Cà Phê và Những Mối Quan Hệ

Có những người bạn từng xuất hiện trong cuộc đời ta như một ly cà phê nóng vào buổi sáng se lạnh – nồng đượm, ấm áp, đầy sức sống. Nhưng theo thời gian, khi cuộc sống bận rộn cuốn mỗi người vào những hành trình riêng, đôi khi ly cà phê ấy nguội đi, mùi hương cũng không còn nồng nàn như trước.

Ta cứ nghĩ rằng mình đã quên, rằng khoảng cách đã tạo nên một ranh giới vô hình, nhưng rồi chỉ cần một tin nhắn đơn giản: “Dạo này sao rồi?”, mọi ký ức bỗng chốc ùa về, nguyên vẹn như chưa từng có một ngày xa cách.

Tình bạn cũng như cà phê, có những lúc nhấp môi thấy ngọt, nhưng cũng có lúc phải cảm nhận vị đắng mới hiểu được giá trị của nó. Khi còn trẻ, ta dễ dàng kết bạn, dễ dàng vui vẻ cùng nhau, nhưng khi trưởng thành, tìm được một người thật sự hiểu, thật sự đáng để tin tưởng lại là một điều khó khăn vô cùng.

Có những người từng thân thiết đến mức tưởng như không thể rời xa, nhưng rồi vẫn có ngày mỗi đứa một nơi, một cuộc sống khác, những mối quan tâm khác, và dần dần, khoảng cách không còn chỉ là địa lý nữa, mà là những ưu tiên khác nhau trong cuộc sống.

 Nhưng may mắn thay, tình bạn thực sự không cần những cuộc trò chuyện mỗi ngày, không cần những lời hứa hẹn xa vời. Nó giống như một quán cà phê cũ ở một góc phố quen – có thể lâu rồi không ghé qua, nhưng mỗi khi trở lại, mọi thứ vẫn thân thuộc như ngày nào.

Bạn bè có thể xa nhau một thời gian dài, nhưng miễn là vẫn có thể ngồi xuống cùng nhau, vẫn có thể cười đùa, nhắc lại chuyện ngày xưa và thấy lòng nhẹ nhàng, thì đó chính là thứ đáng trân trọng nhất.

Cà phê đắng, nhưng lại khiến người ta tỉnh táo. Tình bạn cũng vậy, có những lúc hiểu lầm, có những lần giận hờn, nhưng nếu thực sự chân thành, thì dù có bao nhiêu năm trôi qua, khi gặp lại, vẫn có thể nhìn nhau mà mỉm cười.

Trong một thế giới mà mọi thứ đều có thể thay đổi quá nhanh, một mối quan hệ vẫn có thể giữ được sự chân thành, vẫn có thể khiến ta cảm thấy như chưa từng rời xa, chính là điều đáng quý nhất.

 Vậy nên, nếu có ai đó bạn lâu rồi chưa gặp, hãy nhấc máy lên, gửi một tin nhắn, rủ nhau đi uống cà phê. Không phải để níu kéo điều gì, mà chỉ để nhắc nhau rằng, dù có bận rộn đến đâu, vẫn luôn có những mối quan hệ không bao giờ phai nhạt.

Và có những người, dù thời gian có trôi đi, vẫn sẽ luôn là một phần của thanh xuân, một phần của những ký ức đẹp đẽ nhất.

++++++++++++++++++++++++++++

Nghệ thuật chỉ làm nên những câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ.

From: luong bui & KimBang Nguyen

TÌM KIẾM BÌNH AN NỘI TÂM Ư?  HÃY THỬ ĐI XƯNG TỘI – Lm. Ed Broom, OMV

Lm. Ed Broom, OMV

  Có một hiện tượng rất thú vị: quan sát một người chuyển từ trạng thái căng thẳng bên trong được thể hiện qua sự căng thẳng bên ngoài, rồi sang trạng thái bình an và thanh thản!  Chúng ta có thể liên kết hiện tượng này với trường hợp của một hối nhân đứng xếp hàng, chờ đợi đến phiên mình lãnh nhận Bí tích Giải tội, ít nhiều gì, họ dễ bộc lộ chút nào đó của sự bồn chồn, căng thẳng.  Tuy nhiên, sau khi xưng tội và lãnh nhận ơn tha tội, chúng ta rất dễ nhận ra sự bình an nội tâm tỏa ra ngay từ chính nét mặt của người đó khi rời tòa giải tội. 

Khoảng 35 năm trước, Mary Ann Budnik đã viết một cuốn sách ngắn nhưng rất tuyệt vời về Bí tích Giải tội với tựa đề “Tìm kiếm sự bình an ư?  Hãy thử Xưng tội!”  Tác giả khuyến khích tín hữu hãy lãnh nhận Bí tích Giải tội thường xuyên để xin ơn bình an và thánh hóa cho các thành viên trong gia đình.

 Bà Budnik đã đưa ra một nhận xét rất sâu sắc và thú vị: Khi căng thẳng, áp lực có dấu hiệu gia tăng, và những bất đồng, cãi vã giữa các thành viên trong gia đình có xu hướng tăng lên, thì có thể dẫn đến kết luận rất rõ ràng, đó là, đã đến lúc tất cả các thành viên trong gia đình cần đến với Tòa giải tội.  Chắc chắn là sau khi mỗi người đi xưng tội đàng hoàng về, thì sự hòa thuận sẽ trở lại với bầu khí của gia đình. 

Về mặt thần học, nhận xét này rất vững vàng và hợp lý.  Lý do đơn giản là: trong số những hậu quả của tội lỗi phải kể đến: sự căng thẳng, hỗn loạn, ích kỷ, kiêu ngạo, tự ái và lục đục.  Ân sủng của Bí tích giải tội sẽ giúp chống lại những hậu quả tiêu cực này của tội lỗi.

 Có thể nói, một đề xuất tuyệt vời để củng cố sự thánh thiện, hòa thuận, yêu thương, bình an và niềm vui trong gia đình, còn được gọi là “Giáo hội tại gia,” là thực hành việc xưng tội hàng tháng.  Từ người gia trưởng cho đến thành viên nhỏ nhất, hãy quyết tâm cùng nhau đi xưng tội hàng tháng, và khuyến khích cả gia đình có được thói quen tốt lành này! 

Bốn yếu tố để thực hiện việc Xưng Tội cách Tốt Lành

 Thánh Josemaria Escriva Balaguer, đã đặt ra một từ viết tắt dễ nhớ gồm 4 từ nhằm giúp chúng ta lãnh Bí tích hoà giải cách sốt sáng: Rõ ràng (Clear); Súc tích (Concise); Cụ thể (Concrete) và Trọn vẹn (Complete).

  1. RÕ RÀNG. Trong Nhật Ký của Thánh Faustina, “Lòng Chúa Thương Xót trong Linh Hồn Tôi”, Chúa Giêsu đã nói rõ với Thánh nữ rằng, điểm khởi đầu để lãnh nhận Bí Tích Giải Tội hiệu quả là phẩm chất không thể thiếu của SỰ MINH BẠCH.  Nói cách khác, đó là sự Rõ ràng.  Thật thế, trong khi các dấu chỉ của Thần Lành là rõ ràng và minh bạch, thì trái lại, sự lộn xộn, mập mờ, mơ hồ, nhập nhằng đều là những dấu chỉ của kẻ thù của linh hồn chúng ta, chính là ma quỷ.  Do đó, khi xưng tội nơi tòa giải tội với linh mục, vị đại diện Chúa Giêsu Kitô, chúng ta hãy nói chậm rãi, rõ ràng, chân thành và hết sức cởi mở.  Hiệu quả chính của Bí tích Giải tội là chữa lành những vết thương mà chúng ta mắc phải do tội lỗi.  Chúa Giêsu, vị Thầy Thuốc Thiêng liêng sẽ chữa lành chúng ta.  Giống như một Bác sĩ sẽ chẳng thể chữa lành cho bệnh nhân trừ khi bệnh nhân bộc lộ những bệnh tật trên cơ thể mình một cách minh bạch và rõ ràng.  Căn bệnh càng rõ ràng thì các ứng dụng của phương thuốc điều trị càng hiệu quả.
  2. SÚC TÍCH.  Có lẽ vị Thánh và vị linh mục giải tội nổi tiếng nhất trong Giáo hội Công giáo là Thánh Gioan Vianney thành Ars.  Sau khi vượt qua nhiều trở ngại mà ngài gặp phải khi mới đến Giáo xứ, mọi người từ khắp nơi đổ về tòa giải tội của ngài.  Người ta tính rằng thánh nhân giải tội từ 13 giờ đến 18 tiếng đồng hồ mỗi ngày trong gần 40 năm.  Sức thu hút của ngài với tư cách là một linh mục, một cha giải tội, và một vị thánh đạt đến mức tín hữu đôi khi phải chờ đợi nhiều ngày để đến phiên vào tòa giải tội của ngài.  Những người viết tiểu sử của Thánh Gioan lưu ý rằng, theo nguyên tắc chung, ngài không dành thời gian dài cho mỗi hối nhân.  Thông thường, không kể các trường hợp đặc biệt, mỗi người vào toà xưng tội sẽ mất khoảng 3 phút.

 Súc tích có nghĩa là hối nhân cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc xưng tội.  Điều có thể rất hữu ích là hối nhân viết ra tội của mình trước khi bước vào tòa giải tội.  Ngoài ra, ngay cả trước khi gặp linh mục, hối nhân đã phải cố gắng thực hiện một Hành vi ăn năn tội cách trọn vẹn.  Tóm lại, 95% việc xưng tội tốt lành là điều đã được thực hiện trước khi hối nhân bước vào tòa giải tội.

 Trong Chương trình truyền hình Dragnet with Joe Friday, có một câu nói cổ điển và dễ nhớ mà ông ấy đưa ra trước khi tham gia vào vụ án: “CHỈ CÓ SỰ THẬT, THƯA BÀ, CHỈ LÀ SỰ THẬT THÔI…” Theo nghĩa song song, hối nhân cần vào tòa giải tội với điều kiện tiên quyết này: “CHỈ LÀ TỘI LỖI, CHỈ LÀ TỘI LỖI THÔI….”  Các yếu tố không liên quan đến việc Xưng tội nên được đặt sang một bên.  Hết sức rõ ràng: Bản chất và nội dung chính của bất kỳ lời xưng tội tốt lành nào đều là lời thú nhận chân thành, minh bạch và súc tích về tội lỗi cá nhân của chính mình.  Điều này có nghĩa là, lời xưng tội của bạn không phải là lời thú nhận của chồng/vợ, con cái, mẹ chồng của bạn, mà là tội lỗi của chính bạn.  Đôi khi, chúng ta có thể nói quá nhiều vì đang lảng tránh vấn đề thực sự về tội lỗi của mình.  Súc tích có nghĩa là ngắn gọn, chính xác; không dài dòng và vòng vo! 

  1. CỤ THỂ. Một phẩm chất thiết yếu khác để thực hiện Bí tích Giải tội là tầm quan trọng của việc xưng tội một cách cụ thể.  Nên tránh những cách diễn đạt trừu tượng, mơ hồ, chung chung, thiếu diễn tả cụ thể, chẳng hạn như: “Con không đủ tốt…  Con có thể trở thành một người tốt hơn.  Con không hoàn hảo… Con đã vi phạm các điều răn… Con là một tội nhân thực sự tồi tệ.. . Con đã làm Chúa thất vọng…  Lời nói của con có thể tốt hơn…  Con cũng giống như đại đa số nhân loại – là một tội nhân…  Tội lỗi của con cũng giống như tội lỗi của mọi người,...”  Trái lại, có thể diễn tả cụ thể như sau: “Con bỏ lễ Chúa Nhật vì lười biếng… Con xem phim khiêu dâm 3 lần, mỗi lần nửa tiếng… Con lấy trộm tiền của Công ty vì con tham lam…  Con cố tình uống rượu say 3 lần vào cuối tuần với những người bạn nghiện rượu của con, …” Những lời thú nhận này đều cụ thể và cho thấy nguyên nhân gốc rễ của việc phạm tội! 
  2. TRỌN VẸN. Bí Tích Giải Tội phải hoàn chỉnh.  Sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, cũng như Bộ Giáo luật, quy định rằng để việc Xưng tội được trọn vẹn, hối nhân phải thú nhận cả số tội trọng, cũng như loại tội – nghĩa là loại tội đã phạm.

 Ví dụ, một cặp vợ chồng trước khi kết hôn có lẽ đã lâu không xưng tội, một năm chẳng hạn.  Nếu người chồng tương lai này đã không đi lễ trong một năm và rơi vào việc quan hệ trước hôn nhân hoặc lạm dụng ma túy, thì một Lời xưng tội hoàn chỉnh có thể như sau: “Thưa Cha, xin giải tội cho con, vì con đã phạm tội, lần xưng tội cuối cùng của con là một năm trước và đây là tội lỗi của con…. Con lạm dụng ma túy 10 lần; con bỏ Lễ 52 lần, và quan hệ trước hôn nhân 15 lần.”   Việc Xưng tội của người này được xưng một cách hoàn chỉnh: cả về số lần cụ thể, cũng như loại tội.  Sau đó, người ấy nghe thấy những lời tuyệt vời này: “… Cha tha tội cho con nhân danh Cha, Con và Thánh Thần.  Amen.”

 Nếu 4 yếu tố này, Rõ ràng, Súc tích, Cụ thể và Trọn vẹn được áp dụng khi chúng ta đến với Bí tích Giải tội – thì hy vọng rằng ơn chữa lành qua Bí tích của Thiên Chúa sẽ đổ tràn xuống tâm hồn, để rồi chúng ta sẽ rời khỏi tòa Giải tội với một sự bình an chẳng thể hiểu và diễn tả nổi.

 Bạn và gia đình đang tìm kiếm sự bình an thực sự của tâm hồn ư?  Hãy thử đến với bí tích Hoà giải, ngay trong những ngày còn lại của Mùa Chay này! 

Lm. Ed Broom, OMV

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP, chuyển ngữ từ: catholicexchange.com (07. 3. 2023)

From: Langthangchieutim


 

HỌC MỪNG VUI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”.

“Nó phải trở về nơi nó thuộc về! Nó phải trở về dù nó đen đủi hơn một thằng quỷ!”. Đó là những gì kiệt tác “Đứa Con Hoang Đàng” của Mitch Irion mô tả! Cha nó vui mừng vì nó đã tìm được ‘nơi nó thuộc về’; ở đó, nó ‘mất hút!’. Vạt áo đỏ như máu – tượng trưng tình yêu – của ông đã lấp kín nó! “Thật lạ, khi một số người nói quá nhiều về những gì Chúa làm cho họ, nhưng lại quá tằn tiện nói về những gì người khác nhận được từ Ngài. Hãy ‘học mừng vui’ như Thiên Chúa vui mừng!” – Spurgeon.

Kính thưa Anh Chị em,

Hãy ‘học mừng vui’ như Thiên Chúa vui mừng! Đó là những gì Tin Mừng hôm nay lưu ý. Người anh tỏ ra bất bình trước bữa tiệc người cha dành cho đứa em hư đốn trở về. Có công bằng không? Câu trả lời đúng sẽ là: đây là một câu hỏi sai! Vì lẽ, anh phải ‘học mừng vui’ như cha anh vui mừng!

Chúng ta dễ sống theo cách ‘mọi thứ phải công bằng’; và khi người khác nhận nhiều hơn, chúng ta có thể mím môi, tức giận và cay đắng. Hành động xót thương của người cha dành cho đứa con ‘tàn đời’ chính là điều người anh cần học. Anh cần biết, bất kể cậu em đã làm gì, nó đòi chia gia tài – khác nào mong cha chết – hoặc tự do tìm hạnh phúc ở bất cứ đâu – sống phóng đãng – ngoại trừ một nơi mà nó thực sự tìm thấy: Cha! Dẫu thế, người cha vẫn yêu nó và hân hoan khi nó trở về. Như vậy, đứa em cần lòng thương xót không chỉ của cha, nhưng của cả anh nó, để nó có thể tin rằng, nó đã lựa chọn đúng khi trở về.

Người anh chung thuỷ với cha suốt bao năm cũng không hề bị đối xử bất công! Sự bất bình của anh đến từ việc lòng anh ‘nghèo thương xót’, không như cha anh, một người ‘giàu xót thương’. Anh không thể thương đứa em ở mức độ tương tự cha anh thương nó; và do đó, không thấy được sự cần thiết cần có một lời ủi an như một cách giúp nó hiểu rằng, nó được tha, được chào và trở về là một chọn lựa đúng đắn. Lòng thương xót vượt quá những gì thoạt đầu được coi là công bằng. Vậy muốn được xót thương, bạn và tôi cần sẵn lòng trao nó cho ai cần nhất! “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!” – Thánh Vịnh đáp ca – cũng là “Đấng chịu đựng lỗi lầm”; “Sẽ lại thương xót chúng ta. Tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưới chân; mọi lỗi lầm chúng ta, Người ném xuống đáy biển!” – bài đọc một.

Anh Chị em,

“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”. Hôm nay, hãy suy ngẫm về việc bạn sẵn sàng trở nên nhân hậu và rộng lượng đến mức nào, đặc biệt là đối với những ai xem ra không xứng đáng với điều đó. Hãy nhủ lòng rằng, ân sủng thường không tính đến công bằng; nó thường hào phóng đến mức gây sốc! Hãy cam kết vào lòng quảng đại sâu xa này đối với bất cứ ai, nhất là những ai đang thương tổn; đồng thời, tìm mọi cách mà bạn có thể ủi an người anh em bằng lòng thương xót của Chúa. Được như thế, bạn đã biết mừng vui như Thiên Chúa vui mừng, và tình yêu quảng đại đó sẽ đổ xuống lòng bạn vô vàn phước huệ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con ủ dột khi thấy anh chị em con may mắn hơn mình; dạy con biết vui với người vui, khóc với người khóc!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

************************************

 Thứ Bảy Tuần II Mùa Chay

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

1 Khi ấy, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. 2 Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” 3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:

11 “Một người kia có hai con trai. 12 Người con thứ nói với cha rằng: ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. 13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

14 “Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, 15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. 16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. 17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! 18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, 19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ 20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.

“Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. 21 Bấy giờ người con nói rằng: ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa …’ 22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, 23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! 24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng.

25 “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27 Người ấy trả lời: ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’ 28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29 Cậu trả lời cha: ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. 30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!’

31 “Nhưng người cha nói với anh ta: ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. 32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.’”


 

Người Lau Kính Xe – Lê Đức Luận – Truyen ngan HAY

Kimtrong Lam

Viet Ba’o

Lê Đức Luận

TG Lê Đức Luận (đứng giữa) nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2023

***

Nếu ở xa vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, khi có dịp lái xe qua thành phố New York hay vào thủ đô Washington DC lúc tuyết đang rơi lất phất… bạn chớ ngạc nhiên khi dừng xe ở ngã tư đường lúc đèn đỏ thì trông thấy một người, thường là một thanh niên da đen, tay xách bình xịt nước, tay cầm chiếc cần lau kính xe chạy ra cào lia, cào lịa trên kính xe của bạn mà không cần hỏi han gì cả.

Khi mới định cư ở tiểu bang Maryland, tôi được anh bạn đưa đi New York chơi cho biết thành phố lớn nhất ở Hoa Kỳ. Nếu không vững tay lái, người ta sẽ choáng ngợp với luợng xe lưu thông như mắc cửi. Nhưng anh bạn tôi đã đến New York nhiều lần, nên anh ta lái xe rất bình tĩnh và an toàn. Khi xe dừng lại ở ngã tư đèn đỏ, một anh thanh niên da đen vội vã chạy ra lau kính xe như tôi đã mô tả ở trên. Anh bạn tôi ung dung, im lặng để cho người thanh niên ấy lau kính xe… Khi đèn vàng nổi lên, anh bạn tôi hạ cửa kính xe đưa cho anh thanh niên ba đô la. Người thanh niên nói: “Thank you! Thank you!” rồi chạy vội vào lề đường.  Xe cộ lại tiếp tục nối đuôi nhau…

Tôi có chút thắc mắc: “Anh lau kính xe cứ tự động lau, không cần hỏi. Anh chủ xe tự động móc ví đưa tiền, cũng chẳng cần hỏi phải trả bao nhiêu.”  Tôi định hỏi: “Anh chàng làm công việc này là tự nguyện hay do chính quyền địa phương thuê anh ta cào tuyết trên kính xe cho du khách lái xe được an toàn?” Nhưng phố xá New York có nhiều cảnh lạ mắt để tôi chú ý hơn là nêu lên câu hỏi trong lúc này.      

Anh bạn tôi lái xe qua nhiều con đường, đến đèn xanh, đèn đỏ  không thấy có người lau kính xe đứng chờ. Nhưng khi đến đoạn đường dẫn vào bãi đậu xe để chuẩn bị xuống phà tham quan tượng Nữ Thần Tự Do, thì lại thấy một ông già có dáng dấp của một người Phi châu nghèo khổ, xách xô nước và cây bàn chải lau kính chạy ra; anh bạn tôi khoát tay ra hiệu không cần. Ông già tiu nghỉu xách xô nước vào lề.

Bây giờ tôi mới nêu câu hỏi. Anh bạn tôi trả lời: “Ở Mỹ thích nhất là được tự do – tự do làm và tự do từ chối – tự do cho mình, nhưng không được xâm phạm tự do của người khác. Tôn trọng tự do và sòng phẳng là một cách cư xử và đạo đức của người Mỹ. Sống lâu trên đất Mỹ ông sẽ thấy nước Mỹ có nhiều cái hay nhưng không thiếu cái dở và lắm chuyện lạ lùng!”

Tuy chưa trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi, nhưng anh bạn đã gieo vào đầu tôi ý niệm tự do và sòng phẳng ở Mỹ. Và từ đấy cho mãi sau này, ý niệm tự do và sòng phẳng đã giúp tôi suy nghĩ và hành động phù hợp để hội nhập vào cuộc sống mới một cách thoải mái và cảm thấy hạnh phúc trên quê hương thứ hai này.

Trên đường về, anh bạn mới trả lời cụ thể câu hỏi của tôi:

– Hồi nãy ông hỏi tôi về người lau kính xe là do tự nguyện hay do chính quyền trả lương cho anh ta làm công việc ấy? Đó là tự nguyện của anh ta đấy.

– Trời ơi! Tuyết lạnh mà đứng cả ngày như thế thật khổ thân, ở New York không có việc gì làm đỡ khổ hơn sao? Tôi hỏi.

Anh bạn tôi cười, trả lời:

– Ở Mỹ có những người thích “cái thú đau thương!” Đó là cái “tự do kiểu Mỹ!” Rồi ông sẽ thấy ở Mỹ cũng có ăn mày, có người vô gia cư, lang thang đây đó, ăn ngủ ở đầu đường xó chợ…

– Mỹ được tiếng là nước giàu mạnh nhất thế giới mà cũng có ăn mày, người vô gia cư, cơ cực đến thế sao?

Lạ thật! Tôi tỏ vẻ nghi ngờ.

Anh bạn tôi lặp lại:

– Đó là “cái thú đau thương!” là “cái tự do kiểu Mỹ! Người ta hay ví von rằng: Ở Mỹ chuyện chết đói và làm giàu khó ngang nhau.

Nói vậy không sai lắm đâu, vì ở Mỹ có cơ quan An sinh Xã hội và các tổ chức từ thiện quan tâm đến đời sống của những người cùng khổ. Quận hạt nào cũng có nhà lưu trú cho những kẻ vô gia cư và có những chỗ cung cấp bữa ăn miễn phí. Những công dân Mỹ trên 65 tuổi và những người khuyết tật, không còn khả năng làm việc, đều được cấp tiền an sinh xã hội, đủ sống! Nhưng trong số đó có những người không thích ở trong nhà lưu trú hay viện dưỡng lão. Họ thích cuộc sống tự do, lang thang đây đó… Ngoài ra nghiện ngập khiến họ phải kiếm thêm tiền bằng cách ăn xin.

Rồi anh nói tiếp:

– Như ông đã thấy người thanh niên khi nãy, đứng dưới tuyết lạnh lau kính xe cho người qua lại. Trông thật đáng thương! Với sức vóc đó, anh ta có thể tìm một công việc khác tốt hơn. Nhưng có lẽ anh ta cảm thấy tự do và sòng phẳng trong công việc này – anh ta được an ủi và ấm lòng mỗi khi một người xa lạ hạ kính xe đưa cho anh vài ba đồng tiền lẻ với nụ cười thân thiện, biểu lộ tình người chân thật. Tự do, tình người và sòng phẳng đã khiến anh gắn bó với công việc “lau kính xe” cho đến tận bây giờ.

Mỗi lần lên New York, lái xe qua con đường này, tôi thấy anh ta vẫn đứng ở ngã tư đường, lau kính xe với thao tác lanh lẹ và chuyên nghiệp hơn. Trông anh ta có già đi đôi chút, nhưng ánh mắt vẫn lạc quan và thân thiện với khách lái xe qua đường như ngày nào.

Thời gia trôi qua, chuyện “người lau kính xe” nhạt nhòa trong trí nhớ. Cho đến một ngày, tôi đến California thăm gia đình người em họ, hình ảnh “người lau kính xe” tái xuất hiện, nhưng lại là một ông già Việt Nam, khiến tôi có chút ngỡ ngàng…

Hôm ấy, đứa cháu lên phi trường Los Angeles đón tôi về nhà nó ở Orange County. Xe chạy êm trên đường. Nắng sớm Cali vàng ươm màu hổ phách, chiếu lên những lá cọ cao vút ven đường trông như dát vàng. Ánh nắng ấy làm ấm áp làn da. Tôi cảm thấy khoan khoái. Chỉ ở Cali mới bắt gặp cái nắng đẹp và ấm áp như thế…

Khi đến ngã tư đường Bolsa và Magnolia, đèn đỏ, xe ngừng! Một ông già Việt Nam, trạc tuổi trên bảy mươi, đầu đội bê rê (beret) đỏ, mặc quân phục hoa dù, đeo chiếc cà vạt to bản màu vàng có ba sọc đỏ (biểu tượng lá cờ Việt Nam Cộng Hòa), vai mang bình xịt nước to như bình xịt thuốc trừ sâu, tay cầm cần lau kính, từ trong lề đường bước ra,  đến trước xe của con cháu.

Con cháu vội hạ kính xe, nói: “Chào bác Năm, bác khỏe không?” Vừa hỏi nó vừa móc ví trao cho ông già tờ bạc mười đô, rồi nói tiếp: “Xin gởi bác Năm chút tiền. Hôm nay bác khỏi phải lau kính xe cho cháu.”

Ông già cầm tiền bỏ vào chiếc túi nhỏ đeo bên hông, im lặng, thản nhiên xịt nước lên kính xe, rồi vung cần lau… như không nghe thấy lời nói của chủ xe. Khi đèn vàng hiện lên, ông già quay gót, bước chầm chậm vào lề đường, không một lời cảm ơn, cũng không có cái vẫy tay chào!

Khi đoàn xe chuyển bánh, ông già lặng lẽ đứng trên lề đường nhìn theo với ánh mắt hững hờ… Thái độ và cách ăn mặc của ông già là một hiện tượng lạ. Tôi ngỡ ngàng quay lại nhìn ông. Đứa cháu hiểu ý, giải thích:

– Ông già lau kính xe, truớc đây là một “đại gia” nổi tiếng đó bác! Ở đây ai cũng biết ổng. Cách nay vài năm ổng bị bệnh tâm thần nặng. Ông mặc áo nhà sư, đi lang thang đây đó, lúc tụng kinh niệm Phật, lúc ca hát. Ông ca rất hay! Mỗi lần ổng xuất hiện, nhiều người vây quanh nghe ổng hát những bài tình ca rất mùi…

Bây giờ, ổng tỉnh táo hơn, bỏ áo nhà sư, mặc đồ lính, đứng đây lau kính xe… Lúc đầu, khách lái xe qua đường nhìn ông với ánh mắt thờ ơ, có người khoát tay bảo: không cần! Nhưng cũng có người để ông lau kính rồi đưa ông vài ba đồng tiền lẻ. Số tiền gom được, ông gởi đến “Hội HO Cứu Trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH)” lên đến bạc ngàn và ông thường xuyên đóng góp cho các hội từ thiện số tiền không nhỏ. Từ đấy, tên tuổi ông được nhiều người biết đến.

Hiện nay, những người trong vùng đều biết: Ông lau xe không phải kiếm tiền nuôi thân mà để giúp cho thương phế binh VNCH và những kẻ khốn cùng, nên ai cũng vui vẻ ủng hộ việc làm của ông. Và người ta thêu dệt cuộc đời của ông ly kỳ như trong tiểu thuyết…

Ở chơi nhà người em họ hơn tuần lễ, những lúc anh em ngồi uống trà, tán gẫu… tôi tò mò muốn biết chuyện đời của “ông già lau kính xe” như thế nào mà con cháu nói: “ly kỳ như trong tiểu thuyết”. Và được chú em cho biết:

Ông Khánh nổi tiếng ở vùng này với ba lý do: Thứ nhất là làm giàu rất nhanh; thứ hai có bà vợ đẹp tuyệt trần – nết na hiền thục; thứ ba là đã bỏ nhà cao cửa rộng, sống lang thang đây đó như người vô gia cư.

Những lúc trà dư tửu hậu, hết cãi nhau về chính trị, dân vùng này thường đem chuyện đời của ông Khánh ra bàn tán như ‘mồi nhấm’ đưa hơi nói về ông Khánh. Ông đến Hoa Kỳ, định cư ở Quận Cam này theo diện HO với hai bàn tay trắng như những anh em HO khác. Nhưng chỉ ba, bốn năm sau trở thành triệu phú – không phải do trúng số độc đắc, mà từ sức cần lao và cái đầu thông minh của ông ta.

Bước đầu ông đi sửa chữa nhà cửa cho dân cư trong vùng – cái nghề học được khi làm trong “Đội mộc”ở trại cải tạo Tân Lập, Vĩnh Phú. Ông làm rất khéo tay, nên được nhiều người gọi, kiếm được khá tiền. Sau đó, vay thêm tiền ngân hàng, ông mua những căn nhà cũ rồi sửa lại, bán kiếm lời! Mua căn nhà cũ dưới vài trăm ngàn, khi sửa sang xong, bán ra trên hai trăm năm chục ngàn. Cứ thế tiến lên! Ông có đến bốn, năm căn nhà đã tân trang, chờ bán! May mắn là lúc đó nhà ở Cali lên giá chóng mặt… Vậy là ông trở thành triệu phú!

Nhưng thói đời ‘phú quý sinh lễ nghĩa’ và sinh tật ‘ăn chơi’. Một lần theo đám bạn bè lên Las Vegas chơi, ông bị người phụ nữ chia bài mồi chài, hay bỏ “bùa mê thuốc lú” thế nào khiến ông si mê… Rồi hằng tuần ông lên với người tình ở Las Vegas, bỏ bê vợ con và công việc làm ăn.

Người vợ mẫu mực, đảm đang khám phá sự phản bội của chồng, bà uất đến nỗi phát cuồng, có mấy lần ngất xỉu phải đưa đi nhà thương cấp cứu. Từ đó bà tịnh khẩu!

Tình cảnh của vợ khiến ông thức tỉnh. Ông quay về với gia đình, sám hối tội lỗi với vợ con. Ông hết lời năn nỉ vợ con xin tha thứ… Nhưng bà tịnh khẩu và mỗi khi thấy mặt ông, bà lại lên cơn ngất xỉu. Mấy đứa con bây giờ cũng lạnh nhạt với ông và nói những câu phũ phàng: “Ba đi đi, đừng về làm khổ mẹ!”

Ông nghe như đất trời sụp đổ! Ngày nào những đứa con gần gũi, thân mật, yêu thương ông…  Chúng nó là nguồn an ủi của đời ông. Bây giờ chúng nó nhìn ông với ánh mắt lạnh lùng và nói những lời xua đuổi, bất kính…

Ông thấy đau nhói trong tim! Ông bỏ nhà ra đi không mang theo bất cứ thứ gì. Rồi một ngày, ông xuống tóc vào chùa xin tu, nương nhờ cửa Phật! Ông hy vọng chốn thiền môn, sớm chiều tụng kinh, niệm Phật và sám hối sẽ làm vơi bớt nỗi khổ đau.

Ngày xưa, những người có sự giác ngộ tâm linh, nghiệp duyên, hay do ảnh hưởng từ gia đình hoặc môi trường chung quanh thì vào chùa tu từ nhỏ. Bây giờ người ta thấy: thất tình đi tu, thất chí đi tu, hận đời đi tu; thậm chí có người đi tu như tìm một nghề thanh nhàn, đó là cái “nghề tu”!

Ông Khánh đi tu không thuộc vào các dạng nêu trên. Ông vào chùa xin tu với hy vọng chốn thiền môn sẽ làm vơi nỗi đau khổ đang giày xéo tâm hồn ông. Nhưng vào chùa tu một thời gian, không biết hoàn cảnh thế nào khiến ông phát khùng… Ông bỏ chùa, đi hát dạo!

Khi biết ông vào chùa đi tu, rồi bỏ chùa, lang thang đi hát dạo… bà vợ xúc động! Bao kỷ niệm của cuộc tình thơ mộng thuở ban đầu và những ngày hạnh phúc bên nhau trong đời sống vợ chồng, lúc hiển vinh cũng như khi nguy khốn, hai tâm hồn đã gắn bó cùng chia xẻ cay đắng ngọt bùi trong mấy mươi năm qua, trổi dậy trong lòng bà…

Bà rưng rưng gọi mấy đứa con vào, bảo: “Các con đi tìm ba, đưa ba về đây, mẹ sẽ tha thứ cho ba tất cả, các con cũng thế… Để ba các con lang thang như thế, tội nghiệp lắm!”

Nhưng lúc này, ông Khánh mang bịnh trầm cảm nặng, ông nhập bọn với những người homeless, trốn tránh những người quen thân. Bao nhiêu lần, các con tìm gặp, năn nỉ ông về nhà, nhưng ông im lặng. Bà viết nhiều lá thư tỏ hết nỗi lòng thuơng nhớ và sẽ bỏ qua hết mọi chuyện… rồi bảo các con đem trao cho ông, nhưng không làm lòng ông rung động.

Cho đến một ngày, người ta thấy ông bỏ áo nhà sư, mặc quân phục nhảy dù, đứng ở ngã tư đường, lau kính xe.

Vốn là bạn cùng khóa ở trường Võ bị Đà Lạt với ông Khánh, nên chú em kể cho nghe thêm cuộc đời thăng trần của ông trước và sau năm 1975.

Chuyện tình duyên đến với ông đơn giản nhưng thật đẹp. Ông gặp Thoa trong buổi trao tặng vòng hoa cho các chiến sĩ xuất sắc của Sư đoàn Dù ở vườn Tao Đàn, Sài Gòn. Hôm ấy, nắng xuân ấm áp, người tham dự rất đông. Trên khán đài gồm các quan chức, dưới sân dân chúng sắp hàng ngay ngắn cùng các nữ sinh Trưng Vương tay cầm vòng hoa, xếp hàng dọc trước khán đài. Trong các nữ sinh có mặt hôm ấy, Thoa là người xinh đẹp duyên dáng nhất.

Khi ban quân nhạc trổi lên một bản hùng ca, các chiến sĩ Dù xuất sắc bước đều ra vị trí hành lễ. Như duyên số an bài, chàng Trung úy trẻ được xếp đứng trước mặt người đẹp tên Thoa, chờ nàng khoác vòng hoa lên cổ. Khi ấy, bốn mắt nhìn nhau như có luồn điện giao thoa giữa hai tâm hồn. Nàng nhìn bảng tên trên túi áo, lí nhí: “Hân hạnh được choàng vòng hoa cho anh Khánh…” Nhìn bảng tên đeo bên ngực trái của Thoa, anh Trung úy trẻ, đẹp trai đáp lời: “Cảm ơn Thoa, ước gì được gặp lại…” Nàng gật đầu!

Thế là có những cuộc hẹn hò, thề ước. Và chỉ một năm họ làm đám cưới theo kiểu nhà binh. Có lẽ nhờ cái tướng “vượng phu ích tử” của vợ mà đường binh nghiệp của Khánh lên như diều. Ra trường Võ Bị, chọn binh chủng Nhảy Dù, chức vụ đầu tiên là Trung đội trưởng; khi cưới Thoa, Khánh đang làm Đại đội trưởng, ba năm sau lên chức Tiểu đoàn trưởng. Hai lần gắn lon thăng cấp đặc cách tại mặt trận và từ Trung úy lên Thiếu tá chỉ vòng bốn năm. Trong khi các bạn cùng khóa còn đeo lon Trung úy hay mới lên Đại úy.

Đến tháng 4 năm 1975, đời ông rơi tận đáy! Bị giam cầm, đày đọa, nhưng nhờ người vợ tháo vát, đảm đang tần tảo nuôi con, tiếp tế cho chồng ròng rã mười hai năm. Ngày được thả về với gia đình, vợ con nguyên vẹn và đã dành cho ông tất cả yêu thương cho đến khi thoát khỏi chế độ tàn bạo ở Việt Nam, làm  lại cuộc đời trên đất khách.

Nghe qua câu chuyện, tôi muốn gặp mặt con người đặc biệt này. Và một buổi chiều cuối tuần, chú em dẫn tôi đi qua các hẻm nhỏ, nơi có những người homeless thường ngồi lại với nhau. Vừa thoáng thấy chúng tôi, ông già cúi xuống che mặt, nhưng chú em tinh mắt chạy đến ôm vai ông, nói: “Khánh, cậu làm sao ra nông nỗi này?”  Ông già im lặng! Chú em nói đủ thứ chuyện, rất thiết tha! Nhưng ông già không tỏ vẻ gì xúc động, vẫn im lặng!

Ngồi với nhau gần nửa giờ, ông già không nói lời nào. Trước khi chia tay, chú em bảo: “Khánh à, cậu nên về với gia đình. Thoa và các cháu nhớ thương cậu, mong đợi cậu về.” Bấy giờ ông già rưng rưng, nói: “Ở đây, ngày ngày tớ lau kính xe, coi như cạo bớt lớp bụi tội lỗi đã bám lên cuộc đời tớ… khi nào cạo sạch, tớ sẽ về.”

Chúng tôi chào từ giã ông già. Chú em thở dài, nói: “Cuộc đời dâu bể, vô thường! Không ai biết được ngày mai sẽ ra sao!”

Lê Đức Luận

(Tháng Ba – 2025)


 

Huyền Thoại & Sự Thật về Chế Độ Ngô Đình Diệm

Mạn đàm với Vĩnh Phúc:

Huyền Thoại & Sự Thật về Chế Độ Ngô Đình Diệm

Đúng hơn là cựu nhà báo BBC, Vĩnh Phúc. Ông đã về hưu từ năm 1996, cũng hơn 10 năm rồi. Gần 20 năm làm biên tập viên cho chương trình Việt ngữ đài BBC, ông tích lũy cả khối chuyện trên trời dưới đất, chuyện thật, chuyện giả và nhất là những chuyện lắt léo hậu trường, chuyện người, chuyện đời,… Có chuyện đã nói ra, có chuyện chưa. Chưa nói vì thời lượng phát thanh, vì chính sách của BBC, vì tế nhị, vì chưa có cơ hội nói,… Hôm rồi đến Canada, trong suốt hai ngày mạn đàm, phần lớn ông là người nói, tôi, Nguyễn Văn Lục (NVL), người nghe. Ông nói đủ đề tài, từ Duyên Anh, Ngô Đình Diệm, Trần Kim Tuyến.

Ông đã nói liên miên, nói không ngưng nghỉ, không một tờ giấy trước mặt.

Đến nay nghe rồi thì tôi có thể sờ thấy Trần Kim Tuyến, Ngô Đình Diệm. Chỉ rất tiếc không có bà Nhu. 

Nhân dịp Vĩnh Phúc cho tái bản cuốn: Những Huyền Thoại và sự thật về chế độ Ngô Đình Diệm, tôi ghi lại một phần nội dung cuộc mạn đàm liên quan đến quyển sách mới tái bản của ông. Mặc dầu có cảm tưởng ông biện giải cho những sự thật về ông Diệm, tôi không tìm thấy nơi ông về một cảm tình quá độ, một parti–pris, ông vẫn gây cho tôi một cảm tưởng, biện hộ hẳn là có, nhưng vẫn thong dong thoải mái, vẫn có một thái độ khách quan chừng mực, trí thức và cẩn trọng. Điều quan trọng nhất, ông bằng mọi cách mọi giá tôn trọng sự thật như thái độ chọn lựa cân bằng các người được phỏng vấn. Chọn người được phỏng vấn ở nhiều góc độ khác nhau khiến cho sự kiện được nêu ra đạt được độ khả tín cao. Ông không có thói quen cường điệu hóa một sự việc, một biến cố hay nói huỵch tẹt ra là ông không nói phét, chủ quan cho mình nắm được sự thật. Có những điều tôi đặt ra cho ông mà ông không nắm rõ, ông thẳng thắn thú nhận là điều này ông không biết rõ…

Cuộc mạn đàm được diễn ra như thế nào?

Ông là người diễn xuất, tôi chỉ là chân kéo màn. 

NVL: Trước hết, xin ông cho biết cơ duyên nào đưa ông đến làm việc cho đài BBC, rồi từ

đó mở đường dẫn lối đến việc ông viết cuốn sách này?

VP: Tôi chỉ xin nói sơ lược thôi.

NVL: Xin ông 15 dòng.

VP: Đến Pulau Bidong là để chờ đi Mỹ. Vậy mà không ngờ, đã làm cho BBC gần 20 năm. Nghĩa là từ 1979 đến 1996. Khoảng năm 1988, mình giữ chức vụ Editor. Trong ban Việt ngữ hồi đó có ba người editor. Nếu cần thì Editor sẽ thay thế trưởng ban để điều khiển chương trình.

NVL: Tôi được biết BBC đã nhận ông ngay từ khi còn trên Pulau Bidong. Nhiều người biết không khỏi ngạc nhiên và nể phục. Thật ra câu chuyện đó đã xảy ra như thế nào?

VP: Ở đời, có những chuyện xảy ra không tính toán trước được. Nó như một khúc ngoặt cuộc đời. Chẳng bao giờ có ý nghĩ mình sẽ sang Anh. Ai cũng chờ đi Mỹ cả. Lúc đó chờ đợi đi Mỹ tính ra cũng 6, 7 tháng rồi. Bởi vì ở Mỹ có nhiều bạn bè, anh em bà con.

Câu chuyện nó như thế này. Có một đại diện BBC là Michael Butler sang đảo để tuyển nhân viên. Đúng ra là để test ông nhà báo người Việt gốc Hoa là ông Trần Quốc. Ông M.Butler mới nhờ mình — lúc đó là cố vấn cho Ban thông dịch – tìm kiếm Trần Quốc. Trần Quốc đã bỏ đi Mỹ. Tôi nói với M. Butler:

– “Sorry, ông ta đi Mỹ rồi”.

M. Butler tỏ vẻ thất vọng nói:

– “Tiếc quá, vừa mất công, vừa tốn tiền”. 

Rồi nhìn mình dọ hỏi:

– “Anh có muốn làm cho BBC không?” 

Mình trả lời là:

– “Tôi đã chuẩn bị đi Mỹ rồi. Nhưng anh cứ thử xem sao? Chắc gì tôi có đủ khả năng?”

– “Nói chuyện với anh từ nãy đến giờ tôi tin chắc anh có khả năng. Chỉ cần test anh về khả năng viết cho đúng thủ tục thôi. Anh bằng lòng thì để tôi test nhé ?”

-“ OK, bây giờ là trưa, để cho tôi về ăn cơm trưa xong cái đã.”

NVL: Có vẻ như Butler đi xin ông nhận vào làm cho BBC thay vì ông xin sang BBC làm việc.

VP: Không dám nghĩ thế đâu, chỉ vì Butler đặt mình vào một tình trạng mà trước đó mấy phút mình không bao giờ nghĩ tới. Mình bèn kiếm ông cha Phó trại, tạm mượn cái lều của ông ấy, mình “đuổi” ông ra khỏi lều. Lúc đó trời nắng chang chang, tiếng loa phóng thanh ồn ào gọi dân đi lãnh lương thực. Michael Butler đưa bài test. Phần mình thì ngoáy cho xong. Phải dịch những bài bình luận, despatch, bản tin tường thuật của phóng viên từ các nơi gửi về, dịch ngược, dịch xuôi, rồi một bài phóng bút, viết theo một trong ba đề tài cho sẵn.

NVL: Có thử giọng không? Cái này ông có phần ăn chắc rồi?

VP: Mình cũng hy vọng như vậy. Thử xong thì thu không rõ vì ồn quá. Ông Butler đòi thử

lại. Mình “cóc” chịu thử lại lần thứ hai. Được thì được, không được thì thôi. Hai tuần sau

nhận thư Luân Đôn: chưa có kết quả. Mình tống một thư sang “Sorry, tôi không đi Anh, chờ đi Mỹ”. Trưởng Phòng nhân viên đài BBC lại gửi một thư nói “Ráng chờ vì thủ tục hành chánh! Nhưng rất có hy vọng!”

NVL: Cứ như những điều ông vừa trình bày, có vẻ như ông không thích thú gì với công việc ở BBC mà nhiều người mơ cũng không được?

VP: Không phải là không muốn. Nhưng vì chẳng quen ai ở Luân Đôn, bà con, anh em, bạn bè đều ở Mỹ. Trời thì lúc nào cũng u ám, lạnh lẽo, đời sống lại quá đắt đỏ. Khi mới sang, cô thư ký Ăng lê dẫn đi tim thuê một chỗ ở hai phòng ngủ, trên lầu. Tiền thuê nhà, nó ngốn gần hết lương. Mình lại lên xin với xếp cho nghỉ việc và cho trở về Pulau Bidong. Bạn bè bảo khùng mới bỏ BBC. Xếp lớn khuyên ở lại.

NVL: Thế rồi ở lại luôn một lèo 17 năm đến khi về hưu? Một câu hỏi chót về chuyện này: Có gặp khó khăn trong công việc hay với đồng nghiệp không?

VP: Công việc thì từ từ cũng quen, không có gì khó khăn lắm. Nhưng với đồng nghiệp thì không dễ. Ờ mà câu hỏi này hơi riêng tư và dễ đụng chạm lắm. Ông làm khó tôi đấy.

Nên biết mình là người tỵ nạn đầu tiên được nhận vào BBC. Những anh em khác thì đều vào đó từ trước 1975. Có những người từ 1952. Dĩ nhiên, chưa hiểu nhau nên mình bị nhìn bằng một con mắt khác. Cứ như thể mình là một người thiểu số đến từ Ban Mê Thuột, mặc dầu thời trước 1975, mình cũng đã học ở Tân Tây Lan. Nhưng dần dần thì qua khả năng văn hóa Việt, vốn văn hoá Anh, kiến thức viết lách, mình đã vượt qua được những trở ngại đó. Và chỉ hơn 2 năm sau mình nhập chính ngạch ngay, một trường hợp hãn hữu.

NVL: Thôi tạm dừng ở đây. Cả ông vào tôi đều bậy rồi.

VP: Bậy điều gì?

NVL: Quá 15 dòng rồi. Cùng cười. Tôi muốn biết trước khi viết cuốn sách, ông có vẻ xu hướng cho chế độ ông Diệm. Ngay tựa đề đã cho người đọc nghĩ như thế: Những huyền thoại và sự thật… Ông có thể nói thật, trước khi viết cuốn sách này, thời còn trẻ, với tư cách một người Phật tử, thực sự ông đã nghĩ gì về chế độ ấy và khi viết cuốn sách, mức độ ảnh hưởng của ông Trần Kim Tuyến đến đâu?

 VP: Dù là gì, tôi cũng viết với tư cách nhà báo mà thôi. Lúc còn trẻ, thời sinh viên, như bất cứ người dân nào, mình nhìn chế độ ông Diệm là một chế độc tài, gia đình trị, ảnh hưởng công giáo, tổng thống là người công giáo, cần lao thì có mặt khắp nơi, chỗ nào cũng có cần lao. Mình còn nhớ có lần đi xe buýt về Thị Nghè. Gặp anh tài xế hách dịch gắt ỏm tỏi. Hành khách không ai dám hé răng, vì họ thì thầm bảo nhau ông này là người của bà Nhu. Tin đồn cho thấy cái gì cũng của bà Nhu. Dĩ nhiên mình không tin hẳn. Nhưng ai cũng ngán và sợ.

Chẳng hạn có đám cháy ở khu Khánh Hội, người ta đồn bà Nhu cho đốt để bán tôn của bà. Cái gì cũng của bà Nhu, xe buýt bà Nhu, bột ngọt bà nhu, hãng Taxi bà Nhu cây xăng bà Nhu, bất động sản khắp nơi của bà Nhu, chỗ nào cũng có người mập mờ nhận là Cần Lao … Thấy nó vô lý, nhưng làm sao kiểm chứng được. Tin đồn cứ thế loang ra. Chưa kể, mấy ông Thiên chúa giáo di cư, thái độ vênh váo cũng làm người dân khó chịu lắm.Vì thế mình cũng mong muốn thay đổi chế độ. Nhưng bảo rằng mình chịu ảnh hưởng của ông Tuyến thì không đúng. Sau này, trưởng thành hơn, có nhiều cơ hội tìm hiểu, mình cũng biết phán đoán, biết sự thật nằm ở chỗ nào?

Cho nên, không cần gặp ông Tuyến, tôi mới thay đổi. Từ khi chế độ ông Diệm rơi vào tay các tướng lãnh cầm quyền. Mình nhận ra ngay thực chất của họ và bắt đầu chán. Họ tồi tệ hơn thời ông Diệm. Mình có ăn học, mình thấy rõ ai hay, ai dở.

NVL: Ông cho biết trong trường hợp nào, ông gặp ông Tuyến?

VP: Thật ra mình biết về ông Tuyến từ lâu. Ông sang Anh từ năm 1975. Ông ở Luân Đôn một năm khá chật vật, rồi bạn bè người Anh giúp đổi lên Cambridge, tìm kế sinh sống. Mới đầu nghe đến tên ông mình tránh né. Với thành tích trùm Mật Vụ tạo nên một hình ảnh không đẹp về ông như đi bắt người, thủ tiêu, tra tấn …

NVL: Nhưng gặp rồi thì thay đổi? Không thấy có tra tấn, thủ tiêu? Nhưng dư luận bên ngoài thường cho rằng Trần Kim Tuyến như một thứ hùm xám, ác ôn, trùm mật vụ với nhiều tai tiếng nhất đã được lưu truyền trong công chúng khá lâu. Đó là phản ảnh qua bài viết của Nguyễn Văn Tuấn đăng trên Giao Điểm với bài: Đọc: Những huyền thoại của chế độ Ngô Đình Diệm…

VP: Tôi chẳng biết ông Nguyễn Văn Tuấn này có biết gì về Trần Kim Tuyến không mà viết như vậy. Thực sự tôi cũng chẳng đọc ông Tuấn nên không biết ông ta viết những gì.Nhưng gặp ông Tuyến rồi thì tôi chỉ thấy một người hiền lành, đạo đức. Tôi chưa hề nghe ông ta nói xấu một ai. Xin lỗi, vì ông ấy chết rồi mà tôi lại nói câu này: Mình thấy ông ấy như một anh nhà quê, nói ngọng L, N, cử chỉ tự nhiên, bình dị, có sao nói vậy, hút thuốc lào long sòng sọc. Từ lần gặp lần đầu đến mấy năm sau mới trở thành thân, vì tôi muốn có thời gian dài tìm hiểu. Thì thấy các bạn bè người chung quanh xa gần, ai cũng nói tốt về ông ấy. Họ cho rằng ông làm mật vụ mà cứu người nhiều hơn là bắt người bỏ tù.

NVL: Trong hồi ký “Việt Nam máu lửa Quê hương tôi” của ông Đỗ Mậu có viết, ông Tuyến khi trốn ra nước ngoài đã mang theo một cặp đựng đầy hột xoàn? Việc đó có không?

VP: Tôi có đọc và tôi buồn cười. Theo cụ Võ Như Nguyện nói với tôi nguyên văn thì “thằng Đỗ Mậu nó viết bố láo bố lếu ví dụ tôi mặc đồ tang, tay chống gậy trong đám tang ông Ngô Đình Khôi. Tôi đã mắng nó rồi. Nó viết nhiều chuyện tầm bậy, tầm bạ” .

NVL: Ông có thể kể tên một vài người thường nói tốt về Trần Kim Tuyến.

VP: Cái này thì tôi dám nói mà không ngại. Phải nói nhiều lắm. Cụ Lãng Nhân Phùng Tất

Đắc, chị Bích Thuận và chồng là Émile Ngô Trọng Hiếu, Cụ Đoàn Thêm, Cụ Cao Xuân Vỹ.  Cả Duyên Anh nữa. Duyên Anh có tha ai đâu, mà đối với ông Tuyến thì nói: Ôi thằng cha đó lo cứu người không à! Duyên Anh bảo rằng ông Tuyến làm trùm mật vụ mà đạo đức, hiền lành như vậy thì chọn lầm nghề rồi. Cụ Quách Tòng Đức, cựu đổng lý văn phòng Phủ Tổng Thống nói: “Ông Diệm nóng lắm, nhưng không ác độc. Ông Trần Kim Tuyến đàng hoàng, có tư cách”.

Còn cụ Cao Xuân Vỹ thì: “Tuyến chỉ đọc tài liệu, viết phúc trình cho ông Tổng Thống, ông Nhu. Trần Kim Tuyến chỉ cứu người chứ không hại người bao giờ cả. Ngoài ra, phải công nhận đám nhân viên ngoại vi của Trần Kim Tuyến có làm tầm bậy. Tụi này không thuộc Sở Nghiên cứu Chính trị. Anh nào cũng muốn lợi dụng Sở NCCT. Tuyến có la rầy nhân viên, nhưng như anh cả la em, không trừng phạt nặng. Nói mật vụ ác ôn là oan cho Tuyến”.

NVL: Ông có thể cho biết một vài người mà ông Tuyến đã “tha” đã giúp?

VP: Ờ, nhiều lắm chứ. Như bà bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, ông Nhất Linh, cụ Hà Thúc Ký. Hồi ông Tuyến còn tại chức, nhiều nhà văn nhà báo nhờ ông nên không bị bên công an, mật vụ làm phiền. Đến nay nhiều người còn nhắc. Chỉ trừ cái huyền thoại Trần Kim Tuyến cứu mạng Ngô Đình Nhu vào tháng 2/1947 là hoàn toàn bịa đặt. Về cụ Hà Thúc Ký thì xin kể lại như thế này. Ông Tuyến vào trình ông Diệm về vụ bắt được Hà Thúc Ký, lúc đó đang lẩn trốn và âm mưu ám sát ông Diệm. Ông Diệm nổi nóng quát: Đem thủ tiêu nó đi. Ông Tuyến nhận lệnh ra về và băn khoăn khó xử. Và thay vì thi hành lệnh thủ tiêu, ông Tuyến trì hoãn không làm gì cả. Hôm sau vào gặp ông Diệm. Ông Diệm đã quên béng cái lệnh miệng đem thủ tiêu HTK, rồi hỏi:

– “Hà Thúc Ký ra sao?”

