Thân phận nhược tiểu- Tác Giả: Trần Trung Đạo

Trần Trung Đạo

Ba’o Dan Chim Viet

17/02/2025

(Ảnh: TT Nguyễn Văn Thiệu và TT Nixon tại Midway,ngày 8 tháng 6 1969- Getty Images)

Khái niệm “bán đứng” (sold out) được dùng trong nhiều lãnh vực và thường dùng trong thì quá khứ để chỉ một sự kiện đã rồi. Trong chính trị học, “bán đứng” được dùng một cách khá lỏng lẻo để chỉ hành động phản bội, bỏ rơi, đổi chác hay có khi thông đồng giữa hai thành phần đối nghịch trên sự thiệt hại của thành phần thứ ba yếu hơn vốn là một đồng minh của một trong hai thành phần đối nghịch.

Lịch sử để lại nhiều bài học về thân phận đắng cay của các quốc gia bị “bán đứng” đã phải mất lãnh thổ, mất hàng triệu người dân vô tội trong cuộc chiến và mất quyền quyết định vận mệnh của chính mình khi cần quyết định. Bài này giới thiệu cả bốn trường hợp, “bỏ rơi”, bán đứng”, “đổi chác” “và “thông đồng”.

Mỹ “bỏ rơi” Việt Nam Cộng Hòa

Sau Thông Cáo Chung Thượng Hải giữa TT Nixon và Chu Ân Lai ngày 27 tháng 2, 1972, một chính sách đối ngoại mới của Mỹ được ra đời. Chủ thuyết Domino của TT Dwight D. Eisenhower cho rằng sự sụp đổ của VNCH sẽ dẫn tới sự sụp đổ dây chuyền của vùng Đông Nam Á không còn đúng và được thay bằng chủ thuyết Nixon đương đầu trực tiếp với các cường quốc bảo trợ chiến tranh đứng phía sau, trong trường hợp chiến tranh Việt Nam là LX và TC.

TT Nixon không còn nhìn Việt Nam như một điểm nóng trong Chiến Tranh Lạnh giữa Mỹ, TC và LX mà nhìn rộng hơn. Tài liệu lưu trữ tại Bộ Ngoại Giao Mỹ giải thích quan điểm của TT Nixon: “Trong khi đó, Nixon và Kissinger tìm cách định hình lại bối cảnh quốc tế của cuộc chiến thông qua việc xây dựng mối quan hệ với các đồng minh siêu cường của Bắc Việt là Moscow và Bắc Kinh. Nixon muốn tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Liên Xô và Trung Quốc – cho họ “con cá lớn hơn để chiên” theo cách nói của ông – trong việc lựa chọn giữa sự ủng hộ của họ đối với Bắc Việt Nam và mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ. Hội nghị thượng đỉnh năm 1972 tại Bắc Kinh và Moscow phản ánh chiến lược này, mặc dù các cường quốc Cộng sản vẫn tiếp tục hỗ trợ vật chất cho Hà Nội.” (Office of Historian, Richard Nixon, Ending the Vietnam War, 1969–1973, US State Deparment)

Trước Thông Cáo Chung Thượng Hải, VNCH và Mỹ có mục đích hoàn toàn tương hợp là ngăn chặn làn sóng CS không tràn xuống phía Nam Châu Á. Nhưng khi Mỹ bắt tay với TC, mục đích không mâu thuẫn nhưng không còn tương hợp nữa. Cuộc chiến tranh tự vệ của quân và dân miền Nam trở thành cuộc chiến cô đơn và cô thế. Dù có hay không vụ Watergate, với chủ thuyết Nixon, chiến tranh Việt Nam sẽ phải kết thúc, nhanh hay chậm chỉ là vấn đề thời gian. Về phía người dân Mỹ, theo Thống Kê của Gallup năm 1972, 61% người được thăm dò đồng ý việc Mỹ tham dự vào chiến tranh Việt Nam là một sai lầm trong khi chỉ 28% trả lời không đồng ý. Để kiếm phiếu, các ứng cử viên chạy đua vào Tòa Bạch Ốc năm 1972 dù Cộng Hòa (Richard Nixon) hay Dân Chủ (George McGovern) đều cổ võ cho một giải pháp hòa bình.

Trường hợp Việt Nam Cộng Hòa đã được hàng trăm tác giả từ các sử gia qua sách vở cho đến các lãnh đạo chính phủ viết lại trong hồi ký của họ như TT Nixon với The Memoirs of Richard Nixon, Hennry Kissinger với Ending the Vietnam War. Gần 50 năm từ ngày 30 tháng 4, 1975, “bỏ rơi VNCH” vẫn còn là một câu chuyện thời sự. Tiếng trực thăng cất cánh từ sân thượng của tòa đại sứ Mỹ như vẫn còn nghe. Những đoàn tàu ra khơi dường như vẫn còn để lại màu khói xám trên cảng Bạch Đằng Sài Gòn. “Bỏ rơi” là một động từ gợi hình và gợi cảm.

Khi nghĩ tới “bỏ rơi”, hai khuôn mặt nổi tiếng trong chính trị Mỹ gồm Richard Nixon và Henry Kissinger xuất hiện ngay trong tâm trí. Văn bản gọi là “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được thảo luận từ 1969 cho tới 27 tháng Giêng 1973, là kết quả của những cuộc đàm phán, phần lớn trong bí mật, giữa Kissinger và Lê Đức Thọ. Ngoại trừ những ngày chót, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trong suốt thời gian mật đàm không hề được tham khảo.

Theo sử gia Fredrik Logevall “Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không thực sự đồng ý với Hiệp định. TT Thiệu hiểu rất rõ miền Nam Việt Nam sẽ dễ bị tổn thương như thế nào nếu không có sự tham gia tích cực của Mỹ, và ông lo ngại rằng những lời hứa tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ của Nixon sẽ trở nên trống rỗng. Nixon buộc phải đưa ra lời đe dọa: Trừ khi Thiệu đồng ý với thỏa thuận, ông ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị cắt hoàn toàn viện trợ của Mỹ.” TT Thiệu không còn chọn lựa nào khác. Ngay cả khi sắp sửa ký, TT Thiệu cũng vẫn không ủng hộ nội dung của hiệp định Paris, chỉ không chống đối nữa thôi. (Historian Fredrik Logevall, 50 years later, the legacy of the Paris Peace Accords isn’t one of peace, Harvard Kennedy School, Jan 26, 2023)

Truyền thông Mỹ phê bình VNCH bại trận, không giữ được miền Nam. Không một cường quốc nào tự hào là chưa từng bại trận dù dư thừa nhân lực, võ khí, đạn bom. Nước Pháp với đạo quân 800 ngàn đã phải bỏ ngỏ Paris chỉ sau 6 tuần lễ của Thế Chiến Thứ Hai. Nước Anh thua trận Singapore khi 85 ngàn quân Anh đầu hàng tập thể trước một đạo quân Nhật chỉ 35 ngàn ngày 15 tháng 2, 1942. Trong trận Bataan, liên quân Mỹ-Philippines đầu hàng Nhật ngày 9 tháng 4, 1942 để sau đó chịu đựng Cuộc Đi Bộ Tử Thần (Bataan Death March) với gần 20 ngàn lính Mỹ và Phi chết trên đường tới trại tù.

VNCH vẫn tiếp tục chiến đấu suốt hai năm sau trong điều kiện khó khăn thiếu thốn để đương đầu với một đạo quân cuồng tín ý thức hệ CS và được sự ủng hộ bằng sinh mạng, vật chất lẫn tinh thần của hai cường quốc CS, Trung Cộng và Liên Xô. Hạt gạo của TC gởi cho CSVN mới thật sự là “hạt gạo chẻ làm đôi” vì trong thời gian đó nhiều triệu dân số tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) quê hương của Đặng Tiểu Bình chết đói.

Lịch sử Việt Nam trong thế kỷ 20 là một lịch sử đầy ngộ nhận và sau nửa thế kỷ, danh dự của những người lính VNCH đã hy sinh hay còn sống vẫn chưa được phục hồi.

Neville Chamberlain “Bán Đứng” Tiệp Khắc

Trong những bài học “bán đứng”, bài học được biết nhiều nhất là bài học Sudetenland.

Sau Thế Chiến Thứ Nhất, dù thắng hay bại, các quốc gia đều phải chịu đựng một thời kỳ suy thoái kinh tế trầm trọng. Khuynh hướng chủ hòa chế ngự trong sinh hoạt chính trị tại các cường quốc dân chủ và lãnh tụ hàng đầu của khuynh hướng này là thủ tướng Anh, Neville Chamberlain. Thủ tướng Neville Chamberlain tìm cách hòa giải mối thù địch với Đức. Khi Đức sáp nhập Áo, Chamberlain không có phản ứng cụ thể nào.

Khi Hitler công khai bày tỏ ý định sáp nhập vùng Sudetenland của Tiệp Khắc đang có hơn ba triệu người gốc Đức, vào lãnh thổ Đức, vấn đề trở nên phức tạp vì Tiệp Khắc có liên minh quân sự với Pháp và Pháp có liên minh quân sự với Anh.

Thủ tướng Anh Neville Chamberlain qua trung gian của Sir Horace Wilson chuẩn bị đàm phán với Đức và qua trung gian của Lord Runciman thuyết phục Tiệp Khắc nhượng bộ. Trong lúc Hitler thông đồng với các nước nhỏ như Hungary và Ba Lan để xẻ thịt Tiệp, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt tuyên bố chủ trương trung lập của Mỹ về tranh chấp Sudetenland.

Ngày 15 tháng Chín năm 1938, Thủ tướng Neville Chamberlain bay sang Đức để thương thuyết với Hitler. Các cuộc thương thuyết giằng co cho đến sáng sớm 30 tháng 9 năm 1938, thỏa hiệp Munich được ký kết giữa Đức, Anh, Pháp và Ý, trong đó, cho phép Đức sáp nhập vùng Sudetenland trù phú và chiến lược vào lãnh thổ Đức.

Tiệp Khắc không được mời tham dự hội nghị và chỉ được Anh Pháp thông báo kết quả.

Chính phủ Tiệp nghĩ rằng Tiệp Khắc không có hy vọng gì thắng được Đức bằng sức mạnh của riêng mình, đã đồng ý với nội dung của thỏa hiệp Munich. Theo thỏa hiệp này, tướng Đức Wilhelm Keitel được cử vào chức thống đốc quân sự vùng Sudetenland. Những người dân Tiệp không phải gốc Đức phải rời Sudetenland trong vòng 10 ngày và không được mang theo bất cứ một món sở hữu nào.

Mất Sudetenland, Tiệp Khắc không chỉ bỏ trống biên giới chiến lược phía nam mà còn mất 70% dự trữ sắt thép, 70% điện và 3 triệu công dân Tiệp. Trong lúc hiệp ước Munich là một thành quả ngoại giao lớn của Neville Chamberlain, đối với Hitler lại là một bước lùi. Mục tiêu của Hitler không phải chỉ chiếm vùng Sudetenland mà cả nước Tiệp như Wilson Churchill tiên đoán. Đầu năm sau, Hitler lần lượt chiếm các vùng Bohemia, Moravia và phần còn lại của Tiệp Khắc.

Câu “Phản bội Tiệp Khắc” để chỉ sự phản bội của đồng minh đối với Tiệp ra đời từ đó và còn đang lưu truyền cho tới ngày nay để chỉ âm mưu “bán đứng” Tiệp Khắc của Anh để mong đổi lấy hòa bình với Đức.

Winston Churchill “đổi chác” các nước vùng Balkans

Hôm đó là ngày 9 tháng 10, 1944, Thủ tướng Anh Winston Churchill đến Moscow gặp Joseph Stalin để bàn về tương lai của các quốc gia vùng Balkans. Bán đảo Balkans là khu vực địa lý ở phía nam Châu Âu giữa Biển Adriatic và Địa Trung Hải trong đó có những quốc gia nằm hẳn hay nằm một phần trong bán đảo như Albania, Bulgaria, Hy Lạp, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ v.v… Chuyến viếng thăm lịch sử này được ghi lại trong cuốn thứ sáu của bộ sách về Thế Chiến Thứ Hai của Winston Churchill.

Vào buổi tối ngày đầu sau khi đến Churchill nói với Stalin: “Cho đến nay, như Anh và Nga quan tâm, làm thế nào để Nga có được 90% ưu thế tại Romania, để chúng tôi có 90% Hy Lạp, và 50-50 Nam Tư?”

Trong khi chờ thông dịch viên dịch, Churchill viết ra những đề nghị đó chi tiết hơn trên nửa tờ giấy và đưa cho Stalin. Theo lời của Churchill viết trong hồi ký: “Tôi chuyển mảnh giấy nhỏ cho Stalin. Ông ta cũng vừa nghe xong lời dịch. Có một khoảng im lặng ngắn. Sau đó, Stalin lấy cây bút chì màu xanh của mình và đánh một dấu lớn trên nó, và chuyển lại cho tôi. Tất cả đã được giải quyết trong thời gian không quá lâu. Sau đó là một khoảng im lặng dài. Tờ giấy và cây bút chì nằm ở giữa bàn.”

Nội dung nửa tờ giấy như sau:

Romania:

. Nga 90%

. Các quốc gia khác 10%

Hy Lạp:

. Anh (cùng với Mỹ): 90%

. Nga: 10%

Nam Tư: 50-50%

Hungary: 50-50%

Bulgaria:

. Nga 75%

. Các quốc gia khác: 25%

Trong thời điểm 1944, các dân tộc vùng Balkans hoàn toàn không biết rằng dù có thắng Hitler số phận của họ cũng đã bị ký thác vào tay một đồ tế khác độc tài và tàn bạo không kém là Stalin. Tài liệu đó dưới góc nhìn của các dân tộc Romania, Bulgaria, Hungary, Nam Tư và các nước Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc bị CS hóa dây chuyền là một bằng chứng cho sự phản bội của đồng minh. (The Second World War. Volume VI, Triumph and Tragedy by Winston Churchill, January 1, 1953 )

Nếu năm 1942, Đồng Minh đổ bộ Balkans thay vì đổ bộ Bắc Phi thì khuôn mặt thế giới sau Thế Chiến Thứ Hai đã khác, Bức Màn Sắt cũng như Chiến Tranh Lạnh có thể không có. Nhưng đó chẳng qua là bàn chuyện đã rồi. Mảnh giấy mà chúng ta thường gọi là “giấy lộn” chỉ hơn mười chữ được Churchill giữ lại là một trong những tài liệu đổi chác lãnh thổ quan trọng nhất của Thế Chiến Thứ Hai. Hành động đơn giản như trò chơi giữa hai đứa trẻ nhưng đã quyết định số phận của bảy quốc gia (Tiệp, Ba Lan, Romania, Albania, Bulgaria, Nam Tư, Hungary ) chưa tính Đông Đức, suốt 46 năm với không biết bao nhiêu nghèo nàn, chết chóc, ngục tù và chịu đựng.

Mao Trạch Đông “thông đồng” với Thực Dân Pháp trong Hiệp Định Geneva 1954

Trong trường hợp Hiệp Định Geneva, Mao không “bán đứng” nhưng đã lợi dụng xương máu của CSVN để củng cố vị trí của TC trên chính trường quốc tế. Mao Trạch Đông biết các quốc gia Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Cambode nói riêng và Á Châu Thái Bình Dương nói chung có ảnh hưởng trực tiếp đối với an ninh của Trung Cộng. Đây là những tiền đồn, những vùng độn ngoài biên giới Trung Cộng mà trong suốt dòng lịch sử từ phong kiến đến CS đều muốn duy trì ảnh hưởng.

Để thực hiện âm mưu thâm độc thống trị Á Châu, Mao làm bộ mặt hòa hoãn, yêu chuộng hòa bình. Năm nguyên tắc “Sống chung hòa bình” gồm (1) tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, (2) không xâm lược nhau, (3) không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, (4) bình đẳng và cùng có lợi, (5) cùng chung sống hòa bình là đường lối ngoại giao chính của Trung Cộng.

Sau Chiến Tranh Triều Tiên với khoảng 600 ngàn quân bị giết, Mao không muốn tham dự vào một xung đột quân sự khác với Mỹ. Thay vào đó, Mao thỏa mãn với mô hình hai nước Triều Tiên và hai nước Việt Nam. Mao ủng hộ chủ trương hai nước Việt Nam không phải phát xuất từ lòng thương xót người dân miền Nam mà chỉ muốn tiếp tục chi phối chính trị Việt Nam. Tìm hiểu quan điểm của Mao qua các giai đoạn của cuộc chiến để thấy phía sau những khẩu hiệu tuyên truyền đường mật, dã tâm của Trung Cộng vẫn là khống chế Việt Nam bằng mọi cách.

Chính sách đối ngoại của Trung Cộng trong mười năm từ 1952 đến 1962, đặc biệt suốt hội nghị Geneva cho thấy Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đã đi trước CSVN hàng mấy mươi năm. Trong mắt Mao và Chu trung ương đảng CSVN từ Hồ Chí Minh trở xuống là một đoàn cừu dễ bảo, khờ khạo đến mức tội nghiệp.

Mặc dù đổ không biết bao nhiêu xương máu trong suốt 9 năm, Hồ Chí Minh và các lãnh đạo CSVN không hề hay biết gì các thảo luận diễn ra giữa các cường quốc về một thỏa hiệp đình chiến tại Việt Nam mãi cho đến khi nhận điện tín của Chu Ân Lai ký ngày 11 tháng 3, 1954. Nội dung điện tín không phải để hỏi ý mà là vừa khuyên nhủ và vừa ra lịnh: “Hội nghị Geneva đã quyết định sẽ bắt đầu được tổ chức vào ngày 26 tháng 4. Tình hình quốc tế và tình hình quân sự ở Việt Nam hiện nay rất thuận lợi cho Việt Nam tiến hành đấu tranh ngoại giao. Dù Hội nghị Geneva có thể đạt được kết quả gì, chúng ta cũng nên tích cực tham gia.” (Telegram, Zhou Enlai to Ho Chi Minh, March 11, 1954, Wilson Center)

Nhắc lại, vấn đề triệu tập một hội nghị về xung đột Đông Dương tổ chức tại Geneva đã được Anh, Pháp, Liên Xô và Mỹ đặt ra trong gặp gỡ giữa tứ cường tại Berlin ngày 25 tháng 1, 1954. Chu Ân Lai cũng không biết nhưng khi được Liên Xô thông báo trong điện văn ký ngày 26 tháng 2, 1954 Mao và Chu đã giấu CSVN suốt hai tháng để có thời gian vận dụng biến cố như một sân khấu chính trị quốc tế riêng cho Trung Cộng.

Trung Cộng và CSVN “đồng sàng dị mộng”. Trung Cộng muốn thắng trận Điện Biên Phủ để buộc Pháp phải ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh trong khi CSVN muốn thắng trận Điện Biên Phủ để có lợi thế trong đàm phán.

CSVN dù nhiều ngàn người phơi xác dọc các phòng tuyến trong các cuộc tấn công biển người vào Điện Biên Phủ đã không giành được lợi thế nào trên bàn hội nghị. Đường phân chia lãnh thổ là vĩ tuyến 17 chứ không phải 13 theo ý muốn của CSVN.

Nhắc lại đoạn này không phải để tiếc giùm cho các ông Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng nhưng để thấy CSVN hoàn toàn không đóng vai trò gì chủ động trong đàm phán mà hoàn toàn lệ thuộc vào Chu Ân Lai. CSVN chỉ đóng góp phần xương máu.

Tại hội nghị Geneva, Phạm Văn Đồng gặp Chu Ân Lai nhiều lần, đã nhìn cách ứng xử của họ Chu trên bàn hội nghị, đã thấy cách họ Chu dàn xếp kín với Pháp và Liên Xô bên trong hội nghị. Rõ ràng Chu Ân Lai có nghị trình riêng và theo đuổi nghị trình đó từ trước khi có hội nghị cho đến khi đặt bút ký. Những kẻ đổ máu xương không có quyền quyết định mà chỉ phải nghe theo. Thân phận chư hầu CS đó không chỉ chấm dứt sau Hiệp Định Geneva mà kéo dài mãi cho tới ngày nay.

Chọn lựa của các quốc gia nhược tiểu

Số phận của các nước nhược tiểu thời nào hay nơi nào cũng giống nhau. Nếu có hai câu lạc bộ thì số hội viên trong câu lạc bộ của những nước bị Mỹ phản bội hay bỏ rơi cũng đông không kém câu lạc bộ những quốc gia được Mỹ ủng hộ hay bảo trợ.

Những người có lương tâm và sống theo công đạo đều ủng hộ cuộc chiến tự vệ chính đáng của Ukraine. Nhưng lương tâm và công đạo chưa đủ, phải cần thế và lực. Trên đường dài, Ukraine không đủ lực để có thể đánh bại Nga trên chiến trường và không đủ thế để cô lập Nga.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và Châu Âu không thành công như dự đoán vì Mỹ và đồng minh của Ukraine tại Châu Âu không có các biện pháp chế tài hay ngăn chặn các nước thứ ba như Ấn Độ, TC, Belarus, Hungary, Áo, Czech v.v… làm ăn buôn bán với Nga. Tổng số 41% dầu của Ấn Độ được nhập từ Nga với giá rẻ. TC điền khuyết các thiệt hại kỹ thuật bán dẫn cho Nga do cấm vận gây ra. Nga và TC giao dịch bằng tiền của mỗi nước theo tỉ giá chứ không dựa trên đồng dollar nên không bị ảnh hưởng bởi các hình thức thanh toán quốc tế đã bị cấm vận. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế nền kinh tế Nga không suy sụp mà gia tăng 2.2% trong năm 2023. (Noah Berman , Two Years of War in Ukraine: Are Sanctions Against Russia Making a Difference?, Council on Foreign Relations, February 23, 2024)

Ngoại trừ việc Nga tấn công một thành viên NATO hay Ukraine có khả năng lôi kéo Nga vào một xung đột quân sự rộng hơn, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine vẫn là chiến tranh giữa hai nước và mọi sự ủng hộ từ các quốc gia khác đều có giới hạn, kể cả giới hạn thời gian.

Các nước Châu Âu lớn tiếng ủng hộ Ukraine nhưng sự ủng hộ vật chất của họ không tương xứng và đi đôi với những lời phát biểu hùng hồn.

Tính theo đơn vị tỉ dollar, từ tháng Giêng 2022 đến tháng 12, 2024 Pháp chỉ viện trợ tổng cộng 5.1, Anh 15.4, Đức 18.1. Đan Mạch 8.4, Hòa Lan 7.7 trong khi Mỹ viện trợ 119.2. (Ukraine Support Tracker at the Kiel Institute for the World Economy released Feb 14, 2025)

Chiến tranh nào cũng phải kết thúc. Dù kết thúc dưới hình thức nào đi nữa, trong lòng nhân loại, Ukraine vẫn là quốc gia chiến thắng.

Lịch sử thế giới ngàn năm sau vẫn còn in đậm dấu son của dân tộc Ukraine trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc đầy hào hùng của họ.

Trong một Podcast dành cho đài Tiếng Nói Hoa Kỳ ngày 25 tháng 2, 2024, 9 tháng trước ngày bầu cử TT Mỹ, người viết có giải thích trừ phi Ukraine và đồng minh đánh gục Nga như đã đánh gục Đức và Nhật trong Thế Chiến Thứ Hai, đàm phán giữa Nga và Ukraine vẫn sẽ diễn ra. Nga lẫn Ukraine không thể đàm phán những gì họ không có trong tay. Ukraine không thể chấp nhận giao cho Nga không chỉ bán đảo Crimea và tất cả vùng đất miền Đông Ukraine Nga đã chiếm được trong giai đoạn đầu của cuộc chiến và Nga vì nhiều lý do trong đó có cả thể diện, cũng không thể rút về biên giới Nga-Ukraine trước 2014.

Dù sao, ba năm qua, dưới sự lãnh đạo của TT Volodymyr Zelenskyy, Ukraine đã giành được cảm tình của phần lớn nhân loại. Tư cách và tài năng lãnh đạo của ông cho thấy Ukraine dù thiệt hại vẫn sẽ vượt qua để trở thành một cường quốc Châu Âu. Thật vậy, các điều kiện thế giới dù có thay đổi bao nhiêu, nếu một quốc gia có những lãnh đạo sáng suốt, có một tầm nhìn xa, biết đoàn kết và xác định một hướng đi rõ ràng, dân tộc đó sẽ vượt qua được mọi khó khăn.

Rất nhiều bài học vượt qua quá khứ để hướng tới tương lai. Người viết chọn một nước có vị trí hẻo lánh và sức mạnh chênh lệch để tham khảo, đó là Chiến tranh Mùa Đông (Winter War) giữa Goliath LX và David Phần Lan. Năm 1939, dân số Phần Lan chỉ vỏn vẹn 3.7 triệu người nhưng đã chiến đấu anh dũng chống lại quân Liên Xô với dân số 170 triệu. Quân dân Phần Lan đã chiến đấu ngang ngửa và thắng nhiều trận. Hội Quốc Liên đứng về phía Phần Lan và trục xuất Liên Xô ra khỏi tổ chức quốc tế này.

Tuy nhiên trong một cuộc chiến toàn diện và lâu dài Phần Lan không phải là đối thủ của LX. Sau những trận đánh đầu, LX tăng cường lực lượng và mở các cuộc phản công. Phần Lan yếu thế. Năm 1940, hiệp ước Moscow được ký kết giữa hai nước và Phần Lan nhượng cho LX 11% lãnh thổ để giữ được chủ quyền. Từ đó, sau khi vượt qua nhiều thử thách của Thế Chiến Thứ Hai, Chiến Tranh Lạnh, Phần Lan Hóa, quốc gia vùng Bắc Âu nhỏ bé này đã tồn tại và vươn lên để ngày nay là một trong những nước tiên tiến nhất thế giới trong nhiều lãnh vực. Trong suốt 10 năm liền từ 2014 đến 2024 Phần Lan được World Happiness Report xếp hàng đầu trong số các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Cuối cùng sinh mệnh của một dân tộc vẫn nằm trong tay của dân tộc đó chứ không nằm trong tay ai khác.

Trần Trung Đạo


 

KHỔ, SƯỚNG – Ngo Du Trung

Ngo Du Trung

Thấy người Việt sau này xách va ly leo lên máy bay đi Mỹ định cư; sang tới Mỹ đã có sẳn thân nhân tiếp đón này nọ; mà họ cứ than khổ lắm, thiệt nghĩ mà… thương họ quá.

Nhớ hồi hai anh em tôi vượt biển, chiếc thuyền nhỏ bị bão vùi dập trên biển. Tôi ngồi trước mũi tàu, một con sóng khổng lồ đưa con tàu lên cao, rồi mũi tàu chúi xuống, trước mắt tôi là một con sóng khổng lồ khác đang phủ trùm đến. Tôi sợ điếng trong lòng, nghĩ rằng mình sẽ bị chôn xuống lòng đại dương. Nhưng, như một phép lạ, con tàu cứ trồi hụp trên mặt biển cuồn cuộn những con sóng khổng lồ vì bão mà vẫn không chìm. Sang tới Phi, ông trung tá cảnh sát người Phi đứng nhìn chiếc tàu nhỏ bé, nhìn một lượt 11 con người hốc hác chúng tôi, rồi chỉ những cây dừa, những ngôi nhà đổ nát, lắc đầu nói:

“Tôi không hiểu sao các ông có thể sống sót trên biển trên chiếc thuyền bé xíu, trong cơn bão khủng khiếp như thế…”

Ở Phi, trong túi không có một đồng, sống nhờ vào lòng thương của người Phi, chính phủ Phi và Cao uỷ tỵ nạn LHQ.

Sang Mỹ, trong túi vẫn không có một đồng, không thân nhân, không họ hàng tiếp đón. Sống nhờ vào nhà thờ Mỹ, ông bà già người Mỹ trắng bảo trợ và chính phủ Mỹ. Thèm thuốc lá, nhưng không dám xin tiền ông bà bảo trợ. Người ta nuôi mình ăn là quý rồi, còn đòi… hút nữa sao!

Nhong nhong được một tháng thì đi làm, lương $4.16 một giờ. Cái check lương đầu tiên lãnh ra ở Mỹ, tôi gởi một nửa sang trại tỵ nạn giúp mấy người bạn còn kẹt bên đó, nửa còn lại mua ngay một cây thuốc lá hút cho… đã thèm…

Rồi cày suốt một đời cho đến khi về hưu, chưa bao giờ xin một đồng trợ cấp nào…; không hề biết welfare, food stamps là cái gì…

Nhưng tôi chưa bao giờ than khổ, không bao giờ cho rằng cuộc đời mình như vậy là khổ. Trái lại, tôi còn thấy mình may mắn, hạnh phúc.

May mắn và hạnh phúc vì không phải sống với VC. Sống với người Phi, người Mỹ, hoặc bất cứ người nào trên thế giới tự do, cũng đều tốt lành, nhân ái, tử tế gấp ngàn lần hơn VC.

 


 

Cựu Thượng Nghị Sĩ Gốc Việt Bị Tù 18 Tháng Vì Gian Lận Quỹ Thất Nghiệp

Ba’o Dat Viet

February 15, 2025

Cựu Thượng nghị sĩ gốc Việt của tiểu bang Massachusetts, Dean Trần, đã bị kết án 18 tháng tù giam vì tội lừa đảo quỹ thất nghiệp và khai sai thu nhập. Ông Trần, 48 tuổi, từ Fitchburg, đã nhận tội vào tháng Chín về 20 tội danh gian lận qua điện thoại và ba tội danh nộp bản khai thuế sai. Sự việc này diễn ra sau khi ông ta nhận trợ cấp thất nghiệp trong khi đồng thời làm việc có trả lương, mà không khai báo với cơ quan thuế.

Chánh cộng tố Leah B. Foley nhấn mạnh rằng hành vi lừa đảo của Trần đã làm xói mòn lòng tin của công chúng vào các quan chức được bầu. Theo cáo buộc, trong khi làm việc với tư cách là cố vấn cho một công ty phụ tùng xe hơi ở New Hampshire, Trần đã nhận được 30,120 đô la trợ cấp thất nghiệp một cách gian lận và che giấu 54,700 đô la thu nhập tư vấn khỏi bản khai thuế thu nhập liên bang năm 2021 của mình.

Dean Trần đã phản ứng mạnh mẽ đối với phán quyết, tuyên bố sẽ kháng cáo và cho rằng ông là nạn nhân của một “cuộc săn phù thủy vì động cơ chính trị”. Ông phủ nhận mọi cáo buộc về hành vi lừa đảo liên quan đến trợ cấp thất nghiệp trong đại dịch.

Hậu Quả Pháp Lý và Dân Sự Ngoài án tù, Trần cũng phải hoàn trả hơn 25,000 đô la cho Bộ Trợ cấp Thất nghiệp Massachusetts và hơn 23,000 đô la cho Cục Thuế vụ Nội bộ. Ông cũng phải nộp một khoản tiền phạt 7,500 đô la.

Dean Trần là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào một chức vụ nhà nước ở Massachusetts. Ông đã không thành công trong việc đối đầu với nghị sĩ Dân chủ Lori Trahan cho ghế đại diện quận thứ ba của tiểu bang trong cuộc bầu cử năm 2022. Năm 2020, ông đã bị Thượng viện Massachusetts cấm giao tiếp với nhân viên của mình trừ qua email chính thức sau một cuộc điều tra về đạo đức cho thấy ông đã khiến nhân viên của mình làm công việc vận động tranh cử trong giờ làm việc chính thức của Thượng viện.

Cựu Thượng nghị sĩ Cộng hòa Dean Trần phát biểu tại một phiên điều trần ủy ban vào ngày 14 tháng 3 năm 2018. Hình: State House News Service


 

Một chuyện tình yêu 80 niên – Truyện ngắn

Nghệ Lâm Hồng

Chàng 16 tuổi, còn nàng 12. Nàng về nhà người dì ở cùng quê chàng và đi học ở tiểu học nữ Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Chàng khi đó yêu nhạc đàn, chỉ 10 tuổi đã rất giỏi các nhạc cụ. Một lần, ôm cây măng cầm (mandoline) đến nhà người dì đàn cho vợ chồng họ nghe, chàng gặp nàng và “say nắng”. Nhưng chỉ là thầm yêu trộm nhớ vậy, vì 1 năm sau nàng đã từ giã người dì để về ở với cha mẹ tại Sóc Trăng.

Chàng chính là nhạc sư Vĩnh Bảo sau này nổi danh còn nàng là hoa khôi Trâm Anh nổi tiếng.

Từ Sa Đéc khi đó tới Sóc Trăng là cả 1 quãng đường. Có lần, nhớ người trong mộng đến quay quắt, chàng đón xe đò xuống quê nàng. Đứng ở cầu quay Sóc Trăng, chàng chờ hàng giờ, nhìn học sinh lần lượt đi qua mà không thấy bóng dáng nàng đâu, đành thất thểu quay về.

Năm 1946 – 12 năm sau, Vĩnh Bảo – lúc này đã là một tay đàn lẫy lừng – từ Sài Gòn về thăm quê cha ở Sa Đéc. Vẫn ôm mối tình vô vọng, khi gặp người quen, ông bâng quơ hỏi thăm về Trâm Anh, được cho biết nàng vẫn còn độc thân ở quê nhà.

Chàng trai năm ấy quyết liều một phen, về nhà nhờ gia đình mang trầu cau sang dạm hỏi. Phút giây cha mẹ bà gật đầu đồng ý, ông miệng cười mà nước mắt tuôn rơi.

Nhạc sư không dám tin từ nay sẽ sống bên người con gái ông ngỡ đã mãi đánh mất. Một đám cưới nhỏ được tổ chức ngay trong năm. Và họ nên duyên cầm sắt.

Yêu vợ, 7 người con ra đời đều ông đặt theo tên vợ: Thu Anh, Trung Anh, Tam Anh, Tùng Anh, Tú Anh, Tiến Anh, Tường Anh.

Ông từng tâm niệm vợ chồng gắn bó cả đời là ở sự kính nể nhau. Học trò về Đồng Tháp thăm nhà ông, thường ngưỡng mộ tình cảm ông dành cho vợ. Trong gian nhà chỉ khoảng hơn 40 m2, ông bày khắp tường khung ảnh của vợ, từ khoảnh khắc vợ chồng thuở thanh niên đến lúc bạc đầu.

Bà làm vợ 1 nhạc sư, gia cảnh nghèo, rất tần tảo lo tề gia nội trợ, yêu chồng thương con, quý học trò của chồng.

Những năm cuối đời của bà Trâm Anh, ông không rời bà nửa bước. Lúc ấy, bà bị suy thận, phải nhập viện điều trị. Ông thường nằm bên bà để vợ bớt lẻ loi, hai cái giường chỉ cách nhau nửa gang tay. Đến khuya, bà than lạnh, ông liền leo qua nằm chung. Chứng thận yếu khiến người bà hay ngứa ngáy, phải nhờ ông gãi suốt đêm, bà mới êm giấc. Những tháng cuối cùng, biết mình khó qua khỏi, bà mới chủ động ôm chồng dù thường ngày, tính bà hay ngại. Mỗi lần muốn hôn, bà cố gượng dậy nhưng lực bất tòng tâm. Thấy cảnh đó, lòng ông đau như cắt.

Bà mất trong một chiều mùa thu năm 2014. Trong đám tang bà, ông không còn nước mắt để khóc. Nhạc sư chỉ kịp viết bài thơ tiễn biệt vợ sau 68 năm chung sống:

“Chiều nay em vĩnh viễn ra đi

Tim anh rỉ máu phút biệt ly

Sáu tám năm, nặng nghĩa sâu

Đơn phương cởi áo qua cầu mình em

(…) Từ nay lạnh lẽo kiếp phù sinh

Biết nói gì đây hết ý tình

Chuyến xe định mạng, đành an phận

Bấm ruột, lệ rơi chỉ riêng mình”.

6 năm sau khi người vợ ra đi, nay nhạc sư Vĩnh Bảo thọ 104 tuổi đã về trùng phùng cùng vợ.

Chuyện tình của ông bà thật bình dị, nhưng thật đẹp, như cuộc đời của ông, bảo vật quý báu của đờn ca tài tử Nam Bộ, và của bà, một phụ nữ cả đời hy sinh nhất mực vì chồng con.

Theo VN Express, Truyền hình Đồng Tháp

Hình tư liệu

NbNguyễn Thị Bích Hậu


 

DẤU YÊU THƯƠNG – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Họ đòi Người một dấu lạ từ trời”.

Thomas Hooker hấp hối, một người bạn nói, “Thầy ơi, thầy sẽ lãnh nhận phần thưởng do công sức của mình!”. Hooker đáp, “Tôi sẽ nhận được lòng thương xót của Chúa. Với tôi, được từ bỏ thế gian để về với Ngài đã là một ‘dấu yêu thương’ Ngài dành cho tôi!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Không chỉ ‘sự từ bỏ thế gian’ của Hooker, nhưng ‘dấu trên trán’ của Cain và ‘dấu trên trời’ các biệt phái đòi Chúa Giêsu – Tin Mừng hôm nay – đều là những ‘dấu yêu thương’ Thiên Chúa dành cho con người.

Bài đọc Cựu Ước kể chuyện Chúa đoái nhận lễ vật tốt lành của Abel và không ưng nhận lễ dâng – có lẽ ít tốt lành – của Cain; vì thế, Cain sa sầm nét mặt. Linh cảm một điều gì đó bất ổn, Chúa thương cảnh báo Cain, “Tại sao ngươi giận dữ? Ngươi phải chế ngự nó!”. Cain bỏ ngoài tai, dẫn em ra đồng và giết em. Chúa nguyền rủa, đuổi Cain ra khỏi địa đàng. Cain thưa, “Bất cứ ai gặp con sẽ giết con”; Chúa bảo, “Không đâu!”, và Ngài ghi trên trán Cain một dấu, “để bất cứ ai gặp ông khỏi giết ông”. Phải chăng, đó là một ‘dấu yêu thương?’.

Với bài Tin Mừng, Marcô cho thấy một sự thật. Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ: chữa lành người bệnh, phục hồi thị lực cho người mù, thính lực cho người điếc và nuôi sống gần nửa vạn người chỉ với bảy chiếc bánh và mấy con cá. Nhưng sau tất cả những điều đó, các biệt phái vẫn đến tranh luận và đòi Ngài một dấu từ trời. Câu trả lời của Chúa Giêsu khá độc đáo – “Ngài thở dài não nuột”. Tiếng thở này biểu lộ một nỗi buồn thánh thiện trước sự chai đá của lòng người – một tình yêu bị từ chối; và đây là điều làm Ngài tổn thương nhất. Hiếm khi chúng ta nghĩ Chúa Giêsu yêu thương các biệt phái và xem ra Ngài chỉ gay gắt lên án họ. Không đâu, đừng quên, những gì Ngài nói, những gì Ngài làm đều là hành vi yêu thương! Cũng như hôm nay, Ngài “thở dài não nuột” chỉ vì xót thương họ thực sự. Đây là ‘dấu yêu thương’ Ngài lôi kéo họ, nhắc họ thôi đừng cứng lòng.

Cuối cùng, để cứu bằng được các biệt phái cứng lòng và cả một nhân loại cứng cỏi, Chúa Giêsu không chỉ thở dài; nhưng còn phải ‘nằm dài’ trên thập giá, chịu đóng đinh và treo trên nó. Thập giá là dấu lạ vĩ đại nhất trong các dấu lạ; dấu từ đất thấp vói lên trời cao; trên đó, Con Thiên Chúa – ‘tác giả của dấu lạ’ – treo lơ lửng. Ý thức được điều đó, bạn và tôi “Hãy tiến dâng Thiên Chúa lời tạ ơn làm hy lễ!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Họ đòi Người một dấu lạ từ trời”. Thập giá là dấu lạ từ trời khi Thiên Chúa biến nó – một dụng cụ tàn độc nhất – thành dụng cụ diễn tả tình yêu bao dung, thứ tha nhất; một dụng cụ giết người thành dụng cụ giải thoát con người khỏi án chết đời đời; một dụng cụ chế nhạo thành dụng cụ diễn tả chiến thắng vinh quang của Chiên Thiên Chúa và vinh quang của những ai theo Ngài. Đó là cách thức Thiên Chúa cứu độ! Qua bao thế hệ, tội lỗi của con người cứ tiếp diễn, lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn tuôn tràn; và thập giá Đức Kitô không ngừng dang tay đợi chờ để ôm lấy tất cả những ai biết chạy đến với Ngài. Bạn và tôi còn phải đợi một dấu nào khác?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con mù loà đui chột trước bao ‘dấu yêu thương’ Chúa dành cho con; nhờ đó, con nỗ lực ‘sống yêu thương’ – với Chúa với người – hơn mỗi ngày!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

*************************************************

Thứ Hai  Tuần VI Thường Niên,

Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.       Mc 8,11-13

11 Khi ấy, những người Pha-ri-sêu kéo ra và bắt đầu tranh luận với Đức Giê-su, họ đòi Người một dấu lạ từ trời để thử Người. 12 Người thở dài não nuột và nói : “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ ? Tôi bảo thật cho các ông biết : thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả.” 13 Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền qua bờ bên kia.


 

Tô Lâm bị dư luận viên chỉ trích vì nói dân Singapore ‘mơ ước sang BV Chợ Rẫy’ chữa bệnh hồi 60 năm trước

Ba’o Nguoi-Viet

February 15, 2025

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Tô Lâm, tổng bí thư đảng CSVN, bất ngờ bị giới dư luận viên chỉ trích về phát ngôn cho rằng khoảng 50, 60 năm trước, người Singapore “mơ ước sang bệnh viện Chợ Rẫy chữa bệnh.”

Trang Facebook “Tifosi” có hơn 300,000 lượt follow, chuyên định hướng thông tin và tuyên truyền theo ý đảng, hôm 15 Tháng Hai bỗng nhiên đăng một bài dài phản bác phát ngôn nêu trên là “không chính xác.”

Ông Tô Lâm, tổng bí thư đảng CSVN. (Hình: Sài Gòn Giải Phóng)

Bài đăng trên trang này liệt kê rằng trong giai đoạn cuối thập niên 1960, Singapore có tới tám bệnh viện lớn và lượng bác sĩ tính bình quân trên đầu người lớn nhất Đông Nam Á.

“Trong giai đoạn 1969-1972, Singapore là quốc gia có ít trẻ sơ sinh thiệt mạng nhất ở Đông Nam Á với chỉ khoảng 15 trên 1,000 trẻ em, chi tiêu y tế bình quân đầu người lớn nhất Đông Nam Á, số giường bệnh bình quân cao nhất…,” trang “Tifosi” viết.

Việc một trang của giới dư luận viên dám bình luận rằng phát ngôn của ông Tô Lâm “không chính xác” khiến công luận ngạc nhiên.

Đáng nói, bên dưới bài đăng có nhiều ý kiến tranh cãi, tán đồng bình luận cho rằng các phát ngôn gần đây của ông Tô Lâm “có vấn đề” và khen Facebook “Tifosi” “rất can đảm.”

Facebooker “Đinh Dôn” đặt câu hỏi: “Page nay ‘chơi lớn’ thế. Muốn bị bế [bắt] à?”

Facebooker “Tran Van Tuan” thì nói dạo gần đây thấy ông Tô Lâm “phát biểu nhiều cái khiến mình không thích lắm,” như “đem một số tỉnh thành của Trung Quốc ra so sánh với Việt Nam” và sau vụ trao huân chương [Sao Vàng] cho “đồng chí X” [Nguyễn Tấn Dũng, cựu thủ tướng].

Facebooker này nhấn mạnh rằng nếu được bầu tổng bí thư thì “mình sẽ bầu cho bác [Phạm Minh] Chính vì ông này thực sự là người nghĩ cho đất nước.”

Facebooker Trần Khoa nói: “Chuẩn luôn. Đôi lúc chả hiểu lãnh đạo mình đang bị nhét chữ hay là đúng không hiểu về lịch sử đất nước thật. Thấy có những tít rất mị dân!”

Bệnh viện Chợ Rẫy tại Sài Gòn. (Hình: Tài Nguyên và Môi Trường)

Một số ý kiến khác thì bày tỏ sự nghi ngờ về trình độ “không tới đâu” của các thư ký, trợ lý của ông Tô Lâm.

Ngoài phát ngôn liên quan Singapore, ông Tô Lâm cũng gây tranh luận khi thừa nhận Sài Gòn trước đây là thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa, là “Hòn Ngọc Viễn Đông,” khái niệm mà giới dư luận viên thường tỏ vẻ bực tức mỗi khi có ai đó nhắc đến để so sánh với thực trạng của TP.HCM sau 1975. (N.H.K) [qd]


 

ĐỈNH CAO THÁNH THIỆN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

“Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa!”.

Năm 1924, sau thất bại thám hiểm Everest, nhiều người chết. Tại một cuộc họp, một người đứng lên mô tả cuộc phiêu lưu xấu số; sau đó, anh quay sang một bức ảnh Everest khổng lồ và kêu lên, “Everest! Chúng tôi đã cố chinh phục bạn, nhưng bạn áp đảo chúng tôi. Chúng tôi cố gắng lần hai; lần ba, bạn đã quá sức chúng tôi. Nhưng, Everest, hãy biết, chúng tôi sẽ chinh phục bạn, bạn không thể lớn hơn; nhưng chúng tôi, có thể!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúng tôi, có thể!”. Đó cũng là những gì Thiên Chúa muốn chúng ta khẳng định với ‘đỉnh cao thánh thiện’ của mình! Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay nói lên một sự thật rằng, Kitô hữu không được kêu gọi để nên tầm thường; rằng, Thiên Chúa mời gọi chúng ta đạt đến đỉnh cao qua việc sống Các Mối Phúc nghèo khó, khóc lóc, chịu bắt bớ…

Đó là những gì thế gian ghê sợ – và đừng quên – Thiên Chúa cũng gớm ghiếc! Nhưng lạ thay, chính khi sống những nghịch lý Tin Mừng này, tâm hồn người môn đệ Giêsu lại tìm được cho mình một phần thưởng lớn lao nhất – chính Thiên Chúa – “Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Giêrêmia cũng đồng tình, “Khốn cho ai tin tưởng người đời; phúc thay người tin tưởng nơi Chúa!” – bài đọc một – Đấng mà vì Ngài, họ dám trở nên nghèo khó, đói khát, khóc lóc và bị thù ghét. Vậy tại sao gọi là phúc? Vì lẽ, Thiên Chúa, Đấng liên tục lôi kéo họ đến gần Ngài, dẫn họ đi trên con đường cứu độ; trên đó, Ngài thanh luyện, củng cố, đổ đầy niềm tin, tình yêu và hy vọng. Vì thế, đừng an phận với một cuộc sống tầm thường; nhưng hãy quyết tâm đạt tới ‘đỉnh cao thánh thiện’, để Chúa trở thành trung tâm của tất cả! Phaolô thật chí lý, “Nếu đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người!” – bài đọc hai.

“Với ánh sáng của Thiên Chúa, linh hồn tiến bộ vững chắc khi nhìn thấy khốn cùng của mình. Nó có thể chìm sâu hơn trong đau khổ; nhưng theo ‘mức độ mà nó đi xuống’, nó sẽ ‘đi lên’; vì như vậy, đến gần Chúa hơn. Người ta có thể nhìn thấy Thiên Chúa rõ hơn từ bên dưới; qua đó, thưởng thức những vuốt ve ngọt ngào của Ngài, cảm nghiệm sâu sắc hơn sự quyến rũ từ sự hiện diện thiêng liêng của Ngài!” – Luis María Martínez.

Trong Tin Mừng hôm nay, khi nhìn đám đông, ánh mắt Chúa Giêsu xuyên thấu những pháo đài bên trong họ – trái tim – nơi diễn ra chiến trận mỗi ngày giữa giằng co ‘tôi thuộc về Chúa hay thế gian?’. Ở đó, chiến trận giành lấy ý muốn và kế hoạch của Thiên Chúa được phát động không ngừng; bởi lẽ, không ai có thể đạt tới ‘đỉnh cao thánh thiện’ mà không từ bỏ những gì họ sở hữu, tâm hồn chưa được giải phóng. Nói cách khác, Thiên Chúa sẽ không chiếm hữu toàn bộ trái tim chúng ta cho đến khi mọi thứ khác bị loại ra.

Anh Chị em,

“Chúng tôi, có thể!”. Bạn có thực sự khát khao một đời sống thánh thiện; hay chỉ bằng lòng với việc trở thành một Kitô hữu? Nghĩa là chúng ta tin Chúa, biết quý trọng người khác, nhưng cũng không cần phải dấn thân quá mức. Như thế, hoặc là thánh thiện hoặc là tầm thường! Và nếu chấp nhận một lối sống cầm chừng với những gì tối thiểu, chúng ta không bao giờ đạt đến ‘đỉnh cao thánh thiện’ như Thiên Chúa kỳ vọng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con biết vươn lên những gì thuộc tầm cao, đừng để con thoả mãn với những gì tầm thấp – mà lẽ thường – là tầm thường!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

**********************************

Chúa Nhật Tuần VI – Mùa Thường Niên

 Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó. Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.         Lc 6,17.20-26

17 Khi ấy, Đức Giê-su ở trên núi xuống cùng với Nhóm Mười Hai, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, có nhiều môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng đến từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn.

20 Thấy vậy, Đức Giê-su ngước mắt nhìn các môn đệ và nói :

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,
vì Nước Thiên Chúa là của anh em.
21“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,
vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
vì anh em sẽ được vui cười.

22 “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. 23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

24 “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.

25 “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.

“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.

26 “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.” 


 

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. (Mt 5:8)-Cha Vương

Houston hôm nay gió lớn và lạnh, chúc bạn một ngày ấm áp trong vòng tay âu yếm của Mẹ nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 15/2/2025

TIN MỪNG: Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. (Mt 5:8)

SUY NIỆM: Dầu thánh Phê-rô được nhiều đặc ơn Chúa Giê-su ban, song Người chỉ dành ơn riêng này cho môn đệ đồng trinh, là cho dựa vào lòng Người trong bữa Tiệc-ly. Chúa Giê-su đặt thánh Phê-rô điều khiển Giáo Hội, nhưng Người lại phú Đức Mẹ cho Gio-an săn sóc.

Nhờ đức khiết trinh ta sống thanh sạch như các thánh trên thiên đàng; giữ mình trinh khiết, ta được thêm một công trọng mà các thiên thần không được. Linh hồn nào trong sạch nhiều, kết hợp với Chúa Giê-su mật thiết hơn, vì Người đã cảm thương mặc lấy nhân tính để kết hợp cùng ta. (x. Sách Gương Đức Mẹ, Q1:9:2)

LẮNG NGHE: Hãy gìn giữ tim con cho thật kỹ, vì từ đó mà sự sống phát sinh. (Cn 4:23)

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ rất tinh tuyền thánh thiện, xin cho con biết giữ hồn xác cho trong sạch để được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô, Người Con Chí Ái của Mẹ.

THỰC HÀNH: Cố gắng tránh những gì đang làm dơ bẩn bạn trong tư tưởng, lời nói, việc làm.

From: Do Dzung

***************************

TRINH VƯƠNG MARIA | PHẠM ĐỨC HUYẾN | CA ĐOÀN MARIA TRINH VƯƠNG

MỞ KHÔNG GIAN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Anh em có mấy chiếc bánh?”.

Bertrand Russell từng là một Kitô hữu; nhưng về sau, ông là một nhà vô thần công khai. Katharine Tait – con gái ông – nói, “Đã một thời, tận trong sâu thẳm tâm hồn cha tôi, có một khoảng trống được lấp đầy; ông đã từng ‘mở không gian’ cho Chúa. Nhưng, một khi đã tống Ngài ra, ông không bao giờ tìm được bất cứ thứ gì để đặt vào đó!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay đề cập khoảng không gian đó với hai câu hỏi: một của các môn đệ, một của Chúa Giêsu. Câu hỏi thứ nhất – ‘khép không gian’ – “Trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?”; câu hỏi thứ hai – ‘mở không gian’ – “Anh em có mấy chiếc bánh?”.

Mặc dù rất nhân bản; nhưng xét cho cùng, câu hỏi thứ nhất tiết lộ một sự nghèo nàn thiêng liêng. Với loại câu hỏi này, một nếp nghĩ, một tầm nhìn thiển cận – bi quan, hơi hướng thất vọng – sẽ hình thành khi chúng ta tự co rút để cam chịu một hoàn cảnh, một số phận xám xịt. Cách đặt vấn đề khá ủ dột này sản sinh một loạt câu hỏi biện minh cho sự bất khả trước nghịch cảnh. Nhiệm vụ là bất khả thi, tại sao tôi cố gắng? Lực bất tòng tâm, tại sao tôi mất thời giờ? Lối nghĩ này ngăn cản chúng ta mạo hiểm làm những điều tuyệt vời cho Chúa; và ngược lại, không còn mong đợi một điều tốt lành nào đến từ Ngài! Ngần ngại hay sợ hãi ‘mở không gian’ cho Chúa, chúng ta ‘vui hưởng’ thú đau thương trước những tình huống dường như vô vọng, và xem ra Thiên Chúa không toàn năng!

“Anh em có mấy chiếc bánh?”; ngược lại, là một câu hỏi hoàn toàn tích cực, tiềm tàng một niềm hy vọng và lạc quan – vì lẽ – nó ‘mở không gian’ cho Chúa. Qua đó, Chúa Cha có thể làm một điều gì đó để chứng thực quyền năng của Ngài. Chỉ cần một chút những gì sẵn có, cả khi chúng dường như ‘không đủ đến vô vọng’ – “bảy chiếc bánh và mấy con cá” – Ngài sẽ nhân lên để nuôi gần nửa vạn người. “Thiên Chúa dùng quyền năng của Ngài để làm nhiều điều lớn lao hơn tất cả những gì chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới” – Phaolô; dĩ nhiên, với điều kiện, mỗi người biết hào phóng cho đi những gì mình có!

Thật thú vị, Thiên Chúa cũng ‘mở không gian’ cho Ngài; đúng hơn, Ngài mở ra lòng thương xót trong cơn giận khi đuổi nguyên tổ ra khỏi Eden, “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi!” – bài đọc một. Đó là “tiền Tin Mừng!”. Con cháu họ rồi sẽ nhận ra điều này, “Lạy Chúa, trải qua bao thế hệ, Ngài vẫn là nơi chúng con trú ẩn!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Anh em có mấy chiếc bánh?”. Chúa Giêsu tiếp tục hỏi bạn và tôi! Mỗi ngày, đến với Thánh Thể, chúng ta ‘mở không gian’ cho Ngài, dẫu đó là một không gian chật hẹp – và đôi khi – rất tăm tối; thế nhưng, Ngài vẫn thương hạ cố. Cũng ở đó, Ngài tiếp tục hỏi và chờ đợi phần ‘bánh cá’ còm cõi của mỗi người; để rồi Ngài có thể nhân lên, nhân lên hầu nuôi sống bao người. Ước mong sao, đền thờ tâm hồn chúng ta ngày càng sạch trong, xứng đáng cho Chúa Giêsu chiếm ngự; và mong sao, bạn và tôi biết dâng phần ít ỏi của mình vào tay Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, giúp con luôn nhớ lời vị thánh trẻ, “Bớt chỗ của tôi, thêm chỗ cho Chúa!” – Acutis; may ra, con không hoá nên vô thần một khi cố tống khứ Ngài!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

************************************

Thứ Bảy Tuần V Thường Niên

Đám đông đã ăn và được no nê. Mc 8,1-10

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

1 Trong những ngày ấy, có rất đông dân chúng, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói : 2 “Thầy chạnh lòng thương dân chúng, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn ! 3 Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến.” 4 Các môn đệ thưa Người : “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no ?” 5 Người hỏi các ông : “Anh em có mấy chiếc bánh ?” Các ông đáp : “Thưa có bảy chiếc.” 6 Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho dân chúng. 7 Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn luôn cá nữa. 8 Dân chúng đã ăn và được no nê. Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa : bảy giỏ ! 9 Số người ăn độ chừng bốn ngàn người. Người giải tán họ. 10 Lập tức, Đức Giê-su xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đan-ma-nu-tha.


 

 

SỰ CHẾT – LM Nguyễn Tầm Thường, SJ

LM Nguyễn Tầm Thường, SJ

Khi tôi được sinh ra là khởi điểm tôi bắt đầu đi về cõi chết.  Làm gì có sự chết nếu không có sự sống.  Làm gì có ngày người ta chôn tôi nếu không có ngày tôi chào đời.  Như thế, cuộc sống của tôi là chuẩn bị cho ngày tôi chết.

Ngay từ trong bào thai của mẹ, bắt đầu có sự sống là tôi đã cưu mang sự chết rồi.  Kết hợp và biệt ly ở lẫn với nhau.  Trong lớn lên đã có mầm tan rã.  Khi vũ trụ chào đón tôi, thì cùng một lúc, tôi bắt đầu từ giã vũ trụ từng ngày, từng giờ.

Mỗi ngày là một bước tôi đi dần về sự chết.  Bình minh mọc lên, nhắc nhở cho tôi một bước cận kề.  Hoàng hôn buông xuống, thầm nói cho tôi sự vĩnh biệt đang đến.

Không muốn nghĩ về sự chết tôi cũng chẳng tránh đuợc sự chết.

Tôi có thể không muốn nghĩ về sự chết nhưng tôi có ghét sự chết được không?  Tôi ghét sự chết là tôi ghét chính tôi.  Chết ở trong tôi. Tôi đang đi về cõi chết nên ngay bây giờ sự chết đã thuộc về tôi rồi.  Sự sống của tôi hàm chứa sự chết, nên tôi yêu sự sống thì tôi cũng phải yêu sự chết.  Vì vậy, cuộc đời có ý nghĩa vẫn chỉ là cuộc đời chuẩn bị cho ngày chết.

Trong dòng đời, tôi không sống một mình.  Cuộc sống của tôi là tấm thảm mà mỗi liên hệ yêu thương là một sợi tơ, mỗi gắn bó quen biết là một sợi chỉ, anh em, cha mẹ, người yêu.  Sự chết xé rách tung tất cả để tôi ra đi một mình.  Chẳng ai đi với tôi.  Vì thế, chết mang mầu ly biệt.

Sống là hướng về tương lai.  Tương lai là cái tôi không nắm chắc trong tay, vì vậy, tôi hay nhìn về tương lai bằng nỗi sợ bấp bênh.  Càng bấp bênh thì tôi càng tìm kiếm vững chãi, càng tích lũy.  Nhưng tích lũy xong, xây đắp xong, vất vả ngược xuôi để rồi ra đi trắng đôi tay thì đời tôi thành đáng thương hại.  Nếu tôi không đem theo được những gì tôi tích lũy, thì những gì tôi ôm ấp hôm nay chỉ làm tôi thêm đau đớn, nuối tiếc.  Nếu không muốn vậy thì chúng phải là phương tiện để chuẩn bị cho giờ ra đi của tôi.

Tích lũy cho tương lai có thể là dấu hiệu khôn ngoan đề phòng những bất trắc có thể xẩy ra.  Mà cũng có thể là một thứ nô lệ.  Nếu suốt đời tôi lo âu tìm kiếm danh vọng, quá tham lam tiền bạc, lúc nào cũng bị vây khốn, băn khoăn thì đâu là niềm vui, tận hưởng.

Mà tận hưởng là gì?  Ðâu là ý nghĩa của sự tìm kiếm?  Tích lũy?

Kinh Thánh kể:

Có người trong đám dân chúng nói với Ðức Kitô: “Thưa Thầy, Thầy bảo anh tôi chia gia tài với tôi.”

Ngài đã nói cùng họ: “Hãy coi chừng!  Hãy lo giữ mình tránh mọi thứ gian tham, vì không phải ai được sung túc, là đời sống người ấy chắc chắn nhờ của cải.”

Ngài nói cùng họ một ví dụ rằng: “Có người phú hộ, ruộng nương được mùa, nên suy tính với mình rằng: ta phải làm gì?  Vì ta không còn chỗ nào mà tích trữ hoa mầu nữa.  Ðoạn người ấy nói: Ta sẽ làm thế này: phá quách các lẫm đi, mà xây những lẫm lớn hơn, rồi chất cả lúa mạ, và của cải vào đó, rồi ta nhủ hồn ta: Hồn ơi!  Mày có dư thừa của cải, sẵn đó cho bao nhiêu năm; nghỉ đi!  ăn uống đi!  hưởng đi!  Nhưng Thiên Chúa bảo nó: Ðồ ngốc!  Ngay đêm nay, người ta sẽ đòi ngươi trả lại hồn ngươi, mọi sự ngươi đã sắm sửa, tích góp kia sẽ về tay ai? (Lc 12,13-21).

Không ai sống hộ tôi.  Không ai chết thay tôi.  Không ai đi cùng tôi.  Tôi sẽ ra đi lẻ loi.  Họ sẽ quên tôi cũng như tôi đã quên bao người.  Có thể đôi khi họ nhớ tôi.  Cũng như đôi khi tôi nhớ người này, kẻ kia.  Nhưng nỗi nhớ chỉ là của riêng tôi, còn kẻ đã ra đi vẫn ra đi miền miệt.  Thì cũng thế, chẳng ai làm gì được cho tôi lúc tôi ra đi không trở lại.

Chết là mất tất cả.  Nhưng thánh Phaolô lại tuyên tín rằng chết là chiến thắng (1Cor 15,54).  Chết là đi về sự sống vĩnh cửu.  Chết là gặp gỡ.  Gặp Ðấng tạo nên mình.  Như vậy, chết là cánh cửa im lìm được mở ra để tôi về với Ðấng thương tôi.  Chết là điều kiện để sống.

Chúa ơi, chết là đi về với Chúa sao con vẫn lo âu?

Phải chăng nỗi lo âu là dấu hiệu nói cho con rằng con sợ con có thể không gặp Chúa.  Vì sợ không gặp nên chết mới là bản án nặng nề.  Mà tại sao con lại sợ không gặp Chúa?  Chúa luôn mong mỏi, đợi chờ con cơ mà.  Như thế, muốn gặp Chúa hay không là do ý của lòng con.  Con có quyền quyết định cho hạnh phúc của mình.

Chúa ơi, vì biết mình sẽ chết nên con băn khoăn tự hỏi bao giờ thì chuyến tầu định mệnh đem con đi.  Hôm nay hay ngày mai?  Mùa thu này hay mùa xuân tới?  Con âu lo.  Nhưng vì sao phải lo âu?

Phải chăng lo âu là dấu hiệu nói cho con rằng con chưa chuẩn bị đủ, là hồn con còn ngổn ngang.  Có xa Chúa thì mới sợ mất Chúa.  Sợ mất Chúa thì mới xao xuyến băn khoăn.  Con biết thế, con biết rằng vì không sẵn sàng, vì không chuẩn bị nên mới hồi hộp, mất bình an.  Con biết thế, con biết sau khi chết là hạnh phúc hay gian nan, là núi cao với mây ngàn cứu rỗi, hay vực sâu phiền muộn với đau thương.  Nhưng chuẩn bị cho giờ ra đi không đơn giản Chúa ơi.  Chúa biết đó, con đi tìm Chúa nhưng là đi trong lao đao.  Bởi yêu một vật hữu hình thì dễ hơn lắng nghe tiếng gọi từ nơi xa thẳm.  Giầu có và danh vọng cho con hạnh phúc mà con có thể sờ được.  Còn hạnh phúc của đức tin thì sâu thắm quá.

Chung quanh có biết bao mời mọc.  Kinh nghiệm cho con thấy rằng đã nhiều lần con bỏ Chúa.  Như vậy biết đâu con lại chẳng bỏ Chúa trong tương lai.  Nếu lúc đó mà giờ chết đến thì sao?

Chúa có nghĩ rằng khi con phải phấn đấu chối từ những rung cảm bất chính để sống theo niềm tin là thánh giá của con không.  Chối từ tiếng gọi của tội lỗi đã là một thánh giá.  Nhưng có khi lo âu vì không biết mình có từ chối được không còn là một thánh giá khác nữa.  Chính đấng thánh của Chúa mà còn phải kêu lên: “Ôi! những điều tôi muốn làm thì tôi chẳng làm, những gì tôi muốn trốn tránh thì tôi lại làm” (Rom 7,15-16).  Chúa thấy đó, vị tông đồ lớn của Chúa mà còn như thế, huống chi con, một kẻ mang nhiều đam mê, yếu đuối thì đường về với Chúa gian nan biết bao.

Ðể khỏi chết khi con chết, thì con phải chết trước khi con chết.

Cái chết đó là đóng đinh đời con vào thập giá.  Con không biết con can đảm đến đâu.  Con chỉ xin sao cho con tiếp tục đi mãi.  Ði xiêu vẹo vì yếu đuối của con, nhưng vẫn tiếp tục đi.

Thập giá nào thì cũng có đau thương.

Con không muốn thập giá.  Vì thập giá làm con mang thương tích.  Chúa cũng đã ngã.  Nhưng nếu sự sống của con mang mầm sự chết, thì trong cái chết của thập tự nẩy sinh sự sống.  Chúa đã chết.  Chúa hiểu nỗi sợ hãi của sự chết.  Con vẫn nhớ lời Chúa cầu nguyện: “Lạy Cha, con xin phó hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).  Hôm nay con cũng muốn nói như vậy đó, với Chúa.  Cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa dạy con rằng chẳng có sự sống nào mà không phải qua sự chết.  Chết thì sợ hãi, nhưng nếu con yêu sự sống thì con phải yêu sự chết.

Con muốn chết để được sống.

Con sẽ đóng đinh đời con vào thập tự.  Chúa ơi, Chúa có cho những lo âu của con là dấu chỉ tình yêu của một tâm hồn yếu đuối, đang thao thức đi tìm Chúa vì sợ mất Chúa không.

Lạy Cha, trong tay Cha con xin phó thác đời con.

LM Nguyễn Tầm Thường, SJ

Trích trong Nước Mắt và Hạnh Phúc

From: Langthangchieutim


 

H A P P Y  V A L E N T I N E ‘ S D A Y – “Ngày Tình Yêu”

Peter Nguyen

Thoảng qua gió thoảng mây bay,

“Nương nhau mà sống” đẹp thay tình người!

Cuộc đời liền với khóc cười,

Chìa khoá vàng sống gọi mời thăng hoa!

H A P P Y  V A L E N T I N E ‘ S D A Y

“Ngày Tình Yêu” cũng là ngày tình nghĩa dành cho người yêu, cũng là ngày nhớ đến công ơn dành cho ông bà cha mẹ, anh chị em thân bằng quyến thuộc và bạn bè!

1) Mỗi một con người hiện diện trên đất nước Hoa Kỳ hay các nước khác đều phải cần “Người Bảo Trợ” để có thể được định cư ở nước thứ ba, từ các trại tị nạn bằng đường biển hay đường bộ. Người bảo trợ đó có thể là một tổ chức của nhà thờ, một người thân hay bạn bè đã định cư trước, hay sau này được ra đi theo diện HO, hay theo chương trình ra đi có trật tự ODP. Tóm lại, tất cả và mỗi người được đi định cư, đều cần phải có “Người Bảo Trợ”.

Tại hạ và gia đình cũng không ngoại lệ! Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao ta dồn hết Tình Yêu Thương cho gia đình của riêng mình, mà hình như không tạo ra được một thói quen dễ thương là cũng dành ra cơ hội tốt này , để nhớ đến công ơn “Người Bảo Trợ”?. Tại hạ từng chứng kiến có rất nhiều gia đình Việt đã thực hiện nghĩa cử bày tỏ lòng biết ơn dành cho người bảo trợ đó đây, nhưng hình như chưa tạo ra được một phong trào đồng loạt!

“Ăn trái nhớ kẻ trồng cây,

Tình người tình đẹp đong đầy tương lai!”

2) “Ngày Tình Yêu” cũng là cơ hội bày tỏ lòng biết ơn dành cho người phối ngẫu. Đây là một mĩ tục mà các quốc gia Tây phương đã và đang thực hiện hàng năm đến hẹn lại mừng vào ngày Feb 14! Đây cũng là cơ hội nhắc nhở người đang yêu đã yêu và sẽ yêu, hoàn tất bổn phận và nghĩa vụ của một người tình. Tuỳ theo điều kiện và ý thích của đôi bên trai gái, quà tặng đó có thể là một món quà người tình ưa thích, một bữa ăn mừng, một nghĩa cử yêu thương bằng một cành hồng nhiều ý nghĩa!

3) “Ngày Tình Yêu” qua kinh nghiệm bản thân, nhìn vào con số thống kê có tới 50-60% các cuộc hôn nhân ở Hoa Kỳ và nhiều nước trên thế giới đã đổ vỡ! Buồn, thật buồn, vì một khung trời hoa mộng, một giấc mơ hoa đã vỡ nát con tim, gây hệ lụy thương tổn cho đời con đời cháu, dẫu rằng con cháu vẫn có thể thích ứng thành công, nhưng… vết thương luôn còn đó! Câu hỏi đặt ra là: Vì đâu nên nỗi?

Qua một đêm thức trắng, tại hạ đã ghi lại bài viết “Nương Nhau Mà Sống” này, tuy đã cũ nhưng mạn phép dùng lại làm quà “Ngày Tình Yêu” gởi đến bà con bạn bè thân quen, với ước mong được quí vị và bạn hữu phản hồi! Tại hạ xin đón nhận trân quí lời bình của quí vị, bất kể khen hay chê.

Người bạn tốt là người đã dám nói sự thật, dám phê bình thẳng thắn, vì “chân lí sẽ giải thoát” chúng ta!

Chân thành cảm ơn!

Richmond TX

Feb 13, 2024

N ư ơ n g  N h a u  M à  S ố n g !

Trên đường đi chụp hoa Bluebonnet ở Brenham TX có hãng làm kem rất nổi tiếng Blue Bell . Trước mặt tiền của gian nhà chính của hãng kem có bức tranh được treo tường, là nơi trưng bày tiến trình hệ thống sản xuất, cũng như giới thiệu từng loại kem cho khách dùng thử. Bức tranh thoát thai từ một bức tranh cổ, do họa sĩ Grant Wood vẽ vào năm 1930, mô tả nét mặt của một cặp đôi đứng trước căn nhà của họ.

Dựa trên thần thái mô tả về một cặp vợ chồng, thoạt nhìn có vẻ có vấn đề, tựa như bất cứ một cặp vợ chồng nào trên thế gian này, đều có vấn đề không nhiều thì ít vì “sống trong chăn mới biết chăn có rận” hay “xấu che tốt khoe” mà! Chuyện chung sống lâu bền được hay không tùy thuộc vào bốn chữ vàng “nương nhau mà sống”. Điều muốn nói ở đây là nương nhau như thế nào? Khi một người cho là mình đúng, tất nhiên là người kia sai, nên cần đến một trung gian hòa giải để tìm ra giải pháp dung hòa.

Người Mỹ thường nói “Happy Wife Happy Life”, câu nói có vẻ thiếu công bình vì thiên vị về phía người vợ chăng? Mà sự thường thì trong tương quan nơi thế giới con người đều phải là “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Đừng kể các bậc thánh nhân siêu thoát hay tình yêu cha mẹ dành cho con cái, là thứ tình cho không biếu không. Chân lý “có qua có lại mới toại lòng nhau” luôn đúng trong quan hệ anh chị em, vợ chồng hay bà con bằng hữu.

Thoát thai từ câu chuyện ngụ ngôn Ấn Độ, thiên hạ đã đưa ra một bức tranh vân cẩu gồm 3 con khỉ: con thứ nhất nhắm mắt, con thứ hai bịt tai, và con thứ ba bịt miệng. Thiển nghĩ nên thêm vào con khỉ thứ tư “mắt nhắm mắt mở” cho đủ “tứ trụ” mà nhiều người cho là kim chỉ nam giữ gìn gia đình hạnh phúc! Vậy thì câu nói vợ chồng cần “nương nhau mà sống” để giữ cho hôn nhân được lâu bền thì phải hành xử sao đây? Chẳng lẽ cứ phải bịt mắt bịt miệng và bịt tai, chấp hành tất tần tật mọi hành vi, lời nói và việc làm của người vợ hay người chồng suốt cả cuộc đời? Hà cớ gì lại thiên vị đứng về phía người vợ mà cho rằng “Happy Wife Happy Life”, bất chấp đúng hay sai, phải hay trái! Vậy thì cần đến một giải pháp dung hòa để quân bình trong đời sống gia đình, đó là chấp nhận chân lý: Tự bản chất con người bất toàn, không ai là không có khuyết điểm lỗi lầm cho dù “nhân chi sơ tính bổn thiện”, nhưng mỗi người sinh ra và lớn lên, hình thành một nhân cách tùy thuộc theo tâm tính, theo những điều kiện sinh sống và giáo dục của gia đình, của học đường và xã hội … Cái phông ấy uốn nắn thành một con người cụ thể bằng xương bằng thịt, đầu đội trời chân đạp đất! Một khi chấp nhận chân lý ấy rồi tất nhiên cần đến một giải pháp dung hòa, là phải “nương nhau mà sống”, không thể cực đoan một chiều. Nói như vậy có nghĩa là cần đến giải pháp “mắt nhắm mắt mở”. Một mắt nhắm để bỏ qua cho nhau những khuyết điểm không hài lòng vì con người là bất toàn! Một mắt mở để nhìn ra cái tốt và ưu điểm của nhau. “Nương nhau mà sống” phải là quy luật vàng trong hôn nhân! Nếu không nương được nhau thì tất nhiên sẽ rơi vào con số thống kê 50% – 60% hôn nhân đổ vỡ bằng tờ ly dị!

Hệ lụy đau thương nhất là những đứa con thiếu cha hoặc thiếu mẹ, và dĩ nhiên tâm lý thiếu quân bình, cho dù chúng vẫn có thể sinh tồn thành nhân hay thành tài được theo bàn năng! Một giây phút thiếu nghĩ suy khi đem so sánh hơn thiệt người mình đã chọn trước đây với người này kẻ nọ; một cơn giận mất khôn khi đi đến một quyết định vội vã, một ham muốn nhất thời tìm kiếm của lạ khi đã chán cơm đâm ra thèm phở. Sâu xa hơn nữa là một cái tôi to đùng đầy cá tính bắt người khác phải phục tùng mình tựa như câu chuyện hai người bạn gái nhỏ to với nhau:

– Mẫu người mày chọn làm chồng trong tương lai ra sao?

– Tao không cần hắn phải đẹp trai như Tom Cruise; cũng không cần phải giàu có như Elon Musk. Tao chỉ cần hắn phải chiều chuộng làm theo ý tao muốn mọi nơi, mọi lúc.

– Xin lỗi mày, chỉ có con chó mới làm được điều mày vừa nói! Ha ha ha!

Còn thương trái ngọt gia đình,

Khéo co thì ấm vụng sinh ra thường.

Tập trung ưu điểm dễ thương,

Thuận buồm xuôi gió con đường trăm năm!

Tuệ Ngữ Nguyễn Đông-Khê

Richmond TX

 

Bịt miệng trí thức [1]: Đòn cuối cùng của một chế độ sợ hãi – Uyên Nguyên

Ba’o Tieng Dan

14/02/2025

Diễn đàn Thế kỷ

Uyên Nguyên

Khi người dân không còn sợ hãi, khi trí thức không còn chấp nhận sự kiểm duyệt, khi công lý không còn bị bóp méo bởi những điều luật phục vụ quyền lực, đó mới là lúc một tương lai thực sự có thể bắt đầu.

Tự do ngôn luận không phải là một đặc ân, mà là một quyền căn bản, là nền tảng của mọi nền dân chủ thực thụ. Khi quyền này bị bóp nghẹt, không những chỉ một cá nhân bị trừng phạt, mà cả một xã hội bị đặt vào tình trạng câm lặng, bị tước đoạt quyền suy nghĩ và bày tỏ. Một dân tộc không có tự do ngôn luận là một dân tộc đang bị giam cầm ngay trên mảnh đất của chính mình, không phải bởi song sắt của nhà tù, mà bởi nỗi sợ hãi, bởi những điều luật mơ hồ có thể giáng xuống bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào.

Việt Nam chưa bao giờ thiếu những bản án dành cho những người dám lên tiếng và trường hợp của Osin Huy Đức [2] chỉ là một minh chứng mới nhất cho điều đó. Nhưng điều đáng nói vốn không nằm ở số phận của một cá nhân, mà chính là sự tồn vong của cả một hệ thống giá trị: Khi những người dám nói sự thật bị trừng phạt, điều này đồng nghĩa với việc cả xã hội đang bị đặt vào một vòng kim cô của sự dối trá. Một chính quyền sử dụng pháp luật không phải để bảo vệ công lý mà để bảo vệ quyền lực cho chính nó, thì đó không còn là pháp quyền mà là một hình thức cai trị bằng bạo lực, được khoác lên lớp vỏ của sự hợp pháp.

Hiến pháp Việt Nam công nhận rằng công dân có quyền tự do ngôn luận, nhưng ngay sau đó lại ràng buộc bằng điều kiện “do pháp luật quy định”. Trong một hệ thống mà pháp luật không phục vụ nhân dân mà chỉ phục vụ giai tầng thống trị, thì điều này đồng nghĩa với việc mọi quyền tự do đều có thể bị tước đoạt bất cứ lúc nào, chỉ cần có một lý do được nhà nước đưa ra.

Những điều luật như “lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước” hay “tuyên truyền chống nhà nước” là những chiếc lưới vô hình, sẵn sàng siết chặt cổ bất kỳ ai dám lên tiếng. Một nhà báo viết về sự thật có thể bị coi là phản động, một học giả phân tích lịch sử có thể bị buộc tội bóp méo thực tế, một người dân bình thường lên tiếng về bất công có thể bị xem là gây rối trật tự công cộng. Trong một xã hội như vậy, ai còn dám suy nghĩ, ai còn dám phản biện, ai còn dám bảo vệ sự thật?

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Khi một cá nhân bị kết án vì phát ngôn của mình, thì không riêng một mình người đó chịu hậu quả. Toàn bộ xã hội sẽ học được một bài học cay đắng: Sự im lặng là con đường an toàn nhất. Sự sợ hãi len lỏi vào từng góc nhỏ của đời sống, khiến con người ta tự kiểm duyệt trước khi nói, tự cắt bỏ những suy nghĩ phản biện trước khi chúng kịp hình thành.

Một xã hội không có tự do tư tưởng là một xã hội chết lâm sàng. Không có đổi mới, không có sáng tạo, không có tiến bộ, chỉ có sự trì trệ và dối trá kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng tệ hơn cả, đó là một xã hội đánh mất khả năng nhận ra sự bất công ngay cả khi nó hiển hiện trước mắt. Khi sự thật bị bóp méo quá nhiều lần, khi những lời dối trá được lặp đi lặp lại với tần suất dày đặc, con người ta sẽ dần chấp nhận nó như một thực tại không thể thay đổi. Và khi điều đó xảy ra, không cần đến một bộ máy đàn áp mạnh tay, chính những nạn nhân của sự cai trị sẽ tự biến mình thành những người bảo vệ cho hệ thống đã trói buộc họ.

Có một câu hỏi cần phải đặt ra: Vì sao Việt Nam có quá nhiều trí thức nhưng lại thiếu vắng những tiếng nói trí thức đích thực? Bởi vì rất nhiều người có học thức đã chọn cách im lặng, hoặc tệ hơn, chọn cách phục vụ cho hệ thống. Chúng ta khoác lên mình danh xưng trí thức nhưng không sử dụng tri thức của mình để bảo vệ lẽ phải, mà chỉ để bảo vệ vị trí và quyền lợi của bản thân. Chúng ta biết rõ những gì đang diễn ra, nhưng thay vì lên tiếng, chọn cách đứng ngoài hoặc thậm chí hợp tác với quyền lực để đàn áp những tiếng nói bất đồng.

Đây chính là bi kịch lớn nhất của giới trí thức Việt Nam: Sự thỏa hiệp với bất công, sự khiếp nhược trước quyền lực, sự phản bội đối với chính lý tưởng của mình. Nhưng lịch sử đã chứng minh rằng, những ai lựa chọn đứng về phía áp bức không bao giờ có thể thoát khỏi hậu quả của nó. Một khi hệ thống mất đi giá trị cốt lõi, ngay cả những kẻ từng được hưởng lợi từ nó cũng sẽ bị nuốt chửng.

Những quốc gia tiến bộ trên thế giới không phải ngẫu nhiên mà có. Họ đã trải qua những giai đoạn mà chính quyền muốn bịt miệng trí thức, nhưng giới trí thức ở đó đã không chấp nhận điều đó. Từ châu Âu đến Mỹ, từ Đông Âu đến Đông Á, những cuộc cách mạng tư tưởng đều bắt đầu từ những con người không chấp nhận bị kiểm soát bởi nỗi sợ hãi. Voltaire [3], Rousseau [4], Kant [5], Hayek [6], Orwell [7]– tất cả họ đều là những trí thức đã dám đối mặt với quyền lực để bảo vệ quyền được suy nghĩ, quyền được nói của con người. Nếu họ cũng chọn cách im lặng như nhiều người ngày nay, thế giới này sẽ vẫn còn chìm trong bóng tối của chủ nghĩa chuyên chế.

Nhưng, quay trở lại Việt Nam, điều quan trọng không phải là trách cứ ai đã sai, mà là đặt câu hỏi: Làm thế nào để thay đổi? Một quốc gia không thể phát triển nếu trí thức không dám phản biện, nếu xã hội không dám đòi hỏi quyền của mình. Những bản án dành cho những người như Huy Đức có thể làm nản lòng một số người, nhưng cũng có thể là động lực để những người khác nhận ra rằng: nếu không đấu tranh, chúng ta sẽ không còn gì cả. Một chính quyền không thể đàn áp mãi mãi nếu xã hội không chấp nhận bị đàn áp. Một bộ máy cai trị không thể kiểm soát tất cả mọi người nếu tất cả mọi người cùng lên tiếng.

Tự do ngôn luận không đến từ sự ban phát của chính quyền, mà đến từ sự đòi hỏi không ngừng nghỉ của người dân. Lịch sử nhân loại đã chứng minh điều đó hết lần này đến lần khác. Khi Nelson Mandela [8] bị giam cầm, điều đó không làm phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi yếu đi, mà còn làm nó mạnh mẽ hơn. Khi Václav Havel [9] đàn áp, điều đó không khiến phong trào dân chủ tại Tiệp Khắc [10] tan rã, mà còn là tiền đề cho cuộc Cách mạng Nhung [11].

Việt Nam không thiếu những người có đủ nhận thức để hiểu điều này, chỉ thiếu những người có đủ can đảm để hành động. Nhưng sự thay đổi không thể chỉ đến từ một cá nhân hay một nhóm nhỏ, mà phải là ý thức tập thể của cả một dân tộc. Khi người dân không còn sợ hãi, khi trí thức không còn chấp nhận sự kiểm duyệt, khi công lý không còn bị bóp méo bởi những điều luật phục vụ quyền lực, đó mới là lúc một tương lai thực sự có thể bắt đầu.

Bản án của Osin Huy Đức, dù có là gì đi nữa, cũng không phải là dấu chấm hết. Nó chỉ là một trong những dấu mốc trên con đường dài của một dân tộc đang tìm cách thoát khỏi bóng tối. Nhưng để thay đổi, câu hỏi không phải là ai sẽ làm điều đó, mà là liệu tất cả chúng ta tiếp tục cúi đầu hay đứng thẳng để đòi lại tiếng nói của mình.

________

[1] Trí thức không chỉ là những người có học vấn cao, mà quan trọng hơn, là những người mang trách nhiệm đối với sự thật và công lý. Trong mọi thời đại, trí thức luôn đóng vai trò khai sáng, thúc đẩy tiến bộ xã hội và phản biện quyền lực khi cần thiết. Nhưng ở Việt Nam, trí thức vừa đối diện với những thách thức tri thức, đồng thời với áp lực kiểm soát, sự đàn áp và nguy cơ bị bịt miệng. Một trí thức đúng nghĩa không phải là người chỉ thuần thục kiến thức, mà là người dám đặt câu hỏi, dám nói lên sự thật ngay cả khi nó không được chào đón. Thời đại Việt Nam hôm nay không thiếu người tài giỏi, nhưng thiếu những người dám bước qua nỗi sợ hãi để bảo vệ giá trị của trí tuệ. Khi trí thức trở thành công cụ của quyền lực, xã hội mất đi ánh sáng dẫn đường. Nhưng khi trí thức dám đứng lên, đó là khởi đầu của một kỷ nguyên mới.

[2] Osin Huy Đức (tên thật: Trương Huy San) là một nhà báo, nhà bình luận chính trị người Việt Nam, nổi tiếng với những bài viết phản biện sắc bén và tác phẩm “Bên Thắng Cuộc”, một cuốn sách gây tiếng vang về lịch sử Việt Nam sau 1975. Ông từng là phóng viên của nhiều tờ báo lớn trước khi trở thành cây bút độc lập. Hiện tại, Huy Đức đang bị cầm tù và đối mặt với nguy cơ bị kết án theo điều luật mơ hồ về “lạm dụng quyền tự do ngôn luận để chống phá nhà nước”, phản ánh tình trạng đàn áp tư tưởng và tự do báo chí tại Việt Nam.

[3] Voltaire (1694–1778): Nhà triết học, nhà văn và nhà khai sáng người Pháp, nổi tiếng với tư tưởng tự do ngôn luận, phản đối chế độ chuyên chế và sự áp bức của tôn giáo. Câu nói kinh điển của ông: “Tôi không đồng ý với điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền được nói ra điều đó.” dù chưa được xác nhận là của ông, vẫn thể hiện tinh thần đấu tranh mạnh mẽ cho tự do ngôn luận.

[4] Jean-Jacques Rousseau (1712–1778) – Triết gia Khai sáng người Pháp, tác giả Bàn Về Khế Ước Xã Hội(Du Contrat Social), đề xướng quyền tự do và chủ quyền nhân dân, ảnh hưởng sâu sắc đến Cách mạng Pháp và các nền dân chủ hiện đại.

[5] Immanuel Kant (1724-1804) – Nhà triết học người Đức, một trong những tư tưởng gia vĩ đại nhất của thời kỳ Khai sáng. Ông đề xướng “Triết học Phê phán”, nhấn mạnh vào lý trí, đạo đức và tự do cá nhân. Tác phẩm “Phê phán lý tính thuần túy” (1781) đặt nền móng cho nhận thức luận hiện đại, trong khi “Phê phán lý tính thực tiễn” (1788) và “Nền tảng Siêu hình Học về Đạo đức” (1785) khẳng định rằng con người phải hành động theo nguyên tắc đạo đức phổ quát, không bị ràng buộc bởi quyền lực hay lợi ích cá nhân. Kant tin rằng tự do ngôn luận và tự chủ trí tuệ là điều kiện cốt lõi để khai sáng xã hội.

[6] Friedrich Hayek (1899–1992) – Nhà kinh tế học và triết gia chính trị người Áo, tác giả của The Road to Serfdom (1944), một tác phẩm kinh điển cảnh báo về nguy cơ của chủ nghĩa toàn trị và sự kiểm soát nhà nước đối với tự do cá nhân. Hayek lập luận rằng một xã hội tự do chỉ có thể tồn tại khi quyền cá nhân, đặc biệt là tự do ngôn luận và tư tưởng, không bị nhà nước kiểm soát. Ông là người bảo vệ mạnh mẽ của kinh tế thị trường và tư tưởng tự do cổ điển.

[7] George Orwell (1903-1950) – Nhà văn, nhà báo và nhà phê bình chính trị người Anh, nổi tiếng với các tác phẩm “1984” và “Animal Farm”, trong đó ông cảnh báo về sự kiểm soát tư tưởng, chế độ toàn trị và nguy cơ thao túng sự thật. Orwell trở thành biểu tượng của tư tưởng chống độc tài, với những khái niệm như “Big Brother”“Doublethink”, và “Newspeak”, phản ánh sự bóp méo ngôn ngữ để kiểm soát nhận thức con người.

[8] Nelson Mandela (1918-2013) – Nhà lãnh đạo phong trào chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, bị giam cầm 27 năm vì đấu tranh chống chế độ Apartheid. Sau khi được trả tự do, ông trở thành Tổng thống Nam Phi (1994-1999) và là biểu tượng toàn cầu của hòa giải, công lý và tự do.

[9] Václav Havel (1936–2011) – Nhà văn, nhà bất đồng chính kiến, và tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Séc sau khi chế độ cộng sản sụp đổ. Ông là một trong những lãnh đạo chủ chốt của Cách mạng Nhung (1989), phong trào bất bạo động dẫn đến sự chấm dứt chế độ cộng sản tại Tiệp Khắc. Với tư tưởng dân chủ, tự do ngôn luận và nhân quyền, Havel không chỉ là một biểu tượng đấu tranh chống độc tài mà còn là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn trong chính trị toàn cầu.

[10] Phong trào dân chủ tại Tiệp Khắc bắt đầu mạnh mẽ từ những năm 1970 với Hiến chương 77, một tuyên ngôn do Václav Havel và nhiều trí thức soạn thảo nhằm yêu cầu chính quyền tôn trọng nhân quyền. Đến năm 1989, Cách mạng Nhung bùng nổ khi hàng trăm ngàn người xuống đường biểu tình ôn hòa, buộc chính quyền cộng sản sụp đổ mà không đổ máu. Tiệp Khắc sau đó chuyển đổi thành nền dân chủ đa đảng, mở đường cho sự phát triển của Cộng hòa Séc và Slovakia ngày nay.

[11] Cách mạng Nhung (Velvet Revolution) là cuộc cách mạng ôn hòa diễn ra vào năm 1989 tại Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc và Slovakia), dẫn đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại nước này mà không cần đổ máu. Dưới sự lãnh đạo của Václav Havel và phong trào đối lập, hàng trăm nghìn người dân đã xuống đường biểu tình, buộc chính quyền phải nhượng bộ. Cuộc cách mạng này là một trong những dấu mốc quan trọng của làn sóng dân chủ hóa Đông Âu cuối thế kỷ 20.