Chuyện cục gạch của ‘Bác Hồ’

Chuyện cục gạch của ‘Bác Hồ’
Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương

Liên tưởng là nhân sự việc, hiện tượng nào đó mà nghĩ tới sự việc, hiện tượng khác có liên quan, có khi tương đồng nhưng có khi tương phản. Mấy hôm nay trời California trở lạnh, tôi nghĩ đến những ngày tuyết giá ở miền Đông, nơi mà tôi đã sống một thời gian mấy năm, nhưng đồng thời tôi cũng nghĩ đến một cái gì nóng và ấm. Thì ra tôi đang nhớ đến chuyện cục gạch của “Bác Hồ” mà tôi đã được nghe qua ở đâu đó.

Chuyện cục gạch này không phải là huyền thoại, nó cũng không là chuyện tiểu thuyết hư cấu, mà chính là chuyện thật của đời “Bác,” do chính “Bác” kể, và chính “Bác” viết thành sách, thì đương nhiên phải là chuyện thật. Tên cuốn sách là: “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch,” và tác giả là Trần Dân Tiên, không sai vào đâu, đó chính là “Bác.” Khổ nỗi, không ai nói cho bọn trẻ dưới chế độ XHCN biết Trần Dân Tiên “chính mi,” Hồ Chí Minh.

Câu chuyện Trần Dân Tiên viết ở trang 36 về “cục gạch của Bác” như sau:

“Ông trọ ở một phòng nhỏ trong một khách sạn rất rẻ tiền ở xóm lao động. Phòng chỉ vừa kê một cái giường sắt chật, một cái bàn nhỏ và một cái ghế. Chỉ thế thôi, không có gì khác. Về mùa Đông lạnh, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, ông để một viên gạch vào lò bếp của khách sạn. Chiều đến ông lấy viên gạch ra, bọc nó vào trong những tờ báo cũ, để xuống nệm cho đỡ rét.”

Câu chuyện Trần Dân Tiên viết, có thể xem qua rồi bỏ, nhưng khổ thay các con cháu của “Bác” lại cứ nhặng xị lên, làm như thật, vì cái gì của “Bác” lại không thơm tho, vĩ đại. Không rõ câu chuyện thực hư thế nào, các văn công thi sĩ cứ vung bút ca tụng lên cho có lập trường cái đã, rồi mọi chuyện tính sau.

Chế Lan Viên, chuyên viên nịnh bợ, đã viết một câu thơ chẳng ra thơ:

“Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê
Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá!”

Tố Hữu không quên “nghề của chàng” nhưng câu cuối xuống “xề” quá vụng:

“Muôn nỗi đời như ảnh trắng đen
Bâng khuâng đêm lạnh, thức bên đèn
Một hòn gạch nóng nung tâm huyết
Mẩu bánh mì con nuôi chí bền.”

Sách “Bác” ghi rõ ràng là viên gạch, trước khi đi làm “Bác” bỏ vào lò bếp khách sạn, nhưng đời sau, sợ bếp khách sạn không đủ nóng, người ta lại nói “Bác” đem gửi cục gạch ở lò bánh mì. Con cháu đời sau, có người minh chứng rằng một “cục gạch hồng” không thể gói bằng tờ giấy báo đem lên lầu hai nơi “Bác” ở được, tờ báo sẽ cháy và “Bác” sẽ bị phỏng tay. Một cục gạch nếu được đốt nóng cũng không giữ nhiệt được quá một tiếng đồng hồ.

Bác ở nhà số 9 ngõ Compoint từ ngày 14 Tháng Bảy, 1921 đến 14 Tháng Ba, 1923, mãi đến 56 năm sau, hơn nửa thế kỷ, kể cũng lạ, là khi phái đoàn Cộng Sản Bắc Việt đến Paris, tìm đến thăm nơi “Bác” ở, mà tất cả hãy còn nguyên vẹn: “Một chiếc la-va-bô treo tường, có vòi nước chỉ để rửa mặt, ngay cạnh đó là một chiếc tủ quần áo làm bằng gỗ tạp. Sát tường bên trái là một chiếc giường sắt đơn vừa đủ một người nằm. Đầu giường có một chiếc tủ con để sách vở và vài đồ lặt vặt. Phía trên có một ngọn đèn nhỏ vừa đủ để thắp sáng gian buồng…”

Báo Giáo Dục và Đào Tạo còn phịa chuyện: “Ta còn phải học Bác ở tinh thần vượt gian khổ để học tập. Thời gian Bác sống ở Paris, rất cực khổ. Bác thuê phòng trọ nhỏ trong một khách sạn rẻ tiền, mỗi buổi mai nấu cơm trong một cái sanh nhỏ đặt trên ngọn đèn dầu. Cơm ăn với một con cá mắm hoặc một ít thịt, ăn một nửa còn một nửa dành đến chiều. Có khi một miếng bánh mì với một miếng phó-mát là đủ ăn cả ngày.”

Ở Paris vào năm 1921, chưa có dân Việt tị nạn Cộng Sản chạy sang đông như dân Little Saigon ngày nay, mà “Bác” đã kiếm ra cá mắm để xơi nửa con, và gạo Ông Địa để nấu cơm, mà nấu cơm trên một ngọn đèn dầu, lòng tôi không thấy chút nào khâm phục “Bác” mà khâm phục người viết báo thối tha nào đã bịa chuyện kinh hoàng đến mức này.

Ông Nguyễn Trường Phú, chuyên viên Bảo Tàng Hồ Chí Minh, còn bạo gan nói rằng “hiện vật viên gạch hồng” cùng với nhiều đồ vật khác mà người thanh niên Nguyễn Ái Quốc sử dụng khi ở ngôi nhà số 9, ngõ Công-poăng, quận 17, thành phố Pa-ri (Pháp) nằm trong bộ sưu tập quý của Bảo Tàng Hồ Chí Minh.” Nhưng sau đó, thấy chuyện vô lý, ông này đã nói lại là viên gạch trưng bày ở đó hiện nay là viên gạch được phục chế trên cơ sở viên gạch đồng thời, đồng loại do ông tổng lãnh sự Pháp tại Sài Gòn tặng viện bảo tàng!

“Năm 1974, chiếc tủ đựng quần áo, tủ con để đầu giường đã được đại sứ quán nước ta tại Pháp tổ chức lực lượng vận chuyển qua Béc-lin (Đức) bằng xe lửa, rồi gửi về nước!” Thật quá rắc rối!

Cũng không hiểu sao với chuyện nhà cửa đắt đỏ ở một thành phố lớn như Paris, mà bà chủ nhà Jammot lại để nguyên đồ đạc trong căn phòng của “anh Nguyễn” hơn nửa thế kỷ, để chờ phái đoàn Việt Cộng đi hội đàm ở Paris đến thăm và đòi mua lại. Hồ Chí Minh sinh năm 1890, hoạt động ở Paris đến năm 1921, tức là lúc ông đã 31 tuổi. Nếu bà cụ Jammot trẻ lắm thì phải trạc hay hơn tuổi “Bác,” như vậy năm 1974, bà đầm này cũng đã 84 tuổi, còn ở nguyên căn nhà ấy, còn minh mẫn để nhớ, kể chuyện vanh vách và dẫn lên tầng 2, nơi “anh Nguyễn” ở. Giá mà Bộ Chính Trị chở được bà này về Hà Nội trưng bày trong viện bảo tàng thì hay biết mấy!

“Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” “là cuốn sách kể lại những mẩu chuyện về đời hoạt động của Chủ Tịch Hồ Chí Minh từ lúc ra đi tìm đường cứu nước cho đến những năm đầu trong cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược,” của chính một người viết để đánh bóng thân thế và sự nghiệp của chính mình. Chính “Bác” trong cuốn sách này đã tự tả vẻ “đẹp lão“của mình (vào năm 1946) “Tóc người đã hoa râm, trán rộng và cao, đôi mắt sáng ngời, mũi thẳng …”

Thế giới từng có chuyện suy tôn lãnh tụ, cũng có văn, thi sĩ đặt thêm bút hiệu để tự ca tụng mình, nhưng quả thật trên đời này, không ai vô liêm sỉ bằng “Bác!”

Trở lại huyền thoại “cục gạch hồng” của “Bác” người ta kể lại một câu chuyện “tếu” như sau:

“Một phái đoàn Hà Nội được thành lập, lên đường đi Paris, quyết tâm cao tìm cục gạch. Đến Pháp, họ tới ngõ làm bánh mì ngày xưa, thăm hỏi, lục lọi nhiều nơi, nhiều ngày, nhưng không ai nghe nói đến cục gạch của ‘Bác.’ Cuối cùng họ gặp một bà đầm đầu tóc bạc, móm mém ở một góc phố. Kiên nhẫn, nhân viên trong phái đoàn lập lại những câu hỏi về cục gạch.

-Các ông nói là các ông đi tìm cục gạch để sưởi ấm những đêm Đông tại nhà trọ, ngõ này của ông Nguyễn?

-Vâng ạ, chúng cháu đang tìm cục gạch đó ạ.

-Thế thì: Cục gạch, mà các ông đang đi tìm chính là… tôi đây!

Đừng tin những gì “Bác” nói và những chuyện chúng ca tụng về “Bác.”

Chân lý ấy không bao giờ thay đổi.

Người Bắc gọi “bốc phét.”

Người Nam kêu “ba xạo!”

Những nỗi chia lìa

Những nỗi chia lìa
Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương

Làm nghề truyền thông, thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được điện thư của những người không quen biết ở nhiều nơi. Ngoài những chuyện trao đổi ý kiến, khen ngợi hay chê trách, nhiều lúc tôi lâm vào tình trạng khó xử về những lá thư nhờ tôi một vài việc nhỏ, mà tôi không làm được hay chần chờ không biết giải quyết, trả lời ra sao?

(Hình minh họa: Phil Eggman/US Navy)

Những bức thư này mang những hoàn cảnh khá giống nhau: “Tìm cha.” Không phải như những đứa con lai Mỹ được chính phủ Hoa Kỳ mang về quê cha, nhưng không biết cha là ai, tác giả những bức thư mà tôi nhận được biết rất rõ về cha mình, qua lời kể của mẹ. Ngày chiến tranh chấm dứt, các em còn quá nhỏ, bây giờ 40 năm trôi qua, các em đã trưởng thành, có gia đình, nhưng có mẹ mà không có cha, các em có nhu cầu đi tìm lại người cha của mình với những lời gọi buồn thảm:

-“Cha ơi! Bây giờ cha ở đâu?”

– “Ba cháu tên là Nguyễn Văn Ba, cấp bậc trung úy thuộc Tiểu Khu Long An. Tháng Tư, 1975, trong cơn hỗn loạn, ba cháu xuống tàu đi Mỹ, từ ấy đến nay không có tin tức gì về với gia đình. Mẹ cháu đem con về nương náu bên ngoại, nhẫn nhục nuôi con, mong chờ tin cha, nhưng tin cha biền biệt. Nghe nói cha cháu hiện ở California, mong bác rộng lòng nhắn tin, tìm giúp ba cháu. Cháu và gia đình không quên ơn bác.” (Nguyễn Thị Hoài)*

– “Ngày 30 Tháng Tư, 1975, cháu đang còn ở trong bụng mẹ. Ba cháu là lính không quân, di tản trước khi Sài Gòn mất. Từ đó đến nay, mẹ cháu nói không có tin tức gì của ba cháu. Bà ẩn nhẫn sinh và nuôi con, lập gia đình với một người đàn ông khác và sinh ra những đứa con khác cha với cháu. Ông dượng sau này rất yêu thương cháu và rất thông cảm với hoàn cảnh của mẹ con cháu. Cháu lớn lên, hiện nay đã có gia đình và sinh hai con.

Cháu biết chuyện xưa qua lời kể của bà ngoại lúc cháu sắp đi lấy chồng. Mẹ cháu không bao giờ nhắc chuyện cũ, nhưng trong thâm tâm, cháu vẫn tha thiết muốn biết cha cháu là ai, không phải để nhờ cậy gì nhưng, ít ra cho lòng cháu khỏi ray rứt.” (Phan Thị Hoàng Oanh)*

Bức thư kèm theo chi tiết, tên tuổi, trú quán ngày trước của người đàn bà mang thai ở lại và tên của của người cha không bao giờ biết mặt của người con gái gửi thư.

Trong cơn hỗn loạn của Sài Gòn vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến, khi nghe Cộng Quân sắp vào, phản ứng bình thường là ai cũng mong tìm đường ra đi lánh nạn, và không ai nghĩ đến ngày một, ngày hai mình sẽ trở về, không ai có thể hứa hẹn với những người thân yêu ngày tái ngộ là bao lâu. Họ để tất cả dĩ vãng lại sau lưng, tất bật làm lại cuộc đời trên quê hương mới, học hành hay làm lụng vất vả để sống còn. Ngày tháng trôi qua, những bản tin từ quê nhà mỗi ngày mỗi xấu đi, và nỗi sum họp hay trở về hầu như tan biến. Có những người chung thủy, sắt son nhưng cũng có những người yếu đuối, buông xuôi trong dòng đời xô đẩy, và thời gian không dừng lại để chờ đợi ai. Những người bạn của tôi đã có công ăn việc làm, lập gia đình mới, sinh con đẻ cháu, những đứa con ra đời nơi đây đã thành đạt, dưới một mái nhà hạnh phúc.

Tôi nghĩ là họ không bao giờ quên chuyện cũ, nhưng đã không một lần nói ra thì không bao giờ có cơ hội nói lại. Nếu đây hẳn không là một điều tội lỗi thì họ cũng có những giấc ngủ không yên, một nỗi lo sợ ám ảnh trong suốt cuộc đời còn lại, một thứ hạnh phúc mong manh, không an toàn.

Ở trường hợp này, có thể nào tôi đi tìm họ, người sĩ quan hay người lính không quân đã bỏ lại những đứa con hay cái bào thai trong bụng người yêu, để nói với những người này những sự thật mà không bao giờ họ muốn nghe hay sợ hãi nếu phải nghe.

Tôi không sống qua những khoảnh khắc của đời họ, với những định mệnh bất ngờ và lo toan của riêng mỗi người. Tôi cũng không muốn đem lại một thảm họa cho những người bạn này, mà hạnh phúc họ đã vun xới trong vài chục năm qua, bỗng nhiên đổ vỡ.

Nếu bạn là họ, giờ đây bạn phải cư xử như thế nào.

Nếu bạn là người phụ trách phân xử trong hội đồng gia tộc, trong họ hàng hay đang là người phụ trách “Gỡ Rối Tơ Lòng,” “Giải Đáp Tâm Tình,” cho một đại nhật báo có uy tín nhất, hay bạn là bà Tùng Long ngày xưa, hay là quý bà Phillips của Dear Abby để cho tôi xin một lời khuyên, một lời khuyên tốt đẹp của đôi bề, không làm tổn thương hạnh phúc của một ai.

Tôi sẽ nói gì với những đứa con đi tìm cha đã viết thư cho tôi.

Cứ xem như cha cháu không còn nữa. Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, rất nhiều gia đình hy vọng hay tưởng chồng mình đã lên được một con tàu nào đó để ra đi và mỗi ngày họ hy vọng có một tin tức hay một lá thư trở về. Nhưng sự thật, trên con đường vượt thoát, trong bom đạn, họ đã nằm lại trên một mảnh đất quê hương hay một bờ biển nào đó. Đó là trường hợp một quân nhân của Sư Đoàn 1, gia đình tưởng đã lên một con tàu nào đó ở Thuận An để ra đi, nhưng cuối cùng, 30 năm sau, người ta tìm thấy xương cốt của ông trên bãi biển An Dương cùng với đồng đội của mình.

Hay là tôi sẽ nói sự thật, là cha cháu còn sống, nhưng ông đã có một mái ấm gia đình khác, giàu có, thành đạt nhưng có thể không hạnh phúc, nếu mỗi khi ông nghĩ đến mối tình xưa và giọt máu của mình không biết giờ này ra sao, sống chết, phiêu bạt nơi nào? Nếu nói đến một người đang ray rứt khổ đau, thì người đó chính là ông, người cha mà con đang tìm kiếm, chứ không phải đó là mẹ của con hay chính là con.

Rồi ra, khi lớn lên, va chạm với những nghịch cảnh của cuộc đời, thấu hiểu số mệnh, con sẽ hiểu.

Chúng ta lên án ai bây giờ? Một người đàn ông phụ bạc hay là một người đàn bà không có lòng rộng lượng.

Chúng ta lên án chiến tranh, có hàng triệu nạn nhân, trong đó có mẹ, có cha cháu, và hiện nay là cháu.

Ở những đất nước bình an trên thế giới, không bao giờ nghe tiếng đạn bom, ít xảy ra những cuộc đổ vỡ, chia lìa, chết chóc như quê hương của chúng ta. Mang số phận Việt Nam, ở đó, đã có bao nhiêu nấm mồ chôn vội, bao nhiêu vành khăn tang, bao nhiêu nạng chống, bao nhiêu đứa trẻ không cha, và những người quả phụ, mất chồng khi chưa qua tuổi đôi mươi.

Nếu đêm nay cháu không ngủ, thao thức nghĩ đến một người cha không bao giờ biết, không bao giờ gặp, thì người cha ấy chắc cũng không tròn giấc, có khi lòng như lửa đốt, trên chăn êm, nệm ấm mà nghĩ như trên gai nhọn hằng đêm.

Có thể câu chuyện mà cháu nhờ đến tôi, tôi không bao giờ giúp cháu được.

Dù xót xa, tôi nghĩ rồi ra cháu sẽ hiểu, sẽ tha thứ và sẽ quên.

(*) Tên, tuổi, thông tin của những người trong cuộc đã được thay đổi.

‘Sống hạnh phúc, chết bình an’

‘Sống hạnh phúc, chết bình an’

Nguồn: Nguoi-viet

Tạp ghi Huy Phương

Sau khi ông bác họ tôi chết được ít lâu, gia đình muốn lợp lại mái nhà. Khi người ta gỡ mái tranh cũ mang đi, họ tìm thấy ba lượng vàng được gói cẩn thận trong một miếng vải đỏ, nhét trong mái tranh. Người con trưởng, bỗng nhớ những giờ phút sắp ra đi của ông cụ thân sinh, lúc không còn cử động và nói năng được, nhưng đôi mắt ông cứ đăm đăm nhìn lên mái nhà, nơi mà ông giấu mấy lượng vàng.

Tôi cũng nhớ lại, sau năm 1975, hồi đi tù Cộng Sản, ngày được lệnh đổi tiền, nhiều anh sĩ quan đang bị tập trung, đã xin phép quản giáo cho về nhà, vì những người này lỡ giấu tiền trong bộ salon ở phòng khách hay ở một góc hẻm nào trong nhà, mà không cho vợ biết, và cứ nghĩ rằng mình đi tù một hai tuần rồi sẽ được về nhà.

Đến tuổi này rồi, bạn có giấu của cải, tiền bạc ở chỗ nào, con rơi con rớt ở đâu, xin “thành thật khai báo” kẻo không còn kịp nữa.

Quả tình là không ai biết mình sẽ giã từ cuộc đời này vào lúc nào, kể cả những bệnh nhân ung thư đến thời kỳ cuối, đã được bác sĩ thông báo ngày chết. Mới vài ngày trước đây thôi, người bạn trẻ của tôi đang khỏe mạnh, nói nói cười cười, thế mà hôm nay, qua một cuộc phẫu thuật tim, thông thường sau vài ba tiếng đồng hồ sẽ tỉnh lại, anh đã không bao giờ mở mắt ra để nhìn cuộc đời này nữa. Cũng trong lúc này tôi có những người bạn nằm trong “nursing home” đã trên 10 năm dài, có người phải dùng thức ăn lỏng bơm thẳng vào dạ dày, có người đôi mắt đã hư, chỉ còn nhận ra người quen qua tiếng nói.

Nghĩ cho cùng, cái chết là tất yếu, nhưng ai biết được bao giờ mình sẽ chết? Và cũng vì không ai biết trước được ngày mình chết, nên mỗi người đều đi tìm cho mình một cách sống.

Ví như loài người trên trái đất này đến tuổi 60 tất cả đều phải chết, thì không còn ai phải sửa soạn hay dành dụm cho mình để lo cho những ngày chưa chết. Chính vì cái điều mà người ta thường gọi là số mệnh, cuộc sống lâu mau của mỗi người đã làm nên, mỗi người một hoàn cảnh, không ai giống ai. Khoa tử vi cũng không giải thích được cuộc đời của hai người song sinh, cùng cha mẹ, chào đời trong một giờ, một ngày, một năm, một tháng giống nhau.

Có ai bỏ lại được mọi sự lo lắng lại cho cuộc đời này để thanh thản ra đi.

Phải chăng vì sự lo, sợ cung tần mỹ nữ sẽ không trung thành với mình hay ích kỷ muốn mang theo những vật sở hữu của mình, mà vua Khang Hy (1654-1722) đã “chôn theo” mình toàn bộ 48 phi tần của ông.

Có người chết đi, “yêu mình” đến nỗi lo sợ sự nghiệp của mình không ai nhớ đến, nên lo đúc tượng mình khi còn sống. Nhà thơ Hàn Mặc Tử lãng mạn than khóc vì cuộc đời vốn đã bất hạnh của mình, sợ rồi khi mình nằm xuống, “không có nàng tiên mô đến khóc, đến hôn anh và rửa vết thương tâm!”

Nguyễn Du cũng ngậm ngùi “bất tri tam bách dư niên hậu, thiện hạ hà nhân khấp Tố Như?”

Làm chính trị cũng lo lắng chuyện dở dang, bất thành: -“Tôi chết thì trả thù cho tôi!”

Nhà văn Võ Phiến trước khi qua đời cũng băn khoăn: – “Anh nghĩ ở trong nước bây giờ người ta có đọc tôi không, hả anh?” (Nguyễn Hưng Quốc, 1 Tháng Mười, 2015)

Thì ra, trước khi qua đời, ai cũng có cái lo, mỗi người lo một cách.

Chết rồi, có người chẳng muốn thiêu vì sợ nóng, nhưng cũng có người không muốn chôn, vì nằm đó, mà chẳng có đứa con nào viếng thăm, “thì buồn chết được!” Chết thì hẳn đã chết rồi, mà người chết rồi làm sao biết buồn nữa! Có người đã lớn tuổi, đau ốm quanh năm, muốn về Việt Nam thăm bà con một chuyến, nhưng bắt các con hứa, nếu lỡ có mệnh hệ nào, thì các con nhớ mang cha trở lại Mỹ. Có người ở tù Cộng Sản năm bảy năm, sang được Mỹ, bây giờ chết lại đòi mang quan tài về Việt Nam. Như vậy, chết vẫn chưa là hết, chết cũng còn nằm trong kế hoạch, chương trình, sau khi nắp quan tài được đậy lại.

Có những cái chết mang lại thương tiếc cho tất cả mọi người, có những tấm lòng và công việc của những người chết mà không ai có, không ai thay thế được, nhưng trái lại, có những người sống lâu, bị người đời nguyền rủa. Trong những cái “chẳng khoái ư!” của ông Lâm Ngữ Đường, tác giả kể chuyện ông Kim Thánh Thán, sáng sớm thức giấc, nghe đêm qua con người giảo quyệt, mưu mô nhất trong làng vừa chết, ông bèn “chẳng khoái ư?” Thoạt đầu, tôi trộm nghĩ, đã là con người với nhau, thằng xảo quyệt ấy chết, mình không buồn thì cũng dửng dưng, có đâu lòng dạ lại cảm thấy sung sướng được, như thế chẳng hóa ra bất nhân! Nhưng nghĩ lại, nếu mình không là nạn nhân, không là người chịu đựng những nỗi khổ đau trầm luân của người trong cuộc, thì không thể thông cảm với cái “vui” khi thấy người khác chết! Một con người hay một chế độ cũng vậy!

Sống bao lâu là đủ, chết lúc nào là vừa?

Phải chăng câu trả lời còn tùy theo sự sống của mỗi người.

Lợi ích của cây đa, cây đề là còn cho con người bóng mát, chứ không phải là nơi người ta gửi những cái ông bình vôi sứt mẻ để tạo ra một hình ảnh tôn kính quá đáng. Chúng ta chọn hình ảnh người tướng lãnh chết giữa trận tiền hay sống tàn tạ, chết già nua trong sự quên lãng của mọi người. Đối với một người lính, chúng ta chọn giữa cái chết hay sự sống dần dần phai nhạt?

Chưa có ai từ cõi chết trở lại cõi sống để mô tả cho con người biết cái chết, cũng không có bằng chứng khoa học về ý thức sự sống sau cái chết của một sinh vật, nhưng hầu hết tôn giáo đều cho rằng nếu chúng ta hình dung cái chết như là một sự biến mất, một sự chấm dứt, không còn lưu lại gì cả thì nhất định đó là một sự sai lầm.

Nhưng có một điều chúng ta ai cũng phải nghĩ đến là có sinh thì có diệt, có sống tất phải có cái chết!

“Chẳng ai sống đời đời, kiếp kiếp, chẳng cái gì vĩnh viễn không phai. Này, anh em nhớ kỹ điều đó và vui lên mà sống…” “Thi nhân, riêng mình, nào phải viết bài thơ trường cửu. Hoa nở rồi tàn. Và, ai đó đã cài hoa lên áo, cũng chẳng cần khóc thương mãi mãi làm gì. Đấy, anh em, nhớ kỹ điều đó, và vui lên mà sống.” (Rabindranath Tagore – Đỗ Khánh Hoan dịch)

Alan Phan là một doanh nhân nổi tiếng, từng tổ chức và hoàn tất chuyển giao 18,000 xe lăn tại Việt Nam và Indonesia, vừa qua đời, tạm khép lại giấc mơ ông đang ấp ủ cho quê nhà: “20 triệu máy tính cho trẻ em Việt Nam.” Tuy vậy, chỉ ba tháng trước khi ra đi, cảm nhận được những bất trắc của cuộc đời, Alan Phan đã bình thản nhận mình “rất bình an với những gì mình đã có, đã mất, đã thua, đã thắng, nghĩa là cái chuyện nó đã xảy ra rồi, thế thôi.”

Trên mọi sự, ông đã không những “forget” mà còn “forgive!”

(Nhân ngày tiễn đưa Tiễn Sĩ Alan Phan, 25 Tháng Mười Một, 2015)

Con chó đợi đèn

Con chó đợi đèn
Nguoi-viet.com      

Tạp ghi Huy Phương

Hình ảnh trên YouTube ghi lại chuyện một con chó nhất quyết đợi đèn xanh mới sang đường trong khi có hai cô gái vượt đèn đỏ khiến nhiều người xem không khỏi ngạc nhiên, vì đây là một câu chuyện lạ đối với nhiều người.

(Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Hẳn con chó này chưa hề ngồi qua một lớp dạy luật lệ giao thông dành cho chó, hay được ai dạy dỗ, căn dặn về chuyện tôn trọng luật lệ đi đường. Nhưng có một điều tôi biết chắc là người chủ của con chó là một người “công dân có giáo dục” và là một người tử tế. Từ khi con chó được lớn lên trong gia đình này, đi theo người chủ, chưa bao giờ nó thấy người chủ vi phạm luật giao thông, ông chưa bao giờ vượt đèn đỏ để qua đường, và con chó đã học được thói quen ấy trong nhiều năm.

Bây giờ không có người chủ đi bên cạnh, không có cảnh sát hướng dẫn, không có cây chắn đường, con chó vẫn ngồi chờ cho đến khi có đèn xanh, để qua đường. Cử chỉ này xem qua có vẻ đơn giản nhưng quá khó khăn, vì hiện nay hàng triệu người Việt Nam văn minh, tử tế vẫn chưa làm được như con chó này.

Chuyện con chó chờ đèn xanh để qua đường gây được sự chú ý của dư luận, lẽ cố nhiên, phần lớn là ở trong nước, vì ở ngoại quốc, người ta xếp hàng trước tiệm ăn, hay một con chó chỉ chịu qua đường khi đèn xanh bật lên thì đâu có gì lạ. Không thấy ai khen ngợi con chó, không ai chấp nhận nó còn hơn cả con người, sinh vật mà lâu nay đi bằng hai chân, một tác phẩm tuyệt hảo của Thượng Đế hay sao?

Thật là ngu như chó! Nó không thông minh, không linh hoạt, không thích ứng như con người. Vì vậy người ta xem nó hành động cứng nhắc vì nó không biết cách “uyển chuyển theo tình huống” bằng con người, nghĩa là khi không có xe thì cứ qua, khi không có cảnh sát thì cứ vượt đèn đỏ.

Bình luận cho việc một con chó đợi đèn, một người trong nước cho biết ý kiến: “Tôi không cổ xúy cho việc phải phá vỡ luật nhưng mình cứ chọn đúng thời điểm, chớp thời cơ thì không có gì là sai cả!” Theo ý kiến người này, không cần thiết phải đợi đèn, cứ vượt đèn đỏ đúng lúc, “miễn là đúng thời điểm” và chớp thời cơ, phải chăng là khả năng của con người XHCN trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cách đây 70 năm, Hồ Chí Minh đã “chọn đúng thời điểm, chớp thời cơ” nhảy ra cướp chính quyền, việc lớn cũng không sao, huống gì ngày nay với dăm ba việc lẻ tẻ, sống sao có lợi cho bản thân mình là được.

Bí quyết thành công của con người hôm nay là phải quên cái câu “mình sống vì mọi người,” ngày nay muốn thành công “phải đạp lên đầu người khác mà đi!”

Ở Việt Nam hiện nay, họa là ngu mới đứng lại ở đầu đường khi đèn trở màu đỏ. Tai nạn vượt đèn đỏ không nguy hiểm tàn khốc bằng tai nạn khi chúng ta tuân hành đèn giao thông và dừng lại khi thấy đèn đỏ, vì chúng ta sẽ bị những loạt xe đằng sau tiến lên cán nát.

Một người khác thì cho rằng: “Đèn giao thông chẳng qua là một quy định chung cho số đông, nhưng cái mà nó tiến đến cũng là phục vụ sự thuận tiện cho con người!”

“Phục vụ sự thuận tiện cho con người!” có nghĩa là sống theo luật rừng, thuận tiện nhưng không cần đến quy luật. Phục vụ cho sự thuận tiện của con người, phải chăng là thấy đói thì ăn, không biết thức ăn đó là của ai, khát thì uống dù thức uống đó không phải của mình, phóng uế bất cứ nơi đâu khi cần, và buông thả thú tính khi không có ai kèm thúc, ràng buộc.

Không thấy hổ thẹn khi con người phá bỏ ngay quy ước và luật lệ do con người đặt ra để bảo vệ an toàn chính cho con người. Bài báo này hẳn không có mục đích để ca tụng một con chó, con vật mà trong xã hội Việt Nam, lâu nay vốn đã xem nó là thấp hèn, hạ tiện biết chừng nào. Từ việc xem chó như một con vật bình đẳng của một số rất nhỏ hiện nay, tiến tới chuyện con người Việt Nam biết thương yêu và tôn trọng những con vật như chó, người Việt Nam phải trải qua, ít nhất là vài trăm năm nữa!

Có nhiều điều rất mâu thuẫn trong cung cách đối xử giữa con người với nhau, và sự khinh miệt của con người đối với một con chó. Tuy khinh miệt loài chó, loài người Việt Nam có thể hung hãn giết một con người bằng đủ loại hành động tàn khốc, man rợ thời trung cổ, để bênh vực một con chó, dù chỉ là một con chó qua đường, không thuộc quyền sở hữu của họ.

Có một đất nước nào tôn trọng, bênh vực sự sống tốt đẹp của loài chó như trong “thiên đường” Việt Nam không, để cho bất cứ con chó nào trên trái đất này đều có một mơ ước trở thành một con chó Việt Nam? Nghĩa là vì sự sống của một con chó, người ta có thể giết một con người. Nhưng sự thật là không phải vậy. Phải ở trong xã hội Việt Nam mới thấy cái “chó” của những vở kịch đẫm máu này!

Bài viết nhỏ nhoi này không hề có ý bệnh vực loài chó vì trong câu chuyện này vẫn có người khẳng định: “Con người hơn chó là vậy đấy. Người hơn chó vì biết chớp thời cơ!”

Câu chuyện còn đưa đến một kết luận: “Đơn giản là chú chó sợ chết hơn con người.” Sợ chết, muốn sống là bản năng của sinh vật, bất kể con người hay con chó. Nhưng vì sao con chó trong câu chuyện này sợ chết, mà con người lại không?

Những bản tin trên báo chí Việt Nam đọc đến nhàm chán: – “Ba xe chờ đèn đỏ bị xe tải chạy tới hất văng,” – “Đang đứng lại đầu đường vì đèn đỏ, thiếu nữ bị tông xe, ngã nhào,” – “Xe container đâm hàng loạt xe đang chờ đèn đỏ,” – “Vợ chồng dừng lại đèn đỏ, vợ bị xe sau tông chết…” Như vậy, chúng ta đi xe dừng lại khi thấy đèn đỏ bật lên là đúng luật hay sai luật? Nhưng quan trọng là con người lại muốn sống hơn là được công nhận thi hành đúng luật giao thông hay không?

Chúng ta hãy nghe một tài xế vượt đèn đỏ gây tai nạn giải thích lý do: “Đèn bật đỏ! Tôi tưởng cái xe chạy trước tôi đi luôn, nhưng không hiểu sao, nó dừng lại!” Các bạn đã thấy một đám xe gắn máy khi gặp đèn đỏ chưa? Họ hung hãn, tống chân ga, chen lấn, ào lên, lấn lách, tràn lên hè phố, nơi người ta buôn bán, đi bộ.

Đứa nào đứng lại, không thuộc loại dại cũng là ngu, không thuộc loại lừ đừ cũng là thứ gà chết. Cuối cùng, đứng lại khi thấy đèn đỏ cũng chết, vượt đèn đỏ sai luật lại càng dễ chết hơn.

Ở Mỹ này, có khi bạn đi về rất khuya, đến chỗ đèn đỏ, dù lúc bấy giờ đường sá vắng tanh, không có một ai qua lại, bạn vẫn tự động dừng xe lại chờ. Không phải vì bạn sợ chết như chuyện con chó đợi đèn, hay bạn sợ một ông cảnh sát nào đó bỗng nhiên lù lù hiện ra, mà đó chỉ là một thói quen, một phản ứng tự nhiên. Để có một phản ứng như vậy, bạn phải có chừng năm, bảy năm sống trong một cộng đồng loài người văn minh, ở một xứ sở văn minh.

Sài Gòn có thể cần $5 triệu để chống ngập lụt, $5 triệu nữa để chống nạn kẹt xe, nhưng thật tình tôi không biết phải cần bao nhiêu tiền nữa để sửa cái “công tắc” trong đầu mỗi người dân, cái “công tắc” đó để chỉ huy người lái xe, tự động đứng lại khi gặp đèn đỏ và chỉ chạy xe khi có đèn xanh?

Là người Việt Nam!

Là người Việt Nam!
Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương

Cách đây khoảng 10 năm, sau một chuyến đi xa, trên đường trở lại California, vợ chồng chúng tôi và hai người bạn đang ngồi chờ đổi máy bay tại phi trường Atlanta, thì bất chợt một ông Việt Nam trung niên, áo vest, thắt cà vạt, tiến về phía ghế ngồi của chúng tôi. Một cách mừng rỡ và vội vã, không kể người trước mặt mình là đàn ông hay đàn bà, quen hay lạ, y thọc tay về phía chúng tôi: – “Các bác là người Việt Nam!” Không đợi câu trả lời, quơ được bàn tay của chúng tôi đưa ra một cách phản xạ, y lắc đấy lắc để.

Phải nói là chúng tôi phản ứng quá chậm hay gần như không có phản ứng gì.

Cho đến lúc người đàn ông lạ mặt này thấy không mấy phấn khởi với cuộc làm quen này, quay lưng đi, chúng tôi vẫn ngồi yên tại chỗ, lặng lẽ và ngao ngán không nói một câu gì. Phải, chúng tôi là người Việt Nam, nhưng cuộc gặp gỡ với một người Việt Nam kỳ này không đem lại điều gì hứng thú cho chúng tôi, qua ngôn ngữ và cách xử thế, chúng tôi thấy có một khoảng cách khá lớn, và cũng là người Việt Nam, nhưng tôi cảm thấy y không giống tôi, ngoài một thứ ngôn ngữ đã khá dị ứng, con người này như đến từ một xứ sở nào khác.

Như thế, ít ra tôi cũng đã hiểu vì sao một người Tàu ở Hồng Kông trước năm 1999 chỉ nhận họ là người Hồng Kông, hay sau 1949, những người Tàu ở Đài Loan, cho rằng mình là người Đài Loan (“Trung Hoa Dân Quốc” hay “Trung Hoa Đài Bắc”) để khỏi nhầm với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (Trung Hoa lục địa hay Cộng Sản Trung Hoa). Hẳn không một người Nam Hàn nào thích hiểu lầm họ là người Bắc Hàn (được Việt Nam gọi là Triều Tiên) và trước đây giữa người Đông và người Tây Đức mặc dầu nguồn gốc của họ là người Đức. Người ta không thể phủ nhận nguồn gốc của mình nhưng có thể phủ nhận chính thể đương thời và lựa chọn quốc tịch cho mình.

Chỉ có hai tiếng Bắc Kỳ thôi, và chỉ trong vòng 30 năm, người Việt Nam cũng đã chọn chỗ đứng rõ ràng khi phân biệt ai là Bắc Kỳ cũ, Bắc Kỳ mới, ai là Bắc Kỳ “chín nút” (54), ai là Bắc Kỳ 75! Nếu trong câu chuyện nói, còn có chút gì kỳ thị, thì chúng ta cũng không nên trách, đây không phải là chuyện đoàn kết dân tộc, mà là chuyện văn hóa và chính kiến, nó phát xuất từ những khổ đau và bất hạnh mà con người ta phải gánh chịu, qua những thăng trầm của lịch sử.

Tôi là người Việt Nam, và những ngày còn nhỏ, tôi vẫn thường hãnh diện mình là người Việt Nam, với “bốn nghìn năm văn hiến,” “con Rồng cháu Tiên,” lớn lên trong thời loạn lạc, người chẳng ra người, ta lại được hãnh diện thêm vì quê hương mình “rừng vàng biển bạc,” thủ đô “là đỉnh cao trí tuệ của loài người,” “đánh thắng ba đế quốc sừng sỏ!” “mỗi buổi sáng thức dậy ước mơ mình trở thành một người Việt Nam,” “Việt Nam dân chủ gấp vạn lần các nước Tây phương,” “vị thế Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế!” thì không còn gì để có thể hãnh diện hơn được nữa!

Gom tất cả tinh hoa của người Việt trên thế giới để làm những tác phẩm vĩ đại để ca tụng con người Việt Nam là điều không khó, vì những khuôn mặt thành đạt vẻ vang này ở nước ngoài, sau ngày phải bỏ nước ra đi, chúng ta không chỉ có hàng chục nhân vật đủ làm một tác phẩm mà con số này có thể lên đến hàng trăm, hàng nghìn người. Nhưng nếu tập họp họ lại, xếp hàng ngay ngắn như trong một cuộc “diễu hành,” có một mỹ nhân mặc quốc phục dẫn đầu cầm một tấm bảng lớn mang dòng chữ “Tôi là người Việt Nam” thì điều này quả còn quá nhiều gượng ép.

Đồng ý nguồn gốc họ đều là những người Việt Nam, có người bỏ nước ra đi từ ngày chủ thuyết Cộng Sản đến Việt Nam, nhưng cũng có người sinh ra ở nước ngoài, mỗi người có một cuộc đời, hoàn cảnh, tình cảm và chính kiến khác nhau. Nếu có ai hỏi họ: – “Ông bà là người Việt Nam?” thì câu trả lời sẽ là: – “Phải, tôi là người Việt Nam! Nhưng đó là câu chuyện cách đây 40 năm. Đó là một câu chuyện dài!”

Trong chúng ta, ai cũng có một câu chuyện dài phải được kể lại, hay bây giờ mới được kể lại!

Những nhà tuyên truyền thường nhắc đến tình tự dân tộc, biểu tượng từ một tiếng đàn bầu, một tiếng hò trên sóng nước để gợi cho con người nhớ đến quê hương. Người ta lập lại mãi câu nói “quê hương chỉ một” hay anh em đi xa là “khúc ruột ngàn dặm” và không ngừng kêu gọi một sự trở về tha thiết, – “Nếu đi hết biển thì đến đâu hở mẹ!”- “Đi hết biển thì sẽ trở về làng cũ!” Vì sao con chim phải bay trở lại cái lồng đã giam hãm nó, có khi là cái thòng lọng hay cái cũi nhốt của một con vật. Đó là con người của tự do, có ý thức, không phải chiếc xe lửa chạy lui tới trên đường ray.

Có người đem chuyện người Việt lưu lạc của Kiến Bình Vương Lý Long Tường (1136-1175) là con thứ sáu của vua Lý Anh Tông, đã cùng họ hàng vượt biển Bắc vào đầu thế kỷ thứ 13 vì bị phe cánh Trần Thủ Độ hãm hại, sau đó trôi giạt đến Cao Ly, để nói chuyện người Việt trở về tìm lại nguồn cội. Xin quý vị yên tâm đi, không cần phải nói chuyện đạo lý, nhân nghĩa, Cộng Sản thôn tính miền Nam mới nửa thế kỷ, dòng dõi Lý Long Tường bỏ nguồn cội đã bảy tám thế kỷ này. Thời gian hãy còn quá sớm để cho những người Việt lưu lạc tha phương trở về.

Hình ảnh tìm về cội nguồn hẳn là đã được ca ngợi rất nhiều.

Truyền thống dân gian cho rằng loài cá hồi trở về đúng nơi chúng được sinh ra để đẻ trứng, nhưng cuộc nghiên cứu đã cho thấy hành động quay lại nơi ra đời này đã được thể hiện phụ thuộc vào ký ức khứu giác và thói quen, hẳn không hề có ý nghĩa về cội nguồn. Và trong một câu chuyện khác, hàng năm vào mùa Xuân, những đàn én từ phương Nam đã bay trở về nhà nguyện San Juan Capistrano (California) và về phía Nam Mỹ là để trốn mùa Đông giá rét. Đến mùa nắng ấm, chúng lại bỏ gác chuông nhà thờ để ra đi, không hề có có ý niệm trở về hay qui cố hương.

Nếu câu hỏi đặt cho một người và câu trả lời dành cho một người, nó mang một ý nghĩa khác, nhưng khi chúng ta tập trung họ lại, cố tình hướng dẫn họ thành một đám đông và mở đường, sắp xếp cho họ có chung một câu trả lời theo dụng ý của những nhà đạo diễn, tôi cho đây là điều thiếu đạo lý.

Vả lại, điều dễ thấy rõ, hàng chục người vừa tuyên bố mình là người Việt Nam ở đây đều nằm trong 3 triệu người, bỏ nước ra đi, bằng lý do này hay lý do khác; họ không có nổi một tờ giấy tùy thân hay một “sổ đăng ký hộ khẩu thường trú” của chế độ đương thời, vậy thì họ là ai, người Việt nhưng người Việt nào? Câu trả lời gần như được xếp chung một loại “thấy sang bắt quàng làm họ!” Quơ vào những cái quả thực không phải của mình. Mục đích của người làm phim đã quá rõ ràng. Chẳng qua là khán giả của loại chương trình này quá dễ dãi, họ dễ chấp nhận một cái vui nhỏ, một cái cười cợt dính ngoài môi, để quên đi những điều cốt lõi mà họ đang được mời tham dự, mà nội dung đã được tính toán, có dụng ý chính trị, của ông chủ chi tiền.

Phải chăng trong không khí rộn ràng của màu sắc, âm nhạc, da thịt, phấn son, ít ra trong một thời gian ngắn người ta quên được những khuôn mặt Việt Nam cần phải được cởi áo che tại Nhật, hàng nghìn khuôn mặt phụ nữ khổ đau xấu hổ không dám nhìn ai trên quê hương nhầy nhụa hôm nay.

Rõ ràng là chế độ tham lam, ham muốn chạy theo những thành công nhất thời của mỗi con người không phải trong xã hội của mình để áp đặt hai chữ Việt Nam, mà không chịu xây dựng được một con người tử tế ngay trong xã hội của mình.

Chúng ta hãy nghe phát biểu của ông Lê Kiên Thành, con trai ông Lê Duẫn, cố bí thư thứ nhất đảng CSVN, trên vietnam.net trong vài ngày gần đây: “…tôi cứ băn khoăn mãi. Hôm trước mở báo ra tôi cứ bị ám ảnh hình ảnh hai ông già đi ăn trộm gà bị bắt, bị đánh hộc máu mồm ra, rồi bắt ngậm con gà chết. Tôi cứ bàng hoàng, tự hỏi: ‘Chẳng lẽ đây là người Việt Nam chúng ta?’”

Có những nhà văn như thế đấy!

Có những nhà văn như thế đấy!

Tạp ghi Huy Phương

Hồ Anh Thái, sinh năm 1960 tại Hà Nội, là một nhà văn đương thời của Việt Nam, từng là chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội trong vòng 10 năm, tác giả của gần 30 tác phẩm và đoạt bốn giải thưởng “nội địa.” Ông được xem thuộc thế hệ nhà văn thời hậu chiến và là một nhà ngoại giao, tiến sĩ Văn Hóa Đông Phương, hiện giữ chức vụ phó đại sứ Việt Nam tại Iran.

Nói về Hồ Anh Thái, Anh Chi, trong tạp chí Nghiên Cứu Văn Học Hà Nội đã ca tụng: “Bây giờ nhìn nhận hiện tượng văn chương Hồ Anh Thái, chúng tôi nghĩ, anh đã và đang tiếp tục sáng tác những tác phẩm chứa đựng nhiều phẩm chất văn hóa,” hay “…Với lao động sáng tạo liên tục và mang tính chuyên nghiệp, anh đã thể hiện bản lĩnh của một nhà văn hàng đầu ở Việt Nam trong thời đại văn chương nước ta hội nhập với văn chương thế giới!” Nói chung Hồ Anh Thái được ca tụng như một nhà văn lớn, có tầm cỡ quốc tế của Việt Nam.

Như vậy, khi Bắc Việt chiếm miền Nam, Hồ Anh Thái mới 15 tuổi, chưa đến tuổi ra trận, trước 1975 chỉ mới là loại thiếu nhi khăn quàng đỏ, đánh trống ếch và thuộc lòng “ai yêu bác Hồ Chí Minh bằng các em nhi đồng,” bị nhiễm độc bằng lối tuyên truyền xảo trá Mỹ đang xâm lược miền Nam và lính ngụy là bọn ăn thịt người. Thời nhỏ, có thể Hồ Anh Thái mục kích cảnh máy bay Mỹ dội bom xuống Hà Nội, thấy lửa cháy và những cái chết, muốn trở thành nhà văn, nhưng nếu muốn viết về chiến tranh, phải cần có kinh nghiệm sống, hay học hỏi, nghiên cứu, chứ không phải qua những câu chuyện kể của những người đi xâm lược miền Nam trở về sau ngày 30 Tháng Tư, 1975.

Khi đã trở thành người thắng cuộc, ai cũng là anh hùng, người lính có bao nhiêu điều phấn khởi, hả hê, khoác lác để kể chuyện cho bọn trẻ đang ngóng tai nghe. Một trong những đứa trẻ ấy lớn lên trở thành một nhà văn viết về chiến tranh, mà kinh nghiệm sống là chỉ cần nghe những kẻ bốc phét, hoang tưởng, kể lại những chuyện không có được một phần nghìn sự thật.

Câu chuyện lính ngụy ăn gan người, uống máu có lẽ đã được mô tả trong nhiều tác phẩm của các nhà văn miền Bắc trong và sau chiến tranh, chỉ với mục đích gây lòng căm thù cho quần chúng, nhưng nhà văn mới lớn sau 1975, Hồ Anh Thái đã đi quá đà, thêm câu chuyện moi gan, ăn tim bằng cách mô tả lính ngụy “quay” tử thi Việt Cộng, rồi “róc thịt uống rượu!” như sau:

“Hai ngày sau bọn địch phản công. Cả trung đội mình bị bằm nát. Thằng Thiết bị đạn găm đầy mình, vừa đưa tay ấn ruột vào, vừa bóp cò. Bọn ngụy ào lên như lũ quỷ, quyết bắt sống thằng Thiết. Như sau này anh em trinh sát kể lại, chúng quay thằng Thiết như quay một con lợn rồi róc thịt uống rượu trả thù cho đồng đội.”

Trong một cảnh khác, lính ngụy không quay Việt Cộng như quay heo, mà chỉ nổi lửa để nướng tim, gan ăn tại chỗ, đặc biệt trí tưởng tượng của nhà văn bắt đầu đi đến chỗ điên khùng khi viết: “Hai hột tinh hoàn thì được phân chia cho hai thằng chắc là cấp cao hơn.”

“…Cuối cùng, điều Hoa không ngờ đã tới. Cô chỉ nghĩ rằng bọn thám báo sẽ lôi Hùng đi làm tù binh để tiếp tục lấy khẩu cung. Nhưng thằng cầm con dao găm của anh đã cúi xuống rạch một đường thành thạo trên bụng Hùng. Anh quằn quại hét lên một tiếng rùng rợn. Ở trên cao, Hoa nghiến chặt răng gần như ngất đi. Hai thằng kia đè chặt chân tay Hùng cho thằng mổ bụng moi tim gan ra. Chúng nổi lửa nướng tim gan ăn ngay tại chỗ. Hai hột tinh hoàn thì được phân chia cho hai thằng chắc là cấp cao hơn.”

Hồ Anh Thái có thể chỉ nghe kể lại qua một nhân vật ngôi thứ ba, với chuyện lính ngụy quay người, moi tim gan uống rượu, nhưng với Dương Thu Hương, như lời người kể chuyện thật với nhân vật “chúng tôi” nói về lính thám báo miền Nam, hiếp dâm, xẻo vú và cửa mình thanh nữ xung phong miền Bắc:

“…Chúng tôi hướng vào góc rừng đã tỏa ra mùi thối khủng khiếp mà đi. Tới vực cô hồn, gặp sáu cái xác truồng. Xác đàn bà. Vú và cửa mình bị xẻo, ném vung vãi khắp đám cỏ xung quanh.

Nhờ những tấm khăn dù, nhờ những chiếc cổ áo sơ mi kiểu lá sen tròn và hai ve nhọn mà chúng tôi nhận ra đấy là những người con gái miền Bắc. Có lẽ họ thuộc một binh trạm hoặc một đơn vị thanh niên xung phong cơ động nào đó bị lạc. Cũng có thể họ đi kiếm măng hoặc rau rừng như chúng tôi rồi vấp bọn thám báo.

Chúng đã hiếp các cô tàn bạo trước khi giết! Những cái xác bầm đập méo mó! Da thịt con gái nõn nà tươi thắm vậy mà khi chết cũng thối rữa y như da thịt một lão già phung lỡ hay một con cóc chết!” (tiểu thuyết Vô Đề)

Phải chăng vì bọn ngụy ác độc, man rợ như vậy nên miền Bắc có quyền vẽ lên hình ảnh “người lính cụ Hồ” đáp lễ với những cách người hả hê, khát máu, để làm gương cho cả một thế hệ sôi sục vì căm thù:

“Quân ta ào lên, bắt giết, đâm, giẫm đạp. Một mụ ngụy cái, ngực để trần, miệng há ra ú ớ. Niềm căm thù kẻ hạnh phúc hơn mình bốc lên ngùn ngụt trong ngực mình. Mình găm vào ngực mụ cả loạt khiến ngực mụ vỡ toác mà mặt mụ vẫn chưa tắt hy vọng. Giết người lúc ấy sao thấy sướng thế! Một thằng ngụy bị mình xọc lê vào bụng, nghe ‘thụt’ một cái. Mình nghiến răng vặn lê rồi trở báng súng phang vào giữa mặt hắn. Hắn lộn một vòng, gồng mình giãy chết như con tôm sống bị ném vào chảo m…ỡ.” (Tạ Duy Anh, “Đi Tìm Nhân Vật,” tiểu thuyết, NXB Văn Hóa Dân Tộc, 2002.)

Tôi ở miền Nam, không biết ngoài mặt trận “con ngụy cái” này là ai, vì chúng tôi không có nữ quân nhân tham chiến, không lẽ đây là một người đàn bà trong ngôi làng, một cán bộ Xây Dựng Nông Thôn để lính Bắc Việt trút hết nỗi căm hờn và thỏa mãn thú tính lên cao độ như thế, một con chó cắn người hay một con cọp vồ mồi cũng không “thú” hơn” là chất “thú” của một người lính Việt Cộng?

– “Giết người lúc ấy sao thấy sướng thế!”

Ở ngoài mặt trận, không giết người thì người giết. Nhưng giết người mà thấy khoái cảm thì nhân loại chỉ thấy có người lính Bắc Việt. Ngay cả ISIS cắt cổ người cũng không có cái hả hê như thế! Tạ Duy Anh còn không che đậy, nói rằng “niềm căm thù kẻ hạnh phúc hơn mình bốc lên ngùn ngụt trong ngực mình!” Thì ra thế là đấu tranh, không phải tạo hạnh phúc cho người khác, mà là nếu họ hạnh phúc hơn mình, hãy giết hết họ, chẳng qua vì lòng ganh ghét.

Đó là nguyên nhân rõ ràng của “cải cách ruộng đất,” vì họ giàu hơn mình, của “thảm sát Mậu Thân,” vì họ sướng hơn mình.

Với Tạ Duy Anh “giết người thấy sướng,” đối với Dương Thu Hương “với khoái cảm không che đậy”:

“…Hùng thường nghĩ ra những cách giết người đặc sắc trong các trận giáp lá cà. Và gã kể lại cho đồng đội nghe với khoái cảm không che đậy. Kẻ thì gã xọc lê từ họng xuống tim, kẻ gã chọc từ nách bên phải qua bên trái, kẻ gã lại đâm từ hạ bộ ngược lên ở bụng. Kỳ thú nhất là một lần đánh ấp, gã bò vào phòng riêng một tên sĩ quan ngụy, chờ tên này dính chặt với cô vợ trắng phôm phốp của y như một cặp cá thờn bơn, gã mới phóng lê từ trên xuống. ‘Một xọc xuyên hai, bảo đảm là sướng mắt…’” (TTVĐ- chương 11)

Một sự thèm khát đầy dục vọng, ở đây Dương Thu Hương rất giống Tạ Dụy Anh hay Tạ Duy Anh rất giống Dương Thu Hương, ở chỗ “niềm căm thù kẻ hạnh phúc hơn mình bốc lên ngùn ngụt trong ngực.”

Đó là chưa nói đến chuyện bừa bãi, vô lý trong tình tiết một tên bộ đội bò “vào phòng riêng một tên sĩ quan ngụy,” “bị đạn găm đầy mình, vừa đưa tay ấn ruột vào, vừa bóp cò,” thám báo hoạt động trong lòng địch mà nổi lửa quay người hay hiếp dâm, xẻo vú!

Chuyện căm thù, dã man của người lính miền Bắc đã để lại trong một câu chuyện có thật, đó là cái chết của nhà văn Y Uyên, người sĩ quan của TK Bình Thuận năm 1966.

“Trên thân xác của Uy, khi chở về quân y viện, có những dấu đạn thừa, những dấu dao vô lối. Những dấu đạn, vết dao không thể cắt nghĩa được. Nếu không phải là chúng có từ những thù hận ghê gớm, những chất ngất căm hờn, thì không thể làm sao tìm ra lý do giải thích sự hiện diện của chúng trên thân hình một người đã chết.”

Tôi xin nhường sự phê phán ấy cho một nhà văn miền Nam:

“Tôi không hiểu bằng cách nào, trong cuộc chiến tương tàn, ròng rã hơn 20 năm này, những người lãnh đạo Cộng Sản đã dạy cho binh lính của họ như thể nào để lòng thù hận chất ngất mênh mông đến thế? Tôi chấp nhận những viên đạn thứ nhất là hợp lý – Ừ, thì cứ cho là hợp lý. Nhưng những viên đạn bắn bồi, những nhát dao đâm thêm trên một xác thân đã chết là những viên đạn, những nhát dao không thể cắt nghĩa, không thể chấp nhận được. Những người Cộng Sản Việt Nam đã làm những điều dã man như thế, khởi đi từ lòng thù hận, từ sự cuồng tín.” (“Núi Tà Dôn và Dấu Chân Uy” của Lê Văn Chính -Tạp Chí Văn, số 129, phát hành ngày 1 Tháng Năm, 1969)

Bốn mươi năm đã trôi qua, bây giờ người ta đang nói chuyện “hòa hợp hòa giải,” “khép lại quá khứ,” nhưng sau 40 năm cũng là lúc đã nhìn rõ mặt nhau. Có những nhà văn như thế đấy! Nếu có một cuộc xét lại, những nhà văn miền Bắc sẽ nghĩ gì về những tác phẩm “hoang tưởng” như thế? Và dù sao thì nó cũng đã để lại những vết dơ của nền văn hóa XHCN, còn ảnh hương lâu dài đến những nhận thức của những lớp người mới lớn lên sau khi Sài Gòn đổi tên.

Để kết luận bài này tôi xin ghi lại những câu thơ đầy lương tri của miền Nam viết trong chiến tranh:

“…Xem chiến cuộc như tai trời ách nước.
Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi.”
(Nguyễn Bắc Sơn)

“…Trời ơi, những xác thây la liệt
Con ai, chồng ai, anh em ai?”
(Tô Thùy Yên)

‘Diễu binh,’ chuyện như ‘diễu!’

‘Diễu binh,’ chuyện như ‘diễu!’

Nguoi-viet.com
Tạp ghi Huy Phương

Trước kia ở miền Nam, chúng ta chỉ nghe nói duyệt binh, diễn binh mà không nghe nói đến tiếng “diễu binh,” “diễu hành.”

Trong thời đại này, chúng ta phải hiểu “diễu binh” như thế nào? Mới đây nhân cuộc diễu binh ngày 2 Tháng Chín tại Hà Nội, có ký giả cắc cớ hỏi Trung Tướng Võ Văn Tuấn, phó tổng tham mưu trưởng quân đội, cũng là tổng chỉ huy cuộc diễu binh này, vì sao chúng ta “diễu binh” mà không diễn binh. Sau đây là câu trả lời:

“Duyệt binh là có vũ khí trang bị đi theo, như tên lửa, máy bay, xe tăng, đạn pháo… còn diễu binh chỉ có người diễu hành. Tạm thời, nhà nước đang sử dụng ‘diễu binh’ – tức là chỉ có con người mà không có vũ khí tham gia. Có nhiều nguyên nhân chúng ta tổ chức diễu binh chứ không phải duyệt binh, trong đó có việc tiết kiệm.”

Về mặt mày, thì ông Tuấn này “sáng sủa” hơn cả ông Lê Đức Anh và ông Phùng Quang Thanh nhiều, nhưng lối giải thích của ông này lại quá “tối tăm.”

Cô Phạm Trúc Sơn Quỳnh. (Hình: Facebook Phạm Trúc Sơn Quỳnh)

Như vậy, theo ông này “diễu binh” là chỉ có người, không có vũ khí kèm theo như xe tăng, đại pháo, hỏa tiễn! Nhưng trong lúc đó, báo chí, truyền hình Việt Nam đều loan tin hai cuộc “diễu binh” lớn của Nga ngày 5 Tháng Chín tại Moscow và của Trung Cộng ngày 3 Tháng Chín ở Bắc Kinh. Trong hai cuộc diễu binh này Nga va Trung Cộng đều phô trương các vũ khí hiện đại như phi cơ, hỏa tiễn tối tân nhất do chính các nước này sản xuất. Như vậy nói vì tiết kiệm mà Việt Nam chỉ có “diễu binh” mà không diễn binh là coi thường người đặt câu hỏi và khinh thường sự hiểu biết của quần chúng.

Trong tình thế này chính phủ CSVN không diễn binh mà chỉ “diễu binh” (không có vũ khí như lời ông Võ Văn Tuấn) chẳng qua là vì, không lẽ trong khi Tàu và Nga đang diễu võ dương oai, biểu dương vũ khí hiện đại do họ sản xuất, thì “bộ đội cụ Hồ” không lẽ đem AK47, B40, B41, pháo 130 ly, hỏa tiễn Sam, Stinger, giàn hỏa tiễn Kachiusa, Mig 15, xe tăng T54 thời “ta đánh là đánh (thuê) cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc” ra để hù thiên hạ!

Ông Võ Văn Tuấn cũng chưa phân biệt được “duyệt binh” và diễn hay “diễu binh.”

Sau nghi lễ khai mạc, trước khi cuộc diễn binh hay “diễu binh” bắt đầu, vị nguyên thủ quốc gia lên xe mui trần cùng với chỉ huy của lễ diễn binh, đi “duyệt” hàng quân trong tư thế nghiêm và bắt súng chào. Sau khi vị nguyên thủ quốc gia trở về khán đài, cuộc diễn binh (hay diễu binh) mới bắt đầu và lần lượt các đơn vị tiến qua khán đài, được quan khách trên khán dài danh dự và dân chúng hai bên đường vỗ tay hoan hô.

Điều này chúng ta đã thấy qua các hình ảnh “duyệt binh” của VNCH với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, và tại Bắc Kinh Tháng Năm, 2012 với Chủ Tịch Hồ Cẩm Đào.

Khi ký giả hỏi về việc tại sao lại bắn 21 phát đại bác trong ngày Quốc Khánh mùng 2 Tháng Chín mà không phải con số khác, ông Võ Văn Tuấn cho rằng, “Đến bây giờ chưa có ở đâu lý giải được vì sao lại bắn 21 loạt đại bác nhưng có thể liên quan đến ý nghĩa một tuần nhân với 3. Giống như tượng Oscar khi người ta làm ra thì tình cờ giống ông chú tên Oscar của những người làm (!)”

Thật là khó hiểu khi ông tướng này so sánh “khập khễnh” 21 phát đại bác với với chuyện tượng Oscar. Nếu ông chịu khó vào Wikipedia mà tìm thì đâu đến nỗi!

Về chuyện cô gái xinh đẹp dẫn đầu cho khối Quân Y là Phạm Trúc Sơn Quỳnh, “nữ sĩ quan xinh đẹp khối trưởng khối diễu binh quân y, làm sốt cộng đồng mạng bởi khuôn mặt xinh xắn, tác phong mạnh mẽ, dứt khoát, các động tác điều lệnh chuẩn mực,” thì dư luận cho rằng được mượn từ bên Đại Học Thương Mại, và được mang cấp bậc trung tá (hai vạch, hai sao). Bộ Quốc Phòng khẳng định cô là quân nhân chuyên nghiệp mang cấp bậc thiếu úy, chứ không phải đi mượn về. Về cấp bậc trung tá đeo mang trên ngực cô, theo Trung Tướng Tuấn, cô là người đi đầu khối nên phải mang cấp bậc theo quy định thống nhất về cấp chỉ huy khi “diễu binh.”

Vào YouTube xem “diễu binh,” chúng ta thấy thêm một điều nữa là tất cả lính tráng trong hàng quân đều mang một loại huy chương và số lượng huy chương giống nhau, mỗi người ba cái. Quân đội thì có người già, người trẻ, có người có chiến công, nhưng cũng có người vô tích sự, vì sao phải dối trá đồng loạt như vậy, ông Tuấn có cho đây là “nguyên tắc diễu binh” không? Bốn mươi năm ngồi không, mà bây giờ có anh lính mặt non choẹt mang cấp tá và huy chương đầy ngực.

Theo kiểu nói bình dân Nam Bộ ngày trước, đây là “lon Lèo!” và “huy chương Lèo!” hay là đồ hàng mã, giả dối, lừa người!

Cùng mang huy chương giống nhau. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Như vậy, cô Sơn Quỳnh được dẫn đầu khối quân y, mang cấp bậc trung tá chỉ vì cô trẻ, đẹp, và có lẽ sĩ quan cấp bậc lớn nhất trong khối này già và xấu, quá gầy hay quá mập nên đã bị “cách ly” không cho tham dự “diễu binh” như bọn cai tù vẫn thường giấu những anh tù “cải tạo” ốm đói bệnh tật mỗi khi có phái đoàn cấp trên hay báo chí đến thăm viếng trại tù. Theo tôi, Sơn Quỳnh có khuôn mặt khá bụ bẫm, nhưng nhan sắc cũng thuộc loại tầm tầm, nếu vị chỉ huy lễ “diễu binh” cần đến những cô trẻ, đẹp để dẫn đầu khối cho đẹp mặt chính phủ và đảng, tôi xin giới thiệu với ông, ngay đất Hà Nội, thiếu gì diễn viên, người mẫu, sinh viên chân dài, hiện nay đang làm nghề nằm, nên dựng mấy cô dậy mà cho đi “diễu hành” là đẹp nhất!

Câu chuyện dối trá này làm chúng ta liên tưởng đến câu chuyện của Thế Vận Hội Olympic Bắc Kinh năm 2008. Trung Cộng đưa một cô bé xinh đẹp tên là Lâm Diệu Khả, 9 tuổi, trình diễn ca khúc “Ngợi ca tổ quốc” tại lễ khai mạc, thực ra chỉ hát nhép môi và diễn thay cho giọng của ca sĩ thực là Dương Bái Nghi, 7 tuổi. Ca sĩ trẻ tuổi này không được xuất hiện vì nhan sắc và dáng dấp không bằng Lâm Diệu Khả.

Sự dối trá “vĩ đại” này được Trung Cộng ngụy biện rằng họ quyết định dùng em Lâm vì ”chúng ta phải đặt lợi ích của đất nước lên trước!”

Màn trình diễn pháo bông tại đêm khai mạc cũng là giả tạo, vì được ghép nối thêm trước khi chiếu trên TV cho cả thế giới xem. Ban tổ chức cũng giải thích “làm điều đó để tạo thuận lợi và ấn tượng ngoạn mục cho các đài truyền hình!”

Vậy thì sự thật và sự lương thiện không hề được “cha con nhà nó” tôn trọng.

Việt Nam khoe, một nhà báo Úc đã viết: “Gộp hết tất cả lễ hội lớn của Úc, các cuộc diễu hành, từ lễ hội Mardi Gras ở đường Oxford cho tới lễ hội Moomba ở Melbourne, cộng lại tất cả những đám đông đã đến dự Thế Vận Hội Sydney, hay những trận đấu bóng đá, cũng không bằng sự kiện 2 Tháng Chín ở Việt Nam.”

Úc thua Việt Nam là phải, nên chi dân Việt giờ này mà còn đóng tàu vượt biển sang Úc. Có gì đâu mà hãnh diện! Kiểu nhà nghèo, con nợ thiên hạ mà đòi chơi bảnh!

Mới đây, World Bank công bố Việt Nam nợ nần lên đến $110 tỷ và chỉ riêng khoản chi trả tiền lời đã lên đến 7.2% tổng chi ngân sách nhà nước.

Câu chuyện về tính lương thiện

Câu chuyện về tính lương thiện

Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương

Người ta định nghĩa “lương thiện” là tốt lành, không vi phạm đạo đức, pháp luật. Các phát biểu về lương thiện, có lời của nhà văn Nhất Linh: “Muốn cho người ta dễ có lòng thiện thì làm thế nào cho người ta khỏi nghèo khổ.” Một nhân vật khác là E. Rueys thì cho rằng: “Khi giàu làm người lương thiện không gì dễ bằng, khi nghèo nàn làm được người lương thiện mới khó!” Nói như vậy có khác chi cho rằng phần đông người nghèo ít lương thiện hơn người giàu có.

Người ta căn cứ vào chuyện một cô người Mexico đến dọn dẹp nhà cửa cho một người chủ Việt Nam đã lấy trộm một cái nhẫn kim cương mà người chủ quên bỏ đầu giường, hay chuyện những đứa trẻ đi lượm bao ny-lông ngày trước ở quê nhà đánh cắp một đôi dép hay vơ một cái áo đang phơi trên cây sào. Nhưng cũng không phải vậy, mà trong xã hội này người ta cho rằng kẻ nghèo hèn đều đi ăn cắp và người giàu, có một cuộc sống tốt lành, kiểu nói “bần cùng sinh đạo tặc.” Ðó chính là lý do những chính trị gia như Lý Quang Diệu của Singapore, để cải tạo xã hội, phải làm cho dân chúng được cơm no, áo ấm, ai cũng giàu có.

Chúa Jesus thì nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn một người giàu vào nước Thiên Chúa (Mt. 19,24).” Người ta có thể hiểu câu nói này theo cách: Người giàu khó là một người lương thiện.

Hiện nay, nạn cướp giật điện thoại cầm tay xẩy ra thường ngày ở Việt Nam, thì một người bán vé số nghèo nàn, lượm được một cái “iPhone 6 plus” đem giao lại cho người mất, trong khi hàng triệu cán bộ lợi dụng chức, quyền, là những người giàu, dựa vào đảng, lương vài trăm đô la nhưng có nhà, xe, đất hàng triệu đô la, nhờ sự thiếu lương thiện, nói rõ là bất lương: “Con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan!”

Một chị bán ve chai nhặt được số tiền 5 triệu Yen ($4,200) lập tức có những kẻ kém lương thiện, đến làm phiền, có người hăm dọa đòi anh chị chia số tiền nhặt được. Một phụ nữ đến nhận vơ đó là tiền của chồng bà đang lao động ở Nhật, gửi về cho mình, bà cất giấu trong thùng loa cũ rồi quên. Một người khác đem sổ đỏ “dỏm” đến cầm.

Một ông giám đốc ở Hà Nội khuyến khích sự lương thiện của người bán ve chai, đề nghị chị đem trả số tiền này lại cho chính phủ Nhật, vì giấy bạc này do Nhật in ra, là thuộc quyền sở hữu của chính phủ Nhật! Theo ông này, phải trả lại tiền cho nước Nhật để “nâng cao hình ảnh thân thiện, nhân văn của người Việt Nam đối với đất nước Nhật nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung.” Trong khi bao nhiêu đứa cướp giật, ăn cắp, buôn lậu làm xấu mặt Việt Nam ở đất nước Nhật, thì ông quan chức này đề nghị chị bán ve chai, hy sinh, dùng tính lương thiện của mình để cứu vãn cái mặt Việt Nam. Mặc dầu ông có hứa là sẽ vận động thiên hạ gây quỹ, đóng góp lại cho chị, nhưng đó là chuyện “cái mồi in bóng dưới nước.”

Hy vọng các quan chức Việt Nam từ đây về sau, ai cũng có lòng lương thiện cho dân đỡ khổ, nhưng xúi người khác lương thiện có lẽ dễ hơn chính mình phải lương thiện.

Chúng ta dạy trẻ em phải lương thiện trong khi, hơn 20 con heo đất của học sinh tại Trà Vinh để giúp học sinh nghèo bị người lớn ngành giáo dục “rút ruột” 20 triệu đồng. Chúng ta dạy trẻ sống công chính trong khi chúng ta có những “tên” hiệu trưởng như Sầm Ðức Xương sống bằng nghề “ma cô.”

Trong một xã hội như hiện nay, dạy cho con lương thiện, có nghĩa là đưa con vào con đường chết đói, vì đời này: “Thẳng thắn, thật thà thường thua thiệt, lọc lừa lươn lẹo lại lên lương!”

Nói về nghề lương thiện, không biết ở Việt Nam người ta sắp xếp cao thấp thế nào về mức độ lương thiện qua các ngành nghề. Tuy nhiên, tạm thời chúng ta hãy cho nghề lương thiện nhất là nghề bán ve chai, có muốn bất lương cũng khó lòng. Và nghề nào là nghề phi đạo đức nhất? Cứ nhìn tài sản của đám viên chức chính phủ và Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam, hoàn toàn không tương xứng với số lương bổng hàng tháng, chúng ta sẽ thấy rõ bọn sâu mọt chuyên đục khoét ngân khoản, tài nguyên đất nước và bóc lột “nhân dân” đến mức nào.

Viện Gallup ở Mỹ không thăm dò tính lương thiện qua giai cấp giàu nghèo mà qua nghề nghiệp. Ðứng đầu lương thiện nhất là ngành y, nhưng bác sĩ y khoa lại được xếp sau y tá, dược sĩ và bác sĩ thú y.

Ðược xếp đồng hạng sau đó là kỹ sư, giảng viên và linh mục (tỉ lệ tin cậy đều là 58%). Ít lương thiện hơn là cảnh sát và chuyên gia tâm lý.

Tệ hơn hết, người Mỹ cho rằng nghề bán xe hơi (car saleman) là nghề khó tin nhất, chung chiếu với nghề bán xe hơi là nghề quảng cáo, nghề bảo hiểm y tế và nhân viên bán bảo hiểm (tỉ lệ tin cậy từ 13% đến 12%). Các chính trị gia cũng được xếp hạng thiếu lương thiện như tỉ lệ tin cậy đối với các dân biểu chỉ có 14%, thượng nghị sĩ là 15%. Ðiều này có lẽ dân chúng thấy rõ hơn vào các mùa bầu cử.

Còn nghề ký giả thì không thấy cuộc thăm dò của Gallup nhắc đến.

“Nhà báo nói láo ăn tiền,” là một câu nói khá hàm hồ và ác cảm của ai đó đối với nghề báo. Phải chăng đó là loại nhà báo chuyên tường thuật các đại hội đảng hay tổng kết thi đua “sống và làm việc theo gương Hồ Chủ Tịch.” Thật tình, nguyên tác của nghề báo là viết sự thật, dù ở đâu, do đó đây cũng là một nghề “dễ chết” nhất. Ở Việt Nam hiện nay đã có bao nhiêu nhà báo vì nói sự thật, đã bị cho thôi việc, cầm tù hay bị ám hại.

Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả cho biết, trên thế giới, chỉ tính từ năm 1992 cho đến 2011 đã có khoảng 850 ký giả bị giết, nhiều nhất là vì lý do chính trị, chiến tranh, tham nhũng, nhân quyền và tội phạm, trong đó, 39% bị giết trong khi hành nghề vì lý do chính trị. Riêng tại Mỹ và Canada kể từ năm 1976, có ít nhất 15 vụ ký giả bị giết khi đang làm công việc của mình, trong số 15 người này có năm người gốc Việt. Những ký giả này không phải là nhà báo nói láo, mà nói quá thật theo quan điểm của mình, những sự thật làm mất lòng người khác.

Nhưng nghề “viết” cho phép kèm theo chữ “lách.” Và cũng nên thông cảm rằng, đôi khi không dám viết sự thật, không phải là vì thiếu lương thiện.

Chí Phèo đã từng lớn tiếng trước mặt Bá Kiến: “Tao muốn làm người lương thiện!” “Không được! Ai cho tao lương thiện?”

Ðôi khi làm người lương thiện không dễ!

Rồi có một ngày…

Rồi có một ngày…

Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương

Tôi thường nghe những câu hỏi trăn trở của những người tị nạn Cộng Sản bỏ nước ra đi:

– Liệu năm nay Việt Nam có gì thay đổi không?

– Bao giờ thì Việt Nam không còn Cộng Sản?

(Hình minh họa: Andreas Altwein/AFP/Getty Images)

Hầu hết những người Việt bỏ đất nước từ những ngày cuối cùng của Tháng Tư, 1975, khi Cộng Sản tràn vào Sài Gòn, đã nói với tôi rằng, họ chỉ trở lại Việt Nam khi không còn chế độ Cộng Sản trên quê hương nữa. Một vài vị lớn tuổi “gần đất xa trời” an ủi với nhau rằng, “có lẽ ta đâu mãi thế này” và mong được sống thêm vài năm nữa, để nhìn ngày tàn của chế độ Cộng Sản.

Nhưng bao giờ thì chế độ Cộng Sản sụp đổ?

Năm năm? Mười năm? Mười lăm năm? Và bây giờ 40 năm đã trôi qua!

Mà khi Việt Nam không còn Cộng Sản nữa thì đất nước này sẽ ra sao?

Cũng khó tưởng tượng ra có một cuộc thay đổi êm ái, đảng cầm quyền ra đi, tổ chức bầu cử tự do, các cơ chế hoàn toàn thay đổi, Hiến Pháp được viết lại, Việt Nam có đa đảng. Nhiều người còn mang ảo tưởng lạ lùng là “hải ngoại” sẽ được Bộ Chính Trị Đảng CSVN mời về “bàn giao” trong êm thấm trong khi họ lặng lẽ cuốn gói ra đi, và những “chủ tịch,” “thủ tướng,” và “quốc trưởng” ở đây sẽ về nhậm chức mà không cần đổ một giọt máu, kiểu nói “bất chiến tự nhiên thành” và dưới cái quan niệm sẽ được cường quốc này, đất nước nọ “bật đèn xanh…”

Nếu có một cuộc cách mạng thật sự đúng nghĩa bùng nổ, thì cuộc cách mạng lật đổ chế độ Cộng Sản ở Việt Nam phải là một cuộc cách mạng đổ máu tàn khốc nhất trong lịch sử. Bốn mươi năm qua, chế độ Cộng Sản này đã gây bao nhiêu thảm họa, tai ương cho miền Nam và đối với miền Bắc là 70 năm. Chẳng ai là không có mối thù với Cộng Sản, từ thời Việt Minh cho đến ngày miền Nam sụp đổ. Bao nhiêu thủ đoạn tù đày, kỳ thị, đánh tư sản, đổi tiền, đày đọa người dân rời bỏ thành phố hay đuổi họ xuống tàu ra biển.

Chẳng có gia đình nào tránh khỏi đau khổ, tù đày, chia lìa, chết chóc hay bần cùng. Ngay trong thời đại “tự do,” “hạnh phúc,” liệu những gia đình nạn nhân Đoàn Văn Vươn bị cưỡng chế chiếm đất, những mẹ con như gia đình bà Phạm Thị Lài trần truồng bị kéo lê trên nền đất, những phụ nữ như bà Lê Thị Trâm bị xe xúc chèn lên thân, cũng như gia đình có thân nhân chết mờ ám trong đồn công an, hàng triệu nạn nhân của chế độ công an trị, có bằng lòng một cuộc chuyển quyền êm ái không?

Cho thuận lẽ nhân quả ở đời sẽ có một cách mạng “máu kêu trả máu, đầu van trả đầu?”

Nhưng thành phần nào sẽ cầm đầu cuộc cách mạng này, và đừng có ảo tưởng là sẽ có một lực lượng ngoại nhập phát xuất từ Mỹ, từ Úc hay từ… Tàu.

Tuy vậy cũng sẽ không có chuyện biển máu với 3 triệu đảng viên Cộng Sản Việt Nam bị đem ra bắn bỏ, bị tịch thu tài sản, bị lùa vào các trại tù, hoặc đẩy chạy sang Tàu. Nhưng làm thế nào để Việt Nam có một cuộc thay đổi, Cộng Sản không còn là đảng cầm quyền và Việt Nam sẽ trở thành một đất nước có chế độ đa đảng. Nhưng vào thời điểm đảng Cộng Sản không còn nữa, Việt Nam sẽ ra sao?

Cũng như sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã, ở Việt Nam cũng sẽ có rất đông đảo, hàng triệu người đã vứt thẻ đảng và ra khỏi đảng. Trừ một số đảng viên đã chuẩn bị “hạ cánh” với bất động sản, tiền ngân hàng hay cơ sở kinh doanh ở Mỹ, Úc, Canada… nhưng 3 triệu đảng viên Cộng Sản với châm ngôn “đảng còn ta còn” và tổng cộng các lực lượng an ninh đủ loại với ít nhất là 6.9 triệu người (theo Giáo Sư Carl Thayer) với khẩu hiệu “công an nhân dân chỉ biết còn đảng, còn mình” sẽ là một vấn nạn khó xử cho xã hội mới, một khi “mất đảng,” nhưng chúng nhất quyết chưa chịu “mất mình.”

Người viết không có khả năng phân tích tình hình chính trị Việt Nam sau khi không còn đảng Cộng Sản cầm quyền hay chuyện kinh tế của Việt Nam thời hậu Cộng Sản, nhưng cứ nghĩ đến cái đất nước tan hoang, sau 40 năm cai trị của đảng này, thì cái giấc mơ nghĩ đến một ngày nào đất nước hết Cộng Sản, cũng chẳng phải là một giấc mơ tốt đẹp.

Có thể Cộng Sản sẽ để lại cho đất nước những cái cầu tráng lệ, những xa lộ tối tân, những con tàu “siêu tốc,” những cái tháp truyền hình đi vào kỷ lục, những lâu đài kiến trúc đẹp đẽ, những sân bay hiện đại và dai dẳng những món nợ con cháu trả mấy đời không hết. Và những vạn dặm rừng, nghìn vuông đất cho thuê chưa lấy lại được, nhưng cũng không đau xót bằng hằng triệu con người mất cả niềm tin vào tương lai, lòng người ly tán, đạo lý suy đồi.

Muốn xây dựng lại xã hội phải xây dựng con người, mà xây dựng một con người phải mất bao nhiêu năm?

Hồ Chí Minh sao chép câu “Bách niên thụ nhân” của Quản Trọng bên Tàu, nhưng với hạt giống vốn bể nát, thối tha của người khác đã vứt đi lượm đem về, gieo trồng trên đám đất đai chai lỳ toàn trị, bón bằng những thứ phân bón tha hóa, xấu xa, dối trá; tưới bằng thứ nước dơ bẩn của bạo lực, cường quyền, thì cây không có trái, hoa không dám nở, mà chỉ sinh sản ra một loài cỏ dại. (*)

Một xã hội mà chủ động mãi dâm còn tuổi vị thành niên, khi bị công an bắt còn xin về đi thi trung học phổ thông. Một xã hội mà một thanh niên chỉ mới 22 tuổi cắt cổ sáu người mà vẫn có giấc ngủ yên lành. Một xã hội có những đứa trẻ 14 tuổi đi bán dâm trong khi đã mang thai bốn tháng. Một xã hội mà thanh niên lớn lên không có nhà máy, chỉ toan tính chạy vạy tìm cách ra nước ngoài làm thuê, ở mướn. Một xã hội mà thiếu nữ nông thôn lớn lên không có một thời yêu đương, thơ mộng, bỏ ruộng vườn, lăm le đi khỏi mướt kiếm một tấm chồng, hay kể cả chuyện bán thân, miễn có một đời sống no đủ. Một xã hội mà sinh viên, người mẫu sẵn sàng lên giường vì đồng đô la. Một xã hội mà người ác, kẻ tham được bảo vệ, người làm điều xấu không biết nhục, kẻ trung trực, ngay thẳng thì bị đọa đày.

Liệu có một vị cứu tinh dân tộc nào xuất hiện trong giai đoạn này để cứu nước, độ dân không? Nước Nhật sau hai quả bom nguyên tử ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagazaki, và cả trận sóng thần xảy ra năm 2011, đã đứng dậy tái thiết, khắc phục hậu quả của những thảm họa chiến tranh và thiên tai, nhờ tinh thần và phẩm chất truyền thống của dân tộc Nhật. Nhưng với “thảm họa dân trí, đạo đức” mà chế độ Cộng Sản để lại cho Việt Nam, sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, mà chúng ta thường gọi là một trận hồng thủy, mà những điều tốt đẹp, đạo đức của dân tộc đã bị băng hoại, cuốn trôi, chúng ta làm cách nào để xây dựng lại đất nước này?

Bao giờ thì có thay đổi, bao giờ thì không còn Cộng Sản? Đây chính là những nỗi trăn trở của cả dân tộc, nhưng là những chuyện khó khăn bắt đầu chứ không phải là những điều kết thúc tốt đẹp mà chúng ta vẫn thường mơ ước! Đó chính là nỗi thống khổ của Việt Nam, và còn khổ đến bao giờ.

(*) “Cộng sản là loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là trùng độc, sinh sôi, nảy nở, trên rác rưởi cuộc đời.” (Dalai Latma)

Nỗi vinh nhục của tượng đài

Nỗi vinh nhục của tượng đài

Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương

Năm 1999, việc Trần Trường treo ảnh Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng trong tiệm băng nhạc của y đã đưa đến một cuộc biểu tình phản đối dữ dội của những người tỵ nạn Cộng Sản tại Nam California kéo dài 52 ngày đêm ròng rã. Trần Trường nghĩ rằng hành động của y đáng để cho Việt Cộng mang ơn, nhưng sự thật đây là một chuyện trắc nghiệm, gây hậu quả không ai lường trước được và lòng căm thù Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản bộc phát, dâng cao.

Tượng Lenin ở Kiev, Ukraine, bị kéo đổ hôm 8 Tháng Mười Hai, 2013.
(Hình: Anatoli Boiko/AFP/Getty Images)

Vào đầu Tháng Tám năm nay, chính quyền tỉnh Sơn La vừa tuyên bố sẽ xây tượng đài Hồ Chí Minh 1,400 tỷ tại đây. Chuyện chưa biết sẽ ra sao, nhưng từ ngày Sơn La có quyết định này, cả nước, và đồng bào hải ngoại không ngớt lên tiếng chê bai, chửi rủa hết lời. Hình ảnh xấu xa của Hồ Chí Minh và bọn cầm quyền vô lại, lại được đưa ra làm mục tiêu cho quần chúng ném đá, trát bùn. Phải chăng đây cũng là một lần trắc nghiệm nữa về hình ảnh của “Bác?”

Bọn bồi bút và ngay cả “chính Bác”(CB) vẫn thường tranh nhau viết về cuộc đời thanh liêm, đơn giản của “Bác.” Tiêu biểu nhất là chuyện “đôi dép râu.”

Trong thời gian kháng chiến, mà sau ngày trở về Hà Nội, “Bác” vẫn đi đôi dép cao su đã mòn vẹt, “bảo vệ” đề nghị với “Bác” mua một đôi dép mới để thay, nhưng “Bác” gạt đi cho là lãng phí! Anh em “bảo vệ” liền tráo một đôi dép khác, không mới để “Bác” khó nhận ra, nhưng còn tươm tất. Nhưng cuối cùng “Bác” cũng biết, và nằng nặc đòi bảo vệ trả lại đôi dép cũ cho “Bác!”

Trong thư gửi Báo Vệ Quốc Quân vào Tháng Ba, 1947, “Bác” có câu: “Tuyệt đối không đem của công dùng vào việc tư, không động đến cái kim sợi chỉ của dân; khi đến đóng, lúc kéo đi, phải giữ gìn nhà, vườn của dân cho sạch sẽ; mua bán phải công bình, mượn cái gì phải trả tử tế, hỏng cái gì phải bồi thường.”

Chuyện này, đám con cháu “Bác” chuyên làm ngược lại.

Trong di chúc trước khi “bước sang từ trần,” “Bác” đã dặn phải thiêu xác và rải tro đi khắp nước, tuy nhiên chúng nó không chịu thiêu “Bác” mà rình rang xây lăng mộ như các bậc vua chúa thời xưa. Số tiền tốn kém cho lăng này không bao giờ được tiết lộ, nhưng chỉ việc phải nhờ chuyên viên ướp xác Liên Xô, lăng chống được bom đạn, địa chấn, được xây dựng bằng đủ các thứ gỗ, đá, cây trồng quý giá vận chuyển từ khắp các địa phương trong nước, trong lúc còn chiến tranh thì tổn phí phải nói là không nhỏ.

Xây lăng xong, Bắc Việt phải nghĩ đến việc bảo vệ lăng.

Để bảo vệ lăng “Bác” một đơn vị quân đội được đặt tên là Đoàn 969 với quân số của một sư đoàn (10,000 người) do nhân dân đóng thuế nuôi, chỉ dùng cho mỗi việc bảo vệ một các xác khô. Bảo vệ là đúng, vì chúng ta còn nhớ, vào ngày 3 Tháng Hai, 2014, bốn thành viên của Pháp Luân Công đã mang búa tạ vào để đập bể lăng “Bác.”

Về chuyện “không động đến cái kim sợi chỉ của dân; …mua bán phải công bình, mượn cái gì phải trả tử tế, hỏng cái gì phải bồi thường” như lời “Bác” dạy thì chúng không thèm “động đến cái kim sợi chỉ của dân” nhưng tham ô, cướp đất, đuổi nhà, làm giàu trên chuyện tham ô, hối lộ khiến cho đảng càng ngày càng giàu mà dân mỗi năm mỗi đói.

Câu kinh nhật tụng của bọn tham ô vận dụng để xây tượng “Bác” là “nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm” của đồng bào các dân tộc, trong khi thật sự nguyện vọng của đồng bào xứ này là cầu cho có bữa cơm no, có trường cho trẻ em học đàng hoàng và đến trường khỏi đu dây “biệt kích!” Trong khi nguyện vọng của chính quyền là muốn có thêm tiền bỏ túi.

Chúng ta khó tưởng tượng ra là hiện nay trên cả nước đã có 134 tượng đài “Bác” xây dựng trong khuôn viên trụ sở cơ quan, đơn vị, trong đó có tới 45 tượng “Bác” với bộ đội Biên Phòng và “Bác” đứng ngồi tại các quảng trường là 31 cái.

Như vậy cũng chưa đủ, hiện nay chúng còn muốn xây thêm 58 tượng đài “Bác” nữa, theo đề nghị ở các tỉnh đủ loại như “Bác” đứng vẫy tay chào, “Bác” ngồi đọc sách, “Bác” với các cháu thiếu nhi, “Bác” với đồng bào dân tộc… Đại khái là sẽ có tượng đài “Bác” với thanh niên xung phong ở tỉnh Bắc Kạn; tượng “Bác” với nông dân ở Thái Bình; tượng “Bác” và bố “Bác” tại Bình Định… Các tỉnh được hưởng “xái” xây tượng đài là Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Ngay tại Tòa Đô Chánh cũ ở Sài Gòn trước đây đã xây tượng “Bác” ngồi đọc sách, có lẽ ngồi lâu sợ “Bác” đau lưng, không tiếc tiền của dân, Cộng Sản đập đi và thay vào đó là bức tượng “Bác” đứng, lại khánh thành tưng bừng, có các em chân dài múa may trước mặt “Bác.” Các tỉnh tranh nhau để được xây tượng “Bác.” Bắc Ninh nói: “Tỉnh có vinh dự đón Bác 18 lần, vậy mà chưa có tượng đài nào!” Hải Phòng cũng khiếu nại muốn dựng tượng Bác vì “Bác” đã chín lần về thăm Hải Phòng. Như vậy rồi đây, tượng “Bác” sẽ lềnh khênh, ra ngõ là “gặp anh… hồ!”

Sẽ có tượng “Bác” ở làng Sen, nơi Bác sinh ra; ở Pắc Bó nơi “Bác” tắm suối và gặp mẹ của Nông Đức Mạnh; ở số 66 Hàng Bông Nhuộm, nơi xảy ra mối tình “Bác” với Nông Thị Xuân; ở Phan Thiết, nơi “Bác” đi qua, ở bến Nhà Rồng nơi “Bác” lên tàu… Ôi làm sao kể xiết những dấu chân của “Bác” để lại!

Việt Nam sẽ điên đầu với những tượng đài!

Với chủ trương tôn sùng cá nhân, tượng đài các quốc gia Cộng Sản mọc lên như nấm sau cơn mưa. Từ Lenin, Stalin, cho đến Mao Trạch Đông, cha con nhà họ Kim II-sung, Kim Jong-il, và Hồ Chí Minh. Cũng theo thứ tự như thế, lần lượt các chế độ Cộng Sản tàn lụi trên trái đất, sẽ chôn vùi theo các tượng đài.

Những năm gần đây, thế giới đã muốn xóa bỏ dấu tích của quá khứ Cộng Sản. Năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ một thời gian, hàng ngàn người tụ tập ở quảng trường Dushanbe (thủ đô của Tajikistan), kéo sập tượng Lenin. Năm 1994, chính quyền Hungary đã quyết định hạ tượng Karl Marx ở khuôn viên đại học Corvinus, và ở khắp nơi các tượng đài Lenin, Stalin đều đã bị phá bỏ.

Cuối năm 2012, Mông Cổ đã cho dỡ bỏ bức tượng Lenin cuối cùng khỏi thủ đô Ulan-Bator. Tháng Tám, 2013, tượng Lenin ở Kiev đã bị giật sập, khởi đầu từ đó, tượng của Lenin trở thành mục tiêu phá bỏ tại các thành phố Ukraina khác như Zhytomyr, Boyarka, Slavuta, Bila Tserkva, Khmelnitsky và Bila Tservka.

Trong khi ở Việt Nam, ông Lenin của nước Nga vẫn còn đứng ở vườn hoa nước mình!

Ngày nay Stalingrad đã trở lại với Volgograd, Leningrad đã trả lại cái tên cũ là Saint Petersburg.

Thành phố Hồ Chí Minh ngày trở lại tên Sài Gòn là lúc dân chúng Việt Nam “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc…” chúng ta kéo nhau đi đập nát những tượng đài…

Nỗi nhục của tượng đài không phải là lúc bị lật đổ, mà cả những lúc được dựng lên trong nỗi ta oán của quần chúng. Đó cũng là một lối tiêu xài hoang phí của đám cầm quyền trên nỗi lầm than, cơ cực của những người dân sống chung quanh tượng đài.

Sài Gòn và Hà Nội

Sài Gòn và Hà Nội

Tạp ghi Huy Phương

Sau khi đi tù về vài năm, khoảng 1985, tôi có mở một tiệm làm hình và tráng phim gia công trên đường Lý Thái Tổ, Sài Gòn.

Nhờ vậy, ở đây tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người đủ mọi tầng lớp xã hội và ở khắp mọi miền, nhất là dân miền Bắc, sau Tháng Tư, 1975, đổ xô vào Nam kiếm ăn rất nhiều. Vì dù miền Nam sau ngày “giải phóng” đã xuống cấp tột cùng, trông cũng còn khá giả, tươm tất hơn ở miền Bắc sau 20 năm dưới chế độ cộng sản.

Sài Gòn ngày nay. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Một ngày nọ, tôi gặp một người trung niên miền Bắc, trông mặt mày cũng khôi ngô, nhưng áo quần nhàu nát, làn da xanh mét như người thiếu ăn, anh vào tiệm, ngửa tay ra, nói mấy câu. Nghe giọng nói tôi biết ngay là người này ở ngoài Bắc mới vào, đang hành nghề xin ăn.

Tôi hỏi anh, “Tận ngoài Bắc, sao anh vào đây đi ăn xin?”

Không hề ngượng nghịu, anh nói rõ, “Vào đây xin 10 người cũng có được 6 người móc túi cho, lại chẳng bao giờ bị chửi bới. Ngoài Bắc, nhất là Hà Nội, thì đừng hòng! Có mà chết đói.”

Ðó là điều tôi nhận ra, như vậy là có sự khác biệt nhau giữa Sài Gòn và Hà Nội. Hà Nội đại diện cho miền Bắc và Sài Gòn phản ánh cho những đặc tính của miền Nam.

Cộng Sản vào không phải làm điện khí hóa cho nông thôn trở thành thành thị, nhưng thật tình đã “nông thôn hóa” thành thị, nên dân Sài Gòn thường trực bị cúp điện, nhiều nơi tìm cách đào giếng để kiếm nước và sẵn sàng bới sân gạch lên để trồng khoai lang cải thiện, hay như ông bạn tôi ở chung cư Thanh Ða, bớt chỗ sinh hoạt để nuôi hai con heo nái trên sân thượng.

Sài Gòn sau thời gian đổi tên, nguyên do chỉ vì cái bến Nhà Rồng chết tiệt, chẳng mấy chốc xuống gần bằng Hà Nội. Bằng Hà Nội hơn, nhất là sau khi họ ồ ạt “vào thành phố” như một câu hát của Trịnh Công Sơn, với những “cửa hàng thịt phụ nữ,” “cửa hàng chất đốt thanh niên” mọc ra, cái cảnh phơi áo quần trên cửa sổ, treo khăn lông trong “xe con,” nuôi heo, trồng rau ngay trong sân nhà, hay hai anh bộ đội lái xe khác chiều dừng xe ngay giữa lộ để nói chuyện với nhau, bất cần tiếng chửi của thiên hạ.

Mới thoạt nhìn, Sài Gòn bỏ ngỏ và bắt đầu nhếch nhác giống Hà Nội, nhưng sự thật trong gan ruột, hai thành phố đối cực, đối đầu này đang có những điều khác biệt, một bên là “nơi hang ổ cuối cùng và đâu cũng thấy tàn dư Mỹ Ngụy,” và Hà Nội, “thủ đô của lương tri, phẩm giá con người!” Vì vậy mà ngày nay, sau gần 40 năm “thống nhất” người ta còn đi tìm và thấy ra có quá nhiều khác biệt giữa Sài Gòn, Hà Nội. Cách biệt vì cách đối xử chính trị như vậy, trách sao Sài Gòn và Hà Nội không cách biệt về văn hóa, mặc dầu lúc nào hai bên cũng cho bên kia là “quê hương tù dày!” Tuy vậy, Hà Nội thắt lưng, buộc bụng, tẩy não, “dốc hết hạt gạo, cục muối cho miền Nam đánh Mỹ,” làm sao so được với Sài Gòn “bơ thừa sữa cặn!”

Nói về giáo dục, sau Tháng Tư, 1975, đồng bào và thầy cô giáo miền Nam hẳn đã biết loại văn hóa ăn nói vô lễ, thô tục của lũ trẻ miền Bắc mới vào Nam, vì miền Bắc không có khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn” treo trong các lớp tiểu học. Ngày ra Bắc, lên tận Hoàng Liên Sơn, tôi đã trông thấy những nét văn hóa tiêu biểu, được viết bậy lên vách tường nhà trường tiểu học, chưa kịp xóa sạch, nói đến sự quan hệ của ngành công an và giáo dục: “Công An (đ.) Cô Giáo!”

Trên đường làng Cẩm Nhân, Yên Bái, chúng tôi đi ngang một nhà giữ trẻ của hợp tác xã, nghe tiếng trẻ khóc la và tiếng quát của một phụ nữ: “Bố mẹ chúng mày đéo cho lắm vào, để chúng mày làm khổ thân bà!” “Bà” đây là người giữ trẻ của hợp tác xã nông nghiệp, bà có nhiệm vụ giữ trẻ thì khỏi ra đồng như các hợp tác xã viên khác. Liệu lũ trẻ này lớn lên dưới sự chăm sóc của những người này này, ngôn ngữ của chúng sẽ ra sao?

Trên các blog và báo chí trong nước, đề tài “những sự khác biệt giữ Sài Gòn và Hà Nội” tương đối là một đề tài hấp dẫn.

Tôi dẫn một vài ví dụ:

Giao tiếp:

– Ở Sài Gòn, bạn dửng dưng khi thấy cô bán hàng cúi gập người chào bạn.
– Ở Hà Nội, bạn xúc động đến sững sờ khi thấy ai đó nói lời cảm ơn.

Hàng quán:

– Tô hủ tíu mì Sài Gòn được bưng ra với tô được đặt trên chiếc đĩa.
– Bát phở gà Hà Nội được khuyến mại với ngón tay cái của con bé bưng bê!

Ca ve:

– Khi bạn vừa thanh toán xong tiền cho cave…

Cave Hà Nội: “Cho em xin thêm 10 nghìn để còn đi xe ôm về.”
Cave Sài Gòn: “Em bớt cho anh 10 ngàn, lần sau nhớ kiu em nha!”

Nhà sách:

– Hà Nội: Nhân viên hách dịch.
– Sài Gòn: Vào đọc chùa thoải mái, nhất là các em bé, có thể ngồi tại chỗ đọc mà không sợ bị đuổi!

Trong quán ăn:

– Sài Gòn: “Vâng em làm ngay đây.”
– Hà Nội: “Làm gì mà cuống lên thế! Muốn nhanh thì xéo sang hàng khác!”

Bạn bè:

– Hà Nội: Hay để bụng, ghét mà trước mặt vẫn chơi, về nhà nói xấu.
– Sài Gòn: Mau huề, ghét là biến, không chạm mặt!

Nhưng liệu những sự khác biệt này kéo dài được bao lâu nữa? Bây giờ, Sài Gòn và Hà Nội đã bắt đầu đầu giống nhau, ảnh hưởng và bị đồng hóa, vì người Nam ra Bắc thì ít mà người Bắc vô Nam càng ngày càng đông, như một người tên Jor Dan viết trên blog: “Mỗi người có một cách suy nghĩ riêng. Nhưng đa phần chỉ nói yêu Hà Nội, nhưng lại thích được sống ở Sài Gòn. Ca sĩ Hà Nội vào Sài Gòn lập nghiệp nhiều quá còn gì!”

Sau gần 40 năm bây giờ hai thành phố này đã có những chuyện giống nhau. Ở đâu cũng kẹt xe kinh khủng, và sau một trận mưa, không chỉ ở thành phố “bác” mà ở Hà… cũng lội!

Vô kỷ luật:

Sinh viên:

– Hà Nội: Nhiều em cave trông như sinh viên.
– Sài Gòn: Nhiều em sinh viên trông như cave.

Giao thông:

– Sài Gòn: Bạn có thể vượt đèn đỏ thoải mái.
– Hà Nội: Bạn có thể lượn lờ trước mũi xe hơi.

Chúng ta không hy vọng gì Hà Nội và Sài Gòn sẽ mãi mãi khác nhau. Sự đồng hóa và việc di dân ồ ạt sẽ làm cho Sài Gòn càng ngày càng gần với Hà Nội. Ðiều rõ nhất là Hà Nội trước năm 1954 và Hà Nội bây giờ hoàn toàn khác nhau. Năm 1954, sau Hiệp Ðịnh Geneva, một số người đã mang sự thanh lịch của Hà Thành năm xưa đi xa, để “Hà Lội” ngày nay cho những người mới vào tiếp thu, từ giọng nói đến văn hóa cư xử đã hoàn toàn khác biệt.

Người Sài Gòn hôm nay sẽ không còn là người Sài Gòn của những ngày tháng cũ, tất cả chỉ còn là chuyện thời gian.

Chỉ sợ sau ngày Sài Gòn trở lại tên cũ, chất Sài Gòn sẽ không còn nữa.

‘Mồm loa mép giải’

‘Mồm loa mép giải’

Nguoi-viet.com

Tạp ghi Huy Phương

Thành ngữ “mồm loa mép giải” của Việt Nam có nghĩa là “to tiếng và lắm lời, nói át cả người khác.” Một định nghĩa khác gay gắt hơn là “lắm mồm, ngoa ngoắt, đanh đá, luôn lấn át người khác, bất chấp cả đúng hay sai!”

Những cái loa phóng thanh ở phố phường Hà Nội.
(Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Thành ngữ này làm chúng ta nhớ đến cái loa.

Loa và cái mã tấu là hai dụng cụ đáng sợ nhất thời Việt Minh. Ở những vùng “xôi đậu,” nửa đêm nghe giọng nói oang oang qua chiếc loa giấy kết tội Việt gian là sáng ra, thế nào cũng thấy một xác người bị cắt họng hay mất đầu nằm ngoài ngõ. Ba mươi năm từ mã tấu đến AK, rồi tên lửa, cái loa cũng thay hình đổi dạng, từ thời thô sơ làm bằng giấy bồi đến thời hiện đại, loa sắt có đường kính 1.7 m, có công suất từ 500w đến 600w do Liên Xô và Trung Cộng viện trợ.

Trong một bài trước, chúng tôi khi viết bài cái cột đèn có nhắc tới một vật gắn liền, đè đầu cưỡi cổ cái cột đèn, làm khổ lỗ tai, nhức đầu thiên hạ là cái loa.

Nói về loa, tài liệu trong nước cho biết loa thường gắn thành cụm (chùm), mỗi cụm thường có hai đến ba loa, các cụm loa đặt cách nhau từ 400 đến 600 mét.

Mỗi xã có từ 12 đến 20 cụm loa, ở các huyện thị trên toàn quốc có trung bình từ 300 đến 400 loa. Cả nước có 698 huyện, nên tổng số loa trong cả nước là 279,000 cái.

Theo tài liệu của Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn nêu ra, thì trong cả nước Việt Nam hiện nay có 900,000 cái loa (http://press.anu.edu.au/wp-content/uploads/2013/11/Vietnam.pdf.) Hệ thống loa tiếp cận dân số hơn 58 triệu người (chiếm 67.1% dân số Việt Nam). Như vậy cứ hai người dân xã hội chủ nghĩa thì có hơn một người phải chịu cảnh đày đọa tra tấn của cái loa phóng thanh mỗi ngày.

Con số loa nêu ở trên còn ít ỏi nếu so với loa thời nay. Xã Tả Phời, thuộc thành phố Lào Cai, theo quy định của Bộ Thông Tin và Truyền Thông, toàn phố đã lắp đặt 380 cụm loa, với tổng số 900 loa công cộng, chuyển âm thanh từ 85% 2010 lên 90% năm 2014, 100% (theo Nghị Quyết Đại Hội Chi Bộ 2010-2015). Loa trong XHCN không những sắp đặt san sát, mà năng suất của loa càng ngày càng lớn đủ sức làm cho người dân chảy máu tai.

Thời gian trước năm 1975, ở bờ Bắc Bến Hải, Cộng Sản Bắc Việt đã lắp đặt những chiếc loa có công suất 500W với đường kính rộng đến 1.7m và bổ sung thêm 20 loa loại 50W, bốn loa loại 250W của Liên Xô.

Bắc Việt lấy lý do “đài địch” ở bờ Nam, Tháng Tám, 1963, quyết định xây dựng một mạng lưới loa dày đặc dọc theo tuyến bờ bắc sông Bến Hải. Bốn cụm loa 500W được mọc lên (mỗi cụm gồm 20 loa nén loại 25w), thêm ba cụm loa cực mạnh ở Hiền Lương, mỗi cụm loa 1,000w gồm 40 loa loại 25w. Tại mỗi cụm, loa được gắn vào một dàn sắt kiên cố hình chữ nhật đứng trên hai trụ bê tông cốt thép cao 11 m, hướng miệng loa sang bờ Nam. Họ khoe là mỗi lần hệ thống loa cất lên “giống như sấm rền, làm cả một vùng sông nước cứ sôi lên ùng ục!” Như vậy chưa đủ, Bắc Việt xây thêm trạm tiếp âm lớn đặt ở ngã ba Hiền Lương với hai máy khuếch âm 10,000W. Vĩnh Linh còn có một xe lưu động có máy nổ riêng, gắn loa 180W và loa đại có công suất 500W do Trung Cộng sản xuất.

Hệ thống loa là để tuyên truyền nhắm về phía Nam, nhưng ai nghe?

Truyền thông miền Bắc nói rằng “đêm đêm, nhân dân bờ Nam ngóng về phương Bắc, lặng lẽ lấy ảnh Bác Hồ được cất giấu kỹ ra xem và cầu mong lực lượng vũ trang miền Bắc tấn công tiêu diệt hết lũ xâm lược…” hay “những ngày lễ tết, đoàn văn công trung ương từ miền Bắc vào thường ghép thuyền, dựng sân khấu bên mép sông để biểu diễn cho nhân dân xem, người dân mà cả lính miền Nam cũng đổ ra bờ sông để ngóng vọng sang thưởng thức. Nội dung tin, bài rất phong phú, đa dạng… hấp dẫn đến mức cảnh sát bờ Nam đến giờ đài Vĩnh Linh phát sóng là lẳng lặng bấm nhau trốn ra nơi vắng để nghe,” và “một số cảnh sát ngụy háo hức đứng xem văn nghệ,” và “nghe tiếng loa vang lên, mặc dù bị lính ngụy ngăn cản, đồng bào bờ Nam vẫn đổ xô đứng dọc bờ sông Bến Hải hoan hô, reo hò: ‘Bà con ơi, o Nhạn, eng Tích chưa chết. Đài Vĩnh Linh còn. Quốc gia nói láo!’”

Thậm chí “lợi dụng lúc pháo sáng của ta bắn sang, bà con các xã ven sông như Trung Sơn, Xuân Mỹ, Bạch Lộc… hô nhau chạy ùa ra sông, lội bộ sang bờ Bắc” … “một số binh lính ngụy ngồi trên một xe quân sự chạy thẳng qua cầu Hiền Lương để cố vượt sang phía ta, song chiếc ô tô bị cảnh sát ngụy bắn thủng lốp và tất cả xuống xe chạy bộ, đều bị chúng bắt lại, tống vào nhà tù…”

Đúng là miệng lưỡi XHCN: “Xạo Hết Chỗ Nói!”

Những ai đã từng đi du lịch Dubai, Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, một xứ theo Hồi Giáo, dù ở đâu, trong khách sạn sang trọng hay ngoài đường phố, mỗi ngày ba lần, đều phải chịu cảnh tra tấn bằng cách phải nghe kinh Koran qua những chiếc loa mà công suất không kém loa Hà Nội.

Trong một bài viết về cái loa, Giáo Sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc đã phát biểu, “Tôi nghĩ cái loa phường ở Việt Nam cũng là một loại nghi thức tôn giáo, nhưng chỉ có khác là nó rè và cũ mèm hơn cái loa bên Saudi Arabia.”

Du khách đến Hà Nội cũng phải chịu cảnh tra tấn tương tự bằng những chiếc loa chõ mồm vào cửa sổ khách sạn, oang oang vào lúc 5 giờ sáng, và những du khách đã đi nhiều nơi, ngạc nhiên vì họ đã gặp loại tuyên truyền này “ở Moscow năm 1956 thì nay nó xuất hiện (hay tồn tại) ở một quốc gia Đông Nam Á vào năm 2014.”

Người ta không hiểu vì sao trong một thời đại văn minh như hiện nay, Việt Nam còn cần đến cái loa sắt kiểu này? Một cái loa không đem lại kiến thức gì cho con người mà chỉ nhồi nhét vào tai của người dân, theo ký giả Michael Totten, một ký giả người Mỹ thường viết về Việt Nam, “những loại ‘rác rưởi’ (bullshit) bất kể người dân có thích hay không!”

Nếu nay mai, chế độ Cộng Sản tàn mạt trên đất nước Việt Nam, thì thể chế mới, xin làm ơn dẹp hết 900,000 cái loa, đem bán ve chai, vì quả cái loa, nó là một điều gì ám ảnh, một ám ảnh khôn nguôi về cái bóng ma Cộng Sản, từ thời Việt Minh cho đến hôm nay.