Cảm nhận về chứng nhân Đức Kitô

Cảm nhận về chứng nhân Đức Kitô

Tác giả: Lê Thiên

nguồn: vnfa.com

Theo Giáo lý Công giáo (GLCG) số 1253, Bí tích Thánh tẩy(tức Bí tích Rửa tội) là “bí
tích đức tin… Đức tin cần có để được rửa tội chưa phải là đức tin hoàn hảo và trưởng tành, nhưng là một khởi đầu cần được phát triển. Hội Thánh hỏi người dự tòng hay người đỡ đầu: “Con xin gì cùng Hội Thánh Chúa?” Và họ trả lời: “Con xin đức tin.”

Như vậy rõ ràng việc xin gia nhập đạo Chúa đối với người trưởng thành là một sự tự nguyện xuất phát ý chí tự do của con người. Do đó, chúng tôi xác tín rằng, tất cả những người trưởng thành lãnh nhận Bí tích Rửa tội đều là những người ý thức về sự tự do và quyền lựa chọn của mình. Có vị gia nhập Công giáo ở tuổi thanh niên như linh mục
Nguyễn Hy Thích, lm Bửu Dưỡng. lm Nguyễn Viết Chung; có vị cao tuổi hơn như nhà khoa học NASA Gs Nguyễn Xuân Vinh, Gs Vũ Quốc Thúc, nhà thơ Hà Thượng Nhân….Riêng những người trẻ trong nước đang can đảm đấu tranh cho nhân quyền, dân quyền và quyền lên tiếng bảo vệ chủ quyền quốc gia như Tạ Phong Trần, Hoàng Vi, Huỳnh Thục Vy, Trịnh Kim Tiến… cả nước đều biết, họ đã vượt lên trên sự sợ hãi thế nào để gia nhập Công giáo, tôn giáo đối tượng hàng đầu của chủ nghĩa và chế
độ cộng sản.

“Người trộm lành”

Người tín hữu Công giáo đều đọc và nhớ câu chuyện “người trộm lành” trong sách Tin Mừng. Cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu là hai kẻ gian phi. Một người buông lời nhục mạ, thách thức Chúa  Giêsu, trong khi người thứ hai nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Anh thứ hai khôngđồng ý với thái độ hồ đồ thách thức của anh thứ nhất, nên trách: “Cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này [Chúa Giêsu] đâu có làm gì trái!” Rồi anh thứ hai thưa với Đức Giêsu: “Lạy Đức Giêsu, khi vào ước của Ngài, xin Ngài nhớ đến tôi!” Chúa đáp lời anh: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 39-43).

Một kẻ gian phi chỉ một lời thống hối vào giờ cuối đời đã được Chúa khoan dung tha thứ và đón nhận!

Giang hồ người Việt trở thành Thánh tử đạo

Lịch sử đạo Công giáo tại Việt Nam cũng đã chứng kiến ơn hối cải hi hữu của một tay giang hồ: Thánh Phaolô Hạnh, một trong số 117 Thánh Tử đạo Việt Nam.

Hạnh sinh tại Tân Triều, tỉnh Biên Hòa khoảng năm 1827. Lớn lên, Hạnh cùng hai người anh đến Chợ Quán, Sài Gòn để buôn bán. Dư luận đồn đại nhiều điều xấu về anh. Chẳng hạn, trong làm ăn buôn bán, anh gần gũi với những tay chuyên lường gạt, bắt chẹt những người cô thế cô thân yếu thế. Hình như có thời anh đã từng cầm đầu một băng cướp.

Một lần kia, chứng kiến một thiếu phụ nghèo khổ bị bọn đàn em bóc lột không thương tiếc, anh Hạnh không thể cầm lòng bèn ra uy “đàn anh” can thiệp, buộc chúng phải trả lại tài sản đã cướp giật cho nạn nhân, dù anh biết trước cáchhành xử hào hiệp của mình sẽ mang lại
hậu quả không lường theo luật giang hồ.

Quả nhiên, đám du đãng tố cáo Hạnh là người theo đạo “Gia tô” (đạo Kitô), và vu khống anh làm tay sai cho thực dân Pháp. Tại nơi pháp đình cũng như trước mặt các quan, anh Hạnh dứt khoát không nhận mình làm tay sai cho Pháp, nhưng lại tự nhận mình là Kitô hữu dù anh chưa hẳn là người Công giáo. Anh bị đánh đòn và tra tấn dã man, bị buộc từ chối mình là Công giáo, nhưng không gì lay chuyển được anh, trừ gương can đảm chịu chết
vì đạo của những bạn tù đã cảm hóa sâu sắc tâm hồn anh Hạnh khiến anh tự nguyện
đón nhận ơn Bí tích Rửa tội ngay trong phòng giam. Anh khẳng khái tuyên xưng: “Tôi là Kitô hữu, không bao giờ tôi chối đạo”.

Ngày 28.05.1859, anh Phaolô Hạnh bị trảm quyết tại Chí Hòa khi vừa tròn 32 tuổi. Hơn một thế kỷ sau, ngày 19/6/1988, Giáo Hội long trọng tuyên phong Phaolô Hạnh là Thánh trong 117 Thánh Tử đạo Việt Nam.

Sử gia Rodriguez so sánh cuộc đời thánh Phaolô Hạnh với cuộc đời “CÁNH HOA TÍM NGÁT HƯƠNG” : (Martyrologio Oriental Tr. 253-255)

“Có những hoa tím mọc dại bên đường, cho đến ngày có khách bộ hành đi ngang dẫm nát, nó mới tỏa hương thơm. Phaolô Hạnh quả là bông hoa bị che khuất bên vệ đường Giáo Hội,
cho đến khi bị vò nát trong cuộc bách hại, mới tỏa ra hương thơm ngát khiến chúng ta phải lâng lâng ngây ngất”.

GLCG số 1258 nêu rõ: “Hội Thánh luôn xác tín rằng những người chịu chết vì đức tin mà trước đó chưa được rửa tội, thì coi như đã được thanh tẩy , vì đã chết cho Đức Kitô và với Đức Kitô. Dù không là bí tích, rửa tội bằng máu , cũng như ước muốn được rửa tội , vẫn mang lại hiệu quả của bí tích Thánh Tẩy.”

Như vậy, giả sử Thánh Phaolô Hạnh chưa nhận lãnh Bí tích Thánh Tẩy mà đã sẵn sàng đổ máu vì đạo, thì việc phong thánh cho ngài cũng xứng hợp thôi.

Ta thấy một kẻ gian phi được Chúa chấp nhận cùng vào Nước Trời với Chúa, và một tay gian hùng được Giáo Hội tôn vinh là thánh đồng hàng với bao nhiêu giám mục, linh mục, tu sĩ, thầy giảng và giáo dân đạo đức thánh thiện, thì việc hoán cải của bất cứ thành phần nào trong xã hội cũng là điều bình thường đối với Thiên Chúa và cả dưới mắt đức tin của
người Kitô hữu.

Nhân đây, xin mạo muội ghi nhận đôi nét về ơn trở lại của 2 người Việt Nam vào đầu thế kỷ 21 này để bổ sung vào danh sách những vị đã gia nhập Công giáo mà nhà văn Trần Phong Vũ nêu danh tánh trong Thư ngỏ của ông “Nhân đọc bài viết của ông Nguyễn Đăng Khoa,” đăng tải trên DCVOnline ngày14/10/2012.

Ông Ngô Khắc Tỉnh, cựu Tổng trưởng Giáo Dục VNCH

Theo nhân chứng Nguyễn Phúc Hậu (năm nay 80 tuổi), người đã nhiều năm phụ trách Lớp Giáo lý dự tòng tại Nhà thờ Saint Maria Goretti ở San Jose thì vào khoảng năm 2004 (không nhớ chính xác), cựu Bộ trưởng Ngô Khắc Tỉnh khi nằm bệnh viện và di chuyển bằng xe lăn đã xin gia nhập đạo Công giáo. Đây không phải là ước muốn bất chợt của cụ Tỉnh, mà là một ước nguyện đã từng được cụ cưu mang từ thuở mài đũng quần ở trường Trung học Công giáo Thiên Hựu (Providence), Huế, thời thập niên 1940.

Vào ngày nhận Bí tích rửa tội, cụ Ngô Khắc Tỉnh nhờ y tá đẩy xe lăn từ giường bệnh tới nguyện đường trong Bệnh viện thật sớm và Cụ một mình âm thầm cầu nguyện hầu như suốt buổi sáng trong khi chờ đợi giờ đón nhận Bí tích Rửa tội. Đến ngày 12/11/2005, Cụ Ngô Khắc Tỉnh lìa đời.

