LỜI CHÚA- ĐIỂM TỰA VÀ SỨC MẠNH CỦA CUỘC ĐỜI

LỜI CHÚA- ĐIỂM TỰA VÀ SỨC MẠNH CỦA CUỘC ĐỜI

Maria Trần Thị Lệ Xuân

Có lẽ không ai trong chúng ta không từng có những giây phút trải qua những thử thách và những đau khổ trong cuộc sống, và không ít người có những lần đi tìm niềm hy vọng trong bóng tối của cuộc đời mình… Những lúc đối diện và chìm ngập giữa những thử thách và đau khổ như thế trong cuộc đời, có lẽ hầu như mọi người chúng ta đều nghĩ về Thiên Chúa và tìm đến với Ngài như một điểm tựa, một niềm tin, một bến bờ, một chiếc phao cứu mạng trong những lúc chúng ta bị “chìm sâu” giữa lòng biển cả của cuộc đời đầy dẫy những gian truân và thử thách….

Tôi muốn chia sẻ những điều mới đây đã xảy đến trong gia đình tôi và những cảm nghiệm của chính tôi khi chúng tôi cùng nhau sống Lời Chúa với niềm tin vững mạnh và để niềm vui của Phúc Âm loan tỏa và soi sáng, hướng dẫn chúng tôi ngay trong những hoàn cảnh tưởng chừng như tuyệt vọng nhất của con người khi đối diện với cơn bệnh hiểm nghèo mà cuộc sống và niềm hy vọng của con người trở nên thật mong manh, nhỏ bé!

Trước hết, xin được chia sẻ về hoàn cảnh cá nhân của mình. Tôi là người con thứ sáu trong gia đình, ba tôi đã được Chúa gọi về cách đây hơn 7 năm bởi căn bệnh ung thư ruột già và sau đó một năm thì mẹ tôi cũng đã về với Chúa do cơn đột trụy về tim (heart attack) sau những năm tháng nằm liệt trên giường bệnh… Kể từ đó, tôi sống chung cùng với vợ chồng người em gái có ba cháu nhỏ mà đứa lớn nhất được 12 tuổi và đứa nhỏ nhất được 8 tuổi, cùng với vợ chồng người anh mà chúng tôi đã bảo lãnh từ bên Việt Nam qua được hơn 6 năm. Kể từ sau ngày ba mẹ tôi về với Chúa, gia đình chúng tôi tổ chức những buổi đọc kinh tối mỗi ngày để cầu nguyện cho linh hồn của những người quá cố. Truyền thống này được giữ gìn kể từ đó cho đến nay khi mà các đứa cháu của tôi lớn dần lên theo năm tháng cho đến độ tuổi như đã kể trên… Khi các cháu đến tuổi đi học giáo lý và Việt ngữ thì gia đình chúng tôi tập cho các cháu đọc Phúc Âm bằng tiếng Việt…Khởi đầu là các sách Phúc Âm bằng tranh ảnh cho đến hiện nay, các cháu đã có thể đọc rành rẽ Phúc Âm bằng tiếng Việt. Cứ mỗi buổi tối, gia đình chúng tôi sum họp và cùng nhau đọc kinh tối, chia sẻ Lời Chúa qua một đoạn Phúc Âm ngắn và tôi cố gắng giải thích ý nghĩa của Lời Chúa trong đoạn Phúc Âm đó cho các cháu hiểu….

Cuộc sống cứ bình yên trôi qua như thế cho đến một ngày cách đây hơn ba tháng…Rất tình cờ trong một lần đi khám sức khỏe định kỳ, người bác sĩ đã vô tình tìm ra một cái bướu nhỏ trên cơ thể của người em tôi (là mẹ của ba cháu nhỏ). Khi tiến hành xét nghiệm bioxy thì được biết đó là một khối u ác tính… Người bác sĩ đã gửi em tôi đi làm thêm các xét nghiệm về quang tuyến khác để xác định tình trạng tiến triển của khối u ác tính này… Sau tất cả các xét nghiệm thì kết quả được phát hiện là em tôi đã ở vào giai đoạn thứ ba trong bốn giai đoạn của căn bệnh ung thư bạch cầu (lymphoma). Quả là một tin sét đánh ngang tai cho một  người mẹ trẻ mới ngoài 40 tuổi đời với ba đứa con còn thơ dại mới được 8 , 9 và 12 tuổi đầu… Những đứa cháu của tôi đang ở vào lứa tuổi của hồn nhiên và hy vọng, lứa tuổi của những vui tươi, ngây thơ và chưa hiểu, chưa cảm nhận được thế nào là nỗi đau của sự mất mát người mẹ hay người cha…. Khi cái tin “ung thư máu ở thời kỳ thứ ba” được bác sĩ chẩn đoán và lập lại cho người em tôi thì nó cũng đồng nghĩa như một bản án “tử hình” đã được phán quyết và đã để lại sức nặng “ngàn cân” trong lòng của từng người trong gia đình chúng tôi…Chúng tôi dường như quỵ ngã và không tin được vào những gì mà thực tế đang xảy ra trước mắt, ở trong hoàn cảnh rất đau đớn và thương tâm khi nhìn và nghĩ tới hình ảnh của những đứa trẻ sắp sửa mất mẹ ở vào độ tuổi quá nhỏ bé và ngây thơ này…. Chúng tôi chưa thể và chưa quen được với những viễn ảnh thật buồn đang hiện ra ở trước mắt khi nghĩ về tương lai của các cháu…. Thế rồi, sau những giờ phút “choáng váng” vì cái tin “sét đánh” này, gia đình chúng tôi tập làm quen dần với cơn bệnh và tập sống chung với cơn bệnh qua những giờ phút cùng cầu nguyện bên nhau và phó dâng tất cả mọi nỗi đau đớn trong tâm hồn cho Chúa…Chúng tôi vẫn tiếp tục những buổi đọc kinh và chia sẻ Lời Chúa mỗi tối trong bầu không khí thân thương của gia đình, để cố gắng nuôi dưỡng và giữ gìn bầu không khí an bình và phó thác cho Chúa tất cả mọi sự…. Chúng tôi cảm nhận được sự khác biệt của những lần cầu nguyện này so với những lần cầu nguyện lúc trước là: Sự cầu nguyện trở nên thiết tha hơn, sốt sắng hơn và chúng tôi chạy đến cầu khẩn với Đức Mẹ tha thiết hơn với tất cả tấm lòng và con tim để nài xin tình yêu và lời cầu bầu của Đức Mẹ trước ngai tòa của Thiên Chúa, sao cho một phép lạ nào đó sẽ xảy ra để những đứa cháu của tôi không mất đi một người mẹ, và để chúng có thể hưởng những ngày tháng vui vẻ, hồn nhiên của tuổi thơ một cách trọn vẹn….

Lời cầu nguyện của chúng tôi như những tiếng vọng tha thiết bay theo ngàn gió và vang vọng giữa ngàn mây, chứa đựng sức mạnh của một niềm tin tưởng tuyệt đối và một niềm phó thác trọn vẹn vào sự quan phòng và tình yêu bao la vô bờ bến của Thiên Chúa…. Mỗi một lời kinh chúng tôi đọc hàng ngày, mỗi một Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh như thấm sâu mãi vào tâm hồn trong trắng của từng đứa cháu bé nhỏ ngây thơ, và thấm sâu vào tâm khảm, tim óc của từng thành viên trong gia đình thân thương của chúng tôi… Lời nguyện cầu ngày một chất ngất, ngày một cao vời cứ mãi dâng lên như trầm hương bay tỏa trước Thánh nhan Thiên Chúa… Chúng tôi đã làm tất cả những gì mà y học và khả năng con người có thể làm được, phần còn lại chúng tôi đã phó dâng trọn vẹn vào quyền lực và sự che chở của Thiên Chúa tình yêu….. Trong vòng hơn ba tháng, những chuỗi kinh Mân côi được liên lỉ dâng lên trước ngai tòa Đức Mẹ, những chuỗi kinh kính lòng thương xót Chúa được tha thiết khẩn cầu, cùng với niềm phó thác trọn vẹn vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa như lời kinh “Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”….

Và rồi sức mạnh của niềm tin và lời cầu nguyện đã được đáp trả…. Một phép lạ nhiệm mầu đã được thể hiện để danh Chúa mãi mãi được tỏa sáng và được tôn vinh như lời của Thánh Vịnh 136: “Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” … Một tuần lễ trước đây, với chỉ sau ba lần em tôi được điều trị bằng hóa trị (chemotherapy), kết quả các cuộc xét nghiệm đã cho thấy “Negative”… Tất cả các cục bướu ác tính trước đây trên cơ thể em tôi mà các phim ảnh cho thấy chúng đã lan ra khắp nơi từ vùng ngực, vùng bụng và vùng bên dưới của người phụ nữ, mà các bác sĩ đã xác định bệnh đang ở vào thời kỳ thứ ba trong bốn thời kỳ của căn bệnh ung thư, thì nay đã hoàn toàn biến mất trên phim ảnh xét nghiệm…. Chúng tôi vô cùng xúc động và thật vui mừng trước kết quả mới nhất của cuộc thử nghiệm… Trên đường lái xe từ bệnh viện “City of Hope” về nhà, lòng chúng tôi tràn ngập niềm hân hoan vui mừng và vô cùng cảm tạ, tri ân, ngợi khen Thiên Chúa cao cả…. Ngài đã gửi đến cho chúng tôi những thử thách trong cuộc đời, những đau đớn của sức nặng “ngàn cân” trong cơn bệnh hiểm nghèo, những thử thách của niềm tin vào tình yêu và lòng thương xót của Chúa….Tất cả và tất cả những gì Chúa đã gửi đến thì giờ đây, Ngài đã giang cánh tay nhân từ và mở rộng lòng thương xót vô biên của Ngài để cứu chữa và ban phát tình yêu cùng sự bình an trong tâm hồn của từng người trong gia đình chúng tôi…..Tôi cảm nghiệm được rằng: Tất  cả những điều Ngài đang thi ân xuống cho gia đình chúng tôi trong cả cuộc đời của chúng tôi, và đặc biệt trong biến cố vừa qua, để danh Thánh của Thiên Chúa luôn được mãi mãi tôn vinh và tỏa sáng trước con mắt của người đời….Nếu người đời cho những gì là KHÔNG THỂ, thì Thiên Chúa sẽ làm chúng trở thành CÓ THỂ; nếu người đời cho những gì là TUYỆT VỌNG, thì Thiên Chúa biến chúng trở thành NIỀM HY VỌNG; nếu người đời cho những gì là ĐAU KHỔ, thì Thiên Chúa biến chúng trở thành NIỀM VUI; nếu người đời cho những gì là TẬN CÙNG CỦA CHẾT CHÓC, thì Thiên Chúa biến chúng trở thành SỰ SỐNG VĨNH CỬU MUÔN ĐỜI….

Giây phút này đây, khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi muốn được trải lòng mình ra để nói về một Thiên Chúa của tình yêu, một Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn, rất nhân từ và giàu tình xót thương để cảm tạ, để tri ân và để ngợi khen danh Ngài mãi mãi vì “…Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương….” Lời Chúa phán với đám đông dân chúng và các môn đệ theo Ngài vẫn đang vang vọng trong tâm hồn và trí óc của tôi: “Hãy đến với Ta hỡi tất cả những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ bổ sức cho các con.” (Mt 11,28)

Năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi từng người chúng ta hãy “Sống niềm vui Phúc Âm trong gia đình”, hãy để cho Lời Chúa trở thành kim chỉ nam và là ngọn đuốc soi đường cho chúng ta giữa muôn nẻo đường chông gai và tăm tối của cuộc đời…. Lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở mỗi người chúng ta cần phải biết Sống theo Lời Chúa, cần phải biết mang Lời Chúa để thực thi hàng ngày, nơi gia đình, trong các môi trường xã hội và các nẻo đường mà chúng ta dấn bước trong cuộc đời, để chúng ta luôn tiến bước với một niềm tin vững chắc và để ánh sáng Phúc Âm, ánh sáng của Lời Chúa luôn mang niềm vui và sức mạnh nâng đỡ chúng ta trên muôn vạn nẻo đường…

Ước mong mỗi người chúng ta luôn gặp gỡ được Thiên Chúa qua từng biến cố, từng sự kiện xảy đến trong cuộc đời…Và cũng ước mong mỗi người chúng ta có thể sống niềm vui của Phúc Âm, niềm vui của Tin Mừng và Hy vọng ngay trong chính gia đình của mình, qua từng biến cố xảy đến trong cuộc đời của mình, để ánh sáng của Lời Chúa luôn là ngọn đuốc soi đường cho chúng ta dấn thân và tiến bước như lời của Chân phước Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận: “Chúng ta là những người lữ hành trên con đường hy vọng.”

Xin kính chúc cộng đoàn dân Chúa sống năm “Phúc Âm Gia Đình” tràn ngập Ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa, một năm tràn đầy những niềm vui và hy vọng khi chúng ta sống và mang được Lời Chúa vào trong mỗi gia đình, nơi từng cá nhân nhỏ bé trong gia đình thân yêu của chúng ta.

St. Columban, Ngày Lễ Các Thánh 01/11/2014

Maria Trần Thị Lệ Xuân

VẠN TUẾ RẤT THÁNH TRÁI TIM ĐỨC CHÚA GIÊSU LÀ VUA HẰNG SỐNG HẰNG TRỊ ĐỜI ĐỜI!

VẠN TUẾ RẤT THÁNH TRÁI TIM ĐỨC CHÚA GIÊSU LÀ VUA HẰNG SỐNG HẰNG TRỊ ĐỜI ĐỜI!

… Câu chuyện do Cha Gnarocas kể lại và xảy ra tại giáo xứ Thánh Nicola ở Melicucco, vùng Reggio Calabria, miền Nam nước Ý.

Tại giáo xứ Thánh Nicola, vào đầu thập niên 1940, một thanh nữ Công Giáo đức hạnh tên Anna được bầu làm Đoàn Trưởng Hội Công Giáo Tiến Hành ngành trẻ. Cô Anna rất có lòng sùng kính Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Cô liền hăng say cổ động các thành viên trẻ Công Giáo Tiến Hành thi hành một việc đạo đức. Đó là sốt sắng tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Chúa trong 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp.

Đầu năm 1943, Cô Anna thành công trong việc thuyết phục Antonio – một đoàn viên Công Giáo Tiến Hành nguội lạnh – chấp nhận thi hành việc lành thánh này. Với ơn Chúa trợ giúp, cộng với lời khuyến khích chân thành của Cô Anna, Antonio đều đặn đến nhà thờ xưng tội, tham dự Thánh Lễ và rước lễ trong 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tục. Antonio thi hành các việc đạo đức với trọn lòng kính mến Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Vị Vua và là Vị Anh Hùng Lý Tưởng của giới trẻ.

Sau đó trong một thời gian dài Antonio vẫn duy trì thói quen đạo đức đến nhà thờ xưng tội và tham dự Thánh Lễ. Nhưng rồi, ma quỷ, xác thịt và thế gian lôi kéo, Antonio bị sa ngã. Chàng không lãnh các Bí Tích nữa và sống buông thả. Chàng dan díu với một phụ nữ đã lập gia đình, tên Giovanna. Bà Giovanna ly dị chồng và sống một mình. Bà Giovanna và Antonio trở thành đôi tình nhân sống ngoài vòng luật lệ gia đình và Giáo Hội. Nhưng bà Giovanna thuộc về một gia đình khá giả. Carlo – em trai của bà Giovanna – không chấp nhận lối sống ”lăng loàn” của bà chị, mà theo tâm thức thời đó, là một ô nhục cho gia đình. Do đó, Carlo tìm cách thủ tiêu Antonio để giải thoát chị khỏi vòng tay tình nhân ràng buộc. Có thế, bà Giovanna mới dễ dàng trở về với nếp sống bình thường, không gây tiếng xấu cho gia đình.

Carlo chờ đợi một dịp thuận tiện để bắn chết Antonio. Và một ngày, cơ hội xảy đến, Carlo rút súng lục bắn vào người Antonio mấy phát liên tục. Antonio ngã gục trên vũng máu, nhưng chàng chưa chết ngay. Người ta chở chàng đến Nhà Thương cấp cứu. Bác sĩ thấy là chàng không thoát chết được.

Khi nghe tin không lành, cô Anna tức tốc đến viếng thăm người hấp hối. Cô lựa lời an ủi Antonio. Sau cùng, cô nghiêm giọng nói:
– Nếu đúng như lời người ta đồn thổi về anh, thì thật là anh đang tẩy rửa tội lỗi mình bằng chính máu anh!

Antonio với giọng thều thào đáp:
– Đúng như lời chị nói!

Cô Anna liền mời Cha Sở đến. Cha Sở hỏi Antonio có muốn lãnh các Bí Tích lần cuối cùng không. Chàng đáp ngay:
– Thưa Cha Có!
Cha Sở lại hỏi:
– Nhưng trước hết, Cha xin hỏi con, con có bằng lòng tha thứ cho người đã giết con không?

Antonio trả lời liền:
– Thưa Cha Có! Con sẵn sàng tha thứ cho kẻ sát nhân!

Sau đó, Antonio sốt sắng xưng tội, lãnh Mình Thánh Chúa làm của-ăn-đàng và chịu phép Xức Dầu Bệnh Nhân.

Mấy giờ sau, Antonio êm ái trút hơi thở cuối cùng, trên gương mặt điểm niềm an bình và niềm vui khó tả.

Câu chuyện Antonio, người thanh niên tội lỗi, được ơn trở lại, ơn tha thứ cho người giết mình và ơn chết lành, thực hiện lời Đức Chúa GIÊSU KITÔ long trọng nói với thánh nữ Marguerite-Marie Alacoque (1647-1690), trong lần hiện ra vào một ngày thứ sáu năm 1688:
– Trong mức độ tột cùng lòng từ bi Trái Tim CHA, CHA hứa với con rằng: ”Tình Yêu Toàn Năng của CHA sẽ ban ơn hoán cải sau cùng cho những ai rước lễ 9 ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp. Những người này sẽ không chết khi còn mắc tội trọng nhưng sẽ được lãnh các Bí Tích và trong giờ sau hết, Trái Tim CHA sẽ là nơi nương náu vững vàng nhất”.

… DÂNG MỌI SỰ CHO TRÁI TIM CHÚA

Kính lạy Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa GIÊSU, chúng con xin dâng linh hồn và xác cùng mọi sự cho Trái Tim Chúa; nếu ngày hôm nay chúng con sa phạm điều gì lỗi lời chúng con đã hứa, thì xin Chúa thứ tha. Lạy Chúa, xin hãy dùng Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ, là Nữ Vương hay ban sự bình an mà lập Nước Chúa trong mọi gia thất khắp cả miền xứ chúng con.

Chớ chi chẳng những mọi người giáo hữu, mà lại các dân các nước đều nhìn biết Chúa là VUA rất nhân từ, mà yêu mến phượng thờ. Chớ chi cả và thiên hạ chóng rập một tiếng tán tạ tung hô rằng: Nước Chúa trị đến! Vạn Tuế Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa GIÊSU là VUA hằng sống hằng trị đời đời. Amen.

(”Sembra Impossibile .. eppure è così”, Editrice Comunità, 1992, trang 81-82)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

From: hnkimnga & Anh chị Thụ Mai gởi

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Trung thành với Đức Tin

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam: Trung thành với Đức Tin

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

11/13/2014

Vào lúc 9 giờ sáng ngày 19.6.1988 tại Rôma, Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn phong 117 vị chân phước tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh, gồm 96 người Việt Nam và 21 vị thừa sai ngoại quốc.Đây là con số tiêu biểu cho hơn 100 ngàn Vị Tử Đạo trong thời gian 300 năm Giáo Hội bị bách hại.

Trải qua sáu triều Vua: Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Giáo Hội Việt Nam đã có hơn 100 ngàn Đấng Tử Đạo được ghi nhận trong sổ sách. Trong đó, có 58 Giám mục và Linh mục ngoại quốc thuộc nhiều nước như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha, Hà Lan, Italia, 15 Linh mục Việt Nam, 340 Thầy Giảng, 270 Nữ tu Mến Thánh Giá, 99.182 Giáo dân. Đó là chưa kể con số rất đông các tín hữu bị chết mất tích trong các đợt bắt Đạo vì lưu đày, vì phải trốn tránh vào những nơi hẻo lánh.Đó là chưa kể rất nhiều tín hữu phải chết do cuộc Phân Sáp 400 ngàn người Công Giáo dưới triều Vua Tự Đức.Đó còn là chưa kể con số hơn mười mấy vạn người Công Giáo bị chết khi có Phong trào Văn Thân nổi lên tàn sát người Công Giáo…Như thế, con số Tử Đạo phải tính lên đến 300 ngàn người trong vòng 300 năm. Nếu tính theo tỷ lệ, 100 năm thì có 100 ngàn Vị Tử Đạo. Và theo tỷ lệ này, cứ một năm, có một ngàn Vị Tử Đạo; và đổ đồng, cứ một ngày, có hơn hai Vị Tử Đạo!

Đọc lại hạnh các Thánh Tử Đạo Việt Nam, tôi nhận thấy, các ngài can đảm phi thường, vì yêu mến Chúa Kitô nên coi nhẹ mọi cực hình đau đớn, một lòng trung thành giữ vững đức tin. Dòng máu tử đạo ấy đã trở thành những hạt giống Tin mừng, đem lại cho Giáo Hội Việt Nam những mùa gặt bội thu.

1.Trung thành với đức tin.

Đối với các Thánh Tử Đạo, Thiên Chúa là trên hết. Thiên Chúa là tất cả. Lập trường của các ngài là: “Thà chết chứ không thà bỏ đạo, bỏ Chúa”. Các ngài đã trung thành giữ vững đức tin trước mọi thử thách gian lao. Các ngài đã dám đánh đổi điều cao quí nhất là mạng sống của mình để làm chứng cho niềm tin vào Thiên Chúa mà các ngài tôn thờ. Xin kể ra đây một vài chứng từ về lòng trung thành (x.Thiên Hùng Sử).

– Thánh Anê Thành, một người mẹ của 6 đứa con. Trong cơn đau đớn vì bị tra tấn đã nhắn nhủ cô con gái đến thăm người trong tù rằng: “Con chuyển lời mẹ nói với các anh chị em con : Hãy coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, đọc kinh sáng tối, dâng lễ mỗi ngày, cầu nguyện cho mẹ vác thánh giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên Nước Thiên Đàng”. Lời sau cùng của bà là: “Giêsu Maria Giuse, con phó thác hồn con và thân xác con trong tay Chúa, xin ban cho con trọn niềm tin ở Chúa.”

