Trong khi người Hoà Lan lo khai mở, đào vét các con sông, xây dựng hệ thống đê điều để phòng chống ngập lụt thì người CSVN dành các phần đất trủng để xây cất, lấp các cửa sông để xây chung cư, phá các con kênh thóat nước. Kết quả việc “thay trời làm mưa” này Sài Gòn Biên Hoà sau mấy trận mưa to, bị ngập nước trầm trọng.
Saigon trở nên thành phố “Hồ” chứa nước. Tân Sơn Nhất không còn là nơi máy bay cất cánh hay đáp xuống mà trở nên bến tàu vì nơi thoát nước bị lấp đi để xây sân golf.
Người Hòa Lan, với một nửa đất nước dưới mực nước biển, tại sao họ lại có thể sống sót được, có thể đặt bản thân mình vượt lên trên mức nước biển mỗi khi nước lũ tràn về? Bí quyết ấy rất đơn giản: thay vì chống lại làn nước dữ, họ sống chung với nó.
Như cặp vợ chồng Nol và Wil Hooijmaaijers, họ đã hi sinh mảnh đất ruộng nhà mình để 150.000 người dân thành phố Den Bosch, cách 30 km về phía thượng nguồn không phải chịu cảnh mất nhà do nước cuốn. Hiện họ đang sống trong một khu nhà cải tiến, trên một ngọn đồi nhân tạo với một trang trại bò sữa rộng lớn, tránh được nước lũ tràn vào.
Dự án này mang tên “Room for the River”, nằm trên vùng đất bị biển lấn Overdiepse Polder, một khu vực trang trại nằm ở điểm vòng cung của 2 con sông. Dự án là 1 trong 40 chương trình nhằm hạn chế nước lũ tràn vào từ hệ thống sông. Được chính thức hoạt động vào năm 2006 và được cấp 1,8 tỷ Bảng Anh, chương trình này tập trung vào 4 con sông chính của Hòa Lan, ngăn chặn chúng không gây ngập lụt.
Căn bản của dự án này là hạ độ cao bãi sông, nới rộng sông và các kênh đào bên cạnh, với mục đích cho con sông có thể chứa được lượng nước khổng lồ tràn về. Chi phí ấy còn để tái định cư 200 gia đình thuộc diện ảnh hưởng, cho họ một căn nhà mới.
Đất nước Hà Lan đã phải đương đầu với nước lũ trong lịch sử hơn 1.000 năm phát triển, khi mà những người nông dân đào những con hào đầu tiên. Những cối xay gió đang mang nhiệm vụ bơm nước ra khỏi ruộng từ hồi thế kỷ 14, và Overdiepse Polder hiện tại cũng có những hệ thống bơm như vậy.
Vì thực trạng của đất nước như vậy, nên các đại học tại Hòa Lan đa`o tạo ra những người kỹ sư về đê điều tài năng nhất thế giới, và chính họ cũng đã mang những hiểu biết về ngập lụt đến cho những đất nước khác; chính phủ Hòa Lan đã cố vấn cho các dự án tại Trung Quốc, Úc và các nước Châu Phi.
Để di dời người dân khỏi khu vực lũ, để áp dụng dự án chống ngập lụt mới, chính phủ cũng đã phải thuyết phục nhiều. Có những người dân rất đau buồn khi phải di dời khỏi ngôi nhà đã có tới 3 thế hệ con cháu sinh sống, “nhưng họ phải tìm ra cách để sống chung với cơn lũ chứ không phải chống chọi với nó liên tục qua nhiều thế hệ”, chuyên gia Han Brouwers, một chuyên gia sông ngòi làm việc với dự án “Room for the River” nói.
Nhưng cuối cùng họ vẫn dời đi, vì một tương lai tốt đẹp hơn và mục đích cao cả hơn. Trong số những hộ gia đình phải di dời, đã có 2 nhà đâm đơn kiện lên tòa án, rằng họ không muốn dời đi nhưng cuối cùng thì “Room for the River” vẫn thắng kiện.
Ông Harold van Waveren là một trong những chuyên gia quản lý nước, nói rằng không một rủi ro nào đạt được mức số 0 cả, và hệ thống điều khiển nước lũ của Hòa Lan là không quan trọng hóa bất cứ một lĩnh vực nào, trong khi luôn giữ gìn tình trạng của hàng phòng ngự nước tại bờ biển cũng như bờ sông một cách tốt nhất.
“Người Hòa Lan tự hào về hệ thống đê điều và chống ngập lụt của mình, khi mà chúng tôi có hơn 8 triệu người dân sống dưới mực nước biển và họ phải dựa vào hệ thống ấy. Chúng tôi đã học được nhiều bài học trong đắt giá quá khứ, và giờ những bài học quý giá ấy đã giúp chúng tôi hoàn chỉnh hơn”, ông nói.
“Trong những tình huống cấp bách, bạn phải chống lại dòng nước hung dữ nhưng trong cuộc sống hàng ngày, ta cần phải sống ôn hòa với nó. Chính phủ Hòa Lan vẫn luôn cung cấp lượng tài chính để duy trì tính ổn định ấy, và chúng tôi vui về điều đó. Nước lũ là không có điểm dừng, và quá trình ‘sống chung với lũ’ là một quá trình lâu dài và liên tục. Chúng tôi không muốn có một đợt lũ quét bất ngờ nào nữa”.
Ngoài cải tiến sông ngòi, nhiều công ty xây dựng còn thử nghiệm và chế tạo những loại nhà “lưỡng cư”, dựa trên thiết kế của nhà thuyền Hà Lan cổ. Chúng có thể “sống” trên cạn khi nước rút, và nổi trên nước khi lũ về. Nhiều căn nhà như vậy đã được xây tại những khu vực thường xuyên ngập lụt ở đất nước Hòa Lan.
Câu trả lời của người Hòa Lan không phải là chống chọi với làn nước dữ mỗi lúc một khác, mà là chung sống với nó, tạo ra những kế hoạch mà có thể có được lợi ích lâu dài. Hãy nhìn gia đình ông Hooijmaaijers, họ đã từng lo sợ về nước ngập trang trại của mình nhưng giờ, họ đã ổn định cuộc sống với một trang trại bò sữa có thể cung cấp cho các thế hệ sau này nữa.
Một kế hoạch dài hạn dường như luôn luôn hiệu quả, ví dụ điển hình nhất mà ta thấy, là hệ thống điều hành đê điều để tránh ngập lụt tại đất nước Hòa Lan này.
(Sư Phạm Và Bằng Hữu)