Tại sao người Việt trong nước quan tâm đến chính trị Mỹ?-Đặng Đình Mạnh

Ba’o Nguoi-Viet

March 9, 2025

Chuyện Vỉa Hè
Đặng Đình Mạnh

Cứ xem những cuộc tranh luận trên nền tảng mạng xã hội sẽ thấy ngay tình trạng người Việt bị phân hóa về nền chính trị Hoa Kỳ chưa lúc nào như lúc này. Chúng ta chưa nói đến những người Việt đang định cư tại Hoa Kỳ, vì ít nhất, họ còn có lý do khi sự biến động chính trị tại Hoa Kỳ ảnh hưởng đến lợi ích thiết thân của họ.

Tôi muốn nói đến người Việt đang sinh sống tại Việt Nam, trên quê hương của mình.

Một người dân Hà Nội đọc tờ báo Tuổi Trẻ đưa tin ông Donald Trump quay trở lại Tòa Bạch Ốc. Chứng tỏ tin này gây chấn động dư luận tại Việt Nam. (Hình: Nhạc Nguyễn/AFP/Getty Images)

Vậy, tại Việt Nam không có sự tồn tại một nền chính trị nào ư? Nếu có, phải chăng nền chính trị Việt Nam không có tác động hoặc ảnh hưởng gì đối với người Việt tại quê hương, đến mức họ không cần thiết phải quan tâm, mà phải quan tâm đến nền chính trị Hoa Kỳ?

Thật ra, có đấy. Một đứa trẻ vắt mũi chưa sạch cũng biết Việt Nam đang tồn tại một nền chính trị ở đó. Thậm chí, nếu hiểu biết hơn, người Việt còn biết ở Việt Nam đang tồn tại một nền chính trị tệ hại nhất trong lịch sử vài ngàn năm của dân tộc. Đó là một nền chính trị đáng xấu hổ nhất trong khoảng 200 nền chính trị của các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đang cùng tồn tại trên quả địa cầu, một nền chính trị bất hợp pháp từ khi hình thành trên sự “cướp chính quyền.” Từ đó, họ cướp luôn cả những quyền tự do căn bản của người Việt, tức là quyền được sống làm người với phẩm chất tự do từ 80 năm qua…

Thế nhưng, tại sao người Việt không quan tâm, không tranh cãi về nền chính trị đang biến họ, gia đình hoặc tương lai thế hệ con em của họ thành nô lệ… mà lại quan tâm đến mức bị phân hóa khốc liệt vì một nền chính trị cách xa mình cả nửa vòng quả đất?

Câu trả lời không quá khó. Quan tâm đến nền chính trị Hoa Kỳ an toàn hơn.

Chưa kể, quan tâm đến nền chính trị Hoa Kỳ còn giúp giải tỏa những ẩn ức phát sinh từ chính nền chính trị trong nước. Song song đó, còn giúp biện minh rằng phẩm chất của mình vẫn còn ít nhiều giá trị khi “dám” đề cặp đến những vấn đề to tát của… Hoa Kỳ và của thế giới! Về các cựu tổng thống, về tổng thống, về quốc hội, về tư pháp cùng với những thuyết âm mưu bủa vây nền chính trị đó, nó tác động đến Châu Âu, đến cuộc chiến Nga – Ukraine, đến những phỏng đoán bên cạnh đất nước mình như mưu đồ thu hồi Đài Loan, độc chiếm biển Đông của Trung Cộng…

Qua đó, người dân có thể đề cập, thảo luận, thậm chí mắng mỏ nhau về quan điểm đánh giá các biến động chính trị Hoa Kỳ và thế giới, không chỉ được an toàn mà còn cảm giác thấy thích thú, hấp dẫn hơn bất kỳ loại phim “bom tấn” nào từ Hollywood.

Ít nhất, điều đó chứng tỏ rằng người Việt trong nước chưa từng thờ ơ với chính trị bao giờ. Chỉ là không gian chính trị độc tài đã kìm hãm, trừng phạt mọi sự chỉ trích độc tài khiến cho người dân chưa tiện bày tỏ quan điểm của mình về nền chính trị trong nước mà thôi.

Cứ nghĩ xem, nếu những biến động nền chính trị Hoa Kỳ vốn không quá ảnh hưởng đến lợi ích của người Việt, mà còn được họ quan tâm sâu sắc đến như thế, thì nền chính trị Việt Nam, có quan hệ mật thiết đến lợi ích, cuộc sống của bản thân người Việt, của gia đình và tương lai của họ, thì sự quan tâm còn lớn đến mức nào? Chỉ là họ chưa lên tiếng mà thôi.

Sinh viên đại học ở Sài Gòn chen nhau bắt tay Tổng thống Mỹ Barack Obama (quay lưng lại) ngày 25 Tháng Năm 2016 khi ông đến đây diễn thuyết. (Hình: Jim Watson/AFP/Getty Images)

Quan sát tranh luận về biến động chính trị tại Hoa Kỳ, chắc chắn chế độ Cộng Sản trong nước không tránh khỏi sự chột dạ. Rằng mọi nỗ lực từ nhiều thập niên qua của chế độ nhằm thực hiện chính sách “ngu dân để trị,” hoặc đàn áp khốc liệt để người dân không dám quan tâm hoặc lên tiếng về chính trị đã hoàn toàn phá sản.

Rằng ý thức chính trị của người vẫn còn nguyên đó, chúng hết sức mạnh mẽ, có lẽ chỉ chực chờ tia lửa nhỏ để bén cháy thành một trận hỏa hoạn mà thôi. Và nếu nó cháy, thì chẳng phải chế độ Cộng Sản, vốn bị người dân oán ghét vì tước đoạt của họ quá nhiều thứ, từ những giá trị vật chất đến tinh thần, chẳng phải sẽ là những thứ đầu tiên làm mồi cho ngọn lửa ấy hay sao?

Người dân có thể nâng thuyền được, thì người dân cũng có thể lật thuyền. Một con thuyền không đưa người dân đến được với tự do, con thuyền ấy không có lý do gì để tồn tại. [kn]


 

Linh mục Nigeria bị bắt cóc đã bị giết vào sáng thứ Tư Lễ Tro

YouTube player

Giáo phận Công Giáo Kafanchan đã thông báo về vụ sát hại bi thảm đối với Cha Sylvester Okechukwu, một linh mục bị bắt cóc khỏi nơi cư trú của ngài vào đêm ngày 4 tháng 3 năm 2025 và sau đó bị những kẻ bắt cóc giết chết.

Trong một tuyên bố chính thức được Giáo phận đưa ra vào ngày 5 tháng 3 năm 2025, Cha Jacob Shanet, Giám Quản Tông Tòa, đã xác nhận tin tức đau buồn này, ngài nói: “Chúng tôi vô cùng đau buồn và đau lòng khi thông báo về cái chết thương tâm của một Linh mục kính yêu của chúng tôi, Cha Sylvester Okechukwu.”

Cha Okechukwu, sinh ngày 11 tháng 12 năm 1980 và thụ phong linh mục ngày 11 tháng 2 năm 2021, đang phục vụ với tư cách là Cha xứ của Nhà thờ Công Giáo St. Mary Tachira, tại Khu vực Chính quyền Địa phương Kaura của Tiểu bang Kaduna vào thời điểm bị bắt cóc. Theo Giáo phận, ngài đã bị những kẻ tấn công không rõ danh tính bắt cóc vào ngày 4 tháng 3 năm 2025.

Sau một đêm không chắc chắn, Giáo phận xác nhận rằng Cha Okechukwu đã bị giết trong tình trạng bị giam cầm vào sáng sớm ngày 5 tháng 3 năm 2025, trùng với Thứ Tư Lễ Tro, một ngày trọng thể để suy ngẫm và sám hối trong đức tin Kitô giáo. Tuyên bố lưu ý rằng động cơ đằng sau vụ giết người vẫn chưa được biết.

Mô tả cái chết của ngài là “không đúng lúc và tàn bạo”, Giáo phận tuyên bố “Sự mất mát không đúng lúc và tàn bạo này khiến chúng tôi đau lòng và suy sụp. Cha Sylvester là một người hầu tận tụy của Chúa, người đã làm việc quên mình trong vườn nho của Chúa, truyền bá thông điệp về hòa bình, tình yêu và hy vọng.”

Tuyên bố này nhấn mạnh thêm rằng Cha Okechukwu “luôn sẵn sàng và dễ gần với giáo dân”, khiến cho sự mất mát đau thương của ngài càng trở nên đau đớn hơn đối với giáo phận và cộng đồng mà ngài phục vụ.

Trong khi cộng đồng Công Giáo đau buồn vì mất đi Cha Okechukwu, Giáo phận đã kêu gọi các tín hữu tiếp tục hiệp nhất cầu nguyện cho linh hồn ngài được an nghỉ.

“Chúng tôi mời tất cả các linh mục, tu sĩ và tín hữu dâng Thánh lễ, lần hạt Mân Côi và cầu nguyện cho sự an nghỉ vĩnh hằng của Cha Sylvester, người đã hy sinh mạng sống để phục vụ Thiên Chúa và nhân loại,” giáo phận kêu gọi.

Ngoài ra, trong lời kêu gọi hòa bình, Giáo phận đã kêu gọi cộng đồng Takad, nơi Cha Okechukwu phục vụ, hãy giữ bình tĩnh và kiên định cầu nguyện, đồng thời cảnh báo về mọi hình thức trả thù: “Không ai được tự ý hành động theo luật pháp”.

Source:cisanewsafrica.com


 

NỖ LỰC THÁNH THIỆN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Chúa Giêsu được Thánh Thần đưa vào hoang địa và chịu quỷ cám dỗ”.

“Sẽ rất ngớ ngẩn khi nói, những ai tốt lành không biết đến cám dỗ. Đó là một lời nói dối! Chỉ ai cố gắng chống lại cám dỗ, người ấy mới biết nó mạnh thế nào! Chúa Giêsu – người duy nhất không bao giờ khuất phục cám dỗ – biết cám dỗ có nghĩa là gì. Vì thế, Ngài nâng đỡ mọi nỗ lực thánh thiện của bất cứ ai chống lại nó!” – C. S. Lewis.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay chứng thực nhận định của Lewis. Qua đó, chúng ta khám phá một thực tế thú vị rằng, với Satan, khi ai đó không có ‘nguy cơ’ trở thành thánh, nó chẳng quan tâm. Nhưng một khi ai đó bắt đầu có một chút ‘nỗ lực thánh thiện’, nó sẽ đặt ra mọi chướng ngại và chúng ta sẽ phải đối mặt với mọi loại hình mưu chước.

Tin Mừng cho biết, chính khi Chúa Giêsu ‘đi tĩnh tâm’, ‘linh thao’; hoặc khi Ngài cầu nguyện với Chúa Cha trong vườn Dầu, thì ma quỷ tấn công Ngài. Một kịch bản tương tự cũng xảy ra với chúng ta! Khi chúng ta cầu nguyện hoặc quyết định làm một điều lành – ma quỷ nhất định cản trở. Nó sợ chúng ta thành thánh! Nó giăng bẫy, quyết đánh bại chúng ta cho đến khi chúng ta bỏ đi những ‘nỗ lực thánh thiện’ của mình.

Vậy tại sao Chúa Giêsu lại vào sa mạc, chịu đau khổ và bị cám dỗ? Không phải chính “Thánh Thần đưa vào hoang địa?”. Lý do duy nhất là tình yêu! Ngài muốn chia sẻ phận người với chúng ta; và quan trọng hơn, muốn chỉ cho chúng ta cách thức chiến thắng – bằng chỉ Lời Chúa! Ngài yêu chúng ta đến mức sẵn sàng cam chịu mọi đau khổ để có thể nhìn thẳng mỗi người và nói, “Vâng, Ta hiểu những gì con đang trải qua!”. Đây là tình yêu, một tình yêu sâu đậm đến nỗi sẵn sàng trải nghiệm những yếu đuối và đau đớn của con người để có thể gặp con người – ở đó – Ngài an ủi và nhẹ nâng chúng ta ra khỏi đó.

Chiến thắng cám dỗ, Chúa Giêsu trở nên sức mạnh và nguồn cảm hứng cho chúng ta. Ngày nào đó, chúng ta có thể cảm thấy cô đơn và cô lập của một người bị đẩy vào sa mạc tội lỗi; thấy mình như một con thú giữa những đam mê ngổn ngang; và như thể Satan – tên xấu xa – đang chung đường. Phải, Chúa Giêsu thấy trước điều đó và Ngài cho phép mình trải nghiệm điều này trong nhân tính để có thể cứu thoát và nâng đỡ những ‘nỗ lực thánh thiện’ của bất cứ ai trong hoàn cảnh này. Điều quan trọng, là mỗi người biết tựa vào Ngài. Thật thâm trầm, “Mọi kẻ tin vào Người sẽ không phải thất vọng!” – bài đọc hai; và “Lạy Chúa, lúc ngặt nghèo, xin Chúa ở kề bên!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Chúa Giêsu biết cám dỗ có nghĩa là gì!”. Chúa Giêsu đang có mặt trong sa mạc cuộc đời đầy cám dỗ của chúng ta; ở đó, Ngài đợi bạn và tôi. Ngài kiếm tìm tôi, gọi tôi giữa mọi thứ mà tôi có thể sẽ trải qua. Chính Ngài, Đấng đã đánh bại cám dỗ sẽ nhẹ nhàng dìu tôi ra khỏi đó, đem tôi về cung lòng yêu thương của Cha với điều kiện, tôi biết luôn nương tựa Ngài. Ngài đã chinh phục sa mạc một lần và mãi mãi, Ngài cũng có thể chinh phục bất kỳ sa mạc nào trong đời tôi, hầu chấp cánh cho mọi ‘nỗ lực thánh thiện’ của tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa yêu con đến mức trải nghiệm mọi đau khổ của con. Giúp con cậy trông vào Chúa, chắt chiu từng ‘nỗ lực thánh thiện’ của mình với bất cứ giá nào!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen

**********************************************

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM C

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

1 Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. 2 Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. 3 Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” 4 Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”

5 Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. 6 Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. 7 Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” 8 Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”

9 Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! 10 Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. 11 Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” 12 Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”

13 Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.


 

CẦU NGUYỆN NHIỀU VẬY ĐỂ ĐƯỢC GÌ ?-Thánh Pio

Antonio Son Tran is with Đa Minh Mân Côi.

Một người ngoại giáo hỏi tôi :

– Bạn “được” gì khi ngày nào cũng kiên trì cầu nguyện với Chúa như thế?

Tôi thành thật trả lời:

– Thường thì tôi chẳng giành được gì cả, mà thực ra “mất” đi nhiều thứ:

Tôi mất đi lòng tự cao

Tôi mất đi tính kiêu căng

Tôi mất đi sự tham lam

Tôi mất đi thói gian dối

Tôi mất đi tính nóng giận

Tôi mất đi tật xét đoán

Tôi mất đi sự hấp tấp

Tôi mất đi mong muốn phạm tội

Tôi mất đi lòng ghen ghét, hờn giận

Tôi mất đi sự chán nản, thất vọng và hèn nhát…

Đôi khi chúng ta cầu nguyện không phải là để giành được một điều gì đó, nhưng là để mất đi những thứ cản trở chúng ta trên con đường theo Chúa.

Cầu nguyện rèn giũa, thêm sức mạnh và chữa lành tâm hồn mỗi người.

Cầu nguyện là kênh nối kết chúng ta trực tiếp với Chúa.

Thánh Pio

NĂM SỰ THƯƠNG: Thứ nhất thì ngắm—Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu…- Cha Vương

Chúc bình an! Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Trải qua những thăng trầm của Con Thiên Chúa và Con của Đức Mẹ, Kinh Mân Côi trình bày cho chúng ta biết cách kiên nhẫn trong cuộc sống con người sự luân chuyển giữa sự thiện và sự ác, bình an và bão tố, những ngày vui và những ngày buồn.” Mùa Chay là mùa sám hối, mời bạn dành thời gian suy niệm những mầu nhiệm tiềm ẩn trong Kinh Mân Côi, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho bạn trở về với trong Mùa Chay thánh này nhé.

Cha Vương

Thứ 7 MC: 8/3/2025

NĂM SỰ THƯƠNG: Thứ nhất thì ngắm—Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu, đây là biểu hiện tột cùng của sự đau đớn. Không sự đau đớn nào sánh bằng sự đau đớn của tình yêu bị chối từ. Chúa Giêsu đến trần gian, vì “TÌNH YÊU” để tìm kiếm con người, để giải thoát họ khỏi tội lỗi, khỏi ác thần nhưng giờ đây các môn đệ của Người đang đứng trước nguy cơ “sa chước cám dỗ” mà vẫn còn phụ bạc và chối từ Ngài. Bạn cảm thấy thế nào khi tình yêu của Bạn bị phụ bạc hay bị chối từ? Hôm nay qua 10 Kinh Kính Mừng này, Bạn hãy xin cho được ăn năn tội nên vì những lần Bạn đã quay lưng và ngoảnh mặt đi với Chúa. (Nêu ra ý chỉ cầu xin…)

+ Kinh Lạy Cha: Lạy Cha chúng con ở trên trời…

  1. Bấy giờ Đức Giê-su đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni… Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. (Mátthêu 26: 36-37) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  2. Bấy giờ Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.” (Mátthêu 26:38) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  3. Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện…(Mátthêu 26:39a) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  4. Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha. (Mátthêu 26:39b) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  5. Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. (Luca 22:43) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  6. Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. (Luca 22:44a) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  7. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất. (Luca 22:44b) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  8. Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phê-rô: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? (Mátthêu 26:40) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  9. Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. (Mátthêu 26:41a) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
  10. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.”(Mátthêu 26:b) Kính mừng Maria đầy ơn phúc…

+ Kinh Sáng Danh: Sáng danh Đức Chúa Cha…

+ Câu Than Fatima: Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con…

+ Kinh Lạy Nữ Vương: Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành…

+Kinh Hãy Nhớ: Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay…

From: Do Dzung

*******************************

Còn Tình Yêu Nào Như Tình Chúa Giêsu

TĂNG CƯỜNG SỨC MẠNH TOÀN DIỆN CHO SỨC KHỎE

  1. Tăng cường sức mạnh cho sức khỏe thể chất

Có một mối liên quan mật thiết giữa sức khoẻ thể chất – tâm thần (tinh thần) – xã hội. Điều này được thể hiện rõ qua định nghĩa sức khoẻ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và mô hình Sinh học – Tâm lý – Xã hội (Biopsychosocial Model):

  • Theo WHO: Sức khoẻ là một trạng thái hoàn toàn khoẻ mạnh về thể chất – tâm thần – xã hội chứ không phải là một tình trạng không bệnh tật hoặc ốm yếu.
  • Mô hình Sinh học – Tâm lý – Xã hội: Theo mô hình này, sự khoẻ mạnh (well-being) của một người phải hội đủ cả ba phương diện.

Trong cuộc sống hằng ngày chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy mối tương quan mật thiết của 3 yếu tố này. Chẳng hạn như khi chúng ta mắc bệnh, cảm xúc cũng dễ tiêu cực hơn, mức năng lượng thấp hơn và do đó các tương tác xã hội hay học tập/ công việc cũng bị ảnh hưởng. Tương tự như vậy, khi tinh thần chúng ta căng thẳng, hệ miễn dịch trở nên yếu đi và cơ thể dễ mắc bệnh hơn và các chức năng xã hội cũng suy giảm. Chúng ta có thể hình dung sức khoẻ của mình là một căn nhà với 3 trụ cột chính là thể chất, tâm thần (tinh thần) và xã hội. Ba trụ cột này làm căn nhà sức khoẻ của chúng ta vững vàng hơn như trong cụm từ quen thuộc “vững như kiềng ba chân”. Thay đổi tại 1 trụ cột sẽ có sự tái phân bố lực lên các trụ cột khác và ảnh hưởng lên cả căn nhà nói chung. Khi chúng ta tác động trên càng nhiều trụ cột thì sự thay đổi trên toàn thể căn nhà diễn ra càng nhanh và càng toàn diện hơn.  Chính vì mối liên quan mật thiết như vậy, khi nhắc đến chăm sóc bản thân, hãy nhớ chăm sóc mình qua 3 phương diện, điều này hỗ trợ rất tốt cho quá trình phục hồi và nuôi dưỡng cơ thể.  Điều quan trọng là, thay đổi cần hành động và sự lặp lại, và giữ bản thân cảm thấy thoải mái. Chúng ta có thể bắt đầu từ những việc nhỏ hay những việc mình cảm thấy phù hợp với bản thân mình.  Sau đây là gợi ý các “nguyên liệu” bạn có thể dùng để nâng cấp các “trụ cột” cho căn nhà của mình.

Một cơ thể khoẻ mạnh có thể mang lại tinh thần và đời sống xã hội tích cực

  1. Tập thể dục

Vì sao nên tập thể dục? 

Tập thể dục không chỉ làm tăng sức khoẻ thể chất – khiến chúng ta khoẻ mạnh hơn mà còn làm tăng sức khỏe tinh thần. Tập thể dục giúp giải phóng endorphin và serotonin – những “hormone hạnh phúc” giúp cải thiện cảm xúc của bạn, giúp bạn hoà nhập với thế giới và giảm cảm giác cô đơn. Nếu bạn tập thể dục thường xuyên, nó có thể làm giảm căng thẳng, ngủ ngon hơn và cải thiện tốt các triệu chứng khác của sức khoẻ tâm thần như trầm cảm và lo âu.

Hành động:

Các khuyến cáo cho thấy chúng ta nên dành mỗi tuần nhiều hơn 150 phút hoạt động thể chất cường độ trung bình hoặc 75 phút hoạt động cường độ cao.  Nói cách khác, hãy tìm một môn thể thao mà bạn yêu thích và dành ra mỗi ngày khoảng 20-30 phút để rèn luyện cơ thể nhé.

  1. Ăn uống lành mạnh

Vì sao nên ăn uống lành mạnh?

Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh giấc ngủ và sự thèm ăn, điều hòa cảm xúc và ức chế cơn đau. Vì khoảng 95% serotonin của bạn được sản xuất trong đường tiêu hóa và đường tiêu hóa của bạn được lót bởi hàng trăm triệu tế bào thần kinh, nên có nghĩa là hoạt động bên trong của hệ tiêu hóa không chỉ giúp bạn tiêu hóa thức ăn, mà còn điều hoà cảm xúc của bạn. Hơn nữa, chức năng của những tế bào thần kinh này – và việc sản xuất chất dẫn truyền thần kinh như serotonin – bị ảnh hưởng nhiều bởi hàng tỷ vi khuẩn “tốt” tạo nên hệ vi sinh vật đường ruột của bạn. Những vi khuẩn này đóng một vai trò thiết yếu đối với sức khỏe. Chúng bảo vệ niêm mạc ruột của bạn và đảm bảo cung cấp một rào cản mạnh mẽ chống lại các chất độc và vi khuẩn “xấu”; chúng hạn chế tình trạng viêm nhiễm; chúng cải thiện mức độ hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn của bạn; và chúng kích hoạt các con đường thần kinh đi trực tiếp giữa ruột và não. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng lợi khuẩn không chỉ ảnh hưởng đến những gì ruột của bạn tiêu hóa và hấp thụ mà còn ảnh hưởng đến mức độ viêm khắp cơ thể, cũng như tâm trạng và mức năng lượng của bạn.

Hành động: 

Sau đây là 7 lời khuyên nhỏ giúp bạn có những lựa chọn ăn uống hợp lý:

  • Ưu tiên tinh bột nhiều chất xơ trong bữa ăn của bạn.
  • Ăn nhiều trái cây và rau
  • Ăn nhiều cá hơn
  • Kiêng giảm chất béo bão hoà và đường
  • Giảm muối: không ăn quá 6g mỗi ngày
  • Đừng để khát nước
  • Đừng bỏ bữa sáng
  1. Ngủ đủ giấc

Tại sao nên ngủ đủ giấc?

Một giấc ngủ lành mạnh rất quan trọng đối với “tính dẻo dai của não” (brain plasticity) hay khả năng tiếp ứng thông tin đầu vào của não. Nếu chúng ta ngủ quá ít, chúng ta sẽ không thể xử lý những gì chúng ta đã học trong ngày và chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn trong việc ghi nhớ nó trong tương lai. Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng giấc ngủ có thể thúc đẩy quá trình loại bỏ các phẩm phụ của chuyển hoá (như protein beta-amyloid liên quan đến bệnh Alzheimer) ra khỏi tế bào não – một hoạt động diễn ra kém hiệu quả hơn khi não ở trạng thái thức. Giấc ngủ cũng rất quan trọng đối với phần còn lại của cơ thể. Khi không ngủ đủ giấc, nguy cơ sức khỏe của chúng ta sẽ tăng lên. Các triệu chứng trầm cảm, động kinh, huyết áp cao và chứng đau nửa đầu ngày càng trầm trọng hơn. Khả năng miễn dịch bị tổn hại làm tăng khả năng mắc bệnh và nhiễm trùng. Giấc ngủ cũng đóng một vai trò trong quá trình trao đổi chất: Ngay cả một đêm bỏ lỡ giấc ngủ có thể tạo ra trạng thái tiền tiểu đường ở một người khỏe mạnh.

Hành động:

Theo khuyến cáo của Viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ (AASM), tuỳ theo độ tuổi mà thời gian cần thiết cho giấc ngủ mỗi 24 giờ có sự khác nhau:

  • Trẻ từ 4 tháng đến 12 tháng: 12-16 tiếng.
  • Trẻ từ 1 đến 2 tuổi: 11-14 tiếng.
  • Trẻ từ 3 đến 5 tuổi: 10-13 tiếng.
  • Trẻ từ 6 đến 12 tuổi: 9-12 tiếng.
  • Thanh thiếu niên (13 đến 18 tuổi): 8 -10 tiếng.
  • Người lớn (từ 18 tuổi trở lên): ít nhất 7 tiếng.

Nếu bạn cảm thấy mình gặp khó khăn trong việc vào giấc ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ không đạt hiệu quả mong muốn, bạn có thể tham khảo bài viết về Hướng dẫn chi tiết về Vệ sinh giấc ngủ.

Lần cuối chỉnh sửa khoa học: 03/2021

2.Tăng cường sức mạnh cho sức khỏe tinh thần

Với một tinh thần khoẻ mạnh và tích cực, cơ thể chúng ta sẽ phòng bệnh tốt hơn và các mối quan hệ xã hội cũng tốt đẹp hơn

  1. “Tắm rửa” cho tinh thần

Tại sao cần tắm rửa cho tinh thần?

Hàng ngày chúng ta đều nhớ tắm rửa cho cơ thể của mình, làm sạch những bụi bẩn của cả ngày và ướm lên cơ thể một lớp mùi hương dễ chịu. Tinh thần cũng cần được chăm lo như thể chất vậy, cũng cần gạn bỏ những gì tiêu cực đã trải qua trong ngày và ươm mầm lên đó những điều tích cực tươi đẹp.

Hành động:

Sau đây là một số gợi ý bạn có thể chọn thực hiện:

  • Chia sẻ với người khác về suy nghĩ và cảm xúc của mình, có thể đón nhận góc nhìn mới từ chia sẻ phản hồi của người nghe.
  • Viết nhật ký những điều đang có trong đầu. Sau khi viết ra, bạn có thể thử nhìn lại dưới một cái nhìn tổng quan hơn, tìm ra ý nghĩa tích cực hay bài học từ câu chuyện trải qua của mình.
  • Thể hiện điều đang nghĩ thông qua phương tiện nghệ thuật: tô vẽ/ làm văn thơ/ca hát/ nhảy múa… Đây là các phương tiện trung gian rất hữu ích cho những ai cảm thấy khó khăn trong việc diễn đạt suy nghĩ hay cảm xúc của mình. Sau khi nhìn lại tác phẩm, bạn có thể tự rút ra một điều gì đấy cho bản thân.
  • Đọc sách/ nghe đài (podcast)/ xem chương trình về nuôi dưỡng bản thân mà bạn thấy phù hợp với mình.
  • Nghe nhạc. Bạn có thể chọn nghe những bản nhạc mang giai điệu vui tươi tích cực hoặc những bản nhạc buồn để nâng đỡ tâm trạng, tuỳ theo sở thích và bối cảnh của mình.
  1. Khởi tạo niềm vui

Tại sao nên khởi tạo niềm vui?

Các nghiên cứu cho thấy rằng:

  • Cười làm giảm cơn đau, có thể giúp ích cho tim và phổi của bạn, thúc đẩy thư giãn cơ bắp và có thể giảm lo lắng.
  • Cảm xúc tích cực có thể làm giảm hormone stress và xây dựng sức mạnh cảm xúc.
  • Các hoạt động giải trí giúp bạn dời sự tập trung ra khỏi các vấn đề, nâng cao năng lực và nhiều lợi ích khác. Ví dụ, trong một nghiên cứu quan sát các cặp song sinh, người tham gia các hoạt động giải trí ít có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hoặc chứng sa sút trí tuệ hơn so với song sinh của họ.

Hành động:

Sau đây là một số gợi ý để tận hưởng cuộc sống và thư giãn:

  • Làm điều gì đó mà bạn thích làm khi còn nhỏ. Ví dụ như : chạy qua các vòi phun nước, treo mình trên các thanh ngang, hoặc làm rối bằng bàn tay…
  • Làm điều gì đó mà bạn luôn muốn làm. Chẳng hạn như: nướng bánh, vẽ tranh hoặc học đan. Nếu bạn không chắc chắn về cách thực hiện, hãy tham gia một lớp học hoặc tìm kiếm một câu lạc bộ dành riêng cho hoạt động này.
  • Xem hoặc nghe hài. Qua video, podcast hoặc web. Hoặc cười theo cách cổ điển – đọc truyện cười.
  • Mát-xa trị liệu. Mát-xa có thể làm giảm căng cơ, kích thích các chất giảm đau tự nhiên của cơ thể và tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn. Nó cũng có thể giúp bạn cảm thấy bớt lo lắng và thoải mái hơn.
  • Nghỉ ngơi giữa thiên nhiên. Một bầu trời xanh, những bụi cây tươi tốt, một hồ nước đẹp. Đi bộ hay thậm chí chỉ ngắm nhìn thiên nhiên giúp làm dịu hệ thần kinh của chúng ta và giảm mệt mỏi về tinh thần.
  1. Kết nối với bản thân

Tại sao cần kết nối với bản thân?

Chúng ta thường dễ bị cuốn theo guồng quay vội vã của công việc, các mối quan hệ, những đòi hỏi từ thế giới bên ngoài mà quên đi thế giới bên trong của mình. Khi những cảm xúc bên trong bị mất kết nối với ý thức bên ngoài, những triệu chứng về mặt cơ thể bắt đầu hiện ra, thường gặp là các triệu chứng đau (đầu, lưng, cổ vai gáy). Về mặt sức khoẻ tinh thần, chúng ta dễ quên đi những gì bên trong thế giới của chính mình. Mình là ai? Mình cần gì? Mình đang cảm thấy thế nào? Cảm xúc và nhu cầu của bản thân bị bỏ mặc là nguy cơ cho các rối loạn về mặt cảm xúc. Do đó, việc kết nối lại và thấu hiểu hơn về bản thân mình rất quan trọng.

Hành động:

Sau đây là một số gợi ý bạn có thể thực hiện để kết nối tốt hơn với bản thân mình:

  • Viết nhật ký. Ghi lại các sự kiện, suy nghĩ và phản ứng của bản thân mặt hành vi, cảm xúc cũng như cảm giác cơ thể mình lúc đó.
  • Đọc sách/ tham gia /xem các chương trình về tìm hiểu bản thân.
  • Thiền. Có nhiều loại thiền khác nhau, bạn có thể tìm hiểu và trải nghiệm xem môn thiền nào phù hợp với mình hơn. Một cách đơn giản nhất, chỉ cần ngồi yên và chú tâm đến hơi thở của mình cũng là một dạng thiền.

 III. Tăng cường sức mạnh cho sức khỏe xã hội

Khi các mối quan hệ xã hội cũng như công việc của chúng ta tiến triển tốt thì tinh thần của chúng ta cũng phấn chấn, thể chất cũng dồi dào sinh lực và ít bệnh hơn.

  1. Kết nối với người khác

Tại sao cần kết nối với người khác?

  • Tăng hạnh phúc. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự khác biệt chủ yếu giữa những người rất hạnh phúc và những người kém hạnh phúc là mối quan hệ tốt.
  • Sức khỏe tốt hơn. Cô đơn có liên quan đến nguy cơ tăng huyết áp, trầm cảm và lo âu cao hơn người cao tuổi.
  • Sống lâu hơn. Những người có mối quan hệ xã hội và cộng đồng chặt chẽ có nguy cơ tử vong thấp hơn hai hoặc ba lần so với dân số chung.

Hành động:

Cách tốt nhất để vun đắp và duy trì các mối quan hệ thân thiết là dành thời gian và năng lượng để xây dựng mối quan hệ của bạn với người khác, sao cho phù hợp với nhu cầu xã hội của bản thân. Để tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác, hãy tự hỏi bản thân xem bạn có ít nhất một vài người bạn hoặc thành viên gia đình, mà:

  • Bạn cảm thấy thoải mái khi ở bên;
  • Cho bạn cảm giác rằng bạn có thể nói với họ bất cứ điều gì;
  • Có thể giúp bạn giải quyết vấn đề;
  • Làm cho bạn cảm thấy có giá trị;
  • Hãy xem xét mối quan tâm của bạn một cách nghiêm túc.
  1. Kết nối với cộng đồng

Tại sao cần kết nối với cộng đồng?

Kết nối với cộng đồng là một phương thức tuyệt vời để cảm thấy mạnh mẽ về mặt cảm xúc và kiên cường đi qua quãng thời gian căng thẳng, nhất là khi chúng ta cảm thấy cô đơn hay biệt lập. Có 3 lợi ích chính mà cộng đồng mang đến cho chúng ta về mặt tinh thần:

  • Cảm giác thuộc về. Cảm giác thuộc về là khi bạn cảm thấy mình là một phần của cộng đồng như chính con người thật của mình. Không có gì bạn phải thay đổi để trở thành một phần của cộng đồng, mà thay vào đó, bạn được đón nhận và trân trọng với những phẩm chất đặc trưng của mình.
  • Hỗ trợ. Bạn tìm đến ai khi bạn cần điều gì đó? Có người để bạn có thể gọi khi cần có thể giúp bạn vượt qua những tình huống khó khăn mà bạn cảm thấy không thể vượt qua một mình. Biết có những người hỗ trợ mình có thể giúp bạn cảm thấy được chăm sóc và an toàn, cũng như góp phần tích cực vào cách nhìn của bạn về cuộc sống.
  • Mục đích. Trong cộng đồng, mọi người đảm nhận các vai trò khác nhau. Những vai trò này có thể mang lại cho bạn ý thức về mục đích thông qua việc cải thiện cuộc sống của người khác. Sống có mục đích và giúp đỡ người khác sẽ mang lại ý nghĩa cho cuộc sống.

Hành động:

Bạn có thể cân nhắc lựa chọn tham gia vào một câu lạc bộ có cùng sở thích (hay đặc điểm chung) hoặc đăng kí tham gia tình nguyện ở một tổ chức cộng đồng. Cần lưu ý về mức độ phù hợp của mối quan tâm, hệ giá trị và niềm tin của bạn với tổ chức mà bạn định tham gia.

  1. Làm việc hướng đến mục tiêu

Tại sao cần làm việc hướng đến mục tiêu?

Đặt mục tiêu là một cách hiệu quả để tăng động lực và giúp chúng ta tạo ra những thay đổi mà mình muốn. Việc đặt mục tiêu có thể mang đến sự cải thiện về sức khỏe và các mối quan hệ, hoặc nâng cao năng suất trong công việc. Đặt mục tiêu cũng là một bước quan trọng trong quá trình hồi phục sau các rối loạn về sức khoẻ tâm thần. Các rối loạn phổ biến như trầm cảm hoặc lo âu có thể khiến bạn gặp khó khăn trong công việc tại nơi làm việc hoặc ở nhà, hoặc mối quan hệ với những người khác. Đặt mục tiêu có thể được sử dụng như một phần của liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) để bắt đầu tiến trình khoẻ lại và xây dựng lại cuộc sống có ý nghĩa.

Hành động:

Có 4 điều bạn cần tập trung vào để nâng cao sức khoẻ tâm thần:

  • Tập trung vào điểm mạnh của bạn.
  • Tập trung giải quyết vấn đề thay vì than vãn.
  • Tập trung vào tương lai thay vì những tổn thương trong quá khứ.
  • Tập trung vào cuộc sống của bạn thay vì bệnh tật của bạn.

Chúng ta có thể áp dụng mô hình SMART khi đặt mục tiêu:

  • Specific (Cụ thể) – Mục tiêu càng cụ thể càng tốt: Ai? Ở đâu? Khi nào? Tại sao? Điều gì?…
  • Measurable (Đo lường được) – Mục tiêu cần định lượng được: Bao nhiêu?…
  • Attainable (Có thể đạt được) – Mục tiêu mà bạn có thể đạt được. Mục tiêu quá khó khăn sẽ làm mất động lực và dễ dàng khiến ta bỏ cuộc.
  • Realistic (Thực tế) – Mục tiêu phải phù hợp với bối cảnh thực tế bạn đang sống và làm việc.
  • Time bound (Giới hạn thời gian) – Xác định khung thời gian và thời hạn hoàn thành.

TỔNG KẾT

Chúng ta đã đi qua 3 trụ cột về sức khoẻ cũng như chăm sóc bản thân: Thể chất – Tinh thần – Xã hội. Mỗi trụ cột gồm có 3 nguyên liệu nâng cấp. Tổng hợp lại ta có 9 nguyên liệu gợi ý về chăm sóc sức khoẻ bản thân như sau:

  1. Tập thể dục
  2. Ăn uống lành mạnh
  3. Ngủ đủ giấc
  4. Tắm rửa cho tinh thần
  5. Khởi tạo niềm vui
  6. Kết nối với bản thân
  7. Kết nối với người khác
  8. Kết nối với cộng đồng
  9. Làm việc hướng đến mục tiêu

Thay đổi cần hành động và sự lặp lại. Trên tiến trình này, chúng ta hãy giữ một tâm thế thoải mái và bắt đầu từng bước một bằng những điều mình cảm thấy phù hợp với bản thân nhé.

Tài liệu tham khảo

  1. National Research Council (US) Panel on Understanding Divergent Trends in Longevity in High-Income Countries; Crimmins EM, Preston SH, Cohen B, editors. Explaining Divergent Levels of Longevity in High-Income Countries. Washington (DC): National Academies Press (US); 2011. 6, The Role of Social Networks and Social Integration. Available from: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK62364/
  2. Umberson D, Montez JK. Social relationships and health: a flashpoint for health policy. J Health Soc Behav. 2010;51 Suppl:S54-66. doi:10.1177/0022146510383501
  3. https://www.mhanational.org/taking-good-care-yourself
  4. https://www.cdc.gov/aging/publications/features/lonely-older-adults.html
  5. https://www.nami.org/Blogs/NAMI-Blog/November-2019/The-Importance-of-Community-and-Mental-Health
  6. Ogbeiwi O (2017) Why written objectives need to be really SMART. British Journal of Healthcare Management. 23 (7): 324–336.

Tác giả và chuyên gia

Chịu trách nhiệm nội dung: ThS. BS. Hà Thị Cẩm Hương

Góp ý nội dung: TS. Nguyễn Hồng Vũ

Viện Nghiên cứu City of Hope, California, Hoa Kỳ

Góp ý nội dung: TS. Trịnh Vạn Ngữ

Viện Khoa học Y sinh SoonChunHyang, ĐH SoonChunHyang, Hàn Quốc

 From: NguyenNThu


 

KIẾP BỤI TRO – Trầm Thiên Thu

 Trầm Thiên Thu

Không chỉ trong Mùa Chay, mà cả đời người Công giáo luôn phải ghi nhớ thực-tế-thật này: “Ngươi là bụi đất và sẽ trở về bụi đất” (St 3:19).

Tuy không là Kitô hữu, nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng chân nhận kiếp người chẳng là gì trong ca khúc “Cát Bụi”, với lời lẽ: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy…  Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…  Bao nhiêu năm làm kiếp con người chợt một chiều tóc trắng như vôi, lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày…  Mặt trời nào soi sáng tim tôi, để tình yêu xoay mòn thành đá cuội… Ôi cát bụi phận này, vết mực nào xóa bỏ không hay.

Ca từ da diết trong giai điệu trầm lắng.  Triết lý kiếp người là sự yếu đuối, mỏng dòn, bất túc, bất trác,… vì kiếp người chỉ là cát bụi, là bụi tro, là bụi cát, là bụi đất – không được là hạt cát hoặc hạt đất, mà chỉ là hạt bụi quá bé nhỏ!

Cũng với nỗi niềm về thân phận con người, nhạc sĩ Lê Dinh đã trải tâm sự qua ca khúc “Trở về Cát Bụi” (*), ca từ rõ ràng hơn và gần gũi với tư tưởng Công giáo: “Sống trên đời này, người giàu sang cũng như người nghèo khó.  Tất cả những gì chúng ta sở hữu và tận hưởng đều không do tài năng của mình, vì thế mà phải chân nhận tích cực: “Trời đã ban cho, ta cám ơn trời, dù sống thương đau.  Tất cả đều là Hồng Ân Thiên Chúa, Ngài CHO hay LẤY LẠI là quyền của Ngài, chúng ta không thể đòi hỏi, vả lại rồi ai cũng “trắng tay” như nhau: “Mai kia chết rồi, trở về cát bụi, giàu khó như nhau, nào ai biết trước số phận ngày sau ông trời sẽ trao.  Số phận mai sau là do mình quyết định qua cách sống trên trần gian này: Được hưởng phúc trường sinh, hoặc chịu án phạt đời đời.

Nhạc sĩ Lê Dinh có cách lý giải bình dân mà vẫn thâm thúy: “Này nhà lớn lầu vàng son, này lợi danh, chức quyền cao sang, có nghĩa gì đâu, sao chắc bền lâu, như nước trôi qua cầu.  Tất cả sẽ qua như “nước trôi qua cầu” mà không thể lấy lại.  Thế mà người ta vẫn vênh vang tự đắc khi sống ung dung hơn người khác, nhưng Chúa Giêsu nói rõ: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3).  Vậy người giàu đừng vội “hãnh diện,” còn người nghèo đừng quá “tủi thân.”  Thiên Chúa nói là làm.  Chắc chắn như vậy.  Nhưng ngày nay chưa ai biết, quan trọng là kiếp sau!

Về vật chất đã vậy, về tinh thần cũng thế.  Tất cả đều giả dối: “Này lời hứa, này thủy chung, này tình yêu, chót lưỡi đầu môi cũng thế mà thôi, sẽ mất ngày mai như áng mây cuối trời.  Cái CÓ mà như KHÔNG, cái KHÔNG mà như CÓ.  Ngay cả lời hứa tưởng chừng “chắc chắn” mà cũng chỉ như “mây cuối trời,” mà mây thì luôn di động, thay đổi thất thường.  Người ta gọi là “hứa cuội.”  Vui cười chỉ trong thoáng chốc, nỗi buồn lo cứ đằng đẵng theo tháng ngày.  Tiệc cưới một ngày mà vui được bao nhiêu phút?  Tết cả ba ngày mà vui được bao lâu?  Thực tế phũ phàng đó có giúp chúng ta cảm nghiệm được gì về tâm linh chăng?  Ý Chúa muốn gì qua các biến cố cuộc đời – dù lớn hay nhỏ?

Nhạc sĩ Lê Dinh nói về cuộc đời và nhắc nhở mọi người, nhất là với người giàu: “Sống trên đời này tựa phù du có đây lại rồi mất, cuộc sống mong manh, xin nhắc ai đừng đổi trắng thay đen.  Nào người sang giàu, đừng vì tham tiền, bỏ nghĩa anh em.  Người ơi, xin nhớ cát bụi là ta, mai này chóng phai.”  Thánh Gióp đã từng nhận thức rất rõ: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng” (G 1:20).  Thế nên, dù mất tất cả và bản thân cũng bệnh tật đau đớn, ngài vẫn không than trách và vẫn tạ ơn Chúa.  Một tấm gương sáng ngời để chúng ta cố gắng noi theo!

Lời nhắc nhở đó được lặp đi lặp lại ở phần kết (coda), cũng là lời xoáy sâu vào tâm khảm của mỗi chúng ta: “Người nhớ cho ta là cát bụi, trở về cát bụi, xin người nhớ cho!”  Nốt kết không ở chủ âm mà ở át âm, cứ lơ lửng, cứ ngân vang, như lời nhắc nhở không ngừng và mỗi người phải suy nghĩ đêm ngày, nhất là trong Mùa Chay này…

Kinh thánh đã so sánh rất cụ thể: “Con tim của anh là tro bụi, hy vọng của anh hèn hơn đất, cuộc đời của anh tệ hơn bùn” (Kn 15:10).  Quả thật, thân phận con người chẳng là gì cả.  Vì thế, hãy bắt chước Thánh Phaolô: “Nếu phải tự hào, tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi” (2 Cr 11:30).

Đã bao lần chúng ta chứng kiến những người thân nhất của mình “ra đi,” dù y học có tân tiến đến đâu và các thầy thuốc có cố gắng hết sức thì cũng vẫn đành “bó tay” trước lưỡi hái của Tử Thần.  Họ nhắm mắt và xuôi tay, một đi không hẹn trở lại, và đã bao lần chúng ta tiễn đưa người khác ra nghĩa trang.  Đất lấp đầy huyệt là xong một kiếp người!  Chúng ta suy nghĩ điều gì?

Lá cứ rụng, dù xanh hay vàng.  Nhưng với người Công giáo, chết không là hết, mà chỉ là biến đổi (1 Cr 15:51), vì “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” (Thánh Phanxicô Assisi).  Chúng ta tin sẽ được sống lại trong ngày sau hết, đó là niềm tin chắc chắn, không mơ hồ hoặc ảo tưởng, thế nên chúng ta vẫn dâng lời cảm tạ: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118; Tv 136).

Lạy Chúa, xin thương xót những tội nhân chúng con, xin giúp chúng con can đảm chết với Con Chúa để có thể được đồng phục sinh vinh quang. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người cứu độ chúng con, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

Trầm Thiên Thu

Nguồn: Mạng lưới cầu nguyện

From: Langthangchieutim

CẦN TỘI NHÂN – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn!”.

Một thiếu nữ được bác sĩ cho biết, “Cô không bao giờ có thể thoát khỏi ngục tù của tật nguyền!” – “Ồ, không! Thưa bác sĩ, còn rất nhiều cách để sống trong những giới hạn nếu tôi không mệt mỏi chiến đấu với chúng!”. Thiếu nữ đó là Helen Keller, một nhà văn mù và điếc khi mới 19 tháng tuổi. Cô viết, “Hãy đối mặt với những khiếm khuyết và thừa nhận chúng! Chúa không chỉ cần tài năng của bạn; Ngài cần cả những bất lực!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Với nhận định của H. Keller, Tin Mừng hôm nay tiết lộ một sự thật chưa từng được nói đến của ơn cứu độ! Tại nhà Matthêu, Chúa Giêsu tự nhận là một thầy thuốc; nhưng thầy thuốc sẽ làm gì nếu không có bệnh nhân? Phá sản! Vì thế, ở một khía cạnh nào đó, thầy thuốc Giêsu cần bệnh nhân; Ngài cần cả những bất lực của bạn. Ngài ‘cần tội nhân!’.

“Giêsu”, Đấng Cứu Độ thế giới. Nhưng nếu thế giới không có tội nhân thì sao? Cái chết của Con Thiên Chúa sẽ lãng xẹt và lòng thương xót của Ngài thật vô tích sự! Như vậy, theo một nghĩa nào đó – với tư cách cứu độ – Chúa Giêsu cần những con người chống lại Thiên Chúa; những con người vi phạm lề luật, vi phạm phẩm giá của họ và phẩm giá người khác. Tắt một lời, Ngài ‘cần tội nhân!’, mọi loại hình tội nhân!

Thật quan trọng để bạn và tôi hiểu được sự thật này! Để từ đó, chúng ta nhận ra rằng, việc tội nhân đến với Chúa Giêsu mang theo bao ô uế của tội lỗi nơi họ sẽ là ‘cơ hội’ cho Trái Tim Rất Thánh của Ngài thi thố lòng thương xót. Và nó mang cho Ngài một niềm vui tràn đầy; vì qua đó, Ngài hoàn thành sứ mệnh với tư cách Đấng Cứu Độ duy nhất.

Đại diện mọi tội nhân, Matthêu đồng bàn với Chúa Giêsu và điều này khiến Ngài chịu tiếng mang lời. Ngài chống chế, “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn!”. Tuyệt vời! Đó là tuyên bố dành cho một nhân loại tội lỗi, cũng là nhân loại Ngài ‘cần’ để cứu. Không loại trừ ai; Chúa Giêsu muốn tiếp cận mọi người, thứ tha mọi người. Hãy học cách thức và đường lối tìm kiếm của Thiên Chúa, tìm kiếm để thương tha. “Xin dạy con đường lối Ngài, lạy Chúa!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Khác với đường lối Chúa, đường lối loài người vốn đầy “cử chỉ đe doạ và lời nói hại người” – bài đọc một. Với Chúa, khi ai đó phạm tội nhiều, Ngài ‘cần’ họ nhiều hơn! Ngài tìm mọi cách tiếp cận họ, ban ân sủng và tha thứ. Qua đó, Ngài dạy chúng ta nhẫn nại, yêu thương, xây những chiếc cầu thay vì những bức tường bất cứ khi nào có cơ hội.

Anh Chị em,

“Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn!”. Chúa cần bạn và tôi; nhưng Ngài cần chúng ta “biết cách để sống trong những giới hạn”, “không mệt mỏi chiến đấu”, biết “đối mặt với những khiếm khuyết và thừa nhận chúng”, và nhất là đem những bất lực của mình đến cho Ngài. Ngài đang đợi từng người. Chúng ta là niềm vui, là đối tượng sứ vụ của Ngài. Hãy đến trong tình trạng tổn thương và tội lỗi của mình; và theo cách này, chúng ta cho phép Ngài biểu lộ lòng thương xót của Trái Tim Rất Thánh! Ngài ‘cần tội nhân!’. Đó là quà tặng bạn và tôi mang đến cho Ngài. Bạn có tin điều đó không?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con biết, con cần Chúa; nhưng con ít biết, Chúa cần con – một tội nhân. Này con đến với Bí tích Giải Tội, đem cho Chúa mọi tội lỗi của con!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: Kim Bang Nguyen

***********************************

Thứ Bảy sau Lễ Tro

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

27 Khi ấy, Đức Giê-su trông thấy một người thu thuế, tên là Lê-vi, đang ngồi ở trạm thu thuế. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” 28 Ông bỏ tất cả, đứng dậy đi theo Người.

29 Ông Lê-vi làm tiệc lớn đãi Người tại nhà ông. Có đông đảo người thu thuế và những người khác cùng ăn với các ngài. 30 Những người Pha-ri-sêu và những kinh sư thuộc nhóm của họ mới lẩm bẩm trách các môn đệ Đức Giê-su rằng: “Sao các ông lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” 31 Đức Giê-su đáp lại họ rằng: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. 32 Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”


 

Ung thư không đến bất ngờ – Nó chỉ âm thầm chờ đợi

Kimtrong Lam

Sáng nay, khi đọc tin tức, bác sĩ cảm thấy lặng người khi biết NSƯT Quý Bình đã qua đời vì ung thư não. Một nghệ sĩ tài năng, một người đàn ông bản lĩnh và đầy cống hiến, nhưng cuối cùng lại không thể chiến thắng được căn bệnh quái ác.

Bác sĩ biết rằng gia đình anh đã tìm mọi phương pháp điều trị tốt nhất, chạy chữa khắp nơi. Nhưng khi ung thư đã bước vào giai đoạn muộn, khi tế bào ác tính đã ăn sâu vào hệ thần kinh trung ương, thì y học hiện đại cũng chỉ có thể kéo dài thời gian, chứ không thể đảo ngược số phận. Đây không chỉ là nỗi đau của gia đình anh, mà còn là một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả mọi người về tầm quan trọng của việc phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Ung thư – Khi phát hiện quá muộn, mọi cố gắng cũng trở nên mong manh.

Bác sĩ đã gặp rất nhiều bệnh nhân giống như NSƯT Quý Bình. Họ đến bệnh viện khi những triệu chứng đã trở nên rõ ràng: đau đầu dữ dội, suy giảm trí nhớ, mất thăng bằng, thậm chí có người đã rơi vào trạng thái hôn mê. Và khi chụp MRI, kết quả thường là một khối u lớn trong não, chèn ép các vùng chức năng quan trọng.

Khi ung thư não đã phát triển đến giai đoạn cuối, phẫu thuật có thể chỉ giúp giảm bớt triệu chứng, hóa trị và xạ trị cũng chỉ có thể kéo dài sự sống thêm một thời gian. Nhưng giá như căn bệnh này được phát hiện sớm hơn, khi khối u còn nhỏ, chưa di căn, thì cơ hội sống sẽ cao hơn rất nhiều.

Phòng bệnh .

Bức tường bảo vệ sức khỏe vững chắc nhất

Bác sĩ luôn nhắc nhở mọi người rằng: Đừng đợi đến khi cơ thể lên tiếng mới lo lắng cho sức khỏe. Một số bệnh như ung thư, đột quỵ, bệnh tim mạch… có thể không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu. Nhưng nếu chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ, chúng ta có thể phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

Vậy mọi người có thể làm gì để bảo vệ sức khỏe của mình?

Khám sức khỏe định kỳ:

Nếu NSƯT Quý Bình phát hiện khối u não sớm hơn, có lẽ câu chuyện đã khác.

Mọi người nên thực hiện tầm soát ung thư hàng năm, đặc biệt nếu trong gia đình có tiền sử bệnh lý.

Lắng nghe cơ thể:

Đừng bỏ qua những dấu hiệu bất thường như đau đầu kéo dài, suy giảm trí nhớ, mất thăng bằng….

Một cơn đau không rõ nguyên nhân, một triệu chứng dù nhỏ nhưng kéo dài – đó có thể là tín hiệu từ cơ thể cảnh báo mọi người.

Duy trì lối sống lành mạnh:

Chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục đều đặn, hạn chế rượu bia, thuốc lá… không chỉ giúp giảm nguy cơ ung thư mà còn tăng cường hệ miễn dịch.

Tránh stress kéo dài:

Nghệ sĩ thường xuyên chịu áp lực lớn, lịch trình dày đặc, căng thẳng kéo dài. Stress chính là một trong những yếu tố làm suy yếu hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển.

Đừng đợi đến khi quá muộn

Khi bệnh đã vào giai đoạn cuối, không phải bác sĩ không giỏi, không phải y học không tiến bộ, mà đơn giản là chúng ta đã để nó đi quá xa. Điều đáng tiếc nhất không phải là không có phương pháp điều trị, mà là không có cơ hội để điều trị kịp thời.

Mọi người hãy xem sự ra đi của NSƯT Quý Bình như một lời nhắc nhở cho chính mình. Đừng để đến khi cầm trên tay tờ kết quả xét nghiệm nghiệt ngã rồi mới nuối tiếc những gì chưa làm.

Bác sĩ mong rằng tất cả mọi người sẽ chủ động bảo vệ sức khỏe của mình ngay từ hôm nay, vì chính mình và vì những người thân yêu. Phòng bệnh hơn chữa bệnh – Đó không chỉ là một lời khuyên, mà là một nguyên tắc sống.

VietBF@sưu tập

VIETBF Diễn Đàn Hay Nhất Của Người Việt Nam