– Thánh Luca Thìn, 39 tuổi, cai tổng. Người đã viết khi bị bắt bước qua thánh giá: “Tôi là một Kitô hữu. Tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ”.

– Thánh Giuse Lựu, trùm họ Mặc Bắc (Vĩnh Long) đã tâm sự với một linh mục bạn tù rằng: “Xin cha cầu Chúa ban sức mạnh và lòng can đảm cho con. Con sắp phải đi đày. Con xin trao cho Chúa tất cả mọi sự thuộc về con. Con bằng lòng dâng cho Người hy sinh lớn lao hơn hết là gia đình, vợ con của con”.

– Thánh Matthêu Gẫm, 34 tuổi, một thương gia giàu có, dù bị hành hạ, bị gông xiềng nhưng vẫn luôn bình tĩnh vui tươi. Ngài nói: “Tôi có ăn trộm, ăn cướp gì đâu mà buồn. Được chết vì đạo là điều tốt lắm”.

– Thánh Laurensô Ngôn, 22 tuổi, một nông dân, đã trả lời khi các quan bắt ngài bước qua thánh giá: “Tôi giữ đạo tôn thờ Chúa tể trời đất. Thánh giá là phương thế Chúa dùng để cứu độ nhân loại. Tôi chỉ có thể tôn kính chứ không bao giờ chà đạp. Tôi sẵn lòng chịu chết vì đức tin vào Thiên Chúa của tôi”.

– Thánh Matthêu Phượng, trùm họ, đã nói với các con mình rằng: “Các con của cha ơi! Đừng khóc, đừng buồn làm chi vì cha đang gặp được vận hội may mắn”.

– Thánh Đaminh Ninh, 21 tuổi, nông dân, đã hiên ngang phát biểu: “Nếu làm con cái không được phép sỉ nhục cha mẹ mình, thì làm sao người Kitô hữu lại có thể chà đạp hình ảnh của Đấng tạo thành trời đất? Xin các quan thi hành điều các quan muốn. Còn tôi không bao giờ xúc phạm thập giá Chúa tôi đâu”.

– Thánh Phêrô Dũng yên ủi vợ: “Hãy vui mừng vì tôi được hy sinh mạng sống cho Chúa Kitô”.

– Thánh Emmanuel Phụng, trùm họ, trước khi bị siết cổ đã trao cho con gái một ảnh thánh giá và nói: “Con hãy nhận lấy kỷ vật của cha. Đây là ảnh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ảnh này quí giá hơn vàng bạc bội phần. Con hãy luôn mang nơi cổ và trung thành cầu nguyện sớm chiều con nhé”.

2. Can đảm phi thường.

Vì đức tin, các ngài đã phải chịu đủ mọi thứ cực hình dã man. Bị gông cùm, bị xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói, bị voi giầy, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng,bị chặt đầu, bị thắt cổ, bị thiêu sống, bị phân thây ra từng mảnh… Có 79 vị bị trảm quyết (bị chặt đầu); 18 vị bị xử giảo (bị thắt cổ); 8 vị chết rũ tù; 6 bị thiêu sinh; 4 bị lăng trì (phân thây ra từng mảnh); 1 bị tử thương và 1 bị bá đao.

-Lòng lang dạ sói của con người nghĩ ra mọi thứ hình phạt tàn ác, thật kinh hoàng sởn tóc gáy khi nghe kể về cái chết của Cha Cố Du theo kiểu bị xử bá đao: “Ngày 30.11.1835, họ chọn Thợ Đức làm pháp trường để xử ngài.Sáng sớm hôm đó, họ điệu ngài đến nơi hành hình. Bên một lò than đang cháy đỏ rực có 5 tên lính cầm 5 chiếc kìm sắt đã được nung đỏ.Nghe lệnh, cùng một lúc cả 5 tên kẹp kìm nung đỏ vào mình ngài kéo ra những miếng thịt khét lẹt.Họ vu cho ngài móc mắt trẻ con khi rửa tội. Làm điều ám muội khi cử hành lễ cưới và cho ăn thịt người khi rước lễ. Sau đó họ tiếp tục gây thêm những thương tích nữa cho đến khi ngài bất tỉnh thì họ mới hành quyết. Họ cột chân tay ngài vào cây cột. Hai bên lính cầm kìm chờ sẵn. Cha Du ngửa mặt lên trời cầu nguyện dâng mạng sống mình cho Chúa. Sau hồi trống báo hiệu, hai tên lính cầm kìm kẹp vào ngực ngài kéo ra 2 miếng thịt nơi vú liệng xuống đất, một tên lính khác cầm dao xẻo thịt phía sau hông, rồi đến bắp đùi thì chúng lấy kìm kéo ra rồi lấy dao xẻo đứt từng miếng… làm cha rất đau đớn. Không được bao lâu thì ngài ngất đi, đầu rũ xuống và ngài về chầu Chúa lúc 17g ngày 30.11.1835. Cha Du chết rồi bọn lính còn chặt đầu ngài cho vào một chiếc thùng đầy vôi, cởi trói lật xác úp xuống rồi phân thây ra từng khúc bỏ tất cả vào thùng vôi. Đầu ngài họ đem treo 3 ngày ở giữa chợ rồi xay nát, bỏ chung với thùng vôi đựng xác ngài đoạn quăng cả xuống biển cho mất tích”.

-Thánh Giám mục Xuyên, chân tay bị trói vào bốn cọc. Năm lý hình cầm 5 cái rìu, sẵn sàng nghe lệnh quan án sát. Vừa nghe lệnh, hai lý hình chặt hai chân, hai lý hình chặt hai tay, đến lượt lý hình thứ năm chặt đầu. Rồi họ mổ bụng ngài cắt lấy ruột gan.

-Hai Cha Điểm và Khoa bị trói chân tay vào cột, lý hình tròng dây vào cổ. Nghe hiệu lệnh, lý hình cầm hai đầu dây xiết mạnh cho đến khi hai vị nghẹt thở và lịm dần.

-Sáng ngày 5.6.1862, trước sự chứng kiến của rất đông người, hai giáo dân: Thánh Toại và Thánh Huyên bước vào cũi tre để bị thiêu sinh. Những người hiện diện đều xúc động khi nghe rõ các ngài cất tiếng nguyện cầu thật lớn, trong khi ngọn lửa hồng phừng phực bốc cao, thiêu đốt hai ngài.

-Sau ba tháng tù tại Bình Định, ông Anrê Nguyễn Kim Thông nhận được án phát lưu vào Vĩnh Long. Đường từ Bình Định vào Nam xa xôi, ông Thông cùng với bốn chứng nhân khác. Vì tuổi già sức yếu, lại phải mang gông siềng, ông bước đi một cách rất khó khăn, mệt nhọc. Mỗi ngày chỉ đi được bảy tám dặm, dưới ánh nắng gay gắt. Tối đến, đoàn tù nhân được tạm giam trong các đòn quan, hay nhà tù địa phương. Được vài ba ngày, lính thấy ông Thông đuối sức quá, sợ không thể đi tới nơi, thì thương tình tháo gông xiềng cho ông. Đến Chợ Quán, thấy tình trạng sức khỏe của ông quá tàn tạ, Cha Được đã đến ban phép xức dầu cho ông. Sau đó ông lại phải mang gông xiềng tiếp. Khi ông đặt chân lên đất lưu đày, ông chỉ kịp đọc kinh ăn năn tội, vài kinh kính mừng, rồi tắt thở. Hôm đó là ngày 15 tháng 5 năm 1855.

3. Coi thường sự đau đớn.

Là con người, ai mà không sợ đau khổ, ai mà không tham danh tranh lợi, ai mà không tham sống sợ chết! Nhưng với ơn Chúa, các vị tử đạo đã thắng vượt những khổ hình dã man. Lòng yêu mến Chúa đã giúp các ngài vượt thắng tất cả: thắng vũ lực, thắng quyền bính vua chúa trần gian, thắng ma quỉ, và thắng chính mình. Vì thế các ngài xem nhẹ khổ hình, vui mừng và hãnh diện vì được chết cho đức tin.

-Trước khi bị chém, Thánh Giám mục An nói với viên quan chỉ hay:“Tôi gửi quan 30 quan tiền để xin một ân huệ: Đừng chém tôi một nhát nhưng 3 nhát. Nhát thứ nhất tôi tạ ơn Thiên Chúa đã tạo dựng nên tôi, và dẫn tôi đến Việt Nam giảng đạo. Nhát thứ hai để nhớ ơn cha mẹ sinh thành ra tôi. Nhát thứ ba như lời di chúc cho các bổn đạo của tôi, để họ bền chí chết vì đức tin, theo gương vị chủ chăn. Và như thế họ đáng hưởng hạnh phúc cùng các Thánh trên trời”.

-Năm vị: Đaminh Nhi, Đaminh Mạo, Đaminh Nguyên, Anrê Tường, Vinhsơn Tưởng, bị xử chém đầu, thì trừ ông Đaminh Nhi, còn bốn vị đều yêu cầu lý hình, thay vì chém một nhát, thì xin được chém 3 nhát để tỏ lòng tôn kính Chúa Ba Ngôi.

-Thánh Hồ Đình Hy bị chém đầu, nhưng trước khi đem đi xử, giữa kinh thành Huế, trong ba ngày 15,18 và 21 tháng 5 năm 1857, thân mình ngài đầy thương tích, quần áo tả tơi, dính đầy máu, đi đứng lảo đảo như muốn té nhào, bị điệu qua các đường phố, những khu chợ và quanh thành nội. Lính mở đường đi trước rao tên tử tội, mỗi khi tới ngã ba đường, phố, chợ và công trường, người tử tội bị đánh 30 trượng, lính vác loa rêu rao:“Thằng theo tà đạo, đứa ngỗ nghịch, bất hiếu với cha mẹ, cưỡng lại luật pháp triều đình. Vì thế bị kết án tử hình. Bọn Gia Tô tin rằng chết vì đạo sẽ lên Thiên đàng. Điều đó có đúng hay sai, không cần biết. Gia Tô của nó ở đâu? tại sao thấy nó khổ mà không đến cứu?”.

-Sau một năm tù giam, Anrê Trọng vẫn cương quyết tuyên xưng đức Tin, các quan quyết định ngày xử là thứ bảy ngày 28.11.1835. Sáng hôm đó, ngài gặp lại người anh họ. Người anh họ hỏi Thánh nhân có muốn ăn gì không? Anrê Trọng trả lời: “Em muốn giữ chay để dọn mình tử đạo”, rồi nói tiếp: “Xin anh giúp đỡ mẹ em, chúng ta là anh em, mẹ em cũng sẽ yêu thương anh. Xin nhắn lời với mẹ em: Đừng lo gì cho em, cầu chúc mẹ mãi mãi thánh thiện và sẽ hài lòng vì con trai mình luôn trung thành với Chúa cho đến chết.”. Nhưng người anh họ chưa kịp về nhắn tin, bà mẹ của Anrê Trọng đã đến đón con và theo con đến tận đầu chợ An Hòa, nơi Anrê sẽ bị xử. Gặp con, bà chỉ nói một câu: “Bấy lâu nay xa nhà, thời gian ở tù, con có nợ nần gì ai không? Nếu có thì cho mẹ biết, mẹ sẽ trả thay con”. Khi được con cho biết là không vướng mắc gì với ai, bà tiếp tục đi sát bên con, bình tĩnh nói với con những lời đầy khích lệ. Đến nơi xử, khi quân lính tháo gông xiềng, Thánh Trọng đón lấy, đưa cho anh lính cạnh bên và căn dặn: “Xin nhờ anh đưa giùm cái này cho mẹ tôi, để bà làm kỷ niệm.”. Mẹ anh đứng gần bên nghe rõ, bà nhận lấy kỷ vật đó và chưa cho là đủ, bà còn muốn đón nhận chính thủ cấp của con mình nữa. Bà can đảm, bước ra xin viên quan chỉ huy trao thủ cấp con trai cho bà. Bọc trong vạt áo rồi ghìm chặt vào lòng, bà vừa hôn vừa lập đi lập lại:“Ôi con trai yêu quí của mẹ, con nhớ cầu nguyện cho mẹ.”. Rồi bà đem về an táng trong nhà.

Các Thánh Tử Đạo coi thường đau đớn với lòng can đảm lạ lùng là vì các ngài trung thành với đức tin. Do đó, các ngài vui mừng được chết vì Chúa Kitô. Các ngài đã chết dưới ngọn đao phủ là chết cho Chúa Kitô như chính Chúa Kitô đã chết cho các ngài. Các Thánh Tử Đạo hiên ngang vì đã đáng được chịu đau khổ cho Chúa Kitô. Các ngài chẳng màng chi đến việc nhân loại trao tặng huy chương, huân chương, chiến công. Các ngài chết tử đạo là chết vì Chúa Kitô, đơn thuần và tinh khiết, trong sáng và huyền diệu, can trường và khiêm nhu (x.Thiên Hùng Sử, trang 4). Chết vì Chúa Kitô là niềm hạnh phúc “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao” (Mt 5,10-12; x.Lc 6,22). Chính trong ánh sáng của Chúa Kitô, Vị Tử Đạo tiên khởi mà chúng ta có thể nói về Các Thánh Tử Đạo Việt Nam bằng câu Phúc âm : “Đầy tớ không lớn hơn chủ” (Ga 15,20); “Nếu chúng đã bách hại Thầy, chúng sẽ bách hại các con…Đây Thầy sai các con như con chiên đi vào giữa sói rừng… Hãy coi chừng người đời, họ sẽ nộp các con nơi toà án. Khi họ bắt bớ, các con đừng lo phải nói thế nào, vì không phải các con, nhưng Thánh Linh của Thầy sẽ nói trong các con… Các con sẽ bị mọi người ghét bỏ vì danh Thầy. Nhưng ai bền đỗ đến cùng, người ấy sẽ được cứu độ.” (Mt 10,16-25). Các Thánh Tử Đạo không tìm đến cái chết mà chỉ trung thành với đức tin cho dù phải chịu muôn vàn gian truân đau đớn. Các ngài tìm cách nên giống đời sống của Thầy Giêsu, nhất là giống cử chỉ yêu thương tột cùng đã đưa Thầy đến cái chết.

Chân dung Các Thánh Tử Đạo Việt Nam được tô điểm bằng muôn ngàn vạn nét. Nét căn bản nhất chính là Niềm Tin Phục Sinh. Tin vào Chúa Kitô đã chết và đã sống lại nên các ngài đã chấp nhận tất cả mọi cực hình, vượt thắng mọi truân chuyên. Yêu mến Chúa Kitô và bước theo Người nên các ngài luôn sống niềm tín thác, lạc quan. Trong nhà tù vẫn cầu nguyện và hát thánh ca, thánh vịnh. Ra pháp trường vẫn cầu nguyện và hát khúc khải hoàn Alleluia, luôn hướng về trời cao với niềm Hy Vọng Phục Sinh và cất cao hát mãi cho đến khi đầu rơi khỏi cổ. Cái chết chẳng có giá trị gì, chính sự sống mới làm nên muôn điều huyền diệu. Sự sống đó chính là tình yêu với tất cả những gì cao thượng và chân thật. Tình yêu đó bừng lên mãnh liệt trong mầu nhiệm tự huỷ và hiến dâng. Chết là mất tất cả, nhưng 117 hiến tế tình yêu cũng là 117 chứng từ niềm tin của những con người xác tín rằng: chết vì Đức Kitô, chết đi là sống lại trong cuộc sống muôn đời; chết là chiến thắng; chết là để đi về sự sống vĩnh cửu; chết là cánh cửa im lìm được mở ra để về với Đấng là Sự Sống vĩnh hằng.

4. Kế thừa dòng máu hào hùng để tiếp nối sứ vụ loan Tin mừng.

Hạt giống Tin Mừng Ðức Giêsu Kitô đã đến với quê hương Việt Nam gần năm thế kỷ.Trước đó cả ngàn năm đã có ba tôn giáo lớn là Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và Tín Ngưỡng dân gian ăn sâu vào tâm hồn người Việt Nam. Phong tục tập quán, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam, đã được nhào luyện bởi tất cả những mầm sống cũng như giới hạn các tín ngưỡng đó.

Trên nền tảng một đời sống tâm linh phong phú mà Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo và nhất là Ðạo Ông Bà đã xây dựng từ hơn một ngàn năm, hạt giống Tin Mừng đã nẩy mầm và trổ sinh nhiều hoa trái. Tinh thần hiếu khách, lòng bao dung làm cho người Việt Nam sẵn sàng tiếp xúc với những người tỏ ra có thiện cảm với mình, cho dù họ từ xa đến. Với những đức tính như lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, kính trên nhường dưới trong gia đình, với một tâm hồn yêu thích tĩnh mịch và chiêm niệm, người Việt Nam là một mãnh đất tốt để đón nhận những giá trị thiêng liêng hàm chứa trong Tin Mừng.

Nhờ các nhà truyền giáo, từ các thế hệ tiền nhân, người Việt đã nhận lãnh nhiều điều tốt lành: những thường thức về vệ sinh, khoa học, những hiểu biết mới, những đồ vật quý hiếm cũng như những trợ giúp vật chất dù rất khiêm tốn, những nhân vật thánh thiêng đầy nhân ái… khiến họ, nhất là những người thuộc lớp bình dân, sẵn sàng đón nhận giáo lý mà những người tốt lành như vậy mang đến cho họ. Nhờ đó, những tập tục phi lý và phi nhân (bùa mê, sát tế) như một gánh nặng đè lên cuộc đời của họ nay được cởi bỏ. Khi đã tìm gặp một vị thần đầy yêu thương, họ liền cảm thấy được giải thoát và tin theo.

Rao giảng Tin Mừng cho họ cần gắn liền với phát triển cuộc sống, quan tâm săn sóc sức khỏe, nâng cao văn hóa giáo dục. Người Kitô hữu sống giữa lòng đời và chia sẽ đời sống của anh chị em chung quanh mình. Loan báo Tin Mừng là chia sẻ cuộc sống, một cuộc sống như chính Chúa Giêsu đã sống, là yêu thương mọi người, và yêu thương đến cùng. (x. Ga 13,11), yêu thương đến nỗi dám chấp nhận hy sinh tính mạng cho những người mình yêu. (x. Ga 15,13).

Các Thánh Tử Đạo là những chứng nhân can trường dám chết cho niềm tin, sống cho tình yêu, và loan báo chân lý Tin Mừng. Làm chứng cho Chúa, nếu không phải đổ máu thì cũng phải chấp nhận mất mát thiệt thòi. Làm chứng đòi trả giá. Giá càng cao thì lời chứng càng đáng tin.

Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng bằng cái chết. Chúng ta được mời gọi làm chứng bằng cuộc sống. Các Thánh Tử Đạo đã làm chứng trong thời bị bách hại. Là con cháu các ngài, chúng ta được mời gọi làm chứng trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay. Làm chứng chính là “làm muối,” “làm men,” “làm ánh sáng”… như những hình ảnh chính Chúa Giêsu đã dùng khi trao sứ mạng cho các môn đệ. Muối, men, ánh sáng thì không ồn ào áp chế, công việc của nó là âm thầm hiện diện, và chỉ cần hiện diện đúng như bản chất của mình, tự khắc môi trường xung quanh nó sẽ thấm mặn, sẽ dậy men, và sẽ đầy ánh sáng. Sống đạo như thế, chúng ta góp phần làm chứng nhân cho Chúa, cho Phúc Âm.

Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xưa các Ngài đã can đảm phi thường làm chứng cho Phúc Âm. Xin giúp chúng con hôm nay cũng biết can đảm sống theo Phúc Âm để làm chứng cho Chúa trong đời sống hằng ngày. Amen.

Người chứng thứ nhất

Người chứng thứ nhất

Ga 12,24-26

(Trích trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)

Một thanh niên 19 tuổi bị tuyên án tử hình mà không được nói một lời để bào chữa mình. Người tuyên án là quan trấn tỉnh Phú Yên. Vào tháng 7 năm 1644 vị quan này từ triều đình nhà vua về, đem theo sắc lệnh cấm đạo và bắt đầu giam một ông già tên rửa tội là Anrê, rồi sai một toán lính đến nhà vị thừa sai Đắc Lộc để bắt thầy giảng số một là Inbaxu. Khi toán lính xông vào nhà tìm thầy Inbaxu thì chỉ gặp người thanh niên Phú Yên là người mà Cha Đắc Lộ đã rửa tội được ba năm và đã từng cho đi theo để giúp dạy giáo lý. Người thanh niên này đã can đảm nhận hết các tội chúng gán cho thầy Inbaxu và các thầy giảng, nên bị chúng trói lại và điệu đi. Anrê Phú Yên vui vẻ theo toán lính và trong suốt quảng đường không ngừng giảng cho những kẻ dẫn mình vào ngục biết đường tránh hỏa ngục hầu hưởng phúc Thiên Đàng.

Nhờ sự can thiệp của cha Đắc Lộ và một số thương gia người Bồ Đào Nha, ông già Anrê được tha bổng, còn Anrê Phú Yên thì không. Người thanh niên cường tráng này dám cương quyết thà chết chẳng thà bỏ đạo nên sẽ phải chết để nêu gương cho mọi người biết vâng lệnh nhà vua. Vậy lính dẫn Anrê Phú Yên tới thửa ruộng cách thành phố chừng nửa dặm. Mặc dầu đeo gông nặng, Anrê đi rất nhanh đến nỗi cha Đắc Lộ theo không kịp. Tới nơi hành quyết, thầy giảng trẻ tuổi Anrê quỳ xuống để chiến đấu cho can đảm hơn. Lính gác chung quanh không cho ai vào phía trong cả, nhưng viên đội trưởng cho phép cha Đắc Lộ được đứng cạnh thầy. Cha thấy rõ mắt thầy Anrê nhìn trời cao, miệng luôn hé mở và kêu danh thánh Giêsu.

Một người lính lấy giáo đâm thầy từ phía lưng, thâu qua ngực chừng hai bàn tay. Khi ấy thầy nhìn cha Đắc Lộ như để vĩnh biệt và cha khuyên thầy nhìn lên trời là nơi thầy sắp được Chúa Giêsu đón vào cõi phúc. Từ giây phút đó thầy chăm chút nhìn lên và không còn nhìn xuống nữa. Người lính rút lưỡi giáo ra đâm phát thứ hai, rồi đến phát thứ ba, hắn cố ý đâm trúng tim anh nhưng vẫn chưa chết. Thấy thế, một người lính khác lấy mã tấu chặt vào cổ anh, anh vẫn chưa xong, phải thêm một nhát thứ hai đầu anh mới lìa khỏi cổ, máu chảy tràn lai làng. Hành quyết xong, toán lính kéo nhau ra bờ sông để rửa các vết máu. Cha Đắc Lộ nhặt đầu anh gói lại kỹ càng như một báu vật, còn xác anh ngài tẩm liệm gởi xuống tàu buôn đưa về Macao chôn cất. Ngài biết đây là một thánh nhân, cần tôn trọng thi thể này để ngàn đời lưu danh. (theo “Người chứng thứ nhất” của Phạm Đình Khiêm).

Anh chị em thân mến,

Mỗi lần nói đến các Thánh Tử Đạo là chúng ta nghĩ ngay đến cảnh ngục tù, gông cùm, gươm giáo, đầu rơi, máu đổ. Thế nhưng, ở thời đại đang tiến dần vào thế kỷ 21, những cảnh hành hình tàn bạo, dã man, cổ điển ngày xưa và việc bắt đạo của các chính quyền hầu như không thể tái diễn. Vì hiến pháp của bất cứ quốc gia nào cũng tôn trọng tự do tín ngưỡng và các quyền cơ bản của con người. Đàng khác, các án tử hình cũng dần dần được loại bỏ trong các bộ luật hình sự của các nước trên thế giới.

Ngày nay, khái niệm về tử đạo hiểu rộng rãi hơn. Người tử đạo là người dám chết cho công lý, cho hòa bình, chết cho quyền sống của con người, nhất là những người nghèo khổ, bị áp bức. Nói chung là chết vì Chính Đạo, chết vì muốn sống theo con đường Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Trong Tông Thư “Tiến đến thiên niên kỷ thứ ba”, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kêu gọi Giáo Hội địa phương lập danh mục các vị tử đạo mới của thế kỷ này. Vì “trong thế kỷ này lại có những người tử đạo, – thường là âm thầm, họ như thể là “những chiến sĩ vô danh” – vì đại cuộc của Thiên Chúa. Giáo Hội không chỉ có những người đổ máu vì Đức Kitô mà còn có những bậc thầy về đức tin, những nhà truyền giáo, những người tuyên xưng đức tin, những giám mục, linh mục, các trinh nữ, những người kết hôn, góa bụa và trẻ em” (số 37).

Tại đất nước chúng ta, giai đoạn lịch sử của 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam được ghi nhận kéo dài đúng 117 năm, với hai vị tử đạo tiên khởi là Thánh Phanxicô Frederic Tế và Matthêu Liciana Dậu, hai linh mục dòng Đa Minh, cùng chịu tử đạo tại Thăng Long, miền Bắc năm 1745. Nhưng trước đó hơn một thế kỷ, đã có máu đào đổ ra để làm chứng cho Chúa Kitô, như thấy nơi cái chết của Thầy giảng Anrê Phú Yên năm 1644 tại miền Trung. Vị Tử đạo cuối cùng trong số 117 là Thánh Phêrô Đa, giáo dân thợ mộc, vừa bị thiêu đốt vừa bị chém đầu ngày 17 tháng 6 năm 1862 tại Qua Linh, miền Bắc. Cuối năm 1861 đầu năm 1862, cuộc cấm đạo trước khi chấm dứt còn bùng lên dữ dội ở miền Nam. Chỉ ở hai nơi là Biên Hòa và Bà Rịa, 846 Kitô hữu đã bị thiêu sống. Vậy trong ngày lễ kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay, chúng ta không những kính 117 vị đã được tôn phong hiển thánh nhưng còn tỏ lòng biết ơn hàng trăm người đã hy sinh tính mạng vì Chúa Kitô và đã có công truyền lại đức tin cho chúng ta là con cháu.

Nhưng trước hết và trên hết, chúng ta cần tỏ lòng biết ơn Đấng là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa đến với loài ngừoi chúng ta. Thiên Chúa đã yêu loài người đến nỗi đã ban Con Một Người và Người Con Một ấy trước khi chết vì chúng ta đã quỳ xuống rửa chân cho từng môn đệ. Kế đến Ngài đã dành những lời tâm huyết để nhắn nhủ các môn đệ. Ngài ví bản thân Ngài như hạt lúa mì gieo vào lòng đất, phải chết đi để sinh được nhiều bông hạt lúa mới (x.Ga 12,24). Rồi Ngài dặn dò các môn đệ về cái thế giới chẳng mấy thân thiện đối với cả thầy lẫn trò: Họ ghét anh em vì họ đã ghét Thầy trước.

Chính tình yêu đến hy sinh mạng sống như Chúa Giêsu là cái giá phải trả để trở nên môn đệ đích thực của Chúa Giêsu. Cái giá ấy các môn đệ xưa đã trả bằng cách hy sinh mạng sống mình. Cái giá ấy các Thánh Tử Đạo cũng đã trả để mang lại nhiều hoa trái là nhiều người nhận biết Chúa Kitô để được ơn cứu độ. Đúng như lời vị Giáo Phụ Tertulianô đã nói: “Máu các vị Tử Đạo chính là hạt giống phát sinh các Kitô hữu”.

Thưa anh chị em,

Hội Thánh thời nào cũng cần những người dám sống đức tin, dám làm chứng cho Chúa trước mặt người đời. Sống đức tin là một loại tử đạo không đổ máu, không đòi hy sinh mạng sống. Mỗi ngày chúng ta thường vị đặt trước những chọn lựa, trước thập giá của Chúa Giêsu y hệt như các vị Tử Đạo ngày xưa. Càng có tự do, chúng ta càng dễ sa sút đức tin. Tiền bạc, tiện nghi, khoái lạc vẫn là những tạo vật gây ra những bách hại êm ả và khủng khiếp mà cuối cùng chúng ta cũng phải đối diện. Ước gì chúng ta không để mất đức tin đã được mua bằng giá máu của bao vị Tử Đạo, và ước gì chúng ta không ngừng chuyển giao đức tin ấy cho anh em đồng bào trên quê hương Việt Nam chúng ta.

From: ngocnga_12 & Anh chị Thụ Mai gởi

“Nhân đức anh hùng” của cậu thiếu niên12 tuổi được ĐTC Phanxicô công nhận

“Nhân đức anh hùng” của cậu thiếu niên12 tuổi được ĐTC Phanxicô công nhận

Chuacuuthe.com

VRNs (11.11.2014) – Sự ra đi của cậu trai 12 tuổi vào năm 1970 cùng với 7 người đàn ông và phụ nữ khác đã bước gần hơn tới việc tuyên thánh vì ĐTC Phanxicô đã công nhận nhân đức anh hùng của cậu. Thông báo này đã được ĐHY Angelo Amato trường Thánh bộ Phong Thánh công bố hôm 7 tháng 11.

ĐTC đã ủy quyền để Thánh bộ Phong thánh tuyên bố 8 trường hợp được tôn phong lên Bậc đáng Kính, gồm có giáo dân, linh mục và các tu sĩ, trong số này cũng có trường hợp của cậu Silvio Dissegna.

Sinh ngày 1 tháng 7 năm 1967 ở tỉnh Turin của Moncalieri, Italia – cậu Dissegna đã được chuẩn đoán bị ung thư xương hồi đầu năm 1978.

Theo thông tin trên website dành riêng về trường hợp của cậu (www.silviodissegna.org) cho biết, cậu đã trải qua thời gian đau bệnh trong việc cầu nguyện và đặc biệt là lòng sùng ái mãnh liệt đối với Kinh Mân côi. Cậu đã hiến dâng sự đau khổ cùng với lời cầu nguyện cho ĐGH, cho các nhà truyền giáo, những hối nhân trong số các ý nguyện của mình. Cậu đã chết vào ngày 24 tháng 9 năm 1979 ở Poirino của Ý.

Marthe Louise Robin, một giáo dân nữ người Pháp và là nhà sáng lập của tổ chức cứu trợ Foyers cũng đã được công nhận nhân đức anh hùng, bà Robin được cho là một nhà huyền bí và bị bêu xấu. Bà mất vào ngày 6 tháng 2, 1981.

Một người Pháp khác là bà Jeanne Mance là người sáng lập của bệnh viện  Hotel-Dieu (Hotel-Dieu hospital) ở Montréal, Canada. Bà mất ở Montréal  ngày 18 tháng 6, 1963.

ĐTC Phanxicô cũng đã thông qua những bước tiến mới trong trường hợp của cha John Sullivan, một linh mục dòng tên người Ailen. Cha mất ở Dublin 1933.

Một số Bậc đánh Kính mới khác có trong danh sách gồm có, Linh mục người Đức, cha Pelagius Sauter; tu sỹ Phanxicô người Chile, Francesco Massimiano Valdes Subercaseaux; Bề trên và là người sáng lập dòng Các chị em bảo trì gương mặt Thánh của Chúa Giê-su (Sisters of the Reparation of the Holy Face of Jesus), nữ tu Ildebrando Gregori người Ý; và linh mục người Ý Raimondo Calcagno của Nhà nguyện thánh Philip Neri.

Việc công nhận một người là “Đấng đáng kính” là một bước trong quá trình dẫn đến việc tuyên thánh. Để chuyển sang bước tiếp theo – là giai đoạn tuyên phong chân phước – phải có ít nhất một phép lạ được chuyển cầu từ người đó, nếu người đó không phải là một vị tử đạo. Và theo thông lệ, nếu một phép lạ thứ hai được xác nhận thì người đó sẽ được tuyên bố là một vị thánh, mặc dù yêu cầu này có thể được miễn bởi ĐTC.

Pv. VRNs

Linh Hồn luyện Ngục Hiện Về

Linh Hồn luyện Ngục Hiện Về

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

1/  Linh hồn luyện ngục hiện về tại California

Câu chuyện dưới đây xảy ra tại vùng Orange, Cali: Linh hồn một thanh niên Công Giáo VN đã được Chúa cho hiện về nhập vào một thanh nữ chừng 20 tuổi để nói truyện với mọi người trong gia đình, có sự chứng kiến của cha già Vũ Tuấn Tú và một số người.

Anh Giuse Mai Văn Trung, con ông bà Mai Xuân Nghi. Anh bị bắn chết cách bí mật gần bên cô bồ ở San Jose, CA trước đây 10 năm (1986), cô nghe súng nổ, nhưng không biết ai bắn. Khi cô đưa anh vào bệnh viện thì anh chết.. Lý do tới nay cũng còn bí ẩn (có lẽ vì tình).

Tưởng câu truyện đã vào quá khứ, nhưng nay, ngày 8 tháng 10 năm 1996, đúng 10 năm sau, anh Trung được Chúa cho về nói truyện qua chị Bạch Thị Trâm là người ngoại giáo, đang học đạo để thành hôn với em ruột anh Trung.

Sáng hôm ấy, chị Trâm đang làm việc với mẹ là bà Bạch Vân, Giám đốc Trung Tâm băng nhạc Asia ở Garden Grove, CA. thì anh Trung nhập vào cô. Lúc đó, anh Hùng là nhân viên của Asia, anh cũng là thư ký của Cộng đồng VN Orange, cũng ở đó. Vì anh Trung nói qua cô Trâm rằng anh muốn nói chuyện với người nhà anh với sự chứng kiến của một linh mục, nên anh Hùng tới Trung Tâm Công giáo đón cha cố Vũ Tuấn Tú về Trung Tâm Asia, rồi mọi người cùng lên xe về nhà ba má anh Trung là ông bà Nghi ở gần nhà thờ Orange. Tại đây, có mẹ anh Trung, các em của anh khoảng gần 10 người, và một số bà con xóm ngõ.

– Đầu tiên anh chào mọi người và cho biết mình là ai: “Con là linh hồn Giuse Trung, Chúa cho phép con về gặp gia đình”. – Bà Nghi, mẹ anh hỏi: Con muốn gì, mẹ phải làm gì cho con?- Anh Trung nói: Mẹ xin cho con 5 Thánh lễ.- 5 lễ thôi à?- 5 lễ đủ rồi. Gia đình đã quên con cả 10 năm nay, không cầu nguyện cho con.-Má đâu có quên con, má vẫn cầu nguyện cho con mà.- Má cầu nguyện mà chia lòng chia trí, để ý đi đâu…

Rồi anh xin gặp từng người em. Anh đưa họ ra khoảng 5,6 thước để nói riêng với mỗi người. Sau đó anh hỏi:- Ba đâu?- Ba đi làm muộn mới về.- Con phải chờ ba về.

Và người ta gọi điện thoại mời ông về. Trong khi chờ đợi,  cha Tú xin mọi người đọc 5 chục kinh mùa Thương. Gần hết 5 chục kinh thì ông Nghi về. Gặp ông, anh Trung Chào ba và nói với ba anh:

– Ba phải dự lễ và giữ ngày Chúa nhật. Ba phải xưng tội mỗi năm ít là một lần, và phải sống đức tin Công giáo.- Ông Nghi nói: Ba vẫn tin mà.

– Anh Trung: “Đức tin phải có việc làm, đức tin không việc làm là đức tin chết”. Và nói tiếp: ” Xin gia đình đừng tìm biết và oán hận kẻ hại con, Chúa dậy tha thứ.”. “Gia đình hãy cầu nguyện và xin lễ cho linh hồn Maria Tuyết (người quen đã qua đời), Và xin lễ cầu cho linh hồn dì Maria Ngọc Bảo (Em gái bà Vân đã chết hồi 15 tuổi. Cô Bảo đã xin học đạo, nhưng bị gia đình ngăn cản, vì không muốn cho …Cô đã chết trong thời dự tòng và cô được ơn cứu rỗi).

Sau cùng anh Trung bắt tay từ giã mọi người. Rồi anh hỏi: – Còn em bé đâu

– Mẹ anh nói: Em nhỏ đang ngủ trong phòng.

Anh Trung xin gặp em, anh bế  rồi hôn em. Sau đó, anh (chị Trâm) nằm xuống giường gần đó thiếp đi. Chừng gần 15 phút sau, cô Trâm tỉnh lại và tỏ vẻ thật ngỡ ngàng sao mình lại ở đây (vì cô chưa thuộc về gia đình này, còn đang học đạo để dự định thành hôn với em trai của anh Trung)! Vì từ sáng, cô vẫn làm việc với mẹ cô tại Trung Tâm băng nhạc Asia.

Khoảng một tuần sau, cha Cố Tú (hiện đã về nhà hưu) đến nhà ông bà Nghi dâng lễ, ngài thấy, ông Nghi không được đánh động bao nhiêu về việc anh Trung hiện về. ngài nói: “Thất đúng như lời Chúa phán trong Kinh Thánh: Dù kẻ chết hiện về, họ cũng chẳng tin (Lc 16,37).

2/  Giọt mồ hôi của thầy dòng nhỏ chết nhỏ xuống tay thầy Dòng bạn

Có  một truyện trong sách dạy đàng nhân đức kể về cái nóng của Luyện ngục như sau:

Một ngày kia, một thầy Dòng đã chết được Chúa cho hiện về với một thày Dòng bạn vào ban đêm. Sau khi trò truyện, thầy sống hỏi thầy chết rằng:

– Anh có thể cho tôi biết Luyện ngục nóng nảy ra sao không?

– Thầy chết trả lời: Anh không thể hiểu được Luyện ngục nóng thế nào, nhưng để anh hiểu một chút thì anh giơ tay ra đây.

Thầy sống giơ tay ra, thầy chết chỉ nhỏ vào một giọt mồ hôi. Thầy sống đau đớn nhức nhối quá, la lên tùm lum và chạy chung quanh nhà Dòng, tay vẫy vẫy, không chịu được. Cả nhà Dòng nghe la ó, mất ngủ, các thầy dậy hết coi xem chuyện gì?

Sau khi nghe thầy sống kể lại chuyện giọt mồ hôi của thầy chết, ai nấy đều rợn tóc gáy.

Thầy sống ngã bệnh đau đớn và qua đời mấy ngày sau.

3/  Sử liệu các cha dòng Capucino ghi lại câu chuyện liên quan đến những cực hình các đẳng Linh hồn phải chịu trong Lửa Luyện Ngục

Cha Hippolyte de Scalvo là người tôi tớ tín trung của Chúa. Cha đặc biệt có lòng thương mến các đẳng Linh hồn. Cha luôn luôn cầu nguyện cho các vị được mau mau giải thoát khỏi chốn Luyện Hình. Cầu nguyện chưa đủ, cha Hippolyte còn ăn chay hãm mình đền bù thay cho các đẳng và thường thuyết giảng về Luyện Ngục. Cha nhắc các tín hữu nhớ cầu nguyện, dâng các hy sinh và việc lành phúc đức để cầu cho các Linh hồn được sớm về hưởng tôn nhan Chúa. Sáng nào cũng thế, cha Hippolyte thức dậy thật sớm để nguyện kinh cầu cho những người quá cố. Chúa Nhân Lành đã dùng gương vị tôi tớ Ngài để giúp các tín hữu hiểu phần nào những hình phạt các đẳng Linh hồn phải chịu trong Lửa Luyện Hình.

Năm ấy cha Hippolyte được Bề Trên gởi đến Flandres, một thành phố nằm ở biên giới hai nước Pháp và Bỉ, để mở một tu viện các cha dòng Capucino. Trong số các tu sĩ cùng đi với cha Hippolyte có một thầy dòng hết sức đạo đức. Nhưng vừa đến nơi, vị tu sĩ này ngã bệnh nặng và đột ngột từ trần.

Sáng hôm sau đó, cha Hippolyte quì cầu nguyện trong nhà thờ, sau giờ Kinh Sáng. Bỗng chốc cha thấy xuất hiện trước mặt mình vị tu sĩ quá cố, dưới hình một bóng ma phủ đầy lửa. Người quá cố thú tội cùng Cha Bề Trên với lời rên rỉ não nề về một lỗi nhẹ mà thầy đã quên xưng khi còn sống. Thú tội xong, thầy thưa: “Xin cha cho con việc đền tội tùy ý cha và xin cha ban phép lành cho con hầu con được giải thoát khỏi khuyết điểm khiến con phải đau khổ vô ngần trong Lửa Luyện Ngục”. Cảm kích trước tình trạng thảm sầu của vị tu sĩ thuộc quyền quá cố, cha Hippolyte vội vàng nói ngay:

– “Nhân danh quyền được phép, tôi xin tha tội cho thầy và chúc lành cho thầy. Còn về việc đền tội, vì thầy bảo là tôi có quyền ra việc đền tội, thì xin thầy hãy ở trong Lửa Luyện Ngục cho đến giờ Kinh Thứ Nhất, tức vào khoảng 8 giờ sáng nay”.

Cha Hippolyte nghĩ rằng mình đã khoan hồng khi ra việc đền tội cho tu sĩ quá cố chỉ ở lại nơi Luyện Hình vài giờ! Nào ngờ, vừa nghe xong án lệnh, thầy dòng đạo đức như rơi vào trạng huống tuyệt vọng. Thầy vừa chạy vòng vòng trong nhà thờ vừa kêu la thảm thiết:

– “Ôi tấm lòng không đại lượng! Ôi người cha không biết cảm thương một Linh hồn sầu não! Sao cha lại trừng phạt cách khủng khiếp một lỗi nhẹ mà nếu con còn sống, hẳn cha chỉ ra một việc đền tội cỏn con. Cha quả thật không biết tí gì về những kinh hoàng các Linh hồn phải chịu trong Lửa Luyện Ngục!”.

Nghe lời trách cứ nặng nề của vị tu sĩ quá cố, cha Hippolyte như “dựng tóc gáy” và cảm thấy vô cùng ân hận. Cha tìm cách “vớt vát” cái vô ý thức của mình. May mắn thay, cha nghĩ ra được một diệu kế. Cha vội vàng đánh chuông, gọi các tu sĩ trong cộng đoàn vào nhà thờ nguyện Kinh Giờ Một. Khi các tu sĩ có mặt đầy đủ, cha Hippolyte kể lại câu chuyện vừa xảy ra và cùng với cộng đoàn bắt đầu đọc ngay Kinh Giờ Một, hầu cho thầy dòng quá cố được sớm giải thoát khỏi lửa luyện hình.

Từ ngày đó cho đến khi qua đời, trong vòng 20 năm trời, Cha Hippolyte de Scalvo không bao giờ quên câu chuyện đã xảy ra. Trong các bài giảng, cha thường lập lại câu nói của thánh Anselmo (1033-1109): “Sau khi chết, hình phạt nhẹ nhất đón chờ ta trong Lửa Luyện Hình trở thành lớn lao hơn tất cả những gì trí khôn ta có thể tưởng tượng được khi còn sống trên trần gian này”.

(Jacques Lefèvre, “Les Âmes du Purgatoire dans la vie des Saints”, Editions Résiac, 1995, trang 24-26).

4/ CẦU CHO CÁC ĐẲNG LINH HỒN TRONG LUYỆN NGỤC

Vào năm 1827, tại thủ đô Paris nước Pháp có một thiếu nữ giúp việc nghèo thật nghèo nhưng vô cùng quảng đại.  Cô tên Têrêsa.  Têrêsa có thói quen lành thánh: mỗi tháng xin một thánh lễ cầu cho các đẳng Linh Hồn trong Luyện Ngục.  Nhưng rồi Thiên Chúa thử thách cô bằng một chứng bệnh hiểm nghèo, khiến cô vô cùng đau đớn.  Têrêsa bị mất việc làm và tiêu tán tiền của.  Ngày cảm thấy kha khá, Têrêsa ra khỏi nhà với vỏn vẹn 20 xu trong túi.  Cô rảo qua các khu phố để tìm việc làm.  Khi đi ngang nhà thờ thánh Eustache, Têrêsa ghé vào cầu nguyện.  Bỗng cô sực nhớ ra là tháng ấy, cô chưa xin lễ cho các đẳng Linh Hồn.  Nhưng Têrêsa thoáng chút do dự.  Số tiền 20 xu cũng là lương thực cho cô trong ngày hôm ấy.  Nhưng Têrêsa không do dự lâu.  Cô biết mình phải làm gì.  Bất ngờ một linh mục bước vào nhà thờ, chuẩn bị dâng thánh lễ.  Têrêsa hỏi cha có bằng lòng dành thánh lễ hôm ấy để cầu cho các đẳng Linh Hồn không.  Cha vui vẻ nhận lời với số tiền dâng cúng 20 xu của Têrêsa.  Thánh lễ cầu cho các đẳng Linh Hồn chỉ có vị linh mục chủ tế và một giáo dân tham dự.

