CHỨNG TỪ VÀ VIỆC RAO GIẢNG

CHỨNG TỪ VÀ VIỆC RAO GIẢNG

Cha Mark Link, S.J.

Một vị tuyên uý quân đội người Mỹ vừa giảng một bài cho các binh sĩ Mỹ trong một thánh lễ tại một giáo đường ở Châu Âu.  Chủ đề của bài giảng là: “Hãy tự hào về đức tin công giáo của bạn; Đừng xấu hổ khi phải công khai tuyên xưng nó.

Sau thánh lễ, một lính thủy do rất xúc động vì bài giảng đã chận vị tuyên uý ngay trước cửa giáo đường và hỏi; “Thưa cha, cha có bằng lòng nghe con xưng tội không?”  Vị tuyên uý trả lời: “Tôi rất sung sướng được nghe anh xưng tội.”  Thế là chàng lính thủy quì ngay xuống lối đi bên cạnh ngay trước giáo đường.  Vị tuyên uý vội nói; “Đừng quì gối kẻo thiên hạ nhìn kìa!”  Chàng lính thủy đáp lại: “Kệ họ, thưa cha, cứ để họ nhìn, con hãnh diện về đức tin của con.”

*********************************

Tinh thần làm chứng nhân của anh lính thủy quả là hơi “quá” nhiệt tình, nhưng chắc chắn anh đã có một ý nghĩ đúng đắn.  Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, Chúa Giêsu bảo các môn đệ “Các ngươi sẽ làm chứng cho Ta đến tận cùng trái đất.”  Lệnh truyền của Chúa Giêsu bao hàm tất cả chúng ta, qua Bí Tích Rửa tội, Thêm sức, tất cả chúng ta đều được kêu gọi làm chứng nhân cho Chúa Giêsu.  Nhưng Bí tích Rửa tội và Thêm sức còn đòi hỏi chúng ta đi xa hơn, chúng yêu cầu chúng ta nhiều hơn nữa.  Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Hãy công bố Tin Mừng cho mọi tạo vật.”  Đó cũng là điều mà tất cả chúng ta phải thi hành.

Việc công bố Tin Mừng về Chúa Giêsu không dành riêng cho các linh mục hay các tu sĩ.  Đó là bổn phận mà tất cả chúng ta đều phải thực hiện sau khi đã nhận lãnh phép Rửa tội và Thêm sức.  Điều này gợi lên một vấn nạn: Một người trung bình có thể rao giảng như thế nào về Chúa Giêsu trong thế giới hôm nay?

Tôi xin chia sẻ với quí vị câu chuyện nói về cách thế mà một người đã dùng để trả lời cho câu hỏi ấy.

Ruddell Norris là một chàng trai cần mẫn.  Chỉ tội chàng ta nhút nhát.  Nói chuyện với kẻ khác chàng đã thấy là khó khăn rồi, huống chi phải bàn chuyện tôn giáo với họ.  Thế rồi một ngày kia chàng nảy ra một ý kiến.  Ruddell đọc sách khá nhiều và chàng biết có nhiều cuốn sách nói về đức tin công giáo.  Vì vậy chàng quyết định dành riêng một phần tiền tiết kiệm hàng tuần để mua những cuốn sách ấy.  Ruddel để những cuốn sách ấy ở những nơi mà chàng nghĩ người ta thường cầm chúng lên đọc.  Chẳng hạn, ở những phòng chờ đợi và tiếp khách.

Một hôm, một thiếu phụ vốn là bạn của gia đình chàng kể cho cha mẹ chàng biết cô ấy đã trở lại đạo thế nào và chồng cô đã trở về với Giáo hội thế nào.  Cô nói: “Tất cả bắt đầu do một quyển sách nhỏ mà tôi đã tìm thấy tại phòng chờ đợi ở bệnh viện.”  Anh chị em có thể tưởng tượng được chàng trai đã phấn khởi biết bao khi biết được tầm ảnh hưỏng mà chỉ một trong những tập sách nhỏ của chàng đã tạo ra.

*********************************

Câu chuyện của Ruddell Morris nhấn mạnh một điều quan trọng trong việc công bố Tin Mừng:  Có nhiều cách để công bố Tin Mừng.  Chúng ta có thể công bố một cách trực tiếp như Ruddell đã làm.  Hoặc “công bố” một cách gián tiếp, chẳng hạn bằng lời cầu nguyện hoặc giúp đỡ tài chính cho các hoạt động truyền giáo của Giáo hội.

Lễ Thăng Thiên là một trong những lễ quan trọng nhất của toàn năm phụng vụ.  Đó chính là lý do khiến chúng ta mừng lễ Thăng Thiên với hình ảnh chuyền gậy từ vận động viên này tới vận động viên khác trong một số cuộc chạy đua tiếp sức.

Cũng ngay này, cách đây hơn 2000 năm, Đức Giêsu đã chuyền chiếc gậy tượng trưng công việc của Ngài cho các môn đệ để các môn đệ tiếp tục chuyền đi.  Chúng ta có thể tiếp tục công việc ấy bằng cách làm chứng cho đức tin của mình như anh lính thủy kia đã làm và công bố đức tin ấy cho kẻ khác như Ruddell đã làm.  Đây là một trách nhiệm hai mặt mà lễ Thăng Thiên đặt ra cho chúng ta.  Mỗi người chúng ta phải chu toàn trách nhiệm này theo cách thức mà Chúa Thánh Thần linh ứng cho từng người.

Để kết thúc, chúng ta hãy nhắc lại những lời Đức Giêsu truyền dạy cho các môn đệ Ngài trong bài giảng trên núi.  Chúng có một ý nghĩa đặc biệt đối với chúng ta trong ánh sáng của ngày lễ hôm nay.

Các con là muối ướp cho mọi người, nếu muối nhạt, thì chẳng còn cách gì làm cho nó mặn lại được, nó trở thành vô dụng, chỉ còn nước ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.

Các con là ánh sáng cho toàn thế giới, là một thành phố xây trên một ngọn đồi nên không thể giấu được….

Cũng thế, ánh sáng các con phải sáng lên trước mặt thiên hạ để họ nhìn xem những việc thiện các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5: 13-16)

Cha Mark Link, S.J.

http://www.nguoitinhuu.org

ĐẾN NGUỒN TÌNH YÊU VÀ RA ĐI VỚI TÌNH YÊU

ĐẾN NGUỒN TÌNH YÊU VÀ RA ĐI VỚI TÌNH YÊU

Tác giả: Lm. Vinh Sơn, scj

Cv 10,2-26.34-35.44-48; 1Ga 4,7-10; Ga 15,9-17

Sau thế chiến lần thứ II, Nước Pháp có nhiều người vô gia cư, ăn xin các nơi… Cha Pierre (Abbé Pierre) giúp họ có công ăn việc làm, tìm chỗ ở…

Mùa thu 1949, cha Pierre đã cứu thoát Georges, một người đang cô đơn và thất vọng sau 20 năm tù khỏi ý định tự tử. Cha đề nghị anh về ở với mình để, cùng nhau, xây dựng nơi tạm trú cho những người bất hạnh khác. Từ đó, Cộng đoàn Emmaus ra đời và căn nhà nơi Cha trú ngụ biến thành trung tâm Emmaus đầu tiên.

Mùa đông buốt giá 1954 tại Pháp, lạnh đến 20 độ âm, Cha Pierre đã lên tiếng trên Radio Luxembourg báo động : ‘xin mọi người hay giúp đở vì một người đàn bà vừa chết cóng lúc 3 giờ sáng nay trên vỉa hè đại lộ Sépastopol, tay còn cầm án lệnh tòa cho phép trục xuất khỏi nhà… Để thảm trạng không tái diễn, từ đêm nay, những nhà có treo bảng ‘Trung tâm huynh đệ khẩn cấp’, các bạn đau khổ hãy vào đó ăn uống và ngủ nghỉ, tìm lại niềm hy vọng…

Trong 20 phút sau, người ta lần lượt kéo đến khách sạn Rochester, kệ nệ áo quần, chăn mền, trao các chi phiếu lẫn nữ trang… để cứu trợ.

Chiều đó, Cha lại lên tiếng kêu gọi các tình nguyện viên để chở những người bất hạnh đến nơi mà các lều vừa dựng lên hầu không một người lớn lẫn trẻ em phải ngủ trên vỉa hè qua đêm giá lạnh. Đúng 21 giờ như đã định, khoảng 500 xe cộ mới củ, tốt xấu đã có mặt để chở người vô gia cư, dưới sự điều khiển của Abbé Pierre. Từ đó, Cha đã là hình ảnh một ‘Linh mục bác ái chăm lo cho người vô gia cư’ trong lòng dân Pháp…

Đầu mùa đông bất thường đó, dựa vào các dự đoán khí tượng, Cha Pierre đã đề nghị Quốc hội biểu quyết một ngân khoản một tỉ francs để lo xây nhà cho người vô gia cư nhưng các dân biểu đã bác bỏ. Thế nhưng chỉ ba tuần sau, chính họ đã phải thông qua ngân khoản 10 tỉ để xây cất ngay 12.000 căn nhà cho người bất hạnh…

Và cứ thế, cha giúp đỡ anh chị em bất hạnh đầu đường xó chợ có công ăn việc làm để mưu sinh. Giúp các thanh niên lầm lỡ hội nhập… Các cuộc thăm dò dư luận quần chúng của Viện thăm dò dư luận quần chúng Pháp (Institut francais d’opinion publique) cho thấy Cha Pierre là người được dân chúng Pháp yêu thích nhất liên tục trong 17 năm liền, từ năm 1989 tới 2003, đến nỗi tới năm 2004 Cha phải xin rút lui, để nhường cho những người khác.

Khi người ta hỏi Cha Pierre : nếu mai đây ngài mất đi, người ta nên ghi lại điều gì về cuộc đời ngài. Cha trả lời liền không ngần ngại: “Xin đề trên mộ tôi câu nầy: nơi đây yên nghỉ của một người đã cố gắng yêu thương”. Sống tình yêu, trao ban tình yêu cho những người bất hạnh nhất như lệnh truyền của Chúa Giêsu : Yêu thương anh chị em chung quanh như Ngài đã yêu thương chúng ta.

Cha Pierre, đã sống yêu thương, được nuôi dưỡng bởi tình yêu như lời mời gọi của Chúa Kitô dành cho những ai bước đi theo Ngài: “Hãy ở lại trong Tình thương của Thầy” (Ga 15,9c). Dịch sát theo nguyên tự Hy lạp là: “hãy ở trong tình yêu vốn thuộc về Thầy” (xe lu Abel, Gl:ammaire du treo biblique 33r Rem.I), nghĩa là “trong tình yêu Thầy dành cho anh em”. Yêu Chúa Kitô, gắn bó với Ngài thúc đẩy theo mệnh lệnh của Ngài thực thi điều răn quan trọng nhất: “Ðây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

Tình yêu xuất phát từ nguồn – Thiên Chúa Cha như Thánh Gioan sau này đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,16a), một tình yêu vô tận và không ngừng trao ban:

– Từ Chúa Cha qua Chúa Con như Chúa Giêsu đã nhấn mạnh: như “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào” (Ga 15,9a). Đức Giêsu nhiều lần nói về tình yêu của Chúa Cha dành cho Người (x. Ga 3,35; 5,20; 17,24). Chúa Cha cũng nhiều lần xác nhận điều này (x. Mt 3,17; 17,5)

– Rồi từ Chúa Con – Đức Giêsu đến môn đệ, như Ngài khẳng định: “Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga 15,9b). Người môn sinh khám phá  và chiêm nghiệm: “Hãy ở lại trong Tình thương của Thầy” (Ga 15,9c).

–  Chính vì xuất phát nguồn từ nơi Thiên Chúa đến với nhau rồi lan ra giữa các môn đệ với nhau theo tiêu chuẩn mô phạm tình yêu của Thầy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Ở lại trong tình yêu và trung tín với lệnh truyền yêu thương của Người, môn sinh sẽ được “tràn đầy niềm vui” vì “ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy” (1 Ga 4,16b).

Từ ngữ trung tâm của lời Chúa truyền là “tình yêu” (tiếng Hy lạp: agape), và tình yêu cũng là từ chìa khoá của chuyển động tuần hoàn vòng tròn, A.Marchadour đưa ra một nhận xét: “Trong trường hợp này, hoàn trả và tặng đáp lễ, luật của tình yêu, luôn hướng về một đối tượng khác với người đã trao tặng. Sự đáp trả của Đức Giêsu đối với tình yêu của Chúa Cha lại hướng về các môn đệ. Cũng thế sự đáp trả của các môn đệ đối với tình yêu của Đức Giêsu dành cho mình lại hướng về anh em” (Tin Mừng theo thánh Gioan Centurion, trang 202).

Tình yêu trao ban cho anh em mà Đức Giêsu muốn người môn đệ thực hành luôn mang những đặc tính tiệm tiến:

– Yêu như Chúa yêu: “Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống… và sai Con Một Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,8.11). Tình yêu chia sẻ ấy đã được thánh Gioan tông đồ mô tả: “Căn cứ vào điều này chúng ta biết tình yêu là gì, đó là Đức Kitô đã phó mạng vì chúng ta” (1Ga 3,16), hãy yêu thương nhau như yêu như thầy chúng ta (x.Ga 15,12). Yêu tận cùng bằng hy sinh bản thân và cho đến chết.

– Yêu đến tận cùng như Chúa Giêsu dạy: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Ngài đã thực hiện chính sự hy sinh cao độ như các tông đồ xác tín: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,6.8; x. Ep 5,2; 1Ga 3,16). Thánh Gioan diễn giải “Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16). Bằng việc làm cụ thể, đòi phải hy sinh, mà hy sinh càng lớn thì tình yêu càng sâu đậm, càng tha thiết.

– Tình yêu phải được thể hiện trong việc làm như Chúa Giêsu truyền là: “… các con giữ điều răn của Thầy” như Thánh Gioan sau này diễn giải: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,16-17).

Theo lời Chúa Giêsu đã mời gọi: “Hãy ở lại trong Tình thương của Thầy” (Ga 15,9), đó là cội nguồn của  tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Giêsu tuôn chảy đến nhân loại và nhân loại trao cho nhau như Chúa Giêsu truyền, cho nên R.Tagore nói :

“Vạn sự đã do Tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về tình yêu và đi vào trong tình yêu”

Vâng, tôi và bạn cùng tiến bước vào thế giới mang tâm tình:

“Chúng ta được đặt để vào trong trái đất này một không gian nhỏ bé, để chúng ta có thể học hỏi được việc mang lại những tia sáng của tình yêu” (William Blake).

Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn

Khi Con Người Kêu Cầu, THIÊN CHÚA Đáp Lời!

Khi Con Người Kêu Cầu, THIÊN CHÚA Đáp Lời!

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Tôi học cách thức sống với Đức Chúa GIÊSU KITÔ và thưa chuyện thường xuyên với Ngài

Tôi (Rémi người Pháp) chào đời năm 1961 trong một gia đình có 3 con trai. Tôi là trai út. Cuộc sống gia đình không có gì khác lạ ngoại trừ tính tình thân phụ tôi rất khe khắt. Tôi nhớ rất rõ biến cố ngày rước lễ lần đầu. Mấy ngày tĩnh tâm trước đó như đưa tuổi thơ tôi vào cõi bồng lai. Tôi tưởng rồi mình sẽ giữ mãi tâm tình sốt sắng của những ngày ấy. Thế nhưng, Đức Tin của thời ngây thơ trong trắng sớm biến mất vì bị đè bẹp bởi những thú vui giả tạo của cuộc sống.

Bước vào tuổi dậy-thì tôi lăn xả vào những buổi họp đêm và các cuộc dạo chơi đây đó. Tôi muốn chứng tỏ cuộc sống tuổi trẻ tôi khác xa với cái thời ”cũ-rích” xa xưa của Song Thân. Tôi đi từ khám phá này sang khám phá kia cho đến một lúc, tôi cảm thấy chán ngấy vì nội tâm trống rỗng. Tôi thất vọng tự hỏi: ”Sống để làm gì?”. Đôi lúc tâm trí tôi xuất hiện hình ảnh ngày tôi chết. Tôi tưởng tượng cả đến ngày diễn ra đám táng của tôi nữa kìa! Tôi thầm nghĩ:

– Trước sau gì cũng phải chết! Vậy thì chết hôm nay hay chết ngày mai đâu có khác xa bao nhiêu? Đâu có cần phải ”giết” thời gian khi thời gian vẫn lạnh lùng trôi đi mà không gì ngăn cản được? Tôi có thể đợi chờ gì nơi cuộc sống đời này?

Về phương diện tình cảm lại càng thê thảm hơn. Tôi thay đổi bạn gái như thay áo. Và cứ mỗi lần thay bạn gái như thế để lại trong trái tim tôi một kinh nghiệm đắng cay chua xót. Tôi thất bại từ cuộc tình này sang cuộc tình kia. Cuối cùng rồi chỉ còn lại trong tôi sự ghê tởm và nỗi tuyệt vọng.

Để tránh cái nhìn phán đoán khe khắt của gia đình cũng như để cắt đứt với mọi ràng buộc khiến tôi cảm thấy mất tự do, tôi quyết định thay đổi chỗ ở.

Vào cùng thời kỳ này tôi gặp lại cô bạn gái của thời thơ ấu. Nàng sinh hoạt trong một cộng đoàn dành riêng cho người trẻ mang tên Giới Trẻ – Ánh Sáng. Cộng đoàn do Linh Mục Daniel-Ange điều khiển. Nơi nàng chiếu sáng niềm vui và hy vọng. Tôi gặp nàng thường xuyên. Mỗi lần gặp mặt nàng lòng tôi như bừng cháy khi nghe nàng nói về cuộc sống hiện tại của nàng. Tôi như muốn dẹp ngay mọi chuyện để bước theo nàng. Tôi tự nhủ:

– Thay vì ước ao chết mình có thể quyết định sống, ít ra là để phục vụ tha nhân ở một nơi nào đó, xét vì không tìm được lý do để sống cho chính mình ..

Nghề nghiệp đưa tôi đi du lịch nhiều nơi trên thế giới. Một ngày trong một chuyến công tác, THIÊN CHÚA Quan Phòng dẫn đưa tôi gặp một nhóm của Giới Trẻ – Ánh Sáng. Tôi ở lại với Nhóm trong vòng 4 ngày. Vào buổi tối cuối cùng cả nhóm cầu nguyện cách riêng cho tôi. Vào chính lúc ấy, tôi cảm nghiệm sâu xa Tình Yêu THIÊN CHÚA tràn ngập người tôi.

Tiếp tục chuyến đi công tác, tôi quyết định mua một cuốn Kinh Thánh và dành ra mỗi ngày một tiếng đồng hồ để cầu nguyện. Mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu công việc tôi tìm một nhà thờ gần nhất để tham dự Thánh Lễ. Cơn khủng hoảng tâm linh của tôi giờ đây chỉ còn là bóng mờ kỷ niệm ..

Tôi học cách thức sống với Đức Chúa GIÊSU KITÔ và thưa chuyện thường xuyên với Ngài. Dần dần Chúa chiếm chỗ đứng trong mọi khoảnh khắc cuộc đời tôi. Ngài ngự trong lòng tôi và trở thành Bạn Thân dấu ái thường trú nơi tôi. Mỗi ngày tôi càng cảm thấy ước ao sống một mình với Đức Chúa GIÊSU KITÔ và dâng hiến cuộc đời tôi cho Ngài. Tôi thực sự sống kinh nghiệm một cuộc hoán cải trở về với Tình Yêu THIÊN CHÚA.

Từ đó Đức Tin của tôi tiếp tục lớn mạnh và trưởng thành. Tôi vô cùng tri ân THIÊN CHÚA đã soi sáng dẫn dắt cho tôi. Tôi gặp Suzan và chúng tôi thành hôn. Chúng tôi không con cái nên đã nhận nuôi một bé gái xinh đẹp mỹ miều tên Anne.

Tôi muốn xác quyết rằng, đối với THIÊN CHÚA không gì là không thể làm được. Không một ngõ cụt nào mà Lòng Thương Xót Ngài không thể xuyên qua. Không một thống khổ tuyệt vọng nào mà Ngài lại không thể ngự xuống. Ngài đến tìm kiếm chúng ta ngay nơi chúng ta đang sống dưới bất cứ hoàn cảnh đau thương nào. THIÊN CHÚA quả thật lớn lao gấp trăm ngàn lần con tim bé nhỏ của chúng ta. Khi con người kêu cầu, THIÊN CHÚA đáp lời. Nếu chúng ta sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận Ngài, tức khắc Ngài đổi mới con người thấp hèn của chúng ta.

… ”Hãy tìm THIÊN CHÚA khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với THIÊN CHÚA – và Người sẽ xót thương – về với THIÊN CHÚA chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ. Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các con, và đường lối của các con không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các con chừng ấy. Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì Lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta trao phó” (Isaia 55,6-11).

(”Il a changé ma vie! Dieu je L’ai rencontré”, Tome II, Éditions de l’Emmanuel, 2001, trang 112-116)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Nếu Không Nên Như Trẻ Thơ Thì Sẽ Chẳng Được Vào Nước Trời

Nếu Không Nên Như Trẻ Thơ Thì Sẽ Chẳng Được Vào Nước Trời

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Lạy Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng, con yêu mến Chúa

Câu chuyện êm ái ngọt ngào mang đầy mầu sắc ngây thơ trong trắng xảy ra vào một ngày xa xưa cách đây lâu thật lâu bên vương quốc Anh.

Hôm ấy vị Thừa Sai quy tụ một nhóm trẻ em và say sưa nói về sự hiện diện thật sự của Đức Chúa GIÊSU KITÔ trong bí tích Thánh Thể. Vị Thừa Sai giải thích thêm rằng Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể vì quá yêu thương loài người nên ẩn mình – như một tù nhân – trong Nhà Tạm đơn sơ bé nhỏ đặt bên trên bàn thờ trong mọi thánh đường Công Giáo.

Trong nhóm trẻ hiện diện hôm ấy có một bé trai đặc biệt lắng nghe lời giải thích của vị Thừa Sai. Bỗng chốc, có một ý tưởng loé lên trong đầu cậu bé.

Cậu bé lặng lẽ rời các bạn và đi ngay vào nhà thờ. Cậu bé đến thẳng trước bàn thờ bên trên có đặt Nhà Tạm. Nhưng vì Nhà Tạm quá cao so với tầm thước bé nhỏ của mình, cậu bé liền lấy một cái ghế rồi leo lên ghế và trèo lên ngồi gọn trên bàn thờ ngay trước cửa Nhà Tạm. Sau khi ngồi yên ắng trên bàn thờ, cậu bé lấy tay gõ nhẹ cửa Nhà Tạm, bên trong có Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể đang ẩn mình. Cậu bé ghé sát miệng vào cửa Nhà Tạm và hỏi nhỏ:

– Thưa Đức Chúa GIÊSU, Chúa đang có mặt ở đây phải không?

Hỏi xong, cậu bé im lặng lắng tai nghe ngóng. Nhưng không có tiếng trả lời.

Vẫn không nao núng cũng không hề đánh mất điềm tĩnh, cậu bé gõ cửa Nhà Tạm lần nữa và hỏi nhẹ:

– Chúa đang có mặt ở đây phải không? Xin Chúa trả lời cho con biết! Trong giờ giáo lý người ta dạy con rằng đúng thật là Chúa đang có mặt ở đây!

Mặc cho câu hỏi van xin của cậu bé, Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể vẫn giữ thinh lặng, không trả lời. Trong khi đó cậu bé vẫn không đánh mất niềm kiên nhẫn, đưa tai ghé sát vào cửa Nhà Tạm và chờ đợi câu trả lời. Nhưng im lặng vẫn hoàn toàn im lặng. Lần này cậu bé tự nhủ:

– Có lẽ Đức Chúa GIÊSU đang ngủ chăng, vậy mình phải đánh thức Chúa dậy!

Và để đánh thức, cậu bé dùng lời lẽ thật ngọt ngào thưa với Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể:

– Lạy Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng, con yêu mến Chúa, con ngưỡng mộ Chúa và con tin nơi Chúa. Xin Chúa làm ơn trả lời cho con biết, xin Chúa nói chuyện với con đi!

Và hiện tượng lạ lùng đã xảy ra .. Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể không thể giữ mãi thinh lặng trước một lời van xin êm-ái ngọt-ngào và đầy lòng tin tưởng ngây-thơ trong-trắng của cậu bé can cường. Đức Chúa GIÊSU Thánh Thể cất tiếng trả lời:

– Có, Cha đang có mặt ở đây, hỡi con bé nhỏ yêu quí của Cha. Con muốn gì? Hãy xin thì Cha sẽ ban cho con điều con ước nguyện.

Bất ngờ nghe tiếng trả lời cậu bé suy nghĩ một chút rồi thưa:

– Má con luôn luôn nổi giận vì Ba con không chịu giữ Đạo. Vậy, lậy Đức Chúa GIÊSU, xin hoán cải lòng Ba con, con van xin Chúa ban cho con điều này.

Và tiếng Đức Chúa GIÊSU trả lời:

– Con hãy về đi! Cha hứa sẽ cứu rỗi linh hồn Ba con!

Được như lòng ước nguyện, cậu bé hân hoan trở về nhà. Ngày hôm sau – hôm ấy là Chúa Nhật – cậu bé sung sướng khi nghe Ba nói với Má là Ba đi nhà thờ với Má để tham dự Thánh Lễ.

Kể từ đó, thân phụ cậu bé bắt đầu sống đạo nghiêm chỉnh đúng với tư cách một tín hữu Công Giáo ngoan Đạo.

Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể đã ân thưởng bội hậu cho Đức Tin đơn sơ nhưng vững chắc của cậu bé và thực hiện lời đã hứa với cậu bé! Ôi êm ái dịu ngọt biết bao Tình Yêu Đức Chúa GIÊSU KITÔ Thánh Thể dành cho tín hữu Công Giáo nào biết đặt trọn niềm tin tưởng và yêu mến bí tích THÁNH THỂ.

… Đức Chúa GIÊSU gọi một em nhỏ đến đặt vào giữa các môn đệ và bảo: ”Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không hoán cải mà nên như trẻ thơ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn. Khốn cho thế gian, vì làm cớ cho người ta sa ngã. Tất nhiên phải có những cớ gây sa ngã, nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã” (Matthêu 18,2-7).

(”Il Settimanale di Padre Pio”, Anno VII, n.21, 25 Maggio 2008, trang 15).

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Giấc mơ đã thành sự thật

Giấc mơ đã thành sự thật

(Chứng từ của một người đã chết được sống lại và trở thành con cái Chúa)

Tôi là một người ngoại đạo…

Sáng ngày 1 tháng 1 năm 2002, tôi không thức dậy được. Lúc đó là 11 giờ sáng, chồng tôi vào đánh thức thì thấy người tôi đã cứng ngắt. Anh kêu xe cứu thương đến, họ cho biết tôi đã chết được 4 giờ. Họ đưa tôi vào bệnh viện, tôi bị hôn mê sâu, họ đưa tôi vào phòng hồi sinh. Sau 24 giờ ở phòng hồi sinh, tôi vẫn không tỉnh dậy, họ đưa tôi vào nhà xác. Họ bảo sẽ để tôi ở đây trong vòng 72 giờ xem sao. Qua hai ngày, tôi vẫn không thức dậy, năm yên như một người đã chết. Đến ngày thứ ba thì cô y tá thấy tay tôi nhúc nhích cử động. Cô báo cho bác sĩ biết. Bác sĩ đến thấy tim tôi đập lại và ông cho tôi xuất viện trở về nhà. Ông cho biết, tôi sẽ bất động trong khoảng 6 đến 7 tuần.

Trong khi tôi ở trong tình trạng hôn mê sâu, tôi mơ thấy có một ông đi ngang qua, đầu đội mũ gai. Tôi hỏi: “Ông là ai?”. Ông trả lời: “Ta là Giêsu” và tôi thấy ông bị đưa lên đồi. Ông nói với tôi bằng tiếng Việt rất rõ: “Con lấy khăn mặt nhúng nước sông lau mặt “đi”, con sẽ sống lại vào ngày thứ ba.” Ông nói chữ “đi” rất mạnh, như ra một mệnh lệnh cho tôi. Tôi chạy tới bờ sông, ở đó có một chiếc khăn trắng. Tôi nhúng nước lau mặt Chúa vì tôi thấy trên má Chúa có vết máu, nhưng Chúa nói: “Con lau mặt cho con và con đừng đi theo Ta, con đứng lại đi”. Và tôi tỉnh lại sau giấc mơ.

Năm 2007, tôi bị tai biến mạch máu não. Tôi không bị liệt nhưng không còn nhớ gì hết. Tôi mơ thấy Thánh Anrê thành Montréal. Thánh Anrê nói với tôi: “7 tuần sau con sẽ nhớ lại bình thường. Con không cần phải mổ gì cả, và con sẽ đi làm lại.” Đúng sau 7 tuần, tôi hồi phục lại trí nhớ, và tôi đi làm lại.

Tháng 1 năm 2014, tôi nằm mơ thấy cha Trương Bữu Diệp bấm chuông. Cha theo tôi đi tới chùa. Cha mang Thánh giá trên mình. Đến trước chùa, cha nói: “Con vào đi, cha mang Thánh Giá, cha không thể vào với con được.” Cha đứng ngoài kiên nhẫn chờ tôi. Tôi thấy cha đứng ngoài trời nắng gắt và đổ mồ hôi hột ra. Tôi rất xúc động, từ đó tôi biết, tôi phải đi theo Chúa.

Tháng 4 năm 2014, tôi kể các chuyện này cho chị dâu tôi ở Cali nghe. Chị là người Công giáo, chị nói với tôi: “Người trong giấc mơ năm 2002 của em chính là Chúa Giêsu đó, và Ngài nói lấy chiếc khăn trắng nhúng nước lau mặt là dấu chỉ Ngài muốn em rửa tội để trở nên con cái của Ngài đó”. Khi đó tôi mới hiểu là Chúa đã chờ tôi 12 năm nay.

Tháng 1 năm 2014, tôi có gặp một ông Tây ở nhà thờ, ông chận tôi lại và đưa ra một tấm hình Chúa Giêsu cho tôi xem, và ông nói: “Có phải người trong giấc mơ của bà có gương mặt giống người trong tấm hình này không?” Tôi tự hỏi, làm sao ông biết tôi mơ thấy Chúa Giêsu? Phải chăng Chúa soi sáng cho ông biết.

Bao nhiêu là dấu chỉ Chúa mời gọi tôi đến gặp Chúa và hôm nay giấc mơ của tôi đã thành sự thật. Tôi được biết Chúa Giêsu và đón nhận Chúa là cứu Chúa của tôi. Tôi không thể nói lên hết niềm xúc động của tôi, tôi chỉ biết khóc. Khi cha rưới nước trên đầu tôi, tôi đã khóc thật nhiều. Tôi cảm nhận có một mầu nhiệm lạ lùng mà ơn trên đã ban cho tôi.

Tên thánh của tôi là Anna Maria Phanxicô. Phanxicô là tôi muốn nhớ đến cha Diệp nhưng vì cha chưa là thánh nên Phanxicô của tôi là Phanxicô Xaviê, Phanxicô Salê, Phanxicô Đaxi, Phanxicô Trương Bữu Diệp và cả Phanxicô, Đức đương kim Giáo hoàng.

Tôi thật hạnh phúc đã trở thành con cái Chúa ! Tôi viết lời chứng này để cảm tạ và vinh danh Chúa đến muôn đời.

Anna Maria Phanxicô Nguyễn Dung

PHÉP LẠ CỦA TÌNH YÊU

PHÉP LẠ CỦA TÌNH YÊU

LM Mark Link

Cách đây mấy năm tập san Readers Digest có thuật lại một câu chuyện cảm động về một em bé trong bệnh viện Milwaukee.  Em này bị mù, đần độn, lại còn bị liệt não nữa.  Em chỉ khá hơn loài thảo mộc một chút là biết đáp ứng lại âm thanh và sự ve vuốt mà thôi.  Cha mẹ em đã bỏ rơi em.  Nhưng bệnh viện cũng chả biết xử lý thế nào với trường hợp của em.  Thế rồi có một người nhớ đến May Lempke, bà y tá 52 tuổi sống gần đấy.  Bà nầy đã từng nuôi nấng năm đứa con của chính mình, nên bà sẽ biết cách chăm sóc cho một đứa trẻ như thế.  Họ yêu cầu bà chăm sóc đứa bé và bảo: “Thằng bé có lẽ sẽ chết yểu!”  Bà May trả lời: “Nếu tôi chăm sóc đứa bé, nó sẽ không chết yểu đâu, và tôi rất sung sướng được chăm sóc cho nó.”

Thế là bà May đặt tên cho cậu bé là Leslie.  Chăm sóc cho cậu bé quả thật không dễ dàng chút nào.  Ngày nào bà cũng phải xoa bóp toàn thân đứa bé, bà đã cầu nguyện cho nó, đã khóc vì nó, bà đã đặt đôi tay nó lên những giọt lệ của bà.  Một hôm, có người nói với bà: “Tại sao bà không gởi đứa bé ấy vào viện?  Nó chỉ làm phí cuộc đời của bà thôi?

Leslie càng lớn thì càng có nhiều vấn đề phải đặt ra cho bà May.  Bà phải giữ nó chặt vào một chiếc ghế để nó khỏi bị té xuống.  Thời gian trôi qua, năm mười, mười lăm năm.  Mãi đến khi Leslie 16 tuổi, bà May mới có thể tập cho nó đứng một mình được.  Suốt thời gian đó, bà May vẫn tiếp tục yêu thương và cầu nguyện cho cậu bé.  Ngoài ra bà còn kể cho cậu bé nghe những mẩu chuyện về Chúa Giêsu dù xem ra cậu chẳng nghe được tiếng bà.

Thế rồi một ngày nọ, bà May chợt nhận thấy Leslie dùng ngón tay của mình búng vào một sợi dây căng thẳng trên một gói đồ.  Bà tự hỏi; điều ấy có ý nghĩa gì?  Biết đâu Leslie lại nhạy cảm với âm nhạc chăng?  Và bà May bắt đầu cho Leslie nghe âm nhạc.  Bà chơi đủ loại hình âm nhạc mà bà tưởng tượng ra được với hy vọng có một loại nào đó có thể lôi cuốn cậu bé.  Cuối cùng, bà May và chồng mua được một chiếc dương cầm cũ kỹ.  Họ đặt nó vào giường ngủ của Lislie.  Bà May cầm những ngón tay của Leslie đặt vào tay bà và tập cho cậu bé biết cách nhấn phím xuống, nhưng xem ra cậu ta chả hiểu.

Thế rồi vào một đêm đông năm 1971, bà May bừng thức giấc vì nghe có tiếng đờn của ai đó đang chơi bản hoà tấu dương cầm số 1 của Tchaikovsky.  Bà lay lay chồng đánh thức ông dậy, và hỏi xem ông có quên tắt radio không.  Ông ta nói rằng không, nhưng họ quyết định tốt hơn là nên xem xét lại.  Và họ khám phá ra một điều vượt khỏi mọi giấc mơ kỳ quái nhất của họ.  Cậu Leslie đang ngồi tại chiếc dương cầm.  Cậu đang mỉm cười và chơi đàn một cách ngẫu hứng không thể nào tin được đây là sự thật!

Trước đây Leslie chưa bao giờ bước ra khỏi giường một mình.  Trước đây cậu bé chưa bao giờ tự mình ngồi vào chiếc dương cầm được, cậu cũng chưa bao giờ tự dùng tay ấn được vào phím đàn.  Thế mà bây giờ đây cậu lại đang chơi đàn tuyệt vời như thế!  Bà May vội quì gối xuống và thốt lên: “Lạy Chúa!  Con xin cảm tạ Ngài, Ngài đã không bỏ quên Leslie.”

Chẳng bao lâu, Leslie bắt đầu kiếm sống bằng cây dương cầm.  Cậu chơi được nhạc cổ điển, nhạc đồng quê miền tây, nhạc trữ tình, nhạc dạo và cả nhạc Rock nữa.  Hoàn toàn không thể nào tin nổi.  Tất cả những bài nhạc bà May đã từng chơi cho cậu nghe đều tồn trữ trong óc cậu và giờ đây tuôn trào ra trên phím dương cầm qua đôi tay cậu.  Giờ đây ở tuổi 28, Leslie bắt đầu nói chuyện.  Tuy không thể đối thoại lâu giờ.  Nhưng cậu có thể đặt câu hỏi, trả lời những câu đơn giản và phát biểu được những lời phê bình ngắn gọn.  Chẳng hạn, một buổi tối kia, đang xem một vở hài kịch trên truyền hình, cậu cảm thấy cuộc đối thoại chán ngắt, cậu bèn nói:

“Tốt hơn là chúng ta nên tắt nó đi, cả bọn chỉ toàn là lũ điên!”

Dạo này, Leslie chơi nhạc hoà tấu cho những ca đoàn nhà thờ, cho các cơ quan dân sự, cho các nạn nhân liệt não và cha mẹ họ, cậu còn xuất hiện cả trên đài truyền hình quốc gia nữa!  Các bác sĩ mô tả Leslie như là một người thông thái bị mắc một loại tâm bệnh, nghĩa là một người chậm phát triển về trí tuệ do tổn thất nơi não nhưng lại cực kỳ tài năng.  Họ không thể cắt nghĩa được hiện tượng dị thường này cho dù họ biết về nó gần 200 năm rồi.   Bà May Lempke cũng không thể cắt nghĩa được điều ấy nhưng bà biết chắc rằng nhờ tình yêu mà tài năng ấy được khai mở.

Chúng ta cần đọc đi đọc lại nhiều lần câu chuyện của bà May Lempke với những gì bà đã làm được cho Leslie nhờ tình thương không mệt mỏi của bà.  Nó đặc biệt thích hợp với chúng ta ngày nay vì ba lý do;

Thứ nhất, bằng một cốt chuyện gây cảm động, câu chuyện cụ thể hoá sứ điệp hàm chứa trong các bài đọc hôm nay, được gọi là giáo huấn của Đức Giêsu về việc yêu thương nhau.

Thứ hai, nó đã cụ thể hoá thành một cốt chuyện lý do tại sao chúng ta lại dành ngày hôm nay để làm Ngày Cho Mẹ, bởi vì, thông thường, các bà mẹ sống lời Đức Giêsu dạy về tình thương một cách kiên nhẫn và trung thành hơn bất cứ nhóm người nào khác.

Sau cùng, câu chuyện cũng cụ thể hoá năng lực kinh khủng của tình yêu.  Những gì mà bà May đã làm vì tình yêu cho Leslie qủa thật là lạ lùng.  Đó chính là những gì Đức Giêsu đòi hỏi phải có cho một tình yêu thương đích thực.  Đó là một phương cách để tạo nên những phép lạ trong đời sống của những người thuộc thời đại này, đúng như cách Đức Giêsu đã tạo nên những phép lạ trong đời sống của những người thuộc thời đại Ngài.

Qua tình yêu, Thiên Chúa đã để chúng ta tùy nghi sử dụng cái năng lực mãnh liệt nhất, trên thế gian này, đó là thứ năng lực mà mọi tiền của trên thế gian không thể mua được.  Đó là thứ năng lực mà mọi tri thức trên thế gian không thể tạo ra được.  Đó là thứ năng lực mà mọi lãnh tụ trên thế giới không thể chiếm hữu được.  Đó cũng là thứ năng lực mà mọi đạo quân trên trần thế không thể tập trung lại được.  Và kiều kỳ diệu hơn nữa, Tình yêu là năng lực mà mọi người đều có.

Bất chấp nam hay nữ

Bất kể thuộc tôn giáo nào

Bất kể thuộc quốc tịch nào

Bất kể được giáo dục theo phương pháp nào.

Tình yêu chẳng dành riêng cho người khoẻ mạnh

Cũng chẳng dành riêng cho người giàu có

Cũng chẳng dành riêng cho kẻ khôn ngoan

Cũng chẳng dành riêng cho người danh giá.

Tình yêu dành cho tất cả mọi người

Tình yêu làm cho tất cả chúng ta bình đẳng

trước mặt Thiên Chúa và bình đẳng đối với nhau.

Đây chính là Tin Mừng chứa đựng trong các bài đọc Kinh Thánh hôm nay.  Đây là Tin Mừng có khả năng biến đổi thế giới chúng ta một cách tuyệt hảo chẳng khác nào tình yêu của bà May Lempke đã biến đổi thế giới của Leslie.  Đây chính là Tin Mừng mà chúng ta phải rao to từ trên mái nhà và sống với nó thật trọn vẹn.

Và nếu chúng ta làm được như thế, chúng ta cũng có thể làm được những phép lạ bằng tình yêu của chúng ta ngay trong kiếp sống này y như Đức Giêsu đã làm nên những phép lạ nhờ vào tình yêu của Ngài trong thời gian Ngài sống trên dương thế.

LM Mark Link

CHÚA PHỤC SINH và quà tặng ĐỜI SỐNG MỚI.

CHÚA PHỤC SINH và quà tặng ĐỜI SỐNG MỚI.

(phần hai)

Phan Sinh Trần.

Xin tái ngộ các bạn trong câu chuyện mạn đàm về ánh sáng của Chúa Phục Sinh làm mới đời sống chúng mình.

Vào ngày 28 tháng 3 năm 2015 tôi có cơ hội đến tham dự tĩnh tâm do Cha Giu se Nguyễn Thiện Lãm, Cha Mark Goring , và các sơ đến từ Ấn độ và Mexico tại trung tâm Canh Tân Đặc Sủng của giáo phận. Ngay từ đầu, bầu khí ca ngợi Chúa là trung tâm của ngày tĩnh nguyện. Các vị diễn giả bừng sáng trong sự tươi vui, họ hăng hái  làm chứng về một Chúa Giê Su vẫn đang sống, đang chữa  lành cùng với tác động của Thần Khí diệu kỳ của Ngài là Chúa Thánh Linh. Trong phần làm chứng cho Chúa, thì điều đã gây ấn tượng cho tôi là lời chứng của Anh Jonathan, 27 tuổi, người Mexico.

Trước hết Jonathan kể về cuộc đời của Anh, sinh ra trong một gia đình Công Giáo tốt lành, sốt sắng. Từ lúc còn bé, theo Bố Mẹ Anh Chị Em đi lễ, đi nhà thờ. Anh đã tham dự các nghi thức, các Thánh lễ trong đạo cách thường xuyên. Anh còn nhớ, có một tuần thánh nọ anh được chính Đức Giám Mục rửa chân cho trong Ngày lễ thứ năm, kỷ niệm bữa tiệc ly dù khi đó Anh chỉ có 7-8 tuổi. Đức Giám Mục , Các Cha thường đến thăm viếng và dùng cơm chung với gia đình, đàm đạo với Ông Bà , Bố Mẹ , cả gia đình của Anh rất là tâm đắc. Nói chung là mọi cơ hội để cho Anh được đến với Chúa và gần gũi Giáo Hội đều có đủ, dồi dào.

Theo Đạo qua các nghi thức, nhiều lần, nhiều năm, vào thời thơ ấu đã không làm cho Anh được rửa tội lại trong sức sống mới của Chúa Phục Sinh, theo năm tháng Anh lớn lên và xa cách Đạo, Anh nói:

–       Tôi ham thích tụ họp tán gẫu với bạn bè hơn là quan tâm tới Chúa và các lý thuyết trừu tượng của Ngài.

Khi đã thành một sinh viên thì cách sinh hoạt trong Đại Học có chung một mẫu số, Thày và trò đều phê phán, một cách nào đó đặt dấu hỏi vào các niềm tin không có căn cứ Khoa học, các hình thức tôn giáo ít nhiều mang tính cổ xưa thiếu các hào nhoáng của văn minh vật chất, thiếu các tiện nghi của kỹ thuật. Phần Anh thì cho rằng, mình có thể sống thiếu tôn giáo nhưng không thể nào thiếu các liên lạc nhanh nhạy của Cell phone, không thể sống mà thiếu tin tức đến từ máy tính bảng ipad, cả các bạn của Anh cũng cho rằng cuộc đời sẽ vô cùng nhàm chán nếu không có các sự hào hứng của các trò chơi từ máy vi tính, các trò game trực tuyến. Cuộc sống của Anh không thể thiếu ăn diện, xe cộ, bồ bịch nhât là sau khi đã tốt nghiệp và làm việc đại diện thương mãi cho một hãng nọ.

Cũng không biết từ lúc nào, có lẽ là đã dăm bẩy năm nay, Anh xa cách và ghét cay ghét đắng tôn giáo, anh thường đăng trên Internet các nhận định về “mấy người theo tôn giáo điên khùng” mỗi khi biết được các hoạt động của tôn giáo chống lại “đồng tính luyến ái”, chống “phá thai”, các kêu gọi về “luân lý”, về tu đức. Bất kỳ điều gì gợi lên tính tôn giáo là anh tránh xa vì không chịu nổi “mấy người theo tôn giáo điên khùng” Tuy nhiên cũng đã có một luật trừ đó là Anh có một vài người thanh niên hang xóm, mấy người này hay đi nhà Thờ và có đời sống rất vui vẻ, hòa nhã với mọi người trong xóm. Họ hay năn nỉ Anh đi tham dự thử một buổi sinh hoạt ca nhạc trong một buổi lễ nào đó tại trung tâm Canh Tân đặc sủng. Họ cứ năn nỉ, gợi ý mãi, làm anh bực mình thật là “mấy người theo tôn giáo điên khùng”. Anh hỏi, ca hát bao lâu, lễ kéo dài bao lâu, họ dám can đảm trả lời , chỉ có cỡ hai tiếng mà thôi, nghe xong, lập tức Anh dẫy nẩy lên :

–       Trời ơi, kéo dài tới hai thế kỷ hả? làm sao mà chịu được !

Trong đầu Anh chợt nổi lên sự suy nghĩ cau có “mấy người theo tôn giáo điên khùng”.

Ngày qua tháng lại, mấy người hàng xóm của Anh vẫn vui vẻ quá, họ rất hào hứng về các buổi Ca Ngợi của Nhà thờ và cứ mời anh đến coi thử cho biết. Phần nào có sự tò mò, nhất là cũng cảm thấy người hang xóm này thật là đáng mến Anh ậm ử rằng sẽ đi thử cho biết, anh không quên thòng theo một điều kiện là sẽ ra về sớm nếu cảm thấy quá nhàm chán. .

Lần tham dự đầu trong Thánh Lễ Ca Ngợi tại trung tâm Canh Tân Đặc Sủng anh thấy cũng không đến nỗi nhàm chán như mình nghĩ và có thể tham dự cho đến hết. Thánh lễ không đến nỗi kéo dài quá xá và rồi Anh cũng muốn đến tham dự thêm một lần nữa xem sao.

Lần tham dự thứ hai, đặc biệt có bạn gái  đi cùng Jonathan, phần Ca Ngợi Chúa cũng hơi hào hứng và vui nhộn,  khi Cha Mark mời những ai muốn có đời sống mới trong Chúa Phục Sinh tiên lên gần Cung Thánh  để Cha cầu nguyện cho. Khi đó, Jonathan đang quì ở ghế, Anh cảm thấy có một sự thôi thúc về tâm lý , anh cảm thấy cần đi lên để khám phá Chúa mặc dù Anh thấy rất là quê độ với Cô Bạn Gái vốn rất thường nghe anh phê phán về “mấy người theo tôn giáo điên khùng”. Ngần ngừ một lúc, thì anh đi đến quyết định, quay qua cô bạn Jonathan nói:

–       Anh muốn đi lên đó.

Cô bạn gái trố mắt ngạc nhiên, không biết đang có chuyện gì xảy ra cho người bạn vô thần của cô, nhưng cô im lặng, không phản đối để tùy ý bạn của mình. Khi anh bước đi trên lối hành lang, qua hai dãy ghế ở bên cạnh lối đi, Anh ngoái lại, thì ô kìa, Bạn Gái Anh cũng đi lên theo, Cô ở ngay sau lưng. Chuyện xay ra là vừa ngay khi Cha Mark vẫn còn đang giỏ tay cầu nguyện với Chúa,  Anh đang sắp vượt qua hàng ghế cuối cùng ngay sát cung thánh thì nước mắt ở đâu cứ tuôn ra dàn dụa, chúng nhiều đến mức Anh không còn thấy đường đi nên cứ phải liên tục chùi đi, thật là mắc cỡ và kỳ cục quá sức, cô Bạn Anh thấy thế vội nắm tay và thốt lên “Có sao không, có ổn không Anh?” Lòng Anh lúc đó rất bình thường, anh nói “Không có gì, Anh cũng ổn mà” Tuy nhiên, nước mắt còn tuôn dàn dụa hơn nữa, mặt anh đỏ và hơi sung vì khóc nhiều. Anh hiệp ý với Cha, Anh thưa với Chúa:

–       Nếu Chúa có thực thì con xin mời Chúa đến với con,  Con xin Chúa tha thứ mọi xúc phạm, phỉ báng và tội lỗi con đã phạm xin tha thứ và làm cho con được tái sinh làm con Chúa Cha mãi mãi. xin đổ đầy Thánh Thần cho con và cho con một đời sống mới.

Điều đã xảy ra ngay vào lúc đó là tôi đã được một khoảnh khắc nghỉ ngời trong Chúa, hai chân tôi bủn rủn, cặp chân mềm ra như bún, tôi ngả ra và được đỡ nằm trên sàn nhà, ngay vào lúc đó tôi đã có một niềm vui và bình an không thể nào diễn tả bao phủ tôi, ngay vào lúc đó tâm hồn tôi đã thay đổi với cảm giác nhẹ nhàng thư thái của một người mới tắm xong và cảm thây mọi sự đều  mới mẻ và tươi mát.

Chính Lời Chúa Giê Su đã cho biết :” Tự lòng Ngài có những sông tuôn chảy nước sinh sống. Ðiều ấy, Ngài nói về Thấn khí các kẻ tin vào Ngài sẽ lĩnh lấy” (Gioan 7: 37-39)

Đó là những gì xảy ra cách nay 6 tháng, còn bây giờ thì sao ? Này tôi đây, một Jonathan như các Bạn thấy, say sưa tham dự Thánh Lễ, giống như một người bị đói ăn đã lâu nay ăn trả bữa, tôi luôn tìm cách sắp xếp giờ giấc để tham dự thánh lễ ở Trung tâm này, ở mọi nơi. Có một cái gì thu hút tôi vào Thánh lễ nơi mà tôi có niềm vui và sự bình an. Lễ xong, tôi lại tìm cách ở lại mong được giúp ích cho Nhóm cách này, cách khác, làm những việc mà trước kia tôi hay thắc mắc là việc của “mấy người theo tôn giáo điên khùng”. Cũng có khi những đám mây mờ hồ nghi về sự hiện hữu của Thiên Chúa quay trở lại nhưng mà như mây trời chúng đến rồi đi, khi tôi cầu nguyện với Chúa trong Thánh Lễ thì nó phải tan biến. Ánh sáng chói chan của Mặt Tròi Chân lý Chúa làm tan biến mây mờ ngay tức khắc.

Anh Jonathan tâm sự rằng sự hiểu biết về Chúa của anh còn rất là hạn chế, gần như  số không dù anh rất giỏi chuyện đời như buôn bán, câu dụ khách hàng mua nhiều hàng của mình, … Anh chia xẻ: “nhu cầu cần kíp là tôi cần tiếp tục tham gia học lớp Kinh Thánh để biết về Chúa Giê Su và tìm hiểu Chúa ngày đêm qua Lời Chúa. Tôi muốn và cần cầu nguyện với Chúa nhờ Lòi của Ngài đẻ tiếp tục đâm rễ sâu và lơn lên trong Đức Tin”

Thưa Bạn, điều thú vị là anh Jonathan rất tự hào về các khám phá của mình, khi có dịp gặp lại các bạn vô thần cũ, bị họ trêu ghẹo mỉa mai. Anh cười, xác nhận: “vâng, tôi là một người theo Chúa đến cùng, mời các bạn khám phá Thiên Chúa xem có thật hay không, tôi không thể nào không tin Chúa qua các trải nghiệm của tôi, trong Khoa Học bạn đau có thấy hình dáng của điện lực nhưng mà qua năng lực mạnh mẽ của nó, ai cũng tin là có điện phải không ? Tôi cũng vậy, khi có kinh nghiệm về Chúa rồi thì rất khó mà không tin Chúa vì năng lực của Chúa là rất thực, rồi anh có dịp thao thao bất tuyệt làm chứng cho Chúa. Trên facebook của Anh , đăng bài làm chứng của anh với xác nhận nay Jonathan thuộc nhóm “mấy người theo tôn giáo điên khùng”.

Tới đây thì điều có thể là, Bạn sẽ hỏi tôi rằng thế còn Cha Mark thì sao? Trường hợp đến với Chúa của Ngài khác với Jonathan như thế nào?

Vâng, Bạn sẽ rất ngạc nhiên vì qua lời chứng của Cha Mark thì khi đến lứa tuổi nổi loạn, Ngài cũng chả hơn gì anh Jonathan, Khi còn là một thiếu niên Ngài cho rằng chẳng có lý gì để tin vào chuyện thần tiên về Chúa và Đức Mẹ có lẽ họ chỉ có trong trí tưởng tượng của con nít thơ ngây. Khi tất cả các bạn cùng thời đại, bạn trang lứa đều bỏ qua đức Tin và say sưa về việc thử khám phá và sống với nhục dục, tìm cách làm tình vói bạn khác phái. Ngài bị lôi kéo, có lúc cũng muốn đi theo khuynh hương tội lỗi chung của thời đại cho đến khi Ngài xin Chúa làm chủ đời mình. Ở 13 tuổi, Ngài chân thành cầu nguyện rằng nếu Chúa có thực thì tỏ ra cho con biết, sau vài lần cầu nguyện như thế thì Ngài được ơn bằng an và không bị cám dỗ muốn phạm tội. Điều đôc đáo là đã có sự bảo vệ của Mẹ Maria ôm ấp Ngài tư lúc 13 tuổi tới nay trong thanh sạch nhất là Mẹ luôn có cách dẫn Ngài đến với Chúa Giê Su.

Năm 16 tuổi, qua Nhóm Thánh Linh Ngài xin Chúa làm chủ đời mình, và xin đầu phục một mình Chúa, xin dâng cho Chúa tất cả những gì mà Ngài có được, từ đó trở đi đời sống mới đã đến và thế là từ năm 16 tuổi cho đến giờ, được 35 tuổi, chưa có một ngày mà Ngài bị nghi ngờ về sự hiện hữu của Thiên Chúa, chưa có một ngày Ngài không được sự thánh khiết và yêu thương của Chúa bao phủ. Thật là tuyệt diệu đời sống mới mà Chúa Phục Sinh ban cho con cái Chúa. Còn những ai đón nhận Ngài, thì Ngài ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa, ấy là cho những kẻ tin vào Danh Ngài. (Gioan1:12)

Xin bạn nghe lời làm chứng của Cha, qua youtube nối kết sau đây:

http://play.tojsiab.com/M0Jfc19ZS2Y4MkUz

Để kết luận bài này, chúng mình cùng ghi khắc lời dặn dò của Chúa Giê Su kính yêu vì rất có thể là ngay hôm nay vào giờ này Chúa cũng đang muốn, đang mong chờ Bạn đến và ban cho Bạn một đời sống mới khi bạn quyết tâm đi theo Chúa một cách dứt khoát và trọn vẹn :

…Ðức Yêsu đáp lại:

“Quả thật, quả thật, tôi bảo ông,

ai không sinh ra bởi Nước và Thần khí,

thì không thể vào được Nước Thiên Chúa.

6 Sự gì sinh ra bởi xác thịt là xác thịt, và sự gì sinh ra bởi Thần khí là Thần khí.

(Gioan 3:8)

–       Lậy Chúa, giờ này xin Chúa tiếp nhận con người tội lỗi của con vì con muốn đầu phục Chúa trọn vẹn.

–       Xin ban cho con đời sống mới làm con Chúa, xin ban Thần Khí Chúa sống trong con, làm nên tạo thành mới hoàn toàn sống theo Chúa và chỉ có Chúa mà thôi .

Phan Sinh Trần.

CHÚA PHỤC SINH và quà tặng ĐỜI SỐNG MỚI.

CHÚA PHỤC SINH và quà tặng ĐỜI SỐNG MỚI.

(phần một)

Phan Sinh Trần.

Chuẩn bị cho ngày Chúa Phục Sinh năm 2015 tôi được đi dự mấy kỳ tĩnh tâm đầy sức sống của Chúa Thánh Linh.

Vào ba ngày cuối tháng Ba tại giáo xứ St. Francis De Sale chúng tôi được nghe Cha Trần ngọc Diệp, nguyên giám tỉnh dòng Đồng Công (CMC) hải ngoại, giúp tĩnh tâm. Cha cho biết, tất cả sức mạnh của đời sống chúng ta đều xuất phát từ một tập quán, thói quen tốt là cầu nguyện sâu xa trong Chúa. Con người vốn bản tính ươn hèn và yếu đuối, nó chỉ có thể trở nên mạnh mẽ, đẹp đẽ, khi nó cầu nguyện và ca ngợi Chúa hết tâm hồn, hết trí khôn rồi được kết hiệp với Chúa, được Chúa biến đổi nên một con người mới đơn sơ, mạnh mẽ đầy ơn Chúa.

Hiện nay, Cha Diệp có nhiều hoạt động rất độc đáo, Ngài giảng phòng tĩnh tâm khắp các vùng thiếu vắng linh mục nói tiếng Việt trên đất Hoa Kỳ, tuổi ngoài 70 nhưng Ngài luôn xông pha như thanh niên, lái xe mười mấy tiếng và ngủ trên xe thay vì ở Motel trừ khi mùa đông ở vùng tuyết phủ dầy thì Ngài mới vào Motel. Đối với các Chị Em làm nghề Nail, bỏ xưng tội 5, 10 năm thì Ngài mang tòa giải tội tới bãi đậu xe trước của tiệm, nghĩa là, Anh Chị Em làm nail sẽ được xét mình và xưng tôi ngay trên xe Honda Pilot của Ngài, cho dù Tiệm đó ở một vùng xa xôi hẻo lánh, tòa giải tội lưu động sẽ đến đó, sau khi đã có sự sắp xếp của một Anh đại diện trong vùng đó, Anh này sẽ đi vận động, khuyến dụ mọi người đến xưng tội làm hòa với Chúa.

Nếu gia đình Anh Chị Em nào có nguy cơ tan rã, ly dị, mà Cha Diệp tình cờ biết được thì Ngài xin đến gặp cả hai người vợ, chồng cùng lúc và nói chuyện nhiều lần để hàn gắn cho họ, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, Ngài cứu được nhiều gia đình bên bờ vực tan vỡ. Có những cặp, Ngài kiên nhẫn lắng nghe hai vợ chồng tỏ bày tâm sự từ 9 giờ đêm đến 5 giờ sáng và rồi Ngài phải vắn tắt phân giải, ai sai, ai lố và thái quá có hậu quả gì. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần, họ nhận ra lỗi lầm, sự nguy hiểm của chia rẽ đối với con cái, đối với tình yêu, đời sống, thế là họ đã có thể xin lỗi nhau và làm lành. Sau thời điểm đó, Ngài sẽ tiếp tục phôn để khích lệ đều đặn vào mỗi dịp cần.

Niềm vui của Ngài là cứu các gia đình, thay vì ngồi một chỗ than vãn và tội nghiệp cho họ thì Ngài lên xe, xông pha và mang thuốc giải độc cho các gia đình bị nguy cơ. Môt ngày nào đó có thể bạn sẽ gặp Ngài, vi sứ giả của các gia đình, giống như một môn đệ của Chúa Giê Su.

Cha Diệp tâm sự, có khi đang một mình một xe, trên đường trường thì bị chìm ngập trong cơn bão tuyết bao phủ vùng xa xôi đó. Ngài chỉ có một mình trên xa lộ, nhìn chung quanh, chỉ có tuyết như muốn vùi lấp cả xe và người, nhìn mãi cũng không có lấy một bóng người, kể cả cảnh sát hay nhân viên chạy xe xúc tuyết, lạnh, sợ, đói… Rồi những khi trời nóng bức vào mùa Hè, lâm bịnh trên đường đi, tứ cố vô thân. Cha tâm sự, những khi đó nhu cầu và sức mạnh của sự cầu nguyện là rất rõ ràng, và có Chúa, Đấng duy nhất đã tiếp sức và thêm tin yêu cho Cha đi hết hành trình. Nhiều khi, quá mệt mỏi, đang lái xe cha ngủ quên, mắt thì vẫn mở mà tâm trí thì đang ngủ, giấc ngủ kéo dài đến mười hai mươi phút, bừng tỉnh dậy thì thấy xe vẫn đang chậy ngon trớn và nếu không có Thiên Thần bản mệnh cầm lái cho thì chắc chắn là Ngài đã bị tai nạn xe, bị đụng đối đầu trực diện với xe khác, và rất có thể đã về chầu Chúa từ lâu.

Tôi có sức chịu mọi sự, trong Ðấng ban sức mạnh cho tôi

(Phi líp 4:13)

Nhìn vào đời sống Cha Trần đình Long, Cha Trần ngọc Diệp, và các Anh Chị Em khác, tôi thấy được sức mạnh và kết quả của sự cầu nguyện khi mà Chúa trao tặng cho người biết kết hiệp với Chúa một đời sống thật là linh động và mạnh mẽ.

Trong buổi tĩnh tâm, Cha Diệp kể, có một lần cha tìm gặp và đi thăm một Anh Tín Hữu nọ, trong buổi gặp, điều thú vị là hầu như Cha ngồi im và nghe đương sự say sưa trong mấy tiếng đồng hồ nói về Chúa mặc dù Anh này, vốn là một tín hữu bình thường không có cơ hội học Thần học, không có cơ hội học triết học luận lý tại đại học. Tìn Yêu Chúa trong người anh như có lửa, lửa cháy lan ra qua người khác. Điều gì đã làm cho Anh “biết” về Chúa nhiều như thế, bí quyết của Anh là, mỗi ngày cứ đến ba giờ, anh bỏ tiêm ăn do mình làm chủ, cùng hùn hạp với các em trong gia đình, ra xe hơi, một mình anh lần chuỗi Lòng Thương Xót Chúa, đọc Kinh Thánh và ca ngợi Chúa gần hai tiếng đồng hồ. Sau đó Anh mới quay vào và làm việc tiếp. Anh chủ tiệm đã áp dụng câu trong sách 1 Ký sự,  đoạn 16, câu11 “Hãy dõi tìm Yavê và uy quyền Người. Hãy luôn luôn tìm kiếm nhan Người”.

Điều ngộ nghĩnh là càng đọc Kinh Thánh và cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa, thì tiệm ăn lại càng đông khách, tài chánh khá phát đạt. Công việc lại càng ngăn nắp và qui củ vì Anh có sức mạnh và kiên nhẫn để sắp xếp và làm cho thật tốt trong tiêm ăn của mình.

Một ngày nọ, sau khi cầu nguyện Anh được đầy sức mạnh, anh quyết định bỏ tượng thần tài chưng trong tiệm, tượng này vốn là của một người cùng đứng chủ, chung phần hùn hạp, anh giải thích cho họ, nếu Bụt, Thần Tài của quý vị có thực thì tôi xin chịu mọi hâu quả và sẽ xin chuộc lỗi với thần Tài. Phần tôi, tôi biết rõ là chỉ có Chúa mới là thần duy nhất, là đấng siêu việt trên hết các quyền năng của trời và đất mà quý vị cũng đã có phần nào kinh nghiệm về Ngài. Nếu điều này là sự thực thì tại sao ta lại thờ cúng “Thần Tài” một cách u mê, không hợp lý. Xin cho tôi được có thái độ dứt khoát… Các chủ tiệm Việt Nam ở chung quanh, nghe chuyện, ai cũng nói rằng phen này thì tiệm của Anh và mấy người Em sẽ phải phá sản, sụp đổ nhưng mà… điều thực xảy ra là kể từ ngày đó tiệm càng được đông khách hơn. Có một bà chủ tiệm cùng khu thương mại vốn đã hết lòng tin tưởng “ Ông Địa”, người này đinh ninh rằng anh sẽ bị quả báo nhãn tiền, thương vụ của Anh sẽ đến ngày phá sản … Điều xảy ra là tiệm của Bà sau đó một thời gian ngắn lại rơi vào thua lỗ và đóng cửa.

Cha Diệp nhận xét, cách làm của Anh cần phải được sửa chữa cho kính trọng và ôn hòa hơn, thuyết phục nhiều hơn. Cần kiên nhẫn từ tốn giải thích cho đến khi đức tin lành mạnh của người nhà được củng cố. Cách tốt hơn là để cho họ nhận ra và tự ý dẹp bỏ sự mê tín dị đoan.

Tuy nhiên, điều Cha học được là sự mạnh mẽ trong Đức Tin, khi Anh tiếp tục cầu nguyện, nhận được sự dậy dỗ của Chúa qua các giờ đọc Kinh Thánh, anh đã chia sẻ sự hiểu biết về Chúa bằng kinh nghiêm sống động xảy ra trong cuộc đời mình. Trong sự ân cần, yêu thương Anh đã làm chứng về một vị Chúa nhân từ, vô cùng giầu có, uy quyền nhưng lại yêu con người vô điều kiện và dâng hiến chính con mình cho họ. Anh kiên nhẫn và ôn tồn trong nhiều năm tháng, giải thích cho người trong nhà, cho Vợ vốn là người ngoại Đạo, cho các con và cho các Em trong gia đình, từng người một họ đã quay về Chân lý. Cuộc chiến đấu giành các linh hồn người thân yêu về cho Chúa tiếp diễn, anh luôn bền bĩ, hăng say không bao giờ mệt mỏi nhờ biết kết hiệp với Chúa kính yêu qua sự cầu nguyện. Anh nói:

Kỳ dư, anh em hãy phấn chấn mạnh mẽ trong Chúa, trong sức oai hùng của Ngài.

(Ê phê sô 6:10)

Bạn biết không, một điều thú vị khác là trong buổi tĩnh tâm cuối cùng, chúng tôi được diện kiến Chị Anna, người đã có bài làm chứng đăng trên Thanhlinh.net về sự chữa lành của Chúa ban cho chị và gia đình. (http://thanhlinh.net/node/86528).