-“ Dạ thưa cụ, vẫn còn giữ đó, để tôi liên lạc với bên Công an”.

 Ông Diệm nói:

-“Mình nóng mình nói như vậy, thôi liệu giúp gia đình nó. Nói bên Công An đối xử tử tế với nó.”

 Chút xíu nữa cái mạng của ông Hà Thúc Ký không còn nữa, nếu ông Tuyến thi hành lệnh miệng ngay đêm hôm đó. Ông Diệm lúc tức thì nói thế chứ đâu có ý định thủ tiêu Hà Thúc Ký.

Lại có trường hợp giúp người mà mắc oan. Ông Tuyến đã có lần giúp cho Trần Quang Thuận – về Nha chiến tranh Tâm lý, sau khi tốt nghiệp quân trường Thủ Đức – rồi mang vạ vì Thuận lái chiếc xe Austin hai mầu xanh/trắng, mang số DBA 599 của anh ta chở Hòa Thượng Thích Quảng Đức đến chỗ tự thiêu ở Ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng.  Ông Nhu “ghim” ông Tuyến vì vụ này.

NVL: Bốn câu hỏi chót về ông Tuyến. Tại sao ông ấy không tự mình viết lại hồi ký? 

VP: Ai cũng thúc dục ông ấy viết đấy chứ. Nhất là Cao Xuân Vỹ. Tôi cũng thúc dục ông ấy viết nhiều lần. Nhưng sau này, ổng có nói: “Moa (Lúc này đã thân, ông gọi toa, moa) không viết vì sợ đụng chạm rất nhiều người. Viết ra sự thật thì sẽ làm nhiều người mất mặt, trong đó có nhiều người còn sống. Nếu họ chết rồi thì vợ con họ cũng đau lòng.” Sau đó có lần, chính ông đề nghị tôi viết.

NVL: Xin hỏi lại cho chắc, tôi vẫn tưởng chính ông đến đề nghị ông Tuyến cho phỏng vấn?

VP: Không, không có chuyện đó. Chính ông Tuyến đề nghị là “Thôi Phúc toa viết đi, toa đến đây, toa đặt sẵn những câu hỏi gợi ý, rồi moa theo đó trả lời”.

NVL: Về điểm này, về nhân cách, cũng xin trân trọng ông.

VP: Không dám!

NVL: Thế còn về những lời đồn “Sở Nghiên cứu Chính trị như một CIA Việt Nam, buôn bán thuốc phiện lậu và kinh tài khai thác gỗ, xuất cảng lông vịt, vụ vé số kiến thiết”?

VP: Về điểm thành lập Sở Nghiên cứu CT, mình đã trình bầy đầy đủ trong sách. Chỉ tóm tắt là khi đó, ông Tuyến không biết một tý gì về vai trò của mình: từ ý thức chính trị đến tổ chức. Chẳng ông nào có kinh nghiệm chống Cộng sản cả. Hoàn toàn tay mơ. Nhân viên trên dưới 30 người, thử hỏi với số nhân viên như thế, làm được gì? Mỗi khi cần nhân sự thì phải điều động bên Công an, Bảo an.

Về những đồn đãi buôn thuốc phiện lậu, xuất cảng lông vịt là do hiểu lầm. Chỉ có khai thác gỗ là có nhưng có lý do và đã được hai ông Diệm – Nhu cho phép. Xin xem chi tiết trong sách.

Nói thêm là ngay cuốn sách: Làm thế nào để giết một Tổng Thống, cái tựa do Sức Mấy đặt ra cho loạt bài đăng trên báo Hoà Bình. Tác giả Cao Thế Dung chỉ được gặp Trần Kim Tuyến có một buổi để hỏi chi tiết, về viết. Nhưng sau đó lại làm như ông Tuyến là đồng tác giả, và viết quá sai sự thật. Ông Tuyến đã phản đối và Hoà Bình đã cải chính ngay. Nhưng khi in thành sách, vẫn để tên ông Tuyến, khiến ông rất bực mình.NVL: Và câu hỏi chót về ông Tuyến, ông có nhận thấy có sự trùng hợp về những điều thị phi, những tiếng đồn xấu chung quanh ông Tuyến cũng là những điều thị phi về ông Diệm và chế độ ấy? Phải chăng nó cùng nguồn gốc? Cùng bản chất? Và phải chăng khi ông bênh vực ông Trần Kim Tuyến là một cách gián tiếp giải trừ những huyền thoại về ông Diệm?

VP: Thưa ông, câu trả lời của tôi đã nằm ngay trong câu hỏi của ông rồi.

NVL: Nay thì xin đi vào chính nội dung cuốn sách của ông. So ra với lần xuất bản trước, 1998, lần này dày hơn đến 100 trang. Điều gì đã thêm vào như thế?

VP: Thêm vào vì mình không hài lòng với lần xuất bản đầu tiên, thấy cần tìm  kiếm thêm nhân chứng. Chẳng hạn tìm hiểu thêm con người của ông Ngô Đình Cẩn. Ông có cướp đoạt tài sản của người ta không, có cho bộ hạ khủng bố đối lập không? Những nhân chứng mới như Nguyễn Tường Bá, Nguyễn Tường Thiết, cháu và con trai Nhất Linh giúp soi sáng thêm về chủ tâm quyên sinh của ông Nhất Linh để phản đối chế độ? Ngoài ra còn những nhận xét, đánh giá quý báu của cụ Võ Như Nguyện, một nhân vật theo rất sát với ông Ngô Đình Khôi rồi ông Diệm. Cuộc phỏng vấn cụ Võ Như Nguyện quả thực hữu ích, vì nó củng cố thêm cho những điều tôi đã trình bày trong lần xuất bản đầu tiên.

Nhưng thích thú không kém là những lời của nhân chứng cựu đại úy tùy viên Lê Châu Lộc. Nhờ Lê Châu Lộc ta hiểu thêm “con người” Ngô Đình Diệm như thế nào trong những hoàn cảnh cay nghiệt của vai trò một tổng thống, thấu hiểu được những cá tính con người ông ấy và nhất là cái cõi riêng tư, những nỗi niềm trăn trở và cô đơn của ông ấy. Nhà văn, nhà viết sử làm sao đạt được cái cõi riêng ấy để hiểu được một con người?

NVL: Tôi cũng nhìn ra được điều ấy, khi đọc những phần nhận xét của Lê Châu Lộc. Đó là những thứ tư liệu ròng mà không dễ có được. Đỗ Thọ cũng viết về ông Diệm, nhưng để tình cảm lấn lướt nhiều quá. Người đọc bị ngộp. Cảm thấy không tự nhiên. Nhưng đâu là huyền thoại và sự thật về con người Ngô Đình Diệm?

VP: Theo tôi thì giá đọc được chính bài viết thì vẫn hơn là những điều tôi nói ra đây. Nhưng về cá nhân ông ấy, tôi nghĩ ông là người có đạo đức và về phương diện chính trị, ông là người có lòng với đất nước, với dân tộc, trước ông và sau ông, thật cũng khó có người sánh bì.

NVL: Ông có nghĩ rằng, những ý kiến của ông về ông Diệm sẽ có một số người phản đối, thậm chí coi ông Diệm là thứ độc tài ác ôn, gia đình trị, ba đời Gia tô bán nước, làm tay sai cho giặc?

VP: Chính vì còn có những người nghĩ như thế nên mới có vấn đề cần giải trừ những huyền thoại và những sự thật về con người ấy. Với lại không ai cấm họ nói viết ra như thế, với điều kiện họ đưa ra được bằng cớ khả tín. Vâng, vấn đề là nói sao cũng được, miễn là có bằng cớ khả tín.

NVL: Nói chuyện bằng cớ, thưa ông, đã có lần ông chủ bút báo ĐT gửi cho tôi một bức hình gia đình ông Diệm và hỏi xem tôi nghĩ gì? Hình ảnh một già đình quan lại thuộc hàng Thượng thư triều đình ba đời làm tay sai cho Pháp mà như thế sao?

VP: Vâng, bức hình mà ông nói chính là bức hình thứ nhất ở trang 305 trong sách của tôi, do cựu trung úy Nguyễn Minh Bảo lấy được trong phòng ông Diệm trong cuộc đảo chính 1/11/63. Theo tôi, bức hình nói lên tất cả. Trông rõ cái cảnh nghèo khó, thanh bạch của gia đình ông ấy. Ông Diệm, ông Thục đi chân đất, quần áo nhếch nhác lôi thôi như bất cứ một gia đình nông dân nghèo túng nào.  Nhưng ông nói thật hay nói đùa đấy? Lấy đâu ra ba đời làm tay sai cho Pháp, mà ông Diệm làm tay sai cho Pháp hồi nào?

NVL: Có thể là tại vì ông Diệm có lý tưởng và nhờ ông sống độc thân, không bị ràng buộc vào gia đình nên ông mới hết lòng với dân, với nước?

VP: Có thể lắm và chắc cũng không thể không nghĩ tới điều đó. Có vợ con thì nó khác.

NVL: Ông có nghĩ rằng khi đọc sách của ông, sẽ có người nghĩ rằng, ôi cha Vĩnh Phúc này là tên Bắc kỳ, công giáo di cư, Hố Nai?

VP: Cười. Cứ để họ hiểu lầm. Người như ông Diệm còn không thiếu kẻ hiểu lầm, thì phần tôi có nghĩa lý gì. 

NVL: Phần tôi, tôi đặc biệt chú trọng đoạn Lê Châu Lộc, tùy viên của ông Diệm kể buổi sáng hôm ấy ông Diệm phải tiếp kiến đô đốc Felt tại Đàlạt. Ông có nhận xét gì về buổi gặp gỡ lịch sử này?

 VP: Ông tinh ý lắm, nêu dẫn đoạn ông Diệm gặp đô đốc Felt là điểm thắt nút mối bang giao hợp tác giữa chính phủ Mỹ và ông Diệm trong suốt 9 năm. Buổi sáng hôm ấy, ông Diệm nôn nóng khác thường, tức giận đạp đổ ghế vì sĩ quan tùy viên tới chậm. Cái tức giận tùy viên chỉ là cái cớ thôi. Cái chính là lá bài sắp lật ngửa. Và tôi nghĩ rằng: Ván bài lương tâm và trả giá giữa người Mỹ và ông Diệm nằm ở buổi tiếp kiến hôm đó trước khi ông Diệm bị thảm sát. Đó là bản chúc thư giã từ sau 9 năm cầm quyền, một lần chót nói lên cái quan điểm khác biệt giữa người Mỹ và ông Diệm. Những kẻ viết sử sau này thường bác bỏ luận cứ này để biện hộ cho việc lật đổ ông ấy. Không có người Mỹ, cuộc đảo chánh đó không có cơ thành tựu.

VP: Vừa rồi, ông đang hỏi tôi về con người ông Diệm. Tôi chưa nói hết, thì đấy, con người ấy có thể khoan dung ngay cả đối với kẻ thù. Nhưng cũng con người đó có thể nóng như lửa, mặt đỏ gay, hầm hầm, giộng ba toong thình thình trên sàn máy bay vì thấy treo cờ Vatican, vứt hồ sơ vào mặt ông Nhu mà không cho tùy viên lượm lại. Nhưng chỉ trong chốc lát, ông tổng thống nguôi giận. Nhưng ngược lại, ông lại tỏ ra rất bình tĩnh khi dinh độc lập bị ném bom. Lê Châu Lộc nhận thấy ông Diệm vẫn ngồi đọc sách một cách bình thản hỏi:

– “Cái chi đó?”

– “ Dạ người ta bỏ bom mình”.

– “ Thế à, mà ai bỏ bom vậy?”

Theo Lê Châu Lộc, làm tùy viên cho ông Diệm là khổ lắm. Theo ông đi kinh lý tối ngày, bất kể thì giờ, bất kể ngày đêm. Bằng máy bay, bằng trực thăng, bằng xe, bằng xuồng, “thăm dân cho biết sự tình”. Có lần phải kê ghế bố mà ngủ trong khi bên dưới lõng bõng nước. Những chuyến đi vất vả và nguy hiểm như thế cũng không làm ông Tổng Thống nản lòng, vì ông muốn đến tận nơi hẻo lánh nhất, hoàn cảnh khó khăn nhất để đem lại nguồn an ủi cho binh sĩ.

Thử hỏi sau này có anh lãnh đạo nào làm được như thế không?

NVL: Tôi cũng nghĩ như vậy. Có ông lãnh đạo nào bỏ ra vài lần thăm dân, thăm trường học trong suốt những năm về sau này? Chữ kinh lý, tôi nghĩ là chữ đặc quyền dùng cho ông Diệm. Sau này chữ đó không còn có trong tự điển nữa. Vậy mà thời ông Diệm, ciné chỉ chiếu những chuyện gì đâu.

VP: Ông nhắc tôi mới nhớ. Tôi còn nhớ hồi đó, ciné hát xong bài chào cờ là hát bài suy tôn Ngô Thổng thống. Đáng nhẽ phải bỏ tù cái thằng cha nào đã nghĩ ra cái bài hát thối tha: Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống. (1)  Bài đó giết ông Diệm từng ngày, từng  giờ không cần gươm giáo đấy. Vứt bài hát đó vào sọt rác và chiếu lên hình ảnh ông Tổng Thống đi bốt, lội bùn, sắn quần lên tới đầu gối thì còn gì đẹp bằng nữa? (2)

NVL: Vâng, quả đúng như vậy.

VP: Nay thì đến lúc tôi hỏi ngược lại ông: Đọc lần tái bản này ông thấy thế nào ?

NVL: Phải nói bản cũ, tôi đọc nhiều lần, mỗi lần muốn viết điều gì về chế độ Ngô Đình Diệm. Tôi đều dở ra tham khảo. Nhưng chê trước đã. Thật ra, không phải chê mà ấm ức.

Thứ nhất, cuốn sách không có cái nhìn tổng thể lớp lang về chế độ ấy. Nó thiếu văn mạch của những chuỗi sự kiện nối tiếp nhau. Nó nêu ra đó rồi để cho độc giả tùy ý chọn lựa thái độ. Quả là có rộng lượng và tôn trọng độc giả. Sự kiện từng mảnh của chế độ ấy như chính ông nói với tôi, như đống gạch. Có viên lành lặn, viên vỡ. Rồi ông bày hàng ra, ông đẩy cái trách nhiệm đánh giá cho các nhà sử học, cho người đọc. Mà như chúng ta biết đấy. Nhà sử học nào đã làm được công việc ấy? Trong khi đó, đáng nhẽ là trách nhiệm của ông phải làm?

Thứ hai, về phương pháp làm việc, ông đã chọn cách viết chỉ dựa trên nhân chứng, một thứ Oral History, rất khả tín, thời thượng. Phải chăng, đó là lối làm việc theo thói quen từ BBC của ông? Nhưng lối viết nêu dẫn nhân chứng lại rất áp đảo, trấn áp người đọc. Chẳng hạn khi chính Lê Châu Lộc nói rằng, ông Diệm nghe tin phi công Phạm Phú Quốc ở trong tù bị bọn công an hành hạ đến nơi đến chốn. Ông Diệm không an tâm sai Lê Châu Lộc đến nhà giam xem thử. Lê Châu Lộc bằt Phạm Phú Quốc dơ tay cho xem có bị thương tích không.Không có. Chỉ nêu sự việc: Một người đã ném bom tính giết mình, đã không bị đưa ra tòa,  không bị cho đi mò tôm là may, lại còn thăm hỏi. Chuỗi sự kiện đó dẫn đưa tới việc phải thừa nhận: Ông Diệm là người tốt. Không lạ gì, sau đó, Phạm Phú Quốc đã viết thư xin lỗi ông Diệm. Tôi chỉ nói, lối viết đó có tác dụng thuyết phục, vì nó vượt lý luận, bịt miệng những ai muốn nói khác, muốn bôi nhọ. 

Ở trên, tôi nói ấm ức, vì ông không sử dụng tài liệu. Ông cũng đã nêu ra những lý do khi ông cho rằng những hồi ký, những sách viết về chế độ ấy do các nhà văn, nhà chính trị, nhà báo viết bố láo, bố lếu, bóp méo lịch sử cho dù dùng tài liệu ngoại quốc viết cũng tào lao, rất là bôi bác. Nói chung là như thế. Nhưng này, ông chê người ta viết bố láo, bố lếu. Vậy có thể nào ông cho biết đích danh một tác giả hay một cuốn sách viết bôi bảc?

VP: Cái này thì xin ông tha cho. Tôi chỉ nói được là nhiều lắm, tôi tránh nói ra. Độc giả đọc họ là biết rồi. Sau khi anh em ông Diệm bị giết, nhiều người đã viết quá sai sự thật chỉ nhằm mục đích câu độc giả. Sau 1975, cũng thế. Ngay cả những bầy tôi, sau này viết về chủ mình, cũng phản bội, viết bôi bác, nói trắng ra đen. Theo tôi, viết như thế không xứng đáng một người cầm bút.

Chính vì vậy, tôi chọn lựa không sử dụng tài liệu của bất cứ ai.

NVL: Chọn lựa như thế, đúng ra là chọn lựa tư cách là một nhà báo hay nhà sử? 

VP: Nhà báo thì cung cấp thông tin, dữ kiện. Còn nhà sử cung cấp kiến thức. Nói như thế thì ông biết tôi là nhà gì rồi?

NVL: Cũng đúng, nhưng tôi xin bổ túc, Trần Trọng Kim kiến thức sử đâu có bao nhiêu, nhưng sự trung thực thì lồng lộng mà kẻ hậu bối chỉ biết cúi đầu khâm phục.

VP: Tôi cũng không nghĩ gi khác ông. Chúng ta cùng nói chung một thứ ngôn ngữ: Sự can đảm và lòng trung thực. Đó là những đức tính cần có của một người cầm bút.

NVL: Khi ông dùng chữ bày tôi viết về chủ mình thì gián tiếp người đọc như tôi cũng hiểu bầy tôi là ai rồi ?

VP: Ấy chớ, xin ông đừng diễn dịch xa quá.

NVL: Trong biến cố Phật giáo, mặc dầu ông đã cố gắng phỏng vấn một số người như cụ Quách Tòng Đức, TT Thích Tâm Châu và ngay cả ông Đặng Sỹ v.v… Phần trả lời của TT Tâm Châu chưa đầy đủ lắm. Phải nói về vai trò của TT ấy như thế nào, vai trò của TT Trí Quang có tính cách quyết định về đường lối đâu tranh chống chính quyền? Nguyên đo đưa đến sự đổ vỡ đến tách ra thành hai khối Phật giáo? Phần ông Đặng Sỹ thì tránh né trả lời.Chính tôi cũng liên lạc với ông được hai lần, nhưng ông cứ khất lần. Rất tiếc nay người nhà ông báo cho tôi biết ông mới qua đời. Thế là một dấu mốc lịch sử bị đứt quãng. Nhưng tôi vẫn thấy còn cần đào sâu thêm nữa để có thể khai thông một số vấn đề chưa sáng tỏ như vụ nổ đài phát thanh Huế v.v… Những người như đại úy Minh, văn phòng cố vấn chỉ đạo của ông Cẩn có thể đóng góp cho rõ thêm vai trò ông Cẩn và đặc biệt TT Trí Quang, sau 1975, ông rút vào bóng tối một cách khó hiểu như có điều gì không tiện nói. Im lặng ở đây là vàng. Ông cần lên tiếng và nên lên tiếng. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

VP: Thật ra những người như ông Ngô Đình Nhu đáng nhẽ phải để lại những Mémoires thì đỡ cho chúng ta biết bao nhiêu. Hình như các người làm chính trị ở Việt Nam không có thói quen viết nhật ký. Tôi cũng nghĩ đến trường hợp TT Thích Trí Quang nhưng quá khó gặp. Cả TT Hộ Giác một khuôn mặt đấu tranh nổi bật thời đó hiện còn sống ở Mỹ, tôi cũng cố tìm cách tiếp xúc nhiều lần mà không được. Tôi sẽ đặc biệt lưu tâm đến trường hợp này trong lần tái bản sau.

Nguon: Ho Cong Hung

 “Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10:27c) – Cha Vương

 Ngày Thứ 6 tràn đầy ân sủng của Chúa khi suy niệm Đàng Thánh Giá Chúa nhé.

Cha Vương. 

Thứ 6, 2MC: 21/3/2025

TIN MỪNG: Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh sao: “‘Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc; đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta’”? (Mt 21:42)

SUY NIỆM: Trong đời mỗi người đều trải qua ít nhất vài lần bị “từ chối”, kể cả trong công việc lẫn các mối quan hệ tình cảm. Dù nó diễn ra bao nhiêu lần, mức độ nặng nhẹ ra sao thì bạn cũng khó lòng lờ đi được nỗi đau nó mang lại. Đối khi những nỗi đau khi bị từ chối làm bạn mất hết niềm hy vọng vào chính mình và vào Chúa nhưng hôm nay Lời Chúa gợi ra cho bạn một cái nhìn mới về nỗi đau này. 

Chuyện lạ lùng là “viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc tường”. “Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10:27c) 

Bạn hãy nhìn vào viên đá Phêrô—đã 3 lấn chối Chúa, viên đá Phaolô và biến cố trên đường Đamát, viên đá Augustinô, viên đá Thánh Inhaxio, tổ phụ dòng Tên…  Thiết nghĩ rằng nhiều anh chị em chung quanh bạn cũng có thể là những viên đá như thế, vậy bạn hãy khoan dung… Ngay cả bạn cũng có thể là như thế, nên hãy đặt hết niềm hy vọng và trông cậy vào việc làm lạ lùng của của Chúa. Bạn hãy đọc lại phép lạ tại Biển Đỏ: Chúa “rẽ nước ra cho [dân Do Thái] có lối đi khô ráo ngay giữa lòng biển.” (Xh 14:16) Chúa không san bằng Biển Đỏ, Người chỉ rẽ nó ra. Chúa không phải lúc nào cũng cất đi những đau khổ của bạn. Nhưng Người sẽ vạch ra một con đường để bạn vượt qua chúng.

LẮNG NGHE: Con ẩn náu bên Ngài, lạy CHÚA, / xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. / Lưới kẻ thù giăng, xin gỡ con ra khỏi, / vì nơi con trú ẩn, chính là Ngài.  (Tv 31:2,5)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, nhìn lên Chúa đang chịu đóng đinh con nhận ra Chúa không bỏ rơi con, xin dạy con biết đón nhận thánh ý Chúa dù con có bị tổn thương đến cỡ nào đi nữa.

THỰC HÀNH: Nỗi tổn thương lớn nhất của bạn trong lúc này là gì? Mời bạn hãy tìm nơi nương tựa bên Chúa. 

From: Do Dzung

***************************

Con đường Chúa đã đi qua | Thánh ca

Elon Musk, ‘người’ của Bắc Kinh bên trong Tòa Bạch Ốc?

Ba’o Nguoi-Viet

March 20, 2025 

Trúc Phương/Người Việt

Bộ đôi Donald Trump-Elon Musk xỉa xói nặng lời với hầu hết đồng minh của Mỹ nhưng hai kẻ thù lớn nhất và nguy hiểm nhất – Nga và Trung Quốc – luôn được chừa ra. Trong thực tế, ông Elon Musk, tổng giám đốc Tesla, hành xử không khác gì là “người” của Bắc Kinh và những động thái của Cơ Quan Cải Tổ Chính Phủ (DOGE) mà ông là người đứng đầu, cho đến thời điểm này, luôn mang lại lợi ích chính trị cho Trung Quốc hơn là Mỹ…

Ông Elon Musk, tổng giám đốc Tesla, đã xây dựng đường dây quan hệ khăng khít với đảng Cộng Sản Trung Quốc, từ ông Lý Khắc Cường (phải), cố thủ tướng, đến ông Lý Cường, đương kim thủ tướng. (Hình: Mark Schiefelbein – Pool/Getty Images)

Ông Musk chưa bao giờ đá động đến Trung Quốc. Luôn tự nhận ủng hộ “tự do ngôn luận một cách tuyệt đối” nhưng ông Musk không áp dụng quan điểm đó đối với chế độ kiểm duyệt hà khắc của Trung Quốc.

Quan hệ sâu với Bắc Kinh

“Việc Musk ca ngợi Trung Quốc không là điều bất thường đối với một tổng giám đốc doanh nghiệp Tây phương nhưng điểm khác biệt là ông Tim Cook [tổng giám đốc Apple] không nói về việc Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID) tệ hại như thế nào hoặc can thiệp vào chính trị Âu Châu (theo cách như ông Musk),” nhận xét của ông Isaac Stone Fish, tổng giám đốc Strategy Risks, công ty tư vấn về rủi ro kinh doanh tại Trung Quốc.

Mối quan hệ cộng sinh giữa Tesla và Trung Quốc là rất rõ ràng. Năm 2019, Tesla mở “siêu nhà máy” tại Thượng Hải với $521 triệu vay từ các ngân hàng Trung Quốc – trong đó có có China Construction Bank Corp, Agricultural Bank of China Ltd, Industrial & Commercial Bank of China Ltd và Shanghai Pudong Development Bank Co.

Đây là nhà máy đầu tiên của Tesla bên ngoài nước Mỹ và cũng là hãng xe hơi đầu tiên hoàn toàn do người nước ngoài sở hữu tại Trung Quốc. Tờ Financial Times cho biết, nhiều nhà đầu tư Trung Quốc thậm chí đã bí mật rót hàng triệu đô la vào các công ty tư nhân do ông Musk sở hữu, sử dụng các cấu trúc tài chính phức tạp để che giấu danh tính họ. Các khoản đầu tư này được đổ vào SpaceX, Neuralink và xAI.

Để tránh bị dòm ngó, nguồn đầu tư nói trên được chuyển qua “các công cụ có mục đích đặc biệt” (special-purpose vehicles – SPV, những pháp nhân được thành lập vì mục đích cụ thể, thường được sử dụng để giảm thiểu rủi ro tài chính và tạo điều kiện cho các giao dịch hoặc đầu tư nào đó, chẳng hạn chứng khoán hoặc tài trợ dự án). Dù SPV hợp pháp nhưng hoạt động của mô hình này thường mơ hồ, khiến việc xác định tên tuổi nhà đầu tư trở nên khó khăn.

Ba công ty quản lý tài sản mà nhà nước Trung Quốc đứng sau đã bán hơn $30 triệu cổ phiếu của SpaceX, xAI và Neuralink cho các nhà đầu tư ẩn danh trong hai năm qua. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều – theo bài báo mới đây “Is Elon Musk a national security threat?” của The Hill, ngày 16 Tháng Ba.

Như nhiều người biết, ông Musk đã xây dựng đường dây quan hệ khăng khít với đảng Cộng Sản Trung Quốc, từ ông Lý Khắc Cường, cố thủ tướng, đến ông Lý Cường, đương kim thủ tướng.

Tại Trung Quốc, ông Musk có sức ảnh hưởng lớn. Sách tiếng Hoa viết về ông Musk bán đầy Trung Quốc.

Thậm chí bà Maye Musk, mẹ của ông Musk, cũng là thần tượng của dân Trung Quốc. Hồi ký của bà, “A Woman Makes A Plan,” là một trong những cuốn sách bán chạy nhất Trung Quốc những năm gần đây. Những buổi nói chuyện của bà tại Trung Quốc đều chật kín khán phòng. Chính quyền Bắc Kinh tán tụng bà hết lời. Bà thường xuyên kêu gọi người Mỹ du lịch đến Trung Quốc. Trưởng chi nhánh Brussels của tờ China Daily, kẻ từng nói rằng Mỹ là thủ lĩnh của “trục ma quỷ thế giới,” cũng ca ngợi bà…

Hoạt động của ông Musk tại Trung Quốc cũng như quan hệ với chính quyền Bắc Kinh từng gây chú ý và tranh cãi ngay cả trước khi ông Musk “tham chính.”

Năm 2022, công ty Tesla đã bị nhiều nhóm nhân quyền và giới lập pháp Mỹ chỉ trích khi mở một phòng trưng bày tại Tân Cương, nơi chính quyền Trung Quốc ngược đãi người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ.

Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio (hiện là ngoại trưởng), người bảo trợ cho Đạo Luật Ngăn Chặn Lao Động Cưỡng Bức Duy Ngô Nhĩ, nói rằng phòng trưng bày Tesla ở Tân Cương là bằng chứng cho thấy tình trạng một số “tập đoàn đang giúp đảng Cộng Sản Trung Quốc che đậy tội diệt chủng và lao động nô lệ.”

Khi một doanh nhân trở thành con buôn chính trị

Mối quan hệ của ông Musk với Trung Quốc đang gây ra lo ngại. Năm 2021, dự án đầu tư $50 triệu vào SpaceX của một công ty Trung Quốc đã bị chặn do yếu tố an ninh quốc gia. Năm 2022, Dân Biểu Chris Stewart (Cộng Hòa-Utah) từng yêu cầu tổ chức họp kín để xác định xem SpaceX có bất kỳ liên hệ nào với chính phủ Trung Quốc.

Ông Stewart nói với tờ Wall Street Journal: “Tôi là người hâm mộ Elon Musk và SpaceX, nhưng bất kỳ ai cũng sẽ lo lắng nếu thấy vấn đề có những ràng buộc tài chính với Trung Quốc.”

Trong thực tế, một số công ty có liên kết với các doanh nghiệp của ông Musk đã bị chính phủ Mỹ nhắm đến.

Tháng Giêng, 2025, Ngũ Giác Đài đã đưa công ty Contemporary Amperex Technology Co. (CATL), nhà sản xuất pin lithium lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chính của Tesla, vào danh sách “các công ty quân sự Trung Quốc.”

Một công ty nữa hiện diện trong danh sách này là tập đoàn Internet khổng lồ Tencent, từng sở hữu 5% cổ phần Tesla (dù theo một số phương tiện truyền thông, công ty này đã thoái vốn). Tencent là công ty mẹ của WeChat. Ông Musk từng nói rằng WeChat là mô hình “ứng dụng cho mọi thứ” mà đương sự muốn lấy làm hình mẫu để xây dựng X (Twitter).

Điều gì xảy ra nếu một doanh nhân trở thành con buôn chính trị sẵn sàng bán đứng quốc gia cho lợi ích riêng, đặc biệt khi ông Musk đang tiếp cận toàn diện các cơ sở dữ liệu lưu trữ thông tin của hàng triệu người Mỹ? Tất cả những điều này ngày càng được quan sát với sự cảnh giác đặc biệt, bởi vì ông Musk có thể tác động đến chính sách Mỹ đối với Trung Quốc.

Cuối năm ngoái, ông Musk đã công khai phản đối một dự luật chi tiêu của lưỡng đảng trong đó có các biện pháp quản lý đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc. Một sắc luật tạm thời cuối cùng được thông qua mà không có điều khoản nói trên!

Nhiều nhà phân tích tin rằng Bắc Kinh đang tận dụng mối quan hệ với ông Elon Musk để tác động đến chính sách của ông Trump đối với Bắc Kinh.

Cần nhắc lại, đêm trước lễ nhậm chức của ông Trump, ông Hàn Chính, phó chủ tịch nước Trung Quốc, đã gặp riêng ông Musk. Ông Shou Chew, tổng giám đốc TikTok, cũng gặp ông Musk để nhờ giúp ứng dụng TikTok không bị đóng cửa.

Với Bắc Kinh, ông Musk chẳng khác gì là một “tay trong” hữu dụng cho những chiến dịch vận động hành lang bí mật mà Cộng Sản Trung Quốc muốn đi đêm với ông Trump.

“Họ (Trung Quốc) xem ông ấy (Musk) là một ‘tài sản’ trong bất kỳ cuộc đàm phán nào, một cách để bỏ qua (ngoại trưởng) Rubio, một cách để bỏ qua [cố vấn an ninh quốc gia Michael] Waltz, một cách để bỏ qua những người mà họ thấy ít thân thiện. Họ sẽ sử dụng ông ấy như một cầu nối,” nhận định của Dân Biểu Raja Krishnamoorthi (Dân Chủ-Illinois), thành viên cấp cao của Ủy Ban Chọn Lọc Hạ Viện về đảng Cộng Sản Trung Quốc (House Select Committee on the CCP). Chủ tịch ủy ban này, Dân Biểu John Moolenaar (Cộng Hòa-Michigan), cũng thừa nhận “họ (Bắc Kinh) sẽ sử dụng mọi đòn bẩy mà họ có trong tay.”

Xét về nhiều mặt, ông Trump ít cứng rắn hơn so với đối sách mà (cựu) Tổng Thống Joe Biden dành cho Trung Quốc. Ông Trump áp thuế 20% nhằm vào hàng hóa Trung Quốc, thấp hơn mức thuế 60% mà ông Trump từng đề cập nhiều lần trong chiến dịch tranh cử; thậm chí thấp hơn mức thuế 25% mà ông Trump đánh vào Mexico và Canada. Ông Trump cũng lùi bước trước động thái đóng lỗ hổng thuế mà các tập đoàn Trung Quốc Temu và Shein lợi dụng để đưa hàng hóa vào thị trường Mỹ.

Ngoài ra, loạt động thái của Trump-Musk, từ việc dẹp tiệm USAID đến việc đóng cửa đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) và đài Á Châu Tự Do (RFA), đang mang lại lợi ích chính trị rất lớn cho Trung Quốc. Hành động cắt viện trợ nước ngoài của ông Trump đã giáng một đòn mạnh vào hàng chục tổ chức phi lợi nhuận đang theo dõi tình trạng tham nhũng và vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.

Một trong những câu hỏi nữa đang được đặt ra là ông Trump có can thiệp để bảo vệ Đài Loan trong trường hợp Trung Quốc xâm lược? Ông Musk từng nói rằng Đài Loan nên là một “khu hành chính đặc biệt” của Trung Quốc. Năm 2024, Đài Bắc cho biết họ đang tìm kiếm dịch vụ vệ tinh thay thế SpaceX vì ông Musk có thể cắt bất kỳ lúc nào theo yêu cầu Bắc Kinh và “vì vậy chúng tôi không nghĩ đây là một đối tác đáng tin cậy.”

Ông Musk nhiều lần ca ngợi kỹ năng lãnh đạo của giới cầm quyền Bắc Kinh. Tháng Mười Hai, 2020 khi nhiệm kỳ đầu của ông Trump kết thúc, trong một cuộc trò chuyện với ông Mathias Döpfner, người đứng đầu tập đoàn truyền thông Đức Axel Springer, ông Musk đã phản đối nhận định của ông Döpfner rằng tất cả những gì chính quyền Bắc Kinh làm đều phục vụ cho lợi ích của đảng Cộng Sản.

Những ngày này, trong phòng kín, ông Musk đang nói gì với ông Trump về chính sách dành cho Bắc Kinh? Có điều chắc chắn rằng, lợi nhuận của ông Musk sẽ bị ảnh hưởng nếu ông Trump đánh Trung Quốc một cách thẳng tay.

Vấn đề của ông Elon Musk không chỉ là tình trạng xung đột lợi ích ở Mỹ mà còn là xung đột giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cá nhân, giữa việc phục vụ nước Mỹ với việc phục vụ một quốc gia khác.

Quan hệ Musk-Trung Quốc rõ ràng có quá nhiều chi tiết không bình thường mà đáng lý một tổng thống như ông Donald Trump cần phải thận trọng hơn bất kỳ ai khác. [qd]


 

Tiền Thuế Liên Bang Được Chi Tiêu Ra Sao? Có thực cự bị lãng phí ?

Việt Báo lược dịch

 Ngay trong những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ thứ nhì, tổng thống Trump bắt đầu thực hiện hàng loạt các đợt sa thải nhân viên chính phủ liên bang, với mục tiêu cắt giảm chi tiêu chính phủ. Bộ Hiệu Quả Chính Phủ (DOGE) dưới sự chỉ đạo của tỉ phú Elon Musk tạo cảm giác cho người dân Mỹ rằng chi tiêu chính phủ đồng nghĩa với sự lãng phí tiền thuế của dân. 

Theo một bài phân tích được đăng trên trang mạng Center on Budget and Policy Priorites www.cbpp.org vào ngày 28/01/2025, chính phủ liên bang thu thuế để chi tiêu cho nhiều dịch vụ công khác nhau. Khi các nhà hoạch định chính sách cân nhắc các quyết định về nguồn thu và chi tiêu, người dân cũng nên hiểu chính phủ làm gì với số tiền thuế thu được.

 Theo ước tính của Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội (CBO), trong năm tài chính 2024, chính phủ liên bang Hoa Kỳ đã chi 6.9 nghìn tỷ đô la, tương đương 24% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Khoảng 90% tổng số tiền được dành cho các chương trình liên bang; phần còn lại được dùng để trả lãi cho khoản nợ liên bang. Trong số 6.9 nghìn tỷ đô la đó, gần 4.9 nghìn tỷ đô la được tài trợ bởi nguồn thu liên bang; phần còn lại được tài trợ bằng cách vay nợ.

 Theo biểu đồ trên, có ba lĩnh vực chi tiêu chính chiếm phần lớn ngân sách chính phủ:

 – Bảo hiểm y tế: Bốn chương trình bảo hiểm y tế: Medicare, Medicaid, Chương trình bảo hiểm y tế trẻ em (CHIP), và trợ cấp bảo hiểm y tế theo Đạo Luật Chăm Sóc Y Tế Giá Phải Chăng (ACA, hay Obamacare) chiếm 24% ngân sách năm 2024, hay 1.7 nghìn tỷ đô la. Hơn một nửa số tiền này, 912 tỷ đô la, được chuyển cho Medicare vào tháng 6 năm 2024, cung cấp bảo hiểm y tế cho khoảng 67 triệu người từ 65 tuổi trở lên hoặc người khuyết tật. Phần còn lại là chi phí của Medicaid và CHIP chiếm 626 tỷ đô la; trợ cấp cho ACA  chiếm 125 tỷ đô la. Cả Medicaid và CHIP đều yêu cầu các tiểu bang thanh toán một phần trong tổng chi phí.

 Vào tháng 3 năm 2023, Medicaid và CHIP đã cung cấp bảo hiểm y tế hoặc chăm sóc dài hạn cho 93.9 triệu trẻ em, cha mẹ, người lớn tuổi và người khuyết tật có thu nhập thấp. Con số này cao hơn đáng kể so với 70.9 triệu người ghi danh trước đại dịch Covid-19.

 Vào tháng 2 năm 2024, 20.8 triệu người đã ghi danh chương trình bảo hiểm y tế ACA. Trong tổng số này, 19.3 triệu người (tương đương 93%) đã nhận được trợ cấp giúp giảm phí bảo hiểm và chi phí cá nhân dành cho y tế.

 – An sinh xã hội: Năm 2024, 21% ngân sách liên bang tương đương 1.5 nghìn tỷ đô la đã được chi cho an sinh xã hội. Trong đó, 51.5 triệu người đi làm đã nghỉ hưu được nhận khoản trợ cấp hưu trí hàng tháng trung bình là $1,922. An sinh xã hội cũng cung cấp phúc lợi cho 2.6 triệu vợ/chồng con cái của những người đã nghỉ hưu; 5.8 triệu vợ/chồng con cái của những người đi làm đã qua đời; 8.4 triệu người đi làm khuyết tật cùng những người phụ thuộc.

 – Chi tiêu quốc phòng chiếm 13% ngân sách, hay 872 tỷ đô la. Khoảng 95% ngân sách dùng cho chi phí cơ bản của Bộ Quốc Phòng, chủ yếu là chi phí vận hành và bảo trì; chi phí cho quân nhân; mua sắm vũ khí; nghiên cứu phát triển…

  Bên cạnh ba hạng mục chính, ba hạng mục khác chiếm phần chi tiêu còn lại của ngân sách liên bang, bao gồm:

– Phúc lợi cho cựu chiến binh và người về hưu liên bang: Vào năm 2024, khoảng 8% ngân sách tương đương 526 tỷ đô la dùng để cung cấp phúc lợi cho cựu chiến binh, cựu nhân viên chính phủ liên bang, cả dân sự và quân sự. Khoảng 90% phúc lợi dành cho cựu chiến binh là các khoản chi trả khuyết tật hoặc chăm sóc y tế. Vào tháng 3 năm 2023, có hơn 18 triệu cựu chiến binh từng phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ. Ngoài ra còn có 2.7 triệu người về hưu là công chức liên bang.

– Các chương trình an sinh kinh tế: Khoảng 7% (tương đương 476 tỷ đô la) trong ngân sách liên bang năm 2024 dùng cho các chương trình hỗ trợ các cá nhân và gia đình đang gặp khó khăn. Các chương trình an sinh kinh tế bao gồm: các khoản hoàn lại của khoản tín dụng thuế thu nhập và khoản tín dụng thuế trẻ em nhằm hỗ trợ các gia đình lao động có thu nhập trung binh thấp; các chương trình cung cấp tiền mặt cho các cá nhân hoặc gia đình đủ điều kiện, bao gồm bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp bổ sung cho những người thu nhập thấp trên 65 tuổi hoặc khuyết tật. Ngoài ra còn có nhiều hình thức hỗ trợ cho những người thu nhập thấp, thí dụ như chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung (tem phiếu thực phẩm), bữa ăn tại trường, hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp, hỗ trợ chăm sóc trẻ em….

Các chương trình an sinh kinh tế giúp hàng triệu người vượt qua ngưỡng nghèo đói mỗi năm. Chúng cũng làm giảm, nhưng không xóa bỏ, sự khác biệt về chủng tộc, sắc tộc trong tỷ lệ nghèo đói.

– Các khoản chi tiêu cho những chương trình hỗ trợ nhiều dịch vụ công khác. Chúng bao gồm đầu tư vào giáo dục; đầu tư vào cơ sở hạ tầng cơ bản như đường sá, cầu cống và sân bay; bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường; đầu tư vào nghiên cứu khoa học và y tế… Một phần rất nhỏ, ít hơn 1% ngân sách, được dành cho các chương trình hoạt động quốc tế, bao gồm viện trợ nhân đạo và hoạt động của các tòa đại sứ và lãnh sự quán Hoa Kỳ.

 Ngoài chi tiêu cho những chương trình kể trên, chính phủ liên bang còn phải trả lãi vay thường xuyên cho số tiền đã vay để tài trợ cho các khoản thâm hụt trong quá khứ và hiện tại. Tổng nợ liên bang sau khi trừ tài sản tài chính ở mức 25.9 nghìn tỷ đô la vào cuối năm tài chính 2024; dẫn đến 892 tỷ đô la tiền lãi phải trả vào năm 2024, tương đương 13% ngân sách.

 Những người không ủng hộ nước Mỹ có chính quyền lớn thường nêu lên mối lo ngại về “chi tiêu của chính phủ” một cách không rõ ràng. Điều quan trọng là cần xác định xem các dịch vụ công, các khoản đầu tư được chính phủ tài trợ có lợi ích cho quốc gia, cho người dân hay không

Việt Báo lược dịch

 Nguồn: Policy Basics: Where Do Our Federal Tax Dollars Go? | Center on Budget and Policy Priorities 

 From: taberd & NguyenNThu

12 Lời Khuyên Của Mẹ Hiền…

  1. Đừng biến nỗi buồn thành thói quen. Con có thể buồn, có thể khóc, nhưng nhớ là chỉ trong giây lát. Sau đó, con hãy bỏ ra khỏi đầu tất cả những điều không đáng để nghĩ, không đáng để nhớ. Nỗi buồn không đáng sợ. Nó chỉ đáng sợ khi con biến nó trở thành thói quen… 

  1. Tự chăm sóc bản thân là biểu hiện của việc yêu thương mình… Nếu con không thể yêu thương và trân trọng bản thân thì con chẳng thể mong người nào đó yêu thương mình được.
  1. Con cần tình yêu chứ không cần một người đàn ông. Xung quanh con vẫn còn rất nhiều người đàn ông tốt và xứng đáng hơn là kẻ đã quay lưng lại với mình…. Nếu con quá coi trọng, vật vã vì người đàn ông đã làm con đau lòng, con sẽ khó có thể đứng lên và bắt đầu lại từ đầu.
  1. 4. Hãy nhớ “Gieo hành vi gặt thói quen”. Sau này con hãy rút kinh nghiệm, kể cả trong tình yêu hay công việc, phải luôn rèn luyện để mình tự chủ, độc lập và bản lĩnh, và luôn có thể nói “sẵn sàng” với việc từ bỏ một thói quen không tốt.
  1. Đừng gắn thất bại với cảm xúc cá nhân để dằn vặt bản thân mình…
  1. Đã yêu đừng bao giờ nói câu “hối tiếc”; “Hối tiếc” là từ mẹ không muốn có trong suy nghĩ của con, không chỉ ở tình yêu mà trong mọi việc… Hãy mạnh mẽ và quyết đoán lên con. Hãy học cách chấp nhận sai lầm và đứng lên từ thất bại. Đó mới là cách nghĩ và hành động khôn ngoan của một cô gái trưởng thành…
  1. Hãy tha thứ cho tất cả những việc họ đã làm không phải với ta. Không phải vì họ, mà vì chính bản thân mình con ạ! Rồi sau này con sẽ ngồi và nghĩ lại mọi chuyện của ngày hôm nay, tự nhủ “sao khi xưa mình lại hâm quá thế…”.
  1. Thời gian là liều thuốc quý giá; Thời gian có thể khiến mọi vết thương đóng vẩy và liền da,… Mọi thứ rồi sẽ qua.
  1. Nếu con không thể khiến mình mạnh mẽ để không khóc, thì hãy nhớ điều này: “Người làm cho con khóc nhiều nhất có thể là người con yêu nhất. Người hiểu được những giọt nước mắt của con từ đâu là người yêu con nhất. Nhưng, chỉ có người im lặng lau nước mắt cho con mới là người cuối cùng bên con”.
  1. Đôi lúc con quên mất xung quanh mình có cả một nửa thế giới yêu thương luôn dành cho con… Hãy dành thời gian quý báu đó để chăm sóc bản thân và những người thực sự yêu thương con…
  1. Hãy tìm lại bản thân mình trước khi trượt dài biến mình trở nên già nua, yếu đuối… Con đừng quên, trời sinh ra chúng ta vốn dĩ không thể nhìn thấy sau lưng để chúng ta hiểu rằng sống vì tương lai chứ không phải vì quá khứ.
  1. Sung sướng hay khổ đau không phụ thuộc vào việc con là nam hay nữ; Con nói “làm con gái thật khổ, sau này con sẽ không đẻ con gái để nó phải khổ đâu”… Thành bại hay sướng khổ không nằm ở việc con là trai hay gái. Nó nằm ở việc con sống thế nào, thái độ với cuộc đời ra sao, đối mặt với khó khăn thế nào, và quan điểm hạnh phúc là thế nào…”.

 From: haiphuoc47 & NguyenNThu


 

 Tham vọng chính trị đe dọa hoạt động kinh doanh của Elon Musk (RFI)

 Từ khi Elon Musk được tổng thống Donald Trump mời lãnh đạo DOGE, bộ Hiệu Quả Chính Phủ, để giúp Nhà Trắng giải quyết gánh nặng chi tiêu, giảm bớt nợ công cho Mỹ, 100 tỷ đô la tài sản của người giàu nhất hành tinh đã bốc hơi. Cổ phiếu của Tesla mất hơn 50% so với thời điểm tháng 12/2024. Ngoài hãng xe Tesla, mạng xã hội X hay tập đoàn Starlink trong tay Elon Musk đều khốn đốn do những tính toán « điên rồ » của một người đang « xem trời bằng vung ».

Tỷ phú Elon Musk mặc chiếc áo có dòng chữ "DOGE" trong khuôn viên Nhà Trắng ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 09/03/2025.

Tỷ phú Elon Musk mặc chiếc áo có dòng chữ “DOGE” trong khuôn viên Nhà Trắng ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 09/03/2025. AFP – OLIVER CONTRERAS

Thanh Hà

Elon Musk đang trả giá đắt cho những lập trường chính trị của ông. Chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ trực tiếp nhắm vào Canada đã khiến vùng Ontario thông báo hủy hợp đồng 100 triệu euro trang bị vệ tinh Starlink của Elon Musk. Brazil, một mục tiêu khác của Nhà Trắng, cũng đưa ra một thông báo tương tự. Vào lúc Ukraina chịu sức ép để chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh do Nga khởi động, Washington « tạm ngừng viện trợ quân sự »« ngừng chia sẻ thông tin tình báo » với Kiev, thì Elon Musk dọa ngừng cung cấp dịch vụ cho Ukraina qua hệ thống vệ tinh Starlink. Dù lời đe dọa sau đó đã được Elon Musk cải chính, nhưng đã quá trễ.

Người giàu nhất hành tinh không dừng lại ở đó. Chủ nhân mạng xã hội X tận dụng tất cả những phương tiện có trong tay để « can thiệp vào đời sống chính trị » của châu Âu và nhất là của Nam Phi, sinh quán của ông. Với Elon Musk hiện diện gần như thường trực sát cạnh từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, quan hệ giữa Washington và Pretoria trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, gần đây nhất là qua việc chính quyền Mỹ trục xuất đại sứ Nam Phi ở Washington để phản đối chính sách của Pretoria « ngược đãi cộng đồng người da trắng ».

Việc tự cho phép mình can thiệp vào mọi lĩnh vực khiến Elon Musk bị chỉ trích là « xem thường thiên hạ » và làm xấu đi hình ảnh của X và Starlink, cũng như Tesla, các tập đoàn mà ông điều hành. Ngay cả nước Ý và thủ tướng Giorgia Meloni, vốn có quan hệ cá nhân rất tốt đẹp với tỷ phú Mỹ Elon Musk, cũng đã tuyên bố Roma đang xét lại khả năng trang bị Starlink. Vào lúc nhà cung cấp dịch vụ internet này có nguy cơ bị mất hợp đồng, công ty khởi nghiệp EutelSat của Pháp đã thách thức Starlink, khẳng định « hoàn toàn sẵn sàng thay thế hãng Mỹ cung cấp dịch vụ cho toàn lãnh thổ Ukraina ».

Để mua lại Twitter và đổi tên mạng xã hội này thành X, Elon Musk đã phải đi vay rất nhiều tiền của ngân hàng. Nhưng chính sách của ông ở bộ Hiệu Quả Chính Phủ và lập trường chính trị của doanh nhân xuất chúng này khiến nhiều ngân hàng của Elon Musk trở nên thận trọng. Họ bắt đầu đòi nhà tỷ phú này thoái lui khỏi guồng máy lãnh đạo của mạng xã hội được sử dụng phổ biến nhất thế giới

Nhưng vố đau nhất đối với Elon Musk có lẽ là việc ông đang bị các nhà đầu tư chính, từng sát cánh với Tesla ngay từ đầu, tẩy chay. Hôm 18/03/2025, một trong những nhà đầu tư « nặng ký » nhất của Tesla, ông Ross Gerber, cho rằng đã đến lúc tập đoàn xe điện này của Mỹ cần « tìm người điều hành mới », thay thế Elon Musk đang phải tập trung quá nhiều vào công việc mà tổng thống Mỹ Donald Trump giao phó.

Tính từ ngày 17/12/2024, trong ba tháng, cổ phiếu Tesla mất giá hơn 50%, 700 tỷ đô la trị giá chứng khoán tan thành mây khói. Điều hành một quỹ đầu tư và là nhà tài trợ cho Tesla, Ross Gerber không vòng vo cho rằng đã đến lúc Elon Musk phải ra đi « tránh để làm xấu thêm hình ảnh của công ty ».

Tuyên bố này được đưa ra vào lúc gần như hàng ngày, xe Tesla, các đại lý phân phối của nhãn hiệu này bị đập phá ở Mỹ và châu Âu. Trên thị trường châu Âu, hãng xe điện của Mỹ liên tục bị các đối thủ, nhất là những đối thủ Trung Quốc, lấn sân. Những tuyên bố của Elon Musk ủng hộ đảng cực hữu AfD của Đức trước bầu cử Quốc Hội nước này, những dòng tin ngắn gọn của chủ nhân mạng xã hội X cổ vũ các phong trào cực đoan của Anh, của Pháp…, khiến xe Tesla bán ra trên thị trường châu Âu giảm 47% trong hai tháng đầu năm 2025.

Tại Hoa Kỳ, vì lập trường chính trị của Elon Musk, xe Tesla cũng bị tẩy chay. Đứng đầu bộ Hiệu Quả Chính Phủ, với sự đồng thuận của tổng thống Trump, lãnh đạo tập đoàn Tesla đã mạnh tay sa thải hàng trăm ngàn công chức, đóng cửa nhiều cơ quan trực thuộc chính quyền liên bang Hoa Kỳ, cắt ngân sách các trường đại học Mỹ, tấn công từ giới nghiên cứu khoa học đến giới cựu chiến binh.

Ngoài ra, Nga và Trung Quốc cũng là những yếu tố bất lợi cho hình ảnh và uy tín những tập đoàn mà Elon Musk điều hành. Thêm một thông tin mới bất lợi cho Elon Musk và hình ảnh của các tập đoàn ông điều hành : Matxcơva muốn « hợp tác làm ăn » với Elon Musk.

Vào lúc mà đa số công luận Mỹ « không tin tưởng vào nước Nga » và phản đối thái độ « đầy thiện cảm » của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với đồng cấp Nga Vladimir Putin, một cựu nhân viên mật vụ KGB, báo The Moscow Times đưa tin là sau cuộc điện đàm Trump-Putin hôm 18/03/2025, lãnh đạo quỹ đầu tư của Nga, cánh tay đắc lực của điện Kremlin, Kirill Dmitriev, loan bán kế hoạch « hợp tác cùng thám hiểm sao hỏa với Elon Musk ».

Công luận Mỹ cũng rất thận trọng với Trung Quốc. Đây là một trong những chủ đề hiếm hoi mà chính giới Hoa Kỳ từ cả phe Dân Chủ lẫn Cộng Hòa có sự đồng thuận, thì Elon Musk được biết đến như « một người bạn lớn » của Bắc Kinh. Ông là một trong những lãnh đạo tập đoàn Hoa Kỳ được đích thân chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón. Elon Musk từng trực tiếp « đàm phán » với đương kim thủ tướng Trung Quốc Lý Cường về dự án xây dựng nhà máy Tesla ở Thượng Hải.

Một điều an ủi hiếm hoi đối với Elon Musk từ khi sát cánh với tổng thống Trump đó là thành công ngoạn mục của tập đoàn SpaceX, cộng tác với cơ quan NASA đưa hai phi hành gia Mỹ bị kẹt tại trạm không gian IISS trở về Trái đất một cách an toàn hôm 18/03/2025.