Bao nhiêu dân Mỹ đi bỏ phiếu?
Hà Tường Cát/Người Việt
HOA KỲ – Câu trả lời là: Không nhiều. Theo nghiên cứu của PewResearch Center thì tỉ lệ đi bầu ở Mỹ đứng hàng thứ 31 trong số 35 nước thuộc OECD (Organization for Economic Cooperation and Development) – Tổ chức Hợp Tác Kinh Tế và Phát Triển, với thành viên hầu hết là những nước dân chủ có trình độ phát triển cao nhất thế giới.
Trên bình diện khoa học chính trị, so sánh này có những phức tạp căn cứ trên những yếu tố khác nhau trong quy định về cử tri và cách tính toán. Bình thường đây là tỉ lệ đầu phiếu trong số cử tri hợp lệ được quyền bầu cử, nghĩa là công dân trên 18 tuổi không bị cấm cản vì các giới hạn pháp lý gì khác.
Kỳ tổng tuyển cử năm 2012 có 129.1 triệu cử tri đi bầu, 53.6% của 241 triệu cử tri hợp lệ trong dân số 314 triệu. Dân số Mỹ năm 2016 ước lượng khoảng 324 triệu.
Nên biết rằng các chế độ độc tài và những quốc gia chậm tiến thường phóng đại tỉ lệ cử tri đi bầu lên tới gần 100% hoàn toàn vô căn cứ.
Tỉ lệ bầu cử cao nhất trong 35 nước OECD là Bỉ 87.2%, Thổ Nhĩ Kỳ 84.3%, Thụy Điển 82.6% và thấp nhất là Thụy Sĩ dưới 40%.
Bỉ và Thụy Sĩ ở trong số 6 nước OECD (và 25 nước trên thế giới) có luật cưỡng bách đi bầu, Mặc dầu luật này không được thực thi chặt chẽ lắm nhưng có tác động quan trọng đến tỉ lệ cử tri đi bầu.
Chile, một nước OECD, bỏ luật cưỡng bách bầu cử từ năm 2012, áp dụng quy định tự nguyện bầu cử. Đến kỳ bầu cử tổng thống sau đó chỉ có 42% cử tri ghi danh so với 87% năm 2010, nhưng tỉ lệ đi bầu lên tới 67%.
Tình trạng Chile đưa đến một vấn đề phức tạp khác: Sự phân biệt cử tri hợp lệ với cử tri có ghi danh bầu cử khi đo lường mức độ đi bầu. Nhiều nước, như Thụy Điển và Đức, coi cử tri có quyền bầu cử là tự động được phép đi bầu.
Tại Mỹ, trên nguyên tắc việc ghi danh bầu cử là trách nhiệm của từng cá nhân và nếu chưa từng khi nào ghi danh ở những kỳ bầu cử trước thì không có tên trong danh sách được đi bầu (sau này một số tiểu bang dành dễ dàng cho cử tri chưa ghi danh bằng những quy định khác nhau và chính thể lệ này gây nên tranh cãi).
Theo Văn phòng Kiểm tra Dân số Mỹ (US Census Bureau), năm 2012 chỉ có 65% người đủ tuổi (và 71% công dân đủ tuổi) xin ghi danh bầu cử, so với 91% ở Canada, 96% ở Thụy Điển và 99% ở Nhật.
Do đó nếu tính toán căn cứ trên tiêu chuẩn cử tri có quyền bầu cử thì tỉ lệ cử tri đi bầu ở Mỹ thấp hơn nhiều quốc gia khác, đúng hàng thứ 31 trong 35 nước như đã nói rên. Còn nếu căn cứ trên số cử tri ghi danh thì tỉ lệ khá hơn, lên tới hạng 7 trong OECD, năm 2012 có 84.3% ghi danh đi bầu.
Vậy ngày 8 tháng 11 năm 2016 sắp tới, tỉ lệ đi bầu sẽ như thế nào? Khó dự đoán chính xác vì có những tác động trái ngược. Một mặt nhiều người mất tin tưởng vào tình hình chính trị Mỹ, chán nản với cuộc tranh cử thiếu văn minh, quá tiêu cực và cả hai ứng cử viên đều không được lòng dân chúng, do đó có thể nhiều cử tri sẽ không đi bầu. Nhưng mặt khác, sự đối đầu gay go giữa hai đối thủ Donald Trump và Hillary Clinton lại có thể là yếu tố mạnh mẽ thúc đẩy những cử tri tuyệt đối ủng hộ gà của mình phải đi bầu. Lập luận về cuộc bầu cử năm nay tất nhiên có cái đúng nhưng cũng có nhiều điều sai do ảnh hưởng của tuyên truyền xuyên tạc và cường điệu từ hai phe bênh chống.
Tất nhiên phải nhìn nhận là ít khi có một ứng cử viên nổi bật gây được hứng khởi và niềm hy vọng cho cử tri như trường hợp Barack Obama. Bầu cử 2016 không thể có hào hứng bằng bầu cử 2008, và có lẽ tỉ lệ đi bầu sẽ không lên tới 57% như năm ấy. Nhưng có thể tin rằng sẽ không quá thấp và cuộc bầu cử không diễn ra tẻ nhạt theo một cách phán đoán bi quan.
Tỉ lệ cử tri đi bầu tại Mỹ ở gần như ở mức cố định, biến đổi không quá 9% giữa các kỳ bầu cử từ 1980 đến nay. Tỉ lệ đó là 53% năm 1982 khi Ronald Reagan thắng cử. 51% năm 1996 và 49% khi Bill Clinton thắng cử và tái đắc cử, 51% năm 2000 khi George W. Bush thắng Al Gore tuy thua phiếu phổ thông cử tri toàn quốc.
Vận động cử tri đi bầu đông để đem thắng lợi cho ứng cử viên của đảng mình là mục tiêu chính của hai ban tranh cử Dân Chủ – Cộng Hòa trong mấy ngày cuối cùng trước bầu cử. (HC)