EVA, CAIN, SA-UN THỜI HIỆN ĐẠI!

EVA, CAIN, SA-UN THỜI HIỆN ĐẠI!
Mở lại những trang đầu của sách Sáng Thế, người ta đọc và thấy những trang sách ghi lại tình cảm hết sức tốt đẹp giữa Thiên Chúa và con người.  Cứ chiều chiều, Thiên Chúa đến và đi dạo với hai ông bà trong vườn địa đàng.  Trong cuộc đi dạo ấy, ắt hẳn Thiên Chúa như người tình đến thỏ
thẻ, thủ thỉ với hai ông bà và hai ông bà cũng thỏ thẻ tâm sự với Chúa.
“Mối tình đầu” trong sách Sáng Thế Ký thật nên thơ.
“Mối tình đầu” đang triển nở một cách tốt đẹp bỗng dưng con rắn dữ xuất hiện.  Nó đã gieo
những lời ngon ngọt rằng khi ăn “trái ấy” vào thì ông bà sẽ bằng Thiên
Chúa.  Nhưng Khi ăn vào rồi thì sự thật lại khác.  Sự thật chính là
sự tan vỡ của mối tình đầu lãng mạn mà Thiên Chúa dành cho con người.  Eva
muốn bằng Thiên Chúa, muốn đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình nên bóp nghẹt
sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa bằng hành động hái trái cấm.
Tưởng chừng kinh nghiệm của hai ông bà nguyên tổ sẽ là kinh nghiệm quý báu cho con cháu.  Nhưng
không, trường hợp hai đứa con đầu lòng của ông bà đã đi theo vết xe cũ của cha
mẹ.  Không đơn giản như hai ông bà mà Cain đã cam tâm giết em mình là
Aben.  Cain và Aben là hai anh em ruột thịt hằng ngày vẫn yêu mến, hoà
thuận với nhau.  Thế rồi, sau khi thu hoạch hoa màu lợi tức, hai anh em
cùng nhau dâng của lễ đầu mùa lên Thiên Chúa.  Thiên Chúa nhận lễ vật của
Aben mà từ khước lễ vật của Cain.  Thế là từ đó, trong Cain phát sinh lòng
ghen tỵ.  Lòng ghen tị lớn dần lấn át cả tình anh em ruột thịt khiến Cain
dụ em ra đồng và xông vào đánh chết em mình.  Chính lòng ghen tị trong tâm
hồn Cain là nguyên nhân chính xui khiến anh giết chết Aben.
Một trường hợp tương tự khác là vua Sa-un và Đavít.
Thời ấy, Gô-li-át, một kiện tướng của quân Philitinh, một người khổng lồ có sức mạnh vô địch, khiêu chiến với quân Ít-ra-en.  Trong hàng ngũ quân Ít- ra-en, không ai dám đương đầu với tên khổng lồ ấy.  May thay, Đa-vít xuất hiện kịp thời.  Cậu dùng ná bắn lủng trán Gô-li-át, rồi
dùng chính gươm của y mà chặt đầu y.  Quân Ít-ra-en thừa thắng xông lên
như nước vỡ bờ, đánh tan quân địch không còn manh giáp.  Sau đó, phụ nữ từ
các thành Ít-ra-en tuôn ra các ngã đường chào mừng vua Sa-un chiến thắng và ca
tụng Đa-vít như vị anh hùng kiệt xuất: “Vua Sa-un giết được một ngàn, còn
Đa-vít giết được hàng vạn” (I Sm 18, 6-8).  Lời ca tụng đó làm cho
lòng ghen tị sục sôi trong lòng vua Sa-un.  Nhà vua tìm mọi cách tiêu diệt
Đa-vít và cuối cùng đem quân truy lùng tận những hang núi sâu, mưu toan tiêu
diệt vị anh hùng tài năng và dũng cảm này.
Eva, Cain, Sa-un vẫn vịn vào cái lý cái lẽ ác tâm sẵn có trong lòng mình để hại người công
chính.   Eva, Cain, Sa-un chỉ đăm đăm vào cái tôi của mình, vào lợi danh của mình mà quên đi tình Chúa – tình người.
Những bài học về Eva, Cain, Sa-un lẽ ra là bài học quý báu cho con người, nhưng ngày nay vẫn nổi lên quá nhiều khuôn mặt của Eva, Cain và Sa-un.  Điều đáng tiếc là dẫu cho có nhiều tiếng kêu ai oán về hành động giết người, nhưng ngày nay vẫn có quá nhiều khuôn mặt Eva, Cain và Sa-un thời hiện đại.  Eva, Cain và Sa-un vẫn cứ giả điếc làm ngơ để mặc cho sự dữ tiếp diễn để thoả mãn dục vọng
đen tối của mình.
Giả như Thiên Chúa xa lạ để Eva hành xử như thế thì cũng chẳng có gì để bàn nhưng Thiên Chúa
đã yêu thương hai ông bà hết mực.
Giả như Cain và Eben là người dưng nước lã để Cain giết Aben thì nhẹ tôi nhưng đàng này lại là
anh em cùng cha cùng mẹ.  Cain và Aben đã hơn một lần ăn chung, uống
chung, ngủ chung và thậm chí bú chung dòng sữa mẹ nhưng Cain đã quên đi mối
tình ruột thịt ấy.
Sa-un và Đavit cũng vậy.  Cả hai như là người một nhà vì sau khi thắng trận Sa-un đã gả
con gái lớn của vua cho Đavit.  Như một nhà, ấy vậy mà Sa-un đã ra tay sát hại Đavit.
Đứng trước sự ác, sự dữ lan tràn mặt đất như thế này chắc có lẽ không còn con đường nào khác
là con đường lặng thinh và cầu nguyện.  Tiếng kêu ai oán về tình Chúa – tình người, về lòng nhân hình như cứ như vô vọng trước những con người như Eva, Cain và Sa-un thời hiện đại.
Có thể ngày hôm nay người ta thiếu đời sống cầu nguyện, thiếu đời sống kết hợp mật thiết với
Chúa nên sự ác và sự dữ hoành hành một cách khốc liệt như thế này!  Cố lên
và cố lên!  Thêm một lời cầu nguyện cho Eva, cho Cain và cho Sa-un thời
hiện đại.  Biết đâu Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi lòng của những Eva, Cain
và Sa-un thời hiện đại.
Thanh Tâm

TÔN GIÁO NÀO TỐT NHẤT?

TÔN GIÁO NÀO TỐT NHẤT?

Trần Tiến sưu tầm

1/26/2013

Nguồn: Vietcatholic.net

Đây là một mẩu đối-thoại ngắn với Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma, nhà Thần-học người
Brazil, Leonardo Boff kể lại:

Tại một cuộc hội-thảo bàn tròn về “Tôn-giáo và tự-do” có Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma và tôi cùng tham-dự. Lúc tạm nghỉ, tôi hỏi ngài vừa tinh-nghịch vừa tò-mò “Thưa ngài, tôn-giáo nào tốt nhất? ”

Tôi nghĩ ngài sẽ nói: “Phật-giáo Tây-tạng” hoặc “Các tôn-giáo phương Đông, lâu
đời hơn Ki-tô giáo nhiều”.

Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma trầm-ngâm giây lát, mỉm cười và nhìn vào mắt tôi… Điều này
làm tôi ngạc-nhiên vì tôi biết đây là một câu hỏi ranh mãnh.

Ngài trả lời:

“Tôn-giáo tốt nhất là tôn-giáo đưa anh đến gần Đấng tối-cao nhất. Là
tôn-giáo biến anh thành con người tốt hơn”.

Để giấu sự bối-rối của tôi trước 1 câu trả-lời đầy khôn-ngoan như thế, tôi hỏi:
Cái gì làm tôi tốt hơn? ”

Ngài trả lời:

“Tất cả những gì làm anh

Biết thương-cảm hơn

Biết theo lẽ-phải hơn

Biết từ-bỏ hơn

Biết dịu-dàng hơn

Biết nhân-hậu hơn

Có trách-nhiệm hơn

Có đạo-đức hơn”.

“Tôn-giáo nào biến anh thành như-vậy là tôn-giáo tốt nhất”.

Tôi thinh-lặng giây lát, lòng đầy thán-phục, ngay cả bây giờ, khi nghĩ đến câu
trả-lời đầy khôn-ngoan và khó phản-bác, Ngài tiếp:

“Anh bạn tôi ơi!

Tôi không quan-tâm đến tôn-giáo của anh hoặc anh có ngoan-đạo hay không. Điều
thật-sự quan-trọng đối với tôi là cách cư-xử của anh đối-với người đồng-đẳng,
gia-đình, công-việc, cộng-đồng và đối-với thế-giới.

Hãy nhớ rằng vũ-trụ dội lại hành-động và tư-tưởng của chúng ta. Quy-luật của
hành-động (Action) và phản-ứng (Reaction) không chỉ dành riêng cho vật-lý. Nó
cũng được áp-dụng cho tương-quan con người.

Nếu tôi ở hiền, thì tôi gặp lành.

Nếu tôi gieo gió, thì tôi gặt bão.

Những gì ông bà nói với chúng ta là sự-thật thuần-túy. Chúng ta luôn nhận được
những gì chúng ta làm cho người khác. Hạnh-phúc không phải là vấn đề số-mệnh.
Đó là vấn-đề lựa-chọn.”

Cuối cùng ngài nói:

“Hãy suy-tư cẩn-thận vì Tư-tưởng sẽ biến-thành Lời-nói,

Hãy ăn-nói cẩn-thận vì Lời-nói sẽ biến-thành Hành-động,

Hãy hành-xử cẩn-thận vì Hành-động sẽ biến-thành Thói-quen,

Hãy chú-trọng Thói-quen vì chúng hình-thành Nhân-cách,

Hãy chú-trọng Nhân-cách vì nó hình-thành Số-mệnh,

Và Số-mệnh của anh sẽ là Cuộc-đời của anh.

… và …

“Không có Tôn-Giáo nào cao-trọng hơn Sự-Thật.”

Bên Thắng/Bên Thua & Những Bức Tường Lòng

Bên Thắng/Bên Thua & Những Bức Tường Lòng

01/24/2013                                       nguồn: RFA

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến

Người Nga có câu ngạn ngữ là nếu thiếu chó chăn, loài cừu không trở nên bầy đàn được. Cái khó của những cộng đồng người Việt hải ngoại là họ có dư loại chó này. Ðã thế, phần lớn, đều là … chó dại!

Khi còn bị phân chia bởi bức tường Bá Linh, dân Ðức hay kể câu chuyện hài này:

Có một con chó chui tường từ Ðông sang Tây. Thấy khách lạ nên lũ chó bên Tây Ðức xúm xít và tíu tít hỏi thăm:

– Bên ấy có hội bảo vệ súc vật không?

– Có chứ.

– Có bác sĩ thú y không?

– Có luôn.

– Có thẩm mỹ viện và nghĩa trang dành riêng cho chó không?

– Có tuốt.

– Thế thì việc gì đằng ấy phải vất vả chui tường sang đây?

– Tại vì ở bển bị cấm được cho …sủa!

Tháng 9 năm 1989, bức tường Bá Linh bị đập đổ. Ðông Ðức được giải phóng. Từ đây, người dân được quyền ăn nói tự do, và chó có quyền… được sủa.

Sự thống nhất nước Ðức về thể chế, cũng như về nhân tâm, tuy không phải là một tiến trình toàn hảo nhưng có thể được coi như là ổn thỏa – ngoại trừ đối với một số người. Họ là những di dân đến từ Việt Nam, theo như tường thuật của Alisa Roth:

“Người Việt vẫn đang là nhóm Á Châu lớn nhất tại thành phố Bá Linh. Những nguời được mệnh danh là Người Việt miền Tây là những người miền nam Việt Nam, hầu hết là thuyền nhân mà trong những năm tiếp theo chiến thắng 1975 của cộng sản, họ đã đổ đến những vùng bây giờ là Tây Ðức.”

“Còn nguời Việt miền Ðông là những nguời đến Ðông Ðức vào thập niên 1960 và 1970 cùng với các công nhân xuất khẩu từ những quốc gia cộng sản đang phát triển tới làm việc trong các nhà máy…”

“… Cái cộng đồng nhỏ bé này hãy còn duy trì sự chia cắt với hai thế giới, hai phương trời cách biệt. Những ý thức hệ – từng xé nát nước Ðức và nước Việt Nam ra làm đôi – hiện vẫn còn luân lưu mạnh mẽ tại nơi đây…”

Nó “mạnh mẽ” tới độ khiến một người dân bản xứ phải thốt lên rằng:”Bức tường Bá Linh nằm trong đầu óc của người Việt miền Ðông với người Việt miền Tây còn cao hơn cả bức tường của người dân Ðức đối với người dân Ðức.” (“Berlin’s Divide
Lingers For Vietnamese Expatriates Capital’s East – West Gap Reflects Cold War
Past,” San Jose Mercury News, 12 Jul. 2002:A1/ Việt Mercury 12 Jul. 2002:
1 + 69. Trans. Nguyễn Bá Trạc”).

Nói như thế, nghe đã phũ phàng nhưng  (vẫn) chưa …hết ý! Trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn của Nguyễn Gia Kiểng – ấn bản 2001, Paris, nơi trang 70 – tác giả còn trích dẫn nhận xét của một người ngoại quốc khác về dân Việt, như thế này đây: “Ils ne s’aiment pas” (Chúng nó không ưa nhau đâu).

Cha nội Parisien nào đó nói bậy bạ vậy mà …trúng phóc. Những phương tiện truyền thông và giao thông của thời hiện đại quả có làm cho trái đất nhỏ lại, và khiến cho loài người gần gũi với nhau hơn. Nhưng riêng với với dân Việt thì không. Nhất định là không.

Người ngoài có vẻ “hơi” ngạc nhiên về thái độ “rất kém thân thiện” của dân Việt đối với nhau, trên bước đường lưu lạc. Họ sẽ ngạc nhiên chết (mẹ) luôn nếu biết rằng những “bức tường ô nhục” tương tự hiển hiện khắp chốn, kể cả ở Việt Nam,
chứ chả riêng chi ở Berlin.

Dù đất nước đã “thống nhất” hơn một phần tư thế kỷ, dân chúng giữa hai miền Nam/Bắc Việt Nam (rõ ràng)  vẫn chưa gần nhau mấy. Đôi lúc, họ ăn ở cư xử với nhau cứ y như những kẻ phải sống trong một cuộc hôn nhân … cưỡng bách.

Theo “truyền thống,” người Việt hay chia phe và họ thường nhìn nhau qua những “lỗ châu mai” từ những “pháo đài” của … phe mình. Họ hay gọi nhau là “tụi
này” hay “tụi nọ” (tụi Công Giáo, tụi Phật Giáo, tụi Nam Kỳ, tụi Bắc Kỳ, tụi Trung Kỳ …). Gần đây, có thêm một “tụi mới” nữa – tụi thuộc … phe thắng cuộc!

Và đó mới chỉ là những chuyện nhỏ, ở miền xuôi. Ở miền ngược, miền núi, hay còn gọi là miền cao, miền sơn cước (hoặc cao nguyên) thì còn nhiều chuyện … kỳ cục dữ nữa. Nơi đây, một phần dân tộc Việt vẫn chưa được nhìn nhận là người thường hay người Thượng. Họ bị coi là … “tụi mọi” và bị chính đồng bào mình (toa rập với cường quyền) cướp đoạt hết đất đai canh tác.

Nghèo đói quá hoá “sảng” chăng? Khổ cực quá, cùng quẫn quá, bị chèn ép quá nên đâm ra gấu ó, cấu xé lẫn nhau chăng? Không hẳn đã thế đâu.

Tại nước Ðức, ngay giữa một thành phố tự do và phú túc, “bức tường Bá Linh nằm trong đầu óc của người Việt miền Ðông với người Việt miền Tây (vẫn) còn cao hơn bức tường của người dân Ðức  đối với người dân Ðức” mà. Hơn nữa, như đã thưa, những bức tường lòng (ô nhục) tương tự hiển hiện ở khắp nơi chứ đâu có riêng chi ở Berlin.

Nơi đâu có người Việt quần tụ là tức khắc nẩy sinh những chuyện  đố kỵ, chia cách, phân hoá, và đánh phá lẫn nhau túi bụi. Mỗi cộng đồng vẫn thường cần đến hơn một ban đại diện (dù tất cả những ban đại diện “dường như” không đại diện được cho bất cứ ai và cũng không mấy ai – thực sự- cần người đại diện)

Tương tự, mỗi hội đoàn đều có tới hai hay ba ông (bà) chủ tịch, dù cả hội đoàn đều không mấy ai biết rõ là họ hội họp lại với nhau để làm gì. Mọi tổ chức (không chóng thì chầy) nếu không vỡ tan tành thì cũng bể thành vài mảnh!

Người Nga có câu ngạn ngữ là nếu thiếu chó chăn, loài cừu không trở nên bầy đàn được. Cái khó của những cộng đồng người Việt hải ngoại là họ có dư loại chó này. Ðã thế, phần lớn, đều là … chó dại!

“Sự kiện vô vàn phi lý, cực độ vô nghĩa, và bất lợi không lường này, đang diễn tiến kết thành hiện tượng phân hoá hỗn loạn, phân liệt khắc nghiệt, chia rẽ trầm trọng giữa những cá nhân, nhóm cá nhân, cộng đồng người Việt ” (Phan Nhật Nam, “Lời Khẩn Thiết Nhằm Chấm Dứt Hiện Tượng Phân Hoá”).Cũng theo tác giả bài báo vừa dẫn thì Cục Tình Báo Hải Ngoại, trực thuộc Ban Tổ Chức Trung Ương Ðảng Cộng Sản Hà Nội, là nguyên nhân gây ra những hiện tượng phân hoá tiêu cực kể trên.

Những nhân viên của Cục Tình Báo Hải Ngoại e không tài ba đến thế. Chợ chiều rồi. Chúng nó (nếu có) cũng chỉ lo đánh quả mà thôi và chuẩn bị để chạy thôi.

Thủ phạm không đến từ bên ngoài. Chúng phục sẵn trong “thâm tâm” của tất cả chúng ta.

Khi còn nhỏ, tôi nhớ là đã đọc ở đâu đó – qua lời kể của Schopenhauer – một câu chuyện ngụ ngôn mà nội dung (đaị khái) như sau:

Có một mùa Ðông lạnh đến độ muốn tồn tại muôn loài đều phải xích lại thật gần nhau để truyền cho nhau hơi ấm. Chỉ riêng có loài nhím vì lông quá nhiều, quá nhọn và không cách nào thu lại được nên đành … chờ chết!

Dân Việt đang trải qua một mùa Ðông khắc nghiệt. Nếu chúng ta không vượt qua được những bức tường lòng hiện hữu, không xếp lại được những lông nhọn tua tủa tự mỗi người, và mọi phe nhóm đều nhất định “tử thủ” trong pháo đài của riêng mình thì (e) khó mà qua khỏi đuợc cơn quốc nạn này. Vấn đề không phải là mùa Ðông sẽ kéo dài vô tận mà vì đất nước (cũng như lòng người) sẽ bầm dập, te tua, tan nát, và tanh bành – sau đó.

Trở về cát bụi 2

Ta Cứ Tưởng Trần Gian Là Cõi Thật

Thế Cho Nên Tất Bật Đến Bây Giờ !

Ta Cứ Ngỡ Xuống Trần Chơi Một Chốc

Nào Ngờ Đâu Ở Mãi Đến Hôm Nay !

 

Trở về cát bụi 2

 

Bạn thân ơi! Có bao giờ bạn nghĩ

Cuộc đời này chỉ tạm bợ mà thôi

Anh và tôi giàu sang hay nghèo khổ

Khi trở về cát bụi cũng trắng tay

Cuộc đời ta phù du như cát bụi

Sống hôm nay và đâu biết ngày mai

Dù đời ta có dài hay ngắn ngủi

Rồi cũng về với cát bụi mà thôi

Thì người ơi! Xin đừng ganh đừng ghét

Đừng hận thù tranh chấp với một ai

Hãy vui sống với tháng ngày ta có

Giữ cho nhau những giây phút tươi vui

Khi ra đi cũng không còn nuối tiếc

Vì đời ta đã sống trọn kiếp người

Với tất cả tấm lòng thành thương mến

Đến mọi người xa lạ cũng như quen

Ta là cát ta sẽ về với bụi

Trả trần gian những cay đắng muộn phiền

Hồn ta sẽ về nơi cao xanh ấy

Không còn buồn lo lắng chốn trần ai.

Nguyễn thi Lan gởi

 

Sống cho người nghèo

Sống cho người nghèo

Đăng bởi lúc 1:25 Sáng 26/01/13

nguồn:chuacuuthe.com

VRNs (26.01.2013) – Đồng Nai – Mẹ Têrêsa Calcuta đã trở nên mẹ của người nghèo, mẹ của những con người cùng khổ, bất hạnh và bị bỏ rơi. Với cuộc đời luôn sống với người nghèo, cho người nghèo, mẹ càng trở nên cao trọng giữa muôn người trong thế kỷ thứ 20. Mẹ đã được cả thế giới gọi mẹ bằng một tên gọi đầy kính trọng Mẹ Têrêsa
Calcutta. Và có lẽ chẳng mấy ai còn nhớ đến tên gọi của mẹ do hai cụ thân sinh
đã đặt từ ấu thơ Agnes Gonxha Bojaxhiu.

Trong thánh lễ phong chân phước cho  Mẹ, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã đề cao mẹ như là một chứng nhân phục vụ theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu. Ngài nói: “Mẹ Têrêsa không những đã chọn chỗ thấp nhất mà còn muốn đi phục vụ những người hèn mọn nhất của xã hội. Tựa như một người mẹ của những người nghèo. Người nghiêng mình xuống trên những người cùng khổ vì đủ mọi thứ nghèo khổ”. Mẹ đã dấn thân đến với người nghèo hầu mong nâng cao phẩm giá họ lên giữa một xã hội còn đầy những kỳ thị chủng tộc, kỳ thị  sang hèn, giai cấp .. . Chính  Mẹ đã từng nói: “Cái nghèo khổ nhất trên đời này là bị xua đuổi, không còn được ai đoái hoài đến nữa”. Mẹ còn muốn cho công việc của Mẹ được nhân rộng thêm lên, Mẹ đã thành lập hội dòng Thừa sai bác ái với ước nguyện: “Thiên Chúa vẫn mãi yêu thương thế gian và Người sai chị em chúng ta ra đi biểu lộ tình yêu và lòng thương cảm của Người đối với người
nghèo”.

Lời Chúa hôm nay có thể nói là tin vui cho những người nghèo khổ, những người bất hạnh và bị bỏ rơi. Chúa Giêsu đã chọn người nghèo để dấn thân, để phục vụ. Không phải là Chúa Giêsu khinh bỉ người giầu, người quyền thế mà có thể nói Ngài đến để giúp cho những con người thấp hèn kia được nâng cao, được tôn trọng như những con người giầu có, quyền quý. Chính Ngài đã chọn sinh ra trong thân phận một người nghèo. Chính Ngài đã sống một cuộc đời nghèo khó. Nghèo khó đến nối “không có nơi gối đầu”. Mỗi bước chân của Ngài đều hướng đến những người khổ đau. Mỗi ánh mắt của Ngài đều hướng về những con người bất hạnh. Mỗi cái nhìn của Ngài đều chạnh lòng thương những ai đang đau khổ bơ vơ vì bị bỏ rơi, vì thiếu thốn tư bề. Ngài đã thực hiện trọn  vẹn sứ vụ của Đấng Messia mà các tiên tri đã loan báo. “Khi Người đến mắt người mù sẽ được nhìn thấy. Tai người điếc sẽ được nghe. Người câm nói được và người què nhảy nhót như nai”. Tất cả những điều đó hôm nay đã ứng nghiệm trong con người Đức Giêsu miền Nagiaret. Thiên Chúa đã nhập thể làm người để nâng con người nên làm con Thiên Chúa. Thiên Chúa đã trở nên Emmanuel ở lại luôn mãi với nhân trần. Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người để yêu thương và ban phát ơn lành. Đấng Thiên Sai đã chọn người nghèo, người cùng khổ để dấn thân phục vụ. Đấng Thiên Sai đã sống một kiếp người trong nghèo khó, thiếu thôn tư bề để cảm
thông với những lắng lo của kiếp người truân chuyên.

Đó cũng là sứ điệp mà Lời Chúa muốn  nhắn nhủ con người hôm nay. Giữa một xã hội quá chênh lệch giầu nghèo, địa vị. Giữa một xã hội quá phân biệt giai cấp và địa vị. Mức sống của từng giai cấp, địa vị đều khác nhau. Có những người ăn tiêu một bữa ăn bằng tiền lương cả một tháng lao động vất vả của một công nhân quèn.  Ở Việt Nam hôm nay có những trường học phổ thông dành cho con nhà giầu, mỗi tháng thu lệ phí mỗi em cả hàng chục triệu đồng, trong khi đó nhiều gia đình phải chật vật để kiếm vài trăm ngàn cho con có cơ hội đến trường, đến lớp. Có những người ốm đau bệnh tật kéo dài cả cuộc đời vì không có tiền trang trải cho viện phí nên đành chấp nhận đau
đớn mỗi khi trái gió trở trời, đang khi đó có biết bao người giầu có dư tiền dư
của đến nỗi bỏ ra hàng triệu đồng để lột da cho tươi trẻ, và còn khoét thêm má
lún đồng tiền để thêm phần duyên dáng thanh cao. Có những người cơm không đủ
no, áo không đủ mặc đang khi đó có biết bao người áo chỉ mặc một lần và đồ ăn
thức uống vất ngổn ngang quanh nhà.

Giữa một xã hội quá nhiều những thị phi như thế, Chúa đang cần chúng ta hãy tiếp tục công việc của Chúa. Hãy là những chứng nhân cho công việc phục vụ anh em. Hãy đem tình yêu Chúa trải rộng khắp mọi nẻo đường chúng ta đi. Hãy biết chạnh lòng thương với những ai đang khốn khổ lầm than. Hãy biết chia sẻ cơm bánh cho những anh em nghèo đói. Hãy cúi mình phục vụ những ai không có gì để đền đáp lại chúng ta.

Ước gì với tinh thần sống đời kytô giáo yêu thương và phục vụ sẽ là dấu chỉ thật đẹp của người môn đệ Chúa Kytô giữa thế giới hôm nay. Amen

Lm. Jos Tạ duy Tuyền

Chia sẻ kinh nghiệm Đức Tin

Chia sẻ kinh nghiệm Đức tin

nguồn: thanhlinh.net

Trong năm Đức Tin, xin gởi đến mọi người chia sẻ kinh
nghiệm Đức Tin của một tín hữu ẩn danh.

Đức Chúa Cha là ai đối với con? 40 năm trước con được học
kinh và Bổn, các Soeur dạy: “Chỉ có một tội trọng mà thôi đã đáng bị phạt đời
đời ở dưới hỏa ngục. Nạn lụt Đại Hồng Thủy, Thiên Chúa tiêu diệt cả loài người
tội lỗi, chỉ có gia đình ông Noe và súc vật được chọn thì được cứu sống trên
tàu”. Nên lúc đó con nghĩ, Thiên Chúa là quan tòa độc ác, vì thế trong thời
gian đó con giữ đạo chỉ vì sợ bị phạt xuống hỏa ngục mà thôi.

Biến cố lớn nhất con được Chúa thương xót cứu qua Mẹ chí ái.
Miền Nam Cộng Hòa sụp đổ, và Bắc Việt xâm chiếm, con là Thượng Sĩ Hải Quân, với
21 năm lính, bị đối xử khắc nghiệt, gia đình đói khổ cùng cực. Con chạy đến
dưới chân Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, và Mẹ đã dẫn con đến với Chúa Giê-su
Ki-tô. Con được học Kinh Thánh ở Dòng Chúa Cứu Thế tại Nha Trang từ năm 1976,
và ở Tòa Giám Mục Nha Trang con học lén lút vào mỗi chiều thứ sáu và thứ bảy.
Sau 14 năm ở Việt Nam và 5 năm tỵ nạn ở Phi-luật-Tân, con luôn được học và thực
hành Kinh Thánh. Chúa Giê-su Ki-tô đã cải thiện con với LỜI + MÁU + THỊT cực
thánh của Ngài. Nên Chúa Giê-su Ki-tô là CHA, CHÚA, ANH HAI, là BẠN CHÍ THIẾT
của con.

Nền tảng quan trọng của con trong đời sống Đức Tin vào Chúa.
Tin vào Chúa Giê-su Ki-tô đã phục sinh vinh hiển. Ngài đã chiến thắng tử thần.
Thắng và truất quyền tên đầu mục thế gian là Satan. Ngài đã cứu chuộc loài
người, và ban cho những ai TIN YÊU vào Ngài, được phúc trở nên con cái của
Thiên Chúa. Cùng chịu thương khó với Ngài, thì sẽ cùng được phục sinh vinh hiển
với Ngài.

Tại sao con lai TIN YÊU vào Thiên Chúa?Thiên Chúa là TÌNH YÊU. Ngài đã yêu thương con là kẻ tội lỗi, dù con đã đóng đanh Đức Giê-su Ki-tô, Con Chí Thánh, Chí Ái của ĐỨC CHÚA CHA, rất nhiều lần, mỗi lần con phạm tội trọng.

Đức Giê-su phán “Kẻ được tha nhiều thì yêu nhiều”.

Biến cố thứ hai không thua gì biến cố thứ nhất: Nhờ Mẹ đến với Chúa.
Mẹ Chí Ái bảo con: Ngài bảo gì, con hãy làm theo. Vậy Chúa Giê-su bảo con:

1.     Hãy cầu xin Lòng Thương Xót của Chúa.

2.     Hãy tín thác vào Chúa.

3.     Hãy thực hành Lòng Thương Xót của Chúa.

Điều 1 và điều 2 thực hành thì tương đối dễ, nhờ ơn Mẹ Chí Ái giúp. Nhưng
điều 3 quả là khó, trải qua 2 năm cầu nguyện và cố gắng thực hành Lòng Thương
Xót của Chúa. Với sự trợ giúp của Mẹ Chí Ái, từ từ mỗi ngày một ít, con đã biết
phải quên mình đi, mới có thể yêu CHÚA qua những người nghèo cả linh hồn và thể
xác. Yêu thương và tha thứ cho kẻ làm hại con,

để từ nay con sống, là sống cho TÌNH YÊU,

và dầu cho con chết, là chết cho TÌNH YÊU.

Một tín hữu ẩn danh.

 

ĐÁM TANG NGHÈO

ĐÁM TANG NGHÈO

Tác giả: Vũ Hưu Dưỡng

nguồn:conggiaovietnam.net

Trời Sài Thành hôm nay se lạnh, nhưng đã hứa thì dẫu có lạnh cỡ nào thì tôi cũng
phải đến.

Điểm đến sáng hôm nay là căn phòng quàn khiêm tốn nằm trong một góc nhỏ của một bệnh viện lớn. Tưởng chừng như bao đám tang khác cũng kẻ đón người đưa nhưng rồi chỉ vỏn vẹn hình bóng của 4 nữ tu. 4 nữ tu quây quần bên quan tài đang đọc kinh lòng Chúa Thương Xót.

Đã quá giờ hẹn một chút mà chẳng thấy bóng ai, lòng cũng không vui lắm bởi lẽ vẫn
thích rằng đúng hẹn. Hóa ra rằng trong góc phòng đó lặng lẽ dáng dấp của người
cha và người mẹ tiều tụy là đấng bậc sinh thành ra em và dáng dấp nữ tu chuyên
lo hậu sự cho những phận đời cơ nhỡ. Sơ đang lo những gì cần thiết cho Thánh Lễ
an táng chuẩn bị được cử hành.

Thánh  Lễ an táng cho người quá cố nghèo diễn ra trong âm thầm lặng lẽ với 7 con người quanh em. 7 người đó chỉ có cha và mẹ, 5 người còn lại là những người đến với
cả tình người vì rằng trước đây họ chẳng hề biết em và em cũng chẳng hề biết
họ.

Em đã đến trong đời một cách lặng lẽ và ra đi cũng âm thầm : Âm thầm đến độ đám
tang em chẳng có người nào thân ở bên cạnh ngoại trừ cha và mẹ của em. Âm thầm
đến độ không có tấm hình nào ghi lại di ảnh của em khi còn sống.

Phận đời nghiệt ngã, em cũng nghiệt ngã theo. Sau một thời gian lâm trọng bệnh, em
được nhiều người giới thiệu Chúa cho em và em đã được học biết Chúa. Những ngày
cuối đời em biết được một Thiên Chúa đã yêu thương em và cho em chào đời. Em đã
đón nhận Bí Tích Thanh Tẩy sáng hôm qua và chỉ trong vài giờ đồng hồ, em trở về
cùng Chúa là nguồn cội.

Trong bài chia sẻ, cha giảng gợi cho cộng đoàn gồm có các sơ và cha mẹ của em là
người ngoại đạo về niềm tin của đời sau. Cha giảng gợi lên hình ảnh của người
thợ làm vườn nho giờ thứ 11. Người thợ giờ thứ 11 đón nhận đồng lương như bao
người khác đã vào làm từ sớm. Em Têrêsa đây cũng sẽ được vào hưởng nhan thánh
Chúa như lời Ngài đã hứa … trong niềm tin ấy, cộng đoàn tin tưởng em sẽ được
Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót đón em vào hưởng nhan Ngài.

Xong phận vụ, tôi lại trở về cõi của mình.

Trên đường về, miên man suy nghĩ về em, suy nghĩ về đời.

Đã từng tham dự những tang lễ hoành tráng với vài giám mục và hàng trăm tu sĩ linh
mục và cả ngàn tín hữu, đông đến độ trong nhà thờ dù khá lớn nhưng chẳng còn
chỗ cho giáo dân. Cũng đã từng tham dự những lễ tang nghèo đến độ phải nhờ vào
tình thương của nhiều người nhưng cũng nhiều kẻ đón người đưa. Tang lễ hôm nay
của em phải nói rằng nghèo cả tinh thần lẫn vật chất. Chiếc áo quan em nằm tạm
đó được gửi đến bởi một ân nhân người Hoa gần nơi em ở. Còn tinh thần thì thật
đơn sơ với vài người bé nhỏ.

Nghĩ đến em, tôi trộm ước rằng những Thánh Lễ như thế này có sự hiện diện của những vị chủ chăn cao lớn hằng hiện diện trong những lễ nghi hoành tráng hay những
tang lễ vĩ đại. Có những vị không hề quen biết nhưng tang lễ lại đến và cử hành
như người thân nghĩa bởi lẽ gia đình của người quá cố quá giàu có. Kẻ nghèo hèn
như cô bé Têrêsa này làm gì được diễm phúc như thế.

Ước xong lại vội trách mình, các ngài làm gì có thời gian hay có chỗ cho những con
người nhỏ bé như thế này. Và, các ngài bận bịu trăm công nghìn việc, làm gì có
thời gian để lo những chuyện cỏn con như thế này. Nghĩ đi nghĩ lại thấy sao
mình vô duyên đến thế !

Thôi thì không mơ nữa, không ước nữa kẻo không người ta lại bảo mình vớ vẩn vu
vơ.

Sống trên đời là như vậy. Giàu hay nghèo rồi cuối cùng cũng chỉ là một hũ tro nho
nhỏ. Giám mục, linh mục, đại gia hay tiểu gia hay thấp hèn như em rồi cuối cùng
cũng chỉ vào trong cái hủ nhỏ nhoi. Chuyện quan trọng là có được ơn cứu độ mà
cả đời người ta ngong ngóng và đi tìm hay không mà thôi.

Em nghèo, nhà em nghèo thật nhưng em là người hạnh phúc bởi lẽ giờ đây trong Chúa không còn nghèo hay giàu, sang hay hèn nữa mà em đang được ở trong cung lòng của Thiên Chúa. Em là người thợ thứ 11 thật có phúc được thưởng công theo lòng
thương xót của Chúa.

Có thể giàu sau phú quý ở đời này thật nhưng chuyện cần hơn cả là có được một chỗ
trong cung lòng Thiên Chúa hay không mà thôi.

Vũ Hưu Dưỡng

NĂM HỒNG ÂN

NĂM HỒNG ÂN

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4:18-19).

***

Bạn thân mến! Trên đây là tiếng nói vang vọng của Đức Giêsu khi Ngài đọc sách Thánh trong hội đường Do Thái tại Nadarét. Trong chuyến trở về thăm lại quê hương xứ sở, nơi mà Ngài đã sống 30 năm trong thân phận con người.  Làm sao Ngài quên được mảnh đất làng quê đã ấp ủ mình, nơi có bà con họ hàng, láng giềng, bè bạn.  Hơn nữa Ngài cũng không cắt đứt với tôn giáo của cha ông.  Ngài vẫn là một người
Do Thái ngoan đạo, quen lui tới hội đường cùng với dân làng vào ngày sa-bát, để
thờ phượng Thiên Chúa mà Ngài âu yếm gọi là Cha.

Sau khi đọc xong sách Thánh, Ngài ngồi xuống và giải thích Lời Chúa cho mọi người.  Cử chỉ của Ngài thật trang trọng, đĩnh đạc, khi nhận sách, mở sách, cũng như khi cuộn sách để trả lại. Có một bầu khí cầu nguyện sâu lắng ở hội đường.  Mọi
người đều chăm chú nghe lời Ngài giảng.

Ðoạn sách Ngài đọc hôm ấy là của ngôn sứ Isaia. Isaia đã nói lên ơn gọi và sứ mạng của mình. Ông được xức dầu để trở thành ngôn sứ cho những người Do Thái mới thoát khỏi cảnh lưu đày.  Ông được sai đi để loan báo thời cùng khốn đã chấm dứt và công bố khai mở một thời kỳ đầy ân sủng và tự do. Ðức Giêsu đã bị đánh động bởi đoạn sách này. Vì thế Ngài mới lên tiếng nói với dân chúng: “Hôm nay đã ứng
nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe
” (Lc.4.21 Ngài thấy đoạn sách
phản ánh chính ơn gọi và sứ mạng của mình. Ðây là một hướng đi mà Ngài phải
theo đuổi, một chương trình hành động mà Ngài muốn hoàn thành.

Suốt đời Ngài sẽ thực hành chương trình này.). Vì thế đoạn sách Isaia ứng nghiệm vừa do thánh ý Chúa Cha vừa do ý chí của Chúa Giêsu quyết tâm thực hành thánh ý Chúa Cha.

Ðức Giêsu là người đầy tràn Thánh Thần cách đặc biệt. Thánh Thần chi phối toàn bộ lời nói, việc làm của Ngài. Ngài được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo, nghèo tiền bạc, nghèo sức khỏe, nghèo tiếng nói. Ngài được sai đến với những kẻ bị giam cầm bởi nỗi lo sợ, bởi thành kiến, bởi ích kỷ tham lam. Ngài cho người mù được sáng mắt và nhìn thấy trong niềm tin.  Ngài trả lại tự do cho cả người bị áp bức lẫn
người gây áp bức bóc lột.  Ngài mời gọi cả hai sống thanh thoát như Ngài,
sống như con của Cha và như là anh em của nhau. Ngài khai mạc một Năm Thánh,
Năm Hồng Ân Ơn Cứu Độ.

***

Lạy Chúa Thánh Thần!  Xin cho con nhận ra sự hiện diện của Ngài giữa lòng thế giới và trong lòng mọi người xung quanh con. Xin cho  con luôn tìm đến với
anh chị em của con hơn là tìm an nhàn cho chính bản thân mình, để nhờ biết quan
tâm cho người chung quanh, con cũng sẽ được vui hưởng niềm vui Ơn Cứu Độ và
lãnh nhận hồng phúc của năm Hồng Ân mà Thiên Chúa đã hứa ban. Amen.

(Tổng hợp từ R. Veritas)

(BĐ1: Nêhêmya 8,1-4a.5-6.8-10; BĐ2:1Côrintô 12,12-30; PÂ: Luca 1,1-4; 4,14)

Anh chị Thụ & Mai gởi

Di thư của một người Cha

Di thư của một người Cha
Tôn Vận Tuyền (Huynh Trung dịch)
1/18/2013
Nhận được một email bằng chữ Hoa, tôi thấy hay nên tạm dịch sang tiếng Việt để
chia xẻ với mọi người. Vì chữ nghĩa có hạn, nên lối hành văn không được suôn sẻ
cho lắm, Mong độc giả bỏ qua cho!
Đây là một lá thư riêng của ông Tôn Vận Tuyền (Viện Trưởng Viện Quốc
Gia Hành Chánh, Trung Hoa Dân Quốc- Đài Loan) Một chánh khách nổi tiếng thời
bấy giờ. Lá thư gởi cho con của ông lúc ông còn tại thế.
Thời gian gần đây mới thấy lưu hành trên mạng Internet, và rất nhanh chóng đã
được truyền đi khắp nơi. Đa số nhiều bậc phụ huynh đã được đọc qua và cảm xúc
sâu đậm. Kỳ thực đây là một lá thư thích hợp cho tất cả mọi người, nên được phổ
biến để mọi người cùng đọc và suy ngẫm.
Suy tư này dầu chỉ là cái nhìn thuần túy nhân bản, nhưng đã rất sâu sắc. Nếu
được nhìn từ khía cạnh Kitô giáo với niềm tin vào cuộc sống vĩnh cửu thì thật là hoàn mỹ
… Tôn Vận Tuyền để lại những lời căn dặn như sau:
Con trai yêu dấu :
Viết lá thư này cho con, Cha dựa trên 3 nguyên tắc như sau :
1. Đời người Phúc Họa vô thường!
Không một ai biết trước mình sống được bao lâu? Có một số việc tưởng nên sớm nói ra thì hay hơn.
2. Cha là Phụ thân của con, nếu cha không nói với con, chắc không ai nói rõ với
con những điều này!
3. Những lời khuyên để con ghi nhớ này, là kết quả bao kinh nghiệm xương máu,
thất bại đắng cay trong cuộc đời, mà bản thân cha đã thể nghiệm. Nó sẽ giúp con
tiết kiệm nhiều những nhầm lẫn hoang phí trên bước đường trưởng thành của con
sau này.
Dưới đây là những điều con nên ghi nhớ trong cuộc đời:
1. Nếu có người đối xử không tốt với con, đừng bận tâm cho mất thời

giờ. Trong cuộc đời này, không ai có nghĩa vụ phải đối xử tốt với
con, ngoại trừ Cha và Mẹ của con. Nếu có người đối xử tốt với con,
ngoài việc con phải biết ơn và trân quý.

Con cũng nên thận trọng suy
xét, vì người đời làm việc gì thường có mục đích và nguyên nhân. Con
chớ vội vàng xem đối phương là chân bằng hữu.
2. Không có người nào mà không thể thay thế được, không có vật gì mà nhất định mình phải sở hữu được. Con nên hiểu rõ ở điểm này. Nếu mai sau rủi người bạn đời không còn muốn cùng con chung sống, hoặc giả con vừa mất đi những gì trân quý nhất trong đời. Thì con nên hiểu rằng: Đây cũng không phải là chuyện lớn lao gì cho lắm!
3. Đời người ngắn ngủi, nếu hôm nay con đã lãng phí thời gian, mai

đây hiểu được thì thấy rằng quãng đời đó đã vĩnh viễn mất rồi! Cho
nên càng biết trân quý sinh mạng của mình càng sớm, thì con sẽ được tận hưởng
cuộc đời mình càng nhiều hơn.

Trông mong được sống trường thọ, chi
bằng con cứ tận hưởng cuộc đời mình ngay từ bây giờ.
4.Trên đời nầy chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chẳng qua là một cảm xúc nhất thời. Cảm giác nầy tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà thay đổi.
Nếu người yêu rời xa con, hãy nhẫn nại chờ đợi, để thời gian từ từ gột rửa, để
tâm tư mình dần dần lắng đọng thì nỗi đau thương cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi.
Không nên cứ ôm ấp hoài niệm mãi cái ảo ảnh yêu thương, cũng không nên quá bi
lụy vì tình.
5.Tuy có nhiều người thành công trên đường đời mà học hành chẳng đến đâu. Nhưng
điều đó cũng không có nghĩa là, không cần học hành vẫn thành công. Kiến thức
đạt được do việc học hành, là vũ khí trong tay của mình. Ta có thể lập nên sự
nghiệp với bàn tay trắng, nhưng không thể trong tay không có tấc sắt. Nên nhớ
kỹ điều nầy!
6. Cha không yêu cầu con phải phụng dưỡng cha trong nửa quãng đời còn lại.
Ngược lại, Cha cũng không thể bảo bọc nửa quãng đời sau này của con, khi con đã
trưởng thành và tự lập. Đây là lúc Cha đã làm tròn trách nhiệm của mình. Sau
nầy con có đi xe Bus hay đi Auto nhà, ăn Soup Vi cá hay ăn Mì gói, tự con lo
liệu lấy .
7. Con có thể yêu cầu mình phải giữ chữ TÍN, nhưng không thể bắt người khác phải giữ chữ TÍN với mình. Con có thể yêu cầu mình phải đối xử TỐT với người khác, nhưng không thể kỳ vọng người khác phải đối xử tốt với con. Con đối xử người ta thế
nào, không có nghĩa là nguời ta sẽ đối xử lại mình như thế ấy, nếu con không
hiểu rõ được điểm này, sẽ tự chuốc lấy buồn phiền cho mình mai hậu.
8. Hơn hai mươi mấy năm nay, Cha tuần nào cũng mua vé số, nhưng vẫn nghèo trắng
tay. Điều nầy chứng minh rằng: Muốn phát đạt phải siêng năng làm ăn, nỗ lực
phấn đấu. Trên thế gian nầy không có buổi ăn trưa nào miễn phí cả.
9. Gia đình thân nhân chỉ là duyên phận. Bất luận trong kiếp nầy chúng ta sống
chung với nhau được bao lâu và như thế nào, nên trân quý khoảng thời gian sum
hợp, gia đình đoàn tụ. Kiếp sau, dù ta có
thương hay không thương, dễ gì còn gặp lại nhau.
Di thư của một người Cha
Khắc Thiệu xin được chuyển thành thơ bát cú
Cuộc đời cha bao nhiêu năm góp nhặt

Kinh nghiệm đời, xương máu của bản thân
Trước khi đi cha viết lại cho vần
Để con đọc tránh đường đời vấp ngã
Cuộc đời này vô thường hay phúc, hoạ
Không một ai biết được lúc ta đi
Cho nên cha nói trước giữ làm gì
Sợ mai mốt lại không còn sức nói
Với tha nhân đừng bận tâm vì thói
Tốt với nhau không nghĩa vụ vì nhau
Chỉ mẹ cha mới thật sự nhiệm mầu
Cho con trẻ không mảy may tính toán
Trên đường đời nếu may còn gặp được
Đối với mình có tốt phải nghĩ suy
Cám ơn họ nhưng suy nghĩ có gì
Ẩn chứa ở bên trong lòng tốt ấy
Cũng có thể nhiều mưu toan cho thấy
Mục đích, nguyên nhân, khiến họ thương mình
Đừng vội mừng chỉ lợi ích cá nhân
Chớ vội gọi ấy chân tình bằng hữu
Chẳng có gì trong đời này vĩnh cửu
Mà lại không thay thế được nhiều lần
Hay muôn đời là vật bất ly thân
Cũng có lúc phải luân phiên thay đổi
Dẫu mất đi cũng đừng coi là tội
To lớn gì tất cả chỉ viễn vông
Sắc, Sắc, không, ý nghĩa lớn vô cùng
Hãy xem nhẹ cho dù tình bay mất
Thế gian này tuổi đời cao hay thấp
Ngắn ngủi như bóng nắng thoảng qua mành
Đến và đi trong khoảnh khắc mông lung
Hãy trân quý từng phút giây kẻo mất
Tình yêu kia vốn là mầm hạnh phúc
Đến với nhau xây đắp mộng thiên đường
Khi phúc duyên đứt đoạn mối tơ duyên
Kẻ quay gót người ngậm ngùi rơi lệ
Liều thuốc quên sông thời gian vốn thế
Trôi âm thầm rửa sạch nỗi thương tâm
Trong thời gian chờ đợi sống âm thầm
Đừng bi luỵ đừng để tim rướm máu
Trong cuộc sống kiếm tìm bao của báu
Tốn công lao bao năm tháng dùi mài
Bằng cấp cao mà kiếm chẳng là bao
Còn có kẻ gặp may thành trọc phú
Nhưng con hỡi bạc tiền còn có thể
Kiếm được ra kiến thức kiếm được không?
Sự học kia dẫu tay trắng ra công
Là vũ khí cho đời con chinh phục
Cha sớm muộn cũng xa rời thế tục
Cuối cuộc đời vẫn lo liệu lấy thân
Cũng như con cha suy nghĩ nhiều lần
Nửa cuộc sống của con cha không thể
Lo lắng, chăm nom, miếng ăn chẳng kể
Ngon dở gì, mình con tự lo toan
Đấy công lao cha vun đắp vuông tròn
Và trách nhiệm nơi cha đà hoàn tất
Trong giao tiếp tha nhân còn lắm tật
Hứa với ai, giữ chữ TÍN làm đầu
Nhưng cũng đừng bắt họ phải vì đâu
Cho chữ tín như con dành cho họ
Nếu kỳ vọng so đo hơn thiệt nọ
Con chỉ phiền chỉ khổ mãi trong tim
Hãy cho ra và sẽ cố lặng im
“Ba La Mật” hạnh hàng đầu nên nhớ
Mấy mươi năm hàng tuần cha mua số
Chỉ mong sao làm triệu phú không công
Chả dễ đâu nửa kiếp số tay không
Nằm há miệng chờ sung đâu chả rụng
Gia đình, ta, thân nhân là duyên phận
Đến rồi đi như bèo dạt mây trôi
Hãy cùng nhau thương mến với tầy bồi
Chả biết được kiếp sau còn gặp lại
Duyên số ấy “Bá thiên nan tao ngộ”
Của vòng quay vũ trụ quá xa xăm
Dẫu còn thương chẳng dễ gặp trên đường
Trong thế giới ta bà đâu hạnh ngộ.

Ứng nghiệm

Ứng nghiệm

TRẦM THIÊN THU

Đăng bởi lúc 12:04 Sáng 23/01/13
nguồn:chuacuuthe.com

VRNs (23.01.2013) – Sài Gòn – Ứng nghiệm là xảy ra đúng như sự việc đã được
tiên báo. Kinh thánh đã nhiều lần nhắc tới động từ “ứng nghiệm” (*). Các Kitô
hữu – nói chung, và các tín hữu Công giáo – nói riêng, chẳng còn xa lạ gì với
hai từ “ứng nghiệm” – vì thường xuyên nghe nói tới.

Xưa nay có nhiều người được gọi là tiên tri, họ báo trước nhiều điều, nhưng cũng chỉ thuộc dạng “hên xui”, cái đúng cái không, chẳng qua chỉ là ngẫu nhiên. Mới đây nhất là ngày 21-12-2012, người ta dao động vì được dự báo là “ngày tận thế”, nhưng rồi chẳng có gì xảy ra, chẳng khác gì chuyện dự báo thời tiết hằng ngày.

Nhưng với Thiên Chúa, mọi thứ đều xảy ra đúng từng chi tiết, vì Chúa Giêsu đã xác định: “Trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5:18), “tất cả những gì các ngôn
sứ đã viết về Con Người sẽ được hoàn tất” (Lc 18:31)
.

Ngôn sứ Nơkhemia kể một lèo: Hôm ấy là ngày mồng một tháng thứ bảy, ông Ét-ra cũng là tư tế đem sách Luật ra trước mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đứng ở quảng trường phía trước cửa Nước, đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới trưa, và toàn dân lắng tai nghe sách Luật. Kinh sư Ét-ra đứng trên bục gỗ đã đóng sẵn để dùng vào việc này. Bên cạnh ông, phía tay mặt, có các ông:
Mát-tít-gia, Se-ma, A-na-gia, U-ri-gia, Khin-ki-gia và Ma-a-xê-gia; phía tay
trái, có các ông: Pơ-đa-gia, Mi-sa-ên, Man-ki-gia, Kha-sum, Khát-bát-đa-na,
Dơ-khác-gia và Mơ-su-lam.5 Ông Ét-ra mở sách ra trước mặt toàn dân, vì ông đứng cao hơn mọi người. Khi ông mở sách ra thì mọi người đứng dậy (Nkm 8:2-5)
.

Sau đó, ông Ét-ra chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng: “Amen! Amen!” (Nkm 8:6). Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy Đức Chúa. Một cảnh tượng thật xúc động!

Ngôn sứ Nơkhemia cho biết thêm: Ông Ét-ra và các thầy Lê-vi đọc rõ ràng và giải thích sách Luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc. Bấy giờ ông Nơ-khe-mi-a, tổng đốc, ông Ét-ra, tư tế kiêm kinh sư, cùng các thầy Lê-vi là những người đã giảng giải Luật Chúa cho dân chúng, nói với họ rằng: “Hôm nay là ngày thánh hiến cho Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, anh em đừng sầu
thương khóc lóc” (Nkm 8:9)
. Sở dĩ ông nói thế là vì toàn dân đều khóc khi
nghe lời sách Luật. Rồi ông Ét-ra còn nói với dân chúng: “Anh em hãy về ăn
thịt béo, uống rượu ngon và gửi phần cho những người không sẵn của ăn, vì hôm
nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta. Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của
Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em” (Nkm 8:10)
.

Được tuân giữ Thánh Luật là hạnh phúc, như tác giả Thánh vịnh nói: “Luật pháp Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho người dại nên khôn. Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng. Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời (Tv 19:8-9). Quốc gia nào cũng có luật – gọi là quốc pháp, gia đình nhỏ cũng có luật – gọi là gia phong, và dù chỉ một nhóm nhỏ cũng cần có quy luật. Nhưng đôi khi các luật đó không phù hợp lòng người, khiến dân chúng khổ sở. Nhưng Thánh luật của Chúa lại làm cho người ta
hoan lạc: “Lòng kính sợ Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời. Quyết
định Chúa phù hợp chân lý, hết thảy đều công minh”
(Tv 19:10).

Hạnh phúc khi tuân giữ Thánh Luật, và cũng hạnh phúc được thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa là núi đá cho con trú ẩn, là Đấng cứu chuộc con, cúi xin Ngài vui nhận bấy nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa, và bao tiếng lòng con thầm thĩ mong được thấu đến Ngài” (Tv 19:15). Ngài luôn mong chúng ta như thế để Ngài đại lượng thi ân
giáng phúc.

Thánh Phaolô so sánh: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. Thật vậy, thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi” (1 Cr 12:12-14).

Đây là một trong các đoạn Kinh thánh thú vị. Thánh nhân nói chi tiết hơn: “Giả như chân có nói: ‘Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể’, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như tai có nói: ‘Tôi không phải là mắt, vậy
tôi không thuộc về thân thể’, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân
thể. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là
tai, thì lấy gì mà ngửi?”
(1 Cr 12:15-17). Quá rõ ràng, không gì khó hiểu.

Có lẽ Thánh Phaolô cảm thấy chưa an tâm nên tiếp tục “dài hơi” giải thích thêm: “Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không có thể bảo tay: ‘Tao không cần đến mày’, đầu cũng không thể bảo hai chân: ‘Tao không cần chúng mày’. Hơn nữa, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất; và những bộ phận ta coi là tầm thường nhất, thì ta lại tôn trọng hơn cả. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết. Còn những bộ phận trang nhã thì không cần gì cả. Nhưng Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để bộ phận nào kém thì được tôn trọng nhiều hơn. Như thế, không có chia rẽ trong thân thể, trái lại các bộ phận đều lo lắng cho nhau. Nếu một bộ phận nào
đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ
phận cũng vui chung”
(1 Cr 12:18-25).

Và ngài kết luận: “Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận. Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ. Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ, ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng
lạ sao?” (1 Cr 12:27-30)
.

Ai cũng có “biệt tài” về một hay vài lĩnh vực nào đó, ai cũng là khí cụ được Thiên Chúa dùng để thực hiện một sứ vụ nào đó và làm vinh danh Ngài. Ai được ơn riêng nào thì cũng là hồng ân, là để phục vụ vì công ích, không ai có quyền “chảnh” hoặc “ngộ nhận” là mình giỏi hơn người. Tất cả chúng ta chỉ là những chi thể nhỏ bé trong Nhiệm Thể Đức Kitô vĩ đại.

Thánh sử Luca kể: Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng tăm Ngài đồn ra khắp vùng lân cận. Ngài giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh. Rồi Đức Giêsu đến Nadarét, là nơi Ngài sinh trưởng. Ngài vào hội đường như Ngài vẫn quen làm trong ngày Sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Ngài cuốn sách ngôn sứ Isaia.

Ngài mở ra, gặp đoạn chép rằng: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4:18-19). Đây là
đoạn Tin Mừng quan trọng, công khai sứ vụ cứu độ của Đức Kitô. Ngắn gọn mà súc
tích.

Ứng nghiệm là việc quan trọng trong cuộc đời, nhất là ứng nghiệm những điều tốt lành. Điều ứng nghiệm tuyệt vời hơn đó là ứng nghiệm về công lý và hòa bình: “Tin Mừng đến với người nghèo hèn, các tù nhân được phóng thích, người mù đươc sáng, người bị áp bức được tự do”. Không gì hạnh phúc hơn khi được Đức Kitô giải thoát, đó là hồng ân cao cả biết bao!

Sau đó, Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội  đường đều chăm chú nhìn Người. Ngài bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4:21).

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp chúng con luôn biết HIỆP NHẤT trong tình huynh đệ, sống yêu thương trong mối dây đoàn kết vì là con cái chung một Đại Gia Đình “đa đại đồng đường”. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên-Chúa-Làm- Người và Đấng Cứu Độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Đnl 18:22, Gs 21:45, Gs 23:14, Gs 23:15, Tl 9:57, 2 S 22:31, 1 V 22:27, 1 V 12:15, 1 V 13:32, 2 V15:12, 2 Sbn 1:9, 2 Sbn 10:15, 2 Sbn 36:22, Et 1:1, Tb 14:4, Tb Tv 105:19, Tv 119:140, Mt 1:22, Mt 2:15, Mt 2:17, Mt 2:23. Mt 4:14, 8:17, Mt 12:17, Mt 13:14,
Mt 13:35, Mt 21:4, Mt 26:54, Mt 26:56, Mt 27:9, Mc 14:49, Mc 15:28, Lc 1:20, Lc
4:21, Lc 21:22, Lc 22:37, Lc 24:44.

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới – Đạo hiếu ở Việt Nam (17)

Lm. Chân Tín: Luồng gió mới – Đạo hiếu ở Việt Nam (17)

Đăng bởi lúc 2:29 Sáng 23/01/13

nguồn:chuacuuthe.com

VRNs (23.01.2013) – Sàigòn

Đạo hiếu ở Việt Nam

Tất cả những ai hoạt động truyền giáo, đều nhận thấy một trong những cản trở bước tiến của đạo Công giáo ở Việt Nam là vấn đề đạo hiếu. Đạo hiếu là một phong tục đã đâm rễ sâu trong đời sống người Việt khiến nhiều anh em tân tòng không thể bỏ đi mà không cảm thấy lạc lõng, mất gốc. Đến ngày giỗ, họ có cái mặc cảm bị loại ra khỏi gia đình máu mủ, mặc dầu họ xác tín rằng theo đạo Công giáo không có nghĩa là bất
hiếu, vì có sự cầu nguyện xin lễ cho cha mẹ đã qua đời. Nhưng thảo hiếu bằng
những nghi lễ tôn giáo để cầu nguyện cho cha mẹ là một việc và thảo hiếu bằng
một phong tục cúng dâng tượng trưng theo tinh thần dân tộc là một việc khác!

Nay nhân dịp Công đồng Vatican II đang nhóm họp, với tinh thần cởi mở của các nghị phụ, chúng ta hãy đặt lại vấn đề đạo hiếu ở Việt Nam, vì đây là một trong những vấn đề then chốt của việc truyền giáo.

Trên nguyên tắc, Giáo hội Mẹ của các dân tộc, tôn trọng những phong tục tốt của mỗi xứ và chỉ sửa đổi những gì ngăn trở con người đạt đến Thiên Chúa – trước một phong tục, Giáo hội nhìn kỹ xem trong đó có gì ràng buộc con người không cho họ đến với Thiên Chúa. Nếu không có gì hiển nhiên trái với đức tin và luân lý, Giáo hội sẽ tôn trọng và gìn giữ phong tục ấy, vì đó là nếp sống tốt đẹp của một dân tộc. Nếu có đôi
chút gì dị đoan, lẫn lộn trong một phong tục tốt, Giáo hội tìm cách êm đẹp đính
chính chỗ đó, loại trừ dị đoan và hướng họ tới một ý nghĩa mới. Giáo hội không
thể lấy một văn hóa này thay một văn hóa khác. Năm 1659 chính Thánh bộ Truyền
giáo đã cho các vị thừa sai những nguyên tắc căn bản trong vấn đề này: “Quý vị
đừng bao giờ muốn tìm cách này cách khác khuyên dụ các dân đó thay đổi lễ nghi,
tập truyền và phong tục của họ, trừ phi khi nó hoàn toàn hiển nhiên trái với
tôn giáo và luân lý. Lòng tin Chúa không từ bỏ hay đả phá lễ nghi, tập truyền
bất cứ một dân tộc nào chỉ trừ khi nó đáng phải từ bỏ; trái lại lòng tin Chúa
muốn duy trì và bảo vệ các tập tục đó”.

Trong thông điệp Summi Pontificatus, ra ngày 20/10/1939 Đức Giáo hoàng Piô XII cũng nhắc lập trường ấy: “Giáo hội Chúa Cứu Thế là kho chứa trung thành của sự khôn ngoan trên trời ban xuống để dạy dỗ người đời. Không thể nghĩ đến và thực sự không bao giờ nghĩ đến việc đả kích hoặc khinh nhẹ những đặc tính mà mỗi dân tộc duy trì với tất cả lòng hiếu thảo, cùng một vẻ hiên ngang dễ hiểu, và coi đó là một di sản quí báu. Mục đích của Giáo hội là sự duy nhất siêu nhiên, trong tình yêu đại đồng
được ý thức và thực hành chứ không phải trong sự đồng nhất bề ngoài hời hợt và,
do đó, mong manh”.

Trong tinh thần trên đây, chúng ta thử hỏi Đạo hiếu ở Á châu nói chung và ở Việt nam nói riêng có phải là một phong tục hiển nhiên trái với đức tin và luân lý cần phải đả kích và cấm đoán nơi con cái Chúa, hay là một phong tục tốt cần phải tôn trọng và
khuyến khích nơi người tín hữu để họ khỏi phải mất gốc và khỏi mang tiếng theo đạo
là bỏ tổ tiên và chỉ cần sửa chữa một vài dị đoan?

Nếu ta xét kỹ, cái cốt tủy của đạo hiếu không nghịch với đức tin và luân lý Công giáo. Đạo hiếu chỉ là một phong tục kính nhớ tổ tiên, đúng với tinh thần Á châu, mà Đức Khổng Tử đã gọn gàng tóm lại trong mấy chữ “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nghĩa là tôn kính cha mẹ lúc đã qua đời cũng như lúc còn sống. Lúc tổ tiên còn sống,
con cháu xá lạy và dâng của ngon miếng lạ, thì bây giờ, thì con cháu cũng xá
lạy trước hình tượng hay bài vị của tổ tiên đã qua đời và dâng cơm chuối tượng
trưng lòng thành.

Chúng ta hiểu lầm hai chữ “đạo” và “thờ”. Trong ngôn ngữ người Việt không Công giáo, chữ “đạo” có nghĩa là đường lối, cách xử sự với kẻ khác cho đúng tam  “tôn giáo” nhưng là năm lối sống với người đồng loại. đạo hiếu chỉ là một con đường, một cách
thế tỏ lòng hiếu đối với cha mẹ. Lúc nói “thờ trời”, người Việt hiểu với nghĩa
tôn giáo của nó, vì nhìn nhận một đấng cao cả tuyệt đối. trái lại lúc nói “thờ
tổ tiên”, người Việt chỉ nhìn nhận cha mẹ là những vị sinh thành dưỡng dục họ.
Thế nghĩa là cách dùng chữ không được phân minh nhưng nội dung và ý nghĩa rất
rõ ràng. Chữ “đạo” và chữ “thờ” của anh em ngoài Công giáo chỉ là chữ “đồng âm”
nhưng “không đồng nghĩa” hay chỉ có nghĩa “tương tự” với chữ “đạo” và chữ “thờ”
của người Công giáo. Vì thế đạo hiếu và việc thờ lạy tổ tiên chỉ là những cử
chỉ tượng trưng tỏ lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, chứ không bao hàm một ý
nghĩa tôn giáo.

Sau một thời kỳ nghi kỵ, cấm đoán những nghi lễ đạo hiếu đối với cha mẹ và các ân nhân của dân tộc, nhiều Giáo hội địa phương ở Á Châu đã duyệt lại thái độ đó.

Năm 1935, hàng giáo phẩm Mãn Châu đã trình Tòa Thánh về việc kính Đức Khổng Tử. Chính phủ Mãn đã tuyên bố các lễ nghi tôn sùng Khổng Tử chỉ có mục đích biểu lộ sự thành kính đối với người, nhưng hoàn toàn không có tính cách gì tôn giáo. Vì thế Tòa Thánh chấp nhận ban phép cho cho người Công giáo được xá lạy trước hình hay bài vị của Đức Khổng Tử trong một vài trường hợp.

Tuy lời lẽ của văn kiện Tòa Thánh còn hết sức dè dặt, nhưng đây cũng là một bước đầu của một cuộc cải tiến sâu rộng.

Qua năm 1936, Thánh bộ Truyền giáo đã ban bố Huấn lệnh Pluries Instanterque cho Giáo hội Nhật nhắc lại lập trường của Giáo hội muốn tôn trọng phong tục địa phương và ban bố cho Công giáo Nhật được dự các nghi lễ chính phủ tổ chức có ý nghĩa ái quốc tỏ lòng trung thành với hoàng gia và các vị ân nhân của đất nước. Thánh bộ cũng ban phép tín hữu được dự vào các nghi lễ của tang cưới và các lễ theo phong tục xã
hội Nhật, tuy trước kia có một nguồn gốc tôn giáo, nhưng nay vì hoàn cảnh địa
phương và theo dư luận chung, chỉ còn có ý nghĩa xã giao và tương thân tương
ái.

Nếu ta đem huấn lệnh này so với huấn lệnh gửi cho hàng giáo phẩm Mãn Châu, ta thấy Giáo hội đã tiến rất nhiều trong việc biểu quyết phong tục Á đông và Giáo hội đã mạnh dạn hơn trong việc ban phép dự các nghi lễ theo phong tục địa phương. Nhưng một huấn lệnh mới, mệnh danh là PLANE COMPERTUM được ban bố năm 1939, dưới hoàng triều Piô XII còn sáng suốt hơn nữa. Huấn lệnh này ban phép cho người Công giáo Trung Hoa được tham dự các nghi lễ và bái lạy trước hình tượng hoặc bài vị mang tên Đức Khổng Tử và tổ tiên đã qua đời. huấn lệnh này là một chứng cớ mới tỏ ra Giáo hội muốn thích ứng vào các nền văn minh khác nhau, muốn thâm nhập vào trong đó để nâng cao và kiện toàn. Trong nỗ lực này Giáo hội có ý bảo tồn trong các
phong tục cổ kính của các quốc gia những gì không chống lại với Tin Mừng.

Thế là đã trên 20 năm nay, các Giáo hội địa phương ở Á châu đã giải quyết tốt đẹp vấn đề nghi lễ kính nhớ các vị ân nhân của đất nước và tổ tiên mà chúng ta có thể tóm lại trong hai chữ “ĐẠO HIẾU”. Thế nhưng Giáo hội Việt Nam hình như chưa đặc biệt quan tâm đến vấn đề then chốt ấy, chưa cố gắng mang lại mau lẹ một giải pháp thích hợp, ngõ hầu mở rộng cửa Giáo hội cho tất cả đồng bào ta đa số tha thiết với đạo hiếu.
Nhân dịp Công đồng, chúng tôi khẩn khoản kính xin hàng giáo phẩm Việt Nam đệ
lên Tòa Thánh những ước vọng chính đáng của dân tộc Việt Nam đúng với tôn chỉ
mầu nhiệm nhập thể của Chúa Kitô và Giáo hội người, tức là “trở nên mọi sự cho
mọi người, để cứu rỗi tất cả”.

 

Nguyệt san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp


Số 169-6/1963

PHẬN NGƯỜI

PHẬN NGƯỜI

Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.

Dù muốn kéo cho người thân của mình ở lại lắm nhưng cái phận người mong manh phải
ra đi. Nay người – mai ta : đó là quy luật của cuộc sống và chẳng ai có thể ra khỏi cái quy luật của phận người nghiệt ngã.

Trời se lạnh, lòng ngậm ngùi cùng chia tay với người bà, người vợ, người mẹ rất thân
thương của gia đình. Bà ra đi ở cái tuổi cũng khá cao : 75. Con cháu cũng đã cố
gắng chữa chạy nhưng hơi tàn sức yếu của phận người không giữ bà ở lại được cho
dù lòng rất muốn.

Vì Thánh Lễ xong sớm nên đoàn xe tang đưa bà đến sớm hơn cả. Đang cử hành nghi
thức tiễn biệt bà lần cuối thì dập dìu nhiều đoàn xe tang chạy đến. Tuần tự,
chẳng ai bảo ai và cứ theo tiếng lệnh của những người có trách nhiệm, những
chiếc áo quan dù gỗ sang gỗ quý hay chỉ là cỗ quan tài bằng nhựa cũng sẽ trở
thành tro bụi.

Nhìn bảng lịch trình thiêu đốt, đầy ắp những tên tuổi mà chốc lát nữa đây hay trong
ngày này cũng trở về với bụi đất bởi lẽ con người cũng từ bụi đất mà ra. Một
ngày, có bao nhiêu kẻ sinh thì cũng có bấy nhiêu người tử chứ nếu như không có
tử thì quả đất này làm sao mà chịu cho nổi.

Chưa đầy một tuần, lại một người thân thương nữa cũng phải đến nơi mà chẳng ai muốn
đến cả. Cụ già 91 tuổi cũng phải ra đi để lại cho con cháu một nỗi trống vắng
vô hạn.

Chia tay cụ già và rời khỏi trung tâm hỏa táng khi trời còn chưa sáng. Ngại ngần sợ
phiền lòng nhưng bạn bè cũ vì tình vì nghĩa rủ nhau đến viếng Mẹ. Khói nhang
bay vút quyện cả tình mẹ lẫn tình con. Bạn bè xưa cũ cách đây gần 20 năm tiễn
Mẹ giờ đây lại quây quần bên Mẹ. Nén hương lòng và lời nguyện thầm xin ơn Mẹ
phù giúp.

Trên đường ra khỏi nghĩa trang vẫn nhiều đoàn xe dập dìu nhau đưa đến

Trở về tu viện nhưng hình ảnh của những người thân vẫn đâu đó. Có thể là cách đây
gần hai mươi năm như Mẹ và gần đây nhất là người nà người mẹ trong gia đình
thân hữu và sáng nay người cha, người bố của anh bạn nhưng rồi cũng phải ra đi.

An toàn trong ngôi phòng nhỏ bé nhưng vẫn không quên rằng phòng cạnh bên hay đâu
đó trong khu hưu dưỡng này là những anh em đang chờ đợi. Chẳng biết được ai còn
bao nhiêu lâu cả bởi lẽ tất cả đều nằm trong lòng bàn tay của Chúa. Về đây để
được cảm nghiệm sớm hơn phận người mong manh là thế.

Được tin một cha già chánh xứ đã miệt mài lo cho tín hữu vừa mới đổ bệnh. Ngài kể
lại chứng bệnh nhũn não của ngài một cách rành rọt. Người thân thương ruột thịt
nay không còn ở cạnh cha già nữa để ngài tá túc trong căn phòng nhỏ của tu
viện. Những ngày này, tình thương mà ngài đón nhận đến từ các nữ tu cũng như
những người ngài đã hơn một lần nâng đỡ. Con cháu tinh thần của ngài chia nhau
đến lo cho cha già những ngày đau bệnh.

Nhớ đến cha, nhìn lại anh em phần nào được chút tình ấm áp bởi lẽ khi về già hay
đau bệnh anh em lại được trở về với ngôi nhà của Mẹ. Mẹ Nhà Dòng không bao giờ
bỏ một anh em nào mà không chăm sóc cho dù đồng tiền có đôi khi eo hẹp. Và dù
thế nào đi chăng nữa, vẫn đi theo con đường của Cha Thánh tổ phụ Anphong là
luôn luôn lo cho anh em khi đổ bệnh.

Ai nào đó một ngày hay ít là một khoảng thời gian nào đó về với những người già
đau yếu bệnh tật và có một chút nào đó lắng đọng của cuộc đời sẽ chân nhận ra
phận người. Dù quyền cao chức trọng, dù sang hèn cách mấy cuối cùng cũng trở về
cát bụi. Nghĩ như thế, xác tín như thế để tất cả cũng chỉ là phù vân. Chuyện
quan trọng của phận người là làm sao tìm được nguồn ơn cứu độ sau cuộc đời khá
vắn này.

Phận người là như thế đó để khi nghĩ đến con người bớt đi một chút cái tham sân si,
bớt đi một chút cái tranh giành để cho lòng nhẹ lại.

Hãy nhìn đến đoạn cuối của cuộc đời đặc biệt là quãng đường đau bệnh để lòng nhẹ
hơn khi ta hành xử với anh chị em đồng loại.

Hãy sống như hôm nay là ngày cuối của đời ta trong cái cõi tạm vô thường này.

Anmai, CSsR