GIA ĐÌNH – HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA BA NGÔI

GIA ĐÌNH – HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA BA NGÔI

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Gia đình là phần tử nền tảng của Giáo Hội và xã hội.  Gia đình được xây dựng trên tình yêu: tình yêu của vợ chồng với nhau, tình yêu của cha mẹ đối với con cái, và tình yêu của con cái đối với cha mẹ.  Tình yêu, tương quan giữa con người với nhau, cần được trân trọng và vun trồng, để đạt tới mức trọn hảo trong Thiên Chúa.

I.Thật tuyệt vời tình yêu nam nữ 

Sách Sáng Thế chương hai cho thấy Thiên Chúa đã tạo dựng con người, đặt con người trong vườn địa đàng, và cho con người được quyền đặt tên mọi sinh vật.  Adam không tìm thấy cái gì thích hợp với mình cho tới khi Thiên Chúa tạo dựng Evà, và dẫn Evà tới gặp Adam.  Adam tìm được niềm vui đặc biệt khi được Evà sống bên cạnh làm bạn đồng hành.  Người nam và người nữ được tạo dựng, để sống bên nhau và nâng đỡ nhau, để cùng nhau tiến bước về với Thiên Chúa.

Thật đẹp tình yêu giữa người nam và người nữ.  Hai người quyến luyến và cảm nghiệm hạnh phúc bên nhau.  Họ sẵn sàng hy sinh cho nhau, hạnh phúc khi thấy người mình yêu hạnh phúc.  Họ sống cho nhau và vì nhau.  Con cái là tình yêu của hai người, là điểm nối kết hai người, giúp họ sống triển nở và hạnh phúc.  Tình yêu và hạnh phúc giữa hai người nam nữ, là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện và chúc phúc cho con người, cụ thể là hai người đang yêu nhau này.  Không ai phá hủy được tình yêu giữa hai người, nếu không phải là chính một trong hai người.  Hành vi tội của một trong hai, có thể phá vỡ hạnh phúc của họ.

Sau khi Evà và Adam phạm tội, Adam đã nhìn Evà với một ánh mắt khác, như nguyên nhân làm cho mình trở nên tệ hơn và xa lìa Thiên Chúa: “chính người đàn bà mà Ngài đã đặt bên tôi, đã hái trái Ngài cấm đưa cho tôi nên tôi đã ăn.”  Adam đã không dám nhận trách nhiệm và đổ lỗi cho Evà.  Đúng là Evà có cám dỗ Adam ăn trái cấm, nhưng Adam hoàn toàn tự do.  Nếu Adam dứt khoát không ăn, thì Evà đâu có làm gì được ông.  Adam ăn, là do chọn lựa của ông, vì Adam tự do!

II.Điều Thiên Chúa liên kết con người không được phân ly

 Tình yêu không chỉ là cảm tính mà còn là hành vi nhân linh.  Để thành vợ thành chồng, hai người nam nữ phải chọn nhau suốt đời.  Họ muốn chọn nhau ngay cả lúc bệnh hoạn yếu đau, họ chọn nhau lúc vui cũng như khi buồn, khi thành công cũng như khi thất bại.  Tuy nhiên, con người là hữu thể tự do, một hữu thể có thể thay đổi chọn lựa của mình.  Hôm nay một người chọn điều này, ngày mai có thể họ lại chọn điều khác.  Hai người nam nữ muốn thành vợ thành chồng, họ cũng ý thức thân phận con người mong manh mỏng dòn đó, nhưng họ vẫn muốn tình yêu của họ thành vĩnh cửu, thế nên họ đã thề nguyền chọn nhau cả đời, thề nguyền trọn đời chung thủy với nhau.

Tội là cố tình làm điều xấu.  Chính hành vi chọn điều xấu này đã làm biến dạng con người phạm tội, đã làm họ ra khác, trở nên “xấu như quỷ.”  Quỷ chính là thiên thần đã muốn độc lập với Thiên Chúa, đã không vâng phục Thiên Chúa, đã từ chối sống trong tình yêu của Thiên Chúa.  Evà đã muốn thành một thần linh không tùy thuộc Thiên Chúa; tuy nhiên không thể là một thần linh mà không tùy thuộc Thiên Chúa vì con người chỉ là tạo vật.  Không chấp nhận thân phận thụ tạo, là không chấp nhận chính mình, là muốn phản kháng chống lại Thiên Chúa.  Một hành vi như vậy không làm con người triển nở và hạnh phúc; Hành vi đó đã làm biến dạng con người, đã làm họ ra xấu, và làm họ không hạnh phúc; Họ không hạnh phúc với chính họ, và không hạnh phúc với người khác.

Không chung thủy, muốn chọn người khác, là một cám dỗ có thể xảy đến trong đầu của một người đã lập gia đình.  Con người được mời gọi để thắng vượt cám dỗ, để là một người vợ, người chồng chung thủy và tuyệt vời.  Muốn những điều mới lạ, đó là khuynh hướng bình thường của con người; tuy nhiên, con người được mời gọi vươn lên thành người tuyệt vời qua việc thắng vượt chính mình, để người bạn đời là người chồng, người vợ, và con cái được hạnh phúc hơn.  Chung thủy trong đời sống gia đình, là dấu chỉ của một người trưởng thành thật sự.

III. Tình yêu cần được vun tưới nuôi dưỡng

 Tình yêu là tương quan giữa ngôi vị.  Làm sao để hai người mãi yêu nhau?  Làm sao để hai vợ chồng tin nhau hơn, trân trọng nhau, quan tâm săn sóc nhau hơn?  Có lẽ hai người cần biết rằng tình yêu có thể chết nếu không được vun tưới chăm bón.  Nghĩa là, họ có thể mất nhau nếu họ không cố gắng để đẹp hơn mỗi ngày.  Nét đẹp về thể lý có thể mai một nhưng nét đẹp về tinh thần có thể được tăng lên với thời gian.  Để được vậy, người này phải để ý tới người kia, phải quan tâm đến người bạn mình khi họ vui, khi họ buồn, nâng đỡ họ khi họ gặp khó khăn.

Con người, cần được yêu một cách thật cụ thể, chẳng hạn, cần được yêu qua lời nói, qua sự quan tâm săn sóc.  Con người cần thấy mình được yêu mỗi ngày.  Mỗi người cũng cần cho thấy mình đẹp, mình đáng yêu mỗi ngày.  Để được vậy, mỗi người phải tập quên mình, phải tập sống cho người khác, phải tập quan tâm đến người khác, tập săn sóc và biểu lộ tình thương yêu đối với người khác, tập coi người khác là quan trọng, và rất quý đối với mình.  “Anh (em) cần em (anh) để hạnh phúc” là một câu mà người bạn đời của mình thích được nghe lại, vậy tại sao mình lại tiết kiệm lời này?

Thiên Chúa là tình yêu.  Mọi tình yêu đều đến từ Thiên Chúa.  Tình yêu nam nữ cũng có nguồn gốc nơi Thiên Chúa.  Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau đến độ tất cả tùy thuộc lẫn nhau.  Đức Giêsu luôn lấy Ý Cha làm lương thực và lẽ sống cho mình; Ngài luôn cố gắng lấy Ý Cha làm ý mình.  Là một trong thân xác, chưa đủ để duy trì và phát triển tình yêu; con người cần là một trong tâm trí, trong phán đoán, trong chọn lựa giáo dục con cái, trong cách sống…  Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai.  Thiên Chúa Ba Ngôi là nguyên mẫu và phải là nguyên mẫu của tình yêu gia đình.

Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

From: Langthangchieutim

TRẢ NHỚ VỀ KHÔNG

TRẢ NHỚ VỀ KHÔNG

Ngày xưa chào mẹ, ta đi

Mẹ ta thì khóc

Ta đi thì cười

Mười năm rồi lại thêm mười

Ta về thì khóc, mẹ cười lạ không

Ông ai thế? Tôi chào ông

Mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi

Ông có gặp thằng con tôi

Hao hao…

tôi nhớ…

nó … người … như ông

Mẹ ta trả nhớ về không

Trả trăm năm lại bụi hồng, rồi đi…

Đỗ Trung Quân

Bài thơ lục bát này, rất ngắn, chỉ 10 câu, 70 từ, vời vợi thời gian một đời người, nặng trĩu bao tâm trạng. Tác giả lấy câu thứ 9 đặt tên cho bài thơ, Mẹ ta trả nhớ về không. Khi được phổ nhạc, các ca sĩ trình bày ca khúc như: Nguyễn Hồng Liên, Ngọc Huyền, Lê Vỹ, Thụy Long.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân kể lại rằng, “Bạn tôi đi làm ăn xa gần như cả cuộc đời, nên khi về thăm mẹ năm bà 92 tuổi, người mẹ đã mắc chứng Alzheimer và không còn nhớ con mình là ai. Bà hỏi: Ông ơi, ông là ai? Bạn tôi ôm mẹ khóc như mưa…” Từ cảm xúc đó, Đỗ Trung Quân viết bài thơ này.

Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là tình mẹ con, đúng hơn, đó là tình cảm của đứa con đối với người mẹ, day dứt bao nỗi niềm:

Ngày xưa chào mẹ, ta đi

Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười

Mười năm rồi lại thêm mười

Ta về ta khóc, mẹ cười… lạ không ?

Tác giả chọn hai thời điểm ý nghĩa nhất: ta đi và ta về / mẹ khóc và ta cười / mẹ cười và ta khóc. Giữa hai thời khắc ấy, mười năm rồi lại thêm mười, có nghĩa đến hai mươi năm, dằng dặc hơn bảy ngàn ngày thương nhớ. Hai mươi năm, bao vui buồn đổ xuống trên hai cuộc đời (mẹ và ta), hai mái ấm gia đình, hai thứ tóc chuyển màu. Tiếng cười và tiếng khóc, ý nghĩa không giống nhau, đằng đẳng cả nghìn trùng của không gian và thời gian trong mỗi số phận.

“Ngày xưa chào mẹ, ta đi / Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười”. Hai câu thơ diễn tả rất đúng tâm trạng của hai mẹ con. Con thì còn trẻ, ăn chưa no lo chưa tới, chỉ thấy phía trước là những chân trời mênh mông, vẫy gọi, hớn hở vô cùng, dấn bước vào đời, làm một con người tự do với bao khát vọng tràn đầy. Cười là đúng. Tuổi trẻ, ai cũng vậy. Chỉ có mẹ, Ta đi – Mẹ khóc. Khóc vì phải xa con, lo lắng cho con, nơi những góc bể chân trời, ai người chia sẻ khi ấm lạnh?

Đến khi Ta về – Ta khóc – Mẹ cười – Lạ không? Hai trạng thái cảm xúc trái ngược nhau của người mẹ và người con, được lý giải: Khi trở về, người con gặp lại mẹ, bao năm xa nhà, nhiều năm chia cách, theo tuổi đời, mẹ không còn như xưa nữa, nhớ nhớ quên quên, trí nhớ suy giảm, kém dần, … Mẹ ta trả nhớ về mênh mông rồi !

Đằng sau tiếng khóc của người con, có thể nhận ra những ơn nghĩa sinh thành, mang nặng đẻ đau, công lao dưỡng dục và lòng yêu thương vô bờ của đứa con đối với người mẹ. Và, cũng nhận ra rằng, từ nay, mọi sóng gió và vấp ngã trong đời, đâu còn một bến đỗ bình yên để trở về, neo đậu:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ / Đi một đời, lòng mẹ vẫn theo con”, Chế Lan Viên từng viết như vậy trong bài thơ Con cò.

Những câu thơ nhói buốt tâm can:

Ông ai thế? Tôi chào ông

Ông có gặp thằng con tôi

Hao hao…

tôi nhớ…

nó …người …như ông.

Đây là các dòng thơ xúc động nhất, đọc đến, rơi nước mắt, nghẹn ngào. Người mẹ không nhận ra đứa con của mình, chỉ thấy “hao hao … tôi nhớ … nó … người … như ông”. Dòng thơ tưởng như lời giao tiếp, hỏi mà không có câu trả lời, bình thường mà lại không bình thường, nhói buốt, báo hiệu cho ta biết rằng, ta sẽ đơn côi, cô độc trên cõi trần gian này, ta sẽ có những ngày tháng bất hạnh nhất trong đời, khi:

Mẹ ta trả nhớ về không

Trả trăm năm lại bụi hồng, rồi đi…

“Bụi hồng”, Đào Duy Anh trong Từ điển Truyện Kiều, “bụi hồng chữ Hán là hồng trần, chỉ bụi sắc đỏ, do gió bốc lên, nghĩa bóng là cõi trần” (Từ điển Truyện Kiều, NXB KHXH, HN, 1974, trang 43). Như vậy là, mẹ ta, xong một đời người, từ biệt thế gian, “rồi đi …”, về với ông bà, tổ tiên. Ngày đau buồn ấy đang chầm chậm đến!

Hai câu thơ cuối cùng, dẫu biết đó là quy luật, nhưng sao buồn đến nao lòng! Cha mẹ không sống cùng ta đến cuối đời, mãn kiếp. Đành thế, sao thương quá cho đời, cho ta!

Mẹ ta trả nhớ về không là một trong những bài thơ hay viết về mẹ. Cái gốc làm nên sự sâu lắng của bài thơ, như Bạch Cư Dị nói, đó là tình. Các chi tiết đều có tính điển hình, chọn lọc. Bài thơ là tiếng lòng, là niềm day dứt khôn nguôi của người con đối với mẹ, là lời nhắc nhở về lòng hiếu đạo, bổn phận làm con. Người đọc, bắt gặp mình nơi các dòng thơ chan chứa ân tình của Đỗ Trung Quân

https://youtu.be/t0MAbhFZXL

MẸ TA TRẢ NHỚ VỀ KHÔNG | LÊ VỸ | Ca khúc về mẹ phổ thơ Đỗ Trung Quân cảm động nhất mùa Vu Lan 2019

From: Dương Phong

Phúc Đức Tại Mẫu

Phúc Đức Tại Mẫu

Ngày còn bé con…, tôi cứ thắc mắc: Tại sao trên đất nước này cái gì cũng mang dấu ấn của sự tôn vinh lại là “người Mẹ…!”

Dòng sông lớn nhất ở phía Bắc đất nước ta quen gọi sông Hồng cũng còn có tên khác là sông Cái…

Con đường nào lớn gọi là “đường cái”. Thứ tiếng ta nói hàng ngày cũng gọi là tiếng “Mẹ đẻ”.

Tổ Quốc thiêng liêng cũng được gọi với giọng tha thiết là “đất Mẹ”.

Trên dải đất nhỏ hẹp mang hình chữ S này, đâu đâu cũng có những đền thờ Mẫu…

Bài học đầu tiên con trẻ được học cũng là từ trường Mẫu giáo và do các cô bảo mẫu truyền dạy…

Đến cái đũa lớn nhất để xới cơm ở quê mình cũng gọi là “đũa cái”, “đũa cả”.

Nhớ Lời Mẹ Dặn

Mẹ không được học chữ, vậy mà khi con học xa nhà, có một lần mẹ đã cố gắng viết cho con mấy dòng ngắn ngủi, nét chữ run rẩy và to như trẻ con học mẫu giáo tập viết. Mẹ viết: “Mẹ ít học hơn con nên mẹ tin con hiểu đời nhiều hơn mẹ. Mẹ chỉ muốn dặn con một điều rằng con đi xa hãy nhớ: “Ăn một miếng của người, con tạc ân vào dạ; Học một chữ ở đời, con xem nặng nhẹ bao nhiêu”.

Lời dặn của mẹ đã làm con khóc. Và con tâm niệm điều đó suốt cả cuộc đời và nó đã trở thành lẽ sống của con…

Hôm con phỏng vấn xin việc vào công ty của Nhật cùng với ba chục người khác. Con không giỏi vi tính và ngoại ngữ như họ, song người được lựa chọn lại là con. Mẹ có biết họ hỏi con câu gì không? Họ hỏi con câu nói nào và của ai gây “ấn tượng” và có tác động mạnh đến cuộc sống của con, con đã nói lại lời mẹ dặn.

Họ bảo: “Vi tính và ngoại ngữ cần, nhưng bạn có thể học trong vài tháng. Chúng tôi cần hợp tác với một người nặng lòng biết ơn và biết chắt lọc trong học hỏi”. Mẹ ơi, chính mẹ đã để phúc đức cho con…!

Tổng hợp các hình ảnh về mẹ cảm động đẹp nhất

Những Lá Thư Cũ

Con và chồng con có xích mích lớn vì con nghi anh ấy vẫn gặp gỡ với người bạn gái cũ. Con bực mình bỏ nhà chồng về khóc lóc với mẹ. Tối ấy mẹ mang từ trong chiếc hòm cũ ra một tập thư đã ố vàng. Đó là những lá thư của người yêu cũ gửi cho bố con trước đây.

Mẹ bảo khi bố quyết định lấy mẹ, bố định đem hết đám thư và ảnh của người yêu cũ ra đốt đi để chứng minh sự “một lòng một dạ với mẹ”. Mẹ đã ngăn lại và bảo: “Thư anh đốt mà lòng anh còn nhớ cũng chẳng ích gì. Hãy cứ để em giữ lại làm kỷ niệm…! Thỉnh thoảng anh đọc lại cũng thấy vui. Dù sao đấy cũng là những kỷ niệm gắn bó với anh một thời, sao lại cạn tàu ráo máng như vậy”. Bố sững sờ và ôm chầm lấy mẹ cảm động lắm. Thỉnh thoảng bố mẹ còn đọc lại những lá thư ấy, nhưng bố cả đời thuỷ chung với mẹ…!

Hôm ấy con đã khóc thật nhiều và con tự tìm về nhà làm lành với chồng. Mẹ nói ít nhưng mẹ dạy nhiều. Chính mẹ đã lấy lại cho con hạnh phúc…!

Hai Vùng Sáng Tối

Tổng hợp các hình ảnh về mẹ cảm động đẹp nhất

Khi em trai con đưa người yêu về ra mắt, con không ưng ý lắm. Mẹ im lặng không nói gì. Sau hôm gặp mẹ cô ấy, mẹ nhận xét: Mẹ cô ấy hiền hậu, phúc đức lắm. Người mẹ như thế chắc chắn cô con gái sẽ là đứa con ngoan, dâu hiền…!

Mẹ đã không lầm. Hôm mẹ chồng tương lai của con sang chơi với mẹ, cụ cũng nhận xét về con y như thế. Hoá ra nhiều người nhìn nết mẹ mà đoán tính cách của con…!

Năm trước con đọc báo thấy có chuyện một cô gái đang tâm đẩy con chồng xuống sông Hồng. Một thời gian sau thấy có bà dì ghẻ bắt con chồng tự khâu miệng mình lại. Con nhận xét rằng phụ nữ nhiều người ác quá. Mẹ lại bảo “phúc đức tại mẫu, những người như thế rồi lại ác giả ác báo thôi”.

Mẹ nói với con rằng những người ác chỉ là số ít, đừng vì thế mà vơ đũa cả nắm. Mẹ chỉ cho con thấy bao nhiêu người mẹ đã hy sinh hết lòng vì con, không ít người phụ nữ đã nhận nuôi hàng mấy chục trẻ mồ côi mặc dù bản thân mình còn khó khăn, vất vả. Trong đời có hai vùng sáng tối, mẹ bảo con nhìn ánh sáng mà đi…!

Bài Học Làm Gương

Tổng hợp các hình ảnh về mẹ cảm động đẹp nhất

Thấy con phàn nàn về sự chểnh mảng học tập của các cháu, mẹ bảo: “Con nhắc các cháu đi học bài, mà vợ chồng con cứ ngồi xem ti vi. Con chê các cháu lười học tiếng Anh mà bản thân con cũng không thông tỏ ngoại ngữ thì dạy bảo chúng nó thế nào…?”

Ngẫm kỹ lời mẹ nói, con đã quyết định đi học lớp tiếng Anh buổi tối cùng cháu. Tối về mẹ con trao đổi bài rôm rả. Đúng như mẹ nói, khi thấy cả bố và mẹ đều miệt mài làm việc, các cháu cũng tự động lấy sách ra làm bài…!

Đến nay chúng con rất yên tâm về việc học hành của các cháu. Sao có mỗi bài học đơn giản rằng “muốn con chăm thì mẹ phải siêng, muốn con hiền thì mẹ phải thảo” mà con không nhớ, phải để mẹ nhắc nhở…!

Tổng hợp các hình ảnh về mẹ cảm động đẹp nhất

Mẹ nghèo không có tiền bạc cho con, nhưng mẹ đã cho con hiểu giá trị của sự tần tảo, lòng bao dung, đức hy sinh. Mẹ không đi học, nhưng mẹ dạy con biết sống đúng mực, trọng ân tình…!

Cuộc đời con lúc nào cũng có mẹ ở bên. Con có cuộc sống hạnh phúc hôm nay là do bàn tay mẹ tạo dựng. Đến bây giờ con đã hiểu rằng công sinh thành dưỡng dục do cả mẹ cả cha chung sức, nhưng không phải vô tình trong nhạc, trong thơ, nơi đâu cũng thấy vang lên những “Huyền Thoại Mẹ”, “Tình mẹ”,“Lòng mẹ”…!

Tổng hợp các hình ảnh về mẹ cảm động đẹp nhất

Nguồn: Đinh Thủy

(Đinh Trực sưu tầm – Tống Viết Minh chuyển)

From: TU-PHUNG

httpv://www.youtube.com/watch?v=390o88jqiCU

Những Bài Hát Cảm Động Về Mẹ | Liên Khúc Nhạc Về Mẹ Hay Nhất Của Thúy Huyền

CÁI GIÁ CỦA HẠNH PHÚC

 CÁI GIÁ CỦA HẠNH PHÚC

Ai trong chúng ta cũng mong cầu hạnh phúc. Có người cho rằng: Hạnh phúc khi tâm bình an, không lo sợ, không mong cầu, không hối hận, không bứt rức, không hận thù, không ghen ghét. Có người lại cho rằng: Hạnh phúc là đoá hoa của thời gian, nở rồi diệt, diệt rồi nở, có như vậy mới thực sự hạnh phúc. Nếu đoá hoa thời gian ấy cứ trường tồn, người ta sẽ không cảm nhận hạnh phúc nữa, mà đôi khi biến thành bất hạnh. Có người lại cho rằng: Cái gì chỉ mình có được, người khác không bao giờ với được, đó là hạnh phúc. Lại có người cho rằng: Họ chỉ hạnh phúc, khi mọi người cùng hạnh phúc. Có cái hạnh phúc là cho, có cái hạnh phúc là nhận…

Nhưng hầu như người ta không thể có một định nghĩa chung về hạnh phúc. Mỗi người cảm nhận hạnh phúc một khác, mỗi thời cảm nhận hạnh phúc một khác. Người đang nóng bức, được ngâm mình trong làn nước mát là hạnh phúc. Người đang lên cơn sốt rét, bị ngâm mình trong làn nước mát có cùng nhiệt độ lại “bất hạnh”. Người ăn được cay, có trái ớt hiểm cay xè dằm nước mắm, bữa cơm sẽ đậm đà hơn lên, hạnh phúc cũng qua đó mà sanh ra. Người không hề ăn được ớt, “vô phúc” cắn nhằm một mẩu ớt, nước mắt nước mũi đã ròng ròng khốn khổ. Người đã lập gia đình, có kinh tế khả dĩ ổn định, tin người vợ thọ thai là hỉ tín (tin mừng) trọng đại. Anh chàng sinh viên chưa sẵn sàng thành gia thất, tương lai chưa định mà nghe bạn gái báo “hung tin” thai nghén, quả là điều bất hạnh.

Vậy định nghĩa chung của hạnh phúc là gì? Thật khó, nhưng ta thử định nghĩa như vầy: Hạnh phúc là cảm thọ an lạc, sung sướng… khi những mong cầu của chúng ta được thoả mãn. Với định nghĩa như vậy, sẽ có nhiều người phản đối, người tu không có mong cầu, nhưng họ rất tự tại, ung dung và an lạc. Theo đức Đạt Lai Lạt Ma thì hạnh phúc là khoảng khắc thời gian ta cảm nhận. Khoảng khắc ấy như một hạt trai trong xâu chuỗi. Muốn cả đời hạnh phúc, người ta phải biết tạo ra những khoảng khắc ấy liên tục, người ta phải tìm cách xâu các khoảng khắc cảm nhận hạnh phúc lại với nhau, càng gần nhau… người ta càng hạnh phúc.

Cảm nhận hạnh phúc chỉ có cá nhân người ấy hiểu. Niềm hạnh phúc của một người nông dân chân lấm tay bùn khi nhìn đồng lúa trổ bông, trĩu hạt có thể to lớn không thua gì Michael Schumacher thắng giải đua xe thể thức I ở Monaco, một khoa học gia khám phá ra thuốc phòng chống HIV, hay nhà quân sự chiến thắng trên trận địa. Tuy giá trị vật chất của những khoảng khắc hạnh phúc ấy khác nhau, song biên độ cảm thọ không hề khác.

Ta tạm gọi hạnh phúc là cảm thọ an lạc, sung sướng, khoảng khắc đời lên hương, khiến cho ta mãn nguyện, êm ấm, thanh lương.

Vậy cái giá của hạnh phúc là gì? Liệu hạnh phúc có thể là của “giời cho” chăng? Hay hạnh phúc là quá trình góp nhặt, vun trồng, tỉa tót và đánh đổi?

Về cái giá của hạnh phúc, ta cũng chẳng thể tính ra bằng đơn vị tiền tệ, đo lường. Có người cho rằng hạnh phúc là “của giời” “giời cho ai nấy hưởng”… Có người cho rằng yếu tố con người mới là yếu tố chính, tự ta có thể hoạch định được cuộc sống của ta. Tùy theo đức tin, căn bản lý luận mà người ta nhận biết hạnh phúc là do trời hay do người. Nếu bảo do trời thì tại sao vị chúa tể muôn loài lại không công bình, cho người này hạnh phúc, bắt người kia bất hạnh. Nếu bảo do người thì tại sao có người sanh ra đã đầy đủ mọi yếu tố để hạnh phúc? Người sinh ra đã tràn đầy nỗi khổ? Nghiệp quả chăng? Luân hồi chăng? Mấy tín hữu của Ki Tô Giáo làm sao tin được chuyện nghiệp quả luân hồi? Ý Chúa chăng? Tín hữu Hindu, Phật Giáo… làm sao thuyết phục?

Thành ra ta chỉ bàn đến cái hạnh phúc mà con người có thể ảnh hưởng được. Thứ hạnh phúc nhân tạo, chính con người có thể tạo ra. Hạnh phúc này nằm vỏn vẹn trong mấy chuyện: Thân thể khỏe mạnh, gia đạo êm ấm, kinh tế sung mãn, xã hội xung quanh bình an, tự do sống trong khuân khổ đạo đức truyền thống xã hội và pháp luật, cảm nhận sự hiện diện của mình trong đời không thừa thãi…

Để có thân thể khỏe mạnh thì con người ta phải điều độ, năng luyện tập, bỏ bớt những thú vui độc hại như nhậu nhẹt, chích choác, trác tán, đâm chém… Cái giá hạnh phúc ở đây là làm việc khó (năng luyện tập, điều độ), bỏ việc dễ (nhậu…)

Để có gia đạo êm ấm, người ta phải biết nhẫn nhịn, có những lúc phải nuốt vào bụng những thứ rất khó nuốt, phải hi sinh để lo cho người thân, bỏ bớt ích kỷ của bản thân, tạo được mối giao hoà, tin tưởng giữa các thành viên trong gia đình. Cái giá của hạnh phúc nơi đây chính là sự nhẫn nhịn, kiềm chế và không ích kỷ.

Để có kinh tế sung mãn, ta có hai cách. Một là: Kiếm được thật nhiều tiền, đủ sức chi tiêu thoả mái. Hai là: Phải hạn chế số chi trong khuân khổ thu có hạn. Nếu ta muốn kiếm thật nhiều tiền, ta phải có tài, phải có thời, phải siêng năng. Muốn tiết kiệm, ta phải từ bỏ bớt những khoản chi tiêu không hợp lý. Ai cũng muốn có thể chi tiêu như mình muốn, nhưng liệu khả năng của mình có đáp ứng đủ số chi ấy chăng? Nếu công sức của mình bỏ ra, không đáp ứng nổi số nhu cầu mình thoả mãn, vô hình chung, ta đã mang nợ. Chẳng món nợ nào dễ chịu cả. Nợ nào cũng phải trả, không chóng thì chầy! Cái giá của hạnh phúc là phép tính: Thu – Chi = ++ (còn là số dương).

Để xã hội xung quanh bình an, ta phải trả thuế đóng góp vào bộ máy bảo vệ an ninh của quốc gia, của thành phố. Phải sử dụng quyền công dân của mình để định hướng cộng đồng xung quanh. Muốn định hướng cộng đồng theo hướng tốt, phải có đóng góp phục vụ cộng đồng.

Để cảm nhận được sự hiện diện của mình trong đời là không thừa thãi, thì con người ta phải đầu tư thời gian để tạo cho mình khả năng, khả năng ấy có thể nuôi sống mình và còn chút nhiều thặng dư phụng sự cho xã hội. Có thể một phát minh khoa học, có thể là khúc bánh mình đỡ đói lòng… trong cái tương tác trùng trùng của xã hội xung quanh, ta không là kẻ ăn bám. Phải như vậy, ta mới thấy mình không thừa thãi. Không ăn hại cơm giời, uống hại nước sông. Không sống chật đất, chết chật nghĩa trang.

Còn bao nhiêu khía cạnh của hạnh phúc, ta có thể bàn mãi mãi, khi nào còn có loài người trên thế giới này, người ta còn bàn về hạnh phúc. Nhưng ta có thể cả quyết rằng hạnh phúc là một sản phẩm siêu vật chất được hình thành bởi nhiều yếu tố (từ vật chất đến tinh thần) và có cái giá nhất định của nó! Ai hỏi tại sao anh phải làm việc vất vả thế? Ta có thể trả lời: Để mưu cầu hạnh phúc! Sao anh tiết kiệm, sống đơn giản thế? Để mưu cầu hạnh phúc! Sao anh/chị nhẫn nhịn, dịu dàng với vợ/chồng con cái thế? Để mưu cầu hạnh phúc! Sao anh đối xử tử tế với tất cả mọi người xung quanh thế? Để mưu cầu hạnh phúc! Sao anh ngu thế? Để mưu cầu hạnh phúc, vì nhiều lúc dư khả năng khôn mà không dám khôn, dư thế lực thắng thế mà không dám thắng! Sao anh/chị sống khắc kỷ, không phóng túng theo trào lưu của xã hội? Mưu cầu hạnh phúc! Sao anh/chị chung thủy chung tình? Mưu cầu hạnh phúc!

Quảng Diệu, Trần Bão Toàn

 Nếu Một Ngày Ta Chán Nhau

 Nếu Một Ngày Ta Chán Nhau

 Đây là tâm sự của một người vợ vừa trải qua sóng gió hôn nhân khi đứng trước ngưỡng cửa ly hôn.

Có một thời gian vợ chồng mình không thể cười với nhau sau những cuộc cãi vã được nữa. Điều mà trước đây chỉ to tiếng vài phút sau là đã cười nhăn nhở. Đến khoảng ấy lại là sự im lặng, im lặng đến ngột thở. Chẳng ai có thể nói được với nhau lời tử tế. Tránh mặt nhau, ngay cả giấc ngủ cũng không muốn chạm. Chỉ cần nói với nhau một câu cũng đủ gây ra một cuộc khẩu chiến.

Mình nói rất nhiều lần rằng, với mình im lặng là chết. Và lúc ấy thì vợ chồng mình đang chết thật. Cứ thế kéo dài đến cả tháng trời, trong khi bình thường ngay cả khủng hoảng tồi tệ nhất cũng chỉ ngày thứ 3 là vợ chồng lại ôm nhau ngủ. Vậy mà suốt một tháng chẳng ai có thể nhìn nhau một cách bình thường. Cảm giác như chỉ muốn biến mất khỏi cuộc đời nhau một cách sạch sẽ nhất.

Và rồi một buổi tối, chồng mình ngồi gõ lạch cạch cả giờ đồng hồ, rồi in ra bản ĐƠN XIN LY HÔN đưa mình. Chồng mình nói:

– Giải thoát cho nhau đi em. Anh sắp không chịu nổi rồi!

Chẳng thế hiểu được lý do vì sao, ngay cả bản thân mình cũng nghĩ đến điều ấy nhưng là đàn bà vẫn còn muốn giữ gia đình tròn vẹn cho con nên cứ sống như vậy đi.

Mình không ngạc nhiên, bình thản cầm bút ký: Tôi đồng ý!

Chồng mình im lặng cầm lá đơn cho vào cặp. Trong lá đơn nói rõ sẽ chia đôi con cho nhau. Mỗi người nuôi một đứa.

Cả đêm hôm ấy, vợ chồng mình không ngủ. Mắt mình ráo hoảnh, chẳng thể nghĩ được gì cho ngày mai. Còn chồng mình – anh ấy bật khóc nấc lên từng tiếng.

