Thánh Patrick (Patricio), Giám mục—385?-461

Mừng Lễ Thánh Patrick đến bạn và gia đình nhé! Đây là ngày lễ hội truyền thống của nước Ái Nhĩ Lan. Màu y phục thích hợp cho ngày hôm nay là màu xanh lá cây. Tối thiểu bạn phải mang một tí màu xanh trên người, nếu không có thì bạn sẽ bị thiên hạ nhéo cho bầm người luôn đó. Lưu Ý: Những ai sống trong Tổng Địa Phận Galveston-Houston, TX được phép ăn thịt trong ngày thứ sáu Mùa Chay hôm nay. Thành thật cảm ơn Đức Hồng Y DiNardo. Ăn nhậu xả láng để mừng Thánh Patrick đi bà con ơi!

Cha Vương

Thứ 6: 17/03/2023

Thánh Patrick (Patricio), Giám mục—385?-461. Truyền thuyết về Thánh Patrick thì quá nhiều; nhưng điều có ích lợi cho chúng ta là khi nhìn đến hai đức tính chắc chắn của ngài: khiêm tốn và dũng cảm. Chính thái độ cương quyết khi chấp nhận đau khổ cũng như thành công đã hướng dẫn cuộc đời của Thánh Patrick, một khí cụ của Thiên Chúa, để chiến thắng cho Ðức Kitô hầu như tất cả tâm hồn người Ái Nhĩ Lan.

Chi tiết về đời ngài thì không chắc chắn. Về nơi sinh trưởng của Thánh Patrick, có người cho là ở Kilpatrick, Tô Cách Lan, có người nói ở Cumberland, Anh Quốc. Cha mẹ ngài là người Rôma sống ở Anh Quốc với nhiệm vụ cai quản các bán đảo.

Khoảng 14 tuổi, chính ngài và phần lớn các nô lệ cũng như các quần thần của cha ngài bị hải tặc Ái Nhĩ Lan bắt và bán làm nô lệ để chăn cừu. Trong thời gian này, Ái Nhĩ Lan là đất của người Druid và ngoại giáo. Ở đây, ngài học ngôn ngữ và phong tục của dân tộc đang bắt giữ ngài.

Sáu năm sau, Patrick vượt thoát, có lẽ đến nước Pháp, và sau đó trở về Anh đoàn tụ với gia đình. Trong thời gian bị bắt tinh thần ngài thay đổi hoàn toàn. Ngài bắt đầu học làm linh mục, và được chịu chức bởi Thánh Germanus, Ðức Giám Mục của Auxerre.

Sau đó, khi 43 tuổi ngài được tấn phong giám mục. Trong một thị kiến, dường như “mọi trẻ con ở Ái Nhĩ Lan từ trong lòng mẹ vươn cánh tay” đến ngài. Ngài hiểu thị kiến này là một lời mời gọi đi rao giảng Tin Mừng cho người ngoại giáo Ái Nhĩ Lan. Ngài đến phía tây và phía bắc, là nơi chưa bao giờ đức tin được rao giảng ở đây, và ngài đã được sự bảo vệ của các vua chúa trong vùng và đã hoán cải rất nhiều người.

Ngài tấn phong nhiều linh mục, chia quốc gia này thành các giáo phận, tổ chức các công đồng, thành lập vài đan viện và tiếp tục thúc giục dân chúng sống thánh thiện hơn. Ngài chịu đau khổ vì bị các tăng sĩ ngoại giáo chống đối, và bị chỉ trích cả ở Anh và Ái Nhĩ Lan vì đường lối truyền giáo của ngài.

Trong 40 năm rao giảng và hoán cải, ngài đã làm nhiều phép lạ và đã viết Confessio nói về tình yêu của ngài dành cho Thiên Chúa. Ngài từ trần năm 461 ở Saul, County Down, Ái Nhĩ Lan là nơi ngài xây dựng nhà thờ đầu tiên.

Ngày nay cả toàn dân Á Nhĩ Lan qua các thời đại, nhớ công ơn người, ngày 17 tháng 3 được coi là ngày quốc lễ. Ái Nhĩ Lan, qua các vị thừa sai, các dòng tu đã đem Tin Mừng cho nhiều nước khác. (Nguồn: Nhóm Tinh Thần)

Thánh Patrick viết: “Khao khát của tôi là: dù không có khả năng chu toàn một công trình tốt đẹp và xứng đáng, tôi ước ao giống như những người được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng làm chứng cho Người trên khắp thế giới.” (Trích “Lời tuyên xưng đức tin của thánh Patriciô Giám mục,” Bài đọc 2 Kinh Sách, ngày 17/3)

Ước mong bạn hãy noi gương thánh nhân luôn nuôi dưỡng khát khao làm điều tốt đẹp, rao giảng Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh, và đưa mọi người đến gần với Chúa hơn mỗi ngày.

From: Đỗ Dzũng

Thánh Phê-rô Đamianô (St. Peter Damian), giám mục, tiến sĩ hội thánh

Mến chào một ngày mới trong Chúa Ki-tô và Mẹ Maria. Hôm nay 21/2, Giáo Hội mừng kính Thánh Phê-rô Đamianô (St. Peter Damian), giám mục tiến sĩ Hội Thánh .  Mừng quan thầy đến ai chọn ngài làm bổn mạng nhé.

Cha Vương

Thánh Phê-rô Đamianô sinh ra tại Ravenna nước Ý vào năm 988. Ngài mồ côi mẹ ngay khi mở mắt chào đời. Thánh nhân được người anh ruột yêu thương chăm sóc và nhờ sự nỗ lực, trí thông minh sắc bén, Ngài đã thu lượm được nhiều kết quả hết sức khả quan trên đường học vấn. Ngài trở thành giáo sư danh tiếng của nhiều đại học. Tuy nhiên, Ngài muốn tiến thân trong đường nhân đức và muốn tận hiến cuộc đời mình cho Chúa, nên Ngài đã xin vào tu viện Aven thuộc dòng Thánh Giá do chân phước Ludolphô sáng lập. Với tinh thần khiêm tốn, lòng đạo đức tuyệt vời, thánh nhân đã trở thành tu viện trưởng. Thánh nhân đã làm cho dòng phát triển rất mạnh nhờ vào tài ba, đức độ và lòng quảng đại của Ngài. Ngài đã giúp anh em trong dòng sùng kính Đức Mẹ vì nhờ Mẹ mà cuộc sống trọn lành của mọi người được bảo đảm.

Thánh Phêrô Đamianô cũng sống trong thời kỳ mà Giáo Hội gặp nhiều phong ba bão tố: cuộc sống sa đọa, tội lỗi len lỏi cả vào Giáo Triều. Trước thảm hoạ đó, thánh nhân chỉ biết cầu nguyện, sống thân mật với Chúa. Đời sống thánh thiện của Ngài luôn tỏa sáng và được nhiều người khâm phục, tin tưởng. Đức Thánh Cha Stêphanô IX đã phong ngài làm Hồng Y Giáo Hội và Giám mục thành Otti năm 1058.

Thánh nhân dù sống trong Giáo Triều Roma, nhưng lúc nào cũng hướng về nhà dòng ở Aven. Do đó, đến đời Đức Giáo Hoàng Alêxan II, Ngài được phép trở về Aven để sống đời tu sĩ nghiêm nhặt với kỷ luật hết sức khắt khe: đánh tội và hãm mình. Năm 1071 Đức Giám Mục Ravenna được Chúa gọi về, Ngài liền lên thay thế . Tuy tuổi già sức yếu, nhưng thánh nhân vẫn cố gắng nhiệt tình lèo lái Giáo Phận Ravenna cho tới ngày 22/2/1072, Ngài được Chúa rước về trong khi Ngài đang trên đường tới Roma yết kiến Đức Giáo Hoàng.

Với bao nhiêu công đức, với tâm hồn thánh thiện và các nhân đức đã tới chỗ anh hùng, Giáo Hội đã lấy lời sách huấn ca để ca tụng Ngài:” Chúa đã cho người lên tiếng giữa cộng đoàn, ban cho người đầy tinh thần khôn ngoan minh mẫn và mặc cho người áo vinh quang”( Hc 15, 5 ). Đức Thánh Cha Lêô XII đã tôn vinh Ngài lên bậc hiển thánh. (Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT)

❦ Ngài đã từng suy ngẫm: “vũ trụ này tựa như ‘một dụ ngôn không bao giờ ngừng’ và như một chuỗi các biểu tượng, mà từ đó, chúng ta có thể giải thích về đời sống nội tâm và các thực tại siêu nhiên.”

❦ “Những ai không yêu mến thánh giá Chúa Kitô là không yêu mến Chúa Kitô.” (Phê-rô Đamianô, Sermo XVIII, 11, p. 117.)

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin cho chúng con nghe theo lời giảng dậy và noi gương thánh giám mục Phêrô Đamianô để biết đặt Chúa Kitô trên hết mọi sự, và luôn dấn thân phục vụ Hội Thánh, nhờ đó chúng con sẽ được vui hưởng ánh sáng muôn đời (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Phêrô Đamianô, giám mục tiến sĩ Hội Thánh).

From: Đỗ Dzũng

 Đền thờ trái tim – Hoàng Oanh

Kính Bảy Thánh Lập Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ (Thế kỷ XIII)-Cha Vương

Chúc bình an và mọi sự tốt đẹp đến bạn và gia đình nhé. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Bảy Thánh Lập Dòng Tôi Tớ Đức Mẹ (Thế kỷ XIII), xin các thánh chuyển cầu cho chúng con. Cuối tuần an lành nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 17/02/2023

Bảy thánh này là những thương gia tên tuổi miền Frorence. Không muốn chỉ là những người thế giá, các Ngài hướng tới đời sống thánh thiện và họp lại thành một nhóm huynh đệ đặc biệt tôn sùng Đức Trinh Nữ. Các Ngài được cảm hứng bởi một thi kiến để giã từ thế gian và hiến thân phụng sự một lý tưởng cao cả hơn. Trước hết các Ngài cư ngụ trên triền núi Seraniô và xây một nhà thờ tại đó.

Sau khi viếng thăm Đức Giám mục, các Ngài được khuyên nhủ nên nhận một luật sống. Các Ngài lại được một thị kiến khác của Đức Mẹ, nhưng đó Đức Mẹ khuyên nên nhận luật dòng của thánh Augustinô. Mẹ cầm nơi tay một y phục đen và thiên thần bên cạnh mẹ cầm một cuộn giấy với danh hiệu “tôi tớ Đức Mẹ”. Điều này xảy ra ngày 13 tháng 4 năm 1240 và từ nhóm tu sĩ này được biết đến dưới danh hiệu “Tôi tớ Đức Mẹ”. Hội dòng lo rao giảng Phúc âm và phổ biến bảy sự thương khó Đức Mẹ khằp vùng Toscanne.

Ở đây cũng nên ghi nhớ giai thoại thi vị kể lại một phép lạ đánh dấu sự chúc lành của trời cao dành cho hội dòng. Các tôi tớ Đức Mẹ hiến cuộc đời cho cả đất đai lẫn cho các linh hồn. Các Ngài canh tác một miếng đất khô chồi quanh nhà, nhưng các Ngài đã thành công để làm cho mọc lên những thân nho tươi tốt. Một đêm mùa đông vườn nho bỗng chĩu nặng những chùm trái mọng mướt.

Đức giám mục thấy đây là dấu chứng tỏ những phục vụ của các Ngài được Thiên Chúa chúc lành. Thực vậy, các tập sinh tuốn đến đông đảo và nhà dòng được thiết lập trên khắp Âu Châu.

Năm 1304 nhà dòng được tòa thánh phê chuẩn. Đến thế kỷ XIV đã đảm nhận việc truyền giáo tại Ấn Độ. Nhiều cơ sở khác cũng được thành lập tại Anh quốc và Mỹ Châu.

Lễ kính nhớ bảy anh em lập dòng được định vào ngày hôm nay. Ngày mà thánh Alexia Falconieri, một trong bảy anh em qua đời vào năm 1310. Bảy Đấng sáng lập sao một cuộc sống hiệp nhất trong nỗ lực nên thánh, đã được an táng chung trong cùng một ngôi mộ và Giáo hội đã trình bày cho các tín hữu kính nhớ. Tên các Ngài là: Bonfilius Menaldi, Benedictô Antella, Giêradô Sestegui, Barthôlômêô Amidei, Gioan Manetti, Ricôver Lippi, Alexis Falconieri. (Nguồn: GP Vĩnh Long)

Bảy vị Tôi Tớ của Mẹ, suốt đời đã phụng sự Mẹ và tôn thờ Chúa vì thế các Ngài đã được Chúa ban ơn cho các Ngài được kết thúc cuộc đời của mình một cách cũng hết sức tốt đẹp: Một vị được chết ngay tại chân bàn thờ khi đang cầu nguyện. Vị Bề trên Cả đầu tiên, thánh Bonfilius Monaldi, khi đang ở nhà nguyện, được chết đang khi nghe thấy tiếng dịu ngọt của Mẹ: “Hỡi con yêu quí, vì con đã trung thành nghe và tuân giữ lời Con của Mẹ. Bây giờ, con hãy lãnh nhận sự sống đời đời và lãnh nhận gấp trăm lần những gì con đã từ bỏ”. Vị Tôi Tớ khác khi chết, mọi người thấy có một khối lửa bốc cao từ giường lên trời. Hai vị khác, sau cuộc hành trình được trao phó, khi trở về, vì tuổi già sức yếu, đã chết cùng một lúc khi gắng gượng trèo lên dốc Núi Sanario lần chót. Vị tu sĩ khiêm hạ sau chót, cũng là tu sĩ duy nhất trong 7 Tôi Tớ, thánh Alexis. Khi thầy Alexis trên 100 tuổi, biết mình gần chết, thầy muốn đọc 100 lần kinh Kính Mừng dâng kính Đức Mẹ. Khi vừa đọc xong kinh thứ 100, thầy liền thấy Chúa Giêsu Hài Đồng hiện ra tay cầm triều thiên hoa hồng đội trên đầu thầy. Thầy liền kêu to cho mọi người biết: “Anh em, hãy quì xuống! Anh em không thấy Chúa sao? Chúa cũng sẽ đội triều thiên hoa cho những ai thành thực sùng kính Đức Nữ Trinh, noi gương trinh trong và khiêm nhượng của Đức Mẹ…” và thầy lên trời hưởng phúc muôn đời.

Mời bạn hãy hết lòng noi gương các thánh tôi tớ của Đức Mẹ, chạy đến với Đức Mẹ để tỏ lòng tôn kính và mến yêu Người chắc chắn Người sẽ cứu giúp bạn bây giờ và trong giờ lâm tử nữa.

From: Đỗ Dzũng

Khi Thái Sơn ngả bóng cuối trời

Thánh Cô-lát-ti-ca (Scholastica), trinh nữ (480-543)

Cảm ơn bạn đã cầu nguyện cho mình được một chuyến đi nghỉ bình an tràn đầy niềm vui và hạnh phúc bên gia đình và những người thân yêu. Nguyện xin phúc lành của Chúa ở cùng bạn hôm nay và mãi mãi nhé.

Cha Vương

Th 6: 10/02/2023

Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Cô-lát-ti-ca (Scholastica), trinh nữ (480-543). Ngài là quan thầy của các nữ tu và là đấng cầu giúp cho những ai chống lại bão và sấm sét.

Anh em sinh đôi thường giống nhau về tính nết và tư tưởng cũng như nhiệt huyết. Do đó, người ta không ngạc nhiên khi Thánh Scholastica và người anh sinh đôi là Thánh Biển Ðức (Benedict), đều sáng lập các tu hội chỉ cách nhau có vài dặm.

Sinh năm 480 trong một gia đình giầu có ở Norcia, Perugia, nước Ý. Scholastica và Benedict cùng lớn lên cho đến khi Benedict xa nhà đi học ở Rôma. Chúng ta không biết nhiều về thời niên thiếu của Thánh Scholastica.

Sau này, ngài sáng lập dòng nữ tu ở Ý gần rặng Cassino, thuộc Plombariola, cách tu viện của anh ngài chỉ có năm dặm. Mỗi năm hai anh em chỉ gặp nhau có một lần, trong một nông trại, vì Scholastica không được phép vào tu viện. Cả hai dành thời giờ để thảo luận về các vấn đề tinh thần.

Theo cuốn Ðối Thoại của Thánh Grêgôriô Cả, trong lần sau cùng hai anh em gặp nhau để cầu nguyện và truyện trò, Thánh Scholastica cảm thấy cái chết của mình gần kề nên nài xin anh Benedict ở với ngài cho đến ngày hôm sau. Thánh Benedict từ chối lời yêu cầu ấy vì ngài không muốn ở đêm bên ngoài tu viện, vì như thế chính ngài sẽ phá vỡ quy luật do ngài đặt ra. Thánh Scholastica xin Thiên Chúa cho phép anh mình ở lại, và một trận mưa lớn đổ xuống như thác khiến Benedict và các tu sĩ đi theo ngài không thể trở về tu viện. Thánh Benedict kêu lên, “Xin Chúa tha tội cho em. Em làm cái gì vậy?” Thánh Scholastica trả lời, “Em xin anh một ơn huệ và anh từ chối. Em xin Chúa, và Chúa nhận lời.”

Ba ngày sau, ðang khi Thánh Benedict cầu nguyện trong tu viện thì ngài nhìn thấy linh hồn của em mình bay lên trời trong dạng chim bồ câu trắng. Thánh Benedict sai các tu sĩ đem xác của em mình về dòng và chôn trong chính ngôi mộ mà thánh nhân đã chuẩn bị cho mình. Thánh Scholastica từ trần vào khoảng năm 543, và sau đó không lâu Thánh Benedict cũng từ giã cõi đời. (Nguồn: Người Tín Hữu)

Thánh Scholastica và Thánh Benedict đã giúp nhau đến gần Chúa hơn bằng cách họ đối xử với nhau. Theo gương các Ngài, những người thân yêu bạn hữu, thầy cô, v.v… của bạn đều có thể giúp Bạn trở nên gần với Chúa hơn mỗi ngày.

From: Đỗ Dzũng

Nên Thánh Giữa Đời – Xara Trần – (St: Sr Têrêsa)

6 Tháng Hai -Thánh Phaolô Miki và Các Bạn (c. 1597)

Thánh Linh.net

Thành phố Nagasaki, Nhật Bản, rất quen thuộc với mọi người vì đó là nơi trái bom nguyên tử thứ hai đã được thả xuống và giết hại hàng trăm ngàn người. Trước đó ba thế kỷ rưỡi, 26 vị tử đạo Nhật Bản đã bị treo trên thập giá ở một ngọn đồi nhìn xuống Nagasaki, bây giờ thường được gọi là Núi Thánh.

Thánh Phaolô Miki là con của một sĩ quan chỉ huy thuộc quân đội Nhật. Ngài sinh ở Tounucumanda và theo học trường dòng Tên ở Anziquiama, gia nhập dòng năm 1580, và trở nên nổi tiếng vì tài rao giảng.

Trong thời kỳ bách hại đạo Công Giáo dưới thời Taiko, Toyotomi Hideyoshi, vào ngày 5 tháng Hai, ngài bị treo trên thập giá cùng với hai mươi lăm người Công Giáo khác, trong đó có nhiều giáo dân, như: Phanxicô, một thợ mộc bị bắt trong khi theo dõi cuộc hành quyết và sau đó bị treo trên thập giá; Gabrien, mười chín tuổi là con trai của người gác cổng dòng Phanxicô; Leo Kinuya, hai mươi tám tuổi làm thợ mộc ở Miyako; Diego Kisai, phụ tá của các cha Dòng Tên; Joachim Sakakibara, người làm bếp cho các cha Phanxicô ở Osaka; Peter Sukejiro, được một linh mục dòng Tên sai đến giúp đỡ các tù nhân thì bị bắt; Cosmas Takeya quê Owari nhưng đi truyền giáo ở Osaka; và Ventura ở Miyako, lúc đầu được các cha dòng Tên rửa tội, sau đó khi thân phụ từ trần, ông trở nên một nhà sư, và sau cùng được các cha Phanxicô đưa trở lại Công Giáo

Trong khi bị treo trên thập giá, Thầy Phaolô Miki đã nói với những người đến xem cuộc hành quyết: “Bản án nói rằng những người này đến Nhật Bản từ Phi Luật Tân, nhưng tôi đâu có đến từ quốc gia nào. Tôi đích thực là người Nhật. Lý do duy nhất tôi bị giết là vì tôi rao giảng giáo lý Ðức Kitô. Quả thật tôi đã rao giảng giáo lý Ðức Kitô. Tôi tạ ơn Thiên Chúa vì lý do này mà tôi chết. Tôi tin rằng những lời trăn trối của tôi là sự thật. Tôi biết quý vị tin tôi và một lần nữa tôi muốn nói với quý vị: Hãy xin Ðức Kitô giúp cho quý vị có được hạnh phúc. Tôi vâng lời Ðức Kitô. Theo gương Ðức Kitô, tôi tha cho những người đã hành quyết tôi. Tôi không ghét họ. Tôi xin Thiên Chúa thương xót tất cả chúng ta, và tôi hy vọng máu của tôi sẽ đổ trên dân tôi như một cơn mưa nhiều kết quả.”

Khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật trong những năm 1860, lúc đầu họ không thấy một vết tích nào của Kitô Giáo. Nhưng sau một thời gian, họ tìm thấy hàng ngàn người Kitô đã sống chung quanh Nagasaki và họ sống đạo một cách lén lút.

Tất cả các vị tử đạo Nhật Bản được phong chân phước năm 1627, và phong thánh năm 1862.

 Lời Bàn

Ngày nay, một thời đại mới đã đến với Giáo Hội Nhật. Mặc dù số người Công Giáo không nhiều, nhưng Giáo Hội được tôn trọng và được tự do tôn giáo. Việc phát triển Kitô Giáo ở Viễn Ðông thì chậm và khó khăn. Một đức tin như của 26 vị tử đạo thì rất cần thiết cho ngày nay cũng như trước đây, trong năm 1597.

    Lời Trích

“Vì Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã thể hiện lòng bác ái của Người bằng cách hy sinh mạng sống cho chúng ta, không ai có tình yêu nào cao quý hơn người đã hy sinh mạng sống vì Ðức Kitô và anh chị em mình. Bởi đó, ngay từ thời sơ khai, một số Kitô Hữu đã được mời gọi — và chắc chắn sẽ được mời gọi luôn — để làm chứng cho tình yêu ấy cách hùng hồn trước muôn dân, nhất là những kẻ bách hại. Do đó, Giáo Hội coi sự tử đạo như một ơn huệ đặc biệt và là bằng chứng cao cả nhất của tình yêu.

“Mặc dù chỉ một ít người được ban cho cơ hội tử đạo, nhưng tất cả phải chuẩn bị để tuyên xưng Ðức Kitô trước mặt mọi người, và bước theo Người trên đường thập giá giữa những sự bách hại không bao giờ thiếu trong Giáo Hội” (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 42).

    Trích từ NguoiTinHuu.com

Thánh Agata Sicilê (c. 235?-251)-Cha Vương

Chúc một ngày thật ấm áp bên Chúa và người thân yêu nhé! Hôm nay 5/2, Giáo Hội mừng kính Thánh Agata Sicilê (c. 235?-251), đồng trinh tử đạo. Đặc biệt là qua lời chuyển cầu của thánh nhân nhiều bệnh nhân bị ung thư vú đã được chữa lành. Vậy hôm nay mời bạn hãy dành thời gian để cầu nguyện cho những ai đang mắc bệnh liên quan đến vú.

Cha Vương

CN: 05/02/2022

Cũng như trường hợp của Thánh Agnes, vị đồng trinh tử đạo thời Giáo Hội tiên khởi, chúng ta không có dữ kiện lịch sử chắc chắn về Thánh Agata, ngoại trừ sự kiện ngài chịu tử đạo ở Catania  trong thời kỳ cấm đạo của hoàng đế Rôma là Decius năm 251.

Theo truyền thuyết, ngài sinh trưởng năm 235 tại Catania, Sicily (nước Ý) trong một gia đình giầu có. Khi còn trẻ, ngài đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, và từ chối bất cứ lời cầu hôn nào. Một trong những người say mê ngài là Quintian, là người có địa vị cao trong xã hội nên nghĩ rằng có thể ép buộc thánh nữ. Biết ngài là Kitô Hữu nên ông ra lệnh bắt giữ và đưa ra xét xử – bởi chính ông. Hy vọng rằng vì sợ hãi sự tra tấn và cái chết, thánh nữ sẽ đành phải trao thân cho ông, nhưng ngài nhất quyết tin tưởng vào Thiên Chúa, và cầu nguyện rằng: “Lạy Ðức Kitô Giêsu, là Chúa mọi sự! Ngài đã thấy lòng con, Ngài biết con muốn gì. Xin hãy làm chủ toàn thể con người của con – chỉ mình Chúa mà thôi. Con là chiên của Ngài; xin giúp con vượt qua sự dữ một cách xứng đáng.”

