua trận chiến khác. Không tử thương thì cũng bị thương vô số kể.

Thôi tạm gác lại chuyện đã cũ đi, và chỉ nhìn lại vài những sự kiện nho nhỏ vừa mới xẩy ra –  trong thời gian cầm quyền của bộ ba Sang, Trọng, Dũng mà coi:

– Khi kêu gọi người dân Hải Phòng “cần phải phát huy nội lực để phát triển,” họ quên bẵng đi rằng sau vụ cầm tù anh em Đoàn Văn Vươn (cùng với chuyện thăng tướng của ông đại tá Đỗ Hữu Ca) người dân nơi đây đã gần tiêu ma nội lực, và đã mất ráo niềm tin vào chính quyền – từ địa phương tới trung ương – rồi.

– Nếu biết qua về mức sống khốn cùng ở Bắc Giang, chắc chắn, họ cũng sẽ không đủ mặt dầy mày dạn kêu gọi người dân miền núi “phát huy nội lực để vươn lên” đâu.

– Hãy nhìn qua hình ảnh một góc chợ ở địa phương này, qua ghi nhận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Người ta nói, đi qua một khu chợ sẽ biết đời sống của cư dân ở đó. Mình tin điều đó. Và nhìn món hàng bày trước mặt những người phụ nữ vùng cao, mình  hình dung được  nồi cơm, căn bếp, cuộc đời…

Ảnh: Nguyễn Ngọc Tư

Hình ảnh vài “bó củi co ro,” hay “nụm nịu hai ba nải chuối,” và “lèo tèo mấy bó rau xanh” – ở một phiên chợ ở Bắc Giang – chỉ khiến cho tôi muốn rơi nước mắt, và không thể nghĩ đến chuyện họ có thể “phát huy nội lực để vươn lên.”  Vươn lên gì nổi, mấy cha? Tôi cũng không tin rằng giới công nhân Việt Nam còn có nội lực để phát huy sau những ngày làm việc tăng ca (liên tục) mà đồng lương chưa chắc đã đủ mua một cái bánh kẹp thịt ở cửa tiệm McDonalds.

Vắt cạn kiệt sức dân, đẩy trăm họ tới mức khốn cùng rồi vẫn thản nhiên kêu gọi vận dụng “nội lực” của mọi người khi đất nước lâm nguy chắc (chắn) không phải là điều khôn ngoan, nếu chưa muốn nói là bất nhẫn. Bởi vậy, khác với nhà báo Huy Đức, tôi không “bảo đảm” là dân chúng sẽ đứng sau giới lãnh đạo Việt Nam trong tình cảnh hiện nay:

“Giàn khoan 981 xuất hiện trước thềm Hội nghị ASEAN ở Myanmar và Diễn đàn kinh tế Manila như một trái banh được đặt vào chân Thủ tướng khi ông đang ở gần khung thành nhất. Những tuyên bố đúng lúc, ngang tầm nguyên thủ, đã khiến ông trở thành một người hùng. Thưa Thủ tướng, ông đã cùng bước, cùng dùng một ngôn ngữ sục sôi với người dân Việt Nam. Ông đã đi một đoạn đường khá xa. Đừng quay lại vì phía sau là dân chúng.”

Huy Đức, có thể, vì may mắn chưa thấy quan tài nên chưa đổ lệ. Người Việt, thuộc những thế hệ trước ông (hẳn) không mấy ai lạc quan như vậy. Trong cuốn Hồi Ký Vi Đức Hồi, tác giả đã nhắc đi nhắc lại (đến chục lần) rằng  “Đảngluôn luôn nói một đằng,làm một nẻo.” Có gì bảo đảm là ông TT sẽ không tiếp tục cái “chiến thuật” cố hữu và vô liêm sỉ này của Đảng?

Tuyên bố đúng lúc, ngang tâm nguyên thủ (e) chưa đủ đâu. Dân Việt ở cả ba miền, cũng như miền ngược – hiện nay – đều đã thuộc nằm lòng: Đừng tin những gì cộng sản nói hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm. Yêu cầu ông Dũng thử làm vài việc trong tầm tay, và ngay trước mắt coi:

-Nếu không thể phóng thích tất cả những tù nhân lương tâm tức khắc, và cùng lúc, ít nhất hãy trả tự do cùng với lời xin lỗi cho hai người tù Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần. Họ không có tội gì ngoài tội thấy sớm hơn các ông cái thứ “ngoại viển vông” Hoa-Việt.

– Ngưng ngay cái chủ trương lớn (và ngu) của Đảng về chuyện khai thác bauxite Tây Nguyên.

– Trả lại quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân, quyền tự do ngôn luận cho những người cầm bút, và quyền thành lập công đoàn cho công nhân. Đến đón Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương tại cửa nhà tù để ôm xin họ tha lỗi. Cùng lúc, cũng phải công khai về chuyện “mất tích” của Lê Trí Tuệ (Phó Chủ Tịch Công Đoàn Độc Lập Việt Nam) người đã bị “bắt cóc” ở Cambodia vào từ hôm 16 tháng 5 năm 2007.

– Trả lại tài sản và quyền tự do tín ngưỡng cho tất cả những giáo hội và giáo phái.

– Xin làm hoà với người Việt nước ngoài bằng cách xin phép xây lại Bia Tưởng Niệm Thuyền Nhân ở Mã Lai và Nam Dương. Vứt cái Nghị Quyết rẻ tiền 36 vào thùng rác, đuổi việc những nhân viên ngoại giao lấc xấc và lấc cấc như Nguyễn Thanh Sơn đi cho thiên hạ đỡ bực mình.

– Nếu chưa có thể công bố thời điểm chính xác để huỷ bỏ điều bốn hiến pháp và tổ chức tổng tuyển cử tự do vào lúc này thì ít nhất cũng phải ngưng ngay cái cung cách cầm quyền như một đạo quân chiếm đóng như hiện nay, để người dân toàn quyền tự do làm những gì mà luật pháp không cấm, và trừng phạt nghiêm khắc mọi hành vi lộng quyền hay lạm quyền của viên chức các cấp.

Những điều trên trước sau gì cù̃ng phải được thực hiện ở Việt Nam thôi nhưng nếu không làm ngay hôm nay thì trước mặt ông T.T.  là kẻ thù, và sau lưng sẽ chả có ai đâu. Hai bên cũng không có bạn bè đồng minh nào ráo. Nhân loại văn minh tiến bộ giờ đây không ai muốn làm bạn với những kẻ độc ác, trí trá, giáo dở lươn lẹo, ngu (lâu) và ngoan cố. Hãy chứng tỏ thiện chí và nỗ lực muốn thoát cộng đi thì mới có hy vọng thoát Tầu. Nếu không là đi tầu suốt.

NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÁC THƯỜNG

NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÁC THƯỜNG

TRẦM THIÊN THU

(Đây là chuyện có thật do Richard D. Ryan viết lại và đăng trên báo Christian Reader Magazine. Bạn có thể liên lạc với Richard D. Ryan qua email: [email protected])

Một ngày bất thường trong tháng Năm. Mùa Xuân đã qua mà mọi thứ vẫn sống động qua màu sắc. Nhưng cái lạnh từ miền Bắc đã đưa cái lạnh của mùa Đông trở lại khu của người Ấn độ. Tôi ngồi với 2 người bạn trong một nhà hàng cổ ở một góc phố. Đồ ăn ngon và người ăn cũng ngon. Khi chúng tôi nói chuyện, bên ngoài kéo sự chú ý của tôi, ở bên kia đường. Một người đàn ông đang bước đi với vẻ nặng nhọc, rất buồn và thất vọng. Lòng tôi chùng xuống. Tôi nói bạn tôi nhìn, và tôi thấy những người khác cũng nhìn về phía đàn ông kia. Chúng tôi tiếp tục ăn nhưng hình ảnh người đàn ông kia cứ lởn vởn trong đầu tôi.

Ăn xong, ai về nhà nấy. Tôi cứ nhìn ra ngoài với hy vọng gặp lại đàn ông kia, nhưng không thấy. Tôi lo lắng. Trong tâm trí tôi luôn vang tiếng nói: “Đừng quay trở lại”. Với chút lưỡng lự, tôi quay lại. Tôi thấy anh ta đang ngồi trên bậc thềm một ngôi thánh đường. Tôi dừng lại, nửa muốn nói gì với anh ta, nửa muốn đi. Tôi xuống xe, lại gần anh ta và hỏi:

– Anh muốn gặp mục sư hả?

– Không hẳn vậy.

– Anh ngồi nghỉ hả? Hôm nay anh ăn gì chưa?

– Tôi ăn hồi sáng rồi.

– Anh ăn trưa với tôi nha? Anh có việc gì cần tôi giúp không?

– Không có việc gì.

– Tôi thường đi qua đây, nhưng tôi muốn mời ông ăn trưa.

Anh ta cười:

– Được.

Khi cùng ăn, tôi hỏi:

– Anh đi đâu vậy?

– Đi St. Louis.

– Anh từ đâu đến?

– À, từ khắp nơi, thường là từ Florida.

– Anh đã đi bộ bao lâu?

– Mười lăm năm.

Tôi biết mình đang gặp một ngườ khác thường. Chúng tôi ngồi đối diện nhau. Anh tên Daniel, có mái tóc dài và bộ râu được tỉa gọn gàng. Da rám nắng. Nhìn mặt khoảng gần 40 tuổi. Có vẻ già trước tuổi. Mắt đen và sáng. Ăn nói hoạt bát và rõ ràng. Anh ta nói:

– Chúa Giêsu là câu chuyện không kết thúc.

Câu chuyện của anh bắt đầu mở ra. Anh đã chọn lựa sai và lặp lại hậu quả. Mười bốn năm trước, trên bước đường lãng du, anh đã dừng lại trên một bãi biển ở Daytona. Anh và mấy người khác dựng căn lều với ít dụng cụ để cứu hộ những người tắm biển. Nhờ đó anh hiểu rõ cuộc đời mình hơn. Anh phó thác cuộc đời cho Chúa. Anh nói:

– Không gì giống nhau kể từ đó. Tôi cảm thấy Thiên Chúa bảo tôi cứ đi bộ, và tôi đi bộ hơn 14 năm rồi.

– Anh có nghĩ mình sẽ dừng chân không?

– Thi thoảng, khi tôi cảm thấy cần. Nhưng Thiên Chúa cho tôi ơn gọi này. Túi xách tôi có cuốn Kinh thánh. Tôi làm việc để có tiền sinh sống và mua Kinh thánh. Tôi tặng người khác khi Thánh Thần soi sáng.

Tôi ngồi lặng người và ngạc nhiên. Người bạn vô gia đình của tôi không hề vô gia đình. Anh đang có sứ vụ và sống theo cách mình đã chọn. Tôi hỏi:

– Điều đó như thế nào?

– Cái gì chứ?

– Vào thành phố với ba lô trên lưng và thể hiện dấu hiệu của anh thế nào?

– Ồ, mới đầu thấy mắc cở. gười ta nhìn và đàm tiếu. Có lần người ta ném cho tôi mẩu bánh mì ăn dở và tỏ vẻ khinh thường. Bị coi thường và tôi thấy Chúa dùng tôi để làm người ta tỉnh ngộ và thay đổi cuộc đời những người như tôi.

Cuộc đời tôi cũng đang thay đổi. Chúng tôi ăn xong. Ra đến cửa, anh nhìn tôi và nói:

– Hỡi người được Chúa Cha chúc phúc, hãy đến thừa hưởng vương quốc đã được chuẩn bị cho bạn. Vì khi Tôi đói, bạn đã cho ăn, khi Tôi khát, bạn đã cho uống, Tôi là khách lạ mà bạn đã đón tiếp.

 

Tôi thấy mình như ở trên đất thánh. Tôi hỏi:

– Anh có thể dùng lời Kinh thánh khác?

– Tôi đã đọc hết cuốn Kinh thánh 14 lần.

Anh mỉm cười. Tinh thần của anh tỏa sáng sự chân thật. Trên đường về, trời đổ mưa. Chúng tôi dừng lại nơi chúng tôi gặp nhau. Anh nói:

– Ông ký tên vào sách tôi được không? Tôi muốn giữ sứ điệp của những ngườ tôi đã gặp.

Tôi viết trong cuốn sổ của anh rằng việc anh tuân giữ ơn gọi của anh đã làm tôi xúc động. Tôi khuyến khích anh cứ vững mạnh. Tôi chia tay anh với câu Kinh thánh: “Ta biết những dự định của Ta dành cho ngươi, những dự định làm phong phú ngươi chứ không làm tổn hại người. Những dự định đó cho người tương lai và hy vọng” (Gr 29:11).

– Xin cảm ơn. Chúng ta sẽ gặp lại nhau như những người lạ, nhưng tôi yêu ông.

– Tôi hiểu. Tôi cũng yêu anh.

– Thiên Chúa tốt lành.

– Đúng. Ngài tốt lành.

– Hẹn gặp lại ở thành thánh Giêrusalem mới.

– Hẹn gặp lại.

Anh lại tiếp tục bộ hành. Chợt anh quay lại nói:

– Khi có điều gì làm ông nhớ đến tôi, hãy cầu nguyện cho tôi nhé!

– Tôi hứa. Xin Chúa chúc lành cho anh.

TRẦM THIÊN THU

(Lược dịch)

“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con,”

“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con,”
khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
nay én bay đầy trước ngõ
mà tin con vẫn xa ngàn xa.”

(Trịnh-Lâm-Ngân – Xuân Này Con Không Về)

(Lc 24: 32)

Trần Ngọc Mười Hai

Xuân về rồi, mà sao bạn và tôi cứ hát những gì mà buồn đến thế? Buồn rũ rượi, cả vào khi tôi và bạn không kịp lắng nghe câu hỏi của ai đó vừa đưa ra, nên nghệ-sĩ nhà ta lại cứ hát tiếp những chi-tiết, rất như sau:

“Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
trông bánh chưng ngồi chờ sáng
đỏ hây hây những đôi má đào.”

(Trịnh-Lâm-Ngân – bđd)

Hôm nay đây, mãi ở tận xứ sở này, chốn miền cùng tận mạn Nam bán cầu, lầu xầu nhiều suy nghĩ. Có những nghĩ suy về nhiều thứ trong đó có cả những thứ và những điều khiến tôi và bạn, ta cứ miên-man thả hồn theo giòng chảy của bạn hiền ở đâu đó, tuy chưa quen nhưng đã biết. Biết rằng: trên đời này còn có những người đã suy và đã nghĩ về những chuyện như sau:

“Họ mới bảo nhau:

“Dọc đường, khi Người nói chuyện

và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta,

lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”
(Lc 24: 32)

Bừng cháy thế nào được, khi bạn bè gặp lúc xuân về, lại cứ nhắn với mẹ hiền rằng:

“Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm,
mái tranh nghèo không người sửa sang
Khu vườn thiếu hoa đào mừng xuân
Đàn trẻ thơ ngây chờ mong
anh trai sẽ đem về cho tà áo mới
ba ngày xuân đi khoe phố phường.”

(Trịnh-Lâm-Ngân – bđd)

Trong đời thường, bạn và tôi hẳn cũng sẽ gặp những bạn hiền, sẽ không hát những câu buồn phiền “như cơm bữa” giống thế nữa. Mà, lại cứ tìm đến những lời người nhận-định khác vững tin như sau:

“Suy và niệm, có lẽ sẽ giúp ta đạt tình-trạng kết-hiệp với Chúa, cho tốt hơn. Tựa hồ như đọc các sánh vở lành mạnh có ghi lại những câu nói khiến mình niệm suy, cũng rất lợi. Lợi lộc, ít nhất ở chỗ: nó khiến tâm can ta bừng cháy lên với những tư-tưởng hạnh-đạo, rất phấn chấn.

Tại Tu viện không tường rào ở John Main, tôi đọc được cuốn sách nói về chuyện để mất đi tính vị-kỷ và thấy mình đang ở trong lòng bàn tay kết-hiệp với Chúa, để trở nên một với Chúa và nên một với tất cả mọi người anh em. Rồi cứ như thế, cũng sẽ mất đi cái cảm-giác chia cách những người anh em. Tuy nhiên, có người lại suy-nghĩ ngược-ngạo là: gần gũi với anh em nhiều quá, rồi dần dà sẽ xa rời Chúa, vì không còn thì giờ để nguyện-cầu, gần gũi Chúa hơn.

Làm sao Chúa có thể thương yêu tôi cách đặc biệt được trong khi Chúa có hàng tỷ người để Ngài thương xót? Là thành viên của gia đình đông con, hẳn ai cũng biết thật khó lòng thương yêu cách đặc biệt, chỉ một người. Và trong mọi trường-hợp, bao giờ cũng thế, thương yêu riêng biệt cá nhân nào thôi, cũng đã không phải rồi. Có người lại còn nói: Chúa chỉ có thể đếm tới số 1 chứ làm sao đếm được con số 7, 8 tỷ người? Và, câu trả lời, phải thế này: khi ta có cảm giác là Chúa yêu mình, là ta kết-hiệp mật thiết với Chúa và với mọi người. Có như thế, ta mới hiểu thế nào là tình Chúa yêu thương chúng ta qua và trong tất cả mọi người, bởi ta chỉ là một tế-bào bé nhỏ trong thân mình lớn lao của Chúa. Ngài thương yêu tất cả chúng ta, còn vì ta thuộc vào mọi cơ-phận trong thân mình Ngài hệt như ta yêu quí mọi phần trong thân xác của ta chứ không chỉ từng bộ phận một, mà thôi” (xem Susie Hii, Burning Desire, The Majellan số tháng Tư-Sáu 2014, tr. 24-26).

Lời xác-chứng của tác-giả ở trên có khi càng làm ta thêm xác-tín về tình thương-yêu ta cần có với người anh em, chị em của ta; dù đôi khi mình chẳng bao giờ thấy được người ấy. Xem như thế, thì bí-kíp và ý-nghĩa của tình thương yêu người cận thân và cận lân, đều như thế.

Đó là, lý-chứng của tình thương yêu người đồng-loại ở nhà Đạo. Ở đời thường, cũng có những lý-chứng giống hệt thế, nhưng được diễn-tả một cách thơ mộng, như lời ca ở nhạc bản ta thường vẫn nghe vào độ xuân về:

“Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
nhưng nếu con về bạn bè thương mong
bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
không lẽ riêng mình êm ấm.
Mẹ ơi con xuân này vắng nhà
Mẹ thương con xin đợi ngày mai…”

(Trịnh-Lâm-Ngân – bđd)

Mẹ chờ em trông”, và “bạn bè thương mong”, lại là tâm-tư người nghệ sĩ vẫn thường hát. Tâm-tư ấy, tình thương này, còn dàn trải cả nhiều nơi, nhiều chốn, rất chân phương, thời thượng mà người viết còn diễn ta-tả thêm là:

“Vấn-đề là làm sao ta kết-hiệp được với Thiên-Chúa? Hay nhất, vẫn là qua suy-tư và chiêm-ngắm, tức con đường dễ đi và cũng rất quen trong nhiều loại đường dẫn ta đi về nhiều hướng để đến với Chúa, như con người ở địa-cầu này từng khá-phá. Đường và lối thân quen nhất, được tác-giả John Main giới thiệu và đề-nghị vẫn là để ra chừng 20 hoặc 30 phút mỗi ngày hai lần như thế và sử-dụng các câu kinh, lời ngắm như để ta không bị lo ra chia-trí với những thực-tế của đời thường, rất cuốn hút.

Kết-hiệp với Chúa có thể thực-hiện ngang qua việc kiểm-soát hơi thở trong lúc ta tâm-niệm và nguyện cầu. Hít thở, là cung-cách mà cơ-thể của ta thường bị ý-chí của ta kiểm-soát chặt chẽ, dù ta có muốn thế hay không. Ta quan sát hơi thở qua từng cái hít vào và thở ra như thể ngắm nhìn giòng chảy ở sông ngòi vẫn thường thế.

Kết-hiệp với Chúa như thế rồi, ta còn khuyến-khích người khác tham gia cùng với ta làm cuộc hành hương vào tận tâm can của mỗi người và mọi người. Đó là khoảng cách xa xôi nhất ta có thể làm được. Xa xôi, còn hơn cả khoảng cách từ đầu chạy về tim, là khoảng cách dài nhất trong cuộc đời mà ít người nghĩ tới. Bởi, khi nghĩ chỉ là động tác suy-tư có ở trong đầu chứ chưa đến điểm tới ở tâm can tuy rất gần về không gian nhưng lại xa về thời gian, nên cứ xa mù tắp. Xa hơn nữa, còn là đi từ cái “tôi” của mỗi người mà mọi người đều đeo bám để sống sót và sống còn, để rồi mới trải dàn ra bên ngoài không giới-hạn, tức sự tự-do của Thần Khí. Cái khoảng cách rất ghê gớm từ nỗi hãi sợ và sở hữu để đi tới bình-an, yêu thương và vui vẻ. Chính đó, là ý-nghĩa thâm-căn của vấn-đề “bừng cháy trong tâm can”, với mọi người, trong kết-hiệp” (xem Susie Hii, Burning Desire, The Majellan Family, số tháng Tư-Sáu 2014, tr. 24-26).

Xem thế thì, suy-tư nguyện cầu kết hiệp với Chúa, và với người khác, là sự việc rất cần-thiết cho mọi người, ở đời vào lúc này. Chí ít, là thời buổi có quá nhiều thứ hấp-dẫn hơn những việc buồn-chán như thế, sau cách mạng truyền-hình và vi-tính, rất hiện-đại.

Suy-tư nguyện cầu có kết-hiệp, cũng tựa như nhu-cầu đọc sách và/hoặc nghiên-cứu những thứ khô khan/nhàm chán, như thần học.

Còn nhớ về câu chuyện-trò ngắn-ngủi được trao-đổi giữa Đức Phanxicô và chủng-sinh nọ thuộc Dòng Tên ở Rôma, khi Đức Giáo Hoàng hỏi ông thày dòng trẻ này đang tập-trung vào việc gì hơn cả, thì thày trẻ trả lời: là mình đang học thần-học căn bản, Đức Phanixô liền cười đùa và bảo rằng: “Tôi nghĩ trên đời này không có thứ gì còn nhàm và chán hơn cái môn khô khan này!” (x.Matthew Boudway, phỏng vấn Đức Hồng Y Walter Kasper hôm 7/5/2014 ở Rôma).

Đức Giáo Hoàng nói bông đùa cho vui thì nói thế, chứ vị đại diện cho ngài đã trả lời câu hỏi của cùng một phóng viên về nền thần-học thực-hành/thực-tiễn, lại vẫn bảo:

“Tôi không thấy có sự mâu-thuẫn nào giữa nền thần học tín-lý –là thứ tôi đã từng học biết- và thần học mục-vụ hết. Thần-học mà lại không có tầm-kích mục-vụ sẽ trở thành thần-học trừu-tượng. Thời của tôi, đó là điều quan-trọng rất cần-thiết mỗi khi tôi đi thăm các giáo-xứ, nhà thương hoặc các nơi như thế. Và khi tôi phụ-trách việc bang giao-giữa Công giáo và Thế Giới Thứ Ba, tôi có đi thăm rất nhiều khu ổ chuột ở Châu Phi, Châu Mỹ La-tinh và châu Á và đối với tôi, các kinh-nghiệm ấy đều rất cần, là bởi Lời của Chúa không phải chỉ là tín-lý/tín-điều. Nhưng, còn là lời ngỏ với chúng dân. Công-việc thừa-sai/mục-vụ mà không có căn bản tín-lý vững-chắc thì không thể nào xảy ra. Bởi, thần-học ấy sẽ chuyên-quyền/độc-đoán, và chỉ là cung-cách hành-xử của người có bản-chất tốt lành, thôi. Thế nên, nền thần-học tín-lý và thần học mục-vụ lại tương-tác với nhau. Cả hai đều cần đến nhau và giúp nhau” (xem Matthew Boudway, bđd).

Nói khác đi, suy-tư nguyện cầu, bao giờ cũng cần có cơ-sở để kết-hiệp/hiệp-thông trong thương-yêu. Kết hiệp mà không yêu-thương chỉ là kết-hiệp giả hiệu. Cũng thế, suy-tư mà không có căn-bản, cũng chẳng là việc nguyện-cầu, kết-hiệp với ai hết. Chí ít, là với Chúa, với ta với cả bạn bè

Để minh-hoạ việc này, không gì bằng ta cứ trở lại với Lời Vàng, làm bằng chứng, như trình-thuật ở Tin Mừng thánh Luca, từng nói đến:

“Ngay lúc ấy, họ đứng dậy,

quay trở lại Giê-ru-sa-lem,

gặp Nhóm Mười Một

và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.

Những người này bảo hai ông:

“Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.”

Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường

và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.”

(Lc 24: 32-34)

Kết hiệp, là như thế. Suy-tư là như vậy. Như thế, tức là cốt lõi của Đạo Chúa nằm nơi sự thể người người đều suy-tư nguyện-cầu, có kết hiệp. Suy-tư nguyện cầu cùng với nhau, tức: có Chúa ở cùng. Và cũng là sinh-hoạt hành-xử để thực-hiện điều Chúa truyền-dạy cho mỗi dân con đồ-đệ khi Ngài về cùng Cha, để rồi lại sẽ gửi Thần Khí Chúa đến với dân con mọi người mà kết-hiệp hài-hoà rất suy-tư và nguyện cầu.

Kết-hiệp với nhau, trong nguyện cầu, là kết và hiệp trong vui tươi hoà hoãn suốt mọi thời, như truyện kể để minh-hoạ, minh-chứng và xác-thực điều cần-thiết rất như sau:

“Một phụ nữ da trắng dắt theo con trai 6 tuổi ra ngoài, bà gọi xe taxi, tài xế là một người da đen. Thằng bé 6 tuổi chưa bao giờ gặp qua người da đen, trong lòng rất là sợ hãi, bèn hỏi mẹ:

-Người này có phải là người xấu không mẹ? Tại sao người đen thui vậy?”

Tài xế người da đen nghe thấy trong lòng rất lấy làm khó chịu.

Lúc này, người phụ nữ liền nói với con trai:

-Chú tài xế này không phải người xấu, ông ta là một người tốt con à!

Con trai nhíu mày trầm tư một hồi lại hỏi tiếp:

-Nếu chú ấy không phải là người xấu, vậy chú có phải đã làm điều gì xấu xa, cho nên Thượng Đế mới trừng phạt chú?

Người da đen ấy nghe xong, mắt ngấn lệ, ông ta rất muốn biết người phụ nữ da

trắng ấy sẽ trả lời thế nào.

Người mẹ nói:

-Ông ta là một người rất là tốt, cũng không làm điều gì xấu xa. Vườn hoa của

chúng ta có màu hồng, màu trắng, màu vàng … có phải không?

-Vâng! Đúng ạ!

-Vậy hạt của hoa có phải đều là màu đen không?

Đứa bé nghĩ ngợi một lúc:

-Đúng thế mẹ ạ! Toàn là màu đen hết.

-Hạt giống màu đen cho nở ra những đóa hoa đầy màu sắc và thơm ngát, tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ, đúng thế không?

-Vâng!

Con trai đột nhiên ngộ ra và nói:

-Vậy là chú tài xế ấy không phải là người xấu rồi ! Cám ơn chú tài xế, chú đã tô điểm cho cả thế giới này thêm muôn màu muôn vẻ, con muốn cầu nguyện cho chú ấy.

Đứa bé thơ ngây đang ngồi cầu nguyện, người tài xế da đen giờ nước mắt đã lăn dài trên má, lòng nghĩ:

-Vì những người da đen bị xem thường không ngoi đầu lên nỗi, hôm nay, người phụ nữ da trắng này đã dùng lời lẽ ôn hòa dạy con trai mình, hóa giải nỗi ám ảnh về mình trong lòng con, đã vì mình cầu nguyện và chúc phúc, thật sự phải cảm ơn bà ta rất nhiều!

Lúc này, xe đã đến điểm dừng, người tài xế kiên quyết không lấy tiền, ông ta nói:
-Lúc bé, tôi đã từng hỏi mẹ cũng cùng một câu hỏi ấy, mẹ nói vì chúng tôi là

người da đen, phải chịu thua kém. Nếu khi xưa mẹ tôi đổi thành câu trả lời của

bà, hôm nay tôi nhất định sẽ có một thành-tựu khác. (trích truyện kể ê hề ở trên mạng)

Da trắng hay da đen. Có cầu-nguyện hay không nguyện cầu, cho nhau. Vẫn là chuyện thường ngày xảy ra ở huyện dân đen, ngoài phố chợ. Huống chi là ở nhà Đạo chốn phố-phường sầm-uất rất bận rộn.

Cầu-nguyện ê-a tà tà đầy kinh kệ, hoặc nguyện-cầu chốn im ắng đầy kết hiệp, lại là hành-xử riêng-tư của mỗi người, và mọi người. Cũng như thế, lân-la kết-hiệp với thi-ca/âm nhạc cũng là con đường tắt để ta kết-hiệp với Chúa và với người phàm, vẫn là động-thái tư riêng như tôi như bạn, vẫn cứ bảo. Quyết thế rồi, xin bạn và tôi, ta cứ thế mà cùng người nghệ sĩ, lên tiếng hát nốt ý/lời của câu kết, rằng:

“Con biết bây giờ mẹ chờ em trông
nhưng nếu con về bạn bè thương mong
bao lứa trai cùng chào xuân chiến trường
không lẽ riêng mình êm ấm.
Mẹ ơi con xuân này vắng nhà
Mẹ thương con xin đợi ngày mai…”

(Trịnh-Lâm-Ngân – bđd)

Hát thế rồi, ta cứ thế hiên ngang đi vào nguyện-cầu, cùng Chúa, với anh em.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn muốn nhắn mình

và nhắn người

rất như thế.

 

“Ta trơ trọi như một người lữ thứ,”

“Ta trơ trọi như một người lữ thứ,”

“quán trọ nằm không ngủ, nhớ quê hương.”

(Dẫn từ thơ Tế Hanh)

Mt 28: 16-20

Mai Tá lược dịch

Như người lữ-thứ, cứ trơ trọi một mình. Trơ trọi, còn là tâm-trạng của nhà thơ, nhạc sĩ, cả ngài Hillary lừng danh tên tuổi một thời, từng leo núi. Nhưng trơ trọi, chẳng bao giờ là tâm-trạng của người nhà Chúa vẫn hân-hoan với mọi người, trong kinh-nghiệm sống, rất yêu-thương.

Kinh nghiệm sống, lại cũng có trường-hợp những thăng quan tiến chức; hoặc, những tháng ngày dù có xuống cấp, tủi nhục, người từng trải vẫn có thể ngồi cạnh bên để kể cho nhau rất nhiều chuyện suốt hàng giờ, không biết mệt. Nhưng, kinh nghiệm kề cận giới thần linh siêu thoát thì số

người như trên chỉ đếm được trên đầu ngón tay, như truyện kể về ngài Edmund Hillary nước Tân Tây Lan, ở bên dưới:

Hồi còn là chú học trò nhỏ mài đũng quần nơi ghế nhà trường, tôi đã được vinh dự cùng trường với lớp đón tiếp ngài Hillary đến ghé thăm để kể cho nhau nghe kinh nghiệm đời ông.

Tôi còn nhớ, bầu khí hôm ấy thật huyên náo vì chuyến viếng thăm độc nhất vô nhị này. Đây là buổi nói chuyện thân mật của người đầu tiên đặt chân lên đỉnh Everest, chốn non cao vời vợi ấy. Ngày nay, người ta có cả một trường dạy leo núi gồm các lực sĩ nổi tiếng như Tenzin Norgay của Tây Tạng, từng đè bẹp kỷ lục nhỏ của vị quán quân người Tân Tây Lan, từ lâu rồi. Nhưng hào quang sùng bái kia, vẫn chưa rời thoát khỏi người anh hùng trên “đỉnh mùa đông” ấy.

Một số giáo sư nghiêm khắc của tôi khi trước, vẫn hết lòng bái phục ngài Edmund Hillary. Vì, lúc bấy giờ dân chúng có thói quen tôn sùng các vị anh hùng nhỏ như thế. Có điều kỳ lạ, là: trong chuyến ghé thăm trường làng, ngài Edmund tuyệt nhiên không đả động gì đến các cuộc leo núi ngọan mục.

Ngược lại, ông chỉ chú ý đến những gì chúng tôi đang làm ở chốn đồng bằng miền xuôi này. Hôm ấy, quả là ông nói nhiều đến công lý, hòa bình và nhân phẩm con người, hơn là các kỷ lục thần thánh. Tôi nhớ rất rõ, vào phút cuối buổi chuyện trò hôm ấy, ngài quý tộc đã gửi đến chúng tôi lời khuyên nhủ, là: ta nên tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn, cho mọi người, ở mọi nơi trên chốn trần gian này.

Vào giây phút giải đáp thắc mắc sau đó, có người hỏi ngài Edmund rằng: “Khi leo lên đến chóp đỉnh của địa cầu trần thế, ông có cảm giác gì như gần gũi Đức Chúa không?” Rõ ràng, tôi nghe tiếng ông trả lời là: “Có chứ!” Tuy câu trả lời là như thế; nhưng, ông vẫn nhấn mạnh đến khoảnh khắc cuộc đời đầy những thăng trầm/đổi thay, lúc lên cao, khi xuống thấp.

Ông nói: Ông có cảm giác rất thực, về sự sống năng động và về cái chết gần kề, vào những lúc leo lên/trèo xuống chốn non cao, nơi ấy. Chính đó, là lúc ông thấy rõ, có sự hiện diện của Đức Chúa. Và, Ngài đồng hành với ông vào những lúc thăng trầm, trên núi cũng như suốt đời mình.

Chuyến ghé thăm của ngài Hillary thật ra không xa cách là bao, đối với những gì xảy đến với môn đệ của Đức Chúa trong trình thuật Tin Mừng hôm nay.

Thánh sử Matthêu, hôm nay kể rằng: mười một người con thân yêu lâu nay sùng kính Đức Kitô, đã được Thầy Chí Thánh sai phái ra đi đến với thế giới nhân trần. Và, Thầy hứa: Thầy sẽ lưu lại với con Thầy mọi ngày cho đến thế tận. Và, Thầy vẫn giữ lời hứa ấy.

Tôn thờsùng bái, là cụm từ ít được người Công giáo ta sử dụng, hằng ngày. Trong khi các tôn giáo khác, mô tả nghi tiết tế tự của họ, như một “tôn thờ và sùng bái”, thì ta lại có khuynh hướng chỉ sử dụng cụm từ này theo cách thế phàm trần như tôn sùng các anh hùng/thần tượng siêu sao thể dục/phim ảnh. Tuyệt nhiên, không ở trên bàn thờ, nơi đó có nghi lễ sùng bái, có tế tự.

Tuy thế, ý niệm nằm phía sau ngôn từ, là một ý niệm hệ trọng. Tôn kính và phượng thờ Đức Chúa, có nghĩa là: ta công nhận ta chẳng là thần linh – Chúa tể, của riêng ai. Ta chỉ là tạo vật, nên việc phụng thờ sùng bái được hướng đến Tạo Hoá, Đấng dựng nên ta. Đấng Cứu Độ muôn người. Và, cũng là Đấng Bảo vệ ta, luôn mãi.

Dù có công nhận hay không, ta vẫn được sai đi đến với thế giới nhân trần vào mỗi lần kết thúc nghi thức phượng thờ: “Anh chị em ra đi bình an để phụng sự Chúa”. Khẩu lệnh này, làm đổi thay việc ta tôn sùng, và phượng thờ. Nghĩa là: tham dự Tiệc Thánh, không phải để ta đạt được điều gì đó, có lợi cho chính mình.

Cụm từ “Tiệc Thánh Thể” ngay từ đầu, đã mang ý nghĩa của khẩu lệnh “được sai đi”, rồi. Điều này chứng tỏ, rằng: nghi lễ phụng vụ của ta cốt là để mừng kính những điều mà Đức Giê-su đã làm cho thế giới nhân trần. Ngài vẫn ở trong ta. Và, ngang qua ta, vẫn đến với người khác, nữa. Đây là một chuẩn bị mà Đức Chúa vẫn muốn kiện toàn.

Cuối cùng, ta vẫn tiếp tục có được kinh nghiệm cuộc đời, về sự hiện hữu của Đức Giêsu trong cuộc sống hiện thực. Bằng không, sẽ chẳng có lý do gì chánh đáng, để ta tụ tập nhau đây. Nơi bàn tiệc này. Đức Chúa, qua mạc khải nơi Đức Kitô, không bao giờ cách xa cuộc sống đời thường, của chúng ta. Ngài chẳng bao giờ tỏ ra thản nhiên/lãnh đạm, trước nhu cầu của mỗi người, rất riêng lẻ. Chúng ta tin vào Chúa, Đấng luôn đồng hành với ta, trong mọi khoảnh khắc, giữa cuộc đời. Ngài không ngưng tháp tùng ta. Và, mong ta kề cận bên Ngài. Và, Ngài cũng mong ta luôn có nhu cầu được Ngài cận kề.

Tham dự Tiệc thánh hôm nay, ta cảm tạ Chúa đã để cho sự việc diễn tiến ở chốn non cao, miền đồi núi ấy. Ở nơi đây, có Đức Giêsu tiến thẳng về với Cha. Sự kiện này xảy ra, là để nâng ta lên khỏi cuộc sống đời thường. Khi ta mừng kính sự kiện này, là để chứng tỏ ta chính là tạo vật, chứ không phải kẻ tạo dựng ra mọi vật.

Bởi thế, hãy lắng tai nghe cho kỹ, lời Đức Kitô mời gọi, là lời khích lệ mỗi người hãy rời quán xá/trần tục những vênh vang, tự mãn. Hãy ra đi, đến với Hội thánh trong cố gắng thay đổi toàn bộ thế giới này.

Hãy cứ vui và hy vọng, vì có Đức Kitô hiện diện ở bên ta. Ngài luôn trung thành cận kề, trước sau như một. Ngài luôn ở trên ta. Và, trong ta. Ngài luôn sống cùng và sống với ta. Ngài vẫn hiện diện nơi ta, bây giờ và mãi mãi, suốt đời sau. Vui và hy vọng, vì Ngài đã hứa và Ngài giữ lời. Lời Ngài hứa, là lời thề sẽ ở mãi với ta và với mọi người. Cả những người đã để luột mất sự thủy chung dịu dàng.

Trong tinh thần an vui, hy vọng ta lại hướng về lời thơ/ý nhạc, vẫn ngâm rằng:

“Ta trơ trọi như một người lữ thứ,

Quán trọ nằm không ngủ, nhớ quê hương.

Ta thơ thẩn, như một cô trinh-nữ,

Lở mộng đầu, rã rượi khóc tình thương.”

(Tế Hanh – Trăng Tàn)

Trơ trọi như người lữ thứ, hay thơ thẩn như cô trinh-nữ, cũng chỉ vì “rã rượi khóc tình thương”. Xem như thế, thì tình thương mới là tất cả, cho con người. Dù người đó, hay tôi đây là con dân nhà Đạo hay chỉ là người thường ở ngoài đời, rất tình đời.

Lm Richard Leonard sj

Mai Tá lược dịch

Ra đường dạy con

Ra đường dạy con

Tạp văn
Nguyễn Ngọc Tư

Con gái của người mẹ trẻ đã năm tuổi. Ngần ấy thời gian bà mẹ trẻ ngấm dần những trải nghiệm, rằng mang nặng đẻ đau không cực bằng đút cơm cho con bé, sau lại thấy cảnh lúp xúp cầm chén cơm rượt theo nhỏ con (vốn biếng ăn kinh khủng) không cực bằng dạy nó nhận thức việc tốt xấu ở đời.

Bà mẹ nghĩ thế hệ mình còn nghèo, tất bật kiếm miếng ăn nên bỏ qua việc sống bặt thiệp, lịch sự, văn minh. Thôi để con nó làm những điều ấy thay mình (điều đó làm mẹ đôi lúc buồn cười, tham vọng mình lớn vậy sao, định cải sửa cả một thế hệ à?). Buổi sáng mẹ chở con đi học, mẹ dạy, “con đừng khạc nhổ ngoài đường, làm vậy người ta cười, nói mình không lịch sự”. Tức thời có chú ăn mặc tử tế chạy xe đằng trước ngoẹo đầu phun cái vèo, may mà né được nếu không bị gió tạt nước miếng vô mặt. Mẹ thấy… bối rối, lanh trí nói, “Đọ, như chú đó mọi người không ai thích hết”. Vẻ mặt nhỏ con có vẻ ngờ ngợ, có lẽ nó thấy kỳ vì nhiều người lớn không cần được yêu. Mẹ nhận thấy những bài học ngoài đường hay kèm theo… rủi ro. Mẹ nói với con rằng bỏ rác vào thùng mới ngoan, nên đứa bé khư khư cầm vỏ kẹo trong tay chờ mẹ chạy xe lòng vòng tìm cho được thùng rác. Qua mấy khúc đường đó, hai mẹ con thấy có một chị quét hắt rác từ nhà ra đường, một người thả lắt lay theo gió tấm giấy gói bánh mì, và ai đó đổ tháo ra đường một vũng… cặn heo. Mẹ thấy bất lực vì trong mắt con đầy hoài nghi. Khi rác được quăng vô thùng, con thở khì một cái, thỏ thẻ, “Mẹ thấy con giỏi không. Nhưng giỏi làm chi mắc công quá hà, mẹ”. Mẹ im lặng, thấy buồn.

Ai đâu dè dạy con khó dữ vậy. Dặn con đừng nói lời thô tục, nên lần nào vợ chồng cặp bên vách đánh nhau, mẹ phải lật đật đi mở nhạc, vặn to volume cho át đi tiếng chửi thề xoi xói. Biểu con đừng quăng vỏ chuối, hay mảnh giấy xuống sông nhưng nước sông đã ngầu, lúc nhúc rác rưởi. Khuyên con giữ lời hứa, nó day lại nói, hôm trước đi thi bé khoẻ bé ngoan cô giáo biểu hát hay cô cho kẹo, “mà con đâu có thấy”. Rồi mai rồi mốt, bà mẹ biết việc dạy con sẽ dần dần khó khăn hơn. Làm sao để thuyết phục nó rằng ăn mặc kín đáo, giản dị là đẹp trong khi các cô gái đang vòng cổ vòng tay dây nhợ lòng thòng diêm dúa, ngược lại, áo quần thì chỉ một vài mảnh vải đắp thờ ơ, hở trước hở sau, hở trên hở dưới. Làm sao để con nó tin được rằng vẻ đẹp tâm hồn mới quan trọng khi người ta treo bảng rao, cần tuyển nhân viên, ngoại hình đẹp… Nói về sự sâu sắc của tâm hồn khi người đời đang nhìn nhau, đánh giá nhau bằng quần áo, trang sức, bằng xe, bằng nhà… không biết đứa con có nghe không. Nó có tin mẹ không khi mẹ nói về sự trung thực trong khi bạn nó quay cóp luôn luôn được điểm cao, xếp hạng đầu. Câu chuyện của mẹ về lòng nhân từ sẽ chìm lỉm giữa cảnh chiếc ô tô dấn ga cán bừa lên sọt cà chua – gia tài của người nông dân lỡ đổ ra đường, vì chở nặng. Chẳng ai đỡ giúp chiếc xe, hay nhặt giúp trái cà…

Vậy mà, lái con tàu hoang dã thơ dại ấy về cái bến đầy hoa cỏ chẳng dễ dàng gì. Mẹ biết phải nỗ lực nhiều, nhưng chỉ tấm lòng người mẹ thôi không biết có chống chọi được với muôn mặt cuộc sống để dẫn dắt con mình vào con đường tử tế?

VỪA TIN CHÚA VỪA MẾN PHẬT, ĐƯỢC KHÔNG ?

VỪA TIN CHÚA VỪA MẾN PHẬT, ĐƯỢC KHÔNG ?

PHÙNG VĂN HÓA

Trích EPHATA 611

Truyền giáo gắn liền với hội nhập và việc hội nhập ấy diễn ra không đâu cụ thể và khó khăn cho bằng nơi các cặp hôn nhân khác đạo. Do sự sắp xếp của một người bạn, vị Tu Sĩ đã được mời đến dự bữa ăn tại nhà hàng cùng với hai vợ chồng, vợ theo Công Giáo, còn chồng theo Phật Giáo ( có phép chuẩn ). Cả hai đều nhất quyết bảo vệ… đạo của mình. Thế nhưng cuộc sống chung đạo ai người ấy giữ, có thể đi đến chỗ đổ vỡ vì một mối lo chung, “lo là vì sau này không biết giáo dục các cháu theo tôn giáo nào ! Dựa vào giáo lý Đức Phật hay Chúa Giêsu để định hướng cho chúng nó, nên mỗi khi đụng đến vấn đề này là vợ chồng cãi nhau” ( Nguồn: Lamhong.org 15.11.2013, Nguyễn ngọc Phú Đa, Truyền giáo ngày nay: Làm sao tin Chúa mà vẫn không mất lòng mến Đức Phật ? ).

Sự xung đột diễn ra giữa các niềm tin tôn giáo là điều không thể tránh, lý do là vì ai cũng muốn bảo vệ niềm tin của mình bất chấp nó đúng hay không đúng. Người vợ rất muốn chồng phải theo Công Giáo. Ngược lại, chồng lại muốn vợ phải theo Phật Giáo. Vị Tu Sĩ hỏi lý do thì cả hai đều có câu trả lời như nhau, là vì gia đình đã theo Chúa hoặc theo Phật từ nhiều đời, nay không có cách chi bỏ được.

Sau khi biết lý do, vị Tu Sĩ bèn thuyết giảng cho người chồng theo Đạo Phật về… Đức Phật thế này: “Trước tiên tôi thấy Đức Phật là một đấng rất đáng kính. Ngài đã dám chấp nhận từ bỏ con đường giàu sang nhung lụa chốn triều đình và đã nhất quyết bỏ lại tất cả khi đã giác ngộ ra chân lý “đời là bể khổ” và ngài đã tìm ra con đường để giải thoát. Con đường ấy được thể hiện trong triết lý Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên và Bát Chính đạo. Qua đó ngài cũng mời mọi người đi theo con đường mà Ngài đã tìm ra để đạt được hạnh phúc. Đức Phật thật tốt. Tuy nhiên khi được học trò hỏi: Thưa thầy chân lý ở đâu ? Ngài đã không tự nhận mình là chân lý nhưng âm thầm chỉ tay lên trời, chân lý ở trên đó ! Ngài đóng vai trò là người dẫn đưa người ta đến gần Ông Trời, gặp được Ông Trời, và được ở với Ông Trời là chân lý tuyệt đối. Vì thế người Công Giáo chúng tôi rất mến Đức Phật, bởi vì ngài cũng như chúng tôi là tin Ông Trời, gặp được Ông Trời, Thượng Đế, Đấng Tạo Hóa. Tuy có nhiều cách gọi khác nhau nhưng những tước hiệu đó bên chúng tôi gọi ngài qua một tên chung là Thiên Chúa” ( Nguồn: Nguyễn Ngọc Phú Đa, đã dẫn ).

Sau khi nghe… thuyết một hồi như thế thì anh chồng có vẻ đắc trí ( nguyên văn ) tỏ ý muốn theo… Chúa, nhưng còn gặn hỏi: “Bây giờ làm thế nào để con theo Chúa mà không bỏ Đức Phật. Bởi vì con thương và thấy tội Đức Phật quá. Con cũng thấy có một số người khi đã tin theo tôn giáo khác thì ngay lập tức họ quay lưng lại với Đức Phật ! Thậm chí họ coi Đức Phật rất tầm thường, nếu không muốn nói là báng bổ ngài. Nếu mà thầy bắt con cũng như họ là con nhất quyết không theo Đạo Chúa đâu. Tôi bảo anh định theo Chúa là đúng rồi, bởi vì Chúa là Đấng dựng nên trời đất muôn vật muôn loài trong đó có loài người và cũng có cả Đức Phật luôn” ( Nguồn: Nguyễn Ngọc Phú Đa, đã dẫn ).

Chẳng biết chuyện kể này… thật hư thế nào, nhưng qua đây cũng có thể thấy được quan điểm của không ít người Công Giáo về Đạo Phật cũng như về Đức Phật. Theo họ thì Phật Thích Ca cũng chỉ là người như bao người khác đã được tạo dựng bởi Đấng Thần Linh Tạo Hóa và vì thế chỉ có thể đáng mến chứ không thể tôn thờ. Dẫu vậy cái sự… đáng mến ấy sở dĩ có là vì Đức Phật cũng… tin có Ông Trời !?!

Thương như thế thì cũng chẳng bằng mười phụ nhau, có nghĩa đã… mạ lỵ Đức Phật một cách trắng trợn đấy chứ chẳng phải không ! Niềm tin có Ông Trời hay còn gọi là Thượng Đế, Ngọc Hoàng Thượng Đế v.v… sinh ra và cai quản muôn loài, đó chỉ mang tính chất dân gian chứ không phải tôn giáo. Lấy tính chất dân gian gán cho tôn giáo, điều ấy không khỏi khiến con đường tâm linh trở nên bế tắc. Làm sao không bế tắc, bởi lẽ đường tâm linh là đường tìm kiếm: “Các ngươi hãy tìm Ta và gặp được khi các ngươi tìm kiếm Ta hết lòng” ( Gr 29, 13 ).

Đường tâm linh là đường tìm kiếm, nhưng nên nhớ việc tìm kiếm ấy không phải là tìm cái chi đó ở bên ngoài, nhưng là quay trở về với Đấng ở nơi mình: “Hãy trở lại cùng Ta thì Ta sẽ trở lại cùng ngươi” ( Ml 3, 7 ). Quay trở về với chính mình, đây là mệnh lệnh của tâm linh tôn giáo nhưng cũng là của minh triết: “Hãy tìm cho biết về chính mình ngươi” ( Connais toi – Toi même ), người ta thấy lời này được khắc ghi trên cổng lối vào Đền Delphe của Hy Lạp cổ, như nhắc nhở con người rằng chân lý chỉ có thể tìm thấy khi biết quay trở về với chính mình.

Mặc dầu vậy, đối với triết học thì nhắc nhở chỉ là nhắc nhở, bởi lẽ trước sau nó vẫn cứ là duy lý, không thể khác. F. Nietzche ( 1844 – 1900 ), ông tổ của triết học hiện sinh vô thần, đã nặng lời phê phán Socrates, cho rằng ông này “…như người dẫn trẻ đến vườn mà không chỉ cho lối vào: Bảo hãy biết chính ngươi, mà không có phương pháp, nên môn sinh người thì tìm vào sinh vật học như Aristotes, người thì như Platon thì bám vào thế giới lý niệm. Tất cả mong mỏi tìm biết nhưng rút cục như Faust đi đến chỗ bán linh hồn để mua tri thức mà không đạt được” ( Kim Định – Nhân Bản, NXB. Ra Khơi 1965 ).

Tất cả mong mỏi tìm biết đến nỗi bán cả linh hồn cũng không được, lý do là bởi tri thức ấy muôn đời chỉ là cái biết của sự phân biệt. Bao lâu còn phân biệt là còn thấy có người, có vật ở ngoài mình, thậm chí ngay cả Thiên Chúa khi ấy cũng chỉ là một thứ sự vật, một thứ khái niệm chết khô. Lấy tri thức để hòng tìm biết Thiên Chúa chỉ vô ích, bởi lẽ Thiên Chúa là thực tại vượt thoát khỏi mọi ý niệm ngôn ngữ.

Tất cả nguyên nhân đưa đến khủng hoảng của Giáo Hội từ trước đến nay là do đã lầm tri thức với thực tại. Chính vì sự lầm lẫn ấy nên thay vì tìm kiếm Thiên Chúa Đấng chưa ai từng thấy biết ( Ga 1, 18 ), Thần Học lại theo đuổi một thứ tri thức tìm biết về cái căn nguyên sinh thành vũ trụ: “Triết học là khoa học về vạn vật, lấy những nguyên nhân tối cao để giải nghĩa chúng” ( La Philosophie est la science des choses par leurs causes suprêmes, Trần Thái Đỉnh – Triết Học Hiện Sinh ).

Trong cuộc sống thường nhật, người ta thấy không có gì lại không có nguyên nhân. Cái nhà không thể tự mình có mà phải có người làm ra cái nhà. Cơm không thể tự chín mà phải có người nấu mới thành cơm v.v… và v.v… Từ đó suy ra thì cả vũ trụ này với muôn vàn tinh tú vận hành trong trật tự vĩnh hằng thì lý đương nhiên ắt cũng phải có đấng sinh ra nó ? Sự suy ra ấy đã được thần học trong đó có cả Thánh Thomas Aquino, lập luận thế này: mọi sự đều có nguyên nhân nhưng do không thể có một chuỗi vô tận các nguyên nhân ngẫu nhiên nên chuỗi này nhất thiết phải dừng lại ở một nguyên nhân đầu tiên, hay còn gọi là nguyên nhân tối cao, và đó chính là Thượng Đế, là Tạo Hóa.

Thật sự thì trong thiên nhiên vạn vật không có bất cứ cái gì do ngẫu nhiên, nhưng nếu bảo rằng cần có Đấng Tạo Hóa để điều hòa trật tự trong vũ trụ, thì đấng ấy nếu có, xét ra cũng chỉ tương đương như một kiến trúc sư hay một nhà quản trị thôi sao ? Mặt khác, Tạo Hóa chẳng lẽ chỉ điều hòa trật tự trong vũ trụ thiên nhiên, còn con người thì sao ? Đang khi đó chính con người và cuộc sống, tức hạnh phúc hay khổ đau của nó, mới là đối tượng tôn giáo cần nhắm tới. Tôn giáo có mặt không phải là để nêu lên những vấn nạn siêu hình, nhưng là để giải quyết nó cho đến tận căn.

Đức Phật trả lời cho vị Tỳ Kheo: “Này Malunkyaputta, Như Lai không hề nêu lên vấn đề thế gian  có vĩnh cửu hay không, thế gian có giới hạn hay vô tận. Tại sao ? Bởi vì những điều ấy không tạo ích lợi, không thể làm nền tảng cho đời sống phạm hạnh, không chấm dứt sân hận phiền não, không dẫn đến sự dập tắt, sự vắng lặng, trí tuệ, sự giác ngộ hay là Niết Bàn. Vì vậy Như Lai không đề cập đến những vấn đề ấy” ( Thiền sư Nãrada Thera – Đức Phật và Phật Pháp ).

Đức Phật không trả lời những vấn nạn siêu hình bởi nó chẳng ích lợi gì cho việc chấm dứt khổ đau. Để chấm dứt khổ đau thì chỉ có một con đường, đó là nhận biết sự thật. Ngay sau khi thành đạo, Đức Phật thuyết giảng về bốn sự thật ( Tứ Diệu Đế ) đó là:

1. Khổ Đế: Cõi đời là đau khổ, dù cho có danh vọng giàu có tài trí đến đâu cũng không ai có thể thoát khỏi sinh lão bệnh tử, xa lìa người thân, gần gũi kẻ thù.

2. Tập Đế: Tất cả những khổ đau ấy không phải do ngẫu nhiên nhưng đã được kết tập từ nhiều đời nhiều kiếp. Nói cách khác, khổ đau chỉ là cái quả của cái nhân do chính mình gây ra.

3. Diệt Đế: Nếu khổ chỉ là cái quả của nhân do mình gây ra, thì cũng chỉ có mình mới có thể chấm dứt nó.

4. Đạo Đế: Có tám con đường ( Bát Chánh Đạo ), tức phương pháp tu hành cần noi theo để đi đến chỗ an lạc tuyệt đối là Niết Bàn.

Đức Phật đã từ bỏ ngôi báu thái tử để dấn thân trên con đường tu tập, trải qua muôn vàn hiểm nguy gian khổ mới có thể đem đến cho nhân loại con đường giải thoát sinh tử ấy. Đối với những người theo Phật ( Phật Tử ) thì việc biết ơn là lẽ đương nhiên và sự biết ơn ấy còn đi đôi với lòng yêu mến, bởi vì Ngài đã đem đến cho mình con đường thoát khổ một cách chắc chắn. Người ta vẫn nói có biết thì mới mộ mến, còn ngược lại thì không ( Vô tri bất mộ ). Có thể nói người Công Giáo chúng ta sở dĩ không có lòng mến mộ Đức Phật là vì đã thiếu sự hiểu biết cần thiết về Ngài cũng như về con đường của Ngài. Chính bởi vậy vấn đề đặt ra cho việc truyền giáo hội nhập hôm nay là phải làm sao có được sự hiểu biết càng nhiều càng tốt về Đạo Phật.

Rất có thể có những e ngại rằng nếu hiểu Đạo Phật, biết đó là con đường chân chính thoát khổ thì người ta sẽ bỏ Công Giáo để theo Phật Giáo hay chăng ? Thực tế điều ấy cũng đã xảy ra, có ký giả người Ý, ông Vittorio Messori đã thưa với Đức Gioan Phaolô 2: “ Như Đức Thánh Cha đã biết, hình như giáo lý giải thoát của Phật Giáo đang lôi cuốn một số lớn người Tây Phương như để thay thế cho Kitô Giáo, hay như một thứ bổ túc, ít ra là về những gì liên quan tới kỹ thuật tu đức và thần bí” ( Bước Vào Hy Vọng – Câu hỏi số 14 ).

Có một số lớn trí thức Tây Phương bị giáo lý Phật Giáo lôi cuốn, đó là thực tế không thể phủ nhận. Tuy nhiên cần nhận ra lý do của nó, phải chăng là vì giáo lý Công Giáo của chúng ta thực sự có vấn đề, nghĩa là vẫn còn xiển dương một Đấng Thần Linh Tạo Hóa. Một khi còn xiển dương Đấng được gọi là Tạo Hóa ấy thì sẽ không bao giờ có thể nhận ra vai trò Thiên Sai của Đấng Cứu Độ: “Vừa rạng ngày, Ngài ra đi đến nơi vắng vẻ. Có quần chúng kéo đi tìm Ngài theo kịp, muốn giữ Ngài lại không cho Ngài đi khỏi họ. Nhưng ngài nói cùng họ rằng: “Ta cũng cần phải rao giảng Tin Mừng Nước Đức Chúa Trời cho các thành thị khác, vì cốt tại việc đó mà Ta được sai đến” ( Lc 4, 42 – 43 ).

Rao giảng Tin Mừng Nước Trời, đó cũng là rao giảng Sự Thật, bởi vì Nước Trời ấy là nước nội tại trong tâm mỗi người ( Lc 17, 20 – 21 ). Con người do bởi vô minh che lấp thế nên không thể nhận biết và sống với Bản Tinh Chân Thật của mình. Bản tính ấy với Đạo Phật là Phật Tánh, còn với Đạo Chúa là phẩm vị Con Thiên Chúa. Bao lâu còn bị trói buộc trong vòng vô minh mà Kinh Thánh gọi là Tội Nguyên Tổ ấy thì con người không sao có thể thoát khỏi khổ não. Phật Thích Ca cũng như Chúa Giêsu Kitô xuất hiện ở nơi cõi thế cũng không ngoài mục đích rao giảng sự thật để cứu vớt chúng sinh thoát khỏi sự trói buộc của vô minh đó thôi.

Dẫu vậy, chúng ta cần nhận ra sự khác biệt giữa Phật Thích Ca và Chúa Giêsu Kitô trong công cuộc cứu khổ cứu nạn này.

Phật Thích ca rao giảng Bốn Sự Thật ( Tứ Diệu Đế ) như là nguyên lý tối thượng phải theo hầu thoát khổ. Còn Chúa Kitô thì lấy chính mạng sống mình làm giá cứu chuộc: “Ấy vậy Cha thương yêu Ta vì Ta bỏ mạng sống ta để lấy lại. Chẳng ai có thể lấy mạng sống Ta được nhưng Ta tự bỏ. Ta có quyền bỏ đi cũng có quyền lấy lại. Mạng lịnh ấy Ta đã nhận lãnh ở nơi Cha Ta” ( Ga 10, 17 – 18 ).

Bởi Chúa Kitô đã chịu chết để vâng phục Thánh Ý, chính vì vậy nên Ngài cùng với Chúa Cha đã trở nên một: “Ai tin Ta chẳng phải tin Ta nhưng là tin Đấng đã sai Ta. Còn ai thấy ta tức là thấy Đấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đến thế gian hầu hễ ai tin ta thì chẳng cứ ở trong tối tăm. Nếu ai nghe lời Ta mà không vâng giữ thì Ta chẳng xét đoán kẻ đó, vì Ta đến chẳng để xét đoán nhưng để cứu rỗi thế gian” ( Ga 12, 44 ).

Tin và theo Chúa, đó là bảo đảm chắc chắn cho phần rỗi đời đời của mỗi người, ấy là vì lòng tin ấy sẽ dẫn đưa ta đến với Chúa Cha: “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” ( Ga 14, 6 ). Tin theo Chúa để được cứu rỗi, thế nhưng tin Chúa thế nào được nếu không ở trong Giáo Hội do Người thiết lập ? Lý do cần phải “Ở” trong Giáo Hội bởi mỗi Kitô Hữu chúng ta, dầu là Giáo Sĩ hay Giáo Dân cũng đều là chi thể trong Thân Mầu Nhiệm Chúa Kitô. Là chi thể thì phải gắn kết với thân mới có thể sinh hoa kết quả, trái lại thì không. Những con người gọi là trí thức Tây Phương đó đã rời bỏ Giáo Hội để ngả theo Phật Giáo, họ có được gì đâu ngoài ra một mớ kiến thức vô bổ về triết học này nọ. Phương pháp dù có hay đến đâu nhưng nếu không áp dụng thực hành đến nơi đến chốn thì chẳng những chẳng ích lợi gì mà còn mang họa.

Người Công Giáo nếu có mến Phật thì cũng chỉ nên coi đó như một phương pháp tu tập giúp ta đi sâu vào bản tâm mà thôi… Còn như nói rằng mến Phật chỉ vì ngài cũng tin có Ông Trời như mình thì quả là… lố bịch ! Trong bất cứ thời nào, bản chất của Giáo Hội vẫn là theo đuổi việc truyền giáo, thế nhưng việc truyền giáo ấy sẽ không thể kết quả nếu không rao giảng Tin Mừng Nước Trời của Đức Kitô, bởi vì chỉ với Nước Trời ấy mà con người mới “Hòa” được với Thiên Chúa và với nhau : “Mọi sự đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người và trao cho chúng tôi chức vụ giải hòa” ( 2Cr 5, 18 ).

PHÙNG VĂN HÓA

Đối đầu TQ-VN ở Biển Ðông thử thách chính sách xoay trục Á Châu của Mỹ

Đối đầu TQ-VN ở Biển Ðông thử thách chính sách xoay trục Á Châu của Mỹ

Tàu Tuần duyên Trung Quốc số hiệu 3411 (trái) và tàu Tuần duyên Việt Nam số hiệu 4032 trong khu vực Biển Đông mà cả hai đều tuyên bố thuộc lãnh hải của mình.

Tàu Tuần duyên Trung Quốc số hiệu 3411 (trái) và tàu Tuần duyên Việt Nam số hiệu 4032 trong khu vực Biển Đông mà cả hai đều tuyên bố thuộc lãnh hải của mình.

Scott Stearns

23.05.2014

BỘ NGOẠI GIAO HOA KỲ — Vụ giằng co về một giàn khoan dầu ở vùng biển có tranh chấp ngoài khơi Việt Nam đang trắc nghiệm cái gọi là chính sách “Xoay trục” của chính quyền Obama về các nguồn lực quân sự và ngoại giao qua châu Á.

Việt Nam nói một giàn khoan dầu của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp đe dọa đến quyền tự do hàng hải. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố:

“Việc hạ đặt giàn khoan bất hợp pháp đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định an ninh hàng hải và tự do hàng hải ở Biển Ðông.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói chính Việt Nam đang làm tăng thêm căng thẳng qua việc nêu thắc mắc về chủ quyền của Trung Quốc.

Ông Hồng nói: “Họ đang bóp méo các sự kiện, làm cho sai đúng lẫn lộn trên sân khấu thế giới, bôi nhọ Trung Quốc và đưa ra những lời cáo buộc vô lý.”

Vụ giằng co nằm trong khuôn khổ nỗ lực của Trung Quốc nhằm đẩy lui sự hiện diện nhiều hơn của Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, theo nhận xét của giáo sư Hillary Mann Leverett của trường American University:

“Cuộc giằng co thực sự đưa Việt Nam ra tiền trường của một cuộc chiến, cơ bản là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, về việc ai sẽ có khả năng tạo ảnh hưởng ngày nay và dài hạn trong khu vực hết sức quan trọng của thế giới.”

Ðó là một thông điệp nhắm vào tất cả những đối thủ tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh, theo giáo sư Carl Thayer của trường Ðại học New South Wales:

“Các quốc gia chủ chốt trong ASEAN, không riêng gì Philippines và Việt Nam, sẽ hết sức quan ngại, bởi vì không phải chỉ là vấn đề một giàn khoan, mà là sức mạnh quân sự kèm theo, và mỗi quốc gia sẽ cảm thấy yếu thế trước Trung Quốc.”

Chủ tịch Tập Cận Bình nói Trung Quốc luôn luôn cố gắng giải quyết một cách êm thắm các vấn đề chủ quyền hàng hải và nêu thắc mắc về các quốc gia Á châu mưu tìm liên minh chống lại các nước láng giềng. Ông Tập nói:

“Các nước củng cố liên minh quân sự chống lại một nước thứ ba không có lợi ích cho an ninh khu vực.”

Bắc Kinh đang tìm cách phá hoại cái gọi là chính sách xoay trục của Hoa Kỳ dựa vào điều mà giáo sư Leverett nói là một giả thuyết cho rằng Washington sẽ không tranh chấp. Giáo sư Leverett cho biết:

“Khái niệm đối với Trung Quốc thực sự là dành cho Hoa Kỳ sự lựa chọn mà Hoa Kỳ không thể thắng được. Hoặc họ phải chiến đấu với Trung Quốc về những hòn đảo mà họ không quan tâm hoặc họ sẽ không hậu thuẫn cho các đồng minh của mình. Điều này gửi đi một tín hiệu mạnh cho các đồng minh đó là không thể dựa vào Hoa Kỳ, chính sách xoay trục không có thực chất, và láng giềng duy nhất mà họ phải đối phó ngày nay và mãi mãi là Trung Quốc.”

Washington nói sẽ ủng hộ hành động pháp lý của Hà Nội chống lại giàn khoan trong khuôn khổ gọi là “lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ trong việc duy trì hòa bình và ổn định” ở Biển Ðông.

Những sự mất mát từ Biển Ðông

Những sự mất mát từ Biển Ðông

  • VOA

Nguyễn Hưng Quốc

22.05.2014

Cuộc tranh chấp ở Biển Đông, xoay quanh việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 đến khu vực thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, chưa biết sẽ dẫn đến đâu. Tuy nhiên, hiện nay, người ta đã thấy rõ một số khá lớn những sự mất mát.

Mất mát đầu tiên, thuộc về chính quyền Việt Nam, là uy tín về khả năng đối phó với hiểm họa xâm lấn biển và đảo của Trung Quốc. Từ cả chục năm nay, một số khá đông giới trí thức Việt Nam đã nhận ra sai lầm của nhà cầm quyền Việt Nam trong các chính sách liên quan đến Trung Quốc, chủ yếu tập trung vào khẩu hiệu Bốn Tốt và phương châm 16 Chữ Vàng. Nhưng chính quyền vẫn bất chấp những lời phê phán và cảnh báo ấy. Nhiều người vẫn cứ tin chính phủ. Tin một cách mù quáng, nhưng vẫn tin. Bây giờ, khi tranh chấp nổ lớn, giới quan sát quốc tế, trên các tờ báo lớn, đều nhận thấy rõ là chính quyển Việt Nam hoàn toàn lúng túng, không biết đối phó ra sao cả. Sự lúng túng ấy cho thấy, lâu nay, mặc dù được nhiều người cảnh giác, họ vẫn ngây thơ hoặc lì lợm không tin và do đó, không chuẩn bị trước một chiến lược nào cho nhất quán và hiệu quả. Sự lúng túng ấy, như tôi đã từng phân tích trong bài “Trung Quốc đã thắng trên Biển Đông”, là một sự thua cuộc. Thua ngay từ ván đầu.

Mất mát thứ hai, thuộc lãnh vực kinh tế, qua các cuộc xuống đường bạo động của các công nhân Bình Dương và Hà Tĩnh khiến nhiều nhà máy và công ty bị đập phá, hôi của, hoặc phải đóng cửa. Trước mắt, các cuộc bạo loạn này sẽ dẫn đến ba cái hại: Một, số công nhân thất nghiệp sẽ gia tăng; hai, số nhà máy và công ty cần một thời gian mới phục hồi lại nhịp điệu sản xuất như trước; và ba, nhiều công ty và nhà máy của Trung Quốc sẽ ngần ngại trong việc đầu tư vào Việt Nam. Điều này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng xấu đến tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Khi sự phát triển chậm lại, gánh nặng sẽ oằn lên, trước hết, trên đôi vai của giới thợ thuyền.

Nhưng mất mát thứ ba này, theo tôi, là quan trọng nhất: dân chủ và nhân quyền có nguy cơ bị đe dọa nặng nề.

Khi cuộc tranh chấp mới bùng nổ, chính quyền tự đứng ra tổ chức và cho phép một số nhóm xã hội dân sự tổ chức xuống đường biểu tình chống Trung Quốc tại ba thành phố lớn: Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng. Ngỡ như từ đó, chính quyền sẽ dần dần hợp pháp hóa các cuộc biểu tình chống ngoại xâm của dân chúng. Nhưng có vẻ như không phải. Sau các cuộc bạo loạn của các công nhân ở Bình Dương và Hà Tĩnh, nhân danh việc tái lập trật tự và an toàn xã hội, chính quyền ra tay bắt bớ những người họ cho là đứng sau lưng xúi giục quần chúng. Và, quan trọng hơn, tăng cường sự theo dõi đối với những người vốn thường xuyên mang tư tưởng chống Trung Quốc. Trên facebook, mấy ngày vừa qua, khá nhiều người cho biết chung quanh nhà của họ lúc nào cũng đầy nhóc công an và an ninh khu vực canh giữ cả ngày lẫn đêm. Họ đi đâu cũng có người bám theo sau. Mức độ theo dõi, như vậy, nghiêm trọng hơn hẳn trước đây. Chúng ta không thể loại trừ khả năng, sắp tới, có thể sẽ có một số người bị bắt với lý do xúi giục dân chúng bạo loạn.

Hầu như đã thành quy luật trong sinh hoạt chính trị trên thế giới từ trước đến nay: Khi đất nước đối diện với đe dọa từ bên ngoài, cái bị bóp chết đầu tiên chính là dân chủ và nhân quyền. Điều đó xuất phát từ hai nguyên nhân chính: Một, trong văn hóa chiến tranh, quần chúng thường có khuynh hướng tạm gác lại các bất đồng và tinh thần phản kháng để tập hợp chung quanh chính quyền. Tinh thần phê phán thường bị thay thế bởi tinh thần phục tùng. Kẻ thù càng lớn, nguy hiểm càng nhiều, người dân càng dễ quay về với chính phủ để chờ đợi mệnh lệnh. Hai, các chính phủ cũng thường lợi dụng văn hóa chiến tranh ấy để củng cố quyền lực của mình và loại trừ dần những kẻ đối lập hoặc bất đồng chính kiến trong xã hội.

Một trong những luận điểm nhà cầm quyền thường đưa ra nhiều nhất là: Để bảo vệ độc lập và chủ quyền, cần, trước hết, đánh thắng kẻ thù; muốn đánh thắng kẻ thù, cần sự đoàn kết; để đoàn kết, mọi người phải ủng hộ chính quyền; và để ủng hộ chính quyền, mọi người phải tự hy sinh những sự khác biệt về quan điểm, hay rộng hơn, tư tưởng; nói cách khác, hy sinh tự do. Và khi mỗi người tự hy sinh tự do của mình, cả nước sẽ hy sinh dân chủ.

Các luận điểm, nghe, có vẻ có lý, nhưng vì tính chất “có vẻ có lý” ấy, chúng trở thành nguy hiểm. Lý do: mọi người phải ngoan ngoãn đứng sau lưng chính phủ, nhưng nếu chính phủ sai thì sao? Hoặc, ngay cả khi chính phủ không hoàn toàn sai nhưng họ lại lợi dụng điều ấy cho các mưu đồ độc tài và trục lợi cho riêng họ thì sao? Một ví dụ rất rõ: Từ khi vụ tranh chấp chung quanh giàn khoan HD-981 bùng nổ, người được hưởng lợi đầu tiên có lẽ là bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế. Trước, bà bị phê phán gay gắt vì cả sự bất lực lẫn sự vô cảm trước sự xuống cấp của ngành y tế, và nhất là, trước sự lan tràn của bệnh sởi. Bây giờ, hầu như không ai quan tâm đến những vấn đề ấy nữa. Ngay cả khi có thêm vài chục hay vài trăm trẻ em bị chết vì dịch bệnh ấy, người ta cũng không quan tâm: Mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía Biển Đông.

Đó là lý do tại sao, trên khắp thế giới, từ trước đến nay, tất cả các chế độ độc tài đều muốn chiến tranh: Họ dùng chiến tranh bên ngoài để trấn áp người dân trong nước. Chắc chắn chính quyền Việt Nam đã học và ứng dụng bài học ấy, không phải bây giờ, mà từ cả sáu, bảy chục năm qua.

Với những kẻ nhẹ dạ, luận điệu ấy dường như có sức thuyết phục lớn. Sau năm 1975, có lúc có người đổ trách nhiệm làm mất miền Nam cho những người hay lên tiếng chống lại chính quyền. Hiện nay, không ít người cũng hăm he như thế với kiểu nghĩ: trong cuộc đấu tranh chống lại Trung Quốc, không những mọi sự phê phán nhắm vào chính quyền có hại mà bất cứ ý kiến đượm vẻ hoài nghi nào cũng đều có tác dụng tiêu cực: Chúng làm nản lòng mọi người để người ta chấp nhận thua cuộc ngay cả trước khi thực sự chiến đấu.

Chưa biết có đánh nhau hay không và chưa biết ai thua ai thắng nhưng hai nạn nhân đầu tiên đã xuất hiện: dân chủ và nhân quyền.