HÀ NỘI (NV) – Theo kết quả một cuộc khảo sát về việc thực hiện cải cách bộ máy hành chính do Quốc Hội Việt Nam thực hiện thì lãnh đạo trong các bộ thuộc nội các Việt Nam nhiều hơn nhân viên.
Chẳng hạn tỉ lệ công chức giữ các chức vụ từ phó phòng trở lên tính trên nhân viên ở Bộ Công Thương là 3/4 (75%), ở Văn phòng Chính phủ và các bộ: Nội Vụ, Tài Chính,… là 3/4 (60%).
Lược thuật về cuộc khảo sát vừa kể, VN Economy cho biết thêm rằng Quốc Hội Việt Nam nhận định, tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ trong nội các Việt Nam vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian. Kiểu trong bộ có các tổng cục, cục, vụ, văn phòng, thanh tra rồi trong các tổng cục cũng có cục, vụ, văn phòng, trong cục, vụ, văn phòng có các chi cục, phòng, ban… tương đương vẫn rất phổ biến.
Mỗi vấn đề cần được xử lý thường qua bảy bước: Chuyên viên soạn thảo báo cáo, đề nghị. Phó phòng cho ý kiến. Trưởng phòng cho ý kiến. Vụ phó cho ý kiến. Vụ trưởng cho ý kiến. Thứ trưởng duyệt văn bản. Bộ trưởng ký. Nếu có tổng cục thì còn thêm hai bước, trình cả tổng cục phó lẫn tổng cục trưởng cho ý kiến trước khi trình thứ trưởng duyệt, bộ trưởng ký.
Cơ quan thực hiện cuộc khảo sát vừa kể không lập thống kê, so sánh xem tỉ lệ văn bản được duyệt không khả thi, phải thu hồi hoặc hủy bỏ là bao nhiêu. Trên thực tế, tình trạng này diễn ra thường xuyên.
Cần nhắc lại rằng, theo nhiều chuyên gia, một trong những lý do khiến nợ nần của Việt Nam tăng vọt, bội chi, kinh tế liên tục suy thoái là do chi phí nuôi hệ thống công quyền quá lớn.
Theo một thống kê được công bố hồi năm ngoái, tại Việt Nam số lượng người hưởng lương hoặc các khoản có tính chất như lương từ ngân sách là 11 triệu. Con số này bao gồm các công chức trong hệ thống quyền và những cá nhân đang làm việc cho các tổ chức chính trị (như: Ðảng CSVN, Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam), các đoàn thể. Trung bình, 40 người dân Việt Nam (bất kể tuổi tác, kể cả trẻ sơ sinh) phải nuôi một công chức/viên chức.
Hồi còn là phó thủ tướng, đề cập đến đội ngũ công chức, viên chức Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc từng nhận định, chỉ có 30% đáp ứng được yêu cầu công việc. Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, cho rằng, 30% công chức chỉ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về.” Khi còn làm bộ trưởng Thông Tin-Truyền Thông, ông Lê Doãn Hợp, bổ túc, 30% còn lại không chỉ không làm được việc mà còn nhũng nhiễu, đòi hối lộ.
Tuy là một vấn nạn thường trực và dù giới lãnh đạo Việt Nam nhiều lần thề “cải cách bộ máy, giảm lượng người hưởng lương từ ngân sách nhưng nhiều năm nay tổng chi thường xuyên của Việt Nam vẫn chiếm từ 68% đến 72% tổng ngân sách. Chi thường xuyên là cách gọi những khoản chi nhằm duy trì hoạt động của hệ thống công quyền. Hồi Tháng Năm vừa qua, ông Vương Ðình Huệ, một trong các phó thủ tướng Việt Nam, bảo rằng, năm nay, tổng chi thường xuyên có giảm, sẽ đạt tỉ lệ khoảng… 67% tổng chi ngân sách.
Khi tổng chi thường xuyên vẫn ở mức như vừa kể thì sẽ tiếp tục phải cắt giảm nhiều thứ, đặc biệt là phúc lợi xã hội, đầu tư để phát triển, bội chi tất nhiên là không thể tránh và tất nhiên là phải tăng vay mượn.
Những tuyên bố, cam kết mạnh mẽ nhằm cải cách bộ máy, giảm chi thường xuyên của giới lãnh đạo Việt Nam vừa được minh họa bằng các con số rất ấn tượng từ cuộc khảo sát về việc thực hiện cải cách bộ máy hành chính do Quốc Hội Việt Nam thực hiện: Số đơn vị hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tăng thêm 28. Số đơn vị hành chính trực thuộc tổng cục tăng thêm 822. Chuyện nâng các vụ thành cục đang trở thành… xu thế mạnh mẽ, năm năm vừa qua hệ thống công quyền Việt Nam có thêm 29 cục và dẫn đầu xu thế này là các bộ thực thi pháp luật như công an, tư pháp! (G.Ð)