Lần đầu tiên mình nhìn thấy những giọt nước mắt chua chát của anh ấy. Dường như cố gắng kìm lại nhưng không được, rồi anh bật dậy lao vào nhà tắm, không nhớ là ở trong ấy bao lâu, chỉ biết lúc trở ra mắt đã đỏ ngầu.

Mình hỏi:

– Sao anh khóc, đây chẳng phải là ý của anh sao. Sao còn đau khổ chứ. Em đồng ý giải thoát theo ý anh, anh còn muốn gì!

Chồng mình nhìn lên ánh mắt vật vã:

– Anh thương con, rồi hai đứa sẽ mỗi đứa một phương, không được ở cạnh nhau nữa. Anh sẽ rất nhớ con.

Rồi anh ấy ôm ghì lấy Bột, cố nén tiếng nấc.

Mình đứng bật dậy, cố không để mình khóc theo.

Khi cuộc sống đã đến mức chẳng thể dung hoà được nữa, ra đi là điều cần thiết. Chẳng phải vì ai, chẳng vì ai phản bội ai, chỉ vì chúng ta đã không thể vượt qua những áp lực cuộc sống. Mình cũng đã từng nói với anh ấy: Con người mình buông bỏ hay nắm giữ đều rất quyết liệt. Anh ấy hiểu điều ấy.

Và chồng mình khoá FB, ai tinh ý có thể thấy một thời gian mình viết gì cũng không tag anh ấy vào nữa. Bọn mình ly thân, mỗi đứa một phòng. Mình nhắn cho chồng mình:

– Anh đừng bỏ Facebook, em muốn nhìn thấy con, anh siêng up ảnh con nhé, hàng tuần sẽ cho hai anh em gặp nhau 1 lần. Xin lỗi vì chúng ta đã không thể giữ được tình yêu này.

Lúc này mình khóc.

Ngày hôm sau ấy, chồng mình đi làm nhắn tin về rằng:

– Anh đi làm và đã nộp đơn lên toà án. Họ hẹn 15 ngày nữa gặp nhau trên toà để giải quyết. Thời gian ấy chúng ta tạm thời ly thân, sau đấy anh sẽ thuê nhà giúp cho em và con.

Mình nhắn lại lạnh lùng:

– Không cần đâu, em sẽ đi luôn, em tự lo được.

Hôm ấy trở trời con lại ốm, mình thu xếp đồ rồi nói với mẹ chồng là đưa cháu đi Hà Nội khám bệnh. Chuyện sau này êm xuôi sẽ nói sau. Chồng mình chuyển vào tài khoản riêng của mình, rồi nhắn :

– Anh sẽ gửi thêm sau

– Ok anh, em và con đi bây giờ!

Chồng mình im lặng.

Mọi thứ đã hoàn tất cho một cuộc chia ly. Chẳng cần lý do gì cả, chỉ là không thể ở bên nhau được nữa. Mình gọi taxi, ôm con vào lòng, vô thức, cứ đi đã rồi tính. Nửa đường thì con lên cơn sốt, rồi nôn trớ trong xe, mặt tái đi. Ngoài trời giữa những ngày rét đậm. Mình hối lái xe chạy nhanh về bệnh viện nhi trung ương.

Trời bắt đầu tối thì có mưa, bế con chạy vào viện, mưa và gió táp vào mặt lạnh buốt, cố ôm lấy con mà lòng cay đắng. Tại sao mọi thứ lại trở nên như thế, tình cảm 6 năm qua, những khó khăn đã từng, những yêu thương ngọt ngào đã qua giờ chỉ cần ngoảnh mặt đi là hết sao?

Một mình tay ôm con sốt, tay làm thủ tục. Con khóc, bác sĩ hỏi người nhà đâu, đưa người nhà bế con. Lúc ấy trong đầu nhớ về những ngày hai vợ chồng đưa con đi khám. Đứa bế con đứa chạy lăng xăng lo việc. Con khóc đứa bế đứa dỗ, động viên nhau. Quay sang bên cạnh, mọi người đều đủ bố mẹ bên cạnh con. Mình ứa nước mắt.

Hình như chúng ta đã sai ở đâu đấy. Hình như chúng ta đang làm khổ nhau và con vì cái ích kỷ của bản thân.

Tay xách nách mang, vừa ôm cho con ti vừa chạy, nước mắt lã chã. Cái hình ảnh lúc ấy chắc chẳng thể nào quên. Con bị viêm phế quản, bác sĩ cho thuốc rồi về. Mò vào túi lấy điện thoại, hơn 20 cuộc gọi nhỡ và 5 tin nhắn của chồng mình. Đồng hồ đã gần 10h đêm.

Anh ấy nhắn:

– Em nghe máy đi

– Em và con đang ở đâu?

– Anh sai rồi, em cũng sai rồi!

– Em về đi!

– Em ở đâu, anh đi đón!

Mình không kìm được nữa, khóc nức nở ở hành lang bệnh viện. Gọi lại cho chồng mình:

– Em đang trong viện nhi, con ốm. Khám xong rồi. Giờ em mới cầm điện thoại

– Em bắt xe cho con về nhà luôn nhé, về thấy tủ quần áo của em trống không, chẳng thấy em ngồi ở giường như mọi ngày, anh thấy sợ quá. Anh gọi em mãi mà em không nghe. Anh lại càng lo, cứ nghĩ dại …..

– Về đi, mai anh đi rút lại đơn!

Mình hiểu tâm trạng của chồng mình, có lẽ cũng như mình lúc này.

Mình tắt máy, lòng bớt nặng, sau tất cả, mình cần về. Tình yêu vẫn ở đấy, chỉ là chúng ta mải lo quá nhiều thứ mà trót hết kiên nhẫn cho một mối quan hệ. Cơm áo gạo tiền quên đi mất chúng ta còn tình yêu cần gìn giữ.

Về đến nhà hơn 12g khuya. Cả nhà đã ngủ, còn chồng mình ngồi đấy, đón lấy con rồi bảo:

– Em qua quán ăn bát cháo đi cho ấm (quán cháo ngay sát nhà).

Mình làm theo vì bụng lúc này đã rống tuếch. Xong xuôi vào phòng, đặt con xuống giường, hai vợ chồng nhìn nhau hồi lâu, mình bật khóc, chồng mình ôm lấy mình rồi nói:

– Thôi, không sao đâu. Vợ ngủ đi không mệt rồi. Ổn rồi, ổn rồi…

Sau một tháng im lặng là cái ôm ổn rồi của chồng!

Thế đấy, có những quãng thời gian chẳng cần người thứ ba thì cuộc sống vợ chồng cũng trở nên bế tắc đến mức muốn tống khứ ra khỏi cuộc đời nhau bằng lá đơn Ly Hôn như vậy. Cuộc hôn nhân nào dù có tốt đẹp đến mấy cũng phải có đến trăm lần người trong cuộc muốn ly hôn, cũng phải đến vài chục lần muốn “giết chết” đối phương. Vì chúng ta ai cũng có khuyết điểm.

Sống chung một nhà là đã lột trần nhau toàn diện từ thể xác đến tính cách, nhiều khi có cảm giác hối hận vô cùng vì lấy nhau. Mình chắc các bạn cũng có cảm giác vậy ở một giai đoạn nào đấy. Thắng được cái khoảng thời gian BỘC LỘ này thì chúng ta sẽ THẤU HIỂU và sẽ là HẠNH PHÚC. Nếu không sẽ vĩnh viễn mất nhau ở tuổi trẻ, đánh mất tất cả những năm tháng đã yêu thương và cần có nhau đến mức nào!

Cái gì trong cuộc đời cũng có giá của nó hết. Giá của cái nắm tay lúc về già là bao nhiêu giông bão của tuổi trẻ. Hy vọng mỗi chúng ta đều nghĩ được khi muốn chấm dứt. Hãy nghĩ về những lý do khiến chúng ta bắt đầu! Nghĩ về những phút giây hạnh phúc bên nhau! Giờ thì ôm người đàn ông bên cạnh ngủ đi thôi.

Nhữ Thị Thảo 

From: Anh Dang & KimBằng Nguyễn  

Lẩm Cẩm Chuyện Ly Dị – Ngô Tằng Giao

 

Lẩm Cẩm Chuyện Ly Dị –

Ngô Tằng Giao

Có người triết lý: “Biết bao người đàn ông chỉ yêu một má lúm đồng tiền mà dại dột cưới nguyên cả một người đàn bà!” Để rồi sau đó chẳng còn ca tụng “tình em như tuyết giăng đầu núi, vời vợi muôn thu nét tuyệt vời” nữa!. Thôi đành chia tay! “Tình nghĩa đôi ta có thế thôi!”

Giải tán một cuộc hôn nhân bằng thủ tục ly dị là biện pháp mà người ta thường hay theo nhất. Khi yêu nhau thì “trái ấu cũng tròn”, “yêu cả đường đi lối về”… thậm trí nếu em yêu đêm nằm có ngáy to quá khiến chồng mất ngủ thì “chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà”… Khi “tình yêu vỗ cánh bay xa” thì quái lạ thật, nào đi đứng, nào nằm ngồi cái gì trông cũng thấy chướng tai gai mắt cả. Lý do thông thường nhất để xin ly dị là sự bất hòa. Vợ chồng không còn thấy thích hợp để tiếp tục chung sống cùng nhau nữa.

Cũng có thể gọi đây là trường hợp cô đơn. Một nỗi cô đơn “đồng sàng dị mộng”, tuy chung sống dưới cùng một mái nhà nhưng hai tâm hồn lại “gửi gió cho mây ngàn bay” theo hai hướng khác nhau. Tây họ gọi là “solitude à deux” (cô đơn tay đôi). Nhưng mà lạ thật! Chính sự cô đơn thì tốt chứ vì đó là một điều kiện thiết yếu để sáng tác cơ mà.

Johann Wolfgang von Goethe từng phát biểu rằng: “Người ta có thể được giáo dục trong xã hội, nhưng người ta chỉ được gợi hứng ra trong sự đơn độc”. Họa sĩ Picasso tiếp lời: “Sẽ không có một tác phẩm nghiêm túc nào được ra đời nếu không có sự đơn độc lớn.”

Không rõ sau khi tan hàng có bên nào hối tiếc mà rên rỉ cất tiếng hát rằng: “Lệ xóa cho em được không những kỷ niệm đắng. Lời nói yêu thương ngày xưa có trở về tìm?…” Chỉ biết có đệ tử Lưu Linh ngồi trước món nhậu nổi hứng triết lý phát biểu rằng: “Hôn nhân như một quả tim, luộc ăn ngon, xào cũng ăn ngon, nhưng để lâu, thì chả còn ngon chút nào cả!” Benjamin Franklin từng lên tiếng phụ họa: “Trước khi lấy vợ hãy cố mở mắt ra. Sau khi lấy vợ nên cố mà khép mắt lại.”

LÝ LẼ CỦA CHÀNG

Tại Price, Utah: Chồng xin ly dị vì bà vợ cứ nằng nặc đòi treo hình của bốn ông chồng cũ của vợ ở đầu giường (over the bed.)

Point Charlotte, Florida: Chàng xin ly dị ngay sau khi hai người vừa cưới nhau xong. Chàng trình với tòa là cả hai trong lễ cưới vừa nói xong “I do’s” là nàng đã vội vàng lôi chàng đến tiệm rượu quen thuộc gọi rượu nhậu và nói với ông chủ quán rượu là “Đấy ông thấy không, tôi nói là tôi sẽ cưới anh chàng này mà (I told you I’d marry him). Bây giờ đưa tôi $50 ngay đi!”

Montevideo, Minnesota: Chồng kiện xin ly dị vợ vì cho rằng vợ không yêu chồng. Lý do là chồng bị hụt cẳng chân té xuống basement và gần như bất tỉnh, phải bò lết trên mặt đất. Thế mà bà vợ vội chạy đến và hô lên rằng; “Anh đang ở dưới đó (while you’re down there) thì tiện tay bỏ thêm ít than vào lò sưởi nhé!”

Huntingburg, Indiana: Liên lạc với nhau qua mục quảng cáo tìm bạn đời của những tâm hồn cô đơn. Thế rồi họ cưới nhau trước khi gặp mặt nhau. Nàng khai là chỉ cao 5 feet và nặng có 118 pounds nhưng khi gặp mặt thì mới thấy là nàng cao những 6 feet và nặng những 300 pounds. Chàng kiện xin ly dị vì lý do “quảng cáo gian lận” (false advertising.)

Platteville, Wisconsin: Chồng kiện ly dị bà vợ vì lý do là vợ đáp một chuyến bay và mua bảo hiểm du lịch nhưng lại ghi tên kẻ thụ hưởng là… con chó của chàng và nàng (named their dog as beneficiary.)

Grants, New Mexico: Chồng xin ly dị vì vợ lăng nhăng ngoại tình. Tòa án trách cứ chồng, cho rằng chồng đã biết chuyện lăng nhăng của vợ và nên có những sự canh chừng cẩn mật riêng tư (exercised a peculiar vigilance over her).

Rock Springs, Wyoming: Ngay sau khi lấy nhau nàng thổ lộ là lấy chàng chỉ vì tiền của chàng mà thôi. Chàng tức giận nạp đơn xin ly dị. Tuy nhiên đơn này bị bác vì quan tòa cho rằng: “Luật về trò chơi của tiểu bang không quy định mùa mãn hạn cho cái loại cạm bẫy này” (the game laws of the state provided no closed season against this kind of trapping.)

LÝ LẼ CỦA NÀNG

Tại Marshfield, Wisconsin: Khi một cặp cưới nhau, chàng hứa hẹn sẽ trả cho nàng $1 cho mỗi nụ hôn trong suốt thời gian lấy nhau. Nàng kiện xin ly dị chàng và xin tòa bắt chàng phải trả khoản tiền “hôn” này còn thiếu là $3,000 (back payments.)

Tại Susanville, California: Nàng kiện xin ly dị vì chàng đem cái bếp lò đi bán để lấy tiền mua rượu nhậu. Chàng thú nhận là có đem bếp lò đi nhưng xin tòa khoan hồng vì chính nàng cả nửa tháng nay có sờ chi tới bếp núc đâu!

Tại Pendleton, Oregon: Nàng kiện xin ly dị với lý do chàng không hề mua tặng nàng món quà chi nhân mùa Giáng Sinh cả. Chàng cãi rằng chàng tin là ông Santa sẽ mang cho nàng quà tặng đó (Santa would bring them.)

Tai Winnemucca, Nevada: Nàng chộp được từ tay ông đưa thư một bức thư do chính chữ viết tay của chồng. Khi mở ra coi thời đó là thư tình ái chồng gửi cho một người đàn bà khác. Nàng kiện xin ly dị và thắng kiện nhưng phải trả $20 về tội… trộm thư không phải của mình (tampering with the mail.)

Strawberry Plains, Tennessee: Vợ thỉnh cầu tòa cho ly dị vì nàng làm thịt bò bíp-tết với hành rất ngon nhưng anh chồng luôn ăn hết thịt chỉ để dành lại cho vợ có hành mà thôi (left her the onions.)

Canon City, Colorado: Vợ kiện xin ly dị vì anh chồng cứ bắt vợ phải ngồi tụt xuống và cúi đầu thấp trong xe (hide under the dashboard) mỗi khi chồng lái qua mặt người bạn gái cũ của chồng.

LÝ LẼ CỦA TÒA

1.Tại Wichita, Kans., một ông chồng được phép ly dị bà vợ sau khi trình bằng chứng với tòa rằng ông làm việc suốt đêm, nhưng về nhà lại không được ngủ yên vì bà vợ cứ nằng nặc đòi nuôi 36 con chim kim tước luôn kêu rối rít và hai chú chó ngay trong phòng ngủ.

Nàng Barbara kiện đòi ly dị Timothy với lý do là chàng này làm tất cả mọi việc bếp núc, nội trợ (quả xứng danh là Mr Clean) Nàng không được đi mua sắm bên ngoài, không được chùi rửa nhà cửa và không được làm việc bên lò bếp nóng trong suốt 13 năm từ ngày cưới nhau. Nàng kiện ly dị với lý do như thế là bị “hành hạ”. Tòa xử nàng thua kiện! Quan tòa phán rằng Timothy đã “thiếu khôn khéo chứ không độc ác” (tactless, not cruel.)

Lee và Roberta lấy nhau đã 40 năm trời rồi chàng tự dưng lại lăng nhăng với một bà khác. Nàng nạp đơn xin ly dị. Chàng trình tòa rằng mọi tội lỗi đều do nàng mà ra cả vì nàng đã cứ cằn nhằn cãi cọ với chàng trong suốt cuộc đời chung sống này và cái sự “quấy rầy, ghép tội và cãi cọ” (harassment, accusation, and nagging) này đã là nguyên do đưa đẩy chàng vào vòng tay một người phụ nữ khác. Tòa xử rằng sau 40 năm bị như thế thì người chồng đã chịu đựng quá mức. Tuy nhiên Roberta lại không được lãnh một khoản tiền cấp dưỡng nào cả, đó là cái giá mà bà vợ phải gánh chịu vì cái miệng lưỡi của mình (the tongue lashing.)

Fred và Olga mới chỉ lấy nhau được có một tháng trời rồi Fred nạp đơn xin ly dị. Chàng thưa rằng cuộc hôn nhân thực ra chưa hề có bao giờ. Chàng đã quá say xỉn lúc làm đám cưới vì đã nhâm nhi hết 2 gallon rượu bia. Trong một cuộc cãi lộn bà vợ nặng 250 pounds của chàng đã quật chàng ngã nằm dài xuống đất và ngồi lên tấm thân chàng suốt 10 phút đồng hồ. Lý do xin ly dị là tàn ác và đối xử bất nhân (cruel and inhuman treatment.) Olga cãi rằng không hề đẩy Fred, Fred tự mình bị ngã, hơn nữa nàng chỉ ngồi trên chân chồng mà thôi, có gì quá đáng đâu. Tòa xử cho chàng Fred được quyền ly dị.

  1. Chuyện bên Tàu: cậu Jian Feng yêu tha thiết người vợ xinh đẹp của mình. Nhưng con gái đầu lòng sinh ra quá xấu (extremely ugly baby girl). Nhan sắc của vợ bỗng nhiên trở thành tàn tạ. Dựng cớ con không giống cha, cho rằng con do ngoại tình, anh đòi ly dị. Thử DNA chứng tỏ đó là con anh. Vợ thú nhận đã chi 75.000 mỹ kim nhờ giải phẩu thẩm mỹ thay đổi dắc diện hoàn toàn, nay vì sanh đẻ, những khuyết tật xưa tái xuất hiện. Chồng nhứt định đưa ra Tòa ly dị và đòi tiền thiệt hại. Con gái xấu khiến anh bị hoảng kinh. Tòa xử vợ đã cố tình che dấu dung nhan xấu để gạt anh chồng, chấp nhận đơn xin ly dị và dạy người vợ phải bồi thường cho chồng hơn 120.000 mỹ kim thiệt hại.

Cái anh chồng này.quả thật không nghe lời phát biểu của nhà văn Antoine de St Exupery nổi danh của Pháp, nguyên văn như sau: “Yêu nhau không phải là chuyện người này ngắm nhìn người kia, mà là cùng ngắm nhìn chung về một hướng” (Aimer, ce n’est pas regarder l’un l’autre, mais c’est regarder ensemble dans une même direction.)

MẠN ĐÀM CHUYỆN VỢ CHỒNG

– Hai bí quyết giúp cho hôn nhân khắng khít:

1.Luôn nhận mình là sai trái.

2.Còn khi bạn đúng thì nên câm họng! (Two secrets to keep your marriage brimming: 1.Whenever you’re wrong, admit it.

2.Whenever you’re right, shut up) (Shaquille O’Neal)

– Bạn định nghĩa thế nào về một người vợ chung thủy? Xin thưa: “Một người vợ chung thủy là người đàn bà suốt đời chỉ thích hành hạ một người đàn ông thôi!”

– Người vợ tốt là người tha thứ cho chồng mình khi bà ta sai trái! (A good wife always forgives her husband when she’s wrong) (Barack Obama).

– Tôi có sợ khủng bố đâu nào, vì tôi đã lấy vợ được 2 năm rồi còn gì! (I don’t worry about terrorism. I was married for two years.) (Rudy Giuliani)

– Tôi và vợ tôi đã sống vui vẻ trong suốt hai mươi năm trời cho đến khi chúng tôi gặp nhau. (My wife and I were happy for twenty years. Then we met) (Alec Baldwin)

– Cách chuyển tiền nhanh còn hơn cả ngân hàng điện tử nữa… đó chính là hôn nhân! (There’s a way of transferring funds that is even faster than electronic banking. It’s called marriage) (Michael Jordan).

– Tôi gặp toàn chuyện xui trong hôn nhân. Bà vợ đầu bỏ tôi còn bà thứ hai thì không. Bà thứ ba thì đẻ khỏe ra gì! (I’ve had bad luck with all my wives. The first one left me and the second one didn’t. The third gave me more children) (Donald Trump).

– Bạn biết trước khi lấy vợ tôi làm được chuyện gì không? Mọi thứ gì mà tôi muốn. (You know what I did before I married? Anything I wanted to) (David Hasselhoff).

– Cách nhớ ngày sinh của vợ hiệu quả nhất là cứ giả bộ quên một lần (The most effective way to remember your wife’s birthday is to forget it once) (Kobe Bryant).

– Hôn nhân là cuộc chiến duy nhất mà trong đó hai kẻ thù ngủ chung với nhau. (Marriage is the only war where one sleeps with the enemy) (Tommy Lee Jones).

– Có ông kia đăng báo: “Kén vợ”. Ngày hôm sau ông ta nhận cả trăm lá thơ hồi đáp, tất cả đều viết cùng một nội dung: “Ông có thể lấy vợ tôi được đấy” (A man inserted an ‘ad’ in the classifieds: “Wife wanted”. Next day he received a hundred letters . They all said the same thing: “You can have mine” (Brad Pitt)

– Ông thứ nhất khoe: “Vợ tôi là một thiên thần”. Ông thứ hai nói: “Vậy ông may mắn đấy, vợ tôi thì vẫn còn sống nhăn mới chết chứ” (First Guy ‘proudly’: “My wife’s an angel!” Second Guy: “You’re lucky, mine’s still alive”) (Jimmy Kimmel).

– Đàn bà gợi hứng cho chúng ta làm những việc vĩ đại, đồng thời họ lại ngăn cản chúng ta đạt được những điều vĩ đại ấy! (Woman inspires us to great things, and prevents us from achieving them) (Mike Tyson).

– Đàn ông bằng mọi giá phải cưới vợ thôi. Nếu gặp vợ tốt nết thì hạnh phúc, còn lấy phải vợ xấu nết thì bạn sẽ trở thành một triết gia (By all means marry. If you get a good wife, you’ll be happy. If you get a bad one, you’ll become a philosopher) (Socrates).

– Khi có kẻ nào cướp mất bà vợ của bạn, không có sự trả thù nào độc ác hơn là để nó giữ lấy bà ấy. (When a man steals your wife, there is no better revenge than to let him keep her) (Lee Majors)

– Bà vợ hỏi chồng “Sao hôm nay ông về sớm vậy? Chồng trả lời “Hôm nay lão boss nổi khùng hét vào mặt tôi “Hãy cút về địa ngục đi!” (Go to hell). Nên tôi về nhà!

– Bà vợ than thở “Ước gì tôi là một tờ nhật báo để như thế là được ông cứ khư khư ôm lấy trong tay vào mỗi buổi sáng!”. Ông chồng trả lời “Tôi cũng thầm mong ước giống như bà để tôi có được một tờ… ‘báo mới’ mỗi ngày!”

– Một cặp vợ chồng da trắng lại sinh ra một đứa con da đen. Ông chồng thắc mắc không tin đó là con mình. Bà vợ giải thích “Ông luôn luôn nóng (hot), tôi cũng nóng (hot) nên đứa con này bị bỏng (burnt) vậy mà!”

– Vợ hỏi “Ông đang tìm kiếm chi đó?” Chồng trả lời “Có kiếm chi đâu!” Vợ hỏi lại “Không kiếm gì sao? Tôi thấy ông ôm tờ giấy hôn thú của chúng mình và đọc cả tiếng đồng hồ rồi mà?” Chồng thở dài “À! Tôi đang kiếm xem trong này có ghi ngày mãn hạn (expired date) là ngày nào không!”.

(Trích “CHUYỆN PHIẾM VỀ PHÁP LUẬT”

Soạn giả: LS. NGÔ TẰNG GIAO)

HẠNH PHÚC TUỔI GIÀ…

May be an image of 1 person and text that says 'DoPhuQuy's Blog'

HẠNH PHÚC TUỔI GÌA…

Tặng ACE còn đủ … hai mình…

Cùng nhau uống hết chén trà

Ngồi đây nhớ lại tui bà ngày xưa

Dẫu cho ngày nắng hay mưa

Vợ chồng mình vẫn cày bừa với nhau

Qua rồi cái cuộc bể dâu

Giờ đây tóc đã phai màu gió sương

Nhìn bà tui vẫn còn thương

Lưng khòm tay yếu vấn vương suốt đời

Giàu nghèo chẳng phụ mình ơi

Đắng cay cam chịu cuộc đời có nhau

Buồn vui những lúc ốm đau

Bà đâu tui đó trước sau một lòng

Thương nhau cái nghĩa vợ chồng

Dù mai xa cách trong lòng vẫn thương

Bà giờ vẫn đẹp lạ thường

Làm tui chẳng muốn tơ vương cô nào.

Cha mẹ làm gì khi ‘tuổi teen’ gặp khủng hoảng thời đại dịch

Cha mẹ làm gì khi ‘tuổi teen’ gặp khủng hoảng thời đại dịch

May 25, 2021  

LOS ANGELES, California (NV) – Ở tuổi dậy thì, cơ thể có những thay đổi không chỉ về sinh lý mà còn cả tâm lý, khiến các em rơi vào tình trạng không làm chủ được bản thân và dễ mắc phải các hội chứng tiêu cực. Tệ hại hơn khi các em trải qua giai đoạn này trong thời đại dịch COVID-19.

Từ Tháng Ba, 2020, cô Tiffany Lee, 43 tuổi, bắt đầu áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Cô yêu cầu cậu con trai 15 tuổi của mình, Bowen Deal – ở nhà gọi là Bo – tập tránh xa đám đông, đeo khẩu trang. Nhưng mọi chuyện không dễ dàng với cậu bé tuổi teen này.

Lứa tuổi thanh thiếu niên không muốn gần gũi cha mẹ. Nhưng ngặt một điều, khi đại dịch xảy ra, các em không còn lựa chọn nào khác là… ở nhà. (Hình minh họa: Talib Abdulla/Pixabay)

“Bo nói với tôi là mấy đứa bạn của nó, nào là tổ chức tiệc bể bơi, rồi chơi bowling, trong khi nó thì bị mẹ cấm đoán đủ điều,” cô Lee kể trên The New York Times. “Mới tí tuổi đầu mà nó gọi tôi là ‘bà mẹ độc ác,’ chia rẽ nó, không cho nó chơi với bạn bè.”

Gia đình cô Lee sống ở ngoại ô Savannah, Georgia, nơi có nhiều người không tuân theo các quy tắc trong thời dịch bệnh.

Xung đột giữa cô và con trai đã lên đến đỉnh điểm vào Tháng Giêng vừa rồi. Mới đây, cô Lee phải nghỉ mấy ngày để tránh những lời tục tĩu tuôn ra, khi cô yêu cầu khách hàng trong cửa hàng bán quần áo của mình phải mang khẩu trang. Trong khi đó, Bo một mực đòi đi học lại. Cô Lee nói, nỗi tức giận của cô đã ở tột đỉnh. Cô nói với con: “Mẹ không muốn tranh cãi với con nữa. Nếu đi học, nhiều khả năng con sẽ đem virus về cho cả nhà. Hiểu chưa!”

Thông thường, lứa tuổi thanh thiếu niên (tuổi teen) không muốn gần gũi cha mẹ. Nhưng ngặt một điều, khi đại dịch xảy ra, các em không còn lựa chọn nào khác là… ở nhà. Bị gò bó suốt ngày trong phòng ngủ, dán mắt vào màn hình tivi hoặc điện thoại mãi cũng chán, các em khao khát được nhào ra bên ngoài, gặp bạn bè, giao lưu với người này người nọ.

Tiến Sĩ Harold S. Koplewicz, giám đốc y tế Child Mind Institute ở thành phố New York, cho biết: “Nhóm phải chịu đựng nhiều nhất khi bị cô lập là những thanh thiếu niên tuổi từ 13 đến 24. Họ cảm thấy mất dần sự tự do, họ gặp khó khăn trong học tập. Nhiều thứ bị đình đốn, họ chẳng làm được gì.” Trong tình cảnh như vậy, thật khó cho các em, và cả phụ huynh.

Một cuộc thăm dò ý kiến ​​của các bậc cha mẹ có con trong độ “tuổi teen” trên phạm vi toàn quốc, do bệnh viện C.S. Mott Children’s Hospital thực hiện hồi Tháng Ba, cho thấy các bậc cha mẹ đã và đang phải cố gắng duy trì sức khỏe tâm thần của con mình.

Khoảng một nửa trong số những người được khảo sát cho biết tinh thần của con họ đã thay đổi hoặc trở nên tồi tệ hơn trong đại dịch. Một phần ba trong số người được hỏi cho biết họ phải tìm gặp và nói chuyện với giáo viên hoặc cố vấn học đường về con cái mình. Một phần ba khác tìm kiếm sự trợ giúp chính thức về sức khỏe tâm thần.

Trong bối cảnh nạn phân biệt chủng tộc và tội ác thù hận ngày càng gia tăng, bao gồm cả làn sóng bạo lực chống người Châu Á từ mùa Xuân, nhiều bậc cha mẹ da màu cố gắng giúp con cái của họ giải quyết khi có bất trắc xảy ra.

Cô Thea Monyeé, một nhà trị liệu da màu ở Los Angeles, người chứng kiến ​​ba cô con gái tuổi teen của mình tham gia vào các “cuộc chiến” trên mạng xã hội. “Vợ chồng tôi không muốn cảnh sát ‘dính’ vào chuyện này,” cô Monyeé nói. “Mấy đứa nhỏ hết sức giận dữ, sau đó thì buồn tủi, thậm chí bị tổn thương. Chúng tôi lại phải ngồi xuống nói chuyện với các con.”

Có con bình thường bị phân biệt đối xử đã khổ, đằng này, cô Ragin Johnson còn kinh khủng hơn khi cậu con trai 17 tuổi của mình, một thanh niên da đen cao lớn, mắc chứng tự kỷ. “Nó là một đứa rất thân thiện,” cô Johnson, 43 tuổi, giáo viên lớp 5 ở Columbia, South Carolina, nói. “Tôi không muốn ai đó có ấn tượng xấu khi gặp con tôi, khi thấy nó trở nên hung dữ.”

Cô giáo Johnson rất lo lắng cho con. Không cho con đi đâu một mình, nhưng cô thừa nhận rằng không phải lúc nào cũng có thể đi tò tò theo để bảo vệ cho con được. Như cô Johnson và các bậc phụ huynh đã trải qua hơn một năm đại dịch, rằng sẽ không có giải pháp hoàn hảo nào cho tất cả các thách thức. Ngay cả câu hỏi đơn giản như “khi nào chuyện này kết thúc?” đã có câu trả lời đâu! Nhưng các chuyên gia cho rằng có nhiều cách để làm cho khoảng thời gian căng thẳng này trở nên dễ kiểm soát hơn.

Nếu mọi cuộc trò chuyện kết thúc bằng một cuộc chiến – hoặc nếu đứa trẻ ủ rũ, thậm chí không thèm nói chuyện với bạn nữa, hãy thử một chiến thuật khác. Ví dụ, hãy rủ và đưa con đi chơi đâu đó. Nhưng đừng giảng giải đạo đức cho con lúc này, mà hãy để con nói. “Bạn cố gắng lắng nghe, và chăm chỉ lắng nghe,” Tiến Sĩ Koplewicz nói. Nếu con bạn bị suy sụp về tinh thần hoặc gặp vấn đề về cảm xúc, hãy tìm sự giúp đỡ từ người khác, để giúp con vượt qua.

Cậu bé là một trong số rất ít học sinh đeo khẩu trang đi học. (Hình minh họa: Kelly Sikkema/Unsplash)

Ông Patrick Possel, giám đốc chương trình Cardinal Success, nơi cung cấp các dịch vụ sức khỏe tâm thần miễn phí cho những người không có bảo hiểm ở Louisville, cho biết: “Khi một thiếu niên trong nhà bắt đầu gặp khó khăn, cha mẹ các em chắc cũng không còn đủ sức để giải quyết.” Nhưng ông Possel nói đừng thất vọng, buông tay, mà hãy tìm hiểu ở đâu đó, chắc chắn sẽ có một mạng lưới, một người bạn, một chuyên gia, hoặc ai đó giúp bạn.

Cô Liz Lindholm, ở Federal Way, ngoại ô Seattle của tiểu bang Washington, người vừa phải giám sát việc học từ xa của hai cô con gái sinh đôi 12 tuổi, cậu con trai 18 tuổi tại nhà, vừa làm việc trong bộ phận quản lý chăm sóc sức khỏe, nói: “Điều thách thức nhất với tôi trong năm nay là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.”

Cô Lindholm, bà mẹ đơn thân 41 tuổi, không có nhiều thời gian để chăm sóc bản thân mình. Cuộc sống quá căng thẳng, lâu thật lâu cô mới có được ít giây để tự rót cho mình một ly nước ngọt. Nhưng hiện tại, các chuyên gia nói rằng cô ấy không đơn độc.

Với Lee, cô đã tìm được một nhà trị liệu trực tuyến tại BetterHelp.com, người giúp cô và Bo vượt qua thời điểm khó khăn này. Bo thay đổi hẳn trước sự ngạc nhiên vui sướng của người mẹ. Cậu bé là một trong số rất ít học sinh đeo khẩu trang đi học.

Một ngày nọ, trên đường về nhà, Bo nói với cô: “Mẹ, vaccine ngừa dịch bệnh cần thiết là thế, vậy mà mấy đứa bạn con, có đứa chẳng hiểu gì cả.” Cô Lee mừng muốn khóc. “Mối quan hệ của mẹ con tôi bây giờ tốt đẹp hơn rất nhiều,” cô Lee nói. “Tôi tin tưởng con và cho con được một vài quyền quyết định. Dưới mắt con, bây giờ tôi không phải là người mẹ độc ác nữa.” (Đ.Trang) [qd]

Dáng mẹ yêu!!!

Chau Loi

Dáng mẹ yêu!!!

Không biết tôi gọi được tiếng mẹ từ bao giờ, nhưng nghe mẹ tôi kể lại từ khi bi bô tập nói, tiếng ba là tiếng gọi đầu tiên của tôi. Tôi gọi tiếng ba rất sớm, ai gọi, nói gì tôi cũng chỉ biết “ba ! ba !”, nhưng khi lớn lên người mà anh em tôi quấn quýt nhiều nhất không phải là ba, mà là mẹ tôi.

  1. Mẹ là lá chắn bảo vệ, che chở cho con.

Thuở ấy gia đình chúng tôi nghèo lắm, sống ở vùng ven của thành phố, không có điện, nước sinh hoạt; Thế là nghề gánh nước mướn ra đời. Mẹ tôi tham gia vào đội quân đó, có lẽ do không ràng buộc nhiều về thời gian, để có thì giờ chăm sóc anh em chúng tôi và lo toan việc gia đình.

Sáng nào cũng vậy! Mẹ tôi dẫn bốn anh em chúng tôi ra gánh hàng ăn sáng, tôi và anh tôi tự ăn, bà phải đút từng muỗng cho hai đứa em gái của tôi, ăn xong bốn anh em tôi dắt nhau về nhà, lúc ấy bà mới bắt đầu gánh nước cho những người hàng xóm. Nhưng một hôm chúng tôi đang ăn, một tiếng nỗ lớn rung chuyển mặt đất, bà hốt hoảng ôm bốn anh em tôi vào lòng, như che chở, bảo vệ. Bỏ cả gánh nước, hai tay bà ẳm hai đứa em gái của tôi, miệng thét gọi hai anh em tôi chạy theo mẹ, đến hiên một căn nhà tương bên cạnh. Mẹ ngồi phía ngoài che chắn chúng tôi. Cả ngày hôm ấy, bà không rời chúng tôi nửa bước. Sau này tôi mới biết, ngày hôm đó là ngày đảo chính chính quyền Ngô Đình Diệm.

Lần đó, tôi nô đùa với lũ trẻ hàng xóm té gãy tay trái, tôi vừa về tới nhà, thấy con gãy tay, bà hốt hoảng hỏi lớn:

-Ai làm con gãy tay?

Trong ánh mắt của mẹ, tôi nghĩ xấu số cho ai dám đụng đến con cưng của bà! Với số tiền ít ỏi mẹ tôi không dám đi xe, bà cõng tôi đi bó bột. Về tới nhà đau nhức lắm, tôi khóc rất nhiều, không ngủ được, bà phải ôm tôi suốt đêm, trong vòng tay của mẹ, tôi thiếp đi không biết từ lúc nào .

  1. Mẹ lao động cần cù vì các con.

Ba tôi làm không đủ để nuôi sống một gia đình có sáu miệng ăn. Vì thế mẹ tôi phải làm đủ mọi việc nặng nhọc lo cho cuộc sống gia đình. Bà gánh nước mướn, gánh đất sang lấp nền nhà, phụ hồ, nhặt phế liệu trong bãi rác . . .

Ai thuê gì cũng làm. Ấy thế! Mà bà chuẩn bị ngày tựu trường cho chúng tôi rất sớm, rất chu đáo; Bà dẫn bốn anh em tôi mua sắm quần áo, giầy dép, tập, bút viết . . . Chúng tôi tung tăng, rỉu rít theo mẹ như đàn gà con, hết sạp này đến sạp khác. Đặc biệt áo quần, bà kĩ lưỡng, tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ. Về nhà thỉnh thoảng bà mang ra bắt anh em chúng tôi mặc thử, rồi đi qua đi lại cho bà ngắm nghía, sửa lai chỗ nay, chỗ khác vì bà rất chú tâm đến sự hoàn hảo của món đồ mình đã chọn. Có lẽ mẹ tôi đã phải dành dụm khoãn tiền này lâu lắm!

Lao động cật lực, làm cho mẹ tôi già trước tuổi. Chỉ hơn 30 mà trông bà già lắm. Bà quên đi tuổi thanh xuân của mình vì các con. Cả xóm đông thế !Mà có mấy gia đình cho con ăn học như gia đình tôi. Anh em tôi tự hao vì có mẹ !

  1. Mẹ tận tụy, hi sinh, chịu thương, chịu khó vì chồng con.

Trong các nghề, có lẽ gánh nước mướn là việc làm thường xuyên nhất của mẹ. Gánh được dăm ba đôi nước là bà lại ghé vào nhà chăm sóc anh em tôi, bắt nồi cơm, làm con cá, lặt một mớ rau xanh . . . Vì thế mà bữa ăn của gia đình tuy đạm bạc nhưng cũng khá tươm tất. Thỉnh thoảng ghé nhà nghỉ mệt, bà nựng nịu, ôm hôn từng đứa. Chúng tôi bá cổ mẹ, cười ngắt nghẻo; Bao nhiêu nỗi nhọc nhằn và vất vả của mẹ đều vơi đi ít nhiều, bởi tình thương yêu đã chấp thêm cho mẹ đôi cánh. Buông chúng tôi ra, bà tiếp tục công việc gánh nước mướn của mình.

Vừa gánh nước mướn, vừa lo buổi cơm cho gia đình, dọn dẹp nhà cửa, mẹ tôi thường không gánh đủ số nước cho từng nhà được và công việc này bà phải tiếp tục vào đầu buổi chiều, sau khi bắt chúng tôi lên giường ngủ trưa. Lúc xong việc, bà phải loay hoay với một thau quần áo dơ không sao kể xiết, cao ngùn ngụt. Thế là, chúng tôi có dịp nghịch xà bông thỏa thích bên mẹ. Buổi tối bên chiếc đèn dầu leo lét mẹ tôi cặm cụi khâu từng chiếc áo, chiếc quần, đơm từng chiếc nút. Tôi thầm nghĩ sao mẹ lại tận tụy, hi sinh, chịu thương, chịu khó đến thế. Mẹ ơi!

  1. Tình thương của mẹ là chổ dựa, giáo dục các con.

Cái vùng ven đô nghèo khó của chúng tôi lúc nào cũng tiếp nhận người cùng hoàn cảnh, cùng số phận trôi dạt từ tỉnh lên thành thị kiếm sống. Lần đó, mẹ tôi giúp dì Ba, người mới chuyển đến, ở cạnh nhà tôi như cho mượn gánh nước, tập vào nghề, nhường mối nước quen, nhờ ba tôi tìm việc làm cho chồng ổn định cuộc sống . . . nhất là việc học của mấy đứa nhỏ. Từ đó, dì Ba xem mẹ tôi như một ân nhân!

Những cơn mưa đầu mùa, cũng là lúc bọn trẻ chúng tôi chuyển sang “Mùa đá dế”.Tôi và anh tôi trốn mẹ vào ruộng bắt dế, đựng đầy cả thùng thiếc, bắt chúng đá với nhau để xếp hạng từ hạng nhất đến hạng mười. Tôi kiêu hảnh với những chú dế chiến của mình. Lần đó, tôi mang dế chiến ra đá với dế của lũ trẻ hàng xóm, nhưng lần lượt dế chiến hạng tư, hạng ba, hạng nhì, hạng nhất của tôi đều thua cuộc. Tôi nỗi cáu, chụp chú dế tội nghiệp ngắt đầu, ném mạnh xuống sàn nhà, thân dế rung bần bật, hai chân sau duỗi thẳng và bất động. Chứng kiến cảnh đó mẹ tôi “đét” tôi mấy cái vào mông, ném mấy hộp đựng dế ra đường và trách mắng tôi là không có nhân tính,”ác nhân, sát đức”. Khi ấy, tôi điếng người, bàng hoàng, loáng thoáng chỉ nhận ra mình sai nhưng không sao lí giải nỗi. Mãi sau này tôi mới hiểu tình cảm của mẹ có cả tình yêu loài vật nửa. Và tôi nhận ra chính đạo đức của mẹ đã tạo dựng nên tình yêu thương chúng tôi hôm nay.

  1. Mẹ chăm chút gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Như bao gia đình Việt Nam khác, gia đình tôi hạnh phúc nhất là buổi cơm chiều, lúc ấy gia đình tôi quây quần bên mâm cơm đạm bạc, sao mà ngon lạ! Không hiểu vì sao, hể ba tôi gấp mon nào là chúng tôi tranh nhau ăn món đó đến hết sạch! Nên mẹ thường nhắc khéo ba:”Món này ngon lắm ! Ông ăn thử đi, cho tụi nhỏ nó ăn”.Trong bữa ăn, chưa bao giờ chúng tôi bị mẹ mắng vì tranh ăn, đỗ tháo, cải nhau . . . chỉ được nhắc khéo “cẩn thận” , “đừng giành” . . . “để mai mẹ nấu nữa”. Chúng tôi hạnh phúc vì có mẹ.

Ngày ấy, khu vực nhà tôi chưa có điện, nhà nào cũng ngủ sớm. Bà nằm giữa, chúng tôi gối đầu lên tay mẹ, nghe mẹ kể chuyện cổ tích. Chuyện mẹ kể không nhiều, được kể đi, kể lại nhiều lần, nhưng chúng tôi vẫn háu hưc nghe mà thiếp đi lúc nào không hay.

