Bà Rịa, ngày 26 tháng 4 của 45 năm trước

May be an image of 1 person

Bà Rịa, ngày 26 tháng 4 của 45 năm trước

Bà Rịa ngày xưa là tỉnh Phước Tuy, một tỉnh lỵ nhỏ của miền đông nam phần, phía đông giáp biển Long Hải, 3 phía còn lại giáp Long Thành, Long Khánh và Vũng Tàu. Phước Tuy cách Sài Gòn khoảng 100 cây số, du khách từ Sài Gòn và miệt lục tỉnh xuống Vũng Tàu tắm biển đều đi ngang qua Phước Tuy theo quốc lộ 15. Trước năm 75, con đường quốc lộ này thường hay bị “đắp mô” (hồi đó “mấy chả” hay đặt mìn trên đường quốc lộ rồi lấy lá cây phủ lên trên gọi là đắp mô) nhằm cản trở lưu thông. Con người Bà Rịa hiền hoà, tình nghĩa và hiếu khách, họ lấy chữ tín làm trọng trong buôn bán và đối nhân xử thế.

Biểu tượng của tỉnh là một cái tháp mà trên đỉnh là cái château d’eau chứa nước hình tròn có mái che phía trên được xây từ thời Pháp, chân đế của tháp là phòng thông tin (sau này được gọi là nhà tròn). Tháp château d’eau này tạo nên một vòng xoay giao thông như một ngã sáu ngay đầu đường Thành Thái. Các còi báo động giới nghiêm của Bà Rịa được gắn trên tháp nước này, hướng ra 4 phía để nơi nào cũng có thể nghe được tiếng còi hụ. Mặt dưới của bồn nước là nơi chim én thường làm tổ. Sáng sớm, từng đàn én bay lượn dưới ánh nắng mai xung quanh tháp nước trông thật an bình.

Từ đầu tháng 3 đến giữa tháng 4 năm 1975, tin tức chiến sự trên TV và radio dồn dập mỗi ngày từ khi Tây Nguyên thất thủ, lan ra vùng 1 rồi tới vùng 2 thất thủ, vùng 3 và vùng 4 chỉ còn tính bằng ngày. Những gia đình có thân nhân trong quân đội đã dự đoán được “phía bên kia” sẽ không dừng lại để chờ bất cứ một hiệp định ngừng bắn nào nữa. Bởi vì họ đang thắng như chẻ tre.

Ngày thứ Bảy, 26/4/1975, khoảng 5 giờ chiều, khi mọi người đang chuẩn bị cho bữa cơm chiều thì những đợt pháo kích đầu tiên từ phía núi Dinh dội xuống Phước Tuy, bắt đầu cho một cuộc tấn công. Những tiếng nổ đinh tai nhức óc mỗi lúc mỗi dồn dập và liên tục hơn. Trước đó, radio cho biết Long Khánh đã thất thủ cách đây một tuần. Dường như mọi người đã đoán biết rằng Phước Tuy thất thủ chỉ là sớm hay muộn, tuy nhiên ai cũng thầm mong sẽ có …một phép lạ.

Trước đây tôi đã từng nghe những tiếng nổ của đạn pháo vọng về từ miệt Đất Đỏ, nhưng nó ở khá xa trung tâm tỉnh lỵ nên không cảm thấy sợ. Lần này những tiếng nổ nghe sát bên tai cùng với sức ép của không khí mạnh đến tức ngực và khó thở. Những cột khói đen ngòm bốc lên bao phủ bầu trời trung tâm thị xã Bà Rịa. Không khí ngột ngạt bao trùm làm mọi người bắt đầu hoảng loạn. Ông Ba Bắc trong xóm có chiếc xe ba lua (loại xe tải mui kín để chở hàng lê gim từ Đà Lạt về Sài Gòn), ông kêu mọi người lên xe để ông chở đi tránh đạn. Sống trong thời chiến tranh nên ai cũng chuẩn bị sẳn một túi đồ cá nhân, khi cần đi tản cư là xách cái túi phóng liền.

Mọi người trong xóm tôi ùa lên chiếc xe tải của ông Ba. Có khoảng 30 người trên xe, ông lái xe theo hướng quốc lộ 15 ra Vũng Tàu. Dọc đường, có nhiều người lính VNCH buông súng và cởi bỏ bộ đồ lính đang mặc trên người bỏ lại trên đường. Từng đoàn người chạy bộ theo hướng ra Vũng Tàu để tránh pháo kích. Ông Ba cho xe qua cầu Cỏ Mây rồi dừng lại nghe ngóng tình hình. Từ cầu nhìn về phía Bà rịa, quang cảnh thật kinh hoàng, Bà rịa chìm trong khói đen mù mịt, những cột lửa bốc cao ở vài nơi sáng rực cả một vùng. Tôi nghe ông Ba lẩm bẩm :”Sao không thấy bên mình phản pháo lại…điệu này chắc bỏ chạy hết rồi”. Thật ra những ngày cuối cùng của tháng Tư là sự tan rã của quân đội miền Nam, giống như những quân cờ domino ngã rạp một cách liên hoàn… Không phải là giao tranh giữa hai bên mà chỉ có một bên tiến và một bên lùi. Những quả đạn pháo của phía bên kia dội xuống Bà Rịa chẳng qua chỉ là một tín hiệu báo động rằng giờ G đã đến.

Ông Ba tiếp tục cho xe chạy về hướng Vũng Tàu. Có lẽ ông vẫn còn một chút hy vọng là Vũng Tàu sẽ được cố thủ chờ viện binh từ Sài Gòn xuống tiếp ứng qua ngõ đường biển. Một gia đình trên xe ông Ba đã xin xuống xe tại căn cứ hải quân Rạch Dừa để xuống một chiếc tàu Mỹ. Nghe đâu sau đó gia đình này đã đến đảo Guam rồi đến Mỹ.

Ông Ba dừng xe tại Rạch Dừa cho mọi người xuống “cắm trại” tại một khu vườn dừa của một người dân, khu vườn rộng rãi trồng rất nhiều dừa dọc ngang các con mương ươm đầy những cây dừa non. Đêm đó mọi người quấn mền dựa lưng quanh các gốc dừa chợp mắt. Trưa hôm sau, nghe radio báo tin Phước Tuy đã hoàn toàn thất thủ. Mọi người lặng lẽ nhìn nhau …Lúc đó họ chỉ nghĩ đến những người thân yêu của mình trong quân đội vẫn còn đang kẹt lại đâu đó trong cuộc chiến.

Ông Ba đưa mọi người quay về Bà Rịa, cầu Cỏ Mây đã bị giật sập, phải đi ghe qua sông. Tôi nhìn thấy có nhiều xác người lính Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn trôi dưới dòng nước…

Trở về căn nhà cũ, một cảnh tượng đổ nát thật hoang tàn, tất cả chỉ còn lại một đống tro tàn tỏa mùi khét lẹt. Khoảng chục căn nhà xóm tôi cháy rụi vì trúng đạn pháo kích. Bà Tư nhà bên cạnh không theo xe ông Ba đi tản cư mà ở lại bám lấy căn nhà của mình, bà đã ngồi núp ở gốc cây khế trước sân nhà tôi suốt đêm hôm đó, thẩn thờ nhìn ngôi nhà của mình cháy rụi dần một cách bất lực. Bà kể nhờ trời thương nên vẫn lành lặn sau một đêm khói lửa và đạn pháo kinh hoàng. Tôi cố bươi móc từng chút trong đống tro tàn, hy vọng tìm thấy những đồ vật thân yêu còn sót lại. Không còn gì có thể sử dụng được ngoài tro bụi….

Ngày 1 tháng 5 năm 1975, tôi và vài đứa hàng xóm rủ nhau đi bộ ra nhà tròn xem bộ đội ra sao. Tháp nhà tròn vẫn còn đó, phòng thông tin ngay chân tháp có nhiều lổ đạn. Tôi ngước lên, cái bồn nước vẫn còn nguyên vẹn, nhưng đàn én đã không còn bay lượn dưới ánh nắng mai như mọi ngày…Có lẽ chúng cũng cảm nhận được đã có một cái gì thay đổi .

Tôi nghe nặng trĩu một nổi buồn mông lung vô định. Tôi đã hết mọi hy vọng được nhìn thấy quê hương mình như những ngày trước tản cư, những ngày mà mọi thứ đã trở nên quen thuộc trong ký ức ngọt ngào của một tuổi thơ chưa biết buồn bao giờ.

Đã 45 năm trôi qua, ngày hôm ấy vẫn chưa khi nào phai nhạt trong trí nhớ tôi, một ngày đáng nhớ, một ngày đáng buồn, và một ngày đã làm cho nhiều người miền Nam phải suy nghĩ về nó, khi thân phận họ thay đổi như không còn là một công dân Việt trên chính quê hương mình.

….

Cho tôi xin lại một ngày, ở nơi nơi thành phố cũ

Cho tôi xin lại một đời, một đời sống với quê hương

Cho tôi đi lại đoạn đường, hàng cây vương dài bóng mát

Cho tôi an phận ngàn đời, bên bờ đê vắng làng tôi.

Tháng 4/2020

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay