Bài thơ “Tuổi Trẻ” và Tướng Quân Mc Arthur.

Bài  thơ “Tuổi  Trẻ”  và Tướng  Quân Mc Arthur.

Đòan Thanh Liêm  

Vào dịp cuối năm 1956, lúc tôi còn theo học tại trường luật Saigon, thì anh bạn cùng quê là Vũ Năng Phương có gửi cho tôi một tấm thiệp Noel trong đó có ghi tòan văn bản dịch của bài thơ “Tuổi Trẻ” (Youth) của Samuel Ullman. Lời lẽ thật là sâu sắc, đày tinh thần lạc quan và rất ngắn gọn. Bài thơ đã có ảnh hưởng lớn lao đối với tôi từ trên 50 năm nay. Nhưng mãi đến gần đây, nhờ tìm kiếm trên internet, tôi mới có được nguyên tác bản văn bằng tiếng Anh mà tác giả Samuel Ullman viết vào năm 1918 lúc ông đã 78 tuổi. Tòan văn theo nguyên tác và bản dịch sẽ được ghi nơi Phần Phụ Lục kèm theo bài viết này.

Xin trích một vài đọan tiêu biểu như sau : “Không một ai lại già cỗi đi vì những năm tháng trôi qua. Chúng ta già nua bởi vì ruồng bỏ lý tưởng của mình”.” “ Năm tháng có thể làm nhăn nhúm làn da, nhưng sự từ bỏ tinh thần hăng say phấn khởi, thì mới làm tâm hồn chúng ta thêm héo hắt.  

Nhưng điều quan trọng hơn cả là thông qua Tướng Douglas Mc Arthur, mà cả nước Nhật đã lấy lại được cái hào khí sinh động khiến giúp cho việc tái thiết và phục hồi quốc gia sau cuộc bại trận được mau lẹ tốt đẹp ít ai có thể ngờ được. Chi tiết câu chuyện này như sau : Tướng Mc Arthur rất tâm đắc với bài thơ “Youth” này, nên ông đã cho trưng bày bản văn ngay tại văn phòng của ông tại Tokyo, lúc ông làm Tư lệnh Lực lượng Đồng Minh đặc trách công việc giải giới và phục hồi nước Nhật sau chiến tranh. Rồi vào năm 1946, tờ tạp chí Reader’s Digest ấn bản tiếng Nhật đã phổ biến tòan văn bản dịch ra Nhật ngữ của bài thơ bất hủ này.

Nhiều thành phần công chúng tại Nhật đã hân hoan đón nhận cái tín hiệu đày lạc quan, tích cực và năng động được gói ghém trong “bài thơ không vần này”. Và từ đó mà họ đã hăng say dấn thân vào công cuộc tái thiết quốc gia, khiến cho chỉ sau vài chục năm từ vị trí của một nước thảm bại vì thua trận, và bị tàn phá nặng nề, nước Nhật đã lấy lại vị thế của một cường quốc về mặt kinh tế, chính trị cũng như văn hóa như ta thấy ngày nay. Nhiều người Nhật đã tìm hiểu cặn kẽ hơn về tác giả bài thơ “Youth” này, bằng cách đến tại thành phố Birmingham thuộc tiểu bang Alabama, miền Nam nước Mỹ và thúc đảy cả dân chúng Mỹ tại địa phương để cùng hợp tác thiết lập Viện Bảo Tàng Samuel Ullman (Museum), bằng cách gây quỹ để mua lại căn nhà xưa của tác giả và biến nhà đó thành cơ sở của Viện Bảo Tàng do Đại học Alabama tại Birmingham quản lý (UAB = University of Alabama Birmingham).
Kết cục là chính người Nhật lại đã thán phục cái tinh thần lạc quan năng động của Samuel Ullman như được ký thác trong bài thơ bất hủ này, và họ đã gây ra được cả một phong trào quần chúng tự phát đi tìm hiểu về thân thế sự nghiệp của tác giả, hơn cả chính người Mỹ ở Alabama bởi cái tâm lý “Bụt nhà không thiêng”, nên đã ít chú ý đến con người xuất chúng như thế từ chính quê hương bản quán của mình.

Tiểu sử của tác giả Samuel Ullman (1840 – 1924) có thể ghi vắn tắt như sau : Ông sinh tại nước Đức năm 1840, khi lên 10 tuổi thì theo gia đình qua lập nghiệp tại miền Nam nước Mỹ. Ông gia nhập quân đội Miền Nam (Confederate Army) trong cuộc nội chiến 1860-65. Sau khi miền Nam thất trận, thì giải ngũ về lo chuyện kinh doanh nhỏ. Sau này ông làm việc trong ngành quản lý giáo dục và hết sức hỗ trợ cho các trẻ em da màu (người Mỹ gốc Phi châu) có cơ hội được đi học. Ông cũng dành nhiều sự dễ dãi cho giới phụ nữ được tham gia các sinh họat văn hóa xã hội trong cộng đồng người Do Thái tại miền Nam. Lập trường cấp tiến như vậy đã gây cho ông nhiều sự phiền phức, vì vào thời đó tại miền Nam nước Mỹ nạn kỳ thị chủng tộc vẫn còn rất ngặt nghèo, tàn bạo. Một con người với đầu óc tiến bộ như vậy, nên vào tuổi 78 ông đã sáng tác được bài thơ mà Tướng Mc Arthur (1880 – 1964) đã đưa sang phổ biến tại Nhật bản sau thế chiến 2, khiến gây được một chấn động mạnh mẽ trong tâm lý người Nhật, cũng như trong giới quân nhân Mỹ phục vụ tại Nhật hồi sau chiến tranh.

Quả thật, sức mạnh của tư tưởng nhân bản tích cực và lạc quan phát xuất từ bài thơ này đã tạo ra được sự hưởng ứng mãnh liệt của quần chúng khắp nơi, đặc biệt là tại nước Nhật, ngay cả gần 100 năm sau khi tác giả đã qua đời. Người viết xin trân trọng giới thiệu với các bạn đọc Việt nam câu chuyện về bài thơ “Youth” thời danh này.

Nhân tiện cũng xin ghi lời biết ơn và tưởng nhớ sâu sắc đến với anh bạn Vũ Năng Phương, tức nhà biên khảo Vũ Lục Thủy là người đầu tiên đã cho tôi được biết đến bài thơ này như đã ghi ở đầu bài viết này. Anh đã sớm từ giã cõi đời năm 2001 tại San Diego lúc chưa đày tuổi 70./

California, Tháng Năm 2009
Phụ Lục                                                         

Tuổi   trẻ

Nguyên tác : Youth by Samuel Ullman (1918)

(Bản dịch của Đòan Thanh Liêm – 2009)

Tuổi trẻ không phải là khoảnh khắc thời gian của cuộc đời; đó là một trạng thái của tâm trí; đó không phải là chuyện của những cặp má hồng, của làn môi đỏ mọng và của cặp đầu gối mềm dẻo; đó là chuyện của ý chí, phẩm chất của óc tưởng tượng, sức mạnh của cảm xúc; đó là sự tươi mát của nguồn suối nhân sinh.

Tuổi trẻ mang ý nghĩa là sự thắng vượt của lòng can đảm trên sự rụt rè của ham mê, thích phiêu lưu mạo hiểm hơn là ưa chuộng sự dễ dãi. Điều này thường có nơi người trên 60 tuổi, hơn là trong cơ thể của người ở tuổi 20. Không một ai lại già cỗi đi vì những năm tháng trôi qua. Chúng ta già nua bởi vì ruồng bỏ lý tưởng của mình.

Năm tháng có thể làm nhăn nhúm làn da, nhưng sự từ bỏ tinh thần hăng say phấn khởi thì mới làm tâm hồn chúng ta thêm héo hắt. Sự buồn phiền, sợ hãi, sự ngờ vực chính bản thân mình bẻ nát vụn tâm hồn và biến tinh thần trở về lại cát bụi.

Dù ở tuổi 60 hay 16, trong con tim mỗi người đều có sự quyến rũ của sự kỳ diệu, sự đam mê háo hức như con trẻ với cái điều sắp xảy đến, và niềm vui của trò chơi cuộc sống. Trong sâu thẳm của tâm hồn bạn cũng như của tôi, thì đều có một trạm vô tuyến; bao lâu mà cái trạm đó còn tiếp nhận tín hiệu của cái đẹp, niềm hy vọng, sự nô nức, lòng can đảm và năng lượng của con người và của Vô biên, thì lúc đó bạn còn trẻ mãi.

Khi mà giây ăng ten cụp xuống, và tinh thần của bạn bị bao phủ bởi lớp tuyết hòai nghi yếm thế, thì dù bạn mới có 20 tuổi, bạn đã già nua cằn cỗi rồi. Nhưng nếu giây ăng ten đó vẫn mở bật lên để đón bắt những đợt sóng của lạc quan, thì có hy vọng là bạn có thể chết trẻ vào tuổi 80./

Ghi  chú  :  Tác giả Samuel Ullman mất vào năm 1924 lúc ông được 84 tuổi. Rõ rệt là ông vẫn còn tươi trẻ khi lìa đời, đúng như đọan sau cùng của bài thơ bất hủ, mà ông viết vào năm 1918 lúc ” mới có 78 tuổi “./

YOUTH

Samuel Ullman

 Youth is not a time of life; it is a state of mind; it is not a matter of rosy cheeks, red lips and supple knees; it is a matter of the will, a quality of the imagination, a vigor of the emotions; it is the freshness of the deep springs of life.

Youth means a temperamental predominance of courage over timidity of the appetite, for adventure over the love of ease.  This often exists in a man of sixty more than a body of twenty.  Nobody grows old merely by a number of years.  We grow old by deserting our ideals.

Years may wrinkle the skin, but to give up enthusiasm wrinkles the soul.  Worry, fear, self-distrust bows the heart and turns the spirit back to dust.

Whether sixty or sixteen, there is in every human being’s heart the lure of wonder, the unfailing child-like appetite of what’s next, and the joy of the game of living.  In the center of your heart and my heart there is a wireless station; so long as it receives messages of beauty, hope, cheer, courage and power from men and from the Infinite, so long are you young.

When the aerials are down, and your spirit is covered with snows of cynicism and the ice of pessimism, then you are grown old, even at twenty, but as long as your aerials are up, to catch the waves of optimism, there is hope you may die young at eighty.

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay