Phêro Trần Ngọc Quảng
Có những chuyện đúng sai không quan trọng, con không cần giải thích, ai hiểu được thì hiểu, đừng nói nữa, bởi đâu phải bao giờ sự thật cũng thắng. Thật ra họ đâu cần sự thật, họ cần cái cớ để thị phi mà thôi !
Đừng nghe ai đó nói gì về tôi. Nếu muốn hiểu tôi. Ngồi xuống. Ta không cần nói xấu ai cả, ta kể nhau nghe về cuộc đời mình !!!
Cuộc sống sẽ không cho phép con quay lại và sửa chữa những lỗi lầm trong quá khứ. Nhưng vẫn luôn cho con cơ hội hôm nay, để sống khác hơn ngày hôm qua. Con không cần hơn thua với bất kỳ ai, bởi vượt qua chính mình mới là thử thách lớn nhất. Mong con hãy lặng lẽ mà sống, âm thầm mà vươn.
Bình yên sẽ luôn bên con … cố lên con nhé !!!
S.T.
Vài kỷ niệm về Đức Hồng y thứ 5 người Việt Nam-ĐHY.PX. NGUYỄN VĂN THUẬN
XIN TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU BÀI CHIA SẺ ĐẦY TÍNH LỊCH SỬ BI TRÁNG VỀ ĐHY.PX. NGUYỄN VĂN THUẬN
Tác giả bài viết: TS. Phạm Huy Thông
(Sau khi rời khỏi ngục tù suốt 13 năm)
Vài kỷ niệm về Đức Hồng y thứ 5 người Việt Nam.
Giáo phận Bùi Chu
Thứ sáu – 17/09/2021
Thế mà thấm thoắt đã hơn 20 năm, kể từ ngày tôi lần đầu tiên được diện kiến với Đức TGM Nguyễn Văn Thuận. Tôi nhớ hồi giữa năm 1990, khi biết tin Mẹ Teresa Calcutta sắp sang thăm Việt Nam, tôi rất muốn viết một bài báo về Mẹ mà không kiếm đâu được tư liệu. Lúc đó internet chưa có, sách báo nước ngoài rất hiếm, chỉ có thể biết tin tức Công giáo bập bõm qua đài Veritas hoặc Vatican. Tôi đánh liều vào Toà Giám mục Hà Nội để mong gặp Ngài vì Ngài vừa mới được trả tự do về đây nhưng chưa được đi đâu vì không có giấy chứng minh thư. Gặp mấy cha quen biết để đề xuất, ai cũng lắc đầu cho rằng, chắc Ngài chẳng tiếp vì lúc đó tôi đang cộng tác với báo Người Công giáo Việt Nam. Tôi chạy tìm cha Toma Aquino Nguyễn Xuân Thuỷ đề nghị và hồi hộp chờ đợi. Mấy phút sau, Ngài xuống. Tôi đã xem ảnh Ngài nhiều lần nhưng vẫn ngạc nhiên khi gặp Ngài. Phải nói là Ngài có vóc dáng rất đẹp và phúc hậu. Ngài hỏi thăm về công việc, gia đình của tôi rất ân cần. Tôi băn khoăn về việc đang cộng tác với tờ báo Người Công giáo Việt Nam vì hiện ở Việt Nam không có tờ nào chính thức nào của giáo hội cả. Ngài bảo: không có gì Chúa dựng tạo là xấu cả. Chỉ có điều mình chưa làm cho nó trở nên tốt đẹp mà thôi. Anh xem, cây gỗ đóng đinh Chúa vốn là công cụ giết người mà Chúa đã làm cho nó nên vật thánh thiêng, là biểu tượng của đạo Công giáo đấy”. Tôi rất thích suy tư này và về sau có nói lại với Đức cha GB. Bùi Tuần. Đức cha Bùi Tuần rất tâm đắc và vẫn thường xuyên động viên tôi coi việc viết báo và nghiên cứu khoa học nghiêm túc cũng là một công việc truyền giáo.
Sáng hôm sau, Ngài cho người đưa cho tôi tờ giấy ghi khá kỹ về tiểu sử của Mẹ Teresa Calcutta kèm cả bức ảnh Mẹ nhận giải Nobel ở Oslo (Nauy) năm 1978 nữa. Bởi vậy, khi Mẹ đến Toà Tổng giám mục Hà Nội năm 1991, tôi vào biếu Mẹ tờ báo có bài “Thiên thần Calcutta đến Việt Nam” có cả ảnh, Mẹ cầm tờ báo thích lắm bảo: Làm sao vừa đến Hà Nội đã có báo đăng?”. Rồi Mẹ hỏi tôi: Báo này là báo gì? Tôi đáp: Báo Người Công giáo Việt Nam. Mẹ hỏi tiếp: Báo Người Công giáo Việt Nam của ai? Lúc đó vốn tiếng Anh của tôi “terrible” (tồi tệ) lắm nên quay sang nhờ cô thông dịch viên của Bộ Ngoại giao. Cô giãy nảy lên: Cháu chịu không sao dịch được. Lập tức Đức TGM Nguyễn Văn Thuận quay lại nói: Báo Người Công giáo Việt Nam là của người Công giáo Việt Nam. Tôi cảm ơn Ngài về sự giúp đỡ này. Mẹ Teresa bảo tôi: Lần sau nếu có bài nào viết về Mẹ thì gửi cho Mẹ qua ông Đại sứ Ân Độ tại Hà Nội. Tôi có viết mấy bài nữa và gửi như lời Mẹ dặn. Không biết Mẹ có nhận được không?
Cũng vì mấy bức ảnh Ngài gửi tôi có chú thích trên báo rằng: Ảnh do Đức cha FX. Nguyễn Văn Thuận cung cấp mà tôi bị ông Phó Trưởng Ban Dân vận phê bình nặng lời (khi đó Báo trực thuộc Ban dân vận Trung ương, mặc dù tôi đã khéo léo không đề chức vụ TGM), vì cho rằng, tôi kém nhạy bén chính trị dám đưa tên một người mà xã hội đang muốn quên đi lên mặt báo. Ông dứt khoát chỉ đạo Ban tổ chức không nhận tôi về làm việc ở báo Người Công giáo Việt Nam nữa.
Rồi đoàn của Đức Hồng y Bernard Law của giáo phận Boston Hoa Kỳ sang thăm Việt Nam, tôi lại chạy vào xin Ngài tư liệu. Ngài cũng mau mắn giúp đỡ. Chữ của Ngài rất đẹp, chữ cao, thanh thoát và rất rõ ràng. Tôi vẫn còn giữ những bì thư đó như kỷ vật của Ngài.
Tôi nghe đồn rằng, lúc đó Việt Nam đang bị Hoa Kỳ cấm vận ngặt nghèo và Nhà nước muốn Ngài tác động với Tổng thống Carter và Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo 2 để Hoa Kỳ nới lỏng lệnh cấm vận vì nghe nói Ngài rất thân thiết với các vĩ nhân này. Ngài đã nhận lời. Không biết kết quả cụ thể thế nào nhưng năm 1991, khi Đức Cha Phạm Đình Tụng lúc đó đang là Giám quản Hà Nội có văn thư đề nghị Ngài làm TGM Hà Nội thì Nhà nước lo lắng thật sự vì trước đây Ngài được bổ nhiệm là TGM Phó tổng giáo phận Sài Gòn đã được coi như là “âm mưu hậu chiến của Vatican” nay lại về TGM Thủ đô thì làm sao chấp nhận được. Bởi vậy, bằng mọi cách người ta khuyên Ngài đi thăm bà cố ở Austrailia. Tôi nhớ hôm đó là ngày 21-9-1991, mặc dù mới chớm đông nhưng Hà Nội trời rất lạnh, tôi bám theo xe của Đức cha FX. Nguyễn Văn Sang ra sân bay Nội Bài để tiễn Ngài. Tôi có nghe nói loáng thoáng rằng, Ngài sẽ bị cấm quay về Việt Nam. Có lẽ Ngài cũng linh cảm thấy điều này. Ngài chụp ảnh kỷ niệm với mọi người và bắt tay từng người đưa tiễn. Ngài đứng giữa, gọi tôi đứng bên cạnh cùng Đức cha Sang. ( ảnh bên, rất đẹp do cha FX. Nguyễn Thế Khải- một linh mục được Ngài truyền chức bí mật chụp và tôi vẫn giữ đến hôm nay). Khi bắt tay tôi, Ngài hỏi:
– Nhà báo dự đoán xem bao giờ tôi trở về Hà Nội?
Tôi đáp theo lối ngoại giao rằng:
– Đức Cha sẽ trở về Việt Nam với cương vị khác và màu phẩm phục khác.
Không ngờ đấy là lần cuối cùng tôi được gặp Ngài và cũng là lần cuối cùng Ngài được đứng trên mảnh đất quê hương.
Năm 2000, Uỷ ban giáo dân của HĐGMVN tổ chức hội thảo về Văn hoá Công giáo Việt Nam đầu tiên ở Huế quy tụ cả ngàn người tham dự có tiếng vang lắm nhưng cũng rất tốn kém. Khi đó tôi đang làm Thư ký cho Uỷ ban giáo dân liền trao đổi với Đức cha Chủ tịch FX. Nguyễn Văn Sang khi qua Roma nên nhờ Đức TGM Nguyễn Văn Thuận giúp đỡ và Đức cha Sang về cho biết. Ngài rất cổ vũ cho những hoạt động như thế và sẵn sàng vận động nguồn tài trợ giúp những cuộc hội thảo lần sau. Tiếc rằng sau đó, Ngài bị ốm phải nhập viện và qua đời nên không thực hiện được.
Khi Ngài được tấn phong Hồng y tháng 2-2001, tôi có viết bài: “Vài nét về vị Hồng y thứ năm người Việt Nam” (cũng không dám viết tên). Một sĩ quan công an tên là M.V- cháu ruột của một ông tướng công an có tiếng gọi điện bảo tôi rằng, ông ta từng coi trại giam trong đó có tù nhân Nguyễn Văn Thuận. Khi tôi gặp ông, ông nói:
“Tôi coi nhiều tù Công giáo nhưng có hai người tôi thán phục là ông Nguyễn Văn Vinh (cha chính Vinh) và ông Nguyễn Văn Thuận. Họ thông minh, trí tuệ nhưng đặc biệt là nhẫn nhục và vị tha. Viên sĩ quan công an kể rằng, mới vào trại được mươi ngày, ông Thuận xin cán bộ trại giam mua hoặc mượn cho sách học tiếng Nga. Rồi mượn bộ Lênin toàn tập bằng tiếng Nga. Khoảng vài tháng, ông Thuận bảo:
– Các cán bộ có ai biết tiếng Nga không?
Vị công an hỏi lại: Ông cần làm gì?
Ông Thuận nói: Để cán bộ nghe tôi nói tiếng Nga thế nào?
Ông công an đáp: Kỷ luật trại không cho phép nói chuyện với phạm nhân bằng tiếng nước ngoài.
Thật ra, chúng tôi ai ở trong trường dù phổ thông hay đại học tại Việt Nam lúc đó chẳng học tiếng Nga nhưng học xong chữ thầy trả thầy cả, làm gì mà nói được tiếng Nga nữa nên nói tránh đi thế”.
Khi Ngài qua đời ngày 17-9-2002, tôi lại viết bài: “Tiễn người lên đường Hy vọng”. Mặc dù bài báo bị Ban biên tập cắt mất quá nửa nhưng cũng gây được cảm tình của bạn đọc. Lại một ông công an nhắn tôi gặp để kể cho nghe nhiều chuyện về người tù Nguyễn Văn Thuận. Ông bảo: tôi thật may mắn và hạnh phúc khi được coi tù nhân Nguyễn Văn Thuận. Chính vị tù nhân này đã giải phóng cho tôi khỏi ngục tù tội lỗi và tối tăm để quay về làm con Chúa”. Ông đã bỏ ngành công an và gia nhập đạo Công giáo để mang tên thánh Phaolô. Ông là nhà văn và là triết gia Nguyễn Hoàng Đức, bây giờ cũng sinh hoạt cùng nhóm Doanh Trí Công giáo với chúng tôi. Chắc chắn ông sẽ là một chứng nhân với phái đoàn điều tra của Toà thánh sắp tới khi sang Việt Nam để thẩm định về việc phong thánh của Ngài với bài: “Con đường đức tin vào Nước Chúa qua cây cầu Hồng y FX. Nguyễn Văn Thuận” nên tôi không muốn nói nhiều ở đây nữa.
