Kinh Hôn Nhân Gia Đình

Mời đọc và áp dụng Kinh Hôn Nhân Gia Đình rất có ý nghĩa:

Lạy Thánh Gia, xưa Thánh Cả Giuse đã dẫn đưa mẹ Maria và Chúa Giêsu trốn sang Ai Cập/ Thánh Gia đã chia sẻ những tân toan trong đời sống gian nan. Xin cho gia đình chúng con:

  • Biết CẢM THÔNG và SỐNG theo lời dạy của Thánh Kinh;
  • Biết LẮNG NGHE và KÍNH TRỌNG nhau, Lúc vui cũng như khi buồn;
  • Biết NHẪN NHỤCHÒA GIẢI, khi Tính Tình và Cách Cư Xử khác nhau;
  • Biết HIẾU NGHĨA và CHUNG THỦY từ trong gia đình đến ngoài xã hội:
  • Biết lấy GƯƠNG LÀNH mà dưỡng dục con cái.

Giêsu-Maria-Giuse

Đời chúng con sống gió ba đào/ Xin ban ơn CAN ĐẢMKIÊN TRÌ của Chúa Thánh Linh

Gia đình chúng con TRẺ GIÀ XUNG KHẮC xin ban ơn QUẢNG ĐẠITHỨ THA để chúng con AN VUI CHẤP NHẬN lẫn nhau.

Giáo Hội Chúa cần nhiều tính hữu nhiệt thành sốt mến. Xin cho chúng con biết phụng sự trong tin yêu để cùng nhau xây dựng NƯỚC CHÚA muôn đời.

Bữa Ăn Lặng Lẽ Một Mình – Tạp Ghi Huy Phương

Van Pham

Bữa Ăn Lặng Lẽ Một Mình – Tạp Ghi Huy Phương

Hiện nay tôi đang sống với gia đình cô con gái út. Cháu có một gái đã trưởng thành sống ở tiểu bang khác và một cháu trai đang học năm cuối của trung học. Chồng cháu thỉnh thoảng phải đi làm xa. Hai vợ chồng tôi đã đến tuổi già gần đất xa trời, nên thời khắc biểu của những thành viên trong gia đình rất khác nhau, nên ít khi chúng tôi ngồi lại cạnh nhau cùng ăn chung một bữa cơm.

Buổi sáng thức dậy trễ, thì con cái đã đi làm, cháu đã đến trường, vợ thì luẩn quẩn ở sau khu vườn nhỏ, đành ngồi ăn sáng một mình. Buổi tối, thấy cơm canh đã sẵn sàng nhưng chưa thấy ai sẵn sàng cùng ăn với mình. Gọi vợ thì vợ bảo:
-“Ông cứ ăn đi, tôi mới ăn củ khoai, còn ngang bụng!” Gọi con thì con thưa: “Ba cứ dùng cơm đi, con đang bận tay!” Ðứa cháu thì khi hiện khi biến, chẳng mấy khi gặp mặt, có khi ăn ở trong bếp hay đem phần ăn lên phòng riêng để có sự tự do một mình.

Tôi muốn có những bữa ăn đông người, vui vẻ, có tiếng cười nói rộn ràng, nhưng thường là phải ăn những bữa ăn một mình. Bữa ăn một mình thì đâu cần đến mâm bàn dọn ra ngay ngắn, tươm tất, mà sao cũng cho xong một bữa ăn. Một tô cơm trộn thức ăn, và một cái muỗng, ngồi trước máy computer hay trước máy truyền hình. Bạn có nghĩ một bữa ăn như thế có dễ tiêu hoá, có lợi cho sức khoẻ hay không? Và một bữa ăn như thế có buồn không?

Tôi không bao giờ quên được những bữa ăn gia đình thời thơ ấu. Tất cả mọi người trong gia đình đều chờ nhau vào mâm cơm một lượt, dù là buổi sáng giờ trưa hay bữa chiều tối. Bữa cơm có cả ông bà nội, cha mẹ, cả anh chị cùng mấy đứa em nhỏ, kể cả thành viên nhỏ bé của đại gia đình là con mèo vàng luẩn quẩn chờ miếng ăn trong lòng bà nội tôi.
Rồi thời gian qua đi, kẻ còn, người mất, gia đình mỗi người một nơi. Tôi lớn lên, tạo lập một gia đình nhỏ, có những bữa ăn sum họp gia đình, nhưng không quên được những người đã đi xa, không còn hiện diện trên cuộc đời này nữa.

Rồi chiến tranh, tù đày, xô đẩy con người mỗi người đi mỗi hướng. Trong một trại tù nào đó, trên cái chõng tre tập thể, hay bữa trưa ngoài bìa rừng, tôi ngồi dùng đũa đếm những hạt ngô bung, xót xa nhớ đến những bữa cơm gia đình. Khi tôi từ nhà tù trở về, thì bữa cơm không còn là bữa cơm nữa. Con tản mát, vợ chạy gạo mỗi ngày, nồi cơm lạnh lẽo trên bếp, ai thấy thì ăn. Thời Cộng Sản vào nhà, không còn hai chữ “sum họp,” cũng chẳng còn câu “ngồi lại với nhau.”

Ra hải ngoại, thì cái văn hoá “bữa cơm gia đình” cũng đã mờ nhạt. Ly cà phê bữa sáng trên xe, cái hamburger cùng ly coke vào giờ lunch và những buổi tối về nhà trong giờ giấc trước sau không đồng nhất. Phải chờ đến những ngày Lễ Tết, sinh nhật, cha con, anh chị em họa hoằn mới có dịp ngồi lại trong những bữa tiệc cuối tuần.
Các bạn còn trẻ có lẽ chưa cảm nhận được nỗi buồn khi phải ngồi ăn một mình. Thức ăn có ngon đến đâu, bổ dưỡng đến đâu mà không “dịch vị” của tiếng cười, niềm vui, chỉ còn “gia vị” của cô đơn, buồn nản, thì bữa ăn ấy chỉ còn là bổn phận ăn để sống. Chính các vị y sĩ cũng đã khuyên người già “ăn uống phải có bạn, nên ăn chung với gia đình hay con cháu. Về phần con cháu, cũng không nên để cho cha mẹ mình ăn uống trong cô đơn buồn tẻ, vì khi ăn một mình, sẽ kém vui, và ăn ít đi, không tốt cho sức khoẻ. Sự cô đơn sẽ làm miếng ăn thêm cay đắng.”

Rõ ràng là tâm lý đã tác dụng vào sinh lý. Dù đau yếu, suy kiệt, mòn mỏi nhưng tôi vẫn nghĩ rằng những người sống chung với con cháu, hay còn vợ chồng có khả năng sống lâu hơn là những ông bà cụ già hiện đang sống một mình trong những căn phòng lạnh lẽo của những căn “nursing home.”

