Mừng kính trọng thể Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả (Gioan Baotixita).

Chúc bình an! Hôm nay 24/06, Giáo Hội mừng kính trọng thể Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả (Gioan Baotixita). Ngài là con của bà Elizabeth và tiên tri Zacharia, đấng tiền hô, đấng đã làm phép rửa cho Chúa Kitô, đấng tử đạo đầu tiên khi Tin Mừng được rao giảng. Thánh Gioan Baotixita có hai ngày lễ kính trong lịch phụng vụ, ngày 24 tháng 6 là ngày sinh nhật và ngày 29 tháng 8 là ngày tử đạo. Chúng ta cùng hát Chúc Mừng Sinh Nhật Ngài đi nào!

Cha Vương

Thứ 2: 24/06/2024

Ðức Giêsu gọi Gioan là người cao trọng nhất trong tất cả mọi người và là người đến trước Ngài: “Ta nói với các ngươi, trong những người sinh ra bởi phụ nữ, không ai cao trọng hơn Gioan…” Nhưng có lẽ Thánh Gioan sẽ hoàn toàn đồng ý với điều Ðức Giêsu nói thêm sau đó: “Tuy nhiên, người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông ta” (Luca 7:28).

Có một thời gian Thánh Gioan sống trong sa mạc, là vị ẩn tu. Ngài loan báo nước trời đã gần đến, và mời gọi mọi người hoán cải đời sống.

Mục đích của ngài là chuẩn bị con đường cho Ðức Giêsu. Ngài nói, phép rửa của ngài là để ăn năn sám hối. Nhưng Ðấng sắp đến sẽ rửa với Thần Khí và lửa. Gioan không xứng đáng để xách dép cho Người. Thái độ của Thánh Gioan đối với Ðức Giêsu là: “Ngài phải gia tăng; tôi phải nhỏ đi” (Gioan 3:30).

Trong khi thanh tẩy những kẻ tội lỗi, Thánh Gioan đã khiêm tốn nhận ra Ðấng Thiên Sai và nói: “Tôi cần được thanh tẩy bởi Ngài” (Mt 3:14b). Nhưng Ðức Giêsu nhất định, “Hãy tiếp tục thi hành, vì như vậy chúng ta mới giữ trọn đức công chính” (Mt 3:15b). Ðức Giêsu, một con người đích thực và khiêm tốn cũng là Thiên Chúa hằng hữu, đã sẵn sàng thi hành bổn phận của bất cứ người Do Thái tốt lành nào. Thánh Gioan như vậy đã công khai đi vào tập thể của những người đang chờ đợi Ðấng Thiên Sai. Nhưng khi tự trở nên một phần tử của cộng đồng đó, ngài quả thực thuộc về Ðấng Cứu Tinh.

Sự cao trọng của Thánh Gioan, một địa vị then chốt trong lịch sử cứu chuộc, được nhận thấy qua tường thuật của Thánh Luca về sự sinh hạ và các biến cố sau đó của Thánh Gioan – cả hai yếu tố này đều xảy ra song song với cuộc đời của Ðức Giêsu. Thánh Gioan thu hút được rất nhiều người đến bờ sông Giođan, và một số người đã coi ngài như Ðấng Thiên Sai. Nhưng ngài luôn luôn chỉ đến Ðức Giêsu, ngay cả một số môn đệ của ngài cũng được sai đến để trở thành các môn đệ đầu tiên của Ðức Giêsu.

Có lẽ Thánh Gioan không nghĩ là Nước Trời được hoàn tất một cách tuyệt hảo trong sứ vụ rao giảng của Ðức Giêsu. Vì bất cứ lý do gì, (trong khi ở tù) ngài đã sai các môn đệ đến hỏi Ðức Giêsu xem có phải Người là Ðấng Thiên Sai hay không. Câu trả lời của Ðức Giêsu cho thấy Ðấng Thiên Sai mang hình ảnh Người Tôi Tớ Ðau Khổ trong sách tiên tri Isaia. Chính Thánh Gioan cũng đã chia sẻ trong sự đau khổ của Ðấng Cứu Tinh, ngài đã chết vì sự trả thù của Herodias.

(Trích Gương Thánh Nhân – ns Người Tín Hữu online)

Bạn rút ra bài học gì cho mình khi đọc qua tiểu sử của thánh nhân? Hãy áp dụng vào cuộc sống hằng ngày nhé.

From: Do Dzung

Nuns playing HAPPY BIRTHDAY on Piano

Kính 2 thánh Gioan Fisher và Thánh Tôma More

Cuối tuần an lành. Hôm nay Giáo Hội mừng kính 2 thánh Gioan Fisher và Thánh Tôma More. Mừng bổn mạng đến những ai chọn cách ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

  1. THÁNH GIOAN FISHER, Giám Mục (1469 – 1535)

Gioan Fisher, chào đời năm 1469 tại Yorkshire, Anh quốc. Gioan tốt nghiệp Đại Học Cambridge, thụ phong linh mục vào năm 1491, và lấy bằng Tiến Sĩ Thần Học năm 1501. Sau đó, cha Gioan dạy học tai Cambridge, đồng thời cũng là cha giải tội trong hoàng cung và làm linh hướng cho nữ hoàng Margaret, mẹ của vua Henry VIII. Là một nhà giáo ưu tú, và cũng là một thần học gia, ngài thân quen với giới trí thức và chính trị thời bấy giờ, nổi bật là Erasmus và Thomas More.

Nhờ tài đức song toàn, năm 1504 cha Gioan được đặt làm hiệu trưởng trường Đại Học Cambridge, và được chọn làm Giám mục giáo phận Rochester, một giáo phận nhỏ và nghèo nhất nước Anh thời đó. Hai ngày sau, ngài được chỉ định làm thành viên trong hội đồng của hoàng đế nước Anh.

Trong suốt 30 năm coi sóc giáo phận, Giám mục Gioan đã dùng tất cả tài lực phục vụ đoàn chiên, giảng dạy lời Chúa, và đặc biệt lưu tâm đến đời sống tâm linh của các linh mục.

Là người cương trực, thẳng thắn ngài cùng với thánh Thomas More phản đối việc làm sai trái của vua Henry VIII, khi vua ly dị vợ, ly khai với Tòa thánh, lập giáo hội Anh quốc, tự xưng là thủ lãnh nên bị giam ngục mà không xét xử trong 14 tháng.

Vào năm 1535, Đức giáo hoàng Phaolô III tấn phong ngài làm hồng y, điều này khiến vua Henry VIII càng thêm tức giận và đã tìm cách vu oan ngài về tội phản quốc. Cuối cùng, vị giám mục bị kết tội và bị hành quyết vào ngày 22/ 6/1535. Ngày hành quyết, ông đòi mặc bộ y phục đẹp nhất vì “Đây là ‘ngày cưới’ của tôi!”. Mang theo cuốn Phúc Âm, ông đến bục hành hình; tại đó, ông cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin ban cho con một lời ủi an để con có thể tôn vinh Chúa trong giờ cuối cùng của đời mình”. Và mở Tin Mừng, ông đọc, “Sự sống đời đời, là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất, chân thật; và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, Đức Giêsu Kitô”. Ông nói, “Đúng thế”; “Đây là lời đủ cho tôi sống đến giờ này”. Trong vài phút, ông đã chết. Đó là Thánh Giám mục Gioan Fisher và đó cũng là nguồn gốc lịch sử lý do ly khai của anh em Anh giáo.

  1. THÁNH THOMAS MORE (1477-1535)

Thomas More sinh tại Luân Đôn năm 1477, là một luật sư, một nhà văn, và một học giả danh tiếng. Thân phụ Thomas More cũng từng là một luật gia và là một quan tòa. Đến tuổi trưởng thành, Thomas More kết hôn, có bốn người con, và dành nhiều thời giờ cho việc giáo dục con cái.

Là người học cao hiểu rộng, Thomas More phát triển sự nghiệp mau chóng, và được chọn vào Nghị Viện khi mới 22 tuổi. Là một luật sư nổi tiếng, Thomas More gây được sự chú ý của vua Henry VIII và được chọn làm Quan Chưởng Ấn kế vị Đức Hồng Y Wolsey.

Trong thời gian vua Henry VIII nhất định duy trì lập trường của ông về vấn đề hôn nhân khi kết hôn lần thứ hai và từ chối quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng, đồng thời tuyên bố ly khai khỏi Tòa thánh, thành lập Anh giáo, Thomas More đã từ chức và kiên quyết chống lại hành động sai trái của nhà vua. Sau đó, cũng giống như Giám mục Gioan Fisher, Thomas More bị tống giam và bị kết án là phản quốc vì không công nhận Henry VIII là thủ lãnh tối cao của Giáo Hội Anh. Khoảng 15 tháng sau, ngài bị đem ra xét xử. Trước toà, Thomas More khẳng đinh rõ là ngài không thể hành động trái với lương tâm. Không muốn bị khuất phục trước sự khẳng khái và cương trực của Thomas More, toà đã kết án tử hình thánh nhân. Trên đoạn đầu đài, Thomas More tuyên bố với đám đông rằng ngài chết như “một tôi trung của nhà vua – nhưng trước hết là tôi trung của Thiên Chúa”. Ngài bị hành quyết ngày 06/ 7/ 1535.

Năm 1935, Đức Piô XI tôn phong Đức giám mục Gioan Fisher và Thomas More lên bậc hiển thánh. Vào năm 2000, Đức Gioan Phaolô II đặt Thánh Thomas More là Bổn mạng của các luật sư và chính trị gia công giáo.

Mừng lễ hai thánh Gioan Fisher và Thomas More, xin cho chúng ta luôn trung thành sống và bảo vệ đức tin. Đồng thời sẵn sàng tận dụng thời gian và khả năng Chúa ban để học biết về Chúa cũng như làm chứng cho chân lý của Chúa trong cuộc sống hàng ngày. (Nt. Maria Thu Hằng, OP tóm lược)

From; Do Dzung

PHÓ THÁC – Nhạc Thánh Ca | Bảo Thy Officical

Thánh Luy Gonzaga (09-03-1568-21-06-1591)- Cha Vương

Hôm nay 21/06 Giáo hội mừng kính thánh Luy Gonzaga, quan thầy của giới trẻ và các sinh viên. Chúc mừng chúc mừng những ai có tâm hồn trẻ trung nhé!

Cha Vương

Thứ 4: 19/06/2024

Thánh Luy Gonzaga chào đời ngày 09-03-1568 trong một gia đình quyền quý và danh  giá, thuộc xứ Castiglione, miền bắc nước Ý. Cha ngài là bá tước Ferdinand, người muốn hướng Luy vào nghề binh nghiệp; còn mẹ ngài là một người đạo đức, biết dạy con yêu mến Chúa, sùng kính đức Maria và thương giúp người nghèo. Với gương sáng đạo hạnh của người mẹ, thánh Luy đã sớm khát khao bước đi trên con đường trọn lành như Chúa muốn. Chúng ta có thể tóm lược cuộc đời thánh nhân qua hai điểm sau:

(1) Sùng kính và dâng hiến cuộc đời cho Đức Maria—Nhờ hương thơm thánh thiện của người mẹ, thánh Luy đã sớm có lòng sùng kính Đức Maria cách đặc biệt. Tại Florence, vào năm 1577, thánh nhân đã khấn giữ mình trinh trong trước tượng Đức Mẹ Đồng Trinh, tại nhà nguyện Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ. Ngài luôn lánh xa mọi dịp tội, hay bất cứ sự gì có thể làm cho mình cắt đứt mối hiệp thông thân tình với Thiên Chúa. Ngài chuyên chăm cầu nguyện, sống nghiêm nhặt và khắc khổ. Sau khi trở về quê nhà Castiglione, ngài còn tăng thêm các việc lành đạo đức, và coi đó như một bổn phận: quỳ đọc kinh Nhật Tụng về Đức Mẹ, các Thánh Vịnh sám hối và các kinh nguyện khác. Ngày 15-08-1583, đang khi cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ trong nhà thờ, thánh Luy cảm thấy như mình được Chúa kêu gọi dâng hiến cuộc đời cho Ngài trong đời sống tu trì. Sau đó, thánh nhân quyết định bước theo tiếng gọi của Chúa và  gia nhập dòng Tên, dù bị người cha phản đối. Có thể nói, cuộc đời thánh Luy đã trao hiến hoàn toàn cho Đức Mẹ và để cho Mẹ dẫn dắt đời mình theo Thiên Ý. Do đó, người ta thường gọi thánh nhân là “Thiên thần con”.

(2) Hy sinh phục vụ—Bước vào nhà dòng, thánh Luy chỉ muốn quên mình, sống khiêm tốn, nhiệt tâm phục vụ cộng đoàn, thươ`ng giúp những người nghèo hèn và bệnh tật. Ngài làm các công việc nhỏ nhặt như: làm bếp, rửa chén bát, lau nhà… hầu như thánh nhân không nề hà công việc gì, dù công việc đó có khó khăn, nặng nhọc và nguy hiểm đến tính mạng. Năm 1591, nước Ý lâm vào cảnh đói kém và cơn bệnh dịch lan tràn tại Roma và các vùng khác đã làm cho nhiều người chết. Trước cảnh khốn cùng của người dân, thánh Luy cùng với nhiều người khác đi quyên góp quần áo, thực phẩm và thuốc men để giúp đỡ những ai đang gặp gian nguy. Với những người đang hấp hối trên đường phố, thánh nhân đưa đến bệnh viện, tận tình chăm sóc, tắm rửa và giúp họ lãnh nhận các bí tích sau cùng. Chính lòng bác ái với người khác, nên thánh nhân cũng bị nhiễm bệnh. Trên giường bệnh, thánh nhân đã viết thư cho mẹ với tất cả niềm trin ân và niềm tin tưởng vào Chúa: “Thưa mẹ, con thú thật với mẹ rằng: mỗi khi con suy nghĩ về lòng tốt của Chúa, giống như biển không đáy không bờ, linh hồn con như rơi xuống vực sâu ấy, chìm trong cảnh bao la bát ngát, lạc lõng và không biết đáp lại làm sao, vì sau một thời gian làm việc vắn vỏi và sơ  sài như thế mà con đã được Chúa ban cho nghỉ ngơi muôn đời”. Ngày 21-06-1591, thánh Luy lãnh nhận các bí tích sau cùng, và ra đi bình an khi mới 23 tuổi đời. Đức Giáo Hoàng Phaolô V tuyên phong chân phước cho ngài vào ngày 19-10-1605; và ngày 31-12-1726, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XIII đã nâng ngài lên bậc hiển thánh.

Lạy Chúa! Chúa đã ban cho thánh Luy Gonzaga đầy hương thơm thánh thiện, luôn giữ mình trinh trong, tôn sùng Đức Maria và thương giúp kẻ nghèo. Nhờ lời chuyển cầu của thánh nhân, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết giữ mình khỏi mọi vết nhơ tội lỗi, sống yêu thương và quảng đại phục vụ anh chị em. Amnen.

(Nguồn: Simonhoadalat—hạnh các thánh)

From: Do Dzung

Thánh Ca: Têrêxa một tâm hồn, một con đường – Trình bày: Đình Trinh 

SỐNG THÁNH MỖI NGÀY TẬP A

SỐNG THÁNH MỖI NGÀY TẬP A
15/6
THÁNH GERMAINE COUSIN (1579-1601)
Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời (Mt 18: 4)
 
Germaine là một thiếu nữ quê mùa sinh năm 1579 tại làng Pibrac, gần Toulouse, Pháp. Vì mẹ mất sớm, bị người cha ghét bỏ và mẹ ghẻ thật tàn nhẫn, nên Germaine lớn lên trong hoàn cảnh đau khổ. Vì không muốn Germaine chung đụng với con riêng của mình, bà mẹ ghẻ bắt Germaine phải ngủ trong chuồng súc vật hoặc dưới gầm cầu thang, lúc nào cũng phải làm việc, dù ăn uống rất kham khổ. Lúc 9 tuổi, Germaine đã phải đi chăn cừu. Bất kể lao nhọc và bất công, Germaine luôn vui lòng chấp nhận mọi sỉ nhục. Cô thích đi chăn cừu, vì đó là dịp để cầu nguyện và truyện trò với Thiên Chúa.

Cô rất đạo đức và siêng năng tham dự Thánh Lễ. Mỗi sáng nghe chuông đổ, dù đang chăn cừu, cô vội vã cắm cây gậy xuống đất và chạy đến nhà thờ, phó thác đàn cừu cho sự chăm sóc của các thiên thần. Chưa bao giờ đàn cừu bị nguy hại vì sói rừng khi vắng mặt cô, dù ở cạnh khu rừng. Người ta kể rằng, có lần cô đã đi trên mặt nước, chạy băng qua sông để kịp giờ dự lễ. Germaine quá nghèo để có thể chia sẻ vật chất cho người khác. Nhưng tình yêu tha nhân của cô luôn luôn được thể hiện qua sự giúp đỡ bất cứ ai cần đến cô, và nhất là các trẻ em trong làng, là những người được cô dạy họ biết kính sợ Thiên Chúa.

Bấy giờ, sự thánh thiện của Germaine bắt đầu được dân làng chú ý. Nhưng cô vẫn bị trừng phạt vì đã chia sẻ thức ăn cho người ăn xin. Có lần vào mùa đông, bà mẹ ghẻ nghi ngờ cô giấu miếng bánh trong vạt áo, nhưng khi mở ra bà chỉ thấy những bông hoa thật đẹp của mùa hè rơi xuống đất. Gia đình bắt đầu nhận ra sự thánh thiện của cô và mời cô vào sống ở trong nhà, nhưng Germaine xin được tiếp tục cuộc sống như trước.

Năm 1601, cô 22 tuổi, người ta tìm thấy cô nằm chết trên đống rơm dưới gầm cầu thang. Thi hài của cô được chôn trong nhà thờ ở Pibrac. 43 năm sau, khi tân trang nhà thờ, người ta vô tình khai quật mộ của cô và thấy thân xác của cô vẫn còn nguyên vẹn. Sau khi được trưng bày cho mọi người kính viếng trong một năm trời, thi hài của cô được chôn cất trong gian cung thánh. Nhiều phép lạ đã xảy ra nhờ lời chuyển cầu của cô. Ðức Giáo Hoàng Piô IX phong chân phước cho cô ngày 7/5/1864 và tôn phong cô lên bậc hiển thánh ngày 29/6/1867; và đặt Thánh Germaine Cousin làm quan thầy của các thiếu nữ ở thôn quê.

Lạy Chúa, Lời Chúa đã dạy kẻ lớn nhất trong Nước Trời là kẻ hạ mình xuống như em nhỏ. Xin cho chúng con luôn sống đơn sơ, phó thác, khiêm nhường và yêu thương các trẻ thơ, nhất là những người bất hạnh, đói rách, bơ vơ. Amen.
 
 
15/6
THÁNH LUIGI MARIA PALAZZOLO, LM (1827-1886)
Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm (Mt 25: 36)
 
Thánh Luigi Maria Palazzolo sinh ngày 10/12/1827 tại Bergamo, bắc Ý, là con út trong gia đình khá giả có 8 người con trai. Cuộc sống thời niên thiếu của Luigi gặp nhiều khó khăn, khi hầu hết trong số 8 anh em đều chết sớm, và khi Luigi lên 10 tuổi thì người cha cũng qua đời. Luigi được mẹ giáo dục chu đáo, đặc biệt về lòng bác ái đối với người nghèo và các bệnh nhân.

Đáp lại tiếng Chúa gọi, thầy Luigi Palazzolo thụ phong Linh mục tại giáo phận Bergamo năm 1850 khi 23 tuổi, và được trao nhiệm vụ giáo dục các trẻ em bị bỏ rơi. Sau đó, cha Luigi thành lập một số trại trẻ mồ côi, và Hội của thánh nữ Dorothy, ở khu đông dân và nghèo nàn để chăm sóc các trẻ nữ bị quên lãng.

Kinh nghiệm sau thời gian làm việc, cha Luigi thấy rằng cần phải có sự hợp tác của các nữ giáo chức có chuyên môn để chăm sóc các trẻ nữ, nên năm 1869, cùng với Đấng Đáng Kính Maria Teresa Gabrieli, cha Luigi thành lập Dòng Nữ tu Người nghèo (Sisters of the Poor).

Linh mục Luigi Maria Palazzolo qua đời ngày 15/6/1886 tại nhà mẹ của dòng ở Bergamo. Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII vốn là một Linh mục cùng giáo phận Bergamo, phong chân phước cho ngài ngày 19/3/1963 và ĐGH Phanxicô tôn phong ngài lên bậc hiển thánh ngày 15/5/2022.

Lạy Chúa, Chúa đến để ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người và tỏ bày ưu ái với những ai bị tổn thương về thể xác lẫn tinh thần. Xin cho chúng con quan tâm chăm sóc những người đói nghèo, bệnh tật vì họ cũng là một chi thể của Chúa. Amen.
 
 
15/6
TÔI TỚ CHÚA ORLANDO CATANII (+1226)
Hãy về bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó (Mt 19: 21)
 
Orlando Catanii, còn gọi là Roland, là một bá tước. Ông là một người giàu có và cũng là hậu duệ của một gia đình quý tộc. Một ngày vào năm 1213 Thánh Phanxicô Assisi đã thuyết giảng về hậu quả của những thú vui thế tục gây ra cho linh hồn và Orlando cũng là một trong số khán giả. Bài giảng của Thánh Phanxicô Assisi đã lay động Orlando và ông quyết định sống đẹp lòng Thiên Chúa.

Ông bày tỏ mong muốn của mình với Thánh Phanxicô và xin lời khuyên. Thánh Phanxicô đã chờ đợi một thời gian để biết ý định thực sự của Orlando và sau đó đến thăm cung điện của Orlando tại Núi La Verna và khuyên Orlando các nguyên tắc nên sống. Orlando quyết định phân phát của cải cho người nghèo vùng La Verna. Theo gợi ý của thánh Phanxicô, Orlando cho xây dựng một nhà thờ và một tu viện ở đó. Về sau, một nhà nguyện được xây thêm.

Orlando gia nhập Dòng Ba Phanxicô và được thánh Phanxicô làm linh hướng. Orlando đã tách mình ra khỏi thế gian, nhiệt tâm làm việc bác ái. Sau khi qua đời năm 1226, Orlando được an táng tại nhà nguyện trên núi La Verna.

Lạy Chúa, không ai làm tôi hai chủ. Xin cho chúng con tìm kiếm mọi sự vĩnh cửu trên quê trời, là nơi chúng con được hưởng sự sống đời đời.Amen.
 
 
15/6
TÔI TỚ CHÚA PHÊRÔ LAMBERT DE LA MOTTE, GM – ĐẤNG SÁNG LẬP DÒNG MẾN THÁNH GIÁ VN (1624-1679)
Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo (Mt 16: 24)
 
Phêrô Lambert de la Motte sinh ngày 28/1/1624 tại Giáo xứ Thánh Giacôbê (Saint Jacques), Lisieux, vùng hạ Normandie, Tây Bắc nước Pháp, là anh cả của 7 chị em trong một gia đình quý tộc, nhận thánh Phêrô làm quan thầy khi rửa tội. Ngài học trung học tại trường của Dòng Tên ở Caen. Sau khi tốt nghiệp trung học, Lambert tiếp nối nghề nghiệp của cha và thi vào trường luật, trở thành luật sư năm 1646 và làm việc tại Nghị viện Paris, Tòa án Thuế vụ, Trung tâm Xã hội Rouen.

Tuy nhiên, chí hướng của ngài vẫn thiên về các sinh hoạt tôn giáo và công tác xã hội. Cuối cùng, ngài quyết định từ bỏ nghề luật sư để đi vào con đường tu tập, trở thành một giáo sĩ thừa sai cho vùng Đông Á. Ngài đi tu và thụ phong Linh mục ngày 27/12/1655. Ngày 29/7/1658, Đức Giáo Hoàng Alexander VII ban hành Đoản Sắc bổ nhiệm Tân Giám mục Lambert de la Motte và Francois Pallu làm Đại Diện Tông Tòa tại Việt Nam.
 
Giám mục Lambert được cử làm Đại diện Tông Tòa miền truyền giáo Đàng Trong, từ Sông Gianh trở vào miền nam và 5 tỉnh thuộc Trung quốc. Vậy là hai Giám mục Lambert de la Motte và Francois Pallu thành lập Hội Thừa sai Paris: Mission Étrangères de Paris từ ngày đó, năm 1658. Tuy nhiên, mãi đến ngày 11/6/1660, lễ tấn phong Giám mục cho Linh mục Lambert de la Motte mới được Tổng Giám mục Victor Le Bouthilier cử hành tại Nguyện Đường Dòng Đức Mẹ Đi Viếng, Paris.

Ngày 27/11/1660 Giám mục Lambert với hai Linh mục rời Marseille và ngày 22/8/1662 đến Juthia, Thái Lan, là trung tâm truyền giáo cho các giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, vì tình hình chính trị và bách hại tại Việt Nam. Tại đây, năm 1664, Giám mục Lambert triệu tập Công đồng địa phương, gọi là Công nghi Juthia, lo việc thành lập một chủng viện chung cho vùng Đông Nam Á và đặt nền tảng vững chắc cho công cuộc truyền giáo tại Đàng Ngoài, Đàng Trong. Ngày 17/1/1665 Đức cha Lambert làm Giám quản Tông toà giáo phận Đàng Ngoài. Ngày 19/1/1665 Đức cha Pallu lên đường đi Âu châu và đến Roma năm 1667. Đầu năm 1667, được vua Thái Lan ban đất, ngài xây dựng chủng viện Thánh Giuse.

Ngài là Ông tổ Hàng Giáo sĩ Việt Nam khi phong chức cho Linh mục Việt Nam đầu tiên là thầy Trang, 28 tuổi, tại Juthia ngày 3/3/1668. Ngài đã phong chức cho 15 Linh mục Việt Nam gồm 11 người Đàng Ngoài và 4 người Đàng Trong. Ngày 14/2/1670, Đức cha Lambert tổ chức Công nghị Phố Hiến, Hưng Yên nhấn mạnh việc đào tạo hàng Giáo sĩ bản xứ và lập Dòng Mến Thánh Giá. Ngày 19/2/1670 Giám mục Lambert nhận lời khấn của 2 nữ tu tiên khởi là Anê và Paula tại Phố Hiến, Đàng Ngoài là ngày chính thức khai sinh Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam; và Đàng Trong tháng 12/1671 tại An Chỉ. Ngày 15/1/1672, Đức cha Lambert chủ tọa Công nghị Faifo, Hội An để vạch đường hướng cho công cuộc truyền giáo.

Giám mục Lambert qua đời ngày 15/6/1679 tại Juthia, Thái Lan và an táng tại nhà thờ Thánh Giuse. Tháng 9/2009, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đệ trình hồ sơ lên Tòa Thánh xin phong chân phước  cho hai vị Giám mục Lambert de la Motte và Giám mục Francois Pallu vì những đóng góp to lớn của các ngài đối với Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Lạy Chúa, Tôi Tớ Chúa Giám mục Lambert đã nói: “Tôi chỉ tha thiết một điều là chết đi cho trần gian và sống cho một mình Thiên Chúa”. Xin cho chúng con yêu mến Giáo Hội, yêu mến các vị mục tử vì đoàn chiên và yêu mến sự sống đời đời của chúng con, nên phải lo tìm kiếm Nước Trời. Amen.

Nguyễn Cả

 From: Do Tan Hung & KimBang Nguyen


 

Thánh Barnabê tông đồ-Cha Vương

Chúc bình an, hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Barnabê tông đồ, mừng bổn mạn đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 11/06/2024

“Vị thánh này có phúc, vì đáng được kể thêm vào số các Tông Đồ: Người thật là tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin”( Cv 11, 24 ). Thánh Barnabê là một trong 72 môn đệ đầu tiên đã nghe Chúa Giêsu giảng dậy và đã trở thành môn đệ của Ngài

Thánh Barnabê môn đệ của Chúa Giêsu: Đã có lần, có dịp nghe Chúa Giêsu giảng dậy và đã chứng kiến Chúa Giêsu làm phép lạ, thánh Barnabê đã trở thành một trong 72 môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Vì Chúa Giêsu đã nói: “ Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái…” ( Ga 15, 16 ).Chính Chúa Giêsu đã chọn Barnabê để  thánh nhân làm chứng cho tình yêu của Chúa và giới thiệu Chúa Giêsu cho nhiều người. Sau biến cố Chúa Giêsu lên trời, các tông đồ sai Barnabê đi truyền giáo ở Antiokia, một miền trù phú và thịnh vượng, phồn vinh nhất lúc bấy giờ. Và như lời Chúa nói:”… hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân dành Thầy thì Thầy ban cho anh em”( Ga 15, 16 ). Thánh Barnabê luôn có Chúa Thánh Thần tràn đầy và nhờ tài giảng thuyết, Ngài đã đưa được biết bao nhiêu người trở về với Chúa. Thánh nhân đã mời thánh Phaolô về ở với mình và cùng giảng dậy, loan báo Tin Mừng ở Antiokia. Sau đó, thánh nhân mang món tiền mà Ngài đã quyên góp được về Giêrusalem gặp các vị kỳ mục và các tông đồ khác. Đường lối và ý nhiệm mầu của Chúa lại khác, Barnabê và Phaolô lại được trao sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, nên các Ngài lại trẩy đi Séleucie và Chypre. Dân bản xứ và các người ngoại giáo, đón tiếp các Ngài một cách nhiệt tình, họ tin theo các Ngài. Tuy nhiên cũng có những người Do Thái có óc thủ cựu, hẹp hòi đã tìm cách gièm pha, chế diễu và nói nhiều lời ngạo mạn đối với các Ngài, họ xúi giục những thành phần bất hảo ngược đãi và trục xuất các Ngài ( Cv 13, 50 ). Chúa cho các Ngài làm nhiều phép lạ: xua trừ ma quỉ, chữa bệnh, làm cho kẻ chết sống lại để củng cố niềm tin của các tân tòng.

Chúa thưởng công cho Thánh Barnabê: Thánh Barnabê và thánh Marcô tiếp tục rao giảng ở đảo Chypre. Chúa đã  yêu thương cho thánh Barnabê được lãnh triều thiên qua cái chết tử đạo của Ngài:” Hạt lúa mì rơi xuống đất không thúi đi, thì nó sẽ không sinh nhiều bông hạt…”.  Người Do Thái ở Syria đã xúi giục dân chúng ném đá và xử tử thánh Barnabê. Đời Hoàng Đế Zénon, vào năm 488, người ta đã tìm thấy xác của thánh Barnabê tại Salamine thuộc đảo Chypre, Hy Lạp.

Lạy Chúa, Chúa đã truyền phải dành riêng thánh Barnabê là một người đầy lòng tin và Thánh Thần, để thánh nhân đưa dân ngoại về với Chúa. Xin cho mọi tín hữu biết dùng lời nói và việc làm để trung thành loan báo Tin Mừng Đức Kitô như thánh nhân đã can đảm rao truyền (ca nhập lễ, lễ thánh Barnabê, tông đồ ).

(Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT) 

From: Do Dzung

Đường con theo Chúa -tinmung.net 

Thánh Boniface (Bônifaciô), 672-754, Tử Đạo-Cha Vương

Mến chúc bạn và gia đình ngày thứ 2 đầu tuần zui zẻ, khoẻ mạnh, thật can đảm và mạnh mẽ trong đức tin-cậy-mến. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Boniface (Bônifaciô), 672-754, Tử Đạo. Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 3/6/2024

Thánh Boniface, vị tông đồ của người Ðức, là một đan sĩ người Anh thuộc Dòng Biển Ðức, đã hy sinh vinh dự khi được chọn làm đan viện trưởng để tận hiến cuộc đời trong việc hoán cải các sắc tộc ở Ðức. Ngài có hai đặc tính nổi bật: Kitô Giáo chính truyền và trung thành với đức giáo hoàng ở Rôma.

Thánh Boniface, tên thật là Wilfrith, sinh ở Anh Quốc. Ngay khi còn nhỏ, hình ảnh cao quý của các đan sĩ truyền giáo đã in sâu trong tâm khảm của ngài, do đó, khi bảy tuổi ngài đã nài nỉ xin theo học trường dòng, dù rằng cha ngài mong muốn cho con một sự nghiệp ở ngoài đời.

Lớn lên, ngài làm giám đốc một trường học ở Nursling, Winchester, tại đây ngài là người đầu tiên viết về văn phạm Latinh bằng tiếng Anh, cũng như sáng tác nhiều bài diễn giảng được nhiều người sao chép và phổ biến.

Năm ba mươi tuổi, ngài được thụ phong linh mục và đi rao giảng ở Friesland (thuộc Hòa Lan bây giờ), nhưng không bao lâu ngài phải trở về Nursling vì cuộc chiến giữa vua ngoại giáo của Friesland và Charles Martel của Pháp.

Sau cái chết của đan viện trưởng, các đan sĩ ở Nursling tìm cách giữ chân ngài bằng cách bầu ngài làm đan viện trưởng, nhưng ngài đã từ chối để tận hiến cho công cuộc truyền giáo.

Năm 718, ngài đến Rôma để gặp Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô II, là người sai ngài đi truyền giáo cho người Ðức ở Hesse và Bavaria.

Ở Hesse, trước sự hiện diện của đám đông người ngoại giáo rất tin dị đoan, ngài đã chặt cây Sồi Thần Linh ở Geismar to lớn và già nua, được dân ngoại dâng cúng cho thần Thor. Người ta kể chỉ sau vài nhát rìu, cây sồi đã lung lay và sụp đổ, tách ra làm bốn cho thấy sự mục nát bên trong. Ðó là khởi đầu của một công cuộc truyền giáo rất thành công của Thánh Boniface và cũng là hạt giống đức tin cho một giáo hội đầy sinh lực ở Ðức, mà sau này Thánh Boniface được tấn phong làm giám mục ở đây. Ngài xin các Kitô Hữu ở Anh hỗ trợ công cuộc truyền giáo của ngài và họ đã đáp ứng với tài chánh, sách vở, vật liệu, và nhất là thường xuyên cung cấp các đan sĩ để giúp đỡ ngài trong việc giảng dạy.

Thánh Boniface không chỉ hạn chế hoạt động ở nước Ðức. Ngài còn giúp hình thành sự tương giao giữa Ðức Giáo Hoàng và các vua ở Ý cũng như ở Pháp. Ngài thúc giục các thái tử kế vị vua Charles của Pháp triệu tập công đồng để cải tổ giáo hội trong các phần đất của họ, là nơi chức giám mục được bán cho những người trả giá cao nhất.

Ngài không bao giờ quên sự thất bại ở Friesland, do đó khi về già, ngài từ chức giám mục và trở về hoạt động ở đây với sự thành công đáng kể. Vào một ngày trong tháng Sáu năm 754, khi ngài đang chuẩn bị cho người Friesland chịu phép Thêm Sức thì tất cả bị tấn công và bị giết chết bởi các chiến sĩ ngoại giáo.

LỜI BÀN: Thánh Boniface xác nhận một quy tắc của Kitô Giáo: Theo Ðức Kitô là theo con đường thập giá. Ðối với Thánh Boniface, con đường đó không chỉ là sự đau khổ phần xác hay cái chết, mà cả sự đau khổ vì bị sỉ nhục, vô ơn trong việc cải tổ Giáo Hội. Vinh dự của truyền giáo là đem người ngoại giáo trở về với Giáo Hội. Nhưng dường như, việc chấn chỉnh đức tin ngay trong lòng Giáo Hội, là một việc rất cần thiết, thì ít người lại cho đó là một vinh dự.

LỜI TRÍCH: Chúng ta phải bền vững trong những gì là chân lý và chuẩn bị linh hồn cho những thử thách… Ðừng là những con chó không dám sủa hay im lặng nhìn xem, và cũng đừng là người tôi tớ trốn chạy trước đàn sói. —Thánh Boniface.

(Nguồn: dòng tên VN-hạnh các thánh)

 From: Do Dzung

Theo Dấu Chân Ngài (Sáng tác: Lm. Nam Phương) – Jerome 

GIÁO HOÀNG MỞ ĐƯỜNG PHONG THÁNH CHO THẦN ĐỒNG MÁY TÍNH

 BBC News Tiếng Việt 

Một thiếu niên sắp trở thành một vị thánh của Công giáo.

Carlo Acutis, gốc Ý, sinh năm 1991 tại London (Anh) và qua đời năm 2006 ở tuổi 15.

Điều này có nghĩa là Carlo sẽ trở thành người thuộc thế hệ Millennial (sinh ra trong khoảng 1981-1995) được phong thánh.

Trong những tháng cuối đời khi bị bệnh máu trắng, Carlo đã sử dụng internet để kể về phép lạ và truyền bá đức tin, khiến cậu được mệnh danh là “Người có ảnh hưởng của Chúa”.

Năm 2020, Giáo hoàng Francis phong Carlo là Chân phước khi Carlo được cho là đã giúp một cậu bé bị dị tật tuyến tụy bẩm sinh bất ngờ khỏi bệnh sau khi chạm vào một trong những chiếc áo còn sót lại của cậu.

Phép lạ thứ hai, giúp Carlo đủ điều kiện được phong thánh liên quan đến việc một sinh viên đại học người Costa Rica khỏe lại sau khi ngã xe đạp và chấn thương nặng ở đầu.

Tòa thánh Vatican vẫn chưa công bố ngày cũng như kế hoạch phong thánh cụ thể cho Carlo.

#BBCNewsTiengViet #GiaohoangFrancis #phongthanh

THÁNH MARIA MADALENA ĐỆ PAZZI (1566-1607)

Thánh Maria Madalena Pazzi sinh năm 1566 tại Florence.  Khi rửa tội Ngài được đặt tên là Catarina.  Ngay từ nhỏ, Ngài đã ham thích cầu nguyện và làm việc lành.  Muốn cho Ngài vui thích, cứ việc đọc cho Ngài nghe truyện các thánh hay là dẫn Ngài tới nhà thờ.

Lên 7 tuổi lòng thương người của Ngài đã tiến xa tới độ nhịn ăn để giúp đỡ người nghèo.  Có dịp về miền quê, niềm vui chính của Ngài là tập họp trẻ em lại để dạy giáo lý cho chúng.  Một lần kia, khi mới bắt đầu dạy đạo cho một em bé con một nông dân, thì Ngài phải báo cho biết là phải trở về Florence.  Ngài đã buồn rầu đến độ không cầm được nước mắt, cha Ngài chỉ có thể an ủi Ngài bằng cách dẫn em bé ấy về để dạy cho xong.

Thánh nữ có lòng sùng kính phép Thánh thể một cách đặc biệt.  Lên 10 tuổi, tức là năm 1576, Ngài được rước lễ lần đầu.  Dịp này, Ngài đã khấn dâng mình trọn vẹn cho Chúa.  Năm 13 tuổi Ngài còn tự ý làm một mão gai để đội đầu mỗi khi đi ngủ để cảm thông với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô.

Đến 16 tuổi, Catarina đã ao ước được gia nhập dòng Carmêlô.  Sau một thời gian luỡng lự, cuối cùng cha mẹ Ngài đã chấp nhận, Catarina vào dòng ngày 14 tháng 8 năm 1582 và ngày 30 tháng giêng năm 1583, được mặc áo dòng với danh hiệu Maria Madalena.  Cuộc đời Ngài là một phép lạ liên tục.  Một cơn bệnh xâu xé Ngài.  Có nữ tu hỏi thánh nữ xem bí mật nào đã giúp Ngài nhẫn nại chịu đựng như vậy, chỉ vào cây thánh giá Ngài trả lời: – Hãy xem điều Chúa Giêsu đã làm để cứu chuộc tôi.  Những ai nhớ tới những đau khổ của Chúa Giêsu và dâng những đau khổ của mình lên Thiên Chúa, họ chỉ còn thấy êm ái đối với những gì mình phải chịu mà thôi.

Đau đớn vì bệnh hoạn, thánh nữ lại hay xuất thần.  Những yếu tố ấy đều góp phần xây dựng đời sống thánh thiện của Ngài.  Dù suốt năm năm liền kể từ tháng 6 năm 1585, Ngài đã phải trải qua một cuộc thử thách dữ dằn, Thiên Chúa cho Ngài thấy sự dữ đang diễn ra trong Giáo hội, những xúc phạm do hàng giáo sĩ và do các giám mục gây nên.  Các tu sĩ trong cộng đoàn vấp phạm vì những khuyến cáo Ngài trình lên Đức gíao hoàng và các đức giám mục để thực hiện cuộc canh tân.  Sự nghi ngờ của họ trở thành sự khinh bỉ, khi thánh nữ chịu cơn thử thách khủng khiếp này, là thấy mình bị Thiên Chúa bỏ rơi.  Thêm vào đó, Ngài còn bị cám dỗ trở nên kiêu căng thất vọng.

Dầu vậy, ý chí của Ngài bám chặt vào Chúa không ngơi, Ngài chỉ còn biết rên rỉ: – Tôi không hiểu mình có còn trí khôn nữa không.  Tôi không thấy mình còn có gì đáng kể ngoài một chút thiện chí là không bao giờ dám xúc phạm đến Thiên Chúa.

Nhưng nhìn lên thánh giá Ngài thêm phấn khởi: – Đừng chết, nhưng chớ gì được chịu đau khổ mãi.

Bị cám dỗ quá, Ngài gieo mình vào bụi gai, bình thường Ngài hãm mình kinh khủng và thường mặc áo nhặm.

Năm năm bão tố trôi qua nhằm lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống trong khi hát kinh tạ ơn, Maria Madalena đã bỗng xuất thần và thưa với bề trên trong niềm vui mừng: – Bão tố qua rồi, xin hãy giúp con cảm tạ Chúa tạo thành khả ái.

Từ đây Ngài chỉ còn ước muốn vô cùng là được làm việc để tôn vinh Chúa và mưu ích cho các linh hồn.  Ngài luôn tìm kết hiệp với thánh ý Chúa.  Thánh Thần đọc cho Ngài những ý tưởng thâm sâu và hai chị thơ ký đã ghi thành một pho sách được các người nhân đức và thông thái ở Ý chuẩn nhận.

Với nhiệt tình, Ngài đã nguyện hy sinh không muốn biết đến một sự dịu ngọt nào nữa.  Khi làm phó bề trên, Ngài bị tật bệnh dày vò lại còn mất ơn an ủi, cha linh hướng tìm cách an ủi, nhưng Ngài nói:

  • Không, đó không phải là thứ an ủi con tìm kiếm.  Con chỉ ước mong được đau khổ đến lúc cuối đời.

Khi sắp từ trần thánh nữ nói:

  • Tôi sắp từ giã mà không hiểu tại sao một thụ tạo lại quyết tâm phạm tội chống lại Chúa tạo thành được.

Với các nữ tu vây quanh, Ngài nói những lời sau cùng:

  • Tôi sắp từ giã các chị để đi vào vĩnh cửu, tôi xin các chị như là một ân huệ cuối cùng là chỉ yêu mến một mình Chúa, đặt trọn niềm hy vọng nơi Ngài và chịu đựng tất cả vì tình yêu Ngài.

Thánh nữ từ trần ngày 25 tháng 5 năm 1607.  Thân xác Ngài vẫn còn nguyên vẹn cho tới ngày nay.

Sưu tầm

From: Langthangchieutim


 

Thánh Rita Casica (1381-1457)- Cha Vuong

Tạ ơn Chúa đã bạn cho bạn một ngày mới để yêu thương và phục vụ. Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh Rita Casica, mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy. Cũng vào ngày này 25 nam về trước mình được thụ phong Linh Mục, mình xin bạn hiệp thông với mình dâng lên Chúa lời cầu nguyện tạ ơn hôm nay nhé. Cảm ơn bạn nhiều lắm đã và đang đồng hành với mình.

Cha Vương

Thứ 4: 22/05/2024

Con đường nên thánh của thánh Rita Casica có thể được tóm gọn trong một dòng: Trung thành trong đau khổ suốt đời qua nhiều giai đoạn: thiếu nữ, vợ, mẹ, góa, nữ tu.

Trong nhiều thế kỷ, Thánh Rita ở Casica là một trong những vị thánh nổi tiếng của Giáo Hội Công Giáo. Người ta thường gọi ngài là “Thánh của những trường hợp Vô vọng-Impossible” vì bất cứ điều gì nhờ ngài cầu bầu đều được Thiên Chúa nhận lời.

Thánh Rita sinh năm 1381, tại thành Casica thuộc tỉnh Umbria, nước Ý. Cha mẹ có tinh thần đạo hạnh đã già nhưng chưa có con. Hai ông bà đã kiên trì cầu xin Chúa và cuối cùng Chúa đã ban cho hai người sinh được một người con như món quà quí.

Lớn lên Rita muốn dâng mình cho Chúa trong bậc đi tu, nhưng cha mẹ lại bắt cô lập gia đình. Ban đầu cô hơi bực mình, nhưng Rita hiểu đây là Ý Chúa, nên cô bằng lòng. Rita kết hôn năm 12 tuổi, với một thanh niên quý tộc. Người thanh niên này là người khô đạo, thường xuyên hành hạ vợ mình. Tuy nhiên, với tâm hồn đạo hạnh, Rita vẫn kiên tâm cầu nguyện và sống yêu thương, lúc nào cũng làm tròn bổn phận của một người vợ. Cuối cùng, vì đức hạnh của Rita, người chồng đã thay đổi nếp sống và tận tâm yêu mến vợ mình. Đời sống gia đình kéo dài được 18 năm. Chúa đã chúc lành cho Rita và cho bà sinh 2 người con trai. Bà trở thành người vợ và người mẹ tốt lành tận tụy.

Vì có sự bất hòa trong đại gia đình dòng họ, một hôm, chồng bà đã bị kẻ thù giết chết, bà rất đau khổ, nhưng trong tinh thần Công giáo, bà tha thứ cho kẻ thù đã giết chồng của mình.

Khi hai con trai của bà khi đến tuổi được phép mang khí giới, chúng không giống như mẹ, chúng quyết tâm nuôi mộng giết kẻ thù để trả hận cho cha mình. Đứng trước hoàn cảnh đó, bà lại phải đau khổ. Bà khuyên can các con nhưng chúng không nghe. Tuy phải đau khổ vì không thể làm lay chuyển được kế hoạch giết người của hai người con trai, bà đã ngày đêm cầu xin Chúa cất chúng về khi chúng đang còn trong ân sủng của Chúa và chưa phạm tội ác. Chúa đã nhận lời bà. Trong một năm, cả hai đứa lìa đời.

Sau khi hai người con chết, bà xin vào tu trong nhà dòng nữ Augustinô ở Casica, nhưng nhà dòng đã ba lần từ chối không nhận bà vì không còn là trinh nữ. Bà tha thiết cầu nguyện đêm ngày xin Chúa cho bà được thuộc về Chúa như người Bạn Trăm năm. Người ta kể rằng, một đêm kia ba vị thánh (Gioan Tẩy giả, Augustinô, Nicholas Tolentino) hiện ra dẫn bà tới nhà Dòng Madalena, đưa bà vào trong khuôn viên của tu viện dù vẫn kín cổng cao tường. Thấy vậy, các nữ tu tin rằng ý Chúa muốn bà được chấp nhận vào dòng.

Trong 40 năm ở nhà dòng, bà sống trong cầu nguyện và chiêm ngắm, hầu hạ người bệnh và người nghèo, làm những việc tay chân được bề trên chỉ định. Bà ước ao được chia sẻ những khổ đau cùng Chúa Kitô Thầy Chí Thánh của mình nên sau 25 năm tu, Chúa đã ban cho bà được chia sẻ một chút đau khổ của Chúa. Chúa đã cho một cái gai trong mũ gai của Chúa cắm vào trán bà. Từ đó, trên trán của bà luôn có vết thương rướm máu. Các bề trên của bà nghĩ rằng đó là hiện tượng bệnh phong cùi, nên tách riêng bà ra khỏi cộng đoàn nhà dòng và cho bà sống trong một căn phòng nhỏ trong góc tu viện. Bà mang vết thương này trong 15 năm, âm thầm chịu đựng ngày đêm và cảm tạ những ơn Chúa Giêsu Kitô đã đặc biệt ban cho bà. Bà bị đau đớn khổ sở cho đến lúc nhắm mắt lìa đời ngày 22 tháng Năm năm 1457 khi 76 tuổi.

Người ta gọi bà Rita là: Người đem hòa bình. Thánh của những trường hợp vô vọng. Bà thánh xin nhiều quá (“Peacemaker,” “Saint of the Impossible”, the “Saint Who Asks Too Much”). Ngài đặc biệt được tôn kính ở nước Ý ngày nay, và được coi là quan thầy của những trường hợp khó khăn, nhất là có liên hệ đến hôn nhân.

Ngài được phong chân phước năm 1626 và được phong thánh năm 1900, và được coi như “Viên ngọc quí của thành Umbria.” Lòng sùng kính thánh nữ Rita không những lan ra khắp nước Italia mà còn ra nhiều nước khác, nêu gương cho phụ nữ mọi thời, mọi nơi, qua nhiều giai đoạn… (Internet)

*Bạn đang đương đầu với trường hợp vô vọng ư? Hãy chạy đến Thánh Rita Casica đi.

From: Do Dzung

Thánh Isidore. (St. Isidore of Madrid, 1070-1130)- Cha Vương

Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Isidore. (St. Isidore of Madrid, 1070-1130). Mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé. Xin thánh nhân chuyển cầu cho chúng con được sống thánh giữa đời.

Cha Vương

Thứ 4: 15/05/2024

Thánh Isidore là quan thầy của các nông dân và làng quê. Ðặc biệt, ngài là quan thầy của Madrid, Tây Ban Nha, và của Hội Nghị Ðời Sống Công Giáo Thôn Quê Hoa Kỳ.

Khi lớn tuổi, ngài làm công cho gia đình ông Gioan de Vergas, một địa chủ giầu có ở Madrid, và trung thành làm việc cho đến mãn đời. Isidore kết hôn với một thiếu nữ đạo đức và chính trực mà sau này bà được tuyên xưng là thánh Maria de la Cabeza. Hai người có được một con trai nhưng chẳng may cậu chết sớm. Cả hai ông bà tin rằng ý Chúa không muốn hai người có con, do đó họ quyết định sống khiết tịnh cho đến suốt đời.

Isidore là người đạo đức thâm trầm bẩm sinh. Ngài thức dậy từ sáng sớm để đi lễ và dành thời giờ trong những dịp lễ lớn để đi viếng các nhà thờ ở Madrid và vùng phụ cận. Trong khi làm việc, ngài luôn chuyện trò với Thiên Chúa. Khi bị các đồng nghiệp cho rằng ngài trốn tránh nhiệm vụ qua việc tham dự Thánh Lễ hằng ngày, lấy nhiều thời giờ để cầu nguyện, v.v…,

Isidore trả lời rằng ngài không còn lựa chọn nào khác hơn là tuân theo Ông Chủ tối cao. Truyền thuyết kể rằng, một sáng kia khi ông chủ đến cánh đồng để bắt quả tang Isidore trốn việc đi nhà thờ, ông thấy các thiên thần đang cầy cấy nơi khu ruộng của Isidore.

Isidore còn nổi tiếng là thương người nghèo và cũng thường để ý đến việc chăm sóc loài vật.

Isidore từ trần ngày 15 tháng Năm 1130, và được phong thánh năm 1622, cùng với các Thánh I-nhã, Phanxicô Xaviê, Têrêsa và Philip Nêri.

Lời Bàn: Chúng ta có thể tìm thấy nhiều sự ứng dụng nơi vị lao công thánh thiện này: Công việc lao động có phẩm giá; sự thánh thiện không bắt nguồn từ địa vị xã hội; sự chiêm niệm không lệ thuộc vào học thức; đời sống thanh bạch là con đường dẫn đến sự thánh thiện và hạnh phúc. (Nguồn: GP Vĩnh Long)

From: Do Dzung

Nên Thánh Giữa Đời – Sr Têrêsa / Ca sĩ Xara Trần 

Thánh Mát-thi-a, Tông đồ – thế kỷ thứ 1-Cha Vương

Chúc bình an đến bạn và gia đình, hôm nay Giáo Hội mừng kính trọng thể thánh Mát-thi-a, Tông đồ—thế kỷ thứ 1 (St. Matthias the Apostle). Mừng quan thầy đến những ai chọn ngài làm bổn mạng nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 14/05/2024

Theo Tông Ðồ Công Vụ 1:15-26, sau khi Ðức Giêsu Lên Trời, các tông đồ cần phải tìm người thay thế cho Judas Iscariot. Với tất cả những bàng hoàng chưa thông hiểu, những nguy hiểm đang phải đương đầu, tại sao các ngài lại chú ý đến việc tìm vị tông đồ thứ mười hai? Số mười hai là con số quan trọng cho Dân được chọn: mười hai là con số của mười hai chi tộc Israel. Nếu một Israel mới phát sinh từ các môn đệ của Ðức Kitô, thì cần phải có mười hai tông đồ. Nhưng biết ai để mà chọn?

Khi Thánh Phêrô đứng lên đề nghị phương cách chọn lựa, lúc ấy có một trăm hai mươi người đang tụ tập cầu nguyện. Thánh Phêrô biết rằng người được chọn phải là người đã theo Ðức Kitô từ ban đầu — từ lúc Ngài chịu thanh tẩy bởi Gioan Tẩy Giả cho đến khi Lên Trời. Lý do thật dễ hiểu, tông đồ phải là người theo Ðức Kitô trước khi bất cứ ai biết đến, phải trung thành với Ngài dù có những khó khăn và đã chứng kiến sự phục sinh của Ðức Kitô.

Có hai vị hội đủ điều kiện – Matthias và Giuse Barsabbas. Các tông đồ biết hai vị này đã từng ở với họ và ở với Ðức Kitô trong suốt thời gian Ngài thi hành sứ vụ. Nhưng ai thực sự quyết tâm làm nhân chứng cho sự phục sinh của Ðức Kitô. Chỉ có Thiên Chúa mới biết được điều đó. Và các tông đồ đã cầu nguyện và bỏ phiếu. Người được chọn là ông Matthias, là người được thêm vào nhóm Mười Hai thay Judas Iscariot.

Theo một tương truyền Hy Lạp, thánh nhân giảng đạo ở Capadoce và bị ném đá chết tại Colchis năm 80 AD; xác thánh nhân được chôn ở Jerusalem. Thánh tích còn tại nguyện đường tu viện ở Triers, phần khác do thánh nữ Helene đưa về La Mã tại Đền Thánh Đức Bà cả. Ðó là tất cả những gì chúng ta được biết về Thánh Matthias.

Lời Bàn: Ðức Clêmentê ở Alexandria nói rằng Thánh Matthias, cũng như tất cả các tông đồ khác, được Ðức Kitô chọn không phải vì họ tốt lành, nhưng vì Ðức Kitô đã thấy trước con người tương lai của họ. Các ngài được chọn không phải vì sự xứng đáng nhưng vì các ngài sẽ trở nên người xứng đáng. Ðức Kitô cũng chọn chúng ta giống như vậy. Thử nghĩ xem Ðức Kitô muốn bạn trở nên một người như thế nào? [Chính những gì bạn làm ngay bây giờ sẽ quyết định tương lai của bạn đó.]

(Trích Gương Thánh Nhân – ns Người Tín Hữu online và Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saints, Santi-Beati-Testimoni và “Điển Ngữ Các Thánh” của cố linh mục Hồng Phúc, CSsR)

From: Do Dzung

Đường con theo Chúa -tinmung.net

THÁNH MATTHIA TÔNG ĐỒ-Enzo Lodi

Enzo Lodi

  1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ

Việc tôn kính thánh Matthias chỉ xuất hiện tại Rôma vào thế kỷ IX.  Lễ của ngài được cử hành vào Mùa phục sinh, phù hợp với câu chuyện bầu cử ngài diễn ra giữa hai ngày lễ Chúa Thăng thiên và lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (Cv 1, 15-26).

Matthias (hay Mathias) tiếng Do Thái mattatyah (= hồng ân của Thiên Chúa) là môn đệ của Đức Giêsu.  Vài Giáo phụ như Clément d’Alexandrie, đồng hóa ngài với Giakêu.  Có lẽ ngài chết tử đạo ở Giêrusalem.  Song một truyền thống khác nói ở Éthiopie.  Thánh tích của ngài được tôn kính tại Trèves (Đan viện thánh Matthias) và tại Rôma (Đền thờ Đức Bà Cả).  Ngài được minh họa, tay cầm giáo hay thanh kiếm, và đôi khi lại bị gươm kiếm đâm thâu qua.

  1. Thông điệp và tính thời sự
  2. Câu chuyện trong Công vụ đọc vào ngày lễ (1,15-26) thuật lại diễn từ của Phêrô trước việc rút thăm chọn Matthias.  Các Tông Đồ ý thức việc cần lập một nhóm Mười Hai tách biệt, được Đức Giêsu tuyển chọn để tiếp tục sứ vụ của Người.  Vì con số ấy chỉ còn Mười Một sau bội ước của Giuđa Iscariote, nên cần một người khác nhận phần việc thay cho kẻ phản bội (Cv 1, 21), để số 12 trong Tông Đồ đoàn luôn được đầy đủ.

Quả vậy, trong Kinh thánh, con số “mười hai” được xem như là con số linh thánh và mang ý nghĩa tượng trưng: các môn đệ Đức Giêsu sẽ ngồi trên mười hai tòa để xét xử mười hai chi tộc Israel (Mt 19, 28; Lc 22, 30), và Giêrusalem mới sẽ có mười hai cửa mang tên mười hai chi tộc Israel.  Cũng thế, mười hai nền móng của thành thánh mang tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên (Kh 21, 12 – 14).

Phêrô nhắc lại các điều kiện cần thiết để được nhập vào nhóm Mười Hai và như thế tham gia vào sứ vụ đầu tiên của nhóm trong tư cách là những người trực tiếp làm chứng về Đức Kitô sống lại, từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất (Cv 1, 8).  Người được chọn phải là một trong các chứng nhân về cuộc đời và sự Phục Sinh của Đức Giêsu, cho đến khi Người lên trời.  Phêrô nói: Vậy một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã phục sinh (Cv 1, 22: bài đọc một trong Thánh lễ; xem Bài giảng của thánh Gioan Kim Khẩu trong Kinh sách).  Chính cảm nghiệm trong tư cách chứng nhân trực tiếp về đời sống và nhất là về sự sống lại của Thầy mình, đã đem lại cho nhóm Mười Hai sự bảo chứng, sức mạnh và sự khả tín trong sứ vụ Tông Đồ Tin Mừng của mình.

  1. Phụng Vụ lễ thánh Matthias cũng nhấn mạnh một phương diện khác, không những về ơn gọi của nhóm Mười Hai, mà còn về mọi ơn gọi khác.  Đức Giêsu nói với các Tông Đồ: không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái và hoa trái của anh em tồn tại (Ga 15,9 –17): bài Tin Mừng Thánh lễ).  Như thế, khi Phêrô mời gọi cộng đoàn một trăm hai mươi anh em rút thăm một trong hai ứng viên để được sát nhập vào nhóm Mười Hai, thì cả hội nghị cầu nguyện rằng: Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này, xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai … (Cv 1, 24).
  2. Ơn gọi của thánh Matthias cũng nhắc chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta được hưởng “gia sản của các thánh trong ánh sáng của Chúa” (lời nguyện sau hiệp lễ).“Hãy nhìn xem tình yêu Chúa cao cả dường bao!  Chúng ta là con Thiên Chúa, được tiền định trong thánh Tử độc nhất của Người…  Mắt nhìn lên thành trì hoan lạc, chúng ta sẽ thấy được thánh Nhan uy nghi của Người” (xướng đáp bài đọc – Kinh sách)

Enzo Lodi

From:Langthangchieutim Continue reading “THÁNH MATTHIA TÔNG ĐỒ-Enzo Lodi”