Cho đến giờ, tôi vẫn không hiểu vì sao Nhà nước Việt Nam lại lo ngại về một con người hiền lành như vậy. Thậm chí cả đến những ai liên quan cũng bị nghi ngờ luôn. Trường hợp Đức cha Nguyễn Văn Hoà được đề cử về Hà Nội là một ví dụ đến nỗi Thủ tướng Phan Văn Khải trả lời các giám mục Việt Nam năm 2002 rằng: “việc giám mục Nguyễn Văn Hoà xin về Hà Nội xin từ nay không đề cập đến nữa”. Vì nghe đâu Đức cha Phao lô Hoà là do Đức cha Thuận tấn phong nên chắc có “liên hệ gì đó”. Tôi có lần nói chuyện với Đức cha Hoà về chuyện này. Đức cha cũng ngạc nhiên và chịu không thể tìm ra lý do.
Ngài đã ở trại giam tới 13 năm trong đó có 9 năm biệt giam nhưng chưa hề nghe Ngài nói hay viết những lời ca thán, căm ghét chế độ hay thù hận những người đã bắt bớ, giam cầm Ngài. Mặc dù, hoàn cảnh ở trại giam rất tồi tệ. Ngài viết trong Chứng nhân và Hy vọng: “Ở trại Phú Khánh, tôi bị giam trong phòng không có cửa sổ, phải đi qua 3 lớp cửa trong một hành lang mới đến chỗ tôi. Vào đó nóng nực vô cùng, tôi ngột ngạt và cảm thấy trí óc mất sáng suốt dần dần, cuối cùng là mê man. Có lúc người ta để đèn sáng như ban ngày, lúc khác lại nằm trong bóng tối. Buồng vừa nóng vừa ẩm, đến nỗi khi tôi nằm dưới nền, nấm mốc mọc lên trắng cả chiếc chiếu của tôi. Lúc nằm trong tối tăm, tôi thấy có một lỗ dưới vách, ánh sáng dọi vào, tôi lao đến, kê mũi để thở. Lúc nào trời mưa, nước ở ngoài ngập, những con trùng ở ngoài bò vào, có cả giun và những con rết dài. Dù thấy vậy, nhưng tôi yếu mệt quá không làm gì được, tôi cứ dể chúng bò quanh, ngày nào nước xuống thì chúng lại bò ra”…
Thật ra, cũng có những mưu toan chính trị muốn lợi dụng Ngài. Năm 1973, khi thấy tình thế lâm nguy, đúng là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có nhờ anh trai mình là Nguyễn Văn Hiếu lúc đó đang là đại sứ Việt Nam cộng hoà tại Italia xin Toà thánh bổ nhiệm Đức cha Nguyễn Văn Thuận làm TGM Sài Gòn nhưng Toà thánh không chấp nhận vì cho đấy là sự can thiệp của phần đời. Tài liệu số NT1/4-Lm 10/12 ở Bộ Tư lệnh cảnh sát quốc gia Sài Gòn còn ghi lại chuyện này. Còn việc chọn Ngài sau đó nhất là việc bổ nhiệm sát ngày Sài Gòn thất thủ (25-4-1975) rất dễ gây hiểu lầm nhưng trong bối cảnh bất khả kháng. Trong thư của ông Trương Tấn Sang- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân T.p HCM gửi cho Đức TGM Nguyễn Văn Bình ngày 22-9-1993 có viết: “Như Cụ đã biết, năm 1975, chính phủ ta đã không chấp nhận ông Nguyễn Văn Thuận về giáo phận thành phố và dứt khoát không bao giờ chấp nhận vì ông Nguyễn Văn Thuận từng gắn bó với một gia đình có nhiều nợ máu với nhân dân và bản thân ông Nguyễn Văn Thuận cũng có một quá trình lâu dài và tinh vi chống phá sự nghiệp giành độc lập và bảo vệ độc lập dân tộc”.
Về gia đình cựu Tổng thống Ngô Đình Diệm tốt xấu thế nào đã có nhiều bài viết, thiết nghĩ không cần nói thêm, chỉ biết rằng, chính Hồ Chí Minh cũng nhận định” Ngô Đình Diệm là người yêu nước theo cách của ông ấy”. Song dù gia đình thế nào, cũng chỉ ảnh hưởng chứ không thể quyết định đến việc xem xét một con người cụ thể. Còn về Đức cha Nguyễn Văn Thuận, chúng tôi cũng cố gắng tìm các tài liệu nhưng chưa thấy tài liệu nào trưng ra bằng chứng “chống phá tinh vi” như những lời cáo buộc. Chỉ tìm thấy một lời sám hối của linh mục Thanh Lãng – một trong những người đã ký tên đòi Đức cha Thuận phải rời Sài Gòn về Nha Trang được viết ngày 28-11-1988 như sau:
“Tôi xin công khai sám hối với Chúa và Hội thánh toàn cầu và Việt Nam. Lạy Chúa xin tha thứ cho con mọi lỗi lầm và ban cho con lòng tin, lòng trông cậy và ơn tha thứ.
Tôi xin công khai sám hối xin Đức cha Nguyễn Văn Thuận, xin Chúa giữ gìn và trả công cho Đức cha.
Tôi xin công khai sám hối và xin lỗi tất cả vì tình anh em linh mục mà tôi vô tình hay cố ý làm mất lòng.
Tôi xin công khai và xin lỗi toàn thể dân Chúa mà tôi hối tiếc là chưa được phục vụ trong mục vụ.
Tôi xin mọi người tha tội cho tôi để Hội thánh và Chúa tha tội cho tôi.”
Nghe nói linh mục Thanh Lãng đã gửi một bản sám hối này cho Ngài trước khi đương sự qua đời song không thấy Ngài phản hồi. Có lẽ Ngài đã quên chuyện ấy từ lâu rồi. Vì Ngài đã phó thác tất cả cuộc đời Ngài cho Chúa. Ngài chỉ có nhiệm vụ sống từng giây, từng phút cho tốt, cho nên thánh mà thôi: “Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng. Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng” (ĐHV 978).
Tôi bỗng nhớ trong một lần đến xin tài liệu của Ngài, tôi hỏi: Làm sao để vào được Nước Trời?
Ngài trả lời bằng câu chuyện vui hóm hỉnh: Có một linh mục đạo đức lắm khi qua đời, gặp thánh Phêrô, thánh nhân hỏi: Trên trần cha làm được những công trạng gì? Vị linh mục đáp: Con chu toàn mục vụ, khuyên bảo kẻ tội lỗi, gíup đỡ người khó khăn, an ủi kẻ bệnh tật… Thánh Phêrô bảo: Cha được 1 điểm, còn gì nữa không? Vị linh mục hỏi lại: Vậy bao nhiêu điểm mới được lên Thiên đàng? Thánh nhân đáp: 1000 điểm. Vị linh mục kêu lên: Lạy Chúa xin Chúa thương thế nào chứ con lấy đâu ra 1000 điểm? Thánh nhân nói to: 1000 điểm nữa. Vậy là cha thừa điểm lên Thiên đàng rồi”.
Cho nên, dù mai đây kết quả cuộc điều tra phong thánh của Ngài thế nào thì tôi vẫn tin Ngài đã được hưởng vinh quang nơi Chúa vì Ngài luôn tin tưởng, phó thác vào tình yêu của Chúa.
***Tôi còn biết chính Hồng y Thuận được coi là ân nhân của nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đã liên hệ với Hồng Y Bernard Law để chữa trị bệnh máu trắng cho cháu ngoại của tướng Giáp khi Hoa Kỳ còn cấm vận Việt Nam.
(Viết nhân lễ giỗ lần thứ 10 của Đức Hồng y F.X)
Tác giả bài viết: TS. Phạm Huy Thông
From: Do Tan Hung & Kim Bang Nguyen
Huyền thoại về tượng thương tiếc
Huyền thoại về tượng thương tiếc
Chuyện hiển linh xưa nay không hiếm, nhưng những huyền thoại về Tượng Thương Tiếc, sống động như chuyện đời thường, chuyện hàng ngày trước mắt, khiến cho ai nghe cũng cảm động nghiêng mình kính cẩn và hết lòng thán phục.
Huyền thoại về Tượng Thương Tiếc được lan toả khắp nơi và khá nhiều chuyện tình tiết khó hiểu:
– Các xe chở rau từ Đà Lạt về khuya thường gặp một người lính ra chặn xe xin mua rau, khi tới bến kiểm lại tiền chỉ thấy toàn là tiền vàng mã.
– Một chuyện khác xảy ra ở Biên Hoà, vào một buổi sáng, có một quân nhân đặt mua bánh mì khá nhiều, khi giao hàng cho người quân nhân ra về, người chủ cất tiền vô tủ, đến lúc cần tiền lấy hàng, mở tủ ra chỉ thấy toàn tiền vàng mã, trong khi đó mỗi mộ ở nghĩa trang đều được cúng một khúc bánh mì…
– Có một cụ già ở chân núi Châu Thới, đêm nọ trời đã khuya, cụ nghe tiếng gọi ở ngoài xin nước uống. Khi đem nước và đèn ra cho người xin nước, thoạt đầu cụ tưởng như những lần quân đội hành quân vào xin nước. Nhưng khi người lính uống xong, ngẩng mặt lên cám ơn ra đi thì cụ chợt sửng sốt, tự nghĩ “sao lại có người lính giống Tượng Thương Tiếc đến như thế?”. Sáng hôm sau cụ già ra nghĩa trang để kiểm lại, cụ nhận thấy mặt mũi vóc dáng anh lính xin nước tối qua y hệt pho tượng Thương Tiếc, vết sình non hãy còn dính đầy đôi giầy trận, cụ cho rằng đêm qua bức tượng đã hiện thành người. Cụ về thuật lại với bà con ở Suối Lồ Ô, một người đi xem rồi về đồn mười, đồn trăm… lan khắp cả Thủ Đức, Tân Vạn, Biên Hoà, đổ nhau đi coi tượng đài Thương Tiếc làm xe cộ kẹt cứng cả một quãng đường trước cổng nghĩa trang.
– Một chuyện khác, những đêm trăng, những đêm mưa gió trở trời hiu hắt, dân chúng xung quanh vùng nghĩa trang có người nhất quyết chính mắt họ trông thấy người lính giống hệt Tượng Thương Tiếc đi lại trên xa lộ!
Chuyện huyền bí lan truyền rất nhiều trong dân chúng và trong Quân Đội. Một số sĩ quan yêu cầu Chuẩn Úy Thường Vụ Chung Sự Nghĩa Trang cho biết những gì thật sự mắt thấy tai nghe, Chuẩn Úy Thường Vụ Kể:
“Nhân một hôm đi Chợ Tam Hiệp sắm đồ giỗ ông già, khi mua xong, tôi cho tài xế đem về nhà trước. Tôi ghé thăm các bạn ở Tam Hiệp và mời họ đến nhà ăn giỗ ngày hôm sau. Khi về, trời sẩm tối, đến cổng nghĩa trang, tôi nghỉ chân dưới bức tượng. Không biết cao hứng thế nào, trước khi lội bộ về nhà, tôi nhìn lên tượng, và nói với giọng điệu cố hữu của một Thượng Sĩ đại đội:
– Ê mày, mai giỗ ông già tao, mày có rảnh ghé nhà tao 2 giờ chiều nhậu chơi.
Nói xong tôi bước về nghĩa trang vì tôi ở phía sau khu nhà phục dịch chung sự. Tám giờ sáng hôm sau, việc cúng giỗ bắt đầu và tiệc nhậu kéo dài đến một giờ chiều. Tiễn khách ra về xong, tôi đi ngủ, phần vừa say, phần vì đêm qua thức khuya. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe tiếng gõ cửa ầm ầm. Nhà cửa rung rinh, tôi giật mình la to:
– Ai phá nhà tao đó?
Tiếng gõ cửa vẫn không dứt, tôi bực bội đứng dậy mở cửa, tôi sửng sốt, thấy Tượng Thương Tiếc đứng chình ình trước cửa và nói:
– Chuẩn Úy Thường Vụ Bê bối quá, kêu hai giờ chiều đến nhậu, nhưng ông nằm say sưa ngủ tôi nhậu với ai?…
Tôi hoảng, đóng sập cửa lại, không dám ngó ra ngoài. Tôi nghe tiếng cười khằng khặc và bước đi rung rinh nhà, tiếng chân xa dần rồi im bặt”.
Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Đại Đội Chung Sự Nghĩa Trang Biên Hoà kể trường hợp ông gặp Tượng Thương Tiếc ngồi sau xe Jeep của ông:
“Khi chạy xe vào Nghĩa Trang, tôi hay dừng lại, đón những binh sĩ đi bộ từ cổng vào, cho họ đỡ mỏi chân. Một buổi trưa, ăn cơm xong, trở lại làm việc, lúc tới cổng nghĩa trang, tôi dừng xe đón một Hạ Sĩ xin quá giang. Lúc anh ta ngồi vào phía sau, tôi bắt đầu rồ ga, sang tay số tiếp tục chạy vào trong. Rồ ga hoài mà xe không tiến thêm một tí nào… Tôi quay ra, định nhờ anh lính xuống đẩy giùm… thì thấy bức Tượng Thương Tiếc đang ngồi phía sau. Tôi chưa kịp phản ứng gì thì có tiếng nói cất lên:
– Xe jeep Thiếu Tá sao chở nổi tôi…
Tiếp đó là một tràng cười khằng khặc, đồng thời bức tượng cũng biến mất”.
Vị Thiếu Tá còn kể tiếp:
“Nghĩa trang ở trên đồi vào tháng mưa cỏ mọc um tùm nên phải thuê người vô cắt cỏ. Trong lúc một cô đang cắt cỏ, có một anh binh sĩ đến tán tỉnh, vì quen với lối trêu chọc của lính nên cô chẳng thèm quay lại xem hình dáng người tán tỉnh mình là ai. Cô nghe tiếng người lính hỏi:
– Cô có biết tôi là ai không?
Cô gái vẫn cắm cúi làm việc và trả lời:
– Ông là ai, kệ ông chứ mắc mớ gì tôi…
Bỗng cô gái nghe một tràng cười ngạo nghễ từ phía sau và những bước chân thật nặng nề rung chuyển cả đất. Bấy giờ cô mới quay lại, thấy bức tượng đài kỷ niệm đang đứng trước mặt. Cô la hoảng, chạy vào khu làm việc, kể lại sự tình vừa xảy ra cho tôi nghe, đồng thời cô cũng xin nghỉ việc ngay ngày hôm đó…”
– Một chuyện khác: “Vào giữa một đêm trăng mờ năm 1968, một chiếc xe đò chở đầy hành khách từ miền Trung về, khi tới xa lộ còn cách nghĩa trang quân đội 500 thước, viên tài xế bị ngủ gật nên thắng gấp, khiến bánh xe trợt một đoạn dài, rồi lật nghiêng. Trong lúc mọi người đang khóc than, đang tìm cách đập vỡ cửa kiếng chui ra, thì chợt có tiếng nói vang lên:
– Xin đồng bào bình tĩnh… xin đồng bào bình tĩnh… ai đâu ở đó… đã có lính nhảy dù đến cứu bồ.
Tiếng nói vừa dứt thì xe được đẩy lại dựng đứng như cũ, anh tài xế cùng lơ xe và khách vừa mở cửa ra ngoài, vừa hết lời khen sức mạnh ghê gớm của đại ân nhân. Thế nhưng mọi người chỉ thấy ân nhân dáng người cao lớn đứng sừng sững bên kia đường, rồi ông ta bước từng bước rất dài về phía trước. Tới trước cửa nghĩa trang quân đội thì biến mất. Anh tài xế bỗng la thất thanh, chỉ vào Tượng Thương Tiếc:
– Bà con ơi… ổng đó… ổng đó… Trời ơi… trời ơi… ổng hiển linh cứu bà con mình.
Thế là mọi người vội leo ngay vào trong xe, rồi ai nấy đều chắp tay lạy… đều đọc kinh râm ran… cả kinh Phật lẫn kinh Chúa”.
– Chuyện Tượng Thương Tiếc cứu người bị cướp: “Vào lúc 10 giờ tối tháng 3 năm 1969, có hai cặp tình nhân đi trên hai chiếc Honda ra xa lộ hóng gió, gần tới nghĩa trang thì bị ba chiếc khác chở 6 thanh niên tóc dài ép té bên đường. Liền sau đó 3 tên ngồi phía sau nhảy xuống dùng dao uy hiếp khổ chủ để cướp xe và lấy tiền. Trong lúc bọn cướp cạn đang trói các nạn nhân, thì bỗng có tiếng hét lớn trên đầu dốc:
– Chớ làm càn… chớ làm càn.
Rồi liền đó xuất hiện ở giữa đường xa lộ một bóng đen… Bóng đen khệnh khạng đi tới, một tên cướp hoảng hốt gào lên:
– Ối giời ơi… ma ma, chạy… chạy…
Thế nhưng không làm sao chúng chạy được, cứ thế đứng sững như trời trồng, bóng đen hai tay xách bổng hai chiếc Honda bỏ bên vệ đường, vừa lúc đó có bốn chiếc xe chạy đến, một xe Cảnh Sát đi tuần, một xe Jeep của bốn quân nhân nhảy dù, trên có một Trung Tá, còn hai xe kia là du lịch. Thấy chuyện lạ, các xe ngừng hết lại. Dưới bóng tối mờ mờ mọi người thấy trên đỉnh dốc có một bóng đen đứng hiên ngang lừng lững. Khi rõ chuyện, Cảnh Sát đến chỗ bọn cướp, đứa nào đứa nấy cứ như bị điểm huyệt. Một người lớn tiếng hỏi:
– Còn ai đứng ở trên kia đó…
Một tràng cười vang lên, rồi một giọng như sấm động…
– Cố gắng, Nhảy Dù… cố gắng.
Như hiểu ra chuyện, vị Trung Tá Nhảy Dù trấn an mọi người:
– Không sao đâu, pho tượng Thương Tiếc đi tuần thôi.
Sau đó ông vẫy tay la to:
– Về nghỉ đi em, khuya rồi… Nhảy Dù…
Bóng đen bỗng đứng nghiêm giơ tay chào:
– Cố gắng… Tuân lệnh Trung Tá”.
Tôi chợt nhớ một đoạn trong bài học thuộc lòng thời xa xưa:
Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.
Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một dãy sơn hà gấm vóc!
Chuyện hiển linh xưa nay không hiếm, nhưng những huyền thoại về Tượng Thương Tiếc, sống động như chuyện đời thường, chuyện hàng ngày trước mắt, khiến cho ai nghe cũng cảm động nghiêng mình kính cẩn và hết lòng thán phục. Sống nằm gai nếm mật bảo vệ quê hương, chết hồn thiêng còn hiện về giúp người hoạn nạn… Dù có bị làm nhục phỉ báng cũng không quên vai trò của người lính chiến.
Trần Công Nhung
CÂY THÁNH GIÁ CỦA NGƯỜI TÙ
Bạn có biết⁉
Về cây Thánh Giá của ĐHY Thuận đeo trên mình. Đây là lời bộc bạch của chính ngài.
—
CÂY THÁNH GIÁ CỦA NGƯỜI TÙ
—
Trong cuộc đời tôi, có những lúc chính hoàn cảnh thực tế đã giúp soi sáng tôi khi nghĩ tới nhiệm vụ lớn lao làm chứng tá cho Chúa Kitô.
Trong thời gian bị biệt giam, tôi được giao cho 5 người canh gác. Họ thay phiên nhau luôn luôn có hai người ở với tôi. Các cấp chỉ huy nói với họ: “Cứ mỗi hai tuần chúng tôi sẽ thay thế các anh bằng một nhóm khác, để các anh không bị : tiêm nhiễm bởi ông Giám mục nguy hiểm này.”
Sau một thời gian, chính họ lại đổi quyết định:“Chúng tôi sẽ không thay đổi các anh nữa, bởi nếu không thì ông giám mục đó sẽ tiêm nhiễm tất cả công an của chúng ta.”
Ban đầu công an canh gác không nói chuyện với tôi. Họ chỉ trả lời có hay là không.
Thật là buồn, tôi muốn tử tế và nhã nhặn với họ mà không được. Họ tránh nói chuyện với tôi.
Đêm nọ, một tư tưởng đến với tôi: “Phanxicô, con còn giầu lắm, con còn tình yêu Chúa Kitô trong tim, hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu thương con.”
Ngày hôm sau tôi bắt đầu yêu Chúa Giêsu nơi họ hơn nữa, bằng cách cười nói trao đổi với họ vài câu thân tình. Tôi bắt đầu kể cho họ nghe về những chuyến đi ngoại quốc của tôi, cho họ biết các dân tộc tại Mỹ, tại Nhật Bản, tại Phi luật Tân…sống như thế nào, và nói với họ về kinh tế, về sự tự do, về kỹ thuật.
Tôi đã kích thích tính tò mò của họ và đưa họ tới chỗ đặt rất nhiều câu hỏi. Dần dần chúng tôi trở thành bạn với nhau. Họ muốn học tiếng ngoại quốc: tiếng Pháp, tiếng Anh…và như thế những người canh tù trở thành học trò của tôi.
Một lần khác, trong trại tù Vinh Quang, trên núi Vĩnh Phú, vào một ngày mưa, tôi phải bổ củi. Tôi hỏi người canh tù:
– Tôi có thể xin anh một điều được không?
Anh cứ nói, tôi sẽ giúp anh.
– Tôi muốn đẽo một hình Thánh giá bằng gỗ.
Anh không biết rằng ở đây cấm ngặt không được phép có bất cứ vật gì mang dấu chỉ tôn giáo hay sao?
– Tôi biết chứ, nhưng chúng ta là bạn với nhau, và tôi hứa là sẽ giữ kín.
– Sẽ rất nguy hiểm cho cả hai chúng ta.
– Anh nhắm mắt làm ngơ đi, tôi sẽ làm ngay bây giờ và hết sức cẩn thận.
Anh ta lỉnh ra xa và để tôi một mình. Tôi đã đẽo miếng gỗ hình Thánh gía và đã giấu trong một mảnh xà phòng cho tới ngày được trả tự do, rồi với một lớp kim loại mỏng bọc bên ngoài. Thánh gía đó đã trở thành Thánh giá Giám mục của tôi.
Trong một trại tù khác, tôi đã xin với một người bạn canh tù khác một sợi dây điện. Anh ta hoảng hồn nói với tôi:
– Tôi đã học ở đại học an ninh rằng, nếu một mgười xin dây điện có nghĩa là họ muốn tự tử.
Tôi giải thích cho anh ta:
– Các linh mục Công giáo không được tự tử.
– Nhưng anh làm gì với sợi dây điện đó?
– Tôi muốn làm một dây xích nhỏ để đeo Thánh Gía.
– Làm sao mà có thể làm một dây đeo với sợi dây điện được? Không thể làm được.
– Nếu anh đem cho tôi hai cái kìm nhỏ, tôi sẽ chỉ cho anh thấy.
-Nguy hiểm lắm.
Nhưng mà mình là Bạn với nhau mà.
Ba ngày sau anh ta nói với tôi: “Thật khó mà từ chối anh điều gì. Tối mai khi tới phiên tôi gác, tôi sẽ đem đến cho anh một sợi dây điện. Phải làm xong trong vòng ba giờ đồng hồ.”
Chiều hôm sau từ 7.00 giờ cho tới 11.00 giờ, cẩn thận không để cho ai trông thấy, với hai cái kìm nhỏ chúng tôi đã cắt sợi dây điện thành từng đoạn ngắn khoảng một que diêm và chúng tôi uốn cong chúng để kết lại với nhau. Và ba giờ sau, trước khi đổi phiên canh, sợi dây đeo đã thành hình.
Sợi dây và cây Thánh Giá này tôi luôn đeo mỗi ngày, không phải bởi vì chúng là kỷ niệm của thời gian ở tù, nhưng vì chúng giúp tôi thấy xác tín sâu xa lời luôn nhắn nhủ tôi:
CHỈ CÓ TÌNH YÊU CHÚA KITÔ MỚI CÓ THỂ THAY ĐỔI CON TIM, CHỨ KHÔNG PHẢI KHÍ GIỚI, CÁC ĐE DỌA HAY CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG
Chính tình yêu chuẩn bị con đường cho việc loan báo Tin Mừng.
“Omnia vincit amor – TÌNH YÊU CHIẾN THẮNG MỌI SỰ.”
Chiếc bánh thứ nhất: Sống phút hiện tại
Hoa Kim Ngo shared a post.
An Nam Yakukohaiyo
Chiếc bánh thứ nhất: Sống phút hiện tại
Trích tác phẩm “Năm chiếc bánh và hai con cá” được Hồng Y Nguyễn Văn Thuận viết khi bị đưa đi tù cải tạo
Tên tôi là Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, người Việt Nam. Đối với người ngoại quốc tên tôi khó đọc, nên ở Tanjania, Nigeria, Đại Hàn, Đài Loan, các bạn trẻ gọi tôi là “Bác Francis” (Uncle Francis) hay đơn giản hơn nữa là “Francis!”
Đến 23-4-1975 tôi làm Giám mục đã được tám năm, tại Nha Trang, Trung phần Việt Nam, Giáo phận đầu tiên Tòa Thánh trao phó cho tôi. Tôi đã sống những ngày tháng hạnh phúc ở đó và Nha Trang vẫn chiếm một chỗ đặc biệt trong quả tim tôi. Ngày 23-4-1975, Đức Phaolô VI đã đặt tôi làm Tổng Giám mục phó Sàigòn. Khi cộng sản đến Sàigòn, họ đã bảo rằng: “Việc bổ nhiệm một Giám mục một tuần trước khi chúng tôi đến Sàigòn là một âm mưu giữa Vatican và đế quốc, nhằm tổ chức chống cộng sau này”.
Ba tháng sau, ngày 15-8-1975, tôi được mời vào Dinh Độc lập lúc 2 giờ chiều và bị bắt ở đó.
Đêm đó, trên đường dài 450 km, xe công an chở tôi về nơi quản thúc. Bao nhiêu tâm tình lẫn lộn trong đầu óc tôi: lo lắng có, cô đơn có, mệt mỏi có, sau mấy tháng căng thẳng…nhưng trong trí tôi, một quyết định sáng tỏ đã đánh tan mây mù. Tôi nhớ lời Đức Cha John Walsh, một Giám mục truyền giáo gốc Mỹ, đã nói lúc ngài được tự do sau 12 năm tù ở Trung cộng: “Tôi đã mất nữa đời người để chờ đợi”. Rất đúng! tất cả mọi tù nhân, trong đó có tôi, phút giây nào cũng mong đợi tự do. Suy nghĩ kỹ, trên chiếc xe Toyota trắng, tôi đã đặt cho mình một quyết định: “Tôi sẽ không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương”.
Đây không phải là một cảm hứng đột xuất, nhưng là một xác tín đã ấp ủ suốt quãng đời mãi từ tiểu chủng viện: “Nếu tôi mất giờ đợi chờ, không làm gì hết, biết đâu những điều tôi đợi sẽ không bao giờ đến. Chỉ có một điều, dù không đợi cũng vẫn đến, đó là sự chết!”
Trong làng Cây Vông, nơi tôi bị quản thúc, ngày đêm có nhân viên an ninh chìm nổi theo dõi. Trong óc một tư tưởng không ngừng làm tôi xót xa, thao thức: “Giáo dân của tôi! một đoàn chiên hoang mang, giữa bao hiểm nguy, thách đố của một giai đoạn lịch sử mới. Làm sao tôi có thể gần gủi, liên lạc với họ, trong giai đoạn họ cần đến người mục tử nhất! Các nhà sách Công giáo bị đóng cửa, trường học Công giáo do Nhà nước quản lý, tôn giáo sẽ không còn được dạy dỗ trong các trường nữa; các linh mục, sư huynh, nữ tu có khả năng phải đi ra thôn quê, đi nông trường lao động, không được dạy học nữa! Sự xa lìa giáo dân là một cú “sốc” giày vò tan nát quả tim tôi.
Tôi không đợi chờ. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương. Nhưng làm thế nào?
Một đêm, một tia sáng đến với tôi: “Con hãy bắt chước thánh Phaolô. Khi ngài ở tù, không hoạt động tông đồ được, ngài đã viết thư cho các giáo đoàn. Đơn giản vậy mà con đi tìm đâu cho xa?”
Sáng hôm sau, vừa mới tinh sương, giữa tháng 10 năm 1975, tôi làm hiệu cho một cậu bé 7 tuổi, tên Quang, vừa đi lễ 5 giờ ra, trời còn mù và lạnh: “Quang! con về nói má con mua cho ông mấy “bloc” lịch cũ, ông cần dùng”. Chiều tối, chú bé mang lại mấy “bloc” lịch cũ. Thế là mỗi đêm trong tháng 10 và tháng 11, 1975, tôi đã đóng hết cửa, lấy giấy xi-măng dán bên trong và viết “Sứ điệp từ ngục tù” cho giáo dân của tôi, dưới ánh đèn dầu leo lét, mặc cho muỗi tha hồ đốt. Mỗi sáng thực sớm tôi trao cho bé Quang, mấy tờ lịch tôi đã viết sau lưng, mang về cho anh, chị của Quang chép lại kẻo mất. Nếu để trên bàn tôi, “ông An” (một giáo dân) thấy sẽ sinh tai họa. Đấy là đầu đuôi sách “Đường Hy Vọng”, sứ điệp lao tù thành hình là như thế. Hiện nay sách đã được xuất bản bằng tám thứ tiếng.
Chúa đã ban ơn cho tôi có nghị lực để tiếp tục làm việc, kể cả những lúc chán nản nhất. Tôi đã viết đêm ngày trong một tháng rưỡi, vì tôi sẽ bị “chuyển trại” và không có điều kiện hoàn tất được. Lúc viết đến số 1001 tôi quyết dừng lại, xem đây như công trình “nghìn lẻ một đêm”. Ngày 8-12-1975, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Tội, tôi đã tạ ơn Đức Mẹ cho tôi viết xong “Đường Hy Vọng” và trao trong tay Đức Mẹ gìn giữ, đó là của Đức Mẹ, nhờ ơn của Đức Mẹ, xin Đức Mẹ tiếp tục lo liệu. Đoán vậy mà không sai, đến ngày 18-3-1976, tôi bị đưa vào trại Phú Khánh, biệt giam vất vả nhất.
Năm 1980, lúc bị đưa ra quản thúc ở Giang Xá, Bắc Việt, tôi đã tiếp tục viết mỗi đêm trong bí mật cuốn thứ hai, “Đường Hy Vọng Dưới Anh Sáng Lời Chúa và Công Đồng Vatican II”, cuốn thứ ba, “Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng”.
Tôi không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy yêu thương.
Trong Phúc âm, các Tông đồ muốn chọn con đường dễ nhất, khỏe nhất: “Xin Thầy cho dân chúng về, để họ mua thức ăn”…Nhưng Chúa Giêsu muốn hành động trong phút hiện tại: “Chính các con hãy cho họ ăn đi” (Lc 9, 1). Trên thánh giá, khi người ăn trộm thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, khi về thiên đàng xin Ngài nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Hôm nay con sẽ ở cùng Ta trên nước thiên đàng” (Lc 23, 42-43). Trong tiếng “hôm nay” của Chúa Giêsu, tôi cảm thấy tất cả sự tha thứ, tất cả tình thương của Ngài.
Cha Maximiliano Kolbe sống tinh thần ấy khi ngài khuyên các tập sinh trong dòng: “Tất cả, tuyệt đối, không điều kiện”. Tôi đã nghe Đức Cha Helder Camara nói: “Cả cuộc đời là học yêu thương”. Một lần Mẹ Têrêxa Calcutta gửi thư cho tôi, Mẹ viết: “Điều quan trọng không phải là số công tác đã thực hiện nhưng là mức độ tình yêu ta đã để vào mỗi công việc”.
Làm sao yêu thương đến cao độ như thế trong mỗi phút hiện tại? Tôi nghĩ rằng tôi phải sống mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút như là giờ phút cuối cùng của đời tôi. Dẹp bỏ những gì là phụ thuộc, tập trung cả tâm hồn cho những gì là chính yếu. Mỗi lời nói, mỗi tư tưởng, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi quyết định phải là “đẹp nhất” của đời tôi. Tôi phải dành cho mỗi người tình yêu của tôi, nụ cười của tôi: tôi phải lo sợ đánh mất một giây phút nào trong đời mình vì đã sống không ý nghĩa…
Tôi đã viết trong sách Đường Hy Vọng: “Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: giây phút hiện tại (x Mt 6, 34; Gc 4, 13-15). Sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn, đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất. Con thấy đơn sơ, không phải khó (ĐHV 997).
Các bạn trẻ thân mến, trong thời đại này, Chúa Giêsu cần đến các bạn. Đức Gioan Phaolô II tha thiết kêu gọi các bạn hãy đương đầu với những thách đố của thế giới hôm nay:
Chúng ta đang sống trong một giai đoạn đầy biến chuyển kinh khủng. Những lý thuyết được xem là đủ sức thi gan cùng tuế nguyệt nay đã đến lúc xế chiều. Trên hoàn cầu, cần phải phác họa lại ranh giới của nhiều quốc gia. Nhân loại tự cảm thấy mình rất lúng túng, hốt hoảng, lo lắng (Mt 9, 36). Nhưng lời Chúa không bao giờ qua đi; đọc lại lịch sử, chúng ta thấy bao nhiêu biến cố thăng trầm, đang lúc ấy lời Chúa đứng vững và chiếu sáng (Mt 24, 35). Đức tin của Hội thánh được xây dựng trên Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu thế độc nhất: hôm qua hôm nay và mãi mãi (Eb 13, 18).
(Gioan Phaolô II, Sứ điệp NQTGT XII, số 2)
Cuồng tử, tại nơi quản thúc: Giang Xá, Bắc Việt
ngày 19-3-1980, Lễ Thánh Giuse.
Nhà Truyền Giáo sống trong tù, Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận.
CÁC NHÀ TRUYỀN GIÁO THỜI ĐẠI (Phần ba)
Tác giả: Phan Sinh Trần
Nhà Truyền Giáo sống trong tù, Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận.
Năm 1975, đang khi Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận trẻ trung ở tuổi bốn mươi bẩy, với sự hiểu biết uyên bác, thông thạo bẩy ngoại ngữ bao gồm tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Hoa, Ý, Latin, ngài lại giàu kinh nghiệm tổ chức, điều hành hội thánh. Đang khi ngài sẵn sàng để chăn dắt tổng giáo phận Sài Gòn thì Chúa gởi ngài vào chốn ngục tù, để làm một nhà truyền giáo sống trong lao xá. Ngày 15 tháng 8 năm 1975, Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, Ngài đã bị bắt giải ra Nha Trang, tạm thời bị cầm giữ ở nhà xứ Cây Vông. Trong năm tù thứ nhất, Ngài đã viết cuốn “Đường hy vọng”. Cuốn sách này được Ngài coi là di chúc tinh thần gửi tới mọi người công giáo Việt Nam trong và ngoài nước giúp họ chọn lựa Chúa trong muôn thử thách và học cách bước đi theo Chúa qua kinh nghiệm từ chính những gì Ngài đang trải qua trong chốn lao tù. “Đường Hy Vọng” là phương cách phúc âm hóa độc đáo từ nhà tù. Đức Cha kể:
– Trong làng Cây Vông, nơi tôi bị quản thúc, ngày đêm có nhân viên an ninh chìm nổi theo dõi. Trong óc một tư tưởng không ngừng làm tôi xót xa, thao thức: “Giáo dân của tôi! một đoàn chiên hoang mang, giữa bao hiểm nguy, thách đố của một giai đoạn lịch sử mới. Làm sao tôi có thể gần gủi, liên lạc với họ, trong giai đoạn họ cần đến người mục tử nhất! Các nhà sách Công giáo bị đóng cửa, trường học Công giáo do Nhà nước quản lý, tôn giáo sẽ không còn được dạy dỗ trong các trường nữa; các linh mục, sư huynh, nữ tu có khả năng phải đi ra thôn quê, đi nông trường lao động, không được dạy học nữa! Sự xa lìa giáo dân là một cú “sốc” giày vò tan nát quả tim tôi.
- Tôi không đợi chờ. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy tình thương. Nhưng làm thế nào?
- Một đêm, một tia sáng đến với tôi: “Con hãy bắt chước thánh Phaolô. Khi ngài ở tù,
không hoạt động tông đồ được, ngài đã viết thư cho các giáo đoàn. Đơn giản vậy mà con đi tìm đâu cho xa?”
Chúa đã ban ơn cho tôi có nghị lực để tiếp tục làm việc, kể cả những lúc chán nản nhất. Tôi đã viết đêm ngày trong một tháng rưỡi, vì tôi sẽ bị “chuyển trại” và không có điều kiện hoàn tất được. Lúc viết đến số 1001 tôi quyết dừng lại, xem đây như công trình “nghìn lẻ một đêm”.
Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: giây phút hiện tại (Mt 6, 34; Gc 4, 13-15).
Sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn, đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất. (Đường Hy Vọng, trang 997).
Ngày nay sách “Đường Hy Vọng” được dịch ra nhiều thứ tiếng và phát hành bởi các nhà xuất bản khắp Âu Á.
Thời gian tiếp theo, cuộc điều tra của tổng cục an ninh, Bộ Công An gia tăng cường độ và việc đánh giá tội danh của chính quyền trung ương Cộng Sản Việt Nam nâng lên mức nghiêm trọng nặng nề, Đức Cha gặp nhiều khó khăn, bị liên tục tra khảo nhiều ngày đêm và bị hành khổ cho kiệt sức đến mức ngài cảm thấy mình đang bị chết dần mòn trong từng bộ phận của cơ thể, Đức Cha kể:
– Ngày 8-12-1975, tôi bị đưa vào trại Phú Khánh, biệt giam vất vả nhất. Ở trại Phú Khánh, tôi bị giam trong một phòng không có cửa sổ, phải đi qua 3 lớp cửa trong một hành lang mới đến khí trời. Vào đó nóng cực kỳ, tôi ngột ngạt và cảm thấy trí óc mất sáng suốt dần dần, cuối cùng là mê man. Có lúc người ta để đèn sáng như ban ngày, lúc khác lại nằm trong bóng tối. Buồng vừa nóng vừa ẩm, đến nỗi tôi xuống nằm dưới nền, còn nấm thì mọc lên trắng cả chiếc chiếu của tôi. Lúc nằm trong tối tăm, tôi thấy có một lỗ dưới vách, ánh sáng lọt vào, tôi lết đến, kê mũi vào đó để thở. Lúc nào trời mưa, nước ở ngoài ngập, những con trùng ở ngoài bò vào, có cả giun và có lần có cả con rết dài. Dù thấy vậy, nhưng tôi yếu mệt quá không làm gì được, tôi cứ để cho chúng bò quanh, ngày nào nước xuống, thì chúng lại bò ra.
Cán bộ điều tra của Bộ Công An Cộng Sản trừng phạt Ngài bằng cách để cho bị cô lập hoàn toàn trong bóng tối, thinh lặng triền miên, sự trừng trị kéo dài nhiều tháng trường, làm cho Ngài không còn ý thức được thời gian đang diễn ra thuộc về ban ngày hay đêm, cán bộ điều tra ác độc đến mức họ không cho người tù ngay cả không khí để thở, thiếu không khí thở thì tình trạng hôn mê diễn ra làm cho Ngài không còn thấy đói cũng như không buồn ngủ. Ngài thường nôn oẹ và chóng mặt triền miên, và toàn thân đau đớn… Tâm trí ngài trống rỗng với cảm tưởng thời gian đang kéo dài ra đến bất tận. Khi nầy, trí nhớ bác học của ngài bắt đầu lung lay, cho đến nỗi ngài không thể nhớ một kinh Lậy Cha, kinh Kính Mừng để đọc. Ngài đã ở trước ngưỡng cửa của bệnh điên dại. (ĐHV tr. 228). Trong nhiều tuần lễ nối tiếp nhau, sự u ám thinh lặng bao vây toàn diện đã làm cho tâm trí ngài khiếp sợ, bị thiếu vắng mọi dấu hiệu hiện diện của con người ở chung quanh, trong màn đen bao trùm, ngài hết sức ao ước nghe được các tiếng động, bất cứ tiếng động gì vì ngài có cảm tưởng là mình không thuộc thế giới của kẻ sống nữa… Trong các điều kiện khiếp đảm như thế, người tôi tớ Chúa chợt hiểu ra rằng sinh mạng mình có ra sao thì linh hồn mang hy vọng nơi Đấng toàn năng đầy yêu thương sẽ không bao giờ tắt và ngài có thể dâng tất cả đau đớn thống khổ cho Chúa vì yêu mến Người. Thế nên phòng giam của ngài dần dần trở nên một nơi có thể ở được, đau đớn nhường bước cho niềm vui và thống khổ trở thành nguồn suối hy vọng.
o Nhưng trong cơn cơ cực này, Chúa đã cứu tôi! Tôi phải chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa: Chính Chúa muốn cho tôi ở đây, chứ không phải nơi khác”
o Ánh sáng ấy sẽ đem lại cho tôi niềm an bình mới, làm thay đổi hoàn toàncách suy tư của tôi và đã giúp tôi vượt thắng những khoảnh khắc hầu như không thể chịu nổi về phương diện thể lý. Từ đó, một sự an lành tràn ngập tâm hồn tôi trong suốt 13 năm tù đày…
Nhà Truyền Giáo cho Tù Cải Tạo, Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận.
Ngày 1.12.1976, ngài cùng nhiều tù nhân chính trị khác đang bị giam ở miền Nam, được đưa xuống tàu Trường Xuân đi ra Bắc. Khi ra đi, vì không có gì để đựng các đồ tùy thân, ngài phải lấy cái quần cột hai ống lại và dồn đồ vào trong rồi mang đi. Chúng ta hãy nghe chính ngài kể lại các diễn biến này:
– Ngày mồng 1 tháng 12 năm 1976, lúc 9 giờ tối, bất thình lình tôi bị gọi cùng với vài tù nhân khác. Chúng tôi bị xích người này với người kia từng hai người một và được đẩy lên một xe cam nhông. Cuộc hành trình ngắn đưa chúng tôi tới Tân Cảng, là hải cảng quân sự mới do người Mỹ mở mấy năm trước đó. Chúng tôi trông thấy một con tàu trước mặt, hoàn toàn chìm trong bóng tối để dân chúng khỏi để ý. Chúng tôi bị đưa lên tàu đi ra Bắc – một cuộc hải hành dài 1.700 cây số…
– Cùng với các tù nhân khác, tôi bị đem xuống hầm tàu, nơi chứa than. Chỉ có một ngọn đèn nhỏ leo lét cháy. Còn lại là hoàn toàn tối om. Chúng tôi tất cả là 1.500 người, trong tình cảnh không thể tả được. Một cơn bão nổi dậy trong tâm trí tôi. … từ giờ phút này trở đi không biết tôi sẽ phiêu bạt tới chân trời góc bể nào. Tôi suy niệm lời thánh Phaolô nói:
“Tôi đi Giêrusalem mà không biết điều gì sẽ xẩy ra cho tôi ở đó. Tôi chỉ biết rằng Chúa
Thánh Thần khuyến cáo tôi rằng tại mọi thành tôi tới, xiềng xích và gian truân đang chờ đợi tôi.” (Cv 20:22-23). Tôi đã sống trong lo âu suốt đêm hôm ấy.
Trong lúc Miền Nam nước Việt đang tan tác, con dân bị đày ải thì Đấng quyền năng hay thương xót đã có sự an ủi nào cho đoàn tù nhân mang trọng tội với chính quyền Cộng Sản?
Chúa đã an bài cho Đức Cha Thuận bị áp giải chung trong hầm tầu u ám, đen ngòm để làm mục vụ cho một đoàn bao gồm các tù nhân trong số bị chính quyền cách mạng Cộng Sản kết trọng tội, xếp họ vào hạng ác ôn nhất, ngay lập tức Ngài đem đến hy vọng cho nhiều tù nhân đang bị áp tải trên tàu nhất là cứu được một người đang treo cổ tự tử bằng dây thép,
Đức Cha kể lại:
– Ngày hôm sau, khi một chút ánh sáng mặt trời lọt vào hầm tàu, tôi nhận ra chung quanh tôi những gương mặt buồn sầu và tuyệt vọng của các tù nhân khác. Bầu khí sầu thảm như đám tang. Một trong các tù nhân đã tìm cách treo cổ tự tử với một sợi
dây thép. Những người khác gọi tôi. Tôi đến nói chuyện với anh. Sau cùng anh lắng
nghe lời tôi. Cách đây hai năm, trong một cuộc họp liên tôn tại California, tôi đã gặp
lại anh. Mặt mừng rỡ, anh tiến tới gặp tôi và cám ơn tôi. Anh đã cho mọi người xem
các vết thẹo còn hằn trên cổ.
– Trong cuộc hành trình, khi các tù nhân biết có Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, họ đến với tôi để kể lể các nỗi lo âu của họ. Tôi đã chia sẻ các đau khổ của họ và an ủi họ hàng giờ và suốt cả ngày. Trong ba ngày trên tàu, tôi an ủi các tù nhân khác và tôi suy niệm về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Đêm thứ hai, giữa cái lạnh của Thái Bình Dương trong tháng 12, tôi bắt đầu hiểu rằng ơn gọi của tôi bắt đầu một giai đoạn mới. Trong giáo phận, tôi đã đưa ra các sáng kiến khác nhau cho công tác rao truyền Tin Mừng cho người bên lương. Giờ đây phải cùng Chúa Giêsu đi về nguồn gốc của việc loan báo Tin Mừng. Phải cùng Ngài đi chết “bên ngoài tường thành”, “bên ngoài tường thánh.”
Ông Nguyễn Thanh Giàu, người bị giam chung cùng khoang với ngài trên tàu Trường Xuân, đã tóm lược lại những gì xẩy ra trong khoang tàu của ngài như sau:
– Suốt mấy ngày ngồi dưới sàn tàu chở than dơ bẩn, lại thêm mấy thùng chứa phân, chứa nước tiểu bị tràn ra ngoài, mọi người như ngồi trên hầm phân. Đức Cha Thuận một lần nữa lại an ủi anh em, cố gắng giữ vững tinh thần, nếu để tinh thần sa sút bị bịnh lúc nầy thì rất là khổ…
Sau đó, Đức Giám Mục Thuận bị đưa ra trại Vĩnh Quang, khu rừng núi Vĩnh Dao tỉnh Vĩnh Phú. Ông Giàu có dịp cùng ở tù chung trại đã cho rằng nhờ sự an hòa giữa hoàn cảnh tù tội của nhà Truyền Giáo Nguyễn Văn Thuận, nó đã có ảnh hưởng gắn bó và nâng đỡ với hầu hết các tù nhân lương giáo, ông kể:
– Có một điểm rất đặc biệt, khi cán bộ trại giam bắt tất cả tù nhân lên hội trường, là một gian nhà trống giữa sân trại, để làm bản tự khai… Sau vài giờ viết tự khai, họ cho nghỉ giải lao, người thì đi uống nước, đi vệ sinh, hút thuốc, nhưng phần đông thì bu quanh Ông Già để nghe Ông nói chuyện. Một cách rất trung thực mà nói, lúc bây giờ bu quanh Đức Cha Thuận không phải chỉ có giáo dân mà trong đó có đủ thành phần tín đồ các tôn giáo khác như Phật Giáo, Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo. Riêng tôi, là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, lúc bấy giờ tôi không nhìn Đức Cha Thuận là Một Đức TGM Công Giáo mà nhìn Ngài là MỘT BẬC CHÂN TU, MỘT NHÀ TU HÀNH ĐÁNG KÍNH
Trong trại tù, ngài vẫn cử hành Thánh Lễ cho chính mình và cho những tù nhân khác. Những người đến thăm ngài tại trại cải tạo đã lén chuyển rượu lễ và bánh lễ cho ngài, ngụy trang bằng chai thuốc trị đau bao tử:
– Mỗi ngày tôi dùng ba giọt rượu và một giọt nước đổ vào lòng bàn tay để cử hành Thánh Lễ. Những người tù được chia làm 50 người. Chúng tôi ngủ chung trên một cái giường thật dài, mỗi người được 50 centimet. Mỗi đêm, chúng tôi thu xếp có 5 người công giáo nằm cạnh tôi. Đến 9.30 là giờ ngủ, trong bóng tối, tôi cúi mình trên giường để dâng Thánh Lễ thuộc lòng và phân phát Thánh Thể cho nhau bằng cách luồn tay dưới các tấm màn chống muỗi. Chúng tôi dùng bao thuốc lá để cất giữ Mình Thánh và đem cho người khác, riêng tôi luôn giữ Mình Thánh Chúa trong túi.
Thánh thể trở thành giây phút trung tâm của ngày sống ngài, ở đó, ngài có thể múc lấy năng lực cần thiết để củng cố đức tin mình và để làm cho mình được tràn ngập hy vọng. Hai tháng sau, ngài lại phải bị chuyển sang trại Thanh Liệt ở ngoại ô Hà Nội, ở đó, ngài bị giam chung phòng với một đại tá thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Ông này là một gián điệp có phận sự tường trình mọi cử chỉ và lời nói của Đức Cha Thuận. Nhưng dần dà, sự hiền hòa, chân thực và uyên bác của Ngài đã làm cho người bạn chung phòng này thay đổi và trở thành bạn hữu của ngài đến đỗi ông ta đã khuyên ngài một điều khôn ngoan lớn đó là cậy nhờ Đức Mẹ La Vang. Ngài kể:
– Ông Hải đã từng ở tù, nằm cùng buồng với tôi để mật thám tôi, sau đã thành bạn của tôi. Trước ngày ông ta ra về, ông đã hứa với tôi:
Nhà tôi ở Long Hưng, chỉ cách La Vang 3 km, tôi sẽ đi La Vang cầu nguyện cho anh”.
Tôi tin lòng thành thật của anh bạn, nhưng tôi hoài nghi làm sao một người cộng sản
mà đi cầu nguyện Ðức Mẹ cho tôi! Sáu năm sau, đang lúc tôi ở biệt giam, tôi đã được
một bức thư của ông Hải, lạ lùng thật! Lạ hơn nữa là lời lẽ của ông “Anh Thuận thân mến, tôi đã hứa với anh, tôi sẽ đi cầu nguyện Ðức Mẹ La Vang cho anh. Mỗi Chủ nhật, nếu trời không mưa, lúc nghe chuông La Vang, tôi lấy xe đạp vào trước đài Ðức Mẹ, vì chiến tranh bom đạn đã đánh sập nhà thờ rồi. Tôi cầu nguyện thế này: Thưa Ðức Mẹ, tôi không có đạo, tôi không thuộc kinh nào cả. Nhưng tôi đã hứa sẽ đi cầu nguyện Ðức Mẹ cho anh Thuận, nên tôi đến đây. Xin Ðức Mẹ biết anh Thuận cần gì thì cho anh ấy”.
Tôi hết sức cảm động. Tôi đọc đi đọc lại rồi đặt thư xuống nhắm mắt lại: “Lạy Mẹ, Mẹ
đã dùng anh cộng sản này để dạy con cầu nguyện; chắc Mẹ đã nhậm lời anh ấy, con mới còn sống đây!”
Sau 15 tháng sống trong trại Thanh Liệt ngoại ô Hà Nội, và nhờ các áp lực quốc tế bênh vực ngài, ngày 13.5.1978, ngài được chở xe đến một ngôi làng cách Hà Nội 20 cây số, làng Giang Xá, bị bắt buộc cư trú tại nhà xứ của giáo xứ, do một lính canh gác ngày đêm, và được phép lui tới và đi dạo, với điều kiện là không thông hiệp với bất cứ ai đang sống quanh đó, và những người nầy cũng có phận sự xem chừng đến ngài. Ngài kể:
– Năm 1980, lúc bị đưa ra quản thúc ở Giang Xá, Bắc Việt, tôi đã tiếp tục viết mỗi đêm trong bí mật cuốn thứ hai, “Đường Hy Vọng Dưới Anh Sáng Lời Chúa và Công Đồng Vatican II”, cuốn thứ ba, “Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng”. Tôi không chờ đợi. Tôi sống phút hiện tại và làm cho nó đầy yêu thương. Làm sao yêu thương đến cao độ như thế trong mỗi phút hiện tại? Tôi nghĩ rằng tôi phải sống mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút như là giờ phút cuối cùng của đời tôi.
Nhà Truyền Giáo cho Cai Tù, Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận.
Chúa Thánh Thần sẽ làm cách nào để giúp cho Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận kết bạn với các cai tù nghiêm khắc đang theo chủ nghĩa vô thần.
Chúa có sự dạy dỗ trực tiếp nào cho Ngài?
Chúa có ban sức mạnh tinh thần, Chúa có đổ trong tim ngài một tình yêu chân thành vô điều kiện để có thể làm bạn với cai ngục, những người quen hành hạ tù chính trị bằng nhục hình hoặc các biện pháp tâm lý ác hiểm không?
Làm sao có được một thứ quan hệ “bạn hữu” giữa Tù nhân và Cai Ngục, điều mong muốn gần như bất khả thi vì đã có nhiều người cố gắng mà không thể cảm thông được. Đức Cha kể:
– Ở trại giam Phú Khánh, một đêm tôi đau quá, thấy một người gác đi qua, tôi kêu: “Tôi đau quá, xin anh thương tình cho tôi thuốc!” Anh ta đáp: “Ở đây chẳng có thương yêu gì cả, chỉ có trách nhiệm”. Ðó là bầu khí chúng tôi ở trong tù.
Tôi phải làm thế nào?
Một đêm đông lạnh quá, không ngủ được, tôi nghe một tiếng nhắc nhủ tôi: “Tại sao con dại thế? Con còn giàu lắm: Con mang tình thương Chúa Giêsu trong tim con. Hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu con”. Sáng hôm sau, tôi bắt đầu mến họ, yêu mến Chúa Giêsu trong họ, tươi cười với họ, trao đổi đôi ba câu nói…
Đức Cha Thuận không hề nản chí dù bị cai tù xa lánh và khinh mạn, “phạm nhân” Thuận có tình yêu dồi dài, phong phú và tha thiết của Chúa Giê Su cho “anh em cai tù” của mình. Ngài tiếp tục lân la trò chuyện, khơi gợi sự tò mò của cai ngục:
– Lúc tôi bị biệt giam, trước tiên người ta trao cho năm người gác tôi: đêm ngày có hai anh trực. Cứ hai tuần đổi một tổ mới, để khỏi bị tôi làm nhiễm độc. Một thời gian sau không thay nữa, vì “cấp trên” nói: “Nếu cứ thay riết thì sở công an bị nhiễm độc hết!”
Thực thế, để tránh nhiễm độc, mấy anh không nói với tôi, họ chỉ trả lời “có” hoặc “không”. Họ tránh nói chuyện với tôi. Buồn quá! Tôi muốn lịch sự vui vẻ với họ, họ vẫn lạnh lùng. Phải chăng họ ghét “cái mác phản động” nơi tôi: Tất cả áo quần đều đóng dấu hai chữ lớn “cải tạo”, kể từ ngày bước chân vào trại Vĩnh Quang ở Bắc Việt…
– Tôi thuật lại những chuyến đi ra nước ngoài, cuộc sống, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật, tự do dân chủ ở Canada, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Pháp, Ðức, Úc, Áo, v.v… Những câu chuyện đó kích thích tính tò mò của họ, giục họ đặt nhiều câu hỏi. Tôi luôn luôn trả lời… Dần dần chúng tôi trở thành bạn. Họ muốn học sinh ngữ Anh, Pháp… tôi giúp họ. Từ từ mấy chiến sĩ gác tôi trở thành học trò của tôi! Bầu khí nhà giam đổi nhiều, quan hệ giữa họ với tôi tốt đẹp hơn. Thậm chí cả những ông xếp công an, thấy tôi đối xử chân thành, không những họ xin tôi giúp các chiến sĩ học hành ngoại ngữ, nhưng họ còn gửi anh khác đến học.
Tôi sống theo lời Chúa Giêsu dạy:
“Ðiều gì con làm cho một người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính mình Ta”.
Tình hình trong trại cải tạo có sự cải thiện rõ nét, các lính gác đối xử với ngài khác trước, họ có thái độ tốt hơn. Có lần, ngài xin phép một người lính giúp ngài một nguyện vọng và sau khi anh ta hỏi lại để biết chắc ngài không phải có ý muốn tự tử, anh ta đã lén lút đưa cho ngài sợi giây thép và một cái kềm nhỏ để ngài có thể làm một sợi dây chuyền, dùng đeo thánh giá gỗ cũng do chính ngài tự đẽo gọt, trên cổ. Lại đến một lần khác, có một vị lãnh đạo (Ban Tôn Giáo?) vấn kế với Đức Giám Mục:
– Một hôm một ông xếp hỏi tôi “Ông nghĩ thế nào về tờ tuần báo Người Công giáo?”
– Nếu viết đúng cả nội dung cả hình thức thì có lợi; nếu ngược lại thì không thêm đoàn kết, lại còn thêm chia rẽ, bất lợi cho cả người Công giáo và cho cả nhà nước.
– Làm thế nào cải thiện tình trạng ấy?
– Những cán bộ phụ trách về tôn giáo phải hiểu đúng mỗi tôn giáo thì việc đối thoại, tiếp xúc các chức sắc mỗi tôn giáo cũng như các tín hữu mới có tính cách xây dựng, tích cực và tạo nên thông cảm giữa đôi bên.
– Ông có thể giúp được không?
– Nếu các vị muốn, tôi có thể viết một cuốn Lexicon (từ điển bỏ túi) gồm những danh từ thông dụng nhất trong tôn giáo, từ A đến Z, chừng nào các vị có giờ rảnh, tôi sẽ giải thích rõ ràng, khách quan. Hy vọng các vị có thể hiểu lịch sử, cơ cấu, sự phát triển và hoạt động của Giáo hội…Họ đã trao giấy mực cho tôi, tôi đã viết cuốn “lexicon” đó, bằng tiếng Pháp, Anh, Ý, Latinh, Tây Ban Nha, và Trung Quốc với phần giải thích bằng Việt ngữ. Dần dà tôi có cơ hội giải thích hoặc giải đáp thắc mắc, tôi chấp nhận làm sáng tỏ những chỉ trích về Giáo hội. “Lexicon” ấy trở thành một cuốn giáo lý thực hành. Ai cũng muốn biết viện phụ là gì, thượng phụ là gì, Công giáo khác Anh giáo, Tin Lành, Chính Thống giáo chỗ nào? Tài chánh của Tòa thánh từ đâu mà có? Có bao nhiêu tu sĩ, giáo dân làm việc trong giáo triều, huấn luyện tu sĩ, giáo sĩ thế nào? Giáo hội phục vụ nhân loại thế nào? Tại sao Giáo hội gồm có nhiều dân tộc, sống qua nhiều thời đại cũng bị bắt bớ, tiêu diệt, cũng mang nhiều khuyết điểm mà vẫn tồn tại? Ngang đây là đến biên giới của siêu nhiên, của sự quan phòng của Thiên Chúa… Cuộc đối thoại từ A đến Z giúp xóa tan một số hiểu lầm, một số thành kiến, có những lúc trở nên thú vị và hấp dẫn. Tôi tin tưởng có nhiều người cởi mở, muốn tìm hiểu và với những biến chuyển trong thời đại ta, đã có những tầm nhìn mới mẻ và xây dựng.
– Thời kỳ biệt giam ở Hà Nội, tôi được biết có 20 chiến sĩ nam nữ trẻ học tiếng Latinh với một cựu tu sĩ, để có thể đọc các tài liệu của Giáo hội. Trong số mấy anh gác tôi có hai anh trong nhóm học Latinh. Trông thấy bài vở, tôi nhận thấy họ học tốt. Một hôm, một trong hai anh ấy hỏi tôi:
– Ông có thể dạy tôi một bài hát tiếng Latinh không?
– Có nhiều bài hay tuyệt, nhưng biết anh thích bài nào?
– Ông hát cho tôi nghe, tôi sẽ chọn.
– Tôi đã hát Salve Regina, Veni Creator, Ave Maris Stella… Các bạn biết anh ta chọn bài nào không? Anh ta chọn bài Veni Creator (Xin Chúa Ngôi Ba đoái thương viếng thăm…) Tôi đã chép trọn cả bài cho anh ta và anh ta học thuộc lòng. Mỗi sáng quãng 7 giờ, tôi nghe anh ta chạy xuống thang gỗ, ra sân tập thể dục, rồi múc nước vừa tắm vừa hát: Veni Creator Spiritus… Tôi rất cảm động, làm sao mỗi sáng trong nhà tù cộng sản lại có một cán bộ hát kinh “Veni Creator” cho mình nghe!
Bài hát Xin Chúa Ba Ngôi đoái thương viếng thăm, Veni Creator Spiritu
httpv://www.youtube.com/watch?v=33XotuYs-io
Chúa Thánh Thần không chỉ làm cho người Cộng Sản Việt Nam qua Đức Giám Mục Thuận được hiểu về Đạo hơn, thông cảm với tín hữu Công Giáo hơn, Chúa còn dùng Đức Cha để mang về cho Hội Thánh Công Giáo những người Cộng Sản có ý thức hoán cải trong đức Tin, trong số đó phải kể đến trường hợp của một sĩ quan An Ninh, bộ Công An, Ông Nguyễn Hoàng Đức, sau này ông làm chứng với phóng viên Mặc Lâm đài phát thanh Á Châu Tự Do như sau:
– Tôi là một trong những phép lạ về Đức Tin…
o Sau khi học tiếng Pháp với Ngài thì tôi cảm nhiễm tinh thần của Đức Cha. Sau này thì tôi thôi việc, lý do là sau khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn tôi không còn muốn làm công an nữa vì tôi làm ở Cục chống phản động nên biết để phải đi đàn áp và tôi đã xin chuyển ngành nhưng không được, tôi xin thôi việc cũng không cho. Tôi vẫn cứ bỏ việc.
o Sau khi vào Sài Gòn tôi làm cho dầu khí Việt Nam. Tôi có đi một số các nhà thờ, nhà thờ trung tâm Đức Bà, nhà thờ Kỳ Đồng. Sau khi ra Hà Nội thì tôi được mặc khải trong một giấc mơ là tôi đi nhà thờ và tôi có rửa tội.
o Tôi hiểu là việc phong Thánh cần phải có phép lạ. Phép lạ thứ nhất là Đức tin. Phép lạ thứ hai là chữa bệnh. Phép lạ thứ ba là “mồ mả phát”. Tôi là một trong những phép lạ về Đức tin.
Được Hội đồng Công Lý và Hòa Bình Tòa thánh Vatican mời qua Rôma làm chứng nhân dịp lễ kết thúc điều tra phong Chân phúc cấp giáo phận. Ngày 2/7/2013 anh Hoàng Đức lên đường sang Rôma, nhưng đã bị công an ngăn chặn và thu hộ chiếu tại sân bay Nội Bài mà không có lý do rõ ràng.
Nhà văn Nguyễn Hoàng Đức, cựu sĩ quan chống phản động, Bộ Công An.
Dần dần, Đức Cha Thuận trở nên bạo dạn hơn và bắt đầu vài hoạt động mục vụ. Người lính gác, ở bên cạnh ngài, đã cho phép giáo dân đến gặp ngài, có khi cả từng nhóm nhỏ. Nhưng mọi sinh hoạt đó đánh thức sự nghi ngờ của chính quyền, nên họ lại quyết định biệt giam ngài lại. Lúc đang còn rất sớm, ngày 5.11.1982, một xe chở hàng của nhà nước đến tìm ngài và chở ngài vào khu vực quân sự, trong một căn phòng mà ngài sẽ ở cùng với một sĩ quan công an, dưới sự canh gác của 2 lính gác. Trong sáu năm, ngài luôn sống biệt giam trong một phòng: ngài phó thác hoàn toàn cho Chúa. Vào ba giờ chiều hàng ngày, ngài cử hành thánh lễ, tiếp theo đó là một giờ cầu nguyện để suy ngắm cơn hấp hối và cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá. Ngài cử hành thánh lễ trong lòng bàn tay, với ba giọt rượu và một giọt nước. Mỗi lần như thế, sự tốt lành của ngài đã chinh phục được những người canh gác, đó là điều làm cho chính quyền cấp trên khó chịu. Ngài lại phải bị chuyển qua một nhà tù an ninh hơn, trong một phòng giam hoàn toàn cách ly cho đến ngày ra tù 21 tháng 11 năm 1988. Năm 1991, Đức Cha bị chính quyền Việt Nam trục xuất khéo khỏi Việt Nam.
Chúa Thánh Thần tiếp tục sử dụng Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận như một nhà truyền giảng về hy vọng bất diệt của Tin Mừng, nhưng mà lần này có sự đặc biệt hơn, ngài giảng linh thao cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và cho giáo triều Rôma dịp Mùa Chay Năm Thánh 2000. Sau buổi tĩnh tâm đó, Đức Thánh Cha tuyên bố “Tôi cám ơn Đức Cha thân yêu Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, với sự đơn sơ và linh hứng của Chúa Thánh Thần, Đức Cha đã hướng dẫn chúng tôi đào sâu ơn gọi làm chứng nhân của niềm Hy Vọng Tin Mừng vào đầu thiên niên kỷ thứ ba. Chính ngài là chứng nhân của thập giá trong những năm dài bị tù đày ở Việt Nam, ngài đã thuật lại cho chúng ta các sự việc và các thời kỳ của cảnh tù đày khổ ải của ngài, bằng việc củng cố chúng ta trong sự chắc chắn đầy an ủi rằng khi mọi sự sụp đổ quanh ta, cũng có thể từ thâm sâu của chúng ta, Đức Kitô vẫn là sự nâng đỡ không thể thiếu của chúng ta”.
Ngày 21 tháng 2 năm 2001 trong cuộc họp mật viện các Hồng Y, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trao mũ Hồng Y cho Ngài và đặt Ngài làm Hồng Y Phó tế, hiệu tòa Nhà thờ Santa Maria della Scala (Đức Mẹ tại các bậc thang).
Ngài qua đời lúc 18 giờ ngày 16 tháng 9 năm 2002 tại Rôma.
… Lạy Chúa, con không đợi chờ, con quyết sống phút hiện tại,
và làm cho nó đầy tình thương,
vì chấm này nối tiếp chấm kia,
ngàn vạn chấm thành một đường dài.
Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống.
Chấm mỗi chấm cho đúng, đời sẽ đẹp.
Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh.
Đường hy vọng do mỗi chấm hy vọng.
Đời hy vọng do mỗi phút hy vọng.
Như Chúa Giêsu, trọn đời đã làm những gì đẹp lòng Đức Chúa Cha.
Mỗi phút giây con muốn làm lại với Chúa,
“một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu”.
Con muốn cùng với Hội thánh hát vang:
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Alleluia! Alleluia! Alleluia!(Đường Hy Vọng- NVT)
Xin Cảm tạ ơn kỳ diệu của Chúa Thánh Thần tuôn đổ trên các nhà Truyền Giáo trong thời đại của chúng con
Mời bạn thuê hoặc mua phim « Con đường Hy Vọng » nói về cuộc đời Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận trên mạng NetFlix : https://dvd.netflix.com/Movie/Road-of-Hope-The-Spiritual-Journey-of-Cardinal-Nguyen-Van-Thuan/70115506
Hẹn gặp các bạn trong phần 4 nói về các anh thư truyền giáo tại Việt Nam.
Tác giả: Phan Sinh Trần
Xem thêm:
Linh Đạo của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận (tác giả: Phùng Văn Phụng)
Ba đề nghị của cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận
Sáng nay con nghe đài Đức mẹ hằng cứu giúp con được đánh động qua lời chia sẻ của Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận về uống chén đắng với chúa Giêsu.
Có ba đề nghị của cô Hồng y Thuận trong đau khổ cuộc đời có ba điều nên tránh:
Thứ nhất đừng điều tra tại ai. Hãy cảm ơn dụng cụ nào Chúa dùng để thánh hóa con.
Thứ hai đừng than thở với bất cứ ai, ta đã có Chúa thánh thần và Đức mẹ là nơi con tâm sự trước tiên.
Thứ ba khi đã qua đừng nhắc lại, đừng trách móc, đừng hận thù và bỏ qua và nói Alêluia
Con tạ ơn chúa. Amen
Chị Khổng Hoàng gởi
Cải tạo ngược
Cải tạo ngược
NGUYỄN HOÀNG ĐỨC: TÔI LÀ MỘT TRONG NHỮNG PHÉP LẠ VỀ ĐỨC TIN…
Tôi đã từng làm trong Phòng Tôn giáo của Bộ Công an. Trong Phòng ấy người ta có “đối sách” về Đức Cha mà sau này là Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Ông bị chuyển đổi từ miền Nam ra với cái tội rất to là vì ông là cháu của Ngô Đình Diệm và trở về Sài Gòn làm Phó Tổng Giám mục theo ý là lót ổ để lên Tổng Giám mục. Và ông cứ thế bị chuyển ra ngoài Bắc. Trong thời gian ông ấy bị cầm cố ở Hà Nội (có nghĩa là không ở tù) tức là được giữ trong mật viện. Có một đội trông ông ta nhưng tôi là một cán bộ cũng khá lâu năm, một sĩ qua khá lâu năm nên tôi đề nghị để tôi ra học tiếng Pháp với Cha, để luyện nói trên tinh thần là luyện tiếng Pháp chứ không phải để trông Cha. Cụ thể là như thế.
Mặc Lâm: Trong lúc tiếp xúc với Hồng Y, ông có cảm nhận ra sao về Ngài dưới cái nhìn của một sĩ quan công an và nhất là công an chống phản động như ông vừa cho biết ạ?
Sau khi học tiếng Pháp với Ngài thì tôi cảm nhiễm tinh thần của Đức Cha. Sau này thì tôi thôi việc, lý do là sau khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn tôi không còn muốn làm công an nữa vì tôi làm ở Cục chống phản động nên biết dễ phải đi đàn áp và tôi đã xin chuyển ngành nhưng không được, tôi xin thôi việc cũng không cho. Tôi vẫn cứ bỏ việc.
Sau khi vào Sài Gòn tôi làm cho dầu khí Việt Nam. Tôi có đi một số các nhà thờ, nhà thờ trung tâm Đức Bà, nhà thờ Kỳ Đồng. Sau khi ra Hà Nội thì tôi được mặc khải trong một giấc mơ là tôi đi nhà thờ và tôi có rửa tội. Đúng đêm tôi rửa tội ở nhà thờ lớn thì Cha Ngân, bây giờ trở thành Giám mục, bảo với Cha Hùng, hiện nay đang học bên Ý hay bên Pháp gì đấy, mời tôi viết diễn giải một cái tin và tôi có viết bài “Con Đường Đức Tin Qua Cây Cầu Francisco Savie Nguyễn Văn Thuận” Bài này đã gởi qua Tòa Thánh và nằm trong hồ sơ và đã được Cha Sỹ đang ở Việt Nam xin đưa chữ ký vào những bản dịch khoảng 4,5 thứ tiếng. Tôi hiểu là việc phong Thánh cần phải có phép lạ. Phép lạ thứ nhất là Đức tin. Phép lạ thứ hai là chữa bệnh. Phép lạ thứ ba là mồ mả phát. Tôi là một trong những phép lạ về Đức tin.
Nhân chuyện nhà văn Nguyễn Hoàng Đức, đọc lại tác phẩm của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.
Nhà văn Nguyễn Hoàng Đức nguyên là công an, từng học tiếng Pháp với Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận (tranh trên) – Anh đã viết một chuyên luận về: “Hành trình đức tin qua cây cầu F.X Nguyễn Văn Thuận” để mô tả lại quá trình biến đổi tình cảm, tâm lý và đến với Chúa của anh. Tài liệu đó hiện đang được Bộ Phong Thánh ở Roma lưu giữ xem như một phép lạ đức tin.
Nhà văn Nguyễn Hoàng Đức (áo tím) đồng hành tìm Chân lý với gia đình TS Cù Huy Hà Vũ
Được Hội đồng Công Lý và Hòa Bình Tòa thánh Vatican mời qua Rôma làm chứng về Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nhân dịp lễ kết thúc điều tra phong Chân phúc cấp giáo phận. Ngày 2/7/2013 anh lên đường sang Rôma, nhưng đã bị công an ngăn chặn và thu hộ chiếu tại sân bay Nội Bài mà không có lý do rõ ràng. Sự việc này anh đã có bài tường thuật tại đây.
Đức cố Hồng Y sống 13 năm trong ngục tù cộng sản, một số sự việc trong đời sống tù đày đã được Ngài kể lại trong ‘Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá’, tác phẩm được dịch ra 8 thứ tiếng, để phục vụ các tham dự viên ‘Những Ngày Giới Trẻ’ tại Paris năm 1997. Mời bạn đọc xem lại vài trích đoạn sau:
Hình Đức Cha 1967
Có lúc Chúa dùng giáo dân để dạy tôi cầu nguyện.
Thời gian bị quản thúc ở Giang xá, có ông lão nhà quê, tên là ông quản Kính, từ giáo xứ Ðại Ơn lẻn vào thăm tôi. Tôi không bao giờ quên được lời ông khuyên tôi:
“Thưa cha, cha không hoạt động tông đồ được thì xin cha cầu nguyện cho Hội thánh; ở trong tù cha đọc một kinh hơn một nghìn kinh cha đọc lúc ở ngoài tự do!”
Thời gian bị quản thúc ở Giang xá, có ông lão nhà quê, tên là ông quản Kính, từ giáo xứ Ðại Ơn lẻn vào thăm tôi. Tôi không bao giờ quên được lời ông khuyên tôi:
“Thưa cha, cha không hoạt động tông đồ được thì xin cha cầu nguyện cho Hội thánh; ở trong tù cha đọc một kinh hơn một nghìn kinh cha đọc lúc ở ngoài tự do!”
Ðức Mẹ còn sử dụng cả người cộng sản để nhắc tôi cầu nguyện.
Ông Hải đã từng ở tù, nằm cùng buồng với tôi để mật thám tôi, sau đã thành bạn của tôi. Trước ngày ông ta ra về, ông đã hứa với tôi:
Nhà tôi ở Long Hưng, chỉ cách La Vang 3 km, tôi sẽ đi La Vang cầu nguyện cho anh”.
Tôi tin lòng thành thật của anh bạn, nhưng tôi hoài nghi làm sao một người cộng sản mà đi cầu nguyện Ðức Mẹ cho tôi! Sáu năm sau, đang lúc tôi ở biệt giam, tôi đã được một bức thư của ông Hải, lạ lùng thật! Lạ hơn nữa là lời lẽ của ông như sau:
“Anh Thuận thân mến, tôi đã hứa với anh, tôi sẽ đi cầu nguyện Ðức Mẹ La Vang cho anh. Mỗi Chủ nhật, nếu trời không mưa, lúc nghe chuông La Vang, tôi lấy xe đạp vào trước đài Ðức Mẹ, vì chiến tranh bom đạn đã đánh sập nhà thờ rồi. Tôi cầu nguyện thế này: Thưa Ðức Mẹ, tôi không có đạo, tôi không thuộc kinh nào cả. Nhưng tôi đã hứa sẽ đi cầu nguyện Ðức Mẹ cho anh Thuận, nên tôi đến đây. Xin Ðức Mẹ biết anh Thuận cần gì thì cho anh ấy“.
Tôi hết sức cảm động. Tôi đọc đi đọc lại rồi đặt thư xuống nhắm mắt lại: “Lạy Mẹ, Mẹ đã dùng anh cộng sản này để dạy con cầu nguyện; chắc Mẹ đã nhậm lời anh ấy, con mới còn sống đây!”.
Đức Hồng y Thuận và Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II
Ở trại giam Phú Khánh, một đêm tôi đau quá, thấy một người gác đi qua, tôi kêu: “Tôi đau quá, xin anh thương tình cho tôi thuốc!” Anh ta đáp: “Ở đây chẳng có thương yêu gì cả, chỉ có trách nhiệm“.
Ðó là bầu khí chúng tôi ở trong tù.
Lúc tôi bị biệt giam, trước tiên người ta trao cho năm người gác tôi: đêm ngày có hai anh trực. Cứ hai tuần đổi một tổ mới, để khỏi bị tôi làm nhiễm độc. Một thời gian sau không thay nữa, vì “cấp trên” nói: “Nếu cứ thay riết thì sở công an bị nhiễm độc hết!“
Thực thế, để tránh nhiễm độc, mấy anh không nói với tôi, họ chỉ trả lời “có” hoặc “không”. Họ tránh nói chuyện với tôi. Buồn quá! Tôi muốn lịch sự vui vẻ với họ, họ vẫn lạnh lùng. Phải chăng họ ghét “cái mác phản động” nơi tôi: Tất cả áo quần đều đóng dấu hai chữ lớn “cải tạo”, kể từ ngày bước chân vào trại Vĩnh Quang ở Bắc Việt.
Tôi phải làm thế nào?
Một đêm đông lạnh quá, không ngủ được, tôi nghe một tiếng nhắc nhủ tôi: “Tại sao con dại thế? Con còn giàu lắm: Con mang tình thương Chúa Giêsu trong tim con. Hãy yêu thương họ như Chúa Giêsu đã yêu con”. Sáng hôm sau, tôi bắt đầu mến họ, yêu mến Chúa Giêsu trong họ, tươi cười với họ, trao đổi đôi ba câu nói… Tôi thuật lại những chuyến đi ra nước ngoài, cuộc sống, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật, tự do dân chủ ở Canada, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Pháp, Ðức, Úc, Áo, v.v…
Những câu chuyện đó kích thích tính tò mò của họ, giục họ đặt nhiều câu hỏi. Tôi luôn luôn trả lời… Dần dần chúng tôi trở thành bạn. Họ muốn học sinh ngữ Anh, Pháp… tôi giúp họ. Từ từ mấy chiến sĩ gác tôi trở thành học trò của tôi! Bầu khí nhà giam đổi nhiều, quan hệ giữa họ với tôi tốt đẹp hơn. Thậm chí cả những ông xếp công an, thấy tôi đối xử chân thành, không những họ xin tôi giúp các chiến sĩ học hành ngoại ngữ, nhưng họ còn gửi anh khác đến học.
Tôi sống theo lời Chúa Giêsu dạy: “Ðiều gì con làm cho một người bé mọn nhất trong anh em là làm cho chính mình Ta”.
Khi nào có hai hay ba người hợp nhau vì danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ”.
Một hôm một ông xếp hỏi tôi:
– Ông nghĩ thế nào về tờ tuần báo “Người Công giáo”?
– Nếu viết đúng cả nội dung cả hình thức thì có lợi; nếu ngược lại thì không thêm đoàn kết, lại còn thêm chia rẽ, bất lợi cho cả người Công giáo và cho cả nhà nước.
– Làm thế nào cải thiện tình trạng ấy?
– Những cán bộ phụ trách về tôn giáo phải hiểu đúng mỗi tôn giáo thì việc đối thoại, tiếp xúc các chức sắc mỗi tôn giáo cũng như các tín hữu mới có tính cách xây dựng, tích cực và tạo nên thông cảm giữa đôi bên.
– Ông có thể giúp được không?
– Nếu các vị muốn, tôi có thể viết một cuốn Lexicon (từ điển bỏ túi) gồm những danh từ thông dụng nhất trong tôn giáo, từ A đến Z, chừng nào các vị có giờ rảnh, tôi sẽ giải thích rõ ràng, khách quan. Hy vọng các vị có thể hiểu lịch sử, cơ cấu, sự phát triển và hoạt động của Giáo hội…
Họ đã trao giấy mực cho tôi, tôi đã viết cuốn “lexicon” đó, bằng tiếng Pháp, Anh, Ý, Latinh, Tây Ban Nha, và Trung Quốc với phần giải thích bằng Việt ngữ. Dần dà tôi có cơ hội giải thích hoặc giải đáp thắc mắc, tôi chấp nhận làm sáng tỏ những chỉ trích về Giáo hội. “Lexicon” ấy trở thành một cuốn giáo lý thực hành. Ai cũng muốn biết viện phụ là gì, thượng phụ là gì, Công giáo khác Anh giáo, Tin Lành, Chính Thống giáo chỗ nào? Tài chánh của Tòa thánh từ đâu mà có? Có bao nhiêu tu sĩ, giáo dân làm việc trong giáo triều, huấn luyện tu sĩ, giáo sĩ thế nào? Giáo hội phục vụ nhân loại thế nào? Tại sao Giáo hội gồm có nhiều dân tộc, sống qua nhiều thời đại cũng bị bắt bớ, tiêu diệt, cũng mang nhiều khuyết điểm mà vẫn tồn tại? Ngang đây là đến biên giới của siêu nhiên, của sự quan phòng của Thiên Chúa… Cuộc đối thoại từ A đến Z giúp xóa tan một số hiểu lầm, một số thành kiến, có những lúc trở nên thú vị và hấp dẫn. Tôi tin tưởng có nhiều người cởi mở, muốn tìm hiểu và với những biến chuyển trong thời đại ta, đã có những tầm nhìn mới mẻ và xây dựng.
Thời kỳ biệt giam ở Hà Nội, tôi được biết có 20 chiến sĩ nam nữ trẻ học tiếng Latinh với một cựu tu sĩ, để có thể đọc các tài liệu của Giáo hội. Trong số mấy anh gác tôi có hai anh trong nhóm học Latinh. Trông thấy bài vở, tôi nhận thấy họ học tốt. Một hôm, một trong hai anh ấy hỏi tôi:
– Ông có thể dạy tôi một bài hát tiếng Latinh không?
– Có nhiều bài hay tuyệt, nhưng biết anh thích bài nào?
– Ông hát cho tôi nghe, tôi sẽ chọn.
Tôi đã hát Salve Regina, Veni Creator, Ave Maris Stella… Các bạn biết anh ta chọn bài nào không? Anh ta chọn bài Veni Creator (Xin Chúa Ngôi Ba đoái thương viếng thăm…).
Tôi đã chép trọn cả bài cho anh ta và anh ta học thuộc lòng. Mỗi sáng quãng 7 giờ, tôi nghe anh ta chạy xuống thang gỗ, ra sân tập thể dục, rồi múc nước vừa tắm vừa hát: Veni Creator Spiritus… Tôi rất cảm động, làm sao mỗi sáng trong nhà tù cộng sản lại có một cán bộ hát kinh “Veni Creator” cho mình nghe!
https://www.youtube.com/watch? v=33XotuYs-io
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ. Amen.
Di Sản Tinh Thần của Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận
httpv://www.youtube.com/watch?v=hgBat40m9Y8
Di Sản Tinh Thần của Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận
Hồng Y Phanxico Nguyễn văn Thuận / Bài Giảng Tỉnh Tâm Cho Giáo Triều Roma 2000 tập 1/6
httpv://www.youtube.com/watch?v=qYxBRi4QSKY&t=705s
Hồng Y Phanxico Nguyễn văn Thuận / Bài Giảng Tỉnh Tâm Cho Giáo Triều Roma 2000 tập 1/6
Bài giảng làm tỉnh thức giới trẻ hay nhất – Đức Hồng Y Thuận (Full)
httpv://www.youtube.com/watch?v=TmHUOGTU38M
Bài giảng làm tỉnh thức giới trẻ hay nhất – Đức Hồng Y Thuận (Full)
Kinh Xin Ơn Nhiệm Mầu ĐHY Nguyễn Văn Thuận – Chứng Nhân Hy Vọng
httpv://www.youtube.com/watch?v=P8FiAIZ8XkI&feature=youtu.be
Kinh Xin Ơn Nhiệm Mầu ĐHY Nguyễn Văn Thuận – Chứng Nhân Hy Vọng
Xin gửi đến Kinh Xin Ơn ĐHY Nguyễn Văn Thuận – Chứng Nhân Hy Vọng.
Nguyện xin ĐHY cầu bầu cùng Chúa ban cho quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta được sống trong công lý và hoà bình
Kính,
PT