Tác giả: Phùng Văn Phụng
Chúa Giê-su là nhà tâm lý đại tài cho nên Ngài đã giảng dạy: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly” (Mc 10,9)
I) Về phương diện tâm lý:
Sau một thời gian chung sống, nếu phải chia tay, hai người, chồng hay vợ đều rất đau khổ. Để hàn gắn vết thương lòng phải cần thời gian dài mới có thể trở lại bình thường được.
a)Trường hợp anh Nguyễn: Anh Nguyễn thôi người vợ thứ nhất đã có với nhau hai đứa con, lấy người vợ thứ hai và sống với người vợ thứ hai này khoảng gần 20 năm. Trong khi sống với người vợ mới, anh lúc nào cũng lo âu không biết đứa con 7, 8 tuổi của anh ở nhà có chịu học hành không? Khi bịnh hoạn ai lo cho nó. Trong lòng anh không lúc nào bình an.
Sống với người vợ mới, ban đầu, hai người rất thương yêu nhau, đi đâu cũng có nhau, rất hợp nhau từ việc du lịch, giải trí, ăn uống v.v… Những chỗ vui chơi như các “Club” ca nhạc, nhảy đầm hai người đều cùng nhau tham dự. Đi du lịch mỗi năm ít nhất một lần ở Âu châu, Mỹ châu hay về Việt nam thăm gia đình.
Tuy nhiên, theo thời gian tình cảm hai người cũng dần dần phai lạt vì sống lâu quá, sinh nhàm chán, vả lại hai người không có đứa con chung nào để ràng buộc lẫn nhau. Càng ngày sống gần nhau mà tâm hồn xa nhau.
Một hôm, anh Nguyễn quyết định đi về Việt nam một mình, người vợ sau này của anh, không còn muốn đi chung với anh về Việt nam nữa. Khi anh Nguyễn ra khỏi nhà thì người vợ cũng dọn tất cả đồ đạc về nhà sống với vợ chồng đứa con của mình. Đó là tình trạng hai người tự ý chia tay. Khi trở về Mỹ, anh phải sống cô đơn, sống một mình. Đêm nào anh cũng ra quán cà phê ngồi tán gẫu với bạn bè ba, bốn giờ khuya anh mới về nhà.
Anh không chịu nỗi cảnh nhà rộng rãi mà chỉ ở một mình, cô đơn. Anh đi tìm một nửa của anh để lấp chỗ trống cô đơn đó. Anh đi tìm tình yêu mới. Anh quen biết rất nhiều người. Họ giới thiệu cho anh nhiều người đàn bà khác, vài người ở Việt nam, vài người ở Mỹ. Tuy nhiên, anh không thể tìm được nửa kia của anh.
Hiện nay, anh vẫn cô đơn, sống một mình trong căn nhà rộng lớn.
b) Trường hợp chị Trần: Chị Trần đã thôi chồng sau khi hai người cãi nhau kịch liệt, chửi bới nhau thậm tệ, kêu tên cha mẹ hai bên ra mà chửi.
Sáu tháng sau, chị Trần lấy người khác đã chết vợ, khá giả, có tài sản, chủ tiệm grocery.
Về ở với nhau được vài tháng, xung đột trong gia đình xảy ra. Con cái của người chồng mới của chị phản đối kịch liệt. Chị cảm thấy không yên ổn và chị quyết định chia tay.
Chị đâu có thể sống một mình đuợc. Vài tháng sau, chị lại quen người khác, đã ly dị vợ. Anh này lớn hơn chị hai mươi tuổi, nhưng khá giả và có công ăn việc làm vững chắc.
Hai người lại sống với nhau. Nhưng hai tâm hồn không hợp nhau vì tuổi tác chênh lệch. Chị Trần thì ngắm vào tài sản của chồng mới, và anh chồng này không thể thoả mãn được nhu cầu về tiền bạc của chị. Lại một trận cãi nhau kịch liệt giữa hai người. Sau khoảng hai năm chung sống, hai người lại thôi nhau.
Chị Trần lại về Việt Nam ở và có ngay người tình mới. Người này cũng thôi vợ để hy vọng chị Trần bảo lãnh qua Mỹ sống. Cuối cùng rồi chị Trần không chịu bảo lãnh vì vừa tốn tiền bạc, vừa khó khăn về gíấy tờ, phải mất nhiều thì giờ, tiền bạc để lo hồ sơ bảo lãnh mà thực sự chị đâu có yêu thương gì anh này.