Lễ xong, Têrêsa ra khỏi nhà thờ tiếp tục đi lang thang tìm việc làm.  Têrêsa thật sự lo lắng vì đi mãi mà không có hy vọng gì hết.  Bỗng một chàng trai dáng vẽ quí tộc tiến đến gần và hỏi:

– Cô tìm việc làm phải không? -Têrêsa nhanh nhẹn trả lời: – Thưa ông phải.

Người thanh niên nói tiếp:- Cô hãy đến đường X nơi nhà số Y, chắc chắn cô sẽ có việc làm và sẽ được hạnh phúc.

Nói xong, chàng trai bỏ đi ngay không đợi nghe lời Têrêsa rối rít cám ơn.  Khi tìm được căn nhà đúng số đã chỉ, Têrêsa thấy một cô giúp việc từ trong nhà đi ra, nét mặt cau có khó chịu.  Têrêsa rụt rè hỏi thăm bà chủ có nhà hay không?  Cô kia đáp lửng lơ: – Có lẽ có .. có lẽ không .. nhưng có hệ gì, vì đâu có dính dáng gì đến tôi.

Nói xong, cô gái ngoay ngoảy bỏ đi.  Têrêsa run rẩy bấm chuông.  Một tiếng nói dịu dàng bảo vào.  Têrêsa bỗng đối diện với một phụ nữ cao niên quí phái.  Bà nhẹ nhàng bảo Têrêsa hãy trình bày cho bà biết cô muốn gì.  Têrêsa nói nhanh:

– Thưa bà, sáng nay cháu hay tin bà cần một người giúp việc.  Cháu xin đến nhận chỗ làm này.  Người ta bảo đảm với cháu là bà sẽ tiếp nhận cháu với lòng nhân hậu.

Bà chủ ngạc nhiên nói với Têrêsa:

– Điều cháu vừa nói thật là lạ.  Sáng nay bà chả cần ai hết.  Nhưng cách đây nửa giờ bà vừa đuổi một cô giúp việc vì nó chễnh mãng trong việc làm.  Chuyện này chưa hề có người nào biết, ngoại trừ bà và cô giúp việc.  Vậy thì ai đã chỉ cho cháu đến đây?

Têrêsa đơn sơ trả lời:

– Một thanh niên dáng điệu sang trọng, cháu gặp ngoài đường, đã bảo cháu đến đây.

Bà chủ nhà thử tìm cho biết người thanh niên ấy là ai, nhưng vô hiệu.  Bỗng Têrêsa nhìn lên và trông thấy tấm hình một chàng trai treo trên tường.  Têrêsa mừng rỡ kêu lên:

– Thưa bà, bà không cần phải tìm đâu cho xa.  Đây chính là gương mặt người thanh niên đã nói chuyện với cháu.  Chính anh ta đã chỉ đường cho cháu đến đây.

Vừa nghe xong, bà chủ nhà kêu lên một tiếng thất thanh, như muốn ngã xuống bất tỉnh.  Xong, bà bảo Têrêsa tỉ mỉ kể lại cho bà nghe, bắt đầu từ chuyện cô có lòng thương mến các đẳng Linh Hồn, đến Thánh Lễ sáng hôm ấy, rồi chuyện gặp gỡ chàng thanh niên.  Khi Têrêsa chấm dứt, bà chủ âu yếm ôm hôn cô và nói:

– Cháu không phải là đầy tớ giúp việc cho bà, nhưng từ giờ phút này, cháu là con gái bà.  Chàng thanh niên mà con trông thấy chính là đứa con trai độc nhất của bà.  Con bà chết cách đây hai năm và ngày hôm nay chính con đã giải thoát nó ra khỏi Lửa Luyện Hình.  Bà chắc chắn như thế.  Bà hết lòng ghi ơn con.  Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho tất cả những Linh Hồn còn chịu thanh tẩy trong Lửa Luyện Ngục trước khi được vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu muôn đời.

Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt

Anh chị Thụ Mai gởi

Chứng Tích Người Từ Hỏa Ngục Hiện Về

Chứng Tích Người Từ Hỏa Ngục Hiện Về

Hiện nay nhà xứ Cái Mơn còn lưu giữ một miếng ván có kích thước: 2,05 x 0,82 mét, dầy hơn 4,5 cm. Trên miếng ván có một chỗ bị cháy đen và khuyết xuống giống như “phần mông” của một người ngồi để lại. Miếng ván này được lưu giữ như là một chứng tích của việc có hỏa ngục và sự thưởng phạt đời đời.

tamvantaicaimon2

Bà Tám (vợ của ông Biện Nguyễn Văn Nhung) và tấm ván hiện giờ.
Ảnh chụp ngày 8 / 10 / 2011, tại khuôn viên nhà thờ Cái Mơn.

Bài viết này được người trực nhà xứ, thời Cha Sở Gs Thích còn sống, ghi lại theo lời tường thuật của ông biện Nguyễn Văn Nhung, cháu cố của ông biện Đài và của ông Nguyễn Văn  Thật. Nay xin mạn phép tóm lại như sau:

tamvantaicaimon1

Tấm ván khi mới được đưa về nhà xứ Cái Mơn
(không rõ năm nào)

Khoảng đầu thế kỷ 18, tại Cái Mơn, có một bà lão nọ là người tu xuất đã ngoài bảy mươi. Đời sống của bà không tốt lắm. Bà bệnh nặng và liệt giường khoảng ba tháng, không ăn uống. Gia đình giữ linh hồn cho bà suốt thời gian ấy đã mệt mỏi. Hôm ấy, ông Biện Nguyễn Văn Đài (sau là Trùm Họ) đến đọc kinh giữ linh hồn cho bà. Ông bảo gia đình đi ngủ để ông giữ thay cho một hôm.

Khi ông biện Đài đang sốt sắng nhìn sách đọc kinh, thình lình bệnh nhân ngồi phắt dậy, thổi tắt đèn, rồi ôm lấy cổ ông và đeo cứng người ông. Ông bình tĩnh không la lên sợ làm rối gia đình, và ông cứ mang bà lão trên mình để đi đốt đèn. Đốt đèn xong, ông trở lại giường, gỡ hai tay bà ra khỏi cổ ông và để bà nằm xuống. Bà nằm trong tư thế như thường lệ: hai chân duỗi thẳng, hai tay để lên ngực và vẫn im lặng như người đang hấp hối.

tamvantaicaimon3

Dấu bị cháy khuyết xuống do mông của người chết hiện về để lại trên tấm ván.

Cũng nên biết, vào thời điểm này chưa có dầu lửa và đá lửa. Người ta dùng dao đánh vào hòn đá đen cho lửa xẹt vào bông gòn trong ống tre. Khi bông gòn bén lửa, người ta thổi lên cho có lửa ngọn rồi mới dùng cây rọi lấy lửa mồi vào đèn. Cây rọi là mảnh vải bằng hai ngón tay, nhúng dầu mù u, xe xoắn lại phơi khô. Đèn dầu mù u thì không bắt lửa nhanh như đèn dầu ngày nay. Nhắc chuyện này để hiểu rằng thời gian ông biện mang bệnh nhân trên cổ là khá lâu.

Ngày hôm sau bà này chết. Việc an táng theo nghi thức đạo như thường lệ. Sau khi an táng, gia đình và hàng xóm tập trung để cầu lễ cho bà. Theo như tập tục thường kéo dài một tuần, lâu hơn hay ít hơn là tùy hoàn cảnh gia đình.

Một tối no, khi mọi người đang sốt sắng cầu lễ, bỗng dưng đèn tắt hết. Người chết xuất hiện, mình đầy lửa, mang dây xích, đến ngồi trên bộ ván, nói lớn tiếng: “Các người đừng cầu nguyện cho tôi nữa, bởi vì đã lỗi đức công bằng,  tôi xuống Hỏa ngục rồi“. Nói bây nhiêu lời rồi biến mất. Mọi người có mặt chết điếng người, lặng thinh và ngưng đọc kinh nhưng không dám đi một mình về nhà.

Ông chủ nhà nói: “Tôi không dám để bộ ván này trong nhà nữa, đem ra sông cái  liệng cho nó trôi khuất cho rồi“. Nói vậy nhưng có lẽ do quá sợ, ông không dám chở đi nên đã liệng xuống rạch bên hông nhà. Nhà ông ở trên ngọn, nhà ông biện Đài ở cuối nguồn, nên nước ròng ông biện đã vớt được tấm ván ghi dấu cái mông của linh hồn sa hỏa ngục, tấm kia trôi mất (bộ ván gồm hai miếng).

Ông biện Đài cố ý giữ tấm ván lại trong nhà để nhắc nhở con cháu và người đời sau nhớ rằng có Hỏa Ngục. Ông dặn con cháu sau này không được nói  tên người bất hạnh cho ai biết, để giữ thanh danh cho họ.

Bộ ván này dài gần 3 mét, dầy khoảng 8 cm, bằng gỗ sao gồm hai tấm. Linh hồn hiện về ngồi bên tấm ván này, chống hai chân và hai tay qua tấm ván bên kia. Tấm ván bên này để lại dấu mông, và tấm ván kia là dấu hai bàn chân và hai bàn tay úp xuống. Dấu lửa cháy ăn sâu xuống cả hai tấm ván. Không biết ngày xưa gìn giữ thế nào nhưng mấy mươi năm sau này, gia đình ông Nguyễn Văn Nhung bỏ phế ngoài vườn cây. Thời chiến tranh Ông Nhung đã dùng để làm hầm núp bom đạn. Chiến tranh chấm dứt, ông lại quăng tấm ván ra bờ mương. Một hôm có người đến ngỏ ý xin miếng ván, gia đình mới cạo rửa và định tống khứ nó đi. Khi hay được sự việc, cha sở Gs Thích đã ngỏ ý xin và đã đem về lưu giữ tại nhà xứ. Theo lời ông Thật thì có ai đó đã cưa  tấm ván mất mấy tấc. Có lẽ vì nó dài và nặng nề, khó di chuyển, nên đã vô tình cưa bớt đi.

Ông biện Nguyễn Văn Nhung thuật lại theo truyền khẩu của gia đình. Phần ông Nguyễn Văn Thật thì nói theo lời kể của ông Isiđôrô Võ Văn Vạn, thường gọi là Sáu Vạn, thầy tuồng của Cái Mơn ngày xưa. Ông là con đỡ đầu của Đức Cha Isiđôrô Đượm, tên Pháp là Dumortier, cha sở Cái Mơn, sau là Giám Mục Địa Phận Sài Gòn. Ông Vạn mất hơn 30 năm nay, thọ 90 tuổi.

Theo một số thông đáng tin cậy, thì người đã chết hiện về này có thể cùng thời với Thánh Philipphê Phan Văn Minh. Thánh nhân sinh năm 1815, như vậy, câu chuyện xảy ra cũng khoảng gần 200 năm có rồi.

Đối chiếu với gia phả của ông biện Nguyễn Văn Đài thì thời gian như vậy là đúng.

Ông biện Đài, sau thăng chức là Trùm Đài, không biết tuổi.

Con của ông Trùm Đài là ông Trùm Thiệu, sống 92 tuổi.

Con ông Biện Thiệu là ông biện Gioang, sống 72 tuổi.

Con ông Biện Gioang là ông Biện Nguyễn Văn Nhung đã mất, còn bà Nhung hiện nay trên 80 tuổi và đã có cháu cố.

Lm Phêrô Phạm Bá Trung

From: KittyThiênKim & Nguyễn Kim Bằng gởi

httpv://www.youtube.com/watch?v=J3X_DtEheYY&list=UU8Z8xvp0-Qwkhlsfcll6Zqg

Con người chỉ vĩ đại khi cầu nguyện

Con người chỉ vĩ đại khi cầu nguyện

Federic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo Hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cơn khủng hoảng Đức Tin trầm trọng lúc còn là một sinh viên đại học.

Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường cổ ở Paris Đứng cuối Nhà Thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quỳ cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học Ampère.

Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và khi vừa đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.

Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi: “Anh bạn trẻ, anh cần gì đó? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không?”

Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ: “Thưa Thầy, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép Thầy cho con hỏi một vấn đề liên quan đến Đức Tin!”

Nhà bác học mỉm cười cách khiêm tốn: “Anh lầm rồi, Đức Tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm?”

Chàng sinh viên liền hỏi: “Thưa Thầy, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không?” Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy cảm xúc, ông trả lời:

“Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi!”

Nữ y tá Nina Phạm: “Tôi tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện”

Nữ y tá Nina Phạm: “Tôi tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện”

dongten.net

Nina_Pham_after_release_Screen_Shot_CNA

Nữ y tá Nina Phạm*, người đầu tiên nhiễm virus Ebola trên đất Mỹ, vừa khỏi bệnh sau nhiều tuần bị cách ly và điều trị tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ. Theo ABC News, vừa bước ra khỏi bệnh viện của Viện Y tế Quốc gia Mỹ ở thành phố Bethesda, bang Maryland cô đã chia sẻ niềm vui vì được khỏi bệnh với giới báo chí. Trong bài phát biểu của mình, cô đã mạnh mẽ bày tỏ đức tin của mình khi nói rằng cô “tạ ơn Chúa”, “đặt niềm tin nơi Chúa” và “tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện.” Mời quý vị xem video (phụ đề Việt ngữ) phát biểu của cô:

httpv://www.youtube.com/watch?v=lKMIWZv5sH8

Chuyển ngữ: Chỉnh Trần, S.J.

* Cô Nina Phạm là một tín hữu Công Giáo thuộc giáo xứ Fatima, giáo phận Fort Worth, Hoa Kỳ (theo Vietcatholic)

THƯƠNG TIẾC CHỊ TRẦN THỊ LÀI (1929 – 2014)

THƯƠNG TIẾC CHỊ TRẦN THỊ LÀI (1929 – 2014)

Đoàn Thanh Liêm

Qua điện thư, bà con người Việt ở Ba Lan vừa thông báo cho tôi biết là “Bác Lài đã qua đời vào ngày 15 tháng 8 vừa qua”. Tin buồn này không làm tôi ngạc nhiên lắm, bởi lẽ chị bạn chúng tôi đã bị bệnh alzheimer suy giảm trí nhớ từ mấy năm nay – đến nỗi không còn nhận ra con gái là cháu Lan Marzena khi cháu từ bên Pháp về thăm cha mẹ ở thành phố Cracovie là cố đô của Ba Lan vào hồi cuối năm 2012.

Chị Lài là trưởng nữ của cụ Trần Văn Lý, là người đã giữ chức vụ Thủ Hiến Trung Việt hồi năm 1950 dười thời chính phủ Bảo Đại. Chị theo học tại Đại học Văn khoa Sài gòn hồi giữa thập niên 1950. Sau đó chị dậy môn Pháp văn tại Trung học Gia long. Vào đầu thập niên 1960, chị qua học thêm tại Pháp và vào năm 1964 chúng tôi được tin chị Lài lập gia đình với anh Stefan Wilkanowicz và theo chồng qua sinh sống ở Ba Lan luôn từ ngày đó.

Vào mùa hè năm 2012, tôi đã có dịp qua Ba Lan thăm gia đình anh chị Lài và Stefan trong ít ngày và sau đó đã viết bài “Tôi đã gặp lại chị Trần Thị Lài ở Ba Lan” – bài viết này đã được đăng trên nhiều báo giấy và báo điện tử ở hải ngọai.

Có thể nói chị Lài là người đầu tiên từ miền Nam Việt nam mà đi làm dâu tại Ba Lan là một quốc gia thuộc khối cộng sản ở Đông Âu vào thời kỳ sau thế chiến thứ hai. Điều đáng ghi nhận hơn cả trong suốt 50 năm chị sinh sống ở Ba Lan, đó là chị đã bỏ khá nhiều công sức và thời gian để dịch thuật các tác phẩm và bài viết của Đức Tổng Giám Mục Karol Wojtyla ở Cracovie từ nguyên tác tiếng Ba Lan sang tiếng Pháp. Karol Wojtyla sau này chính là vị Giáo Hòang John Paul 2 mà vừa mới được phong thánh hồi tháng 6 năm 2014 này. Chị Làicũng giúp việc dịch tài liệu về sự Tôn Vinh Lòng Thương Xót Chúa (Divine Mercy) của nữ tu Faustina từ tiếng Ba Lan qua tiếng Việt.

Nay đến lượt chị Lài ra đi từ giã cõi tạm này, chắc chắn chị sẽ gặp lại các bạn thân thiết xưa trong Nhóm Sinh viên Công giáo ở Sài gòn như cha Tuyên úy Nguyễn Huy Lịch các chị Nguyễn Thị Oanh, Vũ Thị Kim Liên, các anh Trần Quý Thái, Nguyễn Đức Quý v.v…

Xin vĩnh biệt chị Maria Teresa Trần Thị Lài

Với niềm quý mến và thương tiếc khôn nguôi.

Và xin gửi lời chia sẻ nỗi mất mát này tới anh Stefan và các cháu.

Costa Mesa California, ngày 21 tháng Tám 2014

Tác giả: Luật sư Đoàn Thanh Liêm

Phép mầu Mân Côi

Phép mầu Mân Côi

TRẦM THIÊN THU

Chuacuuthe.com

VRNs (27.8.2014) – Sài Gòn – Immaculee Ilibagizalà người sống sót trong vụ thảm sát tàn nhẫn đã xảy ra năm 1994 tại đất nước Rwanda, thuộc Đông Âu. Cô viết: “Tận dụng những khoảnh khắc quý giá, tôi cố gắng lần chuỗi Mân Côi hằng ngày, không gì hạnh phúc hơn là bàn luận về vẻ đẹp và sức mạnh mà tôi có thể đưa vào cuộc sống khi chúng ta lần những hạt thánh này và hướng lòng về trời cao”.

Tổ chức Nhân quyền ước tính: Qua gần 100 ngày, hơn 500.000 người bị giết chết – chiếm khoảng 20% dân số nước này. Đó là cực điểm của sự căng thẳng dân tộc từ lâu giữa dân tộc thiểu số Tutsi và dân tộc Hutu. Dân tộc Tutsi đã bị dân tộc Hutu thống trị vài thế kỷ rồi.

Cô Immaculee Ilibagiza  Ảnh. stlouisreview.com/

Cô Immaculee Ilibagiza
Ảnh. stlouisreview.com/

Trong cuốn “The Rosary: The Prayer That Saved My Life” (Chuỗi Mân Côi: Lời Kinh Cứu Sống Đời Tôi), Ilibagiza cho biết nhiều điều kỳ lạ. Đây là vài điều điển hình:

Sức mạnh của Kinh Mân Côi đem lại vô số ơn phúc cho cuộc đời của chúng ta. Kinh Mân Côi làm cho tư tưởng mạch lạc, loại bỏ những khó khăn, giải quyết các vấn đề làm khổ chúng ta, làm cho chúng ta lành mạnh, làm cho chúng ta tràn đầy niềm hạnh phúc và hy vọng.

Đối với những người không biết tôi sống sót trong vụ diệt chủng năm 1994, vụ này đã làm tan nát quê hương Rwanda của tôi ở Phi châu. Hầu như không lúc nào tôi quên cảnh gia đình tôi bị giết chết trong vụ thảm sát đó, kể cả những người tôi yêu thương và những người bạn của tôi.

Tôi sống sót nhờ lòng tốt của một linh mục thương xót tôi và bảy phụ nữ Tutsi khác. Linh mục này giấu chúng tôi trong nhà tắm suốt ba tháng. Lòng tốt của linh mục này đã cứu sống tôi, nhưng chính Kinh Mân Côi đã thực sự cứu thoát tôi và linh hồn tôi.

Tôi biết sức mạnh của Kinh Mân Côi trong một đêm kinh khủng mà tôi không muốn xảy ra với bất kỳ ai, tôi biết chúng tôi không phải đối mặt với sự nguy hiểm hoặc sự chết vì Đức Mẹ đã lắng nghe lời cầu xin của chúng tôi, vì Chúa Giêsu đã đến cứu chúng tôi, vì Thiên Chúa đã nhậm lời cầu của chúng tôi.

Chúa và Mẹ luôn sẵn sàng cứu giúp chúng ta, nhưng nhờ đến với Chúa và Mẹ qua việc cầu nguyện tập trung và sâu sắc, chúng ta có thể gặp được các Ngài từ sâu thẳm tâm hồn. Đó là nơi mà phần thưởng của lời cầu nguyện trở nên vô hạn trong cuộc đời chúng ta.

Một trong những vẻ đẹp bền vững của Kinh Mân Côi là sức mạnh làm chúng ta chú ý các lĩnh vực của cuộc sống cần được giúp đỡ, an ủi, hoặc hướng dẫn. Mỗi khi chúng ta suy niệm một mầu nhiệm, hoặc đọc một đoạn Kinh Thánh, các từ ngữ hoặc ý tưởng sẽ đến với chúng ta – có thể vì chúng lóe sáng lên trong ký ức về gia đình hạnh phúc hoặc soi sáng cho chúng ta biết cách xử lý các thử thách gay go nhất.

Vấn đề là khi chúng ta lần Chuỗi Mân Côi, sự ngọt ngào thấm vào huyết quản của chúng ta và dần dần tác động tới cả cơ thể. Nhiều lần tôi lần Chuỗi Mân Côi mà tôi không nhận ra, mãi lâu sau tôi mới nhận ra, và chỉ khi đó tôi mới cảm thấy tinh thần tôi thanh thản, nụ cười như nở trên môi, rồi có vẻ như sự khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua kia lại chợt tan biến.

Tín thác vào Chúa là sức mạnh kiên cường nhất để chúng ta có niềm hy vọng bảo vệ, không có khí cụ nào tốt hơn để tự vệ bằng Kinh Mân Côi. Những món quà quý giá nhất mà Kinh Mân Côi đem lại cho chúng ta là những món quà mà chúng ta chưa từng biết…

Các phép lạ có thật của Kinh Mân Côi là các phép lạ của lời cầu nguyện và suy niệm tác động trong tâm hồn và linh hồn của chúng ta. Khi chúng ta để Thiên Chúa ở trong lòng chúng ta khi cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, chúng ta có được kinh nghiệm tuyệt vời về các phép lạ, và mọi thứ khác sẽ xảy ra.

Lạy Đức Mẹ Mân Côi, Nữ vương ban sự bình an, là Đức Nữ cực mầu cực nhiệm, luôn trung tín thật thà, là gương nhân đức, và là tòa Đấng khôn ngoan, xin thương cầu thay nguyện giúp chúng con, bây giờ và trong giờ lâm tử. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(Chuyển ngữ từ beliefnet.com)