Suy nghĩ từ đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Suy nghĩ từ đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Tính đến sáng ngày hôm nay, 03-03-2020

Tất cả những số liệu cập nhật tại Đại lục về số ca nhiễm, số ca tử vong, số ca bình phục … đều chỉ đến từ 1 nguồn là Uỷ ban Y tế Nhà nước Trung Quốc. 

Thực tế phải cao hơn nhiều (nhân lên gấp 10 hay 20 lần cũng có thể đúng)

Thêm nhiều quốc gia trên thế giới lần đầu tiên có người nhiễm COVID-19: Ả rập xê út, Latvia, Ma rốc, Senegal và Tunisia. 

Như vậy dịch COVID-19 đã lan ra 78 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó châu Á có 29 nước, châu Âu có 36 nước, châu Mỹ có 6 nước, châu Phi có 5 nước và châu Úc có 2 nước

Tổng số ca nhiễm: là 90,445

Tổng số ca tử vong: 3,119

Tổng số ca nặng, nguy kịch: 7,094

Nguồn từ Trí thức VN

*

Tháng 12 năm 2019, phát hiện virus ở Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc miền trung Trung Quốc. Các ca nghi ngờ được báo cáo ngày 31 tháng 12 năm 2019. Ngày 23 tháng 01- 2020, chánh quyền Trung quốc phong toả, cô lập Vũ Hán.

Mặc dù đang sống ở Mỹ, tâm lý lo âu, sợ sệt, của bà con người Việt vẫn xảy ra, Bà con đi mua gạo, nước, mì khô, đồ ăn khô để dự trữ trong khi thông báo chính thức chỉ có 6 người mất vì Covid-19 ở bang Washington mà thôi(VOA). Con chim sợ cành cây cong. Người Việt sau 30 năm chiến tranh, sau nhiều lần bị đánh tư sản, đổi tiền, nhiều người Việt từ giàu có khá giả trở thành nghèo nàn, tay trắng?

Trước sự lây lan không kềm chế được của virus viêm phổi này, con người đã thấy đời sống mỏng dòn, kiếp người thật mong manh người dân nghèo chết đã đành, bác sĩ điều trị cũng chết, các quan lớn quyền cao chức trọng, con virus này cũng không tha.

Rõ ràng con người sinh ra thì tay trắng mà khi ra đi cũng trắng tay. Sự ra đi không biết lúc nào? và như thế nào?

*Suy ngẫm về kiếp người.

Theo đài VOA, ngày 02-03-2020 , thì Thành viên Hội đồng tư vấn của lãnh đạo tối cao Iran qua đời vì virus corona.

Ông Mohammad Mirmohammadi – thành viên hội đồng tư vấn cho lãnh đạo tối cao Iran – qua đời ngày 2/3/2020 sau khi bị nhiễm virus corona.

Vì thế cho nên,

Sức khỏe là giá trị nhất.

Chiếc giường đắt nhất trên thế giới chính là giường bệnh. Trên thế giới này có thể có người lái xe thay ta, kiếm tiền thay ta… nhưng không có ai mắc bệnh thay ta được. Đồ mất rồi đều có thể tìm thấy lại nhưng có một thứ mất đi là vĩnh viễn không còn tìm thấy, đó chính là sinh mệnh.

 *Một trận dich chúng ta minh bạch rằng

     Bình thường phải già 70, 80, 90 tuổi mới chết chứ trẻ thì khó chết. Nhưng thực tế đời sống con người không phải như vậy. Trẻ mới sanh ra, 1,2 ,5,10 tuổi cũng có thể chết.

  Thế sự vô thường, đời người đâu phải “phía trước còn dài”

– Sinh mệnh yếu nhược, ngắn ngủi, không biết ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì.

– Vậy nên, hãy sống trọn vẹn với hiện tại, trân quý mọi người xung quanh.

*Vua hề Charlie Chaplin đã phát biểu

Trước lúc mất ở tuổi 88, vua hề Charlie Chaplin phát biểu 4 điều như sau:

  1. Không có gì vĩnh cửu trong thế giới này, kể cả những phiền muộn của chúng ta.
  2. Tôi thích đi dạo dưới trời mưa, vì không ai có thể nhìn thấy nước mắt của tôi.
  3. Ngày mất mát lớn nhất trong cuộc đời là ngày chúng ta không cười.
  4. 6 bác sĩ giỏi nhất trên thế giới là mặt trời, sự nghỉ ngơi, luyện tập, ăn kiêng, lòng tự trọng, bạn bè.

Vì vậy, chúng ta luôn luôn cảnh giác, luôn luôn nhắc nhở nếu hôm nay là ngày cuối cùng trong đời của chúng ta, ta phải làm gì đây? Còn thù ghét người khác không? Còn hơn thua, hận thù, giành giựt tiền bạc, ức hiếp người khác, gây đau khổ cho người khác nữa không?

Ngày 03 tháng 03 năm 2020

Phùng Văn Phụng

Hậu quả của một cơn giận  

           Hậu quả của một cơn giận  

Tác giả: Phùng Văn Phụng

 Tức giận là gì?

Theo Medicinenet, tức giận hay giận dữ (anger có nguồn gốc từ ngôn ngữ cổ Bắc Âu) là một phản ứng cảm xúc liên quan đến việc tâm lý con người khi đang bị đe dọa.

Tức giận cũng là do đặt cái tôi của mình quá lớn, do kiêu ngạo (tội tổ tông Adam và Eve muốn bằng trời hay con người muốn làm tháp Babel để lên tận trời cao). Do tự cao, tự đại coi khinh người khác học thức kém, nghèo hơn, nhân cách thua mình v.v…cho nên khi mình bị xúc phạm hay không vừa ý người nào hay bất cứ chuyện gì, thì nổi “khùng” lên mắng chửi, to tiếng, nặng lời, hăm dọa, đánh đập, bắn giết…

Khi giận quá, con người mất khôn, không còn kiểm soát được chính mình nữa và có những hành động ghê gớm, điên rồ, không thể tưởng tượng được như…

Chuyện 1:

Cãi nhau, chồng lao xe hơi chở vợ con xuống sông Hoài, 3 người chết

January 25, 2019

Cãi vã nhau, người chồng tức giận lái xe hơi đang chở vợ và hai con lao thẳng xuống sông Hoài ở thành phố Hội An, khiến 3 người chết. Trong xe hơi lúc này có bốn người gồm hai vợ chồng và hai đứa con. Hai vợ chồng cùng con trai tử vong, riêng bé gái (14 tuổi) biết bơi nên khi xe lao xuống sông đã nhanh chóng thoát ra ngoài, bơi vào bờ kêu cứu.

Hiện trường trục vớt chiếc xe hơi và thi thể các nạn nhân. (Hình: Tuổi Trẻ)

 Chuyện 2:

Cãi nhau vì chiếc điếu cày, em đâm chết anh trong ngày cúng cha

13/09/2019 

TTO – Người anh muốn mang điếu cày lên chùa trong lễ cúng bố 49 ngày để mọi người cùng hút, người em không đồng ý, hai anh em xảy ra xô xát. Hậu quả là người anh bị em trai đâm chết.

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc – Ảnh: KHÁNH LINH

Chiều 13-9 (2019), lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết Cơ quan CSĐT công an tỉnh đang cùng các đơn vị nghiệp vụ, Công an huyện Kiến Xương khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân.

Theo thông tin ban đầu, vào sáng 13-9, gia đình người thân ông Nghiêm Văn Th. (trú ngụ địa chỉ trên, đã mất) tổ chức làm lễ cúng tuần 49 ngày cho ông Th.

Trong lúc chuẩn bị lên chùa làm lễ, giữa hai anh em ruột Nghiêm Văn Thắng (29 tuổi) và Nghiêm Văn Thành (20 tuổi) xảy ra xích mích dẫn đến xô xát.

Trong lúc nóng giận, anh Thắng đánh Thành gãy răng cửa. Bị đánh đau, Thành vớ con dao trong bếp truy đuổi anh trai.

Anh Thắng bỏ chạy, nhưng đến khu vực ngã tư gần chợ Bặt (thuộc địa phận xóm 6, xã Quang Bình) thì bị Thành đuổi kịp. Thành đã dùng dao đâm nhiều nhát khiến anh Thắng gục ngay tại chỗ.

Người dân sau đó đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng anh Thắng đã tử vong. Đến gần 15 giờ cùng ngày, thi thể nạn nhân được đưa về gia đình để lo hậu sự.

Nghi phạm Thành đã bị cơ quan công an bắt giữ ngay sau đó.

Chuyện 3:

Bị rầy la chuyện ăn nhậu, con trai cứa cổ mẹ già 72 tuổi

13/11/2019

 Tho Em về nhà gặp mẹ ruột là bà Phạm Thị Thiểu (72 tuổi). Bà Thiểu la mắng Tho Em không lo làm ăn, phụ giúp gia đình mà tối ngày lo ăn nhậu.

Giữa hai mẹ con xảy ra cự cãi, Tho Em bỏ đi ra ngoài đường. Đi được một đoạn, Tho Em bực tức nên quay lại nhà, đi thẳng vào bếp cầm lấy con dao rồi cứa cổ mẹ ruột khiến bà Thiểu tử vong tại chỗ.

Sự Chế Ngự Cơn Giận Dữ Của Bạn

Cơn giận dữ hay sự thù hận, khi đã gây ra, có thể có những kết quả tai hại khôn lường.

Theo Tờ Thông-báo, trong một năm, 80 phần trăm những nạn nhân bị giết trong một tiểu bang, thường bị giết bởi những thành viên trong gia đình hay những người bạn thân thiết. Hầu hết những sự tấn công tai họa này là kết quả của những cuộc cãi nhau hằng ngày, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Hay là, như Bác sĩ Cecil Osborne giải thích trong cuốn sách của ông, cơn giận bị đè nén dần dần hiện ra trong “dạng của vài căn bệnh thần kinh: những ung nhọt, bệnh suyễn, chứng viêm khớp, chứng viêm ruột kết, chứng viêm da, những sự phiền não về tim hay bất cứ một tỷ lệ của cái khác.”

 Làm sao giải quyết được cơn giận.

Cần sáu bước như sau:

1-Thật thà thú nhận sự giận dữ của mình.

2- Chấp nhận có sự giận dữ

3- Quyết định giải quyết nó

4- Diễn đạt cảm giác giận dữ của bạn nột cách sáng tạo trong tình yêu thương

5- Kiểm soát nó nếu bạn đang cảm thấy sợ hay đe dọa

6- Khi bạn đã chia xẻ cơn giận của bạn rồi tiếp theo là hãy tha thứ…

Kết: Tóm lại, sự giận dữ tạo ra những hậu quả không lường trước được mà báo chí hằng ngày vẫn thường xuyên nêu lên những trường hợp giết chóc nhau vô lý cũng vì không đè nén được sự giận dữ.

Sức người không làm được nhưng nhờ ơn Chúa, cầu nguyện với Chúa thì ta có thể làm được.

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói:

“Hạnh phúc không phải là một vấn đề của số phận. Đó là vấn đề lựa chọn.”

 Ông nói:

Hãy thận trọng với suy nghĩ của bạn bởi vì suy nghĩ sẽ trở thành lời nói.

Hãy thận trọng với lời nói của bạn bởi vì lời nói sẽ trở thành hành vi.

Hãy thận trọng với hành vi của bạn bởi vì hành vi sẽ trở thành thói quen

Hãy thận trọng với thói quen của bạn bởi vì thói quen sẽ tạo thành tính cách.

Hãy thận trọng với tính cách của bạn bởi vì nó sẽ tạo thành vận mệnh

và vận mệnh của bạn sẽ chính là cuộc sống của bạn.

Đức Đạt Đai Lạt Ma, trong bài:

(Đối thoại giữa Đạt Lai Lạt Ma và Leonardo Boff)

 Suy nghĩ về bài dưới đây để tâm tư, tình cảm của chúng ta lắng đọng lại, không còn hơn thua, tranh chấp, nhất là tranh chấp giữa vợ chồng, cha con, mẹ con, anh em bà con lẫn nhau.

MỘT NGÀY, MỘT NĂM VÀ MỘT ĐỜI NGƯỜI

Một ngày rất ngắn, ngắn đến mức chưa nắm được cái sáng sớm thì đã tới hoàng hôn.
Một năm thật ngắn, ngắn đến mức chưa kịp thưởng thức sắc màu đầu xuân thì đã tới sương thu.
Một cuộc đời rất ngắn, ngắn tới mức chưa kịp hưởng thụ những năm tháng đẹp thì người đã già rồi.
Luôn luôn đến quá nhanh mà hiểu ra thì quá muộn, cho nên chúng ta phải học cách trân trọng, trân trọng tình thân, tình bạn, tình đồng nghiệp, tình yêu, tình vợ chồng, tình phụ mẫu, tình đồng loại …

Vì một khi đã lướt qua, thì khó có thể gặp lại.

Sau 20 tuổi, thì đất khách và quê nhà giống nhau vì đi đến đâu cũng có thể thích ứng.
Sau 30 tuổi, thì ban ngày và ban đêm giống nhau vì mấy ngày mất ngủ cũng không sao.
Sau 40 tuổi, thì trình độ học vấn cao thấp giống nhau, học vấn thấp có khi kiếm tiền nhiều hơn.
Sau 50 tuổi, thì đẹp và xấu giống nhau vì lúc này có đẹp đến mấy cũng xuất hiện nếp nhăn và tàn nhang.
Sau 60 tuổi, thì làm quan lớn và quan bé giống nhau vì nghỉ hưu rồi cấp bậc giống nhau.
Sau 70 tuổi, thì nhà to và nhà nhỏ giống nhau vì xương khớp thoái hóa không thể đi được hết những không gian muốn đi.
Sau 80 tuổi, thì tiền nhiều và tiền ít giống nhau vì có tiêu cũng chẳng tiêu được bao nhiêu tiền.
Sau 90 tuổi, thì nam và nữ giống nhau vì không thể làm nổi chuyện ấy nữa.
Sau 100 tuổi, thì nằm và đứng giống nhau vì đứng dậy cũng chẳng biết làm gì.

Cuộc đời của bạn và tôi là như vậy, không khác nhau nhiều…

Nhìn ra, hiểu được, cuộc đời là như thế…

Trân trọng những thứ đã có và đang có…

(Sưu tầm trên net)

Vậy mà tại sao con người còn thù hằn, giận dai, giận suốt đời, đến nỗi trước khi chết còn dặn thân nhân: “cấm không cho đương sự đến thăm tôi, tôi sẽ làm cho nứt hòm đó”.

Sao không khiêm nhường, cảm thông, yêu thương và tha thứ cho nhau vì trong Kinh lạy Cha có dạy: “xin Cha tha nợ cho chúng con cũng như chúng con tha kẻ có nợ chúng con” để lòng thanh thản, tràn ngập yêu thương, để đón nhận tình yêu thương của Cha trên trời, sau khi lìa khỏi cõi đời tạm bợ này.

Phải vậy không?

Phùng Văn Phụng

11/2019

Khi một xã hội vô pháp, vô thiên (hay Vụ án giết 5 mạng người kinh hoàng)

Khi một xã hội vô pháp, vô thiên (hay Vụ án giết 5 mạng người kinh hoàng)

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Khi pháp luật, công lý chỉ là một trò hề, người dân không còn tin tưởng ở công lý, ở toà án nữa và khi con người vắng bóng tôn giáo, con người đã không tin vào sự trừng phạt của luơng tâm, của Trời đất, của Thượng đế, không tin vào cuộc sống đời sau, con người sẽ tự xử theo bản năng xấu, ác của con người.

Khi một xã hội đặt tiền lên trên hết, vắng bóng tình yêu thương, vắng bóng đạo đức bình thường, con người có thể làm những điều độc ác khủng khiếp ít ai dám nghĩ tới. Gíết anh em ruột thịt của mình, gíết vợ con của mình.

 Khổng Tử nói: “Nhân chi sơ tánh bổn thiện” nhưng Tuân Tử lại cho rằng “Nhân chi sơ tánh bổn ác”

Về đời sống tâm linh thì con người luôn luôn bị chi phối bởi: Thần lành và thần dữ. Làm việc thiện, hy sinh sức khỏe tiền bạc, giúp ích cho người khác là do sự thúc đẩy của thần lành. Trả thù, ghen ghét, ích kỷ, lo cho cá nhân, nói xấu, hảm hại người khác là do sự thúc đẩy của thần dữ.

Cho nên sống trong xã hội chế độ tôn thờ bạo lực, chỉ tôn trọng đồng tiền, “tiền là cán cân công lý” thì xã hội phải đảo điên, con người sẽ tàn ác với nhau vì lúc đó thần dữ hay quỷ dữ trong con người đó sẽ hoành hành.

Tin tức từ Việt Nam:

Hoàng Trương Lê– CẬP NHẬT VỤ ÁN GIẾT 05 MẠNG NGƯỜI KINH HOÀNG  

– KẺ SÁT NHÂN: NGUYỄN VĂN ĐÔNG

NGUYÊN NHÂN ANH TRAI “XỬ” CẢ GIA ĐÌNH EM TRAI CHỈ VÌ “0.5m ĐẤT CHA MẸ ĐỂ LẠI”

Lãnh đạo xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng (Hà Nội) thông tin về vụ ” Anh Trai Chém Cả Nhà Em Trai Tử Vong”.

Nguyên nhân là do tranh chấp mảnh đất tổ tiên để lại giữa ông Đông và em trai là ông Hải.Trước đây hai anh em ông Đông và Hải có đã thỏa thuận rõ ràng về việc phân chia 0,5 m giáp ranh giữa 2 nhà.

Tuy nhiên gần đây, anh Hiệp (con ông Hải) không đồng ý về sự phân chia này.Tối hôm qua 31/8, anh Hiệp (con ông Hải) có qua nhà ông Đông nói chuyện về việc 0.5m đất giáp ranh.

Sau đó 2 bác cháu có xảy ra xích mích. Bực tức vụ việc hôm qua, sáng nay 1/9 ông Đông cầm dao sang nhà ông Hải với ý định ban đầu là xử chị Việt (vợ ông Hải) và anh Hiệp (con ông Hải), vì nghĩ bà Việt tham mưu cho chồng và con trai tranh dành đất với ông.

Trong lúc đang chém chị Việt thì ông Hải vào can ngăn, trong lúc bức tức ông Đông chém luôn ông Hải. Sau đó, ông Đông tiếp tục cầm dao vào trong nhà chém chị Bắc (con gái ông Hải), chị Nhung (con dâu ông Hải) và cháu nội ông Hải.

Lúc này anh Hiệp (con ông Hải) chạy thoát ra ngoài kêu cứu và an toàn. Ông Đông rất hung hãn nên hàng xóm không ai dám vào can ngăn.

Sau khi gây án, ông Đông quay về nhà, thản nhiên uống nước và có ý định tự tử bằng điện tại nhà tắm. Khi hung thủ chuẩn bị kết liễu thì con trai Đông đã kịp thời dập cầu dao. Đúng lúc đó công an ập vào không chế được thủ phạm.

Danh tính các nạn nhân:

1/ Ông Nguyễn Văn Hải (50 tuổi, em trai ông Đông đã tử vong)
2/ Bà Doãn Thị Việt (48 tuổi, vợ ông Hải đã tử vong)
3/ Chị Nguyễn Thị Bắc (28 tuổi, con gái ông Hải, đã tử vong)
4/ Nguyễn Huyền My (14 tháng, cháu nội ông Hải đã tử vong)
5/ Chị Đỗ Thị Hồng Nhung (24 tuổi, con dâu ông Hải đã tử vong).

.
(Nguồn: linh mục Trần Chính Trực)                                                                                

Theo tác giả Minh Long: Chủ Nhật, 01/09/2019 xác nhận:

Khởi tố kẻ thảm sát cả gia đình em trai khiến 4 người tử vong

 là do nguyên nhân là do tranh chấp đất đai.

Hung thủ Nguyễn Văn Đông. (Ảnh chụp màn hình)

Vụ thảm sát xảy ra vào khoảng 7h15 sáng nay (1/9) tại gia đình ông Nguyễn Văn Hải (50 tuổi) trú tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội.

Tin từ Facebooker:

Huy Anh

-Mấy ngày trước, vụ tên thầy dạy võ Nguyễn Xuân Vinh trú tại Long Biên (Hà Nội) đánh đập tàn nhẫn vợ mình, chỉ vì một lý do vớ vẩn đã làm cho dư luận vô cùng căm phẫn.

-Nhưng mới đây, một cán bộ nhà nước, làm việc ở cơ quan trung ương mà ra tay với vợ cũ và con ruột tàn nhẫn hơn, độc ác hơn. Hắn chính là Chu Viết Quang, chuyên viên Vụ Địa phương, Ban Kinh tế Trung ương.

Sau khi cãi nhau với vợ cũ (trú tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm TP Hà Nội), Quang dùng xe ô tô cố tình tông vào xe máy vợ cũ đang chở con trai.

Điều may mắn là khi xe ngã, cậu bé sinh năm 2003 đã kịp thời nhảy thoát sang một bên, chỉ còn lại cô vợ đang nằm sõng soài. Lúc này đây, hắn lại độc ác lùi xe để tông vợ cũ lần 2 ….

Cô vợ được hàng xóm đưa đi cấp cứu với tình trạng chấn thương cột sống, gãy xương chậu, vỡ xương mu bàn chân phải, sai khớp mỏm cùng vai đòn phải, dập và tràn dịch phổi. Hiện tại đã qua cơn nguy kịch nhưng phải nằm bất động.

Dù đã ly hôn không còn tình thì còn nghĩa. Dẫu sao thì đó là người đàn bà mẹ của con mình. Nhưng hành động của Chu Viết Quang thật nhẫn tâm, đáng bị cộng đồng lên án mạnh mẽ.

-Tháng 8 năm ngoái cũng có một câu chuyện tương tự . Tuy nhiên khác biệt lớn là hung thủ lái xe tông chết người tình của vợ.

Chuyện là Nguyễn Văn Toàn (SN 1984, trú tại phường Diên Hồng, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) và người vợ đã ly thân nhưng chưa ly hôn còn ở chung nhà nảy sinh mâu thuẫn, cự cãi. Cô vợ gọi cho người tình Lại Đức Chung (SN 1983, trú đường Lê Đại Hành, phường Đống Đa, TP Pleiku) đến nhà mình.

Chung đến bị Toàn lái xe tông chết ngay tại chỗ. Lúc này, chị vợ và con trai thấy vậy chạy ra đỡ, nào ngờ cũng bị Toàn lao xe vào. Hậu quả cả 2 mẹ con đều bị trọng thương.

P/S: Chu Viết Quang nhìn mặt khó biết được lòng. Cô vợ vừa thoát cơn nguy kịch đã tố cáo người chồng ám hại mình.

Vài lời phê bình:

Tai Hoang Hậu quả của luật pháp Việt Nam. Tài sản gia đình cha mẹ độc quyền định đoạt, phân chia không đều, dẫn đến tranh chấp, đâm chém nhau. Chuyện này đầy dẫy khắp nơi.

Nghia Vuchinh Thượng bất chính hạ tắc loạn!

MỜI CẢ NHÀ LẮNG NGHE LỜI KHAI CỦA TÊN SÁT NHÂN.

https://www.facebook.com/chinhtruc456

https://www.facebook.com/chinhtruc456/videos/2305495483049885/?t=40

*   *   *

Đã đến lúc tình trạng báo động của một xã hội đảo điên, đạo đức, giá trị tinh thần của con người đi xuống, niềm tin về sự tốt đẹp của con người biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, che chở cho nhau, trở nên xa vời.

Khi một xã hội vô pháp (pháp luật, công lý không có) con người không còn sợ Thiên Chúa, không còn sợ hậu quả của việc mình làm, đó là đã bắt đầu của một xã hội tận cùng của sự suy đồi mọi mặt.

Muốn xã hội tốt đẹp hơn phải thay đổi thể chế, cái thể chế đã tạo nên con người tàn ác, bạo lực, vô tâm, vô thần, thiếu vắng tình yêu thương. Vì

“Đâu có tình yêu thương là ở đó có Đức Chúa Trời”

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Quyền lực và tiền bạc có đem lại hạnh phúc?

Quyền lực và tiền bạc có đem lại hạnh phúc?

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Say mê quyền lực cũng như say mê tiền bạc đó là điều thường thấy của con người khi còn sống ở trần thế này. Quyền lực và tiền bạc thường dính liền nhau. Có quyền thì dễ kiếm tiền. Có tiền thì dễ kiếm quyền. Tiền và quyền dính quyện vào nhau.

Khi con người đam mê quyền lực và say mê tiền bạc còn ghê gớm hơn người say rượu hay say thuốc, nếu say mê quá đáng bất chấp đạo lý, lẽ phải, thiếu lòng yêu thương, thường nhận lãnh hậu quả khôn lường được.

Thí dụ vì say mê quyền lực và tiền bạc như trường hợp sau:

1)Hậu thương vụ AVG: Bắt giam 2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn

2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn

Theo báo Thanh niên, ngày 23.2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can; lệnh bắt bị can để tạm giam; lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và ông Trương Minh Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng về tội danh vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 điều 220 bộ luật hình sự năm 2015.

 Theo BBC, ngày 10/7/2018, Bộ Công an đã khởi tố vụ án liên quan đến thương vụ Mobifone mua AVG, làm thất thoát khoảng 8000 tỷ đồng ngân sách nhà nước.  

   Trường hợp nhà giàu cũng khóc, cũng khổ:

2)Chủ cà phê Trung nguyên:

Theo báo Zing. Việt Nam, khối tài sản của ông chủ cà phê Trung Nguyên theo như luật sư của ông Vũ cũng đưa ra 13 bất động sản chung có giá trị 725 tỷ đồng.

Về các tài sản khác được xác minh tại ngân hàng (tháng 10/2018) vào khoảng 2.102 tỷ đồng, gồm tiền mặt, ngoại tệ, vàng.

Vì vụ ly hôn với vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ than thở, đau đớn nói rằng “Tiền nhiều đề làm gì?”

   httpv://www.youtube.com/watch?v=jr5AgBvAaz0

Ông Vua Cafe Trung Nguyên: Tiền Nhiều Để Làm Gì?

  * * * Có câu chuyện, một ông trùm người Trung Quốc qua đời, để lại cho vợ 1,9 tỉ đô trong ngân hàng. Bà vợ ông sau đó đã lấy người lái xe của chính ông. Người lái xe nói: Tôi đã nghĩ tôi phải làm việc cho ông chủ mình. Nhưng giờ đây tôi mới nhận ra rằng cả đời ông chủ làm việc cho tôi.

 *  *   *

Điều quan trọng là sống lâu hơn là có nhiều của cải. Vì vậy chúng ta phải cố gắng để sống khỏe mạnh.

Với một chiếc điện thoại xịn thì 70% công năng của nó chúng ta không dùng đến

Với một chiếc xe đắt tiền thì 70% tốc độ và các đồ phụ kiện là không cần thiết

Với 1 căn biệt thự thì đến 70% không gian là chúng ta không dùng đến 70% quần áo trong tủ của bạn không được mặc tới

Cả cuộc đời làm việc thì đến 70% số tiền kiếm được là dành cho người khác tiêu

Vì vậy chúng ta phải bảo vệ và tận dụng hết khả năng 30% còn lại của chính mình bằng cách:

– Đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên, cho dù không ốm đau

– Uống nhiều nước, ngay cả khi không khát

– Học cách buông bỏ, ngay cả khi đối diện với những vấn đề nghiêm trọng

– Học cách thỏa hiệp, ngay cả khi bạn là người đúng

– Học cách khiêm tốn, ngay cả khi bạn giàu có và có quyền lực

– Học cách bằng lòng, ngay cả khi bạn không giàu

– Tập luyện thể thao, ngay cả khi bạn bận rộn

– Dành thời gian cho những người bạn yêu mến

Cuộc sống này rất ngắn ngủi, vì vậy hãy vui vẻ sống, tìm cách sống có ý nghĩa nhất, hạnh phúc nhất, trọn vẹn nhất nếu có thể!

(từ Do Tan Hung) 

*  *   *  Theo báo tin nóng 24h/Việt Nam, ngày 30/06/2019,

Bình Phước: Bắt giữ nghi phạm sát hại mẹ ruột vì mâu thuẫn tiền bạc

Vì tiền bạc mà con đã giết mẹ ruột: ông Châu văn Hưng, 37 tuổi,  đã giết mẹ ruột là bà Trần Thị Mộng Hoa (53 tuổi)

Bài báo viết:  “Tại cơ quan điều tra, bước đầu Hưng khai nhận, khoảng 20 giờ 30 phút tối 29/6,  sau khi hát karaoke tại nhà ông Vũ Văn Giáp (cách nhà khoảng 100 mét) thì Hưng cùng mẹ mình là bà Trần Thị Mộng Hoa trở về nhà trước, ông Văn (bố Hưng) ở lại hát tiếp”.

“Khi về đến nhà, giữa Hưng và mẹ là bà Hoa xảy ra cự cãi do mâu thuẫn về tiền bạc. Trong lúc tức giận, Hưng đã dùng kéo đâm nhiều nhát vào cổ và người bà Hoa”.

 CÓ THỂ và KHÔNG THỂ ( Trầm Thiên Thu)

Cuộc sống có nhiều mối liên kết giữa vật chất và tinh thần, có loại CÓ THỂ và có loại KHÔNG THỂ. Có lẽ thứ “rắc rối” nhất là vật chất, tiền bạc, bởi vì “cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1 Tm 6:10). Người ta nói rằng “Tiền là Tiên, là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân”…

Theo Việt ngữ, Tiền là Tiên bị đè bởi cái đà “dấu huyền” nên thành Tiền. Bất cứ mối quan hệ nào “dính líu” tới nó đều gặp “phiền phức” lắm. Về mối liên quan với tiền bạc, một thi sĩ người Na Uy (quên tên rồi) có nhận định thú vị thế này:

Tiền có thể mua được thực phẩm nhưng không thể mua được sự ngon miệng.

Tiền có thể mua được thuốc tốt nhưng không thể mua được sức khỏe.

Tiền có thể mua được kiến thức nhưng không thể mua được sự khôn ngoan.

Tiền có thể mua được sự lộng lẫy nhưng không thể mua được vẻ đẹp.

Tiền có thể mua được trò cười nhưng không thể mua được niềm hoan hỉ.

Tiền có thể mua được người quen nhưng không thể mua được bạn tri kỷ.

Tiền có thể mua được người hầu nhưng không thể mua được sự trung thành.

Tiền có thể mua được sự nhàn rỗi nhưng không thể mua được sự bình an.

Theo cách lý luận đó, chúng ta có thể lý luận thêm nhiều điều khác trong cuộc sống. Chẳng hạn vài điều này:

Tiền có thể mua được trang phục đẹp nhưng thể không mua được nhân cách.

Tiền có thể mua được ngôi nhà nhưng không thể mua được tổ ấm.

Tiền có thể mua được đám cưới nhưng không thể mua được hạnh phúc.

Tiền có thể mua được đám giỗ nhưng không thể mua được lòng hiếu thảo.

Tiền có thể mua được chiếc giường êm nhưng không thể mua được giấc ngủ ngon.

Tiền có thể mua được bằng cấp nhưng không thể mua được sự giáo dục.

Tiền có thể mua được chức tước nhưng không thể mua được uy tín.

Tiền có thể mua được tiệc mừng nhưng không thể mua được lý tưởng.

Tiền có thể mua được tác phẩm nhưng không thể mua được tài năng.

Tiền có thể mua được bảo hiểm nhưng không thể mua được sự an toàn.

Tiền có thể mua được tặng vật từ thiện nhưng không thể mua được lòng nhân đạo.

Tiền có thể mua được hoa, nến, nhang, đèn… nhưng không thể mua được lòng thành kính.

Tiền có thể mua được nhân chứng nhưng không thể mua được phép lạ.

Tiền có thể mua được nhà thờ nhưng không thể mua được đức tin.

Tiền có thể mua được đài tưởng niệm nhưng không thể mua được phúc trường sinh.

 Chính Chúa Giêsu đã khuyến cáo: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó” (Mt 6:19-21; Lc 12:33-34).

Chúa Giêsu mạnh mẽ xác định:“Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6:24; Lc 16:13).

Tác giả: Phùng Văn Phụng

07/2019

Viết vài hàng nhân ngày đầu năm 2019

Viết vài hàng nhân ngày đầu năm 2019

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Tuần trước liên lạc được với Phùng Văn Ch. bạn tù ở trại trung ương số 1 Lào Cai và trại tù Vĩnh Phú. Ch. đi tù sau ngày 30-04-1975 vì làm việc ở phủ Đặc Ủy Trung Ương tình báo. Nghe Đoàn Xuân Hy báo tin Ch. bị bịnh nặng nên tôi mới liên lạc với Ch.

Ch. nói rằng bị té nên phải mổ đầu, hiện giờ không đi đứng được, không xử dụng, không gõ chữ trên máy tính được, vì tay bị tê.

Lê Tấn Hà trước năm 1975, cũng làm việc ở Phủ Đặc Ủy, báo tin như sau: Ch. bị bịnh Gao và thấp khớp nên di chuyển khó khăn, chân tay bị tê, nên bây giờ khi di chuyển phải ngồi xe lăn. Ch. sức khỏe không được tốt. Vài hàng cho anh biết sức khỏe Ch. như vậy.

Ch. nhỏ hơn tôi 7 tuổi, năm nay Ch. chưa tới 70 tuổi.

Năm 2018 những người quen biết của tôi đã ra đi trong tháng 12 này:

Anh Nguyễn Tấn Hưng là bạn của tôi trong hội Cần Giuộc, ở Houston, ra đi ở tuổi 76.

Cô Trương Thị Mỹ Nam, cựu giáo sư trường Lương Văn Can, ra đi lúc 78 tuổi ở Sidney, Úc.

Ở Việt Nam có Phạm Văn Lũy, chồng của cô giáo Yến Thu, cũng vừa ra đi ở tuổi 60, sau 18 năm chịu đựng khó khăn, đau đớn, nằm một chỗ. Sự hy sinh, chịu đựng của cô giáo Yến Thu, đã lo lắng, săn sóc cho chồng trong 18 năm qua vô cùng quí giá.

*     *     *

Tôi đã cảm nghiệm được điều gì?

Năm nay, tôi sẽ đến tuổi 77. Tôi còn đi đứng được, có sức khỏe bình thường, chưa có bịnh gì nặng. Sức khỏe là một hồng ân Chúa ban.

Trong thời gian sống trên cõi đời này làm sao tránh khỏi gian nan, thử thách, khó khăn, đau khổ.

Nhớ lại chuyện trong tù sau năm 1975, bị đày lên vùng rừng núi miền Bắc, Lào Cai, Vĩnh Phú. Vì đói quá, hái rau rừng về ăn, bắt con nhái nướng sơ sơ rồi ăn, chặt cây, gặp con đuôn cũng bắt mà ăn. Đội được phân công đi tách vỏ đậu phọng, len lén ăn vài hột đậu phọng, bị lính gác chửi bới, mắng mỏ, “trí thức, sĩ quan mà ăn trộm”. Chịu đựng chứ biết làm sao?

Khi đi làm, gặp khách hàng khó tánh, nghi ngờ lường gạt họ, họ mắng nhiếc, nặng lời, chửi bới, hăm dọa “kêu cảnh sát bắt”. Chịu đựng và cầu nguyện cho họ.

Người ta chửi bới, hăm dọa, khống chế, hành hạ tinh thần ta, ta phải cám ơn người đó vì họ đã giúp cho ta học chữ NHẪN, học BÌNH TÂM, học YÊU THƯƠNG. Học “YÊU KẺ THÙ”.

Làm sao tâm không bị giao động vì sự nhục mạ, chửi bới của người khác, đó mới thực hành đức bác ái, yêu thương mà Chúa đã dạy. Dĩ nhiên khi bị chửi bới, tự nhiên ta cũng giận, cũng tức chứ. Nhưng đã là môn đệ của Chúa, học hỏi ở Chúa “hiền lành và khiêm nhường” để dằn cơn giận lại. Không để cho cơn giận tràn ngập tâm hồn ta. Vì ta không thể để người khác “cầm chìa khóa” sai khiến, tác động đến sự bình an, vui tươi , hạnh phúc của ta được.

+ Cuối cùng rồi con người ai cũng phải chết, tôi là người, vậy tôi phải chết, không thoát được. Đó là điều chắc chắn. Có nhiều người muốn trốn tránh hai chữ chết. tưởng chừng như họ sẽ vĩnh viễn sống trên cõi đời này.

Thử suy nghĩ: Sống làm sao, khi sinh ra ta khóc lóc, người xung quanh mĩm cười, đến khi ta chết đi, ta mĩm cười mà người xung quanh thì khóc lóc.

*     *     *

Vì tưởng rằng không bao giờ chết, cho nên khi có quyền trong tay sinh ra kiêu ngạo, tham lam vô độ. Vì không có cơ chế kiểm soát hữu hiệu nên các quan tham đã lươn lẹo, làm giàu bằng cách tham nhũng, lấy tiền trong ngân sách nhà nước làm của riêng. Người dân chịu sưu cao, thuế nặng để trả nợ cho các chi tiêu vô lối, hoang phí của quan chức chánh phủ.

Các vụ tham nhũng tiêu biểu như sau:

Thêm bốn quan chức dầu khí Việt Nam bị bắt vì ‘tham nhũng’ 

Ông Đinh Văn Ngọc, phó giám đốc điều hành Nhà máy lọc dầu và hóa dầu Nghi Sơn, cùng với ba quan chức khác gồm Từ Thành Nghĩa, Võ Quang Huy và Nguyễn Tuấn Hưng, bị cáo buộc tội ‘lạm dụng chức vụ nhằm chiếm đoạt tài sản’ trong đó có ông Đinh La Thăng

+ Chi hơn 10 tỷ đồng lãi ngoài cho 4 lãnh đạo để “hút” tiền gửi vào OceanBank 

Ngày 8-12, được biết, Viện KSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng tới 4 bị can, gồm: Vũ Mạnh Tùng, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (Công ty BSR); Nguyễn Hoài Giang, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty BSR; Phạm Xuân Quang, nguyên Kế toán trưởng Công ty BSR và Đinh Văn Ngọc, nguyên Tổng Giám đốc Công ty BSR.

Các bị can (từ trái sang phải): Giang, Quang, Ngọc và Tùng.

+Khởi tố ông Huỳnh Ngọc Sỹ tội nhận hối lộ

Nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính TP HCM, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây Huỳnh Ngọc Sỹ vừa bị khởi tố tội nhận hối lộ.

+Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.911 tỷ Việt Nam đồng xảy ra tại VietinBank là vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành Ngân hàng Việt Nam.[1] Đây là một trong những vụ án kinh tế lớn nhất tại Việt Nam trong lịch sử hiện đại, với 23 bị cáo, và 47 luật sư bảo vệ cho bị cáo cũng như nguyên cáo.(vi.wikipedia.org) 


+Ông Hà Văn Thắm bị khởi tố thêm tội mới (ngày 04/12/2018)

Cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm bị khởi tố thêm tội mới do chỉ đạo cấp dưới ký kết hơn hợp đồng khống để rút tiền hoàn ứng chi lãi ngoài và tiếp khách.

Theo đó, HĐXX tuyên y án chung thân với Hà Văn Thắm; tử hình với Nguyễn Xuân Sơn, 22 năm tù với Nguyễn Minh Thu; 20 năm tù với Nguyễn Văn Hoàn (cựu Phó tổng giám đốc Oceanbank)…

+ Vụ án Vinashin   9 bị cáo được đưa ra xét xử trong vụ án này gồm: Phạm Thanh Bình, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin; Trần Quang Vũ, nguyên Tổng giám đốc Vinashin; Trần Văn Liêm, nguyên Trưởng ban kiểm soát tập đoàn; Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Giám đốc công ty cổ phần Công nghệ tàu thủy Hoàng Anh cùng các bị cáo: Nguyễn Tuấn Dương, Tô Nghiêm, Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp, Đỗ Đình Côn là nguyên các cán bộ ở Vinashin.

Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam về đâu?

Tham nhũng ở Việt Nam đã trở thành một phần của bộ máy rồi. Nó trở thành một phần của guồng máy hoạt động rồi. Muốn loại bỏ tham nhũng thì cách vận hành bộ máy đó phải được thay đổi.

Kết:   Chế độ nào cũng có lúc thịnh, lúc suy. Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê nhà Nguyễn cũng phải đến lúc suy tàn, sụp đỗ. Vậy mà đảng cộng sản Việt Nam vẫn tính chuyện cai trị “vinh quang muôn năm”.

Chưa có thời kỳ nào dân chúng mất nhà, mất đất nhiều như thời cộng sản.

Các quyền tự do căn bản của con người đều bị cấm đoán như quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do bầu cử và ứng cử, tự do nghiệp đoàn, tư do cư trú v.v…Ngày 01-01-2019 lại áp dụng luật “An Ninh Mạng” ngăn cản sự tự do biểu đạt của người dân.

Tham nhũng nhiều không ngăn cản được là do lỗi hệ thống, do chế độ chính trị (cộng sản) tạo nên. Chỉ còn cách thay đổi hệ thống độc đảng, độc tài sang đa đảng, tam quyền phân lập, mới giúp được đất nước thoát nạn tham nhũng trầm kha và có vẻ càng ngày càng tăng.

Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Văn An (Chủ tịch Quốc hội khóa XI), cựu lãnh đạo cao cấp là một trong những người can đảm nhìn nhận chế độ Việt Nam bị “lỗi hệ thống”

 “Cộng sản không thể nào sửa chữa, mà cần phải đào thải nó”. Boris Yelsin(Cựu Tổng Thống Cộng Hoà Liên Bang Nga)

Tác giả: Phùng Văn Phụng

01/01/2019

Sự bình an của Chúa

Sự bình an của Chúa

 Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Bình an là gì?

Theo từ điển phổ thông

bình an, bình yên, không có chuyện gì

Từ điển trích dẫn

Không xảy ra hoạn nạn, không có gì nguy hiểm. Sầm Tham : “Mã thượng tương phùng vô chỉ bút, Bằng quân truyền ngữ báo bình an”  (Phùng nhập kinh sứ 使) Trên lưng ngựa gặp nhau không sẵn giấy bút, Nhờ anh chuyển lời báo tin được bình an vô sự.
2. Trong lòng bình tĩnh an định.
Lỗ Tấn : “Nhiên nhi ngã đích tâm ngận bình an: một hữu ái tăng, một hữu ai lạc, dã một hữu nhan sắc hòa thanh âm”  (Dã thảo , Hi vọng ) Nhưng mà trong lòng tôi rất bình tĩnh an định, chẳng có yêu ghét, chẳng có buồn vui, cũng chẳng có màu sắc và âm thanh gì cả.

  Bình an của Chúa

Cuối thánh lễ, cha chủ tế nói: Chúng ta chúc bình an cho nhau. Cho nên bình an của mỗi người vô cùng quan trọng. Tâm động, không bình an, lòng lo âu, xao xuyến, bực tức, thù ghét người khác, lòng sân hận, muốn trả thù… Tâm ta không bình an, làm cho ban đêm ta không ngủ được, dĩ nhiên sau một thời gian dài chừng vài tháng sẽ thấy hậu quả của thù ghét, bực tức, đau khổ ảnh hưởng đối với sức khỏe như thế nào?

Có câu chuyện kể như sau:

Một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công thể hiện tài năng của mình.

Nhà vua ngắm tất cả bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức và ông phải chọn lấy một. Một bức tranh vẽ hồ nước êm ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng mịn màng. Tất cả những ai ngắm bức tranh này đều cho rằng đây là một bức tranh bình yên thật hoàn hảo.

Bức tranh kia cũng có những ngọn núi, nhưng những ngọn núi này trần trụi và lởm chởm đá. Ở bên trên là bầu trời giận dữ đổ mưa như trút kèm theo sấm chớp. Đổ xuống bên vách núi là dòng thác nổi bọt trắng xoá. Bức tranh này trông thật chẳng bình yên chút nào.

Nhưng khi nhà vua ngắm nhìn, ông thấy đằng sau dòng thác là một bụi cây nhỏ mọc lên từ một khe nứt của một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang xây tổ. Ở đó giữa dòng thác trút xuống một cách giận dữ, con chim mẹ đang bình thản đậu trên tổ của mình…Bình yên thật sự.

“Ta chấm bức tranh này! – Nhà vua công bố – Sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình yên có nghĩa ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó chính là ý nghĩa thật sự của sự bình an. (Sưu tầm)

          Khi tôi đi đến nhà của anh N. khách hàng để bán bảo hiểm nhân thọ, trình bày chương trình để dành tiền cho con, cháu nếu chẳng may mình qua đời. Cha của anh N. từ bên kia đường đi thẳng vào nhà giận dữ, la hét: “Không mua bán cái gì hết, mày đến để gạt con tao hả, tao kêu cảnh sát bắt mày bây giờ”.

Tôi đến để bán bảo hiểm, đem đến cho gia đình anh N. một sự an tâm nếu có mất đi có tiền trả tiền nợ nhà, tiền cho con cái đi học v.v…Tự nhiên bị mắng chửi, bị la lối, hăm dọa kêu “cảnh sát bắt”. Ngay lúc đó tôi không có bình an. Tôi tức giận, tôi dự định gây gỗ lại, nhưng nén cơn giận, leo lên xe, cố gắng bình tĩnh, thở sâu, hít dài hơi và thở ra vài lần như vậy rồi từ từ lái xe đi.

Làm sao có bình an khi bị hăm dọa, chửi rủa vô lý? Khó lắm, phải tập dần dần. Và cần cầu nguyện với Thiên Chúa toàn năng  “xin Chúa giúp cho con được bình an vì chắc là có lý do nào đó nên người ta mới chửi rủa, cự nự, la hét, hăm dọa con như vậy”.

Trong gia đình gây gỗ, cãi vả nhau là sự thường. Nhưng tránh được cãi vả gây gỗ, nặng lời với nhau thì tốt hơn.

Lý do cãi vả, gây gỗ thường là cho rằng cái tôi là đúng là quan trọng còn bạn đời, người thân, người khác đều sai lầm hết.

Không khoan dung, tâm lý thù hận, muốn trả thù, thoả mãn ích kỹ cá nhân thường làm cho con người đó cô đơn, không có ai là bạn thân cả. Chúa nói: “Hãy Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em (Mt 5,44)”

Trước sự hăm dọa, chửi rủa của người khác nhất là sự chửi rủa, hăm dọa của người thân trong gia đình, của con cháu mới làm cho bậc cha mẹ khó quên.

Vậy làm sao quên, tha thứ để có bình an?

Chúng ta là môn đệ của Chúa, hãy học Chúa Giêsu “hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Vì Chúa chịu đóng đinh trên thập tự còn nói “hãy tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Thông thường, bản tính của loài người, chúng ta không tha thứ cho người khác được, nhưng nếu có ơn Chúa dần dần ta sẽ quên, tha thứ được.

Chẳng những quên, tha thứ mà còn cần yêu thương họ nữa vì chắc chắn trong đời sống tâm lý họ không bình thường cho nên họ mới có tâm lý trả thù “mày hại tao một, tao sẽ trả thù cho mầy đau khổ gấp trăm, gấp ngàn lần tao mới hả dạ”.

Chỉ có yêu thương mới thay đổi chính mình trước rồi mới thay đổi được người khác. Chỉ có yêu thương mới có bình an thực sự mà thôi vì “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8)”

Phùng Văn Phụng

12/2018

Lại nói về chuyện chia tay

Lại nói về chuyện chia tay

 Tác giả: Phùng Văn Phụng

 (Tên của các nhân vật trong bài này, do tác giả đặt, nếu có sự trùng hợp, ngoài ý muốn của tác giả)

            Tối hôm qua, khi Nguyễn đi làm về, nhận được thơ của học trò cũ là Mai kể chuyện gia đình bất hoà, sống ly thân với Hoàng, một mình nuôi con, vừa làm cha, vừa làm mẹ, lòng Nguyễn buồn vô hạn. Vì sao có sự phân ly, chia rẽ giữa vợ chồng vẫn xảy ra trong những người thân yêu của mình. Sự phân ly vì một trong hai người vợ hay chồng, chẳng may mất đi. Sự phân ly còn do con người quyết định nữa. Người này không chấp nhận được người kia nên đành chia tay.

Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình hoà thuận, êm ấm mới làm ăn, nuôi dạy con cái được. Thuận vợ, thuận chồng tát biển đông cũng cạn, bằng ngược lại, nếu chia tay, ai cũng khổ cả, vợ chồng và con cái. Sự đau khổ đó ảnh hưởng đến cả hai bên cha mẹ và bà con thân thuộc.           

*    *    *

           Nguyễn đã viết thơ cho học trò cũ như sau:

 Thân mến gởi hai em Mai và Hoàng,

“Sự bất hoà, gây gỗ, xung đột trong gia đình là sự thường. Gia đình nào chẳng có sóng gió, gây gỗ nhau.

 Nếu hai người thương yêu nhau thực sự và biết tha thứ cho nhau thì những sự xung đột, bất hoả chắc chắn sẽ giải quyết được.

Mỗi người cần xét lại mình, xem thời gian qua từ trước ngày cưới mình đã cư xử ra sao với chồng (vợ) mình, những năm đầu sau ngày cưới mình đối xử ra sao với vợ (chồng) mình, rồi những lúc gần đây mình đã nói gì, làm gì và trong những lời nói, việc làm đó có những điều gì lầm lỗi.

Hai em tìm nơi thanh vắng, nhất là về ban đêm càng tốt, tự xét mình thực kỹ, vì tình thương yêu lẫn nhau, thương yêu con cái, mà mỗi người đều nhận lỗi của mình.Vì thật ra ai cũng có lỗi cả. Mỗi người đều có những sai lầm: giận dữ, lớn tiếng, nặng lời với nhau hay lạnh lùng, làm thinh lâu dài v.v…

Con người vốn luôn luôn có sự khác biệt, có cá tính khác nhau, nên mỗi người cần chấp nhận sự khác biệt đó.

Vợ chồng luôn luôn có những khó khăn cần giải quyết, cần lấy tình yêu thương, tha thứ cho nhau mà giải quyết những khó khăn đó”.

  *    *     *

Nguyễn viết tiếp: “Hồi trước, khi thầy về từ trại cải tạo, không có một đồng xu dính túi, không nghề nghiệp, tâm hồn lúc nào cũng khủng hoảng, căng thẳng, vợ chồng gây gỗ với nhau hoài. Nếu mà thầy để tâm giận hờn, có lẽ thầy cũng không sống được với vợ của thầy cho tới ngày hôm nay đâu. Đừng giận hờn qua đêm. Cần thương yêu và tha thứ cho nhau thì hai vợ chồng mới sống lâu dài với nhau được.

Thật ra đời người quá ngắn ngủi, không nên chấp nhất, rồi mình sẽ già đi, rồi sẽ chết, ai ai cũng sẽ trúng số độc đắc một lần. Đó là sự chết. Nhiều bạn bè gặp không may mắn như nghèo khổ, tật nguyền, bịnh nan y… mà sao họ vẫn vui vẻ sống.  

Linh Mục Chu Quang Minh sáng lập “Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình” có đưa ra nguyên tắc để xét mình như sau:

 Khiêm nhường Biết lỗi- Nhận lỗi– Xin lỗi- Sửa lỗi và Tha lỗi.

Hai em chịu khó, ngồi trong thinh lặng, lắng đọng tâm hồn lại, không nghĩ đến tiền bạc,  danh vọng, của cải, bỏ tự ái cá nhân, quên mình đi. Nếu hai em thực sự quên mình đi, nghĩ đến người bạn đời, có lẽ hai em sẽ dễ nghĩ đúng và làm đúng hơn.

Thầy nhớ có đọc trong sách của nhà văn Nguyễn Hiến Lê cũng như sách của Cha Chu Quang Minh đều có thuật câu chuyện như sau:

 Trong những ngày Tết linh thiêng, có hai người tù cùng ở trong phòng giam, không khí ẩm thấp, hôi hám, dơ dáy. Người tù thứ nhất nhìn xuống sàn nhà và buộc miệng than thở:

– Trời ơi, đời tôi sao khổ sở thế này.

            Cũng trong hoàn cảnh sống tương tự, nhưng người thứ hai lại không nhìn vào bên trong phòng giam mà nhìn ra bên ngoài, người này thấy cây cỏ tươi tốt, bông hoa tươi thắm, đủ sắc màu, đàn chim đang líu lo ca hát trên cành cây, người này buộc miệng nói:

            – Ôi, trời bên ngoài đẹp quá.

            Do đó, cùng sống trong hoàn cảnh tù đày giống nhau, nhưng hai người có hai thái độ, hai cái nhìn khác nhau. Thái độ sống, cách suy nghĩ rất là quan trọng. Người lạc quan thì nhìn thấy khía cạnh tích cực, vui vẻ, thoải mái. Còn người bi quan suy nghĩ tiêu cực, chỉ thấy buồn rầu, đau khổ, bế tắc.

            Và Nguyễn viết tiếp như sau: “Hai em phải tự phản tỉnh lại mình, suy nghĩ về những lỗi lầm của mình, làm khổ bạn đời như thế nào và cùng nhau sửa chữa những lỗi lầm đã làm tổn thương bạn đời của mình.Tại sao mình nhịn người ngoài được mà người trong gia đình lại không nhịn được.

            Do đó, khi nhận được thơ này hai em đọc kỹ, suy nghĩ, tĩnh tâm lại, hai em cùng đọc và cùng xin lỗi với nhau. Có thể nhờ người lớn tuổi hơn như ông bà, cha mẹ, hay bác sĩ tâm lý cố vấn cho, bằng mọi cách phải quyết tâm cùng nhau hoà thuận trở lại vì hai em rất xứng đôi, rất hạnh phúc mà hai em không biết.

             Có phải hai em vì tự ái quá cao, không ai nhường nhịn ai, cho mình là quan trọng, xem thường bạn đời của mình, quên cả tương lai của con cái. Như vậy là mình đã sống quá ích kỹ, chỉ nghĩ đến bản thân mình mà thôi.

Mỗi em tự xét mình, biết lỗi, nhận lỗi, nói lời xin lỗi, sửa lỗi và tha thứ cho nhau, thương yêu nhau thực sự thì có gì mà không giải quyết được đâu.

            Rất mong tin vui, hai em sẽ đoàn tụ, hoà thuận,yêu thương nhau. (1)

 Tác giả: Phùng Văn Phụng

Viết xong tháng 09/2000, sửa chữa 11/2018

(1) Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8).

Tạ ơn Trời, cám ơn đời

Tạ ơn Trời, cám ơn đời

Tác giả: Phùng Văn Phụng 

 Suy tư nhân ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) ở nước Mỹ  

Hôm qua, ngày 21 tháng 11 tôi gặp lại người bạn thân quen gần 20 năm, là giáo sư toán ở Vĩnh Long, anh nhìn tôi chỉ cười, tôi hỏi anh có khoẻ không, anh cũng chỉ cười và không trả lời.Tôi thấy nụ cười rất hiền từ nhưng có cái gì đó bất ổn. Tôi hỏi vợ anh đang đi bên cạnh:

– Anh khoẻ không chị?

Chị vợ trả lời: Anh bị bịnh mất trí nhớ và bị bịnh rung tay. Tôi lớn hơn anh hai tuổi.

*   *     *     *

Tôi tạ ơn Trời, tạ ơn Thiên Chúa, đấng tối cao đầy quyền năng, đã cho tôi sống được tới tuổi này (75) tôi không có bịnh gì nhiều, sức khỏe tốt, mặc dầu tôi cũng từng bị bỏ đói triền miên gần 8 năm trong các trại tù của cộng sản từ năm 1975 đến 1983.

Cũng nhờ bị bỏ đói lâu ngày như thế để tôi cảm nghiệm được rằng thức ăn rất quý và nhờ đó mới có cảm nghiệm rằng, sau khi bị bỏ đói, không ăn cơm lâu ngày, khi gia đình gởi gạo ra, được ăn cơm với muối, cảm giác ngon kỳ lạ, tưởng chừng như ăn cơm với đường cát.

Tôi xin cám ơn ông bà, tổ tiên, cha mẹ đã sinh ra tôi sống ở miền quê nghèo nàn làng Đông Thạnh, quận Cần giuộc, tỉnh Long An, để tôi biết thông cảm với bà con nông dân chất phác, cực nhọc làm ruộng hai mùa mưa nắng.

Tôi được may mắn sống trong hai chế độ tư bản tự do và chế độ độc tài cộng sản để tôi có thể so sánh chế độ nào đem lại bình an, ấm no, hạnh phúc thực sự cho người dân.

Tôi cũng được may mắn sống trong thời kỳ mà ít có ai dám nghĩ tới là nhìn thấy sự tan rã hàng loạt của các chế độ độc tài từ Ba Lan, Đông Đức, Hung, Tiệp Khắc, Roumanie, Albanie và tại cái nôi của chủ nghĩa cộng sản là Liên sô trong những năm 1990-1991.

Tôi cũng cám ơn Trời đã cho tôi sống trong các trại cải tạo gần 8 năm qua các trại Long Thành, Thủ Đức, trại trung ương số 1 Lào Cai, trại Vĩnh Phú K3 và K4, trại Hà Nam Ninh. Vì nếu bị giam giữ dưới ba năm thì không thể được đinh cư tại Hoa Kỳ.

Tôi cũng cám ơn Chánh phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã giúp đỡ, cho gia đình tôi đến bến bờ tự do, trợ cấp chỗ ở và thức ăn trong 8 tháng để chúng tôi hội nhập vào đời sống ở Mỹ.

Suốt 25 năm sống ở Mỹ tôi chưa bao giờ bị một nhân viên cảnh sát nào vào nhà hỏi thăm. Chẳng bù những ngày tôi ra tù 1983-1993, từ công an thành phố, công an phường, công an khu vực, Ủy ban nhân dân phuờng tôi ở, thường xuyên theo dõi tôi làm gì, đi đâu, tiếp xúc với ai, tại sao nhiều sĩ quan chế độ cũ đến nhà như vậy?

Tôi cũng cám ơn bạn bè, bà con đã giúp đỡ tôi trong những ngày đầu tiên đến Houston. Giới thiệu chỗ làm, chỉ dẫn từng việc nhỏ như đỗ xăng, mua tem, làm giấy “social”, thi bằng lái xe, hướng dẫn mọi điều tôi chưa biết vì mọi việc đối với tôi đều xa lạ, bỡ ngở.

Cám ơn bà xã, các con đã nổ lực tối đa để ổn định cuộc sống nơi xa lạ là nước Mỹ này.

So với những ngày đầu đến Mỹ cách nay 25 năm, phải đi xe bus trong mùa đông giá lạnh, phải học tập, làm việc cật lực, phải tiết kiệm tối đa để lo cho mọi sinh hoạt điện, nước, bảo hiểm xe…cùng để dành tiền lo cho, có một căn nhà để ở và môt chút tiền gởi về gia đình ở Việt Nam.

Cám ơn những bạn bè, cựu giáo sư, cựu học sinh trường Lương Văn Can đã chia xẻ tâm tình, an ủi nhau trong những lúc khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua được.

Tôi xin cám ơn khách hàng đã tin tưởng ủng hộ tôi trong 24 năm qua, và cũng cám ơn những người vì nghi ngờ hay hiểu lầm đã nặng nhẹ, gây gỗ, chửi bới tôi, nhưng cũng nhờ đó tôi học được tính kiên nhẫn, lòng khoan dung, có giận hờn đó nhưng rồi quên và tha thứ vì cần học “yêu kẻ thù”(1) như Chúa dạy.

Tôi cố quên thời gian cộng sản đã đày tôi đi biệt xứ, nhốt tôi trong những vùng rừng thiêng, nước độc, bỏ đói tôi, tôi đi ra đồng để cuốc đất, trồng khoai lang, khoai mì không muốn nỗi, bị cảm hoài, tưởng chết vì kiệt sức.

Tôi cũng tập quên, tập tha thứ khi bị chửi bới, nặng nhẹ. Tôi đã có kinh nghiệm, thông thường những người chửi bới nặng nhẹ tôi đều có tâm hồn bất ổn. Hay có những lý do riêng vì gia đình bất hoà, vì tức giận vợ (chồng) hay đang bị bịnh nan y hay bị bất ổn tâm lý do bị ngược đãi, mang từ trong trại cải tạo cộng sản vẫn còn ám ảnh, ảnh hưởng đến tâm hồn họ. Do đó, tôi là đối tượng để họ có cơ hội trút nổi giận hờn, đau đớn lâu ngày trong tâm hồn họ. Đó là một rủi ro nghề nghiệp hay đó cũng là thử thách mà Thiên Chúa đưa đến để mình học tập tính kiên nhẫn, tha thứ, yêu thương?

Nhân ngày lễ Tạ Ơn, xin cám ơn tất cả.

Ngày 22 tháng 11 năm 2018

Tác giả: Phùng Văn Phụng 

(1) Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ đã ngược đãi anh em (Mt5,44)

Không nên tranh cãi

Không nên tranh cãi

Tranh cãi giữa vợ chồng. Chồng hay vợ thắng thì tình cảm giữa vợ chồng sứt mẻ

Tranh cãi với khách hàng, nếu người bán thắng thì mất khách.

Tranh cãi với bạn bè, nếu mình thắng thì mất bạn

Thân phận con người,viết về Diệp Sú

Kỹ niệm một năm ngày Diệp Sú mất (ngày 19-10-2017). Bài cũ, xin gởi lại như là một chút kỹ niệm.

Thân phận con người,viết về Diệp Sú

Diệp Sú là Cựu Học Sinh trường Lương Văn Can. Tốt nghiệp Kỹ sư Hoá học. Học nhảy, bỏ một lớp, học luôn lớp 12, vì thời gian này có luật Tổng Động viên.Thi rớt là đi lính.

 Làm việc một thời gian ở Việt Nam rồi tìm cách sang Mỹ theo diện vợ chồng cách nay khoảng 13 năm.

Rồi việc bảo lãnh bị trục trặc, em không có thẻ xanh, không là thường trú nhân để sống hợp pháp tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên em có đi làm, có đóng thuế, có một thời gian được cấp bằng lái xe, nhưng sau này không gia hạn bằng lái xe được nữa.

Rồi em phát hiện bị bướu ở ruột già lúc đó cục bướu đã lớn rồi. Đi vô Ben Taub, bịnh viện công, để chữa trị. Sau khi mổ cục bướu ở ruột già, xạ trị và hoá trị một thời gian, bịnh không hết, ung thư lây lan qua gan. Bác sĩ lại mổ gan để lấy cục bướu ra. Lại tiếp tục điều trị nhưng rồi bịnh lại lây lan sang phổi, đã lây lan vào máu rồi, bác sĩ cũng bó tay.

Em vẫn hy vọng vì bác sĩ nói là sẽ cho thuốc uống loại mới nhưng không thấy. Cuối cùng bác sĩ nói trong gan bị nghẽn mạch, uống thuốc cho thông mạch máu trong gan. Gan sưng, chân sưng, trong bụng giữ nước (hồi xưa gọi là cổ trướng).

Cuối cùng bịnh quá nặng lại vào nhà thương Ben Taub, chỉ dùng thuốc giảm đau mà thôi, không có điều trị gì nữa cả. Nằm ở Ben Taub được 14 ngày không ăn uống, ngày cuối cùng, ngày thứ 14, thì ra đi.

Làm đám tang tại nhà quàn Vĩnh Phước ngày Chúa nhật vừa qua (22-10-2017) chỉ duy nhất có nguời anh là Diệp Hùng, là thân nhân, còn hơn hai mươi người khác chỉ là bạn bè của Diệp Sú mà thôi.

Em mất ngày 19 tháng 10, còn 5 ngày nữa là tới ngày sinh nhật 24 tháng 10 năm 1956, tròn 61 tuổi. Tính âm lịch là thọ 62 tuổi.

Nguyên nhân nào bỏ xứ mà đi

Nguyên nhân nào nhiều người bỏ xứ mà đi sang các nước khác như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Úc để sinh sống. Tốt nghiệp Đại Học Việt Nam đâu phải là kém, là dở. Rồi qua Mỹ lại không xử dụng được sở trường của mình, bỏ hết bằng cấp, đi nấu nướng cho nhà hàng từ sáng sớm tới tối mịt mới về phòng trọ, không gia đình, không vợ con.

Đành rằng mình chọn con đường đi ra nước ngoài để sinh sống, nhưng nếu trong nước có cuộc sống thoải mái, lương bổng hợp lý đủ nuôi gia đình có ai thèm đi ra nước ngoài đâu?

Một đám tang chỉ có một người ruột thịt, còn lại là bạn bè, tuy nhiên nhờ có bạn bè cũng ấm cúng phần nào.

Như vậy suốt đời em qua Mỹ chỉ làm việc, làm những việc không như ý, rồi bịnh, rồi mất.

An ủi cuối đời   

Hơn một năm trước nghe tin Diệp Sú bị bịnh ung thư các bạn khắp nơi trong và ngoài nước gom tiền giúp em chữa bịnh. Tinh thần tương trợ, tinh thần cộng đồng của trường Lương Văn Can thể hiện ở trong nước còn kéo dài ra hải ngoại.

Những ngày bịnh nặng, cuối đời, cũng có nhiều bạn bè thăm nom, an ủi. Sang và Huê Mỹ ở Austin, Nguyễn Văn Tài, Trần Văn Mui và Tô Thu Thủy cũng có đến thăm. Diệp Kiếm Hoa, Dung (Cali), Sang Mỹ, Yến Nhi an ủi, gởi tiền giúp.

Sáng ngày 15 Oct 2017, nhiều anh em đến thăm, lúc này Diệp Sú không còn nói được nữa. Thở khó. Không còn điều trị gì nữa chờ ra đi. Huỳnh Huê Mỹ hỏi Diệp Sú có biết anh em đến thăm không? Diệp Sú không thể trả lời được, chỉ ú ớ mà thôi. Nhìn em không cử động được, ốm nhom, Huê Mỹ phải rơi nước mắt.

Tôi đến gần Diệp Sú nói: có thầy Phụng đến thăm, Diệp Sú ráng mở mắt ra, há hốc miệng, nhưng cũng không nói được gì. Chắc lúc đó có biết nhưng không có nói được. Cầm cánh tay lạnh ngắt không còn sinh khí. Hôm nay khuôn mặt rất hốc hác, hai chân đều sưng, bụng cũng to lên. Không ăn uống từ ngày vô nhà thương Ben Taub, ngày 05 tháng 10, 2017.

 Chia sẻ trong facebook

Huy Chiêu‎ viết :

Diệp sú ơi !
Bây giờ thì ai có nói gì thì mày cũng không còn nghe nữa, đã buông bỏ hết rồi.
Hồi còn ở Việt Nam, làm hồ sơ đi Mỹ mà mày dặn em mày là đừng cắt hộ khẩu: tao đi rồi tao sẽ quay về.
Bây giờ thì mày không về nữa, mày muốn khi mày chết đi, thì thiêu rồi đem tro rắc xuống sông, xuống biển vì mày biết ở bên đó không có người than, chẳng ai nhang khói cho mày.
Thôi, mày ra đi thanh thản như bản tính hiền lành, xuế xoà của mày…

 Kinh Diep viết như sau:

 Trời Sài gòn mấy ngày nay mưa tầm tã ngày đêm. Lòng buồn càng buồn thêm. Nhìn hình anh nằm trên giường bịnh mà đau thắt lòng. Không dám nhìn mà vẫn cứ mở ra xem, xem rồi lại khóc, khóc mà vẫn xem. Thương anh nhiều lắm. Anh nói là trị hết bịnh ánh sẽ về. Vây mà giờ đây anh đã ra đi mãi mãi, không bao giờ trở lại. Chỉ còn vài tiếng thôi là đến giờ liệm anh rồi. Ra đi thanh thản anh nhé như chính cuộc đời của anh vậy, phiêu du, tư do, phóng khoáng… Hình ảnh bạn bè anh còn giữ lại và cả lá thư tay một tủ nhiều lắm… Buồn nhiều, thương anh nhiều dù biết rằng sinh tử là quy luật của cuộc sống. Mỗi người đều có con đường đi riêng cho mình nhưng cùng mức đến. Anh phải vui vì có người bạn thật tốt. Cám ơn tất cả các thầy cô, các anh chị đã thăm hỏi và tiễn đưa anh. Bao nhiêu năm làm kiếp con người, chợt một chiều tóc trắng như vôi, lá úa trên cao rụng đầy.

  Lời kết: Xin cầu nguyện cho hương hồn Diệp Sú sớm về miền lạc cảnh, an hưởng hạnh phúc đời đời.

Người viết: Phùng văn Phụng

10/2017

Tin vui về lễ rửa tội cho người lớn

Tin vui về lễ rửa tội cho người lớn

Được sự mời gọi của anh chị Phúc Hạnh, Hưng Lan trong giáo xứ Đức Kitô Ngôi Lời Nhập Thể,

 Sáng thứ bảy vừa qua, ngày 21-7-2018, tôi có đến West Houston Rehabilitation ở số 13428 đường Bissonnet St để dự lễ rửa tội cho hai người lớn là ông Phêrô Phạm Thế Linh và bà Maria Trần Barbara. Hai người này là bịnh nhân, phải dùng xe lăn, hiện ở trong nursing home này.

 Ông Phạm Thế Linh năm nay khoảng 80 tuổi. Trước năm 1975 ông Linh là Dân biểu Hạ Nghị Viện VNCH. Buổi lễ rửa tội thêm phần trang trọng nhờ có sự tham dự của cha Phạm Văn Điền ở Thanh Hoá, đến Houston, thăm thân nhân.

 Có sự tham dự của ca đoàn Saint Justin tử đạo và ca đoàn của Giáo Xứ Ngôi Lời Nhập Thể.

Lễ rửa tội do Cha Bùi Phương Tiến, Phó xứ Ngôi Lời Nhập Thể cử hành tại phòng bên phải của nursing home. Phòng hình chữ nhật, khá rộng. Hiện diện trong buổi lễ khoảng 30 người. Khởi đầu, ca đoàn hát bài Cầu xin Chúa Thánh Thần.

 Sau khi rửa tội, cha đã làm nghi thức xức dầu cho bệnh nhân, cũng là nghi thức thêm sức.

Mặc dầu vào vườn nho của Chúa vào giờ chót nhưng nhờ vào lòng thương xót vô biên của Chúa, họ sẽ được hưởng hạnh phúc yêu thương của Thiên Chúa và của cộng đoàn tín hữu trong hiện tại và sẽ được hưởng hạnh phúc đời sống vĩnh cửu về sau, sau khi mất. 

Gioan Phùng Văn Phụng ghi nhận

tháng 07 năm 2018

Hàng đầu: Phêrô Phạm Thế Linh & Maria Trần Barbara

Hàng thứ nhì Cha Bùi Phương Tiến, Cha Phạm Văn Điền

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cha Bùi Phương Tiến đang làm phép xức dầu

Cha Bùi Phương Tiến đang làm phép rửa tội

Những hậu quả của ly dị

Những hậu quả của ly dị

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Chúa Giê-su là nhà tâm lý đại tài cho nên Ngài đã giảng dạy: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly” (Mc 10,9)

I) Về phương diện tâm lý:

Sau một thời gian chung sống, nếu phải chia tay, hai người, chồng hay vợ đều rất đau khổ. Để hàn gắn vết thương lòng phải cần thời gian dài mới có thể trở lại bình thường được.

a)Trường hợp anh Nguyễn: Anh Nguyễn thôi người vợ thứ nhất đã có với nhau hai đứa con, lấy người vợ thứ hai và sống với người vợ thứ hai này khoảng gần 20 năm. Trong khi sống với người vợ mới, anh lúc nào cũng lo âu không biết đứa con 7, 8 tuổi của anh ở nhà có chịu học hành không? Khi bịnh hoạn ai lo cho nó. Trong lòng anh không lúc nào bình an.

Sống với người vợ mới, ban đầu, hai người rất thương yêu nhau, đi đâu cũng có nhau, rất hợp nhau từ việc du lịch, giải trí, ăn uống v.v… Những chỗ vui chơi như các “Club” ca nhạc, nhảy đầm hai người đều cùng nhau tham dự. Đi du lịch mỗi năm ít nhất một lần ở Âu châu, Mỹ châu hay về Việt nam thăm gia đình.

Tuy nhiên, theo thời gian tình cảm hai người cũng dần dần phai lạt vì sống lâu quá, sinh nhàm chán, vả lại hai người không có đứa con chung nào để ràng buộc lẫn nhau. Càng ngày sống gần nhau mà tâm hồn xa nhau.

Một hôm, anh Nguyễn quyết định đi về Việt nam một mình, người vợ sau này của anh, không còn muốn đi chung với anh về Việt nam nữa. Khi anh Nguyễn ra khỏi nhà thì người vợ cũng dọn tất cả đồ đạc về nhà sống với vợ chồng đứa con của mình. Đó là tình trạng hai người tự ý chia tay. Khi trở về Mỹ, anh phải sống cô đơn, sống một mình. Đêm nào anh cũng ra quán cà phê ngồi tán gẫu với bạn bè ba, bốn giờ khuya anh mới về nhà.

Anh không chịu nỗi cảnh nhà rộng rãi mà chỉ ở một mình, cô đơn. Anh đi tìm một nửa của anh để lấp chỗ trống cô đơn đó. Anh đi tìm tình yêu mới. Anh quen biết rất nhiều người. Họ giới thiệu cho anh nhiều người đàn bà khác, vài người ở Việt nam, vài người ở Mỹ. Tuy nhiên, anh không thể tìm được nửa kia của anh.

Hiện nay, anh vẫn cô đơn, sống một mình trong căn nhà rộng lớn.

b) Trường hợp chị Trần: Chị Trần đã thôi chồng sau khi hai người cãi nhau kịch liệt, chửi bới nhau thậm tệ, kêu tên cha mẹ hai bên ra mà chửi.

Sáu tháng sau, chị Trần lấy người khác đã chết vợ, khá giả, có tài sản, chủ tiệm grocery.

Về ở với nhau được vài tháng, xung đột trong gia đình xảy ra. Con cái của người chồng mới của chị phản đối kịch liệt. Chị cảm thấy không yên ổn và chị quyết định chia tay.

Chị đâu có thể sống một mình đuợc. Vài tháng sau, chị lại quen người khác, đã ly dị vợ. Anh này lớn hơn chị hai mươi tuổi, nhưng khá giả và có công ăn việc làm vững chắc.

Hai người lại sống với nhau. Nhưng hai tâm hồn không hợp nhau vì tuổi tác chênh lệch. Chị Trần thì ngắm vào tài sản của chồng mới, và anh chồng này không thể thoả mãn được nhu cầu về tiền bạc của chị. Lại một trận cãi nhau kịch liệt giữa hai người. Sau khoảng hai năm chung sống, hai người lại thôi nhau.

Chị Trần lại về Việt Nam ở và có ngay người tình mới. Người này cũng thôi vợ để hy vọng chị Trần bảo lãnh qua Mỹ sống. Cuối cùng rồi chị Trần không chịu bảo lãnh vì vừa tốn tiền bạc, vừa khó khăn về gíấy tờ, phải mất nhiều thì giờ, tiền bạc để lo hồ sơ bảo lãnh mà thực sự chị đâu có yêu thương gì anh này.

*   *   *

Nhiều cặp đôi vẫn tưởng rằng sau ly hôn sẽ thấy thoải mái, cảm giác nhẹ nhõm vì được giải thoát khỏi rắc rối, và thời gian sẽ hàn gắn mọi nỗi đau, vết thương lòng sẽ lành miệng. Nhưng không phải như thế, thời gian để bình ổn lại sau ly hôn của đàn ông ít nhất là hai năm rưỡi (theo một nghiên cứu của Hoa Kỳ – Ly dị, cơ may và nỗi đau – Judith.S Wallerstein). Tuy nhiên, đó chỉ là sự ổn định bên ngoài, những chấn thương tâm lý bên trong nội tâm vẫn âm thầm sưng tấy. Trong khi đó, về phần người phụ nữ thì nỗi đau âm ỉ ít nhất cũng 3 năm rưỡi (theo một nghiên cứu của Hoa Kỳ – Ly dị, cơ may và nỗi đau – Judith.S Wallerstein).

 Đa số người vợ, người chồng sau ly hôn đều có tình trạng tâm lý cá nhân bất ổn một thời gian dài.

Xem: Người già ly hôn

II) Về đời sống tâm linh:

Từ ngày chị Trần ly dị chính thức với chồng, chị rất sợ nhà thờ, chị không đi nhà thờ nữa. Tâm hồn chị bối rối về chuyện hai vợ chồng ly dị. Chị đã có mấy con trai vừa học giỏi, kháu khỉnh, chị không cùng chồng lo lắng, gần gũi con mà chị lại bỏ đi ở riêng, để một mình chồng chị lo cho các con. Chỉ cảm thấy mình không làm tròn bổn phận đối với con, không thương yêu săn sóc các con đầy đủ.

Chị mất niềm tin vào Thiên Chúa, chị cảm thấy ân hận, có lỗi với Chúa là đã không thực hiện lời Chúa dạy “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly.” (Mc10,9)

Từ ngày ly dị tới nay, đã hơn bốn năm, chị bỏ nhà thờ, không xưng tội, chị không dám đến nhà thờ nữa. Lòng chị nặng trĩu ưu tư, vương vấn nhiều điều, chị không thể giải quyết được, chị tự cảm thấy xấu hổ với con của chị, chị cũng cảm thấy xấu hổ với Chúa, buồn bực với chính mình, cảm thấy thiếu bổn phận đối với con của chị, nên chị tự mặc cảm, tự trách mình, rồi chị bỏ nhà thờ, không dám đến với Chúa nữa.

III) Hậu quả đối với con cái.

Khi cha mẹ ly dị, mỗi người một nơi, tâm hồn các con bị xé làm hai, không biết theo cha hay theo mẹ. Buồn phiền chuyện gia đình phân ly, con đang học giỏi, cảm thấy không còn hứng thú trong việc học, không còn tha thiết học hành nữa.

Hằng ngày tin tức từ báo chí, đài phát thanh, trong cộng đồng Việt nam ở Mỹ hay ở Việt nam, xảy ra không biết bao nhiêu thảm cảnh gia đình do nguyên nhân từ tình trạng ly dị của vợ chồng mà ra.

 a)Sau phiên xử ly hôn, hai đứa con ôm chặt bà ngoại kêu khóc

Ông Xuyên nhớ lại: Tại phiên tòa xét xử hôm đó, cặp vợ chồng ấy chỉ chừng 30 tuổi, họ có 2 đứa con. Phiên toà xử ly hôn theo đúng luật, mỗi bên được nuôi 1 con. Khi phiên xử kết thúc, bố dắt đi con lớn, mẹ dắt đi đứa nhỏ nhưng 2 đứa bé cứ ôm chặt bà ngoại kêu khóc, xin bố mẹ hãy để 2 anh em ở với bà ngoại, khiến những người lớn có mặt tại phiên tòa đều chảy nước mắt và lặng đi. Sở dĩ 2 đứa trẻ đều không chịu đi theo bố hay theo mẹ, bởi từ nhỏ, chúng sống xa bố mẹ và ở với bà ngoại. Điều này, luật chưa quy định. Sau phản ứng của 2 đứa trẻ, người bố đành chấp thuận để lại cả 2 con cho mẹ nuôi, để 2 anh em chúng ở gần nhau.

 “Dù được bố chu cấp đầy đủ tiền nuôi dưỡng nhưng chắc chắn không người mẹ nào bù đắp nổi tình cảm của người cha cho những đứa con của họ”, ông Nguyễn Đức Xuyên, Chi cục trưởng Cục thi hành án huyện Nghĩa Hành, Quãng Ngãi, nhận định.

b)Hãy nghĩ đến con, trước khi ly dị (Bài của Đoan Trang)

Sau đây là những hậu quả của ly dị:

*Trẻ hiền lành trở nên hung hăng.

Trước khi cha mẹ chia tay nhau, Jessica, là một cô bé xinh xắn, đáng yêu, hết sức hiền lành, dịu dàng.

Từ một cô bé hiền lành nay trở nên dữ dằn, chỉ cần một người bạn làm gì phật ý một chút cũng làm bé nổi cơn tức giận- điều mà bé chưa từng biểu lộ trước đây. 

*Học hành sa sút. Do tâm hồn bất ổn, con cái không tập trung tinh thần trong việc học và trình độ học tập càng sa sút, kém đi.

*Trống vắng, hụt hẫng. Đứa trẻ thiếu vắng tình thương của cha hay của mẹ đứa trẻ cảm thấy cô đơn, hụt hẫng mất niềm tin vào tình yêu gia đình. Đứa trẻ mất niềm tin vào cha hay mẹ.

 *Cha mẹ ly dị, con không khỏe, thiếu hạnh phúc. Tất nhiên do tác động tâm lý, trẻ bị “sốc” khi cha mẹ ly dị vì niềm tin vào gia đình hạnh phúc không còn nữa. Tâm lý bất mãn, chán chường đè nặng lên tâm hồn thơ ngây của các đứa trẻ.

c) Hãy vì các đứa con:

Ly dị làm cho nhiều trẻ em lớn lên, không có được tâm trạng bình thường.

Anh T. rất giàu có chủ cây xăng, chỉ lo làm giàu không quan tâm đến con cái. Năm 2010 anh về Việt nam phải lòng với một người cùng quê của anh. Trở về Mỹ, anh quyết định thôi vợ để cưới cô ấy mặc dầu hai bên đều có gia đình riêng.

Cô ấy cũng ly dị chồng để làm đám cưới với anh.

Anh có đứa con trai đang làm ăn khá giả, khi biết chuyện ly dị của cha mẹ anh bị sốc.

Buồn chuyện gia đình, cha mẹ ly dị mỗi người sống một nơi, anh sa vào nghiên ngập, hút sách, bỏ bê công ăn việc làm đang phát đạt, cuối cùng cơ sở của gia đình anh phải bán.

Rồi bà vợ mất niềm tin vào ông chồng, bà vợ chán nản, buồn phiền không ngủ được, sinh ra bịnh ung thư bao tử và mất cách nay 2 năm.

Ông chồng bảo lãnh cô vợ mới từ Việt nam sang tưởng rằng hai người có hạnh phúc. Nhưng thực ra cô này muốn mượn đường để sang Mỹ, chứ không có yêu gì anh này đâu. Cho nên khi cô vợ sau có thẻ xanh, có quốc tịch, lại bỏ anh để lãnh gia đình của cô ấy, bảo lãnh chồng con từ Việt nam sang.

Kết: Theo thống kê ở Mỹ tỷ lệ ly dị là 50 phần trăm, có nơi lên đến 60, 70 phần trăm, ngay cả những người có đạo công giáo tỷ lệ ly dị của các cặp hôn nhân không phải là nhỏ. Thực tế thì những lý do tranh chấp để đưa đến ly dị, thường không phải là không giải quyết được. Cũng vì do cái tôi quá lớn, tự ái quá cao, chỉ có mình tôi là đúng, người kia sai. Thông thường do không chịu nhường nhịn nhau, to tiếng, cãi vả để trấn áp đối phương, chứng tỏ “chỉ có mình ta là đúng” và sau cùng là chia tay vì không nhường nhịn lẫn nhau được.

Tôi quen biết nhiều người, bây giờ, sau hơn 20 năm ly dị, anh (chị) thấy hối hận nói rằng “tại sao lúc đó mình không nhường nhịn được để xảy ra chuyện ly dị…

Vũ Văn An (Vietcatholic) viết:

“Thành thử con cái của ly dị đang gặp nguy cơ lớn. Chúng hiện chiếm 63 phần trăm các vụ tự sát của tuổi trẻ, 71 phần trăm các vụ mang thai lúc còn thiếu niên, 90 phần trăm các trẻ em vô gia cư và trốn chạy, và 70 phần trăm thiếu niên bị giam trong các viện. Chúng cũng chiếm tới 85 phần trăm các trẻ em bị rối loạn tác phong, 80 phần trăm kẻ hiếp dâm, 71 phần trăm bỏ học trung học, 75 phần trăm các thiếu niên trong các trung tâm lạm dụng hóa chất và 85 phần trăm thiếu niên ở trong tù. 

Khi sử dụng các con số thống kê trên, thiển nghĩ nên nhớ nhận định của Albert Einstein: “Không phải mọi điều có thể đếm, đều đáng đếm, và không phải mọi điều đáng đếm, đều có thể đếm”. (1)

(1)  xem: Tản Mạn chuyện Ly Dị: Con số thống kê

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Tháng 08/2018