Ai được lãnh bí tích Thêm sức? – Cha Vương

 Ước mong bạn cảm nhận được Chúa là nguồn nước mát lòng giữa trời nắng nóng. Đừng quên cầu nguyện cho nhau nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 26/6/2025 -22/23

GIÁO LÝ: Ai được lãnh bí tích Thêm sức? Họ phải chuẩn bị thế nào? Những ai là Kitô hữu (đã lãnh bí tích Rửa tội), có ơn nghĩa Chúa, đều được nhận lãnh bí tích Thêm sức. (YouCat, số 206)

SUY NIỆM: “Có ơn nghĩa Chúa” là không phạm tội nặng. Phạm tội nặng là rời khỏi Chúa, và chỉ có thể làm hòa với Chúa nhờ bí tích Giao hòa. Một bạn trẻ Kitô hữu sửa soạn lãnh bí tích Thêm sức là bước vào một giai đoạn trong những giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời mình. Bạn sẽ phải làm mọi sự để hiểu đức tin bằng cả tâm hồn và trí lực mình, bạn phải cầu nguyện Chúa Thánh thần, một mình và với người khác, phải làm hòa với bản thân, với người thân cận, và với Chúa, nhờ việc xưng tội cũng giúp bạn gần gũi với Chúa khi bạn không phạm tội nặng. (YouCat, số 206 t.t.)

❦  Điều quan trọng đó là bắt đầu một cách quyết tâm.—Thánh Têrêsa Avila

LẮNG NGHE: Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được. (Mt 6:24)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần, mỗi ngày trôi qua sẽ mãi mãi không quay trở lại, vì vậy ngay từ bây giờ, xin giúp con làm hòa với bản thân, với người thân cận, và với Chúa để sống vui vẻ trong ơn nghĩa Chúa mỗi ngày.

THỰC HÀNH: Ngày hôm nay tôi sẽ quyết tâm sống bác ái yêu thương hơn. 

From: Do Dzung

**************************

HỒNG ÂN CHÚA NHƯ MƯA

BÀN THẠCH – TRỤ ĐỒNG – TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

Bàn thạch Phê-rô trường tồn thay!
Đồng trụ Phao-lô trường tồn đây!

 Đó là lời trích từ bài thánh ca của nhạc sĩ Hùng Lân và Hùng Thái Hoan mang tựa đề “Hai người tiên phong.”  Lời của bài thánh ca diễn tả vai trò quan trọng của hai vị Tông đồ đối với Giáo hội, là cộng đoàn do Chúa Giê-su thiết lập.  Phê-rô được ví như bàn thạch; Phao-lô được sánh như trụ đồng.  Chúa Giê-su đã nói với Phê-rô: “Anh là Kê-pha, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).  Người cũng nói với Phao-lô: “Ta hiện ra với ngươi là để chọn ngươi làm đầy tớ và làm chứng nhân về những điều ngươi đã thấy, cũng như những điều ta sẽ hiện ra mà tỏ cho ngươi biết” (Cv 26,16).  Phao-lô luôn ý thức ơn Chúa gọi, và ông đã khẳng định: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người.  Người đã đoái thương mặc khải Con của Người cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng về Con của Người cho các dân ngoại” (Gl 1,15-16).

 Dù còn mang nhiều yếu tố nhân loại, Giáo hội Ki-tô không phải là công trình của con người, nhưng là công trình của Thiên Chúa.  Thiên Chúa có kế hoạch của Ngài trong việc thiết lập và điều khiển cộng đoàn những người tôn thờ Chúa.  Qua hai vị tông đồ là Phê-rô và Phao-lô, chúng ta thấy sự kỳ diệu của chương trình này.  Nếu Phê-rô là bàn thạch của ngôi nhà Giáo hội, thì Phao-lô là trụ đồng để nâng đỡ ngôi nhà đó.  Không có bàn thạch, ngôi nhà không thể bền vững với thời gian; không có trụ đồng, ngôi nhà không thể che chắn bão mưa giăng đầy.  Qua các thư, nhất là thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô đã trình bày một hệ thống giáo lý chắc chắn và có sức thuyết phục đối với người Do Thái cũng như dân ngoại.  Ông khẳng định: “Ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Mô-sê.  Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô.  Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai” (Rm 3,21-22).  Với khẳng định này, Phao-lô đã đưa nhân loại sang một trang sử mới, đó là trang sử được viết bằng máu Đức Giê-su và chiến thắng của Người trên sự chết.

 Nếu Phê-rô, vốn là một người dân chài đơn sơ chất phác, hăng hái làm chứng về Đức Giê-su phục sinh, thì Phao-lô, một người uyên bác đã học theo trường phái Ga-ma-li-en (x.Cv 22,30), lại ưu tư xây dựng một hệ thống giáo lý với mục đích trình bày kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa nay đã được thực hiện trong Đức Giê-su Ki-tô.

 Nếu Ki-tô giáo chỉ có Phê-rô, có thể Giáo hội chỉ đến với giới bình dân và giới hạn nơi người Do Thái; Nếu Ki-tô giáo chỉ có Phao-lô, Giáo hội sẽ chỉ có những người uyên thâm trí thức.  Hai vị thánh này đã tạo nên một hình ảnh hài hòa đa chiều về cộng đoàn tín hữu do Chúa Giê-su thiết lập.  Sự hài hòa ấy được diễn tả trong Kinh Tiền tụng của ngày lễ: “Thánh Phê-rô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phao-lô là người làm sáng tỏ đức tin.  Thánh Phê-rô thiết lập Hội thánh tiên khởi cho người Ít-ra-en, thánh Phao-lô là thầy giảng dạy muôn dân.”  Chính việc “làm sáng tỏ đức tin” này đã làm cho Phao-lô trở thành cột trụ vững chắc của Giáo hội, nhất là khi phải đối diện với thù trong giặc ngoài. Khởi đi từ giáo huấn của thánh Phao-lô, Giáo hội có thể đối thoại với mọi nền văn hóa và mọi thời đại.

