DÀNH CHO AI ĐÃ TỪNG ĐỔ VỠ!

 DÀNH CHO AI ĐÃ TỪNG ĐỔ VỠ!

Ở Nhật Bản, khi một cái bát bị nứt vỡ, họ dùng vàng gắn lại những mảnh vỡ để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật mới.

Người Nhật tin rằng, khi một thứ gì đó từng bị tổn thương và mang trong mình một lịch sử, nó sẽ đẹp hơn. Vì thế, thay vì vứt một cái bát vỡ đi, họ sẽ gắn lại những mảnh vỡ bằng vàng. Thay vì tìm cách che dấu đi những vết nứt vỡ, họ dùng vàng để làm chúng nổi bật lên như một cách để ca tụng và biến chúng thành điểm nhấn của cả chiếc bát.

Con người cũng vậy. Tất cả những khó khăn, thương tổn bạn đã hoặc đang phải trải qua không làm cho bạn xấu xí hơn. Bạn có quyền lựa chọn để sơn lên những thương tổn ấy của mình một lớp vàng. Bạn hoàn toàn có thể vực mình dậy và rút ra bài học từ những vấp váp ấy để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Bạn hoàn toàn có thể tự hào về những vết sẹo từ những tổn thương của mình và nói rằng: “Hãy nhìn những gì tôi đã trải qua. Nhờ chúng mà tôi trở thành tôi của ngày hôm nay. Giờ không có gì là tôi không thể vượt qua.”

Không ai có một cuộc đời hoàn hảo. Nhưng ai cũng có thể lựa chọn để sơn vàng lên những mảnh vỡ của cuộc đời mình.
Đừng hổ thẹn vì những gì đã xảy ra với bạn. Bạn càng phủ nhận và than vãn vì những gì đã xảy ra, chúng càng không giúp ích gì cho bạn.

Ngược lại, khi bạn chấp nhận và rút ra bài học từ những đổ vỡ và gắn lại chúng bằng vàng, bạn đã biến những thứ tưởng như xấu xí, vô dụng thành một một câu chuyện đẹp đẽ và đầy cảm hứng.
Có một câu nói rằng: “Mỗi cấp độ tiếp theo của cuộc đời đòi hỏi một phiên bản mới của bạn.” Và đôi khi, những mảnh vỡ là thứ cần thiết để bạn trở thành phiên bản mới tốt đẹp hơn.

Cuộc đời, rồi ai cũng từng làm vỡ đi một cái gì đó. Người ta chưa từng bị đổ vỡ nên người ta đứng đó phán xét khi thấy bạn làm vỡ đi thứ mình yêu thích. Sau này, khi trải qua những cảm giác tương tự, người ta cũng sẽ có cảm giác như bạn mà thôi.

Hãy sống cho bản thân và tự đi đến nơi mình cảm thấy hạnh phúc, hà cớ gì phải sợ người đời dèm pha, ai tốt, ai xấu theo thời gian cũng sẽ nhìn thấy rõ. Và sẽ có người bước đến, rồi bạn sẽ lại yêu, sẽ lại tìm thấy hạnh phúc… để nhận ra, đổ vỡ không có gì đáng sợ cả, vấp ngã ai mà chưa từng, đứng lên đi tiếp hay ngồi yên tại chỗ ngã than khóc mới là điều bạn cần phải chọn lựa.

Đừng vì một lần đổ vỡ mà bỏ luôn cả một đoạn đường dài phía trước, chỉ cần bạn không ngừng tìm kiếm, thì sớm muộn cũng nhìn thấy hạnh phúc đích thực mà thôi.

Chúc cho bạn biết cách gắn vàng lên từng vết nứt.

Yêu thương!Yêu thương!

From: Trương Nghĩa

NGÀY CỦA CHA

NGÀY CỦA CHA

 Rev. Ron Rolheiser, OMI

Hàng năm chúng ta đều kỷ niệm “Ngày của Cha”, ngày mà chúng ta được mời gọi để nói lên lòng biết ơn với người cha.  Đối với một số người đây là chuyện dễ dàng vì họ có một người cha tốt, đối với một số người khác, đây là điều khó khăn: Làm sao mình biết ơn người cha khi cha của mình phần lớn thời gian vắng mặt trong cuộc đời hoặc ngược đãi mình?

Đáng buồn thay, thế giới của chúng ta có quá nhiều người cha vắng mặt và ngược đãi.  Vì vậy, nhiều người trong chúng ta đi suốt cuộc đời trong cố gắng chật vật, dù vô thức, để tìm cho được thăng bằng lành mạnh giữa tự do và kỷ luật.  Thay vào đó chúng ta luôn luôn giao động giữa một bên là quá khắt khe với bản thân và một bên là quá dễ dãi với bản thân. 

Hơn nữa, nếu chúng ta có một người cha vắng mặt hoặc ngược đãi, chúng ta có khuynh hướng sống, luôn luôn đi tìm – một cách vô thức – một điều gì đó đã không được trao cho, đó là sự chấp thuận của người cha.  Điều này khiến chúng ta rụt rè, thường giận dữ, và đói khát hình ảnh một người cha. 

Nỗi đói khát này, đói khát được người cha hay một ai đó đại diện cho ông để khẳng định và chúc phúc cho mình, có lẽ đó là cơn đói sâu sắc nhất trên thế giới ngày nay, đặc biệt đối với phái nam.  Rất ít người trong cuộc đời được cha ruột hay hình ảnh một người cha khẳng định và chúc phúc.

Một người cha là như thế nào?  Các nhà nhân loại học cho chúng ta biết hình mẫu người cha có những phẩm chất này: Ông là người thu xếp để tạo trật tự, cáng đáng, nuôi sống và chúc phúc cho gia đình.  Điều đó có nghĩa gì?

Trước tiên, ông phải là cội nguồn của trật tự chứ không phải của rối loạn.  Một người cha tốt sống theo cách mà gia đình ông cảm thấy yên ổn, an toàn khi có ông bên cạnh.  Một người cha tồi, qua việc ông vắng mặt, không đáng tin cậy, hoặc ngược đãi đã làm cho gia đình cảm thấy bất ổn.  Ví dụ, người cha có gốc là rối loạn khi ông không chung thủy, nghiện rượu, hoặc đang mang một thói nghiện ngập nào đó.  Khi đó, cách hành xử của ông sẽ không lường trước được, lúc nào các con cũng đoán xem ông có về nhà hay không – nếu về thì tâm trạng của ông lúc đó sẽ như thế nào.  Dần dà, tính chất khó lường này sẽ thấm vào con cái, đến một lúc chúng cảm thấy cha mình là nguồn gốc của mất trật tự, của hỗn loạn.  Ngược lại, một người cha tốt, kể cả khi gia đình ông coi ông là chán ngắt và tẻ nhạt, sẽ làm cho gia đình cảm thấy an toàn và an ổn.

Thêm nữa, người cha tốt gánh vác gia đình hơn là đòi hỏi gia đình gánh vác ông.  Người cha tốt là người lớn, người có tuổi đáng kính, chứ không phải là anh chị em hay là một đứa trẻ (xét về hành vi) mãi mãi đòi hỏi gia đình phải gánh vác mình.  Một người cha tốt không để vấn đề và mối lo, những chuyện đau lòng và mệt mỏi của riêng mình, thành tâm điểm chú ý của cả gia đình.  Thay vào đó ông vượt lên chuyện mệt mỏi và đau lòng của riêng mình để tập trung vào những chuyện đau lòng, đau đầu của gia đình. 

Vượt lên trên điều đó, một người cha tốt nuôi dưỡng gia đình chứ không bắt gia đình nuôi dưỡng ông.  Không đòi hỏi, cho dù vi tế và vô thức, con cái phải mang lại ý nghĩa, sự hài lòng và vinh quang cho ông.  Thay vào đó ông quan tâm nhiều hơn đến việc con cái và gia đình tìm thấy được ý nghĩa, sự hài lòng và hạnh phúc trong chính cuộc đời của họ.  Những người cha người mẹ tốt nuôi dưỡng con cái mình; những người cha người mẹ tồi bắt con cái phải nuôi dưỡng mình. 

Cuối cùng, một người cha tốt khẳng định và ngưỡng mộ con cái thay vì đòi hỏi chúng khẳng định và ngưỡng mộ ông.  Một người cha tốt tỏ ra cho con thấy ông tự hào về chúng chứ không ghen ngược lại về tài năng và thành tựu của chúng.  Ông không đòi hỏi con cái nói lên lòng tự hào của chúng về ông.  Daniel Berrigan, trong cuốn tự truyện chính chắn viết hồi cuối đời, chia sẻ ông đã phải cố gắng chật vật ra sao với nhiều vấn đề trong suốt cuộc đời, đặc biệt với vấn đề thẩm quyền, vì ông thiếu lời chúc lành của người cha.  Chẳng hạn, ông thường thấy sợ không dám nói với cha tin vui là ông vừa xuất bản một cuốn sách vì sợ cha ông ghen tỵ.  Sau khi kể điều đó, ông hỏi độc giả: Có kinh ngạc gì không trước chuyện ông đã luôn ranh mãnh và nghi ngờ mọi hình bóng thẩm quyền trong suốt cuộc đời người lớn của mình?  Sự vắng bóng lời chúc lành của người cha làm cho tâm hồn của chúng ta co lại. 

Có lẽ hình ảnh này có thể giúp ích ở đây: Khi con bò mẹ sinh con, con bê non rơi ra khỏi tử cung trong tình trạng bị bó chặt, cứng đơ, toàn thân bị quấn trong bọc nhau giống như keo dính.  Nhưng Tự nhiên đã tính đến chuyện này và đã ban cho bò mẹ bản năng đúng đắn.  Ngay lập tức, bò mẹ quay ra phía sau và liếm cái bọc bó chặt đó khỏi thân bê con cho kỳ hết.  Ngay khi được liếm xong, bê con đứng dậy, dò dẫm và bắt đầu tự đi được. 

Con người chúng ta cũng sinh ra trong tình trạng tương tự.  Chúng ta cũng bước vào cuộc đời trong tình trạng bị bó chặt, nhưng trong trường hợp chúng ta, sự bó chặt không hẳn là về mặt thân thể.  Đó là sự bó chặt sâu hơn và phức tạp hơn nhiều – và cha mẹ là người xóa bỏ tình trạng đó bằng cách thu xếp để tạo trật tự, gánh vác, nuôi dưỡng và chúc lành cho chúng ta.  Không người cha nào làm được điều đó một cách hoàn hảo, nhưng nếu cha của bạn đã làm điều đó thậm chí chỉ được một nửa mức thỏa đáng, thì bạn hãy bày tỏ lòng biết ơn, và bạn nên biết là bạn được phước lành!

Rev. Ron Rolheiser, OMI

CỤ ÔNG 82 TUỔI NẮM TAY, HÔN LÊN MÁ VỢ VÀ NÓI


“Thương lắm… Thương lắm… Sáu mươi mấy năm rồi… Kiếp sau vẫn gặp nhau hen”

TÂY NINH: CỤ ÔNG 82 TUỔI NẮM TAY, HÔN LÊN MÁ VỢ VÀ NÓI: ” “Thương lắm… Thương lắm… Sáu mươi mấy năm rồi… Kiếp sau vẫn gặp nhau hen”

Đêm hôm con cháu đưa bà Thuận lên Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Bích không ngủ được, đem chiếc áo bà hay mặc ra đặt bên cạnh mình.

Đứng bên giường của vợ trước phút sinh ly tử biệt, ông Vũ Đình Bích (82 tuổi, sống tại Tây Ninh) gượng cười để nói những lời cuối với bà, dù trước đó khi hay tin bà bị “bệnh viện trả về”, ông đã như muốn ngất lịm đi. Ông Bích hôn lên má, lên trán vợ – bà Phạm Thị Thuận và nói: “Thương lắm… Thương lắm… Sáu mươi mấy năm rồi… Kiếp sau vẫn gặp nhau hen”. Rồi ông lại lau nước mắt cho bà, xoa bóp hai cánh tay để bà đỡ mỏi. Bà Thuận không nói được vì sức khỏe yếu và phải thở bình oxy liền ra dấu cho con gái tháo găng tay giúp mình. Bà muốn được nắm tay ông lần cuối. Không gian xung quanh ông bà, giữa sự ồn ào của mọi người đang phân công nhau lo hậu sự là những tiếng nấc nghẹn ngào.

Đoạn video về giây phút xúc động này được cháu ngoại của ông Bích – bà Thuận, chị Như Hảo, quay lại.

Như Hảo kể rằng ông bà mình kết hôn từ năm 1957. Ông Bích hơn bà Thuận 2 tuổi. Hôm 7/5, bà Thuận đột nhiên thấy bị đau bụng dữ dội. Ông Bích đón xe đưa bà đi cấp cứu ở Bệnh viện Tây Ninh. Bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối, đã di căn lên gan và chuyển bà lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM.

Con cháu không cho ông theo lên Sài Gòn, khi nào ổn định mới để ông lên thăm. Tối đó ở nhà, ông không ngủ được, lấy chiếc áo mà bà hay mặc ra đặt kế bên mình cho an tâm.

Ngày được thông báo rằng bà Thuận đã làm phẫu thuật xong và có thể lên thăm, ông Bích mừng ra mặt. “Ông lật đật chạy về ủi áo sơ mi cho phẳng, đi cạo râu, cắt tóc gọn gàng.. Đi dọc đường, ông mới nhớ quên đổi đôi dép khác vì ‘bà không cho ông mang dép lào. Bà thấy là la chết luôn'” – Như Hảo nhớ lại.

Còn bà Thuận, khi nghe tin ông sắp lên thăm thì cứ kêu con cháu giữ ông ở lại. Bà phải tháo răng giả khi làm phẫu thuật và không muốn ông thấy bà “xấu” như thế.

“Vậy mà hai người gặp nhau ở bệnh viện, ông cứ hỏi: ‘Bà đau không?’, ‘Bà thấy sao?’… Ông lên thăm bà rồi không chịu về, đuổi con cháu về hết để mình ông lo cho bà thôi. Trời thì nóng, bệnh viện quá tải, ông cứ đứng quạt tay cho bà suốt. Bà muốn gì, ông cũng chiều theo ý bà luôn”, chị Hảo kể.

Sớm ngày 18/5, tình hình của bà Thuận chuyển biến xấu. Bác sĩ thông báo gia đình đưa bà về và thời gian còn lại của bà không được một ngày. Ông Bích sau phút “tưởng như ngất lịm theo bà” lại là người mạnh mẽ hơn cả. Ông ở bên cạnh chăm bà tới phút cuối cùng và không quên căn dặn con cháu nhìn ông bà làm gương mà yêu thương vợ, chồng mình. Chỉ sau khi bà Thuận ra đi vào lúc 6h27 cùng ngày, ông Bích mới thẫn thờ như người mất hồn.

“Mấy hôm nay, ông cứ ngồi trước bàn thờ tâm sự với bà. Lúc trước, ông bà ở riêng với nhau, không thích sống chung với ai hết. Giờ bà mất đi, dì thứ hai rước ông lên để chăm sóc. Nhà của ông bà nhờ người khác trông nom nhưng ông nhất quyết không cho thay đổi bất kỳ đồ đạc nào trong nhà. Ông bảo vì đó là kỷ niệm của hai vợ chồng. Chỗ bà để thuốc, để mũ ở đâu phải giữ nguyên như thế để ông nhìn đâu cũng thấy bà”, Như Hảo nói.

Mượn câu chuyện của ông bà mình, cô gái đang sinh sống tại TP HCM giãi bày tâm tư: “Cả một đời người mong ước gì nhiều đâu, chỉ cần đến cuối đời vẫn có người yêu thương mình như vậy là đủ”.

Ảnh: NVCC

Song Giang

https://www.facebook.com/MyPhamNhatKimAnhLauraSunshines/videos/348617675858974/-

Báo vnexpress đưa tin

Trớ trêu gặp phải người đàn ông không có khả năng yêu.

Trớ trêu gặp phải người đàn ông không có khả năng yêu.

 Để biết một người đàn ông có thể đem lại hạnh phúc cho bạn thế nào, quan trọng nhất là bạn phải xem người đó có khả năng yêu một người phụ nữ không?

Chữ “yêu” ở đây được hiểu là muốn ở bên người đó mãi mãi để chăm sóc và yêu thương nhau. Nó là sự hiến dâng cho một người khác, và người đó trở nên thiêng liêng với bạn.

Nhưng trên đời có những đàn ông không cảm thấy cảm xúc này, nói khác đi họ không biết yêu. Có thể họ cũng có bạn gái, cũng kết hôn, cũng quan hệ tình dục và sinh con đẻ cái, nhưng cuộc sống của họ vẫn là một người không có khả năng yêu. Xin liệt kê dưới đây những dấu hiệu để bạn nhận biết người đàn ông này.

Những anh chàng luôn cần… mẹ!

Đó là những anh đang tìm kiếm một người nấu nướng cho họ ăn, giặt quần áo cho họ, nói tóm lại là họ muốn được nuông chiều. Không ít bà mẹ trên thế gian này thể hiện tình yêu con bằng cách đó. Cậu con trai yêu quý của bà chỉ có nhận và nhận không giới hạn. Bà quên không dạy con biết chăm sóc người phụ nữ của nó sau này. Bà cũng quên dạy con trai cách nấu nướng, cách làm các việc trong nhà và đừng chỉ chờ đợi người khác phục vụ mình.

Những đàn ông chỉ nghĩ đến… cái tôi!

Họ chỉ nghĩ đến cuộc sống của họ, sở thích của họ, bạn bè của họ, tham vọng của họ, con cái của họ… còn người phụ nữ của họ dường như họ quên.

Họ nghĩ đàn ông được sinh ra để điều hành thế giới và hiến dâng cuộc sống của mình cho các hoạt động chuyên môn. Về đến nhà, anh ta lúc nào cũng phải nghiêm khắc để thực hiện vai trò của người cha với các con, cho nên họ quên rằng họ có một người phụ nữ sống cùng. Họ có thể nhớ ở lại làm thêm giờ ở cơ quan khi công việc quá nhiều. Họ có thể nhớ khi tan sở còn phải đi gặp mấy ông bạn đã hẹn uống bia và họ quên là vợ đang ngồi bên mâm cơm đợi ở nhà.

Những đàn ông chỉ lo nhiệm vụ

Hình ảnh người đàn ông tập trung cống hiến cho sự nghiệp là một hình ảnh đáng ngưỡng mộ. Nhưng đôi khi họ đi quá đà. Họ thăng tiến hết vị trí này đến vị trí khác. Họ là những doanh nhân mải miết với các chuyến đi ra Bắc vào Nam và mất tầm nhìn về người vợ ở nhà. Đến lúc sắp từ giã cuộc đời họ mới ngộ ra cả cuộc đời ta, ta không bỏ lỡ một cơ hội nào để thăng tiến nhưng ta đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội để … hạnh phúc.

Những đàn ông chỉ thích bạn bè

Không ít đàn ông sẵn sàng ưu tiên hàng đầu cho việc đi gặp bạn bè. Họ nhớ quãng thời gian tuyệt vời khi còn sống độc thân và chỉ muốn tiếp tục cuộc sống đó. Đôi khi họ biến vợ thành một trong những “bạn trai” của họ, nhưng điều này không kéo dài, sau đó họ lại trở về với đám bạn của họ. Những đàn ông này không bao giờ nhận ra rằng họ chưa đủ trưởng thành để làm chồng, làm cha.

Những đàn ông sợ sự thân mật

Có những đàn ông thường gặp khó khăn khi muốn thể hiện sự thân mật, đặc biệt là trong quan hệ vợ chồng. Dường như những cử chỉ âu yếm hay lời nói ngọt ngào không có trong vốn từ của họ. Họ không bao giờ khen vợ một câu hay có một cử chỉ âu yếm trước khi ra khỏi nhà. Những đàn ông này cần phải học để trở thành một người bình thường.

Những đàn ông chỉ muốn điều khiển

Có những đàn ông chỉ thích chỉ huy người khác, không được thi giận dỗi như thời thơ ấu của họ. Họ muốn tất cả mọi thứ và ngay bây giờ, nếu không họ nổi giận. Họ chỉ biết chê trách vợ giống như với nhân viên của họ tại nơi làm việc. Sống với họ khó hạnh phúc vì không ai có thể làm họ hài lòng.

Những người không nhận thức được mình là đàn ông

Họ suy bì với phụ nữ và chỉ muốn phụ nữ phục vụ họ cho đến khi họ không nhớ mình là đàn ông nữa. Họ chuyển thành phụ nữ và chỉ muốn được người khác chăm sóc, chiều chuộng mình và mất cảm giác là một người đàn ông. Họ chỉ sợ thiệt với phụ nữ, nam tính biến mất và mối quan hệ trở nên khó chịu.

Bất hạnh thay nếu bạn làm vợ một người đàn ông không biết yêu. Cho dù họ thành đạt và giàu có nhưng họ không phải là người chồng mà bạn mong đợi. Cuộc hôn nhân của bạn dù đầy đủ về vật chất vẫn có một cái gì hụt hẫng bởi vì đơn giản là chồng bạn không có khả năng yêu.

From: TU-PHUNG

Ngày chia tay ở sân bay, người cha già nói với con gái chuẩn bị ra nước ngoài: ‘Ba chúc con đủ’.

 Ngày chia tay ở sân bay, người cha già nói với con gái chuẩn bị ra nước ngoài: ‘Ba chúc con đủ’.

Mỗi khi phải trải qua một thử thách khó khăn trong cuộc sống, tôi thường ra sân bay thành phố nhìn mọi người nói lời “tạm biệt”, để thấy rằng mình vẫn hạnh phúc khi không phải chia tay những người thân yêu. Khi thấy mọi người bịn rịn, níu kéo nhau và khóc… tôi cảm thấy mình vẫn còn rất nhiều thứ quý giá.

Có một lần, tôi tình cờ được chứng kiến cuộc chia ly của hai cha con nọ. Những hình ảnh bên nhau trong những giây phút cuối cùng của họ vẫn in sâu trong tâm trí tôi cho đến tận bây giờ.

Khi ấy, người cha – một người đàn ông đã già nua với mái tóc bạc trắng và bàn tay run rẩy ôm chặt cô con gái bé nhỏ của mình:

– Ba yêu con. Ba chúc con đủ.

Cô con gái – có lẽ đã ngoài 30 khẽ mỉm cười đáp lại cha:

– Ba ạ, con cũng yêu ba lắm. Và con cũng chúc ba đủ.

Ba yêu con. Ba chúc con đủ. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Rồi cô con gái đi. Cứ được mấy bước lại thấy cô quay đầu lại vẫy tay chào cha mình. Người cha cứ đứng nhìn theo. Cho đến khi con gái đi khuất hẳn, tôi vẫn thấy ông đứng trân trân ở đó, đôi mắt nhoè đi. Có lẽ ông ấy muốn khóc và cần khóc. Tôi lại gần nhưng không muốn xen vào giây phút riêng tư của ông nên đành im lặng không nói gì. Bỗng ông quay sang chào tôi, rồi nói:

– Đã bao giờ anh nói tạm biệt với một người và biết rằng có thể mãi mãi không gặp nữa chưa?

– Xin lỗi ông cho tôi hỏi, có phải ông vừa vĩnh biệt với con gái? Tại sao vậy?

– Tôi già rồi mà con tôi sống cách tôi đến nửa vòng trái đất…

Người cha trầm ngâm một hồi rồi nói tiếp:

– Tôi biết, lần sau khi nó quay về đây, có thể tôi đã mất.

Cổ họng bỗng có gì đó nghèn nghẹn, tôi cố gắng tiếp tục câu chuyện với ông một cách bình thường:

– Khi tạm biệt con gái, tôi đã nghe ông nói: “Ba chúc con đủ”. Tôi có thể hỏi điều đó có nghĩa là gì không?”

Người cha già mỉm cười:

– Đó là lời chúc “gia truyền” của gia đình tôi, đã qua nhiều thế hệ rồi.

Nói đoạn ông dừng lại, ngước lên cao như thể cố nhớ lại từng chi tiết và ông cười tươi hơn.

– Khi tôi nói: “Ba chúc con đủ”, tôi muốn chúc con gái tôi có cuộc sống đủ những điều tốt đẹp và duy trì được nó.

 

Ba muốn chúc con có cuộc sống đủ những điều tốt đẹp và duy trì được nó. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Rồi ông lẩm nhẩm đọc:

Ba chúc con đủ ánh sáng mặt trời để giữ cho tâm hồn trong sáng.

Ba chúc con đủ hạnh phúc để giữ cho tinh thần luôn sống.

Ba chúc con đủ những nỗi đau để biết yêu quý cả những niềm vui nhỏ nhất.

Ba chúc con đủ những gì con muốn để biết hài lòng với cuộc sống.

Ba chúc con đủ mất mát để biết trân quý những gì đang có.

Ba chúc con đủ buồn đau để biết thế nào là hạnh phúc

Ba chúc con đủ mạnh mẽ để chiến thắng những giây phút yếu đuối

Ba chúc con đủ lạnh lẽo để biết thế nào là ấm áp

Ba chúc con đủ nhút nhát để biết thế nào là tự tin 

Ba chúc con đủ bất hạnh để biết rằng may mắn vẫn ở quanh mình.

Ba chúc con đủ bản lĩnh để có thể đối mặt với những thử thách phía trước

Ba chúc con đủ hạnh phúc trọn vẹn để biết thương những người không hạnh phúc như con

Và…

Ba chúc con đủ lời chào để có thể vượt qua được lời “tạm biệt” cuối cùng.

Cuối cùng ông khóc và quay lưng bước đi.

Tôi nói với theo:

– Thưa ông, tôi chúc ông đủ.

Và tôi cũng chúc các bạn đủ.

From: TU PHUNG 

Ở ĐỜI CHẲNG CÓ AI SINH RA ĐÃ HỢP NHAU, CHỈ LÀ VÌ YÊU MÀ CHẤP NHẬN THAY ĐỔI

Ở ĐỜI CHẲNG CÓ AI SINH RA ĐÃ HỢP NHAU, CHỈ LÀ VÌ YÊU MÀ CHẤP NHẬN THAY ĐỔI

 Hạnh Nguyên 

 Thậm chí, chính bản thân chúng ta đôi khi cũng không hiểu được con người của mình thì cớ làm sao ai cũng mải miết dành cả thanh xuân, dành trọn một đời để đi tìm một người hiểu mình thực sự?

Lý do mà mọi người thường lấy ra để bao biện cho tình yêu của mình khi kết thúc thường là “hai đứa không hợp nhau”. Khi mâu thuẫn, cãi cọ dẫn đến chia tay thì đa phần là do cái tôi của mỗi người quá lớn. Chúng ta phải luôn nhớ rằng, để tìm ra và đến được với nhau trên thế giới gần 8 tỉ người này không phải là một điều dễ dàng gì. Thế nhưng vào một ngày đẹp trời, cả hai cảm thấy chán nản, quay ra kêu không hợp, không thể nhường nhịn cũng chẳng thể vì nhau mà sống tiếp, thế là có khoảng cách, càng ngày càng xa dần. Chia tay là điều hiển nhiên…

Cha mẹ sinh con trời sinh tính, các cụ ta đã nói như vậy. Ý bởi chính những người là cha mẹ sinh ra chúng ta đôi khi cũng không thể nào hiểu hết được con cái. Thậm chí là chính chúng ta có lúc cũng không hiểu được con người của mình vậy mà ai cũng mải miết dành cả thanh xuân, dành cả cuộc đời để đi tìm một người hiểu mình thực sự… Có chăng, là người ta vì yêu nhau mà cố gắng, vì yêu nhau mà tự hoàn thiện bản thân. Vừa mắt ta thì ra mắt người, miễn là mình thấy mình ổn, đối phương cũng thấy mình ổn, vậy là chấp nhận lẫn nhau thôi.

Một khi đã yêu nhau, hẳn sẽ biết người mình yêu có những điều tốt, cũng có những điểm chưa tốt. Những ngày đầu, chúng ta háo hức ùa vào cuộc đời nhau, bất chấp bỏ qua hết những điều từ nhỏ nhặt đến to to. Không kêu than, không oán thán nửa lời, bởi vì chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của tình yêu.

Chỉ có điều, khi thời gian trôi qua, mọi đường đi lối về đều đã thông tỏ, con người ta bắt đầu có xu hướng chán chường. Tình yêu lúc này, nếu không chăm sóc cẩn thận, nếu không vun đắp và tưới tắm như một cái cây non đang chờ lớn thì dễ bề chết yểu. 

Nhiều người vẫn thường trách móc tại sao tình yêu, hôn nhân của mình lại trải qua nhiều sóng gió đến như vậy. Nhìn những cặp đôi khác yêu trong yên bình mà thấy ghen tỵ. Phải chăng, đó chỉ là sự nhìn nhận chủ quan. Đằng sau sự yên bình đó biết đâu họ cũng mâu thuẫn, cũng cãi vã giận hờn. Thế nhưng, họ biết đâu là điểm dừng, học cách tha thứ cũng như vì nhau mà cố gắng. Và sau mỗi lần cãi vã ấy lại khiến cho cả hai hiểu nhau hơn. 

Một khi hết yêu, thì người có làm gì cũng không khiến bạn vừa lòng. Người ta tốt với bạn thì bạn thấy phiền, người ta giữ khoảng cách cho bạn bình yên thì bạn lại cho rằng hờ hững vô tâm. Và đáng buồn hơn nữa là khi tình yêu trong tim đã lụi tàn, một nụ hồng mới lại chớm nở, bạn càng có lý do để rút lui khỏi cuộc tình đã cũ.

Trên đời này cay đắng nhất không phải là phải đón nghe một lời chia tay. Mà cay đắng nhất là chia tay nhưng không được nghe lấy một lý do chính đáng. Hãy chia tay chỉ vì hết yêu, chứ đừng bao biện rằng chia tay vì “không hợp”. Thốt ra cái từ “không hợp”, bạn có tự thấy hổ thẹn với bản thân mình lắm không?

Tình yêu muốn bền vững thì cả hai phải biết thu hẹp cái tôi cá nhân của nhau lại. Mỗi người vì nhau, nhường nhịn nhau một chút. Chẳng phải cả hai đã có thể bỏ qua rất nhiều chuyện để đến được với nhau hay sao. Vậy thì việc bản thân vì người kia mà chấp nhận thiệt thòi một chút, thay đổi mình một chút thì cũng chẳng có chuyện gì là quá to tát hết cả.

Không ai sinh ra là hợp nhau, chỉ là vì nhau mà thay đổi. Nếu tìm ra và gặp nhau giữa cuộc đời này là định mệnh thì hãy vì nhau mà trân trọng. Bởi vì cuộc sống này vốn dĩ không hề hoàn hảo. Mọi thứ chỉ hoàn hảo khi biết chấp nhận và bỏ qua mà thôi. 

 Hôn nhân tốt là học được cách khoan dung cho sự không hoàn hảo của bạn đời

 Hôn nhân tốt là học được cách khoan dung cho sự không hoàn hảo của bạn đời

Yêu đương nhiều năm, không bằng kết hôn một năm có thể biết hết tính cách của người bạn đời. Sau khi kết hôn, hai người dần tiết lộ ‘màu sắc’ thật của mình…

Cô con gái của người hàng xóm sắp kết hôn, bố mẹ cô ấy có mối quan hệ tốt với tôi, muốn tôi có thể dặn dò cô ấy mấy điều. Tôi là người chứng kiến cô bé dần dần trưởng thành. Cô bé là một người con gái thiện lương, tính cách ngay thẳng, những việc nhỏ có chút hồ đồ, nhưng việc lớn tuyệt không thể ngớ ngẩn. Chàng trai hôn phu kia là một anh chàng thông minh, cũng giống như cô gái, có tính cách đơn giản.

Hai người là bạn cùng lớp đại học, trải qua những năm này, cũng chịu đựng thử thách của tình yêu, trải qua nỗi đau chia tay. Cho đến hôm nay, 6 năm sau, tựa như đưa tay làm tan mây thấy ánh trăng, cuối cùng cũng kết thúc tình yêu đường dài và chuẩn bị bước vào cung điện hôn nhân.

Các bạn trẻ sẽ biết rằng hoàng tử và công chúa bước vào cung điện hôn nhân, không phải là kết thúc của câu chuyện, mà là khởi đầu của một hành trình khác.

Phải trải qua ‘năm cửa ải, chém sáu tướng’ trên con đường dài mới đi đến bến bờ bên kia của hạnh phúc.

Yêu đương nhiều năm, không bằng kết hôn một năm có thể biết hết tính cách của người bạn đời. Sau khi kết hôn, hai người dần tiết lộ ‘màu sắc’ thật của mình.

Chàng không còn là hoàng tử hào hoa, áo quần bảnh bao là lượt, nàng không còn là cô công chúa dịu hiền xúng xính váy áo mà có thể là một người nóng nảy, không thích làm việc nhà…

Nếu có sự chênh lệch như rơi từ độ cao vạn trượng như vậy, chúng ta nên cân bằng như thế nào?

Đêm đó, tôi suy nghĩ về điều đó, và muốn nhắn gửi cho cô cháu gái kia một lời khuyên:Một cuộc hôn nhân tốt đẹp, là khoan dung với sự không hoàn hảo của đối phương.

Không biết cô gái có hiểu điều tôi muốn nhắn gửi hay không.

Ai chẳng muốn có một cuộc hôn nhân hoàn hảo?

Nhưng trên đời nào có người bạn đời và cuộc hôn nhân hoàn hảo như thế? Nếu có thì cũng chỉ là ‘một mắt nhắm một mắt mở’ giả ngốc mà thôi.

Vậy nên, có thể bình thản ung dung, tìm lấy điểm chung, gác lại mọi sự bất đồng, mới có được sự bình an vô sự của hôn nhân.

Từ từ đối diện với bản thân và chấp nhận cuộc hôn nhân không hoàn hảo, chấp nhận một người bạn đồng hành không hoàn hảo.

Bao nhiêu cay đắng, bao nhiêu ngọt bùi, cùng bao nhiêu cãi vã và mâu thuẫn… đều đã trải qua rồi. Cả chồng và vợ đều đã trưởng thành hơn rất nhiều. Khi này mới biết cảm ơn nhân duyên và số phận đã cho ta là bạn đời của nhau.

Giữa vợ chồng với nhau, ngoài tình nghĩa thì còn có duyên nợ. (Ảnh minh họa: goalcast.com)

Hôn nhân, chia thành nửa đầu và nửa cuối

Khi còn trẻ, đó là nửa đầu.

Trong nửa đầu, sẽ có nhiều hơn những xung đột phát sinh: mâu thuẫn với bạn đời, mâu thuẫn trong cách dạy con, mâu thuẫn với mẹ chồng, thậm chí xuất hiện người thứ ba… Khi này, ‘tinh thần tranh đấu’ của của cả chồng và vợ đều rất cao. Khi chiến tranh nổ ra, không gì khác hơn là cướp bóc chiếm hữu đất đai, ai cũng muốn giành phần thắng về mình.

Cuộc sống không ai sẽ luôn suôn sẻ, luôn có những va chạm và thất bại, luôn có những câu chuyện xảy ra, và tất cả là để thử thách lòng người.

Chúng ta có thể vấp ngã nhưng rồi vội vàng đứng dậy để đi đến nửa sau của hôn nhân.

Sau tuổi trung niên, đó là nửa thứ hai

Nửa sau của hôn nhân chủ yếu là đối mặt với những thử thách lớn hơn, ví dụ, với bệnh tật, với đủ thứ tai nạn, với tuổi già…

Tình yêu vào lúc này đến thật chân thực và vô thức.

Nhắm mắt làm ngơ trước những thiếu sót của bạn đời, sau đó, đối phương thực sự trở thành nửa kia gắn bó với phần còn lại của bạn.

Do đó, khi con người đến tuổi trung niên, họ sẽ dần phát triển trí tuệ của hôn nhân. Họ biết thay đổi và chấp nhận những thiếu sót của người bạn đời ở bên cạnh mình. Từ đó họ chăm sóc, bên nhau sớm tối không một chút kêu ca oán thán.

Sau tuổi trung niên vợ chồng lúc này đối với nhiều thứ sẽ không còn nặng nề nữa, tình yêu đến thật chân thực và vô thức. (Ảnh minh họa: kamzakrasou.sk)

***

Sớm hay muộn mọi người sẽ hiểu rằng hầu hết chúng ta đều không hoàn hảo. Tất cả đều có khiếm khuyết, chúng đều mong manh, chúng không hoàn hảo, chúng rất tầm thường.

Nhân duyên đưa hai người đến với nhau, và xây dựng nên một nơi gọi là “Nhà”. Với một người hoàn toàn xa lạ, họ đã yêu thương và sưởi ấm cho nhau.

Bạn càng sớm biết tha thứ, khoan dung đối phương, bạn sẽ càng sớm có được hạnh phúc.

Tình yêu dẫu thật đẹp, nhưng hôn nhân cũng không dễ dàng.

Hôn nhân là một tòa thành, bên trong có chiến hữu đồng minh của bạn.

Hôn nhân là một hợp đồng giấy, và bên kia là đối tác của bạn, người được giao phó cho bạn.

Vì có cơ hội đến với nhau, hãy chắc chắn rằng sẽ học cách tha thứ cho sự không hoàn hảo của người ấy.

Khi bạn không may ‘say nắng’ người khác, cảm thấy chán nản và muốn từ bỏ người bạn đời, lúc này hãy tự hỏi: Bạn có hoàn hảo hay không?

Khi giận, đừng ngại nhìn lại khuyết điểm của chính mình. Nên nhớ rằng, người ấy đã ở bên cạnh mình, cùng trải qua bao nhiêu khó khăn thử thách, coi như người ấy cho bạn “vay mượn tình yêu”. Vậy thì giờ đây, điều bạn phải trả là lãi suất cao gấp bội. Vậy sao còn nghĩ đến hai từ “Chia tay”?

Những ai hạnh phúc trong hôn nhân cuối cùng sẽ hiểu rằng:

Thỏa hiệp không phải là thừa nhận thất bại, mà là nhận ra bản chất sáng suốt, rộng mở của cuộc sống.

Tha thứ không phải là hèn nhát, mà là sự can đảm và lòng trắc ẩn sau khi đọc được ý nghĩa của cuộc đời.

Một cuộc hôn nhân tốt đẹp, là khoan dung với sự không hoàn hảo của đối phương. Vợ có phẩm chất, chồng có khuôn mẫu, dẫu kết hôn nhiều năm, vợ chồng vẫn mãi yêu thương nhau!

From: TU PHUNG 

PHỤ NỮ NGU NGỐC VÀ PHỤ NỮ THÔNG MINH

PHỤ NỮ NGU NGỐC VÀ PHỤ NỮ THÔNG MINH

  1. Phụ nữ ngu ngốc chăm chăm vào khuyết điểm của đàn ông.
    Phụ nữ thông minh tán thưởng ưu điểm của đàn ông.
  2. Phụ nữ ngu ngốc cãi nhau với đàn ông mọi lúc mọi nơi, khiến cho đàn ông mất mặt.
    Phụ nữ thông minh giữ thể diện cho đàn ông trước mặt người ngoài.
  3. Phụ nữ ngu ngốc không ngừng bới móc quá khứ.
    Phụ nữ thông minh cùng đàn ông tạo dựng tương lai.

4.Phụ nữ ngu ngốc hạ thấp đàn ông. Cô ta quên rằng hạ thấp đàn ông cũng chính là hạ thấp bản thân.
Phụ nữ thông minh tán thưởng đàn ông. Cô ta hiểu rằng tán thưởng đàn ông cũng chính là tán thưởng bản thân.

  1. Phụ nữ ngu ngốc tự cho mình nhìn thấy bản chất đàn ông.
    Phụ nữ thông minh sẵn lòng thông cảm tha thứ cho đàn ông.
  2. Phụ nữ ngu ngốc sẽ nói: “Anh cút đi”!
    Phụ nữ thông minh sẽ nói: “Anh không được phép rời bỏ em”!
  3. Phụ nữ ngu ngốc xem đàn ông như cung tên, kéo càng căng, mũi tên bay càng xa.
    Phụ nữ thông minh xem đàn ông như cánh diều, thong thả giữ lấy dây diều trong tay.
  4. Phụ nữ ngu ngốc quá đề cao cái tôi của mình.
    Phụ nữ thông minh khôn khéo gửi gắm và dựa dẫm.
  5. Phụ nữ ngu ngốc không rời đàn ông nửa bước.
    Phụ nữ thông minh hiểu được lúc gần lúc xa.
  6. Phụ nữ ngu ngốc chỉ biết giặt giũ nấu ăn, nhưng quên mất làm đẹp bản thân.
    Phụ nữ thông minh cũng biết giặt giũ nấu ăn, nhưng không quên làm đẹp bản thân.
  7. Phụ nữ ngu ngốc mang đến cho đàn ông áp lực và kìm nén.
    Phụ nữ thông minh đem đến cho đàn ông động lực và hứng thú.
  8. Phụ nữ ngu ngốc khiến đàn ông thất bại trong những giọt nước mắt của cô ta.
    Phụ nữ thông minh khiến đàn ông thành công trong nụ cười rạng rỡ của cô ta.
  9. Phụ nữ ngu ngốc đả kích đàn ông.
    Phụ nữ thông minh cổ vũ đàn ông.
  10. Phụ nữ ngu ngốc là luôn thể hiện mình thông minh trước đàn ông.
    Phụ nữ thông minh nhiều khi biết giấu đi sự thông minh trước đàn ông.
  11. Phụ nữ ngu ngốc đọc xong và bĩu môi.
    Phụ nữ thông minh đọc xong mỉm cười và like.                                                     Minh Hà                                                                                                                          From Truong Le

Xin quý nương nhường 1 bước!

Xin quý nương nhường 1 bước!

 

Tác giả Laura Doyle. (Hình:lauradoyle.org)

Muốn bảo vệ hạnh phúc trong hôn nhân, xin quý bà hãy nhường lui một bước!

The Surrendered Wife (Người Vợ Hàng Phục) của tác giả Laura Doyle là một cuốn sách bestseller bán chạy nhất. Ngay chỉ trong tháng đầu tiên, số bán đã đạt con số 100,000 bản. Đây là một quyển sách độc đáo bàn về cách bảo vệ hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng.

Với tác phẩm The Surrendered Wife, hơn 150,000 phụ nữ tin rằng họ không những cứu vãn được mối quan hệ vợ chồng, mà cá nhân họ còn được trân trọng và ngưỡng mộ suốt đời. Báo chí và các đài truyền hình quan trọng Hoa Kỳ đều hết lời ca tụng tác phẩm của Laura Doyle.

Laura Doyle là một tác giả có sách bán chạy nhất của New York Times. Sách của bà đã được dịch ra 28 thứ tiếng ở 27 quốc gia. Tác giả là người đã sáng lập ra “Laura Doyle Connect,” một công ty huấn luyện quốc tế, huấn luyện cho phụ nữ những khả năng hầu đưa đến những mối quan hệ dịu dàng, say đắm.

Bà Laura Doyle đã xuất hiện CBS News, Dateline NBC, The Today Show, Good Morning America và The View. Bà đã có bài in trên The Huffington Post, Tạp chí Phố Wall, Thời Báo New York, Thời Báo Los Angeles, The Washington Post, The London Telegraph và là cây bút thường xuyên của The Huffington Post. Laura Doyle hiện sống ở New Port Beach, California, có cuộc hôn nhân dài 26 năm với chồng là John Doyle.

Nguyên nhân ra đời của tác phẩm “Người Vợ Hàng Phục”

Bà Laura Doyle thú nhận là từ khi lấy chồng lúc 22 tuổi, bà đã có thói quen thường xuyên kiểm soát chồng một cách gắt gao, không ngớt ra lệnh, chỉ trích, gắt gỏng, nói xỏ xiên, bới móc những chuyện nhỏ nhặt của chồng, hạ nhục ông chồng về bất cứ sự sơ suất nào, xem chồng như một đứa trẻ, nếu ông ta làm không đúng như ý bà.

Vì vậy, càng ngày giữa hai người càng có khuynh hướng xa cách. Vợ chồng không còn những mối tương quan đằm thắm thuở ban đầu, họ mất dần đi sự đồng cảm, tình yêu giữa vợ chồng càng ngày càng phai nhạt. Mới 4 năm, từ một đôi vợ chồng hạnh phúc, cả hai bên hầu như đều chán nhau và chuyện ly dị chắc chắn sẽ đến với họ một ngày không xa.

Thay vì dễ dàng ra tòa để xé tờ hôn thú, Laura Doyle bỗng quyết tâm thay đổi lại cách sống, hy vọng làm mọi cách để cứu vãn hạnh phúc gia đình mình. Bà theo những khóa tâm lý trị liệu, học hỏi qua sách vở, đi tìm nguyên nhân sự đỗ vỡ, xa cách. Bà tiếp xúc với những cặp vợ chồng thật sự gắn bó yêu thương nhau và đang có cuộc sống hạnh phúc để học hỏi cách đối xử, ngôn ngữ và tình yêu, kinh nghiệm từ nơi họ. Bà ghi nhớ và học hỏi kinh nghiệm, những gì có thể hàn gắn sự đổ vỡ của vợ chồng bà. Cuối cùng, là Laura Doyle đã cứu vãn được hạnh phúc của mình.

Bà muốn đem những kinh nghiệm và bài học hôn nhân của mình, việc sửa đổi lối sống của mình, viết thành sách để giúp bạn bè của mình, những người đã trải qua hoàn cảnh của mình không tìm ra lối thoát.

Xích lại gần nhau và bỏ bớt cái tôi của mình

Phải chăng tăng trưởng theo nữ quyền trong xã hội, người phụ nữ trong gia đình càng ngày càng lấn lướt, khống chế, kiểm soát chồng trên mọi phương diện.

Bà Laura Doyle đã quyết định chấm dứt giai đoạn “gà mái đá gà cồ,” bỏ thời hoạnh họe, thống trị, coi chồng như tôi tớ, hiếp đáp, xỏ mũi chồng như trước?

Laura Doyle đề cao sự quay trở về nguồn với những giá trị đạo đức ngày xưa trong đời sống lứa đôi. Chồng là người chỉ huy và vợ là người tuân hành, kiểu “phu xướng, phụ tùy của Đông phương.

Từ bỏ vai trò một người phụ nữ trí thức, cấp tiến, thích chỉ huy, ra lệnh, kiểm soát, thống trị, coi thường và sai khiến chồng thẳng tay, “xem chồng như tấm thảm chùi chân- doormat” ngoài ngạch cửa, nay thì Laura Doyle đã tự nhìn nhận trở thành một người biết ăn năn hối cải, trở thành một người vợ hiền lành, nhu mì. Bà hồi tâm và đã thấy tránh vợ chồng đi đến chỗ đổ vỡ hạnh phúc gia đình, chỉ có một cách duy nhất là mình, chính mình, cần phải thay đổi cách cư xử với chồng, mềm mỏng, lắng nghe, bỏ quyền chỉ huy và trở thành một người vợ yếu đuối, cần che chở, được chồng quý mến.

Từ đó, cả hai người đều cảm thấy hạnh phúc bên nhau. Chồng bà, sau một thời gian, trở nên vui vẻ tự tin trở lại, và bắt đầu quan tâm đến trách nhiệm gia đình, thương yêu, trân trọng bà hơn. Riêng bà cũng thấy lòng thấy thanh thản, hạnh phúc hơn xưa. Được như vậy, chính nhờ bà đã biết thay đổi cách suy nghĩ, thái độ và biết cách ứng xử tốt đẹp với chồng.

Theo sự suy nghĩ của Laura Doyle, bà đã ngộ ra chân lý: phải tự mình thay đổi chính bản thân mình chớ đừng mong đợi hay bắt buộc sự thay đổi ở người khác.

Bà tự xem mình là một người vợ biết hàng phục và quyết định chia xẻ những kinh nghiệm này cho tất cả chị em phụ nữ đang mấp mé bên vực thẳm ly dị, đổ vỡ của gia đình, qua tác phẩm “The Surrendered Wife.”

Người phụ nữ lội ngược dòng

Trong thời đại nữ quyền đang được đề cao, người phụ nữ đã ra khỏi cánh cửa gia đình, bước vào xã hội, đang giữ các chức vụ lãnh đạo đất nước như Tổng thống, Thủ Tướng… ở trong gia đình thì chưa biết ai thuần phục ai, ý tưởng của Laura Doyle hình như quá ngược dòng và quá mới lạ đã làm nhiều người bàng hoàng và sửng sốt, chưa nói đến thái độ tức giận của giới phụ nữ cánh “Nữ Quyền” thì đả kích và chống đối hết lời “The Surrendered Wife.”

Tác giả đã đi khắp nước Mỹ để tổ chức những nhóm học tập workshop, seminar, những buổi hội thảo, quảng bá những ý kiến mới, lập ra những hội đoàn các người vợ hàng phục để trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau về cách bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Bà Laura đã đưa ra thái độ “hàng phục” cần thiết cho những người vợ, nhưng không biết liệu quý bà có chịu cho không?

– Biết kính trọng chồng.

– Ngoan ngoãn vâng lời chồng bất cứ việc gì từ nhỏ đến việc lớn.

– Không bao giờ ngắt lời, hay gắt gỏng với chồng.

– Không tìm cách hạ thấp phẩm giá của chồng bằng cách kiểm soát, ăn hiếp, xài xể, cằn nhằn, nặng lời với chồng.

– Không còn tìm cách kiểm soát chồng (nhiều bà lục cả ví tiền, thư tín, kiểm soát chi thu của chồng, ghi số milleage xe hơi của chồng.)

– Đối xử với chồng như một người trưởng thành, không xem ông như là một đứa trẻ con.

– Để cho chồng mình được tự do lựa chọn quần áo, cà vạt, giày dép.. theo ý ông, cũng không ép buộc chồng phải ăn uống như ý mình muốn.

– Đừng đóng vai trò tài xế phụ băng sau (backseat driver) để chỉ trích, chê bai, phê phán cách lái xe của chồng.

– Phải tin tưởng chồng về bất cứ chuyện gì, từ vụ sex đến việc quản lý tài chánh gia đình.

– Hãy chiều chồng, cả nể khi cần cho chồng vui lòng.

Trong các cuộc mạn đàm, hội thảo trên truyền hình, phát thanh, tác giả “The Surrendered Wife” khuyên những người vợ:

– Dành nhiều thời gian để vợ chồng vui sống, ngưng tranh chấp, cãi cọ, gây lộn, cằn nhằn, về ba cái vụ tiền bạc.

– Nên dịu dàng bày tỏ những điều mình mong muốn với chồng.

– Tạo ra những cơ hội tiếp xúc lãng mạn với chồng.

– Đừng ôm hết mọi việc vào mình, chia sẻ với chồng nhiệm vụ dạy dỗ con cái.

– Tái lập và vun bồi lại không khí êm đềm trong gia đình.

– Hãy si tình chồng và trở lại như những “ngày xưa thân ái.”

Đang ở vị thế Bà La Sát, quay chồng mòng mòng như quay dế, mà bỗng nhiên được khuyến cáo hãy quy phục để làm một người vợ hiền lành, dịu dàng, chiều chồng, ai mà chịu được? Như vậy là chịu lép vế, thua sút, làm tôi mọi đàn ông hay sao?

Nhà thơ Anh Quốc Alfred Tennyson (1809-1892) đã đưa ra quan điểm về vai trò của phụ nữ:

“Đàn ông chỉ huy, đàn bà vâng lệnh. Tất cả những điều khác đều là lầm lẫn! ( Man to command, and woman to obey. All else confusion!)

Ngày xưa ông bà ta cũng đã khuyến cáo: “Chồng giận thì vợ làm lành! Miệng cười chúm chím, thưa anh giận gì?”

Thôi xin quý nương hãy xuống ngựa quy hàng đi, gia đình được trong ấm ngoài êm thì loài người cũng mang ơn quý nương, được bình an dưới thế! (Huy Phương)

Hôn nhân không phải là giấc mơ, không phải ác mộng, mà là trường tu dưỡng bản thân

Hôn nhân không phải là giấc mơ, không phải ác mộng, mà là trường tu dưỡng bản thân

Khi bước vào hôn nhân, là phụ nữ ai cũng mong có được một mái ấm gia đình trọn vẹn nhất. Đặc biệt sau giai đoạn đầu của hôn nhân khi tình mới duyên say, thời gian còn lại thì vai trò của người phụ nữ là vô cùng quan trọng.

Có rất nhiều chị em phụ nữ sau một thời gian lập gia đình đều cảm khái thốt lên rằng: “Đàn ông trước và sau khi kết hôn quả là hai con người khác biệt, trước khi cưới thì cưng chiều hết mực, bảo sao cũng nghe, đôi khi muốn gì được đó. Còn sau hôn nhân thì hoàn toàn trái ngược”.

Hôn nhân là hai đường thẳng song hành, vợ chồng là đôi bạn cùng tiến, cùng nhau nỗ lực, cùng nhau trưởng thành. Đặc biệt là phụ nữ, muốn người đàn ông của mình yêu thương cả đời lại càng phải cố gắng nhiều hơn nữa, phải có bí quyết của riêng mình…

Đối với phụ nữ thì hôn nhân là chuyện cả đời. Vậy nên muốn có được một cuộc sống hôn nhân trọn vẹn, trước tiên phải học được cách làm người có hàm dưỡng.

Dưới đây là 4 câu nói có thể giúp phụ nữ thọ ích một đời.

Đàn ông và hôn nhân không phải là chỗ dựa bền vững nhưng lại là nơi nương tựa cuối cùng

Hôn nhân là mái ấm gia đình, là nơi cuối cùng để ta nương tựa, đó là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Tuy nhiên, đàn ông và hôn nhân lại không phải là chỗ dựa vững vàng nhất. Có câu: “Dựa vào núi, núi đổ, dựa vào người, người chạy, chỉ có dựa vào chính mình mới đáng tin”.

Cuộc sống hiện đại, xã hội phức tạp, lòng người đa đoan, là phụ nữ muốn sống hạnh phúc thì không chỉ biết tề gia nội trợ, chăm con chiều chồng mà cần còn phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về trong ngoài xã hội. Có được kiến thức xã hội, không chỉ giúp người phụ nữ bầu bạn được với chồng, thậm chí là tham gia tư vấn cho chồng mà còn giúp bản thân vững vàng trong xã hội.

Thường xuyên trau dồi kỹ năng sống, kiến thức xã hội, đặc biệt là tu dưỡng tính cách, nhân phẩm của bản thân để mình trở thành người có hàm dưỡng, đây chính là bí quyết giúp phụ nữ hạnh phúc.

Thường xuyên trau dồi kỹ năng sống, đặc biệt là tu dưỡng tính cách, nhân phẩm của bản thân… đây chính là bí quyết giúp phụ nữ hạnh phúc.

Lời hứa của đàn ông có thể nghe, nhưng không thể ỷ lại

Cổ nhân có câu: “Phụ nữ yêu bằng tai, đàn ông yêu bằng mắt”, trong đó lời nói của đàn ông thì thường như mật rót vào tai, luôn là điều khiến phụ nữ say đắm đến quên cả bản thân mình.

Tuy nhiên lời nói có hay, lời hứa dẫu có chân tình thì chị em phụ nữ cũng nên ghi nhớ rằng: vạn vật trên đời đều có thể đổi thay trong giây lát, chuyện gì cũng có thể xảy ra, không thể hoàn toàn ỷ lại, nếu không sẽ có lúc khiến cho bản thân phải chịu khổ. Đôi khi con người ta không phải không muốn giữ lời hứa, mà năm tháng khiến cho người ta thay đổi.

Phụ nữ thông minh thì cần hiểu người đàn ông của mình, hiểu được bản thân, dẫu sao cũng cần dựa vào chính mình mà chu toàn cuộc sống. Phụ nữ thông minh nên là người có thể biến cái không thể thành cái có thể, khiến bản thân thành động lực sống của đàn ông, là nguồn cảm hứng làm việc thực hiện ước mơ của chồng mình.

Tình yêu của đàn ông là khởi nguồn hạnh phúc của phụ nữ

Là phụ nữ thì ai cũng muốn người đàn ông của mình ngày càng yêu mình hơn. Khi hai người bước vào hôn nhân cũng giống như tìm bạn nhóm lửa. Lửa muốn cháy to thì cần sự cố gắng của cả hai, kẻ che gió, người kiếm củi, có như vậy thì mới được lâu bền.

Tình yêu của người đàn ông luôn là khởi nguồn hạnh phúc của phụ nữ. Tuy nhiên không phải chị em nào khi mới lấy chồng cũng có được cuộc sống như mong muốn. Phật gia có câu: “Muốn được phải mất”. Là phụ nữ điều đầu tiên cần học không phải là kiến thức xã hội, học vấn cao thâm mà là sự nhẫn nhịn. Muốn gia đình êm ấm thì sự nhẫn nhịn là yếu tố đầu tiên cũng như cuối cùng quyết định.

Gian nan thử thách lòng người, 
Muốn chồng yêu quý phải người nết na. 
Một là em học thứ tha, 
Hai là em học ấy là bao dung.
Bao dung cộng với nhẫn nhường, 
Dẫu chồng tài giỏi cũng thương muôn phần.

Muốn gia đình êm ấm thì sự nhẫn nhịn là yếu tố đầu tiên cũng như cuối cùng quyết định.

Bất luận cuộc sống có bề bộn bao nhiêu cũng không được quên chăm sóc bản thân

‘Gái yêu tai, trai yêu mắt’, đàn ông thường bị vẻ đẹp bề ngoài của phụ nữ làm cho say đắm trước khi bị trái tim người phụ nữ chinh phục. Xưa nay người ta thường nói ‘hôn nhân là nấm mồ của tình yêu’, điều này không hẳn đã đúng, nguyên nhân chủ yếu lại là đến tự thân mình. Có những cặp vợ chồng bên nhau trăm năm mà vẫn cứ như thuở đầu mới tìm hiểu.

Nhiều người khi ra ngoài thì ăn mặc chỉn chu đỏm dáng, má phấn môi son, còn ở nhà thì lại qua loa, đôi khi nhếch nhác khó coi. Hay như khi nói chuyện với người ngoài thì cung kính lễ nghĩa, còn với vợ chồng con cái thì lại cẩu thả buông từ. Đây quả là thiếu sót mà phần lớn nhiều người đều phạm phải. Cổ nhân có câu ‘vợ chồng tương kính như tân’, vợ chồng đối nhau như khách, dù có ăn ở cùng nhau con đàn cháu đống nhưng đối xử với nhau vẫn như khách quý thăm nhà, luôn dùng lễ mà đối đãi.

Là phụ nữ thì không chỉ đoan trang khi ra ngoài mà ngay cả khi ở nhà cũng cần học cách chăm chút bản thân, dẫu không quần là áo lượt thì cũng nên gọn gàng dễ coi, yêu quý chăm sóc diện mạo của chính mình. Không chỉ vậy mà lời ăn tiếng nói cũng cần dùng lễ mà đối đãi. Có như vậy mới nhận được sự tôn trọng của người khác, sự thương yêu ngày càng nhiều từ chồng.

Yêu thương bản thân cũng chính là yêu thương gia đình và người đàn ông của mình. Nhưng nếu như một người ngay cả bản thân mình còn không thể yêu thì sao có thể yêu thương người khác đây?

Vậy nên, phụ nữ thân mến, trong khi yêu thương, chăm sóc gia đình, chồng con thì cũng nên yêu thương và trân quý chính bản thân mình.

Minh Vũ

Image may contain: 1 person, sitting, outdoor and nature
Image may contain: one or more people, closeup and indoor

Hạnh phúc gia đình nhân phiên tòa chủ cà phê Trung Nguyên

Hạnh phúc gia đình nhân phiên tòa chủ cà phê Trung Nguyên

Dong Ten Viet Nam

Mấy ngày nay báo chí liên tục đưa tin về một phiên tòa liên quan đến gia đình “vua” cà phê Trung Nguyên. Nơi đó, người ta thấy bà Lê Hoàng Diệp Thảo hay ông Đặng Lê Nguyên Vũ đều có tình, có lý của riêng mình. Tuy nhiên, một thực tế có thể thấy là hạnh phúc gia đình của hai người đang gặp khủng hoảng. Ly hôn là điều họ đang phải đương đầu. Có nhiều lý do dẫn đến chuyện đau lòng này (chỉ có người trong cuộc mới biết rõ)! Không phải nghèo khó mới khiến gia đình lục đục, nhưng “người giàu cũng khóc” là điều người ta thấy trong phiên tòa này.

Có lẽ nhiều người cũng ước mong hai người có thể hàn gắn, hoặc ít là không dẫn đến chuyện ly hôn. Câu chuyện đau lòng này khiến tôi nghĩ đến các đôi vợ chồng. Đâu là bí quyết giữ được hạnh phúc gia đình? Chắc hẳn khi nên nghĩa vợ chồng, ai cũng có kinh nghiệm để làm sao cho gia đình mình được hạnh phúc. Thuận vợ thuận, thuận chồng không phải lúc nào cũng có được. Vậy khi sóng gió ùa vào con thuyền gia đình, đâu là điều để người ta bám víu? Là gia đình Công giáo, hẳn nhiều người đồng ý rằng cầu nguyện là một trong những bí quyết để gìn giữ hạnh phúc ấy. Chúa Giêsu chỉ cho ta bí quyết: “Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng” (Mt11, 28).

Tôi có dịp nghe nhiều gia đình (nghèo có, giàu có) kể về tình cảnh của họ. Mỗi khi cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, họ chạy đến với Thiên Chúa để tâm sự với Người. Tức giận không hẳn vụt mất khi họ cầu nguyện, nhưng chính trong bầu khí thinh lặng và đối diện với Thiên Chúa, họ bình tĩnh để thấy đâu là điều cần thiết nên làm. Trong bầu khí đó, họ có thể tìm lại được tình nghĩa vợ chồng, thấy được điều sai, lẽ phải để biết trò chuyện với nhau. Kết quả là sau bao nhiêu lần khó khăn ấy, là bấy nhiêu lần họ cầu xin Chúa giúp cho họ có sức mạnh, để chấp nhận và làm hòa với nhau. Thế nhưng, chẳng phải ai cũng làm được như họ! Cầu nguyện là điều xa lạ với nhiều người.

Phải thừa nhận rằng đời sống gia đình trong thời đại hôm nay luôn có quá nhiều thách đố. Phải chăng trước thực tế ấy, Giáo Hội Việt Nam dành cả một năm để “đồng hành với các gia đình gặp khó khăn”. Những lộc thánh năm 2019 cũng nhắc nhớ ta điều ấy: Cầu nguyện cho đời sống gia đình. Khó khăn không chỉ trong đời sống kinh tế, làm ăn vất vả; nhưng trên hết, gia đình gặp khó khăn chính trong mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái. Do đó, thật quan trọng biết bao để mỗi cặp vợ chồng biết cách, hoặc ưa thích cầu nguyện với Thiên Chúa. Không phải những lúc gặp thử thách hay mâu thuẫn mới cầu nguyện, nhưng chính khi hạnh phúc, cầu nguyện giúp họ càng gia tăng hạnh phúc hơn.

Vậy cầu nguyện bằng cách nào? Có người chia sẻ với tôi rằng: “Lúc buồn chị vào nhà thờ, ngồi đó và nhìn lên Chúa Giêsu, kể cho Chúa những chuyện đang xảy ra trong gia đình mình và xin Chúa giúp.” Hoặc, “Gia đình anh chị dù bận bao nhiêu cũng cố gắng cùng nhau tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật.” Nói chung, họ biết cách sống với nhau trong bầu không khí thánh thiện, chan hòa. Từ đó, không chỉ mỗi thành viên có tương quan với Thiên Chúa, mà chính trong gia đình, họ cảm thấy hạnh phúc sống cùng nhau.

Đừng quên, tôn giáo nào cũng cho thấy cầu nguyện (hoặc tĩnh tâm) đều giúp cho con người (nói riêng), và đời sống gia đình được hạnh phúc hơn. Đó là bí quyết dường như quá khó trong thời đại hôm nay. Tôi biết nhiều vợ chồng công giáo quá để tâm đến chuyện làm ăn kinh tế mà quên lãng chuyện đạo nghĩa. Họ không quen trò chuyện với Thiên Chúa. Họ ít dành thời giờ cho nhau. Đó là một mối nguy cho hạnh phúc gia đình! Ngược lại, thật quý biết bao khi nhiều gia đình trẻ lấy Thiên Chúa là một trong những bận tâm chính trong đời sống của họ. Kết quả là khi sóng gió xảy đến, họ được Thiên Chúa trợ giúp, và cùng nhau vượt qua. Thế là mối tình của họ bền chặt hơn theo tháng năm.

Khi đọc những nhận xét về phiên tòa ly hôn trên kia, ta thấy nhiều người lấy làm tiếc vì sự đổ vỡ của hai doanh nhân thành đạt. Họ nhắc đến những năm tháng hạnh phúc cùng nhau. Tiếc là giờ đây, tiền bạc cũng chẳng mua được hạnh phúc vợ chồng. Dĩ nhiên, ly dị nào cũng khiến hạnh phúc gia đình đổ vỡ. Hơn nữa, con cái chẳng hạnh phúc gì khi thấy ba mẹ cách xa. Thấy chuyện người ta để nhắc nhớ chuyện mình: chuyện về hạnh phúc của mỗi vợ chồng. Theo dõi phiên tòa ấy cũng là dịp để người vợ, người chồng trong mỗi gia đình thêm yêu thương nhau hơn. Mỗi người mở lòng để hiểu nhau nhiều hơn. Là vợ chồng công giáo, họ còn có Thiên Chúa là Tình Yêu giúp tình yêu của họ thêm mặn nồng hơn. Để được như thế, họ cần cầu xin Thiên Chúa đến trong gia đình họ. Khi vui cũng như lúc buồn, Thiên Chúa biết cách để tạo cho từng gia đình có được hạnh phúc bình an.

Ước gì mỗi gia đình luôn cầu nguyện với Thiên Chúa. Đó là bí quyết để cùng nhau bồi đắp cuộc sống vợ chồng. Xin can đảm để Thiên Chúa thánh hóa đời lứa đôi, làm cho người vợ, người chồng mỗi ngày hiểu nhau hơn, yêu nhau hơn và sống hạnh phúc với nhau hơn. “Nguyện xin Giêsu thương mến, cho duyên tình mãi nở hoa. Nguyện xin Giêsu đến trong nhà, cho đời hòa tiếng ca.” Đó chẳng phải là lời cầu nguyện tuyệt vời của vợ chồng khi lãnh nhận bí tích hôn phối đó sao?

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