CÁI NGUY HẠI CỦA PHƯƠNG PHÁP YOGA
Soeur Jean Berchmans Minh Nguyệt
Trung tuần tháng 12 năm 1989, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã gửi cho các Giám Mục Công Giáo trên toàn thế giới một bức thư, lưu ý về việc suy niệm trong Kitô Giáo. Hiện nay có nhiều tín hữu Kitô dùng những phương pháp như nhập thiền, Yoga của các trường phái Ấn Giáo và Phật Giáo để giúp cầm trí cầu nguyện. Tuy nhiên vấn đề được đặt ra: khi thực hành phương pháp chiêm niệm của các tôn giáo Đông phương, các tín hữu Công Giáo đi tìm bầu khí thinh lặng, hay họ cũng tìm đến sự trống rỗng tuyệt đối, hoặc là tìm về cái ngã, cái tôi của mình?? Bởi vì bản chất của sự cầu nguyện hệ tại cuộc đối thoại với Chúa. Con người giữ im lặng ngõ hầu có thể lắng nghe và đáp lại Tiếng Chúa. Trong khi đó, một số phương pháp suy niệm theo các tôn giáo Đông phương chỉ nhằm tạo ra sự trống rỗng tuyệt đối, chứ không đả động gì đến việc gặp gỡ đối thoại với Thiên Chúa. Và đó chính là điều mà văn kiện về Suy Niệm Kitô Giáo của Bộ Giáo Lý Đức Tin muốn lưu ý. Sau đây là chứng từ của ông Christian Marie, tín hữu Công Giáo Pháp, về cái nguy hại của phương pháp Yoga. Ông viết:
Đọc xong văn kiện về Suy Niệm Kitô Giáo, tôi muốn bày tỏ vài thiển ý của riêng tôi. Yoga là một trong những phương pháp đông phương của thần bí triết học đang rất thịnh hành. Nhưng bên trong phương pháp này lại ẩn chứa một hiểm nguy mà ít người ngờ tới, nên tự để mình bị lôi cuốn vào vòng lừa đảo của nó.
Yoga là phương pháp khổ chế nhằm dẫn đưa tâm trí con người đến trạng thái của lương tâm tinh tuyền, của sự hiện hữu tinh tuyền. Đó là trạng thái mà con người ý thức về cái tôi của mình, nghĩa là về điều siêu việt hóa sự hiện hữu, trừu tượng hóa sự hiện hữu. Yoga khiến con người ý thức về cái ngã, cái vô thể, cái hòa lẫn trong khoảng không, bởi vì, nó không có chất thể, nghĩa là không có bản thể, không có một hiện hữu nào hết từ chính nó. Nói tắt một lời, Yoga trước tiên là một học thuyết của trạng thái trống không, một học thuyết của trống rỗng tuyệt đối. Mục đích tối hậu của Yoga là dẫn đưa linh hồn con người đến chỗ hòa lẫn, hiệp nhất với cái vô thể. Thế nhưng điều này không thể nào xảy ra được, do đó có thể kết luận rằng: Yoga là một phương pháp chỉ có thể thực hiện được với sự trợ giúp của các quyền lực quỷ dữ. Cái hiểm nguy là ở chỗ trạng thái tinh tuyền mà Yoga muốn đạt tới trở thành đối thủ của Thần Linh và nhường chỗ cho tên quỷ ngày xưa trong vườn địa đàng đã quyến rũ bà Evà rằng: “Các người sẽ trở thành những thần linh!”
Nói theo triết học thì Yoga được trình bày như một chối bỏ tất cả mọi hình thức của hữu thể. Và chính khi chối bỏ hữu thể cùng sự hiện hữu mà đồ đệ của trường phái Yoga phải đạt đến cái gọi là lương tâm tinh tuyền. Như thế Yoga là một loại triết học của vô thể. Để làm nổi bật ý tưởng này, xin trích dẫn vài tư tưởng của các triết gia đề cao chủ thuyết vô thể. Đó là ba nhà triết học hiện sinh vô thần nổi danh: Friedrich Nietzsche (1844-1900), người Đức; Jean Paul Sartre (1905-1980), người Pháp và Adolf Hitler (1889-1945), người Đức. Hitler còn là một tên độc tài khát máu. Nietzsche viết: “Tôi tuyên bố chỉ hư vô là vua có giá trị”. Còn Sartre thì nói: “Bởi vì tự chọn vô tôn giáo, vô tổ quốc, vô gia đình, nên tôi không đi về đâu hết”. Trong khi Hitler trơ trẽn tuyên bố: “Tại sao chúng ta lại ưu tư lo lắng về đạo lý tình yêu và về trách nhiệm luân lý? Tôi chống lại điều này và thay vào đó bằng học thuyết tối cao của hư không, và cái vô nghĩa hoàn toàn của cá thể, của thằng tôi”. Những câu tuyên bố như thế, phải chăng chỉ có thể xuất phát từ các đồ đệ của Satan?
Con rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi dã thú mà Thiên Chúa đã dựng nên. Nó hỏi người đàn bà: “Có phải thật Thiên Chúa đã dạy: các ngươi không được ăn quả cây nào trong vườn không?” Người đàn bà trả lời con rắn: “Chúng tôi được ăn các quả trong vườn, nhưng còn quả cây ở giữa vườn, thì Thiên Chúa đã phán: “Các con không được ăn, không được chạm tới, để khỏi phải chết”. Con rắn nói: “Không, ông bà sẽ không chết đâu, nhưng Thiên Chúa biết rằng, ngày nào ông bà ăn quả cây ấy, ông bà sẽ mở mắt ra, sẽ được nên như những vị thần, biết điều lành, điều dữ” (Sách Sáng Thế 3,1-5).
(“LE CHRIST AU MONDE”, 2/1992, trang 176-177).
(Sylvie là thanh nữ Pháp, 22 tuổi. Sau những tháng ngày mò mẫm tìm kiếm hạnh phúc trong hư vô lầm lạc, Sylvie đã hồng phúc gặp được Chúa GIÊSU, Đấng hiện hữu thực sự và Mẹ MARIA, Người Mẹ dấu ái của loài người). Sylvie kể lại cuộc hành trình tìm kiếm Thiên Chúa như sau. Cách đây 4 năm, Mẹ MARIA đã tìm đến gặp con trong chính cảnh khốn cùng cuộc đời con. Ngay từ tuổi thơ và suốt trong thời gian của tuổi dậy thì, tận sâu thẳm nội tâm, con luôn luôn khát vọng Thiên Chúa và mong mỏi gặp được Ngài.. Nhưng đáng buồn thay, con đã dại dột dùng những phương thế lầm lạc, đi theo những con đường giả dối. Thật ra con cũng bị bạn bè lôi cuốn một phần. Như bao người trẻ cùng lứa tuổi, con thích ca-vũ-nhạc-kịch và chạy theo bóng hình của một chàng trai!
Một buổi tối, người bạn gái hỏi con có muốn dự buổi thực tập ngồi thiền không. Cô bạn giải thích: “Đây là lối suy niệm siêu hình, hay đúng hơn, là kiểu ngồi thiền tìm kiếm hư vô”. Con tự nhủ: “Mình cứ thử xem sao. Biết đâu sẽ gặp được Thiên Chúa, thay vì đi đến nhà thờ!” Nghĩ thế nên con theo bạn dự buổi ngồi thiền. Người hướng dẫn buổi ngồi thiền là một phụ nữ. Bà nói với chúng con: “Suy niệm kiểu này sẽ mang đến cho con người sự điềm-tĩnh, sự tự-chủ, niềm bình-an, trở về với nguồn cội của tư tưởng và đạt được những sức mạnh phi thường, kể cả các bí thuật thần thiêng!” Lời giải thích nghe thật êm tai, đưa hồn giới trẻ chúng con vào cõi mộng .. Nếu chỉ ngồi thiền trong một thời gian không lâu mà đạt được những điều vừa nói, thì quả thật là quá hay và quá dễ! Chúng con phải ngồi thiền mỗi ngày hai lần và mỗi lần 20 phút. Trong vòng 20 phút đồng hồ, con phải ngồi yên và chỉ lập đi lập lại hai tiếng duy nhất là “hư-vô”. Ban đầu, con cảm thấy mình hạnh phúc và hớn hở với ý nghĩ: “Chắc hẳn rồi đây mình sẽ khám phá nhiều điều lạ lùng. Và biết đâu, mình chẳng khám phá được Thiên Chúa?” Nhưng rồi, thời gian qua đi cùng với việc thực hiện phương pháp ngồi thiền, con không hề khám phá ra ánh sáng. Trái lại, con cứ càng ngày càng chìm sâu trong bóng tối đen dày đặc! Thật là hãi hùng kinh khiếp. Cứ mỗi lần con ngồi yên nhắm mắt là đầu óc con quay cuồng giữa hư-vô tư-tưởng, rồi, hư-vô tư-tưởng, rồi, hư-vô tư-tưởng! Sau 20 phút ngồi thiền, thể xác con có phần nghỉ ngơi chút ít, nhưng linh hồn con lại rơi vào lo âu sầu khổ và tràn đầy tuyệt vọng. Tâm trí con cứ bị ám ảnh bởi hai tiếng hư-vô .. hư-vô .. hư-vô! Và vì chỉ lập lại hai tiếng hư-vô nên con không còn cầu nguyện cùng Chúa GIÊSU và Đức Mẹ MARIA nữa. Trong khi đó hai tiếng hư-vô làm con khiếp sợ và chỉ muốn tìm cách trốn thoát.
Trong cơn khốn cùng, Mẹ MARIA đã giơ tay cứu vớt con. Trong phòng con có Bức Tượng Đức Mẹ nhỏ. Con thưa với Đức Mẹ: “Xin Mẹ đến giúp con!” Con chỉ nói với Đức Mẹ có thế thôi.. Cho đến một ngày, con gặp nhóm tín hữu Công Giáo đi hành hương. Họ cùng nhau lần hạt Mân Côi. Rồi họ nói về nhân đức khiêm-nhường, sự nghèo-khó và lòng trong-sạch. Đối với con, đây là điều hoàn toàn mới lạ, vì con nghĩ rằng, chả còn ai thực hành ba cái thứ nhân đức lỗi thời ấy nữa! Từ đó niềm hy vọng nhen nhúm trong lòng con. Con bắt đầu cầu nguyện với Đức Mẹ qua tràng chuỗi Mân Côi. Con dần dần lấy lại niềm an bình. Sau cùng con khóc vì cảm động, vì đã tìm thấy niềm vui, lòng trong trắng và tình yêu thương. Vâng, chính Đức Mẹ đã giúp con không còn sợ hãi Thiên Chúa nữa. Ngài không phải là Thiên Chúa hư-vô, nhưng là Thiên Chúa Hằng Hữu và đầy tràn tình thương..
Rồi con gặp một vị Linh Mục. Ngài giúp con lãnh nhận bí tích Hòa Giải và trao ban ơn tha thứ của Thiên Chúa cho con. Thật là cuộc giải phóng tuyệt diệu! Con được tái sinh trong ơn thánh và tìm được hai vị Chủ Chăn dấu ái của cuộc đời con. Đó là Chúa GIÊSU KITÔ và Đức Mẹ MARIA. Con thay thế hai tiếng hư-vô bằng lời Kinh dấu ái: Kính Mừng MARIA Đầy Ơn Phước. Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ. Và GIÊSU Con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh MARIA Đức Mẹ Chúa Trời. Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.
(Marie-Michel et Daniel-Ange, “Ce Jésus que tu cherches”, Le Sarment FAYARD, 1988, trang 118-120).
Chị Nguyễn Kim Bẳng gởi