CUỘC ĐỜI GIOAN BOSCO, VỊ THÁNH ĐÃ SỐNG VÀ CHẾT CHO CÁC EM THIẾU-NHI

CUỘC ĐỜI GIOAN BOSCO, VỊ THÁNH ĐÃ SỐNG VÀ CHẾT CHO CÁC EM THIẾU-NHI

Biển-Đức Đỗ Quang-Vinh (Toronto, Canda)

chuyển-ngữ từ bài viết của Benoît Fidelin trong tạp-chí Pèlerin Magazine.

No. 5495, 25 Mars 1988.

Cậu bé vùng Piémont đã trở nên linh-mục của các trẻ em bị bỏ rơi. Ngài tạ thế cách đây hơn 100 năm (nguyên-bản là 100 năm, viết năm 1988, kỷ-niệm giỗ 100 năm vị thánh qua đời). Đời Ngài là cả một tình thương trải rộng bao-la do Tin Mừng Đức
Kitô thúc đẩy, và noi gương Ngài, hàng ngàn người đã và đang dấn thân phục-vụ
giới trẻ, tại Pháp cũng như trên toàn thế-giới.

Đó là GIOAN, con của gia-đình Bosco, cậu bé có nụ cười trong sáng, vầng trán bướng-bỉnh, đôi mắt đen nhánh, tóc rối bù như lông chiên. Thuở mới lớn lên, ngày ngày Gioan Bosco dắt đàn bò đi vào các vùng núi đồi miền Piémont, nước Ý. Cậu tập cuốc đất, phát cỏ, sử-dụng liềm, mác, và tập vắt sữa bò. Từ thuở đó cậu đã hiểu thế nào là đói khát và đã từng chứng-kiến cảnh chết-chóc ly-biệt.

Nạn đói hoành-hành năm 1817, lúc Gioan vừa mới lên hai tuổi, khi sương giá mùa xuân và những cơn hạn-hán khủng-khiếp tàn phá tất cả mùa màng. Nông-dân phải giết gia-súc để ăn thịt. Người ta gặp thấy trong các mương rãnh, xác những kẽ hành-khất chết đói, miệng còn ngậm
cỏ…

Và cả cái chết nữa, như cha cậu đã ngã qụy xuống vì chứng sưng phổi vào một buổi chiều tháng năm rất đẹp trời nhưng cũng thật buồn thảm.

Mẹ cậu, bà Ma-ga-ri-ta, mới 29 tuổi đã góa chồng. Nhưng bà sống thắt lưng buộc bụng, vỡ đất làm rẫy, nuôi dạy con cái cách dịu-dàng mà nghiêm nhặt. Bà ở trong ngôi nhà gạch tồi-tàn vừa là chỗ ở, vừa làm kho lẫm, vừa làm chuồng bò. Hai bao bắp để trong bếp và hai con bò cái nằm sau liếp vách ngăn. Phòng ngủ ngay dưới mái nhà và nệm lót bằng lá bắp. Nhưng chính ở đó, ngay trong cảnh nghèo nàn trơ-trụi ấy, cuộc đời bé Gioan Bosco đã bừng sáng lên.

Chỉ một giấc mơ bình-thường đã khiến cậu tin rằng trọn cuộc đời mình được Chúa Giêsu Kitô mời gọi để chăm lo cho các trẻ em bị ruồng bỏ. Năm lên 9, bé Gioan mơ thấy mình đứng giữa một đám trẻ bụi đời ngổ-ngáo. Chúng chửi thề, văng tục, và Gioan đã trả đũa lại bằng những cú đấm ngoạn-mục. Nhưng một người với diện-mạo sáng ngời đã gọi tên Gioan và bảo: “Con phải chinh-phục chúng, không phải bằng tay chân như thế, mà là bằng khổ đau và lòng yêu mến”. Gioan hỏi: “Ngài là ai mà đòi con phải làm những việc không thể nào làm nổi như vậy?”; và người lạ mặt đã trả
lời: “Ta là Con của Bà mà mẹ con vẫn dạy con cầu nguyện với Bà mỗi ngày
ba lần”.
Cũng trong giấc mơ đó, Ðức Trinh-Nữ Maria đã hiện ra với cậu.
Bằng những hình-ảnh khác, Người loan báo cho cậu cũng một sứ-mạng ấy: chăm
sóc các trẻ em bị bỏ rơi.

 

Thế là bắt đầu cuộc phiêu-lưu! Từ lúc còn rất nhỏ, Gioan đã nói rằng cậu ao-ước trở thành linh-mục. Trong thời-gian đợi chờ, cậu tụ-tập bạn-bè ở ngoài đồng để diễn-thuyết, làm hề và biểu-diễn cả ảo-thuật nữa. Nhưng lúc nào cũng thế, trước khi tới màn cuối, “ông bầu” lại lôi cỗ tràng hạt trong túi ra, qùy xuống và mời cả đám trẻ cùng cầu-nguyện.

Gioan say mê đọc sách và nuôi chim. Ngồi dưới bóng cây im mát, cậu ngấu-nghiến đọc những cuốn sách mượn được của một vị linh-mục ở một xứ đạo hẻo-lánh. Rồi trèo lên cây, cậu gỡ tổ chim và bắt những con sáo nhỏ, đem về nuôi trong lồng làm bằng cành cây dương-liễu, rồi dạy chúng hót. Chuyện học-hành ư? Chỉ khi nào ngoài đồng ruộng hết bóng người thì cậu mới  tới trường. Cậu không chịu học-hành đến độ đã gây-gổ với người anh cả và đã phải bỏ nhà đến làm việc tại một làng kế bên. Sau bao năm lao-động ròng-rã, cuối cùng mới gặp được dịp may: một vị linh-mục già thấy cậu thông-minh thì yêu mến, nhận nuôi và dạy cho cậu học tiếng La-tinh. Sau khi Cha qua đời, được mẹ giúp đỡ và cũng được nhiều ân-nhân tiếp tay, cậu theo học tại trường trung-học ở tỉnh bên. Hằng ngày đi bộ mười cây số, bất kể mưa gió hay nóng bức bụi-bặm. Tất cả chỉ để làm linh-mục! Gioan sẽ không bao giờ quên điều ấy. Và rồi sau sáu năm học ở chủng-viện, năm 1941, cậu đã trở thành linh-mục DON BOSCO!

Người ta mau chóng trao cho Ngài những công việc của một linh-mục tuyên-úy. Nhưng Ngài chỉ muốn một điều là các trẻ em. Thời-kỳ ấy là thời-kỳ cách-mạng kỹ-nghệ, thành-phố Turin là nơi hấp-dẫn đã lôi kéo hàng ngàn người di-dân đến kiếm sống. Các thanh, thiếu-niên làm việc ngắn hạn ở các xưởng đóng tàu, rổi lang-thang thất-thểu dọc bờ sông Pô, không một đồng xu dính túi. Những em khác vào tù. Don Bosco đi gặp họ tất cả, và Ngài được sự giúp đỡ của Cha Don Cafasso, vị linh-mục của “giới bần cùng”. Ngài dám trèo lên các xe bò chở tử-tội để an-ủi họ suốt lộ-trình cho đến pháp-trường.

Ngài lôi kéo được Don Bosco đi vào trại giam; ở  đó vị linh-mục trẻ tuổi người vùng Piémont buồn rầu đảo mắt nhìn cảnh tù đày, cái nhìn đó cũng ngăn đe mấy cậu bé đang chen-chúc trong các xà-lim hôi-hám, chúng tiều-tụy đi vì nạn chí rận, ăn toàn bánh mì đen và uống nước lã. Thật vô cùng khủng-khiếp! Don Bosco bàng-hoàng kinh-hãi, Ngài gào lên trong cổ họng:  Quá nhiều thanh-niên bị nhốt ở đây, bởi chẳng có ai săn-sóc đến họ. Tôi phải giúp-đỡ, dạy-dỗ họ. Tôi muốn cứu giúp những kẻ bất hạnh này”. Và Ngài sẽ làm như Ngài đã nói thế!

Ít lâu sau, có một lần kia khi Ngài chuẩn-bị  dâng thánh-lễ tại nhà thờ Thánh Phan-xi-cô Át-si-gi-ô, Chúa đã dẫn đến cho Ngàimột cậu bé tên là Ba-tô-lô-mê-ô Ga-ren-li, em mới từ xa đến thành-phố này kiếm sống. Đầu cạo trọc-lóc, áo dính đầy vết vôi. Don Bosco qùy xuống và dạy em cầu nguyện. Sau đó Ga-ren-li trở lại, dẫn theo năm đứa, mười đứa, rồi tới một trăm đứa, bạn bè của nó, đứa nào cũng bị Don Bosco chinh-phục bằng tình yêu thương Ngài dành cho chúng. Ngài giảng dạy về Thiên-Chúa cách cụ-thể, nhờ những sự-kiện hấp-dẫn và những chi-tiết lý-thú làm chúng say mê.

Họ quấn-quýt và không rời bỏ nhau nữa. Trong các nhà nguyện cũ, trên những bãi đất trống vùng ngoại-ô, và trong các vựa lúa, các em kéo đến ngày một đông hơn để nghe Ngài giảng, để được Ngài dạy-dỗ huấn-luyện nên người và nên con cái Chúa.

 

Vì lo-lắng cho tương-lai các em, Don Bosco mở các xưởng dạy nghề. Ngài nghĩ ra việc ký giao-kèo lao-động để kiếm việc cho các em, trước khi lao mình vào việc viết lách và xuất-bản, nhằm mục-đích giáo-dục và phát-triển đức tin Công-Giáo nơi các em. Công-trình lớn mạnh. Nhờ có các ân-nhân tài-trợ nên Ngài đã xây-dựng được nhiều nhà cho các em. Don Bosco đặt trọn niềm tin nơi Chúa Quan-Phòng.

Chẳng bao lâu, một “Tổ Ấm” hình-thành với 15, 20, rồi 600 em nội-trú. Vì không muốn cho tương-lai các em quá tồi-tệ, Cha Don Bosco cho dựng thêm nhà cửa, mở một lớp học tối, rồi mời các linh-mục và những người thiện-nguyện đến dạy cho các em. Họ làm việc trong nhà bếp, trong phòng mặc áo lễ ở gian bên của cung thánh. Trên hết mọi sự, họ rất mực yêu thương nhau, vì sư-phạm của Cha Gioan là Sư-Phạm Của Tình Thương. Lý-thuyết mà làm gì? Ngài không mong xây-dựng một “kiểu” giáo-dục lỗng-lẫy. Ngài nói: “Hệ-thống giáo-dục của tôi ư? Chính tôi, tôi cũng chẳng biết nữa.”…”Tôi chỉ có công này, là tiến về phía trước theo sự dẫn-dắt của Chúa, rồi tùy hoàn-cảnh mà xử-trí”.

Quả thế, Ngài chủ-trương một đường lối sư-phạm “ngay tại chỗ”, đặt tin-tưởng vào bản-chất của con người đã được Thiên-Chúa cứu-độ và tin vào sự hiện-diện hữu-hiệu của nhà giáo-dục. Don Bosco ước-đoán được những nỗi cùng khổ và âu-lo của từng em một. Ngài biết rằng tuổi thanh thiếu-niên là tuổi đầy-dẫy những nghi-ngờ, những phiền-muộn, tuổi của phẫn-nộ và thất vọng. Thế là Ngài đến với chúng, nói một câu khôi-hài, kiên-trì mời gọi chúng đối-thoại, cũng như vui-vẻ, thành-thực, cởi mở thoải-mái, một sự thoải mái tự-nhiên không hề bó-buộc vẫn là đặc-điểm nổi bật nhất trong tình yêu giáo-dục của Ngài. Ngài đã sống câu châm-ngôn sau đây, dựa theo lời thánh
Phao-lô: “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn” (Un saint triste est un triste saint).

Và Ngài đã nên thánh. Ngài được phong thánh năm 1934, sau khi sống
một cuộc đời luôn luôn bận-bịu lo-lắng cho các em thiếu-nhi và sáng lập ra
tu-hội Sa-lê-giêng để tôn-kính thánh Phan-xi-cô Sa-lê-gi-ô. Cũng như vị thánh
này, Ngài đã tìm được sức sống cho đời mình qua tình yêu thương con người và
qua Tin Mừng của Đức Kitô, ở đó Ngài khám phá ra dung-mạo một Thiên-Chúa có thể chia sẻ mọi yếu-hèn của chúng ta.

Ngay cả đến cuối đời, sau khi được Ðức Thánh Cha tiếp-kiến, trong các cuộc hành-trình khắp năm châu bốn bể để kiếm tiền in những tác-phẩm Ngài viết, Ngài cũng rất gần-gũi các trẻ em vất-vưởng của mình. Lúc nhắm mắt lìa đời, rạng sáng ngày 31 tháng giêng năm 1888, Ngài nói với các tu-sĩ Sa-lê-giêng đang săn-sóc Ngài rằng:

“Hãy làm tốt cho mọi người,

đừng gây điều xấu cho ai cả!

Hãy nói với các bạn trẻ của Cha rằng:

Cha đợi họ trên Thiên-Đàng!

Biển-Đức Đỗ Quang-Vinh (chuyển-ngữ)

nguồn: conggiaovietnam.net

CHÂN PHÚC ANRÊ PHÚ YÊN: HÃY LẤY TÌNH YÊU ĐỂ ĐÁP LẠI TÌNH YÊU

CHÂN PHÚC ANRÊ PHÚ YÊN: HÃY LẤY TÌNH YÊU ĐỂ ĐÁP LẠI TÌNH YÊU

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

Chúa Nhật 5-3-2000 trong khung cảnh Đại Năm Thánh
2000, Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Thầy Giảng Anrê Phú Yên lên hàng Á Thánh. Trong tập sách nhỏ về nghi thức tôn phong chân phước được phân phát dịp này có phần Việt ngữ sơ lược tiểu sử vị Tôi Tớ Chúa tử
vì đạo như sau.

THẦY GIẢNG ANRÊ,

VỊ TỬ ĐẠO TIÊN KHỞI CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM

Thầy Giảng Anrê, gốc tỉnh RanRan (Phú Yên), là con út của
một phụ nữ tên thánh là Gioanna. Tuy góa bụa nhưng bà đã giáo dục con
cái với tất cả lòng tận tụy và khôn ngoan. Anrê là một cậu bé mảnh khảnh, nhưng
tư chất rất thông minh, có óc phán đoán tốt và tâm hồn hướng chiều về sự thiện.
Do lời năn nỉ của bà mẹ, cha Đắc Lộ, vị Linh Mục thừa sai dòng Tên nổi tiếng,
đã nhận cậu Anrê vào số các môn sinh của ngài. Anrê chăm chỉ học chữ Nho và
chẳng bao lâu trổi vượt các bạn đồng môn.

Anrê được lãnh nhận bí tích Rửa Tội cùng với mẹ ba năm trước khi bà qua đời,
tức là năm 1641, khi Anrê được 15 tuổi. Anrê sinh năm 1625 hay 1626, không rõ
ngày tháng, và lúc chịu chết năm 1644, Thầy trạc độ 19 hay 20 tuổi.

Một năm sau khi chịu phếp Rửa Tội, tức năm 1642, Anrê được cha Đắc Lộ nhận vào
nhóm cộng sự viên thân tín của ngài, và sau một năm huấn luyện thêm về tôn giáo
và văn hóa, Anrê được gia nhập Hội Thầy Giảng gọi là ”Nhà Đức Chúa Trời” mà Cha
Đắc Lộ đã khôn ngoan thành lập: các thành viên Nhà Đức Chúa Trời cam kết, bằng
lời hứa chính thức và công khai, suốt đời phụng sự Giáo Hội trong việc giúp các
linh mục và truyền bá Tin Mừng.

Lòng hăng say của Thầy Anrê sống trọn điều quyết tâm khi chịu phép Rửa đã chuẩn
bị cho Thầy can đảm đương đầu với cuộc tử đạo và ngoan ngoãn đón nhận ơn tử đạo
Thiên Chúa rộng ban cho Thầy.

Trước cuối tháng 7 năm 1644, quan Nghè Bộ trở lại tỉnh nơi Thầy Giảng Anrê sinh
sống. Quan mang theo sắc lệnh của chúa Nguyễn cấm truyền bá Đạo Kitô trong
nước: vì thế quan quyết định hành động trước tiên chống lại các thầy giảng.

Cha Đắc Lộ không hề hay biết ý định này của quan, nên tới thăm quan vì xã giao,
nhưng ngay sau đó cha được biết chúa Nguyễn rất giận dữ khi thấy vì cha mà có
đông người dân bản xứ theo Đạo Kitô. Vì thế cha phải bỏ xứ Đàng Trong để trở về
Macao và không được phép dạy giáo lý cho dân nữa. Còn các tín hữu theo đạo thì
bị trừng phạt rất nặng nề.

Rời dinh quan Nghè Bộ, cha Đắc Lộ đi thẳng xuống nhà tù nơi giam giữ một Ông
Trùm, cũng tên Anrê, đã 73 tuổi, mới bị bắt hai ngày trước đó. Trong khi ấy,
quan ra lệnh cho lính tới nhà cha lùng bắt một thầy giảng khác tên là Ignatio.
Nhưng thầy Ignatio đã đi làm việc tông đồ. Lính chỉ tìm thấy Thầy Giảng Anrê.
Để khỏi trở về dinh quan Bộ tay không, lính đánh đập Thầy Anrê, trói Thầy lại,
rồi giải xuống thuyền đem về dinh quan trấn thủ. Chiều ngày 25 tháng 7 năm
1644, Thầy được dẫn tới trước mặt quan. Lính thưa với quan rằng họ không tìm
thấy thầy Ignatio, nhưng đã bắt được một ”thầy giảng khác giống như vậy, vì
suốt cuộc hành trình, anh ta luôn nói về Đạo Kitô và khuyến khích họ theo Đạo”.

Nghe vậy quan tìm mọi cách làm cho Thầy Anrê ”từ bỏ cái đạo điên rồ đó và bỏ
lòng tin”.

”Nhưng thanh niên can trường ấy trả lời quan rằng mình là Kitô hữu, và
rất sẵn sàng chịu mọi khổ hình chứ không từ bỏ Đạo mình tuyên xưng: vậy xin quan cứ tùy ý chuẩn bị các hình cụ, chàng vui lòng đón nhận, với xác tín rằng, vì đức tin, càng chịu khổ đau chừng nào thì càng chết vinh quang chừng ấy”.

Tức giận vì sự bất khuất của Thầy Anrê không hề sợ hãi trước những lời đe dọa,
quan truyền đóng gông và giải Thầy vào ngục, cùng nơi giam giữ Ông Trùm Anrê.

Cha Đắc Lộ và một vài thương gia Bồ Đào Nha tới thăm hai thầy: Thầy Giảng Anrê
thanh thản và vui mừng vì được chịu khổ đau vì Chúa Kitô đến độ những người đến
thăm Thầy bịn rịn không rời Thầy được, và nước mắt tràn bờ mi, họ xin Thầy nhớ
đến họ trong lời cầu nguyện. Thấy vậy, Thầy tự nhạo cười mình và xin họ cầu
nguyện cho Thầy, để Chúa ban cho Thầy ơn trung thành với Chúa cho đến chết, ”dâng hiến mạng sống trong tình yêu trọn vẹn, hầu đáp trả tình yêu thương vô biên của Chúa, Đấng đã hiến mạng sống vì loài người .. Những lời Thầy luôn lập lại cho
đến khi trút hơi thở cuối cùng là:
Chúng ta hãy lấy tình yêu để đáp lại
Tình Yêu của Chúa chúng ta, hãy lấy mạng sống đáp lại mạng sống
.

Sáng hôm sau, 26 tháng 7 năm 1644, hai tín hữu Kitô cùng tên Anrê, Ông
Trùm Anrê 73 tuổi và Thầy Giảng Anrê, cổ mang gông, bị dẫn qua các đường phố
đông người qua lại nhất trong thành, băng qua chợ Kẻ Chàm, đến dinh quan trấn
thủ để bị tra hỏi công khai. Quan trấn triệu tập một vài quan khác, lôi kéo họ
về phía mình và tuyên án tử cho Thầy Giảng Anrê, rồi ra lệnh dẫn Thầy về ngục
thất. Còn Ông Trùm Anrê thì được tha vì lý do tuổi tác, nhờ lời xin của cha Đắc
Lộ và các thương gia Bồ Đào Nha.

Vào khoảng 5 giờ chiều, một viên chỉ huy cùng với 30 người lính vào nhà tù, nơi
vị Tôi Tớ Chúa bị giam giữ, và ra lệnh cho Thầy phải đi theo tới nơi hành
quyết. Thầy Anrê cảm tạ Chúa vì giờ hiến tế đã tới, và sau khi chào mọi người
hiện diện trong tù, Thầy nhanh nhẹn bước đi. Quân lính vây chặt chung quanh và
dẫn Thầy Anrê đi qua các đường phố ở Kẻ Chàm, tới một cánh đồng ngoài thành.
Cha Đắc Lộ, nhiều Kitô hữu Bồ Đào Nha và Việt Nam cũng như nhiều người lương đã
đi theo và chứng kiến cuộc xử tử vị Tôi Tớ Chúa.

Theo thói quen tại đây, cha Đắc Lộ xin và được phép trải một tấm chiếu dưới
người Thầy Anrê để hứng lấy máu Thầy, nhưng Thầy không muốn nhận điều ấy. Thầy
muốn máu mình rơi xuống đất, như trường hợp Máu Cực Trọng Chúa Kitô đã đổ ra.
Trong khi đó, Thầy Anrê nhắn nhủ các Kitô hữu hiện diện hãy luôn kiên vững
trong Đức Tin, đừng buồn phiền vì cái chết của Thầy, và hãy giúp lời cầu cho
Thầy được trung thành tới cùng.

Cuộc hành quyết Thầy Giảng Anrê được thi hành bằng mấy nhát lao đâm thấu cạnh
sườn bên trái, và sau cùng khi một người lính sắp dùng đao chém đầu, Thầy lớn
tiếng kêu lên ”GIÊSU”.

Cho tới hơi thở cuối cùng, Thầy Giảng Anrê đã chứng tỏ lòng kiên trung trong
việc chấp nhận dâng hiến tế cuộc sống vì lòng tin yêu Chúa Kitô.

… Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu
thương anh em. Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc của chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi CHA Thầy, Thầy đã cho anh em biết
(Gioan 15,13-15).

(BEATIFICAZIONE, Piazza San Pietro, 5 Marzo 2000, Ufficio delle
Celebrazioni Liturgiche del Sommo Pontefice, trang 83-86)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

 

Việc phong thánh Chân Phước Gioan Phaolô II sắp xẩy ra

 
Việc phong thánh Chân Phước Gioan  Phaolô II sắp xẩy ra

Bùi Hữu Thư
 
1/11/22013

nguồn: Vietcatholic.net

Chân Phước Gioan Phaolô II

Hồng Y Re cho rằng điều này sẽ được công bố trong năm 2013 hay 2014

ROME, ngày 11, tháng 1, 2013 (Zenit.org) – Bộ trưởng về hưu của Thánh Bộ Giám  Mục nói Chân Phước Gioan Phaolô II có lẽ sẽ được phong thánh trong năm nay  hay năm tới.

Đức Hồng Y Giovanni Battista Re tiên đoán như vậy khi giới thiệu trong tuần
này tác phẩm “Il Papa e il Poeta” (Đức Giáo Hoàng và Thi Sĩ, do một chuyên gia Vatican viết là ông Mimmo Muol.

Đức Hồng Y nói: “Nếu không được trong năm nay thì sẽ trong năm tới . Ngài giải thích là đã có thêm một phép lạ được gán cho sự cầu bầu của Đức  Giáo Hoàng người Ba Lan, “chắc chắn là có một phép lạ có giá trị cho  việc phong thánh cho ngài.”

Các chuyên gia của Bộ Phong Thánh đang duyệt xét các phép lạ này.

Đức Hồng Y nói: “Thời gian duyệt xét có thể rất ngắn ngủi,” thánh  bộ phong thánh đang nghiên cứu ba hay bốn phép lạ “để đánh giá xem phép  lạ nào vững vàng nhất.”

Hồng Y Re giải thích: “Các vụ chữa lành đang được định giá bới một ủy  ban gồm bẩy bác sĩ, là thành viên của một cơ quan y khoa chuyên về nội khoa,
có trách vụ xem xét tất cả mọi chi tiết.”

Giới chức Vatican đã về hưu cho hay các bác sĩ này được xếp hạng là “rất  cứng rắn và tỉ mỉ”, họ sẽ không coi một vụ chữa lành là một phép lạ nếu  có một bệnh tật tương đương có thể được trị liệu bình thường cũng có hiệu  quả.

Ngài nói: “Bẩy bác sĩ của uỷ ban này phải đồng ý đây là một trường hợp  không thể giải thích được, về phương diện nhân loại và khoa học.”

“Những xác Thánh không hư nát”,

Cuốn sách “Những xác Thánh không hư nát“, có tiểu sử và hình chụp,
Có những thi thể không bị rữa nát qua thời gian dù không trải qua bất cứ sự can thiệp kỹ thuật nào. Hiện tượng có vẻ đi ngược với quy luật tự nhiên này được gọi là nhục thân bất hoại (incorruptible body).
Thánh Bernadette (Lourder, Pháp) là một ví dụ điển hình. Bà qua đời ở tuổi 35. Và 30 năm sau đó (1909), vì một nghi lễ tôn giáo, nhà thờ đã khai quật mộ. Đại diện nhà thờ, bác sĩ phẫu thuật và những người chứng kiến đã vô cùng kinh ngạc khi thấy thi thể của bà vẫn nguyên vẹn, dường như đang trong một giấc ngủ dài.
Thánh Bernadette trong quan tài pha lê
Bác sĩ phẫu thuật Tourdan đã ghi lại những gì ông quan sát được: “Cỗ quan tài
của bà được mở ra dưới sự chứng kiến của mọi người trong đó có tôi. Di hài của
Thánh Bernadette trong trang phục yêu thích của bà không hề có mùi xú uế. Khuôn
mặt, bàn tay và cẳng tay lộ ra bên ngoài. Đầu của bà nghiêng sang một bên,
miệng hé mở có thể nhìn thấy hàm răng trắng. Hai tay đặt trên ngực, vẫn giữ
được lớp da hoàn hảo”. Gia đình của Thánh Bernadette đã làm lễ tắm rửa, thay
quần áo và quan tài cho bà. Di hài của bà được đặt vào một vị trí mới sâu trong
nhà mồ.
Vào năm 1913, Đức Giáo Hoàng Pius X phong Chân Phước cho Bernadette. Điều này
đồng nghĩa với việc mộ của bà được mở ra một lần nữa. Việc này bị gián đoạn đến
năm 1919 vì cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Điều kinh ngạc là ở lần khai
quật này, di hài của bà vẫn nguyên vẹn.
Năm 1925, Thánh nữ Bernadette được Đức Giáo hoàng Pius XI phong Thánh. Lần thứ
ba, mộ bà được mở ra. Di hài được đưa vào một quan tài bằng pha lê cho mọi
người chiêm ngưỡng và quàn tại nhà nguyện ở Nhà thờ Lourder cho đến tận ngày
nay vẫn còn, nếu có dịp xin mời các bạn đến thăm để được tận mắt chứng kiến.
Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII (Đấng triệu tập Thánh Công Đồng Chung Vatican II năm 1962). Ngài qua đời ngày 03/06/1963 khi Công Đồng vẫn đang diễn ra, và sau đó Đức Hồng Y Montini lên ngôi với hiệu triều Đức Thánh Cha Phaolô VI tiếp tục Thánh Công Đồng.
Thi hài của ĐTC John XXIII được đặt ngay bên dưới chân bàn thờ chính của Đền thờ thánh Phêrô để dân chúng chiêm ngắm
38 Năm sau ngày ngài băng hà, Tòa Thánh tiến hành các thủ tục tôn phong Chân
Phước cho ngài, khi mở quan tài để kiểm tra thì phát hiện xác chết của ngài
không hề mảy may hư nát và thối rữa. Thời gian sau, ngài được tôn phong Chân
Phước (Beautification) .
Hiện nay, thi hài của ĐTC Gioan XXIII đã được đưa lên đặt trong 1 quan tài bằng
pha lê bên dưới bàn thờ chính của Đền thờ Thánh Phêrô để dân chúng có thể kính
viếng và chiêm ngắm. Nét mặt ngài vẫn giữ nguyên sức sống và cơ thể không hề bị
tẩm ướp bằng bất cứ loại hóa chất nào. Hầm mộ cũ trước đây nơi đặt quan tài của
ngài bây giờ đã được thế chỗ bằng quan tài của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.
Thi hài Đức Thánh Cha John XXIII
THÁNH JOHANNES MARIA VIANNEY – Pfarrer von Ars ( Cha Xứ thành Ars)
Thánh „Cha xứ thành  Ars“ sinh ngày 8.5. 1786 tại làng bên cạnh thành phố Lyon. Ngài sông vào thời gian cách mang Pháp. Ngài đã đón nhận buổi rước lễ vỡ lòng tại tư gia Cha mẹ là một tiệm đã bị đóng cửa. Ban đầu Ngài đã làm việc phụ giúp Cha mẹ trong nông trại. Ngài bắt đầu vào chủng viện để học ra linh mục khi 19 tuổi. Mặc dù không phải là không có khả năng, nhưng luôn luôn bị khó khăn, thất bại trong đường
học vấn. Mặc dù thế Ngài vấn được thụ phong Linh mục, vì lòng rất ngoan đạo
(1815).
Cha Xứ thành Ars sống đời sống rất khó nghèo. Ngài đã biến Giáo xứ bê bối thành một giáo xứ đạo đức. Ngài đã giải tội, giảng dạy, chăm sóc các linh hồn ngày và đêm. Dân chúng vô kể đã dến tìm Ngài để xin cố vấn và giúp đỡ.
Mặc dù Ngài rất kính trọng thiên chức Linh mục, nhưng vẫn cảm thấy không khó
vượt qua được nhiều cám giỗ, nếu hội đồng giáo xứ không yêu cầu, Ngài đã vào
dòng kín. Ngài mất vào ngày 4.8.1859 và được an táng tại thành Ars.
Đức giáo hoàng Pius XI đã phong thánh và tuyên bố Ngài là Thánh quan thầy của
các Linh Mục.
Thánh Francis Xavier [Phanxicô Xaviê] (1506-1552) được chôn cất tại
một đảo ở Trung Quốc trong quan tài bằng gỗ. Khoảng 2 tháng rưỡi sau, người ta
khai quật mộ ngài để di chuyển, thấy thánh thể vẫn như lúc sống. Hiện nay di
hài 400 năm tuổi của ngài vẫn còn nguyên và được lưu giữ tại thành Goa (Ấn Độ).
Di hài Thánh Francis Xavier [Phanxicô Xaviê]
Di hài Thánh Vincent de Paul [Vinhsơn Phaolô]
Katharina Labouré
1947 Bà đã được phong thánh. Thân xác của bà không hề hư hỏng và đang nghỉ ngơi trong lồng kính tại nhà nguyện Đức Mẹ hiện ra ở Rue du Bac , Paris. Bà chết ngày 31.12.1876.
Katharina sinh ngày 2.5.1806 tại Fain les Moutiers, trong một làng nhỏ thuộc Burgund, cách thành phố Dijon 60 km. Sr. Katharina là người con thứ 8 trong tổng số 10 anh chị em. Sau khi bà mẹ mất lúc 12 tuổi, Sr. đã đảm trách nông trại.
Dấu hiệu Chúa gọi từ từ tỏ ra, 1830 Katharina đã gia nhập nữ chủng viện Vinh-Sơn (Vinzentinerinnen) , 140 đường Rue du Bac ở Paris lúc 24 tuổi. Tại đây Sr. có nhiều kinh nghiệm về cõi siêu hình, thiêng liêng huyền bí. Từ khi còn nhỏ, Sr. đã chọn Đức Trinh nữ  Maria làm mẹ, giờ đây chính Đức mẹ đã hiện ra với Sr.
Nhà Nguyện nơi Đức mẹ đã hiện ra với Sr. Katharina, bên tay trái là xác Sr. Katharina. Trong đêm18 rạng 19.7.1830 Sr. đã đối thoại với Đức Mẹ hơn 2 tiếng đồng hồ: „Con hãy đến chân của bàn thờ“ và Đức Mẹ đã giải thích về ý nghĩa của cầu nguyện và Thánh  lễ Misa.
Ngày 17.9 cùng năm đó, vào lúc 17 giờ 30, là giờ suy niệm chung ở trong nhà
nguyện, Đức Mẹ Maria đã tín nhiệm giao cho mệnh lệnh loan tin cho thế giới. Đó
là một huy hiệu với dòng chữ: “Lạy Mẹ Maria, vô nhiễm nguyên tội, xin cầu
xin và che chở chúng con“.
Di hài Thánh Catherine Laboure (1806-1876)
Nữ thánh Klara của thành phố Assisi

Bà Thánh thành Assisi, sinh năm 1194. Khấn trọn đời lúc 18 tuổi. Lập dòng Klarissinen khó nghèo,và khiêm nhường. Sau này Mẹ và em gái của bà cung vào tu tại đây. Ngay khi còn sinh tiền nhà dòng của bà đã được phát triển khắp mọi nơi trong và ngoài nước ý. Bà mất ngày 11.8.1253. Thân xác vẫn còn tồn tại yên nghỉ tại nhà thờ của thành Assisi.
Nữ Á Thánh Anna Maria Taigi
Sinh Ngày 29.5.1769 tai Siena (Italy)
Mất ngày 9.6.1837 tại Rôma
Anna Maria Taigi đã được nhận ơn tiên tri của chúa 25 năm liền. Bà mẹ của 7
người con đã thị kiến thấy một vòng hào quang quanh mặt trời, trong tâm điểm
của mặt trời bà thấy được mọi chuyện quá khứ, vị lai của nhân
Trong cuộc sống của bà, bà sống cuộc đời ăn năng đền tội và chay tịnh
Anna Maria Taigi mất khi 68 tuổi tại Rôma và được Đức Giáo Hoàng Benedikt XV
phong á thánh vào ngày 30.5.1920.
Thánh Johannes Bosco (Don Bosco)
Tên thật là Giovanni Bosco, sinh ngày 16.08.1815 tại Becchi ở Piemont (Norditalien) , thụ phong Linh mục năm 1841.
Lúc sinh tiền Ngài đã thành lập nhà dòng Salêsiêng (Salesianer) 1859, chuyên chăm sóc các thanh thiếu niên bụi đời, huấn nghệ và học hỏi Lời Chúa.Ngài có ơn tiên tri, và được coi như thánh sống.
Năm 1866 xây nhà thờ Salesianer và mộ ngài cũng nằm tại đây (31.01.1888) . Hiện nay xác Ngài được bỏ vào lòng kính để mọi người có thể thăm viếng cầu nguyện.
Có rất nhiều trường hợp các Thánh khác xác không thối rữa và hư nát, ngược lại
còn bốc mùi của hương hoa hồng như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Thánh Martinô
de Porrés…nhưng không liệt kê ra ở đây vì chưa kiếm thấy tài liệu hình ảnh.
SAN GIOVANNI ROTONDOMột trong những vị thánh đương thời được coi là thi hành nhiều phép lạ nhất là Padre Pio. Sau 40 năm hôm qua xác ngài lại được trưng bầy cho những người ngưỡng mộ khắp thế giới được đến kính viếng tại nơi ngài đã từng sống và cầu nguyện.

Lớp sáp phủ lên mặt thánh Piô hiện tại

Hai mắt nhắm lại và trên khuôn mặt thoát ra một vẻ thanh thản dịu dàng như đang ngủ. Tuy nhiên, Padre Piô đã qua đời từ năm 1968 hưởng thọ 81 tuổi, và kể từ hôm qua, 24.4.2008, thi hài thánh nhân lại được quàn công khai tại vương cung thánh
đường San Giovanni Rotondo (miền Nam nuớc Ý) cho dân chúng kính viếng.
Hôm qua có tới 15,000 người tham dự thánh lễ do ĐHY Jose Saraiva Martins cử
hành khi xác của thánh Piô được đưa ra trưng bầy. Xác của Cha thánh Piô được
khai quật hôm 3/3/2008 cho thấy còn trong tình trạng “vừa phải” sau 40 năm chôn
cất. Từ ngày có đến nay một nhóm chuyên gia gồm bác sĩ và chuyên ngành hóa chất
đã làm việc tận tình đễ duy trì và tái thiết xác ngài hầu giữ xác lâu dài và
bảo tồn để cho dân chúng đến kính viếng.
Khi còn sinh thời, Padre Piô từng là vị thánh sống của đại chúng người Ý và là
một Thầy Dòng lạ lùng của thế kỷ XX:
– cha được in năm dấu đanh (Stigmata) tương tự như Chúa Giêsu khi chịu đóng
đanh trên thánh giá, nghĩa là ngực, hai bàn tay và hai bàn chân bị đâm thủng
qua, và hằng ngày máu từ các vết thương đó chảy nhỉ ra làm ướt đẫm các khăn
băng và cả áo quần, khiến ngài vô cùng đau đớn;
– cha có thể hiện diện một lúc trong nhiều địa điểm khác nhau: Nhiều lần cha
vừa có mặt tại Milanô (miền Bắc Ý), vừa có mặt tại Rôma (miền Trung Ý) để cứu
vớt những người tự tử, và đồng thời cha lại ngồi giải tội ở Tu Viện của cha tại
miền Nam Ý.

Thi hài thánh Padre Piô hiện quàn tại San Giovanni Rotondo

Ba vị Giáo Hoàng đã kết án cha là người giả hình đóng kịch. Nhưng năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng cất nhắc cha lên hàng Thánh Nhân.
Theo lời Đức Giám Mục D’Ambrôsiô thì “thi hài thánh Padre Piô hầu như không bị hủy hoại… Tuy nhiên năm dấu đanh trên mình thánh nhân đã hoàn toàn biến mất.”
Nhưng trước khi được đưa trưng bày công khai cho các tín hữu kính viếng khuôn mắt thánh Padre Piô đã được sửa sang lại bằng chất Silikon như chúng ta thấy trong hình kèm đây, và thi hài thánh nhân cũng đã được xức thuốc. Hiện người ta chỉ nhìn thấy đầu các ngón tay của thánh nhân hơi bị đen. Còn hai chân được mang tất che kín lại.
Cho đến nay đã có khoảng 800.000 tín hữu từ khắp mọi nơi kéo về kính viếng và cầu nguyện bên thi hài thánh Padre Piô.
Anh Nguyễn V Thập gởi

Thánh Silvestrê I,

Thánh Silvestrê I,

Giáo Hoàng (270-335)

Ngày 31/12

 

Thánh Silvestrê sinh vào khoảng năm 270 tại La Mã.

Năm 314, sau khi vua Constantinô trở lại, Giáo Hội được tự do và chấm dứt cơn bách hại kéo dài suốt hai thế kỷ trong toàn đế quốc La Mã, linh mục Silvestrê được bầu lên ngôi Giáo Hoàng (314).

Ngài đảm trách cai quản Hội Thánh giữa thời thuận tiện, ngài đã nỗ lực hoạt động để tổ chức lại Giáo Hội cho có quy củ.Ngài sửa đổi luật lệ, đặt nền móng cho lâu đài phụng vụ Kitô Giáo bằng cách ban nhiều sắc lệnh và cách thức cử hành các nghi lễ. Ngoài ra, ngài còn khuyến khích việc xây cất nhiều thánh đường, trong đó có đại thánh đường Phêrô tại Rôma và thánh đường Chúa Cứu Thế tại Latran. Nhưng việc vĩ đại nhất dưới triều đại của ngài là đã triệu tập công đồng chung lần đầu tiên cho toàn thể Giáo Hội ở Nicée vào năm 326 để kết án bè rối Ariô và bệnh vực thiên tính của Chúa Giêsu.

Sau 22 năm chèo lái con thuyền Hội Thánh, ngài ngã bệnh và qua đời ngày 21/12/335.

Maria Thanh Mai gởi

Lễ Các Thánh Anh Hài

Lễ Các Thánh Anh Hài

28 Tháng Mười Hai

Hêrôđê “Ðại Ðế”, là vua xứ Giuđêa nhưng không được dân chúng mến chuộng vì ông làm việc cho đế quốc La Mã và ông rất dửng dưng đối với tôn giáo. Vì lý do đó ông luôn cảm thấy bất an và lo sợ bất cứ đe dọa nào đối với ngai vàng của ông. Ông là một chính trị gia giỏi và là một bạo chúa dám thi hành những việc tàn bạo. Ông giết chính vợ ông, anh của ông và hai người chồng của cô em, đó chỉ là sơ khởi.

Phúc Âm theo Thánh Mátthêu 2:1-18 kể cho chúng ta câu chuyện sau: Hêrôđê “thật bối rối” khi các nhà chiêm tinh đến từ đông phương hỏi về “vị vua mới sinh của người Do Thái,” mà họ đã thấy ngôi sao của người. Và các vị chiêm tinh được cho biết
trong Sách Thánh Do Thái có đề cập đến Bêlem, là nơi Ðấng Cứu Tinh sẽ chào đời.
Một cách xảo quyệt, Hêrôđê dặn họ là hãy báo cho ông biết sau khi tìm thấy vị
vua ấy để ông cũng “đến thần phục.” Các nhà chiêm tinh đã tìm thấy Hài Nhi Giêsu, họ dâng Ngài các lễ vật, và được thiên thần báo mộng về ý định thâm độc của Hêrôđê và khuyên họ hãy thay đổi lộ trình trên đường về. Sau đó Thánh Gia trốn sang Ai Cập.

Hêrôđê vô cùng tức giận và “ra lệnh tàn sát tất cả các con trai từ hai tuổi trở xuống ở Bêlem và vùng phụ cận.” Vì Bêlem là một thành phố nhỏ, số trẻ bị giết có lẽ khoảng 20 hay 25. Sự kinh hoàng của việc thảm sát và sự tuyệt vọng của các cha mẹ đã
khiến Thánh Mátthêu trích dẫn lời tiên tri Giêrêmia: “Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Raken khóc thương con mình…” (Mt 2:18). Bà Raken là vợ của ông Giacóp. Bà than khóc ở Rama là nơi người Do Thái bị tập trung lại sau khi bị người Assyria bắt làm tù binh.

Lời Bàn

Hai mươi trẻ em thì chỉ là số ít, so với sự diệt chủng và sự phá thai trong thời đại chúng ta. Nhưng dù đó chỉ là một người, chúng ta cũng phải nhớ đến tạo vật quý trọng nhất mà Thiên Chúa đã dựng trên mặt đất — đó là con người, được tiền định để sống đời đời và được chúc phúc nhờ sự chết và sự sống lại của Ðức Giêsu.

Lời Trích

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con sự sống ngay cả trước khi chúng con có thể hiểu biết” (Lời Nguyện Trên Lễ Vật, Lễ Các Thánh Anh Hài).alt

Maria Thanh Mai gởi

 

Thánh Gioan Tông Ðồ

Thánh Gioan Tông Ðồ

27 Tháng Mười Hai

Chính Thiên Chúa là người mời gọi, và nhân loại đáp lời. Trong Phúc Âm, lời mời gọi
ông Gioan và ông Giacôbê (James), người anh của ông, được bắt đầu rất đơn giản,
cũng như lời mời gọi ông Phêrô và Anrê: Ðức Giêsu gọi họ; và họ theo Ngài. Sự
đáp ứng mau mắn được miêu tả rõ ràng. Các ông Giacôbê và Gioan “đang ở
trên thuyền, cùng với người cha là ông Zêbêđê vá lưới. Ðức Kitô gọi họ, và ngay
lập tức họ bỏ thuyền và từ giã người cha mà theo Ngài” (Mátthêu 4:21b-22).

Ðức tin của ba ngư dân — Phêrô, Giacôbê và Gioan — đã được phần thưởng, đó là được làm bạn với Ðức Giêsu. Chỉ ba vị này được đặc ân là chứng kiến sự Biến Hình, sự
sống lại của con gái ông Giairút, và sự thống khổ trong vườn Giệtsimani của Ðức
Giêsu. Nhưng tình bằng hữu của ông Gioan còn đặc biệt hơn nữa. Truyền thống coi
ngài là tác giả cuốn Phúc Âm Thứ Tư, dù rằng hầu hết các học giả Kinh Thánh
thời nay không cho rằng vị thánh sử và tông đồ này là một.

Phúc Âm Thánh Gioan đề cập đến ngài như “người môn đệ được Ðức Giêsu yêu quý”
(x. Gioan 13:23; 19:26; 20:2), là người được ngồi cạnh Ðức Giêsu trong bữa Tiệc
Ly, và là người được Ðức Giêsu ban cho một vinh dự độc đáo khi đứng dưới chân
thánh giá, là được chăm sóc mẹ của Ngài. “Thưa bà, đây là con bà… Ðây là
mẹ con” (Gioan 19:26b, 27b).

Vì ý tưởng thâm thuý trong Phúc Âm của ngài, Thánh Gioan thường được coi như con đại bàng thần học, cất cánh bay cao trong một vùng mà các thánh sử khác không đề cập đến. Nhưng các cuốn Phúc Âm thật bộc trực ấy cũng tiết lộ một vài nét rất nhân
bản. Ðức Giêsu đặt biệt hiệu cho ông Gioan và Giacôbê là “con của sấm sét.” Thật khó để hiểu được ý nghĩa chính xác của biệt hiệu này, nhưng chúng ta có thể tìm thấy chút manh mối trong hai biến cố sau.

Biến cố thứ nhất, như được Thánh Mátthêu kể lại, bà mẹ của hai ông Giacôbê và Gioan xin cho hai con của bà được ngồi chỗ danh dự trong vương quốc của Ðức Giêsu — một người bên trái, một người bên phải. Khi Ðức Giêsu hỏi họ có uống được chén mà Ngài sẽ uống và chịu thanh tẩy trong sự đau khổ mà Ngài sẽ phải chịu không, cả
hai ông đều vô tư trả lời, “Thưa có!” Ðức Giêsu nói quả thật họ sẽ được chia sẻ chén của Ngài, nhưng việc ngồi bên tả hay bên hữu thì Ngài không có quyền. Ðó là chỗ của những người đã được Chúa Cha dành cho. Các tông đồ khác đã phẫn nộ trước tham vọng sai lầm của người anh em, và trong một dịp khác Ðức Giêsu đã dạy họ về bản chất thực sự của thẩm quyền: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người” (Mt 20:27-28).

Một dịp khác, những “người con của sấm sét” hỏi Ðức Giêsu rằng họ có thể
khiến lửa từ trời xuống thiêu đốt những người Samaritan lạnh nhạt không, vì họ
không đón tiếp Ðức Giêsu đang trên đường đến Giêrusalem. Nhưng Ðức Giêsu đã
“quay lại và khiển trách họ” (x. Luca 9:51-55).

Vào ngày đầu tiên của biến cố Phục Sinh, bà Mađalêna “chạy đến ông Simon Phêrô và
người môn đệ mà Ðức Giêsu yêu dấu, và bà bảo họ, ‘Người ta đã đem Chúa ra khỏi
trong mộ; và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu?” (Gioan 20:2). Gioan
nhớ rằng, chính ngài và Phêrô cùng đi cạnh nhau, nhưng “người môn đệ kia
chạy nhanh hơn ông Phêrô nên đến mộ trước nhất” (Gioan 20:4b). Ông không
bước vào mộ, nhưng đợi ông Phêrô và để ông này vào trước. “Sau đó người
môn đệ kia mới bước vào, và ông đã thấy và đã tin” (Gioan 20:8).

Sau biến cố Sống Lại, ông Gioan đang ở với ông Phêrô thì phép lạ đầu tiên xảy ra — chữa một người bị tật từ bẩm sinh — và việc đó đã khiến hai ông bị cầm tù. Cảm
nghiệm kỳ diệu của biến cố Sống Lại có lẽ được diễn tả hay nhất trong sách Công
Vụ Tông Ðồ: “Nhận thấy sự dũng cảm của ông Phê-rô và ông Gio-an và biết
rằng hai ông là những người bình dân, không có học thức, nên họ rất ngạc nhiên,
và họ nhận ra rằng hai ông là những người theo Ðức Giêsu” (CVTÐ 4:13).

Thánh Sử Gioan đã viết cuốn Phúc Âm vĩ đại, cũng như các lá thư và Sách Khải Huyền. Cuốn Phúc Âm của ngài là một công trình độc đáo. Ngài nhìn thấy sự vinh hiển và thần thánh của Ðức Giêsu ngay trong các biến cố ở trần gian. Trong bữa Tiệc Ly, ngài diễn tả Ðức Giêsu với những lời phát biểu như thể Ðức Giêsu đã ở thiên đàng. Ðó là cuốn Phúc Âm về sự vinh hiển của Ðức Giêsu.

Lời Bàn

Quả thật, đó là một hành trình thật dài để thay đổi từ một người khao khát muốn có uy quyền và muốn sai lửa từ trời xuống thiêu đốt, cho đến một người đã viết những
dòng chữ sau: “Phương cách để chúng ta biết được tình yêu là Ngài đã hy
sinh mạng sống vì chúng ta; do đó, chúng ta cũng phải hy sinh mạng sống mình vì
anh em
” (1 Gioan 3:16).

Lời Trích

Có câu chuyện người ta thường kể, là “các giáo dân” của Thánh Gioan quá chán
chường với bài giảng của ngài vì ngài luôn luôn nhấn mạnh rằng: “Hãy
yêu thương nhau.
” Dù câu chuyện này có thật hay không, đó là nền tảng
của văn bút Thánh Gioan. Những gì ngài viết có thể được coi là tóm lược của
Phúc Âm: “Chúng ta đã biết và đã tin vào tình yêu mà Thiên Chúa dành
cho chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu, và ai ở trong tình yêu thì ở trong Thiên
Chúa, và Thiên Chúa ở trong họ
” (1 Gioan 4:16).

alt

Maria Thanh Mai gởi

Thánh Stêphanô

Thánh Stêphanô
(c. 36?)
26 Tháng Mười Hai

Những gì chúng ta biết về Thánh Stêphanô thì được viết trong sách Công Vụ Tông Ðồ 6 và 7. Ðiều đó đã đủ để biết về con người của ngài.
“Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: ‘Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy thần khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng
tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.’ Ðề nghị trên
được mọi người tán thành. Họ chọn ông Stêphanô, một người đầy lòng tin và đầy
Thánh Thần,…” (CVTÐ 6:1-5)
Sách Công Vụ kể tiếp Stêphanô là một người đầy ơn sủng và sức mạnh, đã làm nhiều việc phi thường trong dân chúng. Một vài người Do Thái thời ấy, là thành viên của hội đường nhóm nô lệ được giải phóng, tranh luận với Stêphanô nhưng không thể địch nổi sự khôn ngoan  và thần khí của ngài. Họ xúi giục người khác lên án ngài là lộng ngôn, xúc phạm đến Thiên Chúa. Ngài bị bắt và bị đưa ra trước Thượng Hội Ðồng.


Trong phần trình bày, ngài nhắc lại sự dẫn dắt của Thiên Chúa trong lịch sử dân Do Thái, cũng như việc thờ tà thần và bất tuân phục Thiên Chúa của dân này. Sau đó ngài cho rằng những người bách hại ngài cũng giống như vậy. “Cha ông các ông thế nào, thì các ông cũng vậy” (CVTÐ 7:51b).
Lời ngài nói đã làm họ tức giận. “Nhưng [Stêphanô], tràn đầy Thánh Thần, đăm đăm nhìn lên trời và thấy vinh hiển của Thiên Chúa và Ðức Giêsu Kitô đứng bên hữu Thiên Chúa, và thánh nhân nói, ‘Kìa, tôi nhìn thấy thiên đàng mở ra và Con Người đang đứng bên hữu Thiên Chúa.’… Họ đưa ngài ra ngoài thành và bắt đầu ném đá ngài… Trong khi họ ném đá ngài, thánh nhân kêu lớn, ‘Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con… Lạy Chúa, xin đừng nhớ tội của họ'” (CVTÐ 7:55-56, 58a, 59, 60b).

Lời Bàn
Thánh Stêphanô đã chết như Ðức Kitô: bị kết tội cách sai lầm, bị kết án cách bất công vì ngài dám nói lên sự thật. Ngài chết trong khi mắt nhìn lên Thiên Chúa, và với lời xin tha thứ cho kẻ xúc phạm. Một cái chết “sung sướng” lúc nào cũng giống nhau, dù chết âm thầm như Thánh Giuse hay chết đau khổ như Thánh Stêphanô, đó là cái chết với sự can đảm, sự tín thác hoàn toàn và với tình yêu tha thứ.
nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Thánh Phêrô Canisius

Thánh Phêrô Canisius

(1521- 1597)

21 Tháng Mười Hai


Cuộc đời đầy năng lực của Thánh Phêrô Canisius phải đánh đổ bất cứ ấn tượng nào cho rằng cuộc đời của các thánh thì nhàm chán. Thánh nhân đã sống 76 năm với một nhịp độ không thể nói gì khác hơn là phi thường, ngay cả trong thời đại thay đổi mau chóng của chúng ta. Là một người được Thiên Chúa ban cho nhiều tài năng, thánh nhân là gương mẫu tuyệt hảo của một người sống cho phúc âm đã phát triển tài năng vì Thiên Chúa.

Ngài là một trong những khuôn mặt quan trọng trong giai đoạn cải cách của Giáo Hội Công Giáo ở nước Ðức. Vai trò của ngài thật quan trọng đến nỗi ngài thường được gọi là “vị tông đồ thứ hai của nước Ðức” mà cuộc đời của ngài thường được sánh với cuộc đời của Thánh Boniface trước đây.

Mặc dù thánh nhân thường cho mình là lười biếng khi còn trẻ, nhưng sự biếng nhác đó không được lâu, vì khi 19 tuổi ngài đã lấy bằng cử nhân của một đại học ở Cologne. Sau đó không lâu, ngài gặp Cha Peter Faber, người môn đệ đầu tiên của Thánh Ignatius Loyola (Y Nhã), và cha đã ảnh hưởng ngài nhiều đến nỗi ngài đã gia nhập Dòng Tên khi vừa mới được thành lập.

Trong giai đoạn này ngài đã tập luyện được một thói quen mà sau này trở thành nếp sống của cuộc đời ngài — không ngừng học hỏi, suy niệm, cầu nguyện và sáng tác. Sau khi thụ phong linh mục năm 1546, ngài nổi tiếng qua công trình soạn thảo các văn bản của Thánh Cyril Alexandria và Thánh Leo Cả. Ngoài khuynh hướng suy tư về văn chương, thánh nhân còn hăng say trong việc tông đồ. Người ta thường thấy ngài đi thăm bệnh nhân và người bị tù đầy, ngay cả khi ngài được giao cho các trách nhiệm khác mà đối với nhiều người để chu toàn công việc ấy cũng đã hết thì giờ.

Năm 1547, thánh nhân được tham dự vài khoá họp của Công Ðồng Triđentinô, mà sau này các sắc lênh của công đồng ấy được giao cho ngài hiện thực hóa. Sau một thời gian được bài sai việc giảng dạy ở trường Messina của Dòng Tên, thánh nhân được giao cho sứ vụ truyền giáo ở Ðức — cho đến mãn đời. Ngài dạy tại một vài trường đại học và góp phần chính yếu trong việc thiết lập nhiều trường học và chủng viện. Ngài viết sách giáo lý giải thích đức tin Công Giáo cho những người bình dân để họ dễ hiểu — một công việc rất cần thiết trong thời ấy.

Nổi tiếng là vị rao giảng, thánh nhân thường lôi cuốn giáo dân đến chật cả nhà thờ qua tài hùng biện của ngài về Phúc Âm. Ngài còn có tài ngoại giao, và thường làm
người hòa giải giữa các bè phái tranh chấp. Trong các thư từ ngài để lại (tất
cả đến tám bộ) người ta thấy các lời lẽ khôn ngoan của ngài khi khuyên nhủ
người dân thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội.

Trong thời gian ấy, ngài cũng viết các lá thư bất thường chỉ trích các vị lãnh đạo
trong Giáo Hội — tuy nhiên luôn luôn với một tâm tình đầy yêu thương, và thông
cảm.

Năm 70 tuổi, thánh nhân bị liệt, nhưng ngài vẫn tiếp tục rao giảng và viết lách với
sự trợ giúp của một thư ký cho đến khi ngài từ trần vào sáu năm sau đó, ngày
21-12-1597.

Lời Bàn

Nỗ lực không mệt mỏi của Thánh Phêrô Canisius là một gương mẫu thích hợp cho những ai muôán góp phần canh tân Giáo Hội hay cho sự thăng tiến ý thức luân lý trong chính phủ hay trong thương trường. Ngài được coi là một trong các vị sáng lập ngành báo chí Công Giáo, và rất có thể là gương mẫu cho các ký giả hay thông
tín viên Công Giáo. Các người trong lãnh vực sư phạm có thể nhìn thấy ngài như
một đam mê muốn truyền lại chân lý cho thế hệ mai sau. Dù chúng ta có nhiều khả
năng để cho đi, như Thánh Phêrô Canisius đã từng làm, hoặc không có tài cán gì
để đóng góp, như bà goá trong Phúc Âm (x. Luca 21:1-4), điều quan trọng là cho
đi tất cả những gì chúng ta có. Chính trong phương cách ấy mà thánh nhân đã trở
nên gương mẫu cho mọi Kitô Hữu trong thời đại thay đổi nhanh chóng này mà chúng ta được kêu gọi đến trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian.

Lời Trích

Khi được hỏi là ngài có làm việc quá sức hay không, Thánh Phêrô Canisius trả lời,
Nế u bạn có nhiều việc phải làm thì với sự trợ giúp của Thiên Chúa bạn sẽ
có thì giờ để thi hành tất cả những điều ấy.

Maria Thanh Mai gởi

Thánh Elizabeth ở Áo & Thánh Ðaminh ở Silos

Thánh Elizabeth ở Áo
(1554 – 1592)
20 Tháng Mười Hai
Là con gái của Hoàng Ðế Maximilian II nước Ðức, Elizabeth kết hôn với Vua Charles IX của Pháp khi mới 15 tuổi. Bốn năm sau ngài đã thành góa phụ, trở về Vienna, nhất định không tái hôn.
Thánh nữ là một gương mẫu cho tất cả mọi người. Ðời sống của ngài thật đơn giản, luôn cầu nguyện, siêng đến nhà thờ, tham dự các buổi nguyện ngắm. Trong khi cố tránh con mắt dòm ngó của công chúng, ngài gia nhập Dòng Ba Phanxicô, phục vụ bệnh nhân trong các nhà thương hoặc ở nhà, tiếp tế thuốc men cho những người có nhu cầu. Nhiều ngày thứ Năm, ngài mời những người nghèo đến ăn cùng bàn với ngài để tưởng nhớ bữa Tiệc Ly.
Ngài thường thi hành những công việc hèn mọn ở tu viện Thánh Clara Nghèo Hèn mà ngài giúp thành lập, ở đó ngài nấu ăn cho người nghèo. Cũng như Cha Thánh Phanxicô, ngài lo lắng đến việc duy trì giáo hội. Ngài giúp đỡ cho việc giáo dục người trẻ trong ơn gọi tu trì để phục vụ Giáo Hội.
Thánh Elizabeth từ trần khi ngài khoảng 38 tuổi, sau khi đã hoàn tất quá nhiều công việc để vinh danh Thiên Chúa và vì lợi ích cho người dân. Nhiều phép lạ đã xảy ra tại ngôi mộ của ngài.
20 Tháng Mười Hai
Thánh Ðaminh ở Silos
(c. 1073)
20 Tháng Mười Hai
Ðaminh sinh vào đầu thế kỷ mười một và là cậu bé chăn cừu Tây Ban Nha ở dưới chân rặng Pyrênê. Chính trong thời gian này Ðaminh dần dà yêu quý việc cầu nguyện. Không bao lâu ngài trở thành một tu sĩ thật tốt lành. Ðaminh được bầu làm tu viện trưởng và đã đem lại nhiều thay đổi tốt đẹp.
Tuy nhiên, một ngày kia, quốc vương Garcia III của Navarre, Tây Ban Nha, cho rằng một số đất đai tu viện là của ông ta, nhưng tu viện trưởng Ðaminh từ chối không trao lại cho nhà vua. Ngài nghĩ rằng, thật không đúng để trao cho nhà vua những gì thuộc về Giáo Hội. Quyết định này đã làm nhà vua tức giận. Ông ra lệnh Thánh Ðaminh phải rời bỏ vương quốc của ông. May mắn thay, Thánh Ðaminh và các tu sĩ lại được đón nhận bởi một ông vua khác, là Ferdinand I của Castile. Ông này để cho thánh nhân sử dụng một tu viện cũ, là tu viện St. Sebastian ở Silos. Tu viện này ở một chỗ rất lẻ loi và trong tình trạng thật xiêu vẹo. Nhưng với bàn tay của các tu sĩ, không bao lâu, tu viện đã mang một khuôn mặt mới. Thật vậy, thánh nhân đã biến tu viện này thành một trong những tu viện nổi tiếng nhất ở Tây Ban Nha.
Thánh Ðaminh làm nhiều phép lạ chữa lành ngay khi còn sống và ngài cũng cứu thoát người tín hữu Kitô khỏi tay người Moor. Nhiều năm sau khi từ trần, thánh nhân hiện ra với một bà mẹ, tên là Joan (bây giờ là Chân Phước Joan ở Aza) khi bà đến đền kính thánh nhân để cầu xin một đứa con. Thánh Ðaminh nói với bà rằng Thiên Chúa sẽ gửi cho bà một đứa con trai. Khi người con ấy chào đời, bà đặt tên con là Ðaminh de Guzman. Và người con này trở thành vị đại thánh sáng lập dòng Ðaminh ngày nay.
Thánh Ðaminh ở Silos từ trần ngày 20-12-1073.
nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Chân Phước Anthony Grassi

Chân Phước Anthony Grassi

(1592-1671)

18 Tháng Mười Hai

Anthony mồ côi cha khi lên 10 tuổi, nhưng ngài đã học được nơi người cha sự sùng kính Ðức Mẹ Loreto. Khi còn là học sinh trung học, ngài thường đến nhà thờ của các
cha Oratorian, và gia nhập dòng này khi mới 17 tuổi.

Từng nổi tiếng là một học sinh giỏi, nên không bao lâu ngài được mệnh danh là
“cuốn tự điển sống” trong cộng đồng tu sĩ, ngài có thể hiểu Kinh thánh và thần học cách mau chóng. Trong một thời gian, ngài bị dằn vặt bởi sự quá đắn đo cân nhắc, nhưng cho đến khi cử hành Thánh Lễ đầu tiên, sự bình thản đã chiếm ngự toàn thể con người ngài.

Vào năm 1621, khi 29 tuổi, Anthony bị sét đánh khi đang cầu nguyện trong nhà thờ ở Loreto. Ngài được đưa vào bệnh viện, và ai cũng nghĩ là ngài sẽ chết. Một vài
ngày sau, khi tỉnh dậy, ngài nhận ra rằng căn bệnh đau bao tử dai dẳng của ngài
đã biến mất. Quần áo cháy nám của ngài được tặng cho nhà thờ Loreto như một kỷ
niệm biến cố lớn trong đời.

Quan trọng hơn nữa, ngài cảm thấy cuộc đời mình lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Sau đó, hàng năm ngài đều hành hương đến Loreto để dâng lời cảm tạ.

Ngài cũng nổi tiếng là cha giải tội đơn sơ và thẳng thắn, lắng nghe người xưng tội,
và chỉ bảo họ sống phù hợp với lương tâm. Năm 1635, ngài được chọn làm bề trên
Tu Viện Fermo, và được tái đắc cử nhiều nhiệm kỳ cho đến khi ngài qua đời. Ngài
là vị bề trên trầm lặng và hiền từ không biết thế nào là khắt khe. Nhưng quy luật của dòng luôn được ngài duy trì và buộc mọi tu sĩ phải tôn trọng.

Ngài từ chối các chức vụ dân sự ở ngoài xã hội, và dùng thời giờ để đi thăm người
đau yếu, người hấp hối hay bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của ngài. Khi về già, ngài được Chúa ban cho ơn nhận biết tương lai, là một ơn sủng ngài dùng để cảnh giác hay khuyên bảo người khác. Nhưng tuổi tác cũng đem lại nhiều thử thách. Ngài phải chấp nhận sự mất mát các khả năng bên ngoài. Trước hết là khả năng rao giảng, là điều đương nhiên xảy đến khi ngài bị rụng răng. Sau đó, ngài không còn nghe xưng tội được nữa. Sau cùng, sau một lần bị ngã, ngài phải nằm  liệt giường. Chính đức tổng giám mục phải đến ban Mình Thánh cho ngài hằng ngày. Một trong những công việc sau cùng của ngài là hoà giải được sự tranh cãi kịch liệt giữa hai thầy dòng.

nguồn: Maria Thanh Mai gởi

Thánh Lucia

Thánh Lucia

(c. 304)

13 Tháng Mười Hai

Các thiếu nữ có tên thánh là Lucia chắc phải thất vọng khi muốn tìm hiểu về vị
thánh quan thầy của mình. Các sách cổ viết dài dòng nhưng rất ít chi tiết liên
hệ đến truyền thuyết. Các sách mới đây cũng dài dòng dẫn chứng một sự kiện là
những truyền thuyết này không có trong lịch sử. Chỉ có một chi tiết về Thánh
Lucia còn sót lại đến ngày nay, đó là người cầu hôn với thánh nữ vì bị từ chối
nên đã tố cáo ngài là Kitô Hữu, do đó ngài bị xử tử ở Syracuse thuộc Sicily vào
năm 304. Nhưng cũng đúng là tên của thánh nữ đã được nhắc đến trong lời cầu
nguyện Rước Lễ Lần Ðầu, có những địa danh và một bài dân ca mang tên thánh nữ,
và qua bao thế kỷ, hàng chục ngàn thiếu nữ đã hãnh diện chọn ngài làm quan
thầy.
Cũng dễ để hiểu những khó khăn của một thiếu nữ Kitô Giáo khi phải chiến đấu trong một xã hội trần tục như ở Sicily vào năm 300. Cũng tương tự như xã hội ngày
nay, nhiều thói tục của xã hội đã ngăn cản chúng ta sống xứng đáng là người
theo Ðức Kitô.

Các bạn bè của Lucia có lẽ cũng ngạc nhiên về Ðấng mà Lucia yêu quý, đó là một
người đi rao giảng khắp nơi, sống trong một dân tộc nô lệ và đã bị tiêu diệt
cách đó 200 năm. Người từng là một người thợ mộc, từng bị chính dân của Người
kết án và chết trên thập giá. Với tất cả tâm hồn, Lucia tin tưởng rằng chính
Người đã sống lại từ cõi chết. Thiên Chúa đã minh chứng tất cả những gì Người
nói và hành động. Ðể làm chứng cho đức tin ấy, thánh nữ đã thề giữ mình đồng
trinh.
Thật là một điều khôi hài đối với các bạn ngoại giáo của thánh nữ! Giữ mình trong
trắng trước khi thành hôn là một lý tưởng cổ hủ của người Rôma, ít người còn
giữ nhưng không ai kết án lý tưởng ấy. Tuy nhiên, ngay cả cô ta không muốn kết
hôn thì điều đó thật quá đáng. Chắc cô ta phải có điều gì xấu xa cần giấu diếm,
như miệng lưỡi thế gian thường đồn đãi.
Chắc chắn Thánh Lucia đã nghe biết về nhân đức anh hùng của các vị đồng trinh tử
đạo. Ngài muốn trung thành với tấm gương của các đấng ấy, cũng như theo gương
của người thợ mộc, là Người mà ngài tin là Con Thiên Chúa.
Lời Bàn
Nếu bạn chọn Thánh Lucia làm quan thầy thì đừng thất vọng. Vị quan thầy của bạn
thực sự là một nữ anh thư, hơn hẳn mọi người, là một hứng khởi vô tận cho bạn
và cho mọi Kitô Hữu. Sự can đảm sống luân lý của người thiếu nữ Sicilian tử đạo
ấy đã tỏa sáng như để soi dẫn giới trẻ ngày nay cũng như giới trẻ trong thời
đại ấy.
Maria Thanh Mai gởi