Bị công an ép nhận tội, dù không giết người

Bị công an ép nhận tội, dù không giết người
Nguoi-viet.com

SÓC TRĂNG (NV) – Ông Trần Hol, 29 tuổi và ông Thạch Sô Phách, 26 tuổi vừa giải thích tại sao họ thú nhận đã giết ông Lý Văn Dũng, 42 tuổi.

Ông Trần Hol (trái) và ông Thạch Sô Phách (phải). (Hình: VietNamNet)

Hồi đầu tháng 7 năm 2013, ông Lý Văn Dũng, 42 tuổi, một người chạy xe ôm, ngụ tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng bị giết với 7 nhát dao. Chiếc xe, điện thoại di động và ví của nạn nhân vẫn còn tại hiện trường.

Đến trong tuần tháng 7 năm 2013, công an Sóc Trăng xác định vụ án mạng này là do hiềm khích cá nhân và bắt khẩn cấp ông Trần Hol vì ông Hol từng có xung đột với nạn nhân. Sau đó công an lần lượt bắt giữ thêm năm người khác là bạn bè của ông Hol gồm: Trần Cua, Trần Văn Đỡ, Thạch Sô Phách, Thạch Mươl, Khâu Sóc.

Tất cả thú nhận đã cùng nhau giết ông Dũng. Công an còn bắt thêm một phụ nữ tên là Nguyễn Thị Bé Diễm, tiếp viên của một quán nhậu tại thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, với lý do “không tố giác tội phạm.”

Theo kết luận điều tra của công an tỉnh Sóc Trăng và cáo trạng của Viện Kiểm Soát tỉnh Sóc Trăng thì Thạch Sô Phách thú nhận đã cùng các bạn của mình là: Hol, Đỡ, Cua, Sóc, Mươl đánh và đâm ông Dũng. Riêng cô Nguyễn Thị Bé Diễm thì “thừa nhận” có nghe và biết về “âm mưu” của nhóm thanh niên này.

Sau khi hoàn tất “kết luận điều tra,” các điều tra viên trong “Ban Chuyên Án” được thượng cấp khen thưởng. Họ đã nhận quyết định khen thưởng và chờ nhận hiện kim là tiền thưởng do “thành tích phá án nhanh.”

Đúng lúc đó thì có một cô gái tên là Lê Thị Mỹ Duyên, ngụ tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, đến công an phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, Sài Gòn, đầu thú vì là đồng phạm trong vụ án giết ông Dũng. Cô Duyên cho biết, cô đã cùng cô Nguyễn Kim Xuyến, ngụ tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, giết ông Lý Văn Dũng để cướp tài sản nhưng vụ cướp bất thành. Sau đó cả hai rời Sóc Trăng lên Sài Gòn. Tại Sài Gòn, cô Xuyến có quan hệ tình cảm với người khác. Cô Duyên quyết định ra đầu thú để cả hai có thể ở bên nhau đến trọn đời trong… tù.

Công an Sài Gòn không phải là công an Sóc Trăng nên hệ thống tư pháp đã kiểm tra toàn bộ lời khai của cô Duyên và nhận thấy những lời khai này trùng khớp hoàn toàn với các tình tiết của vụ án. Cũng vì vậy, tháng 2 năm 2014, Viện Kiểm Soát tỉnh Sóc Trăng phải ký, công bố quyết định đình chỉ điều tra đối với 7 người mà chính họ phê chuẩn lệnh bắt.

Cáo trạng do cơ quan điều tra của Viện Kiểm Soát Tối cao lập và vừa công bố cho biết, sở dĩ bảy thanh niên không “giết người,” không “che giấu tội phạm” nhưng vẫn “nhận tội” vì đã bị tra tấn.

Ông Thạch Sô Phách giải thích lý do ông “thú nhận” đã cùng các bạn mình “giết người” là vì điều tra viên Triệu Tuấn Hưng treo lên cửa sổ bằng còng số 8, chỉ còn để các đầu ngón chân chạm đất, rồi dùng tay, đầu gối, đánh liên tục vào bụng. Triệu Tuấn Hưng còn dùng khăn lau bàn bọc nước đá buộc vào hạ bộ của ông Phách…

Ông Trần Hol cũng bị tra tấn như ông Phách nhưng ông Hol dứt khoát không chịu nhận tội theo ý các điều tra viên. Cuối cùng, ông Hol đầu hàng vì điều tra viên Nguyễn Hoàng Quân đánh vào cổ. Lối tra tấn này khiến nạn nhân kiệt sức vì không thể ăn, uống và không nhận tội thì sẽ chết do kiệt sức.

Theo dự kiến thì ngày 24 tháng này, tòa án tỉnh Sóc Trăng sẽ đưa hai điều tra viên: Nguyễn Hoàng Quân, Triệu Tuấn Hưng ra xử vì “dùng nhục hình” và kiểm soát viên Phạm Văn Núi ra xử vì “thiếu trách nhiệm.”

Tuy nhiên cả bảy thanh niên bị bắt oan, truy tố oan cùng khẳng định, ngoài Quân và Hưng còn hàng chục điều tra viên khác tham gia tra tấn, ép họ nhận tội. Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra tại trại tạm giam của công an tỉnh Sóc Trăng.

Ông Hol cho biết, trước khi bị giải về công an tỉnh Sóc Trăng, ông đã bị hàng chục sĩ quan của công an huyện Trần Đề đánh đập trong phòng tạm giam.

Ông Trần Văn Đở – một trong bảy người từng phải “cúi đầu nhận tội” tố cáo, ông nhớ có một điều tra viên tên Huy của công an huyện Trần Đề tham gia tra tấn ông và tại trại tạm giam của công an tỉnh Sóc Trăng, có cả ông Nguyễn Hoàng Phú – phó phòng cảnh sát điều tra (PC 45) của công an tỉnh Sóc Trăng, tham gia tra tấn ông.

“Ban Chuyên án” được khen thưởng vì thành tích “phá án nhanh” trong vụ ông Lý Văn Dũng bị giết có ông ông Nguyễn Việt Thanh, trưởng phòng PC45 làm trưởng ban. Các ông Nguyễn Hoàng Phú, Phan Văn Lắm – cùng là phó phòng PC45 và ông Hồ Văn Nhiều – phó công an huyện Trần Đề làm phó ban. Chưa kể hàng chục điều tra viên khác là thành viên.

Chỉ có hai điều tra viên trong “Ban Chuyên Án” này bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Những thành viên khác trong “Ban Chuyên Án,” từ trưởng ban trở xuống chỉ phải kiểm điểm và bị cảnh cáo hay khiển trách.

Ông Hol – một trong bảy nạn nhân bảo với tờ VietNamNet rằng, “Ban Chuyên Án” đã làm gia đình ông tan nát, bạn bè không nhìn mặt nhau. Đó là một ác mộng và ông mong nó qua mau. (G.Đ)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay