HÃY NHỚ RẰNG

  Gieo Mầm Ơn Gọi

  1. Nếu quyết tâm làm một việc gì đó, bạn không cần vội vã khoe khoang, càng không nên làm lớn chuyện. Hãy cứ im lặng thực hiện, thành tựu là hào quang sẽ giúp bạn toả sáng.
  2. Nếu đã quyết tâm làm, hãy cứ làm. Đừng vì một câu đánh giá của người ngoài mà do dự, buông bỏ giấc mơ của mình. Vì, nếu thành công thì đó là câu trả lời xác đáng với kẻ ghen tỵ; nếu thất bại thì đó là bài học đáng quý để bạn hoàn thiện và trưởng thành hơn.
  3. Bạn không cần phải mang bản thân mình so sánh với bất kỳ ai, vì mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Chỉ cần bạn tốt hơn chính bản của ngày hôm qua, đó mới là thành công.
  4. Phần lớn người ta thất bại không phải do không có khả năng, mà là do ý chí không kiên định.
  5. Hiện thực là bờ bên này, lý tưởng là bờ bên kia, ở giữa là dòng sông cuồn cuộn chảy, hành động là chiếc cầu bắc ngang qua sông. – Kleiloyev
  6. Ta có thể chuyển rời núi bằng cách bắt đầu mang đi những viên đá nhỏ.
  7. Vượt lên phía trước là một công việc đòi hỏi lòng tin tưởng khát khao vào bản thân. Đó là lý do vì sao vài người với tài năng bình thường nhưng có chí tiến thủ lớn lao lại đi xa hơn nhiều người có tài năng vượt trội hơn hẳn. – Sophia Loren

Trên hành trình của đời người, ai rồi cũng sẽ phải đối mặt với những điểm trũng, những khoảng thời gian bị mất phương hướng, không ý thức được việc mình muốn gì, thích gì, có thể làm được gì, cảm thấy bản thân thực sự rất vô dụng, thất bại thảm hại… thực ra, đó là thử thách của cuộc sống mà hầu hết ai cũng phải trải qua.

Tuy nhiên, mỗi người lại có những cách đối mặt và giải quyết vấn đề khác nhau, người bình tĩnh tìm ra nút thắt để tháo gỡ, nhưng cũng có kẻ vội vã bỏ cuộc rồi cứ mãi vẫy vùng trong bùn lầy. Chỉ muốn nhắc bạn một câu, dù trong hoàn cảnh nào cũng hãy giữ lấy sự bình tình cho mình. Mọi việc ắt sẽ có cách giải quyết cả thôi.

St

Ai là La-da-rô đang bên cạnh bạn, bạn có nhận ra những nhu cầu của họ không? – Cha Vương

Một ngày tràn đầy yêu thương trong Chúa và Mẹ nhé.

Cha Vương

Thư 5, 2 MC: 20/3/25

TIN MỪNG: Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. (Lc 16:20-21)

 

SUY NIỆM: Dụ ngôn ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó là một câu chuyện gợi cảm trong một xã hội vô cảm. Nếu bạn nhìn sâu hơn vào chính mình hoặc vào môi trường sống xung quanh hoặc bạn sẽ thấy những triệu chứng của căn “bệnh vô cảm”.  Họ nhìn thấy cái xấu, cái ác mà vẫn không cảm thấy bất bình, họ thấy Chân, Thiện, Mỹ mà không ngưỡng mộ, họ gặp cảnh bi thương lại thờ ơ, không động lòng thương xót, không rung động tâm can…

Quảng đại cho đi không chỉ là của cải vật chất mà có khi chỉ là một nụ cười thân thiện, một cái bắt tay khích lệ, một lời nói quan tâm an ủi đỡ nâng, một lần viếng thăm, một cuộc gặp gỡ kiến tạo sự hiệp nhất bình an.

Ai là La-da-rô đang bên cạnh bạn, bạn có nhận ra những nhu cầu của họ không? Bạn cần phải làm gì cho họ?

LẮNG NGHE: Lạy CHÚA, xin dò xét lòng con để biết rõ, / xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác, thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời. (Tv 139:23-24)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa giàu lòng trắc ẩn, xin cho con nhìn anh em với đôi mắt của Chúa, hiểu với tâm trí Chúa, yêu với con tim Chúa, phụng sự với ý chí của Chúa, và xin cho con nên giống Chúa hơn mỗi ngày.

THỰC HÀNH: Làm một việc bố thí hôm nay.

From: Do Dzung

*****************************

Yêu Như Chúa Yêu

GỬI CÁC BẠN GIÀ…

Đặng Hoạt

Hỡi các bạn già của tôi ơi!

Đừng có tủi thân, hoặc trách đời

Thời gian, năm, tháng, qua nhanh lắm

Hãy sống từng giây phút tuyệt vời.

 

Bao năm lăn lóc, cũng đủ rồi

Bôn ba thời vận, sống nổi trôi

Nhục vinh, sướng khổ, đều có cả

Giờ chỉ mình ta, với đất trời.

 

Cuộc đời là thế đó bạn ơi

Có trách, có than, cũng đã rồi

Chỉ gây mâu thuẫn, thêm buồn khổ

Chẳng ích lợi chi, lúc cuối đời.

 

Buông bỏ hết đi, cất làm gì

Để hồn thư thả, lúc ra đi

Tiền bạc, lo âu, giờ vô nghĩa

Hận thù, xung đột, chẳng ích chi.

 

Thời gian còn lại, có là bao

Hãy cố vui lên, chớ u sầu

Thực hiện những gì mình mơ ước

Để đừng hối tiếc, lúc lìa nhau.

 

Sức khoẻ, là niềm vui lúc tuổi già

Là liều thuốc bổ, chẳng gì qua

Tình thương, tha thứ là sức mạnh

Hạnh phúc, bình an, đến mọi nhà! 

 

Sưu tầm


 

TỘI CHO CHÁU…!

Những câu chuyện Nhân Văn

Truc Dinh

Vài ngày tôi gặp cháu ngồi lề đường xin tiền khách qua lại…! Tôi biết cháu có hoàn cảnh rất đau thương vì cha ruột đã bỏ đi.

Cha dượng thì luôn bạo hành (cháu kể lại) nên ban ngày đi rong. Tối ít khi dám ngủ ở nhà…!

Mỗi khuya, thường thấy cháu ngủ dưới mái hiên với cái mềm trùm kín…

Hôm nay cũng như mọi ngày 4 giờ sáng, dậy đi bộ, bất chợt thấy cháu nằm co ro ngoài lề…!

Tội quá, vào nhà lấy chút tiền, gọi cháu dậy đi uống sữa và ăn cháo…!

Người lớn khổ nạn còn có sức đề kháng sương gió, muỗi chích trong đêm, còn cháu khoảng 10 tuổi thì làm sao chịu được…

Cha mẹ sinh con sao nỡ để con ra nông nỗi như vậy…!

Không biết những ngày tới khi mưa xuống, không biết tương lai của cháu sẽ như thế nào…?

Chắc chắn sẽ không tươi đẹp như bao trẻ khác…!

Tuổi thơ cháu thật buồn…!


 

MỘT PHẦN ĐỊNH MỆNH – (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Ta là Chúa, Ta dò xét lòng người, thử thách mọi tâm can. Ta sẽ thưởng phạt ai nấy tuỳ theo cách nó sống và việc nó làm!”.

“Hãy trân trọng từng phút giây bạn có; chia sẻ cho người khác khi còn kịp! Ngày kia, bạn sẽ thấy của cải vô dụng như thế nào. Người nghèo luôn có đó, họ không phải là ‘một phần cảnh quan’ tô điểm cuộc sống bạn, nhưng là ‘một phần định mệnh’ của bạn! Hãy nhớ, chiếc đồng hồ không ngừng chạy, không đợi bất cứ ai vì bất cứ lý do gì!” – Anon.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay cho thấy, tha nhân không phải là ‘một phần cảnh quan’, nhưng là ‘một phần định mệnh’ của bạn! Họ là những con người cần được tôn trọng, yêu thương. Chúa Giêsu từng ví họ là chính Ngài, “Không có sứ giả nào, cũng không có thông điệp nào có thể thay thế được người nghèo mà chúng ta gặp trên hành trình, bởi trong họ – những “Nhà Tạm di động” của Ngài – chính Chúa Giêsu đến gặp chúng ta!” – Phanxicô.

Bài đọc Giêrêmia tiết lộ, Thiên Chúa ghi nhận và ân thưởng cho mọi hành vi bác ái của bạn, “Ta là Chúa, Ta dò xét lòng người, thử thách mọi tâm can. Ta sẽ thưởng phạt ai nấy tuỳ theo cách nó sống và việc nó làm!”. Như vậy, ai sống bác ái yêu thương, người ấy làm đẹp lòng Chúa, Đấng họ nương thân, “Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa!” – Thánh Vịnh đáp ca.

Trái với những ai ‘nương thân’ nơi Chúa, Tin Mừng thuật chuyện một người ‘ẩn nương’ nơi của cải! Đó là một phú hộ sống xa hoa, cách biệt với người nghèo, đam mê thời trang và những món ăn ngon. Tuy thế, ông không làm hại ai; không tước đoạt Lazarô nghèo khó; không ngại việc Lazarô lảng vảng; cũng chẳng miệt thị Lazarô. Vậy thì đâu là tội của ông? Tội của ông là không coi Lazarô như một con người; với ông, Lazarô chỉ là ‘một phần cảnh quan’ trang trí nhà ông. Một người mù đã từng nói, “Tôi thấy người ta đi đi lại lại như cây cối!”. Đúng thế, nhà phú hộ xem ra chỉ thấy Lazarô ‘ngang mức cây cối!’.

Lazarô, biểu tượng cho mọi ‘tiếng kêu thầm lặng’ thời hiện đại mà của cải và tài nguyên đang nằm trong tay một số người. Điều này giúp chúng ta hiểu rằng, bỏ qua một người nghèo, hoặc coi họ chỉ ‘ngang mức cây cối’ đích thị là khinh miệt Thiên Chúa! Họ là ‘một phần định mệnh’ của bạn và tôi như Lazarô là ‘một phần định mệnh’ của ông nhà giàu!

Anh Chị em,

“Ta thưởng phạt ai nấy tuỳ theo cách nó sống và việc nó làm!”. Như thế, người nghèo không phải là một điều gì chúng ta muốn, hoặc không muốn. Họ là những món quà Chúa gửi đến! Nhờ họ, qua họ, chúng ta lãnh nhận bao ân phúc. Đừng quên, Thiên Chúa không bao giờ xem chúng ta là ‘một phần cảnh quan’ – có cũng được, không cũng được – đối với Ngài. Chúng ta là những con trai, con gái rất yêu dấu được máu châu báu của Con Một Ngài đổ ra để cứu chuộc. Mùa Chay, mùa ý thức ngày kia “của cải sẽ vô dụng như thế nào”; mùa để “làm những gì có thể khi còn kịp”; mùa bạn và tôi không còn coi anh chị em mình ‘ngang mức cây cối’ nhưng là những ‘sứ giả’ mang ‘thông điệp’ của Chúa, hầu có thể yêu thương, trân trọng và cứu giúp!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con biết, con luôn nợ người nghèo, họ là ‘một phần định mệnh’ của con. Dạy con biết chia sẻ khi còn kịp, vì con sẽ chỉ mang theo những gì con đã cho đi!”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

**************************************************

Thứ Năm Tuần II – Mùa Chay

Tin Mừng ngày hôm nay

Con đã nhận phần phước của con rồi ; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. Lc 16,19-31

19 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây : “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. 20 Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. 22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

23 “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. 24 Bấy giờ ông ta kêu lên : ‘Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát ; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm !’ 25 Ông Áp-ra-ham đáp : ‘Con ơi, hãy nhớ lại : suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi ; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. 26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.’

27 “Ông nhà giàu nói : ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, 28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này !’ 29 Ông Áp-ra-ham đáp : ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.’ 30 Ông nhà giàu nói : ‘Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.’ 31 Ông Áp-ra-ham đáp : ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.’”


 

CƠ HỘI THỨ HAI – Lm. Mark Link, S.J

 Lm. Mark Link, S.J

Tờ báo Dallas Morning News đăng một tấm hình của một số tù nhân trong chương trình làm-việc-để-được-tha.  Họ đang phục hồi một căn nhà đổ nát ở phía tây thành phố.  Một vài ngày sau, một trong những tù nhân viết cho ban biên tập, anh nói rằng: 

“Cảm ơn quý vị đã loan tin…  Lần sau cùng tên và hình ảnh của tôi được đăng trong tờ báo là ngày tôi bị kết án tù…  Vì thế, đó thực sự là một niềm vui khi tôi thấy hình của mình đang làm một công việc tốt được đăng trong tờ báo của quý vị… 

“Khi vào tù 18 tháng trước, tôi rất giống như căn nhà đổ nát mà chúng tôi phục hồi lại…  Nhưng Thiên Chúa đã chăm sóc tôi và làm cho tôi trở nên một tạo vật mới trong Chúa Kitô.” 

Thật khó có một minh họa nào tốt hơn cho điều mà Chúa Giêsu muốn nói trong bài phúc âm hôm nay. 

Nửa phần đầu của bài phúc âm nói về hai nhóm người bị giết trong các tai nạn ở Giêrusalem.  Đức Giêsu kết thúc lời nhận xét về các tai nạn này như sau, “Và tôi nói cho quý vị biết rằng nếu quý vị không xa lánh tội lỗi, tất cả quý vị sẽ chết như những người ấy.” 

Phần thứ hai của bài phúc âm nói về một cây vả được trồng trong một vườn nho.  Vườn nho là một nơi lý tưởng để cây vả lớn lên.  Nếu một cây vả không thể phát triển ở đó, nó không thể lớn lên ở bất cứ đâu khác.

 Cây vả cần ba năm để lớn mạnh.  Nếu nó không sinh trái trong thời gian đó, có lẽ nó sẽ không thể sinh trái vào bất cứ lúc nào.

 Điều này giải thích tại sao chủ vườn lại ra lệnh cho người làm vườn phải chặt cây đó xuống.

 Và vì thế, thật ngạc nhiên khi thay vì chặt cây ấy xuống người làm vườn lại xin ông chủ cho cây ấy một cơ hội thứ hai.  Ông nói, “Thưa ngài, xin để nó thêm chỉ một năm nữa thôi; tôi sẽ đào xới chung quanh và bón phân cho nó.”

 Đức Giêsu có ý định nói dụ ngôn này cho hai nhóm người.  Trước hết, Đức Giêsu có ý nói với dân chúng thời bấy giờ.  Thứ hai, Người muốn nói dân chúng thuộc mọi thời đại.

 Nhóm người mà Đức Giêsu nói với họ dụ ngôn hôm nay, dĩ nhiên, là dân Ít-ra-en.  Đức Giêsu nói với họ rằng Thiên Chúa đã ban cho họ một chỗ được chọn lọc trong kế hoạch của Người và đặc biệt chăm sóc họ.  Nhưng họ không sinh kết quả. 

Đức Giêsu còn nói với họ rằng, bất kể sự thất bại này, Thiên Chúa sẽ kiên nhẫn với họ thêm chút nữa.  Người sẽ cho họ một cơ hội thứ hai, giống như cây vả.

 Nhóm người rộng hơn mà Đức Giêsu muốn nói dụ ngôn này bao gồm tất cả chúng ta ngày hôm nay.

 Dụ ngôn của Đức Giêsu cũng áp dụng cho chúng ta.  Chúng ta giống như dân Ít-ra-en.  Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một nơi được chọn lọc trong kế hoạch của Người, và Người đặc biệt chăm sóc chúng ta.  Thiên Chúa mong đợi chúng ta sinh kết quả.  Nếu không, giống như dân Ít-ra-en, Thiên Chúa sẽ cho chúng ta một cơ hội thứ hai để sám hối.  Nếu chúng ta không sám hối, thì giống như dân Ít-ra-en, chúng ta sẽ chết.

 Điều này đưa chúng ta đến câu chuyện phần mở đầu.  Cả tù nhân cũng như căn nhà đổ nát minh họa cho điểm trong dụ ngôn của Đức Giêsu.  Cả hai đều được cơ hội thứ hai.

 Căn nhà này bị thành phố loại bỏ.  Nó nằm trong chương trình bị phá hủy.  Nhưng một số người đã thuyết phục các viên chức thành phố là hãy cho nó một cơ hội thứ hai.

 Họ nói, “Hãy để các tù nhân làm việc đó.  Nếu họ có thể làm cho nó thành một bất động sản hữu ích, thì chúng ta sẽ không phá hủy nó.”

 Chính người tù nhân cũng bị loại bỏ.  Anh được coi là không thích hợp với xã hội.  Anh bị giam trong tù.

 Tuy xã hội đã từ bỏ anh, Đức Giêsu thì không.  Người đã cho anh một cơ hội thứ hai.  Cũng như người làm vườn trong bài phúc âm hôm nay, Đức Giêsu đã tưới nước và chăm sóc tinh thần của anh.  Anh đã đáp ứng và trở nên một tạo vật mới.

 Mọi người chúng ta đều có thể liên hệ đến câu chuyện này.  Ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời, nhiều người chúng ta cũng giống như cây vả, căn nhà, và người tù.

 Chúng ta cũng trong nguy cơ bị coi là vô ích.  Nhưng trong sự thương xót, Thiên Chúa đã xót thương chúng ta.  Giống như căn nhà, người tù, và cây vả, chúng ta được ban cho cơ hội thứ hai.

 Vì thế, bài phúc âm hôm nay mời gọi chúng ta hãy chân thành biết ơn Thiên Chúa vì Người đã ban cho chúng ta cơ hội thứ hai.  Bài này cũng mời gọi chúng ta hãy quyết tâm tận dụng cơ hội thứ hai của mình.

 Và vì thế chúng ta nói với Chúa Giêsu, “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã cho con cơ hội thứ hai.  Xin hãy giúp con tận dụng cơ hội ấy. Xin hãy giúp con thực hiện kế hoạch của Ngài trên chúng con.  Xin giúp chúng con thi hành điều này nhất là trong thời gian còn lại của mùa Chay.”

 Chúng ta hãy kết thúc với câu chuyện về một cây vĩ cầm cũ, mà giống như chúng ta, nó được ban cho cơ hội thứ hai.

 Nó là một hình ảnh khác về cuộc đời của bạn và tôi và tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.  Tôi hy vọng câu chuyện này sẽ đánh động tâm hồn bạn và khích động bạn cử hành Thánh Lễ hôm nay với sự biết ơn và yêu mến Thiên Chúa hơn bình thường.

 “Cây vĩ cầm bầm dập, sứt sẹo và người bán đấu giá.  Tuy không đáng để tốn nhiều thời giờ với cây đàn cũ, người bán đấu giá đã mỉm cười cầm nó lên.  ‘Quý vị ơi, tôi đặt giá bao nhiêu đây?’  Ông lớn tiếng.  ‘Ai là người trả giá đầu tiên?  Một đồng, một đồng, vậy hai đồng, chỉ hai đồng thôi sao?  Hai đồng và có ai trả ba đồng không?’

 “‘Ba đồng, gọi lần thứ nhất và ba đồng gọi lần thứ hai, và sẽ được bán với giá ba đồng, nhưng khoan đã…!’ Từ cuối căn phòng một ông già tóc hoa râm tiến lên và cầm lấy cây cung kéo đàn.  Sau khi phủi bụi chiếc đàn vĩ cầm cũ kỹ và căng lại dây đàn, ông chơi một cung điệu thật tinh khiết và ngọt ngào, ngọt như tiếng hát của thiên thần.

 “Tiếng đàn chấm dứt và tiếng của người đấu giá ôn tồn nói, ‘Tôi đặt giá bao nhiêu cho cây đàn cũ này?’  Và ông cầm cây đàn ấy lên, ông nói, ‘Một ngàn đồng và có ai trả hai ngàn không?  Hai ngàn đồng và có ai trả ba ngàn không?  Ba ngàn, gọi lần thứ nhất, ba ngàn, gọi lần thứ hai và chấm dứt!’

 “Dân chúng hoan hô nhưng có một vài người la lớn, ‘Chúng tôi không hiểu được.  Cái gì đã thay đổi giá trị của nó?’  Có tiếng người đáp ngay lập tức, ‘Bàn tay của một bậc thầy.’  Nhiều khi có người mà cuộc đời đã lạc điệu và bầm dập và sứt sẹo với tội lỗi cũng được bán đấu giá cách rẻ mạt cho đám đông vô tư, rất giống như cây vĩ cầm cũ kỹ này.

 “Một bát canh hổ lốn, một ly rượu, một trò chơi và hắn cứ như thế.  Hắn được rao bán lần thứ nhất, được rao bán lần thứ hai, cứ như thế và hầu như sắp chấm dứt.  Nhưng Thầy đã đến và đám đông dại khờ không thể hiểu nổi giá trị của linh hồn và sự thay đổi đã xảy ra bởi bàn tay của Thầy khi chạm đến.”  Tác giả vô danh.

 Lm. Mark Link, S.J

From: Langthangchieutim


 

VỢ CỦA SOCRATES – Truyện ngắn HAY

Chau Doan  

Triet gia Socrates (470 – 399 TCN)

Triết gia mà tôi, CD yêu thích, một người với hình thức nông dân, xấu xí, sức khoẻ của lực sỹ, lòng dũng cảm của một chiến binh xuất sắc, một tâm hồn cam nhẫn, một trí tuệ thông thái xuyên qua nhiều thế kỉ và danh tiếng trường tồn mãi với nhân loại. Tuy nhiên tôi không chắc toàn bộ sự khắc hoạ của vợ ông là chính xác và công bằng. Những người dựng lại chân dung của ông rất khó khăn về tư liệu.

Từ trang Dianabasi Udoh

VỢ CỦA SOCRATES

Ai có thể ngờ rằng triết gia Socrates, nổi tiếng với trí tuệ, sự thông thái và những lời nói đầy sức mạnh, lại sống trong một môi trường đầy tiếng quát tháo, sự ngu dốt và thù địch từ chính người vợ của mình?

Người phụ nữ này được biết đến là kẻ áp đảo, sắc sảo, mạnh mẽ và buộc chồng phải rời nhà lúc bình minh và chỉ trở về sau hoàng hôn mỗi ngày. Tuy nhiên, Socrates từng nói về bà:

“Tôi mang ơn người phụ nữ này. Nếu không có bà ấy, tôi đã không học được rằng trí tuệ nằm ở sự im lặng và hạnh phúc nằm ở giấc ngủ.”

Ông cũng nói: “Tôi đã phải chịu ba tai họa: ngôn ngữ, nghèo đói và vợ tôi. Cái đầu tiên tôi vượt qua bằng sự chăm chỉ, cái thứ hai bằng sự tiết kiệm, nhưng cái thứ ba – tôi không bao giờ vượt qua nổi.”

Một ngày nọ, khi Socrates đang ngồi với các học trò, vợ ông bắt đầu la hét và lăng mạ ông như thói quen. Nhưng lần này, trước sự ngạc nhiên của mọi người, bà còn đổ nước lên đầu ông. Lau mặt trong ngỡ ngàng, Socrates bình tĩnh nhận xét: “Chúng ta đáng lẽ phải đoán được mưa sẽ đến sau tất cả tiếng sấm ấy.”

Sự điềm tĩnh và im lặng của Socrates cuối cùng đã dẫn đến cái chết của vợ ông vì một cơn đau tim.

Đúng vậy, bà qua đời sau khi bắt đầu một cuộc tranh cãi nảy lửa khác với Socrates. Trong khi ông giữ im lặng, bình thản và không chút bận tâm, bà bùng nổ như một ngọn núi lửa. Cơn giận dữ dữ dội gây ra cơn đau nghiêm trọng ở tim và vai, khiến bà qua đời ngay trong đêm đó.


 

Bi Kịch Gia Đình: Vợ Và Con Gái Giết Chồng Sau Nhiều Năm Bị Bạo Hành

Ba’o Dat Viet

March 19, 2025

Một vụ án mạng nghiêm trọng vừa xảy ra tại xã Đông Khê, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, khi một người phụ nữ cùng con gái ra tay sát hại người chồng sau nhiều năm bị bạo hành. Hiện cả hai đã bị công an bắt giữ để điều tra về tội “giết người.”

Theo thông tin từ báo Thanh Niên, sáng ngày 16 Tháng Ba, cơ quan chức năng phát hiện ông Lê Anh Tú (45 tuổi) tử vong bất thường tại nhà riêng. Khám nghiệm hiện trường, công an nhận thấy thi thể nạn nhân có nhiều vết thương ở đầu và mặt, mất nhiều máu, trong khi đồ đạc trong nhà bị xáo trộn. Nhận định đây có thể là một vụ án mạng, công an nhanh chóng vào cuộc điều tra.

Chỉ trong thời gian ngắn, công an xác định hai mẹ con nghi can Nguyễn Thị Gái (40 tuổi) và Lê Nguyễn Huyền Trang (17 tuổi) là hung thủ. Cả hai bị bắt giữ ngay sau đó để phục vụ điều tra.

Theo lời khai ban đầu, bà Gái cho biết bản thân là người làm nghề trình dược viên, một mình gánh vác kinh tế gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc vì chồng bà thường xuyên ghen tuông, kiếm cớ bạo hành vợ. Bà nhiều lần muốn ly hôn nhưng ông Tú không đồng ý, thậm chí còn dùng bạo lực để giữ vợ trong cuộc hôn nhân đầy đau khổ này.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn xảy ra vào đêm 15 và rạng sáng 16 Tháng Ba. Bà Gái khai rằng chồng tiếp tục đánh đập mình, không chịu nổi nữa, bà đã phản kháng bằng cách dùng quả tạ tấn công vào đầu ông Tú khiến ông ngã gục. Trong lúc đó, con gái bà – Huyền Trang – cũng tham gia “giúp sức” bằng cách trùm chăn lên người cha để mẹ trút giận, vô tình khiến sự việc trở nên nghiêm trọng hơn.

Vụ án mạng này khiến nhiều người dân địa phương bàng hoàng. Một số hàng xóm cho biết trước nay gia đình ông Tú sống hòa thuận, không có dấu hiệu gì của bạo lực gia đình. “Cả hai vợ chồng làm nghề kinh doanh dược, cuộc sống kinh tế khá giả. Nghe tin bà Gái và con gái bị bắt, chúng tôi rất bất ngờ,” một người dân chia sẻ với báo Dân Trí.

Tuy nhiên, một số nguồn tin khác lại tiết lộ rằng vợ chồng ông Tú thực chất có nhiều mâu thuẫn trước khi vụ án xảy ra. Dù không ai biết chính xác mức độ căng thẳng trong gia đình này, nhưng rõ ràng, đây là một bi kịch không ai ngờ tới.

Hiện tại, công an tỉnh Thanh Hóa vẫn đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc. Câu hỏi lớn đặt ra là: Đây có phải chỉ là một hành động phản kháng trong lúc bị bạo hành, hay còn có những uẩn khúc khác chưa được làm sáng tỏ?

Dù thế nào, vụ án này cũng là hồi chuông cảnh báo về bạo lực gia đình – một vấn đề nhức nhối vẫn đang tồn tại trong nhiều gia đình, dù bề ngoài có vẻ êm ấm.


 

 Lễ Thánh Giuse (19/3)- Cha Vương

Mừng bổn mạng đến những ai chọn Thánh Giuse làm quan thầy nhé.  Chúc mừng! Chúc mừng!

Cha Vương

Thư 4, 2 MC: 19/3/2025

TIN MỪNG: Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. (Mt 1:19)

SUY NIỆM: Hôm nay, Giáo Hội hoàn vũ mừng lễ Thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu. Kinh thánh không nói nhiều về Thánh Giuse ngoại trừ trong Phúc âm Matthew. Thánh Matthew cho chúng ta biết rằng Thánh Giuse là “một người công chính”.  Chữ “công chính” có 2 nghĩa:

(1) nghĩa thông thường là “công bình”, điều gì không phải của mình thì mình không nhận. Giuse biết thai nhi không phải của mình nên không dám nhận làm cha, do đó muốn bỏ đi;

 (2) nghĩa đạo đức: công chính là tuân theo ý Chúa. Khi được thiên sứ cho biết việc Thiên Chúa muốn Giuse làm. 

Trong bầu không khí mừng Lễ Thánh Giuse, bạn hãy noi gương các nhân đức của ngài, luôn luôn tìm cách thực thi thánh ý Chúa trong cuộc sống. 

LẮNG NGHE: Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng. (Mt 5:6)

CẦU NGUYỆN: Lạy Thánh Giuse yêu dấu, xin nhận con làm con của Cha. Xin Cha chăm lo phần rỗi con, xin trông chừng con ngày đêm, xin gìn giữ con khỏi các dịp tội, xin cho con được trong sạch hồn xác. Nhờ lời chuyển cầu của Cha với Chúa Giêsu, xin cho con được lòng khiêm nhượng, hy sinh và bỏ mình; một tình yêu nồng cháy dành cho Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể; một tình yêu dịu ngọt dành cho Đức Maria – Mẹ con; một tình yêu vâng phục dành cho Đức Thánh Cha và Hội Thánh. Lạy Thánh Giuse, xin ở với con khi sống và lúc chết. Xin cho con được sự phán xét may lành của Chúa Giêsu – Chúa Cứu Thế nhân hậu của con. Amen. (Kinh Dâng Mình Cho Thánh Giuse)

THỰC HÀNH: Làm một hy sinh cầu nguyện cho những người đang hấp hối

From: Do Dzung

*********************

Ca Mừng Thánh Giuse

NỮ PHI HÀNH GIA GỐC VIỆT ĐẦU TIÊN SẮP BAY VÀO VŨ TRỤ

 Amanda Nguyễn, một phụ nữ gốc Việt sinh năm 1991 đã được chọn tham gia chuyến bay vào không gian trên tàu vũ trụ New Shepard của Blue Origin dự kiến vào mùa xuân năm 2025.

Ngày 27/2, công ty hàng không Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos công bố danh sách sáu phụ nữ tham gia sứ mệnh NS-31 – dự án bay lên rìa vũ trụ thứ 11 của đơn vị bằng tên lửa New Shepard.

Phi hành đoàn bao gồm cựu nhà khoa học tên lửa NASA – Aisha Bowe, nhà nghiên cứu du hành vũ trụ gốc Việt – Amanda Nguyen, nhà sản xuất phim Kerianne Flynn, nhà báo nổi tiếng Gayle King, ca sĩ Katy Perry và Lauren Sánchez – vị hôn thê của tỷ phú Jeff Bezos.

Theo đài ABC News, hành trình bay vào vũ trụ sẽ kéo dài 10 phút, đạt độ cao khoảng 105 km trên Trái Đất. Tên lửa sẽ vượt qua đường Kármán – ranh giới giữa khí quyển Trái Đất và vũ trụ, cách bề mặt hành tinh 100 km.

Amanda Nguyễn là một nhà khoa học nghiên cứu về du hành vũ trụ sinh học. Cô tốt nghiệp Đại học Harvard và từng nghiên cứu tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts MIT, NASA và Viện Khoa học Du hành vũ trụ Quốc tế. 

Amanda cũng từng làm việc trong sứ mệnh tàu con thoi cuối cùng của NASA, STS-135 cũng như sứ mệnh khám phá ngoại hành tinh Kepler. 

Ngoài ra, Amanda Nguyễn còn là nhà hoạt động tích cực trong đấu tranh chống phân biệt đối xử và xâm hại tình dục ở Mỹ. Cô đã được đề cử Giải Nobel Hòa bình năm 2019 và được tạp chí Time vinh danh là một trong nh��ng Người phụ nữ của năm 2022.

Theo Blue Origin, là nữ phi hành gia người Việt Nam và Đông Nam Á đầu tiên, chuyến bay của Amanda là biểu tượng cho sự hòa giải giữa Mỹ và Việt Nam, và sẽ nêu bật vai trò của khoa học như một công cụ cho hòa bình.

From: Anh Dang & KimBang Nguyen

Về một danh xưng ‘Văn Học Miền Nam 1954-1975’-Trần Doãn Nho/Người Việt

Ba’o Nguoi-Viet

March 19, 2025

Trần Doãn Nho/Người Việt

KENNEDALE, Texas (NV) – Mới đây, tôi được đọc bài phỏng vấn của một nhà báo với nhà nghiên cứu văn học Trần Hoài Anh, “Văn Học Nghệ Thuật Miền Nam Trước 1975 – Bước Hòa Hợp Mới,” đề cập đến hai văn bản, một là “Đề Án 15-ĐA/BTGTW” và hai là “Nghị Định 144/2020/NĐ-CP,” liên quan đến hai lãnh vực: văn học và “nghệ thuật biểu diễn” (âm nhạc) thời Việt Nam Cộng Hòa.

Cuộc hội thảo về “Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975” lần đầu tiên được tổ chức tại tòa soạn nhật báo Người Việt hôm 6 Tháng Mười Hai, 2014, và tòa soạn nhật báo Việt Báo hôm 7 Tháng Mười Hai, 2014, do nhật báo Người Việt, nhật báo Việt Báo, báo mạng Tiền Vệ, báo mạng Da Màu tổ chức. Trong hình, hội thảo tại nhật báo Người Việt. (Hình: Người Việt)

Theo ông Trần Hoài Anh, qua “Đề Án 15-ĐA/BTGTW,” chính quyền Cộng Sản Việt Nam “đã có một cách nhìn mới quan trọng về văn học miền Nam trước 1975 qua việc thay đổi danh xưng.”

Trước đây, nền văn học này “bị/được gọi là bộ phận ‘văn học đô thị miền Nam’ hay ‘văn học đồi trụy, phản động,’” thì nay được chính thức được tôn vinh là “di sản văn học nghệ thuật dân tộc.” Danh xưng mới mẻ này khiến ông “vô cùng cảm kích” vì nó tránh được những “mặc cảm” và hiểu lầm không cần thiết của các nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học đã từng sống, sáng tác ở miền Nam, trong đó có nhiều người hiện đang định cư ở hải ngoại.

Dựa theo đó, ông Trần Hoài Anh đề nghị kể từ nay, tất cả các công trình nghiên cứu, các giáo trình, sách giáo khoa trong nước nên dùng nhóm chữ “di sản văn học nghệ thuật miền Nam 1954-1975” thay vì “văn học đô thị miền Nam.” Một danh xưng như thế mới có thể đáp ứng với “nhân vị” của dòng văn học đó trong nền văn học nước nhà, theo ông.

Đối với “Nghị Định 144/2020/NĐ-CP” liên quan đến hoạt động nghệ thuật biểu diễn (tức là âm nhạc), ông Trần Hoài Anh nhận xét đây là một quyết định đúng đắn phù hợp với nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ của mọi tầng lớp nhân dân, từ giới bình dân” cho đến giới bác học.

Nhờ đó, theo ông, “âm nhạc miền Nam trước 1975 như được chắp thêm đôi cánh để tiếp tục lan tỏa vào đời sống,” điều mà người ta “có thể nhìn thấy qua các chương trình biểu diễn ca nhạc như: ‘Tình Khúc Vượt Thời Gian,’ ‘Những Khúc Vọng Xưa’ trên sóng của đài phát thanh và truyền hình trung ương và địa phương.”

Ông cho biết, các chương trình thi giọng hát Bolero của đài Truyền Hình Vĩnh Long, đài Truyền Hình Việt Nam với nhiều chủ đề khác nhau của các nhạc sĩ sáng tác trước 1975 như Lam Phương, Lê Dinh, Minh Kỳ, Thanh Sơn, Anh Bằng, Song Ngọc, Y Vân, Hoàng Trọng, Nguyễn Văn Đông, Tuấn Khanh, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng. Vũ Thành An, Hoàng Thi Thơ… đã thu hút nhiều người tham gia, đặc biệt là những người trẻ sinh trưởng từ sau 1975 ở các tỉnh phía Bắc. Các sáng tác của họ là nghệ thuật chân chính, và “nghệ thuật chân chính [thì] không có giới tuyến,” theo ông.

Có thể nói, những phát biểu nêu trên cũng như nhiều công trình nghiên cứu văn học khác về văn học miền Nam của ông Trần Hoài Anh vừa chính xác lại vừa có cái nhìn tích cực đối với nền văn học nghệ thuật thời Việt Nam Cộng Hòa. Ông đã nghiên cứu văn học này bằng một cái nhìn khách quan, nếu không muốn nói là đầy thiện cảm, hoàn toàn thoát hẳn ra khỏi nhãn quan thiên kiến của những nhà nghiên cứu văn học miền Bắc trước đây.

Ông cũng không đồng ý ngay cả với một danh xưng khác nghe có vẻ như khá khách quan là “văn học đô thị miền Nam” với dụng ý thay thế cho các nhóm chữ đầy tính cách bôi bác trước đây là “văn học thực dân mới,” “văn học đồi trụy.”

Có lẽ là ông đồng ý với quan điểm của Nhật Tiến, khi nhà văn này phúc đáp nhà thơ Hoàng Hưng vào Tháng Bảy, 2014, nhân khi ông được mời tham dự tiết mục viết về văn học miền Nam trên “Văn Việt,” một tạp chí mạng do các thành viên của Văn Đoàn Độc Lập trong nước điều hành.

Nhà văn Nhật Tiến khẳng định rằng không bao giờ có cái gọi là “văn học đô thị miền Nam.” Theo ông, “Trong suốt chiều dài của hơn 20 năm lịch sử Việt Nam (1954-1975), nước Việt Nam bị chia cắt thành hai quốc gia hoàn toàn khác biệt: Ở miền Bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và ở miền Nam là Việt Nam Cộng Hòa, bao gồm mọi đất đai kể cả nông thôn lẫn thành thị, trải dài từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mâu và các vùng núi non lẫn hải đảo. Trong suốt thời gian ấy, chúng tôi, các học giả, các vị trí thức, các thầy cô giáo và các văn nghệ sĩ… đã góp công tạo dựng một nền văn hóa của miền Nam trong đó có bộ phận văn học vẫn thường được gọi là ‘Văn Học Miền Nam 1954-1975.’ Không bao giờ tồn tại cái gọi là ‘văn học đô thị miền Nam’ (mà) chỉ có ‘toàn bộ ngành sáng tác văn học nghệ thuật của Việt Nam Cộng Hòa trên khắp lãnh thổ, từ nông thôn tới đô thị’ mà thôi. Vậy xin minh xác để mọi người cùng rõ.”

Tôi ghi nhận thiện chí của nhà nghiên cứu Trần Hoài Anh, nhưng theo tôi, danh xưng “di sản văn học nghệ thuật miền Nam 1954-1975” vẫn nghe có gì không ổn. Nếu bảo là di sản thì nền văn học nào trong quá khứ chẳng là di sản, kể cả cái được gọi là “văn học cách mạng” hay “văn học giải phóng.”

Thêm hai chữ “di sản” vào một nền văn học vốn đã từng bị khước từ và bôi nhọ trong một thời gian dài là không cần thiết. Vẫn còn nghe có cái gì phân biệt đối xử.

Vả lại, trong thực tế, nền văn học miền Nam chưa và không hề “chết.” Tuy bị tiêu hủy và triệt phá ở trong nước, nó vẫn được duy trì, tồn tại và thậm chí phát triển ở ngoài đất nước qua những cây bút vốn đã góp công hình thành nền văn học đó, đồng thời được nối dài bởi các thế hệ đi sau cho đến bây giờ, tạo nên nền “văn học hải ngoại” hiện nay.

Ngoài ra, không thể phủ nhận là văn học miền Nam, ở một khía cạnh nào đó, cũng ít nhiều gây ảnh hưởng vào văn học trong nước. Theo nhà thơ Hoàng Hưng, “Sự tiếp xúc với văn học miền Nam trước 1975 đã tạo bước ngoặt quyết định về khuynh hướng tư tưởng cho không ít tác giả của nền văn học ‘chính thống’ miền Bắc. Tinh thần tự do, nhân bản và cách tân của nó đã dần dần ‘tẩy rửa’ thói quen ‘tự kiểm duyệt’ và ‘phục vụ chính trị,’ giáo điều ‘hiện thực xã hội chủ nghĩa’… vốn ngấm sâu vào tâm trí của thế hệ cầm bút ‘chống Pháp chống Mỹ.’ Chắc chắn nó đã khởi hứng cho những ý tưởng thay đổi mạnh mẽ của vài nhà lãnh đạo văn nghệ cuối thập niên 1970 như Trần Độ, Nguyên Ngọc… và của nhiều cây bút thành công từ sau khi có chính sách ‘đổi mới’ cuối thập niên 1980. Hầu hết những cây bút trẻ hiện nay ở Việt Nam đang đi theo tinh thần ấy.”

Cuộc hội thảo về “Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975” lần đầu tiên được tổ chức tại tòa soạn nhật báo Người Việt hôm 6 Tháng Mười Hai, 2014, và tòa soạn nhật báo Việt Báo hôm 7 Tháng Mười Hai, 2014, do nhật báo Người Việt, nhật báo Việt Báo, báo mạng Tiền Vệ, báo mạng Da Màu tổ chức. Trong hình, hội thảo tại nhật báo Việt Báo. (Hình: Người Việt)

Riêng tôi, đọc các bài viết về văn học miền Nam của ông Trần Hoài Anh, tôi nhận thấy cách viết và các nhận định của ông chứng tỏ ông không hề nghiên cứu nó như một “di sản,” mà ngược lại, như một cái gì đang tồn tại, đang vận động.

Chỉ đọc qua các tựa đề, ta có thể nhận ra tính cách này, chẳng hạn như: “Khuynh hướng lý luận – phê bình văn học ảnh hưởng tư tưởng Phật Giáo ở miền Nam trước 1975,” “Nhất Linh trong sự tiếp nhận của văn học miền Nam 1954 -1975,” “Thơ Mới và sự hiện hữu trong văn học miền Nam 1954 -1975,” “Từ lý luận – phê bình văn học miền Nam trước 1975 nghĩ về sự đổi mới lý luận – phê bình văn học dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa,” “Quốc văn trung học đệ nhị cấp ở miền Nam trước 1975,” “Bùi Giáng trong cái nhìn của các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975”…

Đi xa hơn, ông còn cho nó là một nền văn học “không vĩ tuyến:” “Rõ ràng qua những tư liệu này có thể xác quyết trong giai đoạn 1954-1975, cho dẫu đất nước bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17, nhưng trong văn học miền Nam hình như không có ‘vĩ tuyến’ đó. (…) Đây là một vấn đề cần được khẳng định trong văn học miền Nam 1954-1975 mà dường như lâu nay đã bị ‘chôn vùi’ bởi những định kiến thiển cận về văn học miền Nam ở một thời không xa khi cho rằng, đây là bộ phận văn học ‘đồi trụy’ ‘phản động’ mà không thấy được ‘Tinh hoa của văn học dân tộc’ vẫn tiềm ẩn trong bộ phần văn học này.”

Theo tôi, danh xưng duy nhất chính xác, khách quan và đơn giản nhất để chỉ nền văn học này là “Văn Học Miền Nam 1954-1975,” nhóm chữ mà chúng tôi thường dùng và chính Trần Hoài Anh cũng lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần trong các bài viết của ông. Không cần vinh danh, không cần nghị định, không cần đề án, văn học miền Nam là văn học dân tộc, là văn học Việt Nam.

Không thể khác! (Trần Doãn Nho) [qd]