Buồn vui nghề bảo hiểm nhân thọ.
Tác giả: Phùng Văn Phụng
Khi đặt chân đến đất Mỹ vào cuối năm 1993 theo diện HO, tôi không biết phải làm nghề gì để sống ở quốc gia mới lạ này. Đường sá rộng thênh thang, các cây cầu trên xa lộ (Freeway) đan kẻ, giao nhau làm tôi ngơ ngác, thấy quá bở ngở của người dân Sài gòn, đã từng hảnh diện Sài gòn là “Hòn Ngọc Viễn Đông” với xa lộ Biên Hòa cũng có bốn “lane” đã cho là lớn lắm rồi.
Khi được xếp có áo che mưa bằng cao su dùng nó để chống cái lạnh miền Bắc. Nửa tháng mới dám tắm một lần. Mỗi lần tắm nước bốc thành hơi, thành khói, bay mù mịt.
Về Sài gòn đầu năm 1983, làm đủ nghề lao động để sống. Đi dọn ống cống. Giặt bao ni lông. Mua bán báo cũ. Chạy xích lô. Bán vé số dạo. Dạy kèm trẻ tư gia. Dùng xe đạp chở bia, nước ngọt, giao các quán để kiếm sống qua ngày. Cuối cùng cũng có được một quán bán bia nước ngọt. Tạm ổn định sau mười năm làm việc cật lực. Khi làm đơn đi Mỹ theo diện HO bạn bè nói: “đang làm ăn “ngon lành” như vậy (bán bia nước ngọt) mà bỏ đi nước ngoài rồi qua bên đó (Mỹ) làm gì để sống.”
Tôi cũng không biết làm nghề gì để sống. Nhưng tôi phải “đứt ruột” ra đi vì lý do đơn giản tôi là người tù về từ trại cải tạo. Mới về đoàn tụ với gia đình vợ con, niềm vui chưa trọn, mỗi tuần phải trình diện công an Phường. Công an đưa cuốn tập yêu cầu phải ghi, phải báo cáo hằng ngày gặp ai, làm gì, nói gì. Phải lội sình, đào mương, đấp đường. Người cải tạo về được công an, ủy ban phường chiếu cố, theo dõi thường xuyên. Có một lần cậu bảy nhà bên cạnh nói: “Công an khu vực vừa hỏi tao, mầy làm gì, sao tiếp xúc với nhiều sĩ quan cũ quá vậy, có âm mưu gì không?” Cậu bảy thương tình trả lời: “Nó đã làm đơn đi Mỹ rồi có làm gì đâu?”
Lý do mà tôi phải ra đi vì sợ bị bắt lại, tôi muốn “được sống tự do”. Nhưng khi sang đất mới, có tự do rồi, không sợ bị bắt bớ, bị làm khó dễ nữa, nhưng làm sao có tiền trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền chợ và bao nhiêu thứ tiền lặt vặt khác nữa.
Biết làm nghề gì để sống đây?
Tôi theo đứa con gái vô chợ “Auchan” dọc Belway 8, gần đường Beechnut, nộp đơn bán hàng. Không thấy trả lời. Tôi cùng đứa con gái đến khu bắc Gessner để nộp đơn vào tiệm ăn “Jax in the Box” cũng không thấy gọi. Đến đường Harwin, nộp đơn xin làm ở hảng điện tử, chỉ có đứa con gái được gọi đi làm, còn tôi thì cứ mỏi mòn, lặng lẽ chờ. Lại nhờ em ruột chở đến hảng làm vàng, nộp đơn rồi cũng mỏi mòn chờ gọi đi làm. Không có hảng nào gọi. Nhờ anh bạn giới thiệu tôi đi “fill” hàng ở tiệm grocery, nhưng làm cũng chỉ được hơn tuần lễ, cũng bị cho nghỉ việc vì mắt kém. Đến làm cho tiệm sang băng nhạc làm 10 giờ một ngày, lương 600 đô la một tháng .Vì không ưa mấy người đi theo diện HO nên hắn nói: “Ở Việt Nam sướng quá đi, qua Mỹ làm gì, chỉ làm công, làm mướn mà thôi, chứ làm ông, làm tướng gì mà qua đây”.
Vì đang rảnh rỗi tôi đến thăm văn phòng của anh Đức Đoàn vừa mở được mấy tháng. Anh Đức và tôi cùng quê Cần Giuộc, cùng học trường trung học Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đến thăm văn phòng này ở lầu bốn, tôi nhớ mới mấy tháng trước có dẫn hai đứa con gái đến đây, ở lầu hai để xin tiền trợ cấp học Nails.
Anh Đức mời tôi vào ngành bảo hiểm.Tôi vừa mới qua Mỹ làm sao bán bảo hiểm được, nhiều người đã qua từ năm 1975 làm vài tháng không làm được, cũng bỏ nghề.Tôi hỏi thăm vài người bạn. Họ nói: “Làm nghề gì thì làm đừng có làm nghề bán bảo hiểm vì tôi có đứa em làm được vài tháng rồi cũng nghỉ, có làm được đâu.”- “Nghề bán nước bọt, nói gảy lưỡi, chẳng có ai mua đâu. Nghề gì quá khó, nên kiếm nghề khác mà làm”. Đa số bạn bè đều nói như thế.
Tôi tự nhủ rằng: “Phải cố gắng hết sức, phải tiến tới chứ không thể thối lui được, vì nếu thối lui, không chịu khó làm việc, làm sao sống được ở xứ sở giàu có nhất thế giới này. Khi anh Đức giới thiệu tôi làm nghề bảo hiểm, đi đến nhà khách hàng để giới thiệu chương trình bảo hiểm và làm đơn cho họ, tôi thấy cũng có lý. Nhưng làm sao có người cho hẹn, có chỗ để đến đây. Nhiều người qua Mỹ từ năm 1975 đã không làm được, tôi mới vừa đến Mỹ, vừa hết tám tháng trợ cấp, lại nhảy vô cái nghề mà nhiều người đã “chào thua vì khó quá”. Trong cuốn sách “Quẳng gánh lo đi và vui sống” Dale Carnegie viết như sau: “Cũng đừng lựa những nghề mà mười phần bạn chỉ có một phần hy vọng để kiếm ăn được. Chẳng hạn nghề bán vé bảo hiểm.Trăm người thì có chín chục sẽ đau tim, thất vọng và chỉ một năm là giải nghệ. (Trang 334).
Sự ích lợi của nghề bảo hiểm nhân thọ:
Ngành bảo hiểm nhân thọ chỉ là bước khởi đầu của ngành tài chánh ở Mỹ. Sống trên đất Mỹ, nếu chẳng may khi vợ hay chồng ra đi, người ở lại cần gì?
- Cần tiền để chôn cất.
- Cần tiền để trả nợ nhà, nợ xe v.v…
- Cần tiền cho con học Đại học.
- Cần tiền chi phí y tế, sửa chữa nhà cửa, xe cộ v.v…
– Họ còn dùng bảo hiểm để lại tài sản cho con không phải đóng thuế lợi tức.
– Dùng bảo hiểm để có tiền đóng thuế khi để lại tài sản cho người thân yêu.
– Chưa kể, khi về hưu tiền đâu mà sống. Cho nên khi còn trẻ lúc đi làm, cần để dành tiền vào quỹ hưu trí (retirement). Tiền sẽ đẻ ra tiền, nhờ lãi kép (compound interest) Ngoài ra mọi người đều cần phải có Bảo hiểm sức khỏe, Bảo hiểm khi bị tàn tật v.v…
Làm thế nào để có thể sống được trong nghề bảo hiểm.
Cần mười cái hẹn mỗi tuần.Trong mười cái hẹn đó, trung bình bán được ba hồ sơ. Làm sao có mười cái hẹn đây. Gọi bằng phone. Lấy cuốn niên giám điện thoại, kiếm những người họ Nguyễn, Lê, Trần … gọi liên tục để hẹn. Hoặc khi đi đám cưới, đám tang, khi đi sinh hoạt trong các đoàn thể đồng hương, trong các đoàn thể tôn giáo .v.v… ở đâu cũng làm quen được, cũng có thể hẹn được, để đến nhà họ giới thiệu chương trình bảo hiểm, làm đơn cho họ.
Hai mươi hai năm trong nghề bảo hiểm đã có 64 người khách hàng đã mấ. Hảng đã trả “tiền tử” cho thân nhân. Số tiền đóng vào chưa được bao nhiêu, hảng đã phải trả số tiền lớn gấp năm, gấp mười lần số tiền đã bỏ ra.
Những khó khăn, cực nhọc khi đi bán bảo hiểm.
Gọi điện thoại đến bà con để lấy hẹn đã khó khăn. Gọi hàng trăm cú điện thoại mới có được đủ số hẹn trong tuần. Có được cái hẹn để đến nhà khách hàng, mừng lắm. Khi đi đến nơi họ không mở cửa, không cho vào nhà. Một lần, tôi đến nhà anh M. khu South 45, từ nhà đến anh phải mất 50 phút, vậy mà khi gõ cửa họ không mở.Tôi thấy đèn trong nhà vẫn sáng. Ra xe, tôi dùng điện thoại cầm tay gọi vào. Anh M. không biết tôi đang ngồi ngoài xe trước nhà họ. Vì anh không biết tôi gọi nên bắt máy điện thoại.Tôi nói: “Tôi đã đến trước nhà anh, vừa mới gõ cửa nhà anh đó.”
Anh ấy nói:
-“Để tôi ra mở cửa cho anh”.
Vừa mở hé cửa, anh nói nhỏ:
-“Mới gây lộn với bà xã, xin anh thông cảm, bửa khác tới. Hôm nay không nói chuyện gì được đâu.”
Những năm 1995, 1996 chưa có điện thoại cầm tay. Vào một đêm mùa đông, trời mưa gió lạnh lẽo, ướt át, tôi đi vào khu “apartment” đường Park Place, các dãy nhà trong “apartment” này các số nhà rất là khó kiếm. Trời tối, tôi đứng ở dãy lầu, cạnh dãy lầu có phòng của anh Trạch vậy mà tôi không tìm ra số phòng của anh. Tôi phải đi ra đường, tìm đến cây xăng bỏ 25 cents vào ở chỗ điện thoại công cộng, gọi anh, anh mới chỉ cho tôi vào nhà. Sau khi làm đơn xong, hảng thuận bán cho anh, nhưng khi đến giao hợp
đồng “policy” cho anh, anh lại từ chối, không nhận. Không cho vô nhà khi cho hẹn. Làm đơn, hảng xét đơn hơn một tháng, hảng đồng ý bán, nhưng lúc giao hồ sơ lại không nhận. Có người mua được vài tháng, vài năm đổi ý không muốn mua nữa.
Làm thế nào cho họ thấy bảo hiểm rất cần thiết. Nếu hiểu được nhu cầu thì họ sẽ tiếp tục đóng tiền vì từ lúc đóng cho đến ngày mất họ bỏ ra một đô la họ lấy về ít nhất là bốn đô la. Gọi đến bà con để họ cho hẹn đã là khó. Tôi mới qua Mỹ, ở Houston chừng tám tháng, chỉ quen có hai gia đình bà con là em ruột và người cháu bảo lảnh qua. Dùng niên giám điện thoại, kiếm họ nào là người Việt nam, như họ Nguyễn, Lê, Trần, Lý cứ gọi đến họ để xin hẹn. Như vậy mà tuần nào tôi cũng có người cho hẹn để đến nhà giới thiệu chương trình bảo hiểm. Có người mua, có người không mua. Trung bình một tuần bán được hai ba người. Lần đầu tiên đến nhà bà con, lọng cọng, nói không trơn tru, vậy mà họ vẫn mua. Vì sao vậy? Vì họ biết chết có tiền chôn cất. Bán thêm vài người nữa, trong đó có anh G., nhà ở đường Wirt, mới đóng có một lần, khoảng 70 đô la, chẳng may bị “stroke” lúc xem TV, do bịnh cao huyết áp, hảng trả đủ 25,000 đô la cho bà xã. Tôi càng tin tưởng hơn. Tôi thấy bảo hiểm nhân thọ có lợi quá. Nên tôi không còn mắc cở, ngại ngùng, khi gọi bà con để giới thiệu bảo hiểm nhân thọ. Vì ai gặp tôi vẫn có lợi hơn là không gặp. Làm sao mình biết được tương lai sẽ ra đi lúc nào?. Ai ai cũng phải “trúng số độc đắc” một lần, không bao giờ tránh khỏi được. Đã ra đi còn để lại gánh nặng cho người thân hay sao? Nếu có bảo hiểm để lại chút đỉnh tiền cho chồng (vợ) con thì người thân đỡ khổ biết mấy. Có lần tôi đã có hẹn trước tại nhà anh H là người bạn khá thân, ở chung cư đường Beechnut.Tôi mới mở máy “computer” ra định giới thiệu chuơng trình bảo hiểm chừng 25,000 đô la để sau này anh có mệnh hệ gì thì chị có tiền để lo chôn cất anh. Mới vừa ngồi xuống ghế, chị K. vợ anh H. trong nhà bếp bước ra la lớn tiếng: “Tôi nói với anh không có mua gì hết. Anh mua cái gì đó. Con người của anh thật là … Chị la lối, cự nự, nói nặng lời với anh H., bạn tôi, mục đích cũng là cự nự gián tiếp tôi luôn, làm cho tôi bỡ ngỡ, ngạc nhiên, sao bà này “dữ” quá vậy, không biết phải phản ứng ra sao, nói gì bây giờ, tôi vội xếp máy “computer” lại, rồi lặng lẽ chào anh, ra về.
Vì tôi gọi trong “phone book” nên khách hàng không có chọn lọc được, nhiều khi gặp khách khó tánh, có nhiều khi gặp khách dễ chịu, tử tế. Nhiều người hay cự nự, tôi cũng phải nhẫn nhịn, chịu đựng mà thôi. Tôi đến thăm anh N. một anh HO lãnh tiền bịnh. Tôi cũng giới thiệu bảo hiểm nhân thọ cho anh vì tôi nghĩ cứ nói cho bất kỳ ai, biết đâu họ mua. Vừa giải thích xong, anh bắt đầu nói:
-“Tôi nói cho anh biết. Tôi là Đại Uý Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Sau này Mỹ sẽ trả lương đầy đủ cho tôi kể từ tháng tư năm 1975 đến nay, họ phải có trách nhiệm chứ. Tôi đã chiến đấu cho họ nhiều năm. Anh coi, tôi sẽ giàu có chứ đâu có phải nghèo nàn như ngày hôm nay. Đâu có ai ăn hiếp tôi được. Có phải không anh? Rồi anh ấy kể chuyện đánh giặc ngày trước, kể những chuyện sung sướng, lên xe xuống ngựa, quyền hành lúc anh còn là sĩ quan chỉ huy, lúc đó lính tráng sợ sệt, kính nể.”
Tôi để cho anh nói hơn mười phút.Tôi thấy quá bực mình mà không dám nói. Tôi lặng lẽ chào anh, đứng dậy, ra về. Khi ra khỏi cửa, bước ra ngoài hàng hiên, anh nói nhỏ với tôi:
– “Anh đừng buồn nghe. Tôi chửi xéo bà xã tôi đó. Bả khi tôi quá, tôi tức lắm, nên hôm nay có dịp anh đến, tôi nói cho hả giận.”
Lần khác tôi gặp anh Tâm làm ở chợ Mỹ Hoa. Sau khi làm đơn cho anh xong, anh mới nói: “bà xã tôi làm “nails” chưa về nên không có “check” ở đây. Ngày mai anh đến tôi đưa cho. Rồi anh kể lễ:
-“Hồi ở Việt nam tôi là công tử, giàu có. Tôi đâu có thèm động móng tay. Cái gì cũng có người làm hết. Bây giờ, tôi phải làm ở chợ Mỹ Hoa, sau này tôi sẽ về bên Việt nam ở, chứ ở xứ Mỹ này làm việc như trâu. Ở đây cực nhọc quá. Về Việt nam tôi sướng như tiên”. Tôi đành hẹn anh tối mai đến lấy “check”. Tối mai, đúng giờ hẹn, tôi đến. Anh lại nói thời vàng son cũ của anh và tiếp tục chỉ trích đời sống cực nhọc ở Mỹ làm việc quá nhiều, quá chán nản, thua đời sống ở Việt nam quá xa. Anh hẹn với tôi hôm sau đến lấy “check”. Hôm sau tôi lại đến. Anh lại hẹn:
– “Bà xã tôi chưa về, thôi ngày mai anh có rảnh đến chợ Mỹ Hoa tôi đưa cho anh”.
Ngày hôm sau tôi đến chợ Mỹ Hoa vào khoảng 11 giờ trưa, tôi nghĩ giờ này chắc vắng khách.Tôi gặp anh đang “fill” hàng.Tôi hỏi anh:
-“Anh có mang “check” theo không?
Anh nói:
-“Tôi quên rồi, ngày mai anh ghé lấy nghe”
Ngày mai tôi lại thăm anh. Anh lại nói:
-“Tôi lại quên nữa rồi, ngày mai thế nào cũng có”.
Tôi đến gặp anh như vậy là 8 lần nhưng anh cứ “hẹn lần hẹn lữa” với tôi. Phải chi anh nói tôi không mua thì đỡ cho tôi biết mấy. Anh sai tôi đi tới, đi lui cho tôi mất thì giờ. Tôi thành thật không hiểu ý anh muốn gì. Có lẽ anh muốn chọc quê tôi, để tôi đi tới đi lui như vậy, anh lấy làm vui, chắc anh suy nghĩ “sao có người ngây thơ, khờ khạo quá vậy?”
Tháng rồi, có hẹn 8 giờ tối ngày thứ tư để gặp hai vợ chồng anh chị Hiền để trình bày bảo hiểm. Từ nhà đến đó phải chạy chừng 45 phút lái xe. Đến nơi, gọi điện thoại nhờ họ chỉ đường. Ông chồng trả lời: “Bà xã tôi đi New York chưa về, hẹn khi khác vậy”.Tôi nói:
– “Anh chỉ đường trước đi, lần sau khỏi phải chỉ đường nữa.”
Anh nói:
-“Thôi chừng nào bả về hãy hay.”
Nghề này dạy cho mình hai chữ. Kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn.
Nghề này cũng dạy cho mình luôn luôn phải cố gắng và lạc quan.
Đặt quyền lợi của bà con là chính. Nhiều khi gặp những trường hợp quá khó khăn, phải suy nghĩ, tính toán nhiều. Có lúc tôi phải cầu nguyện, đọc kinh, trước khi đến nhà khách hàng để nhờ “Thiên Chúa giúp sức” cho tôi bán được bảo hiểm cho một khách hàng quá khó khăn.
Mới qua Mỹ được tám tháng, may mắn “Trời thương”, run rủi tôi gặp được anh Đức vừa mở văn phòng bảo hiểm nên cần người. Sau năm 1990 anh chị em HO qua nhiều. Tôi nhờ sự tin tưởng, quí mến của anh chị em HO giới thiệu mà tôi đã theo đuổi nghề này cho đến tuổi về hưu.
Tưởng chết ở trong tù Cộng sản ở miền Bắc sau năm 1975, tường rằng suốt đời bị chỉ định cư trú, vĩnh viễn sống ở miền rừng núi âm u ở Thanh hoá hay Nghệ an, giống như những tù nhân của Liên sô hay của Trung Hoa cộng sản, suốt đời phải sống ở Tây Bá Lợi Á giá lạnh hay ở Tân Cương miền sa mạc đèo heo hút gió.
Mầu nhiệm kỳ diệu đưa tôi trở về từ trại cải tạo mà chưa chết. Mầu nhiệm kỳ diệu đã đưa tôi đến bến bờ tự do. Mầu nhiệm kỳ diệu đã đưa tôi đến một nghề nghiệp vừa giúp người, giúp đời, vừa mang đến cho tôi niềm vui, ý nghĩa sống.
Tạ ơn Thiên Chúa.
Xin cám ơn chánh phủ và nhân dân Mỹ đã mở rộng vòng tay nhân đạo cho tôi và gia đình tôi đến định cư và làm ăn sinh sống ở quốc gia giàu có, tự do và ổn định nhất thế giới này. Xin cám ơn Tổng thống Ronald Reagan. Xin cám ơn ngoại trưởng George Shultz đã can thiệp không mệt mõi với nhà cầm quyền cộng sản Việt nam, để đưa cựu “tù cải tạo” sang Mỹ định cư. Xin cám ơn ông Funseth, bà Khúc Minh Thơ cùng nhiều người khác nữa đã hết lòng vận động liên tục cho các cựu tù nhân chính trị đã chịu đựng quá nhiều đau khổ, đắng cay trong các trại tù khắc nghiệt khắp nơi trong toàn cõi Việt nam.
Xin cám ơn tất cả những người đã giúp đỡ tôi trong thời gian qua nhất là những người đã giúp đỡ tôi về vật chất lẫn an ủi tinh thần trong những ngày đầu tiên bơ vơ, bỡ ngỡ khi đặt chân đến Houston này. Xin cám ơn anh Hoàng Huy Năng (nhà thơ Lưu thái Dzo), Linh Mục Hoàng Minh Toản đã đến thăm viếng, an ủi lúc mới qua vài tháng, khi còn ở “apartment” đường Town Park. Xin cám ơn Nguyễn văn Lãm người đã ký tên bảo trợ cho gia đình tôi đến Houston, cám ơn em tôi là Phùng văn Tư sắp xếp chỗ ở, cám ơn anh Đoàn Hữu Đức đã hướng dẫn tôi vô nghề bảo hiểm này. Xin cám ơn bà con, bạn hữu tin tưởng vào tôi mà tham gia vào chương trình bảo hiểm, vào quỹ hưu trí mà vẫn còn giữ cho đến ngày hôm nay.
Phùng văn Phụng
Tháng 03 năm 2017