Trong nhà dưỡng hưu, tôi đã thấy những bữa cơm gọn gàng trong những cái khay nhỏ do nhà bếp đưa đến tận giường, để cả giờ nguội lạnh mà các ông bà vẫn chưa muốn ăn. Tôi đã đến thăm nhà thơ Nguyễn Chí Thiện lẻ loi trong căn nhà già ở Santa Ana lúc ông chưa vào bệnh viện. Lúc ấy vào buổi xế trưa, mà từ sáng đến giờ, nồi cơm điện còn nguyên chưa được xới ra trên bếp, thức ăn còn để lạnh ngắt trong tủ lạnh. Ông thú nhận là ông không muốn ăn, mà chỉ ăn vì “nghĩa vụ,” một nghĩa vụ nặng nề! Chung quy cũng vì nỗi buồn cô đơn, thui thủi một mình.

Keith Ferrazzi, tác giả cuốn sách “Ðừng bao giờ đi ăn một mình (Never eat alone) không nói về sự cô đơn mà nói về sự giao tiếp đưa đến sự thành công và hạnh phúc cho cuộc sống. Chúng ta không bàn đến chuyện “ăn một mình” theo lối này.

Ðã đi hết một chặng đường dài, đã lo toan cho mọi thứ, nhưng cuối cùng tuổi già cô độc bên mâm cơm, lặng lẽ một mình. Những bậc cha mẹ già không mong con tặng quà, phải chi con ghé nhà thăm, ngồi ăn với cha hay mẹ một bữa cơm, nói cười như thuở ấu thơ.

Image may contain: one or more people

TÌNH YÊU THIÊN CHÚA VÔ BỜ BẾN

TÌNH YÊU THIÊN CHÚA VÔ BỜ BẾN

(Tâm tình sống Mùa Chay)

 Tuyết Mai

Tôi không phủ nhận rằng tuổi trẻ xa xưa tôi đã phải trải qua suốt bao nhiêu năm dài được sắp hạng là vô giáo dục có nghĩa là con nhà nghèo không được mẹ cho đi học vì cha mất sớm.   Mà nói rằng hoàn toàn không được đi học thì cũng phụ lòng mẹ tôi vì tôi nhớ khi đang ở cấp tiểu học thì tôi cũng có được cắp sách đến trường bữa được, bữa không.

Suốt từ nhỏ đối với tôi trường học là dành cho con nhà giầu có được cha mẹ đóng tiền cho đi học, riêng tôi thì trường học là nơi tôi chỉ có thể đứng ngoài cổng trường nhìn vào mà thôi.   Nơi tôi ở, rất gần trường học Công Giáo (Thánh Tâm, Hòa Hưng, quận 10) nên cũng có nhiều ngày tháng được ngồi ghế nhà trường nhưng tháng nào mà mẹ tôi không đóng tiền thì tôi phải nghỉ ở nhà, đi rông.

Chuyện học hành đã thế thì hà huống gì là chuyện học đạo, đi nhà thờ và giữ đạo … cho đến cuối tháng Tư năm 75 tôi đã được bà chị kế cho đi Mỹ theo diện gia đình mà công ty của Mỹ nơi ông anh rể tôi làm việc đã bảo lãnh cho cả gia đình anh chị tôi cùng cho phép mỗi bên một cô em đi theo.   Rất ngỡ ngàng và chẳng có vẻ gì là thích thú lắm khi ông anh rể tôi ghi tên cho tôi đi học tại trường trung học ở Hawaii nhưng ngày ra trường thì ở thành phố Garden Grove, tiểu bang California.

Có điều ai cũng hiểu là ở cái tuổi học trung học đó thì hầu hết cả trai lẫn gái đều bị hormone nó thay đổi, nó hành cho ai nấy bị khùng khùng, mát mát, điên điên sao ấy.   Và ở cái tuổi này thì cả trai lẫn gái đều không nhận thấy gia đình là nơi gần gũi nữa mà không là luôn muốn làm những điều ngược ý muốn của cha mẹ hay người bảo lãnh như anh chị tôi.   Tệ hơn nữa là nếu thấy trong nhà ngộp thở với những lời nói mắng chửi nghe không vừa tai thì bỏ nhà theo sống với bạn nào chứa chấp, bạn trai, hoặc gia nhập băng đảng cho thoải mái hơn là ở nhà luôn chờ bàn tay của mình để rửa chén bát , quét chùi nhà cửa, giặt dũ thì … ai mà thích đâu, có phải?.

Với cái bản tánh mất dạy có sẵn của tôi đã quen lông nhông, chạy rông, sống tự do một mình suốt từ nhỏ thì thật khi nó bị sống chung với anh chị của nó, lại gắt gao bắt nó vào khuôn khổ, giống như bị cột chân vào những công việc nhà mà suốt từ nhỏ nó không bị làm bao giờ mà sau này bên VN chúng ta gọi là công việc của Osin là làm tất cả (mà không có lương) … giống y như con ngựa hoang nay bị người ta cột dây mang về để cỡi nó ư? Đó là điều thật là hoang tưởng đối với con ngựa hoang, là tôi.

Vì thế mà bước vào những năm học đại học ở community college tôi đã sống ở trong trường cả ngày chỉ đến tối khuya mới tìm về nhà lục tủ lạnh có gì ăn nấy và ngủ.   Còn trong ngày thì tôi thường bị đói lả vì không có tiền ăn.   Nhưng rồi tôi cũng cầm cự cho qua 2 năm và được nhận vào trường đại học University Of Irvine.   Học được đúng 1 năm thì không học nổi nữa vì tiếng Anh của tôi có giới hạn.

Tôi có nhớ sự dại dột ngu khờ của tôi là đã tìm gây chuyện với bà chị của mình và đã thực sự cắt đứt tình chị em mà không hiểu được tương lai trước mặt của mình sẽ dẫn đưa mình đi đến đâu?.   Sẽ dựa dẫm vào ai để sống mà tự ái của tôi nó lớn lắm, nó đã không muốn quay về nơi duy nhất cho nó một chốn để tựa nương.   Rồi thì sau đó chắc hẳn Thiên Chúa đã tìm đến cứu giúp tôi; giúp cho tôi tìm được một trường tư để học lấy chứng chỉ y tá làm văn phòng bác sĩ và sau đó tôi đã tìm được việc làm và tìm được một nơi ở cho riêng mình.

Bây giờ nhìn lại tôi mới thấy thật hãi hùng, thật ngu muội và thật phiêu lưu y như người đi leo núi mà chẳng biết đường đi và càng lên cao thì càng bị mây mù che phủ; có lúc tôi cũng có nghĩ đến cái chết nhưng chỉ thoáng qua mà thôi.   Cảm tạ Thiên Chúa biết bao và cảm tạ Đức Mẹ khôn lường vì đã chăm nuôi tôi suốt từ thuở bé thơ.   Tuy tôi không được cảm nhận, hay nhìn thấy rõ ràng những lần ai cho mình ăn nhưng giờ nhìn lại một quãng đời thơ bé không ngắn mà tôi đã phải trải qua y như đứa trẻ sống bụi đời không cha, không mẹ, không người thân thương.

Nhân Mùa Chay Thánh là mùa của sự Sám Hối, Ăn Năn, Hối Cải, Chừa Tội, làm việc lành phúc đức, biết bỏ đàng tội lỗi mà quay về với Chúa và nhất là biết Tha Thứ người đã làm cho cuộc đời của mình có thêm kinh nghiệm sống.   Xin cho hết thảy chúng ta con cái Người được nhận biết một Thiên Chúa vô cùng quyền năng luôn rất yêu thương chúng ta, một tình yêu vô bờ bến, một tình yêu hải hà và độ lượng mà chỉ khi chúng ta nhận biết để mở cửa tâm hồn của chúng ta ra thì Tình Yêu Thiên Chúa sẽ không ngừng tìm đến ngự trị, tuôn đổ muôn hồng ân cùng ban thêm sức mạnh, can đảm để chấp nhận cuộc sống tạm bợ trên trần gian đầy khổ ải và đầy chước cám dỗ này.   

Vì chỉ khi chúng ta nhận biết Thiên Chúa là cùng đích là ĐẤng mà có thể lấy đi sự sống, có thể mang chúng ta về Trời hay quẳng chúng ta vào Hỏa Ngục muôn đời không có ngày ra … Là chúng ta liền nhận biết và sẽ cố gắng sống sao cho những tháng ngày (ngắn hay dài) khi còn có thể, còn có thời giờ làm đẹp lòng Thiên Chúa, đẹp lòng tha nhân nhất là đối với gia đình rất thân thương của chúng ta, đừng để cho sự thù hận chế ngự mà ngăn cản tình yêu Thiên Chúa không vào được; sống xứng đáng hơn trong việc làm phúc đức để việc đền tội đó giúp cho linh hồn của chúng chóng được Thiên chúa ban cho cuộc sống hạnh phúc viên mãn, ở đời sau trên Nước Trời.   Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

15 tháng 2, 2018

Tha thứ không phải là ban ơn cho người khác mà là tạo phúc cho chính mình

Tha thứ không phải là ban ơn cho người khác

mà là tạo phúc cho chính mình

Cuộc sống phức tạp với những va chạm, mâu thuẫn khiến ta khó tránh khỏi những lúc không hài lòng với nhau, gây tổn thương cho nhau. Tuy nhiên, người xưa vẫn dạy rằng “lùi một bước biển rộng trời trong”. Vậy sức mạnh nào có thể cho ta dũng khí để “lùi một bước” trong những va chạm như thế?

Vào một ngày cuối tuần, hai mẹ con tôi quyết định ra ngoài ăn tối để chào mừng sự kiện con gái tôi tốt nghiệp về nước. Trong một quán ăn nhỏ nhưng vô cùng ấm cúng và thanh lịch giữa Thượng Hải phồn hoa, mỹ lệ, một cô gái trẻ phụ trách mang đồ ăn tới cho chúng tôi.

Cô gái trẻ tập trung bê đĩa thức ăn, cẩn thận len qua lối đi chật hẹp trong quán. Nhưng khi vừa đến chỗ chúng tôi, đĩa cá hấp không may bị nghiêng và nước sốt cá đổ cả lên chiếc cặp da của tôi đặt trên ghế. Vừa tiếc chiếc cặp da đắt tiền, vừa bực mình vì cách làm việc vụng về và không chuyên nghiệp, tôi ngay lập tức nhăn mặt khó chịu và nổi giận, chuẩn bị la mắng cô bé ấy.

Thế nhưng khi tôi chưa kịp hành động gì thì con gái tôi đã nhanh chóng đứng dậy, ngay lập tức nở một nụ cười dịu dàng và tươi tắn nhìn cô gái. Vỗ vai cô phục vụ bàn, con bé nói để cô gái bình tĩnh trở lại và không quá lo lắng: “Chuyện nhỏ thôi, không sao đâu. Chị làm việc tiếp đi”.

Những đường nét trên khuôn mặt cô gái chuyển từ hoảng hốt, lo lắng sang ngỡ ngàng và lúng túng, cô bé nhẹ nhàng và lịch sự nói với chúng tôi: “Tôi thực sự xin lỗi. Tôi sẽ đi lấy khăn để lau”.

Nhưng con gái tôi lập tức đáp lại: “Không có vấn đề gì đâu. Chúng tôi mang về nhà lau sạch là được. Chị cứ tiếp tục công việc của mình đi, không cần phải đặt nặng tâm vào chuyện này đâu”.

Mọi cử chỉ, ngôn hành của con gái khiến tôi không thể lý giải được. Tôi cảm thấy mình như một quả khí cầu chứa đầy sự khó chịu, tức giận, oán trách, một quả khí cầu được bơm căng tới mức muốn phát nổ nhưng lại không thể nổ được. Tôi ngồi ăn tối trong hậm hực, kìm nén và tất cả những món ngon lành và đắt đỏ trên bàn bỗng trở nên đắng ngắt trong miệng tôi.

Rời khỏi quán ăn, con gái đề nghị chúng tôi đi bộ trở về nhà. Con gái một tay cần chiếc túi đã dính bẩn của tôi, một tay nắm tay tôi. Đã từ lâu tôi không cho mình những giây phút thanh thản để nhìn ngắm, để hòa mình vào nét cổ kính yêu kiều của Thượng Hải. Đã từ lâu tôi quẩn quanh trong những bức tường nơi làm việc, trong tính toán sổ sách và những lo toan cho cuộc sống của tôi, cho sự sung túc của cả gia đình. Những nụ cười của tôi cũng héo tàn dần, những cái nhăn mặt, nhíu mày ngày càng nhiều hơn.

Chúng tôi bước đi trên con phố dài rộng và không quá tấp nập. Con gái bắt đầu kể cho tôi nghe về cuộc sống ba năm là du học sinh tại Anh của nó. Từ nhỏ, con gái được cả nhà cưng chiều và bao bọc, chưa từng phải làm một công việc gì, cũng không bao giờ chịu đựng thua thiệt so với bạn bè trang lứa. Tuy vậy, nó lại luôn là một cô bé ngoan ngoãn và rất tự lập, luôn có những mục tiêu phấn đấu cho riêng mình, không muốn dựa dẫm vào tình thương của cha mẹ để hưởng thụ.

Ba năm du học tại London, con gái chỉ về nhà một lần duy nhất, vì con bé dành toàn bộ thời gian trong các kỳ nghỉ đi làm thêm, đi du lịch và khám phá. Lần trở về này, tôi hoàn toàn bất ngờ với vẻ hoạt bát nhanh nhẹn và trưởng thành của con. Nhưng có lẽ những điều con gái chia sẻ vào đêm hôm ấy đã thay đổi tất cả những quan niệm và tính cách bấy lâu nay của tôi, là điều tôi hoàn toàn không thể ngờ tới nhất.

Bước từng bước thong dong, con gái vừa nhìn những bông hoa hồ điệp đang trở màu vàng óng bên đường, vừa bắt đầu kể chuyện:

“Những ngày đầu trải nghiệm cuộc sống ở nước Anh thật sự là một thử thách lớn đối với con mẹ ạ. Con làm thêm tại một nhà hàng sang trọng, nơi luôn có những yêu cầu rất cao và quy định chặt chẽ dành cho nhân viên. Mỗi ngày, con đều phải rửa rất nhiều ly rượu, ly uống nước. Đó không phải loại như ở nhà mình, loại ly ấy rất mỏng và cao, chỉ cần lơ đãng một chút là có thể khiến chúng thành một đống thủy tinh vụn.

Thái độ nghiêm túc và tinh thần tập trung cao độ luôn luôn là yêu cầu và cũng là điều kiện hàng đầu. Có một lần, con vừa thả lỏng người một chút liền va vào một chiếc ly. Sau đó liên tục những tiếng xoảng, xoảng và cuối cùng, một hàng dài ly xếp trên bàn biến thành một đống vụn thủy tinh trên mặt đất.

Mẹ biết không, thời khắc đó con vô cùng hoảng loạn, sợ hãi và nghĩ mình sẽ chẳng còn cơ hội nào nữa. Nhưng người quản lý ca trực hôm ấy đã ngay lập tức chạy tới chỗ con, cô ấy lo lắng rằng con có thể bị mảnh vụn nào đó làm cho chảy máu. Cô ấy không những không trách móc, không quát mắng mà ngược lại còn nhờ những người khác tới giúp con dọn sạch đống thủy tinh ấy.

Lúc đó con đã bật khóc, nỗi hoảng sợ của con nhanh chóng chuyển sang sự cảm ân sâu sắc. Hành động ngày hôm đó của các đồng nghiệp đã giúp con có thêm can đảm để đối mặt với sai lầm của mình, một sự việc tồi tệ đã biến thành cơ hội để con nhận ra ý nghĩa to lớn của việc chân thành giúp đỡ và bao dung với sai lầm, với những thiếu sót của người khác.

Một lần khác, con không may đánh đổ cà phê lên chiếc váy trắng của một vị khách. Cô ấy đang ngồi đợi đối tác của mình, và không gì bất tiện hơn việc váy áo dính bẩn trong hoàn cảnh ấy. Nhưng cô ấy đã an ủi con bằng những lời rành rọt, dịu dàng: “Không vấn đề gì, cà phê mà, không khó giặt”. Và cũng giống như những gì ngày hôm nay con đã làm, cô ấy không một chút khó chịu, không một chút phàn nàn, chỉ lặng lẽ vào nhà vệ sinh và gột sạch chiếc váy.

Mẹ à, bởi vì người khác đã bao dung với lỗi lầm của con, cho con cơ hội sửa chữa nên con mới có thể trở thành một người tốt đẹp hơn, trưởng thành hơn, sâu sắc hơn như bây giờ. Vậy nên mẹ hay coi những người khác như con gái của mẹ, hãy tha thứ cho những sai lầm của họ mẹ nhé”.

Có người vẫn cho rằng tha thứ quả là việc khó khăn trong đời, nhất là khi bản thân đã phải chịu tổn hại, chịu thiệt thòi. Chính vì vậy, bản thân những người không thể tha thứ luôn mang theo rất nhiều oán giận, buồn đau dù sự việc thực sự làm họ tổn thương đã lui vào quá khứ.

Chúng ta cũng luôn có suy nghĩ rằng tha thứ là thái độ, là cách hành xử ta dành cho người khác, nhưng thực chất tha thứ là hành động ta làm cho chính mình, là cách ta đối đãi với bản thân mình.

Tha thứ không đồng nghĩa với việc chúng ta nói lời tha thứ nhưng trong tâm vẫn cất giữ rất nhiều trách móc, oán giận, ôm giữ sự không hài lòng, khó chịu mãi không thôi. Sự tha thứ thực sự xuất phát từ tấm lòng chúng ta, xuất phát từ sự thông cảm và biết suy nghĩ cho người khác, suy nghĩ vì người khác.

Có thể tha thứ cho những sai lầm của người khác khi chúng ta đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của họ, suy nghĩ theo những quan điểm sống, chuẩn tắc sống của họ. Ngược lại, không thể tha thứ là một biểu hiện của sự ích kỷ, hẹp hòi, chỉ thuận theo cảm xúc và suy đoán của bản thân mà không cho mình cơ hội hiểu người, lắng nghe người khác.

Tha thứ không phải là nhu nhược, bỏ cuộc, chấp nhận đầu hàng hay buông xuôi. Tha thứ là khi có dũng khí đặt mình vào vị trí người khác để bao dung họ, là lùi một bước để nhìn nhận sự việc một cách thấu đáo và từ những khía cạnh khác nhau.

Hơn nữa, khi ta có thể thật tâm tha thứ cho người khác, có thể vứt bỏ mọi khúc mắc trong tâm và đối diện với tất cả bằng tâm thái an hòa, thuần tịnh, cũng là ta đang chăm sóc và yêu thương chính mình, là tự cởi trói sợi dây vô hình đang thắt chặt trái tim và tâm hồn mình.

Dùng đức hạnh để xoa dịu tức giận, dùng từ bi để cảm hóa kẻ thù, đó mới là hành vi cao thượng nhất trên thế gian này.

Rốt cuộc thì ánh sáng của tâm thuần thiện, của tấm lòng bao dung chính là vũ khí hiệu quả nhất để hóa giải mọi oán hận trên cuộc đời, là phương thuốc hữu hiệu để chữa lành mọi vết thương, là cây cầu ngắn nhất đưa những trái tim đến với trái tim.

From Nguyen Tan Hung & Kim Bang Nguyen

NGÀY MẸ GIÀ ĐI….

NGÀY MẸ GIÀ ĐI….

– Bác sỹ có thể cho thuốc về nhà uống được không? Tôi không muốn nhập viện, nhà tôi đơn chiếc lắm!
– Con bà đâu? Bà đi khám bệnh một mình à?
– Tụi nó đi làm hết rồi.
– Bận rộn đến nỗi để mẹ già 75 tuổi bệnh nặng đi khám bệnh một mình sao?
Mình hỏi xong tự dưng thấy có lỗi với bà cụ, bởi câu hỏi đó chỉ làm bà tủi thân và xót xa. Người cần nghe thì không có mặt ở đây.
Bà cụ ngồi đối diện với mình dáng vẻ gầy guộc như cành khô, chỉ cần một cơn gió mạnh là có thể xuôi tay về đất. Đường huyết 480 mg%, Na+ 157, Creatinin 2,5mg%, ECG : rung nhĩ đáp ứng thất nhanh….
Vậy mà …
Mình biết cho thuốc gì bây giờ? Insulin ư? Bà cụ có chích insulin được không? Nhìn đôi mắt ngân ngấn lệ mà se sắt trong lòng. Ngỡ như mình đang “kiệt” nước.
– Bà ơi, bà nghe lời con nhập viện đi. Bệnh bà nặng lắm. Bà có thể vào hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu máu.
– Không được đâu. Bác sĩ cứ cho thuốc đi.
– Bà đọc số điện thoại con bà đi, con gọi cho. Bệnh của bà phải nhập viện.
Bà cụ nhìn mình một hồi rồi mới lập cập giở tờ giấy lận lưng có ghi số điện thoại con mình.
– Alo, phải chị là con bà Nguyễn Thị A không?
– Đúng rồi.
– Mẹ chị bệnh nặng lắm, phải nhập viện.
– Cho thuốc về được không? Bả còn phải coi nhà và hai đứa nhỏ nữa. Vợ chồng tui chiều nay có cuộc họp quan trọng.
– Chị nói đùa hay sao vậy? Tôi là bác sĩ đang khám cho bà đây.
Mình gần như quát lên trong điện thoại.
– Vậy thôi, nhập thì nhập. Mà ở bệnh viện đó có dịch vụ thuê người nuôi bệnh không?
Bây giờ mình mới hiểu được tại sao bà cụ không muốn nhập viện. Ôi … giá như mình đừng hiểu, đừng cố nhìn thật sâu vào lòng người ….
Nhiều khi chúng ta mê mải với cuộc mưu sinh, mà quên còn mẹ ở bên, bạn nhỉ? Hay do tình yêu và sự hy sinh của mẹ quá thầm lặng, đến nỗi chúng ta không cảm nhận được!
Mỗi đêm chúng ta đi làm về, vội lao vào chiếc tivi xem trận đá bóng ngoại hạng, xem cô ca sỹ hở hang bốc lửa hát… mà quên hỏi mẹ hôm nay có khỏe không, ăn có ngon miệng không, mùa mưa về khớp xương có nhức mỏi hơn không?
Có bao giờ chúng ta mua tặng mẹ một chiếc áo, một nhành hoa? Có bao giờ chúng ta chở mẹ lang thang phố, hay ghé vào một quán nào đó, ngồi lặng im bên mẹ và nhìn mẹ ăn?
Rồi một ngày không xa, chúng ta vội vàng đưa mẹ đến phòng cấp cứu trong cơn nguy kịch. Rồi một ngày bác sĩ nhìn chúng ta lắc đầu hỏi : Sao anh chị không đưa bà đến đây sớm hơn?
Rồi chúng ta ngỡ ngàng hối tiếc … Mẹ đã ra đi. Bây giờ bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu tiền của cũng không thể nhìn thấy thêm một lần nữa nụ cười hiền từ bao dung của mẹ.
Trở về sau cuộc cờ tàn.
Bàn chân con bước bao lần chông chênh.
Bao lần khó ngủ trong đêm.
Lời ru của mẹ biết tìm nơi đâu?

[ST]

(Mùa Vu Lan 2017)

LUCIE 1937 gởi

Phúc Đức Tại Mẫu – Đinh Thủy

Phúc Đức Tại Mẫu – Đinh Thủy

Ngày còn bé con cứ thắc mắc, tại sao trên đất nước này cái gì cũng mang dấu ấn sự tôn vinh người Mẹ. Dòng sông lớn nhất ở phía Bắc đất nước ta quen gọi sông Hồng cũng còn có tên khác là sông Cái. Con đường nào lớn gọi là “đường cái.” Thứ tiếng ta nói hàng ngày cũng gọi là tiếng “Mẹ đẻ.”

Tổ Quốc thiêng liêng cũng được gọi với giọng tha thiết là “đất Mẹ.” Trên dải đất nhỏ hẹp mang hình chữ S ấy đâu đâu cũng có những đền thờ Mẫu. Bài học đầu tiên con trẻ được học cũng là từ trường mẫu giáo và do các cô bảo mẫu truyền dạy. Đến cái đũa lớn nhất để xới cơm ở quê mình cũng gọi là “đũa cái,” “đũa cả.”

NHỚ LỜI MẸ DẶN: Mẹ không được học chữ, vậy mà khi con học xa nhà, có một lần mẹ đã cố gắng viết cho con mấy dòng ngắn ngủi, nét chữ run rẩy và to như trẻ con học mẫu giáo tập viết. Mẹ viết: “Mẹ ít học hơn con nên mẹ tin con hiểu đời nhiều hơn mẹ. Mẹ chỉ muốn dặn con một điều rằng con đi xa hãy nhớ: Ăn một miếng của người con tạc ân vào dạ; Học một chữ ở đời con xem nặng nhẹ bao nhiêu.”
Lời dặn của mẹ đã làm con khóc. Và con tâm niệm điều đó suốt cả cuộc đời và nó đã trở thành lẽ sống của con.

Hôm con phỏng vấn xin việc vào công ty của Nhật cùng với ba chục người khác. Con không giỏi vi tính và ngoại ngữ như họ, song người được lựa chọn lại là con. Mẹ có biết họ hỏi con câu gì không? Họ hỏi con câu nói nào và của ai gây ấn tượng và có tác động mạnh đến cuộc sống của con, con đã nói lại lời mẹ dặn.

Họ bảo: “Vi tính và ngoại ngữ cần, nhưng bạn có thể học trong vài tháng. Chúng tôi cần hợp tác với một người nặng lòng biết ơn và biết chắt lọc trong học hỏi.” Mẹ ơi, chính mẹ đã để phúc đức cho con!

NHỮNG LÁ THƯ CŨ: Con và chồng con có xích mích lớn vì con nghi anh ấy vẫn gặp gỡ với người bạn gái cũ. Con bực mình bỏ nhà chồng về khóc lóc với mẹ. Tối ấy mẹ mang từ trong chiếc hòm cũ ra một tập thư đã ố vàng. Đó là những lá thư của người yêu cũ gửi cho bố con trước đây.

Mẹ bảo khi bố quyết định lấy mẹ, bố định đem hết đám thư và ảnh của người yêu cũ ra đốt đi để chứng minh sự “một lòng một dạ với mẹ.”Mẹ đã ngăn lại và bảo:“Thư anh đốt mà lòng anh còn nhớ cũng chẳng ích gì. Hãy cứ để em giữ lại làm kỉ niệm.
Thỉnh thoảng anh đọc lại cũng thấy vui. Dù sao đấy cũng là những kỉ niệm gắn bó với anh một thời, sao lại cạn tàu ráo máng như vậy.” 
Bố sững sờ và ôm chầm lấy mẹ cảm động lắm. Thỉnh thoảng bố mẹ còn đọc lại những lá thư ấy, nhưng bố cả đời thủy chung với mẹ.

Hôm ấy con đã khóc thật nhiều và con tự tìm về nhà làm lành với chồng. Mẹ nói ít nhưng mẹ dạy nhiều. Chính mẹ đã lấy lại cho con hạnh phúc!

HAI VÙNG SÁNG TỐI: Khi em trai con đưa người yêu về ra mắt, con không ưng ý lắm. Mẹ im lặng không nói gì. Sau hôm gặp mẹ cô ấy, mẹ nhận xét: Mẹ cô ấy hiền hậu, phúc đức lắm. Người mẹ như thế chắc chắn cô con gái sẽ là đứa con ngoan, dâu hiền.
Mẹ đã không lầm. Hôm mẹ chồng tương lai của con sang chơi với mẹ, cụ cũng nhận xét về con y như thế. Hóa ra nhiều người nhìn nết mẹ mà đoán tính cách của con.

Năm trước con đọc báo thấy có chuyện một cô gái đang tâm đẩy con chồng xuống sông Hồng. Một thời gian sau thấy có bà dì ghẻ bắt con chồng tự khâu miệng mình lại. Con nhận xét rằng phụ nữ nhiều người ác quá. Mẹ lại bảo “phúc đức tại mẫu, những người như thế rồi lại ác giả ác báo thôi.”
Mẹ nói với con rằng những người ác chỉ là số ít,đừng vì thế mà vơ đũa cả nắm. Mẹ chỉ cho con thấy bao nhiêu người mẹ đã hy sinh hết lòng vì con, không ít người phụ nữ đã nhận nuôi hàng mấy chục trẻ mồ côi mặc dù bản thân mình còn khó khăn, vất vả. Trong đời có hai vùng sáng tối, mẹ bảo con nhìn ánh sáng mà đi!

BÀI HỌC LÀM GƯƠNG: Thấy con phàn nàn về sự chểnh mảng học tập của các cháu, mẹ bảo: “Con nhắc các cháu đi học bài, mà vợ chồng con cứ ngồi xem vô tuyến. Con chê các cháu lười học tiếng Anh mà bản thân con là cán bộ cũng không thông tỏ ngoại ngữ thì dạy bảo chúng nó thế nào?”
Ngẫm kĩ lời mẹ nói, con đã quyết định đi học lớp tiếng Anh buổi tối cùng cháu. Tối về mẹ con trao đổi bài rôm rả. Đúng như mẹ nói, khi thấy cả bố và mẹ đều miệt mài làm việc, các cháu cũng tự động lấy sách ra làm bài.

Đến nay chúng con rất yên tâm về việc học hành của các cháu. Sao có mỗi bài học đơn giản rằng “muốn con chăm thì mẹ phải siêng, muốn con hiền thì mẹ phải thảo” mà con không nhớ, phải để mẹ nhắc nhở!

Mẹ nghèo không có tiền bạc cho con, nhưng mẹ đã cho con hiểu giá trị của sự tần tảo, lòng bao dung, đức hy sinh. Mẹ không đi học, nhưng mẹ dạy con biết sống đúng mực, trọng ân tình.

Cuộc đời con lúc nào cũng có mẹ ở bên. Con có cuộc sống hạnh phúc hôm nay là do bàn tay mẹ tạo dựng. Đến bây giờ con đã hiểu rằng công sinh thành dưỡng dục do cả mẹ cả cha chung sức, nhưng không phải vô tình người ta mới chỉ phong danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và trong nhạc, trong thơ, nơi đâu cũng thấy vang lên những “Huyền Thoại Mẹ,” ” Tình mẹ,” “Lòng mẹ”…

(Nguồn: franky92683@yahoo.com)

Image may contain: people sitting

MẸ BẢO CON GÁI…

Thành Tâm‘s post. 
 
 
 
Image may contain: 1 person, standing and indoor

Thành Tâm

 

MẸ BẢO CON GÁI…

Con gái yêu của mẹ…Trong cuộc sống mẹ mong con hãy ghi nhớ những điều sau:

– Lúc giận đừng có cãi nhau. Có thể không nói gì, không giặt quần áo của chồng, nhưng không được cãi nhau tay đôi với chồng.

– Cãi nhau với đàn ông thì đừng có chạy ra ngoài mà oang oang khắp nơi, anh ta tiến về phía con một bước thì con hãy bước về phía anh ta hai bước.

Ngôi nhà chính là chỗ đóng quân của người phụ nữ, cho dù có xảy ra chuyện gì thì cũng đừng có bỏ đi. Bởi vì, đường trở về rất khó khăn.

– Hai người trong nhà đừng có lúc nào cũng chỉ nghĩ đến sĩ diện, hai người sống với nhau, sĩ diện quan trọng lắm sao? Nếu thế thì ra ngoài sống thế nào được?

– Đã là vợ chồng thì cần phải biết thông cảm và tha thứ lẫn nhau, ai cũng có tốt, có xấu lẫn lộn, ta chỉ một bề tận dụng những cái tốt cho nhau.

– Bất kể một người đàn ông giàu có, nhiều tiền như thế nào thì anh ta vẫn hi vọng có thể nhìn thấy con sạch sẽ thơm tho ở trong một ngôi nhà sạch sẽ tươm tất và đợi anh ta.

– Đàn ông tốt rất nhiều, anh ta sẽ không bao giờ đi ôm người phụ nữ khác. Nhưng trong cái xã hội như thế này, có rất nhiều phụ nữ xấu sẽ giang tay ra ôm lấy người đàn ông của con.

– Phụ nữ nhất định phải ra ngoài làm việc, cho dù là kiếm được nhiều hay ít, làm việc chính là sự thể hiện giá trị cuộc sống của bản thân. Nếu con cứ ở nhà mãi, anh ta sẽ có cơ hội nói trước mặt con rằng: “Tôi đang nuôi cô đấy” .

– Con đi làm bên ngoài, dù có bận lắm là bận thì vẫn phải làm việc nhà, nếu không thì dùng tiền của mình mà tìm một người giúp việc theo giờ. Việc trong nhà nhất định phải lo liệu tốt, con cái cũng phải nuôi dạy cho tốt.

– Anh ta vì con mà làm những việc mà con không bao giờ ngờ tới, con có thể cảm động, có thể khen ngợi, nhưng nhất quyết không được châm chọc kiểu “Hôm nay mặt trời mọc đằng tây rồi hay sao?”. Vì nếu như vậy, sau này anh ta sẽ không bao giờ làm bất cứ việc gì vì con nữa.

– Chẳng có ai là một nửa của ai cả, ý nghĩ của con mà không nói ra thì ai mà biết được? Cần cảm nhận cái gì, ghét việc gì, con phải nói ra thì người ta mới hiểu được.

Bố mẹ anh ta cũng là bố mẹ con, cho dù bố mẹ anh ta đối xử với con không được tốt cho lắm, thì con cũng phải đối tốt với họ. Bởi họ là bố mẹ của anh ta.

– Một khi đã quyết định sống cùng người đó rồi, thì đừng có oán thán cuộc sống khó khổ, nếu như con đã chọn anh ta, thì đừng có oán trách anh ta.

– Cả đời này chúng ta có thể tiêu hết bao nhiêu tiền? Đừng mua những đồ xa xỉ mà làm gì, sống hạnh phúc là tốt rồi.

– Đừng có dọa con cái là “Mẹ không cần con!”. Lúc cáu giận, đừng có đuổi con cái ra khỏi nhà, chẳng may không thấy nó thật, con sẽ rất đau khổ.

– Đừng đánh con cái, lại càng không nên lôi ra ngoài mà đánh.

– Tình yêu mà cứ đánh đấm đâm giết nhau đúng là mãnh liệt thật, cũng rất lãng mạn. Nhưng không thực tế. Cứ bình thường thôi là được.

– Cuộc sống luôn thay đổi, phải biết trân trọng từng ngày. Tình nghĩa vợ chồng cũng đều là duyên phận cho nên: Một điều nhịn chín điều lành con ạ.

– Và cuối cùng mẹ mong con luôn luôn nhớ rằng: “ Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi bớt lửa mấy đời cơm khê. “.

Mẹ Mong con gái của mẹ có một cuộc sống bình yên và hạnh phúc viên mãn.

P/S: Cảm ơn quý bạn đã đọc bài, nếu thấy hay và ý nghĩa cho cuộc sống thì đừng quên chia sẻ cho mọi người cùng đọc, cùng biết và chia sẻ để nhận chia sẻ nhiều hơn bạn nhé…
Chúc tất cả các vị mọi sự tốt lành!!

Thay thái độ đổi cuộc đời.

Thiên Chúa là tình yêu. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu.

MỘT GIA ĐÌNH THÁNH GIA VẸN TOÀN

MỘT GIA ĐÌNH THÁNH GIA VẸN TOÀN

 Tuyết Mai

Nếu được hỏi thì không biết ngày nay có được bao nhiêu gia đình còn đủ cha, đủ mẹ hay đầy đủ các con nếu mẹ nó không bị ép buộc đi phá thai nhỉ?.   Có phải chúng ta nhận thấy rằng thời buổi của ngày nay giá trị của gia đình không còn được đặt nặng vấn đề nữa mà chỉ là tiền tài và danh vọng ảo hay không?.   Dù rằng ảo như thế nào nhưng chẳng ai muốn nhìn vào sự thật của chính mình và chính gia đình của mình cả.   Có lẽ thay vì tất cả chúng ta cần mượn đến cần sa, ma túy hay chích choác thứ gì đó nhưng vì cũng biết sợ nghiện ngập rồi làm cho thân thể dần chết thảm … Nên mượn cuộc sống ảo để cảm thấy cuộc đời còn đáng sống, đáng yêu qua liên hệ với những con người cùng sống ảo giống mình chăng?.

Cứ nhìn theo thống kê hàng năm trong giáo xứ, trong làng xóm thì chúng ta cũng được biết con số người đã làm phép Hôn Phối sau rồi ly dị là bao nhiêu đôi?.   Tình trạng ông ăn chả, bà ăn nem rồi bị tai tiếng nên bỏ xứ ra đi là bao nhiêu?.   Hay nghe biết, thấy bà này hoặc cô kia đã đi phá thai bao nhiêu lần rồi?.   Gia đình chửi nhau, đánh nhau như cơm bữa cũng là con số nhiều đáng lo ngại.   Ông nội, ngoại còn xàm xở với cháu gái ở tuổi chưa biết gì.    Con cái bỏ nhà ra đi vì nhiều lý do như không thấy gia đình là hạnh phúc, là nơi tìm về, là nơi mà chúng có thể nhận được sự quan tâm hay yêu thương gì của cả hai cha mẹ mà bạn bè nơi băng đảng mới là những người anh em uống máu ăn thề; sống chết có nhau của chúng?, v.v… 

Từ trong gia đình thì đã là tệ lắm như thế thì hà huống gì trong xã hội con người ngày càng bất an, ngày càng có nhiều côn đồ du đãng làm ăn ngay cả ban ngày chớ nói gì đợi đến ban đêm; xã hội ngày càng nhiều người gian trá, tẩm độc giết hại nhau mà chẳng còn một chút liêm xỉ nói chi là nghĩ đến tình đồng loại.   Và tệ hại nhất là sự dữ nó phát xuất ngay từ trong những nhà giữ trẻ tư, nơi trường học thì gặp đầy những thầy cô giáo giống như ác thú đã hành hung, hiếp dâm cả  trẻ em ở tuổi mầm non … Thử hỏi như thế thì cả một thế hệ tiếp nối xã hội con người sẽ ra thế nào đây?  Thiên Đàng hay Hỏa Ngục ngay tại trần gian này?.

Do đó hơn lúc nào hết, chúng ta là những người đạo Công Giáo thiết tưởng nên tìm về cội nguồn của mình là nhận thức hơn vào cuộc sống của gia đình sống cho đúng nghĩa.   Là bậc làm cha, làm mẹ, làm anh chị em trong nhà cùng máu mủ chớ chẳng có ai là người ngoài để mà trở thành như người xa lạ.   Đừng sống giầu có kiểu nhà thì phải xây lên cho thật to nằm trên lô đất thật rộng đến mấy tầng lầu đủ cho mỗi người 1 tầng; xe cộ thì toàn tên hiệu mỗi người 1 chiếc.   Nhưng thật ra thì mỗi thành phần trong căn nhà đó bảo đảm họ cảm thấy rất lạnh, rất trống trải và rất cô đơn/ từng ngày một.   Không cô đơn sao được khi mạnh ai người nấy về, mạnh ai có phòng riêng và mạnh ai nấy sống.   Sống, chết cũng chẳng ai hỏi han hay quan tâm đến.   Và có phải con người dần yêu thích cuộc sống cô lập chán chường như thế?.

Người mình có câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” có vẻ lạc hậu lắm và xưa như trái đất rồi nhưng vì những câu nói này vẫn còn tồn tại đến ngày nay là để nó phù hợp với câu “Chồng chúa vợ tôi” đấy mà.   Nhưng thời bây giờ chúng ta bậc cha mẹ đều học được rất nhiều chuyện tâm lý gia đình tuy không qua sách vở nhưng qua rất nhiều những phim bộ tình cảm xã hội.   Nên hiểu biết tình trạng giữa mẹ chồng và nàng dâu thì muôn đời nó vẫn y thế.   Chồng hành hung vợ ngay ngoài đường cũng chẳng ai quan tâm?.   Người chết nằm giữa đường đang ngáp ngáp nhưng người qua kẻ lại chỉ làm kẹt đường vì tò mò nhìn chứ chẳng ai giúp đỡ thực sự, vì một trong lý do là không muốn dính líu?.

Nên hy vọng rằng tất cả gia đình ai là đạo Công Giáo nên nhìn hình ảnh của gia đình Thánh Gia đây mà học hỏi, mà làm gương sống tốt lành cho các con của mình vì lẽ gia đình Thánh Gia là một gia đình trọn hảo, tuyệt vời, đạo đức, bác ái và luôn sống trong cầu nguyện.   Luôn biết sống phó dâng, chấp nhận cuộc sống đời là bể khổ nơi trần gian này không than thở đến một câu.   Nhưng quan trọng hơn cả thảy là hằng ngày chúng ta cần phải biết tri ân và cảm tạ một Thiên Chúa toàn năng, một Chúa Tể càn khôn nhưng rất yêu thương con người.   

Nên cần lắm thay là chúng ta trong mỗi gia đình cố gắng học và bắt chước theo cho giống gia đình Thánh Gia là hãy yêu thương vợ/chồng con cái của mình và chu toàn trách nhiệm của từng bậc một vì lẽ Chúa Cha đã cho Chúa Con Giêsu giáng trần không ngoài mục đích là để dạy dỗ, Cứu Độ và chết thay cho tội lỗi của nhân loại con người.   Trong sự dạy dỗ của yêu thương con cái là chính và luôn xin cho được ơn khôn ngoan của Thánh Thần Thiên Chúa học biết cách dạy chúng con cái sao cho đúng với Thánh Ý Thiên Chúa.    Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

30 tháng 12, 2017

CUỐI NĂM NHÌN LẠI GIA ĐÌNH MÌNH ĐÃ SỐNG TỐT HƠN CHƯA?

CUỐI NĂM NHÌN LẠI GIA ĐÌNH MÌNH ĐÃ SỐNG TỐT HƠN CHƯA?

  Tuyết Mai

Thường con người của chúng ta suy nghĩ đến mất ăn mất ngủ qua việc hôm nay phải có tiền để mua sắm cái này, ngày mai phải có tiền để mua sắm cái kia và những ngày trong tương lai cái danh sách mà ta liệt kê phải được lần lượt CÓ cho gia đình, cho từng thành phần lớn nhỏ … Thì tất cả mới được vui vẻ và nhất là cảm thấy được thỏa mãn.   Chậm nhất thì lời hứa mua sắm ấy phải có trong ngày Giáng Sinh để mọi người cùng mở quà và để thấy ánh mắt long lanh sướng vui, cảm động khi thấy được từ nhỏ tới lớn ôm món quà thật có giá trị; trong sự cố gắng làm việc vất vả lắm mới có được, thưa có phải?. 

Nhưng chúng tôi cũng được chứng kiến thấy được tận mắt của rất nhiều gia đình mà trong ngày Giáng Sinh cái ăn uống ở trên bàn nó cũng không khác gì ở ngày thường nhật vì rất nhiều lý do mà lý do đáng tin nhất là họ không có khả năng.   Trong nhà thì chẳng có chưng một thứ gì gọi là đủ chứ nói chi cho giống được với người ta và quà cáp gói cho thật đẹp ư? Hay quà gói ráng cho đẹp nhưng bên trong hộp quà là một miếng giấy mà ông già Santa để vào đó là “Quà sẽ đến muộn” (I owe you).   Nhưng thưa rằng chưa chắc hẳn cái nghèo ấy mà chúng con nít không có nhiều mơ tưởng hay không có được hạnh phúc gia đình mà có thể ngược lại nữa là đằng khác.

Bởi có phải như Chúa Giêsu giáng trần vì biết hầu hết con người thế gian sanh ra nghèo nhiều hơn là giầu hay không?.   Nên Chúa Hài Đồng cũng đã được sanh ra trong cảnh còn nghèo hơn là người nghèo trên thế gian nữa, thưa để làm chi? Có phải vì Ngài muốn an ủi hết thảy mọi người nhất là chúng con nít trẻ thơ chưa có hiểu biết nhiều gì về cuộc đời mà thấy Chúa Con Giêsu tội nghiệp quá như thế; làm cho chúng rất muốn tặng cho Chúa cái mình có duy nhất là tìm rơm rạ, lá chuối, cây dại hay bất cứ cái gì chúng tìm thấy được ở ngoài đồng mà với đầu óc của chúng trẻ có thể nghĩ ra được. 

Còn người lớn trong gia đình nghèo khổ thì họ làm gì? Thưa có phải họ chỉ có khả năng làm quà cho Chúa qua sự phụng thờ, qua cách mà họ dạy tất cả con cái của họ là đóng góp thời giờ của chúng đến giáo xứ phụ góp công sức vào làm những gì mà cha sở ở tại giáo xứ giao phó cho chúng, tùy khả năng của chúng hay không?.   Từ chuyện nhỏ theo tuổi của chúng cho đến người lớn và các niên trưởng.   Rồi giới trẻ chúng có những chương trình đi quyên góp để đến những nơi vùng cao, vùng sâu, vùng xa để chia sẻ cho những dân tộc thiểu số.   Hay đến thăm những người vô gia cư sống ở gầm cầu của thành phố, ven đường, trước cửa tiệm quán mà trao tặng mùng mền cùng, một ít thức ăn và ít hiện kim, v.v…

Thưa sự Chúa Giêsu xuống trần gian đã mang lại cho hết thảy chúng ta Bài Học là sống Chia Sẻ, là sự liên kết chặt chẽ từ trong gia đình cho đến những người sống hằng ngày chung quanh chúng ta.   Và mẹ thánh Têrêsa Calcutta đã khuyên dạy chúng ta rằng trước tiên là phải sống cho gia đình cái đã; có nghĩa chúng ta phải biết sống quan tâm cho nhau, có trách nhiệm và bổn phận trên nhau trong đúng vai trò làm cha mẹ và làm anh chị em trong gia đình.   Rồi mới đến người lân cận sống gần và sống chung quanh, rồi thì mới đi đến những nơi xa hơn.    Kẻo không thì chúng ta đang sống đạo đức giả đấy vì không ai bỏ bê gia đình mà đi làm việc từ thiện cách có thiện tâm cho được mà không là đánh bóng tên tuổi của mình lên thôi.

Nên hình ảnh của một Chúa Con Giêsu chào đời có dưỡng phụ là thánh cả Giuse và dưỡng mẫu là Đức Trinh Nữ Maria tượng trưng cho một gia đình Thánh Gia là gia đình Thánh.   Là gia đình gương mẫu để tất cả mọi gia đình trên thế gian cần phải học hỏi và cố gắng thực thi cho được đúng vai trò, đúng vị trí của chúng ta cho thật tốt lành để làm đẹp lòng Thiên Chúa là Thiên Chúa của hết thảy chúng ta.   Vì có phải những gì chúng ta có là do Thiên Chúa ban cho chớ đừng lầm tưởng rằng do tài năng rất có giới hạn của chính mình mà có được tất cả đâu nhé.   

Mong rằng một gia đình tuyệt hảo của Thánh Gia sẽ được tất cả mọi gia đình Công Giáo nhìn nhận, theo gương mà bắt chước và cần nhất là học theo tinh thần sống khó nghèo của các Ngài.   Vì các Ngài tượng trưng cho một gia đình luôn sống theo thánh ý Chúa, phó dâng, chấp nhận những gì Thiên Chúa trao ban cho rất nhưng không và tùy theo khả năng mà các Ngài đã luôn sống chu toàn trong đạo đức, trong sự lành thánh, kinh nguyện, bác ái và giữ trọn lề luật của Thiên Chúa là Đấng Tối Cao vô cùng quyền năng và hằng hữu; Người có thể cất đi mạng sống của chúng ta ở bất cứ giờ phút nào.   Amen.

Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

29 tháng 12, 2017