Cái duyên gặp gỡ với bạn đọc người nước ngoài
Đoàn Thanh Liêm
* * *
Tôi qua định cư bên nước Mỹ từ năm 1996, đến năm 2016 này thì đã được 20
năm rồi. Sau thời gian trị bệnh, tình trạng sức khỏe của tôi đã hồi phục khả
quan và từ trên 10 năm nay tôi đã tham gia sinh họat về văn hóa xã hội với
nhiều bạn bè cùng chí hướng – cũng như viết báo để trao đổi thảo luận với bà
con độc giả qua báo giấy cũng như trên báo điện tử. Các bài tôi viết thì hầu
hết là bằng tiếng Việt nhằm phục vụ đa số bà con người Việt mình và tôi cũng
đã nhận được nhiều đáp ứng của bạn đọc với sự khích lệ thật đáng quý. Tôi
sẽ có dịp viết chi tiết về những sự trao đổi này của bạn đọc khắp nơi ở trong
cũng như ở ngoài nước.
Nhưng tôi cũng viết một số bài bằng tiếng Anh để dành riêng cho lớp cháu
sinh trưởng ở Mỹ và nhân tiện cũng gửi cho các bạn ngọai quốc đọc nữa. Và
trong số các độc giả người nước ngòai này lại có một ít người còn thông thạo
cả tiếng Việt nữa. Nhân dịp đầu Xuân Bính Thân 2016, tôi xin ghi lại những
câu chuyện trao đổi ngộ nghĩnh lý thú giữa tôi và các bạn đọc người nước
ngòai ấy. Xin lần lượt trình bày một số danh tính các bạn đọc đó như sau đây.
1 – Anh chị Earl và Pat Martin ở tiểu bang Virginia.
Hai anh chị Martin đã từng làm việc tại Quảng Ngãi hồi trước năm 1975
trong công tác nhân đạo từ thiện của Giáo hội Tin lành Mennonite được gọi
là tổ chức Mennonite Central Committee (MCC). Bà con ở Quảng Ngãi
thường biết đến anh chị qua tên tiếng Việt là chú Kiến, cô Mai. Sau năm
1975, anh chị còn làm việc tại nhiều nước Á châu khác nữa. Từ năm 1998,
Pat giữ chức vụ Giám đốc viện Xây dựng Hòa bình Mùa hè (Summer
Peacebuilding Institute SPI) thuộc Đại học Eastern Mennonite University
(EMU) tại thành phố Harrisonburg, Virginia. Trong các bài báo trước đây, tôi
đã có nhiều dịp viết về anh chị bạn rất thân thiết này rồi. Nay tôi chỉ ghi tóm
tắt lại câu chuyện trao đổi của anh chị về các bài viết của tôi cả bằng tiếng
Việt, cả bằng tiếng Anh.
Nói chung, anh chị đều chú ý đến các bài tôi gửi qua email và luôn phản hồi
mau lẹ, đại khái như “bài này hấp dẫn đấy” (interesting), “người Mỹ chúng
tôi cần được biết đến những thông tin chính xác như trong các bài do anh
viết” v.v… Có lần Earl gọi tôi là “an wandering philosopher” (một triết gia đi
lang thang). Mới đây, sau khi đọc bài “My Two Passions in Life” (Hai niềm say mê trong đời của tôi) Earl trả lời ngay rằng đó là “Beautiful Reflections”
Người anh cả của Earl tên là Luke Martin, ông làm việc lâu năm ở Việt nam
như là một vị Mục sư thuộc Giáo hội Tin Lành Mennonite. Ông cũng như bà
vợ là Mary Martin đều khá thông thạo tiếng Việt. Khi đọc bài tôi viết về Giáo
hội Mennonite tại Mỹ, mục sư Luke nói ngay chắc là Earl đã cung cấp các tài
liệu cho tôi tham khảo để viết bài đó. Vào cuối năm 2012, tôi đã đến ngụ tại
nhà ông bà tại thành phố Allentown tiểu bang Pennsylvania. Chúng tôi vẫn
thường liên lạc với nhau qua email.
2- Giáo sư Sophie Quinn-Judge tại Đại học Temple ở thành phố Philadelphia.
Sophie từng làm việc tại Việt nam trước năm 1975 trong tổ chức nhân đạo
của giáo phái Quaker. Chị thông thạo tiếng Pháp, Nga và cả tiếng Việt nữa.
Từ nhiều năm nay, chị làm giáo sự dạy môn sử học, đồng thời cũng làm phó
giám đốc trung tâm văn hóa, triết học và xã hội Việt nam tại Đại học Temple.
Một vài lần chị còn mời tôi đến trú ngụ tại nhà của chị ở khu ngọai ô của
Philadelphia. Đôi khi chị còn mời tôi đến nói chuyện với sinh viên trong lớp
do chị hướng dẫn nữa.
Sophie Quinn-Judge còn là tác giả cuốn sách “Ho Chi Minh – The Missing
Years” xuất bản năm 2002 mà được nhiều thức giả đánh giá cao. Sophie tính
tình hồn nhiên đôn hậu dịu hiền, chị xưng mình là một Buddhist Quaker
(người Quaker mà có tinh thần Phật giáo). Mới đây, chị cho biết sắp sửa đến
tuổi nghỉ hưu rồi, nhưng cho biết là chỉ nghỉ việc giảng day, còn vẫn phụ
trách chuyện nghiên cứu cho trường Temple.
Chị thường góp ý kiến cho các bài viết của tôi. Đặc biệt là về bài tôi viết về
“Kỷ niệm vui buồn với anh chị em thuộc Trường Thanh niên Phụng sự Xã
hội” ở Việt nam trước năm 1975, thì Sophie nói là những bài như thế rất là
cần thiết để cho các thế hệ sau này hiểu biết rõ ràng hơn về những cố gắng
xây dựng xã hội ở Việt nam ngay trong thời kỳ chiến tranh trước đây nữa.
3 – Luật sư Dinah Pokempner Cố vấn trưởng của tổ chức Theo dõi Nhân
quyền Human Rights Watch (HRW) ở New York.
Từ năm 1990 – 91, tổ chức HRW đã phân công cho Dinah Pokempner là
người phụ trách về hồ sơ của tôi bị giam giữ ở Việt nam từ năm 1990. Vì thế,
nên Dinah và tôi rất gắn bó thân thiết với nhau và mỗi khi tôi đến New York
thì thường tới gặp gỡ thăm viếng chị tại văn phòng của HRW. Dinah lại còn
tham gia giảng dậy tại Đại học Columbia và mới đây vào tháng 3/2015 lúc tôi
tham dự Đại hội thường niên của tổ chức Amnesty tại Brooklyn, New York,
thì Dinah cũng mời tôi đến nói chuyện với sinh viên trong lớp do chị phụ trách giảng dạy nữa.
Dinah cũng chuyển các bài của tôi viết cho các sinh viên của chị tham khảo
vài bữa trước khi lớp học bắt đầu, nên trong lớp học chị còn đặt những câu
hỏi và nhờ tôi giải thích chi tiết rõ ràng hơn cho các sinh viên hiểu biết về bối
cảnh chính trị văn hóa ở Việt nam. Dinah nhấn mạnh đến quan điểm vững
chắc của tôi trong cố gắng góp phần xây dựng luật pháp ở Việt nam – mà
cũng vì thế mà tôi bị cộng sản bắt giữ và tuyên án xử phạt tôi 12 năm tù vì tội
“tuyên truyền chống chủ nghĩa xã hội” trong phiên xử vào năm 1992 tại Tòa
án Sài gòn.
Chị còn nói rõ hơn với sinh viên: Các em cần chú ý đến lập trường của luật
sư Liêm khi ông viết trong tài liệu từ đầu năm 1990 rằng “Truyền thống nhân
bản và nhân ái của Việt nam đã có từ lâu – đó là cơ sở vững chắc cho công
cuộc phát huy nhân quyền tại quốc gia này. Chứ quan niệm về nhân quyền
không phải chỉ là sản phẩm riêng của phương Tây đề xuất ra…”
Sau buổi thuyết trình, Dinah mời tôi ra quán uống cà phê và nói chuyện thêm.
Tôi hỏi Dinah: Sinh viên của chị họ phê phán về tôi ra sao? Dinah vừa nói
vừa cười thật tươi rằng: Các em đó gọi anh là một “Rockstar”đấy. Khi về nhà
bạn Dick Hughes ở Manhattan, tôi thuật lại chuyện sinh viên ở Columbia của
Dinah, họ gọi tôi là rockstar đó, Dick cười ngất, anh nói: Mister Liêm quả
thật là nổi danh với chuyện được sinh viên tặng cho cái danh hiệu Rockstar
như vậy đó!
4 – Giáo sư Olga Dror tại Đại học Texas A & M (TAMU)
Olga Dror là người gốc Do Thái sinh trưởng ở Nga. Chị học chuyên về ngôn
ngữ và văn hóa Việt nam và đã có thời làm cho đài phát thanh Moscow phần
tiếng Việt. Hiện chị làm giáo sư giảng dạy về lịch sử tại Đại học TAMU. Chị
là người dịch cuốn sách Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca sang tiếng Anh –
cuốn sách này đã được Nhà xuất bản Đại học Indiana cho ấn hành vào năm
2014 và tôi cũng đã có dịp giới thiệu với bà con độc giả người Việt vào đầu
năm 2015 vừa rồi.
Chị cũng là tác giả một cuốn sách nghiên cứu về Công chúa Liễu Hạnh mà
được nhà xuất bản Đại học Hawaii ấn hành vào năm 2007. Từ ít lâu nay,
Olga chuyên nghiên cứu đối chiếu về giáo dục tại 2 miền Bắc và Nam Việt
nam trong thời kỳ chiến tranh 1965 – 1975.
Từ đầu năm 2015 đến nay, tôi thường hay trao đổi thư từ và bài viết với Olga.
Cụ thể như khi tôi gửi cho chị loạt bài “Thanh thiếu niên và Công tác xã hội
tại miền Nam hồi trước năm 1975”, thì Olga trả lời rằng loạt bài này rất sinhđộng và góp phần vào việc tìm hiểu tình hình xã hội ở Việt nam trong thời kỳ
chiến tranh trước đây.
Phu quân của chị là Keith Taylor, thì cũng là một giáo sư chuyên nghiên cứu
và giảng dạy về lịch sử và văn hóa Việt nam tại đại học danh tiếng Cornell
nữa.
5 – Doug Hostetter, Giám đốc văn phòng “MCC Liaison Office with the
United Nations” (Văn phòng Liên lạc của MCC với Liên Hiệp Quốc).
Doug từng làm việc thiện nguyện tại Tam Kỳ trong tổ chức MCC hồi trước
năm 1968. Sau anh về Mỹ và tham gia tích cực trong phong trào sinh viên
chống chiến tranh hồi đầu thập niên 1970. Anh nổi tiếng vì họat động trong
nhiều tổ chức tranh đấu xây dựng hòa bình như Fellowship of Reconciliation
(FOR). Từ trên 10 năm nay anh là Giám đốc văn phòng của MCC liên lạc với
Liên Hiệp Quốc, vì thế lần nào đến New York tôi cũng đến gặp gỡ trao đổi
với anh tại văn phòng kế cận với khuôn viên của trụ sở LHQ.
Chúng tôi vẫn thường trao đổi thư từ với nhau qua email. Đặc biệt dịp 30/4
năm 2015, tôi có gửi cho Doug bài viết bằng Anh ngữ về những vụ tàn sát
của phe cộng sản Việt nam đối với người thuộc phe quốc gia trong các năm
1945 – 47 lúc họ vừa mới nắm được quyền hành trong tay của mình. Đọc
xong, Doug trả lời ngay cho tôi; “Các vụ thảm sát này không hề được phong
trào hòa bình (the peace movement) nhắc đến trước đây vào hồi đầu thập
niên 1970!”
6 – Trao đổi với anh bạn Danut Manastireanu từ xứ Rumania.
Đây là người bạn mà tôi chưa hề trực tiếp gặp mặt, nhưng từ vài ba năm nay
chúng tôi vẫn liên lạc thư từ với nhau qua email. Lý do là anh bạn Danut này
hiện vẫn sinh sống tại quê nhà ở nước Rumania bên Đông Âu. Anh thường
cho đăng bài của tôi viết bằng tiếng Anh lên Google để nhiều người khắp nơi
có thể đọc được nữa. Tôi hy vọng khi qua thăm bà con bên Âu châu, thì sẽ có
dịp gặp mặt với anh để hàn huyên tâm sự nhiều. Anh làm việc cho tổ chức
World Vision tại Rumania.
7 – Trao đổi với chị Annette làm việc tại chi nhánh Bưu điện Bolsa, thành phố
Westminster, California.
Chị Annette làm việc lâu năm tại Bưu điện Bolsa là nơi mà phần đông bà con
người Việt tại khu vực Little Saigon đều biết đến. Mấy năm gần đây, tôi hay
gửi cho chị những bài tôi viết bằng tiếng Anh. Có lần sau khi đọc bài viết về
chiến tranh Việt nam, thì Annette đã nói với tôi, đại khái như thế này: “Trước
khi được đọc bài viết của anh, thì tôi thật không hề biết là người cộng sản ở
Việt nam lại có thể tàn ác đến như thế…” (I didn’t know that the communists
in Vietnam are so atrocious).
8 – Trao đổi với chị Sophie Richardson tại văn phòng HRW ở thủ đô
Washington DC.
Từ cuối thập niên 1980, hồi còn rất trẻ Sophie Richardson đã khởi sự tham
gia họat động tại Cambodia với các tổ chức phi chính phủ (NGO – Non-
Governmental Organisations). Và sau ít lâu thì chị gia nhập với tổ chức HRW
và từ 20 năm nay làm việc tại văn phòng của tổ chức này ở Washington DC.
Sophie được nhiều bà con người Việt chúng ta biết đến và mến chuộng vì chị
thường ra điều trần tại Quốc Hội Mỹ để tố cáo những vi phạm nhân quyền
của chính quyền cộng sản Hà nội.
Và mỗi khi tôi đến thành phố này, thì chúng tôi thường gặp gỡ chuyện trò
trao đổi thông tin với nhau. Sophie thông thạo tiếng Hoa, luận án thi văn
bằng tiến sĩ của chị là về tình hình chính trị ở Trung quốc. Gần đây, Sophie
được HRW bố trí phụ trách riêng về tình hình ở Trung quốc.
Có lần, Sophie giải thích cho tôi: “Anh biết không, cái tên Sophie của tôi là
từ tiếng Hy lạp có nghĩa là wisdom (minh triết). Tôi rất thích cái tên này do
cha mẹ chọn cho tôi đấy…” Tôi bèn trả lời: “Chị cũng biết đấy, tên của tôi là
Thanh Liêm có nghĩa là Honesty. Nhưng các bạn quen biết lại còn gọi tôi là
một philosopher nữa. Như vậy, thì giữa Sophie và tôi có sự liên hệ mật thiết
đấy nhỉ…” Sophie hiểu ngay ý nghĩa khôi hài của tôi và cười thật tươi.
Gần đây, sau khi đọc bài “My Two Passions” của tôi, Sophie trả lời ngay qua
email: “ Rất cảm ơn anh đã chia sẻ bài viết này với tôi. Ví chính tôi cũng có 2
niềm say mê giống như anh vậy – đó là sách báo và bạn hữu”.
9 – Trao đổi với các bạn trong nhiều cuộc gặp gỡ khác.
Tôi tham gia sinh họat với tổ chức Amnesty International tại Mỹ từ nhiều
năm nay, ở cả 3 cấp bậc: – Họp thường xuyên hàng tháng tại địa phương gọi
là local group số 178 ở thành phố Irvine – cấp miền gồm các tiểu bang khu
vực miền Tây nước Mỹ gọi là Western Regional họp mỗi năm vào tháng 11 –
và cấp tòan quốc trong các Đại hội Thường niên họp vào tháng 3 gọi là
Annual General Meeting (AGM). Vì thế mà tôi có cơ hội gặp gỡ trao đổi thân
mật với rất nhiều bạn hữu từ nhiều quốc gia khác nhau mà lại có cùng một
chí hướng theo đuổi lý tưởng bảo vệ nhân quyền.
Số bạn này quá đông, tôi không thể nào kể ra hết danh tính của từng người
trong số cả ngàn các bạn đó được. Thường tôi chuyển một số bài mình viết
cho các bạn ấy đọc và rất nhiều bạn đã gửi phản hồi tích cực lại cho tôi. Đó là
cái duyên quen biết gắn bó lâu dài của tôi với các bạn trong khuôn khổ đại
gia đình của tổ chức Ân Xá Quốc Tế đó vậy.
Cũng tương tự như thế, qua nhiều cuộc hội thảo nơi các đại học tại những
tiểu bang thuôc khu vực miền Đông nước Mỹ, tôi cũng có thêm sự quen biết
gần gũi với khá nhiều các bạn khác nữa. Và chúng tôi đều có những trao đổi
thân tình thuận thảo với nhau trong tinh thần nhân bản tiến bộ và tương kính.
Đối với tôi, thì rõ ràng những cuộc gặp gỡ trao đổi gắn bó thân thiết với các
bạn người Mỹ cũng như với những bạn hữu quốc tế như thế – đó là một
phương cách thuận lợi để mình hội nhập êm thắm nhịp nhàng vào với dòng
chính của xã hội nước Mỹ – là nơi mà một số khá đông lên đến gần 2 triệu
người Việt chúng ta đã chọn lựa đi đến sinh sống lập nghiệp lâu dài kể từ sau
năm 1975 vậy.
Nói chung, thì với chiều hướng tòan cầu hóa về các mặt chính trị, kinh tế, xã
hội cũng như văn hóa tinh thần – con người ngày nay có sự tôn trọng, thông
cảm và liên đới gắn bó mật thiết với nhau mỗi ngày càng thêm bền chặt hơn.
Và đó là điều giúp chúng ta có được sự tin tưởng và niềm phấn khởi cho
tương lai sắp tới của nhân lọai trong thế kỷ XXI này vậy./
Westminster California, cuối năm Ất Mùi 2015
Đoàn Thanh Liêm