TÔI QUYẾT ĐỊNH BỎ CHỒNG !

Bùi Mạnh Toàn

(Một bài học sâu sắc cho cả hai)

Những ngày này, tôi đang bất mãn về cuộc hôn nhân của mình, người chồng sáng sáng ra khỏi nhà từ lúc tôi chưa ngủ dậy, tối khuya mới trở về, nhưng thu nhập chẳng khá khẩm gì, tình cảm thì cứ nhạt dần, không còn khái niệm tặng quà, cũng chẳng còn niềm vui mỗi khi chồng đi làm về…

Khi nghe nỗi niềm tâm sự của tôi, mấy cô bạn gái thân nghiêm túc phân tích vấn về rồi kết luận: “Sống với nhau nhạt nhẽo như vậy thì nên giải thoát sớm đi”. Chia tay hội chị em, trên đường về nhà, tôi bắt đầu suy nghĩ về việc ly hôn. Bước vào nhà, nhìn căn phòng đơn giản mấy năm rồi không có gì thay đổi, tôi bỗng cảm thấy chán chường khó tả.

Đón con về, nó đánh đổ cả sữa xuống sàn nhà, rồi nó bày bừa đồ chơi khắp nơi khiến căn nhà đã chật chội càng thêm bừa bộn. Tôi chỉ lo thu dọn cái bãi chiến trường ấy cũng đủ mệt bở hơi tai. Đang vội vàng nấu cơm thì chuông điện thoại réo rắt, chồng báo tối nay về muộn, cả tuần nay anh ấy không về nhà ăn tối lấy một bữa. Tôi bực mình, thò tay nắm hai quai nồi định bắc xuống bếp thì bị rớt, tay tôi bị bỏng rộp cả lên.

Miếng nhựa chống bỏng ở quai nồi đã rụng ra từ lâu, tôi đã nói với chồng năm lần bảy lượt, nhưng mãi vẫn chưa sửa. Tôi tắt bếp, bước vào phòng, soi vào gương, đôi mắt trong trẻo ngày nào nay bỗng trở nên mờ nhạt và lấm tấm nếp nhăn. Cuộc sống gia đình thật đáng sợ, đã bao lâu rồi tôi không chăm sóc cho bản thân mình, mọi thứ chỉ xoay quanh căn hộ bé xíu và cậu con 3 tuổi. Tôi cần phải thoát khỏi cuộc sống vô nghĩa này, nhanh chóng rời xa khỏi đây.

Hai tiếng sau chồng tôi về, không thấy có cơm trên bàn, chỉ thấy tôi ngồi một mình trong bóng tối. Sao chưa nấu cơm? Sao phải nấu cơm? Tôi nấu đủ rồi, từ nay trở đi sẽ không nấu nữa. Sống thế này tôi không chịu được. Chúng ta ly hôn thôi. Anh nghe nhầm phải không? Em nói lại xem nào!

Lúc này con trai tôi bỗng cất tiếng khóc, anh ta chạy vội vào trong phòng bế con và cho nó uống sữa, ngạc nhiên hỏi dồn: “Sao đang sống tử tế lại đòi ly hôn?”. Tôi cười khẩy. Tối đó, tôi cố ý ngủ riêng. Theo kinh nghiệm của các cô bạn, ly hôn không đơn giản, nhiều thứ ràng buộc như tình cảm, tài sản, thói quen, vì thế nhất định phải có nghị lực mới làm được. Để có thể tiến hành thuận lợi, tôi cần thực hiện 3 điều:

Thứ nhất không nấu cơm nữa, tách sinh hoạt của hai người ra. Thứ hai không ngủ chung, không cho cơ hội làm lành. Thứ ba, kinh tế riêng rẽ.

Nằm trên ghế sofa mãi mà không sao ngủ được, tôi bật dậy viết đơn ly hôn. Tôi người Bắc, chồng người Nam, cùng nhau đến thành phố biển này, mua được căn nhà đứng tên tôi. Chồng tôi có một cửa hàng làm ăn có vẻ không khá lắm, nhưng dù sao đó cũng là tài sản của anh ta. Như vậy chia ra tôi sở hữu căn nhà, anh ấy lấy cửa hàng cũng là hợp lẽ. Con trai tôi nuôi, anh ta gửi tiền trợ cấp hàng tháng là ổn.

Hôm sau, khi đưa cho anh ta tờ đơn ly hôn: Tôi muốn tự do! Anh ta ngây người ra, tôi sốt ruột giục: Anh ký đi! – nói xong tôi liền cảm thấy mình có phần hơi quá đáng, liền đổi giọng – Lẽ nào anh không thấy chúng ta là người của hai thế giới? Chia tay tốt cho cả anh lẫn tôi… Một tuần sau, anh gọi điện cho tôi và nói: Anh ký rồi, chiều nay cùng ăn với nhau một bữa nhé. Vẫn chỗ cũ, anh sẽ đưa đơn cho em.

Hết giờ làm việc, tôi đi đến nhà hàng ven biển mà chúng tôi thường đến. Mấy hôm không gặp, trông anh gầy đi, ánh mắt ưu tư, râu đã được cạo nom sáng sủa hơn. Anh lặng lẽ đẩy cái phong bì đến trước mặt tôi, bỗng tôi thấy cay cay mắt, trong lòng có một cảm giác hoang mang khó tả. Đã đến rồi thì gọi chút gì ăn nhé, có thể đây sẽ bữa cơm cuối cùng của chúng ta.

Anh quay ra gọi người phục vụ: Cho một suất cơm thịt bò xào ớt, một bát canh nghêu. Đây đều là những món tôi thích nhất. Tôi ngồi im, anh bỗng nói với tôi: Bữa cơm cuối cùng này em có thể gọi cho anh món anh thích ăn không? Tôi bỗng bối rối, tôi chẳng biết anh thích ăn món gì. Trước giờ anh đều rất dễ tính, món nào cũng ăn được, món nào cũng thấy ăn ngon lành.

Anh thích món gì? Chẳng phải anh luôn ăn giống em hay sao? Anh lại mỉm cười, nói chậm rãi: Thực ra, ngần ấy năm, anh luôn ăn những món mình không thích. Em quên rồi sao, anh là người miền Nam, anh thích chế biến kiểu miền Nam, hơi ngọt chút. Anh cũng thích ăn cay nhưng em không thích nên đành thôi. Nghe anh nói, mặt tôi nóng bừng. Đúng là tôi chưa từng nghĩ đến việc hỏi anh thích ăn món gì. Lần đầu tiên biết anh thích ăn ngọt lại là lúc ly hôn, thật nực cười. Tôi muốn ứa nước mắt nhưng cố kìm lại.

Anh quyết định rồi, nhà, cửa hàng, mọi đồ đạc trong nhà đều thuộc về em, anh chỉ mang theo mấy quyển sách và vài bộ quần áo thôi. Anh định đi đâu? Hình như tôi thực sự chưa từng suy nghĩ nghiêm túc rằng chúng tôi sẽ sống như thế nào sau khi ly hôn.

Bố mẹ và bạn bè anh ở miền Nam luôn giục anh về quê làm ăn. Nhưng do em thích biển nên anh chiều theo em. Ở đây gió biển mang mùi tanh của cá, ăn đồ biển anh cũng không thích, công việc cũng chẳng sáng sủa gì, đã làm em thiệt thòi…

Anh nói gì thế? Em không phải ly hôn vì những thứ đó. Tôi không ngăn được nước mắt. Ly hôn xong anh sẽ về Nam. Sau này em sống một mình nuôi con sẽ vất vả. Anh để lại tất cả cho em. Cửa hàng dạo này kinh doanh cũng khá hơn trước, em lấy tiền đó tích lại, đừng tiêu linh tinh, để phòng khi cần có cái mà tiêu. Vậy anh thì làm thế nào? Đàn ông quăng đâu chả sống, không như đàn bà con gái, cả tin lương thiện, dễ bị tổn thương.

Tôi bỗng trào nước mắt.

“Đừng khóc!” – Anh đặt tay lên vai tôi, cử chỉ quen thuộc, vậy mà không hiểu sao lúc sống bên nhau tôi lại không hề nhận thấy tình cảm của anh. Anh phải đi rồi. Em biết không, mỗi lần gia đình bên em tụ họp đông vui anh đều cảm thấy trống trải. Anh cũng rất nhớ ba mẹ, họ cũng già cả rồi… Tôi bỗng thấy mình quá vô tâm. Anh là người đàn ông tốt, vậy mà đến tận giây phút này tôi mới biết sống với tôi, anh đã phải che giấu những cảm xúc không vui, những điều không hợp, chỉ vì tôi.

Sao anh không nói những điều này sớm hơn? Anh muốn em sống vui vẻ, không phải bận lòng vì những việc vặt ấy. Tôi thẫn thờ, một lúc sau tôi nói: Anh… Anh có thể không đi không? Chúng tôi bước ra khỏi nhà hàng, bên ngoài gió biển rất mát, tôi ngồi sau xe của anh đi về nhà. Tôi ôm chặt lấy anh, cảm thấy thật hạnh phúc.

Sự việc vừa rồi đã cho tôi một bài học. Sau khi kết hôn, những lo toan chuyện cơm áo gạo tiền khiến người ta ngày càng không có thời gian quan tâm tới nhau, nhưng đó thực ra không phải vì họ đã thay lòng đổi dạ, mà bởi cuộc sống cần phải vậy. Nếu mỗi người biết nghĩ cho người kia một chút, bao dung và nhường nhịn lẫn nhau một chút, gia đình sẽ êm ấm, hạnh phúc.

Xã hội ngày nay ly hôn càng ngày càng dễ, chính vì thế, chúng ta càng cần trân trọng, giữ gìn những gì đang có của hôn nhân phải không các bạn?

Bài & ảnh sưu tầm.

Hãy theo dõi trang để cập nhật nhiều câu chuyện nhân văn hay và ý nghĩa hơn, xin cảm ơn!


 

Tường Trình và Cảm Nghiệm KHÓA CĂN BẢN # 876 MIỀN ĐẤT MỚI

CHƯƠNG TRÌNH THĂNG TIẾN HÔN NHÂN GIA ĐÌNH HẢI NGOẠI

Email: [email protected]

“Hồng ân Chúa bao la, 

Tuôn đổ xuống chan hòa!!”

Mời đọc: Tường Trình và Cảm Nghiệm

KHÓA CĂN BẢN # 876 MIỀN ĐẤT MỚI

GIÁO XỨ CHÚA KITÔ VUA- JACKSONVILLE, FL.

Cuối tuần 19, 20, 21 tháng 04 năm 2024

          Giáo Xứ Chúa Kitô Vua – Jacksonville là một trong nhiều “Miền Đất Mới” thuộc tiểu bang Florida -Hoa Kỳ, tổ chức Khóa Căn Bản TTHNGĐ đầu tiên Phục Vụ Hạnh Phúc các Gia Đình trong giáo xứ. Vị Quản Nhiệm là Cha Đặng Minh Trân, CRM.

Vì là Khóa đầu tiên, nên Cha Quản Nhiệm, Hội Đồng Mục Vụ và giáo dân ở đây chưa có cơ hội biết đến Chương Trình TTHNGĐ. Do đó, từ việc mời gọi Khóa viên tham dự Khóa; ba lần Hồi Tâm Chuẩn Bị Khóa; đến việc Tổ Chức gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Tạ Ơn Chúa, nhờ tình thương và sự quan tâm đặc biệt của Cha Quản Nhiệm, cùng với tinh thần dấn thân phục vụ hết mình của các Tông Đồ Song Đôi trong Miền Florida, Thảnh Gia đã thương ban mọi việc diễn tiến tốt đẹp và Ơn Chúa tuôn trào chan hòa trên từng cặp Khóa viên và toàn thể Khóa # 876.

Tưởng cũng cần nhắc lại. Hơn 30 năm trước đây, Cha Sáng Lập Phêrô Chu Quang Minh, SJ. đã từng lặn lội đến đây “gieo” hạt giống Chương Trình tại vài giáo xứ trong Miền Florida rộng lớn này. Nhưng có lẽ lúc ấy, chưa “mưa thuận gió hòa”, nhất là chưa có người tiếp tay chăm lo coi sóc, nên hạt giống Chương Trình khó đâm chồi nẩy lộc. Tuy vậy, Chúa đã “thấy” tấm lòng quá thiết tha cho hạnh phúc các gia đình của ” người Chúa dùng” mà nay Ngài ban cho Chương Trình tại đây phát triển quá mức mọi người mong đợi. Chúng con xin hết lòng TẠ ƠN CHÚA Và THÁNH GIA!!

 *************

Trước hết, chúng con xin dâng lời Tạ Ơn Chúa về khóa học quá tuyệt với này, đã biến đổi chúng con trở nên những con người mới!! 

Vợ chồng chúng con là Khôi và Thế Duyên, đã thành hôn với nhau được hơn 23 năm, và Chúa đã ban cho một cháu gái 17 tuổi. Chúng con đã trải qua những năm tháng đời hôn nhân thăng trầm như bao cặp vợ chồng khác. Có lúc con tưởng chừng như rơi vào bế tắc vì tính chủ quan; ỷ lại; sự khác biệt giữa vợ chồng, nhất là bất đồng trong suy nghĩ, đến nỗi chúng con hầu như không thể nói chuyện với nhau được nữa!! Đã có lần chúng con nghĩ phải nhờ đến dịch vụ cố vấn hôn nhân (Marriage counseling), hy vọng cứu vãn hạnh phúc của mình!! Nhưng tự ái, nghĩ mình có thề tự lo liệu được, không cần ai giúp. Vì thế chưa có dịp thử qua. Thời gian cứ thế trôi, ngọn lửa tình yêu ngày càng nguội lạnh, cộng với những lo toan cuộc sống hằng ngày, nhưng nhờ Ơn Chúa giữ gìn, nên chúng con vẫn còn bên nhau đến giờ này, tuy không được trọn vẹn. 

May mắn thay cho chúng con được tham dự Khóa TTHNGĐ. Khóa như nguồn nước thần kỳ, ngọn lửa yêu thương nơi mỗi chúng con được khơi dậy khi thực hành lấy lời Chúa làm tâm điểm, tâm hồn chúng con hân hoan và sốt sắng nhiều hơn, siêng năng cầu nguyện hằng ngày. 

Trong suốt khóa học và ngay cả sau khóa, chúng con như được khai tâm mở trí, được Chúa dẫn dắt chỉ đường; vợ chồng cởi mở chia sẻ với nhau những nỗi lòng thầm kín mà bấy lâu nay cứ ấm ức trong lòng. Chúng con học cách quan tâm, chăm sóc nhau qua những việc làm nhỏ bé hằng ngày, biết lắng nghe và kiên nhẫn với nhau, nhất là tìm cơ hội chuyện trò gần gũi với con cái, khuyến khích và nhận ra những điều hay điều tốt từ ngay trong gia đình mình. Chúng con học được những bài học từ những chia sẻ hết sức thiết thực của Ông Bà Cố, các cặp Trợ nguyền và những người bạn cùng khóa, chúng con đã tìm được sự đồng cảm, không còn thấy mình lẻ loi đơn độc, một mình chống chọi với những sóng gió của cuộc sống hôn nhân nữa, và học hỏi quá nhiều điều quý giá. Khóa TTHNGĐ quả là Hồng Ân lớn lao nhất trong cuộc đời từ trước đến giờ mà chúng con nhận được. Vì vậy, chúng con muốn làm nhân chứng kêu mời quý anh chị em khẳp nơi, đừng chần chờ, xin hãy ghi danh tham dự khóa học này ngay, để nhận lấy Ơn Thánh Hóa cao quý này càng sớm càng tốt, để cuộc sống càng hạnh phúc. Chúng con chân thành tri ân và cảm tạ tất cả đã tạo nên Khóa học # 876 này, từ hình thức đến nội dung và đọng lại kỷ niệm đẹp nhất, thánh thiện nhất và chúng rất tự hào trở nên Tông Đồ Song Đôi qua Chương Trình TTHNGĐ.

Chúng con xin cảm ơn Ông Bà Cố và kính chúc ông bà luôn vui khỏe bình an, hạnh phúc. Chúng con xin chúc Chương Trình TTHNGĐ ngày càng lớn mạnh, phát triển để mang lại hạnh phúc đến cho mọi gia đình khắp nơi.

Chúng con, 

Tân Song Nguyền Khôi &Thế Dương – Jacksonville, Florida. 

 


 

TRẺ KHÔNG CÓ LÒNG BIẾT ƠN, SAU NÀY SẼ THÀNH NGƯỜI RẤT ĐÁNG SỢ

Văn hóa truyền thống rất coi trọng việc giáo dục trong gia đình và nề nếp gia phong. Trong lịch sử, nhiều danh môn vọng tộc sở dĩ có thể bồi dưỡng ra vô số những nhân vật lẫy lừng, không thể không nhắc đến giáo dục gia đình mà nền tảng chính là lòng biết ơn.

Tuy nhiên, trẻ em ngày nay thường chiếm vị trí “độc tôn” trong gia đình. Cả nhà xoay quanh một đứa trẻ, chúng đóng vai diễn được yêu thương, chiều chuộng, muốn gì được nấy. Lâu dần về sau, rất nhiều trẻ sẽ cho rằng những thứ chúng có được từ gia đình là hiển nhiên, từ đó chỉ biết yêu cầu, nhận lấy mà không biết hồi báo, càng không biết quan tâm và cảm kích người khác.

Là cha mẹ, ai cũng mong muốn những gì tốt nhất cho con mình. Tuy nhiên, cái tốt nhất đó không nên thiên về hướng vật chất, tức là đáp ứng tất cả những gì chúng muốn, mà nên cho trẻ được hưởng thụ một nền giáo dục chất lượng cao và bồi dưỡng chúng thành những người có phẩm chất ưu tú. Trong đó, giáo dục trẻ lòng biết ơn là nền tảng rất quan trọng.

Nếu cha mẹ chỉ biết nuông chiều mà không dạy trẻ biết hồi báo, thì cho dù có bước ra ngoài xã hội, trẻ cũng sẽ gặp nhiều trắc trở, thậm chí coi Trời bằng vung. Đối tượng mà trẻ cần biết ơn không chỉ có cha mẹ, mà còn là những ai từng giúp đỡ chúng.

Câu chuyện vài năm trước của cậu sinh viên (xin giấu tên) là một ví dụ điển hình về hậu quả của việc không giáo dục trẻ lòng biết ơn.

Cậu ta được mẹ cho đi du học ở Nhật bản 5 năm, trước giờ chưa từng đi làm, học phí và phí sinh hoạt mỗi tháng đều do một tay người mẹ vất vả chu cấp. Đến khi mẹ cậu không thể kiếm được tiền gửi nữa và cậu phải về nước, ngay khi vừa ra khỏi sân bay, cảnh tượng cậu bạo lực với mẹ khiến ai cũng rùng mình.

Thanh niên 25 tuổi vốn dĩ cần tự lập, dựa vào tiền làm thêm để trang trải cuộc sống. Nhưng cậu sinh viên này lại thản nhiên hưởng thụ số tiền mà người mẹ vất vả chu cấp hàng tháng. Khi người mẹ kia không thể kiếm được tiền gửi nữa thì cậu ta không màng đến tình mẫu tử, trong tâm tràn đầy oán hận mà ra tay tàn ác với chính người sinh ra mình.

Câu chuyện trên đã thức tỉnh rất nhiều bậc cha mẹ: Những đứa trẻ không biết cảm ơn sau này sẽ còn đáng sợ hơn cả sói dữ. Vì vậy, giáo dục trẻ sống có trách nhiệm và biết cảm ơn thực sự rất quan trọng.

Khi trẻ còn nhỏ cha mẹ đã luôn thuận theo ý của chúng, dẫn đến chúng xem cha mẹ như nô lệ của mình.

Những đứa trẻ này đưa ra những đòi hỏi vô tận trước những nỗ lực của cha mẹ chúng.  Có những sinh viên chỉ trong mấy năm đại học đã tiêu tốn của gia đình không biết bao nhiêu tiền, trong khi cha mẹ tiết kiệm ăn không dám ăn, dùng không dám dùng, thậm chí chẳng ngần ngại đi vay nợ để nuôi con.

Chúng thoải mái mua sắm những món đồ trang sức, quần áo, giày dép hàng hiệu, điện thoại, máy tính đắt tiền để khoe mẽ, ăn nhà hàng, tiêu tiền một cách không thương xót và xem đó là điều đương nhiên. Thậm chí có những đứa đã đi làm rồi nhưng vẫn có tâm lý dựa dẫm vào cha mẹ để sống.

Kỳ thực, nếu không cho trẻ thử nhịn đói, chúng sẽ không biết giá trị của đồ ăn. Không để trẻ thử chịu lạnh, chúng sẽ không biết ấm áp đáng quý nhường nào. Không để trẻ nếm trải thất bại, chúng sẽ không thể hiểu được gian nan của thành công.

Một đứa trẻ biết ơn, chúng sẽ cảm kích khi người khác giúp chúng và sẽ trân quý tất cả những gì mình có được.

Nếu bạn không muốn trẻ bị đào tạo thành một con “sói kiêu ngạo”, thì tuyệt đối không nên thay trẻ làm quá nhiều thứ, không nên để trẻ nhận quá nhiều mà không biết cảm ơn.

Lòng biết ơn chính là chất dinh dưỡng của sự trưởng thành về tâm hồn. Khi trẻ cảm nhận được những hành động tử tế từ người khác, chúng sẽ biết rằng ngày sau mình cũng nên yêu thương và giúp đỡ người khác.

ST

From: haiphuoc47& NguyenNThu


 

TUỔI GIÀ, KHI THIẾU MỘT NGƯỜI BẠN ĐỜI

Bùi Mạnh Toàn

Trong cuộc sống, nhất là khi về già, một trong những điều quan trọng nhất, đó là có cho mình một người bạn đời. Nếu người ta không may, vì mộ lý do nào đó, ví dụ như ly hôn, hay một trong hai người kia ra đi quá sớm, mà phải sống cuộc đời còn lại một mình đơn lẻ, thì quả là một điều bất hạnh.

Bởi vì, người bạn đời là một trong những yếu tố quan trọng, để quyết định cho bạn có một cuộc sống trong quãng thời gian còn lại, hạnh phúc và viên mãn kể cả khi bạn nghèo, thậm chí nó còn giúp cho bạn kéo dài thêm tuổi thọ.

Thật vậy, các bạn thử nghĩ xem, khi con người ta bắt đầu bước sang cái tuổi xế chiều, với những năm tháng của cuộc đời, mà phải sống trong cô đơn và im lặng, thì sẽ buồn như thế nào.

Đến bữa ngồi ăn một mình, và tối đến đi ngủ cũng một mình, đêm đêm khi tỉnh giấc, nhìn sang bên cạnh cũng chẳng có ai, sáng sáng tỉnh dậy, cũng vẫn chỉ một mình…thì đó là một điều đáng sợ và buồn tủi.

Cuộc đời này, người sống bên bạn lâu nhất, không phải là bố mẹ và con cái, cũng không phải anh em hay bạn bè, càng không phải là đồng nghiệp hay người yêu, mà chính là người bạn đời. Đấy mới thực sự là người duy nhất chung sống bên bạn suốt đời.

Bạn bè, dù có chân thành đến mấy, cũng không thể ở bên bạn mãi mãi. Bố mẹ, dù có tốt đến mấy, cũng không thể sống với bạn cả đời. Con cái, có thân thương là vậy, cũng không thể sống mãi bên cạnh bạn, rồi cũng có lúc chúng vỗ cánh bay đi, để có một cuộc sống riêng.

Anh em, dù có là máu mủ ruột thịt thân tình, cũng không thể ở bên bạn mỗi ngày, cũng không thể chăm sóc bạn những khi “Tối lửa tắt đèn”. Chỉ có vợ chồng, người mà ta vẫn thường gọi là bạn đời, mới có thể chung sống và bên bạn lúc sớm chiều.

Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi khi nhìn thấy những cụ ông, cụ bà với mái tóc bạc phơ, dắt tay nhau từng bước đi bộ trên đường, tôi rất ngưỡng mộ.

Lúc đó, tôi mới hiểu được rằng, con người ta có được những khoảnh khắc hạnh phúc như vậy, họ đã phải cùng nhau trải qua không biết bao nhiêu những sóng gió gian truân của cuộc đời, để rồi, họ vẫn còn ở bên nhau, tay nắm tay, và cùng nhau đi nốt quãng đời còn lại, cho đến hết cuộc đời của mình.

Đừng vì một điều gì trong cuộc sống, mà đánh mất đi người vợ hay người chồng của mình, người mà hằng ngày vẫn hết mực yêu thương mình nhất. Vì suy cho cùng, họ mới chính là người sẽ ở lại bên bạn, và sống với bạn trong cuộc đời này.

Chính vì thế, hãy thật trân trọng người bạn đời của mình, và trân trọng những gì mình đang có khi còn có thể !!!

ST


 

RỒI CHÚNG TA CÒN ĐƯỢC BÊN CHA MẸ THÊM BAO NHIÊU LÂU NỮA?

Antonio Son Tran

Chuyện kể rằng có một cậu bé mỗi ngày đều đến chơi cùng một cây táo. Cây táo cũng quý mến cậu bé và thích chơi đùa với cậu, họ là những người bạn thân thiết của nhau. Thời gian trôi qua, cậu bé lớn dần lên nhưng không còn chơi cùng cây táo nữa.

Một hôm, cậu bé đến bên cây táo với khuôn mặt buồn bã. Thấy cậu bé, cây táo vui vẻ gọi:

– Cậu bé, lại đây chơi với tôi nào!

– Không, tôi không còn là trẻ con, tôi không thích chơi với cây nữa. Tôi muốn có đồ chơi cơ và tôi cần tiền để mua chúng. – Cậu bé rầu rĩ nói.

– Tiếc thật, tôi không có tiền. Nhưng cậu có thể hái hết táo của tôi và đem đi bán. Khi đó, cậu sẽ có tiền để mua thứ mà cậu muốn.

Nghe cây nói vậy, cậu bé thích lắm. Cậu liền hái hết táo trên cây, vui vẻ rời đi và không quay lại nữa. Cây táo cảm thấy rất buồn.

Một ngày nọ, cậu bé – nay đã là một chàng trai – quay trở lại. Cây táo mừng rỡ nói:

– Cậu bé, lại đây chơi với tôi nào!

– Tôi không có thời gian để chơi, tôi còn phải làm việc để nuôi gia đình. Gia đình tôi đang cần một ngôi nhà. Cây có thể giúp tôi không?

– Xin lỗi, tôi không có một ngôi nhà. Nhưng cậu có thể chặt những cành cây trên thân tôi để dựng nhà.

Vậy là chàng trai chặt hết những cành cây rồi vui sướng bỏ đi. Cây táo rất mừng khi thấy cậu bé hạnh phúc, nhưng cậu bé chẳng quay lại nên cây táo thấy buồn và cô đơn lắm lắm.

Một ngày hè nóng nực, chàng trai – nay đã là một người đàn ông – trở lại bên cây táo. Cây táo vui sướng nói với cậu bé:

– Cậu bé, lại đây chơi với tôi nào!

Người đàn ông trầm tư nói:

– Tôi buồn vì cảm thấy mình mỗi lúc một già đi. Tôi muốn đi chèo thuyền để thư giãn. Cây có thể cho tôi một chiếc thuyền không?

– Cậu hãy dùng thân cây của tôi để đóng thuyền. Rồi cậu sẽ chèo thật xa và chắc chắn sẽ thấy dễ chịu hơn.

Người đàn ông chặt thân cây để làm thuyền. Cũng như mọi lần, cậu bé đã chèo đi thật xa và rất lâu sau vẫn chưa quay lại.

Cuối cùng, người đàn ông trở về sau rất nhiều năm đi xa. Lần này, cây táo ủ rũ nói:

– Xin lỗi cậu bé, tôi chẳng còn gì để cho cậu nữa, tôi chẳng còn trái táo nào hết.

Người đàn ông mỉm cười bảo:

– Tôi đâu còn răng để ăn táo chứ.

Cây táo nói tiếp:

– Tôi cũng chẳng còn cành để cho cậu trèo lên chơi nữa.

– Tôi đã quá già để làm được điều đó. – Người đàn ông đáp.

– Tôi thực sự chẳng thể cho cậu thêm thứ gì ngoài gốc cây già cỗi này. – Cây táo buồn rầu nói.

Người đàn ông trả lời:

– Tôi chẳng cần gì nhiều, chỉ cần một chỗ để nghỉ ngơi. Tôi đã quá mệt mỏi sau những tháng năm dài đã sống.

– Ôi, gốc cây già này chính là một nơi tốt để cậu dựa lưng đấy. Hãy đến với tôi và nghỉ ngơi thôi nào!

Người đàn ông ngồi xuống bên cây táo. Và cả cây táo lẫn cậu bé đều cảm thấy thanh thản bình yên.

* Bài học rút ra:

Cha mẹ chúng ta cũng giống như cây táo trong câu chuyện. Cha mẹ luôn hy sinh tất cả vì chúng ta, thực hiện những đòi hỏi có khi vô lý của chúng ta, bao dung và vị tha với mọi lỗi lầm mà chúng ta gây ra… Đối với cha mẹ, chúng ta là điều tuyệt vời nhất mà thượng đế ban tặng họ; niềm hạnh phúc lớn lao của họ chính là thấy chúng ta trưởng thành, sống cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc.

Bởi vậy đừng bao giờ làm cho cha mẹ chúng ta buồn bạn nhé. Cha mẹ xứng đáng được nhận những điều tốt đẹp từ chúng ta!

– SƯU TẦM –


 

ĐỂ GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC CẦN NHỚ 3 THỨ

Antonio Son Tran

ĐỂ GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC CẦN NHỚ 3 THỨ

– 3 thứ rất dễ phá vỡ hạnh phúc gia đình, đó là ngoại tình, giả dối và vô trách nhiệm.

– 3 thứ rất dễ hủy hoại hạnh phúc gia đình, đó chính là sự nóng giận, kiêu căng và nhỏ nhen.

– 3 thứ vô giá nhất đối với gia đình, đó chính là sức khỏe, lương thiện và chân tình.

– 3 thứ giúp gia đình sống vui vẻ và hạnh phúc, đó chính là biết đủ, biết giúp đỡ và biết tha thứ.

– Và cuối cùng, 3 thứ giúp gia đình sống thánh thiện chính là cầu nguyện, hy sinh và bác ái.

KHÔNG CẦN DẠY CON TỬ TẾ – Truyện ngắn HAY

Truyện ngắn để ngẫm:

KHÔNG CẦN DẠY CON TỬ TẾ !

Chị kéo tay con trai nhỏ cố chạy thật nhanh đến trước cổng nhà vệ sinh nhưng không kịp. Một bãi nôn nhầy nhụa dưới sàn. Bao đôi mắt ái ngại, sợ hãi. Một số quan khách, nhanh chân bước tránh sang hai bên. Chị xấu hổ, vội trách mắng con.

– Mẹ đã bảo ăn ít thôi mà không nghe…

Có tiếng cô lao công lớn tuổi, cắt ngang.

– Không sao đâu! Để đó, cô dọn cho. Ở đây, người lớn còn ói mửa tràn lan, đừng trách gì trẻ nhỏ!

Tức thì, cô nhanh nhẹn ném mớ giấy lên bãi nôn. Một tay cô vừa đổ nước lau sàn, một tay vừa cầm bàn chải cọ rửa, một chốc sàn nhà đã sạch tinh tươm trở lại.

Nhà hàng rộng, khách khứa ra vào đông đúc. Cô lao công cũng đã quen với cảnh thực khách say xỉn, xả tràn lan ra sàn nhà, bồn rửa tay…Công việc của cô mỗi ngày là ở đây túc trực, lau dọn, giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ nên chẳng bao giờ cô dám bực dọc, nhăn nhó khách.

Biết vậy nhưng chị vẫn lấy làm áy náy. Khi con trai lay tay chị, nhắc nhở đi về.

Chị lần trong túi xách, lấy ra bịch bánh, đưa cho con.

– Con mang lại biếu bà, nhớ cảm ơn bà nhé!

Cậu con trai phụng phịu, vẻ không vui. Món bánh mà cậu yêu thích, hiếm khi mới được dì mua cho.

– Hôm sau, mẹ sẽ nhờ dì mua lại gói mới cho con!

– Mẹ hứa nhé!

– Mẹ hứa…

Chị đưa ngón tay lên móc ngoéo. Thằng nhỏ cười rạng rỡ, nhanh nhẹn lấy gói bánh, chạy về phía cô lao công. Chẳng biết nó nói gì nhưng nhìn từ xa, chị thấy cô nhận gói bánh, đôi mắt tỏa ra niềm vui thích.

– Có phải vì con ói ra sàn nhà, phiền bà dọn nên mẹ biếu bánh cho bà không?

Trên đường đi trở ra quán, cậu con trai nắm tay chị hỏi dò. Chị khe khẽ gật đầu. Một làn gió nhẹ vờn tóc hai mẹ con. Thằng nhỏ đu tay mẹ, nhịp chân sáo. Khoảnh khắc ấy, lòng chị ngập tràn hạnh phúc. Một ký ức bồi hồi ngày xưa trở về.

Một buổi chiều mưa lâm thâm, có một ông ăn mày, đội nón lá rách tơi tả, đeo một cái túi lác cũ kỹ. Ông đến xin gạo nhà chị.

Đang cuốc giở luống đất trước nhà, bố chị dừng cuốc, nhắc con gái vào bếp xúc gạo cho ông.

Khi mở nắp lu gạo ra, chị hụt hẫng. Chỉ còn vỏn vẹn có 2 lon gạo. Chị xị mặt, đi ra, nói nhỏ vào tai bố. Nhưng bố chị mỉm cười, bảo con gái: “Cứ chia cho ông một lon, còn chừa lại nhà mình một lon, tối bố nấu cháo…gà cho các con ăn”.

Bố nói dối để chị vui vẻ, xúc gạo cho ông già ăn mày, chứ chị biết thừa, nhà làm gì có gà mà nấu cháo. Đó là những tháng ngày, nơi vùng quê hẻo lánh, cuộc sống của bà con nông dân như gia đình chị luôn trong cảnh đói mòn, đói mỏi, chạy ăn từng bữa.

Bao năm qua, ký ức về chiều mưa năm xưa, bố chia lại lon gạo cho ông lão ăn xin ấy vẫn hằn sâu trong tâm trí chị.

Để khi trưởng thành, chị nhận ra, không cần dạy con tử tế bằng lời nói, chỉ cần cha mẹ sống tử tế là đủ. Bởi chị tin vào câu: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”.

Tác giả: Nguyễn Nga

#PĐK


 

…Chim Kêu Vượn Hú – Trần Mộng Tú.

 Kimtrong Lam  Lương Văn Can 75.

Trần Mộng Tú.

Má ơi! Đừng gả con xa

Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu…

Câu ca dao của miền Nam thời xa xưa đó bỗng quay về trong trí tôi mấy ngày cuối năm. Thuở đó, gả con xa có nghĩa là gả con sang làng khác, sang tỉnh khác. Là đưa dâu, đón dâu hết một ngày đò dọc hay đi bằng xe hàng một chặng đường dài từ sáng đến chiều. Cô gái đi làm dâu xa, khi sanh đứa con đầu lòng mới được về cho mẹ chăm nom “Con so nhà mạ/Con rạ nhà chồng”. Sanh con cứng cáp rồi lại quay về bên chồng. Có khi cả năm tới tết mới được ôm con về thăm cha mẹ, hay cha mẹ ốm đau lắm hoặc qua đời mới được về trả hiếu. Vì cô đã thuộc về dâu con nhà người. Cha mẹ thương nhớ con nhưng gái lớn thì phải theo chồng, nên tuy khóc nhưng cũng mừng vì con có gia đình. Nếu con được vào gia đình khá giả, tử tế cha mẹ hãnh diện, an tâm; nếu chẳng may con lấy phải chồng nghèo cũng khuyên con chịu thương chịu khó gánh vác giang san bên chồng, ở cho phải đạo dâu con. Số cô có vất vả lắm cũng là thức khuya, dậy sớm, làm đủ mọi việc trong gia đình. Số cô có khổ lắm thì gặp anh chồng vô tích sự, còn cờ bạc, rượu chè, gặp mẹ chồng cay nghiệt bắt bẻ. Như thế đã là quá sức chịu đựng cho một người phụ nữ rồi và làng trên, xóm dưới, ai cũng chê trách cái gia đình bên chồng cay nghiệt đó.

Chữ “Má ơi” cho ta biết câu hát đó phát xuất ở miền Nam nước Việt. Gái quê của miền tây Nam Bộ đẹp nổi tiếng. Gái Mỹ Tho, Cần Thơ, Bến Tre, gái Cao Lãnh, Nha Mân cô nào cũng đẹp, cũng da trắng, tóc dài. Hình ảnh những cô gái dậy thì trong chiếc áo bà ba ngồi bên sạp trái cây là hình ảnh những du khách ngoại quốc cho in vào những tấm thiệp lưu niệm gửi đi khắp nơi trên thế giới.

Cha mẹ chỉ gả cô sang làng khác, sang tỉnh khác thôi mà cô đã tức tưởi kêu lên như vậy rồi. Bây giờ cô lìa cha mẹ, xa anh em, xa làng, xa nước, sang tận Đại Hàn, Đài Loan, Trung Quốc lấy chồng.

Cô đi lấy chồng, một người chồng lớn hơn cô từ 10 đến 20 tuổi, người chồng tàn tật hay người chồng mang bệnh tâm thần, có cô chồng gần bằng tuổi cha mình. Cô không nói cùng chung ngôn ngữ, cô không biết gia cảnh nhà chồng, cô bước lên máy bay, bay tít lên vòm trời rồi hạ xuống một vùng đất hoàn toàn xa lạ. Cô kêu lên “Má ơi!”.

Nhưng má cô không thể nào nghe được tiếng kêu đó nữa. Cô mất liên lạc với gia đình, với quê nhà, ngay khi bước chân vào nhà chồng. Cô bị hành hạ, đánh đập, cô không biết chỗ trốn, không biết chỗ chạy. Nhà chồng trấn lột hết giấy tờ tùy thân của cô, cô không có một tờ giấy nào chứng minh cô là một người vợ đến từ phương xa, cô không có ngôn ngữ để giãi bầy.

Ở Đại Hàn, cô bị cả nhà chồng đánh đập. Cô bị đánh đến gẫy xương, cô chết, xác vứt xuống hầm như vất một con chó chết; cô bị đánh đến dập gan, nát phổi, cô chết ngay bên cạnh đứa con sơ sinh; hay cô tự tử vì không còn lối nào thoát ra được sự hành hạ ngoài cái chết. Cô ôm cả hai đứa con thơ dại nhẩy từ lầu cao xuống để ba mẹ con cùng chết. Đó là cách duy nhất có thể bảo vệ mình và con mình.

Ở Đài Loan, sau khi làm vợ vài tháng, cô bị đánh đập gán cho bao nhiêu tội cô không hề có, trước khi họ mang đi bán, như bán một con heo vào những động mãi dâm. Cô mất hết đường về.

Ở Trung Quốc, hình ảnh những cô dâu Việt Nam mặc áo dài truyền thống được quảng cáo trên tường, trên cột đèn ngoài phố, với cái giá rẻ mạt kèm theo những hàng chữ: Không còn trinh, được đổi cô khác. Cô về đến nhà chồng mới hay mình được đem về làm con vật tế thần cho từ bố chồng, anh chồng, đến em trai của chồng. Người ta coi như mua về được một con nô lệ vừa lao động trong việc đồng áng vừa phục vụ tình dục cho những người đàn ông trong nhà. Cô cũng không bao giờ trốn được họa chăng là phép lạ.

Nhưng phép lạ, đôi khi cũng xẩy ra nên thế giới bên ngoài mới biết được những nghịch cảnh mà những cô gái Việt Nam gánh chịu. Có cô đã trốn thoát.

Tại sao biết những chuyện bất hạnh như thế có thể xẩy ra cho mình mà các cô gái quê, vẫn theo nhau vào Sài Gòn tìm đến những dịch vụ hôn nhân với người nước ngoài.

Các bà mẹ vẫn hân hoan khi có con gái lấy chồng Hàn, chồng Đài Loan. Vì cũng trong mười cô chết thì có một cô may mắn sống, một cô không bị nhà chồng hành hạ và mang được tiền về cho cha mẹ ở cái làng nghèo nàn bên Việt Nam. Cái làng mà ruộng đồng, ao cá, không còn vì đất đai bị chiếm hết để xây cao ốc hay công xưởng, nhà máy. Có khi bị chiếm để xây những nghĩa địa cho các đại gia hay các ông lớn (chưa chết), những ngôi nhà mồ, đắp tô với rồng bay phượng múa, phỏng theo mô hình cung điện của các vua chúa thời xưa bên Trung Hoa.

Có bà mẹ đã nói: “Ôi! Trời kêu ai nấy dạ. Đâu có phải ai lấy chồng Hàn, chồng Đài Loan cũng chết hay cũng bị mang bán cả đâu. May mắn nó mang tiền về xây nhà mới cho mình chứ lấy chồng Việt để ôm nhau chết đói à?”. Có bà ngoại, bà nội nhìn con cháu bé lên bốn lên năm cất tiếng khen: “Con bé này xinh quá, nuôi cho mau lớn rồi gả chồng Hàn.”

Tôi đã nhiều lần đọc được những cái tin như thế, nghe lòng bải hoải cả mấy tuần. Cứ tự hỏi: Sao ở trong nước, không có phu nhân hay một tiểu thư nào là vợ, con, của một ông bộ trưởng, ông tổng giám đốc, ông thủ tướng hay một đại gia nào đó với gia tài cả trăm triệu, cả bạc tỷ Mỹ kim, đứng lên làm một việc gì tốt lành cho những cô gái này, như: xây trường dạy nghề, hướng dẫn công việc, cho mượn vốn buôn bán, để cứu giúp những cô gái quê, ít học, có một công việc nuôi thân. Tôi nghĩ nếu các cô được hướng dẫn thì cái tỷ lệ mang thân làm dâu Hàn, dâu Đài Loan, dâu Trung Quốc sẽ bớt đi nhiều. Hay ít ra giúp họ tìm cho rõ ngọn nguồn trước khi ký vào những tờ giấy hôn thú mang rủi nhiều hơn may đó.

Cái động lực nào đã đưa các cô đến chỗ không sợ hãi trước những chuyện người chồng Hàn có thể đánh vợ cho đến chết, hay hành hạ cho đến lúc người phụ nữ phải tự tử để an thân. Người chồng Đài Loan có thể mang vợ đi bán cho ổ mãi dâm, hoặc chuyện phải làm nô lệ tình dục cho cả một gia đình bên Trung Quốc. Kinh hoàng quá!

Cái xã hội cô đang sống có đưa bàn tay nào ra, níu cô lại, giúp đỡ cô hay cũng chính cái xã hội đó thản nhiên nhìn cô bước vào một thế giới cô không có khả năng hình dung ra trước được. Đau thương quá!

Cô đi lấy chồng như thế đau khổ cho cô, tủi nhục cho cha mẹ đã đành mà còn xấu hổ cho cả một quốc gia nữa. Ông anh tôi ở tiểu bang California, một hôm kể cho tôi nghe, ở cái club anh chơi tennis, anh gặp một người đàn ông Đại Hàn mới nhập hội chơi. Sau vài lần chơi chung, cà phê, ăn sáng hai người có vẻ hợp lắm. Một hôm anh Đại Hàn hỏi anh tôi người nước nào, anh tôi nói là người Việt Nam. Hôm sau thấy anh ta lạnh lùng ra mặt và có ý tránh không nói chuyện, mới đầu anh tôi không để ý, sau thấy mình hỏi anh ta lờ như không nghe. Anh tôi thấy vậy cũng phớt tỉnh. Anh không thích tôi thì tôi cũng chẳng cần thích anh. Bẵng độ hai ba tuần không nói với nhau, anh Đại Hàn bỗng một hôm quay lại thú thật: Mới đầu tôi tưởng ông là người Hoa hay người Phi, tôi không biết ông là Việt Nam. Tôi không thích dân Việt Nam, một cái dân gì mà cứ mang con gái họ bán hết cho nước này nước khác làm vợ. Người Hàn tử tế coi thường người Việt ở chỗ đó. Anh tôi nổi xùng. Thế cái thằng đi mua vợ rẻ có đáng khinh không? Hai bên lý sự một hồi, bất phân thắng bại. Bây giờ họ nói chuyện với nhau trong lúc chơi banh, nhưng vẫn không phải bạn. Một bên mua vợ giá rẻ và một bên bán vợ với bất cứ giá nào. Bên nào đáng khinh hơn.

Anh tôi kết luận: Nhục cho cả nước, anh em mình sang tận đây rồi mà vẫn nhục lây.

Có con mà gả chồng gần

Có bát canh cần nó cũng mang sang.

Tôi được người lớn tuổi hơn giảng cho nghe: canh cần là do chữ tần tảo (một loại rau tần / tảo là rau) Ngày trước người nghèo có thể kiếm rau tần trong vườn nấu những bát canh đạm bạc. Người con gái nghèo đi kiếm rau tần cả ngày được gọi là tần tảo. Nên mới có chữ “tần tảo” chỉ cho người phụ nữ chịu khó làm việc trong hoàn cảnh túng thiếu.

Bây giờ ở Việt Nam, các cô gái quê dù có muốn tần tảo cũng hiếm có cơ hội, cô không lấy chồng gần, vì người chồng gần cũng chẳng có việc làm, cả hai vợ chồng cô giỏi lắm cũng chỉ kiếm được một bát canh cho cả gia đình, làm sao cô có cơ hội để đem sang chia cho cha cho mẹ được. Cô đành phải lấy chồng xa, cô coi thân cô như một cuộc bài may rủi. Biết đâu cô chẳng kiếm được người tử tế, biết đâu cô chẳng mang tiền về cho mẹ uống thuốc, cho mẹ có một bát canh thịt thơm ngon, cho cha sửa nhà, mua sắm truyền hình, tủ lạnh, biết đâu…, biết đâu…, biết đâu…Cô lại chết thảm thương như thế. Cô không kêu được: “Má ơi!” nữa rồi…

“Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.”

Tâm nào còn an được để đón Xuân về!

Trần Mộng Tú. 


 

 Xế Bóng Cuộc Đời “Thôi Mình Đi Em Nhé… !’’ – Phan

 Phan

Hồi mới qua Mỹ, lần đầu thấy tấm bảng ghi là Estate Sale cắm ở góc đường, tôi đoán là một hình thức bán bớt đồ cũ trong nhà. Như bày bán ở garage thì gọi là Garage Sale, bày bán ở sân sau nhà thì gọi là Yard Sale, dọn nhà thì người ta bán bớt những thứ không tiện đem theo với bảng cắm là Moving Sale, còn Estate Sale… chắc cũng tương tự.

Tự dặn là về phải tra tự điển, nhưng rồi tôi quên luôn! Nhớ lại những ngày mới đến Mỹ, ra đường thấy chữ gì không hiểu thì cứ nhủ lòng về tra tự điển, nhưng bao giờ cũng quên nhiều hơn là nhớ. Cho tới một hôm tình cờ nghe cô bạn Mỹ làm chung kể chuyện, tôi mới hiểu chính xác Estate Sale là bán sạch gia tài.

Cổ kể là vợ chồng cổ mua được bộ bàn ăn thuộc loại đắt tiền, còn rất mới, nhưng với giá chỉ một phần mười giá trị thực của bộ bàn ăn đó. Cô ấy cho biết bộ bàn ăn trị giá năm ngàn đô la Mỹ, dù nó chỉ còn mới được tám mươi phần trăm nhưng nếu phải mua với giá một, hai ngàn đô la Mỹ thì cổ cũng đồng ý mua. Vậy mà vợ chồng cô ấy mua được với giá chỉ năm trăm đô la từ một căn nhà treo bảng Estate Sale.

Cô ấy phải ghi xuống giấy ngày, giờ và địa chỉ của căn nhà đó. Rồi thông báo cho chồng cô ta biết trước mấy ngày để đến đúng hôm đó, hai vợ chồng dậy sớm mà đi xếp hàng. Khi lọt được vào ngôi nhà Estate Sale, cô nhanh chóng quyết định, nhưng phải kể là may mắn nên cô đã mua được bộ bàn ăn thuộc loại đắt tiền với giá quá rẻ. Trò chuyện thêm với cô bạn, tôi mới hiểu ra Estate Sale là bán toàn bộ đồ đạc trong nhà: từ ly tách muỗng chén, đến quần áo, giường ngủ, tủ trà, bệ thờ; tới cả tranh, tượng, đồ kỷ niệm…

Nhưng giá bán của Estate Sale không rẻ như Garage Sale, Yard Sale hay Moving Sale vì không phải là đồ thừa trong nhà. Lý do bán hết các thứ trong nhà vì chủ nhà phải vô viện dưỡng lão chẳng hạn; những người già neo đơn ấy không có thân nhân để có thể cho lại, nên họ bán hết, bán sạch, với giá cao hơn bán đồ cũ, đồ thừa của Garage Sale, Yard Sale hay Moving Sale… Người Mỹ đi Estate Sale như đi hội chợ, nhất là Estate Sale ở những khu nhà giàu. Ngay từ sáng sớm thiên hạ đã xếp hàng ghi tên, xe đậu dài hai ba “block” đường. Tới giờ mở cửa, người ta tranh nhau mua. Sau đó bưng bê nườm nượp, náo nức như được chia của.

Câu chuyện về Estate Sale như một hiểu biết thêm về đời sống Mỹ trong đầu óc mới tới định cư của tôi. Rồi thời gian và cuộc sống cá nhân quay cuồng theo cơm áo gạo tiền nên chả nhớ gì tới Estate Sale nữa. Cho tới một sáng cuối thu, dù đã 7 giờ nhưng mặt trời còn chưa ló dạng. Không gian yên ắng tới nỗi chỉ nghe mỗi tiếng đồng hồ tích tắc trên tường. Ngoài cửa sổ, sương còn phủ ngọn đồi sau nhà mờ ảo màu lá vàng phai. Không gian đẹp nhưng buồn quá, nhất là cái lạnh đã len lỏi về trên những ngón tay cảm giác điêu tàn. Tôi đi thay quần áo để lên đường, đi giúp một ông bạn già. Hôm nay ổng bán Estate Sale.

Tuy hẹn 9 giờ nhưng tôi đi sớm để có thời gian ngồi uống với ông bạn bình trà, bởi tôi nghĩ hôm nay có thể là lần cuối tôi gặp ông ấy. Nhớ lại, tôi quen biết ông chừng năm, bảy năm trước ở trung tâm sinh hoạt cao niên trong thành phố. Bữa đó chính ông đã đến bắt tay tôi trước, hỏi tôi có phải là Phan mà ông thường đọc đó không? Tôi có cảm tình ngay với một người lớn tuổi, hiền lành, đôn hậu. Tình thân chưa có nhưng lòng cảm mến thì nhiều, tôi cho ông số điện thoại để tiếp tục nói chuyện vào dịp khác bởi tôi đang bận với một cuộc phỏng vấn…

Rồi tình thân nảy nở sau những lần ông mời tôi đi uống cà phê, rất thỉnh thoảng, nhưng ông thực sự có hiện diện trong tôi như một người bạn mà tôi thường tự trách là ít thăm hỏi ông, hay mời ông đi uống nước. Giao tiếp với người già chỉ mất ít thời gian mà được lợi rất nhiều về kiến thức và kinh nghiệm sống. Biết thế, nhưng khi có thời gian rảnh thì tôi vẫn đi chơi với bạn trẻ nhiều hơn. Chỉ khi cần hỏi, là cần tới người già thì tôi mới nhớ tới ông, gọi ông, mời ông đi uống ly cà phê…

Tôi là một con người hiện đại qua cách tìm thông tin là biết hỏi ai; và ông bạn già là người thuộc thế hệ cũ sẵn sàng cho không kiến thức, kinh nghiệm tích lũy cả đời. Sự cho và nhận co giãn theo tuổi đời thì tôi co ông giãn. Đó là ý nghĩ hôm trời mới chớm thu, tôi gọi ông, mời ông đi uống ly cà phê vào một sáng cuối tuần. Hôm đó, tôi không có gì để hỏi ông mà chỉ là bỗng nhớ tới một người bạn mà quỹ thời gian của người đó không còn nhiều nên tôi dành thời gian rảnh rỗi cho ông. Hôm đó ông nói với tôi là “Anh cũng đã già…”. Tôi tin nhận xét của ông vì tôi đã vừa từ chối bạn bè trang lứa rủ nhau đi nông trại của một người bạn từ sáng sớm để hạ một con dê và nhậu tới chiều. Chắc chắn là một cuộc vui nhưng rồi cuộc vui nào cũng tàn. Bạn bè chưa già thì còn dịp khác để gặp. Nhưng ông bạn già hiu hắt như gió thu, hôm tình cờ gặp nhau ngoài chợ, lòng tôi bất an sau khi chia tay…

Hôm đầu thu đó, hỏi thăm ra mới biết, vợ ông đã qua đời hồi hè. Bà đi thăm con gái với cháu ngoại bên Cali, bị đột quỵ và mất luôn ở bên ấy. Ông muốn đưa bà về Dallas để lo ma chay vì bà đã sống ở Dallas mấy chục năm. Nhưng người con trai sống ở Dallas thì lại muốn em gái lo ma chay cho mẹ bên Cali cho tiện. Cái lý anh ta đưa ra là chết ở Mỹ thì lo ma chay ở đâu cũng chỉ là cái nhà quàn như nhau. Tôi chỉ quen biết ông như một người viết và một độc giả, chưa bao giờ tôi uống với ông một ly bia vì ông không rượu bia, không thuốc lá. Nhưng hôm đầu thu đó, ông tự tay mượn điếu thuốc đang cháy dở trên tay tôi; ông hút một hơi thuốc thật sâu, rồi trả lại. Tôi sợ ông sặc, nhưng ông đã không sặc.

Ông nhả khói chậm rãi và chìm vào tâm sự: “Tôi chưa bao giờ nói với anh, cũng không nghĩ tới chuyện nói với ai. Nhưng nỗi buồn trong tâm khảm tôi lớn dần như mầm bệnh ung thư tới hồi bộc phát. Tôi biết là trước sau gì cũng chết, tôi không sợ chết, chỉ buồn lòng người làm cha mà không biết dạy con mình. Vợ chồng tôi chỉ có hai người con. Lo được cho thằng lớn ăn học tới ra đại học không phải nợ tiền học đồng nào. Nó đi làm, lãnh lương cất riêng vào trương mục nhà băng của nó. Ngày ngày vẫn về nhà ăn ở, cha mẹ lo. Nó cho đó là lối sống Mỹ và nó chọn cách sống ấy. “Cha mẹ đừng tọc mạch vào thu nhập của con cái”. Nhưng khi nó muốn lấy vợ thì nó chọn lối sống của người Việt là dù sống ở đâu trên địa cầu thì chuyện cưới hỏi của con cái, cha mẹ người Việt cũng đứng ra lo cho con. Thế là vợ chồng tôi lo cưới vợ cho con trai.

Tôi không lấy gì làm buồn lòng vì cha mẹ tôi cũng đi cưới vợ cho tôi khi xưa. Nhưng rồi con tôi muốn mua nhà. Nó trình bày với vợ chồng tôi là nó mua nhà trăm rưỡi, cần mượn nhà băng một trăm ngàn, nếu trả trong ba mươi năm thì tổng số tiền nó phải trả cho nhà băng lên tới ba trăm ngàn. Nghĩa là một trăm ngàn vốn với hai trăm ngàn tiền lời trong ba mươi năm. Nó muốn cha mẹ giúp đỡ cho nó mượn một trăm ngàn để nó trả dứt căn nhà ngay khi mua, không phải trả tiền lời cho nhà băng. Nếu nó phải trả số tiền ba trăm ngàn trong ba mươi năm, thì mười năm cho một trăm ngàn. Nó sẽ trả cho cha mẹ một trăm ngàn trong mười năm là khả năng có thể.

Tôi bắt đầu thất vọng về con trai tôi. Vì gom hết tiền 401-K của cha mẹ thì đủ một trăm ngàn cho nó mượn. Vợ chồng đã về hưu thì tiền già gói ghém cũng đủ sống, nhưng tiền đâu lo cho con em nó còn trong đại học để khỏi mượn nợ? Tôi suy nghĩ nhiều đêm và chợt nghĩ đằng nào cũng mất con rồi! Đó là cái giá phải trả cho mưu cầu tương lai của con cái. Tôi đưa nó đến Mỹ chứ tự nó đâu đi một mình được. Tôi sinh ra nó chứ nó đâu tự xuất hiện trên đời này được…

Nhưng tôi thất bại trong chuyện dạy nó sống đùm bọc với người thân. Tôi có lỗi đã để nó hấp thụ lối sống ích kỷ của xứ sở này. Đằng nào tôi cũng mất con rồi. Nếu đồng ý cho nó mượn một trăm ngàn không tiền lời là tôi đã thẳng thắn nhìn nhận mình thua cuộc; không bao giờ dạy được con quay lại lối sống đùm bọc nhau của người Việt mình nữa. Nhưng từ chối nó… thì tôi mất luôn vợ! Vì mẹ nào chả thương con, thương càng mù quáng tình mẫu tử càng lên ngôi.

Nó trả lời cho tôi câu hỏi: “Tiền đâu để lo cho em nó?”. “Thì ba mẹ lấy tiền con trả hàng tháng để lo cho nó”. Tôi định hỏi câu hỏi quan trọng nhất theo kinh nghiệm của tôi là: “Nhưng con có chắc là con sẽ trả cho ba mẹ hàng tháng, hay trả vài tháng… rồi quên luôn?”. Tôi thương vợ tôi nên đã cho con trai tôi mượn một trăm ngàn. Vợ tôi mất tinh thần nhiều năm sau đó vì đúng là nó không trả.

Nhưng chúng tôi được trời phật cho lại đứa con gái muộn màng nhưng hết mực hiếu thảo. Nó là nguồn an ủi, niềm vui còn lại cho vợ chồng tôi. Lúc nào nó cũng vui vẻ nói là ba mẹ chết rồi thì tài sản cũng để lại cho anh em con thôi. Anh Hai cần trước thì anh Hai lấy trước. Ba mẹ đừng có giận anh Hai nữa, chỉ tổn hao sức khỏe cho ba mẹ thôi. Còn con, nợ học thì ai đi học ở Mỹ mà không nợ. Chừng con ra trường thì con trả. Ba mẹ đừng lo nữa.
Con bé lạc quan nói sao làm vậy. Về sau, nó lấy chồng bên Cali nên về Cali sống. Vợ tôi muốn bán nhà, dọn về Cali ở với con gái thì thằng con trai không cho đi vì bà nội phải ở Dallas để trông con cho vợ chồng nó đi làm… Đến cái chết đột ngột của mẹ nó. Tôi muốn đưa bà ấy về Dallas để lo ma chay vì bà ấy sống ở đây đã như là quê hương. Nó ngại tốn kém nên lý lẽ bất dung tình với cả cha mẹ. Tôi không buồn sao được anh…”.

Ôi, cái hôm đầu thu đó! Nhớ lại sao mà buồn. Và tại sao lại có hôm nay, tôi đến giúp ông bạn bán Estate Sale, bán hết gia tài một lần để giã biệt. Buổi chiều cuộc đời như không gian thu tràn ngập lá vàng bay, những nảy nở mùa xuân, khoe sắc hạ, thu úa, đông về…

Ông bạn già có sống tới trăm tuổi thì mùa thu thứ một trăm của cuộc đời cũng phải rời bỏ ngôi nhà không cần bật đèn giữa nửa đêm cũng biết lối đi; bán bỏ cả cái thìa khuấy ly cà phê mỗi sáng mà người gia chủ chắc là khuấy ly cà phê bằng cái thìa khác sẽ không ngon. Rồi bức tranh mua Garage Sale có vài đồng bạc hồi mới qua Mỹ, nhưng không có nó trên tường nhà thì cứ tưởng mình đang ở chơi nhà bạn, hay nhà bà con chứ không phải nhà mình; đến tiếng cái đồng hồ nhà mình cũng khác hẳn tiếng đồng hồ nhà khác mà chỉ có mình phân biệt được… lại còn nắm đất quê hương trên bàn thờ hồi ra đi mình mang theo để nhớ đường về. Nhưng nó nằm im lặng đã bốn mươi năm. Bây giờ người đem nó đi còn gửi lại nắm xương ở quê người thì nắm đất quê hương ấy trở thành oan nghiệt.

Cho không ai lấy, bán chẳng ai mua, mà ném qua cửa sổ thì hóa ra mình đã biến thành thú vật. Tôi ứa nước mắt trên tay lái, làm sao ông bạn tôi có thể sống sau hôm nay khi chính tay tôi bán hết những gì đã gắn bó với ông cả đời. Tôi, chính tôi, đã tiếp tay thần chết sớm bắt ông rời bỏ thói quen và kỷ niệm; rồi rời bỏ tới người thân; cuối cùng là rời bỏ cuộc đời… Nhưng nhớ lại tâm sự đầu thu của ông, ông đi dự đám tang của vợ bên Cali như người quen biết cũ, mấy chục năm vợ chồng còn lại cái trống không trong lòng già. Con trai ông đi dự đám tang của mẹ dửng dưng đến mức lúc về, anh ta nhắc ông là ba phải làm di chúc căn nhà lại cho con, vì ba đi đột ngột như má thì chính phủ lấy nhà…

Tôi nghĩ chắc anh ta không chỉ muốn lấy căn nhà đã trả hết mà muốn lấy luôn cả phần bảo hiểm nhân thọ của cha nên mới chọc giận ông đúng thời điểm tinh thần và thể lực của ông suy kiệt nhất sau mấy ngày đám tang bên Cali. Tôi biết anh ta và từng gặp mặt vì Dallas đâu có mấy nhà hàng của người Việt. Anh là ai trong gia đình lớn của anh, gia đình nhỏ của anh, trong xã hội anh đang sống… tôi không quan tâm tới địa vị hay tên tuổi của anh ở địa phương. Tôi chỉ biết là tôi đã có lỗi với một người không có lỗi gì với tôi là anh. Tôi đã đồng tình với ý kiến của con gái ông, dù chỉ nghe ông kể.

“… con còn phải đi làm và lo lắng cho gia đình con. Con không thể chăm sóc cho ba mỗi ngày như má. Nhưng má mất rồi thì ba không thể ở một mình. Ba có chuyện gì, không ai biết, không ai hay… làm sao con yên tâm. Con xin ba giao hết nhà cửa cho anh Hai muốn làm gì làm. Ba về Cali với con. Ba phải ở viện dưỡng lão vì con không thể và không có thời gian để lo cho ba như má. Nhưng vài hôm con sẽ ghé thăm ba một, hai tiếng đồng hồ; con nấu được gì ngon, con đem vô cho ba ăn. Ba có chuyện gì, người chăm sóc cho ba sẽ báo ngay cho con, con vô ngay với ba…”.

Tôi có tào lao lắm không khi không lên tiếng về chuyện nhà người khác? Tôi nói với ông hôm đầu thu: “Chia buồn với ông về sự mất mát người thân nhất của ông mà tôi không biết, cho dù ông có cho hay thì tôi chắc cũng không có điều kiện bay qua Cali để viếng tang của bà. Thôi thì ngày nào còn sống hãy tính chuyện đời cho xong để êm xuôi khi ra đi. Ông bà đã giúp con trai không phải nợ tiền học. Tôi tính nhanh là đã cho anh ta năm chục ngàn. Ông bà cho anh ta mượn một trăm ngàn mua nhà và không hoàn lại. Vậy là ông bà đã cho con trai một trăm năm chục ngàn. Bây giờ ông bán căn nhà mà ông đang ở cũng cỡ một trăm năm chục ngàn. Số tiền đó cho hết con gái là công bằng với con cái. Ông về Cali sống với đề nghị của con gái là hoàn toàn hợp lý.

Số tiền bảo hiểm nhân thọ của vợ ông, gửi con gái để lo cho ông những ngày cuối đời. Thừa thiếu gì thì tôi tin là con gái ông không tính toán với ông. Còn phần bảo hiểm nhân thọ của ông thì di chúc lại cho con gái. Nhưng chỉ nhờ cô ta quản lý số tiền đó để về sau chia đều cho hết cháu nội, cháu ngoại của ông bà. Cứ đứa nào vô đại học thì được nhận một khoản tiền do ông bà để lại cho con cháu ăn học. Tôi biết, với đà lạm phát và trượt giá ở nước Mỹ thì số tiền học bổng miễn hoàn lại cho con cháu sẽ không nhiều, nhưng rất có ý nghĩa về mặt tinh thần với đời thứ ba của gia đình ông trên nước Mỹ…”.

Câu chuyện đầu thu mới đó mà đã cuối thu rồi! Ông bạn tôi đúng là người độ lượng như tôi đã tin ông như thế! Ông giao căn nhà cho con dâu để cho mướn kiếm thêm tiền chợ cho cháu nội ông được sống sung túc hơn. Ông di chúc lại căn nhà cho con dâu của ông chứ không bán. Giấy tờ xác quyết là tài sản riêng của con dâu, “để nhỡ… vợ chồng con xảy ra chuyện bất trắc gì sau khi ba mất, thì ba mẹ chỉ giúp được con một chỗ ở để nuôi mấy đứa cháu nội của ba mẹ. Cảm ơn con”.

Ông cho hết con gái khoản tiền bảo hiểm nhân thọ của mẹ cô ấy. Ông nghe tôi về khoản tiền bảo hiểm nhân thọ của ông. Ông chỉ còn giữ lại hàng hà kỷ niệm trong từng đồ vật mà tôi đang bán cho những người không quen biết. Thế nên mắt ông lạc thần trông theo từng kỷ niệm vĩnh biệt ông lần cuối khi bước ra khỏi cửa một mái ấm gia đình đã tới hồi kết. Đó là buổi sáng một ngày cuối thu mà tôi sẽ không bao giờ quên với hình ảnh một người đàn ông biệt xứ lúc cuối đời, tay khép lại cánh cửa nhà mình lần cuối, bình thản nói: “Thôi, mình đi nghe em…”, là di ảnh của bà mà ông kẹp ở nách để khóa cửa ra đi…

Ngoài đường, những trang trí cho ngày lễ Halloween đã lên đèn dọc lối đi. Tôi nhìn ông thả bộ ra xe mà thấy một kiếp người đến với cuộc đời cách nay tám mươi năm, chỉ có tiếng khóc là gia tài thì hôm nay là món cuối cùng Estate Sale. Ông trầm ngâm buổi sáng, thở dài buổi trưa, rồi ngấn lệ buổi chiều theo từng kỷ niệm vĩnh biệt ông ra đi. Nhưng cuối ngày ông lại mỉm cười với di ảnh vợ lúc khóa cửa. Cái nháy mắt tinh nghịch của ông với di ảnh bà là bằng chứng ông đến với cuộc đời này bằng một tiếng khóc nhưng khi ra đi ông đã đem theo một người tình.

Tôi nhìn theo ông ấy tan vào màn đêm phủ về. Nhìn lại mình sau một ngày tiếp tay thần chết, nách tôi kẹp chai rượu thần chết thưởng cho tôi nhưng quân sĩ của thần chết đã giao lộn vào nhà một người không uống rượu nên phải nằm chờ tới Estate Sale này. Tới Estate Sale của tôi, cũng là kinh doanh từ vốn liếng là tiếng khóc chào đời, tôi sẽ kẹp nách mang theo được gì lúc ra đi? Chỉ biết chai rượu thường nhưng để lâu năm cũng ngon như nước cam tuyền… từ đầu tiên mộng tới phiền muộn sau. Đâu đó là thơ Bùi Giáng. Uống xong ly rượu cùng nhau / Hẹn rằng mãi mãi quên nhau muôn đời… Khi hiểu được thơ Bùi Giáng thì cuộc đời coi như đã tàn thu. Còn bạn?

Phan

From: Giao Su Nguyen Phi Phuong


 

Hội thánh có lập trường thế nào với những người li dị rồi tái hôn-Cha Vương 

Tháng 2 rồi bạn ơi! Chuẩn bị đón Xuân chưa? Chúc một ngày an lành nhé. Đừng quên cầu nguyện cho nhau.

Cha Vương 

Thứ 5: 01/012/2024

GIÁO LÝ:  Hội thánh có lập trường thế nào với những người li dị rồi tái hôn? Theo lời dạy của Chúa Giêsu, Hội thánh vì tình yêu đón nhận họ cách yêu thương. Bất cứ ai thành hôn trong Hội thánh, sau đó li dị, rồi tái hôn, thì làm nghịch lại đòi hỏi rõ ràng của Chúa Giêsu là “hôn nhân bất khả phân ly”. Hội thánh không thể xóa bỏ đòi hỏi này. Đã rút lại sự trung tín khi ly dị, rồi lại tái hôn, đó là phản lại với bí tích Thánh Thể, là bí tích nói lên đặc tính Tình yêu Thiên Chúa không thể đảo ngược, không thể đổi thay. Do đó, những người tái hôn này đã sống trong tình trạng mâu thuẫn như thế, họ không được rước lễ. (YouCat, số 270)

*Lưu ý: Nếu một giao ước hôn nhân đã tháo gỡ (annulled) thì hai “vợ chồng” không còn bị ràng buộc gì với nhau nữa, hoàn toàn tự do, họ có thể lập gia đình với bất cứ ai hay với nhau. Tuy nhiên, phải lưu ý về những ngăn trở “cũ”, nếu chúng còn hiện diện, chúng sẽ là nguyên cớ khiến giao ước hôn phối vô hiệu một lần nữa.

**Nếu ai ly thân hoặc ly dị mà quyết định sống đời sống độc thân—không đi một bước nữa, thì họ vẫn được rước lễ.

 SUY NIỆM: Đức Bênêđictô XVI nói rằng không phải giải quyết mọi trường hợp như nhau, Đó là một “tình trạng đau khổ” và ngài mời gọi các mục tử cần phân biệt những tình trạng khác nhau, để giúp đỡ về phần thiêng liêng, và bằng cách thích hợp nhất các tín hữu đó. (Bí tích tình yêu, 29)

Những người ly dị tái kết hôn, mặc dầu trong tình trạng như vậy họ vẫn thuộc về Hội thánh, Hội thánh vẫn chăm chú theo họ cách đặc biệt, và ước mong họ cố gắng phát triển một lối sống Kitô hữu bằng cách vẫn tham dự Thánh lễ, nhưng không rước lễ ; bằng cách nghe Lời Chúa, thờ lạy Chúa trong bí tích Thánh Thể và cầu nguyện; bằng việc tham gia vào đời sống cộng đoàn; bằng việc đối thoại không ngần ngại với một linh mục hay một người hướng dẫn thiêng liêng, bằng việc tận tụy bác ái cụ thể và làm việc đền tội, bằng việc dấn thân để giáo dục con cái họ.

(Đức Bênêđictô XVI, Bí tích tình yêu) (YouCat, số  270 t.t.)

LẮNG NGHE: Thưa anh em, khi được kêu gọi ở địa vị nào, mỗi người cứ ở địa vị đó trước mặt Thiên Chúa. (1 Cr 7:24)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, bao nhiêu gia đình đang đau khổ về mặt thể xác lẫn tinh thần, xin Chúa hàn gắn và chữa lành những rạn nứt do tội lỗi và tính ích kỷ gây ra để cho gia đình họ được vui vẻ và hạnh phúc.

THỰC HÀNH: Làm một hy sinh để cầu nguyện cho những gia đình mà bạn biết đang gặp khó khăn nhé.

From: Do Dzung

TỰ TÌNH – Nguyễn Hồng Ân 


Thảm trạng gia đình tại Mỹ – Nam Huỳnh-Truyện ngắn

Câu chuyện tác giả  kể lại đã hơn 20 năm . kể từ lúc chính gia đình này qua được MỸ.  Một bà mẹ quá, rất trẻ co’ 3 con, gia tài mang theo rát “KHỦNG”… Thế rồi moi sự biến đổi bất ngờ… NC xin im lằng để các bạn theo dõi mới thấm… và lòng nhân hậu của người đọc đã đãm lệ cho cảnh đời QUÁI ÁC hơn cả địa ngục ở trần gian.  Mời nhìn tấm gương gia đình ác quỹ để lấy đó răn dạy con cháu và tự mình cạo sạch THAM SÂN SI!.

Thảm trạng gia đình tại Mỹ
Nam Huỳnh

Sau 30-4-1975, như tất cả các Sĩ Quan QLVNCH còn ở lại miền Nam, bản thân tôi đã phải chịu hơn 6 năm tù “cải tạo”.

Trước khi có dịp định cư tại Hoa Kỳ, tôi đã nghe nhiều chuyện “dở khóc, dở cười” tại cái quê hương hợp chủng này, nên tôi luôn cẩn thận, chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng đối diện với thực tế.

Đặt chân đến Mỹ vừa tròn 3 tháng, thì gia đình tôi đã phải ứng phó với sự “kỳ thị” của “cô con dâu”!

Từ quê hương đau khổ, nghèo nàn, được sang một đất nước giàu mạnh, văn minh tột đỉnh, dân chủ thật sự, tự do nhất thế giới… thật là một phúc đức lớn lao! Nhưng niềm vui chưa trọn, thì chuyện buồn lại đến liên miên…

Vì con trai tôi sponsor, nên bước đầu gia đình tôi phải về ở chung tại San José. Tôi cũng đã sòng phẳng “trả tiền phòng” hàng tháng coi như “share phòng” hầu tránh phiền muộn về sau. Thế nhưng càng ngày tôi thấy “cô con dâu” càng tỏ ra “kỳ thị” với 3 đứa em chồng và thường sửa sai, gây gổ luôn cả chồng. Bà vợ tôi phải lo đi chợ nấu ăn cho cả nhà nên bận rộn suốt ngày! Thế mà chẳng được ơn mà còn bị oán.

Bạn hữu của cô con dâu thấy chuyện bất bình, đã lén gọi điện thoại lại báo cho chúng tôi. Cô ta nói với bạn, “Phải gắt gao với họ (chúng tôi) để chồng không dám giúp đỡ họ… và đoan chắc rằng họ chẳng bao giờ dám xa rời hoặc bỏ đi, vì lý do duy nhất là họ mới qua Mỹ, chưa có xe. Không tiền thì phải chấp nhận đau thương thôi!”

Chịu đựng đau khổ được 3 tháng, vợ chồng tôi bàn nhau tìm đường “di tản”!

May mắn làm sao, chỉ vài hôm sau, một người bạn thân từ Dallas gọi sang và rủ chúng tôi qua. Thế là chúng tôi quyết định “move” sang Garlant (Dallas) thuộc tiểu bang Texas.

Chúng tôi ra đi vì hạnh phúc của con trai tôi, tôi không muốn cái hạnh phúc của con bị sứt mẻ vì sự hiện diện của chúng tôi, và cũng để cho chúng tôi được an thân.
Thượng đế cũng thương nên qua Garland tôi tìm được việc làm tại hãng Mervyn. Làm “Machine Operator” được 3 tháng, thì nhận được “giấy” đi khám sức khỏe để vào permanent, nhưng vì vết thương chiến tranh còn để lại “nơi cột sống” nên tôi phải nghỉ việc.

Một lần nữa, gia đình tôi phải “move” đi tìm việc làm. Cuộc phiêu lưu vì “đô la” bắt đầu.

Chúng tôi di chuyển xuống Houston, một thành phố khá lớn, nằm phía Nam của Texas. Tại thành phố nghèo việc làm này, tôi cũng may mắn tìm được một job: lái xe đưa rước những gia đình H.O mới sang Mỹ đi học Anh ngữ ESL. Nhờ vậy, tôi đã được tiếp xúc với rất nhiều bạn bè thuộc mọi giới trong xã hội để được tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm.

Mỗi người một số phận, mỗi gia đình một hoàn cảnh, tuy nhiên đa số đều giống na ná nhau: khó khăn về ngôn ngữ phong tục tập quán, trong gia đình thì vấn đề con cái đã trở nên nghịch lý.

Tôi chỉ biết lấy kinh nghiệm của người đến Mỹ trước, an ủi tất cả anh em để họ có đủ niềm tin và an tâm, hầu vượt qua được bước “khởi đầu nan”! Và tôi đã đi thấy nghe, hoặc chứng kiến, nhiều chuyện “cười ra nước mắt”!

Tháng 5/95 tôi có dịp giúp đưa một người bạn là chị H. đến “viện dưỡng lão” để thăm “bà cô chồng”.

Bà cô trong “Viện Dưỡng Lão” là một bà cụ đã 89 tuổi nhưng vẫn còn nét đẹp lão quí phái. Tóc trắng cả mái đầu, mắt vẫn còn long lanh, trong sáng. Bà đọc báo không cần mang kính lão. Bà chỉ có một khuyết tật nhỏ là hơi lãng tai. Khi tiếp xúc với Bà chỉ viết trên giấy để bà đọc, và bà trả lời rất rõ ràng.

Lần đầu đi với chị H, và sau khi chị H trở về Cali, chúng tôi vẫn đến thăm bà ta những khi rảnh rỗi và rồi được bà kể là bà lập gia đình năm 19 tuổi, đến năm 24 tuổi thì ông nhà mất, để lại 3 đứa con, mà đứa con gái út chỉ mới lên 2 tuổi!

Góa chồng ở lứa tuổi 24, tuy vẫn còn trong độ thanh xuân, nét mỹ miều còn làm bao thanh niên trong Quận theo đuổi, nhưng vì thương con, thương chồng, bà quyết ở vậy nuôi ba đứa con đến ngày khôn lớn.

Bà tần tảo mua bán, lập nghiệp từ một ít vốn của ông chồng để lại. Sau đó bà làm chủ 2 tiệm vàng tại quận TB thuộc tỉnh Tây Ninh.

Ngày 30/4/75 miền Nam thất thủ. Thời thế đổi thay. Bà cùng 2 con gái di tản sang Hoa Kỳ. Dù tuổi đời bà đã 69 tuổi. Quyết định bỏ cả ruộng vườn nhà cửa và chỉ mang theo 03 bao cát vàng.

Đến cuối năm 1975, bà ta và 2 con được phép định cư tại Texas.

Qua năm 76, dù mới định cư chưa được 1 năm nhưng với số vàng sẵn có trong tay, bà quyết định mua một ngôi nhà để cho con gái út (còn gọi là Út Thơm) và chồng cùng các cháu an cư rồi sẽ lập nghiệp, và các cháu được an tâm học hành.

Sau 9 năm, hai cháu ngoại đã tốt nghiệp Đại Học. Một là Bác Sĩ, một là Dược Sĩ…

Khi thấy cháu ngoại dự trù mở phòng mạch mà không có tiền, bà đã không do dự, mà còn khuyến khích, hỗ trợ bằng cách trao lại cho Út Thơm tất cả tài sản còn lại của Bà để Út Thơm lo cho cậu con bác sĩ có được phòng mạch…

Theo bà nghĩ sở dĩ trước đây bà giữ số vàng mang theo là vì sợ con, cháu ỷ lại, tiêu pha hết. Không còn để phòng thân khi hữu sự. Nay, các cháu đã thành tài. Bà không cần lo nữa và an tâm sang luôn tên nhà, giao hết của cải cho Út Thơm.

Một tuần lễ sau đó, Út Thơm cùng chồng và 2 con tổ chức đãi mừng Ngoại 79 tuổi và Út Thơm cùng chồng ngỏ ý đưa Bà đi nghỉ mát vùng xa… đổi gió. Bà ngập ngừng suy nghĩ nhưng vì 2 cháu năn nỉ thêm, nên miễn cưỡng bằng lòng cho gia đình được vui!

Sáng thứ bảy, cả nhà dậy sớm lo cho Bà ăn sáng, quần áo và vật dụng thường dùng. Hai cháu ngoại dìu Bà ra xe để lên đường. Ngồi trên xe khoảng 30 phút, xe dừng trước một tòa nhà lớn lao, sang trọng.

Tại đây, Bà được Bác Sĩ Mỹ khám bệnh trước khi đi chơi xa. Khám xong, Út Thơm vui vẻ bảo với Bà bác sĩ nói sức khỏe Mẹ rất tốt, ngoại trừ chỉ bị hơi lãng tai thôi! Sau đó Út Thơm dìu Bà lên phòng khách ngồi, mang cho Bà lon trà ướp lạnh, rồi bảo: “Mẹ uống nước chờ con vào trong thanh toán tiền cho Bác Sĩ, xong con trở ra chở Mẹ đi.”

Ngồi chờ suốt mấy tiếng đồng hồ, Bà sốt ruột nên đi tìm. Chẳng thấy cô Út ở đâu! Bà bắt đầu lo sợ… thì xuất hiện cô y tá người Mỹ đến nói gì Bà chẵng hiểu và dẫn Bà vào phòng ăn. Đến nơi nhưng Bà không ăn, nhìn quanh toàn là những bà Mỹ già, chẳng có người VN và cũng chẳng có ai quen.

Bà gọi tên Út Thơm… nhưng vô vọng! Bà chạy ra ngoài nhưng nhân viên trực không cho Bà đi. Bà la, khóc và nói thật nhiều nhưng chẳng ai hiểu Bà, vì Bà chưa hề biết tiếng Mỹ.

Bắt đầu từ đây, Bà phải sống với bao nhiêu cực hình mà đám y tá Mỹ trắng, Mỹ đen rất bạc đãi, đôi khi còn xô đẩy Bà nữa!

Khi tôi đến thăm thì Bà đã ở đây được 9 năm, tuổi đã 88 tuổi. Suốt 9 năm dài, Út Thơm, con gái Bà không bao giờ trở lại thăm mẹ. Con cháu Bà, tuy phòng mạch ở downtown cách nơi đây chỉ 20 phút lái xe, cũng chẳng hề thăm viếng!

Gặp chúng tôi Bà vẫn còn sáng suốt. Bà yêu cầu chúng tôi giúp cứu Bà ra khỏi trại Dưỡng Lão này, liên lạc giùm với em trai của Bà, hy vọng sẽ đưa Bà trở về quê hương. Nhưng, than ôi, chúng tôi cũng như em trai Bà tất cả phải bó tay. Vì luật của Hoa Kỳ là ai gởi Bà vào thì chính người đó mới có quyền lãnh ra. Em trai Bà là cậu ruột của Út Thơm, đã có lần đến gặp Út Thơm để yêu cầu cô lãnh Bà ra giao cho gia đình Ông nuôi. Chẳng những bị Út Thơm xua đuổi, ông cụ còn bị gia đình Út Thơm hăm gọi cảnh sát vì chen vào nội bộ gia đình cô!

Từ lúc hiểu được hoàn cảnh của Bà, chúng tôi thường dành thì giờ đến thăm Bà. Mang quà bánh biếu, Bà không ăn. Biếu tiền, Bà không nhận. Bà nói Bà tuyệt thực và cầu nguyện ơn trên cho Bà chết sớm. Từ hơn 2 năm rồi, Bác Sĩ ra lịnh bắt Bà ngồi xe lăn, nên đến nay Bà không đi đứng được nữa.

Giữa năm 1995, vì tôi bị thất nghiệp nên phải move đi tiểu bang khác. Mãi đến năm 1998, chúng tôi trở về Houston thăm Bà ta… nhưng, tiếc thay Bà đã vĩnh viễn lìa bỏ cái “địa ngục xa lạ” này, ra đi trong cô quạnh. Hết một kiếp người!

Hình ảnh bà cụ bị con cháu bỏ rơi trong viện dưỡng lão làm tôi trăn trở mãi. Mỹ quốc là một siêu cường quốc, có nền văn minh và phát triển cao nhứt thế giới, nơi có đủ thứ luật lệ bảo vệ con người. Một xứ xở tốt đẹp như thế, tại sao đạo lý lại không được quan tâm” Phải chăng đây là nơi suy tàn của đạo lý gia đình Việt Nam”

Công Cha như núi bỏ hoang!
Nghĩa Mẹ như nước lụt tràn lối đi!

Nhớ bà cụ đã mất. Thương chính thân thế gia đình mình, tôi không muốn tin điều ấy là có thực. Đành chỉ còn biết cầu mong cho các thế hệ tương lai không còn thảm cảnh này.

Santa Ana, California.
Nam Huỳnh (PHT)

From: giang pham & KimBang Nguyen


 

Điều gì đe dọa đôi Hôn phối?-Cha Vương

Chúc bạn một ngày thật ấm áp trong vòng tay yêu thương của Chúa nhé. Hãy thận trọng mặc đủ ấm khi ra ngoài nhé đừng để tay chân lạnh cóng thì nguy đó.

Cha Vương

Thứ 3: 16/01/2024

GIÁO LÝ:  Điều gì đe dọa đôi Hôn phối? Điều thực sự đe dọa đôi Hôn phối đó là tội. Điều phục hồi cho đôi hôn phối là tha thứ. Điều làm cho họ được mạnh mẽ là cầu nguyện và trông cậy vào Thiên Chúa hiện diện. (YouCat, số 264)

SUY NIỆM: Sự xung đột giữa nam và nữ trong cuộc sống lứa đôi có khi dẫn tới ghen ghét nhau, đó không phải là dấu hiệu do hai giới không thể hòa hợp nhau; cũng không phải do có khuynh hướng di truyền làm cho bất trung, hoặc là có cản trở đặc biệt về tâm lý đối với việc kết hợp để sinh sống. Thực ra, nhiều đôi vợ chồng bị đe dọa bởi thiếu đối thoại với nhau, thiếu quan tâm đến nhau. Thêm vào đó, còn có vấn đề kinh tế và xã hội nữa. Nhưng vai trò chính vẫn là tội: ghen tuông, thống trị, gây gổ, mê dâm, không trung thành, và các nhân tố phá hoại khác. Vì thế mỗi cặp vợ chồng rất cần đến tha thứ và hòa giải với nhau, nhờ bí tích Hòa giải. (YouCat, số 264 t.t.)

LẮNG NGHE: Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. (Lc 6:36-37)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, tội lỗi thuộc về bản tính yếu đuối ích kỷ của con người còn tha thứ thì thuộc về tình yêu và lòng vị tha của Thiên Chúa, xin cho các đôi vợ chồng biết nhận thức ra mối đe doạ trong đời sống hôn nhân của họ mà chạy đến Chúa để xin ơn tha thứ.

THỰC HÀNH: Mối đe doạ lớn nhất trong đời sống ơn gọi của bạn vào thời điểm này là gì? Hãy chạy đến Chúa với hết lòng trông cậy và xin ơn bền đỗ đến cùng nhé.

From: Do Dzung

YÊU TRONG TÌNH CHÚA | LM NGUYỄN SANG – HƯƠNG LAN