MỘT ĐÊM CON KHÔNG VỀ …!!!

Sen Nguyen Câu nói hay mỗi ngày

MỘT ĐÊM CON KHÔNG VỀ …!!!

Sáu giờ chiều khi hoàng hôn buông xuống

Mẹ về nhà mà chẳng thấy con đâu

Gọi thuê bao mẹ cảm thấy đau đầu

Rồi lo lắng in sâu vào lồng mắt

Mười giờ đêm đèn mọi nhà vừa tắt

Tự nghĩ thầm chắc nó tắt máy thôi

Nhủ bản thân nhưng không khỏi bồi hồi

Không ngủ được mẹ lại ngồi trông ngóng

Giật thót tim những chiếc xe vừa phóng

Kéo thả ga lại đánh võng trên đường

Chỉ mong sao con trai mẹ yêu thương

Không đua đòi kẻo đo đường thì khổ

Thức cả đêm mồ hôi mẹ lại đổ

Số của ai vừa gọi lúc 0 giờ

Bao lo lắng mẹ lại nghĩ bâng quơ

Cũng may sao người gọi bị nhầm số

Đêm trong đêm lòng mẹ bao giông tố

Đợi chờ hoài mà chẳng thấy con đâu

Mẹ thiếp đi trong vạn nỗi u sầu

Tay vẫn nắm cầu mong con vô sự

Trong thế gian biết bao người tương tự

Đi chơi nhiều nào nghĩ tới mẹ đâu

Trong cơn say khói thuốc lắc lư đầu

Thì sao nghĩ đến lo âu của mẹ

Rồi hôm sau trở về cậu trai trẻ

Thấy mẹ nằm tóc mẹ đã bạc phơ

Mỗi nếp nhăn là một nỗi trông chờ

Của con trai giờ mỗi giờ mang đến

Tuổi mẹ cha bây giờ như ngọn nến

Chẳng bao giờ cháy được hết nến đâu

Bởi vô tình một ngọn gió thổi mau

Cũng đủ làm họ qua cầu vĩnh viễn..

Xin nhắc nhở các bạn trẻ thân mến

Dù đi đâu hãy nhớ đến mẹ cha

Giàu đến đâu cũng chỉ có một nhà

Và mẹ cha chính là nhà duy nhất.

S.T.

Nhân ngày “Lễ Tình Yêu” chúng ta hãy dành 1 phút để nhớ đến bậc sinh thành….

Chúng ta cùng suy gẫm…

Trên thế gian này, chỉ có cha mẹ mới toàn tâm toàn ý yêu thương ta mà không đòi hỏi gì. Vì con, họ có thể làm tất cả mà không cần báo đáp.

Nhưng liệu có mấy ai ý thức được điều đó, hay chỉ nhận ra khi mọi chuyện đã quá muộn màng.

Tuệ Tâm.

***

Nhân ngày “Lễ Tình Yêu” chúng ta hãy dành 1 phút để nhớ đến bậc sinh thành….

“Lúc cha mẹ cho con thứ gì, con đều nở nụ cười;

Lúc con cái cho cha mẹ thứ gì, cha mẹ khóc”.

(Ngạn ngữ Do Thái)

Cả đời này, người có thể làm cho chúng ta mọi thứ mà không cầu báo đáp chỉ có cha mẹ, vậy nên, dù thế nào cũng đừng phàn nàn họ, hãy thông cảm cho họ, quan tâm tới họ.

Hãy trân trọng từng phút giây bên cha mẹ, bởi không ai biết được khi nào họ sẽ rời xa ta mãi mãi.

Khi cha mẹ còn hãy luôn nở nụ cười, hãy luôn quan tâm chăm sóc tới họ, đừng để cha mẹ mỏi mắt ngóng trông mà không nhìn thấy hình bóng của bạn.

Khi bạn cất tiếng khóc chào đời, chỉ có cha mẹ là người hạnh phúc nâng niu bạn trong vòng tay, cũng chỉ có cha mẹ là người ngày đêm bỉm sữa, chăm sóc bạn từng miếng ăn giấc ngủ.

Khi bạn chập chững bước đi, chỉ có cha mẹ là người nắm lấy đôi bàn tay nhỏ bé, dìu dắt bạn đi những bước đầu đời.

Khi bạn đau ốm, chỉ có cha mẹ là người mất ăn mất ngủ, ngày đêm túc trực bên giường bệnh.

Vì bạn, dẫu phải bán đi khối tài sản cuối cùng trong tay, họ vẫn sẵn sàng.

Khi bạn gặp khó khăn trắc trở, hay khi cả thế giới đều quay lưng với bạn, thì cha mẹ vẫn luôn ở bên che chở bạn, vỗ về bạn.

Thời gian có thể làm lòng người thay đổi, nhưng vĩnh viễn không thể thay đổi tình yêu cha mẹ dành cho bạn.

Nhưng nếu một ngày cha mẹ buộc phải ra đi, họ sẽ không thể báo trước cho bạn một lời nào, không thể tiếp tục gọi tên bạn, cũng không thể cùng bạn ăn cơm và quan tâm tới bạn được nữa…

Con muốn báo hiếu mà cha mẹ đâu còn?

Giá như ta để dành thời gian ở bên cha mẹ, ta sẽ cảm thấy bản thân đỡ ân hận phần nào!

Bởi vậy, nhân lúc cha mẹ còn đang khỏe mạnh, hãy an ủi tinh thần cho họ, hãy dành nhiều thời gian hơn để bên cạnh họ, cố gắng đáp ứng hết nguyện vọng của họ, đừng khiến cho bản thân sau này phải hối hận.

Hãy yêu thương cha mẹ như yêu thương chính bản thân mình, bởi vì họ cũng cần được yêu thương.

Và nếu có một ngày thực sự họ rời đi, chúng ta sẽ không phải ngậm ngùi về những tháng ngày đã qua…

Mẹ hay cằn nhằn

Mẹ hay cằn nhằn

Người xưa có câu: “Tu trăm năm mới đi chung một thuyền, tu ngàn năm mới nên duyên vợ chồng”.

Ngày ba còn sống, mẹ tôi thường cằn nhằn: “Anh hút thuốc nhiều quá, không chỉ hại sức khỏe của anh mà còn ảnh hưởng tới các con nữa.”

. . . Ba không nói gì, rồi lẳng lặng bỏ thuốc lúc nào không hay.

Mẹ tôi lại cằn nhằn: “Anh đi nhậu chẳng được lợi ích gì mà còn hại sức khoẻ, không cẩn thận lại thành nghiện rượu cũng nên.”

. . . Ba tôi buồn, ngồi riêng một góc rồi ba bỏ hẳn rượu bia lúc nào không biết.

Mẹ tôi cằn nhằn tiếp: “Anh lúc nào cũng vì bạn bè mà anh xem khi gặp khó khăn, có ai dám vào sinh ra tử cùng anh không.

. . . Ba im lặng, dần dần ít thăm hỏi bạn bè hơn, chỉ trừ ma chay, đám giỗ, đám cưới, ba trở nên cô đơn lúc nào không rõ.

. . . Sáng nay, hai mẹ con lên thăm mộ ba, tôi để quên gói thuốc ở nhà, mẹ giận, gắt, bắt tôi phóng xe đi mua bằng được.                                                                                                                                  ***                                                                    Nhìn làn khói thuốc lặng lẽ bay lên, bà thầm thì: “Tội cho ông, lúc sống bị tôi cằn nhằn suốt, giờ ông giận bỏ đi trước rồi. Tôi sẽ ngồi đây đốt cho ông cả gói, châm cho ông từng chén rượu, mong ông nhận cho.”

Rồi tôi thấy mẹ gạt vội nước mắt: “Xin lỗi ông, không phải tôi muốn khó tính,  tôi chỉ là lo và  thương ông quá thôi.

Vợ chồng là điều gì đó rất kỳ lạ. Ở bên nhau cãi vã suốt ngày nhưng chỉ xa nhau một chút đã thấy nhớ nhung không tả được. Đó cũng là lý do bấy nhiêu năm nay, dù cãi nhau lớn đến mấy, đã gọi nhau hai tiếng vợ chồng rồi thì ngoài tình cảm còn là trách nhiệm.  Trách nhiệm cho hai tiếng đó là cả một đời, chứ không phải một vài năm.  Thế nên những ai đang gọi nhau là vợ chồng, hãy trân trọng mối nhân duyên này.

Nếu vợ chồng bạn thường than phiền rằng không hiểu nhau, chắc chắn là thời gian bên nhau chưa đủ. Tình nghĩa vợ chồng không phải chỉ nhìn bên ngoài nhưng phải nhìn từ tấm lòng.

Tình yêu thương vợ chồng phải được thể hiện trong việc cho và nhận của vợ chồng dành cho nhau.  Hãy cảm thông với người phối ngẫu.

“Phụ nữ hay cằn nhằn sẽ là một người vợ tốt”. Đúng như vậy, cũng chỉ quan tâm đến chồng, lo lắng  mà phụ nữ hay cằn nhằn , họ muốn qua những lời cằn nhằn đó chồng sẽ hiểu được ý vợ muốn nói gì để rút kinh nghiệm, bỏ bớt các tật xấu…

Hạnh phúc không phải là ở trong một căn nhà lớn bao nhiêu mà là bên trong căn nhà có bao nhiêu tiếng cười hạnh phúc. 

Hạnh phúc không phải là lái một chiếc xe rất sang trọng, mà là người lái xe có thể bình an trở về nhà. 

Hạnh phúc không phải là yêu một người vô cùng xinh đẹp, mà là yêu một người có vẻ mặt cười sáng lạng. 

Hạnh phúc không phải là nghe được bao nhiêu lời nói ngọt ngào, mà là lúc tổn thương có thể có người nói rằng: “Không sao cả, có anh hay có em đây rồi.” 

From: Anh Dang & Kim Bang Nguyen

DÀNH CHO AI ĐÃ TỪNG ĐỔ VỠ!

DÀNH CHO AI ĐÃ TỪNG ĐỔ VỠ!

Ở Nhật Bản, khi một cái bát bị nứt vỡ, họ dùng vàng gắn lại những mảnh vỡ để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật mới.

Người Nhật tin rằng, khi một thứ gì đó từng bị tổn thương và mang trong mình một lịch sử, nó sẽ đẹp hơn. Vì thế, thay vì vứt một cái bát vỡ đi, họ sẽ gắn lại những mảnh vỡ bằng vàng. Thay vì tìm cách che dấu đi những vết nứt vỡ, họ dùng vàng để làm chúng nổi bật lên như một cách để ca tụng và biến chúng thành điểm nhấn của cả chiếc bát.

Con người cũng vậy. Tất cả những khó khăn, thương tổn bạn đã hoặc đang phải trải qua không làm cho bạn xấu xí hơn. Bạn có quyền lựa chọn để sơn lên những thương tổn ấy của mình một lớp vàng. Bạn hoàn toàn có thể vực mình dậy và rút ra bài học từ những vấp váp ấy để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Bạn hoàn toàn có thể tự hào về những vết sẹo từ những tổn thương của mình và nói rằng: “Hãy nhìn những gì tôi đã trải qua. Nhờ chúng mà tôi trở thành tôi của ngày hôm nay. Giờ không có gì là tôi không thể vượt qua.”

Không ai có một cuộc đời hoàn hảo. Nhưng ai cũng có thể lựa chọn để sơn vàng lên những mảnh vỡ của cuộc đời mình.
Đừng hổ thẹn vì những gì đã xảy ra với bạn. Bạn càng phủ nhận và than vãn vì những gì đã xảy ra, chúng càng không giúp ích gì cho bạn.

Ngược lại, khi bạn chấp nhận và rút ra bài học từ những đổ vỡ và gắn lại chúng bằng vàng, bạn đã biến những thứ tưởng như xấu xí, vô dụng thành một một câu chuyện đẹp đẽ và đầy cảm hứng.
Có một câu nói rằng: “Mỗi cấp độ tiếp theo của cuộc đời đòi hỏi một phiên bản mới của bạn.” Và đôi khi, những mảnh vỡ là thứ cần thiết để bạn trở thành phiên bản mới tốt đẹp hơn.


Cuộc đời, rồi ai cũng từng làm vỡ đi một cái gì đó. Người ta chưa từng bị đổ vỡ nên người ta đứng đó phán xét khi thấy bạn làm vỡ đi thứ mình yêu thích. Sau này, khi trải qua những cảm giác tương tự, người ta cũng sẽ có cảm giác như bạn mà thôi.


Hãy sống cho bản thân và tự đi đến nơi mình cảm thấy hạnh phúc, hà cớ gì phải sợ người đời dèm pha, ai tốt, ai xấu theo thời gian cũng sẽ nhìn thấy rõ. Và sẽ có người bước đến, rồi bạn sẽ lại yêu, sẽ lại tìm thấy hạnh phúc… để nhận ra, đổ vỡ không có gì đáng sợ cả, vấp ngã ai mà chưa từng, đứng lên đi tiếp hay ngồi yên tại chỗ ngã than khóc mới là điều bạn cần phải chọn lựa.
Đừng vì một lần đổ vỡ mà bỏ luôn cả một đoạn đường dài phía trước, chỉ cần bạn không ngừng tìm kiếm, thì sớm muộn cũng nhìn thấy hạnh phúc đích thực mà thôi.


Chúc cho bạn biết cách gắn vàng lên từng vết nứt.

Yêu thương!Yêu thương!!!

S.T.

Bản Đàn Hạnh Phúc

Bản Đàn Hạnh Phúc

Tràm Cà Mau

Thần thoại Ấn Độ kể rằng : Thượng Đế tạo ra đàn ông trước, thấy đàn ông bơ vơ lang thang tội nghiệp, bèn lấy vẽ yêu kiều của hoa, màu sắc rực rỡ của cầu vồng, tính mềm mại của gió, cái tinh quái của loài hồ ly, cái bất thường của mưa, và sức nóng của núi lửa mà tạo nên đàn bà. Rồi giao cho đàn ông làm vợ, đàn ông mừng lắm, dẩn đi. Không lâu sau đó, người đàn ông đem trả lại cho Thượng Đế, vì chịu hết nỗi đàn bà. Ngài thu nhận. Đàn ông bỏ đi, nhưng rồi không chịu được cô đơn, quay về xin lại. Thương đế đem đàn bà giao lại cho đàn ông. Nhưng rồi sau đó, đàn ông cũng đem trả lại lần nữa. Cứ xin và trả mãi. Đến lần thứ tư, thì Thương Đế bảo: “Lần nầy là lần chót nhé, đừng làm ta phiền nữa. Đem đi, may nhờ rũi chịu, rán mà chịu đựng nhau.”

Câu chuyện có vẽ kỳ thị đàn bà do đàn ông đặt ra. Nhưng đó cũng là một ngụ ngôn, nói lên cái đáng yêu và đáng chán của đàn bà. Đồng thời, cũng nêu lên cái cần thiết và giá trị của gia đình, là sự kết hợp của hai giống đực, cái để tạo nên hạnh phúc cho cuộc sống. Hạnh phúc gia đình là một nguồn vui sướng và giá trị nhất trên đời, mọi thứ hạnh phúc khác đều trở nên phù phiếm, nếu mất hạnh phúc gia đình. Đứng trên khán đài cao nghe thiên hạ vổ tay rào rào chào đón , rồi về nằm queo một mình, đâu có sung sướng bằng vòng tay ấm áp của người thân yêu, nụ hôn thắm thiết của người bạn đời. Thành công về tài chánh, chính trị, văn chương, triết học, đều không có nghĩa lý gì, nếu thiếu hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc gia đình, không là gì cả, nhưng là tất cả. Ý nghĩa của đời sống là gì, nếu không phải là đi tìm hạnh phúc? Tuy hạnh phúc  có muôn mặt, muôn khía cạnh, và  mỗi người quan niệm hạnh phúc mỗi khác. Cũng có nhiều người đang sống trong hạnh phúc tràn đầy, nhưng họ không biết đó là hạnh phúc. Họ không cảm được là họ đang sung sướng. Chỉ  khi họ gặp bất hạnh, đã mất đi cái họ đang có, thì mới biết, mới nghĩ được rằng, trước đây đã có  hạnh phúc mà không hề hay biết, để cho nó trôi đi. Cũng như bình thường, ít ai ý thức rằng, được khỏe mạnh, không đau yếu, đã là hạnh phúc rồi. Chỉ cần đau răng nhức nhối  thôi, thì cũng đã cảm nhận được điều đó. Chứ khoan nói đến những trọng bệnh, như mù mắt, tê liệt, ung thư… Người bị ung thư hành, thì thấy người đau răng là quá hạnh phúc. Hạnh phúc không phải xa xôi khó tìm, nó  thực sự, tràn đầy chung quanh chúng ta, mà chúng ta hoặc vô tình không để ý đến, hoặc vì tham lam, muốn có thứ hạnh phúc mà mình chưa có, chưa đạt. Cho nên, cứ chạy đuổi theo cái bóng hạnh phúc, mà không bao giờ bắt gặp cả.

Trong  “Cổ học tinh hoa” kể rằng, có một ông đi trên đường một mình mà cười sằng sặc, sung sướng lắm. Có người hỏi chuyện gì mà cười vui thế?. Ông  trả lời rằng, ông đang có ba điều sung sướng, nên vui mà cười. Một là trong sinh vật, có thú, có người, mà ông được làm người, thì là một điều sung sướng. Hai là trong loài người có người tàn tật bệnh hoạn, có người lành lặn, ông được lành lặn, thì là hai điều sướng . Ba là trong những người lành lặn, có kẽ là đàn ông, có kẽ là đàn bà, được làm đàn ông, thì là điều thứ ba sung sướng. Có ba điều sung sướng thì tại sao mà không vui cười cho được. Hồi còn nhỏ, đọc bài nầy, chưa hiểu, tôi tưởng là ông nầy mắc bệnh thần kinh. Chị em bạn gái, có thể cười sung sướng vì có hai điều hạnh phúc vậy.

Gia đình là nơi mà mọi người  dể dàng tìm được hạnh phúc  nhất .  Không có thứ hạnh phúc nào êm ấm, ngọt ngào, dịu dàng bằng hạnh phúc gia đình. Nhưng cũng có nhiều trường hợp, không nơi nào cay đắng, bất hạnh và địa ngục bằng gia đình. Hạnh phúc gia đình như một vườn hoa, phải chăm bón, vun xới, thì hoa mới nở rộ, mới thơm tho,  huy hoàng màu sắc. Không vun xới, tưới bón, thì cỏ dại mọc tràn lan, hoa lá tiêu điều.  Người ta thường tưởng rằng, hạnh phúc gia đình sẵn có đó, cứ bính thản gặt hái mà không cần chăm sóc, không cần lưu ý đến, để cho nó mọc và nẫy nở phát triển tự nhiên. Nhiều gia đình rất hạnh phúc một cách tự nhiên, vì người vợ, người chồng đã hành xử đúng, đã thấm được cái nếp nhà, khi đang ở với cha mẹ. Cha mẹ họ biết dìn giữ hạnh phúc, và con cái học được và noi theo. Bởi vậy cho nên người xưa chọn dâu, chọn rể, thường chon tông, chọn tổ. Những gia đình nào ít hạnh phúc, thì con cái ít có cơ may học được những điều hay ho tốt lành trong đời sống hôn nhân, ngoại trừ họ tự học, tự tìm hiểu lấy.

Có kẽ bảo rằng, có rất nhiều gia đình sống đã gần hết đời người rồi mà vẫn còn thất học trong vấn đề xây dựng hạnh phúc gia đình. Điều đó có lẽ có thật. Cũng có nhiều người biết, nhưng còn mơ hồ, không để hết tâm trí vào  việc vun xới hạnh phúc gia đình . Cũng có nhiều người khác, hiểu rất rõ, biết rất nhiều, nhưng không làm, nghĩa là không “tri hành hợp nhất”. Những điều viết sau đây, thì chắc chắc mười người đều biết cả mười, không có chi mới lạ cả. Nhưng không phải vì thế, mà cố tình quên đi, không thèm nhắc nhở.

Sau chừng năm bảy năm vợ chồng chung sống , mọi chuyện hầu như đã cũ lắm rồi. Chưa nói đến năm ba chục năm, thì xem như cũ gần bằng trái đất. Tình cảm lắng đọng, êm đềm, thâm trầm. Vợ chồng thương yêu, chăm sóc nhau như phản ứng tự nhiên, không còn đắn đo, không suy xét. Người cho cũng như người nhận, đều bình thản như hít thở không khí trời. Không ai nghĩ rằng, nếu trong chừng năm ba phút thiếu không khiù để thở, thì có thể  bất tỉnh và khó sống nỗi. Thế mà có mấy  ai biết mình đang sung sướng, đang có nguồn không khí trong lành để hít thở đâu. Vợ chồng, cho và nhận, đều ít cảm được cái rung động và sung sướng khi được chăm sóc, hy sinh và dâng hiến cho nhau. Cái tình cảm thâm trầm, không nói ra, đôi khi tưởng như lạt lẽo, chán nhàm. Phải đến khi mất nhau, khi đó mới thấm thía, mới tiếc những gì mình không cảm nhận, không làm, khi còn có nhau. Đời sống vợ chồng, có nhiều tháng ngày bên nhau, nhưng đừng bao giờ để cho hạnh phúc, sinh hoạt, và tình yêu trở thành cũ kỹ, lạt lẽo. Chúng ta, chồng cũng như vợ, có bổn phận phải làm cho nó sống động, tươi mát , thắm thiết trở lại. Phải biết đánh bóng cái hạnh phúc mà mỗi gia đình đang có. Phải biết nhắc nhở và cảm nhận được hết tất cả những hạnh phúc nhỏ nhặt nhất từng giây, tùng phút mà mình có được. Một nụ cười của người phối ngẫu, một nụ hôn của con, một đóa hoa nở trong vườn, mình phải biết nắm lấy, cảm nhận, và sung sướng thật sự, và nói lên cái hạnh phúc đơn sơ đó cho mọi người chung quanh cùng vui hưởng.

Có người xem truyền hình đài Nhật bản, họ bảo trằng, biết mình may mắn không là đàn bà Nhật. Thấy mấy ông  Nhật trong phim đang âu yếm vợ, đang tỏ tình, mà có cái giọng nạt nộ, gắt gỏng, như sắp thượng cẳng tay, hạ cẳng chân. Thật tội nghiệp cho các bà Nhật , nói thì lý nhí, đi thì như chạy chạy từng bước ngắn. Không biết mấy bà có tủi thân không. Ai mà không ưa dịu dàng, ngọt ngào?. Thế mới biết tại sao người ta thích nghe nhạc. Mặc dù biết lời nhạc là không thực, là tưởng tượng, là bày đặt. Nhưng vẫn cứ muốn nghe đi nghe lại mãi không nhàm, không chán. Phải chăng vì lời ca trong bản nhạc êm ái, dịu dàng, nói lên cái ước mơ của con người, ước mơ được thương yêu, ước mơ được hạnh phúc, được nghe những lời êm tai, thỏa lòng.  Không ai không thèm khát được đối xủ tử tế, dịu dàng, ngọt ngào. Ngay cả những người tâm tính khó khăn bất thường nhất. Rất nhiều người tuy biết vậy, thế mà khi  mở miệng ra, nói với chồng hoặc vợ, thì lên giọng sai khiến, gắt gỏng, lệnh lạc, như sĩ quan truyền lệnh trên chiến trường. Với thứ ngôn ngữ đó, thì chắc kẽ điên khùng cũng biết là làm cho người nghe khó chịu, và nếu có thi hành, cũng với nỗi bực tức trong lòng, miễn cưởng mà làm cho xong kẻo thêm rắc rối. Nhưng cũng cùng một việc đó, nếu biết nói với lời êm ái ngọt ngào, lịch sự, thì người nghe hăng hái, vui vẻ, sung sướng khi thi hành.
Có lần, trước chợ, người thấy một bà hùng hổ, trợn mất, chỉ tay vào chồng gay gắt: ” Đứng ì ra đó sao. Anh phải phụ với tôi chứ, nặng quá mà!”. Anh chồng cúi đầu như con mèo cắt tai, vội vả chạy theo chị vợ vào bên trong chợ. Nếu thời mới yêu nhau, mà chị để lộ cái hùng hổ đó ra, thì chắc anh chồng đã ba chân bốn cẳng mà lánh xa ra. Tại sao chị không thỏ thẻ: ” Anh ơi, nặng quá em khiêng không nỗi, anh có thể giúp em một tay được không?” Thế thì dù có phải gảy xương sống, anh chồng cũng vui vẻ cố làm cho xong. Và trong lòng anh còn vui vẻ hân hoan, vì nghe lời ngọt ngào, dể thương của vợ yêu.  Nhiều bà lúc nào cũng sẵn sàng thấm mật ngọt trên môi mà:  “Anh ơi, anh à, anh giúp em việc nầy được không? Anh có cho em đi Shopping không? Anh có thích giúp em việc nầy không, anh có vui lòng phụ giúp em … Nếu anh giúp em việc nầy thì em cám ơn anh lắm…” Ngay cả những khi ông chồng bận rộn nhất, cau có nhất, bực mình nhất, mà nghe lời thỏ thẻ, nhẹ nhàng đó, thì anh cũng mau mắn, vui vẻ làm những việc vợ yêu cầu. Đổ nước đường ra, không mất gì cả, thì đàn ông, cũng như đàn bà, ai cũng vui vẻ, hăng hái. Nhiều ông chồng nghe ngọt ngào, thì cười mĩm và nháy mắt, tỏ ra anh biết tỏng là đang được uống nước đường của vợ, nhưng anh vẫn vui vẻ, hăng hái làm. Ngọt ngào với chồng, với vợ, thì hiệu quả hơn trăm lần xẳng giọng. Trong tình vợ chồng, những câu nói “Em yêu anh. Anh yêu em” nghe rất êm tai, rất thỏa lòng, hả dạ, nghe không bao giờ chán, không bao giờ nhàm. Càng nghe, thì tình yêu càng củng cố trong lòng người nói, và càng thắm thiết trong tâm người nghe. Tình yêu nhờ đó mà tăng trưởng, mà bền vững, mà thêm lòng tin. Lời tha thiết êm ái đó nhập tâm mỗi người. Tin chắc tình yêu mình đang cho và đang nhận vô cùng nồng nàn , ấm cúng. Thử hỏi tại sao tụng kinh, hay đọc kinh, thường phải lặp đi lặp lại một câu kinh, có khi cả chục lần, có khi cả trăm lần. Cũng như những  điệp khúc  trong các bài ca. Lặp lại, nhưng không bao giờ nhàm, không bao giờ chán. Câu nói xưa cũ, cổ điển , mà thần hiệu đó, nhiều gia đình đã quên đi, không nhắc nhở đến nữa, thật là một thiếu sót, uổng của đời.

Châm ngôn của nhiều bà là đừng bao giờ xẳng giọng, đừng bao giờ nói lời bất nhả, mật thì ngọt và kiến hiệu cay đắng thì làm đau lòng và không ai ưa.

Cứ nhớ lại cái thời vợ chồng mới quen biết nhau, sao mà thơ mộng, sung sướng và đẹp quá chừng. Tưởng không lấy được nhau thì đất trời nầy sụp đổ, cuộc đời không còn nghĩa lý gì nửa. Thời đó, chỉ mới cầm tay nhau thôi, mà trong lòng dạt dào sung sướng, xúc cảm, đến run lên. Và cảm  thấy trời đất nở hoa rực rở, và  ngàn tiếng  du dương vang vọng trong lòng. Hai người cư xử đẹp, tử tế, dịu dàng như trong chuyện thần tiên. Có thế mới bỏ cả cha mẹ, anh em, bạn bè mà theo nhau. Khi đó, họ còn có thể sẳn sàng chết cho nhau mà không chút ân hận. Những vòng tay thời đó, thắm thiết, tràn đầy tình yêu, những câu nói ăm ắp ngôn từ đẹp đẻ, những nhường nhịn, hy sinh không chút đắn đo, không chút thắc mắc. Sau đó, người ta quên đi những nhường nhịn, tử tế lúc ban đầu, để lộ ra cái tranh đua, ganh tị, cáu kỉnh, ích kỷ của mỗi cá nhân, một cách quá sổ sàng, không cần che dấu,  không kiêng dè. Những va chạm thường ngày làm sao mà khỏi tổn thương đến cái hạnh phúc gia đình, trong lúc mục tiêu chính của gia đình là tạo dựng hạnh phúc cho chính mình, cho người mình thương, cho con cái, cho tất cả. Đa số, chúng ta có được cái hạnh phúc ban đầu vô cùng phong phú, thế mà rất nhiều gia đình, không biết giữ dìn cho nó lâu bền, tốt đẹp. Mà cứ xói mòn, làm cái vun đầy ban đầu hao hớt, vơi đi, và có khi khô cạn. Thay vào cái hạnh phúc bằng sự nhàm chán, bất hạnh, chịu  đựng. Có nhiều gia đình biến thành địa ngục, mà mỗi người thở cái không khí nồng cháy nặng nề của khó khăn, tranh chấp, thù ghét . Không ai mà không mơ ước cuộc sống gia đình được đẹp đẻ, thơ mộng, đáng yêu mãi như thuỡ ban đầu. Người ta mong muốn, ước mơ, nhưng người ta không biết cố gắng để giữ dìn và hành động, để làm sao cho gia đình mãi mãi còn là những nồng ấm, thơ mộng của thuở xa xưa đó. Có người luôn luôn ý thức được rằng, hạnh phúc nằm trong tầm tay họ, biết vun xới, tưới bón ù, thì nó tươi tốt, hoa lá sum sê, nếu bỏ lơ là, không chăm sóc, thì cỏ dại mọc um tùm, cành lá khô héo. Nếu cố gắng đối xử với kẽ phối ngẫu tế nhị như thuở ban đầu, và nhắc nhở nhau gìn giữ trân trọng mối giao hảo song đôi. Tương kính nhau, tránh những lời nói làm buồn lòng, làm đau lòng nhau. Mỗi ngày, vuốt ve nhau với niềm xúc cảm tràn đầy của thuỡ ban đầu. Vòng tay ôm thắm thiết, truyền cho nhau  tình thương nồng nàn thấm qua làn áo, nắm tay nhau  với xúc cảm chân thành, hôn nhau say đắm như nụ hôn đầu. Không phải hôn nhau chiếu lệ, không phải “ôm nhau như ôm khúc củi mục” lỏng lẽo. Khen tăng nhau, cám ơn nhau những săn sóc, những lưu ý. Dù hôm nay bà vợ có bằng đầu, bằng đuôi, như một hình vuông, và má phính núc ních,  thì chồng vẫn khen vợ đẹp, đẹp dưới nhãn quan của chàng. Thế là làm gia đình vui, tin tưởng và yêu đời hơn, vợ chồng yêu nhau hơn, và yêu gia đình hạnh phúc đậm đà hơn. Nhiều bà cũng đủ khôn ngoan để biết mình chỉ là thứ nái xề, chẳng có đẹp đẻ gì với ai, nhưng đẹp riêng đối với chồng là quá đủ. Vợ chồng cũng phải biết cám ơn những chăm sóc âu yếm của nhau. Cũng nên biết nói với nhau những câu mà người ta tưởng là thừa thải, đương nhiên, không cần nói ra, đại khái như: “Cám ơn tình thương của anh/em dành cho, không ai trên đời nầy thương anh/em bằng thế nầy cả.” Người phối ngẫu, khi nào cũng cảm động nghe những lời biết ơn của đó. Nhờ vậy, tình yêu càng nồng nàn thắm thiết. Dù đã nhiều năm chung sống, làm sao cho vợ chồng còn say đắm nhìn nhau, và cảm thấy hạnh phúc êm đềm trong ánh mắt, lòng biết ơn nhau. Mỗi người biết hy sinh một ít cá tính, để hòa đồng nhau trong cuộc sống chung.

Gia đình nào cũng có một vài hủ mắm thối, nên chôn thật sâu, thật kỹ, đừng để bay mùi ra làm thương tổn đến hạnh phúc chung. Người xưa có dạy,không ai hoàn toàn. ( nhân bất thập toàn) Ai cũng có tính tốt, tính xấu. Và cuộc đời , mỗi cá nhân phải đấu tranh không ngưng nghỉ giữa cái thiện và cái ác. Khi yếu đuối, thì cái ác làm chủ, xui khiến con người làm những điều tệ hại. Có những cái người ta biết là không tốt, nhưng vẫn cứ làm, như hút thuốc, uống rượu, đánh bài. Đôi khi những cái xấu nho nhỏ, làm cho con người đáng yêu hơn, cuộc sống bớt thánh thiện, nhưng lại có nhiều vui. Quá thánh thiện cũng trở thành công thức, khó khăn.  Bởi vậy, chúng ta phải biết tha thứ cho người phối ngãu, những sai lầm đã phạm phải trong quá khứ, dù cố ý hay vô tình. Dù sao thì cũng là việc đã qua, không thể quay lại được nữa. Nên quên đi, đừng bao giờ moi móc ra làm khổ nhau, làm tội làm tình nhau. Chẳng ích lợi gì, mà chính là làm cho mình đau đớn, dằn vặt hơn ai hết. Sai lầm nào cũng có thể tha thứ được cả, nếu biết chấm dứt và hối lỗi. Ngay cả những kẽ giết người, đôi khi còn được pháp luật khoan thứ nữa là. Quá nghiêm khắc cuộc sống mất vui. Vã lại, mỗi  chúng ta hãy tự xét mình, xem mình có hoàn toàn không? Chắc chắn là không. Tại sao mình tự tha thứ cho lỗi lầm của mình được, mà không tha thứ cho lỗi lầm của người khác, nhất là người bạn đường của mình?. Tại sao lỗi lầm của mình, thì quên mau lắm, không muốn ai nhắc nhở đến, mà cứ muốn bươi móc lỗi lầm người khác ra?. Cảm thông và tha thứ, rất cần thiết để giữ hòa khí gia đình, và giữ cho ngọn lửa ấm hạnh phúc còn cháy mãi, sáng mãi trong trái tim của mỗi người.

Tình thương thường như như giao thoa cộng hưởng. Tình thương cho đi, thì có tình thương trở về.Tình thương trở về làm nẫy sinh tình thương khác cho đi. Cứ thế mà chập chùng, mà vun dầy thêm lên. Khi ta thương yêu ai với tấm chân tình, không vụ lợi , không ích kỷ, thì sớm hay muộn , chắc chắn tình thương đó sẽ được đáp đền. Trong đời sống lứa đôi, càng cho nhiều thì càng nhận được nhiều. Tình thương thường cho đi mà không mong đền đáp, nhưng thường vẫn được đáp đền nhiều hơn mong tưởng. Ghét bỏ, hận thù, sẽ được đáp lại bằng hận thù và ghét bỏ. Không lợi cho ai cả, mà nó làm cho tâm tư u uất, làm cho cái bao tử ung thối, làm cho thân thể bệnh hoạn, yếu đuối. Không cần phải có cái tâm bồ tát đem ra thương người, chỉ cần có cái tâm thành của vợ yêu chồng, của chồng yêu vợ, hai bên trao tình thương cho nhau không ngưng nghỉ, không đắn đo, rồi từ đó tình thương thành giao thoa cộng hưởng. Gia đình hạnh phúc. Không thể nào một bên, ri rỉ tình thương, mà hy vọng nhận được tình thương tràn đầy không điều kiện.

Mỗi người hãy nhớ rằng ngày tháng qua mau, cuộc sống của con người có giới hạn. Bảy tám chín chục năm, rồi sẽ chết. Mỗi người đều có sẵn bản án tử hình treo trên đầu mà chưa thi hành. Nhưng thái độ của đa số thế nhân, như họ sẽ được cho sống đời đời, không bao giờ chết. Phải ý thức được, mỗi ngày, chúng ta bước gần đến huyệt mộ thêm một bước, không cưỡng lại được. Bởi vậy, mỗi ngày sống của chúng ta rất quý báu. Mất đi thì là hết, không thể nào tái tạo, dù có tiền rừng bạc bể, quyền uy ngất trời. Làm sao cho mỗi ngày sống của chúng ta được đẹp đẻ, vui tươi, ý nghĩa và hạnh phúc. Chúng ta phải tự tạo lấy, vun xới lấy. Chờ đợi, thì nó cũng có thể đến, có thể không. Nhưng tệ hại nhất là những kẽ tự  đập phá hủy hoại thời gian quý báu của mình bằng gây gổ, bằng hận thù, bằng trách móc, than vãn. Phí phạm thời gian thật uổng . Người xưa, ý thức thời gian quý báu, cho nên còn có kẽ thắp đuốc đi chơi, sợ đời chóng hết. Một gia đình hạnh phúc, có đời sống lâu dài bằng hai ba lần hay cả chục lần đời sống của một gia đình bất hạnh. Thà sống hai mươi năm tràn đầy hạnh phúc, còn hơn sống một trăm năm thiếu hạnh phúc. Những gia đình thiếu hòa thuận, thì nên ngưng cuộc chiến lại, ký hiệp định đình chiến ngay để cứu vản thời gian, cứu vản hạnh phúc  của đời sống cho chính mỗi cá nhân trong cuộc chiến, cho con cái và những người liên hệ. Đừng để thời gian mất, hạnh phúc phí phạm, rất uổng.

Mỗi ngày thi hành một điều hiến dâng. Vợ chồng, cứ giao ước, mỗi sáng thức dậy, cố đem lại cho nhau một niềm vui nho nhỏ. Có thể là một câu nói làm đẹp lòng nhau, có thể là một lời khôi hài, có thể là một chuyện vui trong giấc mơ, cũng có thể là một nụ hôn thật ấm từ tấm tình thương nồng nàn, không phải là nụ hôn chiếu lệ, trả nợ quỷ thần. Mỗi ngày, gắng làm vừa lòng nhau, cứ bên tung, bên hứng, hòa hợp tâm tư, hòa hợp đời sống. Cũng có những lúc bất đồng, thì phải biết nhân nhượng, mỗi người bước lui một vài bước cho đến khi đồng ý nhau, gặp nhau ở một điểm nào đó, mà cả hai đều vui vẻ chấp nhận. Khi đã chấp nhận, thì dù kết quả nào, cũng lấy đó làm vui.

Chuyện thần thoại Ấn Độ nên sửa lại rằng: Thượng đế tạo nên nhiều người đàn ông xong, thấy họ sống không có ý nghĩa, cầu bơ cầu bất, lại ăn ở dơ dáy, bẩn thỉu, hỗn độn. Ngài bèn lấy tinh hoa của trời đất, và tinh quái của yêu ma tạo nên nhiều người đàn bà, cho kết hợp với mỗi đàn ông thành vợ chồng. Giao cho mỗi cặp  hai cây đàn thần, bảo rằng, nếu biết hòa điệu hòa âm, hòa nhịp,  thì có được nguồn hạnh phúc vô biên, và đời sống phong phú an lạc. Nhưng nếu mỗi người chỉ muốn độc tấu riêng rẽ, không muốn hòa hợp thanh âm, thì sẽ tìm thấy địa ngục. Sau một thời gian, những cặp vợ chồng biết  phát  huy cái tinh anh của trời đất  trong người nữ, biết hòa hợp âm thanh, thì đều mọc cánh và bay lên trời thành tiên. Những cặp chỉ biết triển khai cái tinh quái, nên độc tấu, không chịu hòa nhịp, hòa âm, đều mọc lông lá đầy mình, trở thành dã thú, chạy vào rừng trốn chui trốn nhũi. Còn những cặp khác, hòa âm, hòa điệu chưa được nhịp nhàng, ăn ý, thì vẫn còn giữ lại hình thể của con người, và phải luyện tập thêm cho đến ngày mọc cánh thành tiên.

Muốn gia đình trở thành một góc của thiên đường cũng không khó. Mà muốn gia đình trở thành một xó của địa ngục cũng rất dễ. Chỉ có quyết tâm và hiểu biết của hai vợ chồng. Làm sao cho ăn nhịp, hòa điệu, biết khai thác cái vốn dồi dào trời đất sẵn ban cho. Đời sống gia đình có hạnh phúc là đạt được toàn vẹn ý nghĩa của kiếp sống, không cần phải đi tìm ở nơi nào xa xôi./.

Tràm Cà Mau

Tại sao gia đình tôi hòa thuận?

Tại sao gia đình tôi hòa thuận?

Tôi rất sợ phải nghe ba mẹ cãi nhau. Tôi thường phải làm quan tòa và lẫn lộn không biết nên nghĩ gì. Mẹ hay nói:

– Con thấy ba kỳ cục không, nếu gặp người đàn bà khác, bà ta đã đập tan mọi thứ trong nhà ra rồi.

Ngược lại ba thường hỏi:

– Con gái, tuy con còn bé nhưng con có thấy ba chịu đựng mẹ giỏi như thế nào không ? Ba phải làm sao đây?

Tôi hay nhìn những tấm hình ba mẹ chụp thời mới cưới treo trên tường, hai người nhìn nhau tươi cười hạnh phúc làm sao. Họ đã từng yêu nhau thắm thiết, tại sao tình yêu lại thay đổi mau chóng và thê thảm như vậy. Họ rất khó quên, khi gây gỗ thường kể đi kể lại những chuyện giận hờn xảy ra năm xửa năm xưa, rồi từ từ nặng lời với nhau. Tôi và em gái cũng hay có chuyện vì giành đồ chơi, hay vì phân công dọn dẹp nhà cửa không đều, nhưng chỉ chút sau là chúng tôi quên và tiếp tục chơi với nhau vui vẻ. Tôi muốn gia đình hòa thuận, êm ấm như hồi tôi còn bé. Lâu rồi chúng tôi không được đi picnic, đi câu cá với nhau.

Ngày ba tôi đập tan những tấm hình đám cưới treo trên tường, là ngày ba mẹ quyết định ly dị. Ba mẹ gọi hai chị em tôi vào phòng, chúng tôi đứng trên những mảnh vụn và được hỏi:

– Hai đứa con phải quyết định, đứa nào muốn ở với mẹ, đứa nào muốn ở với ba. Chúng ta sẽ phải chia hai.

Tôi và em gái chỉ biết khóc. Cách đây mấy tháng, tôi cũng giúp ý kiến thằng Tâm để nó chọn lựa bố hay mẹ. Bây giờ tới phiên nó sẽ giúp tôi? Tôi biết Tâm rất khổ, trong lớp nó không còn muốn chơi với ai cả ngoại trừ tôi. Cô giáo và những bạn hiểu chuyện thường nói lời an ủi, thương hại và cũng làm nó thêm bực mình, muốn lẩn tránh. Nó trở nên ít nói và không cười nữa. Tôi biết rồi sẽ phải trải qua những chuyện y như vậy. Tôi rất sợ.

Đêm hôm đó tôi không ngủ được, chạy sang phòng em thấy nó còn thức, tôi rủ nó ra bàn thờ cùng đọc kinh. Chúng tôi chỉ thuộc kinh Lạy Cha và Kính Mừng, tôi ước gì có thể đọc được những kinh thật dài như người ta đã đọc trong nhà thờ để Chúa hiểu và lắng nghe chúng tôi hơn.

Một chút sau ba má tôi cũng ra phòng khách cùng quỳ đọc kinh với chúng tôi – có lẽ vì nửa đêm tiếng cầu kinh của chị em tôi lớn quá làm họ không ngủ được. Thật là nhiệm mầu, sau khi đọc kinh, ba má tôi đã xin lỗi nhau và quyết định không ly dị nữa. Tất cả chúng tôi cùng khóc.

Tôi nghe mẹ tôi kể với bạn của bà, nhờ sự thành khẩn của hai đứa tôi trong lần đọc kinh đó mà bà đã suy nghĩ lại. Tình trạng gia đình tôi từ đó khá hẳn. Gia đình tôi càng ngày càng hòa thuận.

Ba đã treo lại những tấm hình đám cưới lên tường và treo thêm tấm gia đình bốn người chúng tôi vừa chụp ở tiệm.

Tôi tin lời cầu nguyện sẽ luôn được Chúa chấp nhận nếu mình cầu xin hết lòng và ở trong một hoàn cảnh thật sự cần giúp đỡ. Tôi cũng an tâm không cần phải học nhiều bài kinh dài và mới, Lạy cha và Kính mừng có thể tạm đủ.

nguồn trên mạng

From:TU-PHUNG

Nước Mắt Chảy Xuôi – Lá Thư của Từ Uyên…

Van Pham

Nước Mắt Chảy Xuôi – Lá Thư của Từ Uyên…

Con gái của mẹ,

Mẹ biết rằng chả bao giờ con đọc lá thư này cả, thứ nhất là con không đọc được tiếng Việt, mà mẹ lại không thể viết cho con bằng tiếng Anh. Nhưng không hiểu sao có một cái gì nó thôi thúc mẹ là phải viết cho con như được nói chuyện với con trực tiếp.

Ðã lâu lắm rồi nhỉ, từ khi con tốt nghiệp ra trường trung học, hai mẹ con mình không còn được những buổi tối con cặm cụi học bài trong khi mẹ loay hoay với những việc trong nhà mà cả hai mẹ con mình đã suốt ngày bận rộn không dọn dẹp được .

Nhưng khi ấy con còn nhỏ, trong đầu óc mẹ nghĩ thế nhưng bây giờ nghĩ lại mới thấy mình nhầm. Giáo dục học đường ở bên này, mẹ không hiểu rằng đã tạo cho con thành một người tự lập cho dù con chưa đến tuổi trưởng thành.

Từ bao giờ, mẹ cũng không nhớ nữa, con đã có một thế giới riêng là căn buồng của con. Mà vì bận sinh kế suốt ngày, mẹ cũng ít khi ngó vào căn buồng ấy nên có lần mẹ vào tìm con, mẹ đã hết sức sửng sốt khi thấy sự vô trật tự trong cuộc sống của con. Sách vở lẫn lộn với quần áo trên giường, dưới sàn cùng mọi thứ vật dụng. Trong tủ treo áo quần thì như cả cái kho chứa đồ phế thải.

Phải mất vài phút mẹ mới định thần lại được, bỏ mất gần một buổi chiều để sắp xếp lại cho con.

Buổi tối, con về, mẹ ngồi yên ở phòng khách chờ phút giây con chạy ra ôm lấy mẹ mà cám ơn. Nhưng thật là một bất ngờ lớn lao mà mẹ chưa bao giờ tưởng tượng ra nổi.

Thay vì cám ơn, con đã tung cửa buồng ra nói khá lớn tiếng:

– “Mẹ làm mất hết trật tự trong buồng của con, bài vở của con mẹ để đâu hết rồi, mọi khi con vẫn để ở chân giường mà… Con xin mẹ từ nay mẹ đừng làm gì trong buồng của con cả. Con tự lo lấy được mà”. Rồi con bỏ vào buồng, im lìm suốt buổi tối hôm đó 

Con ơi, con có biết những giờ phút ấy mẹ đã phải trải qua những tâm trạng như thế nào không. Mẹ ân hận vì đã làm con không vui !

Mẹ buồn rầu vì con đã không hiểu cho lòng mẹ. Mẹ cô đơn vì không có ai chia sẻ nỗi buồn với mình. Mẹ lo lắng vì tính nết của con như thế thì khi lấy chồng, người chồng nào chịu cho nổi… Ðêm ấy mẹ đã ngủ trên ghế sa lông để thấm thía nỗi buồn của mẹ mà nào con cũng đâu có hay.

Thế mà cảnh sống ấy cũng qua mau trong sự chịu đựng của mẹ. Bây giờ con ra trường, có công ăn việc làm, con đi về thất thường, có khi bỏ mẹ vò võ chờ con đến cả tuần. Mẹ cũng chẳng dám hỏi con.

Ðến một ngày, hình như mẹ nhớ là ngày Mother’s Day, con mua một bó hoa hồng tươi về ôm lấy mẹ mà chúc mừng mẹ. Buổi chiều hôm ấy là ngày hạnh phúc nhất đời của mẹ. Mẹ cứ đi ra đi vào lóng ngóng chờ con mở cửa buồng để hỏi xem con thích ăn món gì mẹ sẽ nấu.

Nhưng tối đến con đã chải chuốt mở cửa buồng đi ra mời mẹ đi ăn tiệm. Lại một hạnh phúc bất ngờ khác đến. Mẹ như được bơi lội trong hạnh phúc đến độ không thay nổi bộ quần áo đẹp để đi với con.

Sau bữa ăn thịnh soạn với cá 8 món, con đã thản nhiên nói với mẹ rằng:

“Mẹ ơi bây giờ con phải đi làm việc suốt ngày mà mẹ thì già rồi, ở nhà một mình không có ai chăm sóc nên con đã xin cho mẹ được vào sống ở khu người già, có người trông nom hằng ngày. Mẹ không phải lo gì cả. Ðến bữa có người dọn cho ăn. Ðau ốm có y tá săn sóc. Cuối tuần con sẽ về thăm mẹ , mẹ nhé ”

Bể hạnh phúc đã vỡ tan. Những bong bóng hạnh phúc chỉ còn ảo mờ như những bọt xà bông trong chậu tắm. Nó đã phản chiếu muôn mầu và vỡ ngay sau đó.

Trong lòng mẹ chợt vẳng nghe lại được câu nói của bà ngoại xưa đã nói với mẹ: “Nước mắt chảy xuôi , con ạ.” …

ĐẠO HIẾU CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VÀ NHỮNG HIỂU LẦM

Nguyễn Ngọc Thương 

ĐẠO HIẾU CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO VÀ NHỮNG HIỂU LẦM

Tôi còn nhớ hồi nhỏ một bạn học đã nói với tôi: “Bọn bây theo đạo là bỏ ông bà”. Thực sự lúc đó tôi chẳng hiểu tại sao đứa bạn lại nói như vậy, nó lấy ở đâu ra câu nói mà tôi, và hình như cả nó, cũng không hiểu hết ý nghĩa. Lúc đó tôi chẳng biết phải trả lời bạn như thế nào.

Khi lớn lên tôi lại nhiều lần gặp câu tương tự trong sách vở hay trong một số người quen không cùng tôn giáo. Ngay đến bây giờ, khi đã là một linh mục quản xứ, thỉnh thoảng tôi lại gặp câu nói đó. Một anh lương dân và một chị theo Công Giáo muốn kết hôn với nhau đến gặp để tiến hành các nghi thức kết hôn theo quy định của Công Giáo, anh tâm sự: Tôi cũng muốn theo đạo để vợ chồng cùng tôn giáo, để sống hạnh phúc và để nuôi dạy con cái trong môi trường tôn giáo, nhưng tôi là con trai trưởng, tôi theo đạo thì bỏ ông bà tổ tiên, sợ mang tiếng bất hiếu!…

Như vậy theo Công Giáo là bỏ tổ tiên thật sao? Là bất hiếu thật sao?

Xin thưa: Điều đó không đúng! Đó là một hiểu lầm mang tính lịch sử, nó đã được tuyên truyền từ nhiều đời nay.

Công Giáo chúng tôi hiếu kính với tổ tiên nhưng theo một cách khác. Chúng tôi tôn thờ Chúa và cậy dựa vào Ngài, là Đấng có thể cứu rỗi chúng tôi và ông bà tổ tiên chúng tôi.

Trong 10 Điều Răn Chúa dạy, 3 điều đầu dạy về tương quan giữa tín hữu với Chúa, 7 điều sau dạy về tương quan giữa người với nhau. Trong đó, điều Thứ Bốn, tức là đứng đầu trong 7 điều, dạy rằng: “Ngươi phải thảo kính cha mẹ”. Như vậy, vi phạm đạo hiếu là một trọng tội đối với người Công Giáo.

Chúng tôi vẫn xây lăng mộ, vẫn niệm hương và cầu nguyện cho ông bà vào các ngày dỗ, lễ Tết. Chúng tôi cầu nguyện cho tổ tiên trong Thánh lễ hằng ngày. Ngày Mồng Hai Tết, chúng tôi dâng lễ để kính nhớ cho ông bà tổ tiên. Mỗi năm cả Giáo Hội dành riêng tháng 11 để cầu nguyện và nhớ về ông bà tổ tiên cũng như những người đã qua đời. Trong tháng này, chúng tôi thường viếng phần mộ ông bà, niệm hương và chăm sóc mộ phần. Chúng tôi được khuyến khích làm việc lành, việc bác ái, giúp đỡ người khó nghèo… trong tháng 11 này để tích đức góp công dâng cho tổ tiên ông bà.

Khi có người qua đời, chúng tôi tập trung cầu nguyện, dâng lễ và tổ chức đưa tiễn về nơi an nghỉ. Người Công Giáo chúng tôi tôn trọng thân xác, dù nó đã chết, vì chúng tôi tin nó sẽ được phục sinh. Bạn có thể đến thăm một nghĩa trang của người Công Giáo để biết đạo hiếu đã được thể hiện sống động như thế nào.

Tôi không có ý so sánh hơn thua khi mô tả những cách thực hành của chúng tôi để báo hiếu với tổ tiên. Tôi muốn khẳng định rằng: Nói theo đạo bỏ tổ tiên là không đúng. Người Công Giáo vẫn rất coi trọng đạo hiếu nhưng cách thực hành có khác mà thôi.

(LM Anthanh Linhgiang)

Ảnh: internet

Phụ Nữ Thật Sự Muốn Gì?

Câu chuyện này được đăng lại nhiều lần, nhưng có một số người đọc mấy lần rồi… vẫn chưa thuộc.

***

Phụ Nữ Thật Sự Muốn Gì?

Vua Arthur trẻ tuổi của nước Anh, bị quân Pháp phục kích và bắt giữ. Lẽ ra vua nước Pháp sẽ giết ngài, nhưng vẻ trẻ trung dễ mến của Arthur đã làm cho vua Pháp cảm động. Ông hứa sẽ trả tự do cho Arthur nếu giải được câu đố cực khó. Thời hạn trả lời là một năm, nếu không giải được câu đố thì Arthur sẽ phải chết.

Câu đố là: Người phụ nữ thật sự muốn gì?

Câu đố này có lẽ đến nhà thông thái nhất thế gian cũng bó tay, nên với Arthur quả là một thử thách quá lớn, nhưng như vậy vẫn có cơ hội sống hơn là bị giết, Arthur đành chấp nhận mạo hiểm.

Khi trở về Anh Quốc, Ngài hỏi tất cả mọi người từ các công chúa, các gái mại dâm, các vị Cha xứ đến cả các quan toà, nhưng không ai đưa ra được câu trả lời hoàn hảo. Cuối cùng mọi người khuyên vua là nên đến hỏi mụ phù thuỷ già, có lẽ chỉ còn mụ ta mới có thể giải được câu đố hóc búa này.

Những ngày cuối năm cũng đã tới gần, Arthur đành đến hỏi ý kiến mụ phù thuỷ (thuở xưa phù thuỷ bị kỳ thị). Mụ ta đồng ý trả lời nhưng với điều kiện: để mụ cưới Garwain – Hiệp sĩ dũng cảm của Hội Bàn Tròn, người bạn thân nhất của nhà vua.

Arthur thất kinh. Mụ ta vừa xấu vừa bẩn thỉu, Ngài chưa từng thấy ai đáng tởm như mụ ta. Không, ngài sẽ không để bạn thân của mình phải chịu thiệt thòi như vậy.

Khi biết chuyện, Garwain nói với Arthur rằng sự hy sinh này của chàng làm sao có thể so được với huyết thống Hoàng Gia, sự tồn tại của Hội Bàn Tròn và Vương Quốc Anh. Chàng Hiệp sĩ chấp nhận cuộc hôn nhân và vua Arthur cũng nhận được câu trả lời.

Điều phụ nữ thật sự muốn đó là: – “Có toàn quyền quyết định mọi việc trong cuộc sống của mình”.

Ngay lập tức, ai cũng nhận ra mụ ta vừa giải được một chân lý. Quả thật Vua nước láng giềng rất hài lòng và cho Arthur khỏi án tử hình.

Nói về đám cưới của mụ phù thuỷ và chàng Hiệp sĩ. Tưởng chừng không gì có thể khiến Arthur hối hận và đau khổ hơn nữa. Tuy nhiên chàng Hiệp sĩ Garwain vẫn cư xử hết sức chừng mực và lịch sự. Mụ phù thuỷ thì trái lại, trong tiệc cưới, mụ ta làm nháo nhào mọi thứ lên. Thỉnh thoảng mụ dùng bàn tay bẩn thỉu nhón cái này một chút, bốc cái kia một tý. Mọi người hết sức kinh hãi.

Đêm tân hôn, Garwain thu hết can đảm bước vào phòng hoa chúc. Nhưng, trên giường không phải là mụ phù thuỷ già nua xấu xí mà là một cô gái đẹp tuyệt trần đang nằm đợi chàng.

Cô từ tốn giải thích, là vì chàng rất tốt với cô dưới hình dạng một mụ phù thuỷ, nên để thưởng cho chàng, cô sẽ biến thành người vợ xinh đẹp hiền hoà suốt 12 tiếng/ ngày.

Vấn đề là chàng phải lựa chọn vào ban ngày hay là ban đêm. Garwain bắt đầu cân nhắc: “Ban ngày nếu nàng xinh đẹp thì ta có thể tự hào cùng nàng đi khắp nơi, nhưng vào ban đêm làm sao mà ta chịu nổi? Ngược lại, ta đâu cần sỹ diện với bạn bè cơ chứ, cứ để nàng ta xấu xí trước mặt mọi người, khi màn đêm buông xuống, ta sẽ được tận hưởng những giây phút ngọt ngào bên thiên thần”.

Garwain cuối cùng đáp rằng: “Nàng hãy tự quyết định lấy số phận của mình. Nàng muốn đẹp hay xấu lúc nào cũng được”.

Câu trả lời tất nhiên làm cho phù thuỷ hài lòng và nàng cười nói rằng sẽ hóa thân thành người vợ xinh đẹp suốt đời bên chàng. Đó là phần thưởng cho đàn ông biết tôn trọng ý kiến của phụ nữ.

Cuối đời, Hiệp sĩ Garwain của chúng ta thường dặn dò con cháu: “Vợ đẹp hay xấu điều đó không quan trọng, quan trọng đối xử ra sao để vợ trở thành một thiên thần hay thành mụ phù thủy”

KẾT LUẬN: – bạn muốn biến vợ thành phù thuỷ hay biến phù thuỷ thành vợ?

Thái độ và cách đối xử của bạn với vợ bạn sẽ tạo ra sản phẩm như bạn mong muốn! Yêu thương cho đi là yêu thương nhận lại, hằn học cho đi sẽ gieo mầm quả đắng! 

May be an image of one or more people, outdoors and tree

NGƯỜI MẸ GIÀ BỊ LẪN…!

NGƯỜI MẸ GIÀ BỊ LẪN…!

Cuối tuần, con trai cả tạt qua biếu mẹ hộp sữa. Mẹ đang hỏi:

 “Sữa gì đó…, mẹ uống được không, đó có mắc lắm không con…?” 

Chưa nghe rõ lời mẹ đang hỏi chưa dứt câu, con trai đã lao ra xe:

“Thôi thôi… con bận lắm, con đi đây, mẹ cứ uống đi…, sữa tốt đó!” 

Giữa tuần, con gái ghé, cô thảy cho mẹ ký táo Mỹ, vừa vào nhà đã quát ầm ĩ: “Mẹ ơi… sao mẹ bầy hầy vầy, lần nào còn đến cũng phải dọn.” 

Mẹ nói: “Mẹ muốn mua cái ấm nước siêu tốc mới vì cái ấm này mua lâu rồi, giờ đã cũ lắm”  

Con gái lại lớn tiếng: “Mẹ lại lẫn nữa rồi. Ai bảo mẹ cái ấm này mua lâu rồi.” Mẹ im bặt, nhìn con gái dọn dẹp mà thái độ có vẻ càu nhàu, hành động không được nhẹ nhàng. Mẹ lại rụt rè bảo: “Cái ấm nó cũ…” Con gái đùng đằng tiếp: “Thôi, mẹ già yếu mẹ ngồi yên cho con nhờ, có mua ấm mẹ cũng đâu có dùng.”  

Nói đoạn con gái đi ra xe, còn lầm bầm: “Người ta đã bận còn nhì nhằng phát mệt…!”.

Có lần mẹ già buột miệng: “Nhà này mẹ thương nhất thằng Út, mẹ mong gặp thằng Út nhất.” Các con hậm hực bảo: “Mẹ cưng thằng Út nhất, muốn gặp nó nhất là đúng rồi. Nó không cho mẹ được đồng nào bánh nào, vậy mà mẹ vẫn thích và thương nó nhất…!” 

Nhưng các con của mẹ không hiểu lòng mẹ…, bởi mẹ già thích gặp Út nhất là vì mỗi lần Út đến thăm mẹ, tay chẳng mang gì làm quà nhưng nó luôn thân yêu bóp vai mẹ, kể cho mẹ nghe chuyện của nó, hỏi thăm bao điều về mẹ về các anh chị, nó luôn sà xuống cạnh bên mẹ, vui vẻ bảo: “Mẹ có chuyện gì vui kể con nghe đi…!” Vậy là mẹ ngồi kể liên tu bất tận chuyện xưa chuyện nay, chuyện nọ rồi chuyện kia, vừa kể xong, mẹ quên rồi kể lại… Út chỉ ngồi chăm chú nghe, thỉnh thoảng ghẹo: “Ơ, chuyện này mẹ vừa kể rồi, mẹ kể chuyện khác đi…” 

 Anh vẫn ngồi vài tiếng đồng hồ nghe mẹ kể chuyện, gật gù và mỉm cười. Mẹ kể chuyện đến mệt, rồi anh mới xin phép ra về…

Quà của con cả, con gái chất đống mẹ chẳng dùng vì tuổi già sức yếu đâu ăn uống được gì nhiều. Mẹ cũng không dám nhiều lời vì sợ con bảo là mẹ đã lẫn…, quên trước quên sau…

Mẹ chỉ thích gặp Út…, nó vì món quà quý nhất của mẹ lúc này vì có một người thân chịu ngồi lắng nghe và trò chuyện với mình…! 

Rất nhiều quãng thời gian còn lại, khi vắng các con, mẹ chỉ biết ngồi nhìn bức tường trắng lặng câm. Vì chị giúp việc cũng uể oải với cái lẫn khi tuổi tác của mẹ đã cao, mỗi khi nghe mẹ cất tiếng…, là cô ấy bỏ đi mất…

Đôi lúc mẹ buồn… mẹ nhớ các con, mẹ nhớ chuyện xưa…, rồi mẹ lẩm bẩm nói chuyện một mình như đang nói cho chính mẹ nghe…! 

Quà cho người già, không gì quý giá hơn là ân cần chia sẻ, chịu ngồi xuống trò chuyện và lắng nghe của từng đứa con mà mẹ đã sinh ra, đã cưu mang, dạy dỗ nuôi nấng cho đến ngày khôn lớn…! 

Sưu tầm

From: TU-PHUNG