* * *
Nhiều cặp đôi vẫn tưởng rằng sau ly hôn sẽ thấy thoải mái, cảm giác nhẹ nhõm vì được giải thoát khỏi rắc rối, và thời gian sẽ hàn gắn mọi nỗi đau, vết thương lòng sẽ lành miệng. Nhưng không phải như thế, thời gian để bình ổn lại sau ly hôn của đàn ông ít nhất là hai năm rưỡi (theo một nghiên cứu của Hoa Kỳ – Ly dị, cơ may và nỗi đau – Judith.S Wallerstein). Tuy nhiên, đó chỉ là sự ổn định bên ngoài, những chấn thương tâm lý bên trong nội tâm vẫn âm thầm sưng tấy. Trong khi đó, về phần người phụ nữ thì nỗi đau âm ỉ ít nhất cũng 3 năm rưỡi (theo một nghiên cứu của Hoa Kỳ – Ly dị, cơ may và nỗi đau – Judith.S Wallerstein).
Đa số người vợ, người chồng sau ly hôn đều có tình trạng tâm lý cá nhân bất ổn một thời gian dài.
Xem: Người già ly hôn
II) Về đời sống tâm linh:
Từ ngày chị Trần ly dị chính thức với chồng, chị rất sợ nhà thờ, chị không đi nhà thờ nữa. Tâm hồn chị bối rối về chuyện hai vợ chồng ly dị. Chị đã có mấy con trai vừa học giỏi, kháu khỉnh, chị không cùng chồng lo lắng, gần gũi con mà chị lại bỏ đi ở riêng, để một mình chồng chị lo cho các con. Chỉ cảm thấy mình không làm tròn bổn phận đối với con, không thương yêu săn sóc các con đầy đủ.
Chị mất niềm tin vào Thiên Chúa, chị cảm thấy ân hận, có lỗi với Chúa là đã không thực hiện lời Chúa dạy “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly.” (Mc10,9)
Từ ngày ly dị tới nay, đã hơn bốn năm, chị bỏ nhà thờ, không xưng tội, chị không dám đến nhà thờ nữa. Lòng chị nặng trĩu ưu tư, vương vấn nhiều điều, chị không thể giải quyết được, chị tự cảm thấy xấu hổ với con của chị, chị cũng cảm thấy xấu hổ với Chúa, buồn bực với chính mình, cảm thấy thiếu bổn phận đối với con của chị, nên chị tự mặc cảm, tự trách mình, rồi chị bỏ nhà thờ, không dám đến với Chúa nữa.
III) Hậu quả đối với con cái.
Khi cha mẹ ly dị, mỗi người một nơi, tâm hồn các con bị xé làm hai, không biết theo cha hay theo mẹ. Buồn phiền chuyện gia đình phân ly, con đang học giỏi, cảm thấy không còn hứng thú trong việc học, không còn tha thiết học hành nữa.
Hằng ngày tin tức từ báo chí, đài phát thanh, trong cộng đồng Việt nam ở Mỹ hay ở Việt nam, xảy ra không biết bao nhiêu thảm cảnh gia đình do nguyên nhân từ tình trạng ly dị của vợ chồng mà ra.
a)Sau phiên xử ly hôn, hai đứa con ôm chặt bà ngoại kêu khóc
Ông Xuyên nhớ lại: Tại phiên tòa xét xử hôm đó, cặp vợ chồng ấy chỉ chừng 30 tuổi, họ có 2 đứa con. Phiên toà xử ly hôn theo đúng luật, mỗi bên được nuôi 1 con. Khi phiên xử kết thúc, bố dắt đi con lớn, mẹ dắt đi đứa nhỏ nhưng 2 đứa bé cứ ôm chặt bà ngoại kêu khóc, xin bố mẹ hãy để 2 anh em ở với bà ngoại, khiến những người lớn có mặt tại phiên tòa đều chảy nước mắt và lặng đi. Sở dĩ 2 đứa trẻ đều không chịu đi theo bố hay theo mẹ, bởi từ nhỏ, chúng sống xa bố mẹ và ở với bà ngoại. Điều này, luật chưa quy định. Sau phản ứng của 2 đứa trẻ, người bố đành chấp thuận để lại cả 2 con cho mẹ nuôi, để 2 anh em chúng ở gần nhau.
“Dù được bố chu cấp đầy đủ tiền nuôi dưỡng nhưng chắc chắn không người mẹ nào bù đắp nổi tình cảm của người cha cho những đứa con của họ”, ông Nguyễn Đức Xuyên, Chi cục trưởng Cục thi hành án huyện Nghĩa Hành, Quãng Ngãi, nhận định.
b)Hãy nghĩ đến con, trước khi ly dị (Bài của Đoan Trang)
Sau đây là những hậu quả của ly dị:
*Trẻ hiền lành trở nên hung hăng.
Trước khi cha mẹ chia tay nhau, Jessica, là một cô bé xinh xắn, đáng yêu, hết sức hiền lành, dịu dàng.
Từ một cô bé hiền lành nay trở nên dữ dằn, chỉ cần một người bạn làm gì phật ý một chút cũng làm bé nổi cơn tức giận- điều mà bé chưa từng biểu lộ trước đây.
*Học hành sa sút. Do tâm hồn bất ổn, con cái không tập trung tinh thần trong việc học và trình độ học tập càng sa sút, kém đi.
*Trống vắng, hụt hẫng. Đứa trẻ thiếu vắng tình thương của cha hay của mẹ đứa trẻ cảm thấy cô đơn, hụt hẫng mất niềm tin vào tình yêu gia đình. Đứa trẻ mất niềm tin vào cha hay mẹ.
*Cha mẹ ly dị, con không khỏe, thiếu hạnh phúc. Tất nhiên do tác động tâm lý, trẻ bị “sốc” khi cha mẹ ly dị vì niềm tin vào gia đình hạnh phúc không còn nữa. Tâm lý bất mãn, chán chường đè nặng lên tâm hồn thơ ngây của các đứa trẻ.
c) Hãy vì các đứa con:
Ly dị làm cho nhiều trẻ em lớn lên, không có được tâm trạng bình thường.
Anh T. rất giàu có chủ cây xăng, chỉ lo làm giàu không quan tâm đến con cái. Năm 2010 anh về Việt nam phải lòng với một người cùng quê của anh. Trở về Mỹ, anh quyết định thôi vợ để cưới cô ấy mặc dầu hai bên đều có gia đình riêng.
Cô ấy cũng ly dị chồng để làm đám cưới với anh.
Anh có đứa con trai đang làm ăn khá giả, khi biết chuyện ly dị của cha mẹ anh bị sốc.
Buồn chuyện gia đình, cha mẹ ly dị mỗi người sống một nơi, anh sa vào nghiên ngập, hút sách, bỏ bê công ăn việc làm đang phát đạt, cuối cùng cơ sở của gia đình anh phải bán.
Rồi bà vợ mất niềm tin vào ông chồng, bà vợ chán nản, buồn phiền không ngủ được, sinh ra bịnh ung thư bao tử và mất cách nay 2 năm.
Ông chồng bảo lãnh cô vợ mới từ Việt nam sang tưởng rằng hai người có hạnh phúc. Nhưng thực ra cô này muốn mượn đường để sang Mỹ, chứ không có yêu gì anh này đâu. Cho nên khi cô vợ sau có thẻ xanh, có quốc tịch, lại bỏ anh để lãnh gia đình của cô ấy, bảo lãnh chồng con từ Việt nam sang.
Kết: Theo thống kê ở Mỹ tỷ lệ ly dị là 50 phần trăm, có nơi lên đến 60, 70 phần trăm, ngay cả những người có đạo công giáo tỷ lệ ly dị của các cặp hôn nhân không phải là nhỏ. Thực tế thì những lý do tranh chấp để đưa đến ly dị, thường không phải là không giải quyết được. Cũng vì do cái tôi quá lớn, tự ái quá cao, chỉ có mình tôi là đúng, người kia sai. Thông thường do không chịu nhường nhịn nhau, to tiếng, cãi vả để trấn áp đối phương, chứng tỏ “chỉ có mình ta là đúng” và sau cùng là chia tay vì không nhường nhịn lẫn nhau được.
Tôi quen biết nhiều người, bây giờ, sau hơn 20 năm ly dị, anh (chị) thấy hối hận nói rằng “tại sao lúc đó mình không nhường nhịn được để xảy ra chuyện ly dị…”
Vũ Văn An (Vietcatholic) viết:
“Thành thử con cái của ly dị đang gặp nguy cơ lớn. Chúng hiện chiếm 63 phần trăm các vụ tự sát của tuổi trẻ, 71 phần trăm các vụ mang thai lúc còn thiếu niên, 90 phần trăm các trẻ em vô gia cư và trốn chạy, và 70 phần trăm thiếu niên bị giam trong các viện. Chúng cũng chiếm tới 85 phần trăm các trẻ em bị rối loạn tác phong, 80 phần trăm kẻ hiếp dâm, 71 phần trăm bỏ học trung học, 75 phần trăm các thiếu niên trong các trung tâm lạm dụng hóa chất và 85 phần trăm thiếu niên ở trong tù.
Khi sử dụng các con số thống kê trên, thiển nghĩ nên nhớ nhận định của Albert Einstein: “Không phải mọi điều có thể đếm, đều đáng đếm, và không phải mọi điều đáng đếm, đều có thể đếm”. (1)
(1) xem: Tản Mạn chuyện Ly Dị: Con số thống kê
Tác giả: Phùng Văn Phụng
Tháng 08/2018