S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Tiếng nước mình

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tưởng Năng Tiến

17/12/2024

Giữa khe cửa trước nhà, bữa rồi, thấy có gài một mẩu giấy quảng cáo – với dòng chữ in đậm – trộn lộn cả hai thứ tiếng Việt/Anh: “Under New Management. Tăng Cường Ẩm Thực. Tăng cường giờ mở cửa tới midnight. Đọc nghe hơi chương chướng nhưng tui cũng hiểu được liền, và còn đoán được luôn tác giả: cha nội Hải Ký Mì Gia – ở ngay ngã tư đầu đường – chớ còn ai vô đó nữa!

Tiệm này “chuyên trị” mì gà chiên và mì vịt tiềm. Thỉnh thoảng, tui vẫn ghé qua và lần nào cũng có trao đổi với chủ nhân đôi câu chào hỏi (xã giao) nên biết cái kiểu nói chuyện và hiểu ý của ổng mà: “Tiệm có quản lý mới. Thực đơn phong phú hơn. Từ đây sẽ mở cho tới tận khuya.”

Ông chủ người Minh Hương, sinh trưởng ở Bạc Liêu, vượt biên hồi đầu thập niên 1980. Dân Việt gốc Hoa, sống ở Mỹ gần nửa thế kỷ mà vẫn viết được “tiếng nước tôi” như vậy là ngon lành cành đào rồi – đúng không?

Tôi đã từng “đụng chuyện” với một vị “người Hoa gốc Tầu” nữa kìa. Ổng viết tiếng Việt (theo kiểu gu gồ) đọc mà muốn khóc bằng … tiếng Tây luôn. Thằng chả (chắc) là chủ nhân của một hãng làm thức ăn khô của Đài Loan hay Hồng Kông gì đó, và sản phẩm được bầy bán ê hề ở California, bao bì cũng in một dòng chữ trộn lộn cả hai thứ tiếng Việt/Anh: Chuẩn Bị Con Cá Mực – Prepared Cuttlefish!

Cái gì vậy, hả Trời? Thông minh tới cỡ tui mà phải mất mấy chục giây mới hiểu (té ra) là … Khô Mực Ăn Liền. Thiệt là thầy chạy!

Tiếng Việt, cũng như dân Việt – trên bước đường lưu lạc – tránh sao khỏi những cảnh ngộ bi hài hay những mảnh đời tơi tả. Kampuchea là nơi không thiếu những cảnh tình này. Nhà báo Ngy Thanh đã từng cảm thán: “Người ta bảo sông có khúc, người có lúc. Thế mà, khúc đời nào của Việt Kiều Cambodia cũng nhiêu khê. Thời nào của họ cũng là thời mạt vận.”

Việt ngữ ở đây cũng thế, cũng “mạt vận” chả khác chi người.

Theo tường trình của MIRO (Minority Rights Organization) thì có khoảng năm phần trăm, hay 750.000 người gốc Việt đang sinh sống ở Xứ Chùa Tháp. Đây là nhóm dân thiểu số đông nhất ở đất nước nhỏ bé này. Phần lớn đều không có được một tờ giấy lận lưng (không khai sinh, cũng không căn cước) nên không được quyền tiếp cận với bất cứ dịch vụ xã hội nào cả. Họ cũng không có quyền sở hữu tài sản hay đất đai gì ráo. Bởi vậy, rất nhiều kiều bào ở Miên hiện vẫn sống trong những túp lều tranh (lều bều như mấy dề lục bình) trên mặt Biển Hồ – Tonlé Sap.

Chắn chắn không nơi nào trên trái đất này mà dân Việt phải sống lam lũ và thảm thương đến thế. Y tế cũng như giáo dục đều là những điều xa xỉ, nói chi đến chuyện báo/đài hay một cái trường (Việt Ngữ) cho những đứa bé luôn trôi nổi bấp bênh.

Vậy mà chả hiểu nhờ vào cơ duyên nào đó, năm 2008, bỗng dưng có vài người Việt từ Canada lặn lội đến tận làng Kampong Luong (Kampong Luong Floating Village) làm tặng cho dân ấp Koh Ka Ek một ngôi trường tử tế.

Mãi đến năm 2014, tôi mới theo chân sư Minh Trí (người sáng lập Hội Vì Dân – Vidan Foundation) lò dò tìm đến chốn này. Tới nơi thì trường học đã nằm chỏng chơ trên cạn vì nổi hết được rồi.

Sau khi gắn vô mấy chục cái thùng phuy nhựa mới (mỗi cái cỡ 25 Mỹ Kim) và dặm thêm một mớ lồ ô hai bên cạnh sườn (không có tre để giữ cân bằng nó sẽ bị bồng bềnh) rồi sửa sang lại chút đỉnh thì kể như êm. Tụi nhỏ lại có cơ hội đến trường ê a (“mờ a ma sắc má” – “ba a ba huyền bà”) như trước.

Năm 2012, lại có thêm một cơ duyên kỳ diệu nữa, người Việt từ Perth (Australia) cũng lặn lội đến tận làng Kandal – thuộc xã Phsar, tỉnh  Kampong Chhnang – để xây tặng cho đồng bào mình một ngôi trường bề thế, tốn kém cả trăm ngàn Mỹ Kim chứ không phải ít.

Vài ba năm sau, sư Minh Trí cũng đưa tui đến đây luôn. Chúng tôi đều hân hoan khi nhìn thấy ba lớp học được dựng trên những cột xi măng vuông vắn và vững chắc, bên trong được trang bị bàn ghế đàng hoàng. Chỉ kẹt cái là nó không có điện, cũng không có nước nên WC vô phương sử dụng.

Chuyện nhỏ thôi (so với tiền của và công sức của bao nhiêu người VN tại Úc) nên chúng tôi hăng hái bắt điện, bơm nước, gắn quạt máy, và còn lát xi măng luôn cả cái nền để vào mùa khô học sinh có chỗ chơi đùa.

Từ đó –  theo sự cắt đặt của nhà sư – tôi vẫn thường trở lại thăm non hai cái trường này (cùng dăm ba lớp học ở vài nơi khác nữa) để mang sách vở bút viết cho học sinh, và chút tiền trợ cấp cho mấy vị giáo viên.

Tới đâu, tôi cũng đều “lớn tiếng” lập đi lập lại cái quan niệm rất thực tiễn và cấp tiến của mình : Xin quý thầy cô đừng quá quan tâm đến Việt Ngữ. Thay vào đó hãy dùng thời giờ dậy các em làm được mấy phép tính (cộng – trừ – nhân – chia) căn bản, và đọc được tiếng Miên để sau này chúng có thể sinh tồn một cách dễ dàng hơn nơi đất nước này.

Cái quan niệm “đúng đắn và cấp tiến” đó, mới đây, vừa bị thử thách (một cách vô cùng nghiêm trọng) khi tôi ghé qua lớp học ở Bati – nằm trong khuôn viên của Chùa Ông Quan Đế, thuộc huyện Peam Ro, tỉnh Prey Veng – vào tháng 11 năm rồi. Đây là một nơi hết sức đặc biệt vì người Việt chả những có chùa (và ban trị sự) mà còn có cả hội đồng hương tề luôn nữa.

Tôi được coi là khách quý, đến tự phương xa, và được hân hạnh họp mặt với tất cả quý vị chức sắc địa phương. Họ đều thuộc vào hàng lão hạng nên tôi rất nhỏ giọng khi lập lại quan niệm (cố hữu) của mình là con cháu chúng ta cần học toán và học tiếng Khmer để sinh tồn, chứ không phải là Việt Ngữ. Mỗi đứa trẻ chỉ được tới trường vài ba năm thôi, mất thời giờ học tiếng Việt làm chi khi mà cái cơ hội đọc được một tờ báo (hay viết một cái thư) bằng Việt Ngữ kể như là bằng không. Chỉ cần sắp nhỏ vẫn nói chuyện bằng tiếng nước mình là cũng đã tốt lắm rồi, chớ…”

Tôi chưa dứt lời mà không khí buổi họp đã trầm hẳn xuống. Những ánh mắt, và những nụ cười chứa chan thiện cảm mà mọi người đã dành cho tôi từ lúc ban đầu (bỗng) tan biến hết trơn. Rồi một vị lão nhiêu, chắc cũng đã bát tuần, mới nhỏ nhẹ đáp lời:

“Chúng tôi lại có chút suy nghĩ khác. Người Việt ở nơi đây từ đời này qua đời nọ nên bây giờ ai cũng đen thủi, đen thui y như người bản xứ. Ngó qua thiệt khó nhận ra là “Duồn” ai là “Miên” nữa. Sự khác biệt chỉ còn ở cái tiếng nước mình thôi. Bởi vậy, khi đã có cơ hội cắp sách đến trường thì ưu tiên là phải dậy bầy trẻ đọc viết tiếng mẹ đẻ cái đã, chớ còn nói như ông thì …”

Ông anh cũng chưa dứt lời nhưng tôi đã cảm được sự đồng tình của mọi người hiện diện. Rồi có lẽ vì quá xúc động (hay quá bất nhẫn) ổng đưa tay gạt nước mắt và ngồi phịch xuống ghế, tựa như là muốn đứng cũng không nổi nữa!

Những “giọt lệ như sương” của vị đồng hương cao niên khiến tôi chợt nhận ra sự nông nổi và thiển cận của mình. Cùng lúc, tôi cũng “ngộ” được đôi điều quan trọng khác:

Nào phải là tình cờ mà những người Việt từ Bắc Mỹ, từ Úc Châu đều đã cất công tìm đến Cambodia để làm trường học. Cũng đâu phải là vô cớ mà chỉ riêng ở tiểu bang California (Hoa Kỳ) đã có đến cả chục Trung Tâm Dậy Việt Ngữ và hầu như ở khắp mọi nơi trên thế giới, nơi đâu có dân Việt là có những lớp học cho trẻ Việt cùng với sự tham gia (tự nguyện) của hàng vạn giáo viên – từ nửa thế kỷ qua.

Khi Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ cho phép giảng dậy Việt Ngữ ở một số trường trung học và đại học tại quốc gia này thì giản dị chỉ vì đó là chủ trương nhân bản và bao dung (đa văn hóa) của xứ sở này. Còn mọi cố gắng, chắt chiu, thương khó để bảo tồn tiếng mẹ đẻ của hàng triệu người dân Việt, đang lưu lạc ở khắp bốn phương (có lẽ) là do sự thôi thúc tiềm ẩn từ vô thức.

Đây là phản ứng tự nhiên từ vô thức tập thể (collective uncounciousness) của cả một giống nòi (trong cơn quốc biến) khi ngôn ngữ của họ đang “bị tha hóa, bị thao túng, bị phá sản một cách có hệ thống” –  theo như lời báo nguy của nhà giáo và nhà báo Thái Hạo.

Lời báo động muộn màng này cũng đã giúp tôi hiểu ra lý do mà sư Minh Trí – sau khi xuất gia, từ bỏ mọi hoạt động chính trị – đã hết lòng tận tụy chăm lo cho những lớp học Việt Ngữ, ở Kampuchea, cho đến … hơi thở cuối!


 

Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en (Mt 1:23-24)-Cha Vương

Chúc bình an đến bạn và gia đình nhé. Ước mong bạn cảm thấy mình được yêu thương và được đón nhận bởi Thiên Chúa đang “ở cùng chúng ta” hôm nay.

Cha Vương

Thứ 4 T3MV: 18/12/2024

TIN MỪNG: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.” Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. (Mt 1:23-24)

SUY NIỆM: Mùa Giáng Sinh, mùa của hy vọng, an bình và niềm vui, đang đến gần, bạn hãy cố gắng đừng để những tổn thương của quá khứ làm bạn cáu kỉnh, khó chịu hoặc căng thẳng—thay vì mong đợi sự ra đời của Hoàng Tử Bình An. Như Thánh Giuse và Đức Mẹ đã một lòng một dạ “xin vâng” với Chúa, bạn hãy noi gương các ngài sống lời “xin vâng” trong mọi hoàn cảnh, hãy dừng lại và suy gẫm mầu nhiệm Cứu Độ—Ngôi Hai Thiên Chúa có mặt sống động với chúng ta “ở đây và lúc này” giữa một xã hội đầy xáo trộn, đe dọa, một thế giới ngập tràn thử thách… Mời bạn hãy cầu nguyện cho nhau để chúng ta biết hết lòng tin tưởng vào tình yêu và sự quan phòng của Chúa của ngay trong lúc chúng ta đang bị lo lắng, cáu kỉnh, bối rối dằn vặt.

LẮNG NGHE: Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta, một người con đã được ban tặng cho ta. Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình. (Is 9:5)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, là Đấng từ bi và giàu lòng xót thương, xin mở lòng con để con chuẩn bị đón Chúa cho xứng đáng. Xin giúp con biết loại bỏ những cảm xúc không lành mạnh đang làm con xa lìa Chúa và anh em.

THỰC HÀNH: Tặng cho người thân yêu của mình món quà “tha thứ” hôm nay nhé.

From: Do Dzung

***************************

Ở Lại với Con – Hiền Thục

CON TIM NGAY LÀNH-Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông”.

“Khủng hoảng bạn gặp có thể gọi là ‘tai ương’ – do tình cờ hay do người khác – thường mang lại cơ hội lớn hơn! Chúng có thể thúc đẩy sự trưởng thành tâm linh, chứng tỏ sự chính trực, tạo cảm giác tòng thuộc vào Chúa. Và nhất là, chuẩn bị bạn cho một sứ vụ đáng kinh ngạc… với điều kiện, trước tiên, bạn phải có một con tim ngay lành!” – Kin Hubbard.

Kính thưa Anh Chị em,

Nhận định trên xem ra được áp dụng triệt để nơi Giuse. Tin Mừng hôm nay hé lộ một ‘tiểu tiết ít ai chú ý’ nhưng rất thú vị là, thiên thần chỉ hiện ra với Giuse sau khi ông quyết định làm một điều lành! Chúa chỉ tiết lộ nhiều hơn kế hoạch của Ngài cho bất cứ ai, miễn là người ấy biết phản ứng trước cơn khủng hoảng bằng một ‘con tim ngay lành!’.

Trước việc Maria có thai – điều quá bất thường đối với một phụ nữ được biết là không thể chê trách – Giuse nghĩ suy, cầu nguyện và phân định. Về mặt pháp lý, Giuse có thể công khai ‘chuyện tình buồn’ của mình như một phương thức giải quyết; nhưng ông đã không làm vậy; trái lại, sẵn sàng để toàn bộ sự việc tự nó giải trình, vì xem ra nó đã được lặng lẽ giao cho Chúa. Và đặc biệt, như thể Giuse để cho Maria được ưu tiên hơn trong mối ngờ vực này! Nghĩ điều lành cho người khác luôn luôn là một nhân đức tuyệt vời! Nó phản ánh lòng trắc ẩn của một ‘con tim ngay lành’. Bao tình bạn kết thúc, bao cuộc chiến bùng nổ, chỉ vì điều tồi tệ đã xảy ra là “do người khác, không phải do tôi!”.

Với Giuse, Thiên Chúa như muốn nói rằng, “Trước một nan đề, con sẽ bắt đầu hiểu Ta hơn một khi con từ tâm nghĩ điều tích cực cho người khác!”. Quả thế, thiên thần Chúa đã đến mặc khải cho Giuse nhiều điều lạ lùng khác ẩn chứa sau cơn khủng hoảng, “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu!”. Ôi, Giêsu ấy là “Chồi non chính trực” Giêrêmia tiên báo – bài đọc một; “Triều đại Người đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị đến muôn đời!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Với những gì thiên thần dạy, Giuse đã thực hiện trọn vẹn; ông tiếp nhận bạn mình! Và điều quan trọng là thời gian sau đó, Giuse đã “ôm lấy Chúa Hài Đồng đến cùng”. Có thể nói, chỉ vì một giấc mơ! Nhưng tại sao chỉ dựa vào tính xác thực của một giấc mơ? Câu trả lời khá đơn giản. Dù chỉ là một giấc mơ, nhưng là một giấc mơ gói trọn – trong đó – một đức tin và một niềm tín thác. Ngoài những gì lý trí cho biết Chúa đã nói với mình, Giuse còn đáp lại Ngài bằng một đức tin quảng đại và một ‘con tim ngay lành’ hào phóng.

Anh Chị em,

“Bạn phải có một ‘con tim ngay lành!’”. Với trái tim nhân ái nghĩ điều tích cực cho người khác, ‘tai ương’ của Giuse đã mang lại cho ngài một “cơ hội lớn hơn!”. Mùa Vọng, mùa để trái tim được đào tạo và chữa lành hầu bạn và tôi có thể trở nên chính trực, tòng thuộc tuyệt đối vào Chúa; từ đó, có khả năng vượt qua các cuộc khủng hoảng, tai ương. Và kìa, như Giuse, Chúa cũng đang chuẩn bị cho chúng ta một sứ vụ đáng kinh ngạc!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con vuột mất “những cơ hội lớn hơn” khi không vượt qua khốn khó. Và như thế, con không thể trải nghiệm những gì bất ngờ Chúa đang chuẩn bị!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

****************************************************

Thứ Tư ngày 18/12 Mùa Vọng

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 22 Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà. 


 

Hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo vào lòng anh em; Lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. (Gc 1:21bc)-Cha Vương

Nào ta hãy chúc tụng và tạ ơn Chúa vì tình yêu bao la của Ngài đã dành cho chúng ta.

Cha Vương

Thứ 3, T3MV: 17/12/2024

TIN MỪNG: Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham:… từ ông Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.  (Mt 1:1,17)

THE GENEALOGY OF JESUS — Lincoln Park UBF

SUY NIỆM: “Nước có Sử, nhà có Phả.”, “Chim có tổ, người có tông.” Là hai câu bạn thường thấy trong những quyển sách nói về gia phả của gia đình. Vào những ngày cuối của Mùa Vọng bạn được nghe đến gia phả của Đức Giê-su Ki-tô. Con người ta sinh ra ai cũng có nguồn cội. Chúa được sinh ra và cũng có cội nguồn vậy. Trong Tân Ước, Đức Giê-su được coi là một Đavít mới.

Vậy Đavít mới có liên hệ gì đến Đavít cũ. Phúc Âm thánh Matthêu tuy trình bày một cách đơn giả nhưng cũng giúp bạn hiểu được mối liên quan của Đấng Cứu Độ và sự cần thiết của ơn cứu độ đối với con người.

Mátthêu muốn bạn lưu ý đến con số 14 trong cách trình bày gia phả của Đức Giêsu: “Từ Abraham đến Đavít có 14 đời; từ Đavít đến thời lưu đày Babylon có 14 đời; từ thời lưu đày Babylon đến Đức Giêsu có 14 đời” (1:17). Tại sao lại là con số 14? Cách giải thích đơn giản và dễ hiểu nhất là bạn hãy đặt mình vào não trạng người Do Thái thời bấy giờ – bởi họ là những độc giả trực tiếp tác phẩm của Matthêu.

Theo quan niệm của họ, con số 14 là con số ám chỉ Đavít. Thật vậy theo mẫu tự tiếng Hipri thì Đavít gồm ba chữ: Đ W Đ (Đawiđ). Đ tương đương với số 4, W số 6 và Đ số 4. Cộng chung lại, ta có số 14. Như thế, có thể nói, khi trình bày gia phả Đức Giêsu trong tương quan với con số 14, ngay từ đầu, Matthêu đã muốn so sánh và gắn liền Đức Giêsu với Đavít.

Đức Giêsu là Đavít mới xuất hiện trong lịch sử dân Người. Đối với người Do Thái, Đavít là nhân vật nổi bật trong lịch sử của họ, không những trên bình diện chính trị xã hội, mà còn trên bình diện tôn giáo nữa. Đó là một khuôn mặt rất tiêu biểu của Israel trong Cựu Ước. Vậy, khi trình bày Đức Giêsu là Đavít mới, Matthêu cũng nhắm trình bày Người là khuôn mặt tiêu biểu, là trung tâm của Dân Chúa trong Tân Ước. Ý tưởng này, được Matthêu nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm của ngài. Thí dụ: Mt 9:27 có viết: “Đang khi Đức Giê-su ra khỏi nơi đó, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: “Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi!”; và Mt 21:9: “Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.”

MCF Life Church: The Joy of Salvation

(Nguồn: WHĐ)

Niềm vui Giáng Sinh là niềm vui cứu độ.

Ơn cứu độ trước hết và trên hết là công trình của Thiên Chúa, Đấng tự đi vào trong lịch sử nhân loại, thông qua mạc khải trong cựu ước và cuối cùng với lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa ơn cứu độ ấy được mạc khải trọn vẹn nơi chính Đức Giêsu Kitô.

Ơn cứu độ là một ân ban như không của Thiên Chúa dành cho con người. Ngài không đòi hỏi nơi con người một điều kiện nào hết mà Ngài chỉ cần con người đáp lại lời mời gọi của Ngài mà thôi. Trong sự cứu độ này Thiên Chúa đã đích thân đến cắm lều cư ngụ giữa con người, Ngài tìm kiếm, hiện diện và trao ban chính Ngài cho bạn. Bạn có sẵn sàng chưa?

LẮNG NGHE: Hãy khiêm tốn đón nhận Lời đã được gieo vào lòng anh em; Lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. (Gc 1:21bc)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin hãy đến và ở lại với con luôn mãi.

THỰC HÀNH: Dọn đường cho ngay thẳng để đón Chúa Cứu Độ nhé.

From: Do Dzung

*****************************

Niềm Vui Ơn Cứu Độ – Vũ Phong Vũ

Cuộc khủng hoảng giá nhà tăng quá tầm đang lan rộng ra toàn cầu

Theo nhật báo Phố Wall – WSJ

Giá nhà và tiền thuê nhà đang tăng nhanh hơn thu nhập ở các thành phố lớn tại châu Âu và nhiều nơi khác. ‘Giá ở Ireland tăng một cách thật điên rồ.’

DUBLIN—Khi cha mẹ Mikey Cullen mới ngoài 20 tuổi, họ đã kiếm đủ tiền với tư cách là công nhân viên chức nhà nước để mua một căn nhà trong thành phố. Ngày nay, Cullen là một giáo viên trung học 27 tuổi sống với mẹ.

Cullen đã chia sẻ một ngôi nhà với chín người bạn cùng phòng, nhưng anh đã chuyển về nhà khi nhận ra rằng anh không đủ khả năng mua nhà riêng ngay cả ở những khu vực rẻ hơn của Dublin. Anh cho biết, việc thuê một căn hộ một phòng ngủ sẽ tiêu tốn phần lớn tiền lương của anh, và việc mua một thứ gì đó là không thể vì giá nhà trung bình gấp tám lần mức lương hàng năm của anh.

Nhiều người Ireland cùng thế hệ với ông cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Năm mươi chín phần trăm người Ireland trưởng thành từ 20 đến 34 tuổi sống với cha mẹ vào năm 2022, tăng từ mức 38% của một thập kỷ trước đó—mức tăng lớn nhất trong số các nước châu Âu lớn, theo báo cáo do chính phủ Ireland ủy quyền.Cullen cho biết: “Giá cả ở Ireland tăng điên rồ. Việc sở hữu một ngôi nhà là điều không khả thi”.

Giáo viên trung học Mikey Cullen ở Dublin đã chuyển về phòng ngủ thời thơ ấu của mình vì anh không đủ khả năng mua một nơi ở riêng.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, trong 50 năm tính đến năm 2021, các quốc gia có giá nhà tăng mạnh nhất trên thế giới là New Zealand, Vương quốc Anh, Canada, Úc và Ireland.

Tại Vancouver, British Columbia, giá nhà trung bình là 1,1 triệu đô la gấp 17 lần thu nhập hộ gia đình trung bình tính đến mùa xuân năm nay, tăng từ 10 lần vào đầu những năm 2000.

Tại Vancouver, British Columbia, giá nhà trung bình tính đến mùa xuân năm nay cao gấp 17 lần thu nhập hộ gia đình trung bình, tăng từ mức 10 lần vào đầu những năm 2000.

Tại Sydney, Úc, nơi chi phí xây dựng tăng cao khiến các nhà phát triển phải tạm dừng nhiều dự án, giá nhà đã tăng từ 9 lần thu nhập trung bình vào năm 2019 lên 12 lần vào đầu năm 2024.

Tại Hoa Kỳ, một nửa số hộ gia đình đã chi ít nhất 30% thu nhập của họ cho tiền thuê nhà và tiện ích vào năm 2022, một mức cao kỷ lục, theo Trung tâm Nghiên cứu Nhà ở Chung của Đại học Harvard.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, giá nhà trên toàn cầu đã điều chỉnh theo lạm phát tăng 32% trong thập kỷ tính đến năm 2021.

Các chính trị gia ở Canada, Anh, Úc, Đức và Hàn Quốc đang cố gắng thúc đẩy xây dựng bằng cách nới lỏng các quy định, bao gồm cả việc mở đất chưa phát triển để xây dựng. Tuy nhiên, các chính phủ quốc gia bị cản trở bởi các quy định của tiểu bang và địa phương có lợi cho chủ nhà hiện tại hơn là người thuê nhà, Hughes và Hilber cho biết.

Ở nhiều nơi trên thế giới, tình trạng thiếu nhà ở đang tạo ra sự chia rẽ giữa các thế hệ. Những người sở hữu nhà lâu năm vẫn ở lại nhà của họ khi giá trị nhà tăng lên. Những người lao động trẻ tuổi dành phần lớn tiền lương của họ để thuê nhà hoặc sống trong phòng ngủ thời thơ ấu của họ.


Lệnh cấm khoáng sản đất hiếm của Trung Cộng sẽ ảnh hưởng đến ‘tất cả các binh chủng’ của quân đội Hoa Kỳ

Theo báo Bưu Điện Hoa Nam

 

Theo báo cáo của một công ty tình báo quốc phòng , lệnh cấm xuất khẩu khoáng sản quan trọng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ có thể làm gián đoạn hơn 1.000 hệ thống sản xuất vũ khí của Hoa Kỳ.
Bản phân tích được Govini công bố ngày 3 tháng 12 cho thấy hơn 20.000 bộ phận riêng lẻ được Lầu Năm Góc và lực lượng bảo vệ bờ biển Hoa Kỳ sử dụng nằm trong lệnh cấm do Bộ thương mại Trung Quốc công bố vào đầu tháng này.
Tác động của lệnh cấm các khoáng sản quan trọng như antimon, gali và germani – được sử dụng trong mọi thứ, từ đạn và dây cáp, đến vũ khí hạt nhân, kính nhìn ban đêm và thậm chí cả pin EV – áp lực sẽ xảy đến trên tất cả các nhánh của quân đội.
Antimon, gali và germani, những khoáng chất bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ, được sử dụng trong mọi thứ, từ kính nhìn ban đêm đến đạn và dây cáp, thậm chí cả vũ khí hạt nhân, một báo cáo cho biết. Ảnh: Lực lượng Phòng không Quốc gia Hoa Kỳ

Theo phân tích, đã có tới 6.335 bộ phận vũ khí cần antimon, 11.351 bộ phận cần gali, trong khi 12.777 bộ phận cần germani.

Báo cáo cho biết: “Mặc dù Hoa Kỳ đã có tính đến các kho dự trữ, việc đảm bảo tính sẵn sàng và duy trì cho các cơ phận làm từ các khoáng sản này trong thời gian lâu dài sẽ đòi hỏi con số chính xác”.

“Điều bắt buộc là [Bộ Quốc phòng] phải có khả năng lập bản đồ cung ứng và dự đoán nhu cầu liên quan đến các hệ thống vũ khí cụ thể… để giảm thiểu hiệu quả rủi ro do các biện pháp kiểm soát xuất khẩu khoáng sản quan trọng gây ra.”

Báo cáo cho biết có 12.486 chuỗi cung ứng cho việc sản xuất các hệ thống vũ khí đòi hỏi phải sử dụng antimon, gali và/hoặc germani, trong số đó có tời 87 phần trăm mạng lưới tức là 10.829 cơ sở cung cấp thuộc về các nhà cung cấp Trung Cộng tại một thời điểm nào đó.

Theo phân tích, tỷ lệ các nhà cung cấp Trung Quốc là 2.427/2.768 của chuỗi cung ứng antimon, trong khi đối với gali, con số này là 4.733/5.583 và germani là 3.669/4.135.

Trung Quốc kiểm soát 98,8 phần trăm sản lượng gali tinh chế của thế giới và chịu trách nhiệm sản xuất 59,2 phần trăm sản lượng germani tinh chế. Ảnh: Reuters

Trung Quốc kiểm soát 98,8 phần trăm sản lượng gali tinh chế của thế giới và chịu trách nhiệm sản xuất 59,2 phần trăm sản lượng germani tinh chế. Ảnh: Reuters

Hải quân Hoa Kỳ có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất, với các tàu khu trục lớp Arleigh Burke, tàu tấn công đổ bộ lớp America và tàu sân bay lớp Nimitz, tất cả đều phụ thuộc vào khoáng sản này cho các hệ thống vũ khí của mình.

Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết Hoa Kỳ đang đánh giá động thái mới nhất của Trung Quốc và sẽ thực hiện “các bước cần thiết” để đáp trả, theo Reuters.

Người phát ngôn cho biết: “Những biện pháp kiểm soát mới này chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường nỗ lực của chúng tôi với các quốc gia khác để giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng quan trọng khỏi Trung Quốc”.


Làm thế nào để Trump kết thúc chiến tranh ở Ukraine

Ba’o Tieng Dan

17/12/2024

Foreign Affairs

Tác giả: Michael McFau

Trần Gia Huấn, chuyển ngữ

12-12-2024

Tóm tắt: Thuyết phục Kyiv đổi lãnh thổ lấy tư cách thành viên NATO

Một người lính Ukraine đang điều khiển pháo xạ gần Chasiv Yar, Ukraine, tháng 11 năm 2024. Nguồn: Oleg Petrasiuk/ Lực lượng vũ trang Ukraine/ Reuters

Khi vận động tranh cử, Trump hứa, nếu đắc cử, Trump sẽ kết thúc chiến tranh Ukraine trong một ngày. Lời cam kết lạc quan này đã trở thành điệp khúc quen thuộc mỗi ngày. Trump là người duy nhất có thể buộc cả Nga và Ukraine phải đình chiến để đàm phán. Việc Trump trở lại Nhà Trắng đã dấy lên lời đồn đoán về một thỏa thuận hòa bình.

Chiến tranh thường kết thúc bằng hai cách: Một bên chiến thắng, hoặc cả hai cùng rơi vào thế bế tắc. Thực tế, cả Ukraine và Nga còn xa mới đến đích chiến thắng, và chưa bế tắc. Riêng Putin thì cho rằng ông đang chiến thắng. Nếu Trump càng dọa cắt viện trợ cho Ukraine, thì Putin càng táo tợn. Không có chuyện Putin ngừng tấn công, khi đối thủ đang rơi vào thế yếu. Nếu Putin cảm thấy Trump và ban lãnh đạo mới ve vuốt, hòa dịu thì Putin sẽ hung hăng lên nhiều.

Bài học mà Trump đã từng thương lượng với Taliban ở nhiệm kỳ 1.0 sẽ giúp Trump biết cách đối phó với Putin. Trump và Taliban đã thỏa thuận những điều khoản có lợi cho Taliban. Chính quyền Biden phải tôn trọng những điều khoản đã ký, gồm lệnh đình chiến, mốc thời gian rút quân, và thành lập chính phủ nhiều thành phần. Taliban không thực hiện lời cam kết, sử dụng lệnh đình chiến như một trạm dừng để giành chiến thắng. Hòa dịu với Taliban không tạo ra hòa bình. Hòa dịu với Putin càng không tạo ra hòa bình. Thay vì cho Putin tất cả những gì Putin muốn để Trump trở thành người đàm phán tài ba, Trump nên nghĩ đến một kế hoạch khuyến khích Ukraine nhường lại phần lãnh thổ mà Nga đang chiếm đóng đổi lấy nền an ninh vững chắc là thành viên NATO. Chỉ có thỏa hiệp này mới mang lại hòa bình lâu dài cho Ukraine.

Con át chủ bài trong tay Trump

Trong những lời hùng biện khi tranh cử, Trump cho rằng sự giúp đỡ Ukraine là vung phí, là kéo dài chiến tranh. Nhưng, nếu cắt viện trợ cho Ukraine bây giờ cũng không mang lại hòa bình. Ngược lại, còn thúc đẩy Putin mở rộng chiến tranh. Để tiến tới một thỏa thuận hòa bình, Trump nên cung cấp viện trợ quân sự đã phê duyệt, và báo hiệu sẽ cung cấp thêm vũ khí tấn công để ngăn đà tiến của Nga, đưa cuộc chiến vào thế bế tắc. Putin chỉ đàm phán khi quân Nga không thể chiếm thêm lãnh thổ, hoặc tốt hơn nữa là Nga bắt đầu thua. Putin chỉ nghiêm túc khi biết Mỹ không bỏ rơi Ukraine.

Trump phải thuyết phục Zelensky ngừng chiến đấu. Đây là một việc khó khăn. Bởi vì, không một tổng thống nào dám từ bỏ lãnh thổ. Từ bỏ đất đai đồng nghĩa với từ bỏ đồng bào. Không một lãnh đạo dân cử nào dám làm điều này. Trong cuộc thăm dò vào mùa thu năm nay, 88% dân Ukraine tin rằng họ sẽ thắng. Nhiều quân nhân Ukraine đang chiến đấu để trả thù cho đồng đội đã hy sinh, sẽ rất khó để hạ vũ khí.

Zelensky và người Ukraine không hy sinh quả cảm, nếu không nhận được thứ gì đó đáng giá như tư cách thành viên NATO. Việc trở thành thành viên NATO ngay lập tức sẽ giúp bù đắp lại những nhượng bộ đầy cay đắng khi cho phép 25% lãnh thổ nằm dưới sự chiếm đóng của Nga. Đây là con bài duy nhất mà Trump có thể chơi để thuyết phục người Ukraine ngừng chiến đấu.

Ukraine thuộc NATO là con đường duy nhất để bảo đảm hòa bình lâu dài cho Ukraine. Đây là bài học phải áp dụng cho bất cứ nơi nào. Bản Đồng thuận Budapest – 1994 giữa Nga, Mỹ, Vương quốc Anh, và Ukraine đã trở thành giấy lộn. Anh và Mỹ không thực hiện cam kết bảo đảm an ninh cho Ukraine, đổi lấy việc Ukraine nhường lại kho vũ khí nguyên tử cho Nga. Người Ukraine thừa hiểu Nga không bao giờ dám đụng đến NATO, nhưng đã xâm lược Georgia năm 2008, xâm lược Ukraine năm 2014, năm 2022, và đang chiếm đóng một phần Moldova.

Người Ukraine đã chứng kiến Nga ký kết, cam kết, thỏa thuận, hiệp ước… nhưng vất bỏ ngay sau đó. Những mảnh giấy có chữ ký chẳng có ý nghĩa gì để ngăn cản những cuộc xâm lăng triền miên của Nga. Người Ukraine có lý. Họ hiểu rằng lệnh ngừng bắn, nhưng không là thành viên NATO, chỉ giúp Nga câu giờ, thêm thời gian tổ chức lại nền công nghiệp quân sự, chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng khác. Chính xác những gì đã xảy ra giữa 2014 đến 2022. Nếu người Ukraine chấp nhận sự chiếm đóng lâu dài của Nga trên ¼ lãnh thổ, thì họ cũng nên nhận được bảo đảm tin tưởng của NATO.

Thời điểm NATO kết nạp Ukraine có ý nghĩa lớn. NATO nên đưa ra lời mời chính thức vào thời điểm Zelensky và Putin tuyên bố ngừng chiến. Sau lời mời, các nước thành viên NATO phải phê chuẩn nhanh chóng. Trump phải đích thân lên tiếng để các thành viên khác không kéo dài quá trình phê chuẩn. Trump đang nắm trong tay vốn liếng chính trị lớn với thủ tướng Viktor Orban và Robert Fico. Trump nên sử dụng đòn bẩy này để kết thúc cuộc chiến đẫm máu ở Ukraine.

Một ngày chiến thắng cho tất cả 

Có ý kiến cho rằng, Putin không bao giờ chấp nhận Ukraine gia nhập NATO. Thế nhưng, việc Ukraine trở thành thành viên NATO không cần phải xin phép Putin, và Putin không có vai vế gì trong việc đàm phán giữa Ukraine và NATO. Cho phép Putin can thiệp vào lộ trình này sẽ bộc lộ sự yếu kém của Mỹ không những với Moscow mà còn cả với Bắc Kinh.

Nhiều người đánh giá quá cao mối quan ngại của Putin về việc Ukraine nhập NATO. Putin xâm lược Ukraine không phải vì lý do mở rộng NATO. Trước 2022, không ai bàn tới tư cách thành viên NATO của Ukraine. Từ Brussels tới Moscow, từ Kyiv tới Washington đều hiểu rõ điều này. Putin xâm lược Ukraine với một mục đích lôi kéo người Ukraine vào Nga để thống nhất nòi giống Slav, và phá hoại nền dân chủ Ukraine hướng về phương Tây. Putin không hề khó chịu khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO vào năm 2023 và 2024. Mặc dù, Phần Lan có chung đường biên giới dài 1400 Km với Nga. Chính Putin đã đẩy Ukraine về phía NATO, chứ NATO không lôi kéo Ukraine.

Hiển nhiên, Nga khăng khăng rằng Ukraine nhập NATO là đe dọa an ninh Nga. Trump có thể giải thích với Putin rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine sẽ khóa tay Ukraine. Zelensky không chấp nhận việc mất lãnh thổ, nhưng một trong những điều kiện để Kyiv được nhập NATO là phải tìm kiếm sự thống nhất lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình. Tây Đức và Nam Hàn đã đồng ý những điều khoản tương tự để đổi lấy những hiệp ước quốc phòng với NATO và Mỹ. Một trong những điều kiện gia nhập NATO là Zelensky phải rút quân khỏi Kursk. NATO là một liên minh phòng thủ. NATO chưa bao giờ tấn công Liên Xô hoặc Nga. Putin hiểu rõ chuyện này.

Thời điểm thích hợp nhất để kết thúc chiến tranh là ngày Ukraine gia nhập NATO. Đó cũng là ngày huy hoàng nhất trong sự nghiệp của Putin. Putin có thể tuyên bố với người Nga và toàn thế giới rằng: Ông đã thành công, đã chiến thắng. Putin sẽ cho duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Bên ông là những nhà lãnh đạo Trung Quốc, Iran, Bắc Triều Tiên, đứng cạnh lăng Lenin. Putin sẽ có một vị trí xứng đáng trong sách giáo khoa lịch sử Nga, ngang hàng với Peter Đại đế, Catherine Đại đế, Nguyên soái Stalin vĩ đại. Putin trở thành một trong những người mở rộng bờ cõi cho đế chế Nga. Putin tuyên bố chiến thắng, và sẽ không phá hỏng bữa tiệc chiến thắng của mình bằng một cuộc xâm lược khác, sẽ không đe dọa hay ngăn cản tư cách thành viên NATO của Ukraine.

Vài chính khách ở Đức và Hung, thường bày tỏ lo lắng: Ukraine gia nhập liên minh sẽ châm ngòi Thế chiến III. Họ lập luận rằng: Nga và đồng minh sẽ mở rộng chiến tranh. Lập luận này sai. Sau ba năm tham chiến cay đắng và đau đớn với Ukraine, Nga không còn hứng thú gì để chiến đấu với một liên minh hùng mạnh nhất thế giới trong đó có quân đội Mỹ. Quân đội Nga đã chịu một tổn thất to lớn về sinh mạng và khí tài, trong lúc chỉ giành được vài chiến thắng nho nhỏ trước đội quân Ukraine yếu hơn. Putin không bao giờ dám gây chiến trực tiếp với Mỹ, khi đã có tới 78,000 tử sĩ trên chiến trường Ukraine. Ước tính số thương và vong của Nga khoảng 400,000 tới 600,000. Đó là chưa kể tới cuộc vật lộn sống mái chống các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Các lãnh đạo Đức cũng nên hiểu những lợi ích to lớn của tư cách thành viên NATO. Tây Đức nhập NATO năm 1955 mà không hề châm ngòi cho Thế Chiến III; trong khi, Tây Berlin bị vây quanh bởi lãnh thổ Đông Đức. Ngược lại, với tư cách thành viên NATO, Tây Đức đã sống sót ngay cạnh Hồng Quân Liên Xô đồn trú ở bên kia biên giới Đông Đức.

Nhìn rộng hơn, Âu châu sẽ hưởng lợi lớn về kinh tế từ một Ukraine ổn định và an toàn. NATO không phải cung cấp hàng tỷ Mỹ kim cho Ukraine, không phải tiếp nhận hàng triệu người tị nạn. Giống như trong Chiến tranh Lạnh, NATO đã tạo điều kiện cho Tây Âu phát triển. Giờ đây, Ukraine thuộc NATO sẽ giúp nền kinh tế của các thành viên khác hưởng lợi, thương mại, đầu tư bùng nổ thời hậu chiến. Mỹ sẽ tiếp cận nguồn khoáng sản quan trọng của Ukraine. Mỹ sẽ giảm phụ thuộc vào những nhà cung cấp chuyên quyền, không đáng tin cậy.

Tâm điểm là Trump

Trump là người hoài nghi về NATO và nguồn viện trợ cho Ukraine, không dễ gì thuyết phục ông đi theo hướng này. Tuy nhiên thỏa thuận trên sẽ giúp Trump đạt được một số mục tiêu của riêng ông. Bằng cách kết nạp Ukraine vào NATO, Trump sẽ giành được một chiến thắng ngoại giao quan trọng là chia sẻ gánh nặng của NATO. Sau khi vào NATO, quân đội Ukraine, chỉ sau một đêm, sẽ trở thành quân đội Âu châu mạnh và giàu kinh nghiệm nhất trong liên minh. Lực lượng võ trang Ukraine có thể được triển khai tới những quốc gia đồng minh khác giúp Washington bớt gánh nặng.

Ukraine sẽ giúp các thành viên NATO có đường biên giới với Nga về kỹ thuật điều khiển phương tiện không người lái trên không, trên biển, và trên bộ mà quân đội Ukraine vô cùng lão luyện. Trump có thể giải thích cho dân Mỹ rằng: Kết nạp Ukraine vào NATO sẽ giúp Mỹ bớt chi tiêu quốc phòng, tập trung ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương.

Kế hoạch này sẽ giúp tránh được sự sụp đổ có thể xảy ra như ở Afghanistan sau khi Mỹ rút quân 2021. Nó cũng tạo ra một nền hòa bình lâu dài ở Âu châu, chứ không phải là lệnh ngưng bắn tạm thời mà Nga dễ dàng xé bỏ. Nếu Trump thành công trong việc môi giới đạt đến thỏa thuận này, ông xứng đáng trở thành ứng cử viên cho giải Nobel Hòa Bình mà ông hằng khao khát.

Không dễ gì thuyết phục Putin và Zelensky hạ vũ khí để đàm phán. Trump sẽ bực bội khi dùng việc hỗ trợ Ukraine làm phương tiện đàm phán. Thế nhưng, cuộc chiến kéo dài bất tận, hoặc đầu hàng Putin thì còn tồi tệ hơn nhiều.

_______

Tác giả: Michael McFau là giáo sư Khoa Chính trị, nghiên cứu viên cao cấp Học viện Hoover, giám đốc viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli tại Đại học Stanford. Ông McFau từng giữ chức Đại sứ Mỹ ở Nga từ năm 2012 tới 2014, và là tác giả của cuốn sách “Từ Chiến Tranh Lạnh Tới Hòa Bình Nóng: Đại sứ Mỹ tại nước Nga của Putin”.


 

Nhiều dịch vụ du lịch ở Cần Thơ đắt khách nhờ trend ‘Đám giỗ bên cồn’

Ba’o Nguoi-Viet

December 16, 2024

CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Các tour thăm viếng Cồn Sơn, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, “ăn nên làm ra” nhờ trend (xu hướng) “Đám giỗ bên cồn.”

Bắt trend “Đám giỗ bên cồn,” một video clip trên mạng xã hội của TikToker Lê Tuấn Khang, nhiều du khách đang ưu tiên chọn tour du lịch ở các cồn, cù lao thuộc các tỉnh miền Tây, kéo theo nhiều dịch vụ đắt khách, giúp người dân địa phương tăng doanh thu dịp cuối năm.

Một đoàn khách thăm viếng bè cá Bảy Bon ở Cồn Sơn, quận Bình Thủy, Cần Thơ. (Hình: Võ Văn Tân/Lao Động)

Nói với báo Lao Động hôm 15 Tháng Mười Hai, anh Võ Thanh Tân, hướng dẫn viên du lịch ở thành phố Cần Thơ, cho biết từ khi xuất hiện trend “Đám giỗ bên cồn,” anh liên tục nhận tour là các đoàn khách về thăm viếng khu du lịch Cồn Sơn, quận Bình Thủy, Cần Thơ, với lượng khách tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Theo anh Tân, hiện mỗi ngày anh và các đồng nghiệp đều có tour dẫn khách thăm viếng, trải nghiệm Cồn Sơn, trung bình mỗi đoàn từ 4-20 người.

“Trong ngày 14 Tháng Mười Hai, tôi cũng có dẫn đoàn khách thăm viếng, vui chơi, trải nghiệm tại Cồn Sơn. Nhiều du khách rất thích thú khi được hòa mình vào không gian miệt vườn, sông nước. Đây là tín hiệu đáng mừng cho các hướng dẫn viên cũng như bà con làm du lịch nơi đây,” anh Tân cho biết.

Theo anh Tân, trong lúc dẫn khách thăm viếng, anh luôn nhận được nhiều câu hỏi như: Tại sao có địa danh cồn; cồn khác cù lao như thế nào, đám giỗ bên cồn có gì thú vị… Do vậy, càng tạo thêm nhiều câu chuyện thú vị về nét đặc trưng của các cồn ở miền Tây, mang lại niềm vui, hứng khởi cho du khách.

Cồn Sơn nổi tiếng với mô hình du lịch cộng đồng, song hiện tại trend “Đám giỗ bên cồn” đang “hot” nên các gia đình nơi đây phải “tăng ca” đón thêm du khách mỗi ngày.

Lượng khách tăng cao nhờ trend “Đám giỗ bên cồn,” giúp người làm du lịch ở Cần Thơ có thêm thu nhập. (Hình: Võ Văn Tân/Lao Động)

Trong đó, bè cá Bảy Bon được du khách biết đến nhiều nhờ các loài cá độc đáo trên bè, trải nghiệm massage chân với cá… Những ngày qua, điểm đến này luôn nhộn nhịp khách thăm viếng.

Tại các điểm thăm viếng khác như vú sữa bà Sáu, cá lóc bay Tín Hoài, trang trại chồn Hương, cốm nổ Cồn Sơn… lượng du khách cũng tăng cao, góp phần cải thiện kinh tế dịp cuối năm cho người dân địa phương.

Ngoài ra, các dịch vụ “ăn theo” khác như cho thuê áo bà ba, phụ kiện, nón lá… tại các điểm gần khu vực Cồn Sơn cũng có thêm lượng khách mới.

Theo chia sẻ của một số hướng dẫn viên du lịch, dự kiến trend “Đám giỗ bên cồn” sẽ còn được nhiều người quan tâm và tiếp tục “hot” đến sang năm. Họ cũng chuẩn bị tinh thần để đón lượng khách lớn trong dịp Tết Dương Lịch và Tết Nguyên Đán Ất Tỵ sắp tới. (Tr.N)


 

CÁCH LUÔN VUI VẺ TRONG CUỘC SỐNG

Chính Trực

(Lời khuyên từ Bà Ngoại)

Luôn nhớ rằng không ai trên đời này là không có vấn đề. Con không phải là người duy nhất gặp khó khăn.

Thử thách là một phần của cuộc sống. Chỉ có người đã chết mới không còn đối mặt với bất kỳ thử thách nào.

Không có vấn đề nào là không thể giải quyết. Mọi nỗi đau con đang trải qua đều có cách tháo gỡ.

Cách con hình dung chính mình trong tâm trí có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc của con. Hãy nhìn nhận bản thân là một người giá trị và xinh đẹp. Đừng tự ti hay hạ thấp chính mình.

Đừng bận tâm những gì người khác nói về con. Có những người thích làm người khác buồn chỉ vì họ là những kẻ bi quan, cay nghiệt.

Kết bạn với những người mang lại niềm vui, tích cực. Tránh xa những ai hay cười nhạo con hoặc đem khó khăn của con ra giễu cợt.

Trong thời gian rảnh, hãy giữ cho bản thân bận rộn với sở thích yêu thích, như đọc sách, học tập, v.v.

Đừng để ai uy hiếp con bằng tiền bạc hay vật chất. Người nghèo hôm nay có thể giàu ngày mai, vì cuộc sống luôn thay đổi.

Dù con đang trải qua điều gì, đừng bao giờ bỏ cuộc. Còn sống là còn hy vọng. Hãy thử thêm một lần nữa.

Hãy siêng năng cầu nguyện. Đừng ngừng ngại cầu nguyện, vì lời cầu nguyện có thể là chất xúc tác đẩy nhanh sự may mắn đến với con.

Hãy can đảm theo đuổi điều con muốn. Cuộc sống luôn chứa đựng rủi ro. Nếu con không dám mạo hiểm, con sẽ không bao giờ đạt được ước mơ.

(St)


 

GIÁNG SINH ĐẶC BIỆT CỦA LÃO PANOV – Leo Tolstoy -Truyen ngan HAY

Truyện ngắn hay nhứt trong mùa Giáng Sinh do Leo Tolstoy phóng tác thành văn xuôi từ vở thoại kịch có tựa đề là ‘Le père Martin’ của Ruben Saillens.  Từ câu chuyện Ông Panov này, ngày nay đã có hàng ngàn phiên bản bằng văn, thơ, kịch khác phổ biến trong văn học thế giới như một thông điệp về nhân ái và hạnh phúc, nhất là trong dịp Lễ Giáng Sinh hàng năm.

GIÁNG SINH ĐẶC BIỆT CỦA LÃO PANOV

 – Leo Tolstoy       

Hôm đó là ngày vọng (trước) Giáng sinh, mặc dù chỉ mới có xế chiều mà đèn đã được thắp lên khắp cả, từ nhà ở cho đến các cửa tiệm trong ngôi làng nhỏ của nước Nga này, bởi vì những ngày mùa đông thì ngắn ngủi và rất chóng tàn.  Những đứa bé vốn lúc nào cũng hớn hở đã chạy nhẩy lon ton ở bên trong và bây giờ, thoát ra từ những khung cửa chớp khép kín, là những âm thanh giống như bị bóp nghẹt của những cuộc trò chuyện và những tiếng cười đùa.

Lão Panov, ông thợ giày của làng, bước ra bên ngoài để có một cái nhìn rảo khắp.  Những âm thanh của hạnh phúc, những ánh đèn rực rỡ và mùi vị thoang thoảng của những món ăn ngon   Giáng sinh làm cho ông nhớ tới những mùa Giáng sinh đã qua khi người vợ của ông vẫn còn sống và những đứa con vẫn còn bé bỏng.  Bây giờ thì mọi người đã đi xa rồi.  Khuôn mặt tươi vui tự nhiên của ông, thường đi đôi với một cặp mắt xe lại vì nếp cười, ẩn nấp sau cặp kính tròn, bây giờ trông buồn rời rợi.  Tuy nhiên, ông đã bước vào trong nhà một cách dứt khoát, kéo cửa chớp xuống và đặt bình cà phê lên bếp than.  Sau đó, với một tiếng thở dài, ông ngả người lên chiếc ghế bành lớn.

Lão Panov thường không đọc sách, nhưng tối nay, ông với lấy cuốn sách Kinh Thánh cũ của gia đình, và từ từ dùng ngón tay trỏ lân lê theo dòng chữ, ông đọc lại câu chuyện Giáng sinh.  Ông đọc tới đoạn Bà Maria và Ông Giuse, mệt mỏi sau cuộc hành trình đi Bêlem, không tìm được một chỗ nào tại nhà trọ, phải sinh đứa con nhỏ trong một chuồng bò.

“Trời đất ơi, Trời đất ơi!” Lão Panov kêu lên, “nếu mà họ đến đây!  Tôi sẽ nhường chiếc giường của tôi cho họ và tôi bảo đảm sẽ lấy tấm chăn bông của tôi để bao bọc cho đứa bé.”

Khi ông đọc tiếp tới đoạn các nhà đạo sĩ đến thăm em bé Giêsu, tặng cho em nhiều món quà tuyệt vời.  Thì sắc mặt của Lão Panov xụ xuống.  “Tôi chẳng có món quà nào cho em cả” ông buồn bã nghĩ thế.

Rồi gương mặt của ông lại tươi lên.  Ông bỏ cuốn Kinh Thánh xuống, đứng dậy và vươn cánh tay dài lên một ngăn tủ ở trên cao trong căn phòng nhỏ.  Ông lấy xuống một chiếc hộp nhỏ đã phủ đầy bụi và mở ra.  Bên trong là một cặp giày nhỏ bằng da hoàn hảo.  Lão Panov mỉm cười hài lòng.  Vâng, đôi giầy vẫn còn tốt như trước – đôi giày tốt nhất mà ông từng làm ra.  “Tôi phải cho em đôi giầy này” ông định bụng như thế, rồi nhẹ nhàng cất chúng đi và ngồi xuống một lần nữa.

Ông bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, và càng đọc thì càng buồn ngủ hơn.  Những giòng chữ bắt đầu nhảy múa trước mắt cho đến khi ông phải nhắm mắt lại, để nghỉ thêm một phút.  Nhưng chẳng bao lâu thì Lão Panov ngủ vùi.

Trong giấc ngủ, ông thấy một giấc mơ.  Ông nằm mơ một người nào đó đang ở trong phòng của mình và ông nhận biết, giống như mọi người đều nhận biết khi ở trong những giấc mơ của họ, ông nhận ra ngay người đó là ai.  Là Chúa Giêsu.

“Panov, nếu con muốn gặp Ta” Chúa nói một cách dịu dàng “thì hãy tìm Ta vào ngày mai.  Đúng ngày Giáng Sinh Ta sẽ đến thăm con.  Nhưng hãy chú ý cẩn thận, Ta sẽ không tỏ cho con biết rõ Ta là ai.”

Cuối cùng thì Lão Panov tỉnh dậy, khi chuông nhà thờ reo vang và một luồng sáng mỏng manh luồn lọc qua khung cửa chớp.  “Chao ôi, vui quá là vui!”  Lão Panov reo lên.  “Đây là ngày Giáng sinh rồi!”

Ông đứng dậy và duỗi mình cho qua cơn nhức mỏi.  Rồi thì khuôn mặt của ông rực lên một niềm vui hạnh phúc vì hồi tưởng lại giấc mơ vừa qua.  Đây sẽ là một ngày Giáng sinh đặc biệt hơn tất cả, vì Chúa Giêsu đến thăm ông.  Ngài sẽ trông giống như thế nào nhỉ?  Sẽ còn là một em bé như lúc Giáng sinh đầu tiên?  Hay sẽ là một người trưởng thành, một anh thợ mộc – hay là một vị vua huy hoàng, xứng đáng với danh phận là Con Đức Chúa Trời?  Ông tự nghĩ phải cẩn thận canh chừng từng giây phút của ngày để có thể nhận ra Ngài khi Ngài ngự đến.

Lão Panov pha một bình cà phê đặc biệt cho bữa ăn sáng Giáng Sinh, kéo cửa chớp của cửa sổ lên và nhìn ra ngoài.  Đường phố còn vắng tanh, không ai cả.  Không ai ngoại trừ ông quét đường.  Ông ta có vẻ khổ sở và bẩn thỉu hơn bao giờ hết, và cũng là đáng kiếp!  Ai mà đi làm việc vào ngày Giáng sinh bao giờ – và lại làm việc trong cái lạnh cay đắng của lớp sương muối trong một buổi sáng như thế này?

Lão Panov mở cửa ra, một làn khí lạnh mỏng lùa vào.  “Vào đây!” ông hô to qua phía bên kia đường bằng một giọng vui vẻ.  “Vào đây uống một chút cà phê cho ấm bụng!”

Ông quét đường nhìn lên, gần như không tin vào tai mình.  Rõ ràng ông ta đã quá sức vui mừng khi được đặt cây chổi xuống và đi vào căn phòng ấm áp.  Quần áo của ông bay phất phới nhẹ nhàng trong cái hơi nóng từ bếp lò thoát ra và ông siết chặt cả hai bàn tay đỏ như gấc vì lạnh vào cái ly ấm áp và đầy an ủi.

Lão Panov hài lòng nhìn ông ta, nhưng thỉnh thoảng vẫn liếc mắt qua khung cửa sổ.  Ông không muốn bỏ lỡ người khách đặc biệt của mình.

“Ông đợi ai đó?” ông quét đường sau cùng phải hỏi như thế và Lão Panov kể cho ông ta về giấc mơ của mình.

“Vâng, tôi hy vọng ông ta tới” ông quét đường nói, “ông vừa tặng cho tôi một chút niềm vui Giáng sinh mà tôi đã không bao giờ mong đợi.  Tôi cũng muốn nói rằng ông xứng đáng có được một giấc mơ trở thành sự thật.”  Và ông ta đã mỉm cười một cách thực lòng.

Khi ông ta đi rồi, Lão Panov cắt nhỏ bắp cải đưa vào nồi súp để dọn bữa ăn, sau đó đi ra cửa nữa, quét mắt nhìn quanh đường phố.  Ông vẫn không thấy ai.  Nhưng thực sự ông đã nhầm.  Có người đang đi đến.

Cô gái bước đi rất chậm chạp và lặng lẽ, dựa sát vào bờ tường của các cửa hàng và nhà ở, phải mất một thời gian dài trước khi ông nhận ra cô nàng.  Cô ta trông thật mệt mỏi và đang mang một cái gì đó.  Khi cô gái tiến gần ông hơn, ông nhận ra rằng ‘cái gì đó’ là một đứa bé, bọc trong một chiếc khăn choàng mỏng.  Có một nỗi buồn u uẩn phảng phất trong khuôn mặt của cô gái và trong khuôn mặt bị ép chặt của đứa bé, đến nỗi trái tim của Lão Panov muốn rơi ra vì họ.

“Xin mời vào nhà” ông bước ra ngoài để gặp họ. “Cô và em bé cần có chút lửa ấm và chút nghỉ ngơi.”

Bà mẹ trẻ để cho ông ta dẫn cô vào nhà và tới với sự thoải mái của chiếc ghế bành.  Cô thở dài nhẹ nhõm.

“Tôi sẽ hâm nóng một chút sữa cho em bé” Lão Panov nói, “Tôi cũng đã có con – tôi có thể cho con bé bú.”  Ông lấy sữa từ bếp lò và cẩn thận cho đứa con gái nhỏ bú bằng muỗng, đồng thời hơ ấm đôi bàn chân nhỏ của nó lên bếp.

“Con bé cần có giày,” ông thợ đóng giày nói.

Nhưng bà mẹ trẻ trả lời: “Tôi không có tiền mua giày đâu, tôi không có chồng để lo chu cấp cho chúng tôi.  Tôi phải đi đến làng bên cạnh để tìm việc làm.”

Một ý nghĩ chợt lóe lên trong trí của Lão Panov.  Ông nhớ lại đôi giày nhỏ ông đã coi lại đêm qua. Nhưng ông muốn giữ đôi giầy ấy cho Chúa Giêsu.  Ông nhìn xuống đôi chân lạnh của đưa bé một lần nữa và rồi làm một quyết tâm.

“Thử đôi giầy này cho con bé” ông vừa nói vừa đưa trả đứa bé cùng với đôi giày cho người mẹ.  Đôi giày nhỏ xinh đẹp đi vào vừa vặn.  Cô gái mỉm cười hạnh phúc và con bé cũng ríu rít lên vì vui sướng.

“Ông tốt với chúng tôi quá,” cô gái nói, và bế đứa bé lên mà đi ra.  “Mong rằng tất cả những ước mơ Giáng sinh của ông trở thành sự thật!”

Nhưng đến lúc này thì Lão Panov đã bắt đầu nghi ngờ cái ước mơ Giáng sinh đặc biệt của mình có thể trở thành sự thật không.  Có lẽ ông đã bỏ lỡ người khách của mình?  Ông lo lắng nhìn lên các đường phố cả trên lẫn dưới.  Vẫn có nhiều người đi qua nhưng toàn là những gương mặt mà ông từng quen biết.  Có nhiều người hàng xóm đi gọi người nhà về.  Họ gật đầu chào và mỉm cười chúc ông Giáng sinh vui vẻ!  Hoặc nhửng tên hành khất – và Lão Panov vội vã gọi họ vào nhà để biếu họ một tô súp nóng và một ổ bánh mì kha khá, rồi cũng vội vã chạy ra cửa để đề phòng ông không bỏ lỡ Người Lạ Mặt Quan Trọng.

Rồi thì chẳng mấy chốc mà cảnh hoàng hôn của mùa đông lại rơi xuống.  Khi Lão Panov đi ra cửa một lần nữa và dù có căng đôi mắt của mình ra đến mấy, ông cũng không còn nhìn thấy một ai trên đường.  Mọi người đều đã về nhà.  Ông chậm rãi đi vào phòng, đóng cửa chớp xuống, và ngồi xuống một cách mệt mỏi trên chiếc ghế bành.

Chỉ là một giấc mơ thôi.  Chúa Giêsu nào có đến.

Nhưng bỗng nhiên ông cảm thấy ông không ở một mình trong phòng.

Điều xảy ra không phải là một giấc mơ vì ông hoàn toàn tỉnh táo.  Đầu tiên, ông thấy trước mắt một hàng dài những người đã đến với ông ngày hôm đó.  Ông già quét đường, người mẹ trẻ và đứa con và những người hành khất mà ông đã cho ăn.

Khi họ đi qua, họ đều thì thầm một câu: “Ông không thấy tôi à, Ông Panov?”

“Bạn là ai?” ông kêu lên, hoang mang.

Lập tức, một giọng nói khác trả lời ông.  Đó là giọng nói từ giấc mơ – giọng của Chúa Giêsu.

“Ta đói, ngươi đã cho ăn,” Chúa nói.  “Ta trần chuồng và ngươi đã cho mặc.  Ta lạnh và ngươi sưởi ấm cho Ta.  Hôm nay Ta đến thăm ngươi qua tất cả những người mà ngươi đã mời vào mà cứu giúp.”

Rồi sau đó, là một sự tĩnh mịch.  Chỉ còn tiếng tíc tắc của chiếc đồng hồ lớn.  Một sự bình an và hạnh phúc lớn lao lấp đầy căn phòng nhỏ, tràn ngập trái tim của Lão Panov đến nỗi Lão phải phá lên cười, hát vang và nhảy múa hân hoan.

“Ngài đến thật rồi!” ông chỉ nói được như thế mà thôi.

Leo Tolstoy

Trần Mạnh Trác dịch

From: Langthangchieutim


 

CỘI NGUỒN BẤT TỬ – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô”.

“Không ai dám bảo, tôi không cần được cứu chuộc, vì tất cả cần được tháp nhập vào gia đình của Chúa Kitô bằng đức tin. Ơn cứu độ thay đổi gốc gác của bạn và tôi, từ một cội nguồn chết chóc nay là cội nguồn bất tử; vì nó phát xuất từ tình yêu!” – Branon.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay – một bản văn khô khan – tựa hồ một “danh bạ điện thoại”. Không! Nó là gia phả của Chúa Kitô, một lịch sử thuần tuý nói lên một điều tối quan trọng: Thiên Chúa muốn đưa chính Ngài vào lịch sử – Thiên Chúa ở cùng chúng ta – Ngài cùng chúng ta bước đi trên con đường trần. Nhờ đó, bạn và tôi có một ‘cội nguồn bất tử!’.

Tuy nhiên, ngoài gia phả của Chúa Giêsu, Thánh Kinh còn có gia phả của Ađam! Không tin, bạn đọc Sáng Thế chương 5. Cả hai tạo nên một tương phản độc đáo! Gia phả của Ađam là hồ sơ về những cái chết; của Chúa Giêsu là hồ sơ về sự sống – những cuộc sinh ra! Một bên, các từ “rồi chết”, “rồi chết”; bên kia, “sinh ra”, “sinh ra” lặp đi lặp lại hàng chục lần. Từ “chết” tuyệt nhiên không có trong gia phả của Chúa Giêsu!

Chúa Kitô đã làm người để cứu chuộc con người, nhờ cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài, chúng ta được làm con Chúa. Lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, bạn và tôi có một ‘cội nguồn bất tử’; có cùng một sứ mệnh phải hoàn thành. Và đây là điều mang lại ý nghĩa cho toàn bộ sự tồn tại của mỗi người: được tháp nhập vào Chúa Kitô; trở nên con người mới – tinh tuyền, thánh thiện – và cùng Ngài, mở rộng Vương Quốc!

Thiên Chúa là tình yêu! Ngài đã làm người, đã hứa cho Abraham “Tổ phụ nhiều dân tộc”; “Vương trượng sẽ không rời khỏi Giuđa, cho tới khi người làm chủ vương trượng đến” – bài đọc một; “Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị đến muôn đời” – Thánh Vịnh đáp ca. Tất cả cho thấy Thiên Chúa luôn thành tín với điều Ngài hứa vốn hiện thực nơi Chúa Kitô; Ngài là Đấng mà Phêrô sẽ tuyên tín, “Ngoài Ngài ra, không ai đem lại ơn cứu độ!”. Hưởng nhận ơn cứu độ của Chúa Kitô, bạn và tôi bất tử!

“Chúng ta không phải là một sản phẩm ngẫu nhiên và vô nghĩa, nhưng bắt nguồn từ suy tư và ý muốn của Thiên Chúa. Mỗi chúng ta được mong đợi, được yêu thương bởi Ngài!” – Bênêđictô 16. Mùa Vọng, mùa tạ ơn Thiên Chúa đã làm người để con người làm con Chúa; mùa nghĩ về ‘cội nguồn bất tử’ và căn tính đời mình; và mùa Vọng còn là mùa sống ‘con người mới’ trong Chúa Kitô, mùa lên đường mở rộng Vương Quốc!

Anh Chị em,

“Tên bạn được ghi trong gia phả nào?”. Trong gia phả của Chúa Kitô! “Thiên Chúa đồng bản thể với chúng ta. Ngài tạo nên lịch sử với chúng ta. Niềm vui của Ngài là chia sẻ sự sống của Ngài cho chúng ta. Gần lễ Giáng Sinh, hãy suy ngẫm: Nếu Thiên Chúa đã tạo nên câu chuyện của Ngài với chúng ta, nếu Ngài lấy họ hàng của Ngài từ chúng ta, nếu Ngài để chúng ta viết câu chuyện của Ngài, thì ít nhất, chúng ta hãy để Ngài viết câu chuyện của chúng ta. Và đó là sự thánh thiện: “Để Chúa viết câu chuyện của chúng ta!”. Và đó là lời chúc Giáng Sinh cho bạn và tôi. Xin Chúa viết câu chuyện của bạn và xin bạn để Ngài viết nó cho bạn!” – Phanxicô.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa làm người ở giữa chúng con, ở với chúng con và trong chúng con! Đừng để con suy tưởng, ước muốn và hành động những gì chết chóc!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: Kim Bang Nguyen

********************************

Thứ Ba, ngày 17 Tháng 12, Mùa Vọng

Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

1 Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu ông Áp-ra-ham:

2 Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác; I-xa-ác sinh Gia-cóp; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này; 3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron; Khét-xơ-ron sinh A-ram; 4 A-ram sinh Am-mi-na-đáp; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son; Nác-son sinh Xan-môn; 5 Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết; Ô-vết sinh Gie-sê; 6 Gie-sê sinh Đa-vít.

Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn; 7 Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia; A-vi-gia sinh A-xa; 8 A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram; Giô-ram sinh Út-di-gia; 9 Út-di-gia sinh Gio-tham; Gio-tham sinh A-khát; A-khát sinh Khít-ki-gia; 10 Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se; Mơ-na-se sinh A-môn; A-môn sinh Giô-si-gia; 11 Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.

12 Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven; 13 Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút; A-vi-hút sinh En-gia-kim; En-gia-kim sinh A-do; 14 A-do sinh Xa-đốc; Xa-đốc sinh A-khin; A-khin sinh Ê-li-hút; 15 Ê-li-hút sinh E-la-da; E-la-da sinh Mát-than; Mát-than sinh Gia-cóp; 16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

17 Như thế, tính chung lại thì: từ ông Áp-ra-ham đến vua Đa-vít, là mười bốn đời; từ vua Đa-vít đến thời lưu đày ở Ba-by-lon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Ba-by-lon đến Đức Ki-tô, cũng là mười bốn đời.


 

SẴN SÀNG CHO GIÁNG SINH- Rev. Ron Rolheiser, OMI

Rev. Ron Rolheiser, OMI

Nhiều người bước vào lễ Giáng Sinh một cách mệt mỏi, bận rộn, xao lãng, và bị vắt kiệt với đủ mọi ánh đèn, ca nhạc, và ăn mừng Giáng sinh.  Mùa Vọng là thời gian chuẩn bị cho Giáng Sinh, nhưng với nhiều người trong chúng ta, đây không phải là thời gian chuẩn bị để Chúa Kitô có thể sinh ra lần nữa một cách sâu đậm trong đời sống mình.  Thay vào đó, việc chuẩn bị cho Giáng Sinh, hầu như là để chuẩn bị cho các buổi ăn mừng với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.  Những ngày hướng đến Giáng Sinh hiếm khi được yên bình.  Thay vào đó, chúng ta cứ hối hả vội vã lo trang trí, mua quà, gởi thiệp, chuẩn bị đồ ăn, và dự các liên hoan Giáng Sinh.  Hơn nữa, khi Giáng Sinh về, chúng ta đã chán ngấy các bài hát Giáng Sinh, đã nghe chúng cả trong các điệu nhạc giật gân trong các trung tâm mua sắm, trong nhà hàng, quảng trường, và trên đài phát thanh.

Và rồi Giáng Sinh đến với chúng ta trong một không gian chật chội và mệt mỏi, chứ không thư thái và yên bình.  Thật vậy, đôi khi mùa Giáng Sinh như bài kiểm tra sức chịu đựng hơn là thời gian vui vẻ thực sự.  Hơn nữa, và còn nghiêm trọng hơn, nếu chúng ta thành thật với bản thân, chúng ta phải công nhận, trong khi chuẩn bị chúng ta ít chừa chỗ cho việc thiêng liêng, cho Chúa Kitô sinh ra một cách sâu đậm trong lòng mình.  Thời gian chuẩn bị thường dành để chuẩn bị nhà cửa hơn là chuẩn bị tâm hồn, mua sắm hơn là cầu nguyện, tiệc tùng hơn là chay tịnh chuẩn bị cho đại lễ.  Mùa Vọng thời nay có lẽ là để ăn mừng trước hơn là chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh.

Và kết quả là, như các chủ trọ đã không còn phòng cho Đức Mẹ và thánh Giuse trong mùa Giáng Sinh, chúng ta cũng thường “không còn phòng” không còn chỗ trong đời mình cho sự tái giáng sinh thiêng liêng.  Lòng chúng ta thì tốt, chúng ta muốn Giáng Sinh tái sinh chúng ta về đường thiêng liêng, nhưng cuộc sống của chúng ta quá nhiều áp lực, quá nhiều hoạt động và quá mệt mỏi, đến nỗi chúng ta không còn sinh lực thực sự để làm cho Giáng Sinh trở nên thời gian đặc biệt để canh tân tâm hồn mình.  Tinh thần Giáng Sinh vẫn ở trong chúng ta, vẫn thật, nhưng như đứa trẻ trong nôi bị bỏ bê đang chờ được bồng ẵm.  Và chúng ta muốn bồng đứa trẻ lên, nhưng lại không bao giờ đến gần cái nôi cả.

Vậy thì chúng ta thật tệ biết bao?

Điều này thách thức chúng ta hãy nhìn vào chính mình, nhưng không đến nỗi xấu như nhiều chỉ trích lòng đạo thường hay nói đâu.  Dự lễ Giáng Sinh với một cuộc sống quá bận rộn và quá lơ là việc dành chỗ cho Chúa Kitô, không biến chúng ta thành người xấu.  Như thế không có nghĩa chúng ta là những kẻ ngoại đạo vô tâm.  Và cũng không có nghĩa là Chúa Kitô đã chết trong lòng chúng ta.  Chúng ta không xấu xa, mất đức tin và ngoại đạo chỉ vì chúng ta hướng đến Giáng Sinh theo thói quen một cách quá lơ là, quá bận rộn, quá áp lực và quá mệt mỏi đến nỗi không thể có một nỗ lực ý thức để làm cho đại lễ này trở thành dịp để canh tân linh hồn thực sự trong đời mình.  Tình trạng thờ ơ đường thiêng liêng của chúng ta định rõ chúng ta là con người hơn là thiên thần, trần tục hơn là thuần khiết, và duy cảm hơn là duy thiêng.  Tôi cho rằng Chúa hoàn toàn hiểu tình trạng này của chúng ta.

Thực sự, tất cả mọi người đều đấu tranh với điều này theo nhiều cách.  Không ai hoàn hảo, không ai dành trọn không gian của đời mình cho Chúa Kitô, ngay cả trong thời gian Giáng Sinh.  Điều này sẽ cho chúng ta đôi chút an ủi.  Nhưng cũng cho chúng ta một thách thức cấp thiết.  Trong cuộc sống bận rộn và lơ đãng của chúng ta, có quá ít chỗ cho Chúa Kitô!  Chúng ta phải hành động dọn đôi chỗ cho Chúa Kitô, khi làm cho Giáng Sinh thành một thời gian phục hồi linh hồn và canh tân đời sống.

Làm sao chúng ta làm được chuyện này?

Trong những ngày cận kề Giáng Sinh, chúng ta cố gắng làm đủ mọi chuyện cần thiết để sẵn sàng cho tất cả những gì cần có trong nhà, trong nhà thờ, và nơi làm việc.  Chúng ta đi mua quà, gởi thiệp, treo đèn và trang trí, soạn thực đơn, mua đồ ăn, dự đủ tiệc liên hoan Giáng Sinh ở nơi làm việc, nhà thờ và nhà bạn bè.  Điều này, cộng thêm vào áp lực sẵn có trong cuộc sống, thường làm cho chúng ta nghĩ: Tôi sẽ không làm được!  Tôi sẽ không sẵn sàng!  Tôi sẽ không sẵn sàng cho Giáng Sinh!  Đây là cảm giác chung của mọi người.

Nhưng, sẵn sàng cho Giáng Sinh, làm mọi việc cần làm, không phải là hoàn tất các việc chúng ta đã lên danh sách như mua quà, gởi thiệp, thức ăn, các bổn phận xã hội.  Ngay cả khi danh sách những việc cần làm chỉ mới xong được một nửa, nhưng nếu bạn đi lễ nhà thờ ngày Giáng Sinh, nếu bạn ngồi được trong bàn ăn với gia đình vào ngày Giáng Sinh, và nếu bạn thăm hỏi hàng xóm và đồng bạn với đôi chút nồng hậu hơn, thì điều này không có nghĩa là bạn lơ là, mệt mỏi, quá tải, và không suy nghĩ rõ về Chúa Giêsu, và có nghĩa là bạn đã làm trọn những việc để đón Giáng Sinh rồi đó.

 Rev. Ron Rolheiser, OMI

From: ngocnga_12 & NguyenNThu