Chị Anna tiếp tục làm chứng cho Chúa về một đoạn kết rất tốt đẹp, phấn khởi của gia đình Chị. Số là, sau khi Chúa đã chữa lành bệnh ung thư xương thời kỳ cuối cho Chị. Rồi thêm nữa, Ngài đã chữa lành bệnh buốt vai vốn kéo dài suốt 20 năm qua cho chị. Chưa hết, Chúa lại mang Anh về cho chị và các cháu, cứu gia đình khỏi thảm cảnh tan vỡ. Đấng quyền năng vẫn chưa chịu dừng lại ở đó, Ngài lại tiếp tục gia ân cho một giải pháp hoàn hảo. Lúc đó, ngay sau tuần Anh Chồng của Chị Ann quay về với vợ con, thì có khóa tĩnh tâm “Thăng Tiến Hôn Nhân” của Cha Chu Quang Minh mở vào 3 ngày cuối tuần, các anh chị em trong nhóm Thăng Tiến Hôn Nhân và Lòng Thương Xót đã đến cố lôi kéo Anh Chị đi dự tĩnh tâm cho bằng được, anh không muốn đi và đã từ chối từ ngày hôm trước, Các Anh Chị Em càng gia tăng cầu nguyện Chúa và nài nỉ Anh, họ đến tận nhà mời Anh Chị và tình nguyện trông coi các cháu để Anh Chị yên tâm tham dự tĩnh tâm, cuối cùng vì nể mọi người, Anh miễn cưỡng lên đường dù đã trễ giờ khai mạc 2 tiếng đồng hồ. Trong kỳ tĩnh tâm “Thăng Tiến Hôn Nhân”, anh nhận ra các lỗi lầm của mình với Chúa, anh ăn năn hối hận và chịu xưng tội sau hơn mười năm xa cách Chúa. Chúa Thánh Thần chưa chịu dừng lại ở đó, Ngài thay cho anh một quả tim mới, làm cho Anh giống như người con mới mẻ của Chúa Cha, Anh háo hức tìm hiểu về Chúa Mẹ và say sưa đọc Kinh Thánh, điều còn ngộ nghĩnh hơn nữa đó là, từ nay trở đi thì người hối thúc gia đình đọc kinh tối, quây quần gia đình bên Chúa mỗi đêm lại là Anh, chồng của chị Anna, người mà trước đây hơn mười năm không muốn ai nhắc đến tên Chúa, không hề đọc một lời kinh. Nay thì Anh yêu cầu vợ con đọc kinh thật chậm, thật sốt sắng để có thể suy ngẫm tình yêu Chúa.

Sự thay đổi đột ngột này của Anh, chỉ có Chúa tuyệt vời mới có thể làm được mà thôi. Không phải Đức Chúa Kính Yêu là nhà Bác Sĩ chữa trị tâm lý đại tài sao?

Tôi xin được kết thúc bài này bằng câu nói trứ danh của nhà Bác học Ampere, ngày ấy có anh sinh viên tên là Ozanam bị lung lay đức tin, anh hỏi Ông Ampere, “- Thưa giáo sư, có thể vừa là nhà bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện nhiệt thành không ?”. Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của chàng sinh viên, dạt dào cảm xúc ông ân cần thì thầm :

– Con ơi ! Ta chỉ vĩ đại khi ta cầu nguyện thôi.

Xin tạm biệt Bạn, hẹn cùng với Bạn chiêm ngưỡng vẻ đẹp huy hoàng của Chúa Phục Sinh trong kỳ hàn huyên tới.

Phan Sinh Trần.

Cộng sản và tôi

Cộng sản và tôi

– Tin nổi bật, Buôn chuyện

VRNs (15.04.2015) – Thanh Hóa – Tôi là một trong số hàng chục triệu nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam. Câu chuyện mà tôi sắp kể ra đây chưa thể nào vạch trần hết tội ác của chủ nghĩa rừng rú này; nhưng cũng sẽ góp một phần nhỏ để những ai còn ngây thơ mù quáng đi theo nó sớm nhận ra và từ bỏ còn đường tăm tối được thêu dệt nên bằng những dối trá và tội ác.

Tôi sinh năm 1971, năm nay bước vào tuổi 44. Tuy chỉ mới độ tuổi này nhưng tôi đã từng nghe bố tôi kể lại và cũng đã phải trực tiếp chứng kiến cảnh gia đình tôi suốt 4 đời là nạn nhân của chủ nghĩa Cộng Sản.

Bắt đầu là bà nội của tôi: Bà tôi sinh năm 1890. (Không biết ông nội tôi mất từ bao giờ). Một tay bà phải vất vả nuôi một đàn con. Trong nạn đói năm 1945 các con của bà tôi nhiều người đã phải chết vì đói. Đến năm 1949 người con trai lớn của bà đã hăng hái gia nhập vào quân đội và tử trận tại Điện Biên Phủ năm 1954. Sau nhiều năm không nhận được tin tức gì của bác tôi nên bà tôi buồn đau héo hon khổ sở. Mãi tới khoảng năm 1973 gia mới nhận được một mãnh giấy thông báo rằng bác tôi đã hy sinh.

150411003

Trong khoảng thời từ năm 1954-1975, giai đoạn xảy ra cuộc nội chiến tại Việt Nam, dưới sự tuyên truyền của Cộng Sản những người thân của tôi lại tiếp tục như con thiêu thân lao vào cuộc chiến “xâm lược miền Nam” và làm công cụ cho việc bành trướng chủ nghĩa hung tàn cộng sản một cách vô điều kiện. Năm 1967, khi mà máy bay Mỹ ném bom miền Bắc. Quê tôi nằm ngay cạnh một nhà máy xay là nơi tập trung một lượng thóc gạo khá lớn để cung ứng cho chiến trường miền Nam, nơi đây có một cây cầu là nút giao thông quan trọng; vậy nên đã phải hứng chịu không biết bao nhiêu là bom đạn. Lúc đó tôi chưa được sinh ra, nhưng khi lớn lên chỉ nhìn những dãy hố bom chi chít và những hầm pháo còn lại trên đồng làng; tôi cũng nhận ra được một phần nào những đau thương trong quá khứ.

Theo bố tôi kể lại thì vào giai đoạn đó ở nông thôn miền Bắc mọi sinh hoạt của đời sống đều nằm dưới sự điều hành của hợp tác xã (HTX). Vào năm 1967 người vợ đầu của bố tôi bị HTX điều vào khu vực máy bay Mỹ thường ném bom, để vừa lao động sản xuất vừa phụ giúp bộ đội đắp hầm pháo và tiếp đạn. Rồi một mảnh bom đã cắt ngang cuộc đời bà ở độ tuổi 35, để lại sau lưng 2 đứa con thơ cho chồng. Bố tôi cui cút một tay nuôi 2 con nhỏ một bà mẹ già. Vừa đau buồn bởi cảnh chia ly bất ngờ vừa lam lũ với cảnh “đùm cơm vạt áo, đùm cháo lá khoai”. Bố tôi lâm bệnh hen suyễn từ đó. Rồi tình cờ ông gặp mẹ tôi.

Mẹ tôi là một người phụ nữ cũng gặp nhiều đắng cay trong cuộc sống, bà đã 3 lần tiễn đưa người thân vào quân ngũ mà không còn gặp lại. Hai người em trai của bà và một người chồng mới cưới. Cả 3 đều ngã xuống trong mặt trận phía Nam. Mười năm trông ngóng tin chồng trong vô vọng. Ai cũng tin rằng chồng bà đã chết tại chiến trường; nhưng mãi vẫn không có giấy báo tử. Họ hàng bên chồng bà khuyên bà nên đi bước nữa. Bà nấn ná mãi rồi mới quyết định khăn gói về sống chung với bố tôi. Cảnh “rổ rá cạp lại”, tưởng rằng sẽ san sẻ gánh nặng cho nhau, nào ngờ giông bão cuộc đời lại ập xuống những mãnh đời rách nát như họ.

Bố tôi kể lại: Ngay sau khi mẹ tôi khăn gói về sống cùng ông vào năm 1970, đêm nào cũng vậy, cứ 8 giờ tối là dân quân xã lại khua trống tập trung lực lượng kéo tới túp lều tranh nho nhỏ mà bà và bố mẹ cùng các anh chị tôi đang sống. Dân quân trói mẹ tôi đưa ra điếm làng xét tội vì lý do “không chung thủy với chồng là bộ đội”. Có hôm thì họ lại trói bố tôi thay vì mẹ tôi. Họ đưa ông ra điếm làng xét xử tội “cướp vợ bộ đội”. Cảnh tượng kinh hoàng đó đập vào mắt bà nội và các anh chị tôi làm họ vô cùng sợ hãi. Không phải chỉ một hai lần mà kéo dài hàng tháng. Nhưng không thế lực nào chia cắt được tình cảm của hai người. Cũng có lúc mẹ tôi phải tạm lánh về quê ngoại. Rồi tin vui đã tới với cả gia đình. Mẹ tôi có mang tôi sau nhiều thử thách. Lúc này mẹ tôi tiếp tục về sống chung với bố tôi. Biết bà đang mang thai nên bọn người man rợ kia cũng đỡ bớt phần nào những hành động côn đồ ác thú. Nhưng nhà cầmquyền Cộng Sản không cấp khẩu cho mẹ tôi và không cho gia đình tôi vào HTX. Nhà 5 miệng ăn, không nguồn thu nhập, Mẹ tôi phải băng rừng vượt núi kiếm miếng ăn. Cuộc sống vất vả là vậy.

Những tưởng rằng Cộng Sản sẽ buông tha, nào ngờ năm 1974 khi anh trai tôi mới 17 tuổi, cộng sản lại bắt anh tôi làm đơn “tình nguyện” đi bộ đội và rồi anh tôi đi mãi chẳng trở về. Khi gia đình tôi nhận được tin báo tử anh tôi; một lần nữa nước mắt bố mẹ tôi lại lăn dài trên gò má, những giọt nước mắt khổ đau chảy trên đầu tôi thấm sâu vào trong trái tim bé bỏng của tôi, khi tôi mới lên 4 tuổi.

Vào thời gian đó bên nhà chồng cũ của mẹ tôi cũng nhận được tờ giấy báo tử muộn màng về người chồng của mẹ tôi đã tử trận từ năm 1968. Bao năm chắt chiu vất vả dành dụm bố mẹ tôi mua được một con bê nhỏ, lúc này nhà nước quyết định nhập khẩu cho mẹ tôi và cho gia đình tôi vào HTX với điều kiện phải công hữu con bê cho họ.

Trải qua nhiều sóng gió, cuộc sống tuy không đầy đủ nhưng cũng đã tạm yên thân, bố mẹ tôi sinh thêm cho tôi một cô em gái. Những tưởng rồi cuộc sống sẽ êm trôi theo năm tháng, với những gì người Cộng Sản đã tuyên truyền, nào ngờ sự thật không hề như vậy. Với một hoàn cảnh xuất thân nhiều bất hạnh nên cuộc đời tôi dường như không lối thoát bởi những gánh nặng nợ nần. Tôi còn nhớ vào khoảng những năm từ 1980 tới 1988, vì bố tôi bệnh tật không thể lao động được, gánh nặng gia đình chất chồng hết trên vai mẹ tôi. Mẹ vừa lo thuốc men cho chồng vừa nuôi hai anh em chúng tôi ăn học (lúc này chị gái tôi đã lấy chồng). Những sào ruộng nhận khoán của HTX không thể đủ ăn, Mẹ phải chạy vạy buôn bán bằng quang gánh, đi bộ tới các cửa hàng mua dầu hỏa và muối (do các nhân viên cửa hàng bán lậu), rồi gánh bộ hàng trăm km lên các vùng cao để bán hoặc đổi lấy sắn về nuôi chúng tôi. Cũng nhiều lần mẹ bị đại diện nhà nước thu trắng gánh hàng vì lý do buôn lậu. Đã khó lại càng khó thêm. Hàng vụ thu hoạch lượng thóc không đủ để trả nợ lại (vì lúc đó muốn vay được 10 kg thóc thì tới mùa phải trả gấp đôi, thậm chí gấp ba). Vì thế gia đình tôi không đủ thóc giao nạp cho HTX. Vụ này sang vụ khác, HTX tính lãi mẹ đẻ lãi con với lãi xuất 50% /vụ; không những thế mỗi năm lại còn phải nuôi lợn nộp nghĩa vụ 50 kg lợn hơi. Người còn không có để ăn thì lấy gì nuôi được 50 kg lợn?! Vậy nên gia đình tôi lại còn phải mắc nợ thêm khoản kg lợn hơi quy thành thóc. Cứ 1 kg lợn hơi quy thành 10 kg thóc. Như vậy hàng năm gia đình tôi phải mắc nợ 500 kg thóc. Có lần đoàn thu sản vào xiết nợ. Họ thấy trong nhà không có gì đáng giá, phát hiện trong chuồng có một con lợn khoảng 8 kg họ nhảy vào bắt bỏ bì và xách đi. Cả gia đình tôi chỉ biết nhìn theo trong nước mắt.

Tôi vẫn cứ thế lớn lên theo quy luật của Đấng tạo hóa. Tháng 9 năm 1990 tôi nhập ngũ hết 2 năm 6 tháng nghĩa vụ quân sự. Tháng 3 năm 1993 tôi trở về địa phương và kết hôn khi tuổi mới 22. Khi lập gia đình, đương nhiên tôi phải kế thừa một món nợ khổng lồ là 10 tấn thóc. Một số lượng mà khiến tôi không khả năng thanh toán. Sau khi đã chuyển đổi mô hình quản lý ruộng đất từ HTX sang cho Ủy Ban Nhân Dân, và giao ruộng xuống từng hộ gia đình tính theo đầu người tại thời điểm, gia đình tôi có 4 khẩu lẽ ra phải được giao 4 suất ruộng, nhưng vì còn mắc nợ cũ nên chỉ được nhận 1/2 diện tích theo tiêu chuẩn. 1/2 diện tích còn lại phải làm dưới dạng thuê đất với đóng góp cao hơn. Vì thấy quá thiệt thòi nên gia đình cố gắng vay mượn khắp nơi với lãi xuất 5%/tháng trả nợ 10 tấn thóc với giá 3000 đ/10 kg để được nhận ruộng bình thường.

Kể từ đó gia đình tôi không còn mắc nợ nhà nước, nhưng nợ tư nhân lại quá nhiều. Chúng tôi dốc hết sức để kéo cày trả nợ. Vào độ tuổi 35 tôi đã mắc nhiều bệnh tật do lao động quá sức. Tôi không làm lụng được như trước, nợ nần vẫn chồng chất, nên sinh ra rượu chè. Tôi mở một lớp học nho nhỏ phụ đạo cho mấy cháu học sinh lớp 9 trong làng để lấy tiền uống rượu.

Rồi một hôm như là định mệnh, tôi gặp một tín hữu của đạo Tin Lành; người đó tặng tôi vài cuốn sách nhỏ trong lúc tôi vẫn còn say. Tôi cầm sách trên tay mà chẳng biết sách gì. Khi tỉnh rượu tôi mang ra đọc và thấy những gì viết trong sách như đang nhảy múa mời gọi tôi theo Chúa Jesus. Tôi tìm tới gặp người đã tặng sách cho tôi. Từ đó tôi trở thành một tín hữu Tin Lành. Tôi từ bỏ rượu và sốt sắng ra đi nói về Chúa cho những người xung quanh. Nhờ vậy qua tôi cả gia đình tôi và nhiều người trong vùng đã tự nguyện đi theo Thiên Chúa.

Thình lình vào năm 2003 lực lượng nhà nước thông qua Mặt trận tổ quốc và công an ra tay đàn áp những người theo đạo Tin Lành ở quê tôi. Họ ép buộc người dân phải viết cam kết không theo đạo, nếu ai đã theo thì nhà nước bắt viết giấy bỏ đạo, chỉ còn lại gia đình tôi quyết giữ đức tin tới cùng. Thế là cứ mỗi ngày Chủ nhật các đầy tớ của dân lại tới canh cổng nhà tôi không cho ai ra vào, quyết ngăn không cho tôi đi thờ phượng Chúa. Nhiều lần họ bắt tôi ra hội trường thôn để tập trung đấu tố. Họ xuyên tạc vu cáo tôi là phản động. Những người “bạn của dân” không cho tôi quyền giải thích. Mỗi khi tôi đứng lên xin ý kiến phản biện thì liền có những bàn tay “nhân ái” tặng cho tôi một cái vả rồi nhấn đầu tôi xuống. Cả bố mẹ và vợ con tôi cũng không ngoại lệ. Họ liên tục bị nhà cầm quyền sách nhiễu đánh đập. Nhà nước tẩy chay hàng hóa mà vợ tôi buôn bán, cấm đoán không cho người mua bán quan hệ với gia đình tôi.

Vào đêm 30/4 năm 2004 khi mà dân làng tập trung tham gia buổi lễ ăn mừng 29 năm cướp trọn miền Nam, lúc mọi người đang ngất ngây trong chiến thắng, cán bộ cấp xã và công an huyện bỗng dưng đưa đề tài gia đình tôi theo đạo Tin Lành tức là theo Mỹ làm phản động ra để kích động quần chúng. Vậy là thình lình gia đình tôi bị cắt điện và nhận hàng loạt những gạch đá ném vào, rồi sau đó là một đoàn quân ô hợp hàng 100 người kéo vào. Họ đánh đập mọi thành viên trong gia đình, đập phá tài sản, bẻ gãy thánh giá, tháo gỡ bảng 10 điều răn rồi đập nát, đổ phân lợn xuông giếng nước, lấy hết thiết bị điện trong nhà. Sau khi họ bỏ đi để lại cho gia đình tôi một cảnh tan hoang với những con người đầy thương tích. Đêm đó vợ tôi phải đưa tôi đi lánh nạn. Ngày hôm sau ở nhà: Mặt trận tổ quốc lại lập đoàn tới “hỏi thăm” rồi yêu cầu bố tôi làm cam kết bỏ đạo thì họ sẽ cho người tới mắc lại điện và thôi không tấn công gia đình tôi nữa. Bố tôi không đồng ý nên họ uy hiếp rằng tôi sẽ bị đánh chết bất cứ khi nào và ở đâu, còn bố mẹ tôi sẽ chết mà không có chỗ chôn, các con tôi sẽ thất học…

Mặc những lời hăm dọa của những con người thất đức. Bố tôi vẫn không chấp nhận hợp tác. Trong thời gian lánh nạn tạm thời, tôi đã viết một lá đơn gửi tới các cấp cầm quyền từ địa phương, tới trung ương. Sau một tuần tôi mới trở về, đêm hôm đó là đêm 7/5/2004. Vẫn như lần trước đoàn quân vô đạo lại kéo tới đánh đập tôi tơi tả, máu me đầm đìa. Tôi lại phải tạm thời lánh nạn. Mấy ngày sau, Công an tỉnh Thanh hóa thông qua công an xã Quảng Yên, triệu tập tôi tới hội trường UBND xã để “làm việc”. Một mình tôi ngồi giữa hàng trăm công an các cấp và nhiều ban ngành trong xã, bên ngoài cổng UB có khoảng 20 tên đầu gấu cởi trần tay cầm gậy lăm lăm uy hiếp. Tại đây họ bắt tôi phải ký vào một biên bản thừa nhận rằng sự việc xảy ra tại gia đình tôi chỉ là do mâu thuẫn cá nhân không liên quan tới nhà nước. Ngay lập tức tôi phản ứng lại, tay công an làm việc với tôi chỉ tay ra phía cổng nói: Ký hay không tùy anh thôi, nhưng chúng tôi không dám bảo đảm an toàn cho anh khi ra khỏi đây! (Thú thật rằng tôi cũng thấy sợ hãi nên tặc lưỡi ký đại cho xong). Sau khi tôi đã ký vào biên bản đó thì buổi làm việc kết thúc với một lời đe dọa của trưởng công an xã rằng: Nếu mày không bỏ đạo thì con mày đi học chỉ cần tắm trong nước miếng của con thiên hạ cũng đủ chết. Tôi trả lời rằng: Tùy các anh thôi, cuộc sống gia đình tôi nằm trong tay Chúa, Ngài sẽ bảo vệ chúng tôi theo cách của Ngài.

Đúng như lời của trưởng công an xã Nguyễn Viết Đồng đã nói. Kể từ hôm đó đứa con trai lớn của tôi mới 10 tuổi đang học lớp 5, tới trường học liên tục bị bạn bè chế nhiễu, đánh đập và nhổ nước miếng vào người, vào mặt mà giáo viên vẫn làm ngơ.

Tuy vậy cháu vẫn cố gắng chịu đựng để vượt qua, vì cháu đã có chút nhận thức về hoàn cảnh thực tại của gia đình nên chấp nhận lặng yên. Đứa con gái nhỏ của tôi mới 6 tuổi còn đang học lớp 1 cùng phải chịu cùng hoàn cảnh như anh nó.

Nó tới trường học mà khi nào về cũng khóc vì bị các bạn véo, đánh, không ai thèm chơi với nó. Vậy là nó cứ thui thủi một mình một xó.

Và cũng vì vậy mà nó trở nên một đứa trẻ tự kỷ. Cũng từ năm đó con bé không lớn thêm được chút nào. Thương các con nhưng chẳng biết phải làm sao. Gia đình tôi cắn răng chịu đựng và phó mặc cho Thiên Chúa. Cũng có vài lần đưa con bé đi khám bệnh nhưng do không có tiền đi tuyến trên, gia đình tôi chỉ đưa bé tới bệnh viện huyện khám qua loa và nhận được câu trả lời là cháu vẫn bình thường.

(Nào ngờ mãi tới năm 2014 thấy con đã 16 tuổi mà vẫn chỉ như đưa trẻ lên 5, tôi quyết định đưa cháu ra Hà Nội khám lần nữa; thì than ôi tôi choáng váng khi bác sĩ cho biết rằng con bé bị liệt tuyến yên đã 10 năm nên không còn khả năng chữa trị). Mặc dù sống giữa chông gai và gông xiềng Cộng sản nhưng tôi luôn vững tin vào Thiên Chúa. Tôi tiếp tục bước đi giữa những gian nan và thử thách. Tôi tiếp tục đi nhiều nơi để chia sẻ niềm tin về Thiên Chúa. Không ít lần tôi bị đón đường và bị công an Cộng Sản bắt bớ đánh đập. Rồi tôi được Chúa thương nên cho tôi cơ hội được tham gia vào các khóa học thần học.

Tôi trở thành mục sư của một hội thánh nhỏ ở quê hương Thanh Hóa. Chỉ đơn thuần vì lý do tín ngưỡng mà tôi liên tiếp bị những người “bạn của dân” tìm mọi cách đàn áp. Rồi ngày 15/1/2011 tôi bị bắt và bị kết án 2 năm tù giam và 2 năm quản chế theo điều 88 quái gở. (Khi kết án tôi, tay chủ tọa phiên tòa còn lớn tiếng nói rằng: Những thân nhân của tôi đã ngã xuống vì chế độ nay sẽ rất xấu hổ vì tôi). Tuy nhiên tôi tin rằng những người thân của tôi đã đổ máu xương cho chế độ này nếu thực sự có linh thiêng thì họ sẽ rất tự hào về tôi.

Bởi tôi đã tiếp tục bước đi trên con đường tranh đấu cho một nền tụ do dân chủ thật sự.

Tôi tin chắc một điều, vong linh của những người đã ngã xuống sẽ vô cùng đau đớn khi mà những kẻ ngồi trên những chiếc ngai được xây bằng máu xương đồng bào lại tráo trở đảo lộn trắng đen.

Tôi bỏ lại phía sau lưng mình ba đứa con thơ, cùng bố mẹ già và hội thánh thân thương cho người vợ hiền gánh vác.

Hết 2 năm tù oan nghiệt, tôi trở lại gia đình cùng với vợ con bước tiếp chặng đường đầy những chông gai nhưng tràn đầy hy vọng. Tôi vừa phải chia tay người chị gái thân kính và người cha già mẫu mực. Họ đã vĩnh viễn ra đi về nước Chúa. Trước lúc xuôi tay bố tôi còn gắng dặn dò tôi thêm lần nữa: Con hãy cố lên đừng bao giờ bỏ cuộc, ngày cáo chung của Cộng sản đã gần rồi.

Mục sư Nguyễn Trung Tôn

ĐT: 01628387716
Email: [email protected]

Chứng cớ phục sinh

Chứng cớ phục sinh

– Tin nổi bật, Công Giáo Trẻ

VRNs (05.04.2015) – Sài Gòn – Ngôi mộ thực sự trống trơn. Chúa Giêsu phục sinh hay thi thể Ngài bị đánh cắp? Chắc chắn có điều bất thường đã xảy ra, vì những người theo Chúa Giêsu không còn khóc thương Ngài, che giấu Ngài, và bắt đầu can đảm rao giảng với lý do minh nhiên: CHÚA GIÊSU ĐÃ PHỤC SINH.

Các nhân chứng đều nói rằng Chúa Giêsu bất ngờ hiện ra với họ trong thân xác như trước khi Ngài chết, trước tiên Ngài hiện ra với các phụ nữ. Trong thế kỷ đầu, các phụ nữ không có quyền gì, số phận lép vế lắm. Thế mà chính Chúa Giêsu lại ưu tiên hiện ra với họ trước, nghĩa là phụ nữ là những người đầu tiên thấy Chúa Giêsu phục sinh. Thật là độc đáo vô cùng. Phụ nữ cũng là những người đầu tiên phát hiện ngôi mộ trống, được nói chuyện với Ngài và đi làm chứng về Ngài.

Sau đó, các tông đồ mới được thấy Chúa Giêsu, và thấy hơn 10 lần. Ngài cho họ xem tay chân và cạnh sườn và bảo sờ thử xem sao. Ngài còn ăn uống với họ, và có lần Ngài hiện ra với hơn 500 người đi theo Ngài.

Học giả John Warwick Montgomery cho biết: “Năm 56 sau công nguyên, tông đồ Phaolô cho biết rằng có hơn 500 người đã được thấy Chúa Giêsu phục sinh và nhiều người trong số đó vẫn còn sống (1 Cr 15:6-8). Điều đó không có nghĩa là các Kitô hữu thời sơ khai có thể dựng chuyện như vậy rồi rao truyền cho những người nhẹ dạ cả tin bằng cách làm ra thân thể Chúa Giêsu” (1).

Các học giả Kinh Thánh Geisler và Turek nói: “Nếu sự phục sinh không xảy ra, tại sao tông đồ Phaolô lại dám đưa ra con số nhiều các chứng nhân như vậy? Nếu không đúng, tông đồ Phaolô sẽ mất uy tín với các tín hữu Côrintô vì ông nói dối trắng trợn” (2).

Tông đồ Phêrô nói với đám đông ở Xê-da-rê về lý do ông và các tông đồ khác đã tin Chúa Giêsu sống lại: “Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giêrusalem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10:39-41).

Học giả Kinh Thánh Michael Green (người Anh) nói: “Những lần Chúa Giêsu hiện ra chính xác như bất cứ thứ gì cổ xưa… Không thể nói rằng những điều đó đã không xảy ra” (3).

150404001

Sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô là một sự kiện lịch sử đã thực sự xảy ra, không là huyền thoại như nhiều người vô thần đã nói. Các cuộc nghiên cứu khảo cổ vẫn tiếp tục phát hiện sự chính xác mang tính lịch sử của Kinh Thánh. Ngoài các sách Phúc Âm và sách Công Vụ, còn có những chứng cớ về sự hiện hữu của Chúa Giêsu phục sinh trong các tác phẩm của Flavius Josephus, Cornelius Tacitus, Lucian Samosata, và Tòa án Tối cao Do-thái (Jewish Sanhedrin).

Đây là 7 chứng cớ về sự phục sinh cho thấy Đức Giêsu Kitô đã thực sự trỗi dậy từ cõi chết:

  1. Ngôi mộ trống

Ngôi mộ trống có thể là bằng chứng hùng hồn nhất về sự phục sinh của Chúa Giêsu. Có 2 lý do chính được những người không tin đưa ra: Ai đó đã lấy trộm xác Chúa Giêsu, hoặc các phụ nữ và các tông đồ đến không đúng mộ. Người Do Thái và người Rôma không có động cơ để cướp xác, còn các tông đồ quá nhát đảm và phải trốn quân lính Rôma. Các phụ nữ thấy mộ trống và không còn thấy xác Chúa Giêsu, họ biết chắc đó là mộ an táng Chúa Giêsu. Giả sử họ đến không đúng mộ, Tòa án Tối cao Do Thái có thể lấy xác ở đúng mộ để ngăn cản chuyện phục sinh. Vải liệm Chúa Giêsu được xếp gọn gàng trong mộ, kẻ trộm nào cũng vội vàng, không ai lại cẩn thận như vậy. Chính các thiên thần nói rằng Chúa Giêsu đã sống lại.

  1. Các nữ chứng nhân đạo đức

Các nữ chứng nhân là bằng chứng rằng Phúc Âm là tài liệu lịch sử chính xác. Nếu được bịa đặt, không tác giả cổ nào lại dùng phụ nữ làm nhân chứng cho sự phục sinh của Đức Kitô. Phụ nữ là giai cấp công dân thứ yếu trong thời đó, chứng cớ của họ không được xem xét ở tòa án. Nhưng Kinh Thánh nói rằng Đức Kitô phục sinh hiện ra trước tiên với bà Maria Mácđala và mấy phụ nữ đạo đức khác. Ngay cả các tông đồ cũng không tin bà Maria khi bà nói về ngôi mộ trống. Chúa Giêsu luôn tôn trọng các phụ nữ này, Ngài đề cao họ bằng cách cho họ trở thành nhân chứng đầu tiên về sự phục sinh của Ngài. Các Thánh sử đã kể lại hành động lúng túng này, vì đó là cách nó xảy ra.

  1. Các tông đồ can đảm

Sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, các tông đồ đã trốn biệt trong các phòng khóa chặt cửa, sợ sẽ đến lượt mình bị lôi đi xử tử. Nhưng có sự thay đổi khác thường: Họ đang là những người nhát đảm trở thành những người rao giảng can trường. Bất kỳ ai biết bản chất con người thì đều hiểu rằng con người không thể thay đổi mau chóng như vậy nếu không có sự tác động lớn. Sự ảnh hưởng đó là được thấy Thầy sống lại từ cõi chết. Chúa Giêsu đã hiện ra với họ trong căn phòng còn khóa kín cửa, trên bờ biển Galilê, và trên núi Ô-liu. Sau khi thấy Thầy phục sinh, tông đồ Phêrô và các tông đồ khác đã ra khỏi phòng và đi rao giảng về Đức Kitô phục sinh, bất chấp mọi nguy hiểm có thể xảy ra với mình. Họ không còn trốn tránh vì họ đã biết sự thật. Cuối cùng, họ hiểu rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhập thể làm người và cứu mọi người thoát khỏi tội lỗi.

  1. Biến đổi Giacôbê và những người khác

Cuộc sống biến đổi là một bằng chứng khác về Chúa Giêsu phục sinh. Tông đồ Giacôbê, anh em họ với Chúa Giêsu, đã từng nghi ngờ không biết Chúa Giêsu có là Đấng Mêsia hay không. Nhưng sau đó, ông đã trở thành người lãnh đạo can đảm của giáo đoàn Giêrusalem, thậm chí còn bị ném đá chết vì đức tin. Tại sao? Kinh Thánh nói rằng vì Đức Kitô phục sinh đã hiện ra với ông. Thật là cú sốc cho người anh em của ông còn sống, sau khi nghe tin này. Tông đồ Giacôbê và các tông đồ khác cũng đều trở thành các nhà truyền giáo hăng say vì họ đã được thấy và chạm vào Đức Kitô phục sinh. Với các chứng nhân như vậy, Giáo hội sơ khai đã phát triển mau chóng, lan rộng từ Giêrusalem tới Tây phương, tới Rôma và xa hơn nữa. Cả hai ngàn năm qua, những người gặp được Đức Giêsu phục sinh đều thay đổi cách sống.

  1. Đám đông

Đám đông hơn 500 người đã cùng nhau tận mắt thấy Chúa Giêsu phục sinh (1 Cr 15:6-8). Thánh Phaolô nói rằng đa số họ còn sống khi ông viết lá thư đó, khoảng năm 55 sau công nguyên. Chắc chắn họ nói với người khác về “sự lạ” này. Ngày nay, các tâm lý gia nói rằng không thể có số đông người như vậy mà chỉ là ảo giác cộng đồng. Các nhóm nhỏ cũng thấy Chúa Giêsu phục sinh, chẳng hạn như các tông đồ, ông Clê-ô-pa và người bạn đồng hành. Họ cùng thấy một sự việc, còn trường hợp các tông đồ, họ còn sờ vào Chúa Giêsu và xem rõ các vết thương của Chúa Giêsu, rồi tận mắt thấy Ngài ăn uống nữa. Không thể nào là ảo giác, vì sau khi Chúa Giêsu lên trời, họ mới không còn gặp lại Ngài.

  1. Phaolô trở lại

Cuộc trở lại của Thánh Phaolô là bằng chứng mạnh mẽ về việc biến đổi cuộc đời mau chóng. Là Saolê cùa thành Tác-sô, ông là người bắt đạo dữ dội. Khi Chúa Giêsu phục sinh hiện ra với ông trên đường Đa-mát, ông trở thành nhà truyền giáo của Kitô giáo. Ông chịu 5 lần đánh bằng roi, 3 lần đánh đập, 3 lần đắm tàu, 1 lần bị nén đá, chịu nghèo nàn và bị chế nhạo. Cuối cùng, hoàng đế Nê-rô của Rôma đã chặt đầu Phaolô vì tội không chịu bỏ niềm tin vào Đức Kitô phục sinh. Điều gì khiến Phaolô chịu cực hình như vậy? Các Kitô hữu tin rằng cuộc trở lại của Phaolô là nhờ ông đã gặp được Đức Kitô phục sinh.

  1. Người ta dám chết vì Chúa Giêsu

Vô số người đã dám thí mạng vì Chúa Giêsu, chắc chắn sự phục sinh của Chúa Giêsu là một sự kiện có thật trong lịch sử. Truyền thống nói rằng có 10 tông đồ trong Nhóm Mười Hai đã tử đạo vì Đức Kitô phục sinh. Hàng trăm, hàng ngàn Kitô hữu thời sơ khai đã chịu chết tại đấu trường Rôma và tại các nhà lao tù vì họ vững tin vào Đức Kitô phục sinh. Ngày nay, người ta cũng vẫn bị bách hại vì tin vào Đức Kitô phục sinh. Rất nhiều vị tử đạo đã chết ở nhiều nơi suốt hai ngàn năm qua, vì họ vững tin rằng Chúa Giêsu sẽ ban cho họ sự sống đời đời.

TRẦM THIÊN THU

(Viết theo từ Y-Jesus.com và Christianity.about.com)

______________________________

(1) John W. Montgomery, Lịch sử và Kitô giáo (Downers Grove, ILL: InterVarsity Press, 1971), 78.

(2) Norman L. Geisler và Frank Turek, Tôi Không Đủ Tin Để Là Người Vô Thần (Wheaton, IL: Crossway, 2004), 243.

(3) Michael Green, Thập Giá Trống Trơn Của Chúa Giêsu (Downers Grove, IL: InterVarsity, 1984), 97, trích dẫn trong John Ankerberg và John Weldon, Biết Sự Thật Về Sự Phục Sinh (Eugene, OR: Harvest House), 22.

Kẻ Báo Thù Sẽ Chuốc Lấy Báo Thù Của Thiên Chúa!

Kẻ Báo Thù Sẽ Chuốc Lấy Báo Thù Của Thiên Chúa!

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Năm 1998 tôi mất đứa con gái cưng Marie-Lou, đang mơn-mởn trong lứa tuổi dậy thì. Marie-Lou đột ngột qua đời trong một tai nạn lưu thông do một tên tài xế bất cẩn say rượu gây ra.

Làm sao giải thích cho được và diễn tả cho cùng tâm tình ngổn-ngang rách-nát ruột gan của một người cha trong một hoàn cảnh tương tự??? Đứa con gái cưng duy nhất của bạn – một phần của chính bạn – bỗng dưng bị cướp mất sự sống chỉ vì một tên say rượu không kiểm soát được lay lái của hắn??? Cơn giận của tôi đùng-đùng nổi lên. Một niềm uất-hận vô bờ giáng xuống trên cái tên tài xế say rượu đã cướp trọn gia sản tinh thần quý báu nhất đời tôi! Tôi nghĩ rằng cuộc sống chấm dứt đối với tôi. Không còn gì trên cõi đời này là quan trọng đối với tôi! Tất Cả thực sự đã chấm dứt theo sau cái chết của đứa con gái cưng duy nhất.

Suốt thời gian chờ đợi cuộc xét xử tên tài xế sát nhân, tôi như người sống trong cơn mê. Tôi mong sao mau đến cái ngày quan tòa kết án tên sát nhân hầu tôi có thể hả giận và trút bỏ được cơn hận thù chồng chất trong lòng! Thế nhưng tôi đã lầm. Sự thật không phải như vậy. Quan tòa kết tội nhưng cơn giận trong lòng tôi vẫn không dứt. Tôi vẫn lê-thê tiến bước với cái giận dữ nung-nấu trong tâm hồn. Cho đến một ngày, 3 năm sau cái chết của đứa con gái cưng, một cuộc gặp gỡ đã làm đảo lộn tất cả.

Năm ấy tôi thường xuyên viếng thăm một người bạn bị bệnh nặng đang nằm điều trị nơi nhà thương. Bỗng một ngày – trong một lần viếng thăm bạn – tôi chạm mặt một phụ nữ trẻ tuổi khoảng đôi mươi. Nàng ngồi xe lăn nhưng toàn thân nàng lại toát ra một niềm vui sống dạt dào. Rồi một ngày nơi phòng đợi nàng bỗng vui vẻ kể cho tôi nghe lý do tại sao nàng phải ngồi xe lăn. Nàng đang đi môtô thì bị một tài xế lái ẩu chạy băng đèn đỏ đụng vào! Nghe nàng kể đến đây lòng tôi lại đùng đùng nổi giận, nhớ đến câu chuyện đau thương của chính mình! Người phụ nữ vui tươi kể tiếp. Trong vòng 18 tháng, kể từ khi tai nạn xảy ra, nàng không hề nuôi mối hận thù nào đối với người tài xế bất cẩn đã gieo tai họa cho nàng. Trái lại, nàng cảm thấy tri ân THIÊN CHÚA vì đã cho nàng niềm hạnh phúc vẫn còn sống bên cạnh Mẹ Cha và những người thân yêu. Rất có thể, nếu nàng bi-quan thù hận đời thì càng gây thêm nỗi đau đớn cho Cha Mẹ. Điều này không mang ích lợi nào cho ai hết: cho chính nàng cũng như cho các người thân yêu của nàng.

Lẳng lặng lắng nghe người phụ nữ trẻ tuổi – ngồi xe lăn – bày tỏ tâm tình, tôi bỗng như người vừa thoát ra khỏi cơn mê. Cho đến lúc đó, tuyệt đối tôi không thể nào tha thứ cho tên tài xế đã giết chết đứa con gái của tôi. Giờ đây, Caroline – tên người phụ nữ trẻ tuổi – dạy tôi bài học:

– THA THỨ là lãnh nhận niềm an bình nội tâm.

Ở đây – trong trường hợp của tôi – THA THỨ không phải là giải hòa với tên tài xế sát nhân mà là GIẢI HÒA với chính tôi. Khi tha thứ tôi được giải thoát khỏi hận thù và kể từ đó tôi có thể cùng với hiền thê nhắc lại bao kỷ niệm thân thương về đứa con gái dấu yêu đã sớm từ bỏ chúng tôi. THA THỨ trao ban cuộc sống mới cho tình yêu phu thê của hai vợ chồng chúng tôi.

Quả thật, từ hận thù đến THA THỨ chỉ có một bước nhỏ, vậy mà tôi đã phải mất đến 3 năm mới bước được, nhờ cuộc gặp gỡ đổi đời với một phụ nữ trẻ tuổi tàn tật.

(Chứng từ của ông Jean-Michel người Pháp).

… “Oán hờn và giận dữ là những điều ghê tởm, về chuyện đó kẻ tội lỗi có biệt tài. Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của THIÊN CHÚA, tội lỗi nó, Người xem xét từng ly. Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được thứ tha. Người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin THIÊN CHÚA chữa lành! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó? Hãy nhớ đến ngày tận số mà chấm dứt hận thù, nhớ mình sẽ phải hao mòn và phải chết mà trung thành giữ các điều răn. Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao mà không chấp nhất điều lầm lỗi” (Sách Huấn Ca 27,1/28,1-7).

(“Annales d’Issoudun”, Janvier/2008, trang 9)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt, 2/3/2015