STTD Tưởng Năng Tiến – Bác Tổng
Trong Chuyện Kể Năm 2000, tập II (nxb Câu Lạc Bộ Tuổi Xanh, California – U.S.A ) nơi trang 254 có câu: “Đồng chí Tổng Bí Thư nói nếu nhìn một phụ nữ đẩy xe bò mà trong lòng không xúc động thì không còn phải là người cộng sản nữa.”
Tôi hỏi tác giả:
Ông TBT nào nói thế?
– Quảng Cáo –
Bùi Ngọc Tấn cười nụ:
Thì ông nào mà chả nói thế!
Hoá ra, tất cả mọi đồng chí TBT đều thương dân cả. Yêu nước cũng thế, cũng là thuộc tính bất biến của những người Cộng Sản (nói chung) và qúi vị TBT (nói riêng) theo như lời ông Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri – vào hôm 15 tháng 10 năm 2019:
“Hiện nay có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à? Vô trách nhiệm à?”
Nếu chỉ xét thời gian phục vụ thì quả là đúng thế. Chả thế mà ông Hồ Chí Minh hy sinh làm Chủ Tịch Đảng đến 24 năm trời, ông Lê Duẩn tại vị tới 25 năm, và ông Trường Chinh thì cũng chỉ vì dân vì nước mà phải nhận chức TBT đến hai lần lận.
Nhiệt tình cách mạng của qúi vị lãnh đạo cộng sản VN, rõ ràng, khó ai có thể phủ nhận. Chỉ có cái cách yêu nước và thương dân của họ mới là điều khiến cho thiên hạ phải phàn nàn, hoặc …đảo điên luôn:
Chỉ riêng phong trào Cải Cách Ruộng Đất, do ông Hồ Chí Minh nhập cảng từ nước lạ, đã khiến cho gần trăm ngàn nông dân VN bị hành hình. Ở bình diện quốc tế, cùng với Stalin, Mao Trạch Đông, Polpot, Lenin, Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật, Saddam Hussein… ông có tên trong danh sách (History’s Great Monsters) tội phạm chống lại nhân loại.
Ông Lê Duẩn cũng thế, cũng có tên trong danh sách tội phạm chống lại nhân loại ở mức đại trà (massive crimes against humanity). Ông nổi tiếng là người chủ chiến: “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc …”
Cùng với Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Lê Đức Thọ, Lê Duẩn còn đánh luôn đồng đảng cho đến mức te tua hay bầm dập. Dù cả hai ông đều đã chết, chiến tích của Cuộc Đấu Tranh Chống Bọn Xét Lại vẫn còn sống âm ỉ trong lòng nhiều người dân Việt cho mãi đến hôm nay.
Tuy thời gian giữ chức TBT không dài nhưng ông Đỗ Mười vẫn để lại dấu ấn khó phai, qua hai trận đánh đẹp, có thể ghi thành sách: đánh tư sản ở miền Bắc (sau 1954) và ở miền Nam (sau 1975) khiến hằng triệu lương dân kẻ phải lâm vào cảnh tán gia bại sản.
Ngoài những thành tích dị biệt có tính cách cá nhân (thượng dẫn) điểm chung nổi bật trong cách quản trị và điều hành của tất cả các ông TBT là đều khiến cho đất nước trở nên … thiếu thốn và đói rách:
– Một năm hai thước vải thô
Làm sao che nổi cụ Hồ hỡi em?
– Miếng thịt lợn chao ôi là vĩ đại
Miếng thịt bò lại vĩ đại bằng hai
Chanh, muối, cam, đường, lạc, đỗ, gạo, khoai
Tất cả những gì người có thể nhai
Đảng mó tới tự nhiên thành vĩ đại (NCT)
Thời chiến hay thời bình “miếng thịt” cũng đều như thế cả. Có khác chăng là chỉ ở mức độ “vĩ đại” mà thôi. Tuy thế, mãi cho đến khi giữ chức vụ TBT lần hai – từ năm 1986 cho đến khi nhắm mắt – Trường Chinh mới biết là “lương của công nhân viên chức chỉ đủ để sống cho mười ngày” và bèn hô hoán:“Phải cứu giai cấp công nhân!”
Trường Chinh qua đời vào năm 1988, một phần ba thế kỷ đã qua, đất nước đã “sang tay” thêm nhiều đời TBT (thương dân – yêu nước) khác nhưng giai cấp công nhân vẫn chưa … được cứu. Họ vẫn cứ phải chung đủ “14 loại thuế phí qua một quả trứng gà” y như đám nông dân, hay công nhân viên nhà nước vậy thôi.
Nét đặc thù hay độc đáo của triều đại Nguyễn Phú Trọng là đã tạo ra một giai cấp mới mà ông là … tác nhân chính:
“Chiều 18-1-2011, khi điều khiển phiên họp toàn thể của Đại hội Đảng lần thứ XI biểu quyết lựa chọn giữa “chế độ công hữu về tư liệu sản xuất” và “quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp”, ông Nguyễn Phú Trọng hứa với Đại hội “thiểu số sẽ phục tùng đa số”. Nhưng, tháng 5-2012, Ban Chấp hành Trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư vẫn quyết định duy trì “chế độ công hữu” với đất đai, “tư liệu sản xuất” quan trọng nhất.” (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, Westminster, CA: 2013).
Từ đó, Việt Nam trở nên một “cường quốc của dân oan.” Giới người này vật vạ, la lết, lang thang, vất vưởng trên khắp mọi nẻo đường đất nước hoặc “co dúm thút thít” trong mảnh đất (còn lại) mà diện tích chỉ đủ dựng một túp lều, kỳ dư đã bị thu hồi với giá đền bù “mỗi m2 bằng giá một… cốc bia” – theo như ghi nhận của blogger Đào Tuấn.
Từ Thủ Thiêm, dân oan Nguyễn Thùy Dương cho biết:
Người đàn ông trong ảnh đang ngủ dưới nền đường nhựa nhỏ. Bà con có biết vị trí đó là ở đâu không ạ ? Đó là trước con đường độc đạo đi vào cổng Thanh Tra Chính Phủ cụm 3 tại thành phố Hồ Chí Minh. Để tôi kể bà con nghe vài kiếp người ở con đường độc đạo ấy .
Có một bà ngoại già hơn 80 tuổi sáng nào cũng đeo tấm bảng đòi nhà hơn chục năm qua . Bà là dân vô gia cư mất nhà do một chính sách chỉ có chính và sách là chính còn chữ tình thì tôi chưa thấy .
Một cô giáo đã nghỉ dạy sẽ ngồi kế bên bà ngoại. Trên ngực cô cũng đeo một tấm bảng đòi nhà, đòi con. Ở chế độ cũ gia đình cô thành lập trường tư thục ngay trên chính mảnh đất của mình. Thống nhất đất nước, chính sách thay đổi. Đất làm trường toàn bộ thuộc đất công. Họ thu hồi đất cô, cô ko đồng ý. Một buổi sáng năm 1997 trong lúc cô đang dạy học, Họ kéo rất đông đến nhà cô cưỡng chế.
Con trai cô lên 9 tuổi bị bệnh nên nằm nghỉ ở nhà. Họ vẫn mặc đứa trẻ, họ lao vào cưỡng chế. Đứa trẻ sợ quá lên cơn co giật đến khi mẹ về nó đã nằm đó. Người nó nóng ấm dịu trên tay mẹ. Cô ôm con gào thét. Họ vẫn cưỡng chế. Họ đền nhân mạng đứa nhỏ vài chục triệu rồi lấy nhà. Hơn 20 năm nếu đứa trẻ ngày ấy còn sống có lẽ đã trở thành một thanh niên vạm vỡ làm chỗ dựa cho mẹ già.
Câu nói của cô từng ám ảnh tôi:
– Sao họ ko giết cô chết luôn để cô sống chi mà đau khổ vậy? Cô muốn ôm con cô
Tôi cười với cô, nói: Cô ôm con một cái được không?
Cô ôm tôi rồi khóc, tôi vừa dỗ cô cũng vừa khóc. Cảm giác mình bất lực đến tận cùng…
Thỉnh thoảng có một cô người đen đủi đội nón lá, ngực đeo tấm bảng trình bày nỗi oan khuất. Cô bị cướp đất, bỏ tù. Ra tù về đất mất, vô gia cư. Cô ngày chửi, trưa chửi, tối chửi. Vừa đi nhặt ve chai kiếm đồng tiền đắp đổi. Muốn biết lòng người lãnh đạo hãy nhìn số lượng dân oan sẽ rõ. Đừng hỏi ai yêu nước, ai không?
Khi Lenin nói rằng lòng nhiệt tình cộng với sự ngu dốt bằng sự phá hoại – xem chừng – chính y cũng không thể ngờ được rằng tác phẩm bất hủ (Chủ Nghĩa Marxist Leninist Vô Địch Muôn Năm) của mình sẽ tạo ra một cái cơ chế “ghế ít đít nhiều” nên cái đít nó nhớ cái ghế, thế thôi, chứ có thằng (hay con) mả mẹ nào có nhiệt tình hay nhiệt huyết gì ráo trọi.