Người ta đọc thấy trong PHÂN ƯU của một số cựu học sinh đồng trường Thiên Hựu (Providence) với Cụ lời “cầu nguyện cho hương hồn bạn được sớm về Nước Chúa.” Ban phân ưu cũng cho biết “Lễ tại Nhà Thờ St Patrick 389 E Santa Clara St. San Jose.” Trên PHÂN ƯU, không thấy nêu tên thánh người quá cố. (Xin xem phóng ảnh đính kèm dưới đây). Dù sao, PHÂN ƯU đã xác nhận cụ Ngô Khắc Tỉnh là Công giáo. Nhân chứng Nguyễn Phúc Hậu cùng gia đình hiện vẫn định cư tại San Jose, California.

Nhạc sĩ tài danh Lê Mộng Bảo

Người Việt Nam sinh trưởng trong nước trước năm 1975, từ già tới trẻ, hầu như không ai không nghe danh nhạc sĩ tài hoa Lê Mộng Bảo (1923-2007) với những bản nhạc bất hủ của ông cùng nhà xuất bản nhạc Tinh Hoa & Tinh Hoa Miền Nam lừng danh trước năm 1975 mà ông là linh hồn.

Vào một ngày khoảng năm 2005, Ông Nguyễn Phúc Hậu đón nhận một cụ bô lão quắc thước xin vào học Lớp Giáo lý Dự tòng. Đến ngày chuẩn bị lễ ban Bí tích Thánh Tẩy, theo gợi ý của ông Hậu, cụ nhạc sĩ Lê Mộng Bảo đã cùng người bạn Đinh Phúc, kẻ viết lời, người soạn nhạc, cống hiến bản “Tân Tòng Ca.” Bản Tân Tòng Ca lập tức được nhạc sĩ Hải
Triều hòa âm và điều khiển hợp xướng, nghe rất thánh thiêng và có sức tác động
linh đạo mạnh mẽ.

Thời gian dài sau đó, ông Nguyễn Phúc Hậu không còn dịp liên lạc với Cụ Lê Mộng Bảo, cho đến ngày 08/10/2007, đọc báo, nghe đài, mới hay tin Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo vừa từ trần do đột quỵ. Ông Hậu không có cơ may đi chào biệt cụ Bảo lần cuối, nên không rõ tang lễ của cụ
được gia đình tổ chức thế nào.

Thomas More Nguyễn Chí Thiện

Trường hợp nhà thơ Nguyễn Chí Thiện cũng na ná như vậy. Nếu ông đã bày tỏ khát vọng gia nhập đạo Công giáo và giả sử ông vĩnh viễn ra đi khi chưa kịp nhận lãnh Bí tích Rửa tội, ông vẫn được nhìn nhận là thành phần của Hội Thánh và là con cái Chúa vì đã có lòng ước
ao
gia nhập vào hàng ngũ con cái Chúa (xin xem GL số 1258 dẫn trên).

Qua những ơn trở lại điển hình trên và căn cứ vào lời dạy của GLHT Công giáo, chúng tôi tin chắc nhà thơ Nguyễn Chí Thiện trước khi lìa đời đã tự do nói lên nguyện ước gia nhập Công giáo khi đang nằm bệnh viện. Một tuần lễ sau, nhà thơ từ trần ngày 02/10/2012.

Tin chắc cả linh mục Cao Phương Kỷ lẫn nhà văn Trần Phong Vũ, Bs Trần Văn Cảo hay bất cứ người Công giáo nào, chẳng ai làm cái chuyện lén lút trẻ con “để cải đạo” cho ông Nguyễn Chí Thiện! Các vị đều am hiểu lẽ đạo lẽ đời tường tận chín chắn. Các vị thông hiểu và tuân giữ luật Hội Thánh về quyền tự do thưa “Xin đức tin” của một người trưởng thành bày tỏ ước vọng gia nhập Công giáo. Sự bày tỏ ước muốn gia nhập Công giáo của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện chắc chắn đã xảy ra vào một lúc nào đó mà nhà văn Trần Phong Vũ, bạn thân của ông là nhân chứng, để ông Vũ kịp thời mời linh mục Cao Phương Kỷ đến giúp ông Nguyễn Chí Thiện hoàn thành ước vọng của ông trước khi nhắm mắt lìa đời ngày 02/10/2012.

Về viêc Nguyễn Đăng Khoa viết bài gây lên mối ngờ vực đối với trường hợp nhà thơ Nguyễn Chí Thiện gia nhập Công giáo, tôi cho rằng có thể ông Khoa cố tình xuyên tạc, không phải chỉ để đánh phá, triệt hạ uy tín một vài nhân vật Công giáo mà còn nhằm bôi nhọ và kết án
chính đạo Công giáo. Tuy nhiên, nói như nhà văn Trần Phong Vũ, cũng có thể Nguyễn
Đăng Khoa lầm do không hiểu gì về Công giáo. Vì vậy cùng với nhà văn Trần Phong
Vũ, chúng ta lặp lại lời Đức Giêsu trên Thập giá: “Lạy Cha! Xin tha tội cho họ vì họ lầm, không biết.”

Chúng tôi đã có dịp tiếp xúc với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Ông Thiện thâm trầm, ít nói, nhưng vẫn giữ phong cách hài hước nhẹ nhàng tế nhị.

Lần đầu gặp nhau, chúng tôi tự giới thiệu tên cho nhau. Ông Thiện cười xuề xòa:

– Bác  nhẹ hơn tôi đấy!

– Vâng! Tôi nhỏ con, làm sao so với cụ!” Tôi đáp.

Ông Thiện lại cười:

– Tớ trùng tên với bác, nhưng mà nặng!” Ý ông Thiện muốn nói ông là “Thiên
nặng Thiện!”

Rồi ông Thiện lại bảo:

– Chưa là Dân Trời (Lê Thiên) như bác, chưa “thiện” nổi, mạo nhận mình là “Thiện”đấy
thôi.

– Tôi hỗn hơn cụ nhiều, dám mạo nhận mình là dân Trời, nên Trời đọa!”

Ông Thiện nắm tay tôi:

– Thế thì chúng mình cùng hướng Thiện để hướng Thiên nhé!

Vui đùa là vui đùa! Tôi không có ý cường điệu hay phóng đại cái giai thoại vui đùa giữa chúng tôi theo cảm nhận chủ quan của mình. Nhưng bây giờ, sau khi Nguyễn Chí Thiện “quy tiên”, những lời vui đùa của nhà thơ lại văng vẳng bên tai tôi làm tôi xúc động bồi hồi: “Chưa là dân trời, chưa thiện” hay “hướng thiện để hướng thiên!” Tôi tự
thầm hỏi: Phải chăng nhà thơ đã bộc lộ ý tưởng tìm tới Thiên Chúa?

Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện ra đi, nhưng tinh thần và hình ảnh “ngục sĩ” Chí Thiện sống mãi trong lòng người Việt quốc gia chân chính yêu Tổ quốc, yêu Dân tộc, chống bè lũ bán nước, cái bè lũ mà ông Nguyễn Chí Thiện đã nhận rõ chân tướng từ khi ông hãy còn rất trẻ, sống
“giữa lòng địch,” nằm trong bàn tay gian ác của họ.

Từng bài thơ, từng câu thơ trong tập thơ HOA ĐỊA NGỤC của ông đều nhắm thẳng vào đầu địch mà bắn! Quân thù căm giận ông! Cầm tù ông 27 năm, hành hạ bức bách ông, quyết hại ông bằng mọi cách có thể, họ vẫn chưa thỏa nỗi căm hận đè nặng họ. Nhưng rồi họ đã chẳng làm gì được ông! Với tất cả những nhà đấu tranh cho dân chủ, dân quyền và nhân quyền trong nước, nhà cầm quyền CSVN dẫu dùng đủ những biện pháp hèn hạ, đê tiện và
độc ác nhất cũng chẳng lung lay được ý chí và tinh thần đấu tranh kiên cường của các nhà yêu nước ấy.

Trong niềm nhớ thương, quý mến và trân trọng người “ngục sĩ” can trường, chúng ta thành tâm cầu cho linh hồn Thomas More Nguyễn Chí Thiện sớm hưởng vinh quang
muôn đời. Bên cạnh đó, chúng ta không quên tiếp nối công việc của ông “phơi bày cho thế giới thấy niềm đau đớn khôn cùng của cả một dân tộc đang bị áp chế và đầy đọa(*)” (* Trích bản dịch thư của nhà tho Nguyễn Chí Thiện gửi ra bên ngoài năm 1979, viết bằng tiếng Pháp.)

qua việc nghiền ngẫm và quảng bá rộng rãi tập thơ HOA ĐỊA NGỤC – “một tập thơ mang
đầy máu và nước mắt – phản ánh một thế giới trong đó con người Việt Nam, vốn hiền lành là thế, đã vì một ý-thức-hệ ngoại-lai biến thành con vật với chính đồng-loại,đồng-bào.” (Lời Nhà Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ).

Lê Thiên

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay