THIẾU UÝ HÙNG -Truyện ngắn

Xuyên Sơn

Thiếu Uý cảnh sát Dương Mạnh Hùng có thời gian phục vụ trong ngành ngắn ngủi chỉ 2 năm, nhưng thời gian tù cải tạo lại dài gấp 4 lần, nghĩa là 8 năm.

Tình nguyện vào học tại trường Sĩ quan cảnh sát Thủ Đức năm 1973,

lúc ấy Hùng mới 19 tuổi, trên mặt vẫn còn sót lại lưa thưa những cọng lông măng của tuổi dậy thì.

Ngày mãn khoá huấn luyện, trong lúc các bạn đồng khoá vui mừng chuẩn bị đón nhận lon Thiếu Uý mới tinh trên vai áo thì Hùng bị bắt.

Một chiếc xe jeep mang biển số ẩn tế ( giống như xe mang biển số xanh bây giờ) của Bộ Tư lệnh Cảnh sát quốc gia chạy vào trường, còng tay Hùng quăng lên xe vì cái tội khai báo lý lịch gian dối.

Về tới Bộ Tư Lệnh cảnh sát, Hùng được tháo còng, đưa đi gặp Trung Uý Ngọc, Trưởng lưới tình báo đặc trách mảng “Sinh viên, học sinh”, thuộc Khối Cảnh sát Đặc biệt do Đại Tá Tây làm trùm.

Tại đây Hùng được biết, việc bắt Hùng chỉ là một màn kịch để che mắt mọi người trong việc tuyển Hùng vào làm cho ngành cảnh sát Đặc biệt, chuyên trà trộn, theo dõi và báo cáo các hoạt động của bọn sinh viên “phản chiến”.

Hùng được dặn cấm mặc đồ cảnh sát, cấm vào Bộ Tư lệnh, coi như mình còn đang đi học đại học.

Mọi chuyện chỉ được liên lạc qua một người mập mập, chạy xe vespa,

chính người này mỗi tháng sẽ đến nhà đưa tiền lương cho Hùng hoặc nếu không gặp thì đưa cho mẹ của Hùng.

Sau này, qua rải rác những chuyện phiếm bên bàn rượu, hắn được biết đã có nhiều khuôn mặt việt cộng từng nằm trong “tầm ngắm “ của Hùng.

Đó là :

Hạ Đình Nguyên

( Về sau phản tỉnh, có đi biểu tình chống Trung Quốc vài lần).

Phan Công Trinh

( Sau 75 làm Giám đốc Sở Tư pháp TP/ HCM, rồi đi tù vụ nước hoa Thanh Hương. Tù về, mở nhà hàng Hương Giang rất bự trên sông Hương, Huế)

Ba Châu

(Chánh văn phòng Quận 3, nghe nói đã chết )

Ba Hội

( Giám đốc xí nghiệp xuất nhập khẩu Quận 8, giờ không biết ra sao,

lần chót hắn gặp là năm 1983, khi Ba Hội đến nhà chơi xì phé với ông anh hắn,

lúc xuống cầu thang đi tiểu, súng K54 rớt cả ra ngoài ).

Và toán của Hùng đang trong chiến dịch chuẩn bị bắt nữ nghệ sĩ Kim Cương thì đứt phim.

Sau 75, đi qua nhiều trại cải tạo cũng như chịu đựng mấy trận đòn thù cứ gọi là nên thân, Hùng được thả về cuối năm 1983.

Năm sau, Hùng lấy vợ ( là cô cháu vẫn thường đi thăm nuôi người chú, là bạn tù của Hùng trong trại Z30 D ), có được 2 người con gái.

Cái gia đình nhỏ bé 4 người này đã trải qua những năm tháng lếch thếch, nghèo khổ…

Hắn nhớ lại, lúc đó tài sản quý giá nhất của gia đình Hùng hình như chỉ là mấy cái chậu giặt đồ xanh đỏ bằng mủ.

Rồi khó khăn cũng qua đi, Hùng và cả gia đình leo lên máy bay qua Mỹ theo diện H.O. Tại thành phố Knoxville, bang Tennessee,

Hùng làm lao công cho một bệnh viện lớn ở đây.

Cả ban giám đốc bệnh viện đều khoái Hùng vì sự chăm chỉ và cẩn thận vượt quá óc tưởng tượng của mọi người.

Cách đây khoảng 2 hay 3 năm gì đó, Hùng về hưu non.

Hàng tháng lãnh lương hưu chỉ để vui chơi, chăm sóc 2 đứa cháu ngoại mà Hùng thương yêu nhất trên tổng số 7.8 tỷ con người đang sống trên mặt đất. Thỉnh thoảng Hùng đi câu cá. Cá sợ Hùng lắm, nhưng sợ thì sợ, kết cục cũng phải nằm trong cái thùng nước đá mà Hùng mang theo lúc đi câu.

Tới đây chắc phải nói qua một tí về quỹ hưu trí của nước Mỹ.

Theo hắn đoán, đây là nơi tập trung những bộ óc thông thái nhất của nước Mỹ về các ngành

Sinh học,

Nhân chủng học,

Tâm lý học,

Y tế học,

vân vân và mây mây.

Các bộ óc siêu việt này, ăn toàn đồ bổ của Mỹ, đã cùng nhau phát minh ra một hệ thống lương hưu, mà không hiểu sao, 80% những người nhận lương hưu sẽ chết trong vòng 5 năm.

Chỉ có 20% là may mắn sống vượt ngưỡng 5 năm để tiếp tục lãnh lương mà không phải làm gì cả.

Thiếu Uý Hùng đã không vượt qua được sự tinh khôn của các nhà khoa học Mỹ.

Cách đây chừng 3 tháng, trong lần Hùng tới chơi nhà hắn,

Hùng cho biết bị ung thư thận, sắp phải mổ.

Hắn bảo đừng mổ, để thời gian đó đi chơi cho đã rồi chết cũng được.

Hùng ừ.

Nhưng cuối cùng chắc chiều theo ý gia đình muốn níu kéo, còn nước còn tát, Hùng nhập viện để mổ.

Thế rồi sau 2 tháng nằm đau đớn trong bịnh viện, với đủ các loại ống linh tinh cắm vào người, Hùng được về nhà theo yêu cầu và đã ra đi lúc 08:40 ngày 15/2/2022, trước sự chứng kiến của gia đình, có cả 2 đứa cháu ngoại mà mấy tháng nay không được nhìn thấy mặt ông, vì còn quá nhỏ, bệnh viện không cho thăm gặp sợ ảnh hưởng tới tâm lý của 2 bé.

Với bài viết hơi bị dài này (vì không thể rút ngắn hơn được), hắn coi như một nén nhang, một lời chào từ biệt đứa em thân với hắn nhất trong nhà.

Từ thuở còn bắn bi, đặt bầu cua, cho tới lúc lớn, gặp nhau là cười suốt bên bàn rượu, bởi vì tánh Hùng thích nói giễu, nhất là nói chuyện giễu về việt cộng thì ít ai có thể qua mặt được Hùng. …

Thôi Hùng đi thanh thản.

Anh ở lại sẽ buồn, nhưng anh sẽ sống với ý nghĩ một ngày nào đó anh em mình sẽ gặp lại nhau ở thế giới bên kia.

Và anh em mình sẽ lại cười giỡn như chưa hề được cười giỡn với nhau.

Nguồn fb Loc Duong

 

 


 

Sống một ngày tràn đầy niềm vui là tận hưởng một ngày.

Dùng tuổi trẻ để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua được tuổi trẻ.
Dùng mạng sống để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua được mạng sống.
Dùng hạnh phúc để đổi lấy tiền, nhưng tiền lại không mua được hạnh phúc.
Dùng thời gian để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua được thời gian.
Cho dù dùng cả cuộc đời để có được tất cả tiền bạc của cả thế giới, nhưng tiền bạc của cả thế giới cũng không mua lại được cuộc đời của bạn.
Vậy nên những lúc làm việc thì hãy tập trung làm việc, những lúc nên nghỉ ngơi thì hãy nghỉ ngơi, vui vẻ làm việc, tận hưởng cuộc sống, trân quý tất cả những gì mình đang có, yêu thương những người mà bạn quan tâm.
Sống một ngày không niềm vui là lãng phí một ngày,
Sống một ngày tràn đầy niềm vui là tận hưởng một ngày.
Nguồn: St

Không còn được thấy ca sĩ Trung Chỉnh trên sân khấu- Tuấn Khanh

Ba’o Nguoi-Viet

February 17, 2025

Tuấn Khanh

Tin từ gia đình cho hay, ca sĩ, bác sĩ quân y Trung Chỉnh đã tạ thế lúc 9 giờ tối (giờ California) ngày 15 Tháng Hai năm 2025, hưởng thọ 82 tuổi.

Nhà báo Trần Quốc Bảo cho biết ca sĩ Trung Chỉnh rất kiên cường, ông đau suốt mấy ngày cuối với căn bệnh ung thư vòm họng, nhưng quyết tâm không cho bơm thuốc và thức ăn, vì nói đã chọn sự ra đi thanh thản chứ không kéo dài tuổi già và bệnh tật làm gì.

Tiểu sử của ông được ghi lại, ông tên thật là Huỳnh Văn Chỉnh sinh ngày 4 Tháng Giêng năm 1943 trong một gia đình nghèo khó tại Mỹ Tho. Ông có hai người anh ruột nhưng cả hai đều mất sớm, cha ông qua đời vào năm 1950. Thuở nhỏ ông học không giỏi nên phải theo học ở một trường tư thục nhỏ tên Trúc Giang trong vòng bốn năm, nhưng từ khi ông vào học tư thục thì ông đã tốt nghiệp đệ Nhất cấp với thành tích xuất sắc.

Năm 1963, ông ghi danh học dự bị Y khoa 2 năm sau khi tốt nghiệp trường Nguyễn Đình Chiểu và tốt nghiệp Quân y khóa 18 năm 1971. Trong thời gian là sinh viên Y khoa, ông đã phát triển niềm đam mê ca hát và bắt đầu đi hát một cách chuyên nghiệp kể từ năm 1966 và không chú tâm học hành nên nhà trường kỷ luật, gửi ông lên thụ huấn tại trường Bộ binh Thủ Ðức, từ đó ông trở thành một bác sĩ quân y làm việc trong Thủy quân lục chiến từ năm 1972 cho đến năm 1975.

Vào thời điểm khốc liệt của chiến tranh tại những khu vực biên giới hai miền Nam – Bắc tại Quảng Trị, ông đã phục vụ trong những trận chiến ở đây và có một tờ báo tại Sàigòn đăng tin ông đã tử trận. Phải đến năm ngày sau khi tin tức đó được đăng tải, vào ngày 17 Tháng Tư, có hai phóng viên chiến trường đến khu vực đó để đưa tin và được tin ông vẫn còn sống, và chính vị quân y nọ sau đó được cấp trên cho về Sài Gòn để cải chính lại tin tức sai sự thật. Sau này, được biết là tòa soạn đó đã nhầm ông với nhạc sĩ Dzũng Chinh (tác giả ca khúc Những Đồi Hoa Sim), người đã tử trận ba năm trước khi Trung Chỉnh tham chiến tại Quảng Trị.

(Facebook ca sĩ Trung Chỉnh)

Nhà Báo Trần Quốc Bảo được ca sĩ Trung Chỉnh cho biết, là Bác Sĩ Trung Chỉnh tốt nghiệp Quân Y khóa 18 cũng là vào lúc chiến cuộc tại Việt Nam đang ở những giai đoạn khốc liệt cuối năm 1971. Gặp ngay lúc “Mùa Hè Đỏ Lửa” 1972, đơn vị của bác sĩ Chỉnh được điều ra Quảng Trị và liên tục đứng ở phòng tuyến đến năm 1975. Bác sĩ Chỉnh được thăng chức đại úy nhưng chưa kịp lãnh thẻ căn cước thì Việt Nam Cộng Hòa thất trận 30 Tháng Tư 1975.

Trong một phỏng vấn về cuộc đời của ông, bác sĩ Chỉnh kể lại hành trình vượt biên: “Chúng tôi về Mỹ Tho để đi, tại vì họ tổ chức ở đó. Từ Mỹ Tho, vào nửa đêm chúng tôi đi ra biển. Con đường đi nó thiên nan vạn nan, chúng tôi đi một lần mà thành hai. Chúng tôi không được may mắn vì thứ nhất là cái tàu của chúng tôi, họ định đi chỉ 200 người thôi. Thế nhưng người chủ tàu tham lam, họ lấy tới 338 người tức là chở thêm một trăm mấy chục người nữa. Tất nhiên người lớn thì trả tám cây vàng, con nít bốn cây. Họ chở đông người thành ra cái tàu không vững, ra khơi có khi nó muốn chìm. Thế nhưng cũng may mắn là trời tháng 5, thực tình mà nói, cuối Tháng Năm qua Tháng Sáu thì biển êm lắm. Biển êm lắm nhưng người tài công là trung úy hải quân nhưng anh không có kinh nghiệm về hải hành… Chúng tôi cứ đi lạc mãi cho đến nỗi bị cướp Thái Lan ăn cướp 2 lần. Cho tới ngày thứ 8 chúng tôi đi vô tới địa phận của Mã Lai. Lúc bấy giờ chúng tôi vô cái tỉnh đó gọi là Kotabaru, tức là nó nằm ở miền nam Thái Lan, miền bắc của Mã Lai, cách biên giới Thái Lan 10 cây số. Thực ra, không dễ dàng vô đâu. Lính nó canh bờ biển mà. Họ biết người Việt Nam lúc bấy giờ đổ vào rất nhiều. Mà lúc đó đổ vào nhiều thật. Khi vô tới nơi đó thì mấy người mà gọi là trưởng ban tổ chức của tàu bị lính Mã Lai nó đánh, nó đánh dữ lắm. Sau đó thì chúng tôi phải đục tàu vì (như vậy) nó không có lý do nó đuổi mình trở ra tàu được.”

“Tàu cập được vào Mã Lai, mọi người được đưa lên bờ cho chích ngừa, hồi sức tạm thời rồi lại dồn lên các chiếc tàu, đẩy trở ra khơi, mà theo lời giới hữu trách ở đó nói gạt rằng sẽ đưa qua trại tị nạn Pulau Bidong. Nhưng thực ra, họ kéo các chiếc tàu khốn khổ, mỗi tàu chứa hàng trăm người tị nạn ra khơi rồi cắt dây bỏ mặc cho trôi tiếp.”

https://www.youtube.com/watch?v=ZyRmPeZpJSg&t=2s

Hoàng Oanh, Trung Chỉnh, Duy Khánh – LK Tình Ca Quê Hương

Ông Chỉnh kể lại, chuyến đi đó đúng là định mệnh vì số người trên tàu đi cùng với gia đình ông từ Việt Nam bị chia làm hai. Hai chiếc tàu cùng bị tàu Mã Lai kéo ra khơi, bị bỏ rơi, nhưng một chiếc không may gặp tàu Liên Xô bị kéo về Việt Nam. Còn chiếc chở gia đình ông thì suốt nửa tháng lây lất trên biển khơi, thêm một số người nữa thiệt mạng. Một kỷ niệm mà ông Chỉnh nhớ mãi là cơ hội đỡ đẻ cho một sản phụ ngay trên tàu, không một dụng cụ y khoa. ông dùng chỉ may và kéo sát trùng bằng cồn, đỡ được một cậu bé kháu khỉnh ra đời.

Đến Tháng Bảy năm 1979, tàu tấp vào đảo Pulau Luot của Nam Dương. Đây là một đảo nhỏ, thiếu thốn tiện nghi, thực phẩm, thuốc men, lại thêm chục người bỏ xác nơi này. Cả gia đình ông Chỉnh bị sốt rét. Giới chức trên đảo cầu cứu Liên Hiệp Quốc. Cao Ủy Tị Nạn LHQ cho tàu đến chở người tị nạn qua trại ở Galang.

Từ trại tị nạn, gia đình ông Chỉnh được một người bà con xa bảo lãnh đi Denver, Colorado. Cả nhà đến Mỹ ngày 30 Tháng Mười Một năm 1979. Ba năm đầu cơ cực trên xứ người, nhưng được hít thở không khí tự do, ông Chỉnh đi học Anh văn ở đại học cộng đồng và học luyện thi để trở lại ngành y, trong khi bà Kim Phượng, vợ ông, đi làm công nhân một hãng sản xuất ribbon cho máy đánh chữ, lương khi đó 2.75 Mỹ kim/giờ. Tháng Tám năm 1981, bà thi đậu vô ngành bưu điện.

Năm 2004, Trung Chỉnh về nghỉ hưu ở California nhưng vì nhớ nghề nên đã mở một phòng mạch tư nhân ở địa chỉ 9411 đại lộ Bolsa, Westminster. Ông ấp ủ xây dựng một nghĩa trang cho những người cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa tại hải ngoại, lấy tên là Nghĩa trang Biên Hòa hải ngoại tại California và ông hiện đang là Chủ tịch Ủy ban Xây dựng nghĩa trang. Cũng trong năm này, ông xuất hiện lần đầu song ca cùng với Hoàng Oanh, khi ấy đã trở thành cặp song ca nhạc vàng được yêu mến nhất ở các sân khấu lớn.

Theo Tuần báo Thế giới Nghệ Sĩ của nhà báo Trần Quốc Bảo, năm 2004, ca sĩ Trung Chỉnh xuất hiện trở lại trên sân khấu, trong chương trình Thúy Nga Paris By Night số 73 cùng với Hoàng Oanh trong liên khúc Chuyện Chúng Mình (Trúc Phương), Ngày Sau Sẽ Ra Sao (Vân Tùng). Ông còn thu hình thêm 2 cuốn nữa cho Trung Tâm Thúy Nga số 76 và 85, cũng song ca với Hoàng Oanh.

Năm 2006, Ca sĩ Trung Chỉnh hát trong Asia số 50 với Hoàng Oanh bài Chuyến Đi Về Sáng (Trần Thiện Thanh) và liên tục thu hình những năm sau đó trong các cuốn băng nhạc số 52, 54, 58, 61, 66, 67, 73, 74, 75… những sáng tác của Trầm Tử Thiêng, Song Ngọc, Hoài Linh, Duy Khánh, Trúc Phương… hát chung với Chế Linh, Thanh Lan, Phương Dung, Ngọc Minh, Ngọc Đan Thanh, Doanh Doanh… do Trung Tâm Asia thực hiện.

Ngày 13 Tháng Mười Một năm 2011, ca sĩ Trung Chỉnh tổ chức thành công một chương trình kỷ niệm 45 năm ca hát và 40 năm hành nghề y khoa tại một nhà hàng ở Westminster, California. Ông là hình ảnh của một quân nhân tận tụy, một người tìm tự do vượt khó và thành đạt, cuối cùng là một người chiếm trọn sự thương mến của những khán giả hâm mộ di sản văn hóa của nước Việt Nam tự do một thời.

Làn sóng biểu tình phản đối Musk đang làm giảm doanh số Tesla

Ba’o Nguoi-Viet

February 19, 2025

QUẬN CAM, California (NV) – Hình ảnh Elon Musk như là một người quyền lực nhất, đứng sau nhiều chính sách gây tranh cãi của chính quyền Trump đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu xe Tesla.

Theo trang mạng xe điện electrek.co, Tesla đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng phản đối Elon Musk tại hàng chục cửa hàng ở Bắc Mỹ vào cuối tuần qua. Với doanh số bán hàng sụt giảm, có vẻ như nhiều nhân viên cũng như cổ đông Tesla bắt đầu lo lắng. Các cuộc biểu tình đa số là ôn hòa và hợp pháp. Nhưng cũng có một số hành vi phá hoại được ghi nhận, với hình ảnh các cửa hàng Tesla bị vẽ lên những cụm từ chống phát xít. Phòng trưng bày Tesla ở Manhattan chứng kiến ​​một trong những cuộc biểu tình lớn nhất.

Làn sóng biểu tình phản đối Musk đang làm giảm doanh số Tesla. (Ảnh cắt từ video trên Facebook)

Các cuộc biểu tình được cho là nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của Tesla, phản đối sự can thiệp của Musk vào chính trị. Các nhóm ủng hộ các cuộc biểu tình, như Anonymous, cho biết đây chỉ là bước khởi đầu, và áp lực sẽ còn tiếp tục nặng nề hơn.

Hiện tại, phong trào phản đối Elon Musk không chỉ diễn ra ở Mỹ. Ở Châu Âu, doanh số bán hàng của Tesla đang giảm mạnh. Tại Hoa Kỳ, dữ liệu bán hàng được công bố muộn hơn một chút, cho nên chưa biết doanh số của Tesla bị ảnh hưởng như thế nào. Tuy nhiên, những cuộc biểu tình chống lại Tesla lần này chắc chắn là chưa từng có.

Hội đồng quản trị của Tesla, những người có thẩm quyền đối với CEO, đã hoàn toàn im lặng trước tình hình này. Họ vẫn để Musk làm bất cứ điều gì ông ta muốn, bao gồm cả việc dành ít thời gian ở Tesla để điều hành X, xAI, SpaceX, và nay là cơ quan DOGE chuyên cắt giảm ngân sách liên bang của chính quyền Trump.

Trong khi hội đồng quản trị vẫn im lặng, một số những người trong nội bộ Tesla bắt đầu lên tiếng. Tờ Washington Post công bố một bản ghi âm từ một cuộc họp nhân viên tại Tesla, trong đó một số người đã công khai bày tỏ lo ngại về Musk. Một số lãnh đạo cấp cao tại một cuộc họp đã công khai bày tỏ lo ngại rằng Musk đang gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh của công ty. Một số nhân viên mạnh dạn nói rằng ông Musk đang làm hoen ố thương hiệu Tesla. Công ty sẽ tốt hơn nếu ông Musk từ chức.

Bên trong Tesla, hầu hết các cuộc thảo luận bất mãn về Elon Musk đều diễn ra lặng lẽ trong giờ ăn trưa, hoặc trong các tin nhắn riêng. Nguyên nhân là vì nhân viên lo sợ công ty có thể đang theo dõi nhân viên. Nếu có dấu hiệu bất trung, họ có thể bị sa thải. Gần đây, Tesla có nhiều đợt sa thải lãnh đạo cao cấp. Và ông Musk đã củng cố quyền lực tập trung bằng cách chỉ giữ lại những người trung thành.

Những hành động này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Tesla? Chưa có câu trả lời cụ thể trong thời điểm này. Tuy nhiên, dự đoán doanh số và lợi nhuân của Tesla trong Quý I sẽ khá tệ là điều mà các cổ đông không vui. Còn đối với chủ nhân những chiếc Tesla, dịch vụ hậu mãi có thể bị ảnh hưởng khi tình hình nội bộ của Tesla bất ổn. (HD)


 

Linh mục Myanmar bị phiến quân sát hại

Make Christianity Great As Always i feeling sad in Myanmar.

[Linh mục Myanmar bị phiến quân sát hại]

Cha Donald Martin Ye Naing Win, 44 tuổi, một Linh mục thuộc Giáo phận Mandalay, Myanmar, đã bị một nhóm lính nổi dậy sát hại vào tối ngày 14/2 vừa qua. Những người này đột nhập vào nhà thờ, bắt cha quỳ xuống rồi đâm cha nhiều nhát dao và hành hạ thi thể trước khi bỏ đi. Ngày hôm sau, thi thể dập nát của cha mới được giáo dân phát hiện.

Đất nước Myanmar, nơi Công giáo chỉ chiếm số lượng rất nhỏ, đã chìm trong nội chiến giữa quân Chính phủ và các nhóm nổi dậy suốt mấy năm qua. Nhiều nhà thờ và chùa chiền bị đánh sập, nhiều nhà cửa, làng mạc, trường học bị tàn phá, trẻ em phải bỏ học để cùng gia đình chạy nạn. Giữa bối cảnh đó, cha Ye Naing Win được biết đến là một Linh mục trẻ đầy nhiệt huyết dấn thân giúp đỡ cộng đoàn, đặc biệt những người bị chiến tranh ảnh hưởng. Cha còn tham gia dạy học cho trẻ em trong làng để các em không bị thất học, mù chữ. Có lẽ vì hoạt động tích cực của mình mà cha bị nhắm tới và sát hại. Cảm động trước cái chết của cha, hàng ngàn người đã bất chấp nguy hiểm đến dự tang lễ và tiễn đưa cha lần cuối.

Xin cho linh hồn cha, sau khi đã chịu đau khổ đời này, sớm được về hưởng Nhan Thánh Chúa. Cũng mong cho người dân Miến Điện sớm thoát cảnh nội chiến để cùng nhau xây dựng lại đất nước.


 

ÍT NHẤT, MỘT BƯỚC – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ngài lại đặt tay trên mắt người mù, anh liền thấy rõ và khỏi hẳn”.

“Tôi đã định đoạt toàn bộ tài sản cho gia đình. Một điều nữa tôi ước có thể cho họ – niềm tin vào Chúa Kitô. Nếu họ có Ngài – dẫu tôi không trao họ một đồng nào – họ cũng đã giàu có! Nhưng nếu không có Ngài – và tôi trao họ cả thế giới – họ vẫn nghèo! Vì thế, hãy không ngừng đến gần Ngài! Mỗi ngày, ít nhất, một bước!” – Patrick Henry.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời khuyên của Henry được gặp lại trong câu chuyện anh mù được chữa lành hôm nay! Thật thú vị, lần đầu tiên, dường như Chúa Giêsu không thành công! Vì sau lần đầu Ngài đặt tay, anh mù chỉ thấy “người ta như cây cối đi đi lại lại”. Ngài phải đặt tay trên anh một lần nữa, để anh thấy rõ và khỏi hẳn. Như anh mù, trong đời sống thiêng liêng, bạn và tôi cũng phải lớn lên và đi tới mỗi ngày – ‘ít nhất, một bước!’.

Trong câu chuyện này, dường như anh mù chỉ có một chút đức tin, nghĩa là không nhiều. Kết quả là, Chúa Giêsu chỉ chữa lành anh một phần như để chứng tỏ cho sự thiếu đức tin của anh. Nhưng đồng thời, Ngài cũng tiết lộ rằng, một chút đức tin vẫn có thể dẫn đến một đức tin lớn hơn. Vì khi có thể nhìn thấy một chút, anh bắt đầu tin – và khi đức tin của anh lớn hơn – Chúa Giêsu lại đặt tay để hoàn tất việc chữa lành.

Đây là một minh hoạ sâu sắc cho đời sống thiêng liêng! Một số người có thể hoàn toàn tin tưởng vào Chúa trong mọi sự; nếu đó là bạn, thì quả thực bạn may mắn! Nhưng trình thuật đặc biệt dành cho những người có đức tin nhưng vẫn còn đấu tranh. Đối với những ai rơi vào trường hợp này, Chúa Giêsu mang đến niềm hy vọng. Hành động chữa lành hai lần của Ngài cho thấy, Thiên Chúa kiên nhẫn, Ngài chờ đợi để lấy những gì chúng ta có – dù nhỏ nhoi – những gì chúng ta dâng hiến – dù hạn hẹp – để sử dụng chúng một cách tốt nhất cho phần rỗi của chúng ta. Ngài muốn chúng ta tiến lên, ‘ít nhất, một bước’; và Ngài sẽ làm những gì còn lại để biến đổi đức tin nhỏ bé này, hầu sau đó mỗi người có thể bước một bước lớn để đến với Ngài!

Điều tương tự cũng có thể áp dụng đối với tội lỗi. Đôi khi chúng ta buồn phiền vì tội lỗi một cách không trọn vẹn; và đôi khi phạm tội, nhưng chúng ta không buồn phiền vì nó, dù biết đó là điều sai trái. Nếu đó là bạn, thì hãy cố gắng tiến lên, ‘ít nhất, một bước’ hướng tới sự chữa lành trọn vẹn của Bí tích Hoà Giải. Đang khi chờ đợi đến được với Bí tích, hãy cố gắng cầu xin rằng, bạn sẽ lớn lên trong ước muốn từ bỏ tội lỗi và sẽ được tha thứ. Đó có thể là mức tối thiểu, nhưng Chúa sẽ ban ơn và Ngài sẽ đỡ nâng.

Anh Chị em,

“Ngài lại đặt tay trên mắt người mù, anh liền thấy rõ và khỏi hẳn”. Hôm nay, hãy suy ngẫm về anh mù! Hãy suy ngẫm về sự chữa lành gấp đôi cũng là sự ‘hoán cải gấp đôi’ anh đã trải qua! Anh mù chính là bạn và tôi; và rằng, Chúa Giêsu muốn đưa chúng ta tiến thêm một bước trong đức tin và cả trong sự ăn năn tội lỗi của mình. Hãy tiến lên! ‘Ít nhất, một bước’ mỗi ngày, đừng bao giờ ngã lòng!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin tận dụng chút đức tin nhỏ bé của con; chút đau buồn ít ỏi của con, hầu lôi kéo con đến gần Chúa, đến với lòng thương xót và sự tha thứ của Ngài!”, Amen.

 (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: Kim Bang Nguyen

*******************************************************

Thứ Tư Tuần VI Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

22 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đến Bết-xai-đa. Người ta dẫn một người mù đến, và nài xin Đức Giê-su sờ vào anh ta. 23 Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, rồi nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và hỏi: “Anh có thấy gì không?” 24 Anh ngước mắt lên và thưa: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại.” 25 Rồi Người lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự. 26 Người cho anh về nhà và dặn: “Anh đừng có vào làng.”


 

 

11 người Việt di dân lậu bị bắt cóc đòi tiền chuộc ở Mexico

Ba’o Nguoi-Viet

February 18, 2025

EL PASO, Texas (NV) – Mười một người di dân Việt Nam trong số 49 di dân lậu gồm nhiều quốc tịch đã bị bọn băng đảng bắt cóc đòi tiền chuộc ở Mexico mới đây.

Theo bản tin của Lực lượng Biên phòng Mỹ phổ biến trên trang mạng BorderReport.com hôm Thứ Hai dẫn lại tin của chính phủ Mexico, cảnh sát thành phố Juarez cho hay họ đã giải cứu tất cả 49 di dân hôm Chủ nhật 16 Tháng Hai. Những người này đã bị các tay băng đảng canh giữ bằng súng trường Carbine M-1 trong một căn nhà.

Di dân gồm nhiều quốc tịch khác nhau cả Turkey, Jordan, Guatemala, Nicaragua, Trung Quốc sau khi tim cách vượt biên ở khu vực Jacumba Hot Springs, California, đi bộ dọc theo hàng rào sắt chia biên giới với Mexico. (Hình: Frederic Brown/AFP/Getty Images)

Cảnh sát địa phương phối hợp với Vệ binh Quốc gia của quân đội đã bắt giữ 3 người của nhóm băng đảng ở khu vực Colonia Hidalgo, cáo buộc họ với tội bắt cóc. Trong số 49 nạn nhân được giải thoát, có 28 người là công dân Guatemala, 11 người Việt Nam, ba người Brazil, 2 người Bolivia và 5 người là dân Mexico.

“Những người tìm đường vào nước Mỹ bị các nhóm người (hiểu là băng đảng) bắt giữ ngay khi họ tới vùng biên giới (Mỹ và Mễ) để liên lạc với những ai đó (nhờ dẫn đường vượt biên) vào Mỹ.” Ông Luis Aguirre, tham mưu trưởng Cảnh sát tiểu bang Texas cho hay trong bản tin kể trên. “Một khi họ đã lọt vào tay những nhóm người đó là bị đòi thêm tiền.”

Như các tin tức từ trước đến nay, các người muốn nhập lậu vào nước Mỹ thường liên lạc với những nhóm băng đảng kiếm tiền từ dịch vụ dẫn đường vượt biên bất hợp pháp. Hành trình của họ quanh co từ đi máy bay bắt đầu ở quê nhà, đi xe đò, đi bộ gian nan trên những chặng đường qua nhiều quốc gia từ nam Mỹ, trung Mỹ, trước khi đến được biên giới Mexico và Mỹ.

Số tiền mà người ta phải trả cho dịch vụ này không phải là ít nhưng rất nhiều người khắp nơi từ Á châu, Trung Đông, Phi châu, trung và nam Mỹ và ngay cả người dân Mexico, vẫn chấp nhận để có cơ hội đến Mỹ kiếm tiền nhiều hơn. Những năm gần đây, người ta thấy trong số đó, có nhiều người Trung Quốc và Việt Nam lên đến hàng trăm.

Theo ông Aguirre cho báo giới biết hôm Thứ Hai, cảnh sát của thành phố Juarez, đối diện với thành phố El Paso của Mỹ, đã giải thoạt 200 di dân khỏi tay các nhóm băng đảng bắt giữ họ đòi thêm tiền chuộc nội trong Tháng Giêng 2025. Ông cho hay chính phủ hai nước Mỹ và Mễ đã gặp nhau thường xuyên, trao đổi tin tức để bắt giữ những tay buôn người nhằm xác định những nhóm tội phạm ở khu vực. Những nhóm này săn bắt di dân để kiếm tiền.

Di dân gồm nhiều quốc tịch khác nhau cả Turkey, Jordan, Guatemala, Nicaragua, Trung Quốc sau khi tim cách vượt biên ở khu vực Jacumba Hot Springs, California, đi bộ dọc theo hàng rào sắt chia biên giới với Mexico. (Hình: Frederic Brown/AFP/Getty Images)

Di dân gồm nhiều quốc tịch khác nhau cả Turkey, Jordan, Guatemala, Nicaragua, Trung Quốc sau khi tim cách vượt biên ở khu vực Jacumba Hot Springs, California, đi bộ dọc theo hàng rào sắt chia biên giới với Mexico. (Hình: Frederic Brown/AFP/Getty Images)

Theo bản tin trên, cảnh sát Mễ đã đưa các di dân được giải thoát đến trung tâm y tế để kiểm tra sức khỏe. Các người dân Mễ thì được lựa chọn thả ra tại chỗ hoặc được cấp vé xe đò giá rẻ để về quê quán. Không thấy bản tin cho hay những ngươi thuộc nhiều quốc tịch khác, gôm cả 11 người Việt, sẽ bị giữ ở đâu và đưa đi đâu.

Tuần trước, ngày Thứ Năm 13 Tháng Hai, một máy bay quân sự Mỹ đã chở 119 người di dân lậu bị chính phủ Mỹ trục xuất, đến Panama theo thỏa thuận của hai nước. Trong số những người bị trục xuất đó có 9 người Việt Nam. Các thành phần khác bị trục xuất đợt này là từ Afghanistan, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Nepal, Pakistan, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan.

Cũng trong ngày 13 Tháng Hai, người ta thấy phát ngôn viên Bộ Ngoại giao CSVN nói trong cuộc họp báo hàng tuần là Hà Nội “sẵn sàng tiếp tục hợp tác chặt chẽ với phía Mỹ về nhận trở lại công dân” trên tinh thần thỏa hiệp đã ký giữa hai nước.(NTB)


 

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Năm ngàn & năm cắc

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả:Tưởng Năng Tiến

18/02/2025

Vài bữa sau, sau ngày đổi tiền ở miền Nam, tờ Sài Gòn Giải phóng (số ra hôm 27 tháng 9 năm 1975) đã gửi đến những người dân ở vùng đất này đôi lời an ủi:

“Nhiệm vụ của đồng bạc Sài Gòn (là) giữ vai trò trung gian cho Diệm xuất cảng sức lao động của đồng bào ta ở miền Nam cho Mỹ… Làm trung gian để tiêu thụ xương máu nhân dân miền Nam, làm trung gian để tiêu thụ thân xác của vô số thiếu nữ miền Nam, làm trung gian cho bọn tham nhũng, thối nát, làm kẻ phục vụ đắc lực cho chiến tranh, làm sụp đổ mọi giá trị tinh thần, đạo đức của tuổi trẻ miền Nam, làm lụn bại cả phẩm chất một số người lớn tuổi… Nó sống 30 năm dơ bẩn, tủi nhục như các tên chủ của nó, và nay nó đã chết cũng tủi nhục như thế. Đó là một lẽ tất nhiên, và đó là lịch sử… Cái chết của nó đem lại phấn khởi, hồ hởi cho nhân dân ta.”

Ba mươi tám năm sau, nhà báo Huy Đức lại có lời bàn thêm, và bàn ra, nghe như một tiếng thở dài: “Không biết ‘tủi nhục’ đã mất đi bao nhiêu … nhưng rất nhiều tiền bạc của người dân miền Nam đã trở thành giấy lộn.” (Bên thắng cuộc, tập I. OsinBook, Westminster, CA: 2013).

Tôi sinh ra đời tại miền Nam, cùng thời với “những tờ bạc Sài Gòn” nhưng hoàn toàn không biết rằng nó đã “làm trung gian cho bọn tham nhũng, thối nát, làm kẻ phục vụ đắc lực cho chiến tranh, làm sụp đổ mọi giá trị tinh thần, đạo đức của tuổi trẻ” của nửa phần đất nước. Và vì vậy, tôi cũng không thấy “phấn khởi” hay “hồ hởi” gì (ráo trọi) khi nhìn những đồng tiền quen thuộc với cuộc đời mình đã bị bức tử – qua đêm!

Suốt thời thơ ấu, trừ vài ba ngày Tết, rất ít khi tôi được giữ “nguyên vẹn” một “tờ bạc Sài Gòn” mệnh giá một đồng. Mẹ hay bố tôi lúc nào cũng xé nhẹ nó ra làm đôi, và chỉ cho tôi một nửa. Nửa còn lại để dành cho ngày mai.

Tôi làm gì được với nửa tờ giấy bạc một đồng, hay năm cắc, ở Sài Gòn – vào năm 1960 – khi vừa mới biết cầm tiền?

Năm cắc đủ mua đá nhận. Đá được bào nhỏ nhận cứng trong một cái ly nhựa, rồi thổ ra trông như hình cái oản – hai đầu xịt hai loại xi rô xanh đỏ, lạnh ngắt, ngọt lịm và thơm ngát – đủ để tôi và đứa bạn chuyền nhau mút lấy mút để mãi cho đến khi xi rô bạc hết cả mầu mới ngừng tay, lễ phép xin thêm:

– Cho con thêm chút xi rô nữa được không?