 Để trung thành với sứ mạng Chúa Giê-su trao phó, hai vị thánh tông đồ của chúng ta đã đều chấp nhận cái chết.  Cuộc tử đạo của các ngài đã làm nên sức mạnh của cộng đoàn tín hữu tiên khởi.  “Tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi.  Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ niềm tin.  Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính.”  (2 Tm 6-8).  Những lời trải lòng của Phao-lô với người môn sinh của mình đã cho thấy ông luôn sẵn sàng chấp nhận hy sinh làm lễ tế dâng lên Thiên Chúa.  Vị Tông đồ luôn xác tín vào quyền năng và tình yêu thương của Thiên Chúa, chắc chắn sẽ được đón nhận phần thưởng thiên quốc, vì suốt đời ông đã chiến đấu cho chính nghĩa.

 Ngày lễ hôm nay vừa nhắc lại nền tảng vững chắc của Giáo hội Chúa Ki-tô, vừa mời gọi mỗi tín hữu hiệp thông với Đức Giáo hoàng Rô-ma, người kế vị thánh Phê-rô để lãnh đạo Giáo hội.  Phụng vụ cũng mời gọi chúng ta noi gương các ngài để chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa, làm cho vương quốc của Thiên Chúa lan rộng trên trần gian.  Mỗi Ki-tô hữu là một tông đồ, tức là người được sai đi để loan báo Lời Chúa.  Nhờ lời chuyển cầu của hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô, xin cho chúng ta có sức mạnh và nhiệt tình để thực thi sứ vụ cao cả này.

 TGM Giu-se Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim


 

THÀNH TỰU LỚN NHẤT-(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ta không hề biết các ngươi!”.

“Biết ý Chúa là kiến thức lớn nhất; tìm thấy ý Chúa là khám phá lớn nhất; làm theo ý Chúa là thành tựu lớn nhất!” – GW Truett.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho thấy bản chất của sự cứu rỗi là sống mối quan hệ yêu thương với Thiên Chúa. Đó là ‘thành tựu lớn nhất’ của một cuộc sống, hầu cuối đời, không ai phải nghe những lời không thể đau đớn hơn, “Ta không hề biết các ngươi!”.

Chúa Giêsu đến, thiết lập lại cho chúng ta khả năng sống trong tình bạn với Thiên Chúa. Ngài quan tâm đến chúng ta như những con người sẽ sống với Ngài ngay bây giờ và mãi mãi trong sự hiệp thông – hiểu biết và yêu thương. Đó là điều thực sự quan trọng; nó thậm chí còn quan trọng hơn cả việc nói tiên tri, trừ quỷ và làm phép lạ. Ngài biết chúng ta dễ dàng đánh mất tầm nhìn về những điều cốt yếu và trở nên mất phương hướng; chúng ta có thể quá say mê những thành tựu thế gian – tài sản, nổi tiếng, thú vui – đến nỗi cắt đứt bản thân khỏi tình bạn với Ngài. Ngài không muốn điều đó. “Chúng ta chỉ thật sự xây dựng đời mình trên đá khi dám để Lời Chúa uốn nắn mọi lựa chọn, không phải theo cảm xúc hay sự tiện lợi!” – Henri Nouwen.

Thành công trong mắt Chúa Giêsu rất khác với thành công trong mắt thế gian. Trong mắt Ngài, thành công được đo bằng cách chúng ta phản ứng với những thất bại. Cả ngôi nhà xây trên cát và ngôi nhà xây trên đá đều phải hứng chịu bão tố; một điều gì đó khủng khiếp – một loại thất bại hoặc thảm hoạ nào đó – sẽ tấn công cả hai. Trước giông bão, nhà xây trên cát sẽ sụp đổ, nhà xây trên đá sẽ tồn tại. Nếu đặt niềm tin vào Chúa Giêsu, đưa ra những quyết định theo sự khôn ngoan và ân sủng của Ngài, chúng ta đang xây dựng cuộc sống của mình trên đá. “Không phải chỉ nghe Lời Chúa, nhưng là sống nó, mới làm cho người ta nên khôn ngoan và vững vàng trong tâm hồn!” – Thomas à Kempis.

“Chúng ta không được kêu gọi để làm điều dễ dàng, mà là điều đúng. Và điều đúng đó được xây dựng trên đá tảng, chứ không phải cát lún!” – C.S. Lewis. Vì vậy, cả khi bị ngược đãi, bị từ chối hoặc bất kỳ đau khổ nào, chúng ta vẫn sẽ đứng vững vì đã được neo giữ trong lẽ thật và tình yêu của Chúa. Và đó là ‘thành tựu lớn nhất’.

Anh Chị em,

“Ta không hề biết các ngươi!”. “Nhiều người sẽ ngạc nhiên trong ngày sau hết – họ tưởng rằng biết về Chúa là đủ, nhưng lại chưa bao giờ biết Ngài bằng con tim!” – Fulton J. Sheen. Chúa Giêsu để chúng ta tự quyết định số phận vĩnh cửu của mình. Ngài nói với chúng ta một cách rõ ràng, mỗi người có quyền lựa chọn cách sống và cách xây dựng đời mình trên cát hoặc trên đá. Ngài không ép buộc ai sống cuộc sống theo cách mà người ấy phải sống; thay vào đó, Ngài ban cho chúng ta khả năng lựa chọn con đường đúng đắn và Ngài làm những gì có thể để thuyết phục chúng ta đưa ra lựa chọn đó, Ngài để chúng ta thực sự tự do lựa chọn cho mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con hiểu rằng, con chỉ thật sự xây dựng đời mình trên đá khi con để Lời Chúa uốn nắn mọi lựa chọn, không phải theo cảm xúc hay sự tiện lợi!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

*********************************************

Thứ Năm Tuần XII Thường Niên, Năm Lẻ

Nhà xây trên đá và nhà xây trên cát.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.   Mt 7,21-29

21 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : ‘Lạy Chúa ! lạy Chúa !’ là sẽ được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. 22 Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng : ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao ?’ 23 Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ : ‘Ta không hề biết các ngươi ; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác !’ 24 “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. 25 Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. 26 Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. 27 Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.

28 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, dân chúng sửng sốt về lời giảng dạy của Người, 29 vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư của họ.


 

 Tại sao bạn không biết trân trọng ?

Chuyện tuổi Xế Chiều – Công Tú Nguyễn

 Trên một chuyến xe lửa tốc hành, có một anh thanh niên 25 tuổi cứ nhìn ra cửa sổ và hỏi ba anh ta: Oh ba ơi, sao mấy cái cây nó vụt qua nhanh quá, sao mới nhìn thấy con bò mà bây giờ nó biến mất rồi, sao mấy ngọn núi thấy rõ mà đi hoài chưa tới…?

Một bà ngồi đối diện thấy bực mình quá vì anh thanh niên này cứ như con nít nên mở miệng nói với ba anh ta: Tôi nghĩ ông nên đưa con ông đi bác sỹ tâm thần đi, và ông này vui vẻ trả lời: Nó vừa ở bệnh viện ra đấy chứ, bởi vì nó bị mù từ nhỏ, bây giờ nó mới được nhìn thấy mọi thứ, nên nó thấy lạ thôi. Nghe vậy, bà này xấu hổ và im luôn !

Trong cuộc sống, đôi khi bạn không biết trân trọng những gì mình đang có, nên bạn không thể sống vui là vì vậy !

Ví dụ:

  • Bạn có mắt, nhưng bạn lại luôn nhìn mọi người không thân thiện và cảnh vật u sầu. Trong khi người mù, họ chỉ ước ao để được nhìn.
  • Bạn có miệng, nhưng bạn lại luôn dùng nó để chửi người khác. Trong khi người câm, họ chỉ ước ao làm sao để nói được những lời yêu thương với những người họ yêu.
  • Bạn có tai, nhưng bạn lại không muốn nghe những lời hay ý đẹp. Trong khi người điếc, họ chỉ ước ao để được nghe và hiểu được mọi người nói.
  • Bạn có tiền, nhưng bạn lại xài phung phí. Trong khi người nghèo, họ chỉ ước ao có được một chén cơm.
  • Bạn có người yêu, nhưng bạn lại đòi hỏi đủ điều. Trong khi người cô đơn, họ chỉ ước ao có được một người để yêu thương.
  • Bạn có thời gian, nhưng bạn lại không biết dùng nó. Trong khi người đang hấp hối, họ chỉ ước ao để làm sao cho thời gian đi chậm lại.
  • Bạn đang có tất cả, nhưng bạn lại chán nản. Trong khi người đang khổ cực, họ chỉ ước ao có được một phần nhỏ may mắn của bạn thôi, là họ cũng vui rồi.

Vậy thì làm sao mà bạn có thể sống vui, nếu bạn không biết trân trọng cuộc sống ?

Đừng than vãn rằng, tại sao cuộc đời tôi cứ gặp bất trắc. Đôi khi những bất hạnh của bạn không bằng một hạt cát của người khác đâu bạn nhé !

Vì vậy, cách sống vui là phải biết trân trọng và tận hưởng những gì mình đang có. Đừng tham lam và xem thường, nếu không thì bạn sẽ mãi mãi khổ vì những đòi hỏi quá mức của bạn !

Nguồn:BSTL


 

Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời – Cha Vương

Nguyện xin hồng ân Chúa như mưa như mưa, rơi xuống bạn và gia quyến hôm nay nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 25/6/2025

GIÁO LÝ:Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sống đời đời”? Chúa Giêsu nói: “Nếu anh muốn vào sự sống, hãy giữ các điều răn” (Mt 19,17). Rồi Người nói thêm: “Hãy đi theo tôi” (Mt 19, 21). (YouCat, số 348)

SUY NIỆM: Là Kitô hữu phải sống hơn là chỉ giữ đúng các điều răn. Là Kitô hữu là duy trì mối quan hệ sống động với Chúa Giêsu. Một Kitô hữu nối kết sâu xa bằng cả bản thân mình với Chúa của mình, và cùng với Người đi theo con đường dẫn tới sự sống thật. Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép. Hãy sống thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh. (1 Pr 1,15-16) (YouCat, số 348 t.t.)

❦ Chúa Kitô không muốn có những người hâm mộ, nhưng muốn có những người “sống theo”. (Soren Kierkegaard)

LẮNG NGHE: Lời kết luận cho tất cả mọi điều bạn đã nghe ở trên đây là: hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Người truyền, đó là tất cả đạo làm người, vì Thiên Chúa sẽ đưa ra xét xử tất cả mọi hành vi, kể cả những điều tiềm ẩn, tốt cũng như xấu. (Gv 12:13-14)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin giúp con biết sống thánh thiện, thành tâm và tin tưởng để được sống đời đời với Chúa.  

THỰC HÀNH: Cố gắng sống trung thành, thẳng thắn trong những giao tế với mọi người. 

From: Do Dzung

*************************

Đường Con Theo Chúa – Anna Loan Phạm

PHÂN ĐỊNH – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Hãy coi chừng các ngôn sứ giả!”.

Thế kỷ 12, người Anh có ngạn ngữ, “Không phải tất cả những gì lấp lánh đều là vàng!”; thế kỷ 17, họ viết thêm, “Bạn không thể đánh giá một cuốn sách qua trang bìa của nó!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thật thú vị, trong Tin Mừng hôm nay, hai ngạn ngữ trên phản ánh những gì Chúa Giêsu đã nói trước – thế kỷ thứ nhất – “Hãy coi chừng các ngôn sứ giả!”. Ngài dạy chúng ta làm sao biết ‘phân định’ mọi việc; vì lẽ thường, giả nhiều hơn thật, lòng người khác lòng trời!

Lòng trời tín trung, chân thật! Thiên Chúa hứa ban cho Abraham một ‘đất mới’, một ‘dòng dõi mới’; ấy thế, khi tuổi đà xế bóng, ông vẫn chưa có một mụn con. Ông thưa, “Chúa không ban cho con một dòng dõi; một gia nhân của con sẽ thừa kế con”. Chúa bảo, “Không, một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế ngươi!”. Và thật lãng mạn, vào một đêm, Ngài đem ông ra ngoài rồi bảo, “Hãy ngước mắt lên, thử đếm các vì sao! Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!”. Rồi Chúa lập giao ước với ông và Ngài đã giữ lời. Con cháu Abraham – trong đó có chúng ta – các thế hệ trước và sau chúng ta, vô số vô ngần; “Giao ước lập ra, muôn đời Chúa nhớ mãi!” – Thánh Vịnh đáp ca. Abraham phải ‘phân định’ lời Thiên Chúa khác lời loài người; con của nữ tỳ khác con của người vợ chính thức!

Lòng trời như thế, lòng người thì không như vậy! Chúa Giêsu cảnh báo, “Hãy coi chừng các ngôn sứ giả!”; họ là sói đội lốt chiên. Nhiều người bị mê hoặc bởi những lời ‘ngon ngọt’, ‘dễ nghe’ và làm theo những gì người nói muốn thuyết phục. Kẻ ác lừa dối và thường chứng tỏ việc làm của mình là tốt. Vậy, làm sao để ‘phân định?’. “Cứ xem họ sinh quả nào!”. Khi một điều là tốt, phù hợp với ý Chúa, hoa trái của nó sẽ tốt lành, đó là hoa trái của Thánh Thần: tình yêu, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân từ, lương thiện, trung tín, hiền hoà và tự chủ. Nhưng khi nó lừa dối hoặc gây hiểu lầm, thường được che đậy trong ‘dáng vẻ’ tốt lành, thì kết quả cuối cùng, có chăng cũng chỉ là những hoa trái chua cay: chia rẽ, ghen ghét, bất an, kiêu căng, ác tâm, bất trung, giận dữ và bốc đồng.

Anh Chị em,

“Hãy coi chừng các ngôn sứ giả!”. Vậy nếu có thể biết các tiên tri giả qua trái xấu của họ, tại sao nhiều người lại bị họ lừa? Một khả năng là mọi người chọn ‘trái xấu dễ hái’ hơn là ‘trái tốt khó hái’. Để phân biệt trái tốt với trái xấu, bạn phải biết Chúa Kitô. Phải nỗ lực đọc, nghiên cứu, đặt câu hỏi – nói cách khác – tìm kiếm, cầu nguyện và ‘phân định’. Khi bạn đến gần Chúa hơn, Ngài sẽ ban cho cách để phân biệt trái tốt với trái xấu, và cây tốt với cây xấu. Một khi đã trưởng thành trong sự thánh khiết, chúng ta không chỉ dễ dàng nhận ra trái tốt hơn, mà thông qua công việc của Chúa trong chúng ta, chúng ta cũng sinh ra trái tốt riêng của mình, chẳng hạn như tha thứ, khiêm nhường, trong sạch, yêu thương, lòng thương xót và khả năng tự chủ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con thường chọn ‘trái xấu dễ hái’ hơn là ‘trái tốt khó hái’. Đừng để con mụ mẫm khi quên rằng, “không phải tất cả những gì lấp lánh đều là vàng!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

******************************************************

Thứ Tư Tuần XII Thường Niên

Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.   Mt 7,15-20

15 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em ; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. 16 Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Có người nào lại hái nho ở bụi gai hay là hái vả trên cây găng ? 17 Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây sâu thì sinh quả xấu. 18 Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây sâu không thể sinh quả tốt. 19 Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. 20 Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai.”


 

Chính thể ấy là chính thể gì? – Đoàn Bảo Châu dịch

Ba’o Tieng Dan

International Rivers

Đoàn Bảo Châu dịch

24-6-2025

Lời người dịch: Một chính thể bỏ tù tới 6 nhà hoạt động môi trường. Theo một suy luận đơn giản nhất, một chính thể bỏ tù những con người tử tế, sống với lý tưởng bảo vệ môi trường sống trong sạch thì chính thể ấy là chính thể gì? Không một lời biện minh nào giá trị trong những trường hợp thế này.

Bách rất kiên cường, nhất định không nhận tội. Chỉ một năm nữa thôi.

Sáu nhà hoạt động môi trường bị vướng vòng lao lý: LS Đặng Đình Bách (áo trắng), TS Hoàng Ngọc Giao (góc dưới bên phải), nhà báo Mai Phan Lợi (áo đen, cầm micro), LS Bạch Hùng Dương (trên, trái), nhà hoạt động Ngụy Thị Khanh (mặc áo dài), nhà hoạt động Hoàng Thị Minh Hồng (góc dưới bên trái). Tiếng Dân edit

***

Tuyên bố: Bốn Năm Quá Dài – Trả Tự Do Cho Đặng Đình Bách

Ngày 24 tháng 6 năm 2025 – Bốn năm trước vào tháng này, luật sư môi trường và nhà hoạt động vì công lý khí hậu Đặng Đình Bách (Bách) đã bị bắt một cách phi lý ngay tại nhà riêng và bị chính quyền Việt Nam cầm tù. Nhân kỷ niệm bốn năm ngày ông bị giam giữ, chúng tôi một lần nữa kêu gọi khẩn thiết trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông. Việc bỏ tù ông Bách là một hành động bất công nghiêm trọng, bịt miệng một tiếng nói quan trọng trong việc bảo vệ cộng đồng và môi trường.

Song song với việc tiếp tục giam giữ ông Bách một cách tùy tiện, dòng tiền hỗ trợ cho quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam vẫn đang đổ vào. Vào tháng 12 năm 2022, Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) trị giá 15,5 tỷ đô la Mỹ với phần lớn các nước thuộc nhóm G7, thể hiện sự đầu tư quốc tế đáng kể vào quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch. Tháng trước, chính phủ Pháp đã công bố khoản tài trợ trị giá 67 triệu euro để nâng cấp hệ thống truyền tải điện của Việt Nam, khởi đầu cho các khoản đầu tư công trong khuôn khổ thỏa thuận này. Liên minh Châu Âu (EU) cũng tiếp tục tài trợ hàng triệu euro thông qua Chương trình Chuyển dịch Năng lượng Bền vững EU – Việt Nam (SETP).

Tuy nhiên, bất chấp các cam kết rõ ràng trong những thỏa thuận này về một quá trình “chuyển đổi công bằng” và tham vấn thường xuyên với xã hội dân sự, ông Bách cùng nhiều người khác – những người đã làm việc không mệt mỏi vì một tương lai năng lượng công bằng và bền vững cho Việt Nam – vẫn đang bị giam cầm.

Ông Bách đã dành cả đời mình để đấu tranh cho công lý môi trường và phát triển bền vững tại Việt Nam. Là một luật sư và nhà hoạt động uy tín, ông đã sát cánh cùng cộng đồng để trao quyền, bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ pháp lý trong các vụ việc liên quan đến tổn hại môi trường – bao gồm chất thải công nghiệp, di dời do xây dựng thủy điện, và ô nhiễm từ các nhà máy than. Ông nỗ lực xây dựng và củng cố khung pháp lý ở cấp địa phương và khu vực, nhằm đảm bảo phát triển phải công bằng và thân thiện với môi trường. Ông được xem là một trong sáu cá nhân tiêu biểu bị nhắm đến và cầm tù vì công việc liên quan đến chuyển dịch năng lượng của Việt Nam.

Dù đang ở trong tù, ông Bách vẫn giữ vững cam kết với công lý và một tương lai bền vững. Sự kiên cường và tiếng nói bền bỉ của ông là minh chứng cho tinh thần mạnh mẽ và tiếp tục truyền cảm hứng cho những người tại Việt Nam và trên thế giới đang sát cánh cùng ông. Ghi nhận những đóng góp và nỗ lực của ông, ông Bách đã được trao tặng Huân chương Tự do Roger N. Baldwin năm 2024 – một giải thưởng danh giá tôn vinh các nhà bảo vệ quyền tự do cơ bản.

Vợ ông, bà Trần Phương Thảo, chia sẻ:

“Chồng tôi luôn tận tâm hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiệt hại môi trường – từ các dự án thủy điện, than, khai khoáng đến hóa chất độc hại – và ông vẫn kiên định theo đuổi một lộ trình chuyển dịch công bằng, tránh phụ thuộc vào các dự án năng lượng tàn phá. Sự kiên cường của ông suốt bốn năm qua vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều người tại Việt Nam và quốc tế. Tôi mong chờ ngày anh được tự do trở về, cùng tôi và con trai nhỏ, tiếp tục hành trình vì một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”.

Nhân dịp kỷ niệm bốn năm ngày ông bị bắt, chúng tôi nhắc lại lời kêu gọi: “Trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho Đặng Đình Bách”. Việc để ông tiếp tục công việc quan trọng của mình không chỉ là vấn đề công lý mà còn là bước thiết yếu để tiến tới một quá trình phát triển bền vững và chuyển đổi năng lượng công bằng cho Việt Nam.

______

International Rivers hiện là đơn vị điều phối Liên minh Bảo vệ Khí hậu Việt Nam – một nhóm gồm hơn 30 tổ chức quốc tế và khu vực về môi trường, công lý khí hậu và nhân quyền, cùng chung mối quan ngại về không gian dân sự và sự an toàn của các nhà bảo vệ môi trường trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng.


 

Hậu Pháo và sự sụp đổ của một lời hứa!

Chau Doa

Xưa, chỉ cần sở hữu tài sản bằng 1/2000 của Hậu Pháo cũng có thể bị quy là địa chủ, cường hào – có thể bị xử tử giữa sân đình. Giờ thì thật khó tin. Khi một người dùng 132 tỷ đồng tiền mặt, 1,1 triệu USD, 501 cây vàng, 2.293 lô đất và cả một hệ thống quan chức từ Bắc chí Nam để bẻ cong pháp luật, thì đó không còn là một vụ án kinh tế. Mà là sự cáo chung của một “lý tưởng cách mạng”.

  1. Khi quá khứ trở thành một vết cắt âm ỉ

Thời Cải cách ruộng đất, nhân danh cách mạng, một bộ phận nhân dân bị chia rẽ, đẩy vào thù hận và chết chóc. Người ta gọi đó là “sai lầm”, “bài học đau xót”, nhưng sau hơn nửa thế kỷ, vết cắt ấy chưa bao giờ lành. Nó vẫn hiện hữu, như nền móng méo mó cho cách vận hành quyền lực hôm nay: lật đổ để chiếm đoạt, đấu tố để thanh trừng, vơ vét để tồn tại.

Ngày ấy, những người bị trói giữa sân đình là nạn nhân của lý tưởng vô hình, bị quy là kẻ thù chỉ vì giàu hơn hàng xóm một mảnh vườn. Hôm nay, Hậu Pháo và những quan chức tiếp tay mới thực sự “bóc lột nhân dân lao động”, khi biến tài nguyên quốc gia, đất đai công sản thành của riêng để trục lợi.

  1. Lý tưởng đã chết – và cái chết của sự công bằng

Người ta từng hứa xây dựng một xã hội công bằng, không giai cấp, nơi “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.” Nhưng thực tế ra sao? Một doanh nhân mới 27 tuổi, không năng lực tài chính rõ ràng, không kinh nghiệm thi công, vẫn được ưu ái nhận 14 dự án nghìn tỷ – chỉ vì biết gửi “quà” bằng valy tiền mặt. Những người ký duyệt, làm ngơ, tạo điều kiện không phải “sâu mọt” vô danh – họ là Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc các sở ngành, những người từng thề trung thành với nhân dân trước cờ Đảng. Khi lòng trung thành được mua bằng tiền mặt, mọi khẩu hiệu chính trị chỉ còn là trò hề.

  1. Dân oan – những người sống giữa hai thế giới

Bên kia bức màn là hàng vạn dân oan – những người bị thu hồi đất không thỏa đáng, bị cưỡng chế, mất nguồn sống từ ruộng đồng để đổi lấy “dự án phát triển” mà lợi ích rơi vào tay doanh nghiệp thân hữu. Họ sống lay lắt ở khu trọ gần trụ sở tiếp dân, giơ cao khẩu hiệu đỏ rực: “Yêu cầu trả lại đất cho dân!” Họ bị xua đuổi, bị gán mác “kích động”, bị cắt hỗ trợ, thậm chí bị truy tố. Trong khi đó, những kẻ cướp đất có tổ chức như Hậu Pháo lại được ưu ái, bảo vệ, và vinh thân phì gia suốt 15 năm. Công bằng nằm đâu? Chỉ tồn tại trên giấy tờ, báo cáo tổng kết, và những bài phát biểu ngày lễ.

  1. Hậu Pháo là ai? Là hệ quả, không phải cá biệt

Đừng nói Hậu Pháo là “trường hợp cá biệt”, “con sâu làm rầu nồi canh”. Không ai có thể một mình đưa 24 vali tiền mặt đến phòng làm việc của lãnh đạo tỉnh nếu không có cả một hệ thống tiếp tay, bảo kê và đảm bảo an toàn. Không ai có thể sở hữu 1.419 bất động sản đã bị kê biên, 884 lô chưa bị kê biên, cùng 501 cây vàng, hơn 250 tỷ đồng trong tài khoản, nếu không vượt qua được hệ thống ngân hàng, thuế vụ, kế toán, tài nguyên môi trường. Hậu Pháo chỉ là kẻ dám đi xa nhất, trắng trợn nhất trong một hệ sinh thái đang thối rữa từ bên trong. Và điều đáng sợ hơn: cái ác ngày nay đã học được cách thông minh, kiên nhẫn, có kế hoạch – và được bảo vệ bằng cơ chế.

  1. Chúng ta còn lại gì để tin?

Khi lý tưởng bị phản bội, công lý bị mua bán, người dân bị bỏ rơi, đất đai bị trưng dụng cho nhóm lợi ích – niềm tin còn lại là gì? Nếu một đứa trẻ lớn lên, thấy kẻ luồn lách được vinh danh, người tử tế phải lê lết đòi công bằng – nó sẽ học gì về đạo đức? Nếu người dân thấy “càng có tội, càng nộp được nhiều tiền sẽ càng được giảm nhẹ”, thì đó chẳng phải là hợp pháp hóa tội ác bằng hóa đơn hoàn tiền hay sao?

Vụ án Hậu Pháo là lời cảnh tỉnh cuối cùng. Không chỉ là trừng phạt một cá nhân, mà là khoảnh khắc soi chiếu cả một thời kỳ. Nếu hệ thống không thay đổi tận gốc, nếu quyền lực không bị ràng buộc bởi minh bạch và trách nhiệm, thì sau Hậu Pháo sẽ là ai? Và bao nhiêu người dân thường nữa sẽ tiếp tục khóc thầm, bị tước đoạt đất đai, phải rời bỏ ruộng vườn để nhường chỗ cho những “siêu đô thị” mà họ không bao giờ có thể sống trong đó? Lịch sử từng có những lời hứa. Nhưng lời hứa không nuôi được dân. Chỉ có công lý thực sự mới giữ được lòng tin.


 

 Thánh Gioan Tẩy Giả (Gioan Baotixita) – Cha Vương

 Chúc bình an! Hôm nay 24/06, Giáo Hội mừng kính trọng thể Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả (Gioan Baotixita). Ngài là con của bà Elizabeth và tiên tri Zacharia, đấng tiền hô, đấng đã làm phép rửa cho Chúa Kitô, đấng tử đạo đầu tiên khi Tin Mừng được rao giảng. Thánh Gioan Baotixita có hai ngày lễ kính trong lịch phụng vụ, ngày 24 tháng 6 là ngày sinh nhật và ngày 29 tháng 8 là ngày tử đạo. Chúng ta cùng hát Chúc Mừng Sinh Nhật Ngài đi nào!

Cha Vương

Thứ 3: : 24/6/2025 

Thứ 7/06/2023

Ðức Giêsu gọi Gioan là người cao trọng nhất trong tất cả mọi người và là người đến trước Ngài: “Ta nói với các ngươi, trong những người sinh ra bởi phụ nữ, không ai cao trọng hơn Gioan…” Nhưng có lẽ Thánh Gioan sẽ hoàn toàn đồng ý với điều Ðức Giêsu nói thêm sau đó: “Tuy nhiên, người nhỏ nhất trong nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông ta” (Luca 7:28).

    Có một thời gian Thánh Gioan sống trong sa mạc, là vị ẩn tu. Ngài loan báo nước trời đã gần đến, và mời gọi mọi người hoán cải đời sống.

    Mục đích của ngài là chuẩn bị con đường cho Ðức Giêsu. Ngài nói, phép rửa của ngài là để ăn năn sám hối. Nhưng Ðấng sắp đến sẽ rửa với Thần Khí và lửa. Gioan không xứng đáng để xách dép cho Người. Thái độ của Thánh Gioan đối với Ðức Giêsu là: “Ngài phải gia tăng; tôi phải nhỏ đi” (Gioan 3:30).

    Trong khi thanh tẩy những kẻ tội lỗi, Thánh Gioan đã khiêm tốn nhận ra Ðấng Thiên Sai và nói: “Tôi cần được thanh tẩy bởi Ngài” (Mt 3:14b). Nhưng Ðức Giêsu nhất định, “Hãy tiếp tục thi hành, vì như vậy chúng ta mới giữ trọn đức công chính” (Mt 3:15b). Ðức Giêsu, một con người đích thực và khiêm tốn cũng là Thiên Chúa hằng hữu, đã sẵn sàng thi hành bổn phận của bất cứ người Do Thái tốt lành nào. Thánh Gioan như vậy đã công khai đi vào tập thể của những người đang chờ đợi Ðấng Thiên Sai. Nhưng khi tự trở nên một phần tử của cộng đồng đó, ngài quả thực thuộc về Ðấng Cứu Tinh.

    Sự cao trọng của Thánh Gioan, một địa vị then chốt trong lịch sử cứu chuộc, được nhận thấy qua tường thuật của Thánh Luca về sự sinh hạ và các biến cố sau đó của Thánh Gioan – cả hai yếu tố này đều xảy ra song song với cuộc đời của Ðức Giêsu. Thánh Gioan thu hút được rất nhiều người đến bờ sông Giođan, và một số người đã coi ngài như Ðấng Thiên Sai. Nhưng ngài luôn luôn chỉ đến Ðức Giêsu, ngay cả một số môn đệ của ngài cũng được sai đến để trở thành các môn đệ đầu tiên của Ðức Giêsu.

    Có lẽ Thánh Gioan không nghĩ là Nước Trời được hoàn tất một cách tuyệt hảo trong sứ vụ rao giảng của Ðức Giêsu. Vì bất cứ lý do gì, (trong khi ở tù) ngài đã sai các môn đệ đến hỏi Ðức Giêsu xem có phải Người là Ðấng Thiên Sai hay không. Câu trả lời của Ðức Giêsu cho thấy Ðấng Thiên Sai mang hình ảnh Người Tôi Tớ Ðau Khổ trong sách tiên tri Isaia. Chính Thánh Gioan cũng đã chia sẻ trong sự đau khổ của Ðấng Cứu Tinh, ngài đã chết vì sự trả thù của Herodias. 

(Trích Gương Thánh Nhân – 

ns Người Tín Hữu online) 

Bạn rút ra bài học gì cho mình khi đọc qua tiểu sử của thánh nhân? Hãy áp dụng vào cuộc sống hằng ngày nhé.

From: Do Dzung

*************************

Nuns playing HAPPY BIRTHDAY on Piano

DƯƠNG KHÍ KHÔNG ĐỦ THÌ CƠ THỂ NHANH GIÀ, SỨC KHỎE SA SÚT-BS Nguyễn Phượng

Nhung Nguyen

  DƯƠNG KHÍ KHÔNG ĐỦ THÌ CƠ THỂ NHANH GIÀ, SỨC KHỎE SA SÚT

=> CÓ 5 THÓI QUEN VẮT KIỆT DƯƠNG KHÍ NHẤT ĐỊNH PHẢI TRÁNH

BS Nguyễn Phượng

Cô bác anh chị thân mến. Trong y học cổ truyền, có một khái niệm rất quen thuộc – “DƯƠNG KHÍ”, hiểu nôm na là phần năng lượng, sức sống và hơi ấm nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể. Dương khí giống như ánh mặt trời, thiếu nó thì cơ thể dễ lạnh, yếu và già đi nhanh chóng.

Khi dương khí suy giảm, cơ thể mình bắt đầu xuất hiện nhiều dấu hiệu như hay mệt mỏi, chân tay lạnh, dễ bị cảm, tiêu hóa kém, da sạm, nếp nhăn xuất hiện sớm và đặc biệt là lão hóa toàn thân đến rất nhanh. Dưới góc nhìn y học hiện đại, điều này tương đương với rối loạn chuyển hóa, suy giảm nội tiết tố và hệ miễn dịch yếu dần theo thời gian.

Có một điều đáng tiếc là nhiều thói quen hàng ngày tưởng chừng vô hại lại đang lặng lẽ “rút cạn” dương khí mà cô bác anh chị không hay biết. Em xin được chia sẻ 5 thói quen phổ biến ấy, mong là ai đọc được bài viết của em sẽ biết và tránh mắc phải:

  1. UỐNG ĐỒ LẠNH THƯỜNG XUYÊN

Nhiều người hay uống nước lạnh để “giải khát”. Nhưng thực ra, nước lạnh giống như một gáo nước dập tắt ngọn lửa dương khí trong người. Đặc biệt vào buổi sáng, uống nước lạnh có thể khiến dạ dày “co rút”, gây rối loạn tiêu hóa.

  1. MẶC QUẦN ÁO PHONG PHANH

Cơ thể có rất nhiều huyệt đạo quan trọng nếu thường xuyên để lộ da thịt, đặc biệt vùng lưng, cổ, bụng dưới thì dễ làm mất “lá chắn” bảo vệ của dương khí. Lâu dần sẽ gây đau nhức chân tay, lạnh bụng, rối loạn nội tiết…

  1. THỨC KHUYA, NGỦ KHÔNG ĐỦ GIẤC

Cơ thể vốn có chu trình sinh học rõ ràng. Ban đêm là lúc âm thịnh dương suy, cần nghỉ ngơi để gan thải độc và cơ thể phục hồi dương khí. Nếu thức khuya thì vừa không thể bồi dưỡng dương khí, lại còn làm rối loạn nội tiết, đẩy nhanh lão hóa.

  1. NGỒI NHIỀU, LƯỜI VẬN ĐỘNG

Dương khí cần được lưu thông mà lưu thông thì phải nhờ vận động. Ngồi nhiều dễ gây khí trệ, huyết ứ, từ đó dẫn đến lạnh tay chân, đau mỏi lưng hông, người uể oải, chậm chạp.

  1. GỘI ĐẦU BAN ĐÊM, ĐI NGỦ KHI TÓC CÒN ƯỚT

Đây là thói quen hay gặp ở các chị em nhưng cực kỳ có hại cho sức khỏe. Nước lạnh và hơi ẩm từ tóc sẽ khiến hàn khí xâm nhập trực tiếp vào đầu và gáy, lâu ngày dễ gây đau đầu mãn tính, mỏi vai gáy, thậm chí rối loạn tiền đình.

VẬY LÀM SAO ĐỂ NUÔI DƯỠNG DƯƠNG KHÍ MỖI NGÀY?

Cô bác anh chị à, việc giữ cho cơ thể luôn tràn đầy năng lượng và “ấm áp từ bên trong” không hề phức tạp. Chỉ cần một vài thay đổi nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày đúng cách và đều đặn là đã có thể bồi bổ dương khí một cách tự nhiên rồi.

Em xin chia sẻ một vài cách đơn giản nhưng rất hiệu quả mà cô bác anh chị có thể áp dụng ngay!

  1. TẮM NẮNG SÁNG SỚM

Từ 6h30 đến 8h sáng là “khung giờ vàng” để hấp thụ dương khí tự nhiên từ mặt trời. Đặc biệt, phần lưng là nơi có Đốc mạch – mạch chủ của các dương mạch trong cơ thể, khi được sưởi ấm sẽ giúp dương khí lưu thông, tăng cường hệ miễn dịch, làm ấm ngũ tạng.

  1. TẬP THỂ DỤC MỖI NGÀY

Dù là đi bộ, tập khí công, yoga, hay thái cực quyền, tất cả đều giúp “khơi thông” dòng chảy của khí huyết, giảm hiện tượng khí trệ, tăng cường tuần hoàn. Khi cơ thể vận động uyển chuyển, nhịp nhàng cũng là lúc dương khí được “đánh thức” và lan tỏa khắp cơ thể.

  1. NGỦ TRƯỚC 23 GIỜ

Đây là khoảng thời gian gan và thận -hai tạng giữ vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng dương khí bước vào quá trình phục hồi. Một giấc ngủ sâu, đúng giờ giống như liều thuốc bổ tự nhiên, giúp cơ thể tái tạo năng lượng, điều hòa âm dương, giảm căng thẳng và làm chậm quá trình lão hóa.

  1. ĂN NÓNG, UỐNG ẤM

Trong Đông y, tỳ vị chính là “cội nguồn” của khí huyết. Nếu ăn quá nhiều đồ lạnh, sống sẽ làm tổn hại đến dương khí. Nên ưu tiên các món hầm, cháo nóng, canh ấm; đồng thời sử dụng gia vị như gừng, quế, hành, tỏi vừa ấm tỳ vị, vừa giúp chống lạnh và tăng cường miễn dịch.

  1. GIỮ TINH THẦN LẠC QUAN

Khí huyết thông, dương khí mới vượng. Những cảm xúc tiêu cực như lo âu, buồn bực sẽ làm khí uất kết, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngược lại, một tâm trạng vui vẻ, thư thái chính là liều thuốc bổ vô hình giúp cân bằng âm dương, nuôi dưỡng nội lực từ bên trong.

LỜI KẾT

Cô bác anh chị ơi, nuôi dưỡng dương khí chính là nuôi dưỡng sự sống. Từ tận đáy lòng, em mong những chia sẻ này có thể đến với thật nhiều người để ai cũng biết cách giữ gìn sức khỏe, trẻ lâu, hạn chế bệnh tật.

Nhờ cô bác anh chị cho em một LIKE, một SHARE để bài viết này được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa. Đây cũng là động lực để em tiếp tục cố gắng và trao đi nhiều kiến thức giá trị hơn.

Còn ai yêu thích những bài viết của em thì đừng quên ấn THEO DÕI em để cập nhật bài viết mới nhất nhé. Xin cảm ơn cô bác anh chị thật nhiều!

Bác sĩ Nguyễn Phượng yêu sống khỏe, sống lành