Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và mối tình mang tên Việt Nam

 Ngoc Bich

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu và mối tình mang tên Việt Nam

Trong căn nhà nhỏ đượm nét Pháp, khách hành hương ghé thăm chị Thánh Têrêsa có thể tìm bản hướng dẫn bằng Tiếng Việt. Tôi không rõ cô quản lý nhà biết rằng có nhiều đoàn Việt đến thăm quan hay không nhưng nếu được hỏi, người Công giáo Pháp đạo hạnh ấy sẽ thủ thỉ cho bạn đôi điều về mối tình của chị Thánh với đất nước Việt Nam.

An Duyên – TNV Vatican News

 Ước muốn đến Việt Nam

Ơn gọi của con là tình yêu’’, câu nói ấy của chị Thánh Têrêsa đã chạm vào lòng Hội Thánh. Một cô gái sống 24 năm trên cuộc đời nhưng lại là một vị đại thánh, Tiến sĩ của Hội Thánh nhờ những cánh hoa tốt lành nhỏ bé. Chị là một trong vị thánh nổi tiếng nhất trong lịch sử Giáo hội Công giáo. Từ năm bốn tuổi, chị sống cùng gia đình tại Lisieux thuộc vùng Normandie nước Pháp. Vì thế mà người ta vẫn gọi chị là Thánh Têrêsa thành Lisieux ngoài cái tên kính trọng, Têrêsa Hài Đồng Giê-su và Nhan Thánh (1873-1897).

Lớn lên trong một gia đình thánh đức, cha mẹ chị là ông Louis Martin và bà Zélie-Marie Guérin đã được ĐTC Phanxicô tuyên thánh ngày 18/10/2015. Năm 16 tuổi, chị bắt đầu cuộc sống của mình tại tu viện dòng Kín Cát Minh. Từ những tháng ngày đó, chị bắt đầu viết cuộc đời nên thánh của mình bằng những hy sinh nhỏ nhặt của mình. Vào mùa Chay năm 1896, Têrêsa có triệu chứng ho ra máu. Từ đó, bệnh tật là một Thánh giá mà Têrêsa đeo trên mình. Và, Thánh giá ấy đã trổ hoa.

Trong cái đau của bệnh tật, chị ước ao trở thành linh mục, được bước chân đi truyền giáo. Trong sách “Histoire d’une ame” (Truyện một tâm hồn), chị đã ghi lại thao thức của mình: “… si la sainte Vierge me guérit, je desire répondre à l’appel de nos Mères d’Hanoi’’ (Nếu Thánh nữ Đồng trinh chữa con lành bệnh, con ước ao đáp lời mời gọi của Mẹ tại Hà Nội) – trích chương IX trong Truyện một tâm hồn.  Nguyên trang trên ghi lại những nguyện ước của chị Thánh nếu người được chữa khỏi bệnh. Nhưng, những ước ao ấy đã được Chúa cất giữ và cho chị ra đi vào năm 24 tuổi, để câu chuyện tình yêu ấy được viết tiếp bởi người em thiêng liêng, Marcel Văn. 

Truyện một tâm hồn – cuốn sách được xuất bản năm 1898 ngay sau chị Thánh qua đời. Hiện nay, sách được dịch ra hơn 50 ngôn ngữ khác nhau. Ảnh: An Duyên

 Marcel Văn, người em thiêng liêng tại nước Việt

Nếu bạn may mắn gặp một người Công giáo Pháp, họ sẽ nhắc với bạn một cái tên mà người Pháp yêu mến: Marcel Văn. Sau những vụ tấn công khủng bố xảy ra tại Pháp năm 2015, một lời nguyện cho nước Pháp được “râm ran” hơn: “Lạy Chúa Giê-su, Người giàu lòng trắc ẩn với nước Pháp…”. Những lời nguyện này được thầy Marcel Văn, người Việt viết ra cho dù chưa một lần đặt chân đến nước Pháp. Đó là lời nguyện, là câu chuyện “tình thánh” giữa Têrêsa và Marcel Văn.

Thầy Marcel Văn có tên là Gioakim Nguyễn Tân Văn, sinh ra tại làng Ngăm Giáo, thuộc giáo phận Bắc Ninh, Việt Nam. Từ nhỏ, thầy đã có một ước ao mãnh liệt được trở thành linh mục và được nên thánh. Thầy đã được người mẹ đức hạnh Anna Maria Tế gửi vào nhà Chúa. Thầy đã từng sống tại giáo xứ Hữu Bằng (1935-1941) và sau đó theo học Tiểu chủng viện tại Lạng Sơn. Tại đây, câu chuyện “chị thiêng liêng” bắt đầu.

Trong giờ Chầu tại chủng viện, Văn bắt đầu tìm kiếm cuốn sách thiêng liêng về vị Thánh mà mình có thể theo bước. Và cuốn sách trong linh hứng của Chúa là Truyện một tâm hồn. Trong nhật ký của mình, thầy viết “… Con lại cả dám ước ao xin Mẹ một điều là chớ chi con được Mẹ yêu thương đùm gối như bông hoa trắng tuyết Têrêsa của Mẹ hồi xưa. Con cũng ao ước giá Mẹ ban cho con bà thánh ấy để làm thầy dạy dỗ con trên con đường nhỏ bé của Người thì Mẹ biết con sung sướng dường nào”. “Con vào nhà thờ, đến quỳ trước tượng thánh Têrêsa và chân thành nói với thánh nữ: Têrêsa, từ nay chị là chị của em” [1] [1] Marie-Chichel: Tình yêu không thể chết– Tr. 162-163. 

Nhóm thân hữu Marcel Văn đã xuất bản rất nhiều sách, truyện tranh thiếu nhi về cuộc đời của thầy Marcel Văn. Ảnh: Les amis de Van

Khi dòng người di cư vào Nam sau năm 1954, thầy Văn quyết định trở lại miền Bắc. Ngày 7/7/1955, thầy Marcel bị bắt, phải đi cải tạo trong nhà tù và chết tại đây năm 1959, khi thầy mới 31 tuổi. Thầy Marcel đã được nâng lên hàng tôi tớ Chúa nhờ con đường nên thánh nhỏ bé cùng chị Têrêsa. Hiện nay, quá trình phong thánh vẫn đang được tiến hành bởi nhóm thân hữu Marcel Văn “Les amis de Van” tại Pháp.

Mượn lời nguyện của thầy Marcel để tạm kết cho câu chuyện “tình yêu” của vị Thánh nữ Têrêsa qua chính ước nguyện tiếp tục được thực hiện trên đất Việt:

“Tôi không nhìn đâu xa

Cũng chẳng nhìn quanh quẩn…

Tôi chỉ ngắm nhìn Người tôi yêu…

Chính lúc lòng tôi yêu mến

Tôi tìm thấy hạnh phúc vô tận…

Tình yêu không thể chết”.

Văn

From: KimBằngNguyễn 

Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu (1873-1897)

01/10/2021

1 Tháng Mười

Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu
(1873-1897)

“Tôi thích sự buồn tẻ của việc hy sinh âm thầm hơn là những trạng thái xuất thần. Nhặt một cây kim vì tình yêu cũng có thể hoán cải một linh hồn.” Ðó là những lời của Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, một nữ tu dòng Camêlô thường được gọi là “Bông Hoa Nhỏ,” người đã sống một đời âm thầm trong tu viện ở Lisieux, nước Pháp. Và quả thật, những hy sinh âm thầm của ngài đã hoán cải các linh hồn. Không mấy vị thánh của Thiên Chúa nổi tiếng như vị thánh trẻ trung này. Cuốn tự truyện của ngài, Chuyện Một Linh Hồn, được cả thế giới đọc và yêu chuộng. Tên thật của ngài là Thérèse Martin, gia nhập tu viện năm 15 tuổi và từ trần năm 1897 lúc 24 tuổi.

 Ðời sống tu viện dòng kín Camelô thật buồn tẻ và phần lớn chỉ gồm sự cầu nguyện và làm các công việc trong nhà. Nhưng Thánh Têrêsa có được sự hiểu biết sâu sắc thánh thiện để chuộc lại quãng thời gian ấy, bất kể có nhàm chán đến đâu. Ngài nhìn thấy sự đau khổ cứu chuộc trong sự đau khổ âm thầm, sự đau khổ là đời sống tông đồ của ngài. Thánh nữ nói ngài gia nhập tu viện Camêlô là “để cứu vớt các linh hồn và cầu nguyện cho các linh mục.” Và không lâu trước khi chết, ngài viết: “Tôi muốn dùng thời gian ở thiên đàng để làm những điều tốt lành cho trần gian.”

Vào ngày 19-10-1997, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II tuyên xưng ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh, là người phụ nữ thứ ba trong Giáo Hội được công nhận về sự thánh thiện và về ảnh hưởng tinh thần của những gì ngài viết.

Lời Bàn

Thánh Têrêsa có nhiều điều để dạy chúng ta về quan niệm, về thể diện, về cái “tôi.” Chúng ta bị nguy hiểm khi nghĩ nhiều về bản thân mình, bị đau khổ khi nhận thức những nhu cầu cần phải thỏa lấp, dù biết rằng không bao giờ chúng ta thỏa mãn. Thánh Têrêsa, cũng như bao vị thánh khác, đã tìm cách phục vụ người khác, thực hiện những gì không phải cho chính mình, và quên mình trong những hành động âm thầm của tình yêu. Ngài là một trong những thí dụ điển hình của sự mâu thuẫn trong phúc âm mà khi hiến thân là khi được nhận lãnh, khi chết đi là khi vui sống muôn đời.

Sự bận rộn với bản thân đã tách biệt con người thời nay với Thiên Chúa, với đồng loại và thực sự xa rời với bản thể. Chúng ta phải học cách quên mình, để suy niệm về một Thiên Chúa là Ðấng mời gọi chúng ta thoát ra khỏi sự ích kỷ để phục vụ người khác. Ðây là cái nhìn sáng suốt của Thánh Têrêsa Lisieux, và ngày nay cái nhìn ấy có giá trị hơn bao giờ hết.

Lời Trích

Thánh Têrêsa phải chịu đau khổ vì bệnh hoạn trong suốt cả cuộc đời. Khi còn nhỏ, ngài phải trải qua ba tháng đau từng cơn, mê sảng và ngất xỉu. Sau đó, dù yếu ớt nhưng ngài làm việc vất vả trong phòng giặt quần áo và phòng ăn của tu viện. Về phương diện tâm linh, ngài phải trải qua một thời kỳ tăm tối khi ánh sáng đức tin dường như tắt ngúm. Năm cuối cùng của cuộc đời, ngài chết dần vì ho lao. Tuy nhiên, không lâu trước khi chết vào ngày 30-9, ngài thì thào, “Tôi không muốn bớt đau khổ.”

Thực sự ngài là một phụ nữ dũng cảm, không rên rỉ vì bệnh tật và lo âu. Ðây là một người nhìn thấy sức mạnh của tình yêu, mà sự biến đổi của Thiên Chúa có thể thay đổi mọi sự–kể cả sự yếu đuối và bệnh tật–thành sức mạnh phục vụ và cứu chuộc cho người khác. Không lạ gì ngài là quan thầy của công cuộc truyền giáo. Còn ai có thể thay đổi thế giới ngoài những người ôm ấp sự đau khổ của mình với tình yêu?

Trích từ NguoiTinHuu.com

THÁNH MATTHÊU TÔNG ĐỒ THÁNH SỬ

THÁNH MATTHÊU TÔNG ĐỒ THÁNH SỬ

Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý

Ít có ai chuộng người thu thuế.  Vào thế kỷ thứ I tại Palestine điều này còn rõ hơn nữa, khi mà họ thủ lợi được nhờ dọa dẫm và gian dối.  Nhưng dù có lương thiện đi nữa nhân viên thu thuế cũng không được cấp lãnh đạo Do thái chấp nhận vì họ làm việc cho lương dân.  Họ là người nhơ uế theo luật pháp và bị loại khỏi xã hội.  Khi nhận một người thu thuế vào môn đồ của Người, Chúa Giêsu quả đã khinh thường tiên kiến của dân chúng.

Điều cần ghi nhận là Matthêô không phải đi từ cửa nhà này tới cửa nhà khác để thu thuế.  Ông có một văn phòng tại Capharnaum, thành phố quê hương của Phêrô và đại bản doanh của Chúa Giêsu khi thi hành sứ vụ tại Galilê.

“Đi ngang qua, Ngài thấy Lêvi con của Alphê ngồi nơi sở thu thuế và Ngài nói: ‘Hãy theo Ta’ và ông đứng dậy đi theo Ngài” (Mc 2,14).

Đó là lời mời gọi làm tông đồ, rất giống lời gọi dành cho Simon và Anrê (Mc 1,16t).  Dầu vậy Lêvi không có tên trong danh sách mười hai (Mc 3,16; Mt 10,3; Lc 6,14t; Cv 113).  Ơn gọi người thu thuế được ghi lại trong Tin Mừng thứ nhất, trong đó ông được gọi là Matthêô (Mt 9,9t).  Như vậy tông đồ đồng hoá mình với Mathêô có trong danh sách các tông đồ.  Lời giải thích tự nhiên được tiếp nhận rộng rãi là Matthêô với Lêvi chỉ là một người với hai tên gọi khác nhau.  (Chẳng hạn anh em Macabê, 1Mcb 2, 2-5).  Cũng có thể chính Chúa Giêsu đã đặt tên cho Matthêô như đã đặt tên Phêrô cho Simon (Mattai theo tiếng Aramêô có nghĩa là ấn bản của Thiên Chúa).

Từ đó Matthêô bỏ sổ sách và học theo hoa đồng và chim trời, những thứ không thể tính toán cho đời sống mình (Mt 6, 25t).  Chủ nhân của ông không còn là Antipas, con cáo gian xảo (Lc 13,32) mà là một Đấng khác hẳn loài cáo, lại chẳng có lấy một căn nhà (Mt 8,20).  Sự thay đổi đã hủy diệt trọn tương lai trần gian của Matthêô.  Simon và Andrê còn có thể trở lại với nghề chài lưới, còn Matthêô bị tống khứ khỏi nghề cũ và không thể trở lại được nữa.  Trong cộng đoàn tông đồ không phải ông mà là Giuda giữ quỹ của nhóm (Ga 13, 29).

Sau khi được gọi, Matthêô biến dạng khỏi Tân ước và chỉ còn để lại tên trong danh sách các vị tông đồ.  Ngài đã ra thế nào?  Chúng ta có được một câu văn của giám mục Papias trong cuốn giải thích Lời Chúa (khoảng năm 125): “Matthêô viết một tường thuật có thứ tự về lời Chúa, theo năng khiếu của Ngài” (Eusebiô lịch sử Giáo hội III, 39).  Cuốn Tin Mừng Matthêô viết bằng tiếng Aramêô cho người Do thái trở lại.  Khi thời thế đòi hỏi, con người Matthêô bị xã hội loại bỏ ấy đã cầm lấy viết để trước tác cuốn “Tin Mừng theo thánh Matthêô.”

Theo bản văn tiếng Hy lạp còn lại, chúng ta thấy tính khí theo toán học với những con số rõ rệt: 7 dụ ngôn về nước trời, 7 lời nguyền rủa bọn biệt phái, 7 lời cầu trong kinh Lạy Cha, và có lẽ 7 mối phúc thật.  Cả con số 5 nữa: 5 cuộc tranh luận với biệt phái, 5 chiếc bánh, 5 lượng vàng, nhất là 5 phần của cuốn sách.  Sau cùng như chúng ta mong đợi có dấu chỉ về sự hiểu biết tinh tường về phương diện tài chánh như đồng bạc nộp thuế thay vì đồng “denarius” trong Mác-cô và Luca hay như thuế đền thờ, với những loại thuế gián thu, thuế phân…

Như vậy Matthêô đã chuyển nghề nghiệp cũ vào một việc phụng sự mới, từ người kế toán thành người viết Tin Mừng.  Thật không ngạc nhiên gì khi một mình Ngài ghi lại lời này của Chúa: “Phàm ký lục nào đã được thụ giáo về nước Trời thì cũng giống như gia chủ biết rút từ trong kho của ông ra điều mới và điều cũ” (Mt 13, 52).

Không có khí cụ hèn hạ nào của chúng ta mà lại không được dùng một cách hoàn hảo và xứng đáng vào việc phụng sự Chúa.

Cuốn Tin Mừng thứ nhất là một kỷ vật của thánh Matthêô được Giáo hội ưa chuộng.  Nhưng công cuộc tông đồ sau này của Ngài lại bị mai một.  Ngài đã rao giảng Tin Mừng cho người Do thái tại Palestina có lẽ trong 15 năm (Eusebiô, Lịch sử Giáo hội III, 24, 265) nhưng sự lầm lẫn giữa tên Ngài với thánh Matthias (Cv 1,26) làm chúng ta luõng lự giữa những truyền thống khác nhau.  Ethiopia, Parthia, Macedonia và cả những xứ của những kẻ ăn thịt người đều được ghi nhận là nơi thánh nhân đã làm việc tông đồ.

Thường người ta cho rằng: Ngài chịu tử đạo, nhưng ý kiến cũng không được đồng nhất.  Điều chắc chắn là Ngài đã sống đời của một vị tử đạo và thế là đủ.  Đối với chúng ta Ngài luôn luôn là một người đã biết được tiền của là gì, lẫn việc không có tiền của là gì.

Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý

From: Langthangchieutim

Thánh Gioan Kim Khẩu

Thánh Gioan Kim Khẩu

Mến chúc Bạn và gia đình một ngày an lành. Mời bạn thưởng thức bản nhạc điệu Tango vào buổi sáng để lấy sinh lực mà phục vụ nhé.

Cha Vương

Hôm nay 13/9, Giáo Hội mừng kính Thánh Gioan Kim Khẩu. Thánh nhân sinh tại nước Thổ nhĩ Kỳ vào năm 334 tại Antiokia. Người ta gọi Ngài là Gioan thành Antiokia, được mệnh danh là Kim Khẩu: Chrysostome. Miệng tuôn toàn những lời quí như vàng. Thánh nhân có tài hùng biện và trí khôn ngoan minh mẫn hiếm có. Gioan thành Antiokia ngay từ khi còn nhỏ đã được mẹ Ngài giáo dục với một lòng nhân ái bao la, truyền đạt cho Ngài một đức tin sắt đá và lòng hy sinh hào hiệp. Năm 373, thánh nhân được tuyển vào chức đọc sách, nhưng tài lợi khẩu, hoạt bát của Ngài đã làm say mê bao người, từ đó danh tiếng Ngài vang dội khắp nơi. Vì danh tiếng lẫy lừng nổi bật do lòng đạo đức thánh thiện và tài hùng biện có sức thuyết phục nhiều người trở về với Chúa, người ta nhất loạt tôn thánh nhân lên chức giám mục, nhưng Ngài khiêm tốn khước từ và chỉ thích ẩn mình, ăn chay, cầu nguyện. Ý Chúa lạ lùng không ai hiểu thấu, sau bốn năm sống khắc khổ, Ngài lâm bệnh dạ dầy nặng, buộc Ngài phải trở về Antiokia. Năm 386, thánh nhân lãnh nhận sứ vụ linh mục và trong cương vị linh mục, suốt 12 năm, thánh nhân đã làm say mê dân thành Antiokia nhờ lòng sốt sắng, tài ăn nói thuyết phục, miệng tuôn những lời quí như vàng và đưa rất nhiều người quay về với Chúa do lời giảng dậy của Ngài.

Thánh nhân đả phá những cổ tục mê tín, cuộc sống hào phóng, xa hoa, trụy lạc của những người giầu và kêu gọi mọi người lưu tâm đến những người nghèo. Chính thánh nhân nêu gương sáng sống nghèo và giúp đỡ người nghèo. Năm 397, Ngài được bầu làm giám mục thành Constantinople, thánh nhân lưu tâm nghiên cứu về thánh Phaolô tông đồ, cải tổ hàng giáo sĩ, thiết lập một số qui chế để thánh hóa bản thân, hủy bỏ tận căn mọi tập tục xa xỉ gây tốn phí tiền bạc, của cải, vật chất. Ngài chống đối kịch liệt các bè rối Ariô, Novatio vv. (Nguồn: Hạnh Các Thánh)

Thánh nhân qua đời vào ngày 14/7/407, Chúa thưởng công Ngài bằng vô số phép lạ sau khi Ngài chết. Ðức Thánh cha Piô X đã nâng Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh và đặt Ngài làm bổn mạng của những nhà giảng thuyết.

Mời Bạn suy niệm những câu nói vàng ngọc của Ngài sau đây nhé:

(1) Nếu bạn không tìm thấy Chúa Kitô nơi người ăn mày này, thì bạn sẽ không tìm thấy Ngài nơi chén thánh.

(2) Tội lỗi là một vết thương. Ăn năn là thuốc chữa.

(3) Cầu nguyện cho chính mình là bản năng tự nhiên; cầu nguyện cho người khác là bản năng của ân sủng.

(4) Yêu tiền bạc là một điều kinh khủng! Nó làm cho con mắt và lỗ tai không còn nghe thấy gì, khi đó con người tệ như con thú hoang dã.

(5) Tình yêu của người chồng và người vợ là sức mạnh gắn bó toàn xã hội.

(6) Dù lời của bạn có đúng cách nào, nó sẽ mất tất cả hiệu lực nếu bạn nói khi bạn giận.

Câu nào đánh động bạn nhất? (Câu 3 & 6 đánh động mình nhất)

Lạy thánh Gioan Kim Khẩu, xin ban cho chúng con biết dùng miệng lưỡi để ca tụng và cảm tạ tri ân Thiên Chúa

From: Mr Print (Dzung Do) gởi

  05-09 Thánh Têrêsa Calcutta

  05-09 Thánh Têrêsa Calcutta

httpv://www.youtube.com/watch?v=E7Gzaib7dsY&t=105s

Thánh Teresa Calcutta
(1910-1997)

Agnes Gonxha Bojaxhiu, sau này là Mẹ Têrêsa, vào đời ngày 26/8/1910 ở Skopje, Macedonia, theo huyết tộc Alnania. Cha của bé là một thương gia được trọng vọng ở địa phương, qua đời khi bé mới được 8 tuổi, để lại mẹ của bé, một người phụ nữ sốt sắng đạo hạnh, làm nghề thêu thùa như kế sinh nhai cho gia đình. Sau thời gian niên thiếu hết sức tham gia các hoạt động giáo xứ, Agnes đã rời gia đình vào tháng 9/1928 để nhập Nữ Tu Viện Loreto ở Rathfarnam (Dublin), Ái Nhĩ Lan, nơi cô đã được trở thành thử sinh ngày 12/10 và mang tên Têrêsa, tên của vị thánh quan thày là Thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu.

Thử sinh Agnes đã được nhà dòng Loreto sai đến Ấn Ðộ, tới Calcutta ngày 6/1/1929. Khi đến nơi, chị thử sinh này nhập tập viện ở Darjeeling. Chị tập sinh này đã khấn trọn đời như là một sơ dòng Loreto ngày 24/5/1937, và sau đó sơ được gọi là Mẹ Têrêsa. Trong thời gian sống ở Calcutta vào thập niên 1930 và 1940, sơ đã dạy ở Trường Trung Học đệ nhất cấp Bengali Thánh Mary.

Vào ngày 10/9/1946, trên chuyến xe lửa từ Calcutta đến Darjeeling, Mẹ Têrêsa đã nhận được điều Mẹ gọi là “ơn gọi trong ơn gọi”, một ơn gọi làm phát sinh ra gia đình Thừa Sai Bác Ái của các Sư Muội, Sư Huynh, Linh Mục và Cộng Tác Viên. Nội dung của ơn soi động này được thể hiện nơi mục đích và sứ vụ Mẹ phác họa cho cơ cấu mới của Mẹ, đó là “làm giản cơn khát vô cùng của Chúa Giêsu trên thập giá vì yêu thương vì các linh hồn”, bằng “việc tận lực hoạt động cho phần rỗi và sự thánh hóa của thành phần nghèo nhất trong các người nghèo”. Vào ngày 7/10/1950, hội dòng mới Thừa Sai Bác Ái được chính thức thành lập như là một tổ chức tu trì đối với Tổng Giáo Phận Calcutta.

Suốt thập niên 1950 và 1960, Mẹ Têrêsa đã phát triển công cuộc của hội dòng Thừa Sai Bác Ái cả ở Calcutta lẫn khắp Ấn quốc. Ngày 1/2/1965, Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đã ban Sắc Lệnh Khen Tặng cho Hội Dòng này bằng việc nâng hội dòng này lên cấp trực thuộc Tòa Thánh. Cơ sở đầu tiên được thành lập ngoài Ấn Ðộ ở Cocorote, Venezuela năm 1965. Hội dòng này lan tới Âu Châu (ở Tor Fiscale ngoại ô Rôma) và Phi Châu (Tabora, Tanzania) năm 1968.

Từ hậu bán thập niên 1960 cho đến năm 1980, hội dòng Thừa Sai Bác Ái phát triển cả về địa dư khắp thế giới lẫn về nhân số phần tử. Mẹ Têrêsa đã thành lập những nhà ở Úc Ðại Lợi, ở Trung Ðông và Bắc Mỹ Châu, cũng như mở nhà tập đầu tiên ở Luân Ðôn ngoài Calcutta. Năm 1979, Mẹ được giải thưởng Nobel Hòa Bình. Cũng trong năm nay đã có tới 158 cơ sở của hội dòng Thừa Sai Bác Ái.

Hội dòng Thừa Sai Bác Ái lan tới các nước Cộng sản vào năm 1979, với một nhà ở Zagreb, Croatia, và vào năm 1980 một nhà ở Ðông Bá Linh, cứ thể tiếp tục phát triển suốt thập niên 1980 và 1990 với những nhà ở hầu như tất cả mọi quốc gia Cộng sản, kể cả 15 cơ sở ở Liên Sô trước đây. Tuy nhiên, cho dù đã nhiều lần cố gắng, Mẹ Têrêsa cũng không thể thiết lập một cơ sở nào ở Trung Hoa.

Mẹ Têrêsa đã nói trước Tổng Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 10/1985, dịp kỷ niệm thành lập 40 năm của tổ chức này. Vào ngày áp Lễ Giáng Sinh cùng năm, Mẹ đã mở “Món Quà Yêu Thương” ở Nữu Ước, nhà đầu tiên Mẹ đã thiết lập cho các bệnh nhân bị chứng liệt kháng AIDS. Những năm sau đó các nhà khác theo nhau xuất hiện, ở Hiệp Chủng Quốc cũng như ở các nơi khác, đặc biệt dấn thân cho những ai mắc hội chứng liệt kháng này.

Từ cuối thập niên 1980 tới hết thập niên 1990, mặc dù tăng phát vấn đề sức khỏe, Mẹ Têrêsa cũng du hành khắp thế giới về vấn đề khấn hứa của các tập sinh, vấn đề mở các nhà mới, cũng như vấn đề phục vụ thành phần nghèo khổ và gặp tai ương hoạn nạn. Những cộng đồng mới được thành lập ở Nam Phi Châu, ở Albania, Cuba và Iraq tàn khốc chiến tranh. Cho tới năm 1997, con số Nữ Tu lên đến gần 4 ngàn phần tử, và được thiết lập ở hầu hết 600 cơ sở ở 123 quốc gia trên thế giới.

Sau một mùa thu đi đến Rôma, Nữu Ước và Washington, với tình trạng sức khỏe suy yếu, Mẹ Têrêsa trở lại Calcutta vào tháng 7/1997. Vào lúc 9 giờ 30 tối ngày 5/9, Mẹ Têrêsa qua đời ở Nhà Mẹ của Hội Dòng. Thân thể của Mẹ được chuyển đến Nhà Thờ Thánh Tôma, gần nữ tu viện Loreto, nơi đầu tiên Mẹ đã đến Ấn Ðộ gần 69 năm trước. Hằng trăm ngàn người thuộc tất cả mọi tầng lớp và mọi tôn giáo, từ Ấn Ðộ cũng như ngoại quốc đã tỏ lòng ngưỡng mộ Mẹ. Mẹ đã được quốc táng vào Ngày Thứ Bảy 13/9/1997, thi thể của Mẹ đã được rước trên chiếc xe đã từng chở thi thể của Mahandas K. Gandhi và Jawaharlal Nehru, qua các đường phố Calcutta. Các vị tổng thống, thủ tướng, nữ hoàng và đặc sứ thay mặt quốc gia trên khắp thế giới đã hiện diện trong cuộc lễ an táng Mẹ.

Không đầy hai năm sau ngày qua đời, do sự thánh thiện mà mọi người đã đồng thanh ca ngợi và những báo cáo về các ơn thiêng nhận được qua Mẹ, nên Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cho phép tiến hành xem xét hồ sơ phong thánh cho Mẹ. Ngày 20 tháng 12 năm 2002, ngài phê chuẩn sắc lệnh công nhận nhân đức anh hùng và các phép lạ của Mẹ.

Ngày 19 tháng 10 năm 2003, Mẹ được nâng lên hàng chân phước. Mẹ là người được phong chân phước nhanh nhất trong lịch sử giáo hội từ trước đến nay: chỉ 6 năm sau ngày qua đời. Trước Mẹ, thánh Gioan Bosco và thánh Maximilian Kolbe được phong chân phước 30 năm sau ngày qua đời và là những người được phong chân phước nhanh nhất Ngày 4 tháng 9 năm 2016, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tuyên thánh cho Mẹ.

https://dongten.net/2019/09/04/hanh-cac-thanh-05-09-thanh-teresa-calcutta/

LIÊN HỢP QUỐC PHÁT HÀNH CON TEM ĐỂ TÔN VINH MẸ TÊRÊSA

Make Christianity Great As Always is at United Nations.

 New York, NY 

LIÊN HỢP QUỐC PHÁT HÀNH CON TEM ĐỂ TÔN VINH MẸ TÊRÊSA

Một con tem của Liên Hợp Quốc dùng để tôn vinh một vị thánh Công giáo?

Đúng vậy. Vào ngày 12 tháng 8, Liên Hợp Quốc đã phát hành một con tem tưởng niệm tôn vinh Mẹ Têrêsa, một trong những người phụ nữ và nhà truyền giáo Công giáo nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20. Ở bên phải con tem xuất hiện một trong những lời trích dẫn nổi tiếng nhất của Mẹ Têrêsa: “Không phải ai trong chúng ta cũng có thể làm được những điều lớn lao. Nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ bé với tình yêu lớn lao.”

Như đã được viết trong lời mô tả của Liên Hợp Quốc:

“Trong hơn 45 năm, Mẹ đã phục vụ người nghèo, bệnh tật, mồ côi và hấp hối, đồng thời hướng dẫn việc mở rộng Hội Thừa Sai Bác Ái, đầu tiên là ở Ấn Độ và sau đó là ở các quốc gia khác, bao gồm cả việc xây dựng các nhà tế bần và nhà ở cho người nghèo và người vô gia cư.”

Liên Hợp Quốc là tổ chức phi nhà nước duy nhất trên thế giới có đặc quyền phát hành tem của riêng mình. Kể từ năm 1951, Cơ quan Bưu chính Liên Hợp Quốc đã phát hành tem, theo đề xuất năm 1947 của Argentina. Một thỏa thuận đã đạt được với các cơ quan bưu chính Hoa Kỳ yêu cầu tem phải có mệnh giá bằng tiền của Hoa Kỳ và chỉ được sử dụng tại Trụ sở Liên Hợp Quốc.

Các thỏa thuận sau đó giữa Liên Hợp Quốc, Thụy Sĩ và Áo đã cho phép tem của Liên Hợp Quốc được phát hành bằng đồng franc Thụy Sĩ và schillings của Áo (sau này là đồng Euro). Do đó, Liên Hợp Quốc là cơ quan bưu chính duy nhất phát hành tem bằng ba loại tiền tệ khác nhau – đôla Mỹ, franc Thụy Sĩ và Euro.

Dựa trên các mục tiêu của mình, những con tem của Liên Hợp Quốc chính là những thông điệp về các chủ đề phổ biến hoặc về các ngày lễ tưởng niệm dành cho những người đàn ông và phụ nữ có ảnh hưởng trong lịch sử.

Đây không phải là lần đầu tiên Liên Hợp Quốc tôn vinh Mẹ Têrêsa vì đã phục vụ những người nghèo nhất trong số những người nghèo. Năm 2012, Liên Hợp Quốc đã thiết lập ngày 5 tháng 9 là Ngày Quốc tế về Bác ái, với trọng tâm là giúp đỡ những người gặp khó khăn thông qua hoạt động từ thiện và tình nguyện. Việc lựa chọn ngày đó không phải là ngẫu nhiên, Liên Hợp Quốc giải thích:

“Ngày 5 tháng 9 được chọn để kỷ niệm là ngày mất của Mẹ Têrêsa thành Calcutta… Trong hơn 45 năm, Mẹ đã phục vụ những người nghèo, bệnh tật, mồ côi và hấp hối, đồng thời hướng dẫn việc mở rộng Hội Thừa Sai Bác ái, đầu tiên bên trong Ấn Độ và sau đó là ở các quốc gia khác, bao gồm các nhà tế bần và nhà ở cho những người nghèo nhất và vô gia cư. Công việc của Mẹ Têrêsa đã được nhìn nhận và ca ngợi trên khắp thế giới và Mẹ đã nhận được một số giải thưởng và danh hiệu, bao gồm cả giải Nobel Hòa bình. Mẹ Têrêsa qua đời vào ngày 5 tháng 9 năm 1997, hưởng thọ 87 tuổi.”

Hai sự công nhận của Liên Hợp Quốc về Mẹ Têrêsa – con tem “Làm những việc nhỏ bé với tình yêu lớn lao” và sự công nhận Ngày Quốc tế về Bác ái – bổ sung cho nhau. Hãy để tôi giải thích.

Đối với Mẹ Têrêsa, yếu tố quan trọng nhất chính là tình yêu và sự cống hiến mà một người dành để bước theo lời mời gọi của một người khác, và đây là điểm mấu chốt trong thông điệp và công việc đời sống của Mẹ. Trong khi có một lời mời gọi với nhiều cách diễn đạt khác nhau, nhưng phương châm của Mẹ luôn giống nhau – làm những việc nhỏ bé với một tình yêu lớn lao và sống lời mời gọi của mình ở bất kỳ nơi nào với sự cống hiến to lớn. Mẹ đã trải qua cái khao khát mãnh liệt đó bằng một tình yêu giống như vậy – tình yêu vô bờ của Mẹ dành cho những người nghèo nhất trong số những người nghèo, dành cho anh chị em và những thành viên trong gia đình của Mẹ thật mãnh liệt. Mẹ đã yêu cho đến đau đớn, và trong cuộc đời của Mẹ, Mẹ đã làm thỏa lòng tất cả những tình yêu này bằng cách phản chiếu nguyên mẫu – là Chúa Giêsu.

Phương châm “Làm những việc nhỏ bé với tình yêu lớn lao” nói lên lòng tôn kính suốt đời của Mẹ dành cho Thánh Têrêsa thành Lisieux (1873-1897), người cùng tên với Mẹ Têrêsa. Phương cách “con đường nhỏ” của Thánh Têrêsa Hài đồng – điều nhắc nhớ chúng ta rằng những điều bình thường của cuộc sống, khi được thực hiện với tình yêu thương phi thường, sẽ được biến đổi thành một điều gì đó phi thường – đã trở thành nguyên tắc sống của Mẹ Têrêsa. Mẹ luôn sẵn sàng đóng góp phần nhỏ bé của mình để làm vơi đi nỗi đau và vác lấy thập giá, như mẹ đã nói trong chuyến thăm năm 1984 đến đất nước Ethiopia đang bị nạn đói hoành hành. Mẹ đã không ngần ngại thực hiện phần việc nhỏ bé của mình để giúp đỡ quốc gia đói khát nhất thế giới:

“Ethiopia là một đồi Canvê mở rộng, chứ không phải là một địa ngục rộng mở. Bạn và tôi có thể làm phần việc nhỏ của mình và rồi sự sống sẽ được cứu nguy.”

Trong khi làm “những việc nhỏ bé với tình yêu lớn lao”, Mẹ Têrêsa đã trở thành một trong những người ủng hộ nồng nhiệt nhất về quyền con người mà đối với Mẹ, bắt đầu bằng quyền sống, quyền cơ bản nhất trong số các quyền con người. Đối với Mẹ, Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với những người nghèo, người bên lề, người phong cùi, người chưa được sinh ra, người nhỏ bé và không có tiếng nói – những quyền mà Mẹ đang ở tuyến đầu bảo vệ. Vì vậy, sự bảo vệ mạnh mẽ của Mẹ đối với sự sống từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên là một vấn đề nhân phẩm và nhân quyền mang tính Kitô học và quy hướng Kitô giáo sâu sắc. Mẹ biết rằng những người nam, người nữ và trẻ em (được sinh ra và chưa được sinh ra) đều được tạo dựng vì những điều tuyệt diệu – để yêu và được yêu – và Chúa Giêsu Kitô vừa là nền tảng vừa là nguồn gốc của mọi quyền đó.

Sự bảo vệ nhân quyền và phẩm giá con người của Mẹ Têrêsa đã đem về cho Mẹ một vị trí danh dự tại Hành lang Nhân quyền của Nhà thờ Chánh toà Quốc gia ở Washington D.C. (thuộc Giáo hội Giám nhiệm). Hành lang Nhân quyền của Nhà thờ Chánh toà được dành riêng cho những cá nhân “đã có những hành động đầy ý nghĩa, sâu sắc và có tính thay đổi đời sống trong cuộc đấu tranh vì nhân quyền, công bằng xã hội, dân quyền và hạnh phúc của những người khác”.

Ngoài ra, đức mến đối thần là một bước tiến tới sự hoàn thiện Kitô giáo. Tình yêu và lòng bác ái song hành cùng nhau. Bác ái là tình yêu của Thiên Chúa, mà trong đó con người tham dự vào công việc của Thiên Chúa, hay có được sở thích để yêu thương như Thiên Chúa.

Nếu phương châm của Mẹ Têrêsa được áp dụng cho đức mến, thì Mẹ đã làm những việc nhỏ bé với lòng mến cao cả, đã yêu thương những người mình phục vụ và noi gương tình yêu quên mình hy sinh của Chúa Kitô. Mẹ đã trân trọng Thiên Chúa trên tất cả mọi sự vì chính Người và trân trọng nhân loại vì chính Chúa. Mọi người đều có thể trở thành một nhà thừa sai bác ái chỉ cần qua tình yêu và sự phục vụ khiêm nhường, đều có thể khám phá ra khuôn mặt của Chúa Giêsu dưới lớp cải trang sầu khổ của người nghèo. Do đó, tình yêu và lòng bác ái gắn kết với nhau và trở thành dấu chỉ xác định sứ mệnh của Thánh Têrêsa thành Calcutta là làm những việc nhỏ bé với tình yêu và lòng bác ái lớn lao. Cả cuộc đời, Mẹ đã kiên vững cho cả hai điều trên.

Con tem tưởng niệm của Liên Hợp Quốc mang đến một cơ hội cho thế giới – nơi vốn đang rất cần những điều nhỏ bé được thực hiện với tình yêu thương và lòng bác ái lớn lao – để ngẫm nghĩ về phương châm và Sứ mệnh của Mẹ Têrêsa. Có lẽ con tem sẽ giúp chúng ta thức tỉnh khỏi mọi điều tự mãn để làm những việc nhỏ bé – nhỏ như viết một bức thư, dán một con tem và gửi đi bức thư đó – với tình yêu lớn lao.

———-

Tác giả: Ines Murzaku

Nguồn: National Catholic Register (ncregister.com) (26/8/2021)

Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên  

THÁNH MONICA VÀ THÁNH AUGUSTINÔ

THÁNH MONICA VÀ THÁNH AUGUSTINÔ

Trầm Thiên Thu 

Chắc hẳn chẳng ai xa lạ gì với hai vị thánh là mẹ con, đó là thánh mẹ Monica và thánh con Augustinô – Giám mục Tiến sĩ.  Hằng năm, ngày 27-8 là lễ kính nhớ người mẹ, và ngày 28-8 là lễ kính nhớ người con. 

Thánh Monica (331-387) là bổn mạng của những cha mẹ chịu đựng đau khổ vì gánh nặng gia đình, đặc biệt là những người mẹ Công giáo.  Bà được mệnh danh là “Người Bạn của Thánh Giá.” 

Thánh Monica sinh năm 332 tại Tagaste, Bắc Phi (nay là Souk Ahras, thuộc Algeria).  Bà sống các nhân đức Kitô giáo nổi bật, nhất là chịu đựng sự ngoại tình của người chồng, bà khóc hằng đêm vì thương “cậu ấm” Augustinô, chuyên cần cầu nguyện cho con hoán cải, điều mà chính thánh Augustinô đã viết trong cuốn Tự Thuật (Confession).

Dù bà là một Kitô hữu, cha mẹ vẫn bắt bà sớm kết hôn với một người ngoại giáo tên là Patrixiô, dân thành phố Tagaste, một người chồng có tính nóng như lửa, nghiện rượu, ngoại tình, phóng đãng, luôn khó chịu vì vợ hay làm việc từ thiện và cầu nguyện. 

Thánh Monica có 3 người con: Augustinô là con trai trưởng, Navigius là con trai thứ hai, và Perpetua là con gái út.  Thánh Augustinô bướng bỉnh, lười biếng, và được gởi vào học tại trường Madaurus.  Thánh Monica bị coi là một người vợ hay bị cằn nhằn, là con dâu đau khổ và là người mẹ thất vọng, nhưng bà không đầu hàng trước mọi nghịch cảnh.  Thánh Monica còn phải chịu đựng bà mẹ chồng cực kỳ khó tính.  Nhưng lời cầu nguyện và gương lành của thánh Monica đã khiến chồng và mẹ chồng trở lại Công giáo.  Patrixiô mất năm 371, sau khi đã được rửa tội một năm, lúc này Augustinô 17 tuổi.  Thánh Monica ở vậy nuôi dạy các con.  Augustinô tiếp tục theo học tại trường Carthage, và tại đây chàng Augustinô bắt đầu ăn chơi trác táng.

Tại Carthage, biết Augustinô theo tà thuyết Manichean (*), thánh Monica đã thẳng thắn đuổi Augustinô đi chỗ khác, không được ăn uống và không được ngủ trong nhà.  Đêm đó, thánh Monica đã có thị kiến lạ là “đứa con trời đánh” sẽ trở lại, thế nên bà giải hòa với con.  Từ đó, bà luôn theo sát con mọi nơi mọi lúc, đêm ngày cầu nguyện và ăn chay vì con.

Rồi bà đã gặp một giám mục thánh thiện là thánh Ambrôsiô, giám mục này khuyên bà và nói tiên tri: “Đứa con của nước mắt sẽ không hư mất. Thánh Monica bí mật theo con đi khắp nơi để tìm cách cứu con ra khỏi vũng lầy tội lỗi.  Tại Manila (Ý), thánh monica đã gặp thánh Ambrôsiô và được chứng kiến con trai Augustinô trở lại sau nhiều năm ròng rã 

Lúc 29 tuổi, Augustinô quyết định đi Rôma để dạy khoa hùng biện.  Thánh Monica cũng quyết định đi theo con.  Một đêm nọ, Augustinô nói với mẹ là sắp đi tạm biệt một người bạn.  Nhưng không, Augustinô lại lên tàu đi Rôma.  Thánh Monica rất đau khổ khi biết con lừa dối mình, nhưng bà vẫn âm thầm đi theo.  Bà vừa đến Rôma thì biết tin con trai “trời đánh” Augustinô đã đi Milan.  Dù việc đi lại khó khăn, thánh Monica vẫn theo con tới Milan và bất cứ nơi nào khác.

Tại Milan, Augustinô chịu ảnh hưởng thánh giám mục Ambrôsiô, đồng thời là linh hướng của thánh Monica.  Bà nghe lời khuyên của thánh Ambrôsiô và khiêm nhường từ bỏ mọi sự.  Thánh Monica trở thành trưởng nhóm của các phụ nữ đạo đức ở Milan cũng như khi bà ở Tagaste.  Bà vẫn tiếp tục cầu nguyện cho Augustinô.

Lễ Phục Sinh năm 387, thánh Ambrôsiô đã rửa tội cho Augustinô và vài người bạn của Augustinô tại Nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả ở Milan (Ý quốc).  Ngay sau đó, nhóm của Augustinô đi Phi châu.  Biết mình không còn sống bao lâu nữa, thánh Monica nói với Augustinô: “Con ơi, không gì trên thế gian này làm mẹ vui.  Mẹ không biết có gì còn lại cho mẹ làm hoặc tại sao mẹ lại vẫn ở đây, mọi hy vọng trên thế gian này mẹ đã được mãn nguyện.  Sau đó bà lâm bệnh, và sau 9 ngày bệnh nặng thì bà qua đời.  Hầu như những gì chúng ta biết về thánh Monica là nhờ các tác phẩm của thánh Augustinô, đặc biệt là cuốn Tự Thuật. 

Thánh Augustinô được rửa tội lúc 33 tuổi, rồi làm linh mục lúc 36 tuổi, và làm giám mục lúc 41 tuổi.  Ngài là một tội nhân trở thành thánh nhân.  Đó là nhờ nước mắt và sự kiên trì cầu nguyện của người mẹ là thánh Monica, sự hướng dẫn của thánh giám mục Ambrôsiô, và nhất là chính Thiên Chúa đã nói với thánh Augustinô qua Kinh thánh để soi dẫn Augustinô từ tình-yêu-cuộc-sống đến cuộc-sống-tình-yêu. 

Trong những năm đầu đời, thánh Augustinô đắm chìm trong kiêu ngạo, hoang đàng và tội lỗi, nhưng ngài đã trở lại và sống thánh thiện, chống lại mọi thủ đoạn của ma quỷ thời đó – suy đồi về chính trị, xã hội và luân lý.  Chính kinh nghiệm “xương máu” của đời mình mà ngài đã để lại cho chúng ta những câu nói bất hủ, chẳng hạn: “Ngài có đó khi ta tưởng mình đơn côi, Ngài nghe ta khi chẳng ai đáp lại, Ngài thương ta khi tất cả hững hờ; hoặc:“Hát hay là cầu nguyện hai lần; hoặc:“Chúa dựng nên con thì Ngài không cần đến con, nhưng để cứu độ con thì Ngài cần đến con. 

Thánh Augustinô không thể im lặng, như ngôn sứ Giêrêmia xưa đã phải thú nhận: “Có lần con tự nhủ: ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.  Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt.  Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20:9).

Thánh Augustinô viết về người mẹ của mình: “Trong chiếc rổ đầy trái cây, mẹ tôi biết đem cả một trái tim đầy ắp lời cầu xin thuần khiết tới nhà thờ Các Thánh Tử Đạo, và trao hết cho người nghèo – để việc rước Mình Thánh Chúa được cử hành ở đúng vị trí.  Noi gương Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, các thánh Tử Đạo đã hy sinh và đã nhận triều thiên” (Tự Thuật 6.2.2)

Khi con trai Augustinô trở lại, hai mẹ con sống bên nhau sáu tháng an bình tại Rus Cassiciacum (ngày nay là Cassago Brianza).  Thánh Monica qua đời ở tuổi 55.  Sau khi an nghỉ trong Lòng Thương Xót bao la của Thiên Chúa, thánh Monica được an táng tại Ostia, và hầu như chẳng còn ai nhớ đến bà. 

Thế kỷ XIII, lòng sùng kính thánh Monica bắt đầu lan rộng.  Lúc đó, lễ thánh Monica vào ngày 4-5.  Năm 1430, dưới thời Đức Giáo Hoàng Martin V, hài cốt thánh Monica được dời tới Nhà thờ thánh Augustinô ở Rôma, đặt ngay bên phải bàn thờ.  Nhà thờ này do Đức Hồng Y Estouteville của Tổng Giáo Phận Rouen đã cho xây dựng.  Nhiều phép lạ đã xảy ra trong tháng Năm.  Mãi đến thế kỷ XVI, lễ thánh Monica mới được ấn định trong Lịch Phụng Vụ.

Thành phố Santa Monica ở California (Hoa Kỳ) là đặt theo tên thánh Monica.  Tương truyền rằng, hồi thế kỷ XVIII, linh mục Juan Crespí đặt tên cho một dòng suối là Las Lagrimas de Santa Monica (Nước mắt của thánh Monica), ngày nay gọi là Serra Springs, gợi nhớ những giọt nước mắt mà thánh Monica đã nhiều năm ròng rã khóc vì nghịch tử Augustinô.  Tượng thánh Monica được dựng tại Santa Monica’s Palisades Park (Công viên Hàng rào Thánh Monica), tượng do điêu khắc gia Eugene Morahan hoàn tất vào năm 1934.

Lạy Thánh Monica và Thánh Augustinô, xin cầu thay nguyện giúp.  Amen!  

Trầm Thiên Thu 

(*) Manichaeism: Mani giáo, hệ thống tôn giáo nhị nguyên do tiên tri Manes (khoảng 216–276) sáng lập ở Ba Tư hồi thế kỷ III, dựa trên vụ xung đột nguyên thủy giữa ánh sáng và bóng tối, kết hợp với các yếu tố của Kitô giáo ngộ đạo (Gnostic Christianity), Phật giáo (Buddhism), Bái hỏa giáo (Zoroastrianism), và các yếu tố ngoại giáo khác.  Thuyết này bị chống đối từ phía Hoàng đế La mã, các triết gia tân Platon (Neo-Platonist) và các Kitô hữu chính thống.

 From: langthangchieutim

Thánh Augustine (354-430)

28/08/2021

28 Tháng Tám
Thánh Augustine
(354-430)

Là Kitô Hữu lúc 33 tuổi, làm linh mục lúc 36 tuổi, được tấn phong giám mục lúc 41 tuổi: ai ai cũng quen thuộc với tiểu sử tóm lược của Thánh Augustine Hippo, một tội-nhân-trở-thành-thánh-nhân. Nhưng có thực sự biết về cuộc đời thánh nhân thì điều đó mới có giá trị.

Dù khi xa cách Thiên Chúa hay hướng về Thiên Chúa, đời sống của ngài mau chóng đạt đến mức độ mãnh liệt. Nước mắt của mẹ ngài, những lời huấn đức của Thánh Ambrôsiô và, trên hết mọi sự, chính Thiên Chúa nói với ngài qua Kinh Thánh đã thay đổi tính đam mê thế gian của Augustine thành một cuộc đời đầy bác ái.

Từng đắm chìm trong sự cao ngạo về cuộc đời mình trong thời niên thiếu và từng say sưa cặn bã cay đắng của cuộc đời, nên người ta không ngạc nhiên khi thấy Augustine, khi quay trở về, ngài đã phải chống trả với sự tấn công của ma quỷ bằng sự thánh thiện quyết liệt. Thời đại của ngài thực sự sa sút — về chính trị, xã hội và luân lý. Người ta vừa sợ và vừa mến ngài, giống như Thầy Giêsu. Ngài bị chỉ trích không bao giờ cùng: là bản tính khắt khe của loài người.

Cuộc đời ngài, do thiên ý, ngài đã chu toàn nhiệm vụ của một ngôn sứ. Như ngôn sứ Giêrêmia và các vị đại ngôn sứ khác, ngài bị bó buộc nhưng không thể giữ im lặng. “Tôi tự nhủ, tôi sẽ không nhắc đến Người, tôi sẽ không nhân danh Người mà lên tiếng nữa. Nhưng rồi như lửa bừng cháy trong tim, giam hãm thân thể tôi; và tôi cầm hãm không nổi, chịu đựng không thấu” (Giêrêmia 20:9).

Lời Bàn

Trong thời đại chúng ta, Thánh Augustine vẫn còn được xưng tụng và vẫn còn bị kết án. Ngài là vị ngôn sứ của thời đại ngày nay, thúc giục chúng ta phải từ bỏ khuynh hướng thoát ly thực tế và can đảm đối diện với trách nhiệm và phẩm giá của mỗi một người.

Lời Trích

“Thật quá trễ để con yêu mến Ngài, ôi Ðấng Tuyệt Mỹ của ngày xa xưa ấy, nhưng mới lạ hơn bao giờ hết! Thật quá muộn để con yêu mến Ngài! Và đây, Ngài ở bên trong, con ở bên ngoài, và con đi tìm Ngài; con bị méo mó, đắm chìm trong những hình dáng đẹp đẽ mà Ngài đã dựng nên. Ngài ở với con, nhưng con không ở với Ngài. Nhiều thứ đã giữ con xa Ngài – những thứ mà nếu chúng không ở trong Ngài, thì chẳng là gì cả. Ngài kêu lớn và gào thét vào sự ngơ điếc của con. Ngài lấp lánh và chiếu sáng vào sự mù quáng của con. Ngài thở hương thơm và con bị lôi cuốn – và con khao khát Ngài. Con đã nếm thử, và con đói khát. Ngài chạm đến con, và con đã bừng cháy vì sự bình an của Ngài” (Tự Thú của Thánh Augustine).

Trích từ NguoiTinHuu.com

Thánh Monica (322?-387)

27/08/2021

27 Tháng Tám
Thánh Monica
(322?-387)

Hoàn cảnh cuộc đời Thánh Monica đã có thể biến ngài thành một người vợ hay mè nheo, một nàng dâu nhiều cay đắng và một người mẹ tuyệt vọng, tuy nhiên ngài đã không chịu thua bất cứ cám dỗ nào. Mặc dù ngài là một Kitô Hữu, cha mẹ ngài đã gả cho một người ngoại giáo, ông Patricius, là người sống trong cùng tỉnh Tagaste ở Bắc Phi Châu. Patricius là người tốt nhưng ông vô cùng nóng nẩy và phóng túng. Ngoài ra Thánh Monica còn phải chịu đựng bà mẹ chồng hay gắt gỏng. Ông Patricius thường rầy la vợ vì bà hay thương người. Nhưng sự cầu nguyện và gương mẫu đời sống của Thánh Monica sau cùng đã chinh phục được người chồng cũng như mẹ chồng, ngài đã đưa họ trở về với đức tin Kitô Giáo. Ông Patricius chết năm 371, sau khi rửa tội được một năm để lại người vợ goá và ba con nhỏ.

Người con cả, Augustine Hippo, nổi tiếng nhất (sau này là thánh). Vào lúc cha chết, Augustine mới 17 tuổi và là sinh viên trường hùng biện ở Carthage. Thánh Monica thật đau buồn khi thấy con mình đi theo tà thuyết Manikê và sống cuộc đời phóng đãng. Có những lúc Thánh Monica không cho con được ăn ngủ ở trong nhà. Và rồi một đêm kia, ngài được thị kiến và được đảm bảo là Augustine sẽ trở về với đức tin. Từ đó trở đi ngài sống gần với con hơn để ăn chay và cầu nguyện cho con. Quả vậy, ngài ở gần đến nỗi Augustine cũng phải bực mình.

Khi 29 tuổi, Augustine quyết định đi Rôma để dạy về hùng biện. Một tối kia, Augustine nói với mẹ là anh ra bến tầu để từ giã bạn bè. Nhưng, anh lại lên tầu đi Rôma. Thánh Monica thật đau lòng khi biết mình bị lừa, nhưng ngài nhất định đi theo. Vừa đến Rôma thì ngài lại biết là Augustine đã đi Milan. Mặc dù việc di chuyển khó khăn, Thánh Monica vẫn nhất định bám sát.

Ở đây, Augustine bị ảnh hưởng bởi một giám mục, Ðức Ambrôsiô, là vị linh hướng sau này của Thánh Monica. Augustine chấp nhận mọi lời khuyên của đức giám mục và tập được đức khiêm tốn đến độ ngài có thể từ bỏ được nhiều tật xấu. Thánh Monica trở thành người lãnh đạo của nhóm phụ nữ đạo đức ở Milan cũng như khi ở Tagaste.

Ngài tiếp tục cầu nguyện cho Augustine trong những năm anh theo học với đức giám mục. Vào Phục Sinh năm 387, Ðức Ambrôsiô rửa tội cho Augustine và một vài người bạn của anh. Không lâu sau đó, cả nhóm đi Phi Châu. Lúc ấy, Thánh Monica biết cuộc đời ngài sắp chấm dứt, ngài nói với Augustine, “Con ơi, không có gì trên trần gian này làm mẹ vui lòng cả. Mẹ không biết có gì còn phải thi hành và tại sao mẹ lại ở đây, vì mọi hy vọng của mẹ ở trần gian này đều đã được hoàn tất.” Sau đó không lâu ngài bị bệnh và chịu đau đớn trong chín ngày trước khi từ trần.

Tất cả những gì chúng ta biết về Thánh Monica là trong tác phẩm Tự Thú của Thánh Augustine.

Lời Bàn

Trong xã hội ngày nay, mọi thứ đều sẵn sàng, từ mì ăn liền, cà phê uống liền, đến việc tiêu xài liền (instant-credit) khiến chúng ta không còn kiên nhẫn. Tương tự như thế, chúng ta cũng muốn lời cầu xin của chúng ta được đáp trả ngay lập tức. Thánh Monica là gương mẫu của sự kiên nhẫn. Những năm trường cầu nguyện, cộng với đức tính kiên cường và kỷ luật, sau cùng đã đưa đến sự trở lại của người chồng nóng nẩy, người mẹ chồng ưa gắt gỏng và người con thông minh nhưng bướng bỉnh, là Augustine.

Lời Trích

Khi Thánh Monica từ Bắc Phi Châu sang Milan, ngài nghĩ ra những thói quen đạo đức mới cho ngài và cho những người thời ấy, tỉ như ăn chay ngày thứ Bảy, là điều không phổ thông ở Milan. Ngài hỏi Thánh Ambrôsiô là nên giữ những thói quen nào. Câu trả lời nổi tiếng của Thánh Ambrôsiô là: “Khi cha ở đây, cha không giữ chay ngày thứ Bảy, nhưng khi ở Rôma thì cha sẽ giữ chay; hãy làm theo những phong tục và huấn thị của Giáo Hội như đã được ban bố đặc biệt cho địa phương mà con đang sống.”

Trích từ NguoiTinHuu.com

THÁNH LAURENSÔ, PHÓ TẾ, TỬ ĐẠO – Ngày 10 tháng 8

May be art of 2 people

Ngày 10 tháng 8

THÁNH LAURENSÔ, PHÓ TẾ, TỬ ĐẠO

“Hoàng đế không thấy nửa người tôi được nướng chín kỹ rồi sao? Hãy lật phía kia để nướng tiếp cho kỹ đi để Hoàng đế có thể ăn thịt nướng này.”

Thánh Laurensô sinh tại thôn Huêca nước Tây Ban Nha. Cha mẹ ngài là người rất đạo hạnh. Quãng đời thơ ấu của Laurensô không được ghi lại tường tận, chỉ biết rằng: Ngài sớm từ biệt quê hương thân yêu để sang du học tại Rôma và đã sống cả cuộc đời trần thế tại đây

Được sống nơi kinh đô Giáo Hội, Laurensô hăm hở học hành và rèn luyện nhân đức, nên chẳng bao lâu tiếng nhân đức và tài học rộng hiểu sâu của ngài vang lừng khắp nơi. Khi vừa lên ngôi ngày 30 tháng 8 năm 257, Đức tân Giáo Hoàng Xíttô đã chọn Laurensô làm Phó tế giúp việc cho ngài.

Nhưng rồi cơn bách hại đạo làm cho Giáo Hội Chúa lại phải sống trong âu lo và thử thách. Giông tố đó do Hoàng đế Valêrianô gây ra. Để trốn tránh, giáo sĩ cũng như giáo dân phải sống dưới những hang toại đạo hoặc trong những nhà giáo dân kín cổng, cao tường.

Hoàng đế Valêrianô ra lệnh cho quân lính bí mật theo dõi Đức Giáo Hoàng và một đêm kia, quân lính đã tìm ra con đường nhỏ, quanh co dẫn xuống hầm giữa nghĩa địa Prêtêta. Bắt được Đức Giáo Hoàng đang ngồi giảng dạy Lời Chúa giữa đông đảo giáo dân. Quân lính xông vào bắt Đức Giáo Hoàng và đoàn tháp tùng đem nộp cho quan. Ngài bị án chém đầu. Được tin sét đánh này, thầy Phó tế Laurensô vội vã chạy theo Đức Giáo Hoàng và năn nỉ xin được cùng chết với vị cha chung. Nhưng Đức Giáo Hoàng Xíttô an ủi:

– Con yêu dấu, cuộc bách hại đạo dữ dội đang chờ đợi con, vài ngày nữa con sẽ theo Cha. Phần Cha, nay đã già cả, Cha sẽ trải qua những thử thách này cách nhẹ nhàng, nhưng con còn trẻ trung, đầy nghị lực, con sẽ phải trải qua cuộc bách hại đạo vẻ vang hơn nhiều. Rồi Đức Giáo Hoàng ban phép lành vĩnh biệt người con yêu dấu, để đi ra pháp trường.

Trước cái tang chung của Giáo Hội và trước cảnh “Đoàn chiên không chủ chăn”, thầy Phó tế Laurensô suốt ngày đêm đi săn sóc và an ủi giáo dân đang ẩn nấp, rải rác khắp thành Rôma.

Hoàng đế Valêrianô là con người độc ác, lại tham lam, khi biết Giáo Hội còn nhiều tài sản, lập tức, ông hạ lệnh bắt thầy Phó tế Laurensô tới để tra của. Hoàng đế nói với thầy:

– Giáo Hoàng và các người Kitô giáo trách ta xử ác với họ. Giờ đây ta hứa sẽ dễ dãi nếu ông đem nộp cho ta tất cả của cải như chén vàng, đĩa bạc, chân nến và các đồ thờ quý giá: Ta rất cần các đồ đó để tăng cường ngân quỹ quốc gia.

Thầy nhanh nhẹn trả lời:

– Thưa Hoàng đế, tôi rất giàu, chính kho bạc của Hoàng đế cũng không thấm vào đâu, tôi sẽ nộp cho Hoàng đế những vật quý báu ấy. Vậy xin Hoàng đế cho tôi ít ngày để kịp thu gom của cải đó lại.

Hoàng đế gia hạn ba ngày.

Còn thầy Phó tế Laurensô ngang nhiên đi khắp thành phố Rôma, tập trung các bệnh nhân mà Giáo Hội vẫn cấp dưỡng, gồm mọi thứ bệnh: Phong cùi, mù loà què quặt, độ chừng 1.500 người. Ngài thuê những chiếc xe ngựa chở họ thẳng tới cung điện Hoàng đế.

Thấy công việc kỳ lạ của thầy, dân thành Rôma rủ nhau đi xem rất đông. Đoàn xe ngừng trước cung điện Hoàng đế, thầy tâu trình lớn tiếng:

– Tâu Hoàng đế, đây là tất cả kho tàng quí báu của Giáo Hội Công giáo chúng tôi, đây là những người nghèo khổ, bệnh tật, nhưng chính nhờ công việc cứu trợ họ và chúng tôi đã tích trừ được nhiều kho báu trên trời. Xin Hoàng đế hãy đón nhận tất cả của cải này để dùng cho thành Rôma và cho chính Hoàng đế.

Trước những lời đầy khiêu khích đó, Hoàng đế Valêrianô đỏ mặt, tía tai, nổi giận đùng đùng, ông truyền đánh đòn thầy bằng roi sắt; rồi truyền đem các dụng cụ hành hình ra trước mặt thầy và nói:

– Ngươi sẽ phải chết, nhưng ngươi đừng tưởng sẽ được chết ngay đâu ta sẽ kéo dài cái chết của ngươi bằng trăm ngàn cực hình .

Người lính dũng cảm của Chúa Kitô mạnh dạn thưa:

– Ngài tưởng tôi sợ cực hình sao? Không đâu! Ngài cho những cực hình đó là ghê sợ, nhưng tôi không sợ chút nào, mà còn ước mong từ lâu.

– Ngươi tưởng rằng, “những của cải quí báu” kia sẽ cứu ngươi thoát những cực hình sao?

– Tôi cậy vào của cải trên trời, đó là lòng Chúa nhân từ thương xót. Thiên Chúa sẽ ban cho tôi được giải thoát, dù khi thân xác tôi phải phanh ra làm trăm ngàn mảnh.

Hoàng đế truyền đánh đòn thầy lần nữa. Đồng thời, Hoàng đế truyền cho lý hình nung đỏ những thanh sắt dí vào khắp mình ngài.

Không kêu la, than trách, thầy ngửa mặt lên trời cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin hãy thương đến tôi tớ Chúa đã bị kết án là không chối Chúa, đã bị tra tấn vì dám tuyên xưng Danh Thánh Chúa giữa trăm ngàn cực hình”.

Hoàng đế tức giận hét lên:

– Mày là thằng phù thủy, mày coi khinh cực hình, nhưng nhân danh các thần minh, nếu mày không tế lễ các ngài, ta sẽ hành hạ mày như chưa từng ai có thể làm được.

Thầy mạnh dạn trả lời:

– Nhờ ơn Chúa, tôi không sợ chút nào, mọi cực hình sẽ qua đi. Chúc Hoàng đế hăng hái thi hành điều ngài dự định để làm khổ tôi.

Được lệnh, lý hình lấy roi sắt tua gắn chì đánh túi bụi vào thân xác ngài, đến nỗi những mảnh thịt bóc ra tung toé. Khắp mình mẩy tím bầm, đẫm máu. Thầy tưởng giờ phút vinh quang đã tới. Nhưng từ trời có tiếng vang lên báo cho ngài biết ngài còn phải chịu đựng thử thách gay go hơn nữa. Chính Hoàng đế cũng nghe thấy những tiếng vang đó, Hoàng đế kêu lên:

– Đoàn quân Rôma, các ngươi không nghe thấy ác quỉ đang kéo tới cứu phạm nhân, khinh dể thần minh và coi thường các khổ hình sao?

Như không để ý đến lời hò hét của Hoàng đế, thầy sốt sắng cầu xin:

– Lạy Chúa, xin thương đến người tôi tớ bất xứng này, con nguyện xin Chúa hãy ban cho những người có mặt đây được trở lại cùng Chúa. Xin Chúa hãy an ủi họ trước toà phán xét.

Bấy giờ, một Thiên thần lấy hình một thanh niên tới an ủi và lau chùi các vết thương cho thầy. Một binh sĩ tên là Rômanô được Chúa cho xem thấy sự lạ này, đã mạnh dạn tiến thẳng tới xin thầy Phó tế Laurensô rửa tội cho anh và sau đó Rômanô cũng được phúc tử đạo.

Hoàng đế Valêrianô vẫn chưa nguôi căm tức, Hoàng đế truyền đặt trước mặt thầy những dụng cụ hành hình có thể làm sởn tóc gáy người xem. Hoàng đế hỏi lý lịch, thầy trả lời:

– Quê tôi ở Tây Ban Nha, từ nhỏ tôi đến ở Rôma được rửa tội và được giáo dục trong đức tin Công giáo.

– Ngươi tôn thờ Thiên Chúa, Đấng dạy ngươi bất kính các thần minh và coi thường các khổ hình phải không?

– Nhân danh Chúa Kitô, tôi không sợ khổ hình chút nào .

Nghe lời thách thức đó, Hoàng đế căm giận như điên cuồng, truyền nung đỏ giường sắt và đặt thầy lên giường sắt nung đỏ. Lúc đó, ngài cầu nguyện:

– Lạy Chúa, xin nhận hy lễ xông hương thơm ngọt ngào này.

Rồi, quay sang phía Hoàng đế, ngài nói:

– Tâu Hoàng đế, Hoàng đế có biết không, lửa này chỉ làm cho tôi tươi tỉnh hơn, nhưng nó sẽ dành sức nóng để thiêu đốt Hoàng đế đời đời.

Hoàng đế Valêrianô tức giận, sùi bọt mép và trở nên mù quáng trong giận dữ còn thầy tươi cười nói tiếp:

– Hoàng đế không thấy nửa người tôi được nướng chín kỹ rồi sao? Hãy lật phía kia để nướng tiếp cho kỹ đi để Hoàng đế có thể ăn thịt nướng này.

Khi lý hình đã lật thầy lên, ngài nói:

– Đã chín rồi, mời Hoàng đế ăn đi.

Lúc đó, đoàn giáo dân đứng vây quanh, thấy một vầng sáng lạ lùng bao quanh thầy và xác ngài toả ra hương thơm ngào ngạt.

Biết rằng cuộc chiến đấu sắp hoàn tất, thầy cảm tạ Thiên Chúa:

– Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa, vì nhờ Chúa mà con sắp được vào nước hạnh phúc,

Rồi ngài tắt thở, hôm đó là ngày 10 tháng 8 năm 258.

Xác thầy được hai linh mục kính cẩn an táng một nơi cách thành phố Rôma hai ngàn thước. Thế kỷ IV, Hoàng đế Constantinô đã xây cất một ngôi thánh đường nguy nga trên chính mộ thánh nhân và được mang tên thánh Laurensô.

TgpSaigon.net  

THÁNH GIOAN MARIA VIANNEY VÀ TÒA GIẢI TỘI

THÁNH GIOAN MARIA VIANNEY VÀ TÒA GIẢI TỘI

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Có thể nói rằng: phép lạ vĩ đại của cha Thánh Gioan Maria Vianney là tòa giải tội, nơi tội nhân được ơn hoán cải.  Mỗi ngày, ngài ngồi giải tội từ 11 giờ đến 12 giờ vào mùa Đông, và thậm chí là 16 đến 18 giờ vào mùa Hè.  Khi hành hương đến xứ Ars, trước tiên tôi tìm đến tòa giải tội nơi thánh nhân ngồi mấy mươi năm, quỳ gối cầu nguyện và xin ngài chúc lành cho sứ vụ hòa giải trong đời linh mục của mình.

Công việc mục vụ ngồi tòa, giải tội là sứ vụ đức ái mục tử đẹp nhất trong cuộc đời của cha thánh, là hoạt động sáng chói nhất trong nhiệm vụ của một mục tử.

Thời trẻ, Gioan có một tâm nguyện: “Nếu một ngày nào đó tôi được làm Linh mục, tôi sẽ đưa nhiều linh hồn về cho Chúa.”  Khi làm Linh mục, ngài đã thực hiện tâm nguyện ấy.  Tòa giải tội là nơi ngài đưa các linh hồn về cho Chúa nhiều nhất.  Tòa giải tội đã thu hút biết bao hối nhân tìm đến với xứ Ars.  Tòa giải tội là phép lạ lớn nhất trong cuộc đời của thánh nhân.  Đức Giáo Hoàng Piô XII viết về cha thánh Gioan Maria Vianney một câu thật ngắn gọn: “Một chuyên viên thành thạo nhất về các tội nhân.”

  1. Thời gian ở tòa giải tội

 Một phần lớn cuộc đời Linh mục của cha Vianney trôi qua trong tòa giải tội.  Trong 30 năm dài, một làn sóng người hành hương không ngừng đổ về ngôi nhà thờ cũ kỹ của họ Ars.  Mùa đông rét buốt, số người đến đây không ít hơn các mùa ấm áp.

Tứ tháng 11 đến tháng 3, cha sở phải ngồi tòa trung bình không dưới 12-13 giờ mỗi ngày.  Người ta đứng thành hàng dài, từ trong nhà thờ ra bên ngoài, nối đuôi nhau không ngớt chờ đợi tới phiên mình.  Trong năm 1845, có ngày số người hành hương đến Ars lên tới ba hay bốn trăm.  Tại nhà ga lớn nhất của Lyon, người ta mở một văn phòng hoạt động 24/24 để bán vé tàu cho khách đi Ars, vé có giá trị tám ngày, đó là thời gian trung bình người ta phải đợi cho đến phiên mình vào tòa xưng tội với vị Linh mục thánh thiện nổi tiếng.

Vào mười năm cuối đời, thánh Vianney phải giải tội từ mười sáu đến mười tám tiếng một ngày!  Còn khách hành hương nói chung phải đợi ba mươi, năm mươi, bảy mươi giờ trước khi được lãnh nhận bí tích hòa giải.  Cũng có khi người ta mua lại chỗ đứng của người nghèo.  Ai muốn đi ra ngoài phải thỏa thuận với người bên cạnh hoặc với người bảo vệ nhà thờ.  Đêm thì sao?  Khi cửa nhà thờ đóng lại, người ta đánh số chỗ của mình. (x. Linh mục, người loan báo Tin Mừng, Lm Nguyễn Hồng Giáo, OFM).

  1. Ai đến với tòa giải tội?

Họ gồm đủ mọi thành phần và lứa tuổi: có giáo dân, tu sĩ, linh mục và đôi khi cả giám mục nữa; họ là quý tộc và bình dân, kẻ vô chủ nghĩa và người học thức, người thành thị và người thôn quê…  Có khi nguyên một gia đình ngồi trên xe ngựa đến từ những tỉnh xa xôi.  Từ những vùng lân cận, người ta tuôn về đây bằng đôi chân hay bằng xe, theo đường bộ hay đường thủy.  Năm cuối cùng của cuộc đời cha Vianney (1858-1859), số khách hành hương lên tới tám mươi ngàn, chỉ tính riêng số người dùng các phương tiện chuyên chở công cộng; còn tính chung có lẽ là khoảng một trăm ngàn đến một trăm hai mươi ngàn.

Đám đông này rất trật tự và nghiêm trang.  Họ đến là để nhìn một vị thánh, để xưng tội, để cầu nguyện hay để hoàn thành một lời khấn với thánh nữ Philomêna.  Có những người vào làng Ars như vào một đền thánh; vừa nhìn thấy tháp chuông nhà thờ, họ liền cất nón mũ xuống và làm dấu thánh giá.  Một nhân chứng kể lại quang cảnh họ nhìn thấy vào tháng ba năm 1859: đông đảo những người ngoài họ Ars đứng trong nghĩa trang cũ, và đến tận trong những con đường nhỏ kế cận chờ đến phiên vào tòa giải tội.

Buổi sáng vào khoảng chín giờ, cha Vianney dành một số thời gian cho các tu sĩ và linh mục.  Ngài giải tội cho họ ở một tòa đặt sau bàn thờ chính.  Có lần Đức Giám mục địa phận nhà cũng ngồi chờ phiên mình.  Cha giải tội cũng dành một số ngoại lệ cho giáo dân con chiên cha, người bệnh, người tàn tật, và những hối nhân không thể chờ đợi.  Đối với trường hợp cuối cùng này, ngài thường dùng ơn “nhìn thấy trong tâm hồn” để nhận ra từ trong dòng người chờ đợi, rồi ưu tiên cho họ.  (sđd, trang 62-63).

  1. Cha Vianney khuyên bảo các hối nhân như thế nào?

Nói chung, ngài mạnh mẽ thẳng thắn, nhân từ nhưng không yếu đuối.  Ngài biết cần phải “đánh” điểm nào cho trúng đích.  Đọc một số lời khuyên còn ghi lại, tôi thấy ngài thường ngắn gọn, đầy tâm tình chứ không máy móc lạnh lùng.

Để lay tỉnh những “đại tội nhân”, khá nhiều khi ngài tung ra một câu đanh thép: “này con, con bị luận phạt đời đời.”  Phát ra từ môi miệng một vị thánh mà người ta tin là ngài đọc được tương lai, câu đó giống như một lời phán quyết khủng khiếp.  Nhưng thật ra ngài chỉ muốn nói: “nếu con không xa lánh dịp tội ấy, nếu con cứ duy trì cái thói quen tội lỗi ấy, nếu con không nghe theo lời khuyên dạy thì con sẽ bị luận phạt.”

Đối với những người đạo đức, ngài không cần nhiều lời.  Nhưng ngay cả với trường hợp này, vẫn là những mũi tên nóng bỏng đâm thấu tận con tim: “xin Đức Cha yêu thương các Linh mục của ngài!”  Đó là lời duy nhất ngài nói với Đức cha De Langalerie, Giám mục địa phận Belly đang quỳ gối trước mặt ngài.  Một cộng sự viên gần gũi của ngài xưng thú: “con đã lười biếng làm điều này nhưng tận đáy lòng, con vẫn thiện chí,” cha giải tội đáp lại duy nhất một câu “Ồ! thiện chí, thiện chí… hỏa ngục cũng lót toàn thiện chí.”  Linh mục Monnin kể: “tôi đã xưng tội với ngài hai lần.  Lần nào cũng thế, sau mỗi tội tôi xưng ra dù là tội nhẹ nhất, ngài đều nói: ‘đáng tiếc quá.’  Từ một người khác, đó có thể là một cách nói thông thường, nhưng từ môi miệng của Cha Sở họ Ars, linh mục Monnin coi như là tiếng kêu của lòng tin, lòng thương xót và sự ghê tởm đối với tội lỗi; ngài thêm: “Nhất là giọng nói đầy âu yếm đã đánh động tôi” (sđd, trang 64).

  1. Cha Vianney yêu thương tội nhân

Cha Vianney ghê tởm tội lỗi bao nhiêu thì yêu mến người tội lỗi bấy nhiêu.  Ngài có một lòng cảm thương vô bờ đối với hối nhân.  Tình yêu ấy được biểu lộ qua những nhân đức sau đây.

  1. Cầu nguyện cho tội nhân

 Xen lẫn với kinh nguyện hằng ngày, ngài thường khóc lóc mà thưa với Chúa: “Lạy Chúa, Chúa không muốn kẻ có tội phải chết…  Những người có tội thật đáng thương.  Ước gì con có thể thú tội thay cho họ.”  Một người thân tín nói với ngài: “Cha cầu nguyện cho họ ít đi một tí được không?  Thấy cha vất vả đau khổ quá!  Ngài trả lời: “Biết sao được.  Cha đã hứa cầu nguyện cho họ, cha không thể bỏ…”  Lần khác ngài tâm sự: “Tôi chỉ thực sự là tôi khi tôi cầu nguyện cho những người tội lỗi.”

  1. Đền tội thay cho họ

 Ngài ăn chay hãm mình để đền bù tội lỗi và mong cho tội nhân hối cải.  Trong những năm cuối đời, ngài thường ra việc đền tội nhẹ cho hối nhân.  Ngài nói: “Tôi ra việc đền tội nhẹ cho họ, phần đền tội còn lại, tôi sẽ làm thay.”  Và ngài làm thay bằng chính sự khổ chế của mình.  Tất nhiên, không phải lúc nào cũng vậy.  Đối với những lỗi nặng mà cứ tái phạm mãi, ngài bắt hối nhân phải làm những việc đền tội nặng, để họ chứng tỏ sự chân thành và quyết tâm sửa đổi, hầu đem lại lợi ích cho chính họ.  Cha Vianney nhiều khi còn khóc trong tòa giải tội nữa.  Ngài khóc vì người ta xúc phạm tới Chúa, ngài cũng khóc vì thương các linh hồn…  Chính sự thánh thiện của ngài mang lại cho lời khuyên răn và nước mắt của ngài có sức mạnh và hiệu lực.  Có người hỏi: “sao cha khóc thế?” ngài đáp ngắn gọn: “tôi khóc vì các ông các bà không khóc cho đủ.”

  1. Yêu thương tội nhân

Đối với những tội nhân cứng lòng, ngài tìm hết cách giúp họ thống hối như gặp gỡ, khuyên nhủ, khi nặng khi nhẹ, và ngay cả bằng nước mắt.  Nước mắt và Thánh giá, nhờ ngài, có thể làm cho một trái tim chai đá trở thành trái tim thịt mềm.  Có người lúc trước đã trả lời thẳng thừng: “Tôi không muốn xưng tội”, hoặc: “Tôi không đến đây để làm cái chuyện đạo đức của mấy bà.”  Mặc kệ.  Cuối cùng tất cả đều quỳ xuống dưới chân ngài và xưng thú.  Chúa đã ban cho ngài một trực giác lạ lùng để nhận ra giữa đám đông hoặc giữa những người đi qua, ai là kẻ cần được đưa về với Chúa nhất để giúp họ, trước sự ngạc nhiên của chính họ.  Do đó mà khi có người buột miệng hỏi: “Mỗi năm cha bắt được bao nhiêu cá lớn?” ngài trả lời ngay, không lưỡng lự: “Hơn 700.”  Không nhớ con số sao được đối với những con cá như thế!

  1. Luôn nhẫn nại

 Một dù vất vả ngồi tòa và có những chuyện dễ làm người ta bực mình, nhưng ngài thì không.  Ngược lại, ngài tỏ ra đặc biệt nhẫn nại.  Đây là một trong những đức tính nổi bật nhất nơi ngài.  Một linh mục đã nhận xét: Tôi đã từng quan sát kỹ xem ngài có tỏ ra bất nhẫn bực tức lúc nào không, mà không thấy.  Đem chuyện này hỏi ngài thì được ngài trả lời: “Phải nhẫn nại mới có thể cho cái người ta cần chứ!  Bất nhẫn thì được cái gì?” Ngài cũng nói với một cha bạn: “Hãy học tập sự nhẫn nại của Chúa.”

  1. Hiền hòa, kính trọng hối nhân

Vào thời kỳ cao điểm, bình quân mỗi ngày có từ 300 đến 400 người xếp hàng xưng tội.  Công việc vất vả và liên tục trong 30 năm này đã làm cho ngài kiệt lực, đến nỗi có lần ngài tự thú: “Khi tôi rời tòa giải tội, tôi phải lấy tay sờ vào đùi xem nó có còn ở đấy không.  Đôi khi ra khỏi nhà thờ, tôi phải vịn vào tường mà đi cho khỏi ngã.  Đầu tôi nặng trĩu.  Thực sự tôi đã không biết mình chống lại như thế nào.”

Suốt ngày bị công việc mục vụ dồn ép như thế, ngồi nghe hối nhân hàng giờ như thế mà ngài vẫn không mất kiên nhẫn, không la lối nạt nộ ai bao giờ, thật là lạ lùng.

Ngài luôn hiền hòa, tế nhị, kính trọng đối với hối nhân, bất kể là ai.  Có Linh mục sa ngã nặng đến xưng tội vẫn được ngài yêu mến, kính trọng.  Lời khuyên dành cho Đức Giám Mục Giáo Phận đến xưng tội với ngài là: xin Đức cha hãy yêu thương các Linh mục của Đức cha.

Dù có đông người xếp hàng bên tòa giải tội, ngài vẫn dành cho mỗi người một thời gian cần thiết, bởi người nào cũng có vấn đề riêng của mình.  Ngài không khuyên dài, nhiều khi chỉ một lời thôi, nhưng là lời làm cho hối nhân phải động tâm suy nghĩ, một lời tác động mạnh trên họ có khi cả đời.  Chính sự thánh thiện và yêu thương đem lại sức mạnh và hiệu năng cho lời đó.  (x. Thánh Gioan Maria Vianney, bổn mạng các Linh mục, Lm Micae Trần Đình Quảng; simonhoadalat.com).

Nhân ngày lễ kính thánh Gioan Maria Vianney (ngày 4 tháng 8), đọc lại nét tiêu biểu cuộc đời thánh nhân nơi tòa giải tội.  Như người ta đã nói: phép lạ lớn nhất của cha Vianney thánh thiện là tòa giải tội của ngài bị bao vây suốt ngày đêm.  Cũng có thể nói cách khác: phép lạ tiêu biểu của ngài là sự hoán cải của những người tội lỗi.  Các linh mục noi gương cha thánh thực thi sứ vụ khó khăn và cao đẹp này.  Mỗi lần ban ơn xá giải là linh mục thấy mình được cộng hưởng trên đường nên thánh.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

From: Langthangchieutim