S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Tô Lâm & Bùi Tuấn Lâm

 Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Trang Tuổi Trẻ Kon Tum có mục (“Mỗi Tuần Một Câu Chuyện Đẹp”) khá hấp hay. Tuần này, chuyện kể về một người già độc thân rộng rãi và hào phóng:

Quán bún bò 199 là chỗ dựa tài chính vững chắc giúp ông Lâm Kim Hùng (66 tuổi, Đồng Nai) nuôi hàng chục sinh viên nghèo hiếu học. Quán của ông vừa là nơi ăn ở miễn phí vừa là nơi tạo công ăn việc làm cho các bạn kiếm thêm thu nhập…

May mắn trong việc kinh doanh, quán bún bò mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng, vì sống một mình, nên khoảng lợi nhuận ấy quá dư giả so với cuộc sống bình thường của ông. Nhận thấy cứ để dành tiền mãi cũng chẳng được gì nên ông quyết định giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Đối với ông, việc này không phải là làm thiện nguyện mà chỉ là ông đang trả “nợ đời”. Vì cuộc đời đã cho ông công ăn việc làm, có điều kiện hơn nhiều người nên ông mong muốn san sẻ bớt với những ai khó khăn hơn.

Tôi cũng biết một ông chủ quán khác bún bò hào sảng khác, tên Bùi Tuấn Lâm (BTL) ở Đà Nẵng. Nhân vật này cũng rất thường hay “trả nợ đời” bằng cách “san sẻ”, dù hơi nặng gánh gia đình:

Tối nay, ông lại ngang quán mình.

 Nhưng lúc nào ông cũng lướt đi qua rất nhanh. Và lần nào cũng vậy, mình phải chạy theo gọi ông mới quay lại. Nhưng không phải lúc nào ông cũng nhận. Có khi ông nói người ta mới cho ông tô cơm chiên ăn rồi, có khi lại nói có người cho tô cháo rồi, ông no rồi, con giữ lại bán đi. Khi nào đói ông lấy.

Và hôm nay thì ông nhận. Biết ông cả hơn hai tháng nay, từ ngày mở quán. Nhưng ít khi nói chuyện nhiều, vì ghé lấy rồi đi. Nay ông đứng đợi chiên gà lại cho nóng. Nên nói chuyện hỏi thăm, mới biết hằng ngày ông đi bán đến 2, 3h sáng. Và sau đó thì ghé công viên 23-9 ngủ tạm ở gầm cầu.

 Nghe mà xót.

 Gởi đồ cho ông, rồi lại dặn. Như những lần trước con nói, nay con nhắc lại ông nha, ông cháu mình vui vẻ quý mến nhau. Nên cứ đi ngang qua quán con thì ghé vào lấy đồ ăn nha, không ngại ngùng gì hết, cứ xem như con cháu. Tiền thì con không có, nhưng đồ ăn thì con luôn có nghen ông…

Cảm ơn con.

 Dạ con chào ông, chúc ông ngon miệng.

 Rồi nhìn ông lầm lũi bước đi, tự nhiên cay cay. Nghĩ lại mình còn sướng quá ấy chứ. Cảm tạ Chúa, vì nay con mở hàng món mới được tốt lành. Xin cho con buôn bán được thuận lợi, để qua đó con có thể làm được những chuyện bé nhỏ như này, và có tiền đặng còn trả nợ nghen Chúa.

 Lạy Chúa con yêu mến Ngài. Amen.

 Peter Lam Bui 26/05/2020

Phóng viên Bùi Thư (BBC) tường thuật: “Bên cạnh bán bún bò, ông Bùi Tuấn Lâm còn tổ chức bữa ăn 0 đồng cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.”

Ngoài tính hào hiệp, BTL còn giầu chất hiệp sỹ và nghệ sỹ nữa. Ông là thành viên của Câu Lạc Bộ Bóng Đá No-U, luôn góp công góp sức giúp đỡ cho các gia đình tù nhân lương tâm, thường tham dự vào những cuộc biểu tình chống ngoại xâm, và hay đăng tải những bài viết liên quan đến việc bảo vệ môi trường.

Tất cả những hoạt động của ông đều không “được lòng” nhà nước (hiện hành) nên BTL bị sách nhiễu thường xuyên, và đôi lúc còn bị bạo hành. FB Hoang Vu cho biết:

“Vì lẽ đó, công việc làm ăn và chỗ trọ của Phêrô Bùi Tuấn Lâm ở Sài Gòn luôn bị công an làm khó dễ, hạch sách đủ kiểu… Sau khi lập gia đình, nhắm không thể trụ lại ở thành Hồ, Lâm Bùi đành đưa vợ về quê nhà là Đà Nẵng để tìm kế sinh nhai.

Từ lúc có 3 cô con gái xinh xắn, Lâm Bùi đã không còn tham gia phong trào đấu tranh như trước, chỉ lo kiếm tiền nuôi con bằng những công việc trang trí thiết kế tự do và bán quán Bún Bò BA CÔ GÁI. Những lúc rảnh rỗi thì Lâm Bùi mới lên facebook bình luận hài hước một số sự kiện thời sự, châm biếm những bất cập của cuộc sống…”

Cuộc sống ở VN hiện nay lại có quá nhiều điều “bất cập” để mà “bình luận” (hay giễu cợt) nên sự “hài hước” của BTL đã khiến ông bị bắt giam. Phil Robertson, thành viên của tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, tường thuật:

“Bùi Tuấn Lâm trở nên nổi tiếng vào tháng Mười một năm 2021 khi làm một đoạn video chế ghi hình bản thân bắt chước đầu bếp nổi tiếng có nghệ danh là Thánh Rắc Muối, người mấy ngày trước đã nổi như cồn ở Việt Nam sau khi rắc muối lên miếng bít tết dát vàng giá 2000 đô la và bón tận miệng cho bộ trưởng công an Việt Nam, Tô Lâm.

Trong đoạn video của mình, Bùi Tuấn Lâm thay miếng bít tết dát vàng bằng tô mì thường nhật với vài lát thịt và hành. Đoạn video này cũng được lan truyền rộng rãi, mang lại cho Bùi Tuấn Lâm cái tên lóng ‘Thánh Rắc Hành’ và tai tiếng cho ông bộ trưởng.

Người của ông bộ trưởng ra đòn trả đũa rất nhanh. Công an sách nhiễu và đe dọa Bùi Tuấn Lâm, 39 tuổi, theo dõi ông gắt gao, triệu tập và thẩm vấn ông, cũng như gây sức ép buộc ông đóng cửa quán mì bên lề đường của mình. Tháng Chín năm 2022, nhà hoạt động nhân quyền lâu năm bị bắt với cáo buộc ngụy tạo về ‘hành vi tuyên truyền chống nhà nước’ …. Tòa án kết án ông năm năm rưỡi tù giam cộng thêm bốn năm quản chế …”

Bản án này có hà khắc quá không?

Không đâu!

Vụ BTL và Tô Lâm không chỉ giản lược vào một cái án tù nặng nề mà còn nhiều màn “trả đũa” bẩn thỉu và ti tiện khác nữa, và chưa biết đến bao giờ mới có điểm dừng. Ngày 27 tháng 05 năm 2023, bà Lê Thanh Lâm cho biết:

Tôi không được vào tham dự phiên tòa. Tôi bị bạo lực, bị xúc phạm danh dự, bị xâm phạm thân thể. Hai em trai của chồng bị đánh bầm dập ngay trước tòa án.

Tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ về những gì mà tôi và gia đình đã trải qua vào ngày diễn ra phiên toà xét xử chồng tôi là Bùi Tuấn Lâm. Tôi không nghĩ nơi mình đang đứng là trước cổng toà án và sau đó là UBND Phường mà lại bị chính những người của bộ máy công quyền hành xử thô bạo như thế.

Ngày 13 tháng 10 năm 2023 vừa qua, bà Lê Thanh Lâm  còn cho biết thêm:

Trại Giam Đà Nẵng ngăn cản không cho mẹ con tôi thăm gặp Bùi Tuấn Lâm?

Đã 2 tháng trôi qua, gia đình tôi vẫn chưa được thăm gặp ba của bọn trẻ.

 – Trong tháng 9, không có cuộc gặp nào vì họ nói chồng tôi bị kỷ luật.

 – Tháng 10, họ đồng ý cho thăm gặp lại nên đã nhận đơn từ ngày 2/10. Nhưng đến nay không giải quyết. Cán bộ trại giam nhận đơn của tôi đến hôm nay đã chặn luôn số điện thoại của tôi. Phó giám thị thì nói không nhận được đơn trình báo. Tất cả các phòng ban và cán bộ đều đùn đẩy qua lại cuộc thăm gặp này…

 Thật khốn nạn!

Khốn nạn thì đã hẳn nhưng đôi ba câu hỏi vẫn cần được đặt ra: sao họ lại có thể khốn nạn đến thế được, và “họ” là ai vậy?

Xin thưa: họ là những người đeo đồng hồ mua bằng nhiều tỷ đồng, ở biệt phủ trị giá hằng trăm tỉ, trả học phí cho con nhiều gấp trăm lần tiền lương hàng tháng. Họ cũng là những kẻ có đủ nhẫn tâm ăn một miếng thịt bò dát vàng (trị giá “tương đương với tám tấn lúa khô”) trong khi suy dinh dưỡng vẫn là một vấn nạn lớn đối với rất nhiều trẻ thơ ở Việt Nam.

Quan niệm, thái độ, cũng như cung cách vị tha của BTL hoàn toàn tương phản với cuộc sống vị kỷ, bê tha và bất cận nhân tình của họ. Sự hiện diện cùng lối hành sử của ông đã khiến họ rất bận lòng. Bởi thế, họ đã tìm cách giam ông vào một nơi cho khuất mắt rồi nghĩ ra đủ trò đê tiện để hành hạ BTL và gia đình thân nhân của ông cho … thỏa dạ tiểu nhân.

Những kẻ ti tiểu, ác độc và bất nhân như thế thì ở đâu và thời nào mà không có. Điều không may của dân tộc VN là chúng lại đang “lãnh đạo” cái đất nước khốn khổ và bất hạnh này! 


 

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Bọn sát nhân

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Tôi quen Đinh Quang Anh Thái đã lâu, lâu tới cỡ không còn biết là mình đã gặp gỡ y vào cái thuở xa xưa nào nữa. Dù không mấy khi có dịp “giao lưu” (hay “tương tác”) nhưng tôi vẫn nghe thằng chả ra rả hàng ngày, về đủ thứ chuyện trên trời/biển – ròng rã suốt từ thế kỷ này, qua đến thế kỷ kia – và hoàn toàn chưa thấy có dấu hiệu gì là gã sẽ (hay sắp) tắt đài trong tương lai gần cả.

Nghề của chàng mà. Tắt tiếng là (dám) treo niêu luôn, chớ đâu phải chuyện chơi. Chỉ có điều hơi bất ngờ là đương sự không chỉ nói nhiều mà viết cũng nhiều không kém. Hết xuất bản Ký 1Ký 2, rồi tới Ký 3. Nay mai (không chừng) sẽ có Ký 4 và Ký 5 luôn nữa.

Ký (đéo) gì mà lắm thế?

Muốn biết, đọc thử một đọan (ngăn) ngắn cho vui – nếu rảnh:

“Cuối năm 1984, từ đảo tỵ nạn Galang, tôi ‘chân ướt chân ráo’ đến Mỹ định cư tại Virginia. Chưa được một tháng, hưởng mùa tuyết rơi đầu tiên trong đời, tôi dọn sang miền Nam California kiếm sống bằng nghề đánh cá tại Cảng San Pedro…

Một lần, sau ba tuần lênh đênh sóng nước quay về bến với cá đầy khoang, anh Cường đón tôi, nói, ông Nguyễn Ngọc Bích ở Virginia gọi nhắn tôi gọi lại gấp cho ông.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích từng du học Mỹ nhiều năm, ông về Việt Nam khoảng 1970 và giữ chức Cục Trưởng Cục Thông Tin Quốc Ngoại thuộc Bộ Dân Vận Chiêu Hồi. Tôi được hân hạnh quen biết và sau trở nên thân tình với ông Bích từ năm tôi 18 tuổi.

Giáo sư Bích nói qua phone, Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt sắp họp và ông muốn mời tôi về nhận ‘bó đuốc cách mạng’ do thế hệ đi trước trao lại. Tôi hỏi, ai sẽ trao bó đuốc cho thế hệ chúng tôi.

Ông Bích trả lời: “Ông cựu Đại sứ Bùi Diễm.” Không hiểu tại sao lúc đó tôi buột miệng nói:’Vậy em sẽ không tham dự vì thế hệ ông Diễm chẳng có gì hay ho để trao bó đuốc cách mạng cho bọn em.” (Đinh Quang Anh Thái. “Vĩnh Biệt Bác Bùi Diễm.” Ký 3. Đào Nguyên Dạ Thảo: USA: 2021).

Thế thì hỗn thật và hỗn lắm!

Tôi cũng thế, cũng hỗn láo hết biết luôn.

Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt khai mạc vào năm 1986, với chủ đề Trao Bó Đuốc Cho Thế Hệ Mai Sau. Dù chả được ai mời mọc chi cả (chỉ “nghe hơi nồi chõ” thôi) nhưng tôi cũng tương luôn một câu, còn hỗn hào hơn nữa, trên mặt báo: “Làm gì có đuốc mà trao”!

Nhiều thập niên sau, Thái vẫn cứ áy náy mãi về ngôn từ bất nhã và thái độ bất kính của mình:

“Mãi tới nay, tôi vẫn vô cùng ân hận vì đã buông ra một câu xấc xược như thế với cụ Bùi Diễm và những người thuộc thế hệ cụ. Sau này nhìn lại ngày tháng đó, tôi hiểu tại sao mình hỗn láo như vậy …: Chỉ vì cá nhân tôi – và tôi tin là nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi – ít hiểu biết về những đóng góp của thế hệ cha chú trong công cuộc mưu tìm độc lập, hạnh phúc, ấm no cho con người và đất nước Việt Nam suốt thế kỷ qua”. (S.đ.d. tr. 26).

Tôi cũng vậy. Cũng “ân hận” mãi về những câu chữ mất dậy mà mình đã viết, khi còn trẻ người non dạ!

Đúng như Thái nói: “Nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi ít hiểu biết về những đóng góp của thế hệ cha chú trong công cuộc mưu tìm độc lập, hạnh phúc, ấm no cho con người và đất nước Việt Nam suốt thế kỷ qua.”

Chớ dễ gì mà biết được chớ. Cha chú của chúng tôi đã “biến mất” hết trơn mà. Người tuẫn tiết (*) kẻ lao tù và không ít vị đã bỏ mạng vì tra khảo, hay kiệt lực, trong ngục thất.

Cho đến nay thì cái chết của nhà thơ Vũ Hoàng Chương, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, thượng tọa Thích Thiện Minh, bác sỹ Phan Huy Quát, sử gia Phạm Văn Sơn, dân biểu Đặng Văn Tiếp, học giả Hồ Hữu Tường, luật sư Trần Văn Tuyên, linh mục Nguyễn Văn Vàng, linh mục Nguyễn Văn Vinh, giáo sư Nguyễn Duy Xuân … (và những đòn thù thâm độc mà họ nhận lãnh trong những năm tháng lao tù) vẫn chưa được hoàn toàn bạch hóa.

Tuy nhiên, rất nhiều “cái chết mờ ám, bất đắc kỳ tử” (hồi giữa thế kỷ trước) thì đã tỏ tường khá lâu rồi.

“Những người bị  giết đều là những tinh hoa, là  danh sĩ đạo cao đức trọng, yêu nước thương dân, có thành tựu văn hóa sáng giá cống hiến cho nền văn hiến nước nhà. Họ chết mỗi người mỗi cách đau xót và hàm oan:  

 Nhà văn Lan Khai bị xô xuống vực, văn hào Ngô Tất Tố bị bức cho treo cổ tự vẫn, Khái Hưng bị bỏ rọ trắn sông, Phạm Quỳnh đối thủ  đáng gờm của thực dân Pháp bị xử tử, Tạ Thu Thâu nhà yêu nước lớn bị tử bắn; nàng thơ  nữ sĩ Thu Hồng bị bắn lén từ sau lưng; Nhượng Tống dịch giả tài hoa số 1 bị ám sát; Dương Quảng Hàm vị giáo sư đáng kính ra khỏi nhà đi mãi không về; vị bồ tát Thiều Chửu bị bức hại nhảy xuống sông tự tận”. Thái Doãn Hiểu. Những Cái Chết Tức Tưởi Của Nhà Văn, Chuyện Bây Giờ Mới Kể”.

Sao “bồ tát Thiều Chửu lại nhẩy xuống sông tự vận” vậy cà?

Tác giả của bài báo thượng dẫn ghi thêm:

“Thiều Chửu (19021954) là nhà văn hóa, dịch giả và cư sĩ, học giả Việt Nam, tác giả Hán Việt tự điển và nhiều bộ sách về Phật Giáo nổi tiếng khác… Năm 1946 ông cùng một lớp học tăng ni và một số trẻ mồ côi hội Tế Sinh đi theo kháng chiến chống Pháp, tham gia lao động sản xuất, giáo dục, viết và dịch sách. Ông ba cùng với học sinh vượt qua vô vàn gian khổ duy trì đến cùng trường vừa học vừa làm.

Đội Cải cách ruộng đất … quy ông là địa chủ, vu cáo ông dùng Phật giáo để mê hoặc quần chúng, cộng với sự thương cảm cho nhiều nông dân bị hàm oan trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam mà cảm thấy mình bất lực, đêm 15 rạng ngày 16 tháng 6 năm Giáp Ngọ 1954, tức cuối ngày giỗ cha, ông ra thác Huống trên sông Cầu tại xóm Đồng Tâm, xã Vạn Thắng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên làm lễ Tam Bảo và Thiên địa rồi gieo mình xuống sông.”

Bẩy mươi năm sau, một công dân Việt Nam khác (ông Nguyễn Văn Dũng) lại “gieo mình xuống sông” – theo thông tin của trang Tiếng Dân:

“Nguyễn Văn Dũng, tức Dũng Aduku, đã bị an ninh Phú Thọ bắt cóc từ đêm 22-4-2024 rồi câu lưu, thẩm vấn, đến tối 25-4 thì thả ra. Sáng 27-4, anh Dũng đã rời khỏi nhà, để lại mảnh giấy với dòng chữ: “Mẹ ơi, con xin lỗi. Con ơi, bố xin lỗi”, theo lời của những người thân trong gia đình anh.

Kể từ hôm đó, gia đình và bạn bè anh Dũng, không ai liên lạc được với anh. Đến ngày 8-5-2024, người nhà anh Dũng cho biết, có người đã tìm thấy xác của anh bên bờ sông Hồng. Xác anh đã được UBND xã Châu Sơn vớt lên, mang đi chôn cất.

Anh Dũng ra đi ở tuổi 47, bỏ lại đứa con thơ 6 tuổi, mà anh yêu quý nhất. Không ai biết vì sao Dũng chọn cái chết tức tưởi như thế. Cho đến giờ, những người bạn thân của anh vẫn còn bàng hoàng về sự ra đi của anh.”

Tuy “không ai biết rõ vì sao Dũng chọn cái chết tức tưởi như thế” nhưng có lẽ mọi người đều đồng ý với nhận định của FB Phạm Thanh Nghiên: “Dũng tự vẫn hay bị giết hại, điều này chưa ai dám khẳng định. Nhưng công an CSVN không vô can trong cái chết này, dù trực tiếp hay gián tiếp”.

Những người CSVN không vô can trong bất cứ cái chết oan khuất nào, suốt hai phần ba thế kỷ qua, ở đất nước này. Họ giết người để đoạt quyền bính hay để giữ quyền hành đều cùng một cách tàn bạo như nhau. Phải thêm bao nhiêu cái chết oan khuất nữa thì mới đủ “cấp số” để cuộc cách mạng vô sản có thể hoàn thành ở VN, vào cuối thế kỷ này (sic)!

—————————

(*) Tuẫn tiết là chữ dùng của nhà báo Huy Đức (tác giả Bên Thắng Cuộc) để mô tả cách tự kết liễu đời mình của những vị tướng miền Nam, khi vùng đất này thất thủ. Ông cũng vừa “biến mất” vào hôm 1 tháng 6 năm 2024 vừa qua. Hy vọng, ông sẽ không “tự tử trong đồn công an” như rất nhiều những công dân Việt Nam (không may) khác. 


 

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Putin

 Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Ngày 17 tháng 3 năm 2023, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (ICC) ra lệnh bắt giữ Tổng Thống Nga Vladimir Putin vì đã vi phạm hàng loạt tội ác chiến tranh, kể cả việc bắt cóc trẻ con – theo như lời tố giác của giới truyền thông từ khắp mọi nơi:

Quàng cái khăn Phát Xít ngay vào cổ Putin như thế thì kể cũng hơi tội. Bởi đương sự chưa đáng gọi là học trò của Hitler, về quy mô cũng như bài bản, trong cái việc làm thất nhân và ác đức này. Wikipedia ghi nhận:

“Trong Thế Chiến Thứ Hai, khoảng 200 ngàn đứa bé người Ba Lan cùng nhiều trẻ em thuộc những chủng tộc khác đã bị đưa đến Đức để dùng vào việc lao động cưỡng bách, thử nghiệm y khoa, hay đồng hóa. During World War II, around 200,000 ethnic Polish children as well as an unspecified number of children of other ethnicities were abducted from their homes and forcibly transported to Nazi Germany for purposes of forced labourmedical experimentation, or Germanization.”

Còn Putin? Ổng bắt con nít để làm chi vậy kìa?

Từ Sydney, ký giả Helen Sullivan cho biết: “Mấy cuốn phim videos được phổ biến cho thấy trẻ con trong cầm cờ, hát quốc ca, học lịch sử Liên Xô và Nga. Chúng cũng được huấn luyện xử dụng vũ khí…” (“Thousands of Ukrainian Children Put Through Russian ‘Re-education’ Camps,” The Guardian – 14 Feb 2023).

Chà! Vụ này sao nghe hơi quen quen … Ngẫm nghĩ một lát mới nhớ ra là nó giống y chang như chuyện “Bắt Trẻ Đồng Xanh” ở xứ sở mình, hồi giữa thập niên 1960:

Đồng loạt, người ta phát giác ra trẻ em bị bắt ở khắp nơi trên toàn quốc Việt Nam Cộng hòa, từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Pleiku, Kontum, đến Mỹ Tho, Cà Mau, người ta gặp những toán trẻ em chuyển ra Bắc Việt bằng phi cơ từ Cam-bốt, hoặc bị dẫn đi lũ lượt trên đường mòn Hồ Chí Minh, nghĩa là bằng mọi phương tiện, một cách gấp gáp.

Họ bổ sung quân số đó chăng? – Không đâu. Trẻ bị bắt có hạng mới tám chín tuổi. Trong những trường hợp khẩn cấp, họ có thể tạm sử dụng một số trẻ con bắt được ngay tại địa phương; chứ thành lập những đơn vị con nít như thế để dùng ngay vào chiến cuộc này là chuyện điên rồ. Không phải bổ sung quân số đưa vào chiến cuộc đang kết thúc đâu, mà là họ đang tổ chức chiến cuộc mai sau đấy…

Như thế, chủ trương bắt đám trẻ em ở miền đồng bằng Nam Việt bát ngát, phì nhiêu đem ra xứ Bắc đông người đất hẹp, nhà cầm quyền Hà Nội đang bắt đầu chiến cuộc mai sau ngay từ lúc này, lúc mà chúng ta còn đang xôn xao mong ước ngưng chỉ chiến cuộc hiện tại… (Võ Phiến.“Bắt Trẻ Đồng Xanh.” Tạp Chí Bách Khoa 10/68)

Té ra là rứa! Rứa mới biết Putin cũng lo xa dữ lắm. Không phải là lo chuyện đối phó với Ukraine đâu vì theo dự tính thì thằng chả sẽ nuốt sống nó trong chớp mắt thôi. Thằng chả chuẩn bị nhân sự cho cuộc chiến tương lai dài lâu với cả khối NATO luôn nữa đó. Tham vọng dữ nha.

Tiếc là tài bất cập chí. Napoleon và Hitler đều đã từng quậy tưng bừng và quậy gần nát cả Âu Châu, trước khi cả hai phải nếm mùi cay đắng. Còn Putin thì chỉ mới xuất chiêu thôi (“chiến dịch quân sự đặc biệt”) cũng đã thấy yếu cơ rồi, và mỗi lúc lại càng thêm thảm hại khiến cho ngay cả mấy ông nhà báo đồng hương của tui cũng phải chê cười:

  • Lê Phú Khải: “Hơn một năm qua, sự sa lầy của quân xâm lược Nga ở Ucraina càng làm cho dân Nga bừng tỉnh về cái gọi là sức mạnh cường quốc quân sự Nga!”
  • Đinh Xuân Thái & Đinh Quang Anh Thái: “Dân Nga hiện giờ đã gọi Putin bằng cái tên miệt thị: ‘Thằng Pu! Và người Ukraine nào cũng tin tưởng sắt đá vào công cuộc bảo vệ đất nước của mình đến thắng lợi cuối cùng.” (Đinh Xuân Thái và Đinh Quang Anh Thái. Vinh Quang Cho Ukraine – Bút Ký Chuyến Đi Ukraine Và Ba Lan. Nxb: Culture Art Education Exchange Resource 2022).

Chiếm Ukraine không xong, “thằng Pu” lại còn bị ICC “dọa” bắt nhốt luôn nữa chớ. Tui thì ngay đến luật đi đường cũng còn rất mù mờ (nói chi đến chuyện luật lệ của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế) nên xin phép được mượn đôi lời bình luận của nhà báo Nhật Tân về sự kiện này:

“Lệnh này là lệnh đầu tiên được ICC ban hành về phương diện tội ác chiến tranh ở Ukraine. Lệnh cũng là một trong những trường hợp hiếm hoi nhắm vào một nguyên thủ quốc gia đương nhiệm. ICC dường như muốn đặt ông Putin vào tình huống tương tự của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi và Tổng thống Sudan Omar al-Bashir.

Ông Gaddafi bị lật đổ và bị hành quyết chỉ vài tháng sau khi lệnh về ông ta được công bố. Ông Bashir cũng bị lật đổ và hiện đang ngồi tù ở Sudan, mặc dù ông vẫn chưa được chuyển đến The Hague.

Nga không công nhận thẩm quyền của tòa án, và khẳng định vào thứ Sáu rằng họ không bị ảnh hưởng bởi các trát tòa. Nhưng ông Putin sẽ phải đối mặt với các giới hạn về quyền tự do đi lại tới 123 quốc gia thành viên của ICC, khiến ông và Nga bị đẩy vào tình huống bị cô lập sâu sắc hơn.”

Thực tế là ngoài đám đầu trâu mặt ngựa (Syria, Cuba, Nicaragua và Venezuela … ) thiếu đói thường trực ra, Putin chỉ có một đồng minh duy nhất đáng kể là Tập Cận Bình thôi. Chuyến đi Nga của họ Tập đã được VOA tường thuật, theo bản tin Reuters, như sau:

Ông Tập sẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên bắt tay với ông Putin kể từ khi Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) tống đạt lệnh bắt giữ ông Putin vào hôm 17/3 trước việc Nga đưa trẻ em Ukraine sang nước họ kể từ khi cuộc xâm lược khai mào.

Nga đang thể hiện chuyến đi của ông Tập, lần công du đầu tiên của ông Tập kể từ khi ông giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có, là bằng chứng cho thấy họ có một người bạn hùng mạnh sẵn sàng sát cánh với họ chống lại phương Tây thù địch mà họ cáo buộc đang muốn cô lập và đánh bại Moscow.

“Chúng ta có thể cảm nhận bối cảnh địa chính trị ở thế giới bên ngoài đang có những thay đổi triệt để,” ông Putin nói trong một bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc được đăng lại trên trang web của Điện Kremlin và nói thêm rằng ông kỳ vọng cao vào chuyến thăm của người bạn tốt lâu năm.”

Kỳ vọng của Putin – ngó bộ – hơi quá cao, nếu so với lời tuyên bố (không được hùng hồn gì cho lắm) của “người bạn tốt lâu năm” Tập Cận Bình: “Các vấn đề phức tạp không thể có giải pháp đơn giản.

Quả là đúng thế. Putin đã tạo ra một tình huống “phức tạp” đến độ chính y cũng không biết, hoặc không có, đường lui. Thằng nhỏ hết khôn dồn ra dại hay (vẫn nói theo kiểu dân gian VN) là khôn ba năm dại một giờ!


 

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Báo chí cách mạng

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả:  Tưởng Năng Tiến

20/06/2024

Bác sỹ Tom Dooley qua đời năm 1961. Mãi đến vài chục năm sau, tôi mới biết đến tác phẩm đầu tay của ông (Deliver Us from Evil) do Farrar, Straus & Cudahy xuất bản từ 1956. Đây là một tập bút ký, có hình ảnh minh hoạ đính kèm, về cuộc di cư ồ ạt (vào giữa thế kỷ trước) của hằng triệu người dân Việt. Họ ra đi chỉ với hành trang duy nhất là niềm tin vào tình người, và không khí tự do, ở bên kia vỹ tuyến.

Rồi họ đã được tiếp đón, hoà nhập và sinh sống ra sao nơi miền đất mới? Câu trả lời có thể tìm được – phần nào – qua một tác phẩm khác (Sài Gòn – Chuyện Đời Của Phố) của Phạm Công Luận, do Hội Nhà Văn xuất bản năm 2013. Xin trích dẫn đôi ba đoạn ngắn :

“Những người trong giới trí thức, nghệ sĩ miền Bắc chuyển vào Sài Gòn ấp ủ bao nhiêu hoài bão để thực hiện ở quê hương mới. Tuy nhiên, dù có nổi tiếng thì họ cũng phải đối diện với bao khó khăn để hòa nhập vào đô thị mà họ sẽ sống lâu dài này. Báo Đời Mới năm 1954 đã làm một chuỗi phóng sự hồi mới vào của các văn nghệ sĩ, có nhiều chuyện cảm động đáng suy gẫm về những gì họ đã gặp.

 Nhà văn Thượng Sỹ, một nhà văn nổi danh từ thời tiền chiến mà trong cuốn Bốn mươi năm nói láo, nhà văn Vũ Bằng thường nhắc tới. Gia đình ông vào Sài Gòn định cư chỉ có bốn người, gồm hai vợ chồng, đứa con nhỏ và chị giữ em. Tuy nhẹ gánh gia đình, tên tuổi từng nổi tiếng là nhà phê bình văn chương, cả nhà ông cũng gặp những khó khăn ban đầu…

 Một bữa, ra chợ mua đồ, bà vợ ông gặp một chị không quen, hỏi thăm qua lại thế nào mà chị nói ngay : ‘Thôi, chị cứ theo tôi về nhà ba má tôi. Chị nhận là bạn cũ của tôi, thế nào ông bà cũng cho ở đậu’. Cả nhà lại đến đó ở, một căn nhà lá rộng rãi ở đường Quang Trung, Gò Vấp. Ông bà chủ nhà đã lớn tuổi, còn làm việc được, chuyên nghề đúc ống cống xi măng.

 Ông bà nói ngay với khách lạ :‘Thầy cô cứ ở đây với tôi, khỏi phải mua giường chiếu, mùng mền, đồ bếp, tôi có sẵn cả. Tôi để thầy cô dùng chung. Gạo củi, mắm muối, cứ tự nhiên nấu cơm mà ăn!’ Bà chủ còn nói là bà không lấy một xu nhỏ.

 Gia đình Thượng Sỹ ở đó, không muốn lạm dụng lòng tốt của ông bà chủ nhà nên bà Thượng Sỹ xin tự lo ăn uống, chỉ ở nhờ thôi. Ông chủ nhà nói lên điều xuất phát từ đáy lòng : ‘Cô Hai chớ nề hà. Con gái tôi nói cho tôi hay thầy Hai làm báo, nên tôi quý thầy lắm. Vì bấy lâu nay đọc báo, tôi thấy các ông nhà báo luôn bênh vực anh em lao động chúng tôi. Tôi có phải nhịn ăn mà giúp thầy cô, tôi cũng vui lòng!”

 Sau này, nhà văn Thượng Sỹ nói với tác giả bài tường thuật thượng dẫn : ‘Tôi cứ tưởng sảy nhà ra thất nghiệp… nào ngờ tôi lại hai lần ‘sa’ vào hai cảnh gia đình lao động. Ấy cũng là tôi hái quả của một cây mà các anh vun bón cho tươi tốt…”

“Các anh” trong câu văn thượng dẫn – tất nhiên – là những nhà báo miền Nam, những người mà độc giả dù có phải “nhịn ăn mà giúp” vẫn cảm thấy “vui lòng” vì họ luôn đứng về phía những người cô thế. Miền Bắc cũng không thiếu những người cầm bút với quan niệm tương tự:

Tam Lang viết Tôi Kéo Xe năm 1932, Ngô Tất Tố sáng tác Tắt Đèn năm 1937, Nguyên Hồng xuất bản Bỉ Vỏ năm1938. Tác phẩm Con Trâu của Trần Tiêu đăng từng kỳ trên báo “Ngày Nay” từ số 140 (ra ngày 10/12/1938) trước khi được in thành sách, vào năm 1940.

“Ngày 14-12-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ‘Sắc lệnh về chế độ báo chí’, buộc người dân ra báo phải xin phép, chấm dứt trên miền Bắc thời kỳ ai muốn làm báo chỉ cần đăng ký mà người dân An Nam được hưởng gần một thế kỷ dưới thời thực dân Pháp.” (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, Westminster, CA: 2013). Bắt đầu từ đây thì sách báo hoàn toàn nằm trong tay Nhà Nước, và những người cầm bút buộc phải đứng cùng phe với những kẻ cầm quyền.

Ngày 21 tháng 1 năm 1960, hai công dân Việt Nam (Nguyễn Hữu Đang và Thụy An) bị kết án 15 năm tù vì tội “phá hoại chính trị” và “làm gián điệp” bởi Toà Án Nhân Dân Hà Nội. Vì đây là một phiên “toà kín” nên không ai biết hai nhân vật này đã “phá hoại chính trị” ra sao, và đã “làm gián điệp” cho “thế lực thù địch” nào – ngoài những người làm báo :

  • Báo Thời Mới(21/01/1960): Năm tên gián điệp phản cách mạng, phá hoại hiện hành cúi đầu nhận tội …Nguyễn Hữu Đang và Thụy An, đầu sỏ chủ mưu, bị phạt giam 15 năm và mất quyền công dân 5 năm sau khi hết hạn giam”.
  • Báo Nhân dân(21/01/1960): Trước tòa án, với những bằng chứng đầy đủ, bọn gián điệp nói trên đã nhận hết tội lỗi của chúng.
  • Báo Thủ đô Hà Nội( 21/01/1960): Tên Nguyễn Hữu Đang thú nhận: “Báo Nhân văn có tính chất chính trị ngay từ số 1. Mục đích của tờ báo là khích động quần chúng cùng với chúng tôi chống lại lãnh đạo”.
  • Báo Văn học(05/02/1960): Nguyễn Hữu Đang thú nhận: “Tư tưởng của chúng tôi là phản động nên chúng tôi ra tờ báo Nhân văn để chống đối lãnh đạo, kích động quần chúng làm áp lực đấu tranh”. Ngoài báo Nhân văn, Nguyễn Hữu Đang còn dùng nhà xuất bản Minh Đức làm một công cụ để chống cách mạng. Y cung khai:“Tôi đã biến nhà xuất bản Minh Đức thành một công cụ chống lãnh đạo.”

Không phải là vô cớ mà nhà văn Võ Thị Hảo kết luận : “Cấm báo chí tư nhân là tội ác.” Sự “ác độc” này được duy trì và nuôi dưỡng xuyên suốt gần hai phần ba thế kỷ qua :

  • Ngày 29/11/2006, T.T. Nguyễn Tấn Dũng ban hành chỉ thị 37/2006kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức.
  • Ngày 3/4/2019, T.T. Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 362/QĐquy định báo chí là phương tiện thông tin, quan trọng đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Cái cách mà Đảng và Nhà Nước xử dụng “công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng” từ hơn nửa thế kỷ qua, xem ra, đã trở thành thảm họa :

  • NS Tuấn Khanh: “Cũng cần có lúc, các nhà nghiên cứu về lịch sử nên đặt lại câu hỏi, vì sao ngày 21-6 hàng năm, được gọi là ngày Báo chí Việt Nam, chứ không phải gọi đúng tên là ngày báo chí của đảng Cộng sản Việt Nam?
  • FB Huynh Ngoc Chenh: “Người cộng sản rất tự hào mình là cộng sản tại sao nền báo chí của đảng không mang đúng tên lại phải lấp liếm qua thành báo chí cách mạng?”
  • Nhà báo Phan Anh: “Báo chí nước ta nó đã băng hoại tới mức độ không thể cứu vãn nổi, và nhiều kẻ điều hành nó cũng như những kẻ tham gia đóng góp cho nó đa phần là một lũ vừa ngu dốt vừa vô liêm sỉ đến cùng cực…”

Ông có nói quá chăng?

Câu trả ‘lời’ có thể tìm được qua tiêu đề của dăm/bẩy bản tin, xuất hiện trên “làng báo  cách mạng” vào những ngày tháng gần đây :

Tuổi Trẻ & Thanh Niên sa đọa tới cỡ đó lận sao? Cái được mệnh danh là những “nhà báo cách mạng”, hiện nay, chả lẽ chỉ rặt là một phường vô lại?


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Tuẫn Tiết

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Bên Thắng Cuộc phát hành cuối năm 2012, và được bỉnh bút Nguyễn Hùng (BBC) liệt kê là một trong “mười chuyện nổi bật” nhất trong năm. Cùng lúc, biên tập viên Mặc Lâm (RFA) cũng nhận xét rằng “cuốn sách đang gây sôi nổi cho cư dân mạng cả trong và ngoài nước” và đã khiến cho “người đọc ngỡ ngàng” vì “cái nhìn” của tác giả – một người sinh trưởng “từ bên kia” chiến tuyến :

“Các tướng lãnh như Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ hay Đại tá Đặng Sĩ Vinh lần lượt kết liễu đời mình trước sự chứng kiến của thuộc hạ hay vợ con dưới cái nhìn của Huy Đức là một sự tuẫn tiết…

Một điểm quan trọng nữa, Huy Đức viết: ‘Nhưng đấy vẫn chưa phải là những phát súng cuối cùng của cuộc chiến tranh. Nhiều quân nhân vô danh vẫn tìm đến cái chết trong những ngày sau đó.”

Mãi đến bốn mươi sáu năm sau, độc giả của nhật báo Người Việt – số phát hành vào hôm 6/12/2021 – mới có dịp biết đến tên tuổi của một số “quân nhân vô danh” này qua bài viết (“Những Anh Hùng Tuẫn Tiết Trong Ngày Tàn Cuộc Chiến Tại Việt Nam”) của ký giả Vann Phan:

“Ngoài ‘Ngũ Hổ Tướng’ ra, còn có các sĩ quan khác cùng các hạ sĩ quan trong Quân Lực VNCH và Cảnh Sát Quốc Gia đã chọn cái chết để đền nợ nước trước, trong và sau ngày 30 Tháng Tư, thay vì đầu hàng quân Cộng Sản…

Còn một số quân nhân thuộc nhiều binh chủng khác nhau trong Quân Lực VNCH thì đã tự sát tập thể để khỏi rơi vào tay quân địch, bằng cách cùng nhau mở lựu đạn hoặc đồng loạt nổ súng vào đầu nhau trong biến cố 30 Tháng Tư, 1975, thật vô cùng bi tráng.”

Nỗi “bi tráng vô cùng” này đã được nhà văn Cao Xuân Huy ghi nhận bằng đôi mắt ráo hoảnh, cùng những câu chữ trần trụi và khô khốc :

“Lại có rất nhiều người tự tử. Bây giờ họ không tự tử từng người, từng cá nhân mà họ tự tử tập thể. Không rủ, không hẹn và hầu như họ đều không quen biết nhau trước hoặc có quen biết đi nữa, bạn bè đi nữa họ cũng không thể nhận ra nhau trước khi cùng chết với nhau một lúc. Dòng người chúng tôi đang chạy, một người tách ra ngồi lại trên cát, một người khác cũng tách dòng người ra ngồi chung, người thứ ba, người thứ tư, người thứ năm nhập bọn, họ ngồi tụm với nhau thành một vòng tròn nhỏ, một quả lựu đạn nổ bung ở giữa.”

Cựu quân nhân Nguyễn Hữu Luyện bình luận: “Khi một binh nhì kê súng vào đầu mình để bóp cò, người ấy chỉ có một nguyên nhân uất hận được bộc lộ qua khí phách của quân nhân QLVNCH. Do đó, hành động tự sát của anh binh nhì nói lên cái khí phách tột đỉnh và tấm lòng son sắt vô song …”

Khí phách cùng tấm lòng sắt son của những người lính trận – buồn thay – vẫn thường bị lãng quên, nhất là khi họ thuộc bên thua cuộc :

“… những người lính chết trận và mất tích ở phía VNCH, chính thể đã sụp đổ vào tháng 4/1975, ít được biết tới và nhiều lúc đã trở thành đề tài cấm kỵ tại Việt Nam thời hậu chiến. Bị chính quyền mới ghẻ lạnh, đồng minh Mỹ lãng quên, các quân nhân VNCH tử trận chỉ được người thân, đồng đội cũ tưởng nhớ và kiếm tìm.” (Bùi Thư. “Hành Trình Tìm Hài Cốt Lính VNCH: 39 Năm, Anh Em Nằm Dưới Nền Đất Lạnh.” BBC – 28.04.2020)

Ở vào hoàn cảnh của những kẻ thuộc phe bại trận thì việc thu nhặt hài cốt hay tìm kiếm những nấm mồ vô thừa nhận của bạn đồng đội – tất nhiên – chả dễ dàng chi,  và cũng không mấy khi có được kết quả như mong đợi. Tuy thế, thỉnh thoảng, vẫn có những sự kiện ấm lòng:

  • Ngày 19 tháng 4 năm 2022, FB Dominic Phamcho biết thêm một tin vui: “Người dân Vũng Liêm, Tam Bình, Vĩnh Long đã đào được hài cốt người lính VNCH, với tấm thẻ bài: Nguyễn Văn Hài SQ 50/680.585LM A RH+. Hài cốt của anh đã được đưa vào Chùa. Xin vui lòng gọi 038 663 3049, 093 284 8449 để biết thêm chi tiết.”
  • Hôm 15 tháng 03 năm 2022 , trên trang FB Tìm Hài Cốt Chiến Sĩ VNCHcũng cho biết một tin mừng khác, đã được thực hiện từ 10 năm trước. Xin lược thuật :

Ngày 19-08-2011, ba cựu quân nhân VNCH đã đến Thị Xã Bà Rịa-Vũng Tàu vì nghe nơi đây có bốn ngôi mộ không bia của đồng đội, nằm trong vườn nhà ông Hai Lì – một cán bộ địa phương… Ông Hai Lì kể:

 “Tôi là dân Gia Đình Cách Mạng, mấy Ông Rằn Ri này gan lì lắm, mấy Ổng chống đến cùng dù có lệnh đầu hành của Tổng Thống Dương Văn Minh 30-04-1975, mấy Ổng chiến đấu cho đến trưa 01-05-1975 rồi cùng nhau tự sát và chính tôi là người chôn cất mấy Ổng, giấy tờ từng Ông tôi bỏ vào một cái hộp chôn theo các Ông.”

 Công việc bốc mộ được tiến hành, tất cả mọi người cùng hồi hộp chờ đợi từ nhát cuốc đầu tiên chạm vào ngôi mộ, sau đó hé lộ dần những hình hài của Các Anh đã chôn vùi nơi đây hơn 36 năm dài đằng đẵng…không Quan Tài, mà cũng chẳng có PONCHO bọc xác, chẳng còn gì với cát bụi thời gian, ngoài những mảnh xương tàn,quần áo đã mục nát …

 Chúng tôi cố tìm những mảnh giấy tờ đã được chôn theo Các Anh sau khi đã lượm lặt từng khúc xương còn sót lại, rồi cho vào từng hũ sành, ghi tên Các Anh, gởi vào Chùa và cầu xin cho Các Anh được siêu thoát khỏi chốn dương trần đầy khổ đau, tủi nhục này và điều mong muốn mãnh liệt nhất là thân nhân Các Anh sớm tìm gặp lại Các Anh sau bao năm dài vắng bặt tin tức…

Tất cả mọi người cùng ứa lệ mừng vui khi tìm được những tấm thẻ bài, giấy tờ, tên tuổi Các Anh …và đây là những vị Anh Hùng của chúng ta :

  • Ngôi mộ thứ nhất: Có Thẻ Bài tên TRƯƠNG VI CỬ SQ: 75/115.815.
  • Ngôi Mộ thứ hai: có Thẻ Bài tên VÕ QUANG HẰNG SQ: 68/123.320.
  • Ngôi Mộ thứ ba: (gồm có 02 người) trong đó Một Vô Danh không Thẻ Bài. Người có Thẻ Bài tên: TRẦN VĂN HÀ SQ: 67/824.827.

 Sau khi Bốc mộ xong, chúng tôi đã đem 04 hũ cốt gởi Chùa Báo Ân. Địa chỉ: Khu Công Nhân, Thị Trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu. Còn các Di Vật và giấy tờ liên quan kể trên, chúng tôi nhờ MĐ Đẹp giữ. Nếu tình cờ Quý Vị nào hoặc ai đọc được tin tức này hoặc cần biết thêm chi tiết cụ thể, xin vui lòng liên lạc theo số Phone, dưới đây: Nguyễn Văn Thành ĐT: 01645462458 hay

Lê Văn Đẹp ĐT: 01684118839.

Dù không phải là kẻ vô thần, tôi là một người vô đạo (hay khô đạo) bất kể đạo gì! Tuy thế, những dòng thông tin muộn màng (ghi trên) về bạn đồng đội vẫn khiến cho tôi cảm thấy có đôi chút an tâm và vô cùng an ủi.

Xin cảm ơn Trời, Đất, Chúa, Phật, Thánh Thần… Xin cảm ơn tất cả mọi người đã không ngại công khó, đã lập đài tưởng niệm, đã cải táng, đã lập mộ (cùng khói nhang ấm áp) cho những kẻ thuộc bên thất trận – dù chúng tôi đã không chu toàn được trách nhiệm bảo quốc an dân.


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Trương Năm

Ba’o Dan Chim viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Trước khi hạ cánh an toàn, Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh đã không quên bầy tỏ sự quan ngại sâu sắc về cái mối tình hữu nghị (rất) mong manh giữa nước ta và nước bạn: “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc.”

Nỗi lo lắng này cũng được ông Nguyễn Bắc Việt, Trưởng Đoàn Đại Biểu Quốc Hội Tỉnh Ninh Thuận, tận tình chia sẻ: “Hai nước xã hội chủ nghĩa lình xình với nhau như thế này, ai có lợi.”

Cả ông Đại Tướng lẫn ông Đại Biểu đều đánh đồng nhà nước Trung Hoa Lục Địa với hàng tỷ sinh linh ở mảnh đất này nên mới “tâm tư” như thế, chứ chuyện “hai nước xã hội chủ nghĩa lình xình với nhau” thì chả có liên quan gì đến đám dân đen cả. Người Tầu và người Việt – trước giờ – vẫn giao hảo bình thường, nào có vấn đề chi với nhau đâu.

Có vị cầm bút còn tin rằng giữa hai dân tộc này có chút tình “tương lân” nữa chớ. Mối tương lân của những người đồng bệnh: “Bắc Kinh sợ nhất cái gì?…Sợ nhất Việt Nam dân chủ. Vì, Bắc Kinh giống hệt Hà Nội: Đang ngồi trên kho thuốc nổ… Việt Nam dân chủ là tiếng gọi mênh mông được vẫy chào từ hàng triệu trái tim TQ bị đè nén bởi bạo quyền bấy lâu nay.” (Lê Phú Khải. Lời Ai Điếu, nxb Người Việt, CA: 2016).

Một người cầm viết khác (đã từng sống nhiều năm bên Tầu) cho biết thêm :

Tôi còn một bạn học, người Nam Kinh. Lúc “phái hữu” lên tiếng, anh từng bảo tôi: Chắc cậu cũng biết truyện “cô gái quàng khăn đỏ?” Chúng ta đấy. Cũng quàng khăn đỏ cả mà. Hỏi bà ơi, tại sao tai bà to thế? Bà nói: Để bà nghe thấu bọn phản động chúng nó thì thào. Thế sao mắt bà sáng thế? À, sáng mới thấy được chỗ chúng nó ẩn nấp. Còn răng? Sao răng bà to thế? Răng bà to để ăn thịt những đứa khỏe thắc mắc về bà…

Tôi hỏi anh:

– Người Trung Quốc nghĩ như cậu có nhiều không?

– Zen ma shuo ya? Nói sao nhỉ? Một nửa đi. Nhưng nửa kia có loa ở mồm và có súng trên tay. (Trần Đĩnh. Đèn Cù I, Westminster, CA: Người Việt, 2014).

Thảo nào mà tập thể người Hoa sinh sống ở VN luôn luôn được đối xử rất đàng hoàng, tử tế. Những nghệ sỹ nổi tiếng (La Hối, Hồ Dzếnh, La Quốc Tiến, Dư Thị Hoàn, Trịnh Hoài Giang, Phù Sa Lộc …) được quí mến, đã đành. Ông Tầu hủ tiếu, bà Tầu cháo huyết, chú Chệt bò bía, thím Chệt ve chai … cũng đều sống rất an lành và chan hoà tình nghĩa giữa vô số những chòm xóm khắp nơi.

Sau cuộc chiến tranh biên giới, và sau khi phong trào bài Hoa (do Hà Nội khởi xướng và Bắc Kinh cổ vũ) qua đi, người Tầu sinh trưởng ở nước Việt Nam vẫn được cả dân tộc này dành cho tất cả sự thương yêu cùng quí mến.

Xin đan cử một trường hợp nho nhỏ: chú Năm!

Ông tên họ đầy đủ là Trương Năm, và tên thường gọi là Năm Đậu Phụng. Gần đây, nhân vật này được tất cả mọi phương tiện truyền thông (báo chí, fb, youtube …) trong cũng như ngoài nước nhắc đến với rất nhiều thiện cảm và ưu ái :

Nhà báo Nguyễn Toàn mệnh danh chú Năm là “người bán hàng có tâm nhất Sài Gòn.” Ông còn viết thêm: “Chính bản thân tôi khi nhìn thấy túi đậu cũng vô cùng ấn tượng, tôi có niềm tin rằng phía sau những dòng chữ, nét vẽ này là cả một câu chuyện tuyệt đẹp.”

Chuyện đời của chú Năm, thực ra, không có chi “ tuyệt đẹp” mà còn chất chứa nhiều tình tiết rất thương tâm. Ông sinh trưởng trong một gia đình khá giả, chủ nhân của công ty Thuận Phát chuyên sản xuất xà phòng, trước 1975. Sau đó, sau chiến dịch đánh tư sản mại bản của nhà nước VN, doanh nghiệp này tiêu tán. Đại gia đình của chú Năm cũng tứ tán trong vụ “nạn kiều”.

Về sự kiện này, Wikipedia tiếng Việt có ghi nhận khái quát như sau :

“Vào năm 1978, số lượng người Hoa chiếm tới 70% trong số những người vượt biên từ Việt Nam bằng đường biển. Ngoài ra, có khoảng 250.000 người gốc Hoa vượt biên sang Trung Quốc bằng đường bộ tại biên giới phía Bắc từ tháng 4 năm 1978 đến mùa hè năm 1979…

Sau giai đoạn này, số Hoa kiều tại Việt Nam đã giảm một nửa (từ 1,8 triệu năm 1975 xuống còn 900.000 vào năm 1989), người Hoa đã không còn là thế lực kiểm soát nền kinh tế Việt Nam như trước nữa, và Việt Nam đã trở thành nước duy nhất ở Đông Nam Á thành công trong việc đồng hóa người Hoa.”

Vợ con của chú Năm thuộc trong số gần triệu Hoa Kiều đã “biến mất” khỏi VN. Còn tổng số cả người Tầu lẫn người Việt vượt biên nhưng không bao giờ đặt chân lên được đến bờ thì đến nay vẫn còn là một điều bí mật. Họ sống chết ra sao, lưu lạc phương nào thì chỉ Trời (may ra) mới biết. Dù vậy, là kẻ ở lại và là cột trụ của gia đình nên ông Trương Năm vẫn kiên tâm mong chờ ngày gia đình đoàn tụ.

Tuy không còn vốn liếng, và ngay cả không còn có khả năng trả tiền điện nước hàng tháng (và phải dùng nước mưa thay nước máy) nhưng chú Năm vẫn cố “biến” hãng xà phòng Thuận Phát của gia đình thành cơ xưởng sản xuất đậu phụng. Nói là “cơ xưởng” cho nó vui tai chứ mỗi lần ông chỉ “sản xuất” được chừng nửa ký, và bán với giá rất tượng trưng.

Nhà báo Hồng Vi nhận xét :

“Giữa thành phố hoa lệ, 2 ngàn đồng nhiều khi không đủ gửi một chiếc xe, mua một gói bánh, nhưng suốt bao năm, gói đậu phộng của chú Năm vẫn chỉ 2 ngàn đồng. Chú không bán nhiều, hai tuần bán một lần, mỗi lần chỉ bán 5-10 bịch để ‘quảng bá thương hiệu.’

Chú Năm mất khoảng 30 phút để làm một tờ thông tin sản phẩm. Vì chú là người Việt gốc Hoa nên tờ giấy được viết song ngữ Hoa – Việt. Không đủ tiền để in, chú mua một khúc gỗ về rồi ngồi đục đẽo thành bản in. Những tờ giấy sản phẩm ra đời bằng cách lấy mực quét lên khúc gỗ rồi in ra giấy, chữ nào nhạt, mất nét thì chú lấy viết đồ đậm lên. Cứ thế, những bịch đậu phộng ra đời bằng tất cả sự trân trọng và đôi tay tỉ mỉ của một người đàn ông.”

Với “đôi tay tỉ mỉ” và “bằng tất cả sự trân trọng” của chú Năm thì mỗi “tờ thông tin sản phẩm” (có lẽ) không chỉ thuần là thương hiệu mà còn là tín hiệu tình cảm gửi đến những người thân rằng nơi căn nhà cũ vẫn có người cha luôn chờ trông đến ngày đoàn tụ – như cách đặt tựa của đôi ba tác giả :

Xem ra: cha Tầu, cha Việt, cha Lào, cha Miên, cha Miến, cha Tây, cha Mỹ, cha Úc, cha Nhật, cha Angola, cha Mozambique  … cũng đều là cha cả. Các ông cha luôn lừng lững tựa núi Thái Sơn. Các bà mẹ cũng thế, cũng đều triền miên “như nước trong nguồn chảy ra.” Tuy thế, việc “thờ mẹ kính cha” thì xem ra mỗi ngày một hiếm. Thường thì đám con chỉ nhớ đến công ơn phụ mẫu khi song thân đều (đà) khuất núi.


 

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Thích Minh Tuệ

 Viet Bao

14/06/2024

Các thầy chỉ có hai con đường: một là theo, hai là chống. Các thầy theo, chúng tôi dành nhiều thứ ủng hộ các thầy. Còn chống, chúng tôi có đủ xe tăng thiết giáp. Các thầy muốn chống thì chống đi!” Mai Chí Thọ – Đại tướng công an nhận dân V.N.

Tôi may mắn được bằng hữu gửi cho cuốn băng ghi âm buổi nói chuyện (“Định Hướng Tương Lai Với Thế Hệ Tăng Sĩ Trẻ Ngày Nay”) của Thích Tuệ Sỹ, tại chùa Từ Hiếu. Khi đề cập đến sự “căng thẳng” giữa quý vị sư tăng bên Viện Hóa Đạo và nhà đương cuộc Hà Nội, về quyết định khai sinh ra Giáo Hội Phật Giáo Quốc Doanh – vào năm 1981 – Hòa Thượng có nhắc lại lời phát ngôn (rất độc đáo và thú vị) của một vị tướng lãnh trong của lực lượng công an:

“Ông Mai Chí Thọ nói thế này: Các thầy chỉ có hai con đường: một là theo, hai là chống. Các thầy theo, chúng tôi dành nhiều thứ ủng hộ các thầy. Còn các thầy chống, chúng tôi có đủ xe tăng thiết giáp. Các thầy muốn chống thì chống đi”!

Ông đại tướng – có lẽ – chỉ dọa chơi, theo thói quen của kẻ lắm quyền thế (thế thôi) chứ cái nhà nước hiện hành ở VN không đến nỗi quân phiệt, võ biền và thô bạo tới cỡ đó đâu. Họ thiếu gì cách “thuyết phục” hay “khiếp phục” giới tu sỹ mà đâu phải dùng đến súng đạn (nhập cảng) chỉ cần sản phẩm địa phương là cũng đủ ăn rồi:

Sáng hôm 7 tháng 6 năm 2024, Mục Sư Nguyễn Hồng Quang tâm sự qua FB: “Nhà bị ném mắm tôm … khoảng 10kg suốt 1 năm.” Hồi đầu tuần, hôm 3 tháng 6 năm 2024, RFA cũng ái ngại loan tin:

“Một ngôi chùa của Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (gọi tắt là Tăng đoàn) tiếp tục bị kẻ xấu hắt mắm tôm trong đêm, không lâu sau lễ Phật đản bị phá rối ở Huế… Vị sư trụ trì cho hay, họ chửi bới om sòm trước sự chứng kiến của nhiều Phật tử. Sau đó, ông còn thường xuyên nhận được lời đe doạ ‘ra đường coi chừng bị tông xe’ từ một số điện thoại di động”.

Hắt mắm tôm hay vứt cứt vào nhà,vào chùa, và đe dọa xe tông (tất nhiên) không phải là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng. Nhà nước, thường khi, vẫn xử dụng những phương cách văn minh và thu phục nhân tâm hơn – thấy rõ:

–         Chủ tịch nước trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Giáo hội Phật giáo

–          Trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho 2 vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo 

–         Hòa thượng Thích Thanh Tứ được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh 

–         Thượng tọa Thích Thiện Chiếu được trao tặng Huân chương Lao động 

–         Truy tặng Huân chương cho Hòa thượng Thích Thế Long

–         TT.Thích Chân Quang nhận danh hiệu Nhân tài đất Việt

–         Thầy Thích Trúc Thái Minh Nhận Bằng Khen 

–         Chùa Ba Vàng nhận bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang

Thảo nào mà có vị thức giả nhận xét: “Sau hơn 40 năm, có thể sẽ không cần phải dùng đến xe tăng hay thiết giáp để dẹp bỏ một giáo hội. Bản thân sự suy đồi của giáo hội đó đã đập tan hình ảnh của họ trong mắt công chúng rồi”. (Trần Phương. “Khởi Điểm Suy Đồi Của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam”. Tạp Chí Luật Khoa – 05/21/2024).

Ai cũng tưởng vậy nhưng không phải vậy đâu. Tưởng vậy là tưởng tầm bậy và tưởng năng thối. Câu văn thượng dẫn chưa kịp ráo mực thì một ông thầy tu lộ diện, bất ngờ như một vị bồ tát giáng trần, và kỳ diệu như “cơ trời” (hay “điềm trời”) vậy:

“Trong bối cảnh nêu trên, bỗng xuất hiện Thích Minh Tuệ như ánh đuốc nhiệm màu, soi sáng căn hầm hỗn độn, mung lung u tối… Với thân hình gầy còm nhưng dẻo dai phi thường, gương mặt cháy nắng chất phác, nụ cười hiền hậu, lời nói chân thật, mộc mạc và nhất là hành trì tu tập theo Hạnh Đầu đà đã sáu năm, Minh Tuệ hiển hiện lên là người Việt Nam, tu THẬT. Vì thế hình ảnh Minh Tuệ đã làm rung động hàng triệu con tim, lóe lên niềm tin và hy vọng vào Tam pháp bảo, vào những điều tốt đẹp mà người dân đang khát khao, tìm kiếm”. (Mạc Văn Trang. “Cơ Trời”. Sài Gòn Nhỏ – 04/06/24).

Ủa! Chớ “Hạnh Đầu Đà” là “pháp môn” chi (tu tập ra sao) mà có thể biến một vị hành giả thành “một ánh đuốc nhiệm màu” và “làm rung động hàng triệu con tim” –  như vậy?

Trong thông bạch của Hội Đồng Điều Hành Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (đọc được qua FB của Hòa Thượng Thích Không Tánh) Tỳ kheo Thích Viên Định cho biết:

“Tu sĩ Thích Minh Tuệ là một người giữ giới luật, tu theo hạnh đầu đà của Phật dạy, không nhà không cửa, không chùa viện, am thất, rày đây, mai đó, ngày ăn một bữa, mặc y phấn tảo, ngủ dưới gốc cây, nơi đất hoang, nghĩa địa, tự do tự tại, không nơi cố định, đúng phẩm hạnh một vị tu sĩ Phật giáo, mọi người ai cũng kính phục, noi theo, công nhận đúng là một tu sĩ Phật giáo, thì còn cần gì phải theo giáo hội này, tổ chức kia cho thêm phiền phức, buộc ràng” ?

Chúa/Phật/Thánh/Thần ơi! Ổng tu kiểu đó thì xe tăng/thiết giáp kể như là đồ bỏ? Cứt đái và mắm tôm e cũng không đắc dụng. Bằng khen với bằng tưởng lục thì kềnh kàng quá, bỏ sao lọt vô cái ruột nồi cơm điện. Còn huân chương làm sao đính (dính) vào được y phục “làm bằng những mảnh vải rách” tươm. Và dọa “tông xe” thì e là chuyện lố bịch, đối với vị hành giả đã từng đi (chân trần) xuôi ngược Bắc/Nam – đến đôi ba bận!

Hèn chi mà cả làng Ba Đình (Hà Nội) đều đứng ngồi và ăn ngủ không yên, theo ghi nhận của cư dân mạng:

–         Trà Đóa: “Liệu người ta có thể làm gì được một người đã buông bỏ triệt để?

như đấm vào hư không thôi”.

–         Le Anh Hung: “Cả một hệ thống hùng mạnh với ‘cơ đồ, tiềm lực, uy tín quốc tế chưa bao giờ được như bây giờ’ mà phải sợ hãi một người chỉ có độc cái ruột nồi cơm điện trên tay, đầu trần chân đất, ngày ăn một bữa. Lạ thay và cũng kỳ diệu thay”!

–         Chau Trieu: “Đế quốc nào cũng đánh thắng, kẻ thù nào cũng khuất phục… nhưng lại sợ một khất sĩ không tài sản không vũ khí”.

–         Inra Sara: “Ông Minh Tuệ đã trồi lên. Sẽ còn nhiều ‘minh tuệ’ khác nữa – ở mọi thành phần, dưới mọi hình tướng, tình huống, cấp độ. Chắc chắn”!

Nếu “chắc chắn” như vậy thì phải “cất kỹ” cái ông khất sỹ này thôi, cho nó chắc ăn – đúng như dự đoán của luật sư Đặng Đình Mạnh: “Dù không hề có chủ đích, nhưng vị hành giả đã là mối đe dọa, thách thức về an ninh đối với chế độ vì khả năng hiệu triệu công chúng một cách tự nhiên, nên sự lộ diện của ông ở nơi công cộng, hoặc ở bất kỳ nơi nào công chúng biết là điều không  thể được chấp nhận”.

Thế là sư Minh Tuệ (bỗng) biến mất tiêu!

Ngày 5 tháng 6, RFA vội vã loan tin: “Sư Thích Minh Tuệ mất tích: Dân biểu Hạ viện California và tổ chức quốc tế bày tỏ quan ngại.”

T.S Nguyễn Minh Diện cũng lo sốt vó: “Đã sang ngày 6.6.2024, và chưa có bất cứ thông tin, hình ảnh, video nào xác thực Ngài Minh Tuệ hiện ra sao và đang ở đâu. Đã xuất hiện nhiều tin đồn rất lo ngại”!

Cùng với “nhiều tin đồn rất lo ngại,” cũng có không ít người bầy tỏ một thái độ an nhiên và bình thản:

–         Mạc Văn Trang: “Sứ mệnh của Minh Tuệ xuất hiện một lần trong tháng 5/2024 vậy cũng đủ”.

–         Doan Thuy: “Dù không thể tiếp tục hành trình Bắc Nam như dự kiến ban đầu nhưng Thầy Minh Tuệ đã hoàn thành xong sứ mệnh lan tỏa Chánh Pháp, thức tỉnh tâm đạo, soi rọi bản ngã và sự giả hình của mỗi người trong chúng ta bằng chính những bước chân khổ hạnh của mình”.

–         Nguyễn Đình Bổn: “Ông xuất hiện giữa đời như một tia chớp kèm tiếng sấm động đến chân tâm, như một ánh sáng của tuệ nhãn rọi nguyên hình bọn yêu ma đội lốt tu hành. Dù hôm nay ông biến mất hay sẽ xuất hiện ở một nơi nào đó thì ‘việc của ông’ đã hoàn tất”.

Những nhận định trên khiến tôi nhớ đến bài kệ của Thiền Sư Hương HảiNhạn quá trường không/ Ảnh trầm hàn thủy/ Nhạn vô di tích chi ý/ Thủy vô lưu ảnh chi tâm. Nhạn bay trên không/ Bóng chìm đáy nước/ Nhạn không có ý để lại dấu tích/ Nước không có ý lưu giữ bóng hình.

Thích Minh Tuệ cũng chả “có ý để lại dấu tích” chi đâu, và chắc cũng chả có “sứ mệnh” gì ráo trọi. Sự xuất hiện của ngài chỉ để chứng thực cái điều giản dị này thôi: Dù ở Việt Nam có xe tăng, đại pháo, cứt đái, mắm tôm (cùng đủ cỡ huân chương, và đủ cách tông xe) chăng nữa, cái chế độ toàn trị ở xứ sở này vẫn không ngăn được sự xuất hiện của một vị bồ tát – ngay giữa ban ngày!

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Làm báo

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Tưởng gì chớ làm báo, và viết báo thì tôi rành rẽ (lắm) ngay từ lúc thiếu thời. Toàn là những chuyện không vui, hay những kinh nghiệm rất buồn.

Bài viết đầu tiên của tôi xuất hiện ở tạp chí Phổ Thông năm 1967. Dù có ghi rõ ngay ở trang đầu “lấy nhuận bút” nhưng tôi không nhận được đồng xu cắc bạc nào ráo trọi, báo biếu hay thư cảm ơn (suông) cũng khỏi có luôn.

Đúng là một “cái tát” đầu đời, dành cho một mầm non văn nghệ, ở tuổi 15! Từ đó – thỉnh thoảng – tôi lại nhận được thêm vài “cái tát” nữa của quí vị chủ nhiệm/chủ bút, hay … chủ chợ!

Suốt những năm của thập niên 1980, khi vừa mới chân ướt chân ráo đến California, tôi cùng vài người bạn hì hục làm báo và nhà xuất bản Nhân Văn. Độc giả dài hạn không nhiều, khoảng năm bẩy trăm thôi, tiền mua báo chỉ vừa đủ chi trả cho ấn phí và bưu phí.

Chúng tôi cũng kiếm thêm được chút đỉnh nhờ vào quảng cáo, và sách báo bán ngay tại địa phương. Còn số gửi đi những thành phố khác, và tiểu bang xa thì kể như mất trắng. Hiếm có ông bà chủ tiệm, hay chủ chợ, nào sòng phẳng lắm.

Tôi viết báo bị chạy tiền (liền liền) và làm báo bị giật tiền (liên miên) nên nói chuyện sách báo không khỏi cảm thấy đôi chút ngại ngần hay cay đắng.

Tâm cảm buồn phiền này chỉ mới hoàn toàn biến mất trong những ngày qua, sau khi tôi tình cờ được biết qua về tờ báo Hợp Đoàn, phát hành từ Trại Trừng Giới A20 – ở Phú Yên.

Sao lại làm báo trong tù, và cách nào hả Trời?

Một trong những nhân vật chính trong cuộc, A-20 Nguyễn Chí Thiệp (tác giả Trại Kiên Giam – nxb Sông Thu 1992) cho hay :

Trao đổi ý kiến với Trần Danh San và Vũ Văn Ánh, chúng tôi đồng ý với nhau cần phổ biến rộng rãi hơn những hiểu biết ít ỏi về chế độ Cộng sản, về những vấn đề trọng đại của thế giới, để cùng nhau có những cái nhìn xa hơn và sẵn sàng chấp nhận một thời gian tù đày lâu dài, có một niềm tin là chế độ Cộng sản sẽ sụp đổ…

Đúng như tên Hợp Đoàn do anh Vũ Văn Ánh đặt cho tờ báo, Hợp Đoàn thể hiện được phần nào sự đoàn kết, nó không thuộc tổ chức chính trị nào. Ánh, tôi và các em sĩ quan trẻ như Nhì, Ngọc, Cường, Hải… và hai em sinh viên Vũ Văn Dũng và Nguyễn Thanh Nhàn trên lập trường Quốc gia chống Cộng sản.

Không ai tham gia một tổ chức chính trị nào, chỉ có anh Trần Danh San, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền, đảng viên Duy Dân, những bài viết của anh trên lập trường chính trị đó, Ánh và tôi đồng ý là tờ Hợp Đoàn sẽ đăng tất cả các bài vở của tất cả các quan điểm chính trị Quốc gia nếu họ đóng góp, dĩ nhiên là trên lập trường chống Cộng.

A-20 Phạm Đức Nhì cho biết thêm :

Đó là một quyển vở học trò khoảng 60, 70 trang bị cắt ngang mất non nửa; giấy trắng tinh, bóng láng, đươc khâu lại cẩn thận. Trang bìa là 2 chữ Hợp Đoàn khổ lớn, được trình bày rất khéo và đẹp. Lật qua vài tờ thì thấy tờ báo được viết tay, chữ đẹp và rõ ràng, dễ đọc, trình bày trang nhã, bắt mắt.

Nội dung các bài viết đều là những vấn đề thời sự nóng bỏng hấp dẫn ở trong trại và ngoài đời. Tôi đọc ngấu nghiến một lúc là hết. Hết mà vẫn thòm thèm, cứ tiếc là tờ báo không dầy thêm vài chục trang nữa. Có thể nói giọng văn truyền cảm và các đề tài thiết thực của tờ báo đã chinh phục tôi hoàn toàn…

Cứ thế, trong khoảng hơn 5 tháng, Vũ Ánh đã cho ra lò 3 số Hợp Đoàn; số sau đẹp hơn, hay hơn số trước. Khi phong trào chống đối ở trong trại lên cao; những người tù đã đồng lòng chây lười (một cách hợp nội quy) khi đi lao động; khi họp hành, học tập thì miệng câm như hến; khi cần phát biểu thì chỉ trích chế độ ăn uống quá thiếu thốn, lao động quá nặng nhọc mà chế độ thăm nuôi, quà cáp quá khắt khe.

Đúng lúc ấy, một số người tù bị coi là ‘nguy hiểm’ lần lượt đi vào xà lim mà không có lý do gì hết. Vũ Văn Ánh là người đầu tiên trong số họ xỏ chân vào cùm. Tờ Hợp Đoàn mất Sáng Lập Viên kiêm Chủ Bút, kiêm Tổng Thư Ký Tòa Soạn tạm thời đình bản…

Sau đó, do độc giả yêu cầu tha thiết quá, anh San, anh Thiệp, Ngọc Đen, Hải Bầu, Vũ Mạnh Dũng đề nghị tôi làm Thư Ký Tòa Soạn. Nhiệm vụ của tôi là đọc, sửa chữa, sắp xếp bài vở rồi giao cho Hải Bầu lên khuôn. Tôi biết kiến thức, khả năng của mình còn chưa tương xứng với công việc có trách nhiệm lớn lao như vậy, nhưng lúc đó tôi bị liệt hai chân, không phải đi lao động nên có điều kiện thuận lợi hơn các anh em khác. Thêm nữa, cái máu liều của thằng lính nhảy dù trong tôi vẫn còn nóng hổi nên tôi đã không từ chối. Hợp Đoàn tiếp tục một cách an toàn được 2 số nữa.

Cái giá phải trả cho năm số báo Hợp Đoàn – tất nhiên – không rẻ. Lần lượt từ ban biên tập, cộng tác viên phát hành (và cả độc giả nữa) đều bị vô cùm hết ráo. Kẻ vài ba tháng, người sáu bẩy năm.

A-20 Nguyễn Thanh Khiết cảm thán :

Sáu năm biệt giam

ba muỗng nước, ba muỗng cơm

chưa lần lung lay ý chí

một đời anh – một đời sĩ khí

bước thấp, bước cao cắn nhục mà đi

ngọn bút hiên ngang

thay làn tên mũi đạn

giữa trại thù nét mực chưa phai

 Thế đâu đã thôi!

Làm báo chui trong một xã hội theo chế độ toàn trị đã là một chuyện động trời rồi, nói chi đến việc phát hành một thứ underground press giữa một trại tù được mệnh danh là Thung Lũng Tử Thần :

Tôi không biết có phải do ảnh hưởng của việc Hà Nội thỏa thuận chương trình Tìm Kiếm Người Mỹ Mất Tích hay Chương trình nhân đạo đưa những cựu tù nhân cải tạo đi tái định cư ở Hoa Kỳ hay không mà một số anh em chúng tôi được chuyển về một trại gần Saigon hơn, đó là trại Z-30A Xuân Lộc thuộc tỉnh Long Khánh, một trại mà cuộc sống của tù nhân cải tạo tương đối thoải mái hơn so với A-20… nhóm chúng tôi gồm T.D.S, N.C.T và Ng. “đen” lại bị di lý về nhà tù số 4 Phan Ðăng Lưu trước cửa chợ Bà Chiểu năm 1986 để ra tòa vì công an Saigon đã nắm được bằng chứng chúng tôi bí mật cho ra tờ Hợp Ðoàn ở A-20.

 Nhưng khi hỏi cung xong và có bản cáo trạng đòi án chung thân đối với 4 người chúng tôi và theo kế hoạch nhà cầm quyền dự tính đưa ra xử trước tòa ngay sau vụ xử nhà văn Doãn Quốc Sỹ và Dương Hùng Cường, nhưng vào giờ chót Viện Kiểm Sát lại quyết định không truy tố nữa … (Vũ Ánh. Thung Lũng Tử Thần. Người Việt Books: 2014).

Cái quyết định bất ngờ này, theo thiển ý, chả phải vì “chương trình nhân đạo” nào cả mà chỉ vì nhà đương cuộc Hà Nội (“vào giờ chót”) bỗng chợt nhận thức được rằng khoác thêm cái bản án chung thân cho những con người đã trải qua gần hết đời mình trong những trại biệt giam (mà không hề nao núng) chả phải là chuyện khôn ngoan.

Thêm một phiên tòa dành cho tờ Hợp Đoàn chỉ giúp cho công luận thấy được rõ hơn sự tàn bạo của chế độ hiện hành, cùng tính chất bất khuất và can trường của những kẻ thuộc bên thua cuộc mà thôi.

Chỉ có điều đáng tiếc là cái tinh thần Hợp Đoàn đã không “nở hoa” nơi vùng đất tự do, theo như lời “phàn nàn” của chính người chủ xướng, nhà báo Vũ Ánh :

 Sống trong một cộng đồng mà lúc nào cũng nghe những lời kêu gọi đoàn kết để chống Cộng nhưng ngược lại lúc nào cũng chỉ nghe thấy, đọc thấy những tranh cãi về một chuyện rất nhỏ nhặt chẳng hạn như con số người đến tham dự một buổi sinh hoạt nào đó, tổ chức này không ngồi chung hay đứng chung với tổ chức kia, không những thế lại còn ngáng chân nhau, chỉ trích nhau thậm tệ, liệu có ai là không thấy ngượng không ?

Thế mới biết tự do cũng giống y như thời giờ và tiền bạc vậy, hễ cứ có thừa là thế nào cũng bị lạm dụng hay phung phí. Cái gì hiếm thì mới quí!


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Làng Sher & Thôn Bàn Thạch

 Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

“Trải qua hàng ngàn năm, làng Sher, một cái làng nhỏ tí ở Tây Tạng, vẫn bám lấy cái sống dù ở một vị thế sinh tồn khắc nghiệt, một thềm đất hẹp nằm chênh vênh trên một sườn núi dựng đứng. Ở vị thế khô cằn này của cao nguyên Tây Tạng, lượng nước mưa hàng năm chỉ được khoảng dưới 10cm.

Nhưng từng giọt nước đều được thu giữ trong một hệ thống tưới tiêu có từ thời thượng cổ. Nhiệt độ trung bình hàng năm luôn gần ở mức đóng băng (Zero độ Celsius) còn từ tháng Chạp đến tháng Hai thì hàn thử biểu bao giờ cũng lơ lửng trong khoảng – 6 đến 10 °C.

Loài cừu ở đây có bộ lông cực dầy, giữ ấm rất tốt; lông cừu được quay và dệt thành áo quần và chăn đắp giúp dân làng chịu cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông vì họ không có gì khác hơn ngoài chút hơi ấm của bếp lò. Nhà tranh vách đất cứ mười năm thì phải lợp lại, và những cây liễu trồng dọc theo bờ kinh được dùng vào việc này.

Khi một cành bị cắt đi để làm mái, một nhánh khác sẽ được ghép vào. Cây liễu có thể sống tới bốn trăm năm, và khi cây chết thì người ta sẽ trồng một cây mới. Chất thải được tái chế thành phân bón để trồng cỏ, rau và lúa mạch – nguồn thực phẩm chính ở nơi đây, gọi là tsampa – và những loại rau có củ dành cho mùa đông.

Trải qua nhiều thế kỷ dân số của làng Sher vẫn giữ nguyên, chừng ba trăm nhân khẩu. Ông Jonathan Rose, một người làm nghề xây cất và cũng là người sáng lập ra phong trào nhà xanh và hợp túi tiền, đã học hỏi được nhiều điều qua cách sinh tồn khôn ngoan mà dân làng Sher đã tìm ra trong cái hốc nhỏ bất an của họ. Rose nói: Một ngôi làng có thể sống hàng ngàn năm trong một hệ thống sinh thái như thế thì đúng là bền vững thật sự.”

Đoạn văn dẫn thượng được chuyển ngữ bởi dịch giả Nguyên Trường, và được trích dẫn từ tác phẩm Ecological Intelligence của Daniel Goleman (Broadway Business xuất bản năm 2009). Ngôi làng nhỏ được nhắc đến trong cuốn sách này khiến tôi lên tưởng đến con sông Bàn Thạch, ở Tam Kỳ.

Tôi chưa bao giờ có cái may mắn được bước chân ra đến miền Trung của đất nước mình nên chỉ biết con sông nhỏ bé, và thơ mộng này, qua ngòi bút của tác giả Huỳnh Thục Vy:

“Sông Bàn Thạch là một con sông rất đẹp. Sông chia làm hai nhánh, giữa hai nhánh sông là một cồn đá, chiều dài hơn 1km, khoảng giữa rộng nhất khoảng 200m, hai đầu hẹp dần. Người ta gọi cồn này là: ‘Cồn Thị’ vì ở đó có những cây thị rất lớn, cao 20m, vòng gốc 10 người ôm.

Theo lời ba tôi kể lại, cồn thị là một cồn đá, hai đầu cồn đá này là hai bãi sình, ở đó là một rừng cây ‘rán’, một loại dương xỉ lớn. Trong rừng dương xỉ có rất nhiều chim, chim Áo đà (vì nó có bộ lông màu đà giống áo nhà sư – mõ trắng rất đẹp) chim vành khuyên, chim mía, và rất nhiều cò, những con cò đậu vắt vẻo trên lùm cây bần, cây đước, chúng sống và làm tổ ở đó.

Những buổi chiều, khi đèn đường bật lên, những con cò về đậu đầy trên những lùm cây đó. Tiếng kêu trầm đục buồn buồn. Sông Bàn Thạch sâu và thơ mộng lắm. Dưới sông đầy cá, cá bơi lội tung tăng đùa giỡn trong làng nước trong xanh. Cá nhiều đến nỗi từ trên cầu nhìn xuống chân cầu, cá tập trung thành từng bầy nhung nhúc, cá Hồng, cá Hanh, cá Tràng, cá Nâu, cá Dìa, cá Gáy, cá Thác lác, cá Căn…

Nhưng đó là ký ức của ba tôi. Giờ đây trước mặt tôi là một dòng sông chết, nước sông đen ngòm, hôi thối và đặc quánh. Dòng sông cạn vì rác mà người dân chung quanh đó đổ xuống, rác nhiều đến nỗi làm nghẽn cả dòng, còn đôi bờ thì dần thu hẹp lại.

Trên dòng sông đó lềnh bềnh những xác chết súc vật, ngập ngụa phân người trong những túi nilon, đủ thứ rác. Từ giường chiếu, mùng mền cũ, bao ximăng, bao đựng gạo, vỏ trái cây, rau sống, áo quần cũ và cả băng vệ sinh phụ nữ ‘siêu mỏng.’ Mặt nước sông phủ một lớp rêu xanh, dập dềnh xác súc vật trong làn nước đặc quánh dầu mỡ người ta xả ra từ những chiếc ghe cá và từ khắp nơi gần đó. Bây giờ cá đã chết, chim đã bay xa. Cồn Thị bây giờ không còn cây Thị nào, người ta đã đốn đi rồi.”

Dân làng Sher đã trải qua hàng ngàn năm trong một môi trường sống hết sức khó khăn. Họ canh tác trên những thềm đất cheo leo bên sườn núi dựng, với lượng nước mưa rất hạn chế, và trong điều kiện khí hậu vô cùng khắc nghiệt.

Tuy thế, họ có rất nhiều hy vọng sẽ có thể tiếp tục sinh tồn hàng ngàn năm nữa vì  vẫn giữ nếp sinh hoạt theo những thói quen “chịu thương chịu khó” của truyền thống cũ: chắt chiu từng giọt nước mưa, trân trọng tháp từng cành liễu, và không bỏ phí bất cứ thứ gì – kể cả phân người.

Chỉ có vài ba trăm nhân khẩu, sống chênh vênh trên một sườn núi dựng giữa rặng Hy Mã Lạp Sơn, dân làng Sher khó có cơ may được cắp sách đến trường. Tỷ số thông minh (IQ) của họ, vì vậy, e khó được cao nhưng EQ (ecological quotient) của những con người rất mẫn tuệ về khía cạnh thông minh sinh thái (ecological intelligence) này chắc chắn là không thể thấp.

Dân ở Bàn Thạch Thôn (Quảng Nam) thì ở vào một hoàn cảnh và môi trường khác hẳn. Họ được thiên nhiên ưu đãi hơn nhiều. Việt Nam không có những mùa Đông băng tuyết. Vũ độ ở xứ sở này lại được tính (hào phóng) theo đơn vị mètre, nghĩa là cả trăm inche. Riêng Bàn Thạch Thôn vừa gần biển lại gần sông, một dòng sông vốn “nhung nhúc cá.”

IQ của người dân ở vùng đất Ngũ Phụng Tề Phi, tất nhiên, cao ngất nhưng EQ của họ thì e hơi dưới trung bình. Cứ nhìn “xác chết súc vật, phân người, mùng mền chiếu gối, vỏ trái cây, rau sống, áo quần cũ, băng vệ sinh phụ nữ… lềnh bềnh… trong làn nước đặc quánh dầu mỡ” trên sông Bàn Thạch là đoán được thôi.

FB Huỳnh Ngọc Chênh mới vừa cất tiếng kêu Trời: “Sông Cổ Cò đã thành dĩ vãng rồi.”

Ôi, nào có riêng chi Cổ Cò và Bàn Thạch ở Quảng Nam. G.S Nguyễn Văn Tuấn ta thán: “Những con sông VN đang chết vì chúng đã biến thành những bãi rác di động khổng lồ.”

Ông có hơi quá lời chăng? Hổng dám quá đâu. Khắp đất nước mình có con sông nào mà không đang ngắc ngoải:

Nhà báo Tạ Phong Tần cũng có bài tường thuật (“Việt Nam: Tất Cả Đều Đổ Ra Sông”) với rất nhiều dữ kiện rất đáng quan ngại: “Hiện nay, nhiều con sông ở Hà Nội đã bị biến thành sông rác. Rất nhiều loại phế thải từ dịp tết, từ những cành đào, quất chưng xong sau tết bỏ đi đến lá gói bánh chưng, vỏ hộp mứt kẹo, chiếu rách, bàn thờ cũ… được tập trung vứt xuống sông.”

Tất cả đều “tuồn” ra sông, rõ ràng, không phải là một cung cách sống. Đó là một kiểu tự sát tuy không chết ngay nhưng chắc chết, chết chắc, và chết hết. Không dân tộc nào có thể sống mãi bên những dòng sông chết chậm, và trong tay của bọn thực dân nội địa – những kẻ sẵn sàng tháo cạn nước của một dòng sông hay đốt cháy nguyên một khu rừng, chỉ vì cần thêm vài con cá nướng trui (để nhậu chơi) trước bữa cơm chiều. 


 

 S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Cờ Đỏ & Lọ Đen

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Bà chị đi lấy chồng đúng vào lúc tôi vừa đủ lớn để giã từ tuổi thơ, vĩnh biệt cá chim/diều dế (chia tay những trò chơi của thưở ấu thời) để bước vào một thế giới khác với khói thuốc lá Bastos, nhạc Beatles, café noir, bière 33, và tràn lan phim truyện.

Nhà vốn nhỏ hẹp nên vắng chị tôi được “thừa hưởng” nguyên cái giường trống (khỏi phải nằm chung với bố hay mẹ nữa) cùng một tủ sách nho nhỏ có đủ mặt Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Lan Khai, Đinh Hùng, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo, Minh Đức Hoài Trinh, Võ Hồng, Thanh Nam, Mai Thảo, Nhật Tiến, Tuấn Huy, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Văn Quang, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc …

Tôi đọc tuốt luốt nhưng “chịu” Doãn Quốc Sỹ, và vẫn cứ tiếp tục lẽo đẽo theo ông cho đến lúc xế chiều. Theo Nguyễn Mộng Giác: “Khi xây dựng nhân vật, Doãn Quốc Sỹ thường không lưu tâm moi móc những ngóc ngách xấu xa của họ.” Võ Phiến cũng có nhận xét (gần) tương tự: “Các truyện của ông Doãn nhân vật nào cũng tốt, việc gì cũng có khía cạnh hay. Ông bất lực không tạo được người xấu, kể nổi việc xấu. Đọc sách ông thơm tho cả tâm hồn.” (Văn Học Miền Nam Tổng Quan. Westminster, CA: Văn Nghệ, 1999).

Quả là đúng thế nhưng tưởng cũng cần nên nói thêm là tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ rất ít những hình ảnh hư cấu, và không thiếu những cảnh tượng não lòng:

“Chỉ mới sang khoảng 1947, anh đã nhận chân rằng thuộc thành phần địa chủ như gia đình anh, gặp nhiều khó khăn lắm trong cuộc sống song hành với những đảng viên đảng Lao Động đương lãnh đạo cuộc kháng chiến. Biết là sống lộ liễu ở quê hưong không nổi, anh đơn độc lẳng lặng dọn đến làng Cốc…và sinh sống bằng nghề buôn thuốc Tây và chích dạo. Gia đình anh đóng thuế nông nghiệp. Khánh tận của chìm của nổi rồi, mẹ già anh vừa mất, chắc chắn u uất mà chết, chỉ còn vợ anh và lũ con thơ.

Mẹ anh được chôn cất xong, công tác bao vây địa chủ tiếp tục tiến hành. Họ bao vây nhà anh bằng trống lớn, trống nhỏ thay phiên nhau gõ liên miên như hổ huê riễu cợt, như chửi rủa thúc dục. Nhưng vợ anh quả không còn một đồng một chữ trong tay để trả thuế nông nghiệp. Ruộng bán không ai mua, nhờ cầy nhờ cấy không ai giúp, vì tránh liên hệ với địa chủ. Họ đánh trống liên miên như vậy suốt ba ngày đêm, tiếng trống bỗng ngưng bặt vào sớm tinh sương hôm đó giữa sự bỡ ngỡ của chị Cò Đùm. Chị bước ra sân, và chị rụng rời tưởng có thể khụyu xuống ngất xỉu.

Ba cây cau cao ngất ngoài sân trước nhà, cây cau chính giữa phất phới một lá cờ đỏ sao vàng to gấp đôi lá cờ vuông cổ truyền vẫn treo phất phới trước sân đình vào những ngày hội ngày xuân xưa cũ. Đó là bản án tử hình căn nhà và năm mẹ con chị mà đao thủ phủ sẽ là một phi công địch nào chợt bay qua đó. (Doãn Quốc Sỹ. Cò Đùm. Westminster, CA: Văn Nghệ, 1997).

Ngoài vợ chồng Cò Đùm, vào thời điểm này, còn có thêm bao nhiêu người dân Việt Nam khác nữa cũng nhận lãnh bản án tử hình với lá cờ đỏ sao vàng (phất phơ) trước cửa nhà hay ghim trước ngực?

Tác giả Bảo Giang ghi nhận:

“Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập. Bởi vì, sau đêm Việt Minh về là ngay sáng hôm sau, trên đầu cái cọc cắm giữa đường làng, nơi có nhiều người qua lại là có cái đầu của một viên chức, hay của người có con em làm việc trong thành phố, đôi khi là những phú hộ, treo ở đó. Rồi ở ngay phía bên dưới là một cái lá Cờ Đỏ với hàng chữ có khi sai cả chính tả. ‘Việt Minh xử tử Việt gian bán nước’!…  Làng tôi ở Thái Bình là một làng tề nổi tiếng. Sau ngày 20-7-54 cả làng đã di cư vào Nam.”

Vào đến miền Nam chưa hẳn đã yên. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được khai sinh tại Hà Nội vào hôm 20 tháng 12 năm 1960. Từ thời điểm này cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, thêm bao nhiêu mạng sống của người dân miền Nam đã được cái “mặt trận” này “giải phóng” ? Rồi sau đó, theo nhiều nguồn tin khả tín (*) có vài trăm ngàn thuyền nhân đã vùi thây trong lòng biển cả chỉ vì muốn từ bỏ cờ đỏ sao vàng.

Lá cờ đỏ – do thế – còn được gọi là “cờ máu” và bị không ít người lên tiếng phủ nhận, kết án, hay chế riễu:

Lê Diễn Đức: “Theo tôi, cờ đỏ sao vàng không phải là cờ của Tổ quốc Việt Nam (VN), của dân tộc Việt Nam, mặc dù tôi đã từng học tập, lớn lên dưới lá cờ này và nhiều lúc đã tự hào vì cha ông tôi đã chiến đấu dưới nó. Nhưng chính xác mà nói thì đó là cờ hiệu của nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam do Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) cầm quyền.”

Song Chi: “Một đảng phái có quá nhiều tội ác với nước với dân như vậy thì không thể được vinh danh và lá cở đỏ sao vàng của đảng cộng sản cũng vậy.

Bùi Bích Hà : “Cùng lắm, chỉ có hơn ba triệu đảng viên người Việt đứng dưới lá cờ ấy, nhìn nhận nó khi tuyên thệ nhận căn cước Cộng Sản của họ.”

Trương Duy Nhất: “Tặng ảnh ông Hồ cho người già. Tặng cờ cho dân … ăn Tết. Không biết tự bao giờ, người ta nghĩ ra được những món quà khốn nạn đến thế.”

Mai Tú Ân: “Nhưng phải nói lá cờ máu này xui thấy mẹ. Mang đi ủng hộ đội tuyển bóng đá, màu cờ đỏ ngập tràn sân vận động thì ta thua liểng xiểng. Vác cờ đỏ sao vàng đi biểu tình thì CA cứ thấy thằng mang cờ đỏ sao vàng là xông vào đánh tơi bời.”

Tôi không tin dị đoan nhưng vẫn phải đồng ý với Mai Tú Ân là “lá cờ máu này xui thấy mẹ.” Đụng tới nó nếu không lôi thôi lớn thì cũng lôi thôi lâu, và lôi thôi lắm. Ngày 17 tháng 11 năm 2017, ông Nguyễn Đình Túc đốt cờ nên bị công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố về tội “xúc phạm quốc kỳ.” Trước đó không lâu, một công dân VN khác, bà Huỳnh Thục Vy cũng bị cáo buộc tương tự vì đã “xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng.”

Theo theo điều 276 Bộ Luật Hình Sự 1999 của nhà đương cuộc Hà Nội qui định: “Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, thì bị phạt thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.” Sở dĩ họ không nhắc nhở chi đến đảng kỳ vì tự thâm tâm những kẻ “vẽ” ra cái điều luật này (chắc) đã mặc nhiên xem quốc kỳ với đảng kỳ … là một!

Tuần qua, trên trang FB của bà Huỳnh Thục Vy, đọc được vào ngày 5 tháng 11 năm 2018, có một stt ngắn (nguyên văn) như sau:

“Ba mình ở tù 10 năm từ 1992 đến 2002 dưới điều 88 Bộ luật HS. Dù tuổi thơ đói khổ vì không cha không mẹ bên cạnh, việc ở tù dưới điều 88 là cái gì đó đáng tự hào đối với mình. Giờ mình bị truy tố dưới điều 276 vớ vẩn, sẽ ra tòa dưới một tòa án cấp huyện, cảm thấy thật vớ vẩn và không cam lòng. Hức hức.”

Bà Huỳnh Thục Vy, rõ ràng, không hề nao núng trước chuyện giam cầm. Với tâm thế này thì bản án của phiên toà sắp tới (dù xử kiểu gì chăng nữa) cũng sẽ chả răn đe được ai mà chỉ là một vết lọ đen, bôi thêm vào bản mặt trơ tráo của chế độ hiện hành.

11/2018
————————–

(*)   Death Tolls and Casualty Statistics Vietnam – Vietnamese Boat People

  • Jacqueline Desbarats and Karl Jackson (“Vietnam 1975-1982: The Cruel Peace”, in The Washington Quarterly, Fall 1985) estimated that there had been around 65,000 executions. This number is repeated in the Sept. 1985  of State Bulletinarticle on Vietnam.
  • Orange County Register(29 April 2001): 1 million sent to camps and 165,000 died.
  • Northwest Asian Weekly(5 July 1996): 150,000-175,000 camp prisoners unaccounted for.
  • Estimates for the number of Boat People who died:
    • Elizabeth Becker (When the War Was Over, 1986) cites the UN High Commissioner on Refugees: 250,000 boat people died at sea; 929,600 reached asylum
    • The 20 July 1986 San Diego Union-Tribunecites the UN Refugee Commission: 200,000 to 250,000 boat people had died at sea since 1975.
    • The 3 Aug. 1979 Washington Postcites the Australian immigration minister’s estimate that 200,000 refugees had died at sea since 1975.
      • Also: “Some estimates have said that around half of those who set out do not survive.”
    • The 1991 Information Please Almanaccites unspecified “US Officials” that 100,000 boat people died fleeing Vietnam.
    • Encartaestimates that 0.5M fled, and 10-15% died, for a death toll of 50-75,000.
    • Nayan Chanda, Brother Enemy(1986): ¼M Chinese refugees in two years, 30,000 to 40,000 of whom died at sea. (These numbers also repeated by Marilyn Young, The Vietnam Wars: 1945-1990 (1991))
  • Rummel
    • Vietnamese democide: 1,040,000 (1975-87)
      • Executions: 100,000
      • Camp Deaths: 95,000
      • Forced Labor: 48,000
      • Democides in Cambodia: 460,000
      • Democides in Laos: 87,000
      • Vietnamese Boat People: 500,000 deaths (50% not blamed on the Vietnamese government)

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Đàng hoàng & tử tế

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Hôm rồi, cháu Út hỏi:

  • Người mình hay nói “phải sống đàng hoàng tử tế”. Thế nào là “đàng hoàng”, hả bố ?

Tôi lúng túng không biết trả lời sao cho gọn gàng và dễ hiểu nên đành phải kể lại cho con nghe mẩu chuyện ngăn ngắn, của một nhà báo lẫy lừng (Anh Ba Sàm) đọc được qua Thông Tấn Xã Vỉa Hè:

“Sau 1975, có những thứ mà Sài Gòn, miền Nam làm cho hắn rất lạ và không thể quên. Một đêm, chạy xe máy về nhà (ông cậu), tới ngã tư đèn đỏ, ngó hai bên đường vắng hoe, hắn rồ ga tính vọt thẳng. Bất ngờ nghe bên tai tiếng thắng xe cái rẹc, liếc qua thấy ông lão với chiếc xích lô trống không. Quê quá, phải dừng theo!”

Dù “đường xá vắng hoe”, ông xích lô vẫn “thắng xe cái rẹt”. Đây là cử chỉ, hành vi, thái độ của một người đàng hoàng (thấy rõ) khỏi phải giải thích lôi thôi gì nữa!

Còn sự “tử tế” thì có phần tế vi hơn (và cũng không dễ tóm gọn trong vài ba từ ngữ) nên xin mượn chuyện của một người cầm bút tăm tiếng khác – nhà văn Nguyễn Quang Lập:

“Kì nghỉ hè năm sau, tháng 8 năm 1976, tôi mới được vào Sài Gòn… Khấp khởi và hồi hộp, rụt rè và cảnh giác tôi bước xuống lòng đường thành phố Sài Gòn và gặp ngay tiếng dạ ngọt như mía lùi của bà bán hàng tạp hóa đáng tuổi mạ tôi. Không nghĩ tiếng dạ ấy dành cho mình, tôi ngoảnh lại sau xem bà chủ dạ ai. Không có ai. Thì ra bà chủ dạ khách hàng, điều mà tôi chưa từng thấy…

Không may tôi vô ý quờ tay làm đổ vỡ ly cà phê. Biết mình sắp bị ăn chửi và phải đền tiền ly cà phê mặt cậu bé hai mươi tuổi đỏ lựng. Cô bé phục vụ chạy tới vội vã lau chùi, nhặt nhạnh mảnh vỡ thủy tinh với một thái độ như chính cô là người có lỗi. Cô thay cho tôi một ly cà phê mới nhẹ nhàng như một lẽ đương nhiên…”

Cái lẽ “đương nhiên” rất “nhẹ nhàng” này là cách ứng xử hàng ngày và rất bình thường của dân miền Nam, đối xử với bất cứ ai, chứ chả riêng chi đối với những người vừa mới chân ướt chân ráo đến mảnh đất này. Chả những thế, sự tử tế còn theo những chuyến tầu hay những chuyến xe (chở chiến lợi phẩm) ra tận miền Bắc luôn.

Nhà báo Nguyễn Thông tâm sự:

“Tháng 4.1977 tôi vào nhận công tác ở Sài Gòn, chỉ một thời gian ngắn hiểu rằng những gì mình được trang bị về chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản bị sụp đổ hoàn toàn, hay nói chính xác hơn là đảo ngược. Những chuyến hàng, một dạng chiến lợi phẩm, ùn ùn chảy ra bắc, từ xe cộ, tivi, tủ lạnh, máy cassette, vải vóc, cục xà phòng, cây kem đánh răng, cục pin, hộp sữa tới cái kim sợi chỉ đều lên đường ngược bắc, đủ chứng minh cho cuộc nhận thức lại”.

Và có lẽ mãi cho đến thời điểm này thì người dân ở bên kia vỹ tuyến mới được nghe những câu hỏi rất lạ tai, từ những băng cassette của bên này:

  • “Nơi em về trời xanh không em”?
  • “Nơi em về ngày vui không em”?

Trước đó, có lẽ, trong những mẩu đối thoại hàng ngày của những người thuộc phe thắng cuộc (thường) chỉ là những câu hỏi trống không và khô khốc:

  • Công tác ở đơn vị nào?
  • Hộ khẩu ở đâu?
  • Bố mẹ có còn sống không?
  • Chưa phấn đấu vào Đoàn à?
  • Tiêu chuẩn được mấy ký?

Có lãng mạn lắm thì ngay cả hai kẻ đang yêu cũng chỉ (khẽ khàng) nhắc đến miếng ăn thôi: “Hết rau rồi em có lấy măng không”?

Giáo sư Nguyễn Văn Lục kết luận: “Sự khác biệt giữa hai miền Nam-Bắc là lòng tử tế”.

Ơ hay! Nói thế, chả lẽ, miền Bắc không có ai và không có chi tử tế hết sao?

Có chứ nhưng (tiếc thay) không còn nữa. Nhà văn Phạm Xuân Đài cảm thán : “Buộc phải ‘sống điêu, sống gian, sống vờ, sống giả’ qua vài ba thế hệ thì trách sao mà người dân không bớt dần tấm lòng tử tế”.

Thảo nào mà  Good Country Index (GCI) xếp Việt Nam hạng bét trong chỉ số tử tế. Đã thế, G.S Nguyễn Văn Tuấn còn bàn thêm (và bàn ra) thế này đây:

“Tính chung, thứ hạng về tử tế của Việt Nam trên thế giới đứng hạng áp chót (124/125). Điều đáng nói hay cũng có thể xem là nhục là thứ hạng tử tế của VN chỉ đứng chung bảng với mấy nước ‘đầu trâu mặt ngựa’ như Lybia, Iraq, Zim-babwe, Yemen…”

Tôi xin phép được thưa thêm: khi xếp thứ hạng về tử tế của Việt Nam trên thế giới đứng hạng chót thì tưởng cũng cần phải nói cho rõ là những con số này chỉ “thể hiện” sự tiểu tâm, ti tiện, bạc ác, và đểu cáng của đám “lãnh đạo” (đầu trâu mặt ngựa) ở xứ sở này chứ không liên quan dính dáng gì đến người dân Việt cả.

Dân tộc này chưa bao giờ, và không bao giờ, tệ như thế cả – như cách nói của Đen Vâu“Sự tử tế không nên là điều gì đó đặc biệt, và tôi (một người viết nhạc) không hề muốn mình đặc biệt vì sự tử tế. Sự tử tế nên là điều bình thường, có ở tất cả mọi người bình thường. Tôi bình thường, như mọi người trong xã hội này. Một xã hội có vô vàn người tử tế”.

Ông có quá lời không?

Thưa không!

Thử nhìn xem: có hàng ngàn cây cầu từ thiện, hàng trăm nơi nuôi dưỡng người già không nơi nương tựa và trẻ mồ côi đã được dựng xây khắp nơi chỉ nhờ vào lòng sự từ tâm và lòng nhân ái của người dân. Có hàng triệu mảnh đời rách nát đang được chia sẻ, hay đùm bọc bởi những đồng hương ruột thịt, từ trong cũng như ngoài nước. Cùng lúc, không thiếu những hình ảnh tốt đẹp tử tế tuy rất nhỏ bé, tầm thường (“nhưng lay động lòng người”) hiển hiện khắp nơi:

Điều kỳ diệu là tính cách đàng hoàng có thể “lây” từ người dân của miền này, sang miền khác. Báo Giao Thông vừa hớn hở đi tin: “Hình ảnh ‘lạ’ trên đường Hà Nội … Mới đây, bức ảnh hai người đàn ông đi xe máy dừng chờ đèn đỏ giữa đêm khuya ở Hà Nội nhận được sự tán dương và chia sẻ mạnh mẽ.”

Lòng tử tế cũng thế, cũng dễ dàng lan tỏa khắp nơi:

Và nơi mà tấm lòng tử tế vô cùng cảm động vừa được ghi nhận lại ở mãi huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn – theo FB Thanh Tùng Trương:

Một gia đình 7 người gồm 2 vợ chồng và 5 người con nhỏ cùng đi trên một chiếc xe máy từ tỉnh Điện Biên đến cửa khẩu Tân Thanh – Lạng Sơn (Khoảng cách trên 600 km chủ yếu là đèo dốc) để tìm việc làm. Anh chị mong có người thuê bốc vác để có tiền nuôi con. Giữa thời tiết những ngày mưa giá rét.

 Trên hành trình ấy, những người đi đường tốt bụng đã chụp lại hình ảnh này, đăng trên mạng xã hội. Và điều kỳ diệu đã xảy đến. Hội thiện nguyện Hữu Lũng, Lạng Sơn đã liên hệ với Trung tâm Hy vọng của người cha Nguyễn Trung Chắt (Ông là người đã nuôi dưỡng 304 người con là trẻ mồ côi). Bằng tình yêu thương của 1 người cha, ông Chắt đã quyết định nhận hỗ trợ khẩn cấp cho gia đình.

 Trước tiên, gia đình sẽ được đưa về trung tâm để có chỗ ăn ở giữa ngày mưa giá lạnh. Sau đó, nếu nhận được sự đồng ý của gia đình và hoàn thiện các thủ tục với chính quyền, trung tâm thiện nguyện sẽ tìm việc cho 2 vợ chồng anh, chị, đồng thời nhận nuôi lớn 5 em nhỏ này tại Trung tâm Hy vọng! Giữa ngày mưa lạnh miền Bắc, những nghĩa cử của lòng người thật khiến chúng ta ấm lòng.”

Vâng, đúng thế!

Tôi cảm thấy rất “ấm lòng” và xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến ông Nguyễn Trung Chắt (người cha của những em bé mồ côi ở TRUNG TÂM HY VỌNG LẠNG SƠN) cùng chủ nhân của những quán bún bò không đồng, những quán ăn hai ngàn, những ly trà đá miễn phí giữa trưa nóng bỏng, những ổ bánh mì từ thiện giữa lúc đói lòng, những chuyến xe cứu thương không phải trả tiền giữa lúc ngặt nghèo …

Ơn Trời! Tuy “buộc phải sống điêu, sống gian, sống vờ, sống giả” suốt gần cả thế kỷ qua nhưng đức khoan dung, tính vị tha, tình nhân ái, và tấm lòng tử tế chưa bao giờ mất (hẳn) trong lòng dân Việt.

Nhà thơ Inra Sara ví von mọi nghĩa cử cao đẹp và thầm lặng của họ là “những dòng nước ẩn” với niêm tin rằng: “Những dòng nước ấy có mặt ở mọi thành phần, dưới mọi hình tướng, tình huống, cấp độ. Chúng ẩn mình giữa miền đất hình chữ S này, âm thầm chảy, khiêm cung nhưng đầy sức mạnh. Chúng sẽ trồi lên một ngày nào đó, chắc chắn.”


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Kẻ sỹ Nam Kỳ & ván bài lật ngửa

Ba’o Tieng Dan

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

Tác giả của bộ phim Ván Bài Lật Ngửa, ông Trần Bạch Đằng (nguyên Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn, sinh ngày 15/07/1926 và từ trần hôm 16/04/ 2007). Hơn 10 năm sau nhiều vị trí thức ở Thành Phố Hồ Chí Minh Quang Vinh vẫn tụ tập nhau lại để vinh danh ông là Kẻ Sĩ Nam Bộ bằng một tác phẩm cùng tên, dầy đến 400 trang do nhà Khoa Học Xã Hội xuất bản.

Báo Lao Động cho biết thêm chi tiết: “Nhóm chủ biên đã nhận được sự cộng tác của hơn 50 người từng có thời gian gắn bó với ông Trần Bạch Đằng để hình thành nên cuốn sách này.”

Thiệt là tình nghĩa và trang trọng hết biết luôn!

Chỉ có điều đáng tiếc là công trình trước tác đồ sộ này không có người mua, và cũng không được bao cấp (như Tuyển Tập Nông Đức Mạnh hay Tuyển Tập Nguyễn Phú Trọng, Tuyển Tập Đỗ Mười …) nên “các tác giả có bài viết trong tác phẩm sẽ được trả nhuận bút bằng sách ” –  theo như nguyên văn lời tâm sự của T.S Quách Thu Nguyệt (thành viên của ban biên tâp) trên báo Phụ Nữ, đọc được vào hôm 22 tháng 7 vừa qua.

Thiệt là một “tâm sự” não lòng. Ấy thế mà vẫn còn có chuyện não nề hơn, cũng liên quan đến Trần Bạch Đằng và một “kẻ sĩ” khác (cùng gốc gác Nam Kỳ) theo lời kể của nhà báo Lê Đức Dục :

Năm 1997, trên báo Tuổi Trẻ Chủ nhật (nay là Tuổi Trẻ cuối tuần) có đăng bài báo của ông Trần Bạch Đằng (Tư Ánh), có tựa “Kẻ sĩ Gia Định”. Tôi nhớ mãi bài báo ấy vì ông Trần Bạch Đằng có kể câu chuyện về một kẻ sĩ của Sài Gòn bấy giờ là cụ Lưu Văn Lang – kỹ sư bản xứ đầu tiên của người Việt (các bạn cứ “gúc” Lưu Văn Lang thì biết cụ Lang tầm cỡ như thế nào với miền Nam thuở trước).

Ông Tư Ánh kể năm 1967, nghe tin cụ Lang mệt nặng, khu ủy Sài Gòn cử ông Đặng Xuân Phong (sau này là thượng tá – đã mất) đến thăm và báo cáo tình hình kháng chiến với cụ Lưu Văn Lang và xin ý kiến của cụ về thời cuộc. Vì hoạt động bí mật, gặp từ khuya, xong còn tìm đường lên cứ, nên anh Phong kể xong hỏi cụ chỉ giáo gì không, nghe xong cụ nói “Mấy anh làm tốt rồi, nhưng coi chừng Trung Cộng”.

Thế là dù đã đến giờ giao liên đón, nhưng anh Phong vẫn ngồi lại giải thích cho cụ là TQ đang giúp cho cuộc chiến chúng ta này nọ, viện trợ này kia, bla bla… Mong cụ Lang hiểu được tình hình hữu nghị, vì biết tiếng nói của một trí thức lớn như cụ ảnh hưởng rất lớn đến phong trào…

Và sau một hồi giải thích, người giao liên phát tín hiệu phải lên đường, không thể muộn hơn, anh Phong nghĩ chắc cụ Lang đã “thấm nhuần” nên chào từ biệt cụ. Bước ra tới cửa, anh quay lui bên cụ lễ phép: Dạ cụ chỉ giáo gì thêm không ạ. Cụ Lang chỉ buông đúng cái câu lúc nãy: “Coi chừng Trung Cộng”! Anh cán bộ Phong, chắc nói theo kiểu chừ là bó tay, nhưng ông Trần Bạch Đằng cực kỳ đắc ý với chi tiết này và cảm khái: Kẻ sĩ Gia Định là như thế đó!                              

Tôi thiệt không hiểu rõ “như thế đó” là “như làm sao” nên làm theo lời khuyên của tác giả Lê Đức Dục (“các bạn cứ ‘gúc’ Lưu Văn Lang thì biết cụ Lang tầm cỡ như thế nào với miền Nam thuở trước”) và biết thêm được ba điều bốn chuyện, cũng hơi thú vị :

   Lưu Văn Lang (1880– 1969) là kỹ sư người bản xứ đầu tiên của Việt Nam và toàn cõi Đông Dương. Ông là một nhà trí thức yêu nước nổi tiếng ở miền Nam nửa đầu thế kỷ 20…Sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9 tháng 3 năm 1945, ông được vua Bảo Đại mời ra tham gia nội các Trần Trọng Kim để giữ chức bộ trưởng Công Chánh, ông đã từ chối để thể hiện sự bất hợp tác với chính quyền mà ông cho là chỉ là một công cụ của người Nhật…

Sau Hiệp định Genève năm 1954, ông tham gia sáng lập phong trào Hòa Bình đòi thi hành Hiệp định, tổng tuyển cử thống nhất đất nước, được cử làm chủ tịch danh dự. Tháng 11 năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt giam ông cùng một số trí thức lãnh đạo phong trào. Một thời gian ngắn sau đó, chính quyền phải trả tự do cho ông vì áp lực của dân chúng và thiếu bằng chứng buộc tội… Tháng 7 năm 1955, một lần nữa ông cùng Phong trào Hòa bình kêu gọi thi hành tổng tuyển cử.

Phong trào bị đàn áp mãnh liệt, nhiều trí thức bị bắt giam, giáo sư Nguyễn Thị Diệu bị ám sát dã man, Phong trào bị chính quyền giải tán. Kỹ sư Lưu Văn Lang tuy không bị bắt giam, nhưng bị chính quyền quản thúc chặt chẽ cho đến tận năm 1958. Thời gian sau đó cho đến tận cuối đời, tuy không trực tiếp tham gia các hoạt động chính trị nữa, nhưng kỹ sư Lưu Văn Lang vẫn có những liên hệ bí mật với Ban Trí vận Trung ương Cục miền Nam và thường xuyên phổ biến các văn kiện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng ngay giữa Sài Gòn…

Té ra ông kỹ sư là một cán bộ cộng sản nằm vùng nên tuy suốt đời người sống ở miền Nam nhưng luôn hướng vọng về một ông “Bác Kính Yêu,” ở tuốt luốt bên kia vỹ tuyến:

“Bác tự nguyện nhận mình chỉ nêu ra được có tác phong, còn tư tưởng, lý luận thì để cho Mao Chủ tịch. Được lãnh tụ ráo riết giáo dục, (điều lệ thêm câu ‘lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam’, điện đảng gửi Đảng Cộng sản Trung Quốc viết Đảng Lao động Việt Nam nguyện học tập Đảng Cộng Sản Trung Quốc, học tập tư tưởng Mao Trạch Đông, tư tưởng lãnh đạo nhân dân Trung Quốc và các dân tộc Á Đông v.v… Từ 1951, tuần nào báo Nhân Dân cũng có vài mẩu tin của CB (tức Cụ Hồ) phổ biến kinh nghiệm mọi mặt của Trung Quốc… dần dà đảng viên cộng sản Việt Nam lại tìm ra chỗ để tự hào: được làm em của hai nước vĩ đại, Liên Xô anh cả, Trung Quốc anh hai. (Trần Đĩnh. Đèn Cù I. Westminster, CA: Người Việt, 2014).

Lưu Văn Lang cương quyết theo bác Hồ. Bác lại “nguyện học tập Đảng Cộng Sản Trung Quốc” rồi “lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam,” và chưa bao giờ giấu giếm bất cứ ai về ý nguyện của mình. Bác chơi bài ngửa mà. Chú Tố Hữu cũng đã lớn tiếng xác định thay cho Bác :

Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt!

Thế mà đến lúc lâm chung ông kỹ sư miền Nam lại trăn trối lại rằng: “Coi chừng Trung Cộng.”

Thế nà thế lào?

Suốt đời Lưu Văn Lang và Trần Bạch Đằng đều quyết tâm đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào để dọn đường cho Tầu vào đất Việt. Đến khi “nhiệm vụ hoàn thành một cách vẻ vang” rồi thì ông này lại vô cùng “cực kỳ đắc ý” và  “cảm khái” về sự “đốn ngộ” của ông kia, vào phút lâm chung: “Coi chừng Trung Cộng.”

Sao lại ra nông nỗi thế, hả Trời!

Đến ngay cả một người ngoại quốc (Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, Mark Esper) khi mới chân ướt chân ráo đến VN mà còn biết chuyện Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán từ vài ngàn năm trước, vậy mà hai “kẻ sỹ” của đất Nam Kỳ mãi cho đến cuối đời mới ngộ ra cái chuyện phải … “coi chừng Trung Cộng.” Tui thiệt đến là bó tay.com luôn với cả hai cha. Cỡ thường dân Nam Bộ (như tui) cũng không đến nỗi ngu kỹ và ngu lâu tới vậy!