– Được chớ sao không. Bữa nào tụi bay cũng vậy hết trơn mà còn làm bộ hỏi nữa!

Năm cắc đủ cho một chén bò viên, dù chỉ được một viên thôi nhưng khi nắp thùng nước lèo mở ra là không gian (của cả Sài Gòn) bỗng ngạt ngào hương vị. Chút nước thánh đó – sau khi đã nhai thiệt chậm miếng thịt pha gân vừa ròn, vừa ngậy – hoà nhẹ với chút xíu tương đỏ, tương đen, cùng ớt xa tế ngọt ngọt cay cay có thể khiến cho đứa bé xuýt xoa mãi cho đến… lúc cuối đời.

Năm cắc cũng đủ làm cho chú Chệt vội vã thắng xe, mở ngay bình móp, lấy miếng kem – xắn một phần vuông vắn, cắm phập vào que tre – rồi trịnh trọng trao hàng với nụ cười tươi tắn. Cắn một miếng ngập răng, đậu xanh ngọt lạnh thấm dần qua lưỡi, rồi tan từ từ… suốt cả thời thơ ấu.

Năm cắc là giá của nửa ổ bánh mì tai heo, nửa má xoài tượng hay một xâu tầm ruột ướp nước đường vàng, một cuốn bò bía, một trái bắp vườn, một ly đậu xanh đậu đỏ bánh lọt, một dĩa gỏi đu đủ bò khô, một khúc mía hấp, năm cái bánh bò nước dừa xanh đỏ, mười viên “cái bi ròn ròn cái bi ngon ngon” nho nhỏ/xinh xinh…

Một đồng thì (Trời ơi!) đó là cả một trời, và một thời, hạnh phúc muôn mầu!

Một đồng mua được hai quả bóng bay. Chiều Sài Gòn mà không có bong bóng bay (cầm tay) để tung tăng e sẽ là một buổi chiều… tẻ nhạt. Những chùm bóng đủ mầu sẽ rực rỡ hơn khi phố mới lên đèn, và sẽ rực rỡ mãi trong ký ức của một kẻ tha hương dù tóc đã điểm sương.

Còn hai đồng là nguyên một tô cháo huyết có thêm đĩa giò cháo quẩy ròn rụm đi kèm. Hai đồng là một tô mì xắt xíu với cái bánh tôm vàng ươm bên trên, và nửa cọng rau xà lách tươi xanh bên dưới. Tờ giấy bạc với mệnh giá quá lớn lao và rất hiếm hoi này, không ít lúc, đã khiến cho tuổi thơ của tôi vô cùng phân vân và bối rối!

Và trong cái lúc mà tôi còn đang suy tính, lưỡng lự, cân nhắc giữa bốn cái kem đậu xanh năm cắc, bốn cuốn bò bía, bốn ly nước mía, hay một tô hủ tíu xắt xíu thịt bằm béo ngậy (cùng) giá hai đồng thì ở bên kia chiến tuyến người ta đã quyết định cho ra đời Mặt trận Giải phóng Miền Nam – vào ngày 20 tháng 12 năm 1960.

Hệ quả thấy được, vào mười lăm năm sau – vẫn theo báo Sài Gòn Giải phóng, số thượng dẫn: “Miền Nam đã có một nền tiền tệ mới, khai sinh từ sự độc lập toàn vẹn của xứ sở, nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã nâng niu từng tờ bạc của Ngân hàng Việt Nam với một niềm hãnh diện chưa từng thấy sau bao nhiêu thế kỷ mất nước phải ép mình sống với đồng bạc của ngoại bang.”

Niềm hãnh diện được nâng niu từng tờ bạc mới (nếu có) cũng nhỏ dần sau từng đợt đổi tiền. Rồi với thời gian nó từ từ biến thành… giấy lộn.

  • Tuổi Trẻ Online cho biết: “Tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, đến chị hàng rong cũng… chê. Dù vẫn đang được lưu hành nhưng những tờ tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng đang bị chê trong nhiều giao dịch thanh toán hằng ngày như từng diễn ra với tiền xu trước đó nhiều năm.”
  • Vietnamnet tường thuật: “Trong khi ngồi đợi xe ở trạm trung chuyển xe bus Long Biên, tôi được dịp chứng kiến cảnh một bà lão ăn xin chê tiền của khách. ‘Cô tính thế nào chứ 2 nghìn bây giờ chả đủ mua mớ rau, lần sau đã mất công cho thì cho ‘tử tế’ nhá !’

Câu nói của bà lão ăn xin khiến nhiều người phải sốc… Chị Hương (Cầu Giấy – Hà Nội) chia sẻ câu chuyện có thật mà như đùa: ‘Nói thật, có lần gặp hai chị em nhà này đi ăn xin, thương tâm quá tôi liền rút ví ra đưa cho chúng 3 nghìn lẻ. Ngay lập tức, nó gọi tôi lại, giơ tờ 5 nghìn đồng lên trước mặt tôi bảo: cho chị thêm 2 nghìn cho đủ mua mớ rau nhé.”

Điều lo ngại nhất là bó rau muống sẽ không ngừng ở giá năm ngàn đồng bạc. Dù với số tiền này – vào năm 1960 – đủ để mua hai ngàn tô phở gánh, hay hai ngàn năm trăm tô mì xe, hoặc mười ngàn chiếc bong bóng đủ mầu.

Bù lại, theo lời của bà Cựu Phó Chủ Tịch Nước Nguyễn Thị Doan, là mọi người được sống với “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân… khác hẳn về bản chất và cao hơn gấp vạn lần so với dân chủ tư sản.”

Cái giá của “dân chủ” (cũng như Độc lập – Tự do – Hạnh phúc) của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, rõ ràng, hơi mắc. Dân Việt, tội thay, không những đã bị hớ mà còn mua nhầm đồ giả và đồ đểu nữa cơ!


 

CẬY TRỜI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Phải coi chừng men Pharisêu và men Hêrôđê!”.

Một bánh xe gỗ rơi mất một mảnh – khập khà khập khiễng – vụng về lăn qua các nẻo đường để tìm lại mảnh vỡ đã mất. Nhờ khiếm khuyết này, nó trở nên thân thiện với hoa lá cỏ cây hai bên đường. Ngày kia, nó tìm được mảnh vỡ và cố sức ráp lại; nó thấy mình tròn trịa duyên dáng. Nhưng cũng từ đó, ‘kiêu hãnh’ đã khiến nó không còn thân thiện như trước. Nó xé gió, lao vun vút; cỏ cây, chim chóc khiếp hãi. Cảm thấy cô đơn, bánh xe quyết định tháo mảnh vỡ và ném nó thật xa. Nó trở nên chính mình; lần thần, chậm chạp; nhưng lạ thay, rất bình an! Chim chóc, ong bướm, cỏ cây… vẫy tay chờ nó.

Kính thưa Anh Chị em,

Cùng với trải nghiệm khá đắt của chiếc bánh xe, Lời Chúa hôm nay nói đến ‘kiêu ngạo’ – một điều mà Thiên Chúa gớm ghiếc! Loài người kiêu ngạo, các môn đệ kiêu ngạo. Đó là những con người ‘cậy mình’ mà quên ‘cậy Trời’ đang khi Thiên Chúa thì ngược lại, Ngài yêu thích những con người khiêm hạ vốn ‘cậy Trời’ mà không ‘cậy mình!’.

Bài đọc Sáng Thế nói, “Thiên Chúa thấy trên mặt đất sự gian ác của con người quả là nhiều, và suốt ngày lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu”; Ngài đau lòng thốt lên, “Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, Ta hối hận vì đã làm ra chúng!”. Giữa loài người kiêu căng đó – may thay – Thiên Chúa tìm thấy Nôê, một người tuyệt đối khiêm nhường cậy trông vào Ngài và Ngài đã cứu ông cùng gia đình ông.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ bài học khiêm nhường nhân việc họ không có bánh. Phải chăng Ngài đã đọc được sự tự phụ nơi các môn đệ khi họ đổ lỗi cho nhau, “Quên đem bánh theo”; hay phải chăng họ ỷ lại việc đã có Thầy quyền phép – người đã từng nuôi đến mấy ngàn người với chỉ năm chiếc bánh và hai con cá; hay phải chăng lòng họ đã quá hả hê vì các phép lạ Thầy làm đến nỗi vô lo? Chúa Giêsu khuyến cáo, “Phải coi chừng men Pharisêu và men Hêrôđê!”. Pharisêu là những người coi mình đạo đức, may mắn hơn người nhờ việc cầu nguyện, ăn chay và giữ luật nhiệm nhặt; men Hêrôđê là những người cậy vào quyền lực, sự ảnh hưởng. Đó là lý do để những con người này khinh dể kẻ khác; thậm chí, coi khinh cả Thầy trò Chúa Giêsu.

Anh Chị em,

“Phải coi chừng men Pharisêu và men Hêrôđê!”. Chớ gì, bạn và tôi là những người khiêm hạ trước Chúa. Để được vậy, điều quan trọng là chúng ta phải suy ngẫm thường xuyên cùng với lòng biết ơn rằng, “Bạn có gì mà đã không nhận được?”. Hãy nhớ, ngay cả việc nên thánh của mỗi người chúng ta cũng khởi sự từ Thiên Chúa. Và nếu Ngài đã đưa chúng ta tiến xa đến mức này chỉ với ‘một lượng hợp tác’ ít ỏi từ phía mỗi người, thì chúng ta có thể tiến xa hơn biết mấy nếu cống hiến hết mình cho Ngài? Được như thế, bao điều tốt đẹp sẽ nảy sinh trong cuộc sống, bao vấn đề sẽ được bàn tay Ngài định hình vì lợi ích của linh hồn mỗi người! Đừng quên, Thiên Chúa yêu thích những con người khiêm tốn – những con người ‘cậy Trời’ mà không ‘cậy mình!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con hợm hĩnh ‘cậy mình’ – và tệ hơn – ‘cậy người’; điều này chỉ làm con thêm ‘vô liêm sĩ’. Trong mọi sự, cho con cậy trông vào Chúa, kể cả việc nên thánh!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

**********************************************

Thứ Ba Tuần VI Thường Niên, Năm Lẻ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

14 Khi ấy, các môn đệ Đức Giê-su quên đem bánh theo ; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh. 15 Người răn bảo các ông: “Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê!” 16 Các ông mới bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. 17 Biết thế, Người nói với các ông: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! 18 Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: 19 khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh?” Các ông đáp: “Thưa được mười hai.” 20 “Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh?” Các ông nói: “Thưa được bảy.” 21 Người bảo các ông: “Anh em chưa hiểu ư?”


 

LÀM NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA THƯƠNG – Rev. Ron Rolheiser, OMI


 Rev. Ron Rolheiser, OMI

Tin mừng theo thánh Gioan cho chúng ta thấy một hình ảnh thần nghiệm rất hùng hồn mà khá trần tục.  Khi thánh Gioan mô tả Bữa Tiệc Ly, ngài cho chúng ta biết rằng trong bàn tiệc, người môn đệ mà Chúa thương ngồi ngả đầu vào ngực Chúa.

Tôi tin là các họa sĩ nắm bắt sức mạnh của hình ảnh này tốt hơn là các thần học gia và học giả Kinh thánh.  Các họa sĩ và diễn giải nghệ thuật thường thể hiện hình ảnh này như sau: Người môn đệ Chúa thương ngả đầu vào ngực Chúa với một tai hướng thẳng vào tim Chúa Giêsu, nhưng mắt thì nhìn thẳng vào thế giới.

Đúng là một hình ảnh hùng hồn!  Nếu đặt tai vào ngực người khác, bạn có thể nghe được tiếng tim họ đập.  Thế thì người môn đệ này là người hòa chung nhịp tim của Chúa và đang nhìn ra thế giới từ điểm quy chiếu đó.

Xa hơn nữa, thánh Gioan cho chúng ta một loạt hình ảnh để thực tế hóa những hệ quả từ việc nghe tiếng tim Chúa.

Trước hết, người môn đên Chúa thương đã đứng cạnh Đức Mẹ dưới chân thập giá Chúa Giêsu.  Hình ảnh này gói gọn điều gì?  Trong Tin mừng theo thánh Luca, Chúa Giêsu thừa nhận là đôi khi bóng tối có vẻ lấn át sự thiện và dường như Thiên Chúa bất lực.  Đôi khi bóng tối lấn lướt!  Cái chết của Chúa Giêsu là một trong những lúc như thế, và người môn đệ Chúa thương, cũng như Đức Mẹ, không thể làm gì khác ngoài đứng đó bất lực giữa muôn trùng tối tăm và bất công.  Chẳng thể làm được gì ngoài đứng đó bất lực.  Nhưng khi đứng đó, người môn đệ Chúa thương cũng chung vai sát cánh với hàng triệu người nghèo và những nạn nhân trên khắp thế giới, những người chẳng thể làm gì trước cảnh ngộ của mình.  Khi người ta đứng đó bất lực, khi chẳng thể làm được gì, khi sự hữu hạn của con người câm nín, thì có thể nảy lên lời cầu nguyện thâm sâu nhất.  Rồi sau đó, người môn đệ Chúa thương đưa Đức Mẹ về nhà mình, một hình ảnh không cần phải giải nghĩa gì thêm.

Tuy nhiên, có một hình ảnh thứ hai liên kết với người môn đệ Chúa thương ngả đầu vào ngực Chúa, mà chúng ta cần giải nghĩa đôi chút.  Khi người môn đệ đó ngả vào ngực Chúa, thì có một cuộc đối thoại đáng để ý diễn ra.  Chúa Giêsu bảo các môn đệ là một người trong số họ sẽ phản bội Ngài.  Thánh Phêrô quay sang người môn đệ Chúa thương mà nói: “Hỏi thầy xem đó là ai?”  Điều này gợi lên chất vấn: Tại sao Phêrô không tự hỏi Chúa câu đó?  Thánh Phêrô đâu có ngồi xa Chúa đến mức không thể tự mình hỏi Chúa câu đó.

Hơn nữa, câu hỏi của thánh Phêrô có tầm quan trọng thực sự khi xét theo bối cảnh sử học.  Các học giả ước chừng Tin Mừng theo thánh Gioan được viết vào khoảng những năm 90 đến 100.  Khi đó thánh Phêrô đã được công nhận là giáo hoàng và đã chịu tử đạo rồi.  Đoạn Tin Mừng này đang nói lên rằng sự mật thiết với Chúa Giêsu cao hơn bất kỳ điều gì khác, kể cả vai vế trong giáo hội, kể cả có là giáo hoàng đi chăng nữa.  Lời cầu nguyện của tất cả mọi người đều đi qua người môn đệ Chúa thương.  Đức Giáo hoàng không thể cầu nguyện với tư cách Giáo hoàng, nhưng là với tư cách một người môn đệ được Chúa thương như bao Kitô hữu khác.  Đức Giáo hoàng có thể cầu nguyện cho thế giới và giáo hội với tư cách Giáo hoàng, nhưng chỉ có thể cầu nguyện riêng với tư cách người môn đệ Chúa thương.

Cuối cùng, trong Tin Mừng theo thánh Gioan nêu bật lên khái niệm rằng sự mật thiết với Chúa Giêsu thì quan trọng hơn vai vế trong Giáo hội, và điều này được mô tả rõ hơn nữa trong buổi sáng ngày Phục Sinh.  Maria Magdalena chạy từ mộ về và bảo các môn đệ là ngôi mộ trống.  Thánh Phêrô và người môn đệ Chúa thương liền chạy ngay đến mộ.  Ta có thể dễ dàng đoán ra ai là người đến đó trước.  Người môn đệ Chúa thương dễ dàng đến trước thánh Phêrô, không phải bởi có lẽ do trẻ hơn, nhưng là do tình yêu thì mạnh hơn vị thế.  Đức Giáo hoàng cũng có thể đến đó trước, nếu ngài chạy với tư cách người môn đệ Chúa thương chứ không phải tư cách giáo hoàng.

Và mọi người cho rằng người môn đệ Chúa thương chính là thánh Gioan.  Có thể đúng là thế, nhưng đấy không phải điều mà những đoạn Tin Mừng này muốn nói.  Thân thế theo sử học của người môn đệ Chúa thương được bỏ ngỏ một cách có chủ đích, là bởi Tin mừng muốn khái niệm về người môn đệ Chúa thương là một lời mời gọi và một vai trò hợp với bạn, với mọi Kitô hữu trên đời, bao gồm cả giáo hoàng nữa.

Vậy ai là người môn đệ Chúa thương?  Người môn đệ Chúa thương có thể là bất kỳ ai, nam nữ trẻ em, miễn là mật thiết với Chúa Giêsu đủ để hòa nhịp với nhịp tim của Chúa, và nhìn thế giới từ góc nhìn của sự mật thiết đó, cầu nguyện từ sự mật thiết đó, và ra đi trong yêu mến đến tìm Chúa Giêsu Phục sinh và hiểu được ý nghĩa của ngôi mộ trống.

Các hình ảnh thần nghiệm được giải nghĩa rõ nhất nhờ các nhà thần nghiệm khác.  Nghĩ như thế, tôi xin để lại cho các bạn một hình ảnh từ Đan phụ Sa mạc thế kỷ IV, Evagrius Ponticus.

Ngực Đức Chúa
Vương quốc Ngài
Ai ngả vào đấy
Là thần học gia

Rev. Ron Rolheiser, OMI

From: Langthangchieutim 


 

Cầu nguyện trong thế giới hôm nay – Tác giả: Phùng Văn Phụng

 Phùng Văn Phụng

Tôi có nghe bài giảng của linh mục Nguyễn Tầm Thường (Nguyễn Trọng Tước) có nói đến tác dụng của cầu nguyện.

1)Một thí nghiệm khoa học đã chứng minh cầu nguyện có kết quả như sau:

Trong nhà thương chia làm hai nhóm bịnh nhân. Một nhóm bịnh nhân không được cầu nguyện và và một nhóm được cầu nguyện.

Sau một thời gian cầu nguyện, thử máu của nhóm bịnh nhân được cầu nguyện thì hệ thống miễn dịch cao hơn là nhóm bịnh nhân không được cầu nguyện.

Khi gặp những vấn đề nan giải, ta không thể giải quyết được, nếu thực sự cầu nguyện với lòng cậy trông, sự kiên nhẫn, lòng thành kính, tin tưởng vào Thiên Chúa, Chúa sẽ giúp ta sáng suốt để giải quyết những khó khăn.

2)Cầu nguyện là gì? Cầu nguyện là nói chuyện, tâm sự với Chúa như người con tâm sự với cha mình vậy. Cầu nguyện là cảm tạ, thờ lạy Chúa, ăn năn và xin ơn vì “hãy xin thì sẽ được, hãy gõ thì cửa sẽ mở cho (Mt 7,7 và Luca 11, 13)

Ơn thánh hoá.

Khi ta cầu nguyện ta dễ thánh hoá cuộc đời chúng ta, ta bớt hoặc tránh được nhiều cạm bẫy xấu như tham lam, danh vọng, tiền bạc,

Ơn yêu thương, bao dung hơn, tha thứ hơn.

Ta dễ có lòng bao dung hơn không nuôi hận thù, ghen ghét ai bởi vì nếu hận thù ghen ghét người khác (nhất là những người thân trong gia đình như anh chị em, bà con thân thuộc hay cha mẹ, con cháu) người bị ảnh hưởng nhiều nhất là chính ta vì làm cho ta buổn rầu, đau khổ, không ngủ được. Nếu tình trạng này xảy ra lâu dài sẽ bị STRESS, sức khỏe sẽ suy giảm sinh ra nhiều thứ bịnh khác… sự bất an về tinh thần đưa đến các  bịnh bao tử, bịnh gan, bịnh tim, bịnh tâm thần hay bịnh ung thư …

Ơn bình an, bình tĩnh, không giận dữ, bớt nổi nóng. Khi ta cầu nguyện với Chúa, tâm hồn ta bình an hơn, vui vẻ hơn.

Cuộc sống tích cực, không bi quan buồn chán.

Gia đình nào cũng có sự xung đột nhưng hoá giải được sự xung đột đó là vấn đề trong tâm hồn của mỗi người trong gia đình. Nếu gia đình các con yêu thương nhau thì cha mẹ vui vẻ, bình an, ngược lại khi con cái bất hoà nhau, cha mẹ không vui mà các thành viên trong gia đình đó cũng không vui. Vậy gia đình nào có sự bất hoà, xung đột nhau thì gia đình đó mất phúc thiên đàng ở đời này rồi.

Gương thánh Monica (331 – 387), mẹ của thánh Augustinô, 

Thánh Monica sinh năm 331 tại Tagaste, Bắc Phi (nay là Souk Ahras, thuộc Algeria). Nhờ nước mắt và sự kiên trì cầu nguyện của người mẹ là thánh Monica…mà Augustinô là một tội nhân trở thành thánh nhân.

Thánh Augustinô được rửa tội lúc 33 tuổi, rồi làm linh mục lúc 36 tuổi, và làm giám mục lúc 41 tuổi.

Những lời cầu nguyện và gương lành của Thánh Monica cũng đã khiến chồng và mẹ chồng trở lại Công giáo (1)

*****

3)Cầu nguyện được xem là giải pháp điều trị thay thế phổ biến nhất ở xã hội Mỹ ngày nay. Có hơn 85% những người phải đương đầu với bệnh nặng đã cầu nguyện, theo một nghiên cứu của Đại học Rochester.

Tiến sĩ Herbert Benson, một chuyên gia tim mạch tại Trường Y Harvard và một người tiên phong trong lĩnh vực y học tâm – thân, đã phát hiện điều gọi là “phản ứng thư giãn” (response of relaxation) xảy ra trong thời gian cầu nguyện và thiền định. Vào những lúc như vậy, sự trao đổi chất của cơ thể giảm xuống, nhịp tim chậm, huyết áp giảm xuống, và hơi thở của chúng ta trở nên bình ổn và đều đặn hơn.

TS Benson, có hơn một nửa những người đến thăm khám bác sĩ ở Mỹ ngày nay có vấn đề bệnh tật, như trầm cảm, huyết áp cao, viêm loét và đau nửa đầu… phân nửa gây ra bởi căng thẳng và lo lắng.(2)

Ghi chú:

 Xem thêm: (2)

a)Vì sao những người thường xuyên cầu nguyện có sức khỏe tốt hơn?

https://songhanhphuc.net/tin-tuc/vi-sao-nhung-nguoi-thuong-xuyen-cau-nguyen-co-suc-khoe-tot-hon

b) Cầu nguyện khi cảm thấy dường như vô ích

https://daminhbuichu.net/cau-nguyen-khi-cam-thay-duong-nhu-vo-ich/

Tác giả: Phùng Văn Phụng

Ngày 17 tháng 02 năm 2025