Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.
Am 6, 1a.4-7; 1Tm 6, 11-16; Lc 16, 19-31
Bài học người quản lý bị cho nghỉ việc, Chúa Giêsu nói nhè nhẹ về cuộc đời của người quản lý. Chúa Giêsu dùng hình ảnh này như là khởi đầu cho nhiều bài học nói về đời sau cõi tạm này, cái chết sau cuộc sống này.
Ở đời, người ta vẫn thường nói : “cái gì nó cũng có cái giá của nó”. Quả không sai, nó như quy luật nhân quả của cuộc đời. Nếu như trong đời sống, mình gieo điều tốt thì ắt hẳn mình sẽ nhận được điều tốt và ngược lại.
Chúa Giêsu ví dụ hết sức cụ thế chứ không có nói bóng nói gió hay dùng dụ ngôn nữa. Đi vào thẳng vấn đề của cuộc sống luôn đó là câu chuyện về hai con người :một là giàu, ngược lại bên kia là nghèo.
Người giàu này được một cái là ngày ngày yến tiệc linh đình. Chuyện hết sức bình thường như những câu chuyện bình thường mà người ta vẫn thường nói : “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng, trong cái bình thường này có cái không bình thường đó là có anh ăn xin ngồi ngay trước cổng nhà ông ta. Người ăn xin ghẻ chốc đầy và rồi them được ăn những miếng dư thừa từ nhà của ông nhà giàu nhưng không được ăn.
Chuyện gì đến nó phải đến. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, ông nhà giàu kia cũng chết và người ăn xin cũng chết. Có điều là không biết ai chết trước hay chết sau nhưng bảo đảm là phải chết vì dù giàu dù nghèo thì cũng không thoát được cái chết.
Nhưng, đàng sau cái chết, màn hình được mở ra. Dưới âm phủ, người chủ lại van xin với Ápraham : “Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!” Nghe sao mà thương dễ sợ.
Chúng ta nghe ông Ápraham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.
Khi nghe tổ phụ nói như thế, nhớ lại những người thân và đặc biệt là anh em mình còn sống ở dương gian nên bèn thưa : “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!
Nghe thế, ông Ápraham đáp: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.
Nài nỉ thêm : “Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.Ông Ápraham đáp: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.”
Chuẩn hơn chỉnh luôn ! Không chỉ Môsê, các ngôn sứ mà nhiều và quá nhiều những chứng nhân cho những thực tại của đời này và gia tài vĩnh cửu ở đời sau rồi nhưng mấy ai chịu nghe. Hay, có chăng thì nghe đó nhưng thực hành được bao nhiêu với lời mà các vị tiền nhân đã nói, đã để lại.
Và, cũng chẳng cần phải nghe ai nói nữa, chỉ cần nhìn vào thực tại và thực tế cuộc sống thì thấy ngay vấn đề : Con người, ai cũng phải chết. Và, sau khi chết, có mang theo được cái gì đi theo mộ phần, mang theo bên kia thế giới hay không để rồi cứ phải ky cóp. cứ phải tham lam, cứ phải ích kỷ. Tham lam, ích kỷ để làm gì để rồi sau cái chết phải hưởng, phải đón nhận tất cả những gì mà mình đã hành xử khi còn sống.
Sống trên đời, chẳng ai mong mình nghèo và cũng chẳng ai có thể nghi rằng mình giàu cả. Giàu hay nghèo đến từ nhiều lý do. Có thể khách quan, có thể chủ quan, có thể có sự may mắn như người ta nói là thiên thời – địa lợi – nhân hòa nữa. Nếu như ai nào đó có tài nhưng rồi thời cơ không đến hay sự may mắn không đến thì cuộc sống của họ mãi mãi trong lam lũ nghèo khó. Có những người có tí tài năng cộng thêm với sự may mắn, sự thuận tiện để rồi sống trong cuộc sống dư giả giàu có.
Và, hết sức bình thường trong mọi thời, mọi nơi, mọi xã hội ta đều thấy những người giàu và người nghèo. Giàu không phải là cái tội và nghèo cũng chẳng phải là cái tội. Tội hay chăng đó là ta giàu mà ta không biết cách sống như thế nào cho đúng với lương tâm, đúng với luân thường đạo lý.
Chuyện quan trọng, chuyện căn cốt là ta sống như thế nào khi ta giàu có, ta có nhiều của cải vật chất. Không phải những người giàu là xấu. Có những người giàu nhưng họ khôn ngoan sống theo cái nhìn, theo lối sống của con cái Thiên Chúa chú không theo lối sống của thế gian.
Sống khôn ngoan theo lối sống của Thiên Chúa thì giàu hay nghèo cũng chẳng là cái gì cả. Cách riêng với những người giàu thì phải biết dùng những của cải vật chất mà Chúa ban cho như thế nào có ý nghĩa và đặc biệt có hậu về sau sau khi đã chết.
Những bằng chứng hết sức sống động trong cuộc sống của ta. Có những người ta thấy họ hết sức quảng đại, không phân biệt tôn giáo.
Khi nghe trang Tin Mừng hôm nay, có thể ta bảo rằng ông chủ này thật quá quắt, ngay cái người đầy tớ ở trước của nhà mà ông không đoái hoài đến nhưng hình phạt cho ông như vậy cũng là đúng ! Nếu ta nghĩ như thế, ta xét đoán như thế, ta kết án như thế không chừng ta lại kết án chính bản thân ta.
Có khi nào đó, ngay trong gia đình của ta, người nghèo không ngồi ở ngoài cổng hay ngồi ở vệ đường như ta tưởng nhưng người nghèo đó lại ngồi ngay bên cạnh của ta. Họ thèm ta cho họ một chút gì đó, có khi không chỉ phải là cơm bánh, vật chất nhưng điều họ cần đó chính là tình cảm. Có thể những cái mà ta cho những người xung quanh ta đó chính lại là cái thừa thãi của ta nhưng ta lại nghĩ đó là ân phúc mà ta trao ban. Ta quên đi điều căn cốt là những cái mà ta có, nhất là cái thân xác, cái hơi thở, cái sự sống mà ta đang có chính là quà tặng mà Thiên Chúa trao ban.
Nếu như Chúa lấy hơi thở, lấy sự sống của ta đi thì còn gì là giàu với nghèo, còn gì là sang với hèn. Chẳng còn là gì cả như người giàu có và kẻ ăn xin cùng chết. Chuyện quan trọng là sau cái chết đó, ta sẽ có gì trong tay. Ta sẽ được ơn cứu độ hay đánh mất ơn cứu độ mà cả đời ta ky cóp.
Sống sao đừng để một ngày kia khi sau cõi tạm này thì trên Thiên Đàng toàn là những người nghèo, những người trộm cắp, những người đĩ điếm, những người tội lỗi như Chúa Giêsu vẫn thường nhắc ta.
Luôn luôn ghi khắc trong tâm trí ta rằng cuộc đời ta có ngần có hạn và tất cả những gì ta có như là quà tặng từ nơi Thiên Chúa để ta biết san sẻ cho anh chị em đồng loại. Chúng ta, có kẻ giàu người hèn, kẻ sang người hèn nhưng ai ai cũng có tấm lòng, có trái tim. Tấm lòng và trái tim đó sẽ quý biết mấy khi nó san sẽ tình thương cảm, lòng mến cho những người đang sống ngay bên cạnh ta, trong mái ấm của ta, trong gia đình của ta.
Tác giả: Lm. Anmai, C.Ss.R.