Biển Đông & Những Ông Quan Sứ
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
tuongnangtien
Mãi gần đây, tôi mới biết rằng mình với André Menras có chút tình “đồng khói.” Té ra, ổng nhận Việt Nam làm quê hương (thứ hai) cho dù đất nước này không … được dễ thương gì lắm.
Hồ Cương Quyết được công luận biết đến như là người đặc biệt quan tâm đến vấn đề Biển Đông, qua bộ phim Hoàng Sa Việt Nam Nỗi Đau Mất Mát. Tác phẩm này, tiếc thay, bị “tẩy chay có tổ chức” theo như lời than phiền của chính tác giả:
… bộ phim này đã chịu cảnh tẩy chay có tổ chức, sự tẩy chay vẫn đang tiếp tục tiến hành bởi những đại diện của nước Việt Nam ở nước ngoài và những dây truyền lực của họ là những “Hội người Việt.”
André Menras Hồ Cương Quyết còn cho biết thêm một sự việc rất đáng phàn nàn khác nữa, liên quan đến bộ phim của mình, khi ông đến làm việc với Đại Sứ Quán Việt Nam Tại Nước Cộng Hoà Séc:
“Chính tôi đã thấy tòa đại sứ trống trơn không có người Việt Nam nào khi tôi đến đó xưng danh hẳn hoi và mời ông đại sứ hoặc một ai đó đại diện đi thay ông. Rõ ràng là đã có sự chờ đợi chuyến thăm tòa đại sứ của tôi, là việc tôi đã cẩn thận báo tin trong các cuộc thảo luận trước đó…
Một cô gái Séc đón tôi từ cửa vào. Cô nàng hoàn toàn bối rối lúng túng khi có nhiệm vụ truyền đạt lại cho tôi cái thông điệp siêu thực rằng: ‘đại sứ không có ở đây, và trong tòa đại sứ không có viên chức người Việt Nam nào cả’…
Vị đại sứ đã cư xử một cách lô gich đúng như hình ảnh cái Quyền lực đã bắt các thành viên của nó phải theo: vắng mặt, hoàn toàn vắng mặt ở nước ngoài trên địa hạt truyền thông, nhằm khẳng định chủ quyền đất nước mình. Họ chỉ ở đó để quốc tế hóa … sự im tiếng.”
Những ông quan sứ Trung Hoa lại khác. Họ làm việc đàng hoàng và cần mẫn hơn nhiều – theo như tường trình củaRebecca Bailey (BBC News) vào hôm 10 tháng 7 năm 2016:
“Trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực sắp ra phán quyết về việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong khu vực tranh chấp tại Biển Đông, các đại sứ Trung Quốc đã viết hàng loạt bài trên các báo nước ngoài suốt vài tháng qua.
Phán quyết của vụ Philippines kiện được nhiều người trông đợi sẽ không có lợi cho Trung Quốc, nhưng cũng không ngăn được các đại sứ nước này cố gắng thuyết phục thế giới là Trung Quốc đã đúng…
Vậy vấn đề ở đây là gì? Cuối cùng thì, công việc của một đại sứ vẫn là tuyên truyền về lợi ích quốc gia khi ở nước ngoài.”
Lợi ích quốc gia, xem ra, không phải là mối bận tâm của các ông quan sứ Việt Nam. Tôi vào coi thử vài chục trang mạng của những Đại Sứ Quán Việt Nam (ở khắp nơi) nhưng không tìm ra một bài viết nào có liên quan đến vấn đề Biển Đông hết trơn hết trọi. Đã thế những trang mạng này đều làm ra cho có, nội dung gần y hệt như nhau: sơ sài, tuỳ tiện, toàn là những tin tức cũ xì, và phần lớn đều thuộc loại tin vớ vẩn!
Hai ngày sau, sau khi đã có phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực ở La Haye (về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc) nhưng tất cả những trang web của các ĐSQVN đều không có một dòng chữ nào về sự kiện này.
Xin “copy and paste” vài trang để rộng đường dư luận:
Wed, 14 Jul 2016
Hoạt động đối ngoại: Không có tin nào!
Wed, 14 Jul 2016
Hoạt động đối ngoại: Không có tin nào.
Wed, 14 Jul 2016
Hoạt động đối ngoại: Không có tin nào.
Wed, 14 Jul 2016
19-06-2014 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh tiếp Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan
– Đại Sứ Quán Việt Nam Tại Nga
Wed, 14 Jul 2016
14/11/2012 Đồng chí Đinh Thế Huynh thăm làm việc tại Nga
Cũng như qúi vị đại diện dân cử ở trong nước, qúi vị đại sứ của Việt Nam ở nước ngoài – phần lớn – đều đang gà gật cả. Đến ngày 14 tháng 7 năm 2016, trang web của ĐSQVN tại Nga mới tin (Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh tiếp Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan) cách đây đã hơn ba năm. Cùng ngày, ĐSQVN tại Nga đi tin (“Đồng chí Đinh Thế Huynh thăm làm việc tại Nga”) cũ đến năm năm! Tuy thế, xem ra, vẫn còn hơn hàng chữ (“Hoạt động đối ngoại: Không có tin nào!”) của rất nhiều Đại Sứ Quán khác.
Và đây là giao diện của trang mạng Cơ Quan Đại Diện Ngoại Giao Việt Nam Ở Nước Ngoài vào hôm 14 tháng 7 năm 2016. Bản tin mới nhất ghi ngày 23 tháng 4 năm … 2015!
Wednesday, July 14, 2016
Nếu rảnh bạn có thể vào những trang web của Đại Sứ Quán Việt Nam Tại Lào, Đại Sứ Quán Việt Nam Tại Hoa Kỳ, Đại Sứ Quán Việt Nam Tại Trung Hoa, Đại Sứ Quán Việt Nam Tại Phi … để xem qúi ông/bà quan sứ của nước ta làm việc (lờ vờ) ra sao nơi đất khách. Sự lờ vờ này “tương ứng” với mức lương và thù lao (giả vờ) mà họ được nhận lãnh, theo như phân tích của tác giả Hương Vũ:
“Nhân viên sứ quán VN ở nước ngoài, mức lương trung bình từ 1000-1500/ tháng. Trừ đại sứ được cấp nhà riêng, tất cả ở phòng tập thể. Thường thì 4 người chung 1 phòng 20m, họp hành ngoại giao thì lúc nào quần áo cũng sực nức mùi xào rán bởi quần áo lưu cữu trong gian phòng chật hẹp.
Chế độ bảo hiểm y tế, tai nạn như cccc, trợ giá học tập hay trợ giúp hoàn cảnh gia đình gì, hoàn toàn không. Sống ở các nước tư bản trường lớp công được free thì đỡ, sống ở các nước thổ dân phải đóng tiền học cho con cái thì số tiền lương coi như chẳng bõ chua mép dép.
Mà để có 1 chân trong sứ quán, các mẹ tưởng bần nông chân đất mắt toét đi thi tuyển công chức là nghiễm nhiên có 1 chỗ ấm êm trong sứ quán á há há???
Thế mà các mẹ đòi hỏi họ phải phục vụ các mẹ cách công chính, không lạm thu, không phiền nhiễu. Xin lỗi các mẹ, chân chạm xuống đất 1 tý nhìn đời thực tế hơn đi. Sống và làm việc cách công chính như nhân viên sứ quán các nước khác, nhân viên sứ quán Vn chỉ còn cách cắn dép gặm không khí qua ngày.”
Khi người ta không được phép “sống và làm việc một cách công chính” thì chuyện nước non, biển đảo quả là chuyệm có hơi xa vời và (vô cùng) xa xỉ. Hơn nữa, ngay tại Việt Nam qúi vị lãnh đạo cũng có ai thiết tha gì đến chuyện bảo vệ lãnh hải, ngư dân, ngư trường, môi trường đâu (tất cả chỉ chăm lo vơ vét thôi) thì trách chi những ông quan sứ.