Sau đó, Quintian tống Agata vào nhà gái điếm lấy cớ ngài là người Công Giáo với hy vọng ngài sẽ thay đổi ý định. Sau một tháng bị đánh đập và xỉ nhục, Quintian lại đưa ngài ra xét xử, nhưng Agatha vẫn không lay chuyển, vẫn can đảm tuyên xưng rằng chỉ một mình Chúa Giêsu mới có thể ban cho ngài sự tự do. Quintian lại tống ngài vào ngục thay vì nhà gái điếm. Và khi ngài tiếp tục tuyên xưng đức tin nơi Chúa Giêsu, Quintian ra lệnh tra tấn. Ðể trả thù, bạo quan hạ lệnh nướng ngài trên giường sắt. Sau đó, người ta lại tống giam thánh nữ. Tương truyền thì trong đêm đó, thánh Phêrô đã hiện ra và chữa lành cho ngài. Dù bị quan trấn Quintian nhiều lần dụ dỗ, ngài vẫn một lòng trung kiên với đạo Chúa. Dù đau đớn lăn lộn trên than hồng và mảnh chai nhọn, ngài vẫn tin cậy vào Chúa, Ðấng sẽ cứu linh hồn ngài. Chính cử chỉ của thánh nữ khiến cả thành phố náo động, Quintian sợ dân nổi loạn nên truyền giam thánh nữ trong ngục.

Ngài đã chết rũ tù ngày 25 tháng 2 năm 251 tại Catania, Sicily. Trước khi chết, ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa, là Ðấng dựng nên con, Ngài đã gìn giữ con từ khi còn trong nôi. Bởi tình yêu thế gian Ngài đã dẫn dắt con và ban cho con sự kiên nhẫn để chịu đựng đau khổ. Xin hãy nhận lấy hồn con.”

Thánh nữ đã làm nhiều phép lạ như che chở thành Catania khỏi hiểm họa núi lửa Etna. Ngay từ thời đó, người ta đã cầu khẩn và cậy trông vào sự cầu bầu của thánh nữ. Ngài được coi là quan thầy của xứ Palermo và Catania, và được chọn làm quan thầy các bà vú nuôi và cũng được cầu khẩn khi bị tai nạn vì lửa và vì bệnh nhủ bộ. (Trích Gương Thánh Nhân – ns Người Tín Hữu online & Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saints và Santi-Beati-Testimoni)

Lạy Chúa, thánh nữ A-ga-ta đã luôn luôn làm đẹp lòng Chúa, vì vừa sống cuộc đời kiên trinh, vừa can trường hy sinh tử đạo. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu cho chúng con được ơn tha thứ. Chúng con cầu xin nhờ danh Chúa Ki-tô Chúa chúng con. A men. (Lời nguyện, Lễ nhớ)

From: Đỗ Dzũng

DI TÍCH TỬ ĐẠO GIỮA LÒNG SÀI GÒN

Giáo xứ Cần Giờ – DCCT

DI TÍCH TỬ ĐẠO GIỮA LÒNG SÀI GÒN

Thánh Tử đạo Việt Nam:

Thánh: MATTHÊU LÊ VĂN GẪM (1813 – 1847)

Tại : Giáo xứ Chợ Đũi , Giáo hạt Tân Định, Tổng Giáo phận Sài Gòn Chợ Quán

Địa chỉ : 47D, Nguyễn Trãi, Phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

  • Ngày 11.05.1847, vào lúc 15:00 chiều, Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm đã bị trảm quyết và chết tại nơi đây, vì Đức Tin vào Đức Kitô.
  • Ngày 27.09.1857, Đức Giáo hoàng Piô XI tôn Ngài lên Bậc Đáng kính.
  • Ngày 27.05.1900, Đức Giáo hoàng Lêô XIII tôn phong Ngài lên bậc Chân phước Á thánh.
  • Ngày 19.06.1988, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Ngài lên bậc Hiển thánh cùng với 116 thánh Tử đạo tại Việt Nam

Thánh Blase (Biagio)-tử đạo năm 316 – Cha Vương

Trong tâm tình của những ngày đầu Xuân là ngày cầu xin Chúa thánh hoá công ăn việc làm. Mời bạn hãy dâng lên Chúa tất cả những công việc sẽ làm trong năm mới này, cùng với những lao nhọc cực khổ bạn sẽ gặp.

* Xin Chúa giúp bạn có việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình.

* Xin Chúa giúp bạn cảm thấy hạnh phúc trong công việc của mình.

* Xin Chúa mở rộng con tim của bạn để bạn biết chia sẻ cho những người túng thiếu.

* Nhất là, xin Chúa giúp bạn được nên thánh trong công việc hằng ngày—bằng cách khi làm việc, bạn không quên Chúa, nhưng luôn nhớ đến Chúa và cậy nhờ vào Ngài.

Cha Vương

Thứ 6: 03/02/2023

Hôm nay cũng là ngày Giáo hội mừng kính Thánh Blase (Biagio), mời Bạn suy niệm về đời sống nhân đức của Ngài nhé.

Chúng ta biết nhiều về sự sùng kính của Kitô Hữu đối với Thánh Blase hơn là tiểu sử của ngài. Trong Giáo Hội Ðông Phương, ngày lễ kính ngài được coi là một ngày lễ lớn. Công Ðồng Oxford, vào năm 1222 đã cấm làm việc xác trong ngày lễ Thánh Blase (hay còn gọi là Thánh Biagio). Người Ðức và người Ðông Âu rất kính trọng thánh nhân, và trong nhiều thập niên, người Công Giáo Hoa Kỳ thường chạy đến với thánh nhân để xin chữa bệnh đau cổ họng.

Chúng ta được biết Ðức giám mục Blase chịu tử đạo năm 316 ngay trong giáo phận của ngài ở Sebaste, Armenia. Mãi cho đến 400 năm sau mới có huyền thoại viết về ngài. Theo đó, Thánh Blase là một giám mục tốt lành, làm việc vất vả để khuyến khích giáo dân sống lành mạnh về tinh thần cũng như thể xác.

Mặc dầu chỉ dụ Toleration, năm 311, đã cho phép tự do tôn giáo ở Ðế Quốc Rôma hơn năm năm, nhưng ở Armenia, việc bách hại vẫn còn dữ dội. Hiển nhiên là Thánh Blase buộc phải rời bỏ giáo phận và sống trong rừng núi. Ở đó ngài sống trong cô độc và cầu nguyện, làm bạn với thú rừng.

Một ngày kia, có nhóm thợ săn đi tìm thú dữ để dùng trong đấu trường và tình cờ họ đã thấy hang động của Thánh Blase. Từ kinh ngạc cho đến sợ hãi, họ thấy vị giám mục đi lại giữa đám thú dữ một cách điềm tĩnh để chữa bệnh cho chúng. Nhận ra ngài là giám mục, họ bắt ngài về để xét xử. Trên đường đi, ngài ra lệnh cho một con sói phải thả con heo nó đang cắn giữ vì đó là của người đàn bà nghèo. Khi Thánh Blase bị giam trong tù và bị bỏ đói, người đàn bà này đã đền ơn ngài bằng cách lẻn vào tù cung cấp thức ăn cho thánh nhân.

Ngoài ra, truyền thuyết còn kể rằng, một bà mẹ có đứa con trai bị hóc xương đã chạy đến ngài xin cứu giúp. Và sau lời truyền của Thánh Blase, đứa bé đã khạc được chiếc xương ra khỏi cổ.

Agricolaus, Thủ Hiến xứ Cappadocia, tìm mọi cách để dụ dỗ Thánh Blase bỏ đạo mà thờ tà thần. Lần đầu tiên từ chối, ngài bị đánh đập. Lần kế tiếp, ngài bị treo trên cây và bị tra tấn bằng chiếc lược sắt cào vào thân thể. Sau cùng ngài bị chém đầu năm 316. Người được tôn kính như quan thầy các thợ chải len, những người bị đau cuống họng. (Nguồn: Người Tín Hữu online)

Sau đây là Kinh cầu Thánh Blase được dùng để khẩn cầu cho những ai mang bệnh của cổ họng: “Qua lời cầu bầu của Thánh Blase, là giám mục và là vị tử đạo, xin Thiên Chúa chữa con khỏi bệnh tật của cổ họng và khỏi mọi sự dữ. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Kinh cầu Thánh Blase).

Xin Thánh Blase, cầu cho chúng con!

From: Đỗ Dzũng

SÁU TRỰC GIÁC CỦA THÁNH GIOAN BOSCO

 Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Thánh Gioan Bosco, linh mục người Ý xuất thân trong một gia đình khiêm tốn hai trăm năm trước và được phong thánh năm 1934, ngài là nhà giáo đầu tiên của trẻ em đường phố.  Ngài đã biến giấc mơ tuổi trẻ của mình thành hiện thực để giúp các trẻ em kém may mắn.  Ngày hôm nay chúng ta vẫn còn học hỏi ở ngài rất nhiều điều.

  1. Ngăn ngừa, không trấn áp

Ở giữa thế kỷ 19, thời của tác phẩm Những kẻ khốn cùng (Les Misérables) của văn hào Victor Hugo với nhân vật Jean Valjean, giáo dục dựa trên “cây roi” và các trẻ em không ‘thẳng thớm’ được sửa trị ngay.

Năm 1850, linh mục người Ý 35 tuổi đã can đảm lên án cách giáo dục trấn áp truyền thống đối với các em “bụi đời,” ngài chống lại lối giáo dục xưa cổ “vâng lời trước, thương yêu sau.”

Linh mục Jean-Marie Petitclerc dòng Salê giải thích: “Đây là sai lầm của lối giáo dục Pháp, đã đào tạo các cô thầy trấn áp thay vì yêu thương học sinh.  Thánh Gioan Bosco đã tái lập thương yêu, ngài giải thích, đơn giản là phải học cách quản lý nó.”

Thánh Gioan Bosco chiến đấu để những người chung quanh mình tôn trọng trẻ em, lắng nghe trẻ em, làm cho các em tin tưởng và giao trách nhiệm cho các em.

Ngài nói, “vì sao chúng ta lại muốn thay thế bác ái bằng sự lạnh lùng của luật lệ.”  Theo ngài, phải có tình thương thật sự với những người mà mình nhìn họ như đi ngược với mình.  Ngài tin ở một “phương pháp phòng ngừa, linh động và được hỗ trợ bởi một tình yêu nhân từ.”  Năm 1844 ngài nhanh chóng thành lập Nhà nguyện Valdocco, một khu phố nghèo ở thành phố Turin.  Ngài có trực giác, các em bé nổi loạn này không nên ở với nhau mà nên hòa chung với các em bé khác.

Linh mục Petitclerc giải thích: “Thánh Gioan Bosco nuôi các học sinh miền quê đã nhận một giáo dục tốt trong môi trường gia đình của các em,” như thế ngài đã có sáng kiến một xã hội hòa trộn trước thời.

  1. Đội ngũ làm nên sức mạnh

Dựa trên sức mạnh của riêng mình để tạo đường hướng gần gũi và khuyến khích các em gặp khó khăn là chuyện không tưởng.

Sẽ là nguy hiểm!

Ở Valdocco, Thánh Gioan Bosco cho các em nhà ở, giải trí, đào tạo các em nổi loạn ở ngoại ô thành phố Turin, ngài nhanh chóng thành lập nhóm với các em trẻ ngài đã huấn luyện.  Các em có trách nhiệm, đến lượt các em, các em đào tạo lại các em khác.  Điều này làm chúng ta nhớ lời của Cha Phêrô: “Bạn không giúp tôi một tay để tôi giúp các người trẻ này sao?” 

  1. Dịu dàng và kiên nghị

Thánh Gioan Bosco không tình cờ chọn dòng “Salê”: ngài vinh danh Thánh Phanxicô Salê, nổi tiếng về đức tính dịu dàng và bác ái.  Nhưng vì sao ngài không gọi đó là những “người Bosco?”

Linh mục Petitclerc cho biết: “Đó là dấu hiệu khiêm tốn của ngài.  Ngài giao công việc của mình cho Thánh Phanxicô Salê, để nhớ vị thánh lớn ở thời đối thoại khi có căng thẳng những người công giáo và tin lành năm 1595.”

Nhà dòng Ý nhanh chóng gọi đây là “bầu khí salê.”  Một liên kết giữa tình yêu và lý trí, giữa dịu dàng và kiên nghị.  Ở đây có tình gia đình thân yêu, các em có được “an toàn nhưng không khép kín,” các em cũng có các “hụt hẫng nhưng không bị bỏ rơi trước các lo âu của mình.”

“Bầu khí salê” là làm vui lòng nhau, chứng tỏ qua việc chia sẻ trong khi chơi cũng như khi gặp khó khăn.  Như Thánh Gioan Bosco nói: “Đó là loại bỏ hàng rào nghi kỵ chết người.”

Chính trong bầu khí này, Thánh Gioan Bosco vun trồng bằng cách “nói nhỏ vào tai” mỗi em và “lời nói vào buổi tối” này giúp các em xem lại ngày sống của mình, khuyến khích các em, vừa từng em, vừa cả nhóm. 

  1. Mọi người cùng hòa mình với nhau!

Khái niệm mới trong tương quan giữa nhà giáo và học sinh là không còn khoảng cách giữa thầy giáo “trên cao” và học sinh “không biết gì.”

Khái niệm này mở đầu cho một sư phạm liên minh, nơi mọi người có một khoảng cách phù hợp.  Nhà giáo phải ở giữa học sinh của mình: Ai muốn được yêu thì phải chứng tỏ mình yêu thương.

“Phải yêu thương người trẻ trong những gì các em thích,” có nghĩa là phải quan tâm đến sở thích của các em.  Phải nhất quán giữa lời nói và việc làm: “Chúng ta không thể cự lại sự hội tụ của đức tin và việc làm,” Linh mục nhà giáo cho các trẻ em đường phố Guy Gilbert cũng đã nói như vậy.

Nó áp đặt sự tôn trọng đi đôi với thẩm quyền trên các trẻ em đã mất phương hướng.  Đối với Thánh Gioan Bosco, thẩm quyền cũng như tình yêu: một quan hệ không thể làm bằng chỉ huy. 

5.Ước mơ điều tốt nhất

Điều Thánh Gioan Bosco dạy chúng ta còn tinh tế hơn, người có tầm nhìn không phải là người mơ mộng dịu dàng.  Hơn mọi thánh khác, Thánh Gioan Bốt-cô “dựa trên các trực giác lớn của mình qua các giấc mộng ban đêm mà Đức Giáo hoàng Piô  IX đã xin ngài ghi lại, các giấc mộng này là động lực hành động của ngài.

Như mục sư Martin Luther King đã tuyên bố: “Tôi có một giấc mơ…”, Linh mục Petitclerc giải thích, Thánh Gioan Bosco đã đi theo giấc mơ của mình và làm cho các giấc mơ thành công việc cụ thể.”

Thánh Gioan Bosco đã đi tới đàng trước qua các giấc mơ liên tiếp từ năm 9 tuổi, chúng ta tự hỏi ngài có tự cao hay hoang đường không.  Nhưng nhìn kết quả thì chúng ta thấy giấc mơ đã được thực hiện.

Linh mục Petitclerc giải thích, khi Thánh Gioan Bosco nói: “Tôi mơ” thì điều này không thể bàn cãi.  Chính Đức Giáo hoàng cũng đã chú tâm nghe ngài…  Toàn bộ “hệ thống” giáo dục mà chúng ta mơ ước có được hiệu quả của nó là do ngài đã xem trọng các giấc mơ ban đêm của mình.

  1. Mở ra với thế giới

Sức mạnh – ngày nay vẫn còn – của Thánh Gioan Bosco là ngài mang lại sự đảo ngược này trong tâm trí của thời bài-giáo sĩ mà toàn bộ xã hội đã bị ngả ngiêng từ thôn quê đến đô thị kỹ nghệ hóa.

Giai đoạn đột biến mất phương hướng này nhắc lại thời buổi chúng ta, thời buổi người trẻ khó hướng về tương lai.  Thánh Gioan Bosco đã xoay sở và làm được, ngài thoát ra khỏi khuôn khổ nghiêm ngặt của tôn giáo để làm cho các chính trị gia “thế tục” hiểu được.

Là linh mục, ngài đã in dấu ấn của mình trong việc phòng ngừa nạn phạm pháp nơi các em vị thành niên, và đã làm cho các chính trị gia rất bài tôn giáo thời đó ngạc nhiên.

Năm 1857, bộ trưởng Ý Urbano Rattazzi khuyên ngài thành lập một dòng của các “tu sĩ theo con mắt của Giáo hội và các công dân tự do theo con mắt của Quốc gia.”

Văn hào chống giáo sĩ Victor Hugo, chính ông cũng ngạc nhiên về Thánh Gioan Bốt-cô và ông đã gặp ngài nhiều lần.

Lời khuyên cuối cùng của Thánh Gioan Bosco: nhà giáo sẽ thành công khi đưa ra một nền giáo dục toàn bộ, giảng dạy mở ra với người khác và với thế giới.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

From: Langthangchieutim

Thánh Gioan Bosco (1815-1888)

  31 Tháng Giêng

Chính nguyên tắc giáo dục của Thánh Gioan Bosco đã được sử dụng rộng rãi trong các trường học ngày nay. Ðó là một hệ thống ngăn ngừa, loại bỏ các hình phạt thể xác và đưa các học sinh vào một môi trường lành mạnh ít có cơ hội phạm tội. Ngài cổ võ việc thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể. Ngài pha trộn phương cách dạy giáo lý và sự hướng dẫn của một người cha, nhằm kết hợp đời sống tâm linh và công việc, việc học và việc chơi đùa.

Ðược khuyến khích đi tu để có thể giúp cho các trẻ em, Gioan thụ phong linh mục năm 1841. Công việc phục vụ giới trẻ của ngài khởi sự khi ngài gặp một em mồ côi và giúp em chuẩn bị Rước Lễ lần đầu. Sau đó ngài quy tụ các người trẻ lại và chỉ dạy họ về giáo lý.

Sau thời gian làm tuyên uý cho một trại tế bần của các thiếu nữ, Cha Gioan mở nhà trường Thánh Phanxicô “de Sales” cho các em trai. Một vài người bảo trợ giầu có và quyền thế đã giúp đỡ tài chánh, nên ngài có thể mở hai trường dạy nghề cho các em trai, trường dạy đóng giầy và dạy may quần áo.

Vào năm 1856, số các em theo học tại hai trường đã lên đến 150 em, và có thêm một máy in để xuất bản các tài liệu giáo lý. Sự quan tâm của ngài đến việc giáo dục và xuất bản khiến ngài xứng đáng là quan thầy của các người tập sự trẻ tuổi và các nhà xuất bản Công Giáo.

Tiếng tăm của Cha Gioan ngày càng lan rộng và, vào năm 1850, ngài phải tự huấn luyện các người trẻ muốn theo đuổi con đường của ngài vì lúc ấy thật khó để duy trì ơn thiên triệu. Năm 1854, một cách bán chính thức, Cha Gioan và những người theo ngài đồng ý đứng dưới tên tổ chức Thánh Phanxicô “de Sales”.

Với sự hỗ trợ của Ðức Giáo Hoàng Piô IX, Cha Gioan quy tụ 17 người và thành lập dòng Salesian vào năm 1859. Hoạt động của dòng nhắm đến việc giáo dục và công cuộc truyền giáo. Sau này, ngài tổ chức dòng Salesian nữ để giúp đỡ các thiếu nữ.

Ngài từ trần năm 1888 lúc bảy mươi hai tuổi.

 Lời Bàn

Thánh Gioan Bosco giáo dục toàn thể con người — thể xác và linh hồn. Ngài tin rằng tình yêu Ðức Kitô và sự tin tưởng của chúng ta vào tình yêu ấy phải thấm nhập vào tất cả sinh hoạt của chúng ta — học hành, chơi đùa, làm việc. Ðối với Thánh Gioan Bosco, là một Kitô Hữu có nghĩa phải luôn luôn nỗ lực, không chỉ một tuần một lần, xem lễ ngày Chúa Nhật là đủ. Chính khi tìm kiếm Thiên Chúa trong sinh hoạt hàng ngày, hãy để tình yêu ấy hướng dẫn chúng ta. Tuy nhiên, Thánh Gioan nhận ra được tầm quan trọng của sự huấn nghệ và giá trị con người cũng như sự tự trọng do bởi tài nghệ và khả năng làm việc, do đó ngài cũng huấn luyện các người trẻ trong các ngành nghề.

   Lời Trích

“Mọi sự giáo dục đều dạy một triết lý sống; nếu không bởi lời nói thì bởi sự đề nghị, sự gợi ý, và bởi môi trường. Mỗi một phần của giáo dục đều có liên hệ với nhau. Nếu tất cả sự tổng hợp ấy không đem lại một cái nhìn tổng quát về đời sống, thì đó không phải là giáo dục” (G.K. Chesterton, The Common Man).

    Trích từ NguoiTinHuu.com

Thánh Tôma Aquinô (1225-1274), Tiến Sĩ Hội Thánh

Chúc bình an! Hôm nay ngày 28/01, Giáo hội mừng kính Thánh Tôma Aquinô (1225-1274), Tiến Sĩ Hội Thánh. Mừng quan thầy đến những ai chọn Thánh Tôma làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Mọi người đều đồng ý rằng Thánh Tôma Aquinô  là tiếng nói trổi vượt của truyền thống Công Giáo về lý lẽ và về sự mặc khải của Thiên Chúa. Ngài là một bậc thầy vĩ đại của Giáo Hội Công Giáo thời trung cổ, và được vinh danh với tước vị Tiến Sĩ Hội Thánh và Tiến Sĩ Thiên Thần.

Sinh hạ năm 1225 trong một gia đình quí phái ở Roccasecca gần Aquinô trong vương quốc Napples. Lúc năm tuổi, ngài được cha mẹ cho vào tu viện Biển Ðức ở Monte Cassino với hy vọng ngài sẽ thích lối sống ấy và trở nên một tu viện trưởng. Trong tu viện, các thầy giáo đều ngạc nhiên về sự tiến bộ của ngài, và mọi bạn cùng lớp đều thua kém ngài về việc học cũng như việc trau dồi nhân đức.

Khi đến tuổi khôn được lựa chọn con đường cho chính mình, Thánh Tôma đã khước từ mọi sự của thế gian và quyết tâm chọn Dòng Ða Minh trái với ý định của cha mẹ. Năm 1239, lúc mười bảy tuổi, ngài gia nhập Dòng Ða Minh ở Naples. Theo lệnh của bà mẹ, ngài bị các anh em bắt cóc và giam ở nhà trên một năm trời. Gia đình còn đi xa hơn nữa bằng cách dùng một cô gái điếm đến dụ dỗ ngài. Nhưng tất cả mọi cố gắng đều vô hiệu, Thánh Tôma vẫn kiên trì với ơn gọi. Như một phần thưởng cho sự trung tín này, Thiên Chúa đã ban cho ngài ơn thanh sạch tuyệt đối, mà nhờ đó ngài xứng đáng được tước vị là “Tiến Sĩ Thiên Thần.”

Sau khi tuyên khấn ở Naples, ngài theo học ở Cologne với vị thầy nổi tiếng là Thánh Albert Cả. Ở đây ngài có biệt danh là “bò câm”, vì ngài to con và thường im lặng, nhưng thực sự ngài là một người rất giỏi. Vào năm hai mươi hai tuổi, ngài được bổ nhiệm để dạy học tại hai thành phố. Ðồng thời ngài cũng bắt đầu công bố các sáng tác của ngài. Bốn năm sau, ngài được gửi đến Balê. Vào năm ba mươi mốt tuổi, ngài đậu bằng tiến sĩ.

Ở Balê, ngài được vinh dự làm bạn với Vua Louis (sau này được phong thánh). Năm 1261, Ðức Urbanô IV gọi ngài về Rôma để dạy học, và ngài nhất quyết từ chối mọi vinh dự của một chức sắc trong giáo hội. Không những Thánh Tôma có tài viết, mà ngài còn có tài giảng thuyết với nhiều kết quả tốt đẹp.

Sự đóng góp lớn lao của ngài cho Giáo Hội Công Giáo là các trước tác. Sự đồng nhất, sự hài hòa và sự liên tục của đức tin và lý lẽ, của mặc khải và khiến thức loài người, được thấy đầy dẫy trong các văn bản của ngài.

Tập “Summa Theologica” là công trình sau cùng của ngài, nhưng không may chưa được hoàn tất, đề cập đến toàn thể thần học Công Giáo. Ngài ngưng sáng tác sau khi cử hành Thánh Lễ vào ngày 6 tháng Mười Hai, 1273. Ðược hỏi lý do, ngài trả lời, “Tôi không thể tiếp tục… Tất cả những gì tôi viết, đối với tôi dường như chỉ là cọng rơm so với những gì tôi được thấy và những gì tôi được mặc khải.” Ngài từ trần ngày 07 tháng 3 năm 1274 tại Fossanuova gần Terracina và được chôn cất tại nhà thờ Saint Servin, Toulouse, nước Pháp; thánh tích được chuyển về nhà thờ thánh Jacobins, Toulouse ngày 22 tháng 10 năm 1274

Thánh Tôma Aquinô là một trong những thần học gia vĩ đại và ảnh hưởng đến mọi thời đại.  Ngài được Đức Giáo Hoàng Joannes XXII phong thánh ngày 18 tháng 7 năm 1323 tại Avignon, nước Pháp và được Ðức Giáo Hoàng Pius V tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 11 tháng 4 năm 1567. Đức Giáo Hoàng Leo XIII đặt Ngài làm quan thầy các trường và các đại học Công Giáo ngày 04 tháng 8 năm 1880. Lễ kính thánh nhân được cử hành vào ngày 28 tháng 01 hàng năm là ngày kỷ niệm cải táng thay vì ngày 07 tháng 3 là ngày kỷ niệm qua đời. (Nguồn: Người Tín Hữu online)

Sau đây là những câu nói và lời khuyên của Thánh Nhân:

❦  Yêu mến Chúa thì cao trọng hơn nhận biết Ngài.

❦  Không có hy sinh nào giải cứu linh hồn Luyện ngục bằng hy sinh của Thánh lễ Misa.

❦  Chỉ cần chạm một cái rất nhẹ, rất mong manh vào lửa Luyện ngục thì còn rùng rợn hơn tất cả những cực hình đau đớn chết người trên trái đất này.

❦ Đừng tọc mạch muốn biết công chuyện riêng tư của người khác.

❦ Hãy giữ lương tâm tinh tuyền.

❦ Đừng bỏ qua việc cầu nguyện.

❦ Tránh bàn tán những chuyện nhảm nhí.

❦  Hãy gắng bắt chước gương tốt của những bậc thánh hiền.

Câu nào đánh động Bạn nhất? Hãy đọc lại và dùng câu đó để làm hướng đi cho Bạn trong ngày nhé.

From: Đỗ Dzũng

NOI GƯƠNG CÁC VỊ THÁNH NHƯ THÁNH THOMAS AQUINAS

Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ)

Có rất nhiều vị thánh – đủ mọi độ tuổi – đáng để chúng ta noi gương.

Thật là một lợi ích tuyệt vời mà tất cả chúng ta có được trong đại gia đình trên trời, sự hiệp thông vinh quang của các thánh mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, qua việc họ sẵn sàng hiến thân cho Ngài.  Với đức tính anh hùng lấy Đức Kitô làm trung tâm, các thánh có thể truyền cảm hứng và dạy dỗ tất cả chúng ta.  Sự tự kỷ luật đáng kinh ngạc mà rất nhiều vị thánh đã thể hiện và những thử thách bên ngoài mà họ phải chịu đựng sẽ đặt vào góc nhìn thích hợp về những sự bất tiện và sự thiếu thốn nho nhỏ mà chúng ta phải trải qua để theo đuổi việc học hỏi.

Trong số những người cao quý nhất và thánh thiện nhất mà chúng ta nên cố gắng noi gương là Thánh Tôma Aquinô về cách noi gương Chúa Kitô.  Thánh Tôma đã hết lòng thi hành tài năng tuyệt vời mà Thiên Chúa ban cho.  Ngài là tu sĩ linh mục thuộc Dòng Thuyết Giáo của Thánh Đa Minh, dòng này có phương châm Veritas (chân lý, sự thật), được duy trì bằng việc nghiên cứu như một trong bốn trụ cột (các thứ khác là cầu nguyện, cộng đồng và rao giảng).  Đặc sủng Đa Minh, với xu hướng trí tuệ, đã gần gũi nhất với trái tim và khối óc của tôi từ khi tôi được các Nữ tu Đa Minh dạy dỗ ở trường học.

Tuy nhiên, tôi tạ ơn Chúa vì những đặc sủng và món quà tuyệt vời của tất cả các dòng tu thánh thiện và các thánh mà các dòng đã sản sinh.  Khó mà không được thôi thúc bởi cuộc sống vinh quang và những việc làm yêu thương của Thánh Biển Đức và các tu sĩ dòng Biển Đức, Thánh Phanxicô và các tu sĩ dòng Phanxicô, Thánh Inhaxiô và các tu sĩ Dòng Tên, và rất nhiều dòng khác được hình thành tại nhiều quốc gia qua nhiều thế kỷ.

Dĩ nhiên, các vị thánh vĩ đại không chỉ là thành viên của các dòng tu.  Trên thực tế, có những vị thánh vĩ đại từ mọi thời đại kể từ khi Đức Kitô thiết lập Giáo Hội, từ hầu hết mọi quốc gia, cả nam và nữ, và từ hầu hết mọi nghề nghiệp và địa vị trong cuộc sống.  Hơn nữa, có những vị thánh đã chịu đựng và chiến thắng hầu như mọi khó khăn, đau khổ, bệnh tật, hoặc rối loạn mà bạn và tôi có thể phải đối mặt.

Có những lý do rất đúng để chúng ta có thể tìm một vị thánh bảo trợ cho hầu hết mọi thứ.  Theo Thánh Tôma, điều quan trọng nhất là chúng ta phải theo dõi họ, tìm ra những bài học và nguồn cảm hứng mà họ giữ cho chúng ta.  Chúng ta có thể học hỏi rất nhiều điều từ các vị thánh mà chúng ta có thể xác định gần gũi và đôi khi là những người có vẻ rất khác với chúng ta.

Nếu tôi có thể đưa ra một ví dụ cá nhân, tôi thường say mê nghiên cứu các bài viết của Thánh Albertô Cả và Thánh Tôma Aquinô, hai trong các bộ óc uyên thâm nhất trong lịch sử.  Vài năm trước, khi tôi được yêu cầu thuyết trình về Thánh Martin de Porres (1579–1639) cho một nhóm tu sĩ Đa Minh.  Tôi biết vị thánh này sống ở Peru, và tôi biết rằng trong khi Thánh Albertô và Thánh Tôma thường được mô tả cầm một quả địa cầu hoặc một nhà thờ, hoặc một cuốn sách đồ sộ trên tay, thì Thánh Martin thường được mô tả cầm một cây chổi.  Tôi không chắc mình sẽ mong đợi điều gì khi tìm hiểu sâu về cuộc đời của vị thánh này, nhưng những gì tôi khám phá ra vượt quá những ước mơ mạnh mẽ nhất của tôi.  Vị thánh vĩ đại có chủng tộc hỗn hợp này là nhà vô địch trong việc thu hút người giàu, người nghèo, người trung lưu, nô lệ Phi châu, các nhà cai trị Tây Ban Nha và các dân tộc bản địa của Peru.  Lòng yêu động vật của ngài đem lại niềm vui cho bất kỳ vị thánh nào thuộc dòng Phanxicô hoặc người Ai-len.  Trong khi vui vẻ quét nhà, ngài cũng rất thành thạo với con dao mổ của bác sĩ phẫu thuật mà các tổng giám mục đã mời ngài tới khi ốm đau.

Có lẽ điều ngạc nhiên lớn nhất của tôi về Thánh Martin vì ngài khiêm tốn, yêu thương, cũng yêu mến Thánh Tôma, và rất thông thạo các bài trong bộ Tổng Luận Thần Học, đôi khi cung cấp các trích dẫn hoặc giải thích cho các sinh viên chủng viện khi ngài thảo luận về sự bối rối của họ trong lúc ngài vẫn dọn dẹp hoặc quét các tầng lầu.

Cũng như Thánh Martin về một số phương diện, một vị thánh khác mà tôi yêu mến là Thánh Têrêsa Lisieux (1873–1897), Bông Hoa Nhỏ khiêm nhường và yêu thương.  Đáng chú ý là nữ tu này qua đời khi còn quá trẻ mà được tôn vinh giống như Thánh Albertô và Thánh Tôma, trong số vài chục tiến sĩ hoặc những người thầy vĩ đại của Giáo Hội.  Thánh Catarina Siena (1347–1380) cũng vậy, mặc dù bà không được giáo dục chính thức và thậm chí mãi tới lúc 12 tuổi mới học đọc, học viết.

Quả thật, các thánh là sự giúp đỡ lớn cho Thánh Tôma, theo những cách nổi bật nhất.  Người bạn Reginald, và là thư ký của Thánh Tôma, đã báo cáo rằng có lần Tôma cảm thấy bối rối suốt nhiều ngày về việc giải thích một đoạn văn trong sách Isaia khi viết bình luận về sách đó.  Một đêm nọ, khi thức ở trong phòng để cầu nguyện, Reginald nghe thấy Tôma nói lớn như đang nói với mình, với những người khác trong phòng, mặc dù Tôma không phát ra tiếng nói.

Ngay sau khi tiếng nói ngừng lại, Tôma gọi: “Reginald, hãy đứng dậy và mang cho tôi ánh sáng với lời bình luận về Isaia; tôi muốn anh viết cho tôi.”  Reginald đứng dậy và bắt đầu viết theo lời Tôma đọc, lời lẽ rõ ràng đến mức như thể đang nhìn vào sách mà đọc vậy.

Khi Reginald liên tục hỏi Tôma về những giọng nói đã nghe thấy, Tôma trả lời: “Thánh Phêrô và Thánh Phaolô được cử đến gặp tôi và nói với tôi tất cả những gì tôi muốn biết.”

Dĩ nhiên, lý do chính mà chúng ta nên noi gương các thánh là tất cả họ đều trở nên thánh thiện nhờ noi gương Đức Kitô.  Trước hết, chính là Đức Kitô , Đấng mà họ giúp chúng ta noi gương, bằng cách cho thấy một cuộc sống tập trung vào Đức Kitô có thể thực hiện được như thế nào ở mọi nơi trên thế giới vào bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.

Thánh Phêrô đã trả lời khi Đức Kitô hỏi ông có bỏ Ngài không, ông nói: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai?  Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6:68)  Thánh Phaolô đã tuyên bố: “Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá.  Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2:19-20)  Bạn sẽ nhớ lại rằng chính Đức Kitô là Đấng mà Thánh Tôma gọi là người vĩ đại nhất trong tất cả những người thầy, người dạy dỗ qua lời nói và việc làm.  Tất cả chúng ta đều được mời gọi noi gương Ngài trước hết.

Trong tuyệt phẩm Summa Theologica – Tổng Luận Thần Học, Thánh Tôma cẩn trọng cân nhắc các lời tuyên bố của nhiều vị thánh vĩ đại ở Tây phương và Đông phương, từ Thánh Augustinô đến Thánh Giêrônimô, Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả đến Thánh Gioan Chrysostom, Thánh Athanasiô, Thánh Grêgôriô Nazianzen, và nhiều vị thánh khác.  Hơn nữa, ngài tìm kiếm sự thật và những viên ngọc của sự khôn ngoan trong các bài viết của những người mà ngài biết không có đầy đủ chân lý của Giáo Hội Công giáo.  Những người này bao gồm các nhà tư tưởng như người ngoại giáo Aristotle của Hy Lạp, người ngoại giáo Cicero và Seneca của La Mã, và nhiều người khác nữa; Maimonides của Do Thái; Averroes và Avicenna của Hồi giáo Ả Rập.  Thánh Tôma trân trọng những sự thật ở bất cứ nơi nào chúng có thể được tìm thấy, và thực sự đây là một dấu ấn của Giáo Hội Công giáo.  Sự mặc khải sợ hãi không có sự thật của lý trí, vì chỉ có một sự thật.

Gần với thời đại của chúng ta, Thánh Gioan Phaolô II đã nêu ra ý chính trong châm ngôn của Thánh Tôma một cách trang nhã nhất:

“Nghiên cứu kỹ lưỡng hơn cho thấy rằng ngay cả trong tư duy triết học của những người đã giúp thúc đẩy niềm tin và lý trí xa nhau hơn, đôi khi người ta vẫn tìm thấy những hiểu biết quý giá và tinh tế, nếu được theo đuổi và phát triển với tâm trí và con tim được điều chỉnh đúng cách, có thể dẫn đến việc khám phá ra con đường sự thật.

Một số thần học gia thời Thánh Tôma đã phê phán việc sử dụng triết học của ngài nói chung, và của Aristotle nói riêng, để phục vụ thần học.  Họ cho rằng ngài đang pha loãng rượu của tri thức thần thánh với nước của tri thức nhân loại.

Tuy nhiên, Thánh Tôma biết rằng chỉ có một sự thật và sự thật của đức tin không bao giờ có thể mâu thuẫn với lý trí, nhưng lý trí có thể giúp lôi kéo một số người đến với đức tin và giúp làm sáng tỏ các nguyên tắc thần học cho các tín hữu.  Ngài không tin rằng triết lý cao quý của những người cao quý đã làm loãng đức tin, nhưng đúng hơn, những ai sử dụng các học thuyết triết học trong Kinh Thánh để phục vụ đức tin thì không được pha nước với rượu, nhưng thay nước bằng rượu.”

Cầu mong chúng ta, giống như Thánh Tôma, khát nước trong veo và lấp lánh của lý trí, làm cho rượu của tri thức thần thánh và rượu trên các loại rượu trở thành chính Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể!

Đây là hai điều để các vị thánh có thể đi vào linh hồn bạn:

  1. PHẢN ÁNH

Bạn có một dòng tu yêu thích mà đặc sủng của họ kêu gọi bạn?  Nếu có, bạn đã xem xét việc tham gia với tư cách là hội viên?  Bạn có một số vị thánh yêu thích?  Nếu có, gần đây bạn đã làm gì để noi gương họ, đặc biệt là đối với việc họ theo đuổi chân lý?  Nếu không, bạn có thể cân nhắc tìm kiếm một số vị thánh mới để học hỏi và cầu xin sự chuyển cầu của họ?  Thế giới của chúng ta đang rất cần các vị anh hùng thánh thiện.

  1. ĐỌC SÁCH

Gần đây, bạn có dành thời gian để đọc tiểu sử của một vị thánh không quen thuộc với bạn hoặc một cuốn sách mới về một vị thánh bạn yêu thích?  Có rất nhiều tiểu sử để lựa chọn.  Nếu bạn có xu hướng về tiểu thuyết, tôi nhận thấy các tác phẩm của Louis de Wohl cũng khai sáng và truyền cảm hứng cũng như mang tính giải trí.  (Sách yêu thích của tôi?  Chắc bạn có thể đoán, đó là cuốn The Quiet Light (Ánh Sáng Tĩnh Lặng, nói về Thánh Tôma Aquinô.)  Gần đây, bạn có đọc các tác phẩm của chính các vị thánh – chẳng hạn Thánh Tôma, hoặc tất cả thế giới của những người khác?  Gần đây bạn có đọc Phúc Âm hoặc sách hay về Chúa Giêsu Kitô?

Nếu bạn muốn noi gương Chúa Kitô, một trong các tác phẩm kinh điển về tâm linh nhất thế giới là cuốn Imitation of Christ (Gương Chúa Giêsu) của tác giả Thomas à Kempis. S ách đã được tái bản rất nhiều lần qua nhiều thế kỷ, mới đây có phiên bản được bổ sung và sống động hơn với các tập được nghiên cứu kỹ lưỡng và viết kỹ về cuộc đời của Thomas à Kempis, với các tình tiết xung quanh việc tạo ra cuốn sách sùng kính đơn giản nhưng sâu sắc này.  Tác phẩm mới này của Timothy E. Moore.

Tiến Sĩ Kevin Vost – Trầm Thiên Thu (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Kính mừng Thánh Tiến Sĩ Tôma Aquinô – 2021

From: Langthangchieutim