Bây giờ mỗi lần về thăm mẹ, bàn tay bà vuốt nhẹ lên vai tôi, sửa lại cổ áo, rót cho tôi li nước, tôi vẫn còn cái cảm giác bé bỏng trong vòng tay chăm sóc, bảo vệ của mẹ ngày nào. Nhìn mẹ, tôi không thể nào quên được hình ảnh của bà ngày xưa, mẹ tôi mặc chiếc áo bà ba, hai tay tì hai đầu gánh nặng trĩu, hai thùng nước đầy quằng vai là sát đất. Dáng mẹ tôi nhanh nhẹn, uyển chuyển, thanh thoát, bước đi nhịp nhàng. Đòn gánh và cặp móc sắt cọ nhau rít lên nghe kẻo kẹt. Tôi lặng người hạnh phúc quá, nhớ “Dáng mẹ yêu !” của tôi.

Tháng 04 /2012

Châu Lợi

PHÚC ĐỨC TẠI MẪU


PHÚC ĐỨC TẠI MẪU

 Ngày còn bé, con cứ thắc mắc tại sao trên đất nước này cái gì cũng mang dấu ấn sự tôn vinh người Mẹ. Dòng sông lớn nhất ở phía Bắc đất nước ta quen gọi sông Hồng cũng còn có tên khác là sông Cái. Con đường nào lớn gọi là “đường cái”. Thứ tiếng ta nói hàng ngày cũng gọi là tiếng “Mẹ đẻ”.

Tổ Quốc thiêng liêng cũng được gọi với giọng tha thiết là “đất Mẹ”. Trên dãi đất nhỏ hẹp mang hình chữ S này đâu đâu cũng có những đền thờ Mẫu. Bài học đầu tiên con trẻ được học cũng là từ trường Mẫu Giáo và do các cô bảo mẫu truyền dạy. Đến cái đũa lớn nhất để xới cơm ở quê mình cũng gọi là “đũa cái”, “đũa cả”.

NHỚ LỜI MẸ DẶN

Mẹ không được học chữ, vậy mà khi con học xa nhà, có một lần mẹ đã cố gắng viết cho con mấy dòng ngắn ngủi, nét chữ run rẩy và to như trẻ con học mẫu giáo tập viết. Mẹ viết: “Mẹ ít học hơn con nên mẹ tin con hiểu đời nhiều hơn mẹ. Mẹ chỉ muốn dặn con một điều rằng con đi xa hãy nhớ: Ăn một miếng của người con tạc ân vào dạ; Học một chữ ở đời con xem nặng nhẹ bao nhiêu”.

Lời dặn của mẹ đã làm con khóc. Và con tâm niệm điều đó suốt cả cuộc đời và nó đã trở thành lẽ sống của con.

Hôm con phỏng vấn xin việc vào công ty của Nhật cùng với ba chục người khác. Con không giỏi vi tính và ngoại ngữ như họ, song người được lựa chọn lại là con. Mẹ có biết họ hỏi con câu gì không? Họ hỏi con câu nói nào và của ai gây ấn tượng và có tác động mạnh đến cuộc sống của con, con đã nói lại lời mẹ dặn.

Họ bảo: “Vi tính và ngoại ngữ cần, nhưng bạn có thể học trong vài tháng. Chúng tôi cần hợp tác với một người nặng lòng biết ơn và biết chắt lọc trong học hỏi”. Mẹ ơi, chính mẹ đã để phúc đức cho con!

NHỮNG LÁ THƯ CŨ

Con và chồng con có xích mích lớn vì con nghi anh ấy vẫn gặp gỡ với người bạn gái cũ. Con bực mình bỏ nhà chồng về khóc lóc với mẹ. Tối ấy mẹ mang từ trong chiếc hòm cũ ra một tập thư đã ố vàng. Đó là những lá thư của người yêu cũ gửi cho bố con trước đây.

Mẹ bảo khi bố quyết định lấy mẹ, bố định đem hết đám thư và ảnh của người yêu cũ ra đốt đi để chứng minh sự “một lòng một dạ với mẹ”. Mẹ đã ngăn lại và bảo: “Thư anh đốt mà lòng anh còn nhớ cũng chẳng ích gì. Hãy cứ để em giữ lại làm kỷ niệm.

Thỉnh thoảng anh đọc lại cũng thấy vui. Dù sao đấy cũng là những kỉ niệm gắn bó với anh một thời, sao lại cạn tàu ráo máng như vậy”. Bố sững sờ và ôm chầm lấy mẹ cảm động lắm. Thỉnh thoảng bố mẹ còn đọc lại những lá thư ấy, nhưng bố cả đời thuỷ chung với mẹ.

Hôm ấy con đã khóc thật nhiều và con tự tìm về nhà làm lành với chồng. Mẹ nói ít nhưng mẹ dạy nhiều. Chính mẹ đã lấy lại cho con hạnh phúc!

HAI VÙNG SÁNG TỐI

Khi em trai con đưa người yêu về ra mắt, con không ưng ý lắm. Mẹ im lặng không nói gì. Sau hôm gặp mẹ cô ấy, mẹ nhận xét: Mẹ cô ấy hiền hậu, phúc đức lắm. Người mẹ như thế chắc chắn cô con gái sẽ là đứa con ngoan, dâu hiền.

Mẹ đã không lầm. Hôm mẹ chồng tương lai của con sang chơi với mẹ, cụ cũng nhận xét về con y như thế. Hoá ra nhiều người nhìn nết mẹ mà đoán tính cách của con.

Năm trước con đọc báo thấy có chuyện một cô gái đang tâm đẩy con chồng xuống sông Hồng. Một thời gian sau thấy có bà dì ghẻ bắt con chồng tự khâu miệng mình lại. Con nhận xét rằng phụ nữ nhiều người ác quá. Mẹ lại bảo “phúc đức tại mẫu, những người như thế rồi lại ác giả ác báo thôi”.

Mẹ nói với con rằng những người ác chỉ là số ít, đừng vì thế mà vơ đũa cả nắm. Mẹ chỉ cho con thấy bao nhiêu người mẹ đã hy sinh hết lòng vì con, không ít người phụ nữ đã nhận nuôi hàng mấy chục trẻ mồ côi mặc dù bản thân mình còn khó khăn, vất vả. Trong đời có hai vùng sáng tối, mẹ bảo con nhìn ánh sáng mà đi!

BÀI HỌC LÀM GƯƠNG

Thấy con phàn nàn về sự chểnh mảng học tập của các cháu, mẹ bảo: “Con nhắc các cháu đi học bài, mà vợ chồng con cứ ngồi xem vô tuyến. Con chê các cháu lười học tiếng Anh mà bản thân con cũng không giỏi ngoại ngữ thì dạy bảo chúng nó thế nào?”

Ngẫm kỹ lời mẹ nói, con đã quyết định đi học lớp tiếng Anh buổi tối cùng cháu. Tối về mẹ con trao đổi bài rôm rả. Đúng như mẹ nói, khi thấy cả bố và mẹ đều miệt mài làm việc, các cháu cũng tự động lấy sách ra làm bài.

Đến nay chúng con rất yên tâm về việc học hành của các cháu. Sao có mỗi bài học đơn giản rằng “muốn con chăm thì mẹ phải siêng, muốn con hiền thì mẹ phải thảo” mà con không nhớ, phải để mẹ nhắc nhở!

Mẹ nghèo không có tiền bạc cho con, nhưng mẹ đã cho con hiểu giá trị của sự tần tảo, lòng bao dung, đức hy sinh. Mẹ không đi học, nhưng mẹ dạy con biết sống đúng mực, trọng ân tình.

Cuộc đời con lúc nào cũng có mẹ ở bên. Con có cuộc sống hạnh phúc hôm nay là do bàn tay mẹ tạo dựng. Đến bây giờ con đã hiểu rằng công sinh thành dưỡng dục do cả mẹ cả cha chung sức, nhưng không phải vô tình trong nhạc, trong thơ, nơi đâu cũng thấy vang lên những “Tình mẹ”, “Lòng mẹ”

Từ NỐI LỬA CHO ĐỜI

Cặp Bill và Melinda Gates quyết định chia tay sau 27 năm hôn nhân

Cặp Bill và Melinda Gates quyết định chia tay sau 27 năm hôn nhân

SEATTLE, Washington (NV) – Ông Bill Gates, đồng sáng lập và cựu CEO của công ty Microsoft, và bà Melinda French Gates, cho biết trên Twitter hôm Thứ Hai, 3 Tháng Năm, rằng họ sẽ chia tay sau 27 năm chung sống.

Cả hai người cho biết sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau trong các nỗ lực hoạt động từ thiện, bao gồm giáo dục, bình đẳng giới tính và chăm sóc sức khỏe.

“Sau rất nhiều suy nghĩ và cân nhắc rất kỹ lưỡng, chúng tôi đã đưa ra quyết định kết thúc cuộc hôn nhân,” ông bà Gates tuyên bố qua tin nhắn Twitter.

“Trong 27 năm qua, chúng tôi đã nuôi dạy ba người con tuyệt vời và xây dựng một tổ chức hoạt động trên toàn thế giới để giúp tất cả mọi người có được cuộc sống lành mạnh và hiệu quả. Chúng tôi tiếp tục tin tưởng vào sứ mệnh đó và sẽ tiếp tục công việc cùng nhau trong hoạt động của Quỹ từ thiện, nhưng chúng tôi không còn tin rằng cả hai có thể phát triển cùng nhau trong cuộc sống vợ chồng.”

Kết thúc ông bà Gates kêu gọi: “Chúng tôi yêu cầu mọi người tôn trọng về không gian và sự riêng tư cho gia đình để chúng tôi bắt đầu thích nghi và chuẩn bị cho cuộc sống mới.”

Ông Bill Gates đã lãnh đạo Microsoft trong vai trò tổng giám đốc kể từ khi thành lập công ty cùng với ông Paul Allen vào năm 1975 cho đến năm 2000, nhường lại cho ông Steve Ballmer điều hành công ty, trở thành chủ tịch hội đồng quản trị và kiến ​​trúc sư phần mềm chính.

Năm 2008, ông Gates từ bỏ vai trò hàng ngày của mình tại Microsoft để dành nhiều thời gian hơn cho tổ chức phi lợi nhuận Bill and Melinda Gates Foundation.

Năm ngoái, Bill Gates đã từ chức hội đồng quản trị của Microsoft khi dịch bùng phát trên toàn thế giới.

Ông bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho quỹ này cùng với Melinda Gates. Hai người là đồng chủ tịch và là người tín thác của quỹ, được thành lập vào năm 2000.

Bill và Melinda Gates đều làm việc tại Microsoft. Theo hồ sơ trên LinkedIn, bà từng là giám đốc tổng quát của công ty.

Hai người gặp nhau tại một bữa ăn tối dành cho nhân viên của Microsoft vào năm 1987. “Phải mất vài tháng sau đó, anh ấy mới hẹn hò với tôi”, Melinda Gates cho biết.

Họ kết hôn ở Hawaii năm 1994.

– Cặp Bill và Melinda Gates tham dự hội nghị Allen & Company Sun Valley Conference hồi năm 2015. (Hình: Scott Olson/Getty Images)

https://www.cbsnews.com/news/bill-melinda-gates-divorce/

https://www.usatoday.com/…/bill-and-melinda…/4930061001/