Bước vào con đường gian khổ
Lữ Giang
Một biến cố trong tháng 4 năm 1975 đã đưa Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận vào những ngày bi thảm nhất của cuộc đời ngài, nhưng cũng từ đó ngài đã bước lên những địa vị quan trọng sau này trong Giáo Hội. Đây là một biến cố mà chính tôi là người đã chứng kiến và theo dõi rất sát.
ĐƯỢC ĐƯA LÊN LÀM TGM SÀI GÒN
Vào tháng 4 năm 1975, khi đoán biết miền Nam sẽ rơi vào tay Cộng Sản, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đã 5 lần đề nghị Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Việt Nam, Henri Lemaitre, xin Tòa Thánh cử Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận làm Tổng Giám Mục Saigon với hy vọng sự khôn ngoan của ngài có thể đưa Giáo Hội Việt Nam vượt qua những cơn khó khăn sắp đến. Cuối cùng, chiếu theo đề nghị của Đức Khâm Sứ, ngày 23.4.1975 Tòa Thánh đã phong Đức Giám Mục Nguyễn Văn Thuận làm Tổng Giám Mục hiệu tòa thành Vadesitana, và ngày 24.4.1975 cử ngài giữ chức Phó TGM Giáo Phận Saigon với quyền kế vị. Đức TGM Nguyễn Văn Bình nghĩ rằng nếu tình hình quá khó khăn, ngài sẽ từ chức và trao quyền lại cho Đức TGM Nguyễn Văn Thuận. Đây là một biến cố đã đưa ngài vào một khúc quanh mới của lịch sử dân tộc và lịch sử giáo hội,
Đước tin nói trên, ngày 8.5.1975, một nhóm Linh mục đã gởi đến Đức TGM Nguyễn Văn Bình một kiến nghị yêu cầu hoãn bổ nhiệm ĐGM Nguyễn Văn Thuận làm TGM Phó. Kiến nghị này do các Linh mục sau đây ký tên: Trương Bá Cần, Trần Viết Thọ, Vương Đình Bích, Phan Khắc Từ, Thanh Lãng, Nguyễn Quang Lãm, Hoàng Kim, Huỳnh Công Minh, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Đinh Bình Định, Nguyễn Thiện Toàn, Nguyễn Văn Hòa, Nguyễn Văn Huệ và Nguyễn Nghị.
Mặc dầu có sự phản đối nói trên, ngày 12.5.1975 Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn thông báo cho các giáo xứ trong giáo phận biết Đức Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Giám Mục Giáo Phận Nha Trang, đã được Tòa Thánh bổ nhiệm làm TGM Phó với quyền kế vị của TGP Sài Gòn vào ngày 24.4.1975. Và ngày 12.5.1975 Đức TGM Nguyễn Văn Thuận đã đến nhận nhiệm vụ mới.
CHIẾN DỊCH CHỐNG ĐỐI BÙNG LÊN
Ngay lập tức, các Linh mục Trương Bá Cần, Trần Viết Thọ, Vương Đình Bích, Phan Khắc Từ, Thanh Lãng, Nguyễn Quang Lãm và Hoàng Kim đã đến Chủng Viện Thánh Giuse ở đường Cường Để, Sài Gòn, chất vấn Đức TGM Nguyễn Văn Bình và yêu cầu Đức Phó TGM Nguyễn Văn Thuận từ chức.
Ngày 13.5.1975, một nhóm sinh viên công giáo đã xâm nhập Tòa Giám Mục Saigon, căng lên những biểu ngữ sau đây:
– Nguyễn Văn Thuận, Giám Mục của ai?
– Vì quyền lợi của Giáo Hội Việt Nam, yêu cầu Nguyễn Văn Thuận từ chức.
– Không có hòa giải, Nguyễn Văn Thuận phải rút lui.
Ngoài ra, nhóm này cũng gởi đến Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre một văn thư nói rằng “Mỹ – Thiệu và tay sai đã dẫm lên nhau chạy trốn, sự bổ nhiệm một Giám Mục chống Cộng tại Saigon là một điều nguy hiểm không những cho Giáo Hội mà cho cả dân tộc Việt Nam”. Họ yêu cầu Đức TGM Nguyễn Văn Thuận từ chức để “tránh cho Giáo Hội và dân tộc Việt Nam những phiêu lưu vô vọng và nguy hiểm”.
Ngày 14.5.1975, một đoàn biểu tình do Đoàn Phú Khánh cầm đầu, đã xâm nhập Tòa Khâm Sứ của Tòa Thánh ở đường Hai Bà Trưng, trèo lên nóc nhà hạ cờ Tòa Thánh xuống và căng biểu ngữ đòi Đức Khâm Sứ Henri Lemaitre phải cút đi. Họ đẩy một linh mục người Ba Lan và linh mục Trần Ngọc Thụ ra khỏi Tòa Khâm Sứ. Trong khi đó, Linh mục Huỳnh Công Minh đứng chụp hình và Linh mục Thanh Lãng phát bản tuyên cáo. Ngày 3.6.1975, họ đến phá Tòa Khâm Sứ một lần nữa. Được tin này, các thanh niên công giáo thuộc giáo xứ Bùi Phát ở đường Trương Minh Giảng đã kéo lên. Nhưng khi các toán thanh niên này mới đến đầu cầu Trương Minh Giảng thì bộ đội đã xả súng bắn vào họ, một người bị chết và nhiều người bị thương. Linh mục Vũ Bình Định, Phó xứ Bùi Phát đã bị bắt ngay sau đó.
Trước sự chống đối này, ngày 7.6.1975 Đức TGM Nguyễn Văn Bình đã gởi cho các linh mục và giáo dân một văn thư, trong đó có những đoạn như sau:
“Tôi đã hết sức ôn hòa, lắng nghe và thông cảm đồng thời giải thích trực tiếp hoặc gián tiếp cho những ai muốn đối thoại với tôi về những sự việc trên. Nhưng tình trạng ấy chưa khả quan hơn.”
Sau đó, ngài kêu gọi:
“Tôi kêu gọi tất cả quý cha, các tu sĩ nam nữ và toàn thể giáo dân sẵn sàng tuân phục hoàn toàn quyết định của Tòa Thánh La Mã”.
Ngày 18.6.1975, Đức TGM Nguyễn Văn Bình đã gởi cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ Tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, một văn thư yêu cầu ba điểm sau đây:
1) Triệt để thi hành Sắc Lệnh Tự Do Tín Ngưỡng và chính sách 10 điểm của chính phủ để gây tin tưởng và phấn khởi nơi toàn dân đối với chính phủ.
2) Chấm dứt chiến dịch tuyên truyền bôi nhọ, vu cáo các chức sắc của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
3) Chấm dứt ngay chiến dịch vận động phi pháp trục xuất Đức TGM Nguyễn Văn Thuận, vì việc trục xuất phi pháp này vi phạm trầm trọng Sắc Lệnh Tự Do Tín Ngưỡng và chính sách 10 điểm của chính phủ, sẽ gây nguy hại cực kỳ lớn lao không lường được, về đối nội cũng như đối ngoại, cho Quốc Gia Dân Tộc.
Ngày 27.6.1975, tại Dinh Độc Lập (cũ), Ủy Ban Quân Quản thành phố Saigon – Gia Định công bố quyết định không cho Đức TGM Nguyễn Văn Thuận được hoạt động tại nhiệm sở mới. Ngày 1.7.1975 Ủy Ban Quân Quản gởi cho ngài một văn thư yêu cầu ngài phải trở lại nơi cư trú trước ngày 30.6.1975.
MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH GIAN KHỔ
Chiều 15.8.1975, Ủy Ban Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Thành Phố Sài Gòn đã mở cuộc họp tại Nhà Hát Thành Phố (trụ sở Hạ Nghị Viện cũ) để trình bày trường hợp của Đức TGM Nguyễn Văn Thuận. Có khoảng 350 giáo sĩ, tu sĩ và đại diện các giáo xứ được mời đến nghe trình bày. Ông Mai Chí Thọ tuyên bố rằng chính phủ quyết định đưa TGM Nguyễn Văn Thuận trở về Nha Trang, nơi đương sự cư ngụ trước ngày 30.6.1975, vì sự hiện diện của đương sự gây trở ngại cho sự đoàn kết dân tộc.
Cũng trong ngày 15.8.1975, ngài được mời lên Dinh Độc Lập, ở đó ngài bị bắt đưa về Nha Trang, nhưng không phải đưa về Tòa Giám Mục Nha Trang, nơi ngài cư trú trước 30.4.1975, mà đưa đến giáo xứ Cây Vông thuộc xã Diên Sơn, Huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Chính Đức TGM Nguyễn Văn Thuận đã kể lại câu chuyện này như sau:
“Ngày 15 tháng 8 năm 1975, lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, tôi được mời đến Phủ Tổng Thống, “Dinh Độc Lập”, vào lúc 14 giờ. Tại đó, tôi bị bắt và đem đi trên một xe hơi có hai công an đi kèm. Và đó là khởi đầu cuộc phiêu lưu của tôi.
“Trong lúc ấy, tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ bị gọi tới Nhà Hát, với mục đích tránh mọi phản ứng của dân chúng đối với vụ bắt tôi.
“Trong cuộc hành trình, tôi bắt đầu ý thức rằng mình đang mất tất cả. Tôi ra đi, với chiếc áo chùng thâm trong túi có một cỗ tràng hạt. Tôi chỉ còn biết phó thác cho Chúa Quan Phòng. Nhưng giữa bao nhiêu lo âu ấy, tôi vẫn thấy có một niềm vui lớn: “Hôm nay là lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời…”
“Từ lúc đó, người ta cấm gọi tôi là “Đức Cha…”. Tôi là ông Nguyễn Văn Thuận. Tôi không được phép mang dấu hiệu gì về chức vị của tôi. Không hề báo trước chút nào. Chúa yêu cầu tôi hãy trở về với điều cốt yếu.
“Trên đường dài 450 cây số, không có một ai. Tôi thực sự bị bỏ rơi.
“Và trong sự xúc động trước hoàn cảnh mới, diện đối diện với Chúa, tôi nghe thấy Chúa Giêsu hỏi Simon: “Simon, con bảo Thầy là ai?” (cf MT 16,15)”
Giáo xứ Cây Vong lúc đó có khoảng 1200 giáo dân do Linh mục Gioan Phùng Văn Như, 72 tuổi, làm chánh xứ. Trong thời gian bị quản chế tại đây, ngài được Linh mục chính xứ và giáo dân mộ mến và giúp đỡ tận tình. Tuy nhiên, vào 8 giờ sáng ngày 18.3.1976, công an đã đưa xe bịt bùng đến, đọc lệnh bắt giam ngài, lý do bị bắt là vì ngài có những hành vi phản động dinh líu đến vụ nhà thờ Vinh Sơn, mặc dầu lúc đó ngài đang bị quản thúc ở Cây Vong, cách xa nhà thờ Vinh Sơn hơn 400 cây số. Khi ngài bị đẩy lên xe, mọi người đều chảy nước mắt và ai cũng âm thần đọc kinh cầu nguyện cho ngài. Ngài bị đưa vào giam ở trại Phú Khánh. Ngài đã mô tả lại thời gian bị giam tại trại này như sau:
“Nhà tù nơi tôi bị giam trong những tháng đầu tiên tọa lạc tại khu vực có nhiều tín hữu nhất trong thành phố Nha Trang, nơi tôi đã làm giám mục trong 8 năm.
“Từ phòng giam, sáng tối tôi đều nghe thấy tiếng chuông nhà thờ ngân vang, và suốt ngày, tôi nghe những tiếng chuông của bao nhiêu giáo xứ và nhà dòng. Tôi ước mong được dời đi thật xa, lên miền núi để khỏi phải nghe những tiếng chuông ấy.
“Ban đêm, trong cái thinh lặng của thành phố, tôi nghe lại tiếng sóng Thái Bình Dương mà tôi đã từng nghe thấy từ văn phòng tòa giám mục của tôi. Không ai biết tôi ở đâu, mặc dù nhà tù chỉ cách nhà tôi vài cây số. Tôi sống tình trạng thật vô lý!